Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Những Câu Chuyện Thường Nhật - Trần Phước

Collapse
X

Những Câu Chuyện Thường Nhật - Trần Phước

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Những Câu Chuyện Thường Nhật - Trần Phước

    <div align="center" >
    <div style="background-color: #F2F5A9; text-align: justify; padding:10px ; width:600px; height: 250px; border: 2px solid blue; ">
    Niên Trưởng Trần Phước, cựu Đại Tá Chỉ Huy Phó Trung Tâm Huấn Luyện KQ Nha Trang, là một cây bút quen thuộc của Không Quân với bút danh Mệ mà HQPD đã hân hạnh trích đăng nhiều bài trước đây (trong đó có những bài từ trang web Bạn Già Không Quân đã đóng cửa), đã gởi tặng HQPD một số bài viết về những đề tài thường nhật được gói gém chung trong mục "Những câu chuyện thường nhật" sau đây, xin hân hạnh giới thiệu cùng quý NT và các Bạn. Xin chân thành cám ơn NT Trần Phước.
    </div></div>

    CÂU CÁ
    Trần Phước


    Chắc trong chúng ta ai cũng biết câu cá, nhưng có thích câu cá hay không lại là một chuyện khác vì yếu tố nhẫn nại. Trẻ con năng động, thích chạy nhảy phá phách, như chơi trốn tìm, hay đá bóng, chứ không mấy đứa thích câu cá vì ngồi một chỗ bất động, có khi hằng giờ chưa thấy phao hay cần câu nhúc nhích.

    Thế nhưng hồi nhỏ tôi đã thích đi câu, hay nói một cách chính xác hơn là làm thế nào để bắt được cá. Tôi ở vùng quê, hồi nhỏ đi học phải băng qua cánh đồng ruộng lúa. Về mùa mưa, bắt đầu từ tháng Bảy ta, đợi khi có trận lụt đầu mùa, tôi thường theo mấy anh tôi mang chơm (nơm) ra đồng ruộng bắt cá, nhiều nhứt là loại cá gáy (chép), đi từng bầy dọc theo dòng nước chảy từ trên thượng nguồn về tới đồng bằng vì nước chảy mạnh. Nhưng khi tới các đồng ruộng, dòng nước bị phân tán và chảy chậm lại vì có đê đập để phân chia các lô ruộng và dẫn nước. Chúng tôi chỉ cần đợi ở một mô đất cao, chẳng hạn như một bờ đê vừa bị nước tràn lấp xấp; nước đến đó chảy chậm lại, bên nay bờ cũng như bên kia bờ, đàn cá cũng bắt buộc ngưng lại, có nhiều loại cá tìm cách lội ngược dòng nước, trong số này có cá gáy, tìm cách cằn hoặc lấy thế nhảy qua bờ, đó là nơi và lúc dễ bắt cá nhứt.. Khi bờ đê bị nước tràn ngập quá rồi, chúng tôi lại tìm chỗ khác.

    Đến mùa nắng, nước rút đi hết, nhưng còn một vài vũng nước đọng. Khi đi học về, học trò chúng tôi tụ tập tát nước để bắt cá, phần nhiều là cá rô, cá trê hay cá nhét. Các loại cá này mới có thể sống ở những vũng nước nhỏ này, rất nóng., bằng cách chui dưới bùn suốt mùa khô. Đám học trò chúng tôi nhiều đứa rất thích câu cá, nhưng hầu hết không đứa nào có khả năng mua sắm những dụng cụ, như chỉ cước và lưỡi câu, nên chúng tôi dùng chỉ gai xe nhỏ và dùng thép đồng (thép màu vàng và mềm) cắt uốn thành lưỡi câu. Còn cần câu thì kiếm đâu cũng dễ, vì nhà nào cũng có những bụi hóp (tre nhỏ) mọc quanh nhà. Chỉ cần lựa những cây thẳng thớm, đem phơi khô, rồi trau chuốt các mắt tre cho nhẵn nhụi, cần nhất là giữ mũi tre cho thon nhọn. Mồi câu cũng dễ kiếm, như tép thì dùng vợt hay rổ rá xúc dọc bờ sông hay hói (nhánh sông nhỏ, hay một sông đào), nếu xúc gặp tôm thì quí lắm, dùng để nấu ăn, it khi dùng để câu cá. Các loại mồi khác như trùn, đào đâu cũng có,cào cào thì bắt ở ruộng. Ngoài ra, còn có những mồi đặc biệt như bạc mày dùng để câu cá phát lát, giáng, để câu cá bông lau, nhái để câu cá tràu (cá quả hay cá lóc), hoặc cơm đâm nhuyễn để câu những loại cá nhỏ như cá cấn, cá sơn v.v…

    Với những dụng cụ câu thô sơ như vậy, chúng tôi thường rủ nhau đi câu vào dịp nghỉ hè hằng năm, phần nhiều chúng tôi thích đi câu ngoài đồng ruộng, dọc theo những lạch nước đào của nông dân, dùng để dẫn nước vào ruộng, vì khi nào cũng được nhiều cá, nhứt là loại cá rô, và hơn nữa, đây là dịp đi bách bộ thoải mái, không phải ngồi một chỗ như câu ở sông ngòi.

    Đến khi lớn lên vào khoảng 14, 15 tuổi, nhằm lúc Đệ II Thế Chiến, Nhật chiếm Đông Dương, các trường học ở Huế đóng cửa, các học sinh bắt buộc phải nghỉ học, là dịp rất tốt để tôi thực hiện sở thích đi câu của tôi. Ở Huế không ai lạ gì về thuyền nan bằng tre, nhọn hai đầu, chỉ bơi bởi một người bằng hai cái chằm nhỏ, dài bằng hai bàn tay. Nếu không phải là người sống ở đò thuyền, lần đầu bước lên thuyền con này, thế nào cũng bị lật chìm, nếu bơi thì thuyền sẽ quay vòng tròn. Nhưng tôi đã dùng thuyền này để đi câu một mình, sau một thời gian khổ nhọc tập điều khiển thuyền.

    Hôm nào đi câu, tôi phải dậy sớm từ 5 giờ sáng, mặc dầu đã chuẩn bị từ đêm trước vì còn ăn uống chút đỉnh mới có đủ sức để vác thuyền câu từ nhà ra bến, thời gian cũng mất gần một tiếng đồng hồ; thuyện nặng cỡ 50kg. Bơi thuyền từ nhà đến cửa Thuận An mất ba giờ rưỡi đồng hồ. Ngồi câu cho tới ba giờ chiều thì bắt đầu trở về, vì đường xa, về tới nhà vừa nhá nhem tối. Ngồi câu có nghĩa là một tay cầm cần câu, tay kia cầm chằm (vợt chèo) di động thế nào để cho thuyền đứng một chỗ và đúng hướng. Hành động này rất khó, phải thực tập lâu mới thuần thục.


    Red fish 41 inches.

    Cửa Thuận An là nơi nguồn nước ngọt của sông Hương đổ ra biển. Nơi đây đã xây lên một cái đập bằng đá để ngăn nước mặn khỏi tràn vào sông Hương , chỉ chừa một khoảng ở giũa cho thuyền bè qua lại. Bởi vầy có những mùa nắng hạn hán, nước mặn xâm chiếm nước ngọt sông Hương lên thượng nguồn, tận Bảng Lãng, Hòn Chén, tức là cách cửa Thượng An gần 20 km. Bình thường, đây là nơi giao lưu hai nguồn nước mặn ngọt, có nhiều loại cá sinh sống, nên câu bữa nào cũng có cá. Tuy nhiên, lúc khởi sự ra đi và ngay cả thời gian câu đều phải lưu tâm tới thời tiết vì có khi thời tiết thay đỗi bất thường. Sợ nhất không phải là mưa mà là gió mạnh gây sóng lớn, có thể làm đắm thuyền và gió ngược làm cản trở thuyền đi tới. Có những lần tôi trở về nhà muộn vì trở ngại này làm cho cả nhà lo âu.

    Khi vào Quân Đội, vì công vụ và trách nhiệm nên tôi không còn rảnh tâm trí và thì giờ để hưởng thú nhàn hạ làm ông Lã Vọng ngồi câu cá, lại thêm có thú vui săn bắn và đam mê mạt chược nên sự ưa thích câu cá cũng giảm bớt đi. Nhưng chuyện bắt cá thỉ có nhiều, như tôi đã dùng lưụ đạn nổ và đạn súng cối 81 ly, loại cỡ lớn "capacité double" để bắn cá ở nguồn suối hay ở sông ngòi. Hoặc tôi đã dùng roi tre để bắt cá tại một con suối ở Cam Ranh. Cá từ trong suối nước ngọt bơi ra, gặp một vũng lớn nước mặn nên ngất ngư, bơi chầm chậm trên mặt nước, chỉ cần dùng cây roi tre đập nhẹ vào đầu cá là có thể bắt được một cách dễ dàng. Những chuyện này tôi đã từng kể rải rác ở các bài viết trước kia của tôi.

    Mấy năm đầu đến tị nạn ở Hoa Kỳ này phải vật lộn với chén cơm manh áo, còn đâu nghĩ tới vui thú năm xưa khi còn ở quê nhà. Gia đình chúng tôi lại định cư tại một vùng đồi núi ở tận miền quê của tiểu bang New York. Một hôm, nhằm ngày nghỉ việc của tôi và ngày nghỉ học của các con, chúng tôi lang thang vào rừng kiếm củi để đem về đốt lò sưởi, bổng nhiên bắt gặp một lạch suối rất nhỏ, cha con reo mừng khi nhìn thấy bầy cá trout bông lớn bằng cổ tay đang tung tăng lội dưới dòng suối nước trong vắt. Bấy giờ, tôi mới nhớ lại những chuyện câu cá năm xưa khi còn ở quê nhà, muốn bắt ít cá về nấu ăn nhưng khốn nỗi không có dụng cụ câu cá.. Ngay chỗ tôi cư trú cũng không có chỗ nào bán dụng cụ câu, dù lúc đó chúng tôi quá nghèo, nhưng nếu có, tôi nghĩ rằng tôi cũng xoay xở để mua cho được. Đêm ngủ không yên, tôi liền nghĩ tới système D, bằng cách kiếm khúc thép nhỏ., mài nhọn, rồi lấy con dao thật sắc chắn cái ngạnh; dùng chỉ may áo quần làm dây câu, chặt cành cây nhỏ trong rừng làm cần và miếng nhôm hợp làm chì. Đào trùn làm mồi, lấy miếng vải thưa làm vợt.


    Amberjack, mỗi con nặng 38 lbs.

    Giờ đây, cha con chúng tôi lại kéo nhau xuống suối để câu, chắc mẩm rằng thế nào cũng được một mẻ lớn. Nhưng lạ thay, thấy bầy cá đó, chúng tôi liệng mồi ngay trước mặt, nhưng chẳng con cá nào chịu cắn câu. Cuối cùng đành phải dùng vợt rượt bắt được 5 con. Hôm đó cả nhà, sau mấy năm mới được ăn một bữa cơm với canh chua ngon lành, cá trout chấm miền suối nấu với me đất hái sau vườn. Và chỉ độc nhất chỉ có bữa canh đặc biệt đó thôi. Sau này, muốn có cũng không được, vì đàn cá đã di chuyển đi nơi khác. Chúng tôi tìm kiếm dọc bờ suối cả dậm cũng không thấy, lại thêm bờ suối hẩm khó đi, nên bỏ cuộc từ đó, tiếc thay!

    Một hôm, có gia đình người bạn thân từ tiểu bang kế cận Pennsylvania, lái xe cả 8 tiếng đồng hồ đến thăm chúng tôi tại vùng đèo heo hút gió này, tình nghĩa này đã quí, lại còn biếu món quà đặc biệt là hai con cá chép cỡ lớn bằng bàn tay. Chúng tôi không biết phải cám ơn như thế nào mới phải. Hôm đó, cả nhà được ăn một bữa cá no nê, cá chép hấp măng, thơm (khớm) và bún tàu, lại còn có món cá chép kho nước theo kiểu Huế. Điều làm tôi thèm muốn không phải hai món ăn kia mà là câu chuyện câu cá do người bạn tôi kể lại. Tôi nghĩ, giá tôi được bảo trợ ở một nơi gần biển, sông hồ hay suối lớn để tôi có thể đi câu cá thì sướng biết mấy.

    Bốn năm đầu ở miền rừng núi lại được ăn hai bữa cá tươi, kể cũng rất đặc biệt. Cuối tháng 7 năm 1979, gia đình chúng tôi rời bỏ chốn cũ vì quá lạnh, về ở Houston, vùng Đông Nam, chỉ cách biển Galveston đúng 30 dậm. Vừa mới chân ướt chân ráo tới nơi, đang lo dọn dẹp và bày biện bàn ghế, giường nệm cho chỗ ở mới trong một chung cư, liền được một người bạn trẻ lại thăm và tặng cho hai con cá rô biển (sheephead) thật là quí hóa.. Hôm đó, cả nhà được ăn món cá nướng với nước mắm pha, vì chưa biết chỗ bán thực phẩm Á Đông để mua mắm nêm ăn với cá nướng mới hợp khẩu.


    Kingfish dài 5 feet

    Khi về Houston, mấy tháng dầu tôi hết sức nôn nóng muốn đi câu cá ở bờ biển Galveston ngay, nhưng tiếc thay tôi đang thất nghiệp, nên tạm thời gác lại, vì phải lo công ăn việc làm trước đã, rồi mới nghĩ tới giải trí sau. Khi xin được công việc, tôi phải làm theo ‘ca’, bắt đầu ‘ca’chiều từ 3 giờ đến 11 giờ đêm, ‘ca’ngày từ 7 giờ sáng đến 3 giờ chiều, và ‘ca’ đêm từ 11 giờ đêm đến 7 giờ sáng. Giờ giấc làm việc khác thường như vậy, không có ngày nghỉ cuối tuần, làm đảo lộn cả giờ giấc ăn uống và ngủ nghê. Ban đầu, tôi chưa quen với thời khóa biểu làm việc này, nên chỉ chờ sau ba ca làm việc giáp vòng, có được một lần nghỉ dài hạn là bốn ngày rưỡi, tôi mới đi câu. Đêm đó, sau bảy ngày làm việc thức đêm ai cũng mỏi mệt, mong về nhà nghỉ ngơi cho khỏe; riêng tôi lại khác, sáng đó ra về, tôi rất tỉnh táo.

