Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Bà Mẹ Bình Thường

Collapse
X

Bà Mẹ Bình Thường

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Bà Mẹ Bình Thường

    Bà Mẹ Bình Thường
    Hạnh Ngộ (Vu Lan 2003)

    Một buổi trưa thứ bảy đẹp trời của tháng sáu, khi lái xe trên đường Lawndale, tôi chợt thấy một bà lão người Mỹ đang khoan thai đi vào nhà, sau khi đã lấy thơ trong hộp thơ bên đường. Vóc bà nho nhỏ, lưng hơi khòm, bà mặc bộ váy trắng như mái tóc dợn chấm vai của bà.

    Hình dáng thoáng qua của bà đột nhiên làm tôi oặn nhớ đến Mẹ, và nỗi xúc cãm chợt tràn làm tôi nghèn nghẹn, rưng rưng. Người miền Nam thường gọi Mẹ bằng Má, nhưng gần đây, tiếng Mẹ đã thông dụng vì sự thống nhứt ngôn ngữ trong học đường. Với tôi tiếng Má nghe thân thương hơn.

    Má tôi vóc người nho nhỏ, về già lưng khòm lại nên càng thấy nhỏ hơn, có lẽ vì tám mươi hai năm tuổi đời và vì gánh nặng con cái, gia đình. Má tôi chỉ là một người bình thường. Thời của bà, con gái đi học chỉ để biết đọc, biết viết; còn nhỏ thì ở nhà phụ giúp cha mẹ, chăm sóc các em. Lớn lên, có người mối mai, lập gia đình, sanh con đẻ cái, tảo tần lo cho chồng con; con lớn thì lo dựng vợ gả chồng, làm bà nội, bà ngoại. Nhiều khi các bà lại khổ tâm vì có những người con ngổ nghịch, bất hiếu không nghe lời khuyên dạy của mẹ cha, cô thầy. Má tôi là một trong những người bình thường như thế.


    Tôi có cả thảy mười bốn (14) anh chị em. Từ nhỏ, chúng tôi vừa đi học, vừa làm công việc nhà, phụ giúp Ba Má trong việc mưu sinh. Có lúc chúng tôi bận rộn với củ khoai lang, củ khoai mì, với bột với đường, với bắp với nếp... khi Má tôi làm bánh đem ra chợ bán; có lúc thì thức sớm khiêng những giỏ mận, giỏ quít, giỏ cam... mà Má tôi đón mua của nhà vườn, ra xe Phi Long hoặc xe Phi Phụng để chở từ Bến Tranh lên Chợ Lớn bán lẻ; khi thì cẩn thận vô giỏ đồ gốm, đồ thủy tinh để Má gánh vô đồng, vô vườn bán. Ôi xiết bao khổ cực mà mọi bà mẹ phải chịu để kiếm cái ăn cho gia đình, tiền sách vở cho con đi học. Chúng tôi rồi cũng tốt nghiệp tiểu học, trung học, vài người cấp đại học. Anh em tôi rồi cũng nên người sau khi bòn rút biết bao sinh lực của mẹ cha; đã làm Ba bao đêm thao thức bên máy thâu thanh theo dõi tin chiến sự vì có anh tôi và tôi là lính; đã làm Má bao lần cầu nguyện cho các con được bình an. Sau năm 1975, Má tôi khi chở trái cây lên bán ở Chợ Lớn, đã dấu gạo, thịt heo (hai món hàng nhà nước xã hội chủ nghĩa cho là hàng lậu) bán thêm kiếm lời bị mất vốn tại trạm Tân Hương. Má tôi giả từ thúng rỗ, bao giỏ ở tuổi sáu mươi sáu (66), với sức khỏe sa sút dần vì ba năm dãi nắng dầm mưa.

