Thông báo

Collapse
No announcement yet.

NHỮNG KỶ NIỆM ĐẦU TIÊN Về Thủy Quân Lục Chiến

Collapse
X

NHỮNG KỶ NIỆM ĐẦU TIÊN Về Thủy Quân Lục Chiến

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • NHỮNG KỶ NIỆM ĐẦU TIÊN Về Thủy Quân Lục Chiến

    NHỮNG KỶ NIỆM ĐẦU TIÊN Về Thủy Quân Lục Chiến
    Y Sĩ Thiếu Tá Trương Minh Cường


    Cuối năm 1965, trong đêm dạ tiệc tốt nghiệp khóa Quân-Y12 Y Nha Dược Sĩ, chúng tôi ai nấy đều say sưa bàn tán việc chọn đơn vị. Về Bộ Binh thì tương đối ít vất vả, sau 2 năm có thể mở phòng mạch lai rai... Còn về các đơn vị Tổng Trừ Bị như Thủy Quân Lục Chiến, Nhẩy Dù, Biệt Động Quân thì “hào hùng”, với bộ quân phục tác chiến rằn ri rất ngầu, nhưng sẽ phải hành quân theo tiểu đoàn “mút mùa”, tha hồ “lội sình”, đụng trận, ngủ bờ ngủ bụi..., có khi ra đi quên ngày trở về... Tuy nhiên tôi vẫn từ lâu ôm giấc mộng hải hồ, muốn được đi khắp các vùng đất nước nên dẫu cho có gian khổ, hiểm nguy, tôi đã quyết định đầu quân Binh Chủng Mũ Xanh Thủy Quân Lục Chiến.

    Sau hai tuần nghỉ phép, tôi lái xe honda C50 lên Thủ Đức, trại Ngô Xuân Soạn, hậu cứ Tiểu Đoàn 3 để trình diện. Còn đang đứng bỡ ngỡ trước cổng trại thì một anh đồ rằn tới chào:

    - Thưa trung úy muốn kiếm ai ?

    - Tôi đáo nhậm đơn vị mới, Tiểu Đoàn 3, xin cho hỏi tôi sẽ gặp cấp chỉ huy ở đâu?

    Tôi đưa giấy tờ cho anh coi, anh chưa kịp hướng dẫn đường đi thì tôi thấy một quân nhân đứng tuổi dáng người đẫy đà tiến tới. Tôi không biết ông cấp bậc gì vì ở Thủy Quân Lục Chiến lon lá không giống bộ binh, chỉ thấy toàn là vạch thẳng và vạch cuốn cong như đợt sóng…

    Sau khi nghe anh lính báo cáo gì đó, vị này niềm nở chào và mời tôi vào văn phòng. Tôi được giới thiệu ông là Chuẩn Úy Tường, chỉ huy hậu cứ Tiểu Đoàn 3.

    Chuẩn Úy Tường trông có vẻ lớn tuổi, (tôi ước đoán phải sấp sỉ tuổi 50), tự giới thiệu ông ở trong quân ngũ từ thời quân đội Pháp được chuyển qua, từ thời Thiếu Tướng Lê Nguyên Khang còn là Đại Úy TĐT/TĐ3. Sự vui vẻ và niền nở của ông đã giúp tôi qua khỏi sự lúng túng bỡ ngỡ lúc ban đầu khi về đơn vị mới. Trong khi giải khát, ông giới thiệu với tôi sơ qua về Binh Chủng Thủy Quân Lục Chiến từ khi bắt đầu thành lập dưới thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm, và nay tư lệnh là Thiếu Tướng Lê Nguyên Khang. Ông cũng giới thiệu các vị sĩ quan bộ chỉ huy tiền nhiệm từ thời TQLC mới thành lập như các vị sĩ quan Phạm Văn Liễu, Nguyễn Bá Liên, Trần Văn Nhựt, Lê Như Hùng vv...(những vị này còn xa lạ nên tôi không nhớ hết). Tiểu Đoàn 3 TQLC hiện do Thiếu Tá Nguyễn Thế Lương là tiểu đoàn trưởng (năm 1965).

