Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Một chuyện tình buồn

Collapse
X

Một chuyện tình buồn

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Một chuyện tình buồn

    Một chuyện tình buồn
    VTT Hà Chí Dzũng (68-75)


    Lời mở đầu: Đây là một câu chuyện tình buồn có thật của một cựu học sinh Võ Trường Toản - Hoàng Văn Thanh, được viết dựa trên những tin tức lọm lặt đó đây từ các huynh trưởng đồng khóa 61-68. Câu chuyện tuy ngắn nhưng hàm chứa được sự mãnh liệt của tình yêu và cái cao quý đậm sâu của tình bạn, tình đồng môn, tình trường. Nếu có những sơ xuất hoặc chi tiết không được chính xác, kính xin anh Thanh và chị Cúc trên suối vàng cùng các huynh trưởng 61-68 tha lỗi cho. - VTT Hà Chí Dzũng (68-75).




    Người con gái cầm chặt lấy tay người yêu cùng nhẹ bước trên lối đi ngoằn ngoèo sỏi đá trải dài từ cổng nghĩa trang, vừa đi vừa đưa mắt nhẩm đọc tên họ được điêu khắc trên những mộ bia. Mặc dầu đã ép sát vào người yêu nhưng người con gái vẫn phập phòng lo sợ vì khung cảnh hoang vu tỉnh mịch ở đây. Người con gái nghe tiếng xào xạc từ những hàng cây cạnh lối đi mỗi khi có con gió thoảng qua rồi khẽ rùng mình khi nghỉ đến câu chuyện tình thật đẹp mà cũng thật buồn của hai nhân vật Thanh và Cúc mà người yêu của mình đã kể cho nàng nghe sơ qua không lâu trước đây. Người con gái ráng tưởng tượng ra chị Cúc với mái tóc vừa chấm vai, với cặp mắt đen láy cùng đôi môi đỏ mộng đã làm anh Thanh ngơ ngẩn đắm say. Người con gái cũng cố hình dung đến một anh Thanh thật hoạt bát, vui tính cùng nụ cười rạng rỡ trên môi dã làm bao nhiêu cô nữ sinh Trưng Vương một thời xao xuyến những năm đệ tam, đệ nhị của thập niên 60.

    - Mộ của anh Thanh đây rồi!

    Giọng người con trai trầm ấm bên tai như kéo người con gái trở về với thực tế. Người con trai cầm tay kéo người yêu đúng bên cạnh mình rồi hướng mặt về phần mộ bên cạnh, khẽ bảo:

    - Mình thắp hương cho cả anh Thanh lẫn chị Cúc nghe em. Hôm nay trước mộ của hai nhân vật này, anh muốn kể cặn kẻ hết chuyện của anh Thanh và chị Cúc mà anh được biết, để em hiểu tại sao anh yêu quý những người bạn học cũ đã chia xẻ cùng anh những tháng ngày mộng mị, những ý nghĩ thầm kín, những ước vọng cho tương lai, trong cả một quãng đời trung học.



    Kiếp Nào Có Yêu Nhau
    Tác giả: Phạm Duy

    Đừng nhìn em nữa anh ơi
    Hoa xanh đã phai rồi
    Hương trinh đã tan rồi
    Đừng nhìn em, đừng nhìn em nữa, anh ơi
    Đôi mi đã buông xuôi,
    môi nhăn đã quên cườị
    Hẳn người thôi đã quên ta
    Trăng Thu gẫy đôi bờ
    Chim bay xứ xa mờ.
    Gặp người chăng, gặp người chăng, nhắn cho ta
    Hoa xanh đã bơ vơ, đêm sâu gối ơ thờ.
    Kiếp nào có yêu nhau, thì xin tìm đến mai sau
    Hoa xanh khi chưa nở
    Tình xanh khi chưa lo sợ
    Bao giờ có yêu nhau
    Thì xin gạt hết thương đau
    Anh đâu anh đâu rồỉ
    Anh đâu anh đâu rồỉ
    Đừng nhìn nhau nữa anh ơi
    Xa nhau đã xa rồi, quên nhau đã quên rồi
    Còn nhìn chi, còn nhìn chi nữa anh ơi
    Nước mắt đã buông suôi,
    theo tiếng hát qua đời
    Đừng nhìn nhau nữa ... anh ơi!