    Vừa về đến nhà, tắm rửa xong, chưa kịp ăn sáng, tôi đã vội vã lái xe đi câu ngay vì dụng cụ đi câu tôi đã chuẩn bị từ trước. Đến khi sức khoẻ tôi đã quen với giờ giấc làm việc, tôi thường đi câu vào ca làm việc buổi chiều, vì đêm về nhà lúc 11 giờ, ăn uống tắm rửa xong, lên giường ngủ cũng sau quá nửa đêm. Sáng thức dậy khoảng 7 giờ, sửa soạn và đến địa điểm câu vừa đúng 9 giờ sáng. Tôi câu trong vòng 4 giờ đồng hồ., tức là đến 1 giờ chiều, tôi bắt buộc phải rời chỗ câu, lái xe về đến nhà khoảng 2 giờ chiều, đủ thời gian để đến sở làm ca chiều lúc 3 giờ. Suốt thời gian làm việc ở sở, tôi thường hay đi câu trong thời gian làm việc ca chiều, lo lắng nhứt là khi xe bị hư dọc đường, hay bị trở ngại lưu thông, nhưng may thay, tôi chưa khi nào đến sở trễ. Những hôm không đi câu, tôi thường hay xem những chương trình câu cá chiếu trên TV để quảng cáo dụng cụ câu, thích nhứt là những chương trình câu cá bass ở các hồ lớn, hoặc câu thi ở Vịnh Mễ Tây Cơ. Khi nghe hồi chuông báo hiệu, mọi tàu câu cùng tuôn ra một lượt, hướng về đại dương, như đang tranh dành địa điểm mà họ nghĩ rằng đã có cá chờ họ sẵn. Nhưng thật ra, câu được nhiều hay ít, cá lớn hay nhỏ, đều là do may mắn cả. Khoái mắt và hồi hợp nhất là khi thấy họ đang kéo và vật lộn (fight) với những con cá cờ (sailfish) lớn trên hai ba trăm cân. Đây là lối câu của những tay câu chuyên nghiệp hay là thú tiêu khiển của nhà giàu dư tiền thừa bạc. Riêng những chuyện câu tôi sắp kể ra đây là chuyện bình dân, ai đã từng đi câu đều trải qua.

    CÂU NGOÀI KHƠI

    Nói theo người bản xứ, theo nghĩa trắng là đi câu ở biển sâu (deep sea fishing), tức là đi câu xa, ra khơi, cách bờ đến 50 hay 60 dậm. Trong số bạn bè đi câu với tôi cũng có người có tàu loại nhỏ thông thường,15 hay 17 feet dài, chỉ có thể đi câu cách bờ trong vòng dưới 8 dậm thôi. Nếu muốn đi xa bờ hơn, tàu phải dài ít nhất 21 feet. Bởi vậy, chúng tôi rủ nhau đi câu chung với khoảng trên 100 người trên một chiếc tàu lớn do một công ty câu cá tổ chức. Đây là lần đi câu xa đầu tiên của chúng tôi. Giờ rời bến ấn định là 6 giờ sáng, chúng tôi có mặt ở bến tàu lúc 5 giờ, tưởng rằng đang còn sớm nên tà tà uống tách cà phê cho ấm bụng, rồi mới mua vé, vì họ cấm khách đi câu mang thức ăn uống theo. Vừa bước lên tàu, thấy đông nghẹt người, tôi không biết họ đến từ lúc nào. Chúng tôi tìm chỗ đứng câu như có ghi số ở vé, toàn là những chỗ hai bên boong tàu.

    Sau khi nhổ neo, tàu khởi hành độ mươi mười lăm phút, mọi người cùng tìm chỗ nghỉ ngơi, hoặc nằm trong boong tàu, hay lên ngồi hóng mát trên boong tàu, vì còn xa mới tới địa điểm câu. Tàu chạy sau 4 giờ đồng hồ đúng, giờ đây Trưởng Tàu mới báo cho mọi người biết đã đến điểm câu, những người đang nghỉ ngơi hay thiu thỉu ngủ bổng chổi dậy, nhưng cũng có kẻ dậy không nổi vì say sóng nên nằm lì một chỗ. Khi mọi người đang chuẩn bị đồ câu cũng là lúc tàu xoay trở cho thuận với dòng nước để neo tàu dừng lại. Đồ câu và mồi do tàu cung cấp, cũng như các công việc khác, như thay cần, thay mồi hay vớt cá do những nhân viên phục dịch dưới tàu đảm trách.

    Mọi người bắt đầu câu chừng 10 phút, bỗng nghe tiếng cười reo quanh tàu vì đa số đều câu được cá. Tiếng cười to nhất đa số là của quý bà quý cô khi cần có người giúp để mang cá lên tàu. Những người phục dịch trên tàu chạy lăng xăng giúp người này đến người nọ, trông thật vui nhộn. Câu chừng khoảnh khắc, thì được thông báo hãy kéo cần lên, để tàu di chuyển đến địa điểm câu khác. Tàu đổi chỗ bốn lần như vậy, tính ra tổng cộng có hai giờ câu, mỗi nơi chỉ câu có nửa giờ mà thôi, nghĩa là chỉ đủ thì giờ móc mồi thả xuống và kéo lên ba lần, vì nước quá sâu gần 200 feet dây mới đụng đáy biển là nơi tập trung của loại cá hồng (red snapper) hay cá mú (grouper). Cần câu loại đầu to (heavy action), dây câu 60 hay 70 lbs, dùng cá mực làm mồi, là loại dai, và dùng cục chì nặng trên 16 ounces để mang mồi xuống tận đáy cho thật nhanh, tính ra thời gian thả mồi từ mặt nước đến đáy chỉ có mấy chục giây, nhưng phần nhiều mồi bị cá nhỏ chận ăn trước khi chìm tới đáy.

    Dây câu cứng, chì nặng, nước sâu, dẫu kéo lên một cục chì không cũng mỏi tay rồi, huống hồ là có thêm cá. Bởi vậy, những người thiếu kinh nghiệm đôi khi câu chẳng được con cá nào, hoặc khi câu được, không biết cách kéo cá vào mạn tàu, làm vướng dây câu của những người khác, nhứt là những người đứng câu hai bên hông tàu, vì dây câu của họ dài ngắn, chì nặng nhẹ khác nhau, nhưng lại nghiêng về một phía do dòng nước tạo nên. Giờ đây, tôi mới hiểu tại sao những khách câu đi sớm là muốn giữ chỗ câu tốt, đó là những chỗ ở đuôi tàu.Vì khi neo tàu đứng tại chỗ, bao giờ mũi tàu cũng ngược với dòng nước, nghĩa là nước chảy từ mũi ra đuôi tàu; đứng câu ở đây sẽ không bị mắc vướng với những dây câu của người khác.


    Mẹ với con stripped bas 28 lbs.

    Chúng tôi đi câu bằng tàu lớn này chỉ ba lần mà thôi, vì những trở ngại như vừa kể ở trên.. Đi câu ròng rã suốt ngày từ sáng đến chiều mà thời gian câu chỉ khoảng 2 giờ đồng hồ, đi về mất 8 giờ và 2 giờ di chuyển và xoay trở tàu ở 4 điểm câu. Bởi vậy kết quả rất ít ỏi. Lần nào may mắn cũng chỉ được chưa đầy mươi con cá hồng hay cá mú, mỗi con nặng khoảng từ 3 đến 5 lbs.

    Sau đó, chúng tôi đi câu bằng tàu nhỏ hơn, chỉ chở tối đa là 5 người. Tàu có một người lái và một người phục dịch, dĩ nhiên là phí tổn phải trả gấp đôi. Loại tàu này không đi xa, chỉ cách bờ trên 10 dậm, rất tiện lợi cho việc câu cá thu (kingfish) vào mùa hè tháng 7 và tháng 8 hằng năm. Những ai đi câu bằng tàu nhỏ này đều rất thích, nhưng tiếc thay chủ những tàu nhỏ này bị hãng tàu câu lớn kiện nên bắt buộc phải ngưng hoạt động.

    Giờ đây, chúng tôi xoay sở bằng cách khác. Sáu người chúng tôi tự mướn tàu và lái lấy. Rủi thay, hôm đó gió lớn, sống cao tới 9 feet, theo như tiên đoán thời tiết lẽ ra không nên ra khơi, nhưng vì đã đóng tiền trước rồi nên đành chấp nhận mạo hiểm. Sau mấy giờ đồng hồ vật lộn với sóng dữ dằn, chúng tôi mới tới được địa điểm câu. Bỏ neo xuống, nhưng tàu vẫn trôi dạt, chúng tôi phụ nhau vất vả lắm mới neo tàu đứng lại theo như ý muốn. Ai nấy cũng mừng, định sửa soạn đồ câu, nhưng vì tàu tròng trành quá mạnh làm mọi người không ai đứng vững, bổng nghe một tiếng rắc khô khan.

    Chúng tôi ai nấy đều nhìn về phía đầu tàu, mới hay tàu bị đứt giây neo và đang xoay vòng quanh, vì máy chạy chậm. Thế là hết một buổi đi câu ngoài khơi chúng tôi đành lái tàu trở về trả lại cho hãng tàu câu cá, ai nấy mệt đừ người, riêng tôi và hai người nữa ói mửa ra mật xanh mật vàng. Và cũng kể từ đó nhóm đi câu chúng tôi 6 người ít khi đi câu chung với nhau một lượt đầy đủ, vì nay dùng thuyền câu nhỏ, chở tối đa 4 người, chỉ đi câu cách bờ chừng 8 dậm trở lại mà thôi, nhưng kết quả lại khả quan hơn, nhứt là câu cá thu, bữa nào cũng đạt được giới hạn (possession limits) do chính quyền địa phương ấn định hằng năm. Luật lệ câu cá rõ ràng lắm và thay đổi hằng năm, tùy theo số lượng sinh sản của các loại cá. Ai đã từng đi câu đều rõ, khỏi phải nêu ra đây rất dài dòng.

    Một hôm, hai cha con chúng tôi với hai người bạn định thuê một chiếc tàu nhỏ đi câu ngoài khơi, có người lái và kẻ phục dịch. Rủi thay, loại tàu nhỏ này bị hãng tàu lớn câu cá kiện, nên ngưng hoạt động bất thần. Chúng tôi đành trở về, lúc đó đã gần trưa, về nhà cũng lỡ dở nên chúng tôi dùng thuyền nhỏ của một người bạn để đi câu gỡ. Vì thời tiết hôm đó rất tốt, gió nhẹ, sóng êm. Khi thuyền ra khỏi bờ chừng vài dậm, chưa đến chỗ dự định câu, nhưng thấy một đàn cá nhỏ nhảy lên mặt nước là triệu chứng có cá lớn phía dưới đang rượt bắt mồi. Chúng tôi cho tàu dừng lại, có người đang neo tàu và cũng có người bắt đầu câu vì sợ đàn cá lớn chạy mất. Tàu chưa đứng ở vị trí mong muốn thì đã bị giật mạnh, nghiêng hẳn về một bên, cần câu của tôi cấm ở mạn thuyền cong vòng vì tôi đang bận neo tàu. Tôi tức tốc chạy lại nắm cần, nhưng nhấc không lên nổi khỏi óng cấm cần vì nặng quá, tôi loay hoay mãi. Qua cơn xúc động, tôi chợt nhớ phải làm gì, tôi vội vàng nới khoá máy câu, bỗng nghe tiếng kêu rè rè đều đặn, chỉ câu nới ra từ từ. Ai đã từng đi câu khi nghe tiếng kêu này chẳng khác gì như một bài nhạc, đều cảm thấy khoái chí. Giờ đây cần câu trở lại vị trí đứng nghiêng, nhấc lên rất dễ. Trong lúc tôi đang thong thả cuốn dây lại thì ba người trên tàu cũng đang trì kéo với cá mắc câu.

    Chưa bao giờ tôi gặp cảnh câu cá may mắn như vậy, cá cắn câu 4 người một lúc. Mặt mày ai nấy hớn hở, vừa kéo vừa cười một cách thích thú. Chưa thấy mặt cá nên người nào cũng cho mình đoán đúng là cá gì và cá của mình sẽ lớn hơn cả. Hai người bạn kia thiện nghệ hơn nên kéo cá vào gần mạn thuyền trước. Đây là cá mập (shark) mình dài, không có vợt nào có thể vớt cá mang lên tàu được. Những người câu cá lớn thường dùng móc sắt hình chữ U để móc cá, nhưng chúng tôi không có. Bởi vậy, chúng tôi phải giúp nhau nhưng ai nấy đều bận cầm cần câu của mình đang có cá mắc câu, không ai rảnh tay cả. Tôi bảo con tôi đưa cần câu của nó cho tôi cầm và giúp người đầu tiên đem cá lên. Người kia kéo cá vào gần, cho nằm sát và song song với mạn thuyền, vẫn giữ giây câu, trong lúc con tôi tìm cách nắm chặt đuôi cá. Khi đã sẵn sàng hai người cùng nhấc lên một lượt, phải vất vả và gồng người mới có thể mang được con cá đầu tiên vào trong thuyền. Hai con cá kế tiếp đem lên thuyền cũng không mấy khó khăn vì đã biết cách và có nhiều người rảnh tay giúp nhau. Nhưng đến phiên con cá mắc giây câu của tôi thì lại khó nhọc hơn, vì cá lớn vùng vẫy mạnh, sợ đứt giây câu, nên chỉ có thể mang lên tàu bằng cách nắm đuôi nhấc lên, phải hai người mới làm nổi.