    Trong khi còn đang nói chuyện, thì một anh mang lên 2 bộ tác chiến rằn ri mới tinh giao cho tôi (không biết chuẩn úy Tường ra lệnh lúc nào). Ông nói :

    -Mấy hôm trước được thông báo có bác sĩ đáo nhậm đơn vị, tôi đã trình Tiểu Đoàn Trưởng, ông nói bác sĩ cứ nghỉ ở nhà sửa soạn, tuần sau tôi sẽ cho xe tới đón lên đơn vị.

    Trước khi chia tay, Chuẩn Úy Tường cho một anh dẫn tôi ra tiệm may ở Thủ Đức để sửa lại bộ tác chiến cho vừa, và cũng để may bảng tên cùng các phù hiệu của binh chủng và đơn vị. Ông cũng không quên cho tôi một đôi giầy «botte» mới tinh, tôi thử thấy vừa in. Tôi hỏi sao ông biết được số chân của tôi mà cho đôi giầy vừa in vậy? Ông cười đắc ý và khôi hài:

    - Nghề nghiệp mà, nhìn chân là biết số giầy rồi. Chỉ trừ trường hợp bàn chân sáu ngón.

    Một tuần trôi qua, hôm ấy 10 giờ sáng đã có anh lính đến nhà, trao cho tôi bộ rằn ri đã sửa, nói tôi thay đồ và mang theo quân trang cá nhân. Có xe đợi đưa lên đơn vị.

    Tôi mặc bộ chiến y mới tinh rằn ri xanh, đen, nâu lẫn lộn , mầu lá rừng, mầu đất. Tôi mang đôi giầy tác chiến cao cổ đen, cùng với bộ chiến y có kèm theo một phong bì lớn dầy cộm. Tôi mở ra xem thấy có một cặp lon trung úy quân y TQLC hai vạch kim tuyến bạc trên nền nhung đỏ xẫm. Có kèm theo lá thư của Chuẩn Úy Tường:

    _ “Bác sĩ ơi, cặp lon trung úy y sĩ này là do Thiếu Tá Lương tặng”.

    Đọc xong thư tôi lặng người cảm động. Tôi chưa biết mặt Thiếu Tá Lương, chưa bắt đầu chính thức sinh hoạt với binh chủng, với tiểu đoàn mà đã cảm thấy có niềm tin và nhiều cảm tình với đơn vị mới.

    Tôi đứng trước gương ngắm con người mới của tôi trong bộ tác chiến rằn ri, gắn đầy đủ phù hiệu binh chủng, đơn vị, bảng tên trên ngực, và hai cầu vai mang cặp lon kim tuyến bạc rất nổi, đội chiếc nón beret mầu xanh lá cây đậm, kéo xéo về bên trái, trên có gắn huy hiệu con ó bằng đồng ôm quả địa cầu có hình nước Việt Nam, trông thật “oai phong” !!!.

    Từ ngày nhập ngũ trường Quân Y tới nay tôi chưa bao giờ đưa thợ may sửa lại quân phục tác chiến. Phát sao mặc vậy, thường thì hơi rộng và hơi dài. Hôm nay lần đầu tiên mặc bộ tác chiến rằn ri đã được sửa gọn gàng, theo đúng ly tấc, ôm sát thân, nhìn vào gương tôi thấy mình gọn gàng và “đẹp hẳn”. Tôi cứ ngắm tôi hoài... Cảm giác hãnh diện và xúc động chạy ran khắp người.

    Tôi nhớ hồi mới tốt nghiệp mặt tôi còn non choẹt, trắng bóc, búng ra sữa, nên mấy thằng bạn thân gọi tôi là “bác sĩ babylac”. (Hồi đó cả nước Việt Nam chỉ có một trường Đại Học Y Khoa, và trong lớp tôi đại đa số ai cũng hơn tôi hai, ba tuổi, có vị hơn tám, chín tuổi. Còn “Babylac” là tên một hãng sữa bột cho trẻ em!). Cho nên tôi phải để bộ ria mép trông cho nó thêm phần già dặn và “chững chạc”. Nhưng hôm nay thì khác rồi. Tôi đã cạo nhẵn thín bộ ria, đầu tóc hớt cao cho đúng tác phong một quân nhân.

