Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Khẩu Súng, Gói Thuốc - hoanghaithuy

Collapse
X

Khẩu Súng, Gói Thuốc - hoanghaithuy

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Khẩu Súng, Gói Thuốc - hoanghaithuy

    Khẩu Súng, Gói Thuốc

    by hoanghaithuy


    Truyện viết ở Sài Gòn Giáng Sinh 1970

    Năm tôi lên sáu, lên bảy – 1940 – trận Ðại Chiến Thế Giới Thứ Hai chưa nổ, đường giao thông từ Á sang Âu vẫn còn, hàng hóa từ Pháp vẫn còn được đưa sang Ðông Dương và nhà Gô Ða ở Hà Nội vẫn mở cửa. Những năm đó, đôi lần được thầy mẹ tôi dắt tay cho vào đi chơi trong nhà Gô Ða, tôi chỉ để ý đến mấy cô đầm bán hàng, tóc hung, mắt xanh và nói tiếng Pháp líu lo. Không khác những anh bé con khác cùng tuổi, khu vực đẹp nhất trái đất này của tôi ngày ấy là khu bán đồ chơi trẻ con trong nhà Gô Ða. Nơi có những chiếc xe tăng chạy bằng dây cót biết leo phăng phăng lên những chồng nhật báo xếp lên nhau giả làm đường núi, những khẩu súng Eureuka co tên đầu gắn cao su bắn bằng lò xo. Phập… Mũi tên dính chặt vào mặt gỗ phẳng mỗi lần rút ra phát ra tiếng bục.

    Lên năm, lên sáu tuổi, tôi đã được chơi súng nhưng đến năm tôi mười một, mười hai tuổi – 1942. 1943 – khi tôi thật sự biết chơi súng, thích chơi súng, bắt đầu biết tưởng tượng tôi lại không còn có súng để mà chơi, để tưởng tượng và thích thú. Vì cuộc Thế Chiến Thứ Hai nổ ra vào năm tôi mười tuổi. Ðường giao thông giữa hai lục địa Âu và Á bị cắt đứt, hàng hóa của Pháp không sang được Ðông Dương, nhà Gô Ða phải đóng cửa. Ðồ chơi trẻ con bằng sắt có máy như xe tăng, xe hơi, súng hơi… hết hẳn ở Hà Nội.

    Tôi được biết nhà Gô Ða đã đóng cửa vào một buổi sáng mùa đông. Chủ nhật, thầy tôi từ Hà Ðông ra Hà Nội có việc. Ông định cho tôi đi theo nhưng đến phút sau cùng, có lẽ vì sợ phải chạy bom – Hà Nội đang bị oanh tạc – ông lại không cho tôi đi theo. Tôi tần ngần đứng ở cửa khi thầy tôi sắp ra đi. Ông cho tôi tờ giấy một hào để tôi ở nhà ăn quà. Tôi đưa lại ông tờ giấy bạc và nói:

    – Con muốn có một cái súng như cái súng thầy mua cho con hồi trước. Thầy ra Hà Nội nhớ mua súng cho con…

    Tôi thấy nét mặt của thầy tôi khác đi. Bây giờ hồi tưởng, tôi nghĩ rằng giây phút đó thầy tôi buồn. Buồn vì không chiều được tôi. Ông không cầm tờ giấy bạc:

    – Con cứ cầm tiền ăn quà. Ðể thầy xem, có thầy mua cho, nhưng chắc bây giờ không còn đồ chơi đâu.

    Tôi nghĩ đến gian bán đồ chơi sáng trưng trong nhà Gô Ða:

    – Trong nhà Gô Ða con thấy bán nhiều lắm…
    – Nhà Gô Ða đóng cửa từ lâu rồi, con…

    Chuyến đi Hà Nội hôm ấy, thầy tôi không mua được súng cho tôi. Buổi tối khi ông về, tôi chờ đón và thấy ông về tay không, tôi cảm thấy buồn rầu như tôi vừa mất một quyền lợi gì. Khi tôi biết chơi súng, tôi không có súng để mà chơi. Từ đó cho tới năm tôi chơi được súng thực, tôi không được cầm lại một khẩu Eureuka bắn tên nào nữa…

    o O o

    Trong bẩy năm, chánh phủ cấm nhập cảng mọi thứ súng lục giả nhưng giống súng thực dành cho trẻ con chơi. Trẻ con Việt Nam trong thời này được chơi đủ thứ xe tăng, phi cơ, dĩa bay, người máy nhưng thiếu súng lục. Từ năm 1963, súng lục trẻ con giống súng thực bắt đầu lác đác có ở Sài Gòn. Loại súng giả này được mang lậu vào Sài Gòn từ Cao Miên, Thái Lan.

