Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Nước Mỹ: từ Đế Quốc đến Lãnh Đạo

Collapse
X

Nước Mỹ: từ Đế Quốc đến Lãnh Đạo

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Nước Mỹ: từ Đế Quốc đến Lãnh Đạo

    Nước Mỹ: Từ "Đế quốc" đến "Lãnh đạo"


    "Nước Mỹ lãnh đạo" là niềm tin vững như núi của nước Mỹ, dựa trên một tình trạng mà ít ai chối cãi. Tuy vậy, ngay cả sự lãnh đạo đó, bây giờ có người cho là đã lung lay, có người cho là vẫn còn đấy nhưng đã đổi khác. Vấn đề này liên quan mật thiết đến ta.

    Đế quốc
    Quan hệ giữa các quốc gia là quan hệ dựa trên sức mạnh. Khi một nước trở nên mạnh nhất, có khả năng bắt tất cả các nước khác phải quy phục uy quyền của mình, ta gọi nước ấy là đế quốc. Đế quốc là nước có sức mạnh tuyệt đối. Trong lịch sử, Đông hay Tây, đều có những đế quốc như vậy. Nhưng dù lâu hay mau, đế quốc nào cũng sụp đổ, không bao giờ có một đế quốc trường tồn, kể cả đế quốc La Mã ở Tây, kể cả nhà Chu, nhà Tần ở Đông. Tại sao? Tại vì nhiều lý do, từ bên trong cũng như từ bên ngoài, nhưng lý do tổng quát là: chính trị quốc tế, cũng giống như mọi chính trị, là một sự tranh giành quyền lực, nghĩa là sức mạnh.

    Trước sau gì, sức mạnh tuyệt đối cũng phải va chạm với những sức mạnh đang lên, và đế quốc, đến một lúc nào đó, hoặc phải nhường chỗ cho một đế quốc khác, hoặc phải trở thành một sức mạnh tương đối. Trong cả hai trường hợp, ta đều có thể nói theo thuật ngữ Phật giáo: sức mạnh tuyệt đối là vô thường.

    Không cần đi xa vào lịch sử mấy ngàn năm ở Đông hoặc ở Tây, chỉ xét quan hệ quốc tế trong thế kỷ 20 thôi, ai cũng có thể nói: đế quốc Anh đã mất sức mạnh tuyệt đối sau Thế chiến thứ hai để trở thành một sức mạnh tương đối. Nói cách khác, đế quốc Anh đã thực chứng vô thường khi sức mạnh tuyệt đối của họ bị tương đối hóa.

    Đó là tình trạng mà nước Mỹ đang gặp ngày nay. Khái niệm vô thường áp dụng cho nước Mỹ là quá đúng và quá thích hợp, vì ngay trong khi nước Mỹ đang ở trên đỉnh cao nhất của sức mạnh tuyệt đối, ngay trong khi mà cả thế giới chỉ còn một cực thôi là cực Mỹ, các chuyên gia về quan hệ quốc tế ở Mỹ đã lo lắng đặt vấn đề: liệu nước Mỹ còn trụ được ở vị thế chúa tể này lâu không, hay là sẽ rơi vào số phận của đế quốc La Mã ngày xưa, số phận của đế quốc Anh gần đây? Chưa bao giờ đề tài "suy tàn của các đế quốc" nở rộ đến thế trong tranh luận như lúc nước Mỹ vừa lên ngôi đế quốc. Tranh luận đó ngày nay vẫn còn chưa dứt tuy rằng chỉ mới có mấy năm gần đây thôi mà sức mạnh tuyệt đối của Mỹ đã bị tương đối hóa và nước Mỹ đã trở thành đế quốc mất ngôi.

