Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Một Bài Thơ Sấm

Collapse
X

Một Bài Thơ Sấm

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Một Bài Thơ Sấm




    Một Bài Thơ Sấm


    Song Vũ


    Suốt gần tháng nay, tôi thấy mình bần thần trong cùng một tâm trạng giống như những năm tháng trên cao nguyên Kontum, Pleiku năm 1972 ngày nào. Mới đó mà cũng đã hơn 39 năm qua. Thời gian trôi đi vù vù như gió thổi mây bay. Hơn nửa cuộc đời đã bước qua bao vòng tử sinh, khổ nạn. Những năm tháng lăn lộn trên chiến trường giữa những làn đạn, mìn, bom tứ hướng. Chạm mặt cùng thần chết từng phút từng giây. Rồi hòa bình chợt đến. Ngày ấy đã tưởng dân tộc tôi có cơ hồi sinh và bản thân thanh thản sống chuỗi ngày còn lại cuối đời trong an bình; những ngày tháng sống trong bất trắc rình mò thường trực sẽ chấm dứt. Những tưởng sẽ có một cơ hội để cởi bỏ bộ đồ trận xuống, bình tâm suy nghĩ về một thời sôi nổi chiến đấu sống còn, dọc ngang trong suốt cuộc trường chinh.

    Những tưởng sẽ có dịp đi thăm lại chiến trưòng xưa, tìm lại những hình ảnh thân quen của đồng đội, những người đã cùng mình trải qua những đớn đau nhân thế, giờ đây đang yên nghỉ đâu đó, một nơi nào đó xa lạ giữa rừng già Trường Sơn, hoặc mênh mông sông nước Hậu Giang. Nào ngờ, cuộc chiến chỉ tạm ngưng để kẻ thù lấy lại sức lực, tập trung vào một màn chém giết mới còn tàn tệ hơn cả trước lúc đặt bút ký kết hòa bình! Chữ nghĩa là phương tiện để quảng bá cho những thủ đoạn âm mưu thâm độc nằm ở phía sau nó. Chữ tách khỏi nghĩa và con người tiếp tục dìm nhau trong máu đỏ và hận thù.

    Năm tháng tù đầy trong các trại giam từ Nam ra Bắc rồi lại trở về Nam cho tôi hiểu thêm những đau thương tận cùng của dân tộc mình. Năm 1977 khi bị giam giữ tại Hoàng Liên Sơn, tôi thấy Miền Bắc thực sự vẫn còn đang sống cuộc sống thời trung cổ. Nhìn những người Tày thay trâu kéo cầy trên các mảnh ruộng nhỏ nằm dọc theo suối trên vùng trung du, hoặc thậm chí những người dân tộc Mường gày gò còng lưng kéo bừa trên những mảnh ruộng nước thay trâu mà lòng ngổn ngang buồn. Những trại tù do công an quản lý với mọi kiểu tội phạm hình sự mà đa số là lớp thanh thiếu niên từ lưu manh côn đồ ăn cắp vặt của các hợp tác xã cho tới những thanh niên càn quấy, thích hát nhạc vàng, thích mặc quần ống túm, thích để mái tóc bồng thành phố bị tập trung cải tạo chẳng biết đến bao giờ mới được tha!

    Tôi đã nhìn thấy từ mớ hỗn độn tận cùng xã hội ấy biết bao nhiêu điều nghịch lý. Có nưóc nào trên thế giới mà người vào trong tù phải cố gây thêm án để có được một bản án cụ thể ấn định thời gian thọ phạt thay vì cứ tập trung cải tạo theo lệnh ba năm một lần cho đến thiên thu!? Có nước nào ngưòi tù tự đi cầy cấy trồng trọt để nuôi sống mình và đám cán bộ cai quản hành hạ mình? Có nước nào cai tù ngu độn và ngây ngô, với mớ kiến thức được nhồi nhét từ cấp trên, luôn tìm mọi cách rao giảng sự ngu muội ấy khi có dịp trước một cử tọa có kiến thức đáng bậc thày mình?

