Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Mắt Kẽm Gai - Chu Sa Lan

Collapse
X

Mắt Kẽm Gai - Chu Sa Lan

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Mắt Kẽm Gai - Chu Sa Lan

    Mắt Kẽm Gai

    Chu Sa Lan


    (Chương 1)


    Mười giờ sáng. Trời xám xịt. Nước ròng. Dòng sông Cửa Lớn đục phù sa. Nước cuồn cuộn chảy. Con sông ngắn nhưng khá rộng này đổ ra biển bằng hai cửa; bên phía Đông Hải là cửa Bồ Đề còn bên Vịnh Thái Lan là Cửa Lớn với địa danh lạ hoắc: Mũi Ông Trang.

    Hai chiếc Alpha và một chiếc tango lừ đừ chạy ngược dòng nước. Đứng sau lái tàu Khôi nhìn căn cứ Năm Căn ở đằng sau lưng của mình. Những dãy nhà tiền chế, lô cốt cao. Ăng ten trời nhô lên giữa vùng cây xanh. Năm Căn. Tên nghe thật lạ. Nó là một quận của tỉnh Cà Mau. Một thứ quận không ra quận, lèo tèo mấy chục căn nhà, dân cư ngụ có thể đếm trên đầu ngón tay và chân. Cái quận này lính nhiều hơn dân. Lính Mỹ. Lính Việt. sống chung đụng với nhau trong căn cứ có năm căn nhà riêng biêt. Bốn căn bốn góc cho lính Mỹ, biệt động quân. lính của sư đoàn 21 bộ binh và hải quân. Căn chính giữa là nhà bếp. Căn cứ nằm bên dòng sông Cửa Lớn, giữa một vùng sình lầy chỉ có cây đước, cây tràm và những cây gì không ai biết tên.

    Ba chiến đỉnh chạy ngang qua phố Năm Cô. Lính gọi là Năm Cô vì chỉ ở đây mới có bóng dáng của đàn bà, dù chỉ là mặc quần đen, áo bà ba và đi chân đất. Dân ở đây ít có người mang giày. Chỉ có lính mới mang giày. Giày như là thứ xa xỉ phẩm của dân giống như tivi hay điện. Toàn phố của quận Năm Căn chỉ có một cái máy phát điện nhỏ và chỉ chạy đúng giờ giấc nhất định là bảy giờ tối tới chín giờ đêm. Đó là giờ cái máy truyền hình nhỏ xíu được mở lên cho người ta xem tin tức, tân nhạc hoặc cải lương. Tin tức ít có người xem hơn là cải lương. Người dân cùng đinh nghèo mạt rệp ở cái xứ khỉ ho cò gáy này ít chú tâm tới tin tức ở Sài Gòn, một nơi mà suốt đời họ không bao giờ đi tới. Một lần đứng xem tin tức Khôi bị một bà già hỏi một câu.

    – Ông Thiệu là ai vậy cậu?

    – Ổng là tổng thống…

    – Tổng thống thời ổng mần cái chi vậy cậu?

    Khôi cười cười. Câu hỏi này xin để dành cho mấy người lính chiến tranh chính trị trả lời. Khôi nhớ tới một lần hành quân để giải tỏa quận Đầm Dơi. một đơn vị hành chánh có tên trên giấy tờ của chính phủ nhưng thực ra nằm trong khu giải phóng của Việt Cộng. Theo những người lính biệt động quân lên bờ Khôi vào nhà một ông già. Điều khiến cho anh ngạc nhiên lẫn buồn cười là trên bàn thờ có nhang có khói, có hình hai người. Đó là hình của Hồ Chí Minh và Nguyễn Văn Thiệu. Hỏi tại sao ông chưng hình kỳ cục vậy. Ổng trả lời là nếu quốc gia vào nhà thời ổng chưng hình ông Thiệu. Nếu lính quốc gia đi Việt Cộng về thời ổng lại đem hình Hồ Chí Minh lên. Đôi khi ổng cũng chưng hình hai người lên cùng một lúc. Có lẽ ổng chưng lên để vái hai người chết sớm cho ổng đỡ khổ một chút. Khôi hỏi ổng một câu có vẻ hơi chính trị một chút.

    – Như vậy ông theo ai?

    – Tôi có biết ông Minh hay ông Thiệu đâu mà bảo tôi theo. Ai cũng được miễn là tôi được sống yên cơm ngày hai bữa…

    Giản dị lắm. Đừng nói tới dân chủ làm gì trong lúc bụng đói. Đừng nói tự do khi ông già phải ngủ dưới hầm núp mỗi đêm vì sợ bị máy bay bỏ bom, hoặc mấy anh du kích về bắt đi làm nghĩa vụ nhân dân, bắt đi đào hầm hố, bắt treo hình bác Hồ trong nhà.

    Tàu bỏ sông Cửa Lớn để đi vào Kinh Ngang, con kinh nối liền sông Bảy Hạp và sông Cửa Lớn. Con kinh hẹp này là thủy lộ nối liền quận Năm Căn với Cà Mau và thế giới bên ngoài. Cũng vì thế mà nó trở thành con kinh chết. Tàu hải quân bị phục kích, bị bắn sẻ đều đều mỗi khi đi qua đây. Không cần đợi lệnh thủy thủ đoàn tự động vào nhiệm sở tác chiến. Súng trên tàu chĩa ra hai bên sẵn sàng khai hỏa. Địch có thể tấn công bất cứ lúc nào và bất cứ hình thức nào. Bắn sẻ bằng súng bá đỏ hay AK. Bắn tàu bằng B40 hoặc 57 ly không giựt. Mìn, thứ vũ khí giết người độc địa và thầm lặng. Đội nón sắt, mặc áo giáp Khôi dùng ống dòm quan sát trong bờ với hy vọng tìm thấy một dấu hiệu khả nghi. Mọi thứ đều bình thường. Địch khôn ngoan núp dưới hầm hố chờ đợi. Ai cũng nói đi hải quân sướng. Điều này Khôi không phủ nhận. Ai cũng bảo đi hải quân ít chết. Điều này Khôi không chối cải. Tuy nhiên có một điều mà người ta không biết và Khôi không thích là đi lính hải quân ở các giang đoàn tác chiến như xung phong, thủy bộ, ngăn chặn hay tuần thám là mình đưa lưng cho Việt Cộng bắn. Nó muốn bắn lúc nào là bắn trong khi mình cứ phải lo âu, sợ hãi chờ đợi để đỡ đạn. Một trái B40 bắn vào chiếc tàu sắt rồi nổ tung thành trăm ngàn mảnh vụn giết người. Thường thường thời những mảnh sắt của tàu mới giết chết người lính hải quân hơn là mảnh đạn B40 của Việt Cộng.

    Đoàn tàu lầm lì đi hơn nửa con kinh. Không khí lặng trang làm mọi người như ngộp thở. Khôi không biết mình đổ mồ hôi vì sợ hay vì nóng, có lẽ cả hai thứ. Tiếng súng nổ dồn dập ở đằng trước nơi chiếc Alpha 11 dẫn đầu. Tiếng đạn đại liên 12 ly 7 xói vào không khí và rừng cây thành thứ âm thanh kinh dị.

    – Alpha 11 đây Đan Khôi… Nghe rõ trả lời…

    – Alpha 11 tôi nghe Đan Khôi…

    – Có chuyện gì vậy?

    – Tụi nó chơi một trái 40 sau đít của tôi…

    Giọng nói bình tịnh pha chút tếu của Sinh, thuyền trưởng Alpha 11 làm Khôi an tâm.

    – Có ai đi phép không?

    Khôi nghe Sinh cười trong ống liên hợp.

    – Mấy thằng em của tôi vô sự. Chỉ có bể nồi thịt kho thôi…

    Lắc đầu cười Khôi cởi nón sắt khi thấy chiếc Alpha 11 bắt đầu quẹo trái vào sông Bảy Hạp. Tối hôm qua anh nhận lệnh biệt phái cho một ngôi đồn của Địa Phương Quân thuộc chi khu Cái Nước nằm trên dòng sông Bảy Hạp. Tuy phòng hành quân nói chỉ biệt phái thời gian ngắn nhưng nhìn số lượng dầu cặn, đạn dược và lương thực anh biết thời gian ngắn sẽ thành ra thời gian dài có thể năm ba tháng. Dầu cặn được lãnh tối đa. Lương thực cũng tối đa. Năm thùng ration C dành cho trường hợp tối cần thiết. Mười thùng gạo sấy, thịt ba lát đủ thứ. Đạn thời khỏi nói. 20 ly. M60. Lựu đạn. M79 thường. M79 dây. Hai chục thùng đạn M16. Năm chục thùng 12 ly 7. Không thiếu cái gì. Một chiếc tàu được lãnh cấp số đạn dược nhiều hơn một đại đội bộ binh. Không lãnh nhiều cũng uổng bởi vì để lâu mấy thằng mũi lõ cũng đổ xuống sông.

    Khúc sông Bảy Hạp từ Kinh Ngang ra tới cửa biển là một khu vực ít có dân cư ngụ không phải vì mất an ninh mà vì vùng nước mặn không trồng trọt được gì hết. Tàu chạy ngang qua một đồn Nghĩa Quân. Người lính ngồi canh giơ tay vẫy vẫy. Nếu không có là cờ vàng ba sọc đỏ treo trên một lô cốt cao thời Khôi sẽ không nhận ra đó là một chiếc đồn của quốc gia. Lòng sông rộng ra hơn và càng ít có ghe thuyền đi lại. Ba giờ chiều. Đoàn tàu đi tới một xóm nhà lá chừng ba bốn chục cái cất dọc theo bờ sông. Cuối xóm nhà lá là một khu đồn bót khá rộng cũng nằm dọc theo bờ sông nhưng thụt sâu vào bên trong chừng hai chục thước. Đối diện với ngôi đồn là rạch Năm Căn. Đây là một con rạch lớn nối liền hai con sông Cửa Lớn và Bảy Hạp. Theo như tin tức mà phòng hành quân đã cung cấp Khôi biết chiếc đồn này do một đại đội Địa Phương Quân trú đóng nhằm mục đích kiểm soát hoặc dò xét sự di chuyển và hoạt động của địch ở phần đất thuộc hai quận Năm Căn và Cái Nước.

    Khôi ra lệnh cho ba giang đỉnh ủi vào bờ đối diện với chiếc đồn. Báo cáo về bộ chỉ huy giang đoàn ở Năm Căn xong anh leo lên bờ. Tới trạm canh anh nói với người lính gác về nhiệm vụ của mình đồng thời xin gặp mặt cấp chỉ huy của anh ta. Liếc nhanh bốn chiếc tàu đang nổ máy xong quan sát bộ quân phục và chiếc nón lưỡi trai của người lính hải quân anh ta cười nói một cách vui vẻ và thân thiện.

    – Trung úy theo tui…

    Khôi cười im lặng về sự ngộ nhận của người lính. Hai người đi trên con đường đất đen gồ ghề.

    – Trung úy coi chừng lựu đạn…

    Chỉ vào giây kẻm gai giăng khắp bốn hướng xung quanh đồn anh ta cười tiếp.

    – Tụi tui chôn mìn và gài lựu đạn dữ lắm. Cách đây mấy ngày tụi nó mò vào đụng phải mìn và lựu đạn chết tan thây mấy đứa…

    – Chắc Việt Cộng về hoài hả?

    – Trước tết Mậu Thân thời ít hơn. Sau cái vụ tổng công kích gì đó tụi nó tấn công đồn ba lần mà vô hổng nổi…

    Người lính dừng lại nơi một lô cốt thật lớn mà Khôi đoán là bộ chỉ huy đại đội.

    – Ông thầy… Có ông trung úy hải quân muốn gặp Bà Bùi…

    Một người lính già bước ra. Gọi là già bởi vì mái tóc muối tiêu và nét nhăn trên mặt nhưng nhìn kỹ ông ta không già vì ánh mắt tinh anh và nụ cười trẻ trung. Ông ta mặc bộ kaki cũ kỹ, nhầu nát và chân mang dép.

