Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Bên này chiến hào

Collapse
X

Bên này chiến hào

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Bên này chiến hào

    BÊN NÀY CHIẾN HÀO - CAO MỴ NHÂN


    Bên thềm ngày lịch sử 30-4 dương lịch, nói chung chung đó là một ngày lịch sử thật, không ai có thể gạt nó, 30-4 qua một phạm trù khác. 30-4 của lịch sử Việt Nam, còn hiểu theo cách nào, thì tùy thuộc đôi bên chiến hào.

    Do đó, tôi ở bên này chiến hào. Tôi rất khó chịu, bực bội chính tôi, khi phải...xét đến một vấn đề, gọi là tha thứ, tha thứ gì, và tha thứ cho ai?

    Bài thơ Người Anh Hùng Họ Ngụy của người làm thơ gốc Việt Cộng Trần Mạnh Hảo, không khiến tôi mỉm cười hòa hoãn mà cứ...tức tối, vì sao?

    Số là ai cũng biết sau ngày 30-4-1975 ở Saigon, một tập thơ mỏng của mấy người Việt Cộng làm thơ đã xuất hiện trong thành phố, làm như để thuyết minh cho cái gọi là “chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử” (nguyên văn), có 2 tác giả được đông đảo người nhớ tên, là Nguyễn Duy và Trần Mạnh Hảo. Trong đó có bài thơ kể lại việc giao liên dặn dò lính tăng, lái xe bọc thép từ Thị Nghè tiến về Saigon, đánh chiếm Dinh Độc Lập của Việt Nam Cộng Hòa, với câu diễn tả sự quê mùa, lạc hậu của quân giải phóng:

    -7 ngã tư, rẽ trái...

    Tức là xe tăng qua khỏi cầu Thị Nghè rồi, thì cứ chạy trên đường Hồng Thập Tự, và đếm đủ 7 ngã tư, xong rẽ trái, là tới Dinh Độc Lập vậy.

    Thế rồi 2 tác giả tên Nguyễn Duy và Trần Mạnh Hảo liên tục xuất hiện ở các trang thơ và nhất là ở các câu lạc bộ thơ, các tụ điểm văn nghệ mang màu sắc da cam, tượng trưng cho không khí nửa đỏ, nửa vàng cập nhật cởi mở.

    Tình cờ tôi đi dự tiệc cưới của con gái vị giám đốc chuyên nhập cảng máy ảnh và phim Nhật Bản thời trước 1975, ở nhà hàng X rất lớn, thuộc quận Tân Bình. Người ta giới thiệu nhà thơ Trần Mạnh Hảo và giai nhân, nguyên là phu nhân một vị bác sĩ chế độ cũ, bà này còn trẻ, vừa đi đoàn tụ với gia đình ở Pháp, nhưng lại quày quả trở về với thi sĩ Cộng Sản lừng danh đương nêu.

    Cô bạn ngồi cùng bàn với tôi thủ thỉ: “Chị có biết lão làm bài thơ thứ 600 tặng nàng rồi không?” Gọi là lão vì quen kiểu xách mé vậy thôi, chứ Trần Mạnh Hảo hơn 20 năm trước còn trẻ, nếu không muốn thêm vào chữ: rừng núi Trường Sơn.

    Nhưng điều tôi định nói, không phải chuyện 600 bài thơ tình, cũng không phải có người tình, và sẽ cưới làm vợ, nguyên là một phu nhân của giới chức chế độ cũ, vì mô hình này cũng đã thấy khá nhiều nơi cái xã hội nhiễu nhương tranh tối, tranh sáng, sau 1975 ở các tỉnh miền Nam Việt Nam.

    Với tôi, tôi quan trọng đến cái gọi là lý tưởng của hắn ta, người làm thơ Cộng Sản kia. Đành rằng tư duy, và nhất là quan niệm sẽ thay đổi theo thời gian, không gian. Có thể nói xưa kia, Trần Mạnh Hảo hay lớp thanh niên được áp đặt vào giai cấp vô sản để đấu tranh, nay vô Nam, thấy được ánh sáng văn minh, tự do hơn miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa đã và đang thoái hóa vì hiện tượng vật chất cao độ!