    Mẹ tôi cũng đang chăm chú ngắm nhìn tôi, đang lột xác và mới bắt đầu thật sự trưởng thành, tự túc bước vào đời. Từ nay tôi không còn được núp dưới bóng cả từ bi của Mẹ nữa.

    Chú lính mang hộ cái “sac marin” chất đầy quân trang cá nhân ra xe trước.

    Tôi ôm Mẹ chào tạm biệt. Mẹ không khóc, cầm tay tôi Mẹ dặn dò, giọng xúc động:

    -Con đi bình an. Ra trận mũi tên hòn đạn rất vô tình... thi phúc thi phận... Mẹ luôn cầu cho con được mọi tai qua nạn khỏi.

    Lần đầu tiên trong đời tôi cảm thấy một niềm xúc động khác thường, mãnh liệt, dâng trào khi tạm biệt Mẹ. Tôi biết kể từ nay tôi đã thật sự đi vào cuộc đời chiến binh trong thời loạn. Một lần tạm biệt có thể sẽ là lần vĩnh biệt.

    Chiếc xe Jeep đang chờ tôi bên đường. Vẫn theo thói quen như thời còn là sinh viên quân y, tôi tự động leo ra ghế sau ngồi. Anh tài xế vội can ngăn:

    - Xin bác sĩ ngồi ghế trước, vì trung úy là cấp chỉ huy, phải ngồi chỗ trưởng xa...

    ...”Cấp chỉ huy... trưởng xa”... trời ơi, nghe sao thấy xa lạ và lớn lao quá, ngỡ ngàng quá... tôi lúng túng cảm động, vụng về như lần đầu cầm tay người yêu...

    11 giờ hơn thì tới hậu cứ Tiểu Đoàn 3. Chuẩn Úy Tường đón tôi ngay trước văn phòng. Ông ngắm tôi nói đùa:

    -Bác sĩ mặc bộ đồ rằn này trông “oai phong” quá, thế này mà đi kiếm em gái hậu phương thì đắt hàng lắm đó...

    -Cụ ơi thân trai mười hai bến nước, bây giờ thời chinh chiến chưa dám đậu bến nào... (tôi thấy Chuẩn Úy Tường lớn tuổi nên tôi gọi bằng “cụ”, theo kiểu Bắc Kỳ vừa kính trọng, vừa thân mật, không khách sáo).

    Sau khi làm các thủ tục giấy tờ, mượn thêm quân trang, quân dụng, thì đã 1 giờ trưa. Chuẩn Úy Tường cho xe đưa tôi ra chợ Thủ Đức để ăn trưa. Anh tài xế đưa tôi tới quán “con gà quay” khang trang. Chúng tôi cùng thưởng thức “gà quay” với nem Thủ Đức. Anh tài xế nói:

    -Vì bác sĩ sắp ra hành quân nên em không dám đưa đi nhậu món “cờ tây”, sợ xui. Ở đây có quán “Tam Hà” nổi tiếng lắm... (cờ tây là cầy tơ, là chó vừa lớn lên, thịt mềm, thơm và ngọt.., ăn với lá mơ, lai rai với rượu nếp cẩm thì tuyệt cú mèo, đặc biệt là món rựa mận và món chả chìa cháy cạnh ướp riềng mẻ thơm phức...)

    Nghe hai tiếng “hành quân” bất giác tôi vừa cảm thấy nao nức, vì sắp được dấn thân vào khung trời mới, sẽ được giang hồ khắp bốn vùng chiến thuật, sẽ được hưởng những cảm giác mạnh và mới lạ, nhưng cũng vừa lo ngại, vì chợt nghĩ đến câu thơ “lấy chồng chiến binh, mấy người đi trở lại...”

    Ăn trưa xong, anh tài xế đưa tôi đi một vòng giới thiệu tỉnh Thủ Đức, với quán ăn có hồ bơi Ngọc Thủy, mấy quán nem chua nổi tiếng trong chợ, và hẹn ngày về phép sẽ cùng nhau ăn nhậu, để “trả thù đời”...

