Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Anh Cử

Collapse
X

Anh Cử

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Anh Cử

    Anh Cử
    Nguyễn Trãi, Yên Bái

    Kính dâng lên anh Lê Văn Cử một nén hương và lời nguyện cầu Anh Được Bình Yên, nơi Miền Cực Lạc. Kính gởi đến chị Cử những hình ảnh về Ngày Cuối Cùng của Anh trong Trại Tù Hoàng Liên Sơn, như em đã hứa viết cho chị.


    Một hôm, tôi không phải đi lao động bên ngoài, mà ở lại trại đan tranh lợp nhà. Tôi đang ngồi làm việc thì anh Cử đi chặt cây về sớm nói với tôi:

    -“Anh Trãi ơi, ngày mai tui phải cột cái thùng đạn vào người, bơi mới thoải mái được.“

    Nhìn lên, tôi thấy bóng dáng của anh cùng nụ cười quen thuộc. Anh to lớn khỏe mạnh hơn tôi, nước da rạm nắng, tóc luôn hớt cao y như những người tân binh quân dịch lúc mới vào quân trường. Những ngày trước đó nữa, tôi thường được phân công đi chặt cây với anh Cử, trong một toán có 2 người, với một con dao, mỗi người có một thùng đạn đại liên, dùng để đựng áo quần và làm phao bơi qua hồ. Nếu không có cái thùng đạn ấy thì không cách nào bơi qua mặt hồ có khi dài cả mấy cây số.

    Hồ Thác Bà là một thung lũng rộng 80 km mét vuông, có chỗ sâu cả 100 mét, ban đầu do nhiều vách núi tạo thành. Người ta đắp một bờ đập ngăn nước lại và thế là nó thành cái hồ. Và chắc trước khi chưa có đập thì nơi đây có một cái thác tên Thác Bà nên nó có tên là Hồ Thác Bà. Trong lòng hồ có nhiều cụm núi to nhỏ như những hoang đảo, cây cối um tùm như rừng già.

    Muốn đi từ cụm núi này đến đảo kia chỉ có bơi bằng tay hoặc dùng bè mà thôi. Tôi cũng biết bơi bằng một tay, nhưng không giỏi như anh Cử. Chính vì thế, tôi và anh Cử được ghép thành một cặp. Mỗi ngày chúng tôi phải rời khỏi trại sớm hơn một giờ, bơi bằng một tay ra các đảo rừng già tìm cây lớn, hạ cây xuống trước và sau đó cả tổ bơi bè ra sau kết thành bè kéo về.

    Những ngày đi lao động như vậy hai chúng tôi bỏ bộ đồ tù trong thùng đạn, đậy nắp cho kín lại và khi xuống nước thì ôm cái thùng trong ngực làm chiếc phao, và dùng hai chân đẩy nước. Vì thế, chúng tôi đỡ mệt và ít mất sức. Chúng tôi thường phải bơi cả giờ đồng hồ mới tới đảo tìm cây, nhiều khi phải bơi qua đảo khác vì cây không đủ kích thước.

    Ngày hôm sau, tôi tiếp tục đi chặt cây với anh Cử. Để thực hiện đủ chỉ tiêu giao một ngày là 60 cây cho tổ 12 người, chúng tôi đã phải xuất hành từ sáu giờ sáng, trong khi cả trại vừa mới thức dậy.

    Hai chúng tôi, đi vòng qua hướng phải, băng qua một khu đất có nhiều cây dại khá cao mọc um tùm cách trại chừng 150 mét, mới bắt đầu xuống nước. Chỗ này là cửa của một con suối từ trên núi đổ xuống, nên đáy hồ nơi đây trũng sâu hơn những nơi khác. Sở dĩ chúng tôi chọn nơi đây vì hướng này đâm thẳng ra một hòn đảo có nhiều cây cao lớn, cũng như tiết kiệm được thời gian và chiều dài đường bơi.

