Thông báo

Collapse
No announcement yet.

"Những Ngày Xưa Thân Ái" và Phạm Thế Mỹ

Collapse
X

"Những Ngày Xưa Thân Ái" và Phạm Thế Mỹ

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • "Những Ngày Xưa Thân Ái" và Phạm Thế Mỹ


    Trong số những nhạc sỹ sống ở miền Nam viết về đề tài lính và chiến tranh, nhạc sỹ Phạm Thế Mỹ đã để lại những dấu ấn sâu đậm khó phai mờ. Ông không quá thi vị đời lính như Trần Thiện Thanh, cũng không phản chiến mạnh mẽ như Trịnh Công Sơn. Thế nhưng với “Trăng Tàn Trên Hè Phố” hay “Những Ngày Xưa Thân Ái”, một thế hệ thanh niên miền Nam và ngay cả thế hệ sau 1975 như chúng tôi phần nào cảm nhận được thế nào là chiến tranh, là hy sinh mất mát nhưng trên hết là tình người, tình anh em.

    Nhưng ít người biết rằng bản “Những Ngày Xưa Thân Ái” nhạc sỹ Phạm Thế Mỹ đã lấy ý trong một bài thơ của chính người anh ruột là nhà thơ Phạm Hổ.
    http://www.dongnhacxua.com/nhung-nga...ai-pham-the-my


    "...Bài thơ “Những Ngày Xưa Thân Ái” của thi sĩ Phạm Hổ, người Bình Định, sáng tác sau khi tập kết ra Bắc được hai năm. Ông là một trong những người sáng lập Hội Nhà Văn miền Bắc và cũng là một trong những nhân vật đầu tiên hình thành nhà xuất bản Kim Đồng. Ông cũng đã từng là Phó trưởng ban đối ngoại của Hội Nhà văn CS Việt Nam và là Chủ tịch Hội đồng văn học thiếu nhi của Hội Nhà Văn này.

    Bài thơ “Những Ngày Xưa Thân Ái” của Phạm Hổ

    Tôi bắn hắn rồi
    Những ngày xưa thân ái
    Không ngăn nổi tay tôi
    Những ngày xưa thân ái
    Chắc hắn quên rồi
    Riêng tôi, tôi nhớ:
    Đồng làng mênh mông biển lúa
    Sương mai đáp trắng cỏ đường
    Hai đứa tôi,
    Sách vở cặp chung
    Áo quần nhàu giấc ngủ
    Song song bước nhỏ chân trần
    Gói cơm mo mẹ vắt xách tùng tơn
    Nón rộng hỏng quai
    Trong túi hộp diêm nhốt dế
    Những ngày xưa êm đẹp thế
    Không đem chung hai đứa một ngày mai
    Hắn bỏ làng theo giặc mấy năm nay
    Tôi buồn tôi giận,
    Đêm nay gặp hắn,
    Tôi bắn hắn rồi
    Những ngày xưa thân ái
    Không ngăn nổi tay tôi
    Xác hắn nằm bờ ruộng
    Không phải hắn thuở xưa
    Tôi cúi nhìn mặt hắn
    Tiếc hắn thời ấu thơ.



    Bài hát "Những Ngày Xưa Thân Ái” của Phạm Thế Mỹ



    Những ngày xưa thân ái anh gởi lại cho ai
    Gió mùa xuân êm đưa rung hàng cây lưa thưa
    Anh cùng tôi bước nhỏ áo quần nhăn giấc ngủ
    Đi tìm chim sáo nở ôi bây giờ anh còn nhớ ?

    Những ngày xưa thân ái xin gởi lại cho ai
    Trăng mùa thu lên cao khóm dừa xanh lao xao
    Anh cùng tôi trốn ngủ ra ngồi hiên lá đổ
    Trong bầy chim trắng hiền mơ một nàng tiên dịu hiền

    Đêm đêm nằm nghe súng nổ giữa rừng khuya thác đổ, anh còn nhắc tên tôi ?
    Đêm đêm nhìn trăng sáng tỏ bên đồi hoa trắng nở, cuộc đời anh có vui ?
    Thời gian qua mau tìm anh nơi đâu
    Tôi về qua xóm nhỏ con đò nay đã già
    Nghe tin anh gục ngã
    Dừng chân quán năm xưa
    Uống nước dừa hay nước mắt quê hương

    Những đường xưa phố cũ thôi nỡ đành quên sao
    Xin gọi lại tên anh giữa trời sao long lanh
    Anh giờ yên giấc ngủ tôi nằm nghe súng nổ
    Như lời anh nhắc nhở ôi câm hờn dâng ngập lối
    Những ngày xưa thân ái xin buộc vào tương lai
    Anh còn gì cho tôi tôi còn gì cho em
    Chỉ còn tay súng nhỏ giữa rừng sâu giết thù
    Những ngày xưa thân ái xin gởi lại cho em


    Bằng nhạc điệu và lời ca nó đã diển đạt được những nỗi niềm thầm kín của người trai thời chiến. Nó chẳng những đáp ứng được nhu cầu tâm lý của đại đa số người lính đang chiến đấu ngoài chiến trường mà còn có khả năng diễn đạt cái tình cảm thiêng liêng của những người có chung lý tưởng chiến đấu bảo vệ quê hương Miền Nam tự do còn lại của mình lúc bấy giờ. Thế nên, sau này ở vào giai đoạn cuộc chiến khốc liệt nhất, hàng hàng lớp lớp trẻ chúng tôi đi vào quân đội đã mang theo những nhạc phẩm này khắp nẻo đường đất nước như một món ăn nhiều dinh dưỡng. Cảm ơn những nhạc sĩ tài hoa đã dâng cho đời những cung bậc rung cảm, tuy sáng tác trong thời kỳ khói lửa chiến chinh nhưng vẫn lãng đãng chất lãng mạn và đầy tính nhân bản. Riêng ở miền Bắc, nó đã bị ghép vào loại nhạc với cái tên “quỷ ma” gì đó như bao thân phận của những nhạc phẩm trữ tình thời tiền chiến và lẽ đương nhiên là bị cấm.