    Bốn con cá đã đem được lên tàu, tưởng đã yên, nhưng không. Chúng nó vùng vẫy rất dữ dội, không những đập thân, vẫy đuôi vào lòng tàu phành phạch, mà còn cắn phá nhũng vật rơi trong tàu và đứt cả giây điện hai bên hông tàu. Nhưng chúng tôi ai nấy vẫn mặc kệ, tiếp tục câu, vì kinh nghiệm cho biết cá chỉ ăn câu trong khoảng thời gian ngắn chừng non một giờ đồng hồ trở lại. Chúng tôi câu thêm bốn con nữa thì đầy tàu, cỡ cá sàng sàng dài bằng nhau, mỗi con dài trên 5 feet, chỉ riêng con cá của tôi trộng (lớn) hơn, trên 6 feet. Tám con cá nằm ngổn ngang, vùng vẫy làm cản trở cả lối đi; nếu ai vô ý có thể bị thương vì cá cắn. Chúng tôi đề nghị trở về nhưng anh bạn chủ tàu muốn câu thêm một con nữa.


    Jonathan với big flounder.

    Trong lúc chờ đợi, tôi mới có dịp quan sát cảnh vật chung quanh, có trên 10 chiếc tàu vây quanh chỗ chúng tôi câu, đàng xa còn có mấy chiếc tàu đang chạy tới nữa. Người nào trên tàu cũng đang vất vả vật lộn với cá đang mắc câu như trường hợp chúng tôi vừa rồi, họ la hét inh ỏi, thỉnh thoảng chen lẫn tiếng reo hò vui mừng của những kẻ bắt được cá, hay những câu chưởi thề của những người bị đứt dây câu hay sẩy cá. Chưa bao giờ tôi chứng kiến một cảnh câu cá vui nhộn như vậy.

    Sau đó tôi theo bạn bè câu tàu nhiều lần nữa, được nhiều loại cá khác nhau, nhưng tôi cảm thấy có phần bất tiện vì thiếu tự chủ. Có khi muốn đi sớm hay về muộn cũng không được vì tôi không phải là chủ tàu. Bởi vậy tôi tự động rút lui bằng cách từ chối khéo đôi ba lần mỗi lúc được mời gọi, tự khắc người ta hiểu.


    CÂU TRONG BỜ

    Bấy lâu tôi theo bạn bè đi câu bằng tàu, thỉnh thoảng tôi cũng có đi câu trong bờ, nhưng chỉ đi gần, quanh quẩn ở bãi biển Galveston. Nay tôi đi xa hơn, lấy Galveston làm trung tâm, đi dọc theo bờ biển về phía Đông 30 dặm, tới High Island, và đi về phía Tây 40 dặm, tới Freeport, tôi mới khám phá nhiều địa điểm câu rất tốt, một là có cá, hai là có chỗ đậu xe gần, ba là có quán xá bán thức ăn nước uống. Quan trọng nhất là những chỗ có cá, chẳng hạn như Roll Over Pass, hay là San Louis Pass, là những địa điểm có dòng nước giao lưu giữa biển và hồ lớn trong đất liền.

    Hằng ngày, những lúc thủy triều lên xuống, cá thường di động qua những chỗ này. Đi câu, ai cũng xem tin tức thời tiết trước, đặc biệt chú ý đến phần thủy triều. Kế đến là các đập đá, như Đập Đá Bắc & Nam (North & South Jetties) ở Boliviar và Đập Đá Bắc & Nam ở Freeport, đây là những đập đá dài ngắn tùy theo cửa biển được xây lên để ngăn sóng, hầu giúp tàu bè dễ dàng cập bến. Nếu là đập dài 5 dặm như Đập Bắc (North Jetty) thì ở khoảng giữa có một đoạn cắt (boat cut) để cho các tàu nhỏ qua lại, khỏi đi vòng.. Đây là nơi sinh sôi nẩy nở của loài hào hến và các loại cá nhỏ, nên các cá lớn thường đến đây tìm mồi.

    Ở hai nơi Roll Over Pass và San Louis Pass về mùa hè, thiên hạ cắm lều câu tại chỗ rất đông, có hôm tôi tới đó, phải đậu xe từ đàng xa. Ban đầu, tôi và nhà tôi thường đi câu ở Đập Đá Bắc (North Jetty) vùng Boliviar. Muốn câu cá lớn thì phải đi xa. Từ chỗ đậu xe, còn phải đi bộ hai dặm nữa mới tới đoạn cắt (boat cut), nơi có nhiều cá qua lại. Mặt đường lởm chởm rất khó đi, vì đập được đắp, chứ không phải tráng ximăng, bởi những tảng đá lớn hình khối vuông hay chữ nhật, mỗi bề mặt ít nhứt 4 hay 5 feet trở lên, không đồng đều, chồng lên nhau. Khi đi đã khó, khi về lại càng khó hơn nếu câu được nhiều cá, mang nặng. Có hôm chúng tôi câu được trên ba chục con cá, vừa rô biển (sheephead) vừa drum, mỗi con trung bình từ 3 tới 4 lbs, không làm sao mang nổi, đành phải vất bớt.

    Tuy trở ngại như vây, nhưng có nhiều hôm tôi mang một mình theo đèn và bao ngủ ra tới đoạn cắt, ở lại câu qua đêm. Có hôm tôi bị vấp ngã, tay chân bị trầy trụa và vỡ cả cây đèn gió. Nhưng nguy hiểm nhất là hôm bị trận mưa to gió lớn bất thần, sóng rất mạnh, đánh tạt nước qua bờ đê, tôi bị ướt như chuột lột. Lạnh thấu xương nhưng phải gồng mình chịu trận không cách gì đi vào bờ được vì gió mạnh và mặt đường quá trơn. May thay, hôm đó tôi không bị bỏ xác cho cá ăn.

    Sau đó, chúng tôi câu ở San Louis Pass, cách Galveston đúng 20 dặm về phía Tây, lái xe đậu ngay bãi cát sát bờ biển. Còn gì thích thú cho bằng, liệng mồi ra xa, rồi cắm cần ở nơi các ống nước bằng nhựa bắt nơi đòn cản trước mũi xe. Xong vào ngồi trong xe, vừa đọc báo, vừa nhâm nhi cà phê và vừa liếc mắt trông chừng mấy cần câu. Đây là chỗ tôi câu được nhiều cá lớn nhất.

    Nhiều loại cá hiếm được bảo vệ bằng những luật lệ địa phương hết sức rắc rối qui định về cỡ to nhỏ và số lượng nhiều ít. Luật lệ thay đổi hằng năm tùy theo sự sinh sản của từng loại cá. Cá red drum hay là red fish, đặc biệt có chấm đen ở đuôi, nên người mình gọi là cá chấm đuôi, là loại cá quí nhứt của tiểu bang Texas, mỗi người mỗi lần chỉ được câu một con, và mỗi ngày tối đa 2 con thôi. Ví dụ như câu được 2 con, xách về cùng một lượt, tự cho rằng ngày này mình không câu nữa, đủ số lượng rồi, nếu gặp cảnh sát hay nhân viên tuần câu mình cũng bị phạt, vi phạm luật. Nếu một ngày muốn được 2 con thì khi câu được con thứ nhứt phải mang vào cất đã, rồi mới câu tiếp con thứ hai mang về sau. Cỡ cá được phép mang về là từ 18 đến 28 inches; dưới 18" hay trên 28" phải bỏ trở lại xuống biển, để cá tăng trưởng hay sinh nở. Còn rất nhiều luật lệ khác lạ nữa, rắc rối là vậy đó, nhiều lắm, xin khỏi kể ra đây. Bởi vậy, khi đi câu, rất nhiều người mang máy ảnh theo, phòng khi câu được cá lớn quá cỡ (oversize), người đi câu ở đây gọi là "bull", có ý nói to lớn như bò mộng, tự mình ôm cá, nhờ ngưới khác chụp hình, rồi bỏ cá trở lại xuống biển Chính tôi nhiều lần câu được loại cá quí này, lớn dài tới 42", cũng làm như họ, tiếc ơi là tiếc, nhưng không thể làm khác hơn được. Vì khi câu có nhiều người, nếu ai có ý vi phạm, lén lút mang cá về nhà không đúng cở, sẽ bị cảnh sát chận bắt ngay dọc đường vì có người tố cáo, nhứt là lúc này có nhiều điện thoại cầm tay.

    Có hôm tôi đi câu với một người bạn, tôi câu được 5 con cá cam (amberjack), mỗi con trung bình 40lbs. Cũng có nhiều người khác câu được nhiều cá hơn tôi, sở dĩ bạn tôi cũng như nhiều người khác không câu được vì dụng cụ của họ không thích hợp, cần ngắn dưới 10 feet, liệng không tới nơi, không đúng chỗ, chỉ câu nhỏ dưới 17 lbs, bị đứt. Cần của chúng tôi dài 15 feet, chỉ câu trên 30 lbs. Trong lúc chúng tôi hớn hở kéo cá vào bờ lia lịa thì những người không câu được, bất động đứng nhìn với vẻ mặt đáng tiếc. Vì cá lớn, những thùng đựng thông thường không thể chứa hết, nên tôi đã nhờ bạn tôi cùng phụ một tay, xách từng con một bỏ vào sau thùng xe.


    White amour 30 lbs

    Một lần khác, tôi và nhà tôi cùng câu tại nơi đây được 16 con cá mập (shark) trong vòng một giờ đồng hồ vào buổi chiều, trong lúc nhiều người khác chỉ câu được cá đuối (ray) vì cùng trở ngại như bạn tôi lần trước, cần nhỏ, chỉ nhẹ. Có khi cá lớn mắc câu hai cần một lượt, nhà tôi kéo không nổi, chỉ ôm cần chịu trận vì tôi bận kéo cần của tôi. May thay, đứng ở bờ vững vàng, cần tốt, chỉ mạnh, nên tôi mới có thể lôi cá vào bờ nhanh. Tôi lôi thẳng cá lên bờ, không cần phải dùng vợt hay móc sắt gì hết. Để tại chỗ, không kịp tháo lưỡi câu vì tôi còn phải kéo cá đang mắc câu ở cần nhà tôi đang cầm. Nếu chậm sẽ vướng dây câu của người khác. Đứng câu từ trên bờ mà câu được cá lớn là hiếm lắm, vì thường những cá lớn ở xa bờ.

    Hết giờ cá cắn câu, tôi và nhà tôi gom cá lại để một đống, con nào con nấy to bằng nhau, 5 feet dài. Tôi nhìn sững đống cá, cười thỏa mãn vì tôi chưa khi nào câu được mớ cá lớn như hôm nay, trong lúc đó có nhiều người lại xem và bàn tán. Trong số này có một ông Mỹ đề nghị với nhà tôi để ông làm cá (clean) và chia phần cho ông một ít và nhứt là cho ông một con shark nguyên vẹn để ông đem về nhà, vì ông không câu được con shark nào trong ba ngày qua ông cấm trại tại đây. Ông ở tận Midland cách 500 dặm đường xa. Khi nghe nhà tôi nói lại, tôi hết sức mừng, vì chính tôi cũng đang phân vân không biết phải giải quyết làm sao với 15 con cá này. Ngay ngày hôm trước tôi đã câu được 5 con như thế này. Khi mang về nhà, tôi phải vất vả đem đi cho. Có người không nhận, cho rằng thịt cá mập tanh, hoặc giả cá mập ăn thịt người, ghê tởm. Vì họ không biết cách nấu. Người sành, ăn cả da, cả gan, bằng cách hấp rau răm. Người thường bỏ da, bỏ gan, nấu canh chua ăn rất ngon.

    Ngoài cá mập ra, trong tủ đá của tôi còn nhiều loại cá khác, nay mang thêm về, quá thừa, lại còn tốn công đi cho, nên chúng tôi đồng ý cho ông Mỹ kia tất cả số cá. Ông ta tròn xoe cặp mắt và cứ lập đi lập lại "really ! really ! » với vẻ ngạc nhiên. Chúng tôi thì "Yes ! Yes !" với điệu bộ tự hào. Ông Mỹ này cũng lịch sự, giúp chúng tôi dọn dẹp đồ đạc khi ra về. Trên đường về, vợ chồng chúng tôi rất hân hoan vì nghĩ tới chuyện vừa qua, không những là một hành động đẹp mà còn trút được gánh nặng. Khi về tới nhà có thể tấm rửa ngay, khỏi vất vả làm cá dơ dáy như mọi khi.

    CÂU HỒ

    Câu cá ở biển hay cá nước mặn có từng mùa, mỗi mùa có mỗi loại cá đặc biệt và khác nhau. Câu cá nước ngọt cũng vậy. Về mùa hè, tôi thường đi câu cá chép (carp) và cá buồi (white amour) và cá bass có sọc với một người bạn chỉ câu hồ mà thôi. Lý do, ông ta sợ nắng. Cá white amour người Mỹ nhập cảng từ Đài Loan đem về nuôi ở hồ Conroe, để ăn rông rêu, làm sạch đáy hồ. Theo sự phỏng đoán lúc ban đầu của trường Đại Học Texas A&M thì loại cá này to chừng 5 lbs và dài khoảng 1 foot trở lại, không ngờ nay lớn quá khổ, mỗi con nặng tên 30 lbs và dài trên 3 feet. Bởi vậy, nay họ muốn diệt bớt bằng cách tổ chức bắn cá (arching) hằng năm. Có năm, người trúng giải bắn được trên 600 lbs cá, dĩ nhiên là hủy đi, người Mỹ không ăn cá này vì sợ xương. Nhưng người Trung Hoa và chúng tôi thì mê câu loại cá này lắm. Một là cá trì kéo và lôi mạnh tạo cảm giác thích thú cho người câu, hai là nấu canh ăn ngon tuy không bằng loại cá khác, đặc biệt không có mùi tanh và ít xương hom hơn cá chép.

