Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Mùa Thu Trong Thi Ca - Nguyên Trần

Collapse
X

Mùa Thu Trong Thi Ca - Nguyên Trần

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Mùa Thu Trong Thi Ca - Nguyên Trần

    Mùa Thu Trong Thi Ca


    Nguyên Trần



    Hôm nay Trời đã vào Thu với màu thê lương ảm đạm, với gió heo may se sắt lạnh lùng và những chiếc lá vàng nhẹ rơi bỏ lại thân cây trơ trọi não nề. Nhắc đến mùa Thu, có lẽ trong chúng ta không ai không nhớ đến bài tập đọc “ Tôi đi học” của Thanh Tịnh trong tập truyện “ Quê Mẹ”. Bài đoản văn bất hủ đã làm bao cô cậu học trò rung động bàng hoàng mà tôi xin ghi ra đây một đoạn để chúng ta cùng chia xẻ:


    “ Hằng năm cứ vào cuối Thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại náo nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường.
    .................................................. .................................................. .......................
    Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường nầy tôi đã quen đi lại nhiều lần nhưng lần nầy tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học. “


    Trong bốn mùa của thiên nhiên vũ trụ, có lẽ mùa Thu làm cho con người bâng khuâng hoài cảm nhiều nhất và là nguồn cảm hứng bất tận cho người nghệ sĩ. Chả thế mà từ ngàn xưa cho đến nay đã có biết bao nhiêu vần thơ điệu nhạc nói về mùa Thu.


    1) THU VÀ THƠ
    Hình ảnh gắn liền với mùa Thu nhất có lẽ là chiếc lá vàng , từ đó ta có những vần thơ tuyệt vời cho lá Thu như 4 câu thơ dưới đây trong bài “ Cây bàng cuối Thu” của nhà phù thủy thơ lục bát Nguyễn Bính :


    Thu sang trên những cành bàng
    Chỉ còn hai chiếc lá vàng mà thôi
    Hôm qua đã rụng một rồi
    Lá theo gió cuốn ra ngoài sơn thôn


    Nhắc đến những bài thơ hay về Thu mà không nói đến truyện Kiều của cụ Nguyễn Du thì thật đắc tội với tiên sinh. Bàng bạc trong tập trường thi, thỉnh thoảng tiên sinh có những đoạn tả cảnh Thu thật nhẹ nhàng và thật touch như đoạn Kiều từ giã gia đình để dấn thân giang hồ:


    Vi lô san sát hơi may
    Một trời Thu để riêng ai một người


    hoặc:
    Rừng Thu từng biếc sen hồng
    Nghe chim như nhắc tấm lòng thần hôn
    Riêng đoạn tả cảnh chia ly giữa Thúy Kiều và Thúc Sinh thì thật trác tuyệt:
    Người lên ngựa kẻ chia bào
    Rừng phong thu đã nhuộm màu quan san


    hay:
    Long lanh đáy nước in trời
    Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng
    Nhà thơ Tản Đà cũng đã viết về lá vàng :
    Trận gió thu phong rụng lá vàng
    Lá rơi hàng xóm lá bay sang


    Đến đây tôi có một sự thắc mắc là cây phong (maple) mọc nhiều nhất ở Canada, và cũng có ở Trung Hoa là bối cảnh của truyện Kiều, như vậy cụ Nguyễn Du đưa rừng phong vào thơ của cụ thì còn hiểu được chứ thi sĩ Tản Đà viết về lá phong thì tôi không biết là Việt Nam ta có cây phong hay không? Hoặc giả cây phong chỉ có ở một vùng nào đó mà thi sĩ biết được.


    Thu về đem nỗi buồn man mác cho lòng người , gió Thu se lạnh gợi bao niềm nhớ thương như tâm tình của Hồ Dzếnh trong “ Màu Thu năm ngoái:


    Trời không nắng cũng không mưa
    Chỉ hiu hiu rét cho vừa nhớ nhung
    Chiều buồn như mối sầu chung
    Lòng êm nghe thoảng tơ chùng chốn xa


    Riêng Lưu Trọng Lư đã ru hồn người trôi nổi phiêu bồng trong rừng Thu ngập lá với bài thơ nổi tiếng “ Tiếng Thu”:
    Em không nghe mùa Thu
    Dưới trăng mờ thổn thức
    ........................................
    Em không nghe rừng Thu
    Lá Thu kêu xào xạt