    – Tôi là thượng sĩ Bang, đại đội phó… Mời trung úy vào…

    Khôi bước vào một căn hầm hình vuông mỗi cạnh chừng bốn thước. Một cái bàn được đóng bằng cây lấy ra từ vỏ của thùng đạn. Một chiếc giường nhỏ cũng bằng cây. Ba cái ghế đẩu xiêu vẹo.

    – Tôi và ba chiến đỉnh được biệt phái lên đây yểm trợ cho căn cứ này…

    Nhìn ra khoảng trống dùng để ra vào anh cười tiếp.

    – Nếu thượng sĩ có cần điều chi cần tôi sẵn lòng giúp đỡ…

    – Cám ơn trung úy… Để tôi trình với Bà Bùi xong bả sẽ nói chuyện với trung úy sau…

    Tuy hơi thắc mắc về danh từ ” Bà Bùi ” mà người lính và ông thượng sĩ nói nhưng anh chỉ cười.

    – Tôi tên Khôi và tàu của tôi đậu ngoài kia…

    Mặc dù có người lính canh dẫn đường nhưng ông thượng sĩ cũng theo đưa chân Khôi tới tận cổng mới quay trở vào. Dừng lại nơi cổng Khôi hỏi người lính canh.

    – Tôi thấy có xóm nhà đằng kia… Chắc phải có chợ và quán hàng…

    Hiểu ý Khôi người lính nói.

    – Xóm đó có tiệm tạp hóa và cà phê nhưng trung úy và anh em nên coi chừng. Đừng ra đó vào ban đêm…

    – Cám ơn anh… Tôi sẽ dặn mấy người lính của tôi…

    Về tới tàu Khôi nói cho lính của mình biết về tình hình đồng thời căn dặn ba thuyền trưởng cho thủy thủ đoàn canh gác cẩn thận về ban đêm cũng như lúc nào cũng phải có người túc trực trên chiến đỉnh.

    Ngồi trên mui tàu Khôi nhìn khung cảnh thê lương và ảm đạm của vùng này. Nó hoang vu tới độ không có tên trên bản đồ hành chánh. Xung quanh là rừng tràm hay đước xen lẫn với cỏ cao chạy dài ra tới tận biển. Đây là vùng sình lầy và nước mặn cho nên ít cây cối. Vả lại cây cối cũng không mọc được vì đạn bom của cả hai bên. Không gian thật im vắng và tĩnh mịch dường như không có sinh khí. Ngôi đồn trên kia cũng không thấy bóng người đi lại.

    Mặt trời mất dạng sau hàng cây xanh đen. Bóng tối ập xuống xóa nhòa cảnh vật. Chiếc đồn cũng chìm trong bóng đêm thâm u trừ tháp canh hiện mờ mờ. Thỉnh thoảng có ánh đèn loé lên rồi tắt thật nhanh. Vì lý do an ninh nên tàu không được nổ máy ban đêm thành ra không có điện. Lính trên tàu chỉ được phép dùng đèn pin. Người lính gác tàu đi đi lại lại. Tựa lưng vào ụ súng 20 ly Khôi nhìn về hướng bắc. Sài Gòn. Xa quá rồi. Những ngày rong chơi, hẹn hò, ciné Eden, ăn khô bò uống nước mía. Cô gái tên Liên giờ chỉ còn là hình bóng chìm sâu trong tâm tưởng, cũng như anh đang cố quên một cuộc tình đứt đoạn. Dù yêu nhau thắm thiết, hai đứa cũng phải xa nhau. Anh chưa chịu dừng chân trong lúc Liên muốn có một người chồng sáng vác ô đi tối vác ô về. Khôi không chịu được đời sống gò bó của một người lính văn phòng. Thế là hai đứa đồng ý chia tay dù biết xa nhau nhưng vẫn nhớ nhau hoài. Trước khi lấy chồng Liên có viết thư mời anh dự đám cưới nhưng khi đến tay anh thời chậm quá rồi. Từ đó anh tránh dây dưa tình cảm dù quen biết rất nhiều người. Có người hỏi sao không lấy vợ? Anh cười đáp chừng nào đất nước hòa bình sẽ lấy vợ cũng chưa muộn. Hoà bình đâu không thấy chỉ thấy chiến tranh càng ngày càng lan rộng. Những cô gái anh quen không chờ đợi được đã đi lấy chồng. Khôi cũng không giận hờn hay phiền trách điều đó. Anh hiểu con gái chỉ có một thời son sắc mà thôi. Họ không thể để tuổi xuân qua, không thể chờ đợi một người còn thích lang thang…

    Mặc dù không phải là phiên gác của mình nhưng Khôi cũng đưa starlight scope lên quan sát. Đây là thứ ống dòm cá nhân tối tân của hải quân Mỹ chuyên dùng để quan sát ban đêm. Vào những đêm trăng sáng hoặc có nhiều sao người ta có thể thấy rõ bóng người xa mấy trăm thước. Xóm nhà lá hiện lên. Ngôi đồn của Địa Phương Quân trước mặt. Khu rừng cây sáng rực. Tất cả đều yên tịnh. Tất cả đều ngủ say trừ mấy tên đặc công hay mấy anh du kích địa phương đang rình mò.

    9 giờ sáng. Chiếc Alpha 9 ủi vào một bãi trống cách xóm nhà lá chừng hai ba chục thước. Khôi và thủy thủ đoàn lên bờ. Họ có hai tiếng đồng hồ để ăn sáng, đi chợ và thăm dân cho biết sự tình. Lững thững đi trên con đường đất dọc theo bờ sông giây lát Khôi bước vào một quán ăn mà anh biết chắc là của người Tàu. Ở đâu cũng có họ. Ở đâu họ sống cũng được ngay cả những vùng hoang vu hẻo lánh nhất. U Minh Thượng cũng có họ. U Minh Hạ cũng có họ. Năm Căn. Cái Nước. Xẻo Rô. Miệt Thứ cũng có họ. Họ sinh sống bằng nghề mở quán bán cà phê, hủ tiếu mì hay tiệm tạp hóa hoặc trồng trọt.

    Người chủ quán đặt bình trà xuống ngay lúc Khôi vừa kéo ghế.

    – Nị uống cái chi?

    – Xây chừng…

    Khôi buông gọn hai tiếng. Một phút sau ly cà phê đen bốc khói được mang ra. Bỏ chút đường anh nhấp ngụm nhỏ. Cà phê không tệ lắm dù là cà phê dợt. Ở cái xứ khỉ ho cò gáy này mà có cà phê uống là nhất rồi. Cà phê dợt của mấy chú ba dù sao cũng còn ngon gấp mấy lần instant coffee của Mỹ. Anh chỉ uống một lần rồi không bao giờ uống nữa. Uống nước lạnh còn ngon hơn. Nó chua chua và nhạt nhẻo không có mùi không có vị gì hết. Gọi tô mì Khôi đốt điếu thuốc PallMall rồi im lặng nhìn ra con đường đất lồi lõm. Phía bên kia sông là rừng cây không cao lắm. Con sông Bảy Hạp bề ngang chỉ rộng hơn năm chục thước dù từ đây tới cửa biển xa khoảng hai ba cây số.

    Vừa nhai mì Khôi chăm chú nhìn một bóng người đang đi tới gần. Đó là một người đàn bà. Người đàn bà này mặc đồ trây di, mang bốt đờ sô và đội mũ lưỡi trai. Điều khiến cho anh chú ý là bên hông của bà ta xệ xuống khẩu colt 45. Lính đàn bà thời anh không lạ nhưng lính đàn bà mang súng thời anh ít thấy. Huống chi bà lính này lại mang súng xệ bên hông giống như cao bồi. Khi bà lính này tới gần hơn nữa Khôi nhận ra bà ta còn trẻ và tóc dài. Dáng người nhỏ nhắn, thanh thanh cộng thêm khẩu colt xệ bên hông làm cho bà ta trông ngộ nghỉnh, là lạ và đặc biệt. Thoạt trông bà ta không giống bất cứ người đàn bà nào mà anh đã gặp. Người đàn bà mang súng bước vào quán cà phê. Trông thấy một người lính hải quân đang ngồi bà ta hất hàm.

    – Lính dưới tàu hả?

    Tuy hơi bất mãn về câu hỏi cộc lốc của bà ta nhưng Khôi cũng cười trả lời.

    – Thưa bà tôi là lính hải quân đi công tác vùng này…

    Trả lời xong Khôi đốt điếu thuốc rồi lơ đãng nhìn ra ngoài đường. Người đàn bà nói chuyện với chủ quán mấy câu rồi cũng bỏ đi.

    12 giờ trưa. Chiếc Alpha 9 ủi vào bãi đất trống đối diện với quán cà phê. Thủy thủ đoàn lên bờ đi kiếm con nít bảo chúng tới tàu lãnh quà. Việc này tuy không nằm trong công tác nhưng Khôi lại thích làm nhất. Quà cho trẻ con ở vùng quê này cũng không tốn tiền bao nhiêu và chúng cũng không đòi hỏi gì nhiều. Mỗi đứa được một phong kẹo cao su, một thỏi chocolat hay sang hơn là một hộp thịt ba lát, bánh lạt hoặc lon trái cây. Đây là những thứ nằm trong phần ration C của lính hải quân Mỹ bỏ lại khi bàn giao tàu mà nhân viên dưới tàu đều không đụng tới vì ngán tận cổ. Nó được Khôi thu nhặt cất kỹ rồi khi nào tới những vùng xa xôi hẻo lánh đem phát cho trẻ con. Anh cảm thấy sung sướng khi nhìn thấy nụ cười tươi vui và tiếng reo ngạc nhiên của những đứa trẻ nghèo nàn.

    Con nít kéo tới mỗi lúc một đông. Khôi đếm được chừng mười mấy đứa. Anh và thủy thủ đoàn phát cho mỗi đứa một phong kẹo cao su, một lon trái cây. Lãnh phần xong đám con nít tản mác thật nhanh. Đang tính thu dọn quà Khôi chợt nghe tiếng gọi.

    – Bác ơi bác… Bác có kẹo cho cháu hôn bác…

    Khôi ngước lên. Đứa bé gái chừng năm sáu tuổi đang nhìn anh mỉm cười. Nụ cười của nó thật dễ thương. Khuôn mặt trái soan với má lúm đồng tiên, hai mắt tròn to sáng long lanh, hàng mi cong dài và da trắng hồng đứa bé gái thật xinh xắn.

    – Bác có nhiều thứ kẹo bánh lắm. Cháu muốn thứ nào?

    – Dạ… Thứ nào cháu cũng muốn hết…

    Khôi phì cười khi nghe câu trả lời của đứa bé.

    – Cháu chỉ xin bác một phong kẹo cao su và một lon trái cây cho má của cháu…

    Khôi thầm kinh ngạc khi nghe câu nói của đứa bé. Anh hỏi trong lúc đưa cho nó một phong chewing gum và một lon trái cây.

    – Cháu tên gì vậy?

    – Dạ… Cháu tên là Thùy Trâm…

    Khôi đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác. Xuyên qua cái tên anh biết đứa bé gái này không phải sinh ra ở đây. Dân quê vùng này họ đặt tên con giản dị như Gáo, Mít, Dừa, Mận chứ không có đặt một cái tên lạ, đẹp và văn chương như Thùy Trâm.

    – Má của cháu tên gì?

    Đứa bé gái hơi nheo mắt nhìn Khôi. Cử chỉ của nó thật dễ thương và ngộ nghỉnh.

    – Bác hỏi tên của má cháu để làm gì?

    – Thì bác muốn biết tên vậy mà. Tên của cháu đẹp vậy chắc tên của má cháu còn đẹp hơn nữa phải không?

    – Cám ơn bác… Cháu nói tên của má cháu cho bác nghe rồi bác đừng học lại với má cháu nghe…

    Khôi cười vui vì câu nói của Thùy Trâm.

    – Ừ… Bác hứa là sẽ không học lại với má của cháu…

    – Má cháu tên là Thùy Dung… Cám ơn bác cho quà… Cháu phải chạy về nhà không thôi má cháu đi kiếm…

    Đứa bé gái chạy vụt đi. Khôi đứng nhìn theo bóng của nó khuất sau dãy nhà lá lụp xụp. Anh cảm thấy vui vui vì gặp được đứa bé gái xinh xắn và dễ thương. Anh nghĩ thầm chắc má của nó của giống như nó. Lắc đầu vì ý nghĩ vẩn vơ của mình anh thu dọn mấy thùng bánh kẹo vào trong tàu.