    Tôi nhớ tới những ngô nghê của chính các cán bộ đuợc cho là cao cấp từ trên cục trại giam gởi về, từ viên trưởng trại đọc trong giấy tờ đã được viết sẵn mà vẫn bộc lộ rõ những kiến thức căn bản họ thiếu tới mức thảm hại. Nào là phi cơ Mig của ta tắt máy nằm phục kích trong mây chờ máy bay B52 của Mỹ tới nhào ra bắn rớt. Nào là dầu khí của ta tốt nhất thế giới, chỉ cần cắm ống hút xuống, rút lên là chạy được máy tầu máy xe. Nào là trong trận đánh biên giới tháng hai năm 79, quân Trung Quốc dùng phi cơ khu trục rải lính nhảy dù dọc theo biên giới bị ta bắn hạ chết đầy trời…!

    Những năm tháng buồn tủi đó cứ đeo đẳng mãi không rũ bỏ xuống được, không phải vì cái tâm vốn rất hẹp của con người mà có lẽ vì ở nơi một nguyên do nào khác hơn. Hơn 20 năm sau khi bước ra khỏi cái địa ngục trần gian ấy, cho tới giờ phút này, những cảnh đọa đầy ấy vẫn còn ám ảnh tôi mãi. Nghĩ về tương lai của dân tộc và những thế hệ tiếp nối mà lòng lại càng thấy buồn hơn.

    Gần tháng nay, những tin tức liên tiếp từ quê nhà đọc được trên internet khiến cho tôi thêm bất an. Thái độ hung hãn của Trung Cộng càng gia tăng, sự khiếp nhược của nhà cầm quyền Hà Nội càng lộ rõ. Những cuộc xuống đường của dân chúng nửa lén lút, nửa công khai, thậm thụt bày tỏ lòng yêu nước bị công an đàn áp thẳng tay, đọc mà không thể hiểu được. Đất nước tôi đang trôi dần vào nanh vuốt của bọn bành trướng phương Bắc ngày sâu hơn. Nhiều lúc tôi tự hỏi liệu có còn chút hy vọng nào không cho dân tộc tôi? Câu trả lời vẫn không tìm thấy. Nỗi thất vọng tràn đầy khiến cho cuộc sống khó chịu hơn trong lúc tuổi tác đã về chiều. Có những người bạn khi nghe lời tâm sự, bỗng buông tiếng cười mỉa,

    “Ông ơi, sao ông rỗi hơi, gái góa lo chuyện triều đình! “ Thế hệ chúng ta đã lui vào sân khấu lịch sử, tấn tuồng đời một thời đã diễn xong. Hãy biết lui gót, nhường lại ánh đèn cho những diễn viên khác tiếp nối vở kịch đời.

    Ngồi nghe bạn nói thấy phần nào có lý, nhưng bỗng dưng cứ thấy hình như mình còn chút mắc míu nào đó không có hình ảnh rõ rệt. Nhưng chắc chắn là có.

    Lịch sử có phải là một diễn tiến có tính chu kỳ không? Tôi thật sự không biết. Duy có một điều chiêm nghiệm được từ bản thân, cuộc đời mỗi con người là có. Thăng trầm, lên xuống nối tiếp nhau làm nên vận mệnh một con người. Chẳng ai cứ thẳng một đường lên mãi hoặc xuống đến tận cùng trừ những người chết yểu ngay lúc lọt lòng! Nếu lấy đời sống trong một số năm trung bình 70 tuổi thọ, mọi người sẽ tự mình tìm ra đưọc những chu kỳ thăng giáng của mình theo thời gian. Suy rộng ra hơn một chút, trong lịch sử dân tộc, tôi cũng cảm nhận hình như cũng có những chu kỳ thăng giáng tương tự. Năm nay vừa đúng 39 năm kể từ tháng Tư đen tối năm ấy. Đất nước đang đi vào giai đoạn cuối của sự tồn vong. Chỉ có một điều khác, trước đó là sự biến mất của một nửa đất nước cho một nửa còn lại, lần này thì cả đất nước cùng mất một lần.

