Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Giải Nobel Văn Chương 2015 và sứ mạng nhà văn trong thời đại chúng ta

Collapse
X

Giải Nobel Văn Chương 2015 và sứ mạng nhà văn trong thời đại chúng ta

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Giải Nobel Văn Chương 2015 và sứ mạng nhà văn trong thời đại chúng ta

    Giải Nobel Văn Chương 2015
    và sứ mạng nhà văn trong thời đại chúng ta
    ~~~




    Nhà văn Svetlana Alexievich

    Hôm nay, 8 tháng 10 năm 2015, Hàn Lâm Viện Thụy Điển đã chọn nhà văn nữ 67 tuổi người gốc Belarus, Svetlana Alexievich, là người sẽ nhận giải thưởng Nobel về Văn Chương năm 2015. Trong thông cáo báo chí được truyền đi sáng nay, ủy ban tuyển chọn đã cho rằng “ những tác phẩm nhiều âm điệu của bà là một tượng đài cho sự thống khổ và lòng can đảm trong thời đại chúng ta”.

    Cái tên Svetlana Alexievich vốn không chỉ không mấy quen thuộc với độc giả tiếng Việt mà còn khá xa lạ với người đọc tiếng Anh trên tòan thế giới. Vậy mà trong số các ứng viên nặng ký cho giải văn học năm nay, nữ tác giả người gốc Belarus vượt qua được cả nhà văn Nhật bản rất quen thuộc Haruki Murakami. Bà là người phụ nữ thứ 14 trong tổng số 107 lần trao giải của Hàn Lâm Viện Thụy Điển.

    Vậy chúng ta biết gì về một khuôn mặt vừa được tỏa sáng và xuất hiện trên hầu hết các trang mạng, blog điện tử của thế giới văn học hôm nay?

    Trước hết, bà là một nhà văn, nhà báo lưu vong. Lưu vong trên đất khách, lưu vong ngay trên chính quê hương của mình. Bà sinh ngày 31 tháng 5 năm 1948 ở Ukraine, cha gốc Belarus và mẹ là người Ukraine. Sau Đệ nhị thế chiến, cha của bà được giải ngũ khỏi quân đội Liên Xô và gia đình bà trở về lại Belarus sinh sống. Bà theo học ngành Báo chí, đã từng viết bài về thảm họa hạt nhân ở Chernobyl năm 1987, về cuộc chiến ở Afghanistan với sự tham dự của Hồng quân Liên Xô và các sự kiện nổi bất khác.

    Năm 2000, Alexievich bị buộc phải rời khỏi quê hương vì bị chế độ Lukashenko kết án do những sự chỉ trích của bà về chính sách độc tài tòan trị của chính quyền Belarus. Cuộc lưu vong trên những mảnh đất tự do châu Âu Thụy Điển, Đức, Pháp của nhà văn kéo dài 11 năm để cuối cùng, bà trở về lại Minks (thủ đô Belarus) từ năm 2011 cho đến nay. Chính Svetlana Alexievich đã tuyên bố rằng “Không một nhà văn (chân chính) nào có thể sống yên ổn trong lòng một chế độ độc tài tòan trị”.

    Giờ đây, sống trên mảnh đất quê nhà, bà vẫn mang trong lòng cảm thức lưu vong, nhưng với giải thưởng cao quý nhất vừa nhận được, bà cho rằng “Tiếng nói của tôi sẽ có trọng lượng hơn trước đây rất nhiều. Sẽ không dễ dàng cho những kẻ cầm quyền có thể xua đuổi tôi với chỉ một cái phẩy tay. Họ sẽ phải lắng nghe tôi, dù rằng Lukashenko đang giả vờ như không hề biết có tôi hiện hữu trên đất nước này… Bởi vì giải thưởng này không chỉ dành cho riêng cá nhân tôi, mà là cho nền văn hóa của chúng tôi, cho đất nước nhỏ bé của chúng tôi bị kẹt giữa cỗ máy nghiền của lịch sử.”

    Ngay giữa thủ đô Minks của chính quyền độc tài Belarus, nhà văn đã có thể dõng dạc nói rằng “Trong thời đại của chúng ta, thật khó khăn khi muốn làm một con người trung thực. Và với giải thưởng này, cuộc chiến giành quyền tự do tư tưởng, tự do báo chí ở Belarus, ở Nga sẽ trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết”.

    Chính ở tính cách không khoan nhượng ở người phụ nữ 67 tuổi này, các tác phẩm của bà đã thể hiện được tính nhân bản, sức mạnh không thể thiếu của một nhà văn khi đối đầu thường trực với nhà cầm quyền tòan trị, dù ở bất cứ đâu.