    Câu hồ rất mát mẻ, luôn luôn có cây che mưa che nắng, có khi chúng tôi nằm nghỉ dưới tàng cây. Mấy hôm liền, chúng tôi câu được cá chép và cá buồi. Khoái quá, tôi bèn rủ ông bạn kia đi nữa, nhưng ông bận đi làm việc, nên tôi đi một mình. Tôi câu chỗ cũ không có, bèn băng bộ xuyên rừng độ nửa dặm, ngang qua một mõm đất hình bầu dục, câu ở chỗ mới. Hôm đó, tôi câu được 5 con cá buồi (white amour), mỗi con nặng trên dưới 30 lbs, dài cả thước. Dĩ nhiên là tôi khiêng một mình không nổi, vất bớt thì tiếc quá. Suy nghĩ mãi, tôi mới tìm ra phương pháp xâu cá vào một sợi dây bền chắc, đem thả xuống nước. Tôi lội dọc theo bờ hồ vừa kéo, dùng dằng vất vả vì bị vướng các gốc cây bị ngã nằm sát bờ hồ. Tính ra chưa đầy một dặm mà tôi phải lội hơn một tiếng đồng hồ mới về tới bãi đậu xe.

    Tôi khoe chuyện này với mấy ông bạn đã từng câu hồ. Ai nấy đều lắc đầu, bảo rằng tôi không sợ cá sấu tấn công sao. Thật tình, tôi chưa nghĩ tới điều này. Hôm đó, tôi không thấy cá sấu, nhưng gặp rắn thì nhiều, mà rắn ở hồ có nhiều loại độc lắm. Từ đó, tôi không lội dọc theo bờ hồ nữa.

    Đi câu, tôi hay tìm tòi địa điểm mới, phòng khi câu chỗ này không có thì di chuyển sang chỗ khác. Bởi vậy, tôi đang là kẻ học nghề câu hồ, nay trở thành leader, oai quá! Một hôm, tôi dẫn một ông bạn khác đi câu, chứ không phải "ông xếp" cũ của tôi lúc trước. Ông bạn này thường phàn nàn mình là tay không sát cá, ai câu cũng được, chỉ trừ anh ta. Lần này cá cắn câu, anh ta lôi kéo mãi cũng không đem cá nỗi vào bờ được, để cho tôi có thể dùng vợt vớt cá, vì cá vùng vẫy mạnh, sợ đứt dây câu. Anh ta liền trao cần của anh cho tôi và nhận lấy vợt của tôi. Tôi thích quá, bắt đầu kéo thì anh ta vội vàng ngăn lại, bảo tôi cứ cầm cần như vậy, để anh ta lội ra xa, xúc cá bằng vợt. Lúc ấy gặp một chiếc tàu thể thao, chở nhiều người bạn trẻ trượt nước đi ngang qua. Họ dừng lại khi thấy cảnh tượng trước mắt, một ông già đang lội nước ngập ngang ngực, đang đối thoại với một ông già khác đứng trên bờ. Họ không hiểu nói gì, tưởng rằng một ông già sấp chết đuối nên kêu cứu. Họ cho tàu tiến lại , liền nghe một giọng nói thất thanh "Please, please, stay away, I am catching my big fish". Tàu liền dừng lại, mọi người trên tàu chú ý quan sát, cho đến khi ông già dưới nước đem con cá lên bờ mới quay tàu rời xa. Đúng là một con cá white amour lớn. Tôi cuốn dây vào thì dây đứt từ hồi nào không hay. Xem xét và hỏi lại, anh ta mới cho biết các dụng cụ câu này đều mua ở các tiệm cầm đồ (pawn shop). Nghĩ lại thật là may cho tôi, chịu nghe lời anh ta, nếu không tự động kéo, đứt dây, mất cá, tôi sẽ ăn nói làm sao đây. Các bạn ở xa nghe kể chuyện này khó tin. Nhưng các bạn câu ở Houston đều biết là ai. Vì những ai đã từng đi câu với anh bạn này đều có những giai thoại hết sức lỳ kỳ. Và tôi chắc rằng mấy người Mỹ trẻ kia khó quên chuyện câu cá của hai ông già Á Đông này. Câu hồ, tôi cũng đã từng đi câu một mình. Thứ nhứt là những đêm trăng, nằm nhìn trời bỗng nghe chuông báo động , chạy ra kéo lên những con cá lớn, mình óng ánh, thật thích thú.

    CÂU LỘI

    Đi câu, ai lại không lội, lẽ dĩ nhiên, cần gì phải nói. Không, đây là một lối câu rất thú vị, lại bắt được nhiều cá hơn cả. Chẳng vậy mà nhiều tàu câu lái tới nơi, neo lại, mọi người trên tàu đều xuống nước, lội bộ. Ở đây, vào đầu tháng 10 cho đến Thanksgiving là mùa câu cá lưỡi trâu (flounder), những người đi câu ai cũng nao nức mong đợi mùa câu này. Ngoài các dụng cụ câu thông thường còn phải mang áo lội lên tận nách để lội và chống lạnh. Bãi lội câu là vùng quanh Sea World Park ở Galveston, cuối đường 51. Thông thường hằng ngày người ta câu ở đây khoảng trên dưới 100 người. Bữa nào đọc báo hay nghe tiên đoán thời tiết, báo cơn lạnh (cold front) sắp đến, ngày mai "flounder run » , tức là ngày cá chạy, cá từ ngoài sâu chạy vào đẻ trong bờ, sau đó đi xa. Dẫu hôm đó ba giờ chiều, thủy triều mới bắt đầu lên, nhưng 5 giờ sáng, chúng tôi đã có mặt ở các tiệm bán mồi, mua mồi sẵn, lái xe ra ngồi đợi ở bờ biển bãi lội, nếu chậm sẽ không có mồi và chỗ đậu xe xa, phải cuốc bộ hơn cả dặm, vì hôm đó đi câu rất đông. Khoảng 1 giờ chiều chúng tôi bắt đầu câu, lội cách bờ chừng nửa dặm, có kẻ lội xuôi người lội ngược, nhưng tất cả mọi người cùng đi dần dần vào bờ vì nước bắt đầu dâng lên cao có thể làm ngập áo lội. Cá phân tán khắp bãi lội, không biết đâu mà đoán, có nhiều khi cá nằm ngay dưới chân, đó là những lúc kéo mồi về sát bên mình cá mới cắn câu. Nhiều khi tôi đứng một chỗ, chỉ câu quanh quẩn bên mình được 7, 8 con trong khoảnh khắc. Đến giờ nước lớn, sắp ngập áo phao, mọi người bắt buộc phải lên bờ, đứng sắp hàng ngang cả dặm, không đồng đều, chỗ nhiều người chỗ ít người, đếm ra cả mấy trăm người, trong số này có rất nhiều ông lớn của các hãng xưởng công ty, nhiều nhất là mấy ông lớn ở NASA vì nhiều người biết mặt. Để ý, chỗ nào đông người là chỗ đó có cá, thiên hạ càng bu lại đông hơn, câu dành giựt nhau nên vướng chỉ tùm lum.

    Những người câu thường, mỗi mùa câu được trên dưới 100 con, những tay thiện nghệ chỉ câu "mồi giả" được ít nhất là 200 con. Có lẽ vì thế mà nay bị hạn chế về cỡ và số lượng của loại cá này, mỗi người mỗi lần chỉ câu được 10 con và mỗi ngày được mang về tối đa 20 con mà thôi, thay vì không hạn chế như lúc trước. Cỡ cá phải dài hơn 14" trở lên.


    Văn với stripped bass 38 lbs

    Tôi câu bằng cách lội này dở lắm vì hay mỏi chân, thỉnh thoảng phải vào bờ nghỉ ngơi, nếu ráng đứng lâu có thể bị vọp bẻ (cramp). Bởi vậy rất ít khi tôi câu đủ số cá mong muốn. Cá flounder to nhất mà tôi câu được chỉ dài cỡ 24". Nhưng con và cháu tôi mới mười tuổi đã từng câu được con to bằng tờ báo, cả bề dài lẫn bề ngang, trên 27". Nếu quí bạn câu không tin, lấy tờ báo ra đo, hoặc có dịp trông thấy hình nó chụp đăng ôm con cá. Lúc chín tuổi, cháu nhỏ này câu thi với các bạn đồng đội "Boy Scout", đoạt được ba giải: cá lớn nhất, cá nhỏ nhất và cá nhiều nhất.


    ÂN OÁN VỚI CÁ

    Nói chuyện câu cá mà không đề cập về ân oán với cá là điều thiếu sót, đó là những chuyện cá cắn đứt dây, kéo mất cần hay lôi kẻ câu xuống nước. Những ai đi câu lại không bị cá cắn đứt dây, ngồi tiếc ngẩn ngơ, vì cá xẩy là cá to. Người ta thường nói câu này để mĩa mai những người hay nói dóc. Nay đi câu tôi mới thấy nghĩa trắng câu nói kia là đúng. Như trường hợp của tôi, muốn khỏi mất cần khi câu hồ, tôi đã dùng một khúc ống nước bằng nhựa, dùng đinh ốc sắt bắt vào một miếng thép dẹp dày 3 ly, bề ngang 30 ly và dài 40 phân, để làm cái cắm cần. Tôi cắm thẳng xuống đất phần sắt trên 20 phân. Liệng mồi xong, tôi cắm cần vào thẳng đứng. Tôi quay lưng đi lấy nước uống, bỗng nghe tiếng động lách cách nhè nhẹ, tôi xoay mặt lại, thấy cần câu nghiêng hẳn, tôi vội vàng chạy lại thì không kịp nữa, cá đang lôi cần câu ra xa mất hút. Nhìn lại cần cắm, cong đúng 90 độ. Chỉ có cá lớn mới có sức mạnh kéo sắt dày 3 ly cong như vậy. Không thể tưởng tượng nổi. Tôi ấm ức suốt cả buổi câu hôm đó. Tôi còn giữ cái cắm cần cong này để làm kỷ niệm. Từ đó tôi dùng sắt gốc (corner steel) làm cắm cần mới trị nổi cá to được.

    Nhớ hôm trước, ông bạn tôi bị cá kéo mất cần, ông ngồi tiếc ngẩn ngơ, mắt cứ chăm chăm nhìn ra mặt hồ cả mấy tiếng đồng hồ. Bỗng ông nhìn thấy ngoài xa một khúc cây nhấp nhô, không thể xác định được đó là tay cầm của cần câu hay là một nhánh cây. Hôm đó chúng tôi câu ở cái túi hồ (cul de sac), tôi tính dùng lưỡi câu ba (tripple) liệng ra, may có thể móc cần câu vào. Nhưng ông bạn tôi nói "cám ơn, khỏi làm phiền bác". Rồi ông đi vòng hơn một mile sang bên kia bờ, rồi nhảy tõm xuống hồ, bơi ra xa, mang cần câu vào làm tôi lo lắng không ít. Tôi phục ông bạn già gân của tôi quá. Giá như hôm tôi mất cần câu, thấy nổi tứ dằng xa như vậy, tôi cũng không dám lội.

    Một hôm đi câu tàu, chúng tôi nghe thấy mấy người trên tàu trước mặt đang cười ồn ào làm chúng tôi chú ý, thì ra họ đang vật lộn với con cá đang mắc câu. Một hồi sau, họ nhổ neo để cho cá lôi tàu đi. Chúng tôi vì hiếu kỳ nên đi theo xa xa đằng sau để xem cá gì lớn và mạnh như vậy. Nhưng tiếc thay, chừng 20 phút sau, chúng tôi nghe tiếng chưởi đổng của mấy người tàu phía trước, có người đập đầu, có người bưng tai, có người ngồi xuống ghế. Ai cũng hiểu cá xẩy rồi. Tôi tiếc dùm cho họ.

    Giờ đây, chúng tôi trở lại chỗ cũ, tiếp tục câu, ai cũng câu được cá drum tư 40 đến 60 lbs, loại cá này trì nặng như cục đá, nên tôi nghĩ rằng phải là một loại cá lớn loại khác mới lôi tàu kia phon phon như vậy. Drum, loại cá màu sẩm, xương cứng. Thịt cá lớn sẻ ra có nhiều sợi gân trắng nhúc nhích, nhiều người cho đó là giun, nên không ăn.

    Đi câu tàu, thỉnh thoảng mấy ông bạn già tôi bậc rậc tay chân, rơi tõm xuống biển, chúng tôi nói đùa là bị cá kéo. Nhưng trường hợp của nhà tôi thì khác. Hôm đó, hai vợ chồng chúng tôi và đứa con trai đi câu chung ở North Jetty. Vì nghĩ rằng có đứa con bên cạnh nhà tôi, nên tôi vác cần đi câu đằng xa. Khi trở lại thấy nhà tôi ướt sũng, hỏi ra, nhà tôi kể lại. Nhà tôi cắm nghiêng cần câu ở hóc đá cạnh bờ đê và đang ngồi uống nước, bỗng thấy cần câu nhúc nhích mạnh, nhà tôi vội vàng chạy lại nắm được cán cần câu, nhưng bị cá lôi mạnh, sợ mất cần câu nên rơi xuống nước. May thay, con chúng tôi đang câu bên cạnh, tức tốc chạy đến đưa cần câu cho nhà tôi nắm và kéo vào, đem lên bờ an toàn. Nghe vậy, tôi mới nói đùa, rằng nhà tôi sát cá nên mới có ân oán với cá. Nhà tôi đã từng câu được nhiều cá lớn, như con cá bass 28 lbs mà cho tới nay tôi vẫn chưa câu được con bass nào to như vậy.