    Người con gái cùng người yêu thắp đốt vài cây hương trầm trên mộ của hai người quá cố, đồng tâm khẩn nguyện, anh chị sống khôn thác thiêng, về đây chứng kiến cho tấm lòng thành kính của chúng em. Khói nhang nghi ngút lửng lơ quanh giữa hai ngôi mộ, dường như quấn quýt không muốn bay tan.

    Ngôi mộ bên phải, đúc bằng bê tông vuông vắn, được phủ lên trên một lớp vôi dày màu xanh da trời, ở chính giữa in khắc dòng chữ đỏ:

    NƠI AN NGHĨ
    CỐ THIẾU ÚY
    HOÀNG VĂN THANH
    SANH - 1950
    ĐỀN NỢ NƯỚC (24/5/1970)
    HƯỞNG DƯƠNG 21 TUỔI


    Ngôi mộ bên trái được xây đúc bằng gạch cẩm thạch đỏ, ở giữa được cẩn trên đá cẩm thạch đen dòng chữ:

    PHẦN MỘ
    NGUYỄN THỊ KIM CÚC
    Tự: Xinh
    Sinh: 28.03.1950
    Từ Trần: 24.07.1970
    Nhằm: 22.06. Canh Tuất
    Hưởng Dương 21 Tuổi
    Gia Đình đồng lập mộ


    So sánh hai ngôi mộ thì ngôi bên trái có vẻ tương đối khang trang và mới mẽ hơn. Như thầm đoán dược ý nghĩ của người yêu, người con trai lên tiếng giải thích.

    - Cả trên mấy chục năm trước đây, mô bia của chị Cúc chỉ là một cái mộ đắp đất rất nghèo nàn đơn sơ, vỏn vẹn cắm ở bên trên dòng tên của chị và ngày mất mà thôi. Mộ chị bị bỏ hoang vì gia đình chị đã từ bỏ khi chị quyết tâm theo gót người yêu đi về thế giới bên kia. Nhưng cách đây vài năm, các bạn bè trung học Võ Trường Toản của anh Thanh, ở khắp nơi trên thế giới, phần đông tại Mỹ, có gom góp quyên tiền để xây lại ngôi mộ cho chị ấy.

    - Thiệt hả anh?

    - Đúng là vậy, nhưng vấn đề xây mộ lại cũng là một sự phức tạp không nhỏ, dù rằng mộ chị đã bị tiêu điều bỏ hoang cả mấy chục năm.

    - Rồi làm sao xây được vậy anh? -- người con gái nóng lòng hỏi tới

    - Theo anh nghe được, thì một người bạn đồng lớp với anh Thanh, cũng tên Thanh, nhưng là Nguyễn Hồng Thanh nếu anh nhớ không lầm, đã đại diện đứng ra, quyên góp từ các bạn học đồng môn, rồi về Việt Nam khổ cực tìm kiếm đến gia đinh chị Cúc với mục đích xin phép gia đình chị ấy để xây mộ lại. Thoạt đầu thi gia đình chị cứ nằng nặc không cho phép mặc dầu chuyện tình đó đã xảy ra trên hơn 40 năm. Nhưng anh Hồng Thanh đã kiên trì đi đi lại lại từ Mỹ hết mấy lần, năn nỉ ỉ ôi một thời gian, hứa sẽ bao trọn tất cả những sở phí xây mộ, cố gắng thuyết phục gia đình chị bằng đủ mọi cách, và cuối cùng họ cũng xiêu lòng chấp nhận, để mộ chị được xây lại cho thật khang trang như em thấy đây.

    - Trời đất! Em không ngờ anh Thanh này có nhiều bạn quá tốt và thương mến ảnh đến như vậy, đã đứng ra làm chuyện này sau không chỉ bao nhiêu thời gian mà còn cả bao nhiêu không gian cách biệt. Đúng là tình bằng hữu của các bạn anh Thanh thật bao la và cao quý.

    - Chưa hết. Anh còn nghe một chuyện khó tin này nữa kìa, là các bạn anh ấy, sau khi việc xây lại ngôi mộ chị Cúc được hoàn thành, đã rước Thầy đến để làm đám cưới cho hai anh chị trước hai bia mộ. Sống không nên duyên vợ chồng, thì cái chết cũng chẳng làm sao ngăn cách họ được. Cuối cùng họ cũng đã được thành duyên nơi vĩnh cửu.