    Người ta thường suy nghĩ đến những cuộc xâm lăng bằng quân sự qua các cuộc giao chiến đẫm máu của hai đoàn quân thù nghịch. Điều ấy giờ đây đã thay đổi. Thế giới tuy bao la nhưng nhờ những phương tiện liên lạc điện tử, thông tin, di chuyển giao thông trở nên ngày càng mau chóng, gần lại. Những chiến thắng quân sự trong thời đại này đều đòi hỏi sự phung phí tiền bạc và nhân mạng của cả hai bên thắng và bại.

    Kinh nghiệm một cuộc rút quân đầy tai tiếng của cường quốc Hoa Kỳ ra khỏi VN năm 1975 rồi sau đó là cuộc thất bại không kém đau thương của cường quốc Liên Xô vào năm 1989 từ chiến trường Afghanistan; thậm chí “tiểu bá” cộng sản VN cũng ôm đầu máy sau cuộc tấn công quân sự vào Kampuchia rồi cũng phải lui binh vào năm 1990! Để cho thấy việc dùng quân đội đi xâm lăng một nước khác đã thật sự lỗi thời. Người Trung quốc thâm hiểm hơn các sắc dân khác nhiều lắm. Cuộc bành trướng xuống phuơng Nam đã được Mao Trạch Đông hoạch định từ rất lâu.

    Từng chút một, qua những mưu thuật ma qủy, Mao đã làm cho cả dân tộc ta chìm vào trong biển máu tự chém giết lẫn nhau. Vũ khí bom đạn đã triệt hủy mọi nguồn tài nguyên đất nước cả nữa thế kỷ trước. Bao nhiêu tinh hoa dân tộc đã nắm xuống vĩnh viễn, còn lại là một đám lãnh đạo u mê say sưa với quyền lực và bổng lộc cam tâm thay nhau làm tôi tớ cho ngoại bang. “Gia tài của mẹ một bọn lai căng gia tài của mẹ, một lũ bội tình”, Trịnh Công Sơn đã từng viết như thế. Tài nguyên đất đai còn lại miếng nào đều được đem cầm cố cho thuê. Quặng mỏ được đào bới lên đem bán rẻ nuôi một lũ đại gia lưu manh ăn trên ngồi truớc. Những người dân đen lam lũ còn lại quần quật cật lực lao động kiếm một thứ gì đó được gọi là đồ ăn bỏ vào bụng để được sinh tồn.

    Khoảng cách giầu nghèo cứ tách ra ngày thêm rộng, kẻ ăn không hết, người lần không ra. Các quan chức chính phủ, đảng viên mập ú phè phỡn hưởng lạc trên số phận của những người dân đen còm cõi còn lại. Chính quyền bát nháo, trống đánh xuôi, kèn thổi ngược trong khi tình hình chính sự ngày càng thêm nguy kịch. Tướng hèn, lính kiêu, lãnh đạo thuận tay chia nhau vơ vét làm giầu, sĩ phu phò chính thống kiếm ăn bất cố liêm sỉ, làm sao đòi hỏi nơi ngưòi dân nhiệt huyết giữ nước? Cả dân tộc tôi vô cảm với chính số phận đất nước mình. Ai xâm chiếm cũng được bởi vì đất nước này, dân tộc này không còn là của tôi nữa. Nó thuộc về của riêng của đảng Cộng Sản Việt Nam rồi. Nhiều khi biết đâu với những ông chủ mới, cuộc sống của tôi lại bớt khó khăn hơn!?

    Thế kỷ 21 đã mở ra những hướng mới. Lần này Trung quốc vươn vai đứng dậy, lớn lên nhanh chóng. Từ ô nhục của quá khứ do các quốc gia Tây Phương đem đến cho họ trong hai thế kỷ trước đó, Trung quốc hăm hở muốn rửa mối nhục ấy. Liên xô tan rã, Hoa kỳ và châu Âu bước vào khủng hoảng kinh tế. Những lực lượng Hồi giáo quá khích, nương theo tình hình, lăm le chia phần thiên hạ với những thủ đoạn chiến tranh tàn độc chưa từng có, vũ khí là chính con nguòi, kẻ thù là tất cả những ai không cùng tôn giáo và niềm tin vào một đấng cứu thế của họ.