    Nói về cá câu to nhỏ, tôi sực nhớ tới mấy ông câu cá người Pháp, khi chúng tôi đến thăm các cháu chúng tôi vùng quê Bretagne, Pháp. Nhà chúng nó ở gần một cái hồ lớn, chiều nào chúng tôi cũng ra hồ hứng mát và xem người ta câu. Người nào người nấy mang cần thật dài ít nhất là 40 feet. Trước tiên, họ cắm 5 cái chéo ngắn (béquille) dưới đất, rồi lần lượt ráp mấy ống cần câu vào nhau, đặt nằm trên mấy cái chéo. Tiếp đến, họ mới buộc chỉ vào cần câu. Thế là xong, móc mồi liệng xuống hồ câu không cần máy. Vì cần quá dài nên phải dùng hai cái chéo cao để đỡ.

    Tôi kiên trì ngồi đợi, xem họ câu cá gì mà dùng cần lớn và dài như vây. Chừng non một giờ, có nhiều người câu được cá, người câu được nhiều nhứt là hai con, tôi tiến lại xem và hỏi chuyện người này. Ông ta có vẻ hãnh diện lắm, bảo đây là truite, tức là trout, mình cũng có chấm bông, cở lớn bằng ba ngón tay, dài chừng trên 30 phân. Ngày mai lại, tôi đi lang thang trong làng, gặp ông câu cá hôm qua, ông ta mời tôi vào nhà "boire un coup", ngồi nói chuyện câu. Tiếc thay tôi không mang theo ảnh chụp cá tôi câu, để làm bằng chứng và có dịp ba hoa.

    Sau đó, đến Paris, tôi thấy mấy người câu ở sông Seine, nhưng tôi không có thì giờ ngồi xem vì bận thăm viếng thắng cảnh và bạn bè. Chúng tôi vào ăn tại quán ăn Thanh Thế, có mấy món ăn đặc biệt, giá cao nhứt trong bản thực đơn, đó là canh chua tôm và cá chua ngọt, giá 120 frs, trong lúc những món khác giá 80 frs thôi. Canh đếm đúng 6 con tôm, mỗi con lớn bằng ngón tay út, cá chỉ lớn bằng bàn tay. Ăn xong tôi nói, "Xin lỗi các anh, tôm này nhỏ hơn tôm mồi tôi đi câu và cá này nếu tôi câu được phải thả lại xuống biển vì quá nhỏ (undersized)". Mọi người có vẻ không tin, nhất là tôi sợ có người hiểu lầm nên nói tiếp´’"Tôi không có ý nói tôi ăn xài sang, thật tình món tôm cá ở đây quá đát, vì nước Pháp nói riêng, Âu châu nói chung không có chính sách bảo vệ tôm cá hữu hiệu như ở Hoa Kỳ, nên tôm cá hiếm hoi".Và tôi nhớ lại thuở hàn vi, bạn bè một lần cho hai con cá chép nhỏ, lần khác biếu hai con cá rô biển tí hon, mà cả nhà chúng đều mừng rỡ. Nay cá tôi câu về ít người ăn.Thế mới hay, hiếm hoi mới trân quí, thừa thãi thì khinh chê.

    Nay, chuyện câu cá đối với vợ chồng chúng tôi như chuyện dĩ vãng. Vì từ khi nhà tôi đau đến nay không bao giờ chúng tôi đi câu lại, dụng cụ câu để một chỗ rỉ rét. Thỉnh thoảng, các bạn bè đi câu về kể chuyện lại, làm tôi hết sức nôn nao. Những khi gặp bạn bè từ xa tới thăm, tôi thường kể chuyện say sưa về câu cá và trưng ra những hình ảnh như để minh chứng về sự "vang bóng một thời" của một cặp vợ chồng trước kia mê câu. Nay về già, người ngồi xe lăn, kẻ đẩy đằng sau. Nhiều lần nhớ biển, chúng tôi lái xe đi dọc bờ biển Galveston, ghé lại những địa điểm trước kia chúng tôi thường hay ngồi câu. Có những hôm không câu được con cá nào, nhưng chúng tôi cũng ngồi nán lại cho tới sẩm tối để ngắm cảnh chiều tà và để hưởng không khí trong lành vùng biển do gió lộng từ ngoài khơi thổi vào. Đó là những năm vàng son và thanh nhàn nhất trong đời tị nạn của hai chúng tôi, là từ năm 86 đến năm 91, người hưởng phụ cấp tàn phế, kẻ lãnh lương thất nghiệp, ngày ngày vác cần đi câu, khi ra biển, khi lên hồ.

    Về hưu, tức là không làm việc mưu sinh nữa, nhưng ai cũng cần có một lối tiêu khiển nào đó để cho qua ngày tháng. Thú vui của người già có nhiều, chẳng hạn như:đọc sách báo – chơi cây kiểng hay hòn non bộ – xoa mạt chược hay chắn, tài bàn,- đánh tennis, câu cá và vân vân…Những bạn già nào còn đang ham mê hai thú vui tennis và câu cá thì hãy vui mừng, vì chứng tỏ còn khoẻ mạnh và vui tính, đó là hai đặc điểm quí giá nhứt của người già, bởi rằng sức khỏe là vàng, vui tính là tâm hồn thảnh thơi.

    Ngày 10 tháng 2 năm 2001
    Trần Phước

  • #2
    Tôi học nấu ăn

    TÔI HỌC NẤU ĂN

    Quan Niệm Về Nấu Ăn

    Đàn ông Việt Nam chủ gia đình, khi còn ở quê nhà, phần nhiều không biết nấu ăn, vì quan niệm sai lầm, sợ sẽ bị khinh khi là người đàn ông hà tiện, kiểm soát từng củ hành, từng lọ nước mắm. Việc bếp núc là phần của các bà, có tước hiệu là nội trợ. Còn đàn ông là chủ gia đình, lo các công việc ở ngoài, kiếm tiền để đem lại cơm no áo ấm cho vợ con. Danh từ khinh khi có vẻ hơi nặng nhưng không quá đáng. Chính tôi đã từng hoà giải chuyện xích mích giữa gia đình của một Hạ Sĩ Quan thuộc quyền, vì bị ông bố vợ mắng là đồ hà tiện, phát tiền chợ cho vợ, anh ta nổi quạu nên đánh vợ.

    Riêng việc nấu ăn đối với tôi không những khó khăn và nặng nhọc mà còn là sự khôn khéo và hy sinh nữa. Vì rằng, trừ những gia đình giàu có, tiền chợ của các gia đình đều hạn chế, thế mà các bà đã hết sức khôn khéo trong việc mua sắm thực phẩm, để có được những bữa cơm ngon lành cho gia đình. Há không đáng khâm phục sao?

    Nhưng đa số người đàn ông cho việc nấu ăn là thấp hèn, chỉ dành cho kẻ ăn người ở hay đúng hơn là tôi tớ. Lẽ ra những người giàu sang và có địa vị càng cao thì quan niệm sai lạc này càng lớn. Nhưng ngược lại, tại xứ nghèo khó thì quan niệm phân cách này lại xảy ra. Bằng chứng là theo tin tức mới đây, đăng ở báo Houston Chronicle ngày Thứ Sáu 23 tháng 7 năm 1999, về cuộc đình công của các bà nội trợ Mễ Tây Cơ trong 24 giờ đồng hồ, để thức tỉnh các đứng lang quân, bắt buộc họ phải nấu ăn, giặt giũ và rửa chén bát. Nguyên văn bản tin như sau:

    MEXICAN HOUSEWIVES STRIKE FOR 24 HOURS
    Mexico City (AP) - Some Mexican housewives went on strike Thursday, forcing their husbands - many for the first time in their lives - to cook meals, do laundry and wash dishes.
    The 24-hour strike was arranged by the Program for Equal Participation of Women, a Mexico City government agency, *to draw attention to the fact that housework benefits the entire family and society as a whole* said director Gabriela Delgado Ballestro.

    Studies conducted by the Program for Equal Participation of Women show Mexican men are less likely to share the burden of housework than men from most other Latin American countries, despite the fact that a growing number of Mexican women now work outside the home.

    Khác hẳn đối với các nước tân tiến văn minh, chẳng hạn như tại Hoa Kỳ này, nấu ăn là một ngành nghề, có trường dạy đàng hoàng. Đầu bếp sau khi tốt nghiệp, hành nghề có được lương cao chẳng khác gì lương kỹ sư của các ngành nghề khác; có khi lại còn được cao hơn nữa, nếu học thêm về các lớp quản trị và điều hành và được giao phó quản đốc một nhà hàng ăn như LUBY’s chẳng hạn, lương năm có thể đạt tới một trăm năm mươi ngàn ($150.000.00).

    Và một điều hiển nhiên nữa là đầu bếp tại những nhà hàng ăn lớn trên thế giới này hầu hết đều do đàn ông đảm trách. Quí bà, ai cũng biết nấu ăn qua danh hiệu nội trợ, chứ không mấy ai muốn chọn nghề nấu ăn làm kế sinh nhai. Lý do đơn giản rất dễ hiểu là mấy bà sợ hư da mặt và hai bàn tay thon đẹp vì lửa nóng và dầu mỡ. Vì đối với quí bà, sắc đẹp là trên hết.

    Nay ở tại Hoa Kỳ này, chắc rằng đàn ông Việt Nam chúng ta đã thay đổi quan niệm sai lầm kia. Và nhận thức rằng, nấu ăn là công việc chung của vợ chồng. Hình ảnh trên TV dạo nọ làm tôi nhớ mãi và hết sức khâm phục, khi nhìn thấy Sir Dennis, chồng của bà Thatcher, hồi đó là đương kim Thủ Tướng nước Anh, ông mang tấm vải trước ngực cùng vợ nấu ăn và rửa chén bát. Cảnh tượng này đối với những người Việt Nam giàu sang quyền quí chắc không bao giờ có.

    Sự thay đổi này đã thể hiện rõ rệt qua thế hệ con cái chúng ta. Chỉ nhìn vào các con trai chúng tôi cũng đủ rỏ, chúng nó đứa nào cũng giúp vợ trong công việc bếp núc. Có đứa còn bị bắt buộc đây là một cam kết trước khi kết hôn. Đòi hỏi này quá đáng, nó cho rằng làm bếp trong gia đình đối với người đàn ông là tình nguyện hay chia sẻ, chứ không phải là sự bắt buộc hay cam kết. Dĩ nhiên là nó kết hôn với một người con gái khác hiền dịu và biết điều hơn.

    Riêng tôi, dẫu có nhận thức rằng cần phải giúp nhà tôi trong việc nấu ăn, vì nhà tôi cũng đi làm như tôi mới có đủ lợi tức nuôi một bầy con đông, nhưng tôi vẫn cố tránh công việc nặng nhọc này. Cuối cùng, tôi vẫn không tránh khỏi, đúng như câu * Ghét của nào, Trời trao của đó*. Trường hợp đẩy đưa và tôi trở thành:

    Đầu Bếp Bất Đắc Dĩ

    Số là nhà tôi đột ngột đau nặng, mê man trên 4 tháng, nằm nhà thương 8 tháng mới trở về nhà, nhằm lúc con cái chúng tôi khôn lớn, lập gia đình và ở riêng. Chỉ có hai chúng tôi sống với nhau mà thôi.

    Mấy tuần lễ đầu, các con dâu của chúng tôi ở gần, mang thức ăn tới, vì lúc này tôi chưa biết nấu ăn, ngay cả đổ trứng trên dỉa tôi cũng không rành. Có những hôm trời mưa, các con dâu của chúng tôi tay bồng tay xách, rất đúng, tay bồng con dại mới sanh, tay xách giỏ đồ ăn, lại thêm có đứa con nhỏ hai tuổi níu quần mẹ, đi dưới mưa, tuy không xa lắm, chỉ từ nơi bãi đậu xe trước nhà vào cửa; cả ba mẹ con đều bị ướt như chuột lột, trông thật tội nghiệp. Tôi không bao giờ quên được hình ảnh thương tâm này. Tôi mới nói với các con dâu chúng tôi một cách tuyệt tình rằng, các thức ăn của chúng mang lại không hạp khẩu vị chút nào; vấn đề ăn uống để chúng tôi tự lo liệu lấy. Dĩ nhiên là vợ chồng chúng nó (con cái chúng tôi) cảm nhận có điều gì không ổn. Nhưng vì tôi quyết liệt từ chối, nên chúng nó đành vâng lời, ngưng mang thức ăn tới. Và có lẽ chúng nó đang để tâm quan sát tôi giải quyết vấn đề nấu ăn như thế nào, nhứt là sự ăn uống của nhà tôi, là một bệnh nhân cần được bỗ dưởng. Từ chối thì được, bây giờ phải nấu ăn làm sao đây. Dĩ nhiên là *Vạn sự khởi đầu nan*. Tôi bắt buộc phải học nấu ăn:

    Học Nấu Ăn Bằng Hàm Thụ

    Sở dĩ tôi phải học nấu ăn bằng hàm thụ vì không biết hỏi ai. Nhà tôi bệnh nặng, không những nằm liệt giường, cần bồng lên đỡ xuống, mà cả hai năm sau mới nói được. Tôi chỉ còn cách xem các chương trình nấu ăn trên TV, thấy đa số là người ngoại quốc, nói Anh văn đã khó nghe, lại thêm danh từ các đồ gia vị rất khó hiểu. Hoặc tôi mua sách nấu ăn về xem và học. Sách nấu ăn bằng ngoại ngữ rất dồi dào, chỉ vẽ cách nấu những món rất cầu kỳ và công phu, có thể hữu dụng cho các đầu bếp chuyên nghiệp. Phần tôi, chỉ cần học nấu ăn mấy món thông dụng hằng ngày của các gia dình Việt Nam mà thôi,

    Sách nấu ăn bằng Việt ngữ thật hiếm hoi. Điều này không thể trách được, vì đa số người Việt Nam chúng ta coi sự ăn uống là thứ yếu. Và nhứt là quí bà ai cũng biết nấu ăn qua sự chỉ bảo của các bậc trưởng thượng. Sự kiện này trở thành thói quen, nên ít ai chịu tìm tòi học hỏi. Cho dẫu có tác giả nào ra những quyển sách nấu ăn hay, cũng không được đón nhận nhiệt liệt như tình trạng ở ngoại quốc. Tuy vừa qua cũng có xuất bản cuốn sách nấu ăn một trăm năm mươi (150) món ăn Việt, nhưng tôi chắc rằng ít gia đình Việt Nam có được cuốn sách này.