    Chúng tôi tới mé nước ngay cạnh miệng suối, nơi này là một cái eo bán nguyệt. Trên mặt hồ có một người Dân Tộc Thiểu Số (người Tày) bơi chiếc bè nhỏ được kết lại từ 6 hoặc 7 ống nứa lớn, với chiều dài chừng 5 mét và chiều ngang 1 mét. Người đàn ông có vẻ lam lũ già nua, chừng 60 tuổi, đang vớt từng mảng lưới lên bè.

    Tôi đã bỏ bộ đồ trận (áo quần lính của quân đội VNCH ngày trước, do công an của trại phát) vào trong thùng đạn từ lúc còn ở trong trại để có thể bơi dễ dàng, thay vì mặc quần áo sẽ làm tôi bị trở ngại. Trên người chỉ độc một chiếc quần xà lỏn, tôi sà xuống nước ngay, trong khi anh Cử vẫn còn đứng trên bờ bắt đầu dùng một sợi giây dù to bằng ngón tay út màu xanh lá cây, cột cái thùng đạn đại liên vào trước ngực , như anh đã nói cho tôi biết chiều qua.

    Khi đã ra xa bờ khoảng 15 mét, tôi lật ngửa người lại, quay về bờ thì vẫn thấy anh Cử tiếp tục cột sợi giây dù thứ hai. Anh lòn sợi giây chui qua con dao rồi thắt thành một vòng tròn tròng chéo vào đầu, nhưng anh không bỏ con dao lủng lẳng bên hông như “sắc cốt“ mà bỏ nó ra sau lưng. Anh dùng phần lớn chiều dài giây còn lại cột chung với cái thùng đạn sau khi lòn đầu giây qua cái tay xách thùng đạn. Như vậy là dao và thùng đạn được cột chung với nhau bằng sợi giây thứ hai này. Anh cột như vậy đủ biết tính anh cẩn thận như thế nào. Tôi đã ra xa hơn 20 mét mà vẫn còn thấy anh loay hoay với con dao và thùng đạn trên bờ.

    Khi anh sà xuống nước, tôi cũng đã xa bờ nhiều rồi. Tôi quay người lại nhưng vẫn đạp 2 chân liên tục để người tôi đứng tại chỗ và chờ anh Cử đến để cùng bơi đi một lúc. Tôi hơi ngạc nhiên khi thấy anh Cử cứ hụp xuống, rồi trồi lên nhiều lần tại chỗ mà không tiến xa thêm, cuối cùng anh Cử hụp xuống mà không thấy trồi lên nữa. Tôi vẫn chờ khi nghĩ rằng anh muốn lặn xuống để bơi nhanh hơn vì anh Cử là người bơi rất giỏi ở trong trại.

    Tôi chờ thêm 5 phút, rồi 7 phút, nhưng vẫn không thấy anh Cử bơi đến chổ tôi. Khoảng cách từ tôi tới anh không xa lắm tại sao giờ này chưa đến? Một ý nghĩ thoáng qua đầu khiến tôi lạnh toát cả người. Phải chăng anh Cử đã bị chết đuối? Run lên vì sợ hãi và mất hết bình tĩnh, tôi hốt hoảng kêu to với người đàn ông đang kéo lưới, cách chỗ anh Cử không xa lắm:

    - “Bác ơi, Bác cứu giùm người đang chết đuối.”

    Tôi cố gọi to thêm lần nữa hy vọng người này còn kịp kéo anh Cử lên. Sau một lúc, khi mảng lưới cuối cùng được vớt lên chiếc bè, tôi nghe được ông ta đã trả lời, với giọng của người thiểu số sinh sống ở miền Bắc,

    - “Không còn kịp nữa đâu. Tôi đi đây.“

    Tim tôi đập mạnh như chưa bao giờ đập mạnh và nhanh như thế. Tôi thật sự hoảng loạn và không còn bình tĩnh. Giờ tôi đã hiểu là anh Cử đã chết đuối thật rồi. Nhưng tại sao một người bơi rất giỏi như anh mà chết đuối thì tôi không tài nào hiểu được. Nhất là anh còn có thùng đạn làm phao.