    Trong lúc tình hình thế giới thay đổi từng ngày, riêng có đất nước tôi là dửng dưng cam chịu mọi áp đặt của “ông bạn” lân bang xảo quyệt. Chưa bao giờ trong lịch sử dân tộc, đất nuớc tôi lại có một giai đoạn đen tối như hiện nay. Hết biên giới đất liền đến biển khơi lần lượt lọt vào tay kẻ thù. Mỗi lần nhìn những khuôn mặt xảo quyệt trơ trẽn của chúng trên tivi phim ảnh, tôi lại tởm lợm không chịu nổi một cảm giác buồn nôn. Tầng lớp sĩ phu thưa thớt có lòng với nước bị cô lập và khinh miệt, bị trù dập và đàn áp. Càng nghĩ tới càng buồn.

    Hai mươi năm nội chiến cộng thêm gần bốn mươi năm đi theo cộng sản, dân tộc tôi như một bịnh nhân liệt kháng không còn sức chống đỡ trước những thử thách mới. Tôi có quá bi thảm hóa vấn đề không? Những người còn chút tỉnh táo chỉ còn biết đứng nhìn trong tuyệt vọng và buồn đau. Chẳng làm gì được nữa. Nói cho đúng hơn, đã quá muộn để có thể làm được một điều gì cho đất nước và dân tộc mình khi cả một tập đoàn cai trị quyết tâm bán nước!

    o O o

    Tôi bỗng nhớ tới một kỷ niệm khó quên đã đến với tôi khi còn trong trại Vĩnh Phú B trong năm 1979.

    Năm 1979 tháng hai ngày 17 lúc rạng sáng. Tất cả các phòng giam còn đang trong cơn ngái ngủ. Bỗng có tiếng loa phát đi từ phía cổng trại qua giọng nói đượm đầy cảm xúc của nữ phát ngôn viên đài phát thanh Hà Nội hôm ấy:

    “Quân đội Trung quốc đã phát động cuộc tấn công xâm lược trên toàn tuyến biên giới Việt Trung.”

    Chúng tôi bừng tỉnh hồi hộp nằm nghe theo dõi tin tức.

    Thực tình chuyện chiến tranh biên giới là điều chúng tôi đã cảm nhận đuợc nó sẽ xẩy đến ở một lúc nào đó qua các sự kiện xảy ra từ rất lâu trước đó khi chúng tôi còn nằm dưói quyền quản lý của quân đội cộng sản. Từ giữa năm 78, qua các lời bàn tán xôn xao trong trại, qua các hành động tăng cường hàng rào quanh trại và việc tổ chức bố trí các ổ súng máy nhắm vào trong trại đã khiến chúng tôi đặt nghi vấn. Rồi qua các tin tức hiếm hoi truyền tai nhau, những lời úp mở trên báo chí, qua tường thuật lại các nguồn tin gia đình trong các kỳ thăm nuôi, những lời nói vô tình của các cán bộ quản giáo… chúng tôi đã nghĩ tới một cuốc chiến tranh sẽ nổ ra giữa hai “đồng chí” Trung -Việt này.

    Cho đến cuối năm 78, tất cả tù “cải tạo” đuợc bàn giao sang lực lượng công an trại giam để quân đội tập trung chuẩn bị tác chiến thì điều dự đoán của chúng tôi càng chắc chắn hơn lên.

    Khi chúng tôi chuyển trại về Vĩnh Phú, Vĩnh Quang sau khi từ biệt liên trại 4 Hoàng Liên Sơn, vài ngày sau đó trong trại râm ran truyền tai nhau một bài thơ sấm truyền được nghe nói là của cụ trạng Nguyễn Bỉnh Khiêm. Dù sao, cho tới lúc này khi hồi tưởng, nội dung của bài thơ cũng đã minh chứng được nhiều điều khi chiêm nghiệm với tình hình đất nước kể từ ngày Miền Nam xụp đổ tới nay. Bài thơ được cho là một bài *sấm của của cụ Trạng Trình như sau

    Ô hô thế sự tựa bình bồng
    Nam Bắc hà thời thiết lộ thông
    Hồ ẩn sơn trung mao tận bạch
    Kình ngư hải ngoại huyết lưu hồng
    Kê minh ngọc thụ thiên khuynh bắc
    Ngưu xuất lam điền nhật chính đông
    Trực đáo ưng lai sư tử thượng
    Tứ phương thiên hạ thái bình phong.