    Sách vở chỉ dãy là một chuyện, còn việc thực hành nấu ăn là một chuyện khác, khó khăn và phức tạp hơn, nhứt là, nếu chúng ta theo lối chỉ dẫn trong sách phải đúng cân lượng và các gia vị đòi hỏi. Tôi cố gắng nấu ăn theo sách vở, nhưng không thành, hư hao không biết bao nhiêu mà kể. May, nhà tôi đang còn bệnh nằm một chỗ, nên tôi len lén đổ vào thùng rác. Nếu nhà tôi biết, chắc là tiếc lắm về sự phung phí của tôi. Bởi vậy trong suốt thời gian học nấu ăn hàm thụ này, nếu có bữa nào nhà tôi ăn ngon miệng là nhờ tôi mua thức ăn ở các tiệm ăn đem về. Mà hễ mỗi lần mua thì phải mua nhiều để đỡ tốn công, nên phải ăn nhiều bữa cùng những món ăn như nhau. Ăn đến lần thứ ba đã thấy ngấy, dẫu món ăn đó ngon cách mấy, nhưng cũng đành chịu. Điều này đã đem lại hậu quả hết sức tai hại, là nhà tôi nằm một chỗ, lại ăn uống thiếu bổ dưỡng nên nặng thêm ba mươi cân (30lbs), cho đến nay vẫn không xuống cân.

    Mỗi lần đưa nhà tôi đi khám bác sĩ, y tá cân đo thấy nhà tôi lên cân vùn vụt, tôi có hỏi bác sĩ về vấn đề này, ông bảo « Không có gì lạ, đau nằm một chỗ, ăn uống vào và thiếu vận động, chẳng khác nào như bỏ vào [saving account] chỉ có đầy mà không lưng ». Bác sĩ trả lời một cách nghiêm túc, cũng như tôi trình bày một cách trung thực, chứ không có ý bông đùa. Nghe như thế, tôi mới cảm thấy mình nhẹ tội. Nhưng dù sao sự lên cân của nhà tôi cũng do tôi không biết nấu ăn phần lớn.

    Hai năm sau nhà tôi bắt đầu nói lại được, tôi vui mừng khôn xiết vì đây là triệu chứng sức khoẻ nhà tôi dần dần phục hồi. Bắt đầu từ nay nhà tôi có thể vận động và ngồi dậy được và tôi có được thầy dạy cách nấu ăn, một vấn nạn mà mấy năm qua tôi không tự giải quyết được.

    Học Nấu Ăn Có Thầy

    Điều làm tôi vui mừng nhứt là các món ăn nấu ra nhà tôi ăn có vẻ ngon miệng. Sở dĩ được như vậy là mỗi lần nêm nấu, tôi bày ra bàn: tiêu hành, muối nước mắm và các gia vị, để cho nhà tôi tự tay nêm vào cá thịt hay canh. Chỉ cần để ý học hỏi một đôi lần là có thể biết được khẩu vị của nhà tôi như thế nào. Chứ riêng cá nhân tôi, ăn uống rất dễ dãi, tôi nói ra đây, xin quí vị đừng cười, tôi thích ăn hamburger, hot dog và chili soup hơn là cơm, bánh cuốn và phở. Khi nhà tôi chưa đau, tôi và một ông bạn nữa thường hay đi ăn ở các tiệm ăn Ấn, Iran, Nhật, Thái, ngoài các tiệm ăn thông thường như Mễ, Mỹ, Tàu và Ý. Dỉ nhiên là còn rất nhiều tiệm ăn ngoại quốc khác mà chúng tôi chưa hề đến, vì thành phố Houston có tới ba ngàn (3.000) tiệm ăn lớn nhỏ. Ngay cả dân Mỹ chính cống từ các Tiểu Bang khác đến đây cũng đều lác mắt về số lượng tiệm ăn của nơi đây.

    Ngoài những món ăn cầu kỳ hay cao lương mỹ vị, các nước trên thế giới hầu như đều dùng những thực phẩm giống nhau như: bò heo, gà vịt, cá tôm và rau cải đủ loại. Nhưng cách thức nấu ăn và dùng gia vị của mỗi nước mỗi khác. Cùng một miếng thịt bò mà ăn tại Mỹ, tại Pháp, tại Tàu hay tại Ý, mỗi nơi mùi vị mỗi khác. Việt Nam chúng ta có những tiệm ăn Thịt Bò Bảy Món, sau khi họ đã thử đi thử lại trong số mấy chục món thịt bò, rất được nhiều thực khách ưa chuộng. Nay, nghe nói ở Los Angeles có các tiệm ăn Cá Bảy Món nữa, tôi chưa được thưởng thức, mong rằng nay mai ở Houston cũng sẽ có các tiệm ăn đặc biệt này.

    Ban đầu nấu ăn, nhà tôi bảo tôi hãy nhớ những gia vị sau đây cho mỗi loại thực phẩm, như thịt bò ăn với tỏi, gà với chanh, vịt với gừng, heo, cá tôm với hành. Về món canh trông rất dễ, nhưng thật là phức tạp vì phải biết cách trộn lẫn các món rau với nhau cho hoà hợp, nếu không thì nuốt không trôi và nhứt là gia vị cuối cùng khi nêm vào nồi canh. Bởi vậy nên có câu:

    Canh bầu nấu với rau hao.
    Bí ngô thì tỏi, bí đao thì hành.

    Quí vị hãy thử, canh chua mà nêm tỏi thì nuốt sao trôi. Hoặc thịt vịt mà ăn với chanh muối thì kém thi vị ngay.

    Ngoài nhà tôi ra, tôi còn học nấu ăn nơi các bạn bè nữa. Vì rằng *Học thầy chẳng tầy học bạn*. Số là tôi hay xoa ở nhà, mạt chược là một trong hai thú vui của tôi, có thể nói được là tôi mê nữa. Nay nhà tôi đau, tôi không thể đi câu cá bên ngoài được vì không có ai ở nhà với nhà tôi. Nhờ bạn bè có cảm tình, thỉnh thoảng có ba người, đôi khi có bảy người lại nhà tôi để xoa. Là gia chủ tôi bắt buộc phải nấu ăn. Vừa lo săn sóc nhà tôi, vừa nấu ăn và vừa xoa, tôi hết sức bận rộn, đầu óc thiếu tỉnh táo, nắm chắc phần thua. Nhưng bù lại, các bạn bè chỉ thêm cho tôi nấu những món ăn thông thường ở nhà họ, mà đối với tôi là những món ăn lạ, chẳng hạn như món chả cá thìa là, bún riêu, bún ốc. Ngay cả nhà tôi cũng rất ít khi nấu những món ăn này, có chăng chỉ nấu cơm hến hay canh mít. Vì mỗi địa phương đều có một vài món đặc biệt, thông dụng nhứt là món phở của người Bắc, món bún bò của người Trung và món hủ tiếu của người Nam. Nếu ăn phở, phải đúng phở Bắc, ăn bún phải đúng bún bò Huế, ăn hủ tiếu phải đúng hủ tiếu Mỷ Tho.

    Một số bạn bè, kể cả quí ông quí bà cảm thông hoàn cảnh của tôi, họ chỉ bảo cho tôi hết sức tận tình, bằng cách tự nấu lấy, còn tôi chỉ đứng bên cạnh để học hỏi. Bạn bè đến chơi, thông thường cũng chỉ ăn quanh đi quẩn lại bốn năm món mà thôi, như thịt bò nướng, gà luộc năm phút, cá nục kho khô, cá catfish kho hành và canh rau năm ba loại. Nhưng điều tôi mong mỏi nhứt là trước khi đến nhà tôi chơi, có anh chị nào sẵn lòng ghé qua các tiệm ăn mua các thức ăn đem tới. Như vậy tôi đỡ mất công nấu nướng và nếu như có ai ăn không ngon miệng cũng không sao, tôi không áy náy trong lòng, vì đây là thức ăn mua ở ngoài.

    Các bạn xoa hết sức tế nhị, không bao giờ họ chê các thức ăn tôi nấu, nhưng tôi cũng tự biết, là bữa ăn nào còn đồ ăn thừa nhiều, tức là tôi nấu ăn dở. Nhưng về món cháo trắng (cháo hoa) ăn với cá nục kho khô và món cháo đặc ăn với gà luộc chấm oyster sauce trộn dầu mè, ăn không khi nào còn thừa. Vì thường hay xoa qua đêm, đến khoảng một hai giờ sáng nghỉ giải lao, tôi thường dọn ăn hai món cháo trên, vì lúc đó ai cũng cảm thấy đói, ăn gì cũng ngon, huống nữa lại được ăn cháo nóng. Thật ra *đói là gia vị rất ngon*, chứ không phải tôi nấu ăn ngon. Đôi khi xoa bị xui xẻo, một vài bạn trách đùa tôi rằng *Hôm nay tô cháo đắt quá*. Tôi chỉ cười trừ, đợi khi họ hên may, tôi lại bảo *Hôm nay chẳng những ăn cháo nóng free mà còn được bù thêm tiền nữa, sướng chưa*. Dĩ nhiên là các anh cũng chỉ đáp lại bằng nụ cười khoái chí mà thôi.

    Học nấu ăn qua nhà tôi và bạn bè, học mấy cũng không hết Nhưng vì tò mò, tôi còn học lóm thêm, chẳng những không được chỉ bảo mà còn bị mắng khéo nữa.

    Học Lóm Nấu Ăn

    Học lóm tức là học chùng học lén, không chính thức, không ai chỉ bảo, hay nói một cách giản dị là bắt chước. Tuy nhà tôi đau ốm, ngồi xe lăn và di chuyển khó khăn, nhưng thỉnh thoảng chúng tôi cũng được mời dự những bữa tiệc gia đình. Cặp vợ chồng nào tới dự tiệc cũng mang theo một món ăn, hoa quả hay đồ tráng miệng để góp vui với gia chủ, bằng cách làm cho bữa tiệc thêm phong phú với nhiều món ăn lạ và đặc biệt. Riêng vợ chồng chúng tôi luôn luôn đến dự tiệc với bàn tay không. Khi bước vào nhà, nhiều thực khách lạ nhìn chúng tôi với cặp mắt đầy ngạc nhiên, nhưng chúng tôi vẫn điềm tĩnh. Sự đóng góp thức ăn cho các bữa tiệc gia đình hầu như đã trở thành thói quen của cộng đồng người Việt hải ngoại chúng ta. Phải chăng đây là một mỹ tục? Tôi không dám phê bình. Nhưng theo tôi, khi một ai đáp lời mời đến nhà tôi dùng bữa ăn, tôi rất cám ơn người dó, vì họ đã bỏ thời giờ quí báu ít ra là từ 4 tới 5 giờ đồng hồ. Và tôi không bao giờ trông vào sự đóng góp của họ. Nếu nghĩ rằng sự việc đóng góp phần ăn, ngầm có ý nghĩa sòng phẳng, không ai nợ ai, tức là tình thân sẽ giảm đi. Cảm tình mới đáng quí, làm sao mà sòng phẳng cho được. Bởi vậy tuy tôi không rành nấu ăn, nhưng thỉnh thoảng chúng tôi cũng mời một số bạn bè, ăn uống họp mặt tại các nhà hàng ăn buffet Tàu hay Mỹ. Nơi đây có nhiều thức ăn, tha hồ lựa chọn, nhưng thiếu sự thoải mái, nên nhiều khi tôi cũng mời ăn uống tại nhà, đương nhiên là do một mình tôi quán xuyến, cũng dễ thôi. Khó nhọc nhứt là một mình bưng bàn, khiêng ghế. Phần nấu nướng cũng đơn giản. Nếu muốn ăn món Huế thì chỉ nấu một nồi bún bò Huế, cộng thêm các món ăn phụ mua ở ngoài, chợ nào cũng có, như bánh bèo, bánh nậm (bánh lá), bánh bột lọc, bánh ít, chả quế, chả lụa và trái cây ăn tráng miệng. Nếu muốn ăn steak thì chỉ cần mua một cục thịt bò lớn, rib eye, sirloin hay T-bone, loại angus, đút vào lò là xong. Món thịt ăn chung với khoai nướng, bắp hay đậu luộc, có thể ăn thêm món soup và salad. Tráng miệng thì ăn bánh ngọt, ice cream; nếu có công một chút, thì đãi ăn kem flan hay đậu hũ.

    Tôi không mời ăn cơm thình lình, luôn luôn có gửi giấy mời trước hai tuần lễ và bao giờ tôi cũng hết sức khổ sở phải ghi thêm câu * Xin vui lòng đừng mang thức ăn tới*. Thật khó chịu và áy náy, nhưng vì như trên có trình bày. Giả dụ nếu không ghi chú, hôm đó tôi đãi ăn steak lại có người mang tới một món thịt bò kho, thì ăn vào lúc nàọ

    Trở lại vấn đề tôi học lóm nấu ăn, cũng nhân dịp dự các bữa tiệc gia đình tôi thấy rất nhiều món ăn, nhưng lui tới cũng chỉ trên mười món ăn thông thường mà thôi, như gỏi đồ biển, thịt bò nướng từng miếng nhỏ, thịt heo quay, vịt quay, thịt gà luộc, gà nấu cari, mì hay miến xào, xôi vò hoặc xôi đỏ, bánh mì, món soup và pâté chaud. Đối với tôi món pâté nóng tiện hơn cả vì cầm ăn khỏi dùng dao nĩa. Tôi rất thích ăn pâté chaud hay croissant vào buổi sáng sớm với ly cà phê sữa nóng ngay từ hồi còn ở quê nhà, những lúc đi phi cơ chuyến sớm, ăn tại phi cảng.