    Người đàn ông đã chèo bè đi xa. Buổi sáng sớm nước hồ lạnh ngắt trong không gian vắng lặng. Giờ đây chỉ còn một mình tôi. Ngay lúc này tôi oán trách thái độ lạnh lùng và tàn nhẫn của ông già đã bỏ đi. Họ mất nhân tính đến như vậy sao? Cử chỉ và thái độ của ông ta cho thấy ông ta rất tự nhiên, không chút xúc động khi chứng kiến tận mắt một con người đang bị thần chết kéo đi từ từ. Tôi cũng không ngờ người này tàn nhẫn đến như thế. Hay là chế độ đã dạy dỗ nhồi sọ họ như vậy? Hay họ sợ liên luỵ khu dính liú đến tù?

    Ông già không một chút bối rối và rất lạnh lùng khi trả lời cho tôi, “Không còn kịp nữa đâu. Tôi đi đây.“ rồi lãnh đạm bơi chiếc bè rời khỏi. Bản lãnh của tôi cũng tan biến đi đâu mất và chỉ còn lại cái phản ứng tự nhiên là SỢ. Bất chợt tôi nảy sinh ý nghĩ “phải vào bờ“. Như một cái máy tôi bơi lái sang vùng khác tránh đường đi ngang chổ anh Cử chìm xuống trong một trạng thái thần kinh căn thẳng tột cùng.

    Khi tới được bờ ở một chổ khác không phải là chổ xuất phát lúc ban đầu, tôi quăng cái thùng của tôi trên bờ đất sát mé nước, rồi cắm đầu chạy mà không dám nhìn lại mặt hồ. Vào gần đến trại, tôi la lớn,

    - “Anh Cử chết đuối rồi! Anh Cử chết đuối rồi!“

    Giờ này, trại vẫn chưa tới giờ đi lao động. Mọi người bu quanh tôi hỏi,

    - “Ở đâu? Ở đâu?“

    Nhưng tôi không biết họ hỏi gì. Cả trại náo loạn lên trước tin động trời này. Mọi người chạy theo tôi ra bờ hồ. Tên cán bộ Quản Giáo tên Phòng coi đội của tôi, dáng người cao ốm lỏng khỏng như cây tre với bộ răng hô vẫu ra phía trước, chắc phải sợ lắm và điên tiết lên khi hay tin này. Giờ này chưa có mặt hắn nhưng chắc chắn hắn sẽ biết tin ngay.

    Tôi vừa chạy vừa thở hổn hển kể lại sự kiện vừa xảy ra. Khi đến nơi, tôi chỉ tay về chỗ anh Cử bị chìm. Tôi không quên kể chi tiết anh Cử cột cái thùng đạn, và sau đó cột con dao ra đằng sau lưng, cùng với chi tiết ông già đang vớt lưới.

    Mọi người đề nghị lập một toán lặn để tìm xác anh Cử. Tôi cũng xung phong trong đám người lặn ấy, vì mình dù sao cũng là dân Nha Trang. Đã chín giờ rồi, mặt trời đã lên cao, nhưng nước dưới đáy hồ còn rất lạnh. Không biết vì hơi của tôi ngắn hay vì hồ quá sâu, mỗi lần chân chạm tới đáy hồ là tôi phải tức tốc búng chân chạm đất đẩy người lên khỏi mặt nước để thở. Tôi biết nơi đây có chỗ sâu đến 9m. Đã có khoảng 10 người lặn xuống tìm kiếm, nhưng khôn ai phát giác được điều gì. Ai cũng thất vọng, và muốn bỏ cuộc. Không biết có ai nghĩ ra cách khác, và nói với tên cán bộ “quản giáo” đang tái xanh mặt, vì có người chết trong đội của hắn.