    Đang ngồi đọc sách Khôi nghe có tiếng nói chuyện rồi lát sau Thành, một nhân viên trên tàu bước vào:

    – Anh Khôi… Có một ông thượng sĩ trên đồn muốn nói chuyện với anh…

    Khôi bước về phía mũi tàu. Anh thấy ông thượng sĩ đại đội phó đang đứng chờ.

    – Bà Bùi của chúng tôi muốn gặp trung úy. Mời trung úy lên đồn…

    Khôi hơi cau mày xong lấy lại vẻ tự nhiên.

    – Ông vui lòng chờ một chút để tôi mang giày…

    Lát sau trong bộ quân phục hải quân Khôi đi theo ông thượng sĩ lên đồn gặp Bà Bùi. Quanh co một hồi ông thượng sĩ dừng lại ở một căn hầm có cửa khép.

    – Trung úy cứ vào… Bà Bùi đang ở trong đó…

    Khôi gõ cửa. Trong căn hầm vang lên giọng nói thanh thanh.

    – Mời trung úy vào…

    Khôi xô cửa. Anh hơi khựng lại khi thấy người đàn bà mà anh đã gặp nơi quán cà phê ngày hôm qua. Còn Bà Bùi cũng có vẻ ngạc nhiên khi gặp lại người lính hải quân mà bà ta đã gặp trong quán cà phê ngày hôm qua. Hai người nhìn nhau giây lát rồi Bà Bùi đứng lên đưa tay ra. Khôi nắm lấy bàn tay mềm ấm của bà đại đội trưởng kiêm chỉ huy trưởng căn cứ Bảy Hạp.

    – Mời trung úy ngồi…

    Khôi thong thả ngồi xuống chiếc ghế đối diện với chủ nhân qua chiếc bàn đóng từ những mảnh ván của thùng đạn.

    – Tôi xin lỗi trung úy về sự hiểu lầm ngày hôm qua…

    – Thưa bà không có chi… Tôi không để ý tới chuyện nhỏ nhặt đó…

    Ngừng lại giây lát Khôi cười tiếp.

    – Tôi tên Khôi thưa bà…

    Khôi xưng tên mình trước như nhằm ý cho người đối diện phải xưng tên. Anh cảm thấy không được thoải mái khi phải nói chuyện với một người đàn bà nắm chức vụ đại đội trưởng kiêm chỉ huy trưởng căn cứ.

    – Trung úy cứ gọi tôi là Bà Bùi…

    Khôi hơi nhếch môi cười. Mặc dù thấy nụ cười của người lính hải quân nhưng Bà Bùi vẫn tảng lờ.

    – Sở dĩ tôi mời trung úy lên đây là vì một việc cần thiết…

    – Tôi xin nghe bà nói…

    – Sáng mai tôi sẽ chỉ huy đại đội mở cuộc hành quân lục xét cũng như dò tìm vị trí đặt súng cối của địch. Tôi cần tàu chở quân…

    – Điều này không có gì trở ngại với tôi…

    – Cám ơn trung úy… Ngoài ra tôi cần sự yểm trợ tác xạ của tàu trong trường hợp bị địch tấn công…

    – Tôi cũng không thấy có điều gì trở ngại…

    Khôi nói bằng giọng thật bình thường nếu không muốn nói là lạnh nhạt. Dường như cảm thấy điều đó Bà Bùi cười nói trong lúc trải tấm bản đồ lên trên mặt bàn.

    – Khu vực mà chúng tôi định lục soát là đây…

    Nhìn theo ngón tay thon dài với móng tay đỏ hồng Khôi thấy khu vực hành quân nằm lọt giữa sông Bảy Hạp và rạch Năm Căn rồi chạy dài ra tới bờ biển. Tuy là vùng sình lầy nhưng cũng có những gò đất cao và rừng thưa khá dầy rất tiện cho địch ẩn nấp để đặt súng cối pháo vào đồn.

    – Nếu không có chi phiền tôi mời ông đổ bộ với chúng tôi…

    – Thưa bà tôi là lính hải quân chứ không phải là lính bộ binh. Nếu muốn lên bờ tôi phải được phép của cấp trên…

    – Chúng ta sẽ không đi sâu và cũng không ở lâu…

    Bà Bùi kèo nài. Khôi nói ngắn gọn:

    – Thưa bà tôi rất tiếc…

    – Hay là ông lạnh cẳng…

    Khôi nhíu mày khi nghe câu nói cùng với nụ cười mỉa của Bà Bùi.

    – Thưa bà tôi không lạnh cẳng… Tôi cũng không sợ chết… Tuy nhiên nếu bà muốn tôi sẽ thi hành. Tôi là lính biệt phái mà…

    Bà Bùi nở nụ cười tươi tắn và thích thú vì kế khích tướng của mình.

    – Cám ơn ông… Bây giờ tôi xin đưa ông về để cho ông có thời giờ chuẩn bị…

    Không nói tiếng nào Khôi đứng dậy.

    – Cám ơn bà tôi biết đường trở về tàu…

    Thân đưa khách ra khỏi hầm trú ẩn Bà Bùi mỉm cười nhin theo bóng người lính hải quân đi trên con đường mòn và lẩm bẩm:

    – Ông lính này coi vậy mà có anh hùng tính…

    9 giờ sáng. Tiểu đội Địa Phương Quân chia làm hai toán lần lượt xuống hai chiếc Alpha 9 và 11. Tàu đi vào rạch Năm Căn chừng cây số xong ủi vào bờ. Dặn dò hai thuyền trưởng mấy lời xong Khôi theo Bà Bùi lên bờ. Như đã quen với địa thế tiểu đội chia làm hai toán đi sâu vào trong để lục soát. Bà Bùi quay chỗ khác dấu nụ cười khi thấy Khôi mặc quân phục và mang súng như lính bộ binh.

    Toán đi bên trái báo cáo tìm thấy dấu vết của địch. Vừa lúc đó có tiếng súng nổ dồn dập. Biết lính của mình chạm địch Bà Bùi dẫn toán thứ nhì lên tiếp viện. Địa thế của vùng này khá trống trải. Chỉ có vài gò đất cao bằng người đứng. Địch quân nấp sau các gò đất và hầm hố đào sẵn nên chiếm được lợi thế. Ngay trước mặt Khôi và Bà Bùi nấp là mô đất cao hơn hết. Địch bố trí khẩu trung liên và súng AK bắn khá chính xác khiến cho lính không dám ngóc đầu lên. Chỉ với khẩu trung liên và vài khẩu súng bá đỏ hay AK mà địch cầm chân cả tiểu đội.

    Quan sát địa thế xong Khôi nói với Bà Bùi:

    – Bà thấy mô đất phía bên phải của chúng ta không. Nếu tới đó được thời tôi có thể dùng khẩu M79 để phá hủy ổ trung liên của chúng…

    – Làm sao ông tới đó được…

    – Bà và anh em nổ súng tối đa khiến cho địch không ngóc đầu lên. Tôi sẽ bò tới mô đất đó…

    – Ông cẩn thận…

    Nguyên tiểu đội tập trung hoả lực bắn vào mô đất có ổ trung liên. Khôi bò thật nhanh rồi mất dạng trong các lùm cây. Bây giờ Bà Bùi hơi lo âu và hối hận vì để Khôi đi có một mình. Rủi có bề gì thời… Chăm chú nhìn về mô đất bên phải xế với mô đất cao nơi địch bố trí khẩu trung liên bà ta mừng rỡ khi thấy bóng người lính hải quân thấp thoáng. Ầm… Âm thanh vang chát chúa cùng với tiếng la hét nơi mô đất cao nhất rồi tiếng súng của địch im hẵn. Mừng rỡ Bà Bùi ra lệnh cho tiểu đội tiến lên lục soát. Họ thấy ba xác chết không còn nguyên vẹn. Khẩu trung liên nằm chỏng gọng còn hai khẩu súng bá đỏ và AK còn nguyên vẹn.

    – Tôi chỉ bắn có một viên thôi… Thật là may mắn…

    Bà Bùi làm thinh khi nghe Khôi nói. Cho lính tiếp tục lục soát chừng một lát không thấy có gì hết bà ta ra lệnh trở về tàu. Trước khi trở về đồn bà ta nói với Khôi.

    – Hôm nào tôi sẽ làm tiệc mời ông lên ăn mừng chiến thắng…

    – Có gì đâu mà bà phải bận tâm…

    Đứng nơi mũi tàu Khôi nói với bà đại đội trưởng. Nhìn theo dáng đi nhanh nhẹn của người đàn bà anh lắc đầu mỉm cười.




    Còn tiếp.......

    Source: "https://baovecovang2012.wordpress.com"

  • #2
    Mắt Kẽm Gai

    Chu Sa Lan


    (Chương 2)


    Đang ngồi uống cà phê Khôi thấy Bà Bùi nắm tay một đứa bé đi vào tiêm tạp hóa xế chỗ mình ngồi chừng hai ba chục thước. Anh cười khi nhận ra đứa bé đó chính là đứa bé gái tên Thùy Trâm. Trả tiền cà phê xong Khôi về tàu. Nhân viên cho biết có một người tự xưng là Bà Bùi tới kiếm nhưng không có anh nên bà ta nói sáng mai sẽ trở lại.

    Đang ngồi nói chuyện với Tuyên sau lái tàu Khôi thấy Thành bước vào cho biết có người kiếm. Ra tới mũi tàu anh thấy Bà Bùi đang đứng chờ. Hôm nay bà ta mặc bộ bà ba đen, mang giày bố và khẩu Colt 45 xệ bên hông. Dường như nó là vật bất ly thân của bà ta.

    – Tôi mời ông lên nhà tôi ăn cơm trưa. Chắc ông không từ chối…

    – Bà có lòng tốt thời tôi đâu từ chối được… Bà chờ tôi mang giày…

    Hai người đi song song trên con đường đất dọc theo bờ sông mà không ai nói với ai lời nào. Cho tới lúc quẹo vào cổng đồn Bà Bùi mới lên tiếng.

    – Ông coi chừng lựu đạn gài hai bên…

    – Cám ơn bà… Chắc VC về thường lắm thưa bà?

    Liếc nhanh người đàn ông đi bên cạnh Bà Bùi trả lời:

    – Thưa ông pháo kích thời nhiều hơn nhất là sau tết Mậu Thân đặc công của tụi nó lẻn vào hoài… Có lần tụi nó lọt vào tận hàng rào mới bị phát giác…

    Khôi hơi nhếch môi cười. Anh nhận thấy sự thay đổi nơi người chỉ huy của căn cứ Bảy Hạp. Bà ta ăn nói lịch sự, mềm mỏng và lễ phép hơn lúc ban đầu.

    – Đặc công của tụi nó giỏi lắm… Tàu hải quân chìm hoài vì bị trúng mìn của tụi nó…

    – Ông Khôi chắc đi lính lâu rồi?

    – Cũng khá lâu…

    Khôi trả lời lững lơ khi nghe câu hỏi thăm dò hay tìm hiểu của Bà Bùi. Mình không nên để cho người ta biết về mình nhiều quá. Anh nói thầm như thế. Bà Bùi cũng không hỏi gì thêm. Lính ở đồn có cái lạ là mỗi khi gặp Bà Bùi họ không giơ tay chào mà chắp tay xá ba cái. Tuy thấy điều đó nhưng Khôi không lên tiếng hỏi. Hai người đi xuyên qua một dãy giao thông hào và hầm trú ẩn rồi tới khu gia binh chừng hai ba chục căn nhà lợp tôn vách ván.

    Xô cửa vào Bà Bùi nói với khách:

    – Mời ông ngồi… Nhà nghèo không có gì hết…

    – Còn rộng hơn tàu của tôi…

    Khôi cười nói đùa. Nhà này đúng là nhà của lính. Phía sau anh đoán là nhà bếp còn giường ngủ được ngăn cách với chỗ tiếp khách bằng cái màn vải cũ kỹ và phai màu. Cái bàn vuông nhỏ và chỉ có hai chiếc ghế.