    Khoảng 3 giờ chiều tôi trở về trại, lên phòng chỉ huy thì Chuẩn Uy Tường giới thiệu với tôi Trung Sĩ Nhất Quốc, hiện là y tá trưởng hậu cứ. Anh Quốc đưa tôi xuống bệnh xá hậu cứ, trình bầy tổng quát về quân y của tiểu đoàn, nhân sự và tài sản, và sau đó dẫn tôi vào một căn phòng nhỏ có kê sẵn một giường gấp nhà binh phủ nệm trắng tinh để tôi nghỉ đêm nay. Sáng mai sẽ ra hành quân.

    Cuộc đời giang hồ bắt đầu từ đây. Đêm ấy nằm một mình trong căn phòng lạnh lẽo, ánh đèn vàng ngoài sân hắt qua song cửa vào mờ ảo, tôi trằn trọc chưa ngủ được vì nghĩ đến ngày mai sẽ bắt đầu cuộc sống mới với một xã hội mới hoàn toàn xa lạ, từ nếp sống, nhân sự đến không gian, đến những hiểm nguy, và rồi cũng không biết ông tiểu đoàn trưởng này tính tình ra sao, có khó chịu lắm không? Chiều nay Trung Sĩ Quốc có nói với tôi rằng Thiếu Tá Lương Tiểu Đoàn Trưởng, tuy khó khăn ngoài mặt nhưng rất nhân từ và thương lính, ông chỉ huy rất giỏi, và đụng trận thì không sát quân... tôi cũng yên lòng để đi vào giấc ngủ đến tự lúc nào không hay, sáng hôm sau 5 giờ tôi được đánh thức và sửa soạn ra hành quân.

    -6giờ xe hồng thập tự chở tôi đi về vùng Vĩnh Lộc, thuộc vùng ngoại ô Saigòn

    -8 giờ sáng tôi tới điểm xuất phát hành quân. Trung Sĩ Sâm, y tá trưởng tiểu đoàn đến chào và đưa tôi đến trình diện tiểu đoàn trưởng. Thiếu Tá Lương, tiểu đoàn trưởng, dáng người tầm thước, hơi gầy ốm, nước da sạm nắng, trong bộ đồ rằn tác chiến đã bạc màu. Sau khi tôi chào trình diện (đúng thủ tục như đã được huấn luyện ở trường Quân Y), ông bắt tay tôi và nói:

    - Chào bác sĩ, hôm nay ông bắt đầu đời lính chiến bằng cuộc hành quân bảo vệ thủ đô. Y Tá Sâm rất giỏi, sẽ giúp ông làm quen với công việc của quân y tiểu đoàn. Ông sẽ đi theo đại đội chỉ huy do Trung Úy Bằng làm đại đội trưởng.

    Thiếu Tá Lương nói một mạch, nghiêm nghị, nét mặt tuy có tươi nhưng không cười. Ông nói xong thì Trung Úy Bằng đứng gần đấy lại nắm tay tôi chào mừng lính mới và kéo tôi lại giới thiệu với cố vấn Mỹ. Ông này cao nhòng, tôi đứng chưa đến vai ông ta, (nói khiêm tốn đấy, chứ thật ra thì chưa tới nách...), tôi đoán chừng cũng cao cỡ trên 2 mét. Trung Úy Bằng bảo tôi là ban đêm hành quân trời tối thì cứ nhìn xem bóng cái đầu nào cao nhất thì theo, chắc chắn là cố vấn Mỹ, khỏi sợ lạc... Tuy nhiên VC nó cũng khôn lắm, nó cứ nhắm cái đầu cao mà bắn sẻ, cho nên chỉ đi theo mà đừng đi gần quá, rủi gặp phải thằng bắn dở nó không bắn trúng cái đầu cao mà lại trúng cái đầu thấp thì tổ trác.!.. Nói xong anh nở nụ cười thoải mái, dễ cảm tình.