    Tôi có vẻ trầm ngâm, một người khác trong bàn ăn bồi thêm:

    -Trần Mạnh Hảo vừa ra cuốn Ly Thân thì bị tịch thu đấy, Ly Thân là cách ly, ly biệt với chủ nghĩa Cộng Sản rồi.

    Tôi định thốt: “Tôi chẳng tin”.

    Bởi sự thật, tôi chẳng tin, chẳng bao giờ tin những tên tuổi đã ầm ĩ tiếng tăm kiểu Dương Thu Hương, Phạm Thị Hoài, rồi nay lại bảo Trần Mạnh Hảo...v.v. Khắc, vào cuối thập niên 80 thế kỷ trước ở quốc nội.

    Sau đó, nhất là những năm gần đây, ở hải ngoại, tôi thấy gần như bài vở của Trần Mạnh Hảo được khá đông báo chí đăng tải.

    Một dịp tôi hỏi thăm nhà thơ Song Nhị, trưởng cơ sở thi văn Cội Nguồn ở San Jose rằng:

    -Ở hải ngoại quá đông các nhà văn, nhà thơ cũ, mới già, trẻ, sao anh không đăng bài của họ, mà đăng truyện, thơ Trần Mạnh Hảo vậy?

    Nhà thơ Song Nhị thành thật, khẩn khoản:

    -Chỉ là muốn giới thiệu độc giả thấy văn chương của các nhà văn đối kháng trong nước thôi.

    -Đối kháng gì mà họ cứ sống phây phây trong nước, cứ tự do email, chuyển bài vở ra nước ngoài một cách thản nhiên vậy. Ngày ra tù cải tạo, những người cầm bút ở miền Nam trước 1975, còn bị theo dõi thư từ, thơ ca, anh cũng biết cô nhân viên tên Nhạn ở nhà Bưu Điện Sàigon chỉ lén lút gửi thư, bài vở của quý vị Doãn Quốc Sỹ, Dương Hùng Cường, Duy Trác, Lý Thụy Ý v..v khác, mà rồi bị bắt cả lũ, nay nào Trần Khải Thanh Thủy, Nguyễn Huy Thiệp, Tiêu Dao Bảo Cự, Trần Mạnh Hảo...có thấy ai bị bạc đãi đâu, kêu nghèo khổ mà con của Trần Khải Thanh Thủy du học Pháp, lại từ Pháp đáp máy bay qua Mỹ nhận giải thưởng cho mẹ.

    Thật ra, đã bị tù Cộng Sản rồi, quý vị đều hiểu là những người gốc Đảng viên, Đoàn viên Cộng Sản, họ chỉ chửi bới chính quyền họ khi họ không còn được ưu đãi nữa, nếu họ vẫn được sủng ái, thì họ lại hoan hô chủ nghĩa Marx-Lenine bách chiến, bách thắng ngay.

    Tôi xin trở lại chuyện Trần Mạnh Hảo viết bài thơ Người Anh Hùng Họ Ngụy tặng thiếu tá Tử Sĩ Ngụy Văn Thà, hạm trưởng chiến hạm Nhật Tảo HQ.10 của Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa và đồng đội đã anh dũng hy sinh bảo vệ Hoàng Sa trong trận hải chiến 19-1-1974, khi chiến hạm Trung Cộng xâm lăng quần đảo của ta.