    Bài thơ sau đó được lược dịch như sau:

    (1) Chuyện đời, than ôi giống như bèo trôi (trên sông nước)
    (2) Khi nào đường xe lửa liên thông nối liền Nam Bắc
    (3) (Khi đó) con cáo đã trốn vào ở trong núi, lông (của nó) thành bạc trắng
    (4) Ngoài biển khơi cá kình máu loang chẩy
    (5) Gà gáy sáng cây ngọc đổ nghiêng về phương Bắc
    (6) Trâu ra khỏi chuồng (lúc đó) mặt trời chính hướng đông
    (7) Phải đợi khi chim ưng lại, sư tử (trèo lên) cao
    (8) (Lúc đó) bốn phương thiên hạ mới hưởng gió mát thái bình.

    Sau đó có những lời bàn:

    Câu (2) ứng với tháng 6-76 khi đường xe lửa Nam Bắc nối lại sau thời gian chiến tranh bị gián đoạn. Cũng có thể hiểu một cách tổng quát hơn: khi nào Bắc Nam thống nhất.Tại Bến Tre

    Câu (3) ứng với Hồ Chí Minh vốn vẫn được gán cho hỗn danh “cáo già”, ngoài ra hồ (con cáo/chồn) cũng là họ do HCM tự lấy lại cho mình. Sau khi chết, xác HCM được tẩm liệm giữ trong lồng kính đặt trong lăng mộ bằng đá lớn tại Ba Đình, ngay tại Hà Nội. Chủ nghĩa Cộng Sản Tàu do Mao Trạch Đông lãnh đạo cũng đã đổi màu từ đỏ thành trắng (tương ứng với câu mèo trắng mèo đen của Đặng Tiểu Bình.)

    Câu (4) ứng với những cuộc vượt biên đầy chết chóc thương tâm của đoàn ngưòi thuyền nhân (Boat people) kể từ khi Miền Nam thất thủ? Các trận hải chiến giữa lực lượng hải quân VNCH ngày 19 tháng Giêng năm 1974 giữ quần đảo Hoàng Xa, và trận đánh chiếm đảo Gạc Ma tháng 3 năm 1988 của Trung cộng với hải quân cộng sản VN vào năm 1988. Hay còn một trận thư hùng nào khác trong tương lai giữa lực lượng hải quân cộng sản Việt Nam với Trung Quốc?

    Câu (5) Ngọc thụ theo Từ Điển Hán Việt Đào Duy Anh là (con em tốt giỏi…). Theo Nguyễn Ngọc Phách trong cuốn Chữ Nho Và Đời Sống Mới… ghi (a handsome or talented young man/thanh niên tuấn tú hoặc tài cao). Như vậy có thể hiểu: khi nào có những thanh niên trí thức yêu nước báo động/báo thức (gà gáy sáng) về một nguy cơ đất nước vào tay giặc phương Bắc.

    Câu (6) Câu này có thể hiểu nguy cơ mất nước này bắt nguồn từ thỏa thuận ngầm được ký kết “Kỷ yếu Hội Đàm” giữa phái đoàn cộng sản do Nguyễn Văn Linh dẫn đầu với Giang Trạch Dân ở Thành Đô vào ngày 3 và 4 tháng 9 năm 1990 tại khách sạn Kim Ngưu (Trâu vàng?!) Tứ Xuyên chăng? Điều này dẫn ta liên tưởng tới từ “lam điền” (ruộng lam hay biển xanh?) và bày (trâu) dàn khoan 981, 9 đang “cày bừa lãnh hải của VN hiện nay? Còn câu “nhật chính đông” không biết có liên quan gì tới việc Nhật Bản vừa sửa đổi việc diễn dịch hiến pháp cho phép họ mở rộng lực lượng quốc phòng mới đây không?

    Câu (7 và 8) Phải đợi khi Hoa Kỳ (chim ưng) trở lại Đông Nam Á, và Ấn Độ (sư tử) tham gia quân bình cán cân lực lượng quân sự tại vùng biển đông đối trọng với Trung Quốc, lúc đó cơ may hòa bình mới có thể đạt được.