    ...Nhạc phẩm “Những Ngày Xưa Thân Ái” thì tôi biết và thích đến vậy, riêng bài thơ “Những Ngày Xưa Thân Ái” của thi sĩ Phạm Hổ thì tôi hoàn toàn mù tịt, chỉ đợi cho đến khi đi tù “cải tạo” và sau này qua tìm hiểu tôi mới biết bài thơ quay lưng lại với tình cảm thiêng liêng tự nhiên của con người và nuôi dưỡng lòng hận thù này là của thi sĩ Phạm Hổ, anh ruột của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ.
    Chắc là nhờ có lòng căm thù và quyết tâm cao như vậy nên chi ông đã được đảng và nhà nước bố trí công tác tại Hội Nhà Văn với chức vụ Chủ tịch Hội đồng văn học thiếu nhi của hội này thì phải? Do vậy, tôi đã chẳng ngạc nhiên là tại sao nhiều thế hệ trẻ dưới chế độ CS miền Bắc mà tôi thường gặp khi nhắc đến những từ ngữ như: địch ta, mỹ ngụy, chế độ miền Nam hay tư sản mại bản, giai cấp bóc lột là họ tỏ rõ thái độ không thiện cảm ra mặt.

    Tôi cũng được biết thêm là, sau năm 1975 nhạc sĩ tài hoa Phạm Thế Mỹ đã công tác tại Phòng Văn hóa Thông tin Quận 4 Sài Gòn, ông đã tích cực tham gia sáng tác theo phong trào do Đảng tổ chức, nhưng tiếc là không có một sáng tác nào lúc bấy giờ tương xứng với tài hoa đích thực của ông và hình như cũng không có ca sĩ nỗi tiếng nào tự nguyện hát những nhạc phẩm này. Nào là Thắm đượm duyên quê, Lêna Belicova, v.v… và ngay cả bài “Nhớ ơn Bác, nhớ ơn Đảng” mà ông sáng tác dự thi đoạt giải nhất ở phong trào sáng tác của Thành Đoàn vào thập niên 80 cũng như giải nhì Hội Âm nhạc thành phố Hồ Chí Minh cũng đã bị bỏ chìm vào quên lãng.

    Về hưu, sống âm thầm, thiếu thốn tại một căn nhà nhỏ ở Quận 4, Sài Gòn ông mất năm 2009, sau một thời gian dài bệnh tật, ở tuổi 79.

    ...Trở lại trường hợp của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, sau khi ông mất, có một cuộc tranh cãi thật khôi hài để xác định là nên xếp nhạc của ông vào thể loại nào? vàng hay đỏ? cuối cùng người ta tạm đồng ý là xếp vào cả 2 dòng nhạc đối lập này.

    Không hiểu là dựa trên thực tế hay do ngộ nhận mà có người cho rằng trước 1975 thì ông sáng tác nhạc cho người lính VNCH, nhưng sau đó thì lại sáng tác ca ngợi Bác và Đảng. Họ chứng minh bằng những nhạc phẩm viết về lính trước 1975 như, “Những ngày xưa thân ái”, “Thư về em gái thành đô”, “Trăng tàn trên hè phố”,...v.v. Tuy nhiên có người bảo ông viết “Trăng tàn trên hè phố” là viết cho một du kích nằm vùng.

    Anh sống đời trai giữa núi đồi
    Tôi viết bài ca xây đời mới
    Bờ tre quê hương
    Tay súng anh gìn giữ
    Tôi hát vang giữa đời để người vui

    Cũng có người cho rằng những sáng tác trước 75 của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ là những sáng tác được quyện chặt với một tấm lòng nhưng vì đã dùng dằng giữa gia đình và xã hội, một bên là người anh ruột cộng sản thứ thiệt của mình và một bên là xã hội tự do nên đã không có lập trường dứt khoát! Sống với xã hội Miền Nam nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ đã có cơ hội phát triển hết tài năng của mình nhưng rồi chỉ vì tình cảm anh em đã níu kéo hồn ông hướng về phía bên kia chiến tuyến, đến khi làn sóng đỏ phủ ngập miền Nam thì con người nhạc sĩ tài hoa ấy cũng bị nhuộm đỏ. Ông đã không những sáng tác nhạc ca ngợi bác - đảng mà còn lên mặt cả với những bằng hữu nghệ sĩ trước 75. Hơn nữa, ngay cả bản thân ông còn chứng tỏ mình chuyên chính hơn cả những người cộng sản chính hiệu từ Bắc vô Nam. Thật là đáng tiếc!..."


    Trích từ:

    Lê Nam Sơn
    ( https://www.facebook.com/TinhCaMuonT...21299051331500 )


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X