    Người con gái sụt sùi dâng tay dụi hai bờ mi.

    - Thật tội nghiệp cho vợ chồng anh Thanh và chị Cúc. Em nghe chuyện anh chị mà không cầm được nước mắt.

    Nói xong, người con gái kính cẩn quỳ lạy trước đôi mô bia, thầm khấn nguyện.

    -- ... sống khôn thác thiêng... kính xin anh chị phù hộ cho chúng em...

    *** Hơn 40 năm về trước ***



    Khấn vái xong, mắt hoen cay, người con gái lặng lẽ đứng dậy cầm chặt tay người yêu.

    - Anh ơi, anh kể cho em nghe hết chi tiết về anh chị Thanh. Em muốn được biết anh chị gặp nhau trong hoàn cảnh nào để rồi đi đến một tình yêu cho nhau gần như là tuyệt đối. Nhưng nếu vậy thì tại sao lại đi đến cái cảnh bi thương này?

    - Chuyện này đã xảy ra hơn 40 năm rồi nên anh không biết rõ lắm, chỉ biết anh Thanh lúc trẻ học ở trường trung học Võ Trường Toản trước mặt Thảo Cầm Viên. Ngày ấy, trường này là một trường đệ nhị cấp hoàn toàn cho nam sinh mà thôi. Lúc trẻ, anh Thanh tuấn tú xuân thời, được rất nhiều bạn học ngưởng mộ vì tướng vóc cao ráo và nghe nói ảnh rất đào hoa, được nhiều cô học sinh Trưng Vương láng giềng đem lòng thương mến đeo đuổi. Anh Thanh cũng là một cây đá banh hạng gộc cho đội tuyển túc cầu của trường.

    - Vậy thì có phải chị Cúc là nữ sinh Trưng Vương?

    - Cũng có thể nhưng anh không biết chắc. Cái chính tại sao hai người quen nhau là vì ở cùng xóm. Nhà anh chị ở đối diện, từ nhỏ đã sang nhà nhau học chung vì cùng lớp cùng tuổi nên đã biết nhau thật lâu và chính từ đó tình yêu ngày càng sinh sôi nẩy nở, cho nên mặc dù là có nhiều nàng theo đuổi nhưng anh Thanh đã đem lòng yêu thương chị Cúc từ thuở nào rồi.

    Xiết chặt thêm tay người yêu, người con trai trầm ngâm giây phút, rồi tiếp nói.

    - Xã hội ngày xưa khắt khe lắm, không như ngày nay. Chuyện trai gái lớn lên, gặp rồi quen nhau, khó khăn hơn bây giờ rất nhiều. Anh nghĩ anh chị đã nhiều lần gặp mặt, cũng có thể là lén lút gia đình hai bên, tạo cơ hội hẹn hò nhau trước cổng trường hoặc chỗ nào đó chẳng hạn, có thì giờ tìm hiểu thề thốt với nhau để rồi đưa đến một tình yêu mãnh liệt như vậy chứ chẳng lẽ anh chị không biết nhau nhiều mà anh lại nhờ mẹ qua dạm hỏi chị?

    - Ảnh đã có nói chuyện với gia đình và nhờ mẹ ảnh qua dạm hỏi chị Cúc hả anh?

    - Chuyện là thế này, sau khi ảnh thi đậu Tú Tài II - em nên nhớ là hồi đó chương trình giáo dục trung học được dựa theo đường lối của Tây nên học sinh phải đi thi cả Tú Tài I và II thì mới được xong trung học - thì anh Thanh cũng như bao nhiêu trai tráng thời bấy giờ phải động binh vào quân ngũ. Ảnh cùng một số bạn đồng lớp nộp đơn và đã được chấp thuận vào binh chủng Hải Quân. Đang ngay trong thời kỳ chờ đợi ngày gọi vào hải trường này, thì anh Thanh thú thật chuyện anh và chị Cúc với mẹ ảnh và nhờ mẹ mình đánh tiếng với cha mẹ người yêu để có thể tiến xa hơn đến chuyện hôn nhân.

    - Rồi sao nữa anh? Người con gái háo hức hỏi

    - Mẹ ảnh thương con, có đánh tiếng với gia đình láng giềng nhưng kết quả không được tốt lắm chỉ vì cái phong kiến xã hội và sự khắc nghiệt của cái quan niệm rằng hôn nhân phải có sự môn đăng hộ đối giữa đôi bên gia đình. Nói nôm na là nhà gái chê gia đình ảnh nghèo nên đã tìm cách khước từ.