    Chỉ có điều cần phải ghi nhận là thái độ đầu hàng hiện nay của cộng sản VN. Lãnh đạo thủ lợi cá nhân, bè nhóm, tướng hèn, lính kiêu, dân mất hết nhiệt tình chống giặc, đất nước kiệt quệ tài nguyên… sự cấu kết/ bỏ rơi của các thế lực cường quốc đối trọng… Tất cả những yếu tố ấy gộp lại, một thứ “bốn phương thiên hạ thái bình” chắc hẳn không thể là một thứ thái bình tự chủ mà là một thứ thái bình do mẫu quốc ban phát cho một thuộc địa phên dậu. Bài sấm này có đặc điểm không nêu ra mốc định năm tháng như một số bài sấm khác mà lại diễn giải thời sự theo cách: “nếu khi thấy điều này xảy ra… thì… điều kia sẽ xảy ra” Và chúng ta thấy sự diễn đạt đó phần nào đã được tôi trình bày ở trên.

    Sau cùng, dù muốn hay không trước nhu cầu nguyên liệu của Trung quốc ngày càng cao, việc độc quyền khai thác dầu trên biển quanh khu vực Hoàng Trường Xa là mối lợi có tính sống còn của họ. Âm mưu xâm lược của Trung quốc đối với Việt nam thực ra không phải là bây giờ mới có. Nó khởi nguồn từ những ý tưởng Đại Hán bắt rễ từ rất lâu trước đó trong lịch sử bành trướng của họ. Dấu hiệu đáng lý ra những nguời cộng sản Việt Nam phải nhìn ra ngay từ lúc Mao Trạch Đông chủ trương chống lại Liên Xô trong việc tiến hành cuộc cách mạng giải phóng TQ bằng lực lượng nòng cốt là nông dân. Đồng thời, với mọi thủ đoạn, Liên Xô cũng chẳng ưa gì Mao mà bằng chứng cụ thể là những hành động hỗ trợ cho Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch lãnh đạo chống lại Mao.

    Hay nói một cách rõ ràng hơn, ý tưởng về một thứ “Vô sản thế giới đoàn kết lại“ chỉ là loại ảo tưởng, quyền lợi dân tộc vẫn luôn là ưu tiên số một cho bất cứ quốc gia nào dù là cộng sản hay không.

    Kể từ khi Trung Quốc từ bỏ chủ thuyết “Thôi quang dưỡng hối“ của Đặng Tiểu Bình để hiện thân nguyên hình một tân đế quốc, nguy cơ một cuộc lấn chiếm trên Biển Đông ngày càng hiện rõ. Tình hình thế giới cũng thuận lợi cho TQ không cần phải che đậy những mưu mô tính toán của mình nữa. Kẻ thù khả dĩ làm cho họ e dè là Hoa Kỳ đang bước vào những khó khăn mới về kinh tế và chính trị và chính sách của tổng thống Obama có phần nghiêng về giải quyết những khó khăn quốc nội do hậu quả từ chính phủ Bush để lại hơn là đóng vai một Globocop (cảnh sát quốc tế!). Và điều này cũng còn được minh chứng khá rõ nét qua cuộc tranh luận giữa hai học giả Francis Fukuyama (Hoa Kỳ) và Trương Duy Vi (Trung Quốc).

    Trương Duy Vi đã nêu ra một ý niệm về vận “Khí“ của lịch sử TQ để kỳ vọng cho một nước Trung Quốc hùng cường hai ba thế kỷ nữa so với một Hoa Kỳ ngày càng suy vi dần. Thực ra nếu viện dẫn tới những ý niệm siêu hình kiểu vận “Khí “ lịch sử thì có lẽ chúng ta lại một lần nữa phải nhắc tới những câu thơ sấm của một thức giả lỗi lạc khác của Trung Quốc, Lưu Bá Ôn, Trong bài Dự ngôn trên bia đá tại núi Thái Bạch tỉnh Thiểm Tây