    Đế quốc? Danh hiệu đó đã được gán cho nước Mỹ từ lâu rồi, nhưng đích thực mà nói, vị thế đó chỉ có thể đúng khi khối Liên Xô sụp đổ. Vậy mà trong khoảng thời gian 1987-1993, đếm mấy cũng không hết những bàn cãi về đề tài đế quồc sụp đổ. Phát súng đầu tiên là quyển sách nổi tiếng của Paul Kennedy: "The Rise and Fall of the Great Powers: Economic Change and Military Conflict from 1500 to 2000 " (Sự thăng tiến và sụp đổ của các cường quốc: Biến chuyển kinh tế và tranh chấp quân sự từ 1500 đến 2000) xuất bản lần đầu năm 1987. Sau đó, bức tường Bá Linh tan vỡ, đại quân Hoa Kỳ chiến thắng lẫy lừng trong chiến tranh Vùng Vịnh, Liên Xô tiêu vong, toàn là những đại biến cố đáng lẽ phải xác nhận vị thế chủ tể của nước Mỹ, nhưng không, luận thuyết suy tàn vẫn nổ ran sau quyển sách của Kennedy.

    Quyển sách đó nói gì? Nói rằng: sức mạnh quốc tế của một nước gắn liền với sức vóc kinh tế của nước đó, bởi vậy đế quốc Anh đã tàn lụi khi bành trướng quá mức - quá mức chịu đựng của kinh tế, hút cạn tài nguyên, vắt sạch khả năng tài trợ những chiếm đóng và chiến dịch quân sự. Nước Mỹ lúc đó cũng vậy, cũng vướng mắc những cam kết chiến lược quan trọng không thua gì 25 năm trước, nhưng GDP và tỷ lệ sản xuất kỹ nghệ của Mỹ 25 năm trước đây lớn hơn nhiều so với những năm 1980. Thêm nữa, 7% GDP dùng cho phí tổn khí giới hút hết tiền dành cho nghiên cứu, đẩy chất xám vào kỹ nghệ chiến tranh do Bộ Quốc phòng điều khiển, trong khi các nước khác, Nhật chẳng hạn, đổ tiền vào nghiên cứu dân sự để canh tân kỹ nghệ.

    Nhu cầu ngắn hạn phục vụ chiến tranh gây ảnh hưởng tai hại trên nhu cầu dài hạn phát minh khoa học, làm suy giảm tỷ lệ sản xuất kỹ nghệ của nước Mỹ. Tất nhiên, chiến tranh thúc đẩy nhiều phát triển khoa học trong một số lĩnh vực, về khí giới, về robot, về hàng không, về tin học... nhưng luận cứ của Kennedy vẫn được khai triển tiếp về sau để nhấn mạnh công nghệ của Mỹ đã bị công nghệ của Nhật vượt qua, kinh tế của Mỹ đã bị kinh tế của Nhật lấn lướt.

    Đó lầ đầu mối của tình trạng cơm thiếu lành canh thiếu ngọt giữa đồng minh Mỹ-Nhật trong những năm 1980. Không bóp còi, Nhật qua măt. Về hiệu quả? Tổ chức xí nghiệp của Nhật hiệu quả hơn. Về cạnh tranh? MITI của Nhật năng động hơn. Mô hình sản xuất và quản lý nào hiện đại hơn? Nhật! Chưa bao giờ, sau 1945, dân Nhật làm rợn lên vừa e dè vừa ganh ghét như thế trong lòng dư luận Mỹ. Đó là thời gian mà danh từ "Japan bashing" xuất hiện. "Đánh đòn Nhật!" Đại loại những câu bài Nhật như thế nổ ra trên báo chí. "Nước Nhật như là anh cả" ("Japan as number one"- E. Vogel), "hiểm họa đến từ Nhật", "Pearl Harbor kinh tế", "nước Nhật biết nói: không"... Nước Nhật thành công như công ty Nhật thành công.