    Một số người đi lên núi xung quanh chặt giây rừng. (Một loại giây leo thường hay leo quấn chung quanh thân cây lớn.) Một số khác người khác chặt những bó gai, rồi rồi dùng giây rừng vừa kiếm được bó lại thành từng bó tròn có đường kính chừng 6 tấc. Một người bơi bè, một người ngồi trên bè kéo sợi giây có bó chà, hy vọng nó sẽ móc vào cái quần đùi của anh Cử để lôi anh lên. Trong lúc tuyệt vọng, chúng tôi chỉ còn biết bám víu vào những phương tiện thô sơ nhất của vùng rừng núi hang cùng ngỏ hẻm ở đây và nhất là với một xã hội nghèo mạt cùng tận của chế độ CS này.

    Tôi cũng xung phong trong đám người kéo chà chôm ấy. Bằng giá nào phải tìm cho ra xác anh Cử mới được, vì tôi đang bị nghi ngờ là người tổ chức cho anh Cử trốn trại, hoặc là người đã giết anh Cử vì thù ghét cá nhân.

    Trên nét mặt mọi người, ai cũng lầm lì, thất vọng, và mệt mỏi. Vài chiếc bè vẫn còn kiên nhẫn bơi tới, bơi lui trên vùng tôi chỉ chỗ anh Cử chìm xuống. Có một anh bạn tù nào đó nãy ra sáng kiến rằng cần một cục nam châm, hy vọng sẽ hút được thùng đạn anh Cử mang theo. Sau khi về tìm kiếm, tên cán bộ đã trở lại với cục nam châm to bằng cái chén hình tròn, phía trên có cái vòng tròn nhỏ. Tôi lấy làm lạ, ở cái chỗ sơn lam chướng khí này đây, mà sao trong làng người Tày lại có được một cục nam châm to đến như thế?

    Tôi không biết ai đã yêu cầu gom tìm những sợi giây dù lớn? Chỉ sau vài phút sau chúng tôi đã có một sợi dây dù đủ dài để buộc vào cục nam châm. Trong khi một người đang chèo bè thì người còn lại ở đầu bè cầm giây dù kéo rê cục nam châm rà dưới đáy hồ. Chúng tôi đứng trên bờ hồi hộp chờ đợi. Hết lượt này đến lượt khác chia phiên nhau tìm kiếm trong niềm hy vọng mong manh.

    Đến bốn năm giờ chiều rồi cuộc tìm kiếm trở nên vô vọng. Chúng tôi không mệt mỏi vì thời tiết vì khí trời không nóng lắm. Không khí dể chịu nhờ hơi nước từ dưới hồ bốc lên, cùng với ánh mặt trời đã nghiêng nữa chừng bên kia dãy núi, thêm những bóng tàng cây cao trên đỉnh núi che khuất bớt ánh nắng nên chúng tôi cũng thấy dễ chịu. Nhưng trong tâm tư, chúng tôi đã mệt mỏi rã rời. Nỗi buồn phiền đè nặng đã hiện trên khuôn mặt mỗi người.

    Suốt ngày hôm ấy, đi đến đâu mọi người cũng nghe nhắc về anh Cử. Anh là người lầm lầm lì lì ít nói, ít chơi thân với ai, tóc cắt ngắn, dáng to lớn khỏe mạnh, vạm vỡ cùng với nước da sạm nắng. Tuy rằng ít nói chuyện với ai, nhưng anh cũng không làm ai mất lòng, và thường hay giúp đỡ kẻ kém sức khỏe hơn mình.

    Anh Cử là người cùng tổ, cùng tôi đi lao động chung. Giờ đây, anh Cử đã chìm sâu dưới đáy hồ trong lúc chỉ có mình tôi chứng kiến. Tôi cảm thấy trách nhiệm đè nặng trên vai. Tôi biết chắc rằng anh Cử vì một nguyên nhân nào đó đã bị chìm xuống. Tôi chứng kiến tận mắt giờ phút cuối cùng ấy, nhưng vì cách xa chỗ của anh nên tôi không làm được gì hết. Tôi cứ kêu thầm tên anh Cử.