    Anh chị em chúng tôi, thật không làm được gì nhiều để giúp đở Má trong lúc tuổi già bóng xế. Chúng tôi đã lập gia đình, tứ tán khắp nơi, làm ăn sinh sống, lo cho gia đình riêng của mình. Thỉnh thoảng có đứa về thăm Ba Má. Những dịp Tết, giổ kỵ thì thật là vui vẻ và đông đủ với đại gia đình trên năm mươi người (tính đến tháng bảy năm 2003 là năm mươi người, anh tôi mất năm 2002). Riêng gia đình tôi có được cuộc sống an bình ở nước Mỹ, nhưng lại thiếu đi sự gần gủi thương yêu của cha mẹ, anh chị em. Có chăng vài tháng một lần điện thoại thăm hỏi, gởi chút ít tiền thuốc hay lì xì Tết, và ba lần về thăm. Khi ra đi lại thêm một lần bịn rịn. Mẹ già rưng rưng ôm vai con nói: "con đi rồi không biết Má có còn gặp lại con nữa không?" Tôi như một du tử, dù biết không thể đem cái của tấc cỏ mà báo đáp được ánh sáng của ba mùa Xuân, nhưng vẫn mong "...đem tấc cỏ quyết đền ba sinh"

    (*1). Tâm sự của Thúy Kiều thấm thía cho kẻ tha hương:

    Xót người tựa cửa hôm mai, (*2)
    Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ?
    Sân Lai cách mấy nắng mưa,
    Có khi gốc tử đã vừa người ôm.


    Ngày xưa, mẹ Vương Tôn Giả thời Chiến Quốc nói với con: con sớm ra đi, chiều mới về, thì mẹ đứng tựa cửa mà ngóng trông con; con chiều tối ra đi mà không về, thì mẹ tựa cổng làng mà ngóng trông con. Nay con đi biền biệt, cách xa vạn dặm nghìn trùng, không biết Má đứng nơi nào để trông con!. Con chỉ sợ rằng: "...khi tôi về, tưởng gặp mẹ tôi hân hoan ra đứng đón con thơ, nào ngờ mẹ tôi... (*3)." Mẹ già như chuối chín cây, gió lay mẹ rụng con làm sao đây. Nhớ nhà nhớ mẹ, chỉ còn cách:

    Chiều chiều ra đứng ngỏ sau,
    Trông về quê mẹ, ruột đau chín chiều.


    Những bà mẹ bình thường, thương con một cách vô điều kiện, hi sinh cho con chỉ để mong con được hạnh phúc, vui vẻ; dù con xấu hay đẹp, thông minh hay dại khờ, khỏe mạnh hay tật nguyền. Những người con bình thường kính yêu cha mẹ với tấm lòng chân thật tự nhiên của bản năng. Đạo Phật cho rằng mối liên hệ vợ chồng, mẹ cha, con cái là duyên lành hoặc nghiệp báo của những tiền kiếp, cho nên kiếp này ta không thể tự chọn mẹ cha đẹp xấu, hiền dữ, giàu nghèo, khôn ngoan hay dốt nát để chào đời.
    Chúng ta không thể xấu hổ vì dung mạo hay tài năng của cha mẹ hoặc phiền trách mẹ cha về tuổi thơ thiếu thốn nghèo khổ của mình. Cha mẹ nào cũng mong muốn con mình được những điều tốt lành nhứt. Những điều này tự nhiên như nước mưa từ trên trời rơi xuống, bất kể Đông Tây, Âu Á. Tình mẫu tử của người Việt hay người Mỹ đều có chung một mẫu số, tuy cách biểu hiện có khác biệt vì đặc tính văn hoá, xã hội, kinh tế của từng quốc gia. Người mẹ Mỹ cũng bước không biết bao bước chân trong phòng, bồn chồn trông ngóng đứa con đi chơi đêm về trễ. Người Việt Nam coi gia đình là nền tảng của xã hội; Tam Đại Đồng Đường là niềm hạnh phúc và hãnh diện; con cái lấy sự phụng dưỡng cha mẹ làm trách nhiệm, là lương tâm.