    Trung Sĩ Sâm cho trình diện toán y tá đi theo đại đội chỉ huy. Ts. Sâm gọi một anh dáng lớn con, cao nghều, (cỡ 1,80 mét), bắp thịt trông cứng cáp, lại gặp tôi và nói: “Đây là Hạ Sĩ Bay, y tá đại đội chỉ huy, nó khỏe mạnh, làm việc đàng hoàng cẩn thận, tin cẩn được, tôi chọn nó làm «cao bồi» cho bác sĩ... Tức thì Bay ưỡn ngục đứng nghiêm chào thật mạnh theo đúng phong cách quân trường, làm tôi chợt lúng túng vì hồi nào tới giờ chưa «được» ai
    chào với tác phong «lẫm liệt» như vậy. Tôi không hiểu «cao bồi» nghĩa là gì, nhưng cũng chào lại và bắt tay thân thiện.

    Biết tôi là “lính mới” chưa hiểu tiếng lóng nên TS. Sâm cắt nghĩa: “Trong nhà binh thì chúng tôi quen gọi người “cận vệ” đồng thời lo mọi sinh hoạt cho cấp trên, là “cao bồi”, hoặc “tà lọt”, có nghĩa là nó sẽ lo từ “A tới Dét" (Z) cho bác sĩ. Tôi đã giao tất cả quân trang cá nhân của bác sĩ cho nó rồi.

    Ngày đầu trình diện đơn vị cũng là ngày đầu lội sình, lội ruộng. Lội chừng một tiếng thì vào vùng hoang dã, chỉ có cây thấp và cỏ dại, sình lầy có khi ngang đầu gối, có khi lên tới bụng. Sình lầy vừa mầu nâu đậm lẫn mầu đen, vừa mùi hôi có khi nồng nặc do lá cây và sinh vật chết thối rữa. Và cứ thế lội hoài, lội hoài... hai chân “thư sinh” mỏi dời, nhiều khi mệt quá, không còn chỉ huy được cặp giò, bước không vững nữa, nhất là những đoạn sình ngập quá rốn. Những lúc đó Hạ Sĩ Bay phải sách nách tôi và kéo tới. Tôi càng thán phục và thương người lính tác chiến.
    Đang di chuyển chợt có tiếng đạn nổ ròn chát chúa từ phía xa bắn tới líu ríu trên đầu. Tất cả đều thụt người xuống và tìm chỗ để núp. Rồi có nhiều loạt đạn qua lại. Hạ Sĩ Bay kéo tôi núp sau mô đất có lùm cỏ cao. Lần đầu tiên trong đời đụng trận, tiếng đạn rít trên đầu, còn đang hốt hoảng và hoang mang, nên «ai đặt đâu thì núp đấy», ngoan ngoãn, không kén chọn...

    Sau chừng 10 phút thì im tiếng súng, nhưng tiếng máy truyền tin nghe rộn ràng, tôi chẳng hiểu gì cả vì toàn là tiếng ngụy trang. Trung Sĩ Sâm tới báo cáo cho biết vừa qua ta đụng một toán du kích. Quân ta vô sự. Địch bỏ lại một CKC và một AK 47, có nhiều vết máu trên đường tẩu thoát. Trung Sĩ Sâm nói đùa: Bác sĩ “mới mở hàng” đã có lời rồi đấy. (2 chiến lợi phẩm).

    Khoảng 2 giờ trưa có lệnh tạm dừng quân để ăn trưa. HS Bay đưa cho tôi một ngăn “gà men” cơm sấy và một túi muối mè rang xả ớt. Bây giờ bình tĩnh ngồi ăn cơm mới cảm thấy cần cổ mỏi nhừ vì đội nón sắt. Thời gian nghỉ chừng 15 phút, sau đó lại tiếp tục lội. Bây giờ cơ thể mới cảm thấy thấm đòn, hai chân muốn lết đi không nổi. Cái bi-đông nước đeo bên hông trở nên nặng chình chịch. Thấy tôi phờ phạc, Hạ Sĩ Bay đưa cho một cục đường Hiệp Hòa với một viên muối nhỏ và nói :

    - Thầy ngậm đi để lấy sức.