    20. Một sầu thiên hạ loạn khắp nơi.
    21. Hai sầu đông tây người chết đói
    22. Ba sầu hồ nước yểm chứa tai nạn lớn
    23. Bốn sầu các tỉnh bốc khí độc (khói tàn ác).
    24. Năm sầu thấy nhân dân bất an như thế.
    25. Sáu sầu chín mùa đông dài mười tháng
    26. Bảy sầu có cơm mà không có người ăn
    27. Tám sầu có người không áo mặc.
    28. Chín sầu thi thể không người liệm
    29. Mười sầu khó qua năm Hợi năm Tí.
    30. Vượt qua được năm đại kiếp nạn. (qua được năm Hợi năm Tí)
    31. Mới tính (toán thấy) khoảng đời (sống) chẳng (như) lão tiên.

    Không biết bộ não của một con cọp hung hăng Trung Quốc đang ngứa ngáy móng vuốt có suy nghĩ gì về lời cảnh cáo này không nếu Biển Đông dậy sóng phát tác thành một cuộc thế chiến?

    Tháng 6/1914

    Tôi thực tâm có chút tồn nghi điều gán ghép đây là một bài sấm của cụ Trạng. Nội trong tài liệu “ Sấm Trạng Trình toàn tập” trong phần tài liệu tham khảo ghi dưới bài cũng đã có nhiều dị bản, có bản gồm bài thơ này, có bản không. Ngoài ra câu “Nam Bắc hà thời thiết lộ thông” càng làm cho sự tồn nghi có căn cứ, vì thời cụ Trạng, ý niệm về đường sắt chắc hẳn là chưa có. Nếu ta biết rằng mô hình chiếc xe lửa đầu tiên trên thế giới có tại Anh quốc vào năm 1804, tuyến xe lửa đầu tiên ở VN là tuyến đường Sài Gòn-Mỹ Tho dài 71 Km được xây dựng vào năm 1881. Tuyến đường sắt xuyên Việt xây dựng xong vào năm 1936.

    Tuy nhiên, dù sao bài thơ này ra đời cũng đã khá lâu, ít nhất cũng xuất hiện trước thế chiến thứ 2. Tôi còn nhớ khoảng thời gian thập niên 50 thế kỷ trước, tôi đã từng được nghe tới và có lời bàn của ông cậu ruột tôi cùng với các bạn hữu của ông khi tôi sống tại Hải Phòng. Riêng trong thời gian Trung cộng tấn công VN năm 1979 thì tại trại Vĩnh Phú tôi lại được nghe các bạn tù đọc lại nhiều lần thành thuộc! Bỏ ngoài vấn đề tác giả-- mà tôi đoan chắc phải là một bậc trí giả có viễn kiến chính trị và thời sự-- tôi muốn nêu lên trong bài viết này chính là tính tiên tri của bài thơ mà thôi.

    Tài liệu tham khảo:

    - Hán Việt từ điển-Đào Duy Anh ( Hãn Mạn Tử hiệu đính). Nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin. Xuất bản năm 2010

    - Chữ Nho và đời sống mới-Thành Ngữ Hán Việt thông dụng-Nguyễn Ngọc Phách-Tổ hợp xuất bản miền Đông Hoa Kỳ năm 2004.

    - Sấm Trạng Trình Toàn tập. http://www.vietnamvanhien.net/samtrangtrinhtoantap.pdf
    http://www.vietlyso.com/forums/showthread.php?t=12154

  • #2
    Nhân đọc bài "Môt bài thơ sấm" của Song Vũ, tôi xin chia sẻ thêm một vài chi tiết liên quan đến chiến tranh đông tây dưới nhãn quan và tiên tri của Nostradamus. Vào khoảng thập niên 80, trên đài truyền hình CBC có trình chiếu một thiên phóng sự về Nostradamus - xin lỗi vì quá lâu nên tôi không nhớ rõ tựa đề và tên của chương trình. Thiên phóng sự này kéo dài 3 tuần lễ liên tiếp, so sánh các bài thơ - hay còn gọi là bài sấm của Nostradamus liên quan đến chiến tranh trong vùng Âu Châu và những nhà độc tài trực tiếp gây ra các cuộc chiến như Napoleon, Adolf Hitler, Benito Mussolini mà người ta cho rằng đó là hiên thân của "antichrist" trong các câu sấm của Nostradamus. Riêng phần cuối của thiên phóng sự, dựa theo các câu sấm, tác giả bình giải rằng thế chiến thứ 3 sẽ bùng nổ do lỗi lầm của các thế lực đông tây mà Âu Châu phải gánh chịu. Trong đó điểm quan trọng là phe Hồi Giáo với kỹ thuật phương đông sẽ xâm chiếm Âu Châu, và đặc biệt là lực lượng này dùng màu xanh dương cho quân đội của họ.