    Thời kỳ mà cha mẹ lo lắng nhất là khi các con vào lứa tuổi mười bốn đến khoảng hai mươi, tuổi mà các nhà tâm lý gọi là tuổi nổi loạn. Con cái ở tuổi này cho rằng mình giỏi, mình biết tất cả, cha mẹ lả hủ lậu. Đến một lúc nào đó, các con sẽ thấy được cha mẹ hiểu đời hơn mình, giàu kinh nghiệm sống hơn dù cha mẹ có học ít hơn mình. Cha mẹ nào cũng muốn con cái có đời sống khá hơn mình, học hành khá hơn mình, con hơn cha là nhà có phước. Không phải những thời kỳ khác cha mẹ không có những lo lắng. Mẹ lo cho con ngay từ lúc chưa mang thai. Con nhỏ hơi nóng một chút đã lo, lo từ tấm tả cái khăn. Con khỏe mạnh thì cha mẹ hạnh phúc, sung sướng. Con lớn hơn, đi học. Con học giỏi làm cha mẹ sung sướng hãnh diện; con ngỗ nghịch, lười biếng cha mẹ lo buồn, rầy la khuyên bảo. Con lớn hơn, sợ con lầm lạc theo bạn bè xấu. Con có gia đình, cha mẹ lại lo cho cháu.

    Công cha nghĩa mẹ, tình yêu của cha mẹ với con cái, lòng, lòng kính yêu của con với cha mẹ; trong cuộc sống bình thường hàng ngày, mối liên hệ có vẻ thật bình thường, tự nhiên như những gì chung quanh chúng ta. Cha thương con kín đáo hơn mẹ, nghiêm nghị hơn mẹ; đôi khi còn đánh đòn con phạm lổi (ở Mỹ sẽ bị kết tội hành hạ trẻ con), cho nên con thường sợ cha hơn mẹ. Mẹ là người gần gủi, thân thiết, ngọt ngào với con.

    Mẹ già như chuối ba hương,
    Như xôi nếp một, như đường mía lau.


    Con thường kính cha, thương mẹ. Điều các bạn trẻ cần làm để phần nào hồi đáp tình thương, công ơn của cha mẹ là nên chú tâm vào việc học, đừng nên tụ tập bạn bè đi chơi, đừng tập tành những thói hư tật xấu như bài bạc, hút sách, rượu chè. Khi chọn bạn hay chơi với bạn cần để ý: nếu bạn không kính yêu, thương mến cha mẹ họ, thì những bạn này sẽ không phải là bạn tốt đối với mình, vì cha mẹ họ mà họ không thương mến thì làm sao họ có thể thật lòng thương mến mình được.

    Cha mẹ về già trở nên đổi tánh, có người trở nên cáu bẳn, khó khăn, hay hờn dỗi; có người từ khó khăn trở thành dễ dãi. Làm con, chúng ta phải thông cảm với cha mẹ về những bệnh già của cha mẹ như nay ốm mai đau, bệnh lãng trí người gìa, bệnh run rẩy tay chân, hay làm bể đồ đạc, bệnh nhỏng nhẽo, làm nũng y như con nít của cha mẹ. Khi cha mẹ đến thời kỳ có những triệu chứng bệnh già này, chúng ta biết rằng cha mẹ sẽ sắp ra đi. Chúng ta đối xử với cha mẹ thế nào thì con cái chúng ta sẽ đối xử với chúng ta như vậy. Chuyện kể ngày xưa, một người đàn ông có cha mẹ già, yếu đuối bệnh tật, tay chân run rẩy, thường làm rớt bể chén dĩa khi ăn cơm. Thế nên người con trai mới lấy cái gáo dừa làm chén cho cha mẹ mình. Một hôm, người này thấy đứa con trai mới bốn tuổi của mình ngồi gọt cái gáo dừa cho láng (người miền Nam gọi là muỗng vùa), bèn hỏi:

    - Con gọt cái cái gáo dừa để làm gì?
    Đứa con trả lời:
    - Dạ con gọt cái gáo dừa cho láng để làm cái chén, để dành cho cha mẹ về già ăn cơm khỏi làm bể; giống như như cha mẹ cho ông nội ăn cơm bằng gáo dừa bây giờ vậy.