    -Vậy hả anh? Sao tội ảnh quá vậy!

    - Em biết không? Một mặt đau khổ cho tình yêu chân thật của mình, một mặt hổ thẹn với mẹ già vì đả làm gia đình mất mặt, cộng thêm vào đó sự vi phạm thật to lớn đến cái tự ái của một người trai trẻ, anh Thanh đã cấp tốc ghi danh ngay vào trường Sĩ Quan Bộ Binh Thủ Đức - mặc dù vẫn đang còn chờ ngày gọi vào Hải Quân - để đi tìm quên lãng. Anh thiết nghĩ, lúc ấy chắc chị Cúc cũng rất là đau khổ không kém gì anh Thanh, nhưng phận con cái, cha me đặt đâu ngồi đó, chỉ có thể cắn răng chịu đựng thôi chứ biết làm gì được.



    Adieu Sois Heureux - Art Sullivan

    Toi qui n'as pas voulu de moi
    Toi qui n'avais pas confiance
    Toi qui ne m'as pas ouvert
    Toi qui ne m'aimes pas

    Toi qui n'as pas voulu comprendre
    Toi qui n'as pas voulu m'attendre
    Toi qui passais sans me voir
    Toi qui ne m'aimais pas

    Adieu, sois heureuse
    Adieu et bonne chance
    Avec celui
    que ton cœur à choisir

    Adieu sois heureuse
    Adieu et bonne chance
    Avec celui
    qui t'emmène, aujourd'hui

    Toi qui n'as pas voulu de moi
    Toi qui n'avais pas confiance
    Toi pour qui j'ai tant chanté
    Toi pour qui j'ai trop pleuré

    Adieu, sois heureuse
    Adieu et bonne chance
    Avec celui
    que ton cœur à choisir


    *** Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi ***


    Bâng khuâng, người con gái khẽ nói.

    - Không biết anh chị có được cơ hội gặp nhau lần cuối cùng trước khi anh Thanh vào Thủ Đức không, anh nhỉ?

    - Ai mà biết được? Nhưng nếu anh là anh Thanh, thì chắc anh phải tìm đủ cách để gặp người yêu một lần cuối cùng trước khi giả từ tuổi mộng mơ, xếp áo thư sinh đi theo tiếng gọi của nước non. Gặp để làm chi? Gặp làm gì? .... Để ít nhất nói được với nhau một lời từ biệt, xiết tay nhau mến trao lần cuối, để ghi khắc trong tâm tư những giây phút còn dược bên nhau, để em chúc anh đi thượng lộ bình an, để anh an ủi thôi em đừng buồn cho duyên phận, kiếp này không thành chúng ta sẽ hẹn nhau kiếp sau, hoặc để có thể còn nuôi sống chút hy vọng cho trương lai...

    Sáng mai đây giã biệt kinh kỳ
    Hai đứa mình còn có đêm nay
    Để thương nhớ tràn đầy
    Người em gái hậu phương


    - Anh ơi, sao càng nghe em càng thấy buồn và càng cảm thông cho anh chị Thanh quá.

    - Nhưng ngược lại, nếu là anh, anh không biết anh có muốn gặp lại hay không? Tâm trạng anh Thanh lúc bấy giờ chắc buồn tới thúi ruột rồi còn cộng thêm sự tự ái nữa. Lòng dạ nào và can đảm đến đâu mà đến gặp người yêu?

    - Nếu em là chị Cúc, thế nào em cũng phải gặp ảnh một lần cuối, anh ạ.... Rồi sau đó anh Thanh đi vào Thủ Đức hả anh?



    Biệt Kinh Kỳ
    Nhạc Minh Kỳ
    Lời: Hoài Linh

    Bạn ơi! quan hà xin cạn chén ly bôi
    Ngày mai tôi đã đã đi xa rồi
    Thành đô lưu luyến chắn bước chân tôi
    trước giờ chia phôi mấy ai không bùi ngùi
    kỷ niệm buồn vui mãi ghi trong lòng tôi.
    Rồi đây mai ngày ai hỏi đến tên tôi
    Bạn ơi ! hãy nói "khoác chiến y" rồi
    Người thư sinh ấy đã xếp bút nghiên
    giã từ trường yêu với bao nhiêu bạn hiền
    có về là khi nước non vui bình yên.