    - “Anh Cử ơi, hãy linh thiêng giúp chúng tôi mau tìm thấy xác của anh.“

    Mới sáu giờ chiều trời đã tối mịt. Vùng miền Bắc thượng du đồi núi chập chùng nên mặt trời đi ngủ sớm. Sương bắt đầu rơi và cái lành lạnh đang kéo về. Không khí u tịch não lòng làm sao ấy. Ngày hôm nay sao mà dài và quá sức nặng nề, quá sức tưởng tượng của mỗi con người từ Miền Nam bị đày ải ra tận cùng nơi sơn lam chướng khí. Chúng tôi ở đây đang chiụ sống như một người tiền sử, hay một con vật biết đi, khi cái đói hành hạ triền miên suốt đêm ngày. Đôi khi tôi tưởng mình là một thây ma, hay bộ xương biết đi vì cơ thể đã bị vắt cạn nguồn năng lượng dự trữ, vì thiếu ăn.

    Chúng tôi đã mò mẫm cho đến gần bảy giờ. Khi không còn thấy rõ xung quanh thì chúng tôi lục đục kéo vô trại. Thân xác tôi rã rời, mệt mỏi, với tinh thần kiệt quệ. Tôi buồn nhiều lắm, vì mất đi một người bạn đã cùng chung khổ nhọc trong nhiều tháng ngày qua. Giờ đây chỉ còn mình tôi, trong khi anh Cử đã chìm sâu dưới lòng hồ.

    Tôi cầu xin ơn trên phù hộ cho tìm thấy được xác anh Cử càng sớm càng tốt, cho anh được có nơi yên nghỉ ngàn đời. Vả lại tìm được xác anh Cử, tôi mới được minh oan, khi tên cán bộ “quản giáo” tung tin rằng có thể tôi đã “tổ chức cho anh Cử trốn trại, hay âm mưu ám hại anh Cử”.

    Tôi cầm chén bo bo ít ỏi và nguội tanh, mà người trong tổ chia phần cơm chiều để dành cho tôi. Ai cũng đã ăn xong chén bo bo, hết sức thanh đạm, của mình rồi. Không khí trại buồn ảm đạm, nhất là trong đội 3 của tôi. Giống như trong gia đình có đám tang, không khí nơi đây nặng nề, không ai còn muốn nói cười ồn ào, để tạm quên hiện tại bi thảm mà chúng tôi đang gánh chiụ. Tôi bưng chén bo bo, nhưng nghẹn đắng trong cổ họng khiến tôi không nuốt nổi. Tôi cố nhắm mắt lại để không nhìn thấy mọi vật xung quanh. Tôi cảm thấy như có vị mặn trên môi.

    Đêm dài như vô tận, tôi cứ lăn qua, trở lại mà không sao ngủ được. Tôi cứ thấy hình ảnh anh Cử hụp lên, hụp xuống nhiều lần, rồi từ từ chìm xuống. Thế mà, tôi cứ tưởng anh Cử lặn xuống dưới mặt nước để di chuyển nhanh hơn. Tôi lại thấy anh Cử đang nằm im lìm dưới đáy hồ sâu thẳm, có đến chín thước nước cũng nên. Vợ con anh bây giờ làm sao biết được anh đã vĩnh viễn rời xa cỏi trần này.

    Tuy rằng cùng ở chung trong một “lán” trại, nhưng tôi ít khi nói chuyện với anh Cử vì anh là người ít nói. Do đó, tôi cũng ngại khi muốn tâm tình cùng anh. Nhưng sao đêm nay lòng tôi trăn trở lạ thường, và thấy thương anh Cử quá. Anh đã vĩnh viễn không trở về với vợ con anh nữa. Chỉ một mình tôi tận mắt nhìn thấy sự ra đi từ từ của anh mà tôi bất lực. Tôi cảm thấy ngậm ngùi. Tự nhiên giọt nước từ mắt của tôi ứa ra từ lúc nào.