    Người con trai nghe con mình trả lời như vậy, thốt nhiên giật mình tỉnh ngộ, hối hận đã đối xử không đúng với cha mẹ; từ đó sửa đổi, đối xử với cha mẹ rất hiếu thảo.

    Các bạn thanh niên nam nữ, ngoài cha mẹ ruột của mình, cần chuẩn bị làm quen với cha mẹ mới: cha mẹ vợ hoặc cha mẹ chồng.
    Ngày xưa, mẹ chồng là nổi kinh hãi của những nàng dâu (không kể vào đó là những đám em gái của chồng). Mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu ngày nay ở Việt Nam đã tốt đẹp hơn nhiều. Cha mẹ chồng hay cha mẹ vợ nhiều khi thương con dâu hoặc con rễ hơn cả con ruột của mình. Trong khi đó, ở Mỹ, nổi kinh sợ của chàng rễ là bị bà mẹ vợ muốn ở chung với con gái mình. Bà nội Mỹ nhiều khi bị con dâu không cho gặp mặt cháu nội, phải làm đơn khiếu nại với quan tòa. Tự do cá nhân quá nhiều đôi khi trở thành ích kỷ, làm đỗ vỡ liên hệ tình cãm. Các bạn trẻ, chúng ta sống trong gia đình hay xã hội là có sự ràng buộc, tương quan lẫn nhau với nhiều người, xin đừng quá cá nhân chủ nghĩa mà làm mất đi lòng nhẫn nhục, sự hi sinh, vị tha, lòng hiếu thảo; những đức tính cũng là những đặc tính của xã hội, của gia đình Việt Nam đã cống hiến cho các bạn được người cha, người mẹ đáng quý.

    Trong người các bạn còn có dòng máu Việt Nam, tin rằng các bạn đã tiếp nhận và sẽ lưu truyền cho thế hệ sau những gì tốt đẹp của truyền thống gia đình mình, những gì tốt đẹp của nền văn hoá nhân bản đặc thù của Việt Nam.

    Những gì chúng ta thấy thật bình thường như hít thở, nếu bỗng dưng có một trắc trở, mất mát xảy ra, những điều tưởng bình thường thật ra lại vô cùng quan trọng, vô cùng giá trị và không có gì có thể thay thế được. Thế nên các bạn trẻ, hãy trân quý những cái bình thường, những người Mẹ Bình Thường, những người Cha Bình Thường, những người Con Bình Thường. Những cái bình thường ngày hôm nay, vài mươi năm sau hay có khi vài năm sau, sẽ là những gì vô giá. Tiếc thay khi ta biết được điều đơn giản này ở tuổi trưởng thành, thì đã quá muộn màng.

    Chú thích:

    (*1): Truyện Kiều - Thùy ngôn thốn thảo tâm, báo đắc tam xuân huy tức là: ai nói rằng cái lòng của tất cỏ, mà báo đáp được ánh sáng của ba tháng mùa xuân.

    (*2): Truyện Kiều: Quạt nồng ấp lạnh: quạt khi trời nóng nực, ấp chiếu chăn cho ấm khi trời giá lạnh, là nói đạo làm con phụng dưỡng cha mẹ (thời nay có máy sưởi, máy điều hòa không khí).

    Sân Lai: sân nhà Lão Lai tử, chỉ nhà cha mẹ. Lão lai người nước Sở thời Xuân Thu, thờ cha mẹ rất có hiếu, năm đã bảy mươi tuổi, ông còn bày trò chơi trẻ con, bận áo năm màu sặc sở, nhảy múa trước sân rồi giả vờ té, khóc như trẻ con để mua vui cho cha mẹ (thời nay có máy truyền hình, video, DVD...).

