Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Hồ Hữu Tường

Collapse
X

Hồ Hữu Tường

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Hồ Hữu Tường

    Hồ Hữu Tường
    ĐỖ THÁI NHIÊN



    Thời gian chẳng bao giờ chờ đợi bất kỳ người nào, thời gian chỉ biết miệt mài vun vút lao tới. Thế nên, một trong những tình cảm căn bản của con người là lòng nuối tiếc thời gian đã qua đi. Lòng nuối tiếc này khi gặp các điểm mốc của thời gian đã biến thành nỗi xao xuyến, bồi hồi. Thực vậy, trong không khí giao tiếp giữa đêm đen của năm cũ và sáng hồng của năm mới, có lẽ không ai trong chúng ta không bùi ngùi nghĩ đến quá khứ và không băn khoăn nhìn về tương lai. Bằng tất cả bùi ngùi và băn khoăn vừa kể, bài viết này đã chọn cái chết của Hồ Hữu Tường như một mảng quá khứ và chọn những toan tính của đảng CSVN chung quanh cái chết này như những tia sáng chiếu rọi vào thực chất điều được gọi là “đổi mới” của CSVN trong hiện tại và tương lai.

    Lúc bấy giờ là mùa Thu năm 1978, tôi được di chuyển từ phòng biệt giam qua phòng giam tập thể thuộc trại giam số 4 Phan Đăng Lưu. Trại giam này, công an Cộng sản dành riêng để giam tù chính trị trong thời kỳ thẩm vấn. Tù chính trị đối với Cộng sản bao gồm: những người có tư tưởng chống cộng trước hoặc sau năm 1975, những người trước kia đã làm công tác an ninh tình báo dưới các chế độ của VNCH, và những người tham dự vào các tổ chức chống cộng tại Việt Nam sau năm 1975.

    Khoảng 4 giờ chiều ngày hôm ấy, sau nhiều tháng nằm xà lim, tôi bước vào phòng giam tập thể bằng cảm giác ấm áp của một người được trở về với xã hội loài người, dầu là xã hội tù. Tôi lại càng cảm thấy ấm áp hơn khi chợt nhận ra cùng phòng với tôi có Hồ Hữu Tường. Do cách biệt về tuổi tác và khác nhau về nghề nghiệp, tôi không có dịp quen biết với Hồ Hữu Tường trước khi vào tù. Tuy nhiên, nhà Hồ Hữu Tường và nhà tôi ở cùng xóm. Vì vậy hình ảnh của Hồ Hữu Tường lập tức gợi cho tôi nhớ khu xóm cũ cùng với những bà con láng giềng của tôi. Gợi nhớ này chính là nguồn gốc của cảm giác ấm áp. Có lẽ Hồ Hữu Tường cũng nhận ra tôi là hàng xóm láng giềng ngày trước nên ngay phút đầu gặp tôi, Hồ Hữu Tường vừa giữ thế kẻ cả, vừa tỏ ra thân mến. Tôi hoàn toàn không cảm thấy bị xúc phạm trước cung cách kẻ cả của Hồ Hữu Tường. Ngược lại, kiến thức của Hồ Hữu Tường cộng với tuổi đời 70 của ông ta lúc bấy giờ, cộng với “chất Việt Nam” mà Hồ Hữu Tường đã thể hiện trong mỗi suy tư và hành động đã dễ dàng chinh phục tôi đến độ tôi không còn nhận biết Hồ Hữu Tường đã trở thành người “bạn tù” khả kính và thân thiết của tôi tự lúc nào. Tôi gọi Hồ Hữu Tường là bạn bởi vì có lần, sau một lúc hàn huyên, Hồ Hữu Tường đã nói với tôi:

    -”Tao cho phép mày xem tao như bạn, tình bạn giữa tao và mày là tình bạn vong niên, tình bạn không phân biệt tuổi tác: tuổi tao gấp đôi tuổi mày”.

    Vả lại, không riêng gì đối với cá nhân tôi, Hồ Hữu Tường bao giờ cũng giữ được mối liên hệ vui vẻ đối với mọi người. Đặc biệt đối với những người tù trẻ tuổi, mỗi tối sau giờ cơm, Hồ Hữu Tường thường giúp họ giải khuây bằng cách kể cho họ nghe chuyện cổ tích, chuyện Tàu, chuyện ma Bình Thuận... Liên hệ giữa Hồ Hữu Tường và những người tù trẻ này thân mật và vui vẻ đến độ: Có một hôm, cả phòng tù đang nghỉ trưa, một anh tù người Việt gốc Hoa nằm ở đầu phòng bỗng ngồi nhỏm dậy nói lớn tiếng cho Hồ Hữu Tường nằm ở cuối phòng có thể nghe được:

    - Bác Tường ơi! Thời Tây, thời Ngô Đình Diệm và cả thời này nữa, thời nào Bác cũng ở tù. Bác có hiểu tại sao Bác cứ ở tù hoài hoài vậy không?

    Hồ Hữu Tường nhìn Lý Hùng (tên chú tù trẻ) vừa cười vừa hỏi dò chừng:

    - Mày trả lời giùm tao đi, tại sao?