    Từ đó tới chiều tối mọi sự bình an, được lệnh “hạ trại” để nghỉ đêm. HS Bay căng chiếc băng ca cho tôi nghỉ. Đặt mình nằm xuống, người tôi toàn thân rã rời, tứ chi muốn cử động không nổi. Tôi nói với HS Bay:

    - Tôi mệt quá, tôi không muốn ăn gì cả, cứ để tôi ngủ lấy sức.

    Tôi vừa đặt mình xuống là ngủ ngon lành. Đang say sưa giấc nồng thì Trung sĩ Sâm tới đánh thức và nói thiếu tá tiểu đoàn trưởng mời tôi lên họp. Thật là tin sét đánh! Giờ này mệt muốn chết mà phải đi họp thì khổ quá! Nhưng lệnh trên đã truyền xuống thì tôi phải cấp tốc quân phục chỉnh tề để đi gặp “Đại Bàng”.

    Khi tôi tới lều họp thì chỉ thấy có tiểu đoàn trưởng và cố vấn Mỹ. Tôi giơ tay sắp chào thì thiếu tá Lương nhìn tôi cười rất tươi nói:

    -Tối rồi khỏi chào, hôm nay thử sức ra sao?

    -Thưa thiếu tá thì cũng thấy hồi hộp, thấy sợ, và mệt lử... Tôi tin là sẽ quen đi.

    Đây là lần đầu tiên tôi thấy Thiếu Tá Lương cười. Nụ cười rất tươi và thoải mái, khác hẳn với nét mặt nghiêm nghị, lạnh lùng sáng nay. Tôi tự hỏi không biết có phải là trong giờ hành quân thì có cấm cười không? Ông giới thiệu tôi với cố vấn Mỹ. Chúng tôi nói chuyện có vẻ “tâm đắc”, nói ít mà hiểu nhiều, vì ai cũng “yes” và gật đầu, riêng tôi thì vừa tọa đàm vừa múa hai tay để diễn tả tư tưởng cho trọn vẹn.

    Thiếu Tá Lương vui vẻ nói chuyện về đời lính, về kinh nghiệm hành quân, hỏi thăm tôi về gia đình, anh em vv... Thiếu Tá Lương giờ này khác hẳn Thiếu Tá Lương sáng nay. Đang chuyện trò thì «tà lọt» đã dọn song bữa ăn. TT Lương bảo tôi:

    -Ông ở đây ăn cơm với tôi và cố vấn. Chịu khó tẩm bổ lấy sức để mai còn đi tiếp.

    Bữa cơm đặc biệt có món thịt ba rọi kho mắm ruốc, ăn với rau sống, có nước trà sen pha đường. Thiếu Tá Lương có hai cái đặc biệt là thích thịt kho mắm và hút thuốc lào liên tục. Anh “tà lọt” nói với tôi: “Các cố vấn Mỹ ăn cơm với thiếu tá tiểu đoàn trưởng, ban đầu thì rất sợ mùi mắm ruốc, sau quen rồi hóa “ghiền”. Có ông cố vấn còn đi ăn thịt chó nũa. Bữa ăn tối hôm đó đơn giản nhưng cho tôi kỷ niệm đẹp về những giây phút đầu tiên.

    Những tháng sau đó theo tiểu đoàn hành quân tôi được làm quen với các sĩ quan khác như Đại Úy Châu Tiểu Đoàn Phó (biệt danh Châu Phước Hiệp) về sau Đại Úy Ngô Văn Định thay thế, Trung Úy Phạm Văn Sắt, Đại Úy Nguyễn Minh Châu, Trung Úy Lê Bá Bình, Trung Úy Hùng, Trung Úy Túc (sau này cả hai đều tử trận), Thiếu Úy Tường, vv... Những vị này người nào cũng vui vẻ và rất giỏi về quân sự. Đại Úy Nguyễn Minh Châu còn là một thi sĩ và nhạc sĩ nữa. Ông làm nhiều thơ và sáng tác nhạc.