    Nhớ lúc lên đường đưa tiễn chân tôi,
    Thương lên khoé mắt mẹ nhắn đôi lời,
    Diệt thù lập công cho xứng tài trai,
    Sắt son ghi lòng chớ phai.
    Ai đi chinh chiến xây đắp tương lai,
    Con đi chinh chiến để nước yên vui
    Lời mẹ hiền khuyên nguyền khắc trong tim
    bao giờ dám quên.

    Bạn ơi ! khi nào ai hỏi đến tên tôi
    Đời tôi lính chiến cánh chim tung trời.
    Ngày nào khi đất nước hết binh đao
    giữa đoàn hùng binh có tôi đi hàng đầu,
    trở về thành đô nắm tay ta mừng nhau.

    Người đi chiều ấy áo nhuộm bụi đường
    Chiều nay về giữa kinh kỳ say hương.


    - Ảnh lập tức từ giả gia đình, vào trường Vỏ Bị Sĩ Quan Thủ Đức, lam lũ phong sương 9 tháng trong quân trường, và sau đó tốt nghiệp Chuẩn Úy Bộ Binh và được biết phái về vùng 4 chiến thuật. Sau mấy ngày nghỉ phép thăm nhà, anh phải ra ngoài vùng 4 trình diện với đơn vị của mình.

    - Vùng 4 chiến thuật là ở đâu vậy anh?

    - Vùng 4 chiến thuật là thuộc quân đoàn 4 thành lập năm 1963, hoạt động tác chiến trên toàn bộ vùng đồng bằng sông Cửu Long, chiếm gần 1 phần 2 dân cư và đất canh tác Miền Nam Việt Nam, có nhiệm vụ bảo vệ an ninh cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long, dọc biên giới Việt Nam - Cam Bốt.

    - Rồi sao nữa ảnh

    - Chinh chiến xưa nay mấy kẻ về. Lăn xả trên chiến trường, ba lô trĩu nặng một bầu trời yêu thương, coi thường mạng sống, nên chỉ có 9 tháng sau ngày tốt nghiệp quân sự, gia đình anh nhận được hung tin là anh đã tử trận trong một cuộc hành quân và được anh dũng phong chức Thiếu Úy sau khi chết.

    Người con gái run vai bật khóc. Người con trai choàng tay qua vai người yêu vổ về, rồi một lúc thật lâu sau mới kể tiếp.

    - Xác anh được mang về tẩm liệm ở nhà anh trong xóm rồi sau đó di cốt của anh đã dược chôn cất ở đây. Nghe nói, chi Cúc không có đến thăm viếng quan tài ảnh vì chỉ mới thoạt nghe hung tin là chị đã té bất tỉnh nhân sự rồi ngã bệnh trầm trọng ngay sau đó, nằm liệt giường liệt chiếu, không ăn mà cũng chẳng uống. Chị có xin gia đình được để tang anh nhưng gia đình không cho.

    *** Xin hẹn kiếp sau ***


    Người con gái hướng mặt ngẫn nhìn lên mộ anh Thanh thật lâu, rồi xoay qua nhìn mộ chị Cúc. Quan sát gương mặt người yêu của mình, người con trai nhẹ nói:

    - Anh sẽ kể tiếp những gì người trong xóm đồn đãi, tin hay không tin là tùy em... Người ta nói anh Thanh rất... linh. Có một đêm, cả chị Cúc và mẹ ảnh nằm mơ thấy anh báo mộng là mai anh về, và ngày hôm sau chính là ngày nhà anh được hung tin anh đã tử trận chiều hôm trước.

    - Thiệt hở anh? Anh Thanh có hiện hồn về à? -- Vừa nói, người con gái vừa xích sát lại bên người con trai.