    Lý Hùng nhanh nhẩu trả lời:

    - Dễ quá mà! Tên Bác là “Hữu Tường” nên Bác phải “hưởng tù” dài dài thôi!

    Câu nói của Lý Hùng làm cả phòng cười rộ lên. Riêng Hồ Hữu Tường không cười, mắt nhìn xa xăm trông thật buồn, ông ta nói nhỏ giọng:

    - Có thể thằng này nói đúng!

    Sau một vài tiểu tiết để bạn đọc thấy rõ hơn hình ảnh của Hồ Hữu Tường trong tù, đến đây bài viết xin quay trở về câu chuyện chính: Cộng Sản vốn xem Duy Vật biện chứng như chiếc đũa vạn năng. Vận dụng chiếc đũa vạn năng này vào khung cảnh nhà tù, Cộng sản chỉ cho tù ăn vừa đủ để không bị chết vì đói. Do đó bất kỳ người nào bước vào nhà tù Cộng sản đều thấy về mặt bao tử. Tù được phân làm hai loại:

    * Tù được thăm nuôi là loại tù đã chấm dứt giai đoạn thẩm vấn, có thân nhân và được công an cho phép gia đình tiếp tế lương thực hàng tháng.

    * Tù không được thăm nuôi là loại tù chưa kết thúc thủ tục thẩm vấn. Thủ tục này có thể kéo dài từ 3 tháng đến 3 năm hay hơn thế nữa.

    Có nhiều trường hợp một người tù đang được thăm nuôi lại có lệnh cấm thăm nuôi. Điều này có nghĩa là đương sự đã vi phạm kỷ luật nhà tù, hoặc đã bị nghi ngờ khai sai sự thật trong giai đoạn thẩm vấn.

    Thông thường nếu không là bạn thân, tù nhân thường ăn cơm chung nhóm với nhau theo sự phân biệt có hay không có thăm nuôi. Tù không được thăm nuôi phải ăn cơm một mình, hoặc chỉ ăn cơm chung với những người cùng không được thăm nuôi. Mặt khác, tù không thăm nuôi phải không nói hoặc làm bất kỳ điều gì nhằm xin hưởng lương thực của người khác. Đó là “luật tự trọng” trong những phòng giam tập thể. Vào lúc chuyển từ xà lim qua nhà giam tập thể, tôi là tù không được thăm nuôi. Vừa muốn giữ lòng tự trọng, vừa muốn làm cho những lần ăn cơm gạo mốc với nước muối bớt phần cô quạnh, tôi tìm cách làm quen và ăn cơm chung với hai người thuộc loại “con bà phước” (không được thăm nuôi): một người tên Phạm Văn Luyện, người kia tên Phong. Anh Phong là một cựu binh nhì nhảy dù, can tội rải truyền đơn chống cộng, tuổi dưới 25, điệu bộ ngổ ngáo. Tôi tiến đến chiếu nằm của Phong, ngồi xuống, nheo mắt nhìn Phong cười, vào đề rất tự nhiên:

    - Ê bồ! Tôi vừa mới ở xà lim qua, đang rất mệt mỏi. Bồ cho tôi ăn cơm chung với bồ được không?

    Phong đưa hai tay nắm lấy vai tôi, nghiêng đầu, nhìn thẳng vào mặt tôi cười thành tiếng:

    - Ông thầy này ngộ ghê! Thầy ăn cơm chung với tôi hay ăn một mình thì thầy và tôi đều ăn cơm với nước muối, cần gì phải xin phép! Mà này, tôi đang ăn chung với một thằng Việt Cộng, thầy có chịu ăn chung với nó không?

    - Thằng Việt Cộng đó tên gì? Phạm tội gì? Nó đã ở tù bao lâu rồi?

    Phong trả lời thật rõ ràng:

    - Tên anh ta là Phạm Văn Luyện, phạm tội tổ chức đưa người vượt biên để kiếm tiền. Luyện mới vào phòng này khoảng hai tuần. Anh ta tự nhận là cán bộ tình báo của Hà Nội, kể chuyện tình báo rất hấp dẫn, tôi khoái nghe chuyện nên tôi ăn cơm chung với ảnh.

    Từ đó Luyện, Phong và tôi ăn cơm chung. Luyện khoảng 42 tuổi, người ốm, dong dỏng cao, da đen sạm, tóc quăn. Nghe Luyện nói chuyện, từ giọng nói đến cách dùng chữ, người ta nhận ra ngay là Luyện đã hấp thụ trọn vẹn chế độ giáo dục của Cộng Sản Miền Bắc. Phòng giam của tôi gồm toàn những người chống cộng gay gắt, thế nhưng tôi không hề nhận ra bất kỳ người nào có vẻ có ác cảm với Luyện. Phải chăng vì Luyện có dáng dấp phong trần, có lối nói dễ hiểu, có nhiều chuyện hấp dẫn? Phải chăng vì Luyện không giống những tên Việt Cộng mà người ta thường gặp vì Luyện không hề có vẻ thủ thế mỗi khi nói chuyện với người khác, nhất là nói về những nhân vật cao cấp của Cộng sản Hà Nội? Phải chăng vì Luyện không bao giờ có ý dòm ngó, không làm điềm chỉ viên, và nhất là vì Luyện không bao giờ bỏ qua cơ hội có thể giúp đỡ người khác, dĩ nhiên toàn là những người chống cộng? Thiện cảm mà phòng tù của tôi dành cho Luyện có nguyên nhân là tổng số của những cái “phải chăng” kể trên.