    Cuối năm1966, sau khi rời TĐ3, tôi được bổ nhiệm làm Y Sĩ Trưởng Chiến Đoàn A theo Trung Tá Nguyễn Thành Yên, biệt danh “Ông Già Hự”. Trung Tá Yên nóng tính nhưng rất dễ thương, không trù ếm ai, tôi có dịp trò chuyện 2 lần khi hành quân ở vùng Bình Định, kỳ nào ông cũng rủ đi nhậu, ông còn nhắn nhủ tôi đừng có dính vào gái, coi chừng bị mỹ nhân kế của VC. Quả thật mấy tháng trước đã có 2 anh bị mấy em bán giải khát dụ vào nhà cách quốc lộ chừng 500 mét rồi mất tích.

    Sau khi rời Chiến Đoàn, tôi được chỉ định phụ tá Y Sĩ Trưởng bệnh viện Cửu Long, trong trại Cửu Long Thị Nghè. Cửu Long là tiền thân của bệnh viện Lê Hữu Sanh.

    Năm 1967, hết hạn 2 năm hành quân, tôi được phép thuyên chuyển về một đơn vị tĩnh tại Bộ Binh, như vậy tôi sẽ có nhiều thời gian để mở phòng mạch tư giúp ngân quỹ gia đình rộng rãi hơn, nhưng tôi đã quyết định vẫn ở lại với Binh Chủng TQLC như có một sợi dây tình cảm vô hình giữ chân tôi.

    Năm 1967 tôi được đi học khóa giải phẫu tại Tổng Y Viện Cộng Hòa, khi trở về Binh Chủng tôi được lệnh thay thế một bác sĩ bị thương (bs Trung), tôi lại có dịp trở về Tiểu Đoàn 3, bấy giờ Thiếu Tá Nguyễn Năng Bảo làm Tiểu Đoàn Trưởng. Thiếu Tá Bảo vui vẻ, đánh trận rất «chì», và cũng không sát quân.

    Tháng 10 năm 1970, sau khi tu nghiệp khóa giải phẫu tổng quát ở Hoa Kỳ về, tôi được thăng cấp và bổ nhiệm: Y Sĩ Thiếu Tá, Y Sĩ Trưởng Bệnh Viện Lê Hữu Sanh trong căn cứ Sóng Thần Thủ Đức.

    Tháng 5 năm 1975, những ngày đầu trong trại tù cải tạo tôi gặp lại hai vị chỉ huy cũ: Đại Tá Nguyễn Thế Lương và Đại Tá Nguyễn Năng Bảo cùng ở K1. Hai vị này dù trong cảnh tù đầy thiếu thốn nhưng vẫn giữ tư cách của kẻ sĩ.
    Nay tuy hai vị đã khuất bóng , nhưng “Người Lính Già không bao giờ chết”, những hình ảnh, tài năng và tấm gương đáng kính phục của hai vị Đại Tá Nguyễn Thế Lương và Nguyễn Năng Bảo vẫn còn sống với TQLC và với lịch sử.

    Lần đầu gặp lại, tôi mới vừa nói: “Thưa đại tá…”, thì cả hai vị đều ngăn lại, bảo tôi rằng bây giờ chúng mình là huynh đệ chi binh, đừng gọi đại tá nữa để tránh phiền hà. Chúng ta coi nhau là anh em một nhà. Tôi đứng thẳng tuân lệnh, và xin từ nay được gọi là hai vị đại ca. Hai ông cùng cười và đắc ý…

    Những kỷ niệm này tuy đơn sơ nhưng rất đậm tình chiến hữu, đã cho tôi 9 năm trời vui sống với binh chủng và cùng chia sẻ vinh và khổ...

    Tôi viết bài này để kính cẩn tưởng niệm những vị chỉ huy cùng các chiến hữu Thủy Quân Lục Chiến đã khuất bóng.
    Và sau đây tôi xin gửi quý chiến hữu mấy dòng tâm sự của người lính “già”:

    LỜI CUỐI

    KHI TÔI CHẾT ĐỪNG ĐEM RA BIỂN
    ĐỪNG PHỦ CỜ TRÊN CHIẾC ÁO QUAN.
    MẶC CHO TÔI CHINH Y TÁC CHIẾN,
    CHO TÔI VỀ LÒNG ĐẤT THIÊN NHIÊN
    NGÀY 01 THÁNG 10 NĂM 2013.

    Cựu Y Sĩ Th/Tá Trương Minh Cường.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X