    Tính cách ấy bộc lộ ngay từ cách bà chọn lựa thể lọai để nói lên suy nghĩ và cách nhìn thế giới của mình. Svetlana Alexievich là một trong số hiếm hoi nhà văn viết những tác phẩm phi hư cấu (non-fiction) nhận giải thưởng Nobel về văn chương. Tác phẩm của bà dựa trên những sự kiện lịch sử có thật như thảm họa hạt nhân ở Chernobyl, sự tham dự của quân đội Liên Xô vào cuộc chiến tranh ở Afghanistan, chiến tranh thế giới lần thứ hai, sự tan rã của đế chế Xô Viết v..v.. Nhân vật của bà chính là những con người bằng xương bằng thịt, với những cái chết có thực, với những nỗi thống khổ có thực, kể lại câu chuyện của mình trong hàng trăm ngàn những mảnh đời có thực. Trước những tiếng kêu thống thiết từ những con người nạn nhân của những thảm kịch có thực ấy, nhà văn, Svetlana Alexievich chỉ là công việc ghi chép lại, như một người chép sử.

    "Tôi không chỉ ghi lại những trang sử khô khan đầy ắp dữ kiện. Tôi đang ghi lại lịch sử những cảm thức của con người”. Đó là những trang sử của cảm xúc, của nỗi thống khổ.

    Thế nên, không lạ gì khi người ta biết thêm rằng để viết được những tác phẩm của mình, bà đã tiếp xúc với hàng trăm, hàng ngàn những con người nạn nhân của những thảm kịch đã xẩy ra, những phụ nữ sống sót sau chiến tranh thế giới thứ hai, những thanh niên trở về từ bãi chiến trường Afghanistan, những con người còn đang chịu đựng hậu quả tàn nhẫn của vụ nổ hạt nhân ở Chernobyl v..v.. Bà đã lắng nghe, cảm nhận từng nỗi sợ hãi, từng cơn giận dữ, từng giọt nước mắt chịu đựng, từng cảm thức đầu hàng nghịch cảnh, số phận. Các nhà văn khác viết bằng bút, nhưng Svetlana Alexievich viết nên những tác phẩm của mình bằng tai. Và hiển nhiên, bằng cả trái tim của người đã từng biết đau khổ.

    Nhà văn lưu vong trở về lại quê hương năm 2011 vì, theo bà, bà chỉ có thể sáng tác được khi sống trên mảnh đất quê nhà, ở Belarus, nơi mà bà “có thể nghe tiếng người nói chuyện trên đường phố, trong quán cà phê, nơi một góc hẻm hàng xóm… Nếu tôi không nghe được những âm thanh này, tác phẩm của tôi không còn là tác phẩm mà tôi muốn viết nữa. Vì thế, bỏ nước ra đi, với tôi không bao giờ là một sự lựa chọn.”

    Từ đó, nhiệm vụ của nhà văn đã được vạch ra thật rõ ràng:

    “Điều duy nhất làm tôi luôn nhức nhối là câu hỏi: tại sao chúng ta không học được điều gì từ những nỗi thống khổ mà chúng ta đang phải gánh chịu? Tại sao chúng ta không thể nói: tôi không muốn làm người nô lệ thêm một ngày nào nữa? Tại sao chúng ta cứ tiếp tục chịu thống khổ mà không hề phản kháng? Tại sao chúng ta cứ xem nó như là gánh nặng phải mang, là số phận phải cam chịu? Tôi không có câu trả lời. Nhưng tôi muốn những tác phẩm của mình gợi lên được những suy nghĩ từ người đọc, để từ đó, họ đi tìm câu trả lời cho chính mình.”

    Thật sòng phẳng, sự sòng phẳng hiếm hoi đến từ tâm thức một người phụ nữ, dù người phụ nữ ấy là một nhà văn.

    Nhìn lại những tác phẩm của Svetlana Alexievich, không nhiều, nhưng ngay từ nhan đề, người đọc đã biết được nhà văn đang muốn xóay trọng tâm của mình vào vấn đề gì.

    Hãy xem:

    War’s Unwomanly Face (1985) là tập hợp những bài phỏng vấn hàng trăm trong số hàng triệu phụ nữ Nga tham dự đệ nhị thế chiến trong vai trò lính bộ binh, xạ thủ bắn tỉa, y tá, bác sĩ. Viên thư ký thường trực ủy ban trao giải Thụy Điển Sara Danius khuyên chúng ta nên đọc vì tác phẩm “ mang chúng ta đến gần với mỗi con người riêng lẻ” với tư cách người vợ, người mẹ, người em, người chị, người bạn.