    Không những thế , nhà thơ còn phong phú hóa từ ngữ Việt Nam qua 2 câu cuối:
    Con nai vàng ngơ ngác
    Đạp trên lá vàng khô


    Từ đó, nhóm chữ “ con nai vàng ngơ ngác “ đã đi vào kho tàng ngôn ngữ Việt Nam bằng những bước nheï nhaøng . Có chàng trai nào mà không khoái vớt được “con nai vàng ngơ ngác”trừ phi là các đấng thái giám. Ở Thủ Đức ngày xưa có quán nhậu nổi tiếng tên là “ Con nai vàng ngơ ngác” mà Thầy Chú Sài Gòn kéo nhau tới ào ạt với hi vọng bắt nai nhưng nai đâu không thấy, chỉ thấy toàn thứ “giả nai” bắt địa thật kỹ.


    Mùa Thu cũng là mùa tan tác chia ly như tiếng thổn thức của nữ sĩ TTKH một thời gây sôi nổi dư luận :
    Tôi sợ chiều Thu phớt nắng mờ
    Chiều Thu hoa đỏ rụng chiều Thu
    Gió về lạnh lẽo chân mây vắng
    Người ấy bên sông đứng ngóng đò
    ( Hai sắc hoa ti- gôn)


    Cũng trong nỗi hoài cảm sầu ly biệt, Nguyễn Gia Linh đã dệt nên những vần thơ lục bát buồn man mác:
    Ai hay ai biết đặng nào
    Người đi từ độ Thu vào lòng tôi
    Hoa lòng chưa nở làn môi
    Đã tan theo khói đã rơi vào sầu
    (Tâm tình mùa ly biệt)


    Trong nổi bâng khuâng nhớ nhà dưới trời Thu hiu quạnh, thi sĩ Đinh Hùng đã gởi tâm tình qua bài thơ “ Bài hát mùa Thu” réo rắt như một nhạc khúc trữ tình lãng mạn:
    Hôm nay có phải là Thu
    Mấy năm xưa đã phiêu du trở về
    Cảm vì em bước chân đi
    Nước nghiêng mặt ngọc lưu ly phớt buồn
    Ai về xa mái cô thôn
    Một mình trông khói hoàng hôn nhớ nhà


    Ở xứ Bắc Mỹ xài toàn bếp gas bếp điện thì làm gì có khói hoàng hôn nhưng sao trong lòng chúng ta luôn luôn:
    Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà
    Phải không các bạn?


    Nữ sĩ Ngô minh Hằng cũng có những giây phút chạnh lòng nhớ những mùa Thu xưa trên quê hương yêu dấu:
    Lại một mùa Thu , Thu viễn phương
    Hồn Thu se lạnh giấc vô thường
    Đêm nay tròn lắm trăng Thu sáng
    Nhưng sáng sao bằng trăng cố hương
    ( Trăng thơ)


    Thi sĩ Thế Lữ cũng nhiều lần cảm khái với Thu:
    Rồi có khi nào ngắm bóng mây
    Chiều Thu đưa lạnh gió heo may
    Dừng chân trên bến sông xa vắng
    Chạnh nhớ tình tôi trong phút giây
    (Giây phút trạnh lòng)


    Mưa Thu phơn phớt nhẹ nhàng như giọt lệ đất trời đưa kiếp nhân sinh vạn vật vào cõi mông lung huyền ảo mà Trần Huyền Trân đã diễn tả qua bài “ Ngõ trúc (Thu )”
    Mưa bay trắng lá rau tần
    Thuyền ai bốc khói xa dần bến mưa
    Người về khép lại song thưa
    Để rêu ngõ trúc tương tư lá vàng


    Cũng ngay trong mùa Thu , nhà thơ Quách Tấn đã ghi lại nỗi cảm xúc khi đọc bài “ Phong kiều dạ bạc “ của Trương Kế:
    Trời bến Phong Kiều sương thấp thoáng
    Thu sông Xích Bích nguyệt mơ màng
    Bồn chồn thương kẻ nương song bạc
    Lạnh lẽo sầu ai rụng giếng vàng
    ( Đêm Thu nghe quạ kêu)


    Mùa Thu tự cổ chí kim, từ Đông sang Tây đều tượng trưng cho những nỗi buồn bàng bạc, những cuộc chia ly ngậm ngùi. Ta hãy ttưởng thức một đoạn thơ của Cung Trầm Tưởng viết về “ Mùa Thu Paris”:
    Mùa Thu Paris
    Trời buốt ra đi
    Hẹn em quán nhỏ
    Rưng rưng rượu đỗ tràn ly