    Đối diện và cách nhà giam của tôi khoảng ba thước là một dãy xà lim. Mọi liên lạc (nói chuyện hoặc tiếp tế thức ăn) giữa xà lim và nhà giam tập thể đều bị nghiêm nhặt cấm chỉ. Người tù nào vi phạm luật cấm này sẽ bị lính canh hoặc còng tay vào song cửa của phòng giam (trong trường hợp này, người tù đương sự bị buộc phải đứng chứ không thể ngồi, kể cả giờ ngủ ban đêm), hoặc bị đánh đòn ngay trước cửa phòng giam.

    Chiều hôm ấy, khoảng 6 giờ, thủ tục điểm danh đã xong và cơm chiều đã qua, đang khi mọi người chuyện trò to nhỏ với nhau, Luyện lén ném vào cửa gió (bằng hai bàn tay) của xà lim đối diện một ít thuốc lá và diêm quẹt. Ngay lúc đó, Luyện bị lính canh bắt gặp quả tang. Tên lính canh quát tháo ầm ĩ:

    - Mày mới ném thuốc lá vào xà lim, tao bắt gặp, tao sẽ cho mày chết! Mày tên gì?

    Luyện bình thản trả lời:

    - Tôi tên là Phạm Văn Luyện.

    Người lính canh chạy lên phòng giám thị một lúc rồi quay trở lại. Tôi không thấy người lính canh cầm theo chìa khóa hay còng tay. Nét mặt của người lính canh cũng không còn hung hăng như cách đó vài phút. Anh ta gọi Luyện đến gần cửa song sắt, nói giọng ôn tồn:

    - Đây là lần thứ nhất anh vi phạm kỷ luật. Vì vậy phòng quản giáo tha cho anh. Nếu tái phạm anh sẽ bị nghiêm trị.

    Nói xong, người lính canh bỏ đi. Cả phòng nhìn Luyện kinh ngạc. Theo tập quán trong tù: mỗi lần phạm kỷ luật (nhất là liên lạc với tù bị giam trong xà lim) là mỗi lần bị phạt, công an không cần biết lần đầu hay lần cuối.

    Trước đó nhiều ngày, Luyện thường nói cho Phong biết trước ngày giờ mà Luyện sẽ được công an gọi đi thẩm vấn. Sự thể này là điều rất khác lạ, bởi vì, công an Cộng sản không bao giờ báo cho tù nhân biết trước ngày giờ của các cuộc thẩm vấn.

    Bài viết ghi lại hai chi tiết nhỏ kể trên với chủ ý ghi nhận Luyện như một “người tù đặc biệt”. “Người tù đặc biệt” này nói chuyện dễ dàng với tất cả các bạn tù, nhưng nhất thiết không nhờ vả bạn tù nào, đặc biệt là về mặt lương thực. Điều đáng chú ý là Luyện giao thiệp với mọi người trong phòng giam, ngoại trừ Hồ Hữu Tường.

    Mãi sau hai tháng có mặt bên cạnh Hồ Hữu Tường, một tối cơm nước xong, lần đầu tiên tôi thấy Luyện bước đến chiếu nằm của Hồ Hữu Tường. Hai người to nhỏ với nhau khoảng hơn một tiếng đồng hồ. Ngồi ở một góc phòng, quan sát đôi mắt, hoặc chú ý, hoặc trầm tư của Hồ Hữu Tường, tôi biết Hồ Hữu Tường rất quan tâm đến những điều Luyện nói. Câu chuyện giữa hai người chỉ chấm dứt sau tiếng kẽng báo ngủ của trại tù.

    Câu chuyện giữa Phạm Văn Luyện và Hồ Hữu Tường có lẽ đã làm cho vị học giả này suy nghĩ lung lắm. Thế nên sáng hôm sau, Hồ Hữu Tường nói chuyện với tôi ngay:

    - Mày có biết tối qua thằng Luyện nói chuyện gì với tao không?

    - Chuyện gì vậy Bác? Tôi làm sao đoán được!

    - Câu chuyện ngộ lắm! Thằng Luyện cho tao biết nó là tù giả. Hồ sơ phạm tội tổ chức vượt biên của nó chỉ là hồ sơ giả. Nó bảo nó là người của Lê Đức Thọ. Nó được gài vào nằm chung phòng giam với tao trong hai tháng qua chỉ để quan sát xem “Bác Tường ngày nay có còn là Bác Tường của các năm 1945 nữa hay không”? Ngay các lời nói đầu của nó, tao đã cảm thấy sự việc sẽ không đơn giản. Do đó, thay vì đi thẳng vào câu chuyện do Luyện mở đề, tao đã lái câu chuyện đi hướng khác để thăm dò về cá nhân nó. Nó bảo với tao: “Đầu thập niên 1960, Võ Nguyên Giáp hợp tác với Ung Văn Khiêm âm mưu lật đổ Hồ Chí Minh. Công việc bại lộ, Võ Nguyên Giáp bị thất sủng. Buồn vì “tình đời đen bạc”, hằng ngày Võ Nguyên Giáp đi học nhạc cổ điển Tây Phương “để giải sầu”.