    Zinky Boys: The Record of a lost Generation (1992). Câu chuyện về những thanh niên được gởi từ chiến trường Afghanistan về lại nhà, luôn luôn trong những chiếc quan tài bằng kẽm. Julia Robin Whitby, người chuyển ngữ sang tiếng Anh, cho rằng “ những thanh niên, thiếu nữ xuât hiện trên những trang giấy của tác phẩm này không cần thiết phải được giới thiệu. Họ đã tự làm việc đó bằng chính sự xuất hiện của mình.

    Voices from Chernobyl: the Oral History of a Nuclear Dissaster (2006). Câu chuyện về vụ nổ nhà máy hạt nhân ở Chernobyl ngày 26 tháng 4 năm 1986. Để đối phó với thảm họa chưa từng có trong lịch sử, nhà cầm quyền Xô Viết đã gởi tới hiện trường một đội quân cứu hộ thiếu hẳn mọi trang bị tự bảo vệ cần thiết. Trong tác phẩm, Svetlana Alexievich đã bóc trần sự thiệt hại khủng khiếp về nhân mạng qua lời kể của hơn 500 nhân chứng, bao gồm lính cứu hỏa, nhân viện đội dọn dẹp, các chính trị gia, các bác sĩ, và những dân thường trong chiều dài hơn 10 năm.

    Second-hand Time (2016). Bản chuyển ngữ tác phẩm bằng tiếng Anh sẽ được xuất bản năm 2016. Tác phẩm viết về sự tan rã của đế chế Liên Bang Xô Viết. Là lời kinh cầu hồn cho một đế chế vừa suy tàn, tác phẩm ghi lại những lời kể từ hàng trăm nhân chứng sống, và từ đó, phỏng đáon sự ra đời của một con người mới vươn lên từ đống đổ nát lịch sử ấy.


    Một giải thưởng văn chương thường chỉ gây tiếng vang trong giới hâm mộ văn chương, những nhà văn, nhà thơ, những độc giả quan tâm. Nhưng giải thưởng năm 2015 trao cho nhà văn gốc Belarus, một nhà văn lưu vong vì tiếng nói phản kháng một chế độ tòan trị, về những tác phẩm phi hư cấu nói lên sự thống khổ của con người do chiến tranh, do những tham vọng cá nhân, do thể chế độc tài đã gợi lên nhiều suy nghĩ không chỉ dành riêng cho những người hâm mộ văn chương. Nhất là với người đọc Việt Nam, bao gồm những nhà văn, nhà thơ, trong nước và ngòai nước. Bao gồm cả những nhà họat động nhân quyền, những người tranh đấu dân chủ ở trong nước, những dân oan tù tội, những người mất đất mất nhà mất mạng do nạn tham nhũng, do thể chế tòan trị của đảng cộng sản cầm quyền.

    Lại một lần nữa, kẻ viết bài này mơ ước đến giải thưởng Nobel về văn chương trao cho một nhà văn phản kháng Việt Nam, một nhà văn lưu vong Việt Nam, hay bất cứ nhà văn chân chính nào là nạn nhân của nền độc tài tòan trị trong nước vì những tác phẩm của mình, vì chính kiến của mình.

    Để có thể dõng dạc lên tiếng thách thức chế độ như người phụ nữ 67 tuổi trong một cuộc họp báo ở ngay thủ đô của nhà cầm quyền tòan trị hôm nay.

    Giới thiệu một tác giả đọat giải thưởng văn chương, không thể không giới thiệu để người đọc có thể trực tiếp với tác phẩm. Độc giả tiếng Anh có thể tìm đọc 3 tác phẩm: War’s Womanly Face, Zinky Boys và Voices from Chernobyl qua mạng lưới Amazon hoặc các thư viện địa phương. Độc giả tiếng Việt có thể tìm bản chuyển ngữ tiếng Việt tác phẩm War’s Womaly Face của nhà văn Nguyên Ngọc (Chiến tranh không có khuôn mặt phụ nữ , Nhà xuất bản Đà Nẵng). Hy vọng, nếu không có gì trở ngại, bản chuyển ngữ tiếng Việt của Voices from Chernobyl sẽ được giới thiệu từng kỳ trên trang T.Vấn & Bạn Hữu trong một tương lai gần.

    T.Vấn
    Ngày 8 tháng 10 năm 2015

    (http://sangtao.org)


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X