    Từ đó, nước Nhật trở thành "Công ty Nhật Bản". Tự ái của Mỹ bị chích rất đau khi những công ty đầu đàn của Mỹ bị Nhật mua, Columbia Pictures và CBS Records rơi vào tay Sony, MCA lọt vào túi Matsushita... Cuối những năm 1980, nước Mỹ từ vai chủ nợ của thế giới trở thành con nợ, và Nhật là nước mua nhiều trái phiếu nhất của ngân khố Mỹ. Nợ, lệ thuộc, xài nhiều, sản xuất ít, cán cân thương mại bất quân bình, ngân sách quốc phòng quá nặng, cứ thế nước Mỹ sa sút dần, thầm lặng.

    Rất sơ lược, đó là luận cứ của "phe suy tàn". Những luận cứ ấy bị "phe chống suy tàn" đả kích kịch liệt, nhất là trên lĩnh vực kinh tế. Phe suy tàn có tiếng nói của Paul Kennedy. Phe chống suy tàn có danh tiếng của Joseph Nye. Trong quyển sách cũng nổi tiếng không kém: "Bound to lead: The Changing Nature of American Power"(Bắt buộc phải lãnh đạo: sự thay đổi bản chất trong sức mạnh của nước Mỹ) xuất bản năm 1990, Nye khai triển một khái niệm mới về sức mạnh bây giờ đã trở thành quá phổ thông: sức mạnh mềm.

    Ông nói: những tiêu chuẩn mà cho đến nay vẫn được xem là căn bản để đánh giá sức mạnh - nguyên liệu, sản xuất công nghệ, khí giới vv...- không đủ để đánh giá đúng thực lực của một nước, vì đó chỉ là "sức mạnh cứng"; nước Mỹ còn có một sức mạnh khác, vô địch, mà ông gọi là "sức mạnh mềm", nghĩa là những của cải không sờ mó được, ví dụ sức lôi cuốn của văn hóa, sức nặng trong các tổ chức quốc tế, sức ép thế giới phải theo lịch làm việc của mình. Muốn hiểu sức mạnh mềm, phải biết rằng thế giới của năm 1990 không phải là thế giới của 1941 hay 1961.

    Toàn cầu hóa, kinh tế hỗ tương, vai trò quan trọng của các thế lực tư nhân (truyền thông, công ty đa quốc gia...), bước nhảy vọt từ giai đoạn kỹ nghệ qua giai đoạn hậu kỹ nghệ, phát triển của các tổ chức quốc tế, khuynh hướng mở rộng hợp tác đa phương... tất cả những biến chuyển đó đã làm thay đổi hệ thống quốc tế. Trong hệ thống mới đó, nước Mỹ vẫn nắm tất cả mọi nguồn sức mạnh như đã nắm trước đây - "sức mạnh mềm" để hấp dẫn, lôi cuốn, "sức mạnh cứng" để ép buộc. Quân sự, kinh tế, công nghệ thông tin, cứng hay mềm, nước Mỹ đều đứng đầu.

    Thật ra, tranh luận về "suy tàn" của nước Mỹ không phải lúc nào cũng đặt trên cơ sở khoa học. Trừ vài quyển sách của đại học, và vài tác giả lớn như vừa nói, hầu hết các bài viết, nhiều vô kể, trên các báo và tạp chí, đều trộn lẫn tính cách khoa học và bút chiến giữa phe bảo thủ và phe cấp tiến, nhằm những mục đích khác có tính chính trị nội bộ.

    Chưa kể, ngay trong giới đại học, một tác giả lừng danh thường có khuynh hướng nhấn mạnh quá mức cần thiết một luận cứ đáng gọi là khoa học, với cái nghĩa là nó làm thúc đẩy một tranh luận mới, những suy nghĩ mới. "Suy tàn của đế quốc" là một ví dụ, giống như "lịch sử chấm dứt" của Fukuyama hay "đụng độ giữa các văn minh" của Huntington.