    Mùa Thu đêm mưa
    Phố cũ hè xưa
    Công trường lá đỗ
    Ngóng em kiên khổ phút giờ




    Hình như trời sinh ra mùa Thu để cho vạn vật tiêu điều ủ rũ, cho thế nhân lạc lõng u hoài . Đã thế, qua lăng kính đau thương chán nãn, Hàn mặc Tử thấy Trời Thu càng não nề chua xót hơn:
    Đây bãi cô liêu lạnh hững hờ
    Với buồn phơn phớt vắng trơ vơ
    Cây gì mảnh khảnh rung cầm cập
    Điềm báo Thu vàng gầy xác xơ
    (Cuối Thu)


    Thu về trong đôi mắt người thương lãng đãng xa vời và một thoáng buồn trong không gian nhạt nhòa khói sương đã để lại cho Nguyên Trần khoảng trống vắng mênh mông:
    Nghe chớm Thu về trong mắt em
    Nghiêng nghiêng liễu rũ tóc buông mềm
    Thì thầm gió nhẹ lay hàng giậu
    Từng lá Thu buồn rơi thoáng êm
    (Hoài Thu)


    Mùa Thu quả thật là buồn, buồn trong lòng người cho đến vạn vật cỏ cây, tiêu điều xác xơ từ thành thị đến làng quê và hắt hiu tan tác đến cả sơn khê núi rừng . Từ mối hoài cảm đó, ta hãy để tâm tư hòa nhập với “ Thu rừng “ của Huy Cận:
    Bỗng dưng buồn bã không gian
    Mây bay lũng thấp giăng màn âm u
    Nai cao gót lẫn sương mù
    Xuống rừng nẻo thuộc nhìn Thu mới về
    Sắc trời trôi nhạt dưới khe
    Chim đi lá rụng, cành nghe lạnh lùng
    Sầu Thu lên vút song song
    Với cây hiu quạnh với lòng quạnh hiu
    Non xanh ngây cả buổi chiều
    Nhân gian e cũng tiêu điều dưới kia.


    Đến đây tôi tự hỏi không hiểu vì cảnh sắc mùa Thu tự nó đã buồn hay vì tâm hồn mẫn cảm của thi nhân là “thú đau buồn “ sao mà hầu hết bài thơ mùa Thu nào cũng buồn tê tái. Chỉ có một thi nhân duy nhất với ba bài thơ diễn tả mùa Thu chẳng những không bi quan yếm thế mà còn vui vẻ yêu đời , mang triết lý sống rất là relax. Đó là cụ Tam Nguyên Yên Đỗ Nguyễn Khuyến với ba bài thơ : Thu Điếu, Thu Ẩm và Thu Vịnh mà chúng ta đã từng phải học thuộc lòng ở bậc Trung học.



    Ngày xưa, khi đọc truyện “ The last leaf” của nhà văn O’Henry, chắc các bạn cũng như tôi không khỏi bùi ngùi thương cảm chàng họa sĩ bao la tình người cho nên dù dưới trời rét căm căm vẫn cố trèo lên cây trong đêm tối để vẽ cho được chiếc lá Thu cuối cùng với từ tâm là cho Sue niềm tin mà sống sót để rồi chàng ... đã vĩnh viễn ra đi vì rét lạnh. Ôi ! Tình nhân loại sao mà cao đẹp quá ! Bây giờ, xin các bạn “rán “ đọc bài thơ thuộc loại cóc nhái ễnh ương chàng hiu tôi vừa mới viết trong khung trời mờ ảo nhạt nhòa của mùa Thu 2003 :

    THU SẦU
    Tôi đi đường ngập lá vàng rơi
    Nghe tiếng thời gian đếm tuổi đời
    Có phải vì Thu mà nắng nhạt
    Chân mây bàng bạc biển mù khơi
    Không gian lơ lững treo hè vắng
    Khói sóng chiều Thu nhuộm đất trời
    Ai có về nơi xưa chốn cũ
    Hỏi Thu còn xõa tóc buông lơi
    *
    * *
    Hỏi Thu còn xõa tóc buông lơi
    Hay đã ra đi chẳng một lời
    Trôi nổi sầu đau trong quạnh quẽ
    Bóng chim tăm cá biệt trùng khơi
    Nghìn năm Thu vẫn gieo thương nhớ
    Lộng gió heo may tóc rối bời
    Nhìn lại hai phương trời cách biệt
    Tưởng chừng đâu đó nét hương môi .
    Nguyên Trần