    Tôi để ý trong số bạn bè trên một chục cặp vợ chồng thường tổ chức ăn uống qua lại với nhau, món pâté nóng này luôn luôn do một bà đem tới. Sau khi ăn bằng lối buffet xong, tức là tự mình lấy đồ ăn và ngồi đâu cũng được, chúng tôi kéo ghế lại, ngồi sát nhau bên cạnh một cái bàn thấp để ăn tráng miệng và uống nước trà. Giờ này cũng là giờ hàn huyên của quí ông và cũng là dịp khen ngợi nhau các món ăn của quí bà vừa mang lại, món pâté chaud được đề cập tới nhiều nhứt. Vì thích ăn món này nên tôi cũng để ý và lắng tai nghe. Nhà tôi ngồi cạnh, không phản ứng gì vì chưa nói năng được. Trong lúc bàn luận, bà *tác giả* làm bánh pâté nóng không nói một lời nào, đến khi được gạn hỏi, bà ta trả lời * Làm khó lắm, nếu mấy chị muốn ăn thì tôi sẻ làm, đem lại cho mấy chị ăn*. Câu nói nghe có vẻ thanh và thảo, nhưng thật khó nghe. Mọi người chưng hửng, bầu không khí đang vui nhộn bỗng trở nên nặng nề. Im lặng chốc lát, rồi quí bà xoay qua chuyện khác, chuyện gia đình và chuyện mua sắm.

    Khi tan tiệc trở về, nhớ lại chuyện vừa qua tôi hết sức hối tiếc về sự vô ý của tôi. Bấy lâu nay trong những bữa cơm họp mặt gia đình chúng tôi hằng năm đôi ba lần vào dịp Thanksgiving, Christmas hay hè, chúng tôi thường ăn bánh pâté chaud do các con dâu chúng tôi làm, nhưng tôi không hề để ý học hỏi. Nay tôi có thể điện thoại hỏi bất cứ con dâu nào, tôi tin chắc rằng cũng sẽ được chỉ dẩn tận tường. Nhưng tôi nghỉ lại chẳng mấy gấp gáp vì rồi đây tôi sẽ có dịp học hỏi trong dịp họp mặt gia đình lần tới.

    Bỗng nhiên, một hôm, một bà bạn điện thoại chỉ dẫn cho tôi cách thức làm bánh pâté chaud này. Tôi rất ngạc nhiên vì bà ta là một trong những bà đã từng hỏi cách làm mà không được bà *tác giả* trả lời. Bà bạn này là người rất tốt, cởi mở, rộng rãi và hiếu khách thường hay mời chúng tôi ăn uống tại nhà. Khi nghe bà kể lại đầu đuôi câu chuyện, tôi mới vỡ lẽ.. Hôm đó đi chợ mua sắm, bà ghé lại nhà bà kia (bà làm bánh pâté chaud) có chút việc, nhằm lúc bà này đang làm bánh pâté chaud dở dang, vì đột ngột nên không kịp cất dọn. Và cũng vì phải canh chừng vỉ bánh đang nướng nửa chừng ở trong lò, nên hai bà nói chuyện ở phòng ăn cạnh bếp. Nhờ vậy bà bạn này vừa chuyện trò, vừa để ý đến mấy hộp giấy có nhãn hiệu, đựng những mảnh bột mì nhồi sẵn, dùng làm vỏ bánh pâté chaud. Khi về đến nhà bà bạn này gọi cho tôi ngay, với giọng nói rất vui vẻ như tuồng vừa mới khám vỡ được một màn bí mật.

    Hồi còn ở Việt Nam, nhà tôi thường làm bánh pâté chaud này bằng cách nhồi bột để làm vỏ bọc bên ngoài, thật khó nhọc. Thứ nhất, phải biết công thức pha chế bột, thứ hai, phải nhồi nặn công phu. Bánh trái làm ở Hoa Kỳ này, phần nhiều dùng những phẩm vật được chế biến sẳn, chẳng qua mình không biết hay không để ý tìm kiếm mà thôi. Nay đã biết nhãn hiệu của nó *Puff Pastry SHEETS* của Pepperidge Farm, xin đừng nhầm lẫn với *Puff Pastry SHELLS* cùng hãng, chỉ cần đến bất kỳ siêu thị nào tìm mua cũng có. Còn nhân nhụy, chỉ là thịt xay trộn thêm gia vị, đại khái như nhân nhụy làm bánh bao,bớt trứng hay nhân nhụy chả giò bớt rau cải.

    Một hộp giấy đựng loại vỏ này có hai tấm, hình chữ nhật, mỗi tấm gấp ba, cắt làm ba thành mười tám (18) tấm vuông vắn. Bỏ nhân thịt vào giữa, gấp lại thành hình tam giác, kẹp mí vỏ lại cho kỹ, rồi bỏ vào lò nướng đun nóng trước (preheat) 250 độ F. Nướng từ 20 đến 25 phút là được. Mấy lần đầu tôi làm bánh này một cách vụng về, nhân thịt lồi ra ngoài, hoặc vỏ bánh trắng bạch hay bị cháy đen. Mãi cho đến khi nhà tôi biết nói mới chỉ bảo cho tôi cách kiện toàn, dùng mũi nĩa dập hai mí vỏ bánh cho dính lại với nhau. Khi nướng, nhớ canh chừng giờ giấc cẩn thận. Ví dụ thời gian nướng bánh định 25 phút; vào lúc 20 phút, dùng ngòi đỏ trứng gà đánh nhuyển phết lên ngoài vỏ bánh, nướng thêm 5 phút nữa, bánh vừa chín, lại có vỏ màu vàng trông rất hấp dẩn. Khi đã biết cách làm thành thạo, tôi liền điện thoại tin cho một số các bà muốn biết. Sau đó ai cũng biết cách thức làm bánh này.Và kể từ đó không còn thấy bà *tác giả* kia đem lại bánh pâté chaud này nữa trong các bữa tiệc họp mặt giữa số bạn bè chúng tôi.

    Nay ngẫm nghĩ lại tôi mới hiểu, các bà ai cũng có một vài món ăn đặc biệt muốn giữ độc quyền hầu làm tăng thêm tài gia chánh cho mình, dĩ nhiên là không muốn cho người khác biết. Nếu bị cật vấn, tức là đặt để họ vào trường hợp khó xử, làm sao họ không bực mình được. Nghĩ lại, học lóm thật là nhiêu khê, từ nay tôi xin chừa.

    Từ chuyện nhỏ, nghĩ tới chuyện lớn, chẳng hạn như, vì vấn đề cạnh tranh nghề nghiệp, ở Huế có làng La Khê chuyên sản xuất loại bột gạo trong tinh, gọi tắt là bột lọc, hay Bột La Khê, vì dùng tên làng làm nhãn hiệu, chỉ truyền nghề cho con trai, chứ không truyền nghề cho con gái. Vì con gái sẽ đi lấy chồng xa, ở các làng khác, sẽ mách lại cho bên nhà chồng bí quyết làm bột này. Đây là cách bảo mật, cho dẩu con gái của làng khác về làm dâu các gia đình ở làng La Khê, nếu có giúp đỡ chồng trong công việc sản xuất bột cũng chỉ đảm trách những việc lặt vặt mà thôi, nhưng tôi nghĩ rằng dầu kín đáo cách mấy cũng có sự sơ hở. Rộng lớn hơn nữa, có một số thầy thuốc ta rất giỏi dùng ngoại khoa để chữa bệnh. Nhưng nếu có ai hỏi tới, thầy thuốc sẽ bảo đây là thuốc giấu và cần giấu thuốc mới hiệu nghiệm. Đây là quyền lợi kể cũng chính đáng, nhưng bí mật đến nỗi không truyền lại cho bất cứ một ai trước khi qua đời thì thật đáng tiếc nếu như không muốn nói là ích kỷ. Bởi vậy có những môn thuớc rất hiệu nghiệm xưa kia, nay không còn lưu dụng nữa. Nên có nhiều thầy thuốc ngoại quốc đã có câu nói sau đây, chúng ta cần suy ngẫm *Người Việt Nam nằm trên đống thuốc mà chết*

    Lơ Đễnh & Làm Phách

    Sau một thời gian dài vừa học hỏi vừa thực tập nấu ăn, nhưng vì già cả nên lơ đễnh. Có nhiều bữa tôi vội vã nấu các thức ăn, mong dọn ra cho nhà tôi dùng cho được nóng sốt. Thức ăn đã sẵn sàng, đến khi bắt đầu xới cơm ra bát, dở nắp đậy nồi cơm vừa nấu, thì ôi thôi, chỉ là nồi nước lã, đựng gạo sống, vì tôi quên bấm nút điện khi bắc nồi cơm lên lò điện. Không cần nói, ai cũng biết, tôi bị thầy dạy nấu ăn khiển trách. Nên từ đó, tôi luôn luôn có cơm nguội để trong tủ lạnh. Gặp trường hợp như trên, tôi lấy cơm nguội này bỏ vào microwave hâm lại 2 phút, cơm sẽ nóng hổi không thua gì cơm vừa nấu.

    Có một vài món ăn tôi làm phách tự pha chế phần gia vị. Chẳng hạn như món canh chua, thay vì dùng loại gia vị canh chua đựng trong một cái lọ nhỏ bằng chai, hay bột nấu canh chua, được bày bán bất cứ tại chợ thực phẩm Á Đông nào, nhưng tôi đã dùng chanh thật nhiều thay cho loại gia vị kia. Hoặc khi kho cá khô, tôi bỏ thêm vài lát thịt ba chỉ, vì nghĩ rằng có chút mỡ sẽ làm cho cá ngon hơn. Khi ăn, thầy dạy nấu ăn khám phá ra ngay vì mùi vị khác lạ, không nuốt trôi tô canh và cá ăn chỉ nửa phần. Những hôm đó, tôi làm *em bé Saigon*, đợi nhà tôi ăn xong, rồi tôi ăn những thức ăn còn thừa lại, không phải để trừng phạt mình, nhưng để minh chứng rằng chính tôi thích món ăn nấu bằng cách này. Tôi ngoan cố thật, vì như trên có đề cập, có những món ăn chỉ hợp với một loại gia vị đặc biệt nào đó, không thể pha lẫn bậy bạ được.

    Sở dĩ có danh từ *em bé Saigon* là các bạn bè đã từng trở về thăm quê nhà, khi ghé lại Saigon vào dùng bữa tại các tiệm ăn. Ở tại tiệm ăn nào cũng có vài em bé lân la dưới góc bàn, chờ khi thực khách ăn xong, mới xin ăn những thức ăn thừa cặn còn lại. Nghe kể vậy, thật là xót xa cho đồng bào và quê hương mình đang sống trong cảnh nghèo khổ đói rách. Và kể từ khi nghe chuyện này, tôi cố gắng hết sức để không phí phạm thực phẩm như trước, nấu ra thật nhiều hay làm hư hỏng rồi vứt đổ đi.

    Có nhiều bữa nhà tôi ăn không ngon miệng vì nhiều lý do, nhưng một phần cũng vì tôi nấu ăn không đúng, bữa đó tôi lại nói đùa, tôi làm em bé Saigon. Nhà tôi cải chính ngay rằng *Vì không khoẻ trong người, ăn không ngon, chứ không phải tôi nấu ăn dở*, có ý làm cho tôi vui. Chính tôi tự hiểu, tức là món ăn đó không còn xuất hiện trên bàn ăn trong suốt tuần lễ sau đó và tôi sẽ tìm cách sửa đổi. Đối với tôi, nấu ăn cho ngon đã là khó, nấu ăn cho một số ít người ăn như trường hợp hai người chúng tôi lại càng khó và nấu ăn cho thầy dạy nấu ăn lại càng quá khó. Nói như thế, không phải nhà tôi khó tính trong vấn đề ăn uống; tôi có ý nói rằng nhà tôi đã từng nấu ăn, nấu những món mình ưa thích, nay về già, đau ốm, không tự túc được, nên bắt buộc phải ăn những món ăn không hợp khẩu vị do tôi nấu. Dẫu tôi có cố gắng cách mấy, hay học bao lâu nữa cũng không thể nấu ăn bằng và hợp khẩu vị nhà tôi được. Thật tội nghiệp.

    Tuy học nấu ăn không thành thạo, nhưng tôi cũng xin ghi lại sau đây ba món ăn, để quí ông gặp trường hợp *emergency* như tôi, nên thử nghiệm, chứ tôi không dám múa rìu qua mắt thợ là quí bà, những người nấu ăn tài ba. Xin lưu ý, những loại thực phẩm như thịt, cá catfish hay gà và một số gia vị. ghi dưới đây chỉ là căn bản. Nhưng về mùi vị hay phẩm chất thì tùy đó mà gia giảm theo khẩu vị của mỗi người. Muốn thế, cần phải thực hành ít ra vài ba lần mới hợp với ý mình được. Bởi vậy nên cũng đừng ngạc nhiên khi nấu ăn một hai lần đầu không thành công. Tôi xin đề nghị, nếu nấu hỏng thì nên đổ đi, chứ ráng ăn vì tiếc của, đâm ngấy, sau đó không muốn tiếp tục nấu món ăn này nữa.