    Lại cũng chưa kể tâm lý của người Mỹ, chuyển biến theo chu kỳ, sau một giai đoạn hãnh tiến, tự hào, thỏa mãn, phách lối, thường tiếp theo một giai đoạn bi quan, hoài nghi, đặt dấu hỏi, xuống tinh thần. Từ 1945, bốn giai đoạn lên xuống như thế đã tiếp nối nhau. Lần thứ nhất, cuối những năm 1950, sau khi Liên Xô phóng vệ tinh Sputnik. Lần thứ hai, đầu những năm 1970 khi giá dầu tăng vọt làm chậm lại mức tăng trưởng kinh tế ở Mỹ. Lần thứ ba, vào giữa những năm 1980 khi dư luận ngay ngáy lo Nhật sẽ vượt Mỹ (1). Lần thứ tư, giữa lúc nước Mỹ vinh quang đại thắng chiến tranh lạnh: lạ thật, vào năm 1989 ấy, hơn nửa dân số Mỹ cho rằng nước Mỹ bắt đầu đi xuống!

    Nhưng nước Mỹ không đi xuống mà lại đi lên! Đi lên với Clinton - một Clinton rạng rỡ (và đào hoa) đã mang lại phồn thịnh cho nước Mỹ và đã dõng dạc tuyên bố nước Mỹ là mẫu mực của thế giới. Xa rồi, ám ảnh bị Nhật qua mặt. Kinh tế Nhật bây giờ tụt dốc, kinh tế Mỹ thăng thiên. Nước Mỹ tiếp tục đi lên như thế, về kinh tế, và nhất là về quân sự, với hai chiến dịch lẫy lừng: một chiến thắng từ trên không, với bom dội xuống Nam Tư cũ, kết thúc một chiến tranh mà Âu châu không thắng nổi, một chiến thắng ngay trên bộ, với một quân đội điều động từ xa tiến thẳng vào thủ đô Bagdad trong vòng sáu tuần lễ.

    Sau đó, với một ông tổng thống tầm thường như Bush, nước Mỹ một mình cai quản thế giới, muốn làm gì thì làm, đánh không cần báo trước, quyết định không cần đồng minh, hành động đơn phương bất chấp luật quốc tế, lấy lợi ích của mình đè bẹp lợi ích của thiên hạ. Chưa bao giờ nước Mỹ ngạo mạn đến thế, hách dịch đến thế, "đế quốc" đến thế. "Từ sau đế quốc La Mã, chưa có tay chơi quốc tế nào thượng phong đến vậy" (2)

    Thế nhưng, đây là lần thứ năm, luận thuyết suy tàn tái xuất, kéo dài tranh cãi cho đến ngày nay, với một nội dung tất nhiên dần dần khác trước. Dần dần, tại vì quả thực, chỉ trong vòng vài năm thôi, không ai còn nghĩ nước Mỹ như là đế quốc nữa. Tranh luận chuyển qua một khái niệm khác, đúng với vị thế của nước Mỹ bây giờ hơn, khái niệm mà không ngôn ngữ nào khác dịch sát nghĩa được, "leadership", mà tôi tạm dịch là "lãnh đạo". Từ vô thường của đế quốc, không chừng ta lại sắp phải nghe vô thường của lãnh đạo.


    Lãnh đạo
    "Nước Mỹ lãnh đạo" là niềm tin vững như núi của nước Mỹ, dựa trên một tình trạng mà ít ai chối cãi. Tuy vậy, ngay cả sự lãnh đạo đó, bây giờ có người cho là đã lung lay, có người cho là vẫn còn đấy nhưng đã đổi khác. Vấn đề này liên quan mật thiết đến ta.

    Trước hết, nói đến lãnh đạo là nói đến sức mạnh, vẫn là sức mạnh. Vậy sức mạnh của Mỹ còn đủ để nước Mỹ đóng vai trò lãnh đạo và để thế giới nhận vai trò ấy không?

    Còn đủ, phe "chống suy tàn" xác quyết như vậy. Không có một nước nào trên thế giới, ngoài Mỹ, nắm trong tay tất cả những yếu tố tạo nên sức mạnh: từ kinh tế, công nghệ, khoa học, sáng kiến, cho đến văn hóa, ý thức hệ.