    – Tôi ít khi có khách… Ông Khôi uống nước gì?

    – Nước lạnh thưa bà…

    – Xin lỗi ông tôi không có nước lạnh…

    Khôi nhìn chủ nhân. Hiểu ý Bà Bùi cười nhẹ.

    – Tôi có bia 33. Ông uống được không?

    – Một chai thời được…

    Bỏ vào trong giây lát bà chủ nhà mang ra hai cái ly nhựa có mấy viên đá cục. Rót bia vào hai cái ly xong bà ta cười.

    – Mời ông…

    Bà chủ nhà đưa ly lên tỏ ý mời khách. Nhấp ngụm bia Khôi cười hỏi:

    – Hình như bà không phải là dân ở đây?

    Đưa ly bia lên nhấm môi bà chủ nhà nhìn khách:

    – Lý do nào khiến cho ông nói tôi không phải là dân ở đây?

    – Tôi thấy bà khác với người dân địa phương…

    Bà chủ nhà lắc đầu:

    – Ông lầm rồi…

    Khôi cười cười:

    – Tôi xin lỗi bà về nhận xét của tôi…

    Bà chủ nhà không nói bỏ vào trong. Lát sau bà ta bắt đầu dọn cơm.

    – Tôi xin phép được giúp bà…

    – Cám ơn ông nhưng ông cứ uống bia…

    Bữa cơm đạm bạc. Một tô canh bầu, một dĩa cá chiên và một dĩa rau luộc.

    – Mời ông ăn thử món ăn địa phương. Xin báo trước là tôi nấu ăn tệ lắm…

    – Còn ngon hơn đồ hộp của Mỹ…

    Nói xong Khôi cầm đũa. Hai người vừa ăn vừa nói chuyện trời trăng mây nước. Lát sau cơm và thức ăn đã biến mất.

    – Bà nấu ăn thật ngon. Lâu lắm rồi tôi mới được ăn bữa cơm có vẻ gia đình…

    Ánh mắt của bà chủ nhà long lanh hơn cùng với nụ cười tươi hơn.

    – Cám ơn ông… Ở dưới tàu các ông ăn gì?

    – Thường thì cơm canh cá kho nhưng mì gói làm chuẩn. Còn đồ hộp thì chúng tôi ngán tới đây…

    Khôi đưa tay lên ngang cổ trong lúc le lưỡi. Cử chỉ của anh khiến cho Bà Bùi phải bật cười.

    – Thường thường khi lãnh đồ hộp chúng tôi đem ra bán cho dân chúng rồi lấy tiền đó mua thức ăn của mình…

    – Chúng tôi ít khi ăn đồ hộp. Thỉnh thoảng trên quận hay tỉnh gởi xuống cho một vài thùng…

    – Thưa bà tôi có ý kiến…

    – Mời ông…

    – Tàu của tôi có nhiều đồ hộp lắm mà nhân viên không ai muốn ăn. Nó là của người Mỹ bỏ lại. Tôi thường hay phát cho trẻ con các vùng mà tàu đi công tác. Tôi xin phép bà được phân phát cho các gia đình binh sĩ trong đồn để họ ăn cho biết…

    Thấy bà chủ nhà còn do dự Khôi nói với giọng van nài:

    – Thưa bà của không đáng bao nhiêu tôi chỉ muốn gây thêm sự thân mật giữa anh em binh sĩ trên đồn và dưới tàu. Dù gì mình cũng là những người cùng đứng chung chiến tuyến…

    Liếc nhanh khách Bà Bùi cười:

    – Ông đã nói như thế thời tôi xin nhận lời và cám ơn lòng tốt của ông…

    – Không có chi thưa bà… Thấy mấy trẻ em ở đây tôi nhớ lại lúc tôi còn nhỏ…

    Xô ghế đứng dậy bà chủ nhà nói nhanh:

    – Tôi mời ông đi quan sát quanh đồn cho tiêu cơm…

    – Bà không sợ tôi làm nội tuyến cho VC?

    Khôi cười nói đùa trong lúc bước song song với chủ nhà.

    – Tôi không tin ông theo VC…

    – Bà lầm rồi…

    – Ngày mai thời tôi không biết nhưng ngay lúc này tôi tin là tôi không lầm…

    Khôi cười im lặng vì câu nói của Bà Bùi. Hai người đi một vòng. Khôi nhận xét thấy đồn nằm lẻ loi nơi giữa một vùng đồng trống. Từ hàng rào ngoài cùng tới xóm nhà lá của dân cũng khá xa chừng hai ba trăm thước. Hàng rào kẻm gai giăng mắc khắp nơi. Bốn góc đồn có bốn vọng gác khá cao. Dọc theo giao thông hào có các ụ làm bằng bao cát khá lớn. Một lô cốt lớn nhất nhìn thẳng ra bờ sông đối diện với rạch Năm Căn mà Khôi đoán là hầm chỉ huy.

    – Ông có ý kiến gì về hệ thống phòng thủ của đồn?

    Khôi cười vì câu hỏi của Bà Bùi.

    – Tôi là lính hải quân… Tôi đâu có biết gì…

    – Tôi biết ông là lính hải quân. Tôi chỉ hỏi ý kiến của ông dù là ” ý kiến không biết gì “…

    Bà Bùi nhẹ nhàng ngắt lời người đối thoại. Thấy Khôi hơi có vẻ giận bà ta cười giả lả:

    – Tôi xin lỗi ông… Ông làm ơn nói cho tôi nghe cái ý kiến không biết gì của ông đi…

    – Tại sao bà lại muốn biết ý kiến của một người lính hải quân không có kinh nghiệm đánh giặc trên bờ…

    – Tôi nói ra ông đừng giận thời tôi mới nói…

    – Bà cứ nói… Tôi hứa là không phiền giận…

    – Ông nhớ lần mình đổ bộ không?

    Khôi mỉm cười gật đầu. Anh cười vì chữ ” mình ” mà Bà Bùi đã dùng.

    – Hồi tưởng lại trận đụng độ đó tôi có cảm tưởng ông không phải là một người lính hải quân thuần túy…

    Bà Bùi nhìn người đối thoại như muốn bắt mạch. Không thấy nét mặt Khôi có gì khác lạ bà ta nói tiếp:

    – Tôi nghĩ ông phải ở một đơn vị tác chiến như bộ binh, biệt động quân, thủy quân lục chiến hay nhảy dù trước khi thành lính hải quân…

    Khôi cười cười lảng sang chuyện khác.

    – Bà đã hỏi ý kiến thời tôi xin trả lời. Hệ thống phòng thủ thời tạm coi như chặt chẻ chỉ có điều là vũ khí thô sơ và nhất là mìn hay lựu đạn gài chung quanh đồn ít quá. Nếu địch dùng chiến thuật biển người thời đồn sẽ bị tràn ngập…

    Bà Bùi thở hơi thật dài:

    – Như vậy mà ông nói là ông không biết gì… Đó cũng là mối lo của tôi. Tôi có xin quận và tỉnh tân trang vũ khí thời họ bảo chờ. Họ nói địa phương quân nằm ở cuối danh sách của quân đội…

    – Tôi biết… Địa phương quân và nghĩa quân là con nuôi hay con ghẻ…

    Bà Bùi nhìn Khôi cười nói đùa:

    – Ông biết hết trơn mà cứ nói là không biết. Ông nói thiệt đi… Ông nói thiệt cho tôi biết đi ông ở binh chủng nào…

    Khôi cười cười làm thinh.

    – Ông có một bí mật… Ngày nào đó tôi sẽ khám phá ra bí mật của ông…

    – Bà cũng có một bí mật… Ngày nào đó tôi sẽ khám phá ra bí mật của bà…

    Hai người nhìn nhau như đo lường về câu nói của người kia rồi cuối cùng Khôi lên tiếng.

    – Thử xem ai khám phá ra trước…

    Bà Bùi nở nụ cười duyên dáng.

    – Tôi cá với ông là tôi sẽ khám phá ra bí mật của ông trước…

    Khôi cười cười.

    – Tôi hy vọng bà sẽ được hài lòng…

    – Ông học bắn súng M79 ở đâu mà bắn giỏi vậy?

    – Bà bắt đầu cuộc điều tra của bà phải không?

    Bà Bùi cười thánh thót.

    – Ông khôn ngoan quá khiến cho cuộc điều tra của tôi trở thành khó khăn…

    – Tôi học bắn súng ở trung tâm huấn luyện hải quân thưa bà…

    – Ông không thành thật rồi… Năm sáu năm trước đây trung tâm huấn luyện hải quân làm gì có M79 để cho ông học…

    Khôi cười nhưng trong lòng hơi ngạc nhiên về sự hiểu biết của người đàn bà kỳ lạ này.

    – Tôi đã nói với bà là lù khù có ông cù độ mạng…

    Bà Bùi giơ ngón tay trỏ ra như muốn xỉa vào trán Khôi.

    – Ông mà lù khù… Ông khôn tổ bà mà giả dạng ngu cho người ta…

    Khôi cười lớn. Tiếng cười của anh lan trong gió.

    – Ngày mai ông có làm việc gì không ông Khôi?

    – Tôi chắc là không ngoại trừ soạn các lon đồ hộp để giao cho bà…

    – Tôi mời ông đi tập bắn súng với tôi

    – Tôi sẵn sàng. Chỉ sợ tôi bắn dở làm bà mất hứng…

    – Ông khiêm nhường quá…

    Hai người trở lại nhà. Mặc dù chủ nhà cầm cọng nhưng Khôi nói mình cần phải viết bản báo cáo về đơn vị nên xin từ giã. Thân đưa khách ra tận cổng đồn Bà Bùi còn đứng nhìn theo cho tới khi Khôi xuống tàu mới quay trở lại.

    Bà Bùi cười tươi tắn khi thấy Khôi đang ngồi nơi mũi tàu chờ mình.

    – Ông tính đi tìm VC hay sao mà đem nhiều súng đạn vậy?

    Khôi cười cười khi thấy bà ta mang trên vai khẩu carbine M2.

    – Tôi đem theo một khẩu M16 và một khẩu M79 để cho bà bắn thử. Nếu bà thích thời tôi sẽ có một đề nghị…

    Bước song song trên con đường đất dẫn ra bờ biển Bà Bùi quay nhìn Khôi.

    – Xin ông chuyển lời cám ơn của tôi và toàn thể binh sĩ và gia đình của họ về món quà quý giá của nhân viên ba chiếc tàu. Mấy bà vợ của anh em binh sĩ sung sướng được ăn thịt heo, trái cây và chocolat. Họ nói đồ hộp ngon quá mà sao mấy ông hải quân lại chê…

    Khôi cười vui vẻ.

    – Nếu họ được ăn hoài như chúng tôi thời họ cũng sẽ ngán tới cổ…

    – Thấy mấy em nhỏ nhai chewing gum mà thương. Nhiều đứa nhai rồi nuốt luôn không chịu nhả ra…

    – Riêng cá nhân tôi xin cám ơn ông…

    Khôi đùa một câu.

    – Bà muốn nói là cá nhân bà cám ơn cá nhân tôi…

    – Ông nghĩ như thế cũng được…

    – Tôi làm như thế vì hai lý do. Thứ nhất là bày tỏ lòng biết ơn của tôi đối với những người lính của bà. Họ hy sinh nhiều nhưng không được đền bù xứng đáng. Lý do thứ nhì là lý do cá nhân. Tôi cám ơn bà cho tôi ăn một bữa cơm ngon và cũng với hy vọng bà sẽ mời tôi ăn một bữa cơm khác…

    – Lý do nào quan trọng hơn?

    Cười cười không trả lời Khôi hỏi lại.

    – Bà muốn tập bắn nơi nào?