    Thằng Luyện lúc bấy giờ được tình báo Hà Nội bố trí làm người hầu cận cho Giáp, nên hằng ngày phải ôm nhạc cụ đi theo Giáp. Nghe Luyện nói tới đây, tao làm bộ hỏi nó vài vấn đề căn bản về nhạc cổ điển Tây Phương. Những câu trả lời của thằng Luyện quả tình làm tao vô cùng kinh ngạc: nó thực sự có những hiểu biết căn bản về nhạc cổ điển. Sau câu chuyện nhạc cổ điển, thằng Luyện còn cho tao biết: do công vụ, nó đã rất nhiều lần đóng vai hầu cận Tôn Đức Thắng và Lê Duẩn. Tao vội vồ lấy cơ hội này để hỏi dò Luyện vài câu về cá tính và về sức khỏe của Thắng và Duẩn. Lần thứ hai Luyện làm tao ngạc nhiên: Luyện nói về cá tính và bệnh tật riêng của hai người này đúng như tao đã biết. Thời Pháp, tao ở tù chung nhiều năm với Lê Duẩn. Đối với Tôn Đức Thắng, gia đình vợ tao rất thân thiết với gia đình vợ Thắng. Tối hôm qua, thằng Luyện nói chuyện với tao rất nhiều, nhưng nội dung chủ yếu là bấy nhiêu. Mày có ý kiến gì không?

    Tôi nhìn thẳng vào mắt của Hồ Hữu Tường, đôi mắt còn giữ nguyên vẻ mệt mỏi của một đêm thao thức. Tôi trả lời Hồ Hữu Tường, giọng cố làm ra vui vẻ để khỏa lấp những ưu tư trên trán của Hồ Hữu Tường:

    - Câu chuyện có vẻ ly kỳ và hấp dẫn, phải không Bác? Tôi tin là Bác đã ghi nhận những điểm cần ghi nhận. Tuy nhiên xin nói thêm các chú ý của tôi về Luyện.

    Thứ nhất: Luyện liên lạc với xà lim nhưng không bị phạt.

    Thứ hai: Luyện biết trước ngày giờ công an thẩm vấn nó.

    Thứ ba: Luyện sống trong tù rất bình thản, không giống bất kỳ tên Việt cộng tham ô nào.

    Thứ tư: trắc nghiệm bất ngờ của Bác đối với Luyện về nhạc cổ điển Tây Phương, về Duẩn và về Thắng.

    Thứ năm: những lúc nói chuyện với tôi, Luyện thường nhắc tới các sinh viên Saigon theo cộng sản thời Mậu Thân: Nguyễn Hữu Thái, Trần Triệu Luật, Huỳnh Tấn Mẫm, Đỗ Hữu Cảnh, Trịnh Đình Ban, v.v... Luyện cho rằng những người này hoặc làm việc trung thành với Mỹ, hoặc đi hàng hai. Luyện nói chính xác về tính tình của mỗi người trong nhóm sinh viên vừa kể. Tôi bảo là “chính xác” bởi lẽ tôi cũng đã hiểu biết rành rẽ về nhóm sinh viên này vào thời kỳ tôi sinh hoạt với Tổng Hội Sinh Viên Saigon từ 1963 đến 1970. Điều đáng chú ý là Luyện đã được đào tạo tại Miền Bắc, nhưng lại có tin tức chi tiết về sinh viên Saigon trước năm 1975. Dĩ nhiên Phạm Văn Luyện sẽ còn tìm tới nói chuyện với Bác nhiều lần nữa, và câu chuyện sẽ phải có kết luận.

    Tôi nói với Bác các chú ý của tôi về Luyện để đề nghị Bác không nên xem Luyện như một thằng tù bất bình thường, bịa chuyện ra để giải trí.

    Hồ Hữu Tường vỗ vai tôi, trở về với điệu bộ xuề xòa của các bậc lão niên Miền Nam:

    - Mày nói tao đồng ý. Tao phải thận trọng trong giao dịch với thằng Luyện. Giao dịch này sẽ rất phức tạp. Nếu quả thật Luyện là người của Lê Đức Thọ, thì Thọ muốn gì?

    Ba ngày liên tiếp sau đó, mỗi ngày từ 6 giờ chiều (sau giờ cơm) đến 9 giờ tối, Luyện đều tìm đến nói chuyện với Hồ Hữu Tường. Câu chuyện được trần thuật tổng hợp như sau:

    Nếu nội tình Việt Nam không có gì thay đổi (lúc bấy giờ là cuối năm 1978), chắc chắn Việt Nam sẽ không tránh khỏi trận đòn của Trung Quốc. Việt Nam chỉ thoát khỏi trận đòn này nếu Việt Nam có được một vị Quang Trung thứ hai. Theo nhóm Lê Đức Thọ: Quang Trung thứ hai có thể là Võ Văn Kiệt hay Phạm Hùng. Quang Trung không thể không có cố vấn Ngô Thời Nhiệm. Liệu chừng Hồ Hữu Tường có nhận lời làm Ngô Thời Nhiệm hay không? Nếu mưu đồ này được thực hiện, vai trò của Hồ Hữu Tường sẽ nhiều lần tế nhị hơn vai trò của Ngô Thời Nhiệm ngày xưa. Tuy nhiên, vấn đề tiên quyết của việc thực hiện mưu đồ vẫn là câu hỏi làm thế nào để chấm dứt tình trạng phân hóa trầm trọng trong nội bộ đảng CSVN.