    Sáng sớm hôm sau khi thức dậy, tổ của tôi tiếp tục lo tìm kiếm xác anh Cử. Nếu mà không tìm ra được xác anh Cử thì tôi không biết sẽ bị rắc rối đến cỡ nào trong những ngày tới. Tôi đã xác nhận rõ ràng anh Cử bị chết đuối. Nhưng nếu anh Cử không nổi lên thì tôi bị vạ lây. Tôi đã cầu xin trong đêm khó ngủ,

    - “Xin anh Cử minh oan cho tôi. Anh hãy nổi lên, nghe anh.“

    Tôi chạy thật nhanh ra bờ hồ nơi hai chúng tôi sà xuống nước sáng hôm qua, cũng cùng giờ. Tôi nghe người ta nói,

    - ”Chết đuối sau 24 giờ sẽ nổi lên.“

    Không thấy gì cả, lòng buồn xo tôi thất thểu trở lại trại, trong lúc mọi người đang chia phần ăn sáng, là những lát khoai mì khô, ít, mốc xanh, mối, mọt, nấu lên nhão nhoẹt. Tôi buồn và thất vọng không ăn uống gì được. Trong đầu tôi lúc nào cũng bị hình ảnh anh Cử từ từ chìm xuống ám ảnh, bây giờ đang nằm dài dưới lòng sâu của hồ Thác Bà, Hoàng Liên Sơn. Tôi không liên quan đến cái chết của anh Cử nhưng tôi đi cùng anh, và đang ở cách chỗ anh Cử chết chừng hai mươi mét, nhìn thấy tận mắt mà tôi bất lực.

    Đến 12 giờ trưa thì tôi chợt nghe tiếng la lớn từ những người đang luân phiên tìm kiếm ngoài bờ hồ,

    - “Anh Cử nổi lên rồi! Anh Cử nổi lên rồi!“

    Tôi là người đầu tiên chạy như bay ra bờ hồ. Một người bạn chèo chiếc bè bằng những ống nứa kết lại, còn tôi thắt một đầu sợi giây rừng thành cái vòng tròn ngồi phía trước chiếc bè.

    Khi đến gần, tôi thấy xác anh Cử đang nằm sấp đưa lưng lên phía trên, bập bùng nhẹ theo sóng nước. Tôi thấy màu da trắng bệt, một loại màu da thường có của người chết trôi, trong khi bình thường anh Cử có màu da sậm rám nắng. Tìm thấy anh, tôi mừng khôn xiết, vì đã tìm được xác anh để yên mồ yên mả, và cũng minh oan cho tôi.

    Khi xác anh Cử được kéo vào bờ thì bọn cán bộ đã có mặt và như để “khám nghiệm tử thi“, nhưng kỳ thật là chỉ cho lật qua, lật lại để biết chắc là chính anh. Bao nhiêu bằng chứng hiện ra như một lời giải oan cho tôi. Tại sao xác anh Cử đợi đúng 36 giờ mới nổi lên? Có lẽ vì anh còn mang thùng đạn nặng nên nổi lên chậm hơn.

    Chúng tôi đã cố gắng thay bộ quần áo ướt cho anh, nhưng không tài nào làm được vì xác anh sũng nước, cứng đờ. Chúng tôi đều nghe rõ anh Hai Viên, một người cùng tổ, đã khấn nguyện,

    - “Cử ơi! Mày sống khôn thác thiêng, mày làm thế nào cho thân hình mày mềm mại cho tụi tao mặc áo cho mày.“ Tôi không tin những lời ấy sẽ có hiệu nghiệm. Nhưng màu nhiệm làm sao, thân xác anh Cử từ từ mềm ra như người còn sống. Mọi người ồ lên mừng vui ra mặt và miệng luôn nói,