    Vào thời đó, mới xem qua thì cá nhân tôi chỉ biết nhún vai, ai biết ngày sau ra sao! Nhưng kể từ cuối hè năm nay (2015), những tin tức dồn dập về con số người tỵ nạn từ Syria và từ các nước trung đông khác; kể cả bắc Phi, tràn qua Âu Châu mà đa số theo Hồi Giáo; khiến tôi phải rùng mình. Có phải đây là lời tiên tri của Notradamus? Một cuộc xâm lăng không cần vũ lực. Tương lai sắp tới, với vài trăm ngàn người Hồi Giáo được tái định cư khắp Âu Châu và theo đà sinh sản - người trung đông được phép đa thê - phe Hồi Giáo sẽ dần dà thống lĩnh Âu Châu là điều khiến thiên hạ phải suy nghĩ. Bất ngờ trong tuần vừa qua, TT Putin của liên bang Nga chính thức công bố mang quân và vũ khí tối tân đến Syria, lấy danh nghĩa tuyên chiến với nhóm Hồi Giáo cực đoan (ISIS) - nhưng thực tế cho thấy quân đội Nga đã tấn công luôn cả phe chống chính phủ Assad - đây là phe được sự ủng hộ của tây phương. Việc này gây cho tôi một cảm giác khó tả, có phải đây là lời tiên tri của Nostradamus? Kể từ khi liên bang Soviet tan rã, quân phục của quân đội Nga được thay đổi rất nhiều, nón kepi màu đỏ của sĩ quan đã biến mất mà thay vào đó là kepi màu xanh dương; ngoại trừ hải quân với kepi trắng; ngay đến bộ quân phục đại lễ của người lính gác Kremlin đều màu xanh dương, ngoài ra ông Putin hay đội nón lông kiểu Nga hoàng màu xanh dương.

    Người Hồi Giáo đang xâm chiếm Âu Châu, tình trạng chính trị bấp bênh tại Syria dưới sự cai trị của Assad, môt quân lực hùnh mạnh màu xanh dương (blue) từ phương đông; theo như lời bình giải các câu sấm của Notradamus thì phải chăng thế giới đang dần bước vào thế chiến thứ III?

    lv
    Last edited by chieutim; 10-04-2015, 08:48 PM. Lý do: chinh tả

    Comment


    • #3
      Tài liệu đính kèm

      Tôi đã tìm được đoạn phim ngày xưa "The man who saw tomorrow" trên youtube. Nhưng rất tiếc phim này bị ngắt quảng khong đều nên mất đi phần bình giải về WWW-III , là đoạn nói về đạo quân màu xanh dương. Trong phim; đạo diễn cho diễn viên mặc áo xanh dương theo kiểu áo trung đông.

      https://www.youtube.com/watch?v=0L1lMS8D-Oo&list=PLjuZ0WBxVAJGBbCAEmQiJzSX9KXHiljny&index=2

      https://www.youtube.com/watch?v=NxQFdeud_BQ .
      (xin xem lời bình luận bắt đầu phút thư 19:00)

      Đây là phim mà toi đã xem trên TV ngày trước .


      Dưới đây là chuyện ngày nay

      http://www.rfi.fr/europe/20150508-russie-demonstration-force-moscou-jour-de-victoire

      https://www.rt.com/news/317864-russian-warships-missiles-launch/

      Các bác có thể tìm trên google.com "Russian Military Parade" sẽ hình dung được thế nào là đạo quân áo xanh; nhất là các bức ảnh ong Putin cùng các sĩ quan cao cấp

      than mến
      lv

      Comment



      Hội Quán Phi Dũng ©
      Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




      website hit counter

      Working...
      X