    Ðến Noel năm nay thì hè phố Lê Lợi, khoảng chung quanh nhà Tax, có bày quá nhiều súng lục trẻ con, những khẩu súng lục giống súng thực và đẹp đến nỗi người lớn trông cũng phải thích. Kể cả những anh người lớn đã từng được cầm súng thực bắn chết người thực.

    Tôi đứng ngắm mãi – khi không có tiền để có thể mua, khi biết chắc mình không thể mua được món đồ gì dù món đồ đó có đẹp, hấp dẫn đến đâu tôi cũng ít khi cầm xem, nhưng lần này vì khẩu súng đẹp quá, tôi phải miễn cưỡng phá lệ – tôi cầm khẩu súng lên. Ðó là một khẩu Parabellum, loại súng mà tôi vẫn thích. Nó lại có ống hãm thanh, trông y như súng của điệp viên James Bond 007. Không phải là đồ Nhật. Hàng chữ Made in West Germany hiện rõ trên cán súng. Không nặng bằng Parabellum thật nhưng cũng không hẫng như súng nhựa. Mầu súng cũng xanh xanh như màu thép già.


    Quanh tôi, người coi trầm trồ:

    – Mẹ… Giống súng thực quá…!
    – Mua khẩu này đi ăn cướp được đó mậy…
    – Mua cái bao da bỏ vào… Không ai có thể biết là súng giả.
    – Ðêm tối đưa ra… Sợ bằng thích…

    Họ nói đúng. Phải cầm lên tay mới biết khẩu này là súng giả của trẻ con. Tôi hỏi người bán:

    – Bao nhiêu khẩu này?

    Hắn đáp với ba ngón tay ngạo mạn:

    – Ba ngàn đồng…

    Như hắn đoán biết tôi chỉ coi chứ không đủ tư cách mua, mà hắn đoán trúng. Lương mười hai ngàn đồng với một vợ, một con, tiền ăn, tiền nhà cả tháng. Hiện trong túi tôi chỉ có bốn trăm đồng với vài đồng bạc cắc. Tôi muốn mua một món đồ chơi cho con. Nó đã sáu tuổi. Nó đã bằng tuổi tôi ngày xưa ở Hà Ðông. Bằng tuổi tôi đã được chơi súng.

    Tôi đi lẫn trong đám người đi mua đồ Noel. Mình được bố mẹ yêu thương chừng nào, mình cũng yêu thương con mình y như thế, nếu không yêu hơn. Ngày mình còn nhỏ, bố mẹ mua cho mình những món đồ chơi gì, bây giờ mình có con, mình cũng có bổn phận phải mua cho con mình những món tương xứng. Nếu không, chỉ là anh bố tồi… Tuấn mà được cái súng có gắn ống hãm thanh y như súng điệp viên, chắc cu cậu khoái lắm. Nó không khoái chơi xe. Trẻ con hai ba tuổi mới khoái chơi xe. Nó đã sáu tuổi, nó cần được chơi súng… Ba ngàn đồng… Made in West Germany…

    – Ê… ông! Ði đâu mà ngất ngư thế ông?

    Trước cửa nhà Pole Nord, nó vỗ vai tôi, miệng cười nhăn nhở… năm bẩy năm trước, chúng tôi gọi nó là thằng Ðăng Xê Xê vì răng nó vàng và đầy bựa. Có khi chúng tôi còn gọi nó là thằng AntiHynos vì nó chê bàn chải với thuốc đánh răng. Bây giờ ăn nên, làm ra, có địa vị trong xã hội rồi, chắc nó vẫn giữ nguyên cái tật chê đánh răng như cũ vì hàm răng nó nhe ra giữa cặp môi dầy có mầu vàng đậm hơn và cải mả, dơ dáy hơn trước:

    – Lâu quá mới lại được gặp ông. Mời ông vào đây cho tôi được quyền chi ông ly nước…

    Nó kéo tôi vào Pole Nord. Veston nâu, cravate đỏ, giầy nâu, tay cầm tờ Newsweek, mái tóc dài bóng nhoáng brillantine, trông nó long trọng rõ ra một kẻ có chức việc phải có mặt trong những buổi lễ lạc. Cảm thấy cái nhìn của tôi đánh giá bộ quần áo trên con người nó, nó nhún vai:

    – Phái đoàn nghị sĩ Hoa Kỳ vừa đến thăm trụ sở… Phải đến tiếp mấy ổng… Vừa mới trốn được tiệc trà chạy vội ra đây định mua cái gì về làm quà Nô En cho mấy ông ôn ở nhà…
    – Mày đi ngoại quốc luôn mà còn phải mua quà ở đây sao?
    – Ði ngoại quốc mua quà về là một chuyện, Nô En lại phải có quà Nô En… Ngày tao đi Nhật về có mấy cái bật lửa , tao định cho mày nhưng cóc thấy mặt mũi mày đâu cả, chúng nó tới vồ hết…
    – Mày có quà phải đem đến tao chứ! Tao rình mày đi chơi về để đến xin quà màysao?

    Nó nhăn nhó như người khổ sở thực tình:

    – Mày sáo lắm. Anh em mày đến chơi thăm tao không được ư? Như thế là mày có mặc cảm… Việc gì cứ phải tao đi tìm mày mới được? Tao hơn chó gì mày?
    – Sao lại không hơn? Bây giờ mỗi tháng lương mày bốn chục sắp, tao có hơn mười ngàn. Mày có quyền bất khả xâm phạm… Tao mà léng phéng là bị phú lít bắt bỏ bóp ngay tức khắc…!
    – Chuyện đó thì có ăn nhậu gì đến tình bạn giữa tao và mày? Tao và mày vẫn là bạn.

    Tôi bỗng cảm thấy tôi cay đắng với nó. Tôi cay cú vì tôi không được bằng nó. Việc gì tôi lại phải tỏ ra ghen với nó nhỉ? Nó bị các báo chửi nát người ra, chỉ còn thiếu nước bị lôi ra chợ nhét của dơ vào miệng. Còn tôi, tôi đâu có bị ai nói nặng một câu!

    Chuyện gẫu. Hỏi thăm thằng nọ, thằng kia. Nó ăn kem. Tôi uống 33. Nó móc túi trả tiền, lấy ra một gói thuốc lá Phillip bao vàng:

    – Này… cái thuốc này mày với thằng Trí vẫn thích này? Phải không? Lâu lắm không thấy bán. Hồi sang Hồng Kông tao thấy bên ấy có nhiều lắm. Có phải đúng thứ thuốc hồi trước mày thích không?

    Nó nhớ đúng. Tôi cách đây năm bẩy năm thích hút Phillip vàng. Ít năm gần đây, Philip đổi thành bao giấy trắng, chữ đỏ, chất thuốc kém hẳn nên tôi bỏ Phillip.

    – Tao lấy gói này trong phủ Tổng Thống… Mày lấy mà hút…

    Ra khỏi nhà hàng, trời bắt đầu tối và có mưa lâm râm, nó ngửa mặt lên nền trời xám:

    – Nô En mà mưa là nhất rồi. Ðêm nay đi ăn đi chơi tha hồ mà mát. Khỏe…

    Nó nhìn xuống:

    – Sài Gòn nhiều hàng ngoại quốc quá. Chẳng thiếu món gì. Chỉ thiếu có tiền… À, mày đã mua gì cho thằng con mày chưa? Năm nay nó lên mấy rồi nhỉ? Nhân dịp mày cho phép tao mua cái gì cho thằng nhỏ.

    Nó định mua cho con tôi cái xe hơi tám trăm. Tôi lắc đầu:

    – Con tao nó có xe rồi. Nếu mày không tiếc tiền, mày mua cho tao khẩu súng. Ðằng kia có bán mấy khẩu súng đẹp lắm. Tao không đủ tiền mua.
    – Thì mua súng… Ðâu súng đâu? Mẹ kiếp… Bố chuyên bắn súng Ca-nông sao không khuân về nhà cho con một khẩu cho nó chơi mà lại phải ra đây mua súng giả cho nó?

    Số bạc ba ngàn làm nó đau, nhưng lỡ rồi, nó anh dũng móc sấp giấy năm trăm ra mua khẩu Parabelum đưa cho tôi. Tôi tha thứ hết mọi lỗi lầm của nó.

    o O o

    Tôi vẫn thèm cây súng của thằng An ở đầu hẻm. Bố nó có xe hơi nhưng nó vẫn ít đồ chơi hơn tôi. Mới đây, chú nó là sĩ quan đi học bên Hoa Kỳ về – tôi nghe nó khoe như thế – mua cho nó một khẩu súng giống như khẩu súng của cao bồi. Từ ngày có súng, nó lên mặt với tôi. Nó đem súng đi chơi với bọn ở hẻm bên. Bên đó, bọn trẻ con đã lớn, thằng nào cũng có súng, toàn là súng làm bằng gỗ. Thằng An có súng thật nên được bọn chúng chịu cho chơi chung. Mẹ tôi có mua cho tôi mấy khẩu súng nhưng toàn là súng giả làm bằng nhựa bán ở tiệm chú Tầu. Súng nhựa mà bắn ai! Tôi đòi mẹ tôi mua cho tôi khẩu súng thật như súng của thằng An, mẹ tôi nói mẹ không biết chỗ nào bán, chờ bố về bảo bố mua cho.