    Lê Đức Thọ dự đoán rằng do hiểu biết rộng rãi về kinh tế, chính trị, ngoại giao, cũng như do những liên hệ cá nhân Hồ Hữu Tường có thể tạo được không khí đoàn kết trong đảng CSVN. Mặt khác, Thọ cũng như đội ngũ lãnh đạo đảng CSVN chỉ e ngại rằng một lúc nào đó Hồ Hữu Tường sẽ biến thành Khruchev Việt Nam, ý nói Hồ Hữu Tường là một cáo già, có khả năng làm phản. Song song với nỗ lực tạo đoàn kết trong nội bộ đảng CSVN, Hồ Hữu Tường (nếu nhận lời làm Ngô Thời Nhiệm) còn có nhiệm vụ tạo dễ dàng cho chính phủ Quang Trung thứ hai trong việc bang giao với Âu Mỹ, và nhất là nỗ lực lôi kéo tư bản Tây Phương về cho CSVN.

    Sở dĩ Phạm Văn Luyện phải khổ công giả dạng một người tù để vào gặp Hồ Hữu Tường là vì chương trình do Luyện trình bày chỉ là một chương trình còn trong trứng nước do nhóm Lê Đức Thọ chủ trương, chưa được toàn bộ lãnh đạo trong đảng CSVN biết và chấp thuận. Chương trình này nếu tiết lộ không đúng người, đúng lúc, có thể bị phá vỡ. Mặt khác, Luyện cần giả dạng như vậy để có dịp ngắm nghía xem Hồ Hữu Tường có còn giữ lại trong lòng mình một thiện cảm nào đó đối với các bạn cũ như Lê Duẩn, Tôn Đức Thắng hay không? Nếu Hồ Hữu Tường chấp thuận các đề nghị sơ khởi của Luyện thì trong vòng 7 ngày Luyện sẽ rời nhà giam, và 14 ngày sau đó công an sẽ mang Hồ Hữu Tường đến một biệt thự sau lưng Tòa đại sứ Mỹ ở Saigon, hoặc đến một phòng ở lầu ba Khách sạn Continental. Tại địa điểm này, đại diện chính thức của Lê Đức Thọ hoặc đích thân Thọ sẽ gặp Hồ Hữu Tường để thảo luận thêm các chi tiết khác.

    Sau khi mọi thương nghị đã hoàn tất, Hà Nội sẽ trả tự do cho Hồ Hữu Tường để không bao lâu sau, tình báo Hà Nội sẽ tổ chức một cuộc không tặc nhằm mang Hồ Hữu Tường đi Calcutta, Ấn Độ. Cộng sản Việt Nam chọn Ấn Độ là vì tại Ấn Độ họ có cơ sở mạnh. Ở Ấn Độ, với sự hỗ trợ kín đáo nhưng tích cực của Cộng Sản, Hồ Hữu Tường sẽ tổ chức nhiều cuộc hội thảo, họp báo có chủ đích đòi hỏi một thể chế trung lập cho Đông Dương. Dựa vào những vận động này của Hồ Hữu Tường, Phạm Văn Đồng sẽ chính thức mời Hồ Hữu Tường về nước tham gia Chính phủ Liên Hiệp. Đứng đầu Chính phủ Liên Hiệp là một Quang Trung tân thời, cố vấn cho chính phủ này là Hồ Hữu Tường. Ngay khi Chính phủ Liên Hiệp thành hình, đảng CSVN sẽ rút ra sau hậu trường, nhưng vẫn kín đáo nắm thực quyền. Toàn bộ chương trình thai nghén của Chính phủ Liên Hiệp trá hình là như vậy.

    Tôi hỏi Hồ Hữu Tường:

    - Bác nghĩ gì về chương trình này?

    Hồ Hữu Tường vừa nhâm nhi miếng gừng tươi trong miệng, vừa trả lời tôi:

    - Ngày nay, sau 52 năm lăn lộn trên chính trường, Cộng Sản đối với tao chỉ là sự ngu dốt cộng với tính xảo trá bất tận. Lịch sử phát triển của đảng CSVN chính là lịch sử của những cuộc “thay đào đổi kép” nhưng không đổi tuồng. Thay đổi đào kép chỉ nhằm mục đích dối gạt dư luận là tuồng đã đổi. Chính phủ Liên Hiệp do thằng Luyện trình bày là thí dụ điển hình của kỹ thuật dối gạt theo kiểu “tuồng cũ, đào kép mới”. Tuồng cũ là tuồng chuyên chính vô sản. Vở tuồng này ngay từ đầu đã đi ngược lòng dân, đã xa rời thực tại. Tao không chấp nhận tuồng cũ thì làm sao tao có thể chấp nhận đóng vai đào kép mới?