    Người yêu nước không thể nào là ngụy

    Người chết vì nước như anh, không thể nào là ngụy

    Nhưng anh:

    Là Ngụy Văn Thà


    (Trần Mạnh Hảo)

    Đúng, cố trung tá Ngụy Văn Thà, hay tất cả một triệu quân nhân các cấp chúng tôi, không thể là ngụy, phải 35 năm sau, mấy người mới biết ra điều đó sao? Thì đã muộn rồi, 1/3 triệu quân trên đã bị chết vì bức hại, vì bệnh tật, vì các tai nạn, khi rời Tổ Quốc ra đi, 1/3 đã di tản, tới định cư ở các nước trên thế giới, còn 1/3 đang sống lắt lay ở quê nhà vì thương tật, khốn khổ, tù đày v.v..Vậy thì các người hãy thử làm những cử chỉ đẹp, không cần vinh danh, tôn phong, mà chỉ cần đối xử theo tình dân tộc, nghĩa đồng bào là đủ.

    Anh hạm trưởng chiến hạm Nhật Tảo

    Lao thẳng vào tàu giặc cướp

    Tên anh còn mãi với Hoàng Sa

    Biển vật mình thét đại bác

    Giặc bủa vây chiến dịch biển người

    ôm chặt tàu

    ôm chặt đảo

    Anh hóa thành tổ quốc giữa trùng khơi...


    (Trần Mạnh Hảo)

    Hẳn lúc này các người đã thấy tinh thần Quốc Gia và lòng dũng cảm của quân nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa rồi chứ? Làm sao anh hùng sĩ khí thế mà các ngưới nói chúng tôi là Ngụy nhỉ?

    Gió mùa đông bắc gào khóc

    Ngụy Văn Thà

    Mãi mãi neo tàu vào quần đảo

    Tổ Quốc ngoài Hoàng Sa


    (Trần Mạnh Hảo)

    Thật rõ ràng, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu của chúng tôi đã ra lệnh “giữ từng tấc đát”, trong lúc thủ tướng Phạm Văn Đồng của các người ký kết bán đảo, bán đất biên giới v.v..

    Trận chiến ba mươi phút

    Tượng đài anh là phong ba

    Đỉnh sóng khói hương nghi ngút

    Biển để tang anh bằng sóng bạc đầu


    (Trần Mạnh Hảo)

    Xác đã tan vào biển cả, sóng nước Hoàng Sa khóc thương thiếu ta hải quân Ngụy Văn Thà thủa ấy, nên chua chát, tủi sầu khi biết mất Hoàng Sa.

    Quần đảo nhấp nhô mộ phần liệt sĩ

    Linh hồn anh hú gọi đất liền

    Ngụy Văn Thà

    Tên anh không phải bài ca

    Tên anh là lời thề độc

    Phải dành lại Hoàng Sa

    Sóng vẫn vồ lấy đảo


    (Trần Mạnh Hảo)

    Dù sao thì riêng tôi cũng...cám ơn nhà thơ Cộng Sản Trần Mạnh Hảo đã thực lòng, hay chỉ là sách lược, tôn vinh hải quân thiếu tá Ngụy Văn Thà. Miền Nam chúng tôi kêu Tử sĩ, không phải liệt sĩ như Trần Mạnh Hảo biết trên. Và đó là toàn bài Người Anh Hùng Họ Ngụy của Trần Mạnh Hảo.

    Mỗi lần đọc lại bài thơ trên, tôi lại tức bực, có phải vì tôi chưa viết được bài nào tôn vinh tưởng niệm vị sĩ quan hạm trưởng Quân Lực VNCH, có phải vì chữ ngụy mà tập thể cán binh Cộng Sản VN đã gán cho chúng tôi, hay, có phải vì tôi quá khắt khe, không thể nào bao dung, tha thứ cho một kẻ địch xa lạ, đã từng vì những người đó, mà hàng trăm ngàn gia đình quân nhân các cấp chúng tôi phải tan nát cửa nhà, gia đình phân tán, mất mát. Tôi chưa thể nào áp dụng được câu: “Lấy oán báo oán, oán ấy chất chồng, lấy đức báo oán, oán ấy tiêu tan” của Thánh nhân được.

    CAO MỴ NHÂN


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X