    - “Mềm được rồi, Cử ơi! Mềm được rồi. Cám ơn mày, nghe Cử!“

    Chiếc quan tài được đóng vội vàng ngay trong khi đang thay đồ cho anh Cử. Sáu tấm ván do tổ mộc xẻ ra được ghép lại thành một cỗ quan tài, trông rất sơ sài. Anh Cử được liệm ngay tại bờ hồ khi nắng bắt đầu qua bên kia chân núi sau lưng trại. Đám tang của anh đã có chén cơm trắng, ba cây đũa hoa (chẻ đầu đũa thành nhiều vòng cong cong), một trứng vịt luộc, và nắm nhang, cùng hai cây đèn cầy để trên đầu quan tài. Đó là tất cả gì mà những người bạn của anh, đồng cảnh ngộ, có thể làm được trong hoàn cảnh khốn cùng. Đây là đám tang đầu tiên của Trại 5 Liên Trại 4, tại Hoàng Liên Sơn.

    Trời đã chạng vạng tối. Chiếc quan tài của anh Cử đặt lên trên một bè nứa lớn có bốn người chống đi. Đám bạn tù cùng tổ và một ít cùng đội 3 bơi theo bằng những chiếc bè nhỏ hơn nối đuôi nhau. Không ai nói với ai một lời, chúng tôi lòng ngậm ngùi đưa tiễn một người bạn vĩnh viễn nằm yên nghỉ trong lòng đất, trên một hòn đảo giửa Hồ Thác Bà, Hoàng Liên Sơn.

    Tôi tin chắc đang có những giọt nước mắt kín đáo lăn dài trên má hay ở kín trong lòng để tiễn biệt một người ra đi vĩnh viễn. Tôi tin rằng trong đám tù xác xơ, đói rách này cũng có người đang lâm râm khấn nguyện cho linh hồn anh Cử sớm siêu thoát ra khỏi kiếp đoạ đày của trần thế. Tôi cũng tin rằng họ cũng đã cầu xin anh Cử phù hộ cho họ có nhiều sức khoẻ dưới sự đày đoạ trả thù của quân khốn kiếp.

    Đám tù chúng tôi quay lại nhìn nấm mộ lần cuối cùng trước khi bước lên bè để về Trại khi màn đêm đã dày dặc.

    o O o

    Ba năm sau, gia đình anh Cử mới nhận được tin anh bị mất. Chị Cử và các con đã phải sống những năm tháng sau này trong tột cùng của đau khổ, thiếu thốn, khó khăn, cùng cực nhất trong đời sống vật chất lẫn tinh thần.

    Qua những ngày dài lam lũ, những đêm đen khắc khổ đau buồn, tôi chưa bao giờ thấy một người đàn bà nào thương yêu chồng như Chị Cử. Khóc, Khóc, Khóc từ ngày này sang tháng năm nọ với nổi nhớ thương, kéo dài như bất tận.

    Lúc nào chị Cử cũng cầu xin cho chị gặp được bất cứ ai biết về cái chết của anh Cử, hư thực ra sao? Gặp ai nói “cải tạo về“, chị cũng đều hỏi họ có “cải tạo“ tại địa danh Thác Bà hay không? Chị hỏi điều ấy từ Sài Gòn sau khi nghe tin chồng mình chết, hỏi đến khi ra nước ngoài vẫn còn hỏi.

    37 năm sau, cho đến một hôm, Chị gặp ngay “Quang chèo đò“ tại Nam Cali. May mắn chị gặp đúng ngay người cùng tổ, cùng đội ở chung với anh Cử, và phụ trách chèo đò đưa tù nhân bị bệnh đến Bệnh Xá bằng đò, nên mới có biệt danh “Quang chèo đò“. Khổ thay Quang không còn biết rõ và nhớ gì, nên anh bèn giới thiệu cho một người bạn không cùng đội với anh Cử, mà ở dãy “lán” đối diện. Chị Cử như bắt được vàng, mừng quýnh lên vì từ đây hy vọng anh Nguyễn Khoát Hải có thể cung cấp đầy đủ tin tức. Hải lại là người viết lại hồi ký “Những Ngày Trong Tù“ và có đoạn viết về cái chết của anh Cử.