    Riêng về quân sự, không ai quả quyết chắc chắn hơn Robert Kagan vì ông này vẫn xem đó là tiêu chuẩn quan trọng nhất của sức mạnh. Mặc dù Mỹ vướng khó khăn ở Irak và Afghanistan, Kagan nhắc nhở: ngân sách quốc phòng của Mỹ vượt quá 500 tỷ đô la mỗi năm, không kể những chi phí phụ thuộc trị giá trên 100 tỷ nữa cho hai nước vừa kể. Cùng với ngân sách quốc phòng gia tăng, căn cứ quân sự của Mỹ ở nước ngoài cũng gia tăng theo.

    Từ 11-9-2001, nước Mỹ đã xây hoặc bành trướng các căn cứ ở Afghanistan, Kyrgiztan, Pakistan, Tajikistan và Uzbekistan ở Trung Á; ở Bulgari, Georgia, Hungari, Ba Lan và Rumani phía châu Âu; ở Philipin, Djibuti, Oman, và Qatar. Mỹ không thiếu tiền để duy trì và khuếch trương hiện diện quân lực cùng khắp, mà cũng chẳng thiếu nước sẵn sàng hiến đất cho Mỹ làm căn cứ quân sự - nghĩa là không thiếu nước sẵn sàng nhận địa vị tối ưu của Mỹ nếu điều đó cần thiết để bảo vệ an ninh.

    Thế nào là "vị thế tối ưu"? Kagan định nghĩa lại, chính xác hơn trước: tối ưu không phải là toàn quyền muốn làm gì thì làm, cũng không có nghĩa nước Mỹ lúc nào cũng có thể ép buộc được các nước khác phải làm theo ý mình.

    Nước Mỹ tối ưu vẫn có thể không thắng được ở Triều Tiên năm 1953, vẫn có thể thất bại ở Việt Nam năm 1975, vẫn phải rút lui thảm thiết khỏi Liban năm 1983, khỏi Somali năm 1994, vẫn không loại được Castro, vẫn có thể bất lực ở Trung Đông, vẫn bị chôn chân ở Afghanistan, vẫn dùng dằng nửa ở nửa về ở Irak.

    Một siêu cường có thể thua một chiến tranh mà vẫn siêu cường nếu những điều kiện căn bản tạo nên sức mạnh quốc tế của siêu cường ấy vẫn tiếp tục hỗ trợ vị thế đó. Chừng nào nước Mỹ vẫn ở trung tâm của kinh tế thế giới, vẫn là sức mạnh quân sự bậc nhất, chừng nào những đối thủ của nước Mỹ vẫn còn làm cho láng giềng e sợ, cấu trúc của chính trị quốc tế vẫn sẽ đúng như Trung Quốc nói: một siêu cường, nhiều đại cường (3).

    Đó là cách biện minh dễ chấp nhận nhất trong lý luận của phe tân bảo thủ. Sự thực, nước Mỹ ngày nay chỉ còn là nước mạnh nhất trong các nước mạnh nhất. Do đâu mà tình trạng ấy xảy ra? Ít nhất có 5 nguyên nhân (4).

    Nguyên nhân gần nhất và dễ thấy nhất là lãnh đạo thảm hại của ông Bush. Ngay cả những đồng minh thân tín nhất của Mỹ - Đức và Thổ Nhĩ Kỳ - cũng mất tin tưởng ở Hoa Kỳ. Thế giới Hồi giáo thù ghét nước Mỹ. Thế giới nói chung mất cảm tình. Ông Bush đã thành công trong việc đánh mất uy tín của nước Mỹ. Ông tưởng có thể lãnh đạo bằng sức mạnh quân sự: với ông, cứng đã thế mềm, trong khi mềm mới chính là sức mạnh vô địch của nước Mỹ.
    Nguyên nhân thứ hai là sự trỗi lên của những nước mạnh khác. Nga đang tìm lại vị thế của mình ở Đông Âu. Đang khẳng định mình phải có tiếng nói trên những điểm nóng của thế giới. Nhưng thấm gì Nga! Có ông đại cường kia đang hưng phấn rần rần, thách thức lãnh đạo của Mỹ, nghênh ngang đòi chia Biển Đông làm hai, đòi "lãnh đạo chung", đòi G2, khỏi cần nói tên, tự thiên tử chí ư thứ dân, nhóc con cũng biết. Phiền thêm cho nước Mỹ: phóng nhiễm nguyên tử đã cho phép ít nhất hai nước ngang nhiên thách đố lãnh đạo của Mỹ: Bắc Hàn và Iran.