    2)THU VỚI NHẠC
    Một chiều Thu nào đó, tôi cùng vài người bạn vào quán café ngồi tâm sự vụn vừa tìm lại một thoáng Sài Gòn hương xưa. Chợt nghe tiếng hát Lệ Thu nỉ non bản nhạc “Lá đỗ muôn chiều” của Đoàn Chuẩn mà thấy lòng rung động bồi hồi. Tiếng hát mơ hồ huyền hoặc như đưa hồn mình chơi vơi trong khung trời dĩ vãng tưởng đã nhạt nhòa vì kiếp sống ly hương phiêu bạt:
    Thu đi cho lá vàng bay
    Lá rơi cho đám cưới về
    Ngày mai người em nhỏ bé
    Ngồi trong thuyền hoa
    Tình duyên đành dứt
    -------------------------
    Nhưng mỗi mùa Thu chiếc lá vàng bay về cuối trời
    Thuyền tình không bến đỗ người ơi!
    Nhớ nhau đành tìm trong tiếng hát
    Đời vắng em rồi vui với ai


    Nhạc và lời như quyện vào nhau thành một tiết tấu êm ái nhẹ nhàng khiến lòng người se sắt lâng lâng.
    Thu chẳng những làm mềm lòng thi nhân mà còn là nguồn cảm hứng bất tận cho bao nhiêu nhạc sĩ. Trong vườn âm nhạc Việt Nam có quá nhiều ca khúc mùa Thu để tô điểm thêm cho dòng nhạc trữ tình lãng mạn càng phong phú đa dạng. Mỗi bản nhạc Thu có một màu sắc khác biệt, một tâm tư riêng của tác giả nhưng tựu trung thì cũng là BUỒN như thơ vậy.

    Trong nỗi cảm khái đó, tôi viết ra bài thơ lục bát dưới đây để các bạn cùng chia xẻ tâm tình . Điểm đặc biệt là mỗi câu thơ đều có lồng tên một bản nhạc viết về mùa Thu .

    TÌNH THU
    Ngoài kia LÁ ĐỖ MUÔN CHIỀU (1)
    Nghe THU QUYẾN RŨ (2) hồn xiêu trăng thề
    THU VÀNG (3) như trãi cơn mê
    Từ ly MẤY ĐỘ THU VỀ (4) nhớ nhau
    LÁ THƯ (5) ấp ủ ngàn sau
    Bài THU CA (6) khóc nỗi đau dịu dàng
    HOÀI THU (7) cách trở quan san
    MỘT CHIỀU THU (8) điểm sắc vàng mông lung
    Trơ vơ CHIẾC LÁ CUỐI CÙNG (9)
    MÙA THU KHÔNG TRỞ LẠI (10) cung tơ chùng
    VÀO THU (11) sương khói lạnh lùng
    Thương MÙA THU CHẾT (12) trong vùng mong manh
    TIẾC THU (13) gom lá xây thành
    NGÀN THU ÁO TÍM (14) long lanh mây trời
    Êm êm THU HÁT CHO NGƯỜI (15)
    THU SẦU (16) giai điệu chơi vơi não nề
    BUỒN GA NHỎ (17) cách sơn khê
    TÀ ÁO XANH (18) đã đi về thiên thu
    CON THUYỀN KHÔNG BẾN (19) mịt mù
    Lá THƯ TÌNH CUỐI MÙA THU (20) giã từ

    1,2,5,18 Đoàn Chuẩn
    3 Cung Tiến
    4,17 Minh Kỳ
    6 Phạm mạnh Cương
    7 Văn Trí
    8 Nhật Bằng
    9 Tuấn Khanh
    10 Phạm trọng Cầu
    11,14 Hoàng Trọng
    12 Phạm Duy ( phổ thơ Appolinaire)
    13 Thanh Trang
    15 Vũ Đức Sao Biển
    16 Lam Phương
    19 Đặng Thế Phong
    20 Phan Huỳnh Điểu

    Hy vọng rằng bài tản mạn mùa Thu trên đây đã đưa các bạn trở về với những mùa Thu nên thơ tuyệt vời của quê hương một thời xưa hoa mộng.

    NGUYÊN TRẦN


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X