    Hồ Hữu Tường nói tới đây, tôi nóng nảy đặt câu hỏi:

    - Như vậy Bác đã dứt khoát từ chối mọi đề nghị của thằng Luyện chưa?

    - Chưa! Tao bảo với nó: “Hãy để tao suy nghĩ vài ngày”.

    Vài ngày sau đó, liên hệ giữa Hồ Hữu Tường và Luyện vẫn bình thường, vẫn Bác Bác Cháu Cháu... Thế rồi một buổi sáng đầu tuần, nhân viên công an thuộc Sở Công an Thành phố gọi Hồ Hữu Tường lên phòng thẩm vấn. Khoảng hai tiếng đồng hồ sau, Hồ Hữu Tường trở lại phòng giam. Chờ cho nhân viên giám thị khóa cửa phòng và đi khuất mắt, Hồ Hữu Tường tiến đến cạnh tôi, nói vừa đủ cho tôi nghe:

    - Sáng nay thằng công an chấp pháp yêu cầu tao trả lời bằng cách viết mươi câu hỏi ghi sẵn của Sở Công an Thành phố về hồ sơ cá nhân của tao. Trước khi trả lời mười câu hỏi vừa kể, tao yêu cầu thằng chấp pháp cho tao được nói chuyện riêng của tao. Nó đồng ý. Tao liền kể cho thằng công an này nghe toàn bộ chi tiết câu chuyện giữa thằng Luyện và tao. Tao càng nói, nét mặt của thằng công an chấp pháp càng lộ vẻ kinh ngạc và bối rối. Nói xong, tao hỏi nó nên đối xử như thế nào đối với thằng Luyện. Nó chỉ hỏi tao thêm một số chi tiết về Luyện và tuyệt nhiên không đưa ra bất kỳ đề nghị nào. Sau đó tên công an thẩm vấn bảo tao trả lại nó giấy bút và mười câu hỏi. Nó không còn quan tâm đến mười câu hỏi nữa. Nó ra về.

    Quả thực câu chuyện vừa kể đã làm tôi bàng hoàng. Tôi nói cho Hồ Hữu Tường nghe về những lo lắng của tôi:

    - Thằng Luyện đã rất nhiều lần dặn Bác tuyệt đối giữ kín những gì nó nói với Bác. Nếu bất kỳ tên công an cộng sản nào, không thuộc nhóm Lê Đức Thọ, biết được công tác của Luyện thì tức thời nhóm Thọ sẽ một mặt phủ nhận Luyện, lúc đó Luyện từ tù giả thành tù thật, mặt khác thủ tiêu Hồ Hữu Tường để trả đũa và để nhận chìm câu chuyện. Sáng nay, Bác phản ứng như vậy nhằm mục đích gì?

    Hồ Hữu Tường thản nhiên trả lời:

    - Dĩ nhiên là tao nhằm mục đích phá vỡ kế hoạch của Lê Đức Thọ, nếu quả thật thằng Luyện là nguòi của Thọ. Phe Thọ trách cứ tao ư? Tao sẽ trả lời rằng, tao là tù, tao phải tôn trọng nội qui phòng tù. Im lặng về vụ Luyện tức là tao vi phạm kỷ luật trại giam. Lê Đức Thọ có tin tao thực tâm tôn trọng kỷ luật hay không, tao chẳng cần biết. Còn tánh mạng của tao ư? Bọn Hà Nội chắc hẳn không ưa gì tao, nhưng đối với chúng nó thì tao là “con gà đẻ trứng vàng”. Bộ óc của tao sản sinh ra trứng vàng. Hà Nội đang vô cùng bối rối trước hiện tình quốc nội và quốc tế, ngày nào đó Hà Nội sẽ cần đến ý kiến của tao, giết con gà, Hà Nội sẽ mất trứng vàng. Tao chưa thể chết đâu, mày đừng lo!

    - Tại sao Bác lại tin rằng Hà Nội xem ý kiến của Bác là ý kiến vàng?

    - Câu hỏi của mày phải được trả lời rất dài dòng. Tao chỉ nói với mày một cách khái quát rằng: Hiện nay Hà Nội xem tao là một trong vài người hữu hiệu nhất trong vai trò làm gạch nối giữa đám Hà Nội ngu dốt và Thế Giới Tự Do. Tao còn nhớ, những ngày còn ở tù chung với Lê Duẩn thời Pháp thuộc, có lần tao đã nói với Lê Duẩn rằng: “Trên địa bàn sinh hoạt chính trị của thế giới, anh đừng bao giờ quên rằng mình là người da vàng, và cũng đừng bao giờ quên rằng người da trắng lúc nào cũng canh cánh bên lòng mối ưu tư mà họ gọi là “họa da vàng”. Á Châu ổn định là một trong các yếu tố trội yếu của thế giới ổn định. Á Châu chỉ ổn định chừng nào Á Châu có được thế chân vạc tạo bởi ba khối: Khối Trung Hoa, Khối Ấn Độ, và Khối Đông Nam Á. Tôi tin là một lúc nào đó, bằng cách nào đó, Trung Hoa chỉ còn là Hoa Bắc Cộng với Hoa Trung. Hoa Nam sẽ kết hợp với các nước Đông Nam Á tạo thành Liên Bang Đông Nam Á.