    Nguyên nhân thứ ba là khó khăn càng ngày càng lớn trong việc diễn dịch sức mạnh. Nước Mỹ có thể là nước duy nhất có khả năng điều quân ra tận những chiến trường xa xôi, có thể là nước giàu nhất, tiên tiến nhất về công nghệ vv... , nhưng tất cả những lợi thế đó của sức mạnh vẫn có thể không đưa đến chiến thắng quân sự hoặc ngay cả ảnh hưởng. Cách mạng trong truyền thông tạo khả năng cho các nhóm vũ trang, các nhóm khủng bố đánh phá nước Mỹ hoặc đồng minh của Mỹ. Can thiệp quân sự cũng không phải dễ: khác với các nước độc tài, các nước dân chủ phải thuyết phục dân chúng, dư luận, bên tả bên hữu, kéo dài can thiệp lại càng khó hơn.

    Nguyên nhân thứ tư là sự hình thành một thế giới vô trật tự, trong đó các thành viên mất phương hướng để định nghĩa rõ ràng ai là đồng minh, ai là đối thủ, đâu là tranh chấp, đâu là hợp tác. Cả Nga lẫn Trung Quốc đều là đối tác bắt buộc của Tây phương, nhưng đồng thời cũng là hai kẻ cạnh tranh nhức óc trong lĩnh vực này, địch thủ ghê gớm trong lĩnh vực khác.

    Trong thế giới vô trật tự đó, kẻ yếu bắt nạt được kẻ mạnh, Al Qaida chẳng có sư đoàn nào mà chuột vẫn vuốt được râu mèo, chiến tranh với lực lượng bất cân xứng bị kẻ yếu khai thác triệt để, một trái bom chưa nổ trên máy bay đủ làm điên đảo cả hệ thống an ninh của kẻ mạnh nhất hoàn cầu. Mỹ vẫn mạnh nhất nhưng không kiểm soát được nữa vận mạng của thế giới.

    Trước đây, Nam Mỹ là sân sau của Hoa Kỳ, bây giờ không phải chỉ có một Castro mà còn có một Chavez, một Morales. Ai tưởng tượng được rằng Mêhicô có thể bỏ phiếu chống quyết nghị của Mỹ ở Hội Đồng Bảo An hồi 2003 trong vụ Irak? Ai dám thấy trước lá cờ nhân quyền của Mỹ ngừng lại ở giữa cột cờ khi tiền bạc và nhân công của Trung Quốc chảy như suối vào các nước độc tài Phi châu?

    Tình trạng phức tạp đó khiến cho Mỹ mất cái thế lãnh đạo, nếu lãnh đạo được hiểu theo nghĩa trước đây. Chúng ta, nói như một tác giả tên tuổi, đang chuyển dịch vào một "thế giới hậu Hoa Kỳ"(5) trong đó có nhiều ngón tay cùng chỉ đâu là sao Bắc đẩu.

    Đó ý thức rõ rệt nhất hiện nay ở Mỹ: trong quan hệ giữa các quốc gia, cũng như trong quan hệ với những thế lực và những vấn đề xuyên quốc gia, nước Mỹ không còn đủ sức nữa để đương đầu một mình. Ngay cả trong lĩnh vực quân sự, hợp tác với các quốc gia khác là cần thiết cho nước Mỹ, dù là ở Afghanistan. "Rạng đông của một lãnh đạo mới" mà tổng thống Obama vẽ ra cho thế giới bắt nguồn từ nhận thức đó.

    Tất nhiên, không tổng thống nào từ bỏ vị thế "lãnh đạo" của nước Mỹ. Vấn đề là phải định nghĩa lại "lãnh đạo" trong một thế giới mà sức mạnh của kẻ mạnh nhất đã bị tương đối hóa, hay nói cho đúng với ngôn ngữ của các tác giả Mỹ hơn, trong một thế giới mà nước Mỹ phải chứng kiến sự "đi lên của các nước khác" - "the rise of the rest". Thế nào là "lãnh đạo" khi nước Mỹ bắt buộc phải hợp tác vì không đủ sức để hành động một mình?

    Đây là quan điểm của một chính khách lớn, đồng thời cũng là một tác giả lớn, Z. Brzezinski: Hoa Kỳ phải "gợi ý đề ra những thái độ mà không phải là mệnh lệnh. Lãnh đạo này phải soi sáng một cách hợp lý ý nghĩa của quá khứ và hướng đi cho hiện tại; phải giúp để hiểu những tiến triển có tính quyết định thực sự của thế kỷ 21 này, lợi ích gì mà ta có thể rút ra từ đó, đe dọa gì mà thế giới đang gánh chịu.

    Lãnh đạo như thế của nước Mỹ có chức năng xúc tác, xúc tiến, làm quy tụ, làm thay đổi. Không phải quy tụ đàng sau những sáng kiến do Hoa Kỳ quyết định mà là để định nghĩa những mục tiêu mà cộng đồng thế giới sẵn sàng cùng nhau theo đuổi. Một lãnh đạo như vậy là cần thiết"(6).

    Nói như một nhân vật chính trị khác, đồng thời cũng là một tác giả lớn, lại là khách của nước ta đầu năm nay, Joseph Nye, "Hoa Kỳ phải động viên những thế liên kết quốc tế để đối phó với những đe dọa chung, thách thức chung. Như là nước lớn nhất, lãnh đạo của Mỹ vẫn còn là cốt tủy.

    Vấn đề của nước Mỹ sau khủng hoảng kinh tế này không phải là vấn đề của suy tàn, mà là ý thức rằng ngay cả nước lớn nhất cũng không thể thực hiện mục tiêu của mình mà không cần đến sự giúp đỡ của những kẻ khác"(7) .

    Câu nói đó liên quan tha thiết đến vận mệnh của nước ta. Ta không nhận một nước Mỹ đế quốc. Nhưng ta cần một nước Mỹ lãnh đạo trong định nghĩa vừa nói. Tại sao? Tại vì trong định nghĩa đó, nước Mỹ cũng cần ta. Hai bên cần nhau. Làm cho nhau hiểu sự cần thiết của nhau, đó là nền tảng của một nền an ninh mới, không những của Mỹ và của ta, mà của cả khu vực trong đó ta sống.

    Cao huy Thuần

    (1) Xem Fareed Zakaria, How America can survive the rise of the rest, Foreign Affairs, May-June 2008, vol. 87, n°3.
    (2) Z. Brzezinski and B. Scowcroft, L'Amérique face au monde, Pearson, 2008, tr. 21.
    (3) Robert Kagan, End of Dreams, Return of History, Policy Review, August-September 2007.
    (4) Bốn trong năm nguyên nhân được nói trong Pierre Hassner, Hyperpuissance américaine: la fin des illusions, Alternatives Internationales, décembre 2008.
    (5) Zakaria, xem chú thích 1.
    (6) Brzezinski and Scowcroft, xem chú thích 2, tr.44-45.
    (7) Joseph Nye, American Power after the Financial Crisis, http://www.foresightproject.net/publications/articles/article.asp?p...


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X