    - Thì anh nghe người trong xóm kể lại như vậy. Đó là lần đầu tiên anh Thanh về báo mộng. Mà còn gì nữa em biết không? Chôn cất anh được 3 tuần lễ ở nghĩa trang Bình Hưng Hòa (cạnh chùa Giác Quang) này, thì một hôm trời giông tố nổi lên, mưa bảo thật lớn và sấm sét đánh vào mộ anh làm ngôi mộ bị nứt một đường dài. Gia đình anh phải lập tức ra nghĩa trang tu bổ lại mộ cho anh ấy. Khoảng 2 tuần sau, thì anh Thanh hiện về lần thứ hai báo mộng cho mẹ, năn nỉ cho bằng được rằng xin mẹ qua hỏi cưới người em gái hậu phương hàng xóm cho anh ấy. Bà cụ thức giấc buổi sáng, nhớ đến căn mộng báo, thương con khóc ròng nhưng chẳng dám thốt lại với ai về điềm mộng này. Nhưng rồi liên tục như vậy mỗi đêm cho khoảng hơn một tuần anh cứ về van xin mẹ như vậy. Bà cụ vừa sợ vừa thương con nhưng ngẫm nghĩ, khi anh Thanh còn sống, qua hỏi cưới mà nhà gái còn chưa chịu, nay con mình đã ra người thiên cổ, thì có điên hay sao mà dám qua xin hỏi cưới cho con mình thêm một lần nữa? Vả lại lúc này, bà cụ cũng đã biết là Cúc đang lâm trọng bệnh. Nhưng rồi thì cuối cùng, sau nhiều đêm mất ngủ bà cụ cũng uống thuốc liều, bất chấp mọi sự, qua nhà hàng xóm để thuật lại những cơn mộng báo của anh Thanh và điềm ao ước của ảnh.

    - Rồi sao anh? Rồi sao anh?

    - Rồi sao thì em nghĩ coi rồi sao? ... Rồi thì bà cụ, mắt thì dàn dụa, đầu thì cuối gần sát đất, lủi thủi đi về chứ sao nữa? Anh nghĩ chắc bị cha mẹ của chị Cúc kêu là đồ điên và mời ra khỏi nhà chứ rồi sao? Còn chị Cúc thì từ ngày anh Thanh mất, chị nằm liệt giường, trầm cảm không tiếp xúc với bất kỳ ai trong gia dinh, chỉ tâm sự riêng với một cô em kế, cũng xinh đẹp như chị, cho đến đúng 2 tháng sau thì chị mất.

    - Nghe buồn quá anh ơi - người con gái thở dài

    - Trước khi chị Cúc mất, chị ấy có trăn trối với cô em rằng chị muốn được chôn bên cạnh anh Thanh. Em đọc mộ bia thì thấy đó, ảnh mất ngày 24 tháng 5 còn chị thì cùng ngày tháng 7. Trong thời gian 2 tháng này, anh Thanh thường hiện về trong giấc mơ của người trong gia đình, hàng xóm và cả chị Cúc. Trước khi chị Cúc mất vài ngày, mẹ anh nằm mơ thấy ảnh xách vali đến chào, bà hỏi "con đi đâu?" thì ảnh nói đi cưới vợ. Khi nghe tin chị ấy mất, bà cụ có thêm một lần qua nhà hàng xóm đối diện để chia buồn đồng thời thuật lại giấc mộng báo của anh Thanh. Gia đình chị Cúc, một phần vì những gì được nghe bà cụ kể lại, một phần vì lời trăn trối của chị ấy, cuối cùng cũng chấp thuận chôn chị Cúc bên cạnh anh Thanh, mặc dù gia đình rất giàu, nhưng chỉ làm mộ lấp đất đơn giản và sau đó coi như là gia đình đã không có chị trong cuộc đời. Bao nhiêu năm sau, những ngày rằm Tết chỉ có gia đình anh Thanh đến viếng thăm và thắp hương cho hai anh chị mà thôi. Và cũng từ ngày đó, anh Thanh không còn trở về báo mộng nữa.

    *** Bên nhau trọn kiếp ***


    Trong khu nghĩa trang tĩnh lặng, đôi tình nhân ngồi kề bên nhau, vai sát vai, thì thầm, chia xẻ. Trước mặt họ là hai ngôi mộ một xanh một đỏ, nằm kề bên nhau, vai sát vai, thì thầm, chia xẻ.

    Nếu có ai tình cờ đi ngang, thì hai mộ này trông cũng tương tự như bao nhiêu ngôi mộ nằm ngổn ngang trong khu an địa âm u này. Nhưng nếu biết được sự tình, thì chắc không ai có thể tránh được một chút ngậm ngùi thương tiếc.

    HẾT

    VTT Hà Chí Dzũng (68-75)


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X