    Gốc tử đã vừa người ôm: ý nói cha mẹ đã già.

    (*3): Bài nhạc: Đường Xưa Lối Củ của Hoàng Thi Thơ.

    Hạnh Ngộ



    Bà Mẹ Bình Thường (Phần cuối)
    Hạnh Ngộ (Vu Lan 2005)


    Ai cũng biết nước trà nóng, nhưng nóng thế nào, thơm thế nào chỉ có người uống mới biết rõ. Tình cảm thương yêu là cảm nhận của cá nhân; có viết ra, diễn đạt hay đến thế nào đi nữa cũng khó có được người chung một cảm xúc như bạn. Thế nên có những bài viết, người đọc chỉ thông cảm được với bạn ở mức độ bình thường; còn riêng bạn, bạn vẫn có tràn đầy cảm xúc khi đọc lại những gì mình đã ghi, nhứt là tình cảm về cha mẹ thân yêu, bạn rơi lệ, nghẹn ngào nhưng rất hiếm độc giả có được cảm xúc như bạn. Tôi viết về Mẹ tôi để giải tỏa tình cảm của mình.

    Tháng tư năm 2004, được tin báo bịnh gan của Má tôi tái phát. Bác sĩ dùng đến hóa chất trị liệu và cho biết Má tôi chỉ còn khoảng hai tháng sống vui với con cháu. Còn nước còn tát. Tôi mua thuốc trị viêm gan làm từ dược liệu của Mỹ gởi gấp cho Má và chuẩn bị về Việt Nam. Chúng tôi biết đây là lần cuối còn được chung sống một thời gian ngắn với Má. Tháng 7 năm 2004 vợ chồng tôi về thăm Má, bà Má bình thường của tôi. Lần này Má không còn bình thường nữa rồi. Má không ra được phi trường để đón con như những lần trước, chắc Má yếu lắm. Gặp lại Má, ôi biết bao xót xa, thương mến. Má trông ốm đi nhiều, tóc rụng gần hết, đi đứng rất chậm và khó khăn. Thôi thì đủ các khổ của bịnh lão.


    Gặp lại con, Má tôi mừng lắm. Có lẽ nhờ vậy bà dần lại sức chút đỉnh. Tôi mua thêm thuốc mang về (và tiếp tục mua gởi thêm cho Má đủ một năm thuốc. Thuốc hiệu Liverwell, order trên website). Các em tôi cho biết có tác dụng khá, làm tóc ngưng rụng và mọc lại, Má ăn uống khá hơn. Một tháng qua nhanh. Lại tái diễn một lần nữa sanh ly. Chúng tôi trở lại Mỹ, thường xuyên liên lạc theo dõi tình trạng sức khỏe của Má. Tin tức về Má rất tốt đẹp. Má có thể tự đi bộ một đoạn ngắn bốn năm chục thước, lại bắt đầu lục lọi, chất lại đồ đạc lỉnh kỉnh trong nhà. Hôm Lệ Đình 16 tháng 6 âm lịch, Má còn lên coi Ba tôi làm lễ xây chầu. Tôi hy vọng sẽ còn thăm lại Má một lần nữa. Đến tháng hai năm 2005, Má tôi bị đau bụng rất nhiều. Bác sĩ khám cho biết các khối u bị vỡ và gan bị tràn dịch. Bác sĩ cho thuốc giảm đau và không trị liệu nữa. Ở nhà để má làm chi, ăn chi không kiêng cử nữa.

    Được tin tôi chỉ muốn về ngay thăm Má nhưng không được vì tôi đang sắp phải mổ cột sống. Ba tuần sau khi mổ, đang nghỉ dưỡng bịnh ở nhà thì tôi được người quen điện thoại báo tin báo tin Má tôi vừa mất trong ngày. Ba tôi và các chị em không muốn báo tin Má sắp ra đi cho tôi vì lo tôi sẽ về trong tình trạng sức khỏe không tốt.