    Trong trường hợp này, Trung Hoa (hiểu theo nghĩa Hoa Bắc + Hoa Trung), Liên Bang Đông Nam Á và Ấn Độ, mỗi khối sẽ có dân số trung bình khoảng 500 triệu, thế chân vạc sẽ ổn cố về kinh tế cũng như về chính trị, quân sự”. Lê Duẩn rất chú ý tới ý kiến vừa kể. Hẳn nhiên Lê Duẩn sẽ tìm cách khai thác ý kiến này theo tính toán của người Cộng sản. Phần tao, tao vẫn đi con đường trung lập chế. Nghệ thuật và kỹ thuật cao cấp của chính trị chính là khả năng biến ý định của địch thành kế hoạch của ta. Trong tình hình căng thẳng ngoại giao giữa Hoa và Việt như hiện nay, chắc hẳn Lê Duẩn sẽ phải suy nghĩ nhiều hơn về Hoa Bắc, Hoa Trung, Hoa Nam. Cuối con đường suy nghĩ này, Lê Duẩn sẽ gặp tao.

    - Tôi đồng ý với Bác là có thể Lê Duẩn rất quan tâm đến thế chân vạc của Á Châu. Tuy nhiên như Bác đã biết, đảng CSVN hiện nay rất phân hóa. Lê Duẩn cũng chỉ là một phe bên cạnh nhiều phe khác. Thế nên khi phá vỡ tính chất bí mật của kế hoạch khai sanh ra chính phủ Liên Hiệp, Bác có thể gặp một trong hai trường hợp kể sau:

    a. Phe Lê Đức Thọ sẽ thủ tiêu Bác để bít đầu mối, và để trả đũa Bác đã làm vỡ kế hoạch của họ.
    b. Phe chống Lê Đức Thọ sẽ thủ tiêu Bác để phá Lê Đức Thọ.

    Bác nghĩ như thế nào về sự lo ngại của tôi ?

    Hồ Hữu Tường im lặng một lúc rồi chậm rãi trả lời:

    - Ý kiến của mày không phải không có căn cứ. Tuy nhiên, ở vào hoàn cảnh của tao, tao không còn cách chọn lựa nào khác hơn là phá vỡ kế hoạch của Thọ, phá vỡ âm mưu “tuồng cũ, đào kép mới”.

    Nói chuyện với tôi xong, Hồ Hữu Tường trở về chiếu nằm của ông ta. Tôi thấy Hồ Hữu Tường và Phạm Văn Luyện nhỏ to với nhau trong chốc lát. Luyện vốn là người rất thâm trầm, khó mà nhìn thấy cảm nghĩ của Luyện xuất hiện trên nét mặt. Thế nhưng hôm ấy, lần đầu tiên tôi thấy Luyện biến sắc mặt. Những ngày sau đó, Luyện không còn nói chuyện với Hồ Hữu Tường nữa. Luyện mất hẳn vẻ hoạt bát thường lệ. Luyện chỉ nói cho Phong (anh binh nhì nhảy dù) biết là 7 ngày sau anh ta sẽ rời phòng. Cuối cùng Luyện từ giã chúng tôi đúng như lời anh ta đã báo trước. Lúc bấy giờ là trung tuần tháng 12 năm 1978.

    Cuối tháng 6 năm 1979, công an ra lệnh cho Hồ Hữu Tường ôm vật dụng cá nhân rời khỏi trại Phan Đăng Lưu.

    Tháng 8 năm 1979, tại khám Chí Hòa, tôi nghe tù nhân bàn tán với nhau về chuyến xe chở Hồ Hữu Tường từ khám Chí Hòa đi trại lao động đã bị phục kích, một số tù chết, số khác bị thương. Hồ Hữu Tường bị thương và được mang trở lại bệnh xá của khám Chí Hòa. Những tháng đầu tiên tại khám Chí Hòa, tôi ở cùng phòng với Cao Dao Nguyễn Trần Huyên, người tự nhận là một trong các sáng lập viên của báo Nhân Dân Hà Nội.

    Vào dịp Giáng Sinh năm 1979, ông Cao Dao đã được phép gặp Ủy Ban Ân Xá Quốc Tế cùng với người con trai của ông ta có mặt trong Ủy Ban này. Nhân lần gặp gỡ này, ông Cao Dao có nói lại với bạn tù cùng phòng rằng: Ủy Ban Ân Xá Quốc Tế đã nhiều lần yêu cầu được gặp Hồ Hữu Tường nhưng công an cứ từ chối, viện cớ Hồ Hữu Tường đang bị bệnh. Đó là tin tức cuối cùng tại khám Chí Hòa về Hồ Hữu Tường.

    Đầu năm 1981, vài người tù trong khám Chí Hòa nhận được tin từ những người đi thăm nuôi rằng, Hồ Hữu Tường hấp hối tại trại tù Hàm Tân, đuọc công an cho phép mang về nhà và từ trần tại tư gia.