    Hải biết rõ tôi ở cùng anh Cử và đặc biệt đi bơi cùng anh trong ngày anh gặp điều không may. Hải giới thiệu số phone của tôi cho chị Cử. Ngay lập tức từ Cali, chị Trần Thị Hằng -vợ anh Cử- bay sang Houston gặp tôi để biết rõ sự việc. Mãi cho đến bây giờ sau 37 năm kể từ năm anh Cử mất, chị Cử vẫn cứ khóc. Tôi vừa bắt phone là đã nghe tiếng khóc của chị rồi. Chị nói,

    - “Nếu có phải đổi bất kỳ người đàn ông nào trên cõi đời này, chị vẫn cứ muốn người đó là anh Cử.”

    Trong tâm của chị, anh Cử luôn mãi là người bạn tâm giao, một người tình muôn thuở, một người chồng luôn sống mãi bên chị. Trong niềm khao khát muốn lưu lại hình ảnh của người chồng của mình đã vĩnh viễn ra đi trong trại tù, chị đã mong muốn tôi ghi lại những gì đã xảy ra, vì chính tôi là nhân chứng duy nhất trong câu chuyện thương tâm này. Động cơ thúc đẩy tôi mạnh nhất để có bài viết này chính là tình yêu của chị Cử dành cho chồng.

    Cũng có cuộc tình chóng phai sau những năm ân ái mặn nồng. Cũng có nhiều cuộc tình khi vừa mới chia tay cũng đã mau quên. Nhưng cuộc tình của anh chị Cử đáng là một nét son làm gương cho nhân thế, khi mà cảnh thói đời đen bạc xảy ra hằng ngày. Tôi thật sự xúc động khi chị Cử, dù biết được tôi đang cách xa chị vài ngàn cây số, quyết tìm gặp tôi để đích thân nghe tôi kể lại. Tôi cũng đã ngậm ngùi nén xúc động và ngưng lại nhiều lần trong khi kể, vì nhận ra được những dòng nước mắt của chị cứ âm thầm lăn trên đôi gò má gầy guộc, héo úa của một goá phụ đã 37 năm.

    Dường như đây là lần đầu tiên tôi thấy được, biết được trên đời có một người đàn bà chung tình, thương yêu chồng đến mức độ ngoài sự tưởng tượng của tôi. Chị Cử trải lòng ra hết những nhớ thương khắc khoải sau cả 37 năm kể từ ngày anh đi “trình diện học tập“. Lòng tôi chùng hẳn xuống và xúc động khi chứng kiến tình yêu của chị Cử dành cho chồng vẫn trọn vẹn và mãnh liệt cho tới lúc này, làm tôi cứ ngỡ như hai anh chị mới vừa cưới nhau.

    Một khoảng thời gian quá dài đến 37 năm, chị Cử xa chồng biệt vô âm tín. Sau vài năm đi tù, chị được tin chồng vùi thây nơi đất Bắc. Một người đàn bà còn quá trẻ vẫn ở vậy nuôi bốn con nhỏ dại, mà không mảy may bị xao xuyến bởi những cám dỗ bên ngoài, từ tình cảm đến từ mọi phiá. Chị cố gắng hết sức mình trong khả năng tài chánh kiệt quệ cùng cực để ra tận Thác Bà, Hoàng Liên Sơn, đến cái đảo hoang vắng bốc được mộ chồng mình mang về Nam cải táng, trước khi ra đi trong chương trình HO dành cho chị đối với người có “chồng chết trong trại tù”.

    Tôi đã giữ lời hứa với chị, viết lại những dòng này như thắp một nén hương cho anh Cử, để cám ơn tấm lòng trung trinh của chị đối với một cuộc tình đáng được lưu lại và khâm phục đến mai sau.

    Nguyễn Trãi, Yên Bái


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X