    Bố tôi làm sĩ quan ở xa, cả tháng bố mới về nhà một lần. Bố có nhiều súng nhưng toàn là súng người lớn, nặng lắm, tôi không thể chơi được. Lần này ngày lễ, tôi được nghỉ học, bố tôi về nhà. Nghe mẹ tôi kể chuyện tôi thích cái súng của thằng An, bố tôi không nói gì, bố tôi lên Sài Gòn một lúc mang về cho tôi cái súng này.

    Súng của tôi còn đẹp hơn súng của thằng An. Súng của tôi đen nhánh, súng của nó trắng. Súng mà trắng là thua rồi. Bố tôi bảo đi đánh nhau ban đêm, súng phải đen chứ nếu súng trắng, quân thù nó trông thấy nó bắn mình chết. Lúc đó bọn chúng nó đang chơi bắn chau, tôi mang súng ra, cả bọn xúm lại coi. Thằng nào cũng thích. Chúng nó thích súng của tôi hơn súng thằng An. Thằng nào cũng bồ với tôi hết. Thằng An khoe súng của nó là súng của cao bồi. Trong bọn có thằng bồ với tôi, bênh súng của tôi, nó nói súng của tôi là súng điệp viên và điệp viên đánh nhau cừ hơn cao bồi.

    Bố tôi còn có một bao thuốc lá mầu vàng. Tôi nói với bố tôi bao giờ bố hút hết thuốc lá thì cho tôi cái bao thuốc. Bố tôi hỏi lấy bao thuốc làm gì? Bố tôi biết là ở trường, ở cả trong xóm tôi, bọn trẻ con chúng tôi vẫn dùng bao thuốc lá làm tiền. Những bao thuốc giấy xanh, giấy đỏ có nhiều nên rẻ lắm, chỉ gọi được là năm mươi đồng với một trăm đồng thôi. Bao thuốc giấy vàng như bao thuốc bố tôi đang hút được cho là năm trăm đồng. Ít thằng nào có bao thuốc vàng đó lắm.

    – Bao giờ bố có bao thuốc này nữa, bố nhớ để dành cho con, bố nhá…

    Còn mấy điếu ở trong bao, bố tôi bỏ hết ngoài để đưa cho tôi cái bao. Chỉ cần có một bao thuốc này, tôi cũng có nhiều tiền hơn chúng nó. Tôi có thể đổi một bao này lấy mười bao của bọn nó. Chúng nó tranh nhau mà đổi cho tôi.

    Chiều hôm qua, tôi đi học về, thấy chú Quýnh đến nhà. Chú Quýnh cũng đi sĩ quan với bố tôi. Lần này chỉ có chú về mà không có bố tôi về. Chú ngồi nói nhỏ cái gì với mẹ tôi, tôi thấy mẹ tôi khóc, mắt đỏ hoe. Tôi hỏi tại sao mẹ khóc, mẹ bảo bố tôi bị đau phải đi nằm nhà thương, mẹ ôm tôi vào lòng, hôn lên tóc tôi. Chú Quýnh cũng ôm hôn tôi. Chú nói sáng mai chú đem xe díp lại đón mẹ tôi với tôi đi lên nhà thương thăm bố tôi. Tôi đem súng ra khoe chú. Chú nói súng tôi đẹp hơn cả súng của chú. Chú nói nếu có khẩu súng này chú đem ra dọa Việt Cộng, chắc Việt Cộng phải sợ.

    Tôi đưa bao thuốc lá vàng bố tôi cho hôm nọ ra – nhiều thằng gạ đổi lắm nhưng tôi không chịu – hỏi chú Quýnh chú có bao thuốc này đem về cho tôi. Chú Quýnh cũng không biết bao thuốc vàng này trị giá bao nhiêu. Khi tôi nói cho chú biết, chú hứa sẽ đi kiếm cho tôi ít nhất là mười cái. Chú không hút thuốc này nhưng chú biết trên Sài Gòn có chỗ bán, chú sẽ đi mua về lấy thuốc hút còn bao cho tôi.