    Tin Hồ Hữu Tường qua đời làm cho tôi vô cùng thắc mắc. Nếu cần chọn một ông già thất tuần khỏe mạnh nhất, tôi không ngần ngại chọn Hồ Hữu Tường. Hồ Hữu Tường là người có thừa hiểu biết và kinh nghiệm về các phương cách giúp cho người tù bảo vệ sức khỏe trong điều kiện của lao tù. Vì vậy hơn một năm ở chung phòng với Hồ Hữu Tường, tôi không hề một lần thấy Hồ Hữu Tường bị bệnh, dầu chỉ là hắt hơi hay sổ mũi. Gần như trọn ngày, Hồ Hữu Tường bao giờ cũng ở trần, cũng ngậm gừng tươi trong miệng. Trong khoảng từ 1 đến 4 giờ sáng, nếu người nào thức giấc nửa đêm đều thấy Hồ Hữu Tường đầu đội mũ ni che tai, mình mặc bà ba nâu, ngồi đánh cờ tướng một mình: tay phải đánh với tay trái, đêm nào cũng như đêm nào. Mặc dầu ngủ ít theo tuổi già, ban ngày kể cả giờ ngủ trưa rất ít khi người ta thấy Hồ Hữu Tường nằm nghỉ. Người đàn ông có sức khỏe bền bỉ đó chỉ hai năm sau đã phải từ trần vì lý do “suy nhược toàn diện”. Hẳn nhiên, chẳng còn cái chết nào đáng hoài nghi hơn.

    Do lòng tôn kính khả năng suy luận của bạn đọc, thay vì đưa ra một kết luận dứt khoát về trường hợp từ trần của Hồ Hữu Tường, bài viết chỉ xin trân trọng trình với bạn đọc một số ghi chú cần thiết như sau:

    Ghi chú một: Mọi quan điểm kinh tế, chính trị được bài viết ghi lại đều là quan điểm do Hồ Hữu Tường phát biểu trong bối cảnh quốc nội và quốc tế năm 1978, trước khi xảy ra chiến tranh giữa Hoa Cộng và Việt Cộng.

    Ghi chú hai: Vào lúc câu chuyện Phạm Văn Luyện xảy ra, bên cạnh Hồ Hữu Tường còn có ông Trương Đình Chư, nguyên chỉ huy trưởng Cảnh sát Đặc biệt Đà Nẵng, hiện có mặt tại Orange County, California, Hoa Kỳ. Vị sĩ quan này đã trực tiếp thấy và nghe tất cả dữ kiện bên trong và chung quanh hoạt động của Phạm Văn Luyện. Đề cập đến nhân chứng sĩ quan cảnh sát như vừa kể, bài viết có hàm ý biểu lộ thái độ triệt để nghiêm chỉnh và tôn kính đối với bạn đọc trong mục tiêu trình bày sự thật.

    Ghi chú ba: Bình luận để lượng giá toàn bộ cuộc đời hoạt động chính trị của Hồ Hữu Tường không là chủ đích của bài viết này. Bài viết chỉ nhằm diễn tả thật rõ và thật trung thực thái độ phản kháng của Hồ Hữu Tường đối với thủ đoạn “tuồng cũ, đào kép mới” của Cộng sản Việt Nam. Thái độ phản kháng này ngày nay đã trở thành một loại chúc ngôn có tác dụng lưu ý hậu thế. Lưu ý rằng: Mặc dầu Hoa Cộng và Việt Cộng chẳng thể nào trở lại thời kỳ nồng ấm của hình ảnh “núi liền núi, sông liền sông... môi hở răng lạnh” nữa. Thế nhưng trước thảm cảnh tan vỡ của Cộng sản Thế giới, hai đảng Cộng sản Á Châu này buộc lòng phải liên kết với nhau để tồn tại.

    Không còn nghi ngờ gì nữa: chủ nghĩa Marx ngày càng để lộ tính thô thiển và bất lực, thay vì theo chân các nước cộng sản Đông Âu, CSVN lại biến hình thành một loại băng đảng hình sự. Họ không ngần ngại đặt lợi lộc của băng đảng lên trên quyền lợi của dân tộc. Để thực hiện âm mưu vừa kể, một mặt CSVN tiếp tục đưa đẩy “tuồng cũ, đào kép mới” để mê hoặc những người nhẹ dạ. Mặt khác CSVN sẵn sàng áp dụng biện pháp Thiên An Môn trong trường hợp quyền thống trị bị lâm nguy. Rất có thể chính CSVN sẽ xử dụng những tay chân của họ trong việc tạo ra “trường hợp quyền thống trị bị lâm nguy” để có cơ hội biểu dương một Thiên An Môn Việt Nam nhằm khủng bố nhân dân trước khi nhân dân có điều kiện nổi dậy.

    Chính phủ Liên Hiệp là gì? Hòa hợp hòa giải là gì? Dân chủ hóa, cởi trói văn nghệ là gì? Kinh tế thị trường tự do là gì? Nếu người chết có thể nói, Hồ Hữu Tường sẽ không ngần ngại trả lời: Tất cả chỉ là “tuồng cũ, đào kép mới”.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X