    Tôi gọi điện thoại về nhà ngay sau khi nhận được tin báo, đúng vào lúc đang liệm Má tôi. Má không còn gặp con nữa nhưng mong Má nghe được con nói, nghe được tiếng khóc không kềm được của con. Ôi thật xúc cảm và nghẹn ngào; cảm xúc khác với cảm xúc khi nghe tin Má của bạn thân mình mất. Ba tôi kê ghế ngồi bên đầu hòm, im lặng thương nhớ người đầu ấp tay gối trong sáu mươi lăm năm trường. Tang lễ Má tôi có rất đông bà con chòm xóm đến phân ưu. Tất cả đã được chuẩn bị và mọi chuyện tiến triễn rất bình thường như tang lễ của bao người khác. Thời gian gần đây gọi điện thoại về nhà đôi khi không gặp được Ba. Ba thường ra sau vườn, quanh quẩn bên phần mộ của Má, ôi:

    Con cá làm ra con mắm,
    Vợ chồng già thương lắm mình ơi!


    Ở Mỹ mới xảy ra chuyện ông lão tám mươi, sau khi biết được mình bị ung thư vào thời kỳ cuối, đã dùng súng bắn người vợ rồi tự tử chết. Bà vợ ông ta hơn mười năm bị liệt. Ông ta đã tận tình săn sóc yêu thương bà trong sáu mươi năm. Trớ trêu thay bà vợ lại còn sống. Không biết nên gọi đó là tình yêu thắm thiết hay là gì gì đó; nhưng có điều trên một góc độ nào đó, đó là tình yêu.

    Anh em chúng tôi không biết bao lâu nữa Ba cũng sẽ ra đi theo Má. Không biết Ba Má tôi có thề non hẹn biển để tái hồi trong kiếp sau không; nếu có, chúng tôi cũng nguyện sẽ làm con của hai người trở lại.

    Vu Lan năm nay tôi mất đi hạnh phúc nhận được bông hồng đỏ; thay vào đó sẽ là một đóa hồng trắng, màu trắng của gần sáu mươi khăn tang trong ngày tang của Má. Ôi cái lẽ vô thường đã lấy đi những cái rất bình thường, và vô thường là điều rất bình thường trong cuộc sống và thiên nhiên. Tôi mãi yêu những cái rất bình thường nên tập tu mãi mà không tu tập được gì.

    Hạnh Ngộ

  • #2
    Lời Mẹ Nhắn Nhủ ♥

    Lời Mẹ Nhắn Nhủ


    Nếu có bao giờ con yêu Mẹ
    Hãy yêu đi khi Mẹ còn đây
    Còn biết được những giòng tình cảm
    Ngọt ngào êm dịu lẫn nồng say

    Hãy yêu đi khi Mẹ còn biết
    Đừng chờ đến lúc Mẹ ra đi
    Ghi lời yêu quý lên bia đá
    Mỹ từ trên phía đá vô tri

    Hãy nói lên điều con muốn nói
    Đừng chờ đến lúc Mẹ ngủ say
    Một giấc ngủ không bao giờ dậy
    Ngàn năm ngăn cách chẳng ngày mai

    Đó là chia ly là tiển biệt
    Chẳng bao giờ nghe được tiếng con
    Nếu yêu Mẹ dù là một chút
    Hãy nói đi khi Mẹ sống còn

    Nói đi con lời nào yêu dấu
    Cả tấm lòng hiếu thảo của con
    Để Mẹ nâng niu như bảo vật
    Cho tình mẫu tử thắm như son


    Nguyên tác Anh Ngữ
    Bản dịch: Ngọc Dung

    Comment



    Hội Quán Phi Dũng ©
    Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




    website hit counter

    Working...
    X