    Sau đây là một vài món ăn thông thường :

    ROASTBEEF hay chính xác hơn PRIME RIB ROAST

    Làm cho nhiều người ăn, hay nói đúng hơn phải từ 5lbs thịt bò trở lên. Lấy căn bản này, hãy mua một cục thịt nguyên (block) 5lbs Rib Eye, cho 6 thực khách. Loại thịt này dễ làm roastbeef và ngon hơn cả. Thịt sirloin đắt, nhưng khô, ít người thích

    Sữa soạn: (preparation).
    Rửa sạch miếng thịt kể cả mỡ (fat), để cho ráo nước. Xong, dùng dây gai bền loại nấu ăn, (loại dây này một cuộn xài cả 10 năm chưa hết, nếu không có thì dùng dây nylon loại nhỏ mua ở Home Depot hay Lowes, khoảng $3.00/cuộn) buộc thật chặt thành những vòng tròn cách nhau chừng 2cm, để giữ nước lại bên trong miếng thịt khi nướng, nhờ thế mới ngon, đây là bí quyết. Còn về thẩm mỹ, miếng thịt cắt ra có hình bán nguyệt, trông xinh. Bây giờ mới ướp thịt (seasoning) tùy theo khẩu vị, vì có nhiều loại seasoning, nhưng nên dùng steak seasoning hiệu gì cũng được, chợ Super market nào của Mỹ cũng có bán ở quầy Spices, rắc bột seasoning thật đều tất cả mọi mặt của miếng thịt. Rồi, để vào tủ lạnh (frigidaire), chứ không phải tủ đá (freezer) ít nhất là 2 giờ đồng hồ trước khi nướng (nếu không gấp gáp thì có thể để qua đêm, gia vị sẽ thấm hơn).

    Nướng thịt: Bật lò thường lên 350 độ F trong 1 giờ đồng hồ (preheat) cho lò nóng đều trước khi bắt đầu nướng. Khi bỏ cục thịt vào lò, xuống ngay độ lửa, còn lại 325 độ F.

    Thời gian nướng thịt: Cứ 1lb là 18 phút. Ví dụ 5lbs là 90 phút hay 1 giờ rưởi . Sau thời gian nướng qui định, tắt ngay lò, nhưng cục thịt vẫn để nguyên trong lò thêm 1 giờ đồng hồ nữa, mới đem ra ăn. Với nhiệt độ và thời gian nướng này, thịt sẽ chin vừa ở mức MEDIUM, ai cũng có thể thích. Nếu muốn chin MEDIUM RARE, tức là còn máu tươi, thì hạ nhiệt độ xuống còn 300 độ F, thời gian nướng để nguyên. Nếu muốn chin WELL DONE (chin tái bầm) thì tăng giờ nướng của mỗi lb thịt thêm 4 hoặc 5 phút nữa ở độ lửa 325 độ F, chứ không nên tăng độ lửa cao hơn quá 325 độ F. để tránh quá chin mất ngon. Bỡi vậy, trước khi tắt lò sau giờ nướng qui định, nên thử thịt chin hay còn sống, bằng cách dùng dao khứa sâu vào thịt để xem bên trong, nếu thịt tuy hồng đào, còn chút nước sắp khô, tức là chin đúng, nếu còn rỉ nước là chưa chin, lúc đó mới tăng thêm giờ nướng (ít khi gặp, nếu dùng máy đo nhiệt độ sẽ chính xác hơn, sách có chỉ dẫn).

    Lời dặn; Khi thực hành, xin đọc kỷ và lưu ý đến những hàng chữ đậm nét nghiêng hay có gạch phía dưới. Cám ơn

    CÁ KHO HÀNH

    Mua một con cá bông lau hay catfish chừng ba hay bốn lbs. Đánh da bằng nước nóng cho đến khi thật trắng, rửa sạch với nước muối pha dấm, để đỡ hôi tanh. Vứt đầu, rồi cắt thành từng khúc dày khoảng 1 inch trở lại, trung bình là sáu (6) khúc, khúc đuôi lúc nào cũng dài hơn. Dĩ nhiên là còn lớp da bọc bên ngoài, để khi kho lát cá còn nguyên vẹn, khỏi vỡ ra. Sau đó không muốn ăn da thì vứt bỏ đi.

    Gia vị: Nước mắm (tôi không dùng muối), đường, ớt trái khô và nước màu, tức là đường xên thành nước đen, cọng thêm củ hành tây lớn và dầu ăn (vegetable oil).

    Cách pha chế tô nước gia vị: Dùng một cái tô lớn để trộn ba hay bốn thìa canh nước mắm với ba hay bốn thìa canh đường (tùy theo con cá lớn hay nhỏ) và mười (10) trái ớt khô xé nhỏ, cọng thêm hai thìa nước màu (tùy theo đậm lợt, để khi cá kho xong có màu vàng lợt trông hấp dẫn hơn, nhưng có hay không cũng được). Nếu kho lần đầu thì nên pha tô nước màu này trước, kẻo khi hành xào đã trở thành màu vàng mà gia vị chưa sẵn sàng, hành sẽ cháy đen, ăn đắng.

    Cách nấu: Cắt củ hành tây thành những mảnh nhỏ vuông bằng đầu ngón tay. Bỏ vào một cái soong (soong này sẽ dùng để kho) xào với hai muỗng canh dầu ăn (số lượng dầu nhiều hay ít tùy theo củ hành lớn hay nhỏ). Xào cho tới khi nào hành trở thành màu vàng, lúc đó mới đổ tô nước gia vị vào soong này, dĩ nhiên là phải thêm nước lạnh, dung lượng nhiều ít tùy theo con cá to hay nhỏ sắp kho. Nghĩa là tô nước gia vị này, kể cả nước lạnh phải lút cá khoảng 1/2 inch. Đợi cho soong nước sôi đã mới bỏ cá vào. Lúc đó mới biết được mức nước ít, nhiều hay vừa. Vậy tốt hơn là khi pha tô nước màu đừng thêm nước lạnh nhiều quá, chỉ ít thôi, chờ khi bỏ cá vào soong rồi châm thêm cho vừa.

    Khi bỏ cá vào soong, dĩ nhiên là nước sẽ nguội. Đợi sôi lại chừng hai (2) phút sau, bớt lửa xuống trung bình, đậy nắp soong lại, kho 30 phút nữa thì được. Hay nói một cách khác, thời gian kho khoảng từ 35 đến 40 phút, kể từ khi bỏ cá vào soong, lúc nước chưa sôi. Không nên kho quá 40 phút vì cá quá chín, sẽ cứng ăn mất ngon. Tôn trọng độ lửa và thời gian kho này, kết quả: một là nước cạn trước thời gian, cá sẽ cháy, hai là sau 40 phút kho, nước vẫn còn nhiều lõng bõng. Cả hai trường hợp đều không đúng, căn cứ vào sự kiện này để điều chỉnh mức nước cho lần kho sau. Nếu kho đúng thì hành xào sẽ trở thành chất lỏng sền sệt, và ta nhìn thấy nước sôi lúp xúp với những bong bóng nhỏ quyện lại.

    Còn mùi vị, mặn lạt, ngọt cay tùy theo khẩu vị của mỗi người. Vậy nên nếm thử sau 15 phút kho, rồi tùy theo đó mà gia giảm gia vị. Có người cho rằng số lượng mười trái ớt khô là quá nhiều. Không phải, kho ớt nhiều như vậy để giảm mùi tanh của cá. Khi kho xong mình có thể không ăn ớt, nhưng nếu không có ớt sẽ mất ngon.


    GÀ LUỘC NĂM (5) PHÚT

    Mua một con gà thường tại bất cứ một siêu thị nào, khoảng trên ba đôla. Rửa thật sạch bằng nước muối, để cho khô ráo trước khi luộc chừng một tiếng đồng hồ.

    Cách luộc: Đun một nồi nước thật sôi, sôi đi sôi lại nhiều lần, sau đó mới bỏ con gà vào nồi nước sôi. Đợi khi nước sôi lại mới bắt đầu canh chừng, luộc đúng NĂM PHÚT, sau đó tắt lửa, đậy nắp thật kín, rồi dời nồi nước sôi sang bếp nguội. Sau thời gian khoảng 1 giờ 15 đến 1giờ 30 phút, gà sẽ chín. Vớt gà để ra ngoài, đợi cho khô ráo, lúc đó da gà sẽ căng phồng và bóng láng (không cần phải bỏ con gà luộc này vào tủ đá đẻ cho da căng phồng như một số người thường làm).

    Lưu ý: Luộc gà theo lối này da gà sẽ không bị nứt nẻ, thịt bên trong vừa chín mà không bị xải (khô) vì đã có lớp da bọc bên ngoài. Muốn được da gà căng phồng và bóng láng thì phải để cho da gà được khô ráo trước khi luộc như vậy mới thành công. Vì nếu da gà còn ướt, khi bỏ vào nồi luộc, độ nước không đủ nóng để thấm vào da gà trong năm phút sôi ngắn ngủi, da gà sẽ không căng phồng và bóng láng. Vậy mức nước cần phải lút con gà.

    Muốn tránh khỏi bị hồng đào (khi chặt thịt ra và nhìn thấy), nên dùng con dao nhỏ và nhọn đâm vào hông gà mỗi bên vài mũi trước khi luộc, cho máu ứ bên trong tiết ra.Thật ra phần hồng đào ấy cũng đã chín rồi. Nếu gặp phải, chỉ cần nhúng lại vào nước sôi, rồi đem ra ngay. Vì nếu để lâu, chẳng khác nào như luộc gà lần thứ hai, quá chín, ăn sẽ mất ngon. Gà luộc thông thường ăn xé phay, trộn với muối tiêu, chanh, rau răm và hành thái nhỏ, nhưng cũng có thể chặt ra từng miếng, ăn với oyster sauce trộn dầu mè, rất ngon.


    Một Vài Nhận Xét

    Nấu ăn ngon không những chỉ tùy thuộc vào phẩm chất tươi tốt của phẩm vật và sử dụng đúng cân lượng của gia vị, mà còn tùy thuộc các yếu tố phụ nữa sau đây:
    - Thời gian sửa soạn hay chuẩn bị, nấu ăn gấp gáp không thể ngon được. Vì có những món ăn cần có thì giờ từ một vài tiếng đồng hồ cho tới đôi ba ngày để ủ ướp cho phẩm vật thấm gia vị và trở nên mềm dịu trước khi nấu.
    - Độ nóng và thời gian nấu là yếu tố quan trọng thứ hai sau cách thức sử dụng gia vị trong nghệ thuật nấu ăn. Thịt xào được mềm, gà chiên được dòn và ẩm dịu (moisture), rau cải luộc được dòn và xanh đều do độ nóng của nước sôi hay dầu mỡ trong soong chảo và thời gian nấu; nếu không rành, thực phẩm chưa chín hoặc quá chín. Bởi vậy những thực phẩm chế biến sẵn đựng trong các hộp giấy hay chai lọ, đều có ghi cách nấu ăn; độ lửa và thời gian ghi rất chính xác đối với lò nấu ăn thông thường (conventional oven), nhưng đối với microwave oven, bao giờ cũng ghi thay đổi tùy theo, vì độ nóng của mỗi loại microwave oven mạnh yếu khác nhau, đã được điều chỉnh trước.
    - Dụng cụ nấu ăn tức là gồm tất cả máy móc, nồi niêu soong chảo và lò bếp. Cắt bào xay trộn bằng tay không thể nào bằng máy được. Cũng như soong chảo, lò bếp dùng cho một gia đình không thể to lớn và đầy đủ như của một nhà hàng ăn. Bởi vậy dẫu ai có tài nấu ăn giỏi và khéo léo cách mấy cũng không bằng đầu bếp của các nhà hàng ăn, vì họ có đầy đủ dụng cụ nấu ăn hổ trợ nên nấu ăn ngon hơn. Và nhứt là phẩm vật như thịt bò, thịt heo, gà và tôm cá và ngay cả rau cải đều tươi tốt hơn những phẩm vật bày bán ở các super market hay quán chợ bên ngoài, vì những nhà hạ thịt (slaughter house) hay các vựa nuôi gà vịt hay những vườn rau cải đều có hợp đồng cung cấp hàng sỉ những phẩm vật tốt nhứt cho các nhà hàng ăn, còn không đủ số lượng, đâu còn thừa mà bán ra bên ngoài. Đó là lý do chính tại sao mọi người đều thích đi ăn tiệm, vì ngon hơn, mặc dầu tốn kém. Đối với tôi, mỗi lần đi ăn tiệm là mỗi lần bớt được sự khổ nhọc bếp núc và rửa chén bát mà ai cũng muốn tránh.
    - Nước sôi. Thói quen, có nhiều người luộc rau cải hay thịt thà từ trạng thái nước lạnh. Sự kiện này làm cho thực phẩm chai lỳ vì thời gian ngâm trong nước lâu, từ nguội đến hâm hẩm rồi mới tới nóng. Nấu ăn ngay từ trạng thái nước nóng bao giờ cũng ngon hơn, kể cả thức ăn nướng cũng vậy, nên phần nhiều là mở cho lò nóng trước (preheat).

    Tôi, nay đã già ngoài bảy mươi, có một gia đình đông, con cháu ở rải rác trên bảy Tiểu Bang Hoa Kỳ và ở Pháp, lẽ ra tôi được vui thú điền viên, hoặc chống gậy đi thăm con thăm cháu đó đây. Nhưng không ngờ tôi đã trở thành một ông nội trợ bất đắc dĩ, mà công việc nấu ăn lại chiếm rất nhiều thì giờ. Không những thế, đầu óc tôi luôn luôn bận rộn, mới ăn xong đã phải nghĩ ngay tới bữa ăn kế tiếp sẽ nấu món gì vì tôi không biết biến tiệp. Ngay cả khi ngủ đầu óc vẫn suy tính; lúc ba bốn giờ sáng, tôi thường hay thức giấc đến mở tủ đá lấy phẩm vật bỏ ra ngoài. Nếu không, sáng dậy, phẩm vật vẫn còn đông đá không thể kho nấu được. Khi trở lại giường, không ngủ được, nhiều lần tôi tự than “Ôi chuyện đời sao trớ trêu’ !.

    Ngày 8 tháng 8 năm 1999.

    Comment



    Hội Quán Phi Dũng ©
    Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




    website hit counter

    Working...
    X