    – Ông thấy gốc cây đó không…

    Hai người dừng lại. Tháo khẩu M16 trên vai xuống Khôi đưa cho Bà Bùi. Chỉ sơ cho bà ta cách nạp đạn, lên đạn, cách nhắm mục tiêu xong cười nói:

    – Bà thử đi… Nó khác hơn khẩu M2 của bà nhiều lắm…

    Bà Bùi đưa súng lên vai nhắm mục tiêu xong bóp cò. Khôi nhận thấy mặc dù chân yếu tay mềm song bà ta bắn khá chính xác. Nếu có thời gian tập luyện để quen với loại súng mới này bà ta sẽ bắn giỏi hơn nhiều lắm.

    Bắn hết một băng đạn Bà Bùi cười nói với Khôi:

    – Súng này ít giật hơn M2… Tôi thích lắm…

    – Nó bắn nhanh và xa hơn M2 đồng thời sức phá hoại của nó cũng mạnh hơn. Bây giờ tới phiên M79…

    Khôi chỉ cách nạp đạn, nhắm mục tiêu xong đưa khẩu súng cho Bà Bùi.

    – Có hai cách bắn M79. Đó là bắn thẳng hoặc bắn vòng cầu. Khi nào địch ở gần quá mình có thể bắn trực xạ như súng thường còn bắn vòng cầu thời dùng cho mục tiêu xa hơn…

    Bà Bùi cười thích thú khi thấy bùn đất bay tứ tung trước mặt mình chừng ba bốn chục thước.

    – Ước gì tôi có được vài khẩu súng này…

    Khôi quay qua cười nói.

    – Tôi có thể giúp bà chuyện đó…

    – Tôi không hiểu ý của ông…

    – Tàu của tôi có nhiều súng lắm. Những khẩu súng này không có trong danh sách của đơn vị. Tôi muốn nói là nếu các khẩu súng này có mất thời cũng không ai hay biết. Tôi có thể cung cấp cho đại đội của bà một số M16, M79, trung liên, đại liên và lựu đạn…

    Bà Bùi quay nhìn Khôi đăm đăm.

    – Lý do nào thúc đẩy ông muốn giúp tôi?

    Khôi cười cười.

    – Tôi không muốn bà chết. Bà còn sống thời tôi mới được bà mời ăn cơm và nhất là tôi mới còn có cơ hội khám phá ra cái bí mật của bà…

    Bà Bùi cười đùa.

    – Hóa ra ông giúp tôi vì có lợi cho ông chứ không phải vì ông…

    Bà ta bỏ lững câu nói ở đó.

    – Còn một lý do nữa mà tôi chưa muốn nói ra…

    – Lý do gì ông nói cho tôi nghe đi…

    Khôi nhìn ra bìa rừng xa xa. Môi anh hơi mím cười khi nghe giọng nói nhuốm chút năn nỉ và nhỏng nhẽo của Bà Bùi. Anh cũng biết bà ta đang ngắm mình.

    – Khi nào có dịp tôi sẽ nói cho bà nghe…

    – Ông nhớ lời ông hứa nghe chưa…

    Khôi cười lớn.

    – Thôi mình đi về. Chắc cũng phải hai ba ngày nữa tôi mới có thể giao súng cho bà được…

    – Giúp tôi ông có bị rắc rối gì không?

    – Không… Tôi cần thời giờ để kiểm kê vũ khí trên tàu. Những khẩu súng nào không có tên trong danh sách sẽ được xem như thừa…

    Hai người vừa đi vừa trò chuyện thân mật như bạn. Tới nơi tàu đậu Khôi mời Bà Bùi xuống tàu uống nước nhưng bà ta từ chối nói cần phải về nấu cơm.

    Ba ngày Khôi bận bù đầu vì phải lục lọi khắp nơi trong tàu để kiểm kê vũ khí và đạn dược. So sánh bản danh sách thực thụ của tàu với bản danh sách tự kiểm kê Khôi biết mình có một số súng đạn khá nhiều. Điều này cũng do ở chương trình Việt Nam Hoá Chiến Tranh và Chuyển Giao Cấp Tốc của quân đội Hoa Kỳ. Cuối năm 1967 Khôi được thuyên chuyển xuống chiến đỉnh do trung sĩ nhất Bob Kent làm thuyền trưởng. Anh tập sự dưới quyền của ông ta để sau đó ông ta sẽ bàn giao chiến đỉnh lại cho anh chỉ huy. Nhờ số vốn liếng Anh ngữ học ở trường và Hội Việt- Mỹ Khôi quen thân với thủy thủ đoàn trên tàu và sau đó trở thành bạn của Kent. Cũng vì lý do đó mà khi giao tàu Kent chỉ bàn giao cho có lệ và chỉ lập bản danh sách rất sơ sài. Ông ta sắp về hưu nên cũng chẳng để ý tới việc lập sổ sách một cách chính xác. Điều này chỉ có mình anh biết và được anh giữ kín không tiết lộ cho ai kể cả nhân viên trên tàu. So sánh lại hai danh sách một lần nữa Khôi thấy mình cần phải lập một bản danh sách thứ ba. Theo bảng danh sách này anh có ba khẩu đại liên M60, mười khẩu M16 mà tám khẩu còn nguyên trong thùng, ba khẩu trung liên M14, bảy khẩu M79, tám thùng lựu đạn, mười một thùng đạn M16, mười lăm thùng đạn đại liên M60, bảy thùng đạn M79, sáu thùng đạn trung liên M14 và ba thùng trái sáng. Điều làm cho Khôi lo âu là không biết làm sao để giao cho Bà Bùi số lượng vũ khí lớn mà các nhân viên trên tàu không hay biết. Suy đi tính lại Khôi thấy mình cần phải bàn tính với bà ta với hy vọng tìm ra giải đáp cho vấn đề khá phức tạp này.

    Giơ tay chào Khôi người lính gác cổng cười nói một cách vui vẻ.

    – Kính chào trung úy… Trung úy mạnh khoẻ không?

    Đưa gói thuốc PallMall ra mời người lính Khôi cười hỏi:

    – Cám ơn anh… Bà Bùi chắc có trong đồn phải không anh?

    – Dạ… Từ sáng tới giờ tôi không thấy bả ra đây…

    Vào tới trong đồn Khôi thấy Bà Bùi đang bước ra. Thấy Khôi bà ta cười lên tiếng.

    – Tôi đang định tìm ông…

    – Tôi cũng tính gặp bà…

    – Mời ông vào văn phòng của tôi…

    Hai người bước vào phòng làm việc. Ngồi xuống chiếc ghế đẩu Khôi nhìn người đối diện.

    – Tôi có một tin vui cho bà. Đây là số vũ khí mà tôi định giao cho bà…

    Khôi đưa bảng danh sách và Bà Bùi tròn mắt khi đọc. Ngước lên nhìn Khôi bà ta nói với giọng vui mừng và cảm động.

    – Tôi không biết nói gì để cám ơn ông…

    – Tôi chỉ giúp đỡ những người bạn cùng chiến tuyến với mình…

    – Tôi xin mời ông bữa cơm chiều hôm nay…

    Khôi cười.

    – Cám ơn bà nhưng tôi không thể ăn cơm khi chưa tìm ra cách để giao số vũ khí tới tay bà. Dù đây là số vũ khí không có tên nhưng tôi cũng không muốn nhân viên trên tàu biết…

    – Tôi hiểu ý của ông… Nếu không cho tôi ông cũng đem đổ xuống sông…

    Khôi lộ vẻ mừng rỡ khi nghe câu nói của Bà Bùi.

    – Nhờ bà nói mà tôi nghĩ ra một cách… Tôi sẽ đem súng đạn đổ xuống sông để cho lính của bà vớt lên…

    – Ông thấy chưa… Tôi nói ông là một người khôn ngoan có sai đâu…

    – Cám ơn bà… Chính bà cho tôi ý kiến đó… Bà cho lính chuẩn bị và thấy khi nào tôi treo lá cờ màu đỏ là chúng ta bắt đầu…

    12 giờ trưa. Chiếc alpha 11 đi tuần tiểu. Tango 12 chở nhân viên đi chợ chỉ còn một mình Khôi ở lại với chiếc alpha 9. Anh vội vả treo là cờ đỏ lên mui. Chừng mười lăm phút sau anh thấy chiếc ghe khá lớn xuôi dòng ra biển rồi dừng lại cách tàu chừng mươi thước. Khôi bắt đầu liệng súng truớc vì những thứ này nhẹ hơn. Sau đó mới tới các thùng đạn và lựu đạn. Công việc này khá nặng nhọc và mất thời giờ vì anh phải khiêng từ dưới hầm lên bong tàu xong mới thả xuống nước. Anh thấy Bà Bùi ngồi nơi mũi ghe chỉ huy lính vớt súng. Sông Bảy Hạp không sâu lắm vả lại nhằm nước ròng cho nên lính không cần phải lặn sâu. Chừng hơn tiếng đồng hồ việc vớt súng hoàn tất. Khôi an tâm vì nhân viên của bốn chiếc tàu vẫn chưa về tới. Đứng sau lái tàu nhìn thấy nét mặt vui mừng của những người lính địa phương quân anh cảm thấy hài lòng vì nghĩ mình vừa làm được điều gì có ý nghĩa cho một ngày.

    Đang uống cà phê trong quán Khôi thấy một người lính đi xăm xăm về hướng của mình đang ngồi. Bước vào quán chắp tay xá Khôi anh ta cười nói.

    – Thưa trung úy… Bà Bùi của tôi mời trung úy lên đồn…

    – Có chuyện gì không anh?

    – Dạ tôi không biết… Chỉ biết bả sai tôi xuống tàu kiếm trung úy. Mấy anh hải quân chỉ tôi ra đây…

    Khôi mời người lính ly cà phê nhưng anh ta từ chối vì sợ Bà Bùi chờ. Khôi cười nói:

    – Thì anh cứ đổ thừa là tôi không chịu đi cho tới khi nào uống xong cà phê…

    Không đợi người lính có ý kiến Khôi gọi cho anh ta ly cà phê sữa đá. Trong lúc nhâm nhi cà phê hai người trò chuyện với nhau. Anh ta cho biết tên là Đặng, hai mươi hai tuổi, đi lính được hơn hai năm.

    – Hình như Bà Bùi là người ở xứ khác tới phải không anh?

    – Dạ… Tôi nghe anh em nói bà ta ở đâu xa lắm hình như ở miệt Sài Gòn…

    Khôi mỉm cười mời người lính điếu thuốc PallMall. Bật lửa cho anh ta đốt thuốc Khôi cười khi thấy anh ta hít hơi dài rồi ém hơi thật lâu mới từ từ thở ra.

    – Thuốc này thơm và ngon thật…

    Hít một hơi nữa rồi anh ta nói tiếp:

    – Bả có chồng… Chồng bả là người ở ngoài tỉnh Cà Mau… Ổng là đại đội trưởng của tụi tui. Hồi tết Mậu Thân năm ngoái tụi nó đánh đồn ổng và một ít anh em bị chết. Từ đó quận cho bả lên thay ổng coi tụi tui. Trung úy biết không bả là đàn bà mà đánh giặc giỏi không thua đàn ông…

    Đặng nói hơi dài dường như để có chuyện nói hoặc để cám ơn Khôi đã mời uống cà phê và hút thuốc lá.

    – Thôi mình đi…

    Khôi trả tiền rồi đứng lên.

    – Trung úy cứ vào đồn. Tôi còn phải đi chợ cho vợ của tôi…

    Khôi cười chào Đặng. Chầm chậm bước trên con đường dẫn vào đồn anh thầm thích thú vì khai thác được chút ít về bí mật của người đàn bà mà anh cảm thấy… Khôi lắc đầu như cố xua đuổi những ý tưởng vu vơ của mình.

    Dường như hơi nóng lòng nên thượng sĩ Bang đưa Khôi vào phòng làm việc của cấp chỉ huy. Chờ cho tới khi ông thượng sĩ đã bỏ đi Bà Bùi nói với Khôi bằng giọng có chút hờn mát.

    – Tôi chờ ông lâu muốn chết…

    – Tôi xin lỗi bà… Bà kiếm tôi có chuyện chi?

    – Bộ phải có chuyện chi tôi mới kiếm ông sao?

    Khôi cười cười vì câu hỏi dấm dẳn của bà trưởng đồn. Hình như còn hờn mát bà ta buông gọn.

    – Mời ông theo tôi…

    Bà Bùi đi trước dẫn đường. Lát sau hai người bước vào khoảng sân nhỏ bày la liệt súng ống. Thượng sĩ Bang và ba trung đội trưởng đều có mặt.

    – Súng đã được chúng tôi lau chùi rồi. Đa số là súng mới còn nguyên trong bao nên không bị thấm nước. Chỉ có ba khẩu M16 thời bị nước vô nòng nhưng chúng tôi không ai biết tháo ra nên còn chờ ông dạy cho lính tháo ráp…

    Khôi cầm lấy một khẩu M16 lên quan sát. Súng bị thấm nước mặn cần phải được tháo ra lau chùi cẩn thận.

    – Tôi nhờ một anh nào đi xuống tàu gặp nhân viên của tôi và bảo họ đưa cho tôi hai ba cái cây thông nòng súng với mấy chai dầu chùi súng…

    Một người lính bỏ đi. Khôi bấm nút lấy băng đạn ra, kéo cơ bẩm ba lần xong đưa súng lên trời rồi bấm cò. Bà Bùi và toàn thể lính đều ngạc nhiên khi thấy Khôi tháo rời khẩu M16 thật lẹ.

    – Ông là lính hải quân mà sao rành mấy thứ này quá vậy…

    Thượng sĩ Bang cười nói. Khôi nhìn Bà Bùi.

    – Nghề của tôi mà… Tôi đã được huấn luyện để có thể tháo ráp từ súng lớn tới súng nhỏ. Hải quân gọi là nghề trọng pháo. Nhiều người còn giỏi hơn tôi nữa. Ông huấn luyên viên của tôi ở Nha Trang còn tháo ráp khẩu đại liên 12 ly 7 mà mắt bị bịt kín…

    Người lính trở lại với hai cây thông nòng súng và ba chai dầu chùi súng. Chỉ trong vòng mười phút Khôi đã làm xong việc lau chùi khẩu M16. Bà Đại và mọi người xin anh làm chầm chậm để cho mọi người học.

    – Chắc tôi phải nhờ ông mỗi ngày lên đây dạy mới được…

    Bà Bùi nói với Khôi.

    – Tôi sẵn lòng miễn là bà cho tôi ăn cơm…

    – Gì chứ cơm thời tôi không thiếu… Tiện đây tôi mời ông góp ý kiến về việc bố trí các khẩu đại liên và trung liên…

    – Thưa bà việc này tôi không dám đâu… Bà với thượng sĩ Bang và ba trung đội trưởng chắc thông thạo địa hình địa vật hơn tôi…

    Bà Bùi nhìn Khôi với ánh mắt như van lơn kèm theo câu nói:

    – Tôi xin ông…

    Nghe câu nòi này Khôi phải miễn cưởng theo bà ta bước ra sân.

    – Trước khi tôi có ý kiến xin bà và mọi người hãy cho tôi biết là quý vị định bố trí như thế nào?

    Thượng sĩ Bang lên tiếng trước nhất:

    – Mặt tây có nhiều rừng cây và mô đất là mặt tụi nó hay đánh nhất nên tôi cho trung đội chỉ huy án ngữ với hai khẩu đại liên và một khẩu trung liên. Mặt này sẽ do Bà Bùi coi. Còn ba mặt kia khá trống trải sẽ do hai trung đội còn lại chia nhau giữ nên tôi chỉ cho bố trí một khẩu đại liên và hai khẩu trung liên mà thôi…

    – Ông chia như vậy là đúng rồi. Tôi tiếc là không thể cung cấp cho các ông một khẩu M79 tự động…

    Thấy mọi người ngơ ngác không hiểu Khôi cầm lấy một khẩu M79 lên rồi từ từ giải thích.

    – M79 tự động là thứ vũ khí tối tân mà hải quân Mỹ đã để lại khi họ bàn giao tàu cho tôi. Nó cũng dùng cùng loại đạn như khẩu súng này nhưng thay vì từng trái rời nhau thời được gắn lại thành dây như dây đại liên M60… Để hôm nào tôi mời quý vị xuống tàu bắn thử cho quý vị thấy hiệu lực của nó…

    – Chà… Có được một khẩu súng như vậy thời tụi này hết lo tụi nó đánh…

    Khôi cười khi nghe một người trung đội trưởng nói.

    – Thật ra thời quý vị cũng không cần lắm đâu. Vả lại dù có súng mình cũng không có đủ đạn để bắn. Ngay cả tàu của tôi cũng ít khi xài tới nó…

    Sau khi được Khôi chỉ dạy cách tháo ráp súng M16 Bà Bùi cười nói.

    – Bây giờ tới phiên ông dạy cho họ cách bắn các loại súng này…

    – Ủa tôi tưởng quý vị đã bắn thử rồi…

    – Anh em ham quá đòi bắn nhưng tôi bảo chờ ông…

    Mọi người lo xách súng đạn theo Khôi và bà Bùi ra bên trái của đồn.

    – Quý vị thấy thân cây lớn đằng kia không?

    Theo tay chỉ của Khôi mọi người thấy thân cây thật lớn cách chỗ họ đứng chừng sáu bảy chục thước.

    – Loại đại liên mới này nhạy hơn loại đại liên 30 cũ rất nhiều cho nên đừng có miết cò mà cố bắn cầm chừng từ ba tới năm viên là tốt nhất…

    Bà Bùi và ông thượng sĩ nhìn nhau khi thấy Khôi bắn đại liên. Rất đều đặn. nhịp nhàng và liên tục anh bóp cò từng loạt từ ba tới năm viên. Bắn như vậy chính xác hơn đồng thời còn tiết kiệm đạn. Khi Khôi ngưng tay thượng sĩ Bang nói đùa.

    – Hải quân mà ông bắn chì quá ngay cả tôi cũng chịu thua luôn…

    Bà Bùi nhìn Khôi cười.

    – Chắc ông Khôi phải tập bắn ở đâu đó trước khi vào hải quân…

    Khôi cười im lặng vì câu nói dò đường của Bà Bùi. Chờ cho các ông trung đội trưởng bắn thử xong bà ta mới cười nói với Khôi.

    – Bây giờ tôi mời ông về nhà tôi dùng cơm trưa. Ông là cục nợ của tôi đấy nghe chưa…

    Nói xong câu đó dường như biết mình lỡ lời ba ta đưa tay bụm miệng rồi cất tiếng cười như để che lấp câu nói của mình. Hai người bước song song trên khoảnh sân rộng. Thấy Khôi im lặng cúi đầu bước Bà Bùi lên tiếng.

    – Tôi lỡ lời xin ông đừng giận…

    Khôi quay nhìn người đàn bà đang sóng bước với mình.

    – Tôi đâu có giận bà… Tôi còn cám ơn bà là đàng khác… Là cục nợ cho nên tôi sẽ theo bà hoài… Bà đi đâu tôi đi đó…

    Bà Bùi cười thánh thót. Da mặt của bà ta hơi hồng lên và ánh mắt cũng long lanh sáng. Như không muốn cho Khôi biết bà ta rảo bước đi vào nhà trước.

    – Mời ông ngồi… Ông có thể đọc sách trong lúc chờ tôi hâm nóng cơm canh…

    Khôi quay người nhìn chồng sách cao. Thấy có quyển Mưa Đêm của Võ Phiến Khôi cầm lấy xong bước tới đứng cạnh khung cửa sổ nhỏ nhìn ra ngoài trời. Nắng chói chang. Rừng cây xanh xanh. Khôi có cái tật ham đọc sách. Khi đã cầm cuốn sách là anh ít khi chịu ngưng đọc trừ trường hợp bất đắc dĩ. Tiếng tằng hắng vang lên khiến cho Khôi phải ngước lên.

    – Mời ông…

    Trả cuốn sách lại chỗ cũ Khôi cười.

    – Xin lỗi bà tôi có tật xấu là cầm cuốn sách lên là phải đọc cho xong…

    – Tôi cho ông mượn mang về tàu đọc khi nào trả lại cũng được…

    – Cám ơn bà nhưng ở tàu tôi có nhiều sách lắm…

    Bà Đại nói trong lúc bới cơm ra chén:

    – Cơm nguội ông đừng chê…

    – Tản Đà có nói cơm không ngon, giờ ăn ngon, người ngồi ăn ngon thời ăn cũng ngon…

    – Cám ơn ông… Tôi cũng nghĩ như ông…

    – Chắc bà thích đọc sách?

    – Ông tính điều tra về cái bí mật của tôi phải không?

    – Không… Tôi tò mò…

    – Thưa ông tôi nhiễm cái tính của ba tôi… Ông có nguyên kho sách tại nhà… Cũ mới gì cũng có…

    – Chắc gia đình bà ở Sài Gòn?

    Ngưng ăn Bà Bùi nhìn Khôi.

    – Ông cũng ở Sài Gòn phải không?

    Hai người đồng bật cười vui vẻ. Tuy không ai trả lời câu hỏi của ai vì họ đều có câu trả lời. Hỏi chỉ là cách để xác định mà thôi.

    – Tôi nói ra ý kiến này xem ông có đồng ý không. Để cho cuộc điều tra của ” mình ” khỏi mất nhiều thời giờ tôi sẽ hỏi một câu và ông phải trả lời, thành thật trả lời. Phần tôi cũng vậy. Ông chịu không?

    – Chịu… Như vậy đỡ mất công của hai đứa mình…

    Bà Bùi cười thánh thót.

    – Mời ông hỏi trước…

    – Mời bà hỏi trước…

    – Ông ở binh chủng nào trước đây?

    Bà Bùi thấy Khôi hơi do dự nhưng cuối cùng cũng trả lời gọn:

    – Biệt động quân thưa bà…

    Đặt đôi đủa xuống bàn Khôi nhìn thẳng vào mặt của người đối diện:

    – Tên thật của bà là gì?

    Bà Bùi nhìn Khôi và bắt gặp anh đang nhìn mình cười cười. Thoạt đầu bà ta định không nói thật nhưng sau đó nghĩ mình làm như thế không đứng đắn. Mình đã giao hẹn là phải nói thật do đó phải giữ lời.

    – Thùy Dung là tên của tôi…

    Khôi mỉm cười. Đặt ra câu hỏi anh có ý muốn thăm dò sự thành thật của người đối thoại. Anh cố ý hỏi một câu mà mình đã biết câu trả lời để xem Bà Bùi trả lời thành thật hay dối trá.

    – Cháu Thùy Trâm ngoan và dễ thương lắm thưa bà…

    Bà Bùi hay Thùy Dung đưa tay bụm miệng để khỏi bật lên tiếng kêu ngạc nhiên. Bà ta nghĩ thầm.

    – Hú vía… Mình mà nói dối là chết rồi. Hóa ra ổng biết tên của mình mà ổng làm bộ hỏi để thử mình. Ông lính biệt động-hải quân này ma mãnh lắm. Trả lời lạng quạng là chết với ổng liền…

    Khôi cười thầm khi nhìn đôi mắt mở lớn của Thùy Dung. Đôi mắt đen dài với hai hàng mi cong nhìn mình với vẻ gì là lạ.

    – Ông đã gặp con gái tôi?

    Khôi nhẹ gật đầu trả lời.

    – Cách đây mấy ngày tôi đậu tàu gần chợ để phát quà cho mấy em nhỏ. Khi phát quà gần xong thời có một bé gái tới tàu hỏi:

    – Bác ơi bác… Bác có kẹo cho cháu hôn bác?

    Thùy Dung mỉm cười khi nghe Khôi nhại giọng của con gái mình.

    – Tôi nói tôi có nhiều thứ kẹo lắm vậy cháu muốn thứ nào. Cháu trả lời là thứ nào cháu cũng muốn hết. Nhưng cuối cùng cháu mới nói với tôi là cháu chỉ xin một phong chewing cho cháu và một lon trái cây cho má của cháu. Thấy đứa bé xinh xắn. dễ thương và ăn nói lễ phép tôi đoán cháu không phải là đứa bé sinh trưởng ở vùng này. Động tính tò mò tôi mới hỏi cháu tên gì. Cháu nói cháu tên Thùy Trâm. Tôi lại hỏi má của cháu tên gì. Cháu hỏi lại tôi là muốn biết tên má của cháu để làm gì…?

    Khôi ngừng lại.

    – Để tôi bới thêm cơm cho ông. Rồi ông trả lời con Thùy Trâm ra sao?

    – Tôi phải nói tránh là tôi muốn biết tên vậy mà. Tên của cháu đẹp như vậy thời tên của má cháu còn đẹp hơn nữa…

    Thùy Dung ngừng ăn. Tay chống càm nàng ngoẹo đầu nhìn Khôi. Vành môi son của nàng hơi mím lại như cố giữ để không cười.

    – Tôi phải hứa với cháu Thùy Trâm là tôi không có học lại với má của nó thời cháu mới chịu nói tên. Thật ra lúc đó tôi chưa biết cháu Thùy Trâm là con của bà cho tới ngày hôm sau ngồi uống cà phê tôi tình cờ thấy bà nắm tay cháu bé.

    – Ông kể cho tôi nghe chuyện này như vậy là ông thất hứa với con tôi rồi…

    – Tôi biết… Có dịp gặp lại cháu tôi sẽ xin lỗi cháu… Mấy ngày nay lên đây tôi không thấy cháu thưa bà…

    – Ba má tôi xuống đón cháu về Sài Gòn ở… Thùy Trâm đến tuổi đi học nên phải về ở với ông bà ngoại…

    – Nhà bà thuộc quận nào ở Sài Gòn?

    – Tôi ở khu Hàng Xanh gần cư xá Thanh Đa. Còn ông?

    – Nhà ba má tôi ở Tân Định…

    – Tại sao ông muốn biết tên của tôi?

    – Tại vì tôi không thích gọi bà bằng Bà Bùi. Ít nhất bà Thùy Dung cũng nghe êm tai hơn… Thật ra tôi muốn gọi bà bằng một cách khác nhưng thôi tôi tạm bằng lòng với cái tên bà Thùy Dung…

    – Lý do gì mà ông trở thành lính hải quân?

    Khôi buông đũa. Hớp ngụm nước lạnh anh cười cười nói đùa.

    – Câu hỏi của bà có nằm trong phạm vi cuộc điều tra của chúng ta không?

    Hơi lắc đầu Dung cười nói đùa bằng cái giọng như ra lệnh.

    – Không cần biết… Tôi hỏi và ông phải trả lời câu hỏi của tôi… Thi hành trước rồi khiếu nại sau nghe chưa?

    Khôi cười thầm vì cái giọng giả oai quyền của Thùy Dung.

    – Dạ tôi biết thưa bà đại đội trưởng…

    – Ông tính làm lơ câu hỏi của tôi à…

    – Năm 1962 tôi bị động viên đi học trường hạ sĩ quan Đồng Đế. Sau khi mãn khóa tôi xin về biệt động quân. Ba năm sau tôi đậu tú tài 1 và được đơn vị đề nghị đi học khóa sĩ quan đặc biệt. Không biết vì lý do gì mà sau khi mãn khóa học tôi lại bị đưa về hải quân. Tôi có làm đơn khiếu nại nhưng cũng đi tới đâu. Khăn gói về trình diện hải quân tôi được biệt phái cho toán Biệt Hải chuyên đổ bộ ra bắc. Mấy năm sau đơn vị này giải tán và tôi trở thành lính hải quân dù tôi không thích… Tuy nhiên cũng nhờ là lính hải quân mà tôi mới có dịp may gặp bà…

    – Ông chờ tôi dọn dẹp xong rồi tôi với ông đi một vòng cho tiêu cơm…

    Lát sau Khôi và Thùy Dung đứng nơi khoảnh sân rộng ngó ra bờ sông. Trời trong và cao xanh không chút mây. Gió nhè nhẹ. Như không hẹn họ cùng bước ra gần hàng rào kẻm gai xa dần khu gia binh đông người. Họ đứng cạnh nhau im lặng không nói như đang bận tâm suy nghĩ chuyện gì.

    Đang đứng im Khôi chợt nghe được âm thanh lạ. Đó là tiếng départ của súng cối 82 ly. Âm thanh chưa dứt anh nghe tiếng hú vút qua đầu rồi tiếp theo hai ba tiếng départ khác.

    – Pháo … Pháo kích…

    Bằng phản ứng tự nhiên Khôi nhào tới ôm chầm lấy Thùy Dung rồi hai người ngã xuống đất. Ầm… ầm… ầm… Hàng loạt tiếng nổ đinh tai nhức ốc. Đất đá rơi ào ào hòa lẫn trong tiếng người la hét. Đợi cho tiếng pháo kích im hẵn Khôi mới nhẹ hỏi:

    – Thùy Dung có sao không?

    Thùy Dung không trả lời. Dường như nàng còn đang bàng hoàng vì sợ hãi hay e thẹn khi bị Khôi đè lên người.

    – Ông Khôi…

    – Thùy Dung có sao không?

    Khôi hỏi lại lần nữa.

    – Tôi không có sao. Ông ôm tôi chặt quá làm tôi ngộp thở…

    Khôi cười.

    – Tôi xin lỗi bà…

    Thùy Dung nói bằng giọng cảm động.

    – Ông không có lỗi gì hết. Tôi phải cám ơn ông mới đúng. Ông cứu mạng tôi mà…

    Khôi cười im lặng đứng lên. Thùy Dung cũng đứng lên phủi quần áo.

    – Ông thính tai thật… Chắc hồi còn ở biệt động ông quen nghe tiếng pháo kích…

    – Bà làm ơn đừng nói cho ai biết dĩ vãng của tôi…

    Khôi nói với giọng năn nỉ. Thùy Dung cười:

    – Tôi hứa… Đó là bí mật của tôi và ông…

    Khôi nói với Thùy Dung bằng giọng nghiêm nghị.

    – Chúng ta cần phải khóa họng mấy khẩu 82 này không thôi là có ngày chết với nó…

    – Mình làm bằng cách nào?

    Thùy Dung mỉm cười khi biết mình dùng chữ ” mình ” nhưng Khôi lại không để ý.

    – Tiếng départ phát xuất từ bên kia sông. Như vậy thời tụi nó phải đặt súng ở bên đó. Hồi nãy tôi vừa nghe tiếng départ là đạn nổ liền như vậy tụi nó phải đặt súng gần lắm. Sáng mai tôi với Thùy Dung dẫn một tiểu đội qua đó tìm dấu vết rồi mình sẽ chấm tọa độ sẵn để phản pháo…

    Thùy Dung liếc Khôi rồi cúi mặt xuống dấu nụ cười. Nàng cũng không lên tiếng phản đối khi được Khôi gọi bằng tên. Ngước lên len lén nhìn nàng thấy một khuôn mặt xương xương. Sóng mũi cao có hơi gãy một chút ngay chính giữa. Cái miệng nhỏ. Cặp môi mỏng hơi mím lại. Khôi là đàn ông nhưng lại có đôi mắt đẹp. Đó là cặp mắt lá răm. lá rau răm. Thùy Dung nghĩ thầm như thế. Cặp mắt lá rau răm của ổng mà trộn với thịt gà thời ngon tuyệt. Thùy Dung không hiểu tại sao mình lại có ý nghĩ kỳ cục như vậy. Đôi mắt dài có đuôi. sáng long lanh với hai hàng lông mi dài và cong vút. Ổng có cặp lông mi giống như con Thùy Trâm và…

    – Ông Khôi…

    Đang miên man suy nghĩ nghe tiếng gọi bên tai Khôi mỉm cười quay nhìn Thùy Dung.

    – Mặt của Thùy Dung dính bụi đất nhiều lắm…

    Liếc một vòng quanh quất thấy không có ai Thùy Dung nói nhỏ.

    – Ông lau mặt dùm tôi đi…

    – Cái này có phải là thi hành trước khiếu nại sau phải không bà…

    Khôi đưa tay áo lên lau mặt cho Thùy Dung trong lúc nói đùa.

    – Thôi mình đi vào… May mà tụi nó pháo có mấy trái và không lọt vào khu gia binh…

    Thùy Dung quay lưng bước sau khi nói. Khôi chầm chậm lên tiếng.

    – Tụi nó pháo thử đó… Lần sau sẽ chính xác hơn…

    Trở vào nhà Thùy Dung được thượng sĩ Bang báo cáo là không có ai bị thương. Viện lý do cần liên lạc với bộ chỉ huy Khôi cáo từ và hẹn với Thùy Dung đúng mười giờ sáng mai.



    Còn tiếp.......

    Source: "https://baovecovang2012.wordpress.com"

    Comment


    • #3
      Mắt Kẽm Gai

      Chu Sa Lan


      (Chương 3)


      Đưa tay lên xem thấy gần 11 giờ đêm Thùy Dung gấp cuốn sách lại rồi vặn lu ngọn đèn dầu lửa. Đúng ra nàng cần phải tắt đèn để tiết kiệm nhưng nàng không muốn vì sợ ngủ trong bóng tối. Hơn ba năm sau ngày chồng chết nàng sợ ngủ một mình trong bóng tối. Chút ánh sáng lờ mờ nhưng đủ cho nàng thấy đỉnh mùng trắng ngà. Tự dưng nàng thở dài ứa nước mắt. Đôi mắt to và sáng. Nụ cười dễ thương. Giọng nói chậm và nhỏ nhẹ. Đạt hiền như con gái mới lớn. Sau khi quen nhau một thời gian nàng đưa Đạt về nhà giới thiệu với gia đình. Má của nàng rất chịu Đạt. Bà nói Đạt hiền nên không sợ đứa con gái cưng của mình bị chồng ăn hiếp. Còn ba của nàng không nói gì ngoài một câu. Nó hiền quá mà mấy người hiền thường hay chết sớm. Không biết điều này có đúng với người khác không nhưng lại đúng trong trường hợp của Đạt.

      Thùy Dung cười trong bóng tối mờ mờ khi hồi tưởng lại lần đầu tiên gặp Đạt. Hồng Hạnh. bạn của nàng bồ với Khoa. bị động viên vào Thủ Đức. Hồng Hạnh rủ nàng đi thăm Khoa và gặp Đạt. Mãi sau này khi dự đám cưới Hồng Hạnh mới tiết lộ cho nàng biết là Khoa vì tội nghiệp người bạn cùng phòng nên mới ngầm xếp đặt cho nàng với Đạt quen nhau. Khi vừa gặp nhau Khoa cười nói với nàng.

      – Tôi hân hạnh giới thiệu với Thùy Dung đây là Đạt. bạn cùng giường với tôi. Nó nằm giường trên còn tôi nằm giường dưới. Nó hiền và nhà quê lắm nên Thùy Dung không sợ bị nó ăn hiếp đâu…

      Đạt chỉ cười mà không nói trả lại câu nói đùa của bạn.

      – Quê anh Đạt ở đâu?

      – Dạ thưa cô tôi ở Cà Mau…

      Thùy Dung cười nghĩ thầm. Ông này đúng là hiền và nhà quê. Nói chuyện với mình mà ông dạ thưa giống như mình là má vợ hay là huấn luyện viên của ông không bằng.

      – Cà Mau chắc vui lắm hả anh Đạt?

      Đang ngồi với chuyện với bồ Khoa cười lớn xen vào.

      – Cà Mau mà vui gì. Thùy Dung không nghe người ta nói câu: ” Ở đâu vui bằng xứ Cạnh Đền. Muỗi kêu như sáo thổi đỉa lội lền như bánh canh…”.

      – Có đúng như vậy không anh Đạt?

      Đạt cười nói với nàng:

      – Dạ đúng như vậy thưa cô. Đỉa ở Cà Mau nhiều lắm nhất là xứ Cạnh Đền. Cứ bỏ chân xuống nước là chút sau đỉa bu đầy cả chân…

      – Nghe anh nói ghê quá ai mà dám ăn bánh canh…

      Câu xác nhận của Đạt khiến cho Thùy Dung từ đó về sau không dám ăn bánh canh. Nàng nói với Đạt là mỗi lần ăn bánh cạnh nàng lại nhớ tới đỉa cho nên nhất định không ăn. Đạt muốn ăn. thèm ăn nàng nấu cho ăn riêng nàng không đụng đũa tới tô bánh canh.

      Mãi cho tới sau này khi lấy Đạt. có con với nhau và ngay cả khi Đạt đã chết Thùy Dung cũng không hiểu vì sau mình lại lấy Đạt. Nàng biết mình lấy Đạt vì tình yêu nhưng hỏi vì sao mình yêu cái anh chàng hiền như phật đó nàng cũng không tìm ra lý do. Đạt không đẹp trai hơn những người bạn trai cùng xóm của nàng. Đạt cũng không ăn nói có duyên vì anh ít nói và trầm lặng. Đạt cười nhiều hơn nói. Đạt là mẫu người nếu không thương được thời người ta cũng không ghét. Sau khi mãn khóa Đạt được về phục vụ tại quê nhà vì lý do gia cảnh. Vả lại đâu có ai thèm tranh dành với anh về Cà Mau. cái xứ khỉ ho cò gáy. Hơn một năm nàng với Đạt không có gặp nhau mà chỉ liên lạc qua thư từ. Một hôm khi đi học về nàng ngạc nhiên khi thấy Đạt ngồi nói chuyện với ba má của mình. Lý do mà Đạt lên Sài Gòn là xin phép cho nàng xuống Cà Mau chơi một tuần lễ. Dù bận học, dù không muốn lắm nhưng nàng không thể từ chối khi nhìn cái mặt hiền như phật và buồn hiu của Đạt. Nàng không ngờ một tuần lễ ở Cà Mau đã thay đổi cuộc đời của mình. Xuống tới Cà Mau ở nhà Đạt một tuần lễ nàng mới có dịp hiểu và thương anh nhiều hơn. Do đó nàng không chút do dự khi nhận lời lấy Đạt. Đám cưới thật đơn giản. Sau đám cưới nàng về Cà Mau sống. Nhờ có bằng tú tài 1 nàng xin được chân thơ ký trong tòa án. Cuộc sống ở tỉnh lỵ yên bình và nhàn hạ và nàng bằng lòng với hạnh phúc đang có. Nàng còn vui mừng hơn khi biết mình mang thai. Tuy nhiên cuộc đời không êm xuôi như nàng mong ước. Chiến tranh càng ngày càng gia tăng. Tiểu khu Cà Mau định thiết lập một căn cứ mới nằm ngay trên ngã ba của sông Bảy Hạp và con rạch Năm Căn với mục đích kiểm soát và dò xét hoạt động của Việt Cộng trong hai quận Năm Căn và Cái Nước. Không một ai muốn lãnh một căn cứ nằm trong vùng địch kiểm soát. Hiền như phật và không biết chạy chọt Đạt được tiểu khu thăng chức trung úy và chỉ huy căn cứ Bảy Hạp. Thế là hai vợ chồng khăn gói tới căn cứ trong lúc nàng đang mang bầu ba tháng. Đạt không muốn vợ đi theo anh vào chỗ nguy hiểm nhưng nàng nhất định đi theo. Nàng đã nói với Đạt là chồng đâu thời vợ đó. Những ngày mới tới cái căn cứ buồn hiu này nàng khóc nhiều hơn cười. Tuy nhiên rồi nàng cũng gượng vui để chấp nhận hoàn cảnh làm vợ của lính tiền đồn….

      Ầm… Ầm… Ầm… Những tiếng nổ khủng khiếp rung rinh nhà cửa khiến cho Thùy Dung giật mình. Chụp vội khẩu súng, không kịp mang giày nàng chạy ra khỏi nhà.

      – Bà Bùi… Bà Bùi… Tụi nó pháo tàu… Tàu của ông Khôi…

      Thượng sĩ Bang nói với cấp chỉ huy của mình. Hơi gật đầu Thùy Dung hỏi.

      – Mình có ai bị gì không?

      – Chắc tụi nó không có ý pháo mình nên chỉ có vài trái rớt ngoài hàng rào…

      Thùy Dung không hỏi nữa. Nàng nghe tiếng đạn nổ rền cùng với ánh lửa lòe chớp nơi ba chiến đỉnh của Khôi. Nàng nghe được hàng loạt tiếng bụp bụp rồi lát sau tiếng nổ rền trong bìa rừng.

      – Đạn ở đâu mà họ bắn dữ quá…

      Thượng sĩ Bang lên tiếng.

      – Ông Khôi có nói với tôi là một chiếc tàu có súng đạn nhiều hơn đại đội của mình. Nay thấy họ bắn tôi mới tin…

      Tiếng súng rời rạc rồi im hẵn ngoại trừ tiếng máy tàu nổ sình sịch trong đêm khuya.

      – Chắc hết rồi… Bà vào nhà đi kẻo sương xuống lạnh…

      – Ông cứ đi đi…

      Thượng sĩ Bang bỏ đi chỉ còn Thùy Dung đứng im nhìn về hướng bờ sông. Trong bóng đêm mờ mờ nàng thấy bóng của người nào đó giống như Khôi đứng trơ vơ trên mui tàu.

      Trời sáng rõ. Nắng long lanh từng hạt đọng trên nền đất đen. Khi Thùy Dung và lính tới Khôi đã sẵn sàng.

      – Ông và anh em có sao không?

      Khôi cười tươi dù ánh mắt có vẻ mỏi mệt sau một đêm thiếu ngủ.

      – Tụi nó bắn bảy tám trái mà không trúng… Tuy nhiên nếu mình không khóa họng thời lần sau sẽ lãnh đủ… Trên đồn chắc không có ai bị gì hả bà?

      – Có tôi… Tôi bị mất ngủ vì sợ… vì lo…

      – Bà sợ gì? Lo gì?

      Hơi cúi xuống Thùy Dung nói thật nhỏ như không muốn cho mấy người lính nghe được.

      – Tôi sợ gì… Tôi lo gì ông biết mà…

      Khôi liếc qua bên trái và thấy đôi mắt long lanh đang nhìn mình.

      – Thầy bói nói tôi có số chết vì tình hơn là chết vì súng đạn…

      – Cái đó thời tôi chưa biết…

      Tàu quẹo vào rạch Năm Căn chừng năm ba trăm thước xong dừng lại. Dặn dò nhân viên canh gác cẩn thận Khôi và Thùy Dung chỉ huy tiểu đội lên bờ lục xoát. Đi sâu vào trong họ thấy có nhiều dấu chân còn mới. Cạnh một mô đất lớn họ tìm được nhiều vỏ đạn 82.

      Thùy Dung đứng nhìn Khôi vừa đi vừa đếm bước từ chỗ mô đất ra tới bờ sông đoạn rút sổ tay ghi chép.

      – Ông làm gì vậy?

      – Tôi đo khoảng cách từ chỗ tụi nó đặt súng tới bờ sông để tính cách phản pháo. Hể tụi nó vừa bắn mà mình phản pháo trúng là tụi nó im liền…

      – Ông học ở đâu vậy?

      Khôi cười không trả lời.

      – Ông Khôi…

      Thùy Dung kêu với giọng nũng nịu.

      – Học ở trường chứ ở đâu…

      – Trường nào?

      – Trường trung học Võ Trường Toản…

      – Tôi cũng học mà sao tôi không biết…

      – Bà biết làm chi những thứ giết người này… Đáng lẽ bà nên ở Sài Gòn hơn là giam mình trong cái tiền đồn heo hút…

      Thùy Dung cố giấu tiếng thở dài như không muốn cho Khôi nghe được. Từ lúc đó cho tới khi lên tàu nàng có vẻ tư lự. Riêng Khôi mãi lo ghi chép và tính toán nên không thấy được.

      Ra lịnh cho lính về đồn xong Thùy Dung nói với Khôi.

      – Tôi đói bụng mà làm biếng về đồn nấu cơm. Tôi mời ông ra chợ ăn hủ tiếu…

      – Tôi nhận lời nhưng bà phải để tôi trả tiền…

      Hơi nhún vai Thùy Dung buông gọn:

      – Hân hạnh…

      – Mời bà…

      Hai người bước song song trên con đường đất một bên là bờ sông còn một bên là hàng rào kẽm gai.

      – Ông nhớ Sài Gòn không?

      – Thỉnh thoảng… Dường như thỉnh thoảng nhớ thời mình lại nhớ thật nhiều. Bà xa Sài Gòn lâu chưa?

      – Hơn một năm… Còn ông?

      – Gần hai năm… Nhiều khi tôi chẳng muốn về Sài Gòn nữa. Bạn bè tản mạn khắp nơi. Gia đình thời không có…

      Thùy Dung quay nhìn Khôi.

      – Ba má ông không có ở Sài Gòn à?

      – Ba tôi mất khi tôi còn nhỏ còn má tôi mất ba năm rồi. Tôi có người chị trước ở Sài Gòn sau chị theo chồng ra Nha Trang nên tôi chẳng còn ai ở Sài Gòn… Nhiều khi về phép tôi chỉ ở một hai ngày rồi đi…

      Thùy Dung liếc nhanh người bạn đồng hành rồi mỉm cười vu vơ.

      – Bà nghĩ tôi tả oán phải không?

      – Làm sao ông biết tôi nghĩ ông tả oán…

      Thùy Dung đưa tay lên bụm miệng vì biết đã lỡ lời. Nói như thế chẳng khác nào tự mình tỏ lộ cho người ta biết. Một vài người lính trong đồn chắp tay chào khi thấy Thùy Dung và Khôi đi với nhau. Hai người bước vào quán hủ tiếu. Chọn một cái bàn trong góc nhìn ra bờ sông Thùy Dung cười nói với Khôi.

      – Nhiều lúc ngồi đây tôi có cảm tưởng như ngồi ở Sài Gòn…

      Khôi cười nhìn Thùy Dung.

      – Tôi cũng thế… Dòng sông này ở một lúc nào đó tôi tưởng như sông Sài Gòn. Nó khiến tôi nhớ lại lần đầu tiên đi với bồ…

      Thùy Dung làm bộ ngó ra dòng sông khi nghe câu nói của Khôi.

      – Bà uống và ăn gì…

      – Tôi xin ông một ly đá chanh và một tô hủ tiếu…

      Khôi gọi hai tô hủ tiếu và hai ly đá chanh. Trong lúc ngồi đợi hai người im lặng ngó mong ra dòng sông Bảy Hạp. Nước lớn lừ đừ chảy. Mấy đứa con nít tắm sông cười hét vang vang. Hai ly nước được đem ra.

      – Mời ông…

      – Mời bà… Tôi uống mừng cho…

      – Ông muốn nói cho cái gì?

      Khôi cười hớp ngụm nước như cố tình kéo dài thời gian để tìm câu trả lời.

      – Cho tình bạn của tôi với bà… Bà đồng ý không?

      Thùy Dung gật đầu cười cầm ly khuấy nước đá. Âm thanh của cái muỗng chạm vào thành ly nghe vui tai.

      – Bạn thời tôi nhận… Tôi rất vui mừng có một người bạn tốt như ông…

      – Cám ơn bà… Riêng tôi hân hạnh có được một người bạn đặc biệt như bà…

      Chống tay lên càm Thùy Dung hơi nghiêng đầu nhìn Khôi.

      – Tôi đặc biệt ở điểm nào?

      – Nhiều điểm lắm…

      – Đâu ông nói cho tôi nghe coi…

      Khôi lắc đầu cười.

      – Đó là một bí mật của tôi…

      – Tôi muốn ông nói cho tôi nghe…

      – Không… Bà phải tự tìm hiểu…

      – Ông nhất định không nói hả?

      Khôi cười lắc đầu trước sự hăm he của Thùy Dung.

      – Ông cứng đầu lắm…

      – Ông chồng của bà hiền lắm phải không?

      – Ừ… Ổng hiền như ông phật. Tôi muốn gì cũng được…

      – Bởi vậy bà mới hư…

      – Ê… Tôi không có hư đâu nghe… Ông đừng có nói oan cho tôi…

      Đón lấy tô hủ tiếu rồi đặt xuống trước mặt Thùy Dung Khôi cười.

      – Tôi xin lỗi bà… Bà ăn hủ tiếu đi cho bớt giận…

      – Ai thèm giận ông làm chi cho mệt…

      Tuy nói là không giận nhưng