    Buổi sáng, mẹ tôi đánh thức tôi dậy sớm. Tôi được nghỉ học để đi thăm bố. Tôi được bận quần áo đẹp. Chú Quýnh đúng hẹn, chú đem xe díp đến. Chú ngồi cầm lái, tôi ngồi cùng ghế với mẹ tôi.

    Chú lái xe đưa mẹ con tôi đi xa lắm, đi qua những nơi tôi chưa từng đi qua bao giờ. Xe chạy ra khỏi thành phố. Tôi trông thấy bên đường có một bãi cỏ lớn lắm, lớn như sân đá banh mà không phải là sân đá banh. Trong bãi cỏ những tốp người Mỹ đi bộ, chú Quýnh bảo tôi đó là sân gôn của người Mỹ. Tôi không biết người Mỹ đánh gôn ra sao, chú Quýnh cũng không biết.

    Nhà thương có lính gác, chú Quýnh phải xuống xe trình giấy người ta mới cho xe vào. Chúng tôi tới một tòa nhà có thềm cao. Có nhiều người bận quần áo mầu xanh ngồi chơi ở đó. Tôi thấy nhiều người cụt chân, có người cụt tay, có người tay chân còn buộc băng trắng toát. Người nào trông cũng gầy yếu. Trên cái ghế gỗ, có mấy bà nữa đã ngồi chờ trước khi mẹ con tôi đến. Bà nào cũng khóc, khăn tay cứ đưa lên chấm mắt luôn. Một lúc sau mẹ tôi cũng khóc. Mẹ tôi khóc khác mấy bà kia. Mấy bà ấy trong lúc khóc trông xấu hơn lúc không, còn tôi thấy mẹ tôi lúc khóc vẫn đẹp. Mẹ tôi đẹp hơn mấy bà ngồi bên nhiều.

    Chú Quỳnh để mẹ con tôi ngồi đấy, chú đi đâu rất lâu. Ở đây chẳng có gì chơi, chẳng có gì coi, cũng không có hàng quà. Tôi ngồi buồn nhưng tôi biết rằng bố tôi đang đau, tôi không nên chạy chơi. Những ông ở đây chắc đều là bạn của bố tôi. Các bác, các chú cũng đau, tôi chẳng nên đùa nghịch làm phiền các bác, các chú.

    Ðến gần trưa, khi tôi bắt đầu thấy đói bụng, chú Quýnh mới trở lại. Chú đưa mẹ con tôi qua nhà khác. Chỗ nào tôi cũng thấy có người đau ngồi, nằm. Tới một cửa phòng mẹ tôi vào trước, tôi đứng với chú Quýnh ở ngoài. Tôi đứng chờ một lúc thì thấy mẹ tôi đẩy hé cánh cửa, vẫy tôi vào.

    Bố tôi nằm trên cái giường sắt. Một chân bố bị treo lên, quấn đầy băng, ngực và đầu bố cũng có băng quấn. Nhưng bố tôi vẫn cười với tôi. Bấy giờ mới biết là bố tôi đi đánh giặc bị thương chứ không phải bố tôi đau bịnh. Tôi hỏi bố có đau không? Bố đưa bàn tay không bị buộc băng ra cho tôi nắm, bố tôi nói có đau lúc mới bị nhưng bây giờ thì hết rồi…

    Bố tôi hỏi cái súng tôi có còn bắn được không hay tôi đã làm hư rồi, tôi ghé má vào cho bố hôn. Tôi cũng hôn lại bố tôi. Bố tôi lấy dưới gối lên một cái bao giấy đưa cho tôi. Tôi mở coi, bên trong có bao thuốc lá vàng, thứ bao thuốc giá năm trăm đồng mà tôi thích.

    Bố vuốt tóc tôi, bố dặn tôi về đi học, mẹ có cho ăn gì mới được ăn chớ không được đòi, tuần sau tôi lại được vào thăm bố. Chú Quýnh dắt tôi ra xe trước để cho mẹ tôi ở lại nói chuyện với bố tôi một lúc nữa. Ra ngoài sáng, tôi lại mở gói giấy ra coi. Có bao thuốc bị dính vết gì đỏ. Tôi hỏi chú Quýnh đây là vết gì, chú bảo có lẽ là vết máu.


    hoanghaithuy
    Source: "https://hoanghaithuy.wordpress.com"


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X