Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Tấn Công Mục Tiêu Diện Địa

Collapse
X

Tấn Công Mục Tiêu Diện Địa

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Tấn Công Mục Tiêu Diện Địa

    Tấn công mục tiêu diện địa

    Tarin65


    Bảo đảm ưu thế trên không là cấm đoán không lực địch tấn công lực lượng ta, dù đó là lực lượng đang hành quân trên không, trên biển hay trên bộ. Phi cơ có khả năng đảm trách nhiệm vụ đó từ lâu đã là phi cơ khu trục. Mỹ gọi là “fighter”, chuyên đánh nhào phi cơ địch.

    Nhưng cũng từ lâu, trong Thế Chiến I người ta đã ngồi trên phi cơ chọi lựu đạn xuống quân địch dưới đất. Trong Thế Chiến II, khu trục cơ cũng đã mang bom, hỏa tiễn, bắn súng trên vùng địch để tiêu diệt tiềm năng chiến đấu của địch một cách bất ngờ và hiệu quả, ít tốn kém, nhất là khi cần đánh các mục tiêu di động như tàu bè, như xe lửa, như các đoàn quân xa chở vũ khí đạn dược, hay chuyển quân, và nhất là các phi cơ khu trục địch đang nằm ngủ ở các sân bay một cách bất ngờ. Các oanh tạc cơ cũng đã ném bom trải thảm trên các vùng kỹ nghệ của địch, các nơi tập trung quân, và cũng đã dùng phương pháp tấn công bằng thả bom với đà bay gần như chúi để tăng độ chính xác.

    Trên biển, trận chiến giữa các hạm đội luôn có mặt các loại phi cơ, phần lớn là khu trục cơ, mỗi chiếc mang một quả bom dưới bụng để tấn công các chiến hạm, dù đó là thủy lôi, hay là bom nổ thường, hay là hỏa tiễn.

    Tất cả khu trục cơ thời đó (trước 1960) đều được gọi là Fighter với chữ F. Sau Thế Chiến II, và dùng trong Chiến Tranh Cao Ly, lần đầu ta thấy sự có mặt của chiếc AD-1 Skyraider, rồi sau đó có tới AD-7. D là chữ ghi nơi sản xuất, đó là hãng Douglas. Còn A là Attack, có nghĩa là phi cơ dùng để tấn công các mục tiêu diện địa. Con số sau hai chữ AD là serie hay đợt sản xuất nào, vì mỗi đợt sản xuất đều có biến đổi quan trọng. Trong Chiến Tranh tại Việt Nam thì AD- là Attack Douglas được đổi thành A-1, là một chiếc khu trục cơ chuyên tấn công các mục tiêu diện đia, trên biển hay trên bộ, nhưng sử dụng hữu hiệu nhất là yểm trợ tiếp cận mà người Mỹ thường gọi là “Close Air Support”. A-1 là ký hiệu cho chiếc Skyraider. Các đợt sản xuất đổi lại nằm theo chữ ở sau A-1, ví dụ A-1H là loại có một chỗ ngồi lái, A-1E là loại tuần hành nên có hai chỗ cho người lái và hai chỗ cho chuyên viên điện tử ngồi phía sau. Trên các chiếc A-1E trong đợt di tản vào ngày 30 tháng Tư năm 1975 có thể chở lên tới 10 người, vì sức nâng của chiếc này khi trang bị thủy lôi có thể lên 3 quả 3,000 lbs.


    Sau Thế Chiến II, các khu trục cơ đều được trang bị động cơ phản lực. Quan niệm hành quân lúc đó phân biệt loại khu trục cơ dùng cho không chiến và khu trục cơ dùng để đánh các mục tiêu diện địa. Đối với vấn đề này, hải quân và không quân các nước đều có quan niệm riêng khác biệt nhau.

    Không quân thì quan niệm rằng, phi cơ có khả năng không chiến không thôi sẽ đảm trách nhiệm vụ phòng không lãnh thổ, nghĩa là bảo vệ không phận của đất nước họ, cấm đoán mọi sự tấn công từ ngoài vào bằng phương tiện hàng không. Tổ chức chuyên biệt về chỉ huy phòng không các nước được chia thành nhiều vùng phòng không (1). Mỗi vùng có một số radar để làm mắt quan sát tình hình không phận (2), biết được đâu là địch, đâu là bạn, đâu là phi cơ dân sự, đâu là kẻ gian len lỏi vào để gây nguy hại đến đất nước họ. Ở Mỹ, ta có Bộ Chỉ Huy Phòng Không (3), Bộ Chỉ Huy Phòng Không Nội Địa (4), Bộ Chỉ Huy Phòng Không Bắc Mỹ (5). Thuở đó, nội địa Mỹ được chia thành 5 vùng phòng không. Trong mỗi vùng có một số căn cứ ứng trực với các loại phi cơ chuyên biệt, đó là F-102 Delta Dagger, và sau nó là chiếc F-106 Delta Dart. Các loại này thuộc quyền sử dụng của các Trung Tâm Phòng Không Vùng trên lãnh thổ Hoa Kỳ và họ có hệ thống điều khiển điện tử trực tiếp từ các Trung Tâm Phòng Không đến phi cơ đang bay. Đó là hệ thống SAGE (6).

    Còn phòng không trên biển của các hạm đội thì sử dụng phi cơ riêng biệt của Hải Quân. Dường như đó là chiếc F-8U Crusader. Trên chiến trường Việt Nam, F-8U đã bảo vệ các phi cơ tấn công Bắc Việt.

    Các khu trục cơ dùng trong tổ chức Bộ Chỉ Huy Chiến Thuật (7) thì có khả năng tấn công mục tiêu diện địa đồng thời cũng có khả năng quần thảo với phi cơ địch khi phi cơ phòng không của địch cất cánh nghênh cản (8). Người ta không phân biệt giữa fighter và attack khi phi cơ chở bom ngoài bụng, gắn trên các dàn phóng hổn hợp, như chiếc F-4 Phantom II chẳng hạn. Khi một khu trục cơ có khả năng mang bom trong bụng thì được gọi là fighter-bomber, và có ký hiệu FB-... như chiếc FB-111. Các phi cơ khu trục đa dụng (9) có khả năng mang bom đạn ở dàn phóng ngoài thân phi cơ, và cũng có khả năng dùng để nghênh chiến với phi cơ địch trên chiến trường thì có ký hiệu là FA- như chiếc FA-18 Hornet, do các hãng McDonnell Douglas và Northrop hợp tác chế tạo. Còn phi cơ chỉ có khả năng đánh các mục tiêu dưới đất mà thôi thì được gọi là Attack Aircraft, và có ký hiệu A-... như các chiếc A-1 Skyraider, A-4 Skyhawk, A-6 Intruder, A-10 Thunderbolt II và A-37 mà KQVN đã sử dụng.

    Tóm lại, các loại phi cơ có khả năng tiêu diệt các mục tiêu diện địa gồm có:

    -Oanh tạc cơ nặng hay nhẹ với ký hiệu B- như B-1 Lancer hay B-57 Canberra.
    -Các vận tải võ trang như AC-130, AC-119, AC-47.
    -Khu trục cơ có khả năng mang bom trong bụng ký hiệu FB-...
    -Khu trục cơ loại mang bom ngoài cánh với ký hiệu FA-...
    -Phi cơ yểm trợ hỏa lực với ký hiệu A-...

    Ngoài ra còn có trực thăng võ trang, rất được trọng dụng trong Lục Quân và Thuỷ Quân Lục Chiến.

    Trong bài này, chúng tôi chỉ chú trọng đến các loại khu trục cơ mà thôi. Tuy sự tham chiến của các loại kia không thể phủ nhận, nhưng đồng thời cũng đã ghi nhận kết quả không đáng kể, và có thể chỉ thích hợp trong khuôn khổ chiến tranh không qui ước.


    Quan niệm hành quân

    Yểm trợ tiếp cận
    (10)

    Trên không phận hành quân phải có ưu thế không phận gần như tuyệt đối. Có nghĩa là phi cơ đảm trách yểm trợ tiếp cận hoàn toàn không có khả năng đánh trả nếu có phi cơ địch đến quấy phá. Vì thế, tốt nhất là có đầy đủ an toàn không phận. Bằng không thì cũng thường xuyên được phi cơ bạn bảo vệ (11) khi hành quân trên vùng tiền tuyến, nghĩa là trên vùng gần bom tuyến (12).

    Phi cơ loại A- thường được sử dụng. Nhu cầu đòi hỏi phi cơ mang được nhiều bom đạn, bay lâu trên chiến trường (13), có đầy đủ giáp sắt để chịu đựng bền bỉ nếu bị dưới đất bắn lên bằng súng đại liên hay là súng cộng đồng của bộ binh địch, hoặc súng từ các chiến xa địch. Trái lại, phải bảo đảm có ưu thế không phận tuyệt đối, giống như trực thăng vậy. Dù đôi khi được trang bị hỏa tiễn không/không, nhưng chỉ để tự vệ, chứ phi cơ loại A- không có khả năng giao chiến với phi cơ loại F- được. Vũ khí đạn dược thích hợp mang theo chủ yếu là để tấn công các mục tiêu địch trong vùng phụ cận mà quân bạn dưới đất không đủ khả năng tiêu diệt, hoặc giả dùng khu trục cơ để khai thông đường tiến của bộ binh và các lực lượng hành quân bộ khác để tăng tốc độ tiến quân một cách hữu hiệu và an toàn.

    Muốn cho sự yểm trợ tiếp cận có hiệu quả và an toàn, một hệ thống liên lạc và điều không của không lực (14) có mặt thường xuyên trên vùng, am tường nhu cầu của lực lượng diện địa về phi pháo, đồng thời là cơ quan điều hợp phi pháo để cuộc yểm trợ hỏa lực đạt kết quả tốt. Các sĩ quan liên lạc không quân nằm cạnh đơn vị bộ binh, nhận trực tiếp các đơn xin không trợ và soạn thảo yêu cầu không trợ phù hợp với chiến trường, gửi các đơn xin không trợ từ cấp thấp lên cấp cao, ghi rõ mục tiêu cần phải tiêu diệt và dùng loại bom đạn nào mới thích hợp, cập nhật tình hình chiến sự từng giờ từng phút, để khi đơn xin không trợ được thoả mãn, thì sĩ quan điều không tiền tuyến hướng dẫn trực tiếp phi cơ không yểm để thanh toán mục tiêu, gồm những chi tiết về tình hình bạn địch, về hướng và sức mạnh của gió trên vùng, về hướng tấn công thích hợp cho hiệu quả và an toàn cho quân bạn. Trên vùng hành quân, sĩ quan điều không tiền tuyến là người lái phi cơ nhỏ để chỉ điểm cho khu trục cơ, hoặc bằng lựu đạn khói màu như trước kia quân đội Pháp đã dùng, hoặc bằng hỏa tiễn khói màu sau này. Nhưng khi không phận có phần nguy hiễm để cho các loại trực thăng hay phi cơ quan sát thì có thể dùng một loại khu trục cơ nào có khả năng đánh dấu mục tiêu một cách chính xác và an toàn, tức nhiên không dùng khu trục cơ loại F- mà chỉ nên dùng loại A- hay tốt hơn hết là loại FA-.

    Khi sự yểm trợ tiếp cận quá cần thiết mà thiếu hẳn sĩ quan điều không tiền tuyến thì bộ binh có thể dùng sĩ quan hướng dẫn không yểm (15), là sĩ quan ở mũi dùi của lực lượng diện địa thấy rõ bên nay là bạn và bên kia là địch. Trong trường hợp này, sĩ quan hướng dẫn không yểm phải đặt một số bản ký hiệu có thể nhìn rõ từ trên không, cho biết hướng tiến của quân bạn. Nhờ thế, phi cơ không yểm sẽ ý thức được khoảng cách an toàn để dùng các loại vũ khí bom đạn mang theo.

    Tuy vẫn có thể yểm trợ được bằng người điều khiển từ dưới đất, nhưng dùng người quan sát hướng dẫn từ trên không vẫn là rõ ràng và an toàn hơn cả. Điều quan trọng nhất khi hướng dẫn từ dưới đất là phải xác định vị trí bạn thật kỹ lưỡng. Có nhiều vị tiểu đoàn trưởng đánh dấu vị trí của mình và hướng dẫn tấn công khoảng 1000 mét về phía bắc của khói màu, trong khi có một đại đội của mình đang đóng quân ở hướng đó xa chổ đánh dấu trái khói hơn 500 mét thì sẽ rất nguy hiểm cho đại đội đó. Trường hợp lầm lỗi này đã xảy ra và đã đưa tới hội đồng xét xử để qui trách lỗi về đơn vị xin không trợ hay đơn vị cung cấp không trợ.

    Xin mở ngoặc cho việc hướng dẫn khu trục cơ hữu hiệu gồm các yếu tố sau đây:

    -Tuyệt đối bảo mật truyền tin, và chắc chắn tần số liên lạc và các giới chức đang liên lạc trên vùng là chính xác. Một khi địch đưa người nằm vùng trong hệ thống điều kiễm chiến thuật rồi bảo rằng, “vì cánh quân cần không yểm không còn liện lạc được, nên tạm liên lạc với đơn vị cận kề để yểm trợ theo danh hiệu và tần số sau đây....” Chỉ cần một mánh khóe nhỏ nhen đó mà chúng ta đã dùng lực lượng của mình để yểm trợ đắc lực cho địch mà không biết.

    -Sĩ quan điều không tiền tuyến khi đánh dấu mục tiêu, phải đoan chắc là khu trục cơ đã sẵn sàng trên vùng để tấn công lập tức sau khi mục tiêu đã đánh dấu. Thường thì sau khi đánh dấu mục tiêu, vì sự cận kề quân địch nên phi cơ quan sát cũng dễ bị bắn hạ bằng súng nhỏ, nên phải điều chỉnh lập tức là nơi đánh dấu cách xa mục tiêu bao nhiêu và về hướng nào. Nói khác đi, đánh dấu trúng hay sai không quan trọng, mà phải điều chỉnh nhanh chóng.

    -Phi cơ khu trục phải tấn công mục tiêu trễ nhất là 30 giây sau khi đã đánh dấu và điều chỉnh, vì nếu để lâu thì địch có thể di rời khỏi vùng và cũng có thể gây khó khăn cho quân bạn. Khoảng cách an toàn để sử dụng bom đạn hay hỏa tiển là điều mà sĩ quan điều không tiền tuyến và phi công khu trục đều phải nắm vững.

    -Một điều khác nữa mà chúng ta cần thận trọng, đó là bom đạn không rơi đúng theo ý muốn vì kỹ thuật mà chúng ta thường biết dưới tên là “hang bomb” (16), nghĩa là khi thả, móc của dàn phóng mở miệng để trái bom rơi xuống vì trọng lượng của nó và cũng nhờ ly tâm nếu có, nhưng bom chưa rời dàn phóng thì móc khép lại nên bom chưa rớt kịp. Đến khi bạn kéo lên sau khi thả làm ly tâm kéo bom tuột xuống, chừng đó nó rớt vào vùng mà có thể là vùng bạn, vì ai cũng muốn giải tỏa cú đánh của mình về hướng bạn để rủi có bị bắn rớt thì còn có bạn dưới đất giúp đỡ còn hơn là rớt trên vùng địch.

    Một thế tấn công đúng trục phải được luyện tập thường xuyên để rút ngắn khoảng cách thời gian từ khi đánh dấu mục tiêu tới khi bom đạn tiêu hủy mục tiêu. Khi phi cơ quan sát vào trục đánh dấu thì khu trục cơ đã sẵn sàng trong thế đánh, là thế ngốc mũi cao, các nút vũ khí đều sẵn sàng, và loại bom đạn sử dụng cũng biết rõ. Khi mục tiêu được đánh dấu rồi và điều chỉnh thì trong vòng 30 giây, thời gian đủ để cho quan sát cơ rời vùng an toàn, bom đạn phải nổ trên mục tiêu. Nhất là phi cơ phản lực có tốc độ bay nhanh, nếu phải làm một vòng quẹo 90 độ mà vừa quẹo vừa chúi, vừa mất thêm cao độ uổn phí, cần dùng cho sự nhắm bắn và càng cần để bảo vệ an toàn khi giải tỏa, và tránh được vì nhắm quá lâu mà cày luôn xuống đất (17).

    -Mỗi loại bom đạn đều có cao độ giải tỏa thích hợp mà mọi người phải tôn trọng, giống như khoảng cách gần hay xa quân bạn cũng vậy, bom loại càng to thì phải thả càng xa. Có một số loại bom không nên dùng để yểm trợ tiếp cận, như loại có chất phosphore, vì chất này nằm lâu không tan trên vùng, dính trên lá cây, mà chỉ cần quân bạn tiến lên dính trúng là bị lỡ loét lập tức. Hồi đầu chiến tranh tại Việt Nam, đã có một số bom phosphore tồn đọng từ sau thế chiến, chỉ được dùng trong các phi vụ đánh sâu vào chiến khu địch. Nhiều loại bom đạn không được dùng gắn cùng trên một phi cơ, như bom napalm là bom xăng đặc thì thả ở cao độ thấp 50 bộ, mà gắn chung với bom nổ thì có thể bị thả lầm trong thế đánh napalm. Các bom dùng hỏa pháo nổ chậm (18) không thể dùng trên vùng có quân bạn.

    -Các loại trái sáng dùng trong yểm trợ tiếp cận có thể giúp cho khu trục cơ tránh được các loại SAM ở cao độ thấp, đồng thời cũng giúp cho khu trục cơ tự soi sáng trên vùng hành quân khi thiếu sự có mặt của phi cơ thả trái sáng. Trong trường hợp này, nên thả trái sáng gần vùng địch và thả ở cao độ từ 300 bộ trở xuống, giống như đánh dấu mục tiêu dưới đất, như vậy sẽ làm cho quân địch bị chói mắt, mà ta có thể quan sát rõ hành động của địch khi bị ta tấn công.


    Lạm bàn về Yểm trợ tiếp cận ở chiến trường Việt Nam

    Sử dụng oanh tạc cơ để yểm trợ tiếp cận có được không? Chắc các bạn không tin, nhưng đã có dùng oanh tạc cơ, vĩ đại nhất là trong cuộc hành quân nổi tiếng là Lam Sơn 719.

    B-52 là loại oanh tạc cơ hạng không nhẹ và thả bom từ cao độ cao. Và vì là oanh tạc cơ, nó đi từng đoàn theo đội hình giống như đội hình hành quân của khu trục cơ Việt Nam vậy. Chiếc dẫn đầu có thể thả một tràng bom trúng ngay trên vùng địch nên được khuyến khích thả tiếp. Chiếc kế đó không biết thả cách nào mà xa ra, nhưng cũng còn trúng trên vùng địch. Nhưng chiếc kế tiếp nữa thì lại thả ngay trên vị trí bạn hoàn toàn, tránh sao ai có cách nào rời vùng thì anh dũng rời vùng, nếu không chết vì VC thì cũng chết vì B-52. Đó là theo lời kể lại của những chiến sĩ ưu tú của quân ta mà đã phải bị đưa lên báo là sợ chết nên đã ôm càng trực thăng mà chạy.


    Khi nào sử dụng khu trục cơ loại A-, và khi nào sử dụng trực thăng võ trang để yểm trợ tiếp cận

    Lục Quân và Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ muốn có phương tiện phi pháo để yểm trợ tiếp cận là những đơn vị cơ hữu (19). Nhưng phải công nhận là khi cần đến một hỏa lực dồi dào hơn hay thích hợp hơn để tiêu diệt thiết giáp xa của địch, các tàu hỏa và tàu thủy tiến vào vùng bạn đang chiếm đống, hay tiêu huỷ các công sự kiên cố như lô-cốt chẳng hạn thì vũ khí của trực thăng võ trang chưa đủ thanh toán các mục tiêu tương tự.

    Kế đó, một phi cơ loại A- thường có giáp sắt che chở tốt hơn bất cứ loại trực thăng nào, và ít bị thiệt hại khi bị hỏa lực địch từ dưới bắn lên. Nếu vũ khí là SAM thì các phi cơ loại A- bây giờ đều được trang bị trái sáng để đánh lạc hướng các hỏa tiển SAM hồng ngoại tuyến. Vì vậy, tuy rằng ngân sách cần dành để phát triển các loại khu trục loại FA-20 hơn là loại A, nhưng A-10 sẽ tiếp tục tồn tại một thời gian nữa, ít nhất cho đến năm 2028. A-10 sẽ được cải tiến có thêm phương tiện điện tử dồi dào hơn để thích nghi với nhiệm vụ của nó, chủ yếu là yểm trợ tiếp cận. Tóm lại, A-10 và trực thăng võ trang cơ hữu của lực lượng diện địa sẽ là phương tiện yểm trợ tiếp cận cho quân bạn từ đây cho đến 2028.


    Đánh sâu vào vùng địch

    Đánh trước làm cha là “quan niệm hành quân” của Trung Cộng bây giờ. Họ nghĩ rằng nếu có thể được thì phải tiêu huỷ địch khi phi cơ còn nằm dưới đất, vì một khi để cho phi cơ đối phương có đủ thời gian lên không thì sự giao chiến khó minh định ai thắng ai thua.

    Nhớ lại “cuộc chiến sáu ngày” (21) của Do Thái hồi năm 1967, Do Thái đã làm tê liệt không lực Ai Cập, Liban và Syrie chỉ trong vòng 6 ngày. Họ có thể tung lực lượng nhanh chóng và cùng khắp, đến độ yếu tố bất ngờ và yếu tố tập trung lực lượng làm đối phương không hề kịp trở tay. Chiếc oanh tạc cơ hạng nhẹ Vautour mua từ Pháp đã xoay vòng (22) chỉ mất 30 phút để cất cánh lại liền sau khi đáp.

    Nếu chúng ta có thể tổ chức tấn công sâu vào đất địch thì chúng ta có thể cấm đoán địch tấn công ta, cấm đoán địch chuyển quân đến đánh ta. Cấm đoán địch làm điều đó có tên là Interdiction.


    Tổ chức tấn công Bắc Việt là một hình thức bảo vệ cho quân Mỹ đã đổ bộ ở miền Nam.

    Trong chiến tranh tại Việt Nam, mỗi khi tấn công Bắc Việt thì luôn luôn Mỹ tổ chức tiền kích hệ thống radar để gây tối một vùng quan trọng, từ vùng đó có thể tiến quân an toàn. Các đơn vị chuyên biệt được chỉ định trước một số mục tiêu như các radar điền khuyết (23), các radar của hệ thống SAM-2... Các loại phi cơ này phải bay thật thấp để tránh radar đối phương, phải dùng hỏa tiễn điều khiển từ xa để khỏi phải bay trên đầu mục tiêu. Hồi đó, họ chỉ dùng F-100 Super Sabre hay là F-105 Thunderchief. Bay thấp thì cần có một loại động cơ như turbo-fan thì mới ít tốn nhiên liệu mà lại bay rất êm, như sau này đã dùng trên FA-18 Hornet. Bộ phận radar không hành cao độ thấp của họ mới cho phép họ bay theo con đường quy định trước mà không cần phải thấy đàng trước của mình, và có thể bay trong thời tiết xấu. Những yêu cầu kỹ thuật đó bây giờ đều được giải quyết khi bay trên F-35 Lightning II.

    Chiến thuật tấn công dùng bom nguyên tử thường được nghiên cứu sử dụng là hình nhào lộn Immelmann do một hoa tiêu trứ danh Max Immelmann người Đức của thời kỳ Thế Chiến I. Khi tiến gần tới mục tiêu sát mặt đất với tốc độ cao đủ để làm một immelmann thì kéo lên và bắt đầu thả bom khi chưa tới thẳng đứng. Như vậy, theo chiều ly tâm, bom sẽ bay lên về phía trước rồi từ từ rớt xuống theo một đường cung và rớt trên mục tiêu, không cần chính xác lắm vì sức tàn phá của bom nguyên tử rất lớn. Trong khi đó thì phi cơ đã rời vùng khá xa trước khi bom nổ, và bom có thể được mang dù để rớt xuống chậm hơn..


    Tấn công theo hình immelmann

    Tất cả mọi cuộc tấn công đòi hỏi đến yếu tố chính xác đều được giao phó cho phi cơ khu trục.

    Phi cơ khu trục loại FA- sẽ được dùng trên đất địch. Phi cơ hộ tống sẽ là phi cơ cùng loại cùng đơn vị nhưng trang bị toàn các loại hỏa tiển AIM- và súng đại bác, sẵn sàng bắn trả mọi phi cơ địch lên nghênh cản.


    Thế đánh “dive bomb” giúp xuyên qua rào lửa nhanh chóng

    Chiến thuật áp dụng trên vùng địch khi oanh kích là từ trên cao bổ xuống theo cách đánh “dive bomb” là an toàn hơn cả. Phần đông các phi cơ bị bắn hạ là do đại bác phòng không, được biết dưới ký hiệu AAA24. Rồi mới kể đến SAM, và sau cùng mới bị phi cơ địch. Vì vậy, biết cách đánh và giải tỏa giúp ta tránh được thiệt hại do súng phòng không.

    Tại những yếu điểm, nghĩa là những mục tiêu quan trọng mà ta phải thanh toán, sự bố trí vòng trong bằng súng phòng không rất chặt chẽ. Các vị trí súng phối trí chung quanh yếu điểm, và khi bắn lên tạo thành một hàng rào lửa, ta có thể tưỡng tượng như một hình nón đội ngược, hình nón chúi đầu xuống và mở rộng lên trên. Khi chúng ta bổ nhào từ trên 10,000 bộ xuống để nhắm đánh mục tiêu thì tốc độ tăng dần trong đà chúi. Thường thì nên thả salvo tất cả bom một lần, và sau đó thì bắt đầu kéo tối đa G cho phép để giải tỏa. Cách giải tỏa tốt nhất là trở về thế bay bình phi với tốc độ thật nhanh ở cao độ thấp, và với tốc độ nhanh đó, ta bay xuyên qua hình nón của raò súng phòng không khá nhanh, càng nhanh chừng nào càng ít bị đạn bắn trúng chừng nấy. Hướng giải tỏa phải khác hướng đến thì sẽ tránh được phòng không trên đường về.

    Kinh nghiệm bay đêm cho thấy rằng, bất cứ một loại đạn nào từ dưới đất bắn lên cũng phải có tốc độ chậm lại vì sức hút trái đất. Ban ngày hay ban đêm, súng phòng không cần dùng đến đạn lửa (25) để chúng biết đạn đi về hướng nào mà điều chỉnh bắn chận đầu khi cần thiết. Nếu bạn quan sát kỷ một lằn đạn từ dưới bắn lên, bạn sẽ thấy bạn dư thì giờ để lách vì đạn bay chậm lại, còn bạn thì thay đổi gốc chúi nhanh chóng. Ngược lại, thủ một tổ súng phòng không thì “teo” lắm. Nhất là khi bạn kết hợp tấn công, một chiếc mang hỏa tiễn, một chiếc mang bom, thì xạ thủ nghe tiếng nổ hai lần của hỏa tiễn tức sẽ kinh hồn, vì tiếng nổ đầu là “sonic boom” như thiên lôi, còn tiếng nổ sau mới thật sự chết người vì nó đào bới công sự phòng thủ của chúng, muốn yên lòng cũng khó. Bao nhiêu lợi điểm nằm về phía ta, phía của khu trục cơ tấn công.

    Không ai có thể đúng hoàn toàn trong quan niệm đánh nhau. Phải nói là rất may mà chúng ta còn sống để viết cho nhau những dòng chữ này. Chúc các bạn luôn vui mạnh.

    23 May, 2012
    Tarin65
    (Quán Gió Ngàn Mây)


    Chú thích:

    1) Air Defense Zone
    2) Surveillance radar
    3) ADC hay là Air Defense Command
    4) Continental Air Command
    5) NORAD hay là North American Aerospace Command
    6) Semi-automatic Ground Environment System
    7) Tactical Air Command
    8) Intercept
    9) Versatile hay là multirole fighter
    10) Close Air Support hay CAS
    11) Hộ tống hoặc bao vùng
    12) Bom tuyến hay là front line, là đường chia cắt rõ rệt trên chiến trường, bên này là bạn, bên kia là địch
    13) loiter time
    14) Hệ thống ALO-FAC hay là Air liaison officer và Forward air controller, hệ thống này trực thuộc tổ chức gọi là TACS hay là Tactical Air Control System, mà người Việt chúng ta gọi là “Hệ thống điều kiểm chiến thuật”
    15) Forward Air Guide
    16) Bom không thả được, còn dính trên dàn phóng nhưng không an toàn khi đáp
    17) Target fixation
    18) time-delay fuse
    19) Organic
    20) Muốn nói đến chiếc F-35
    21) Guerre de six jours là tên đặt cho trận chiến này, vì nó chỉ kéo dài có 6 ngày mà đối thủ của Do Thái bị tiêu diệt trọn vẹn mà không kịp nhúc nhích chút nào
    22) turn around
    23) Gap filler
    24) Anti Aircraft Artillery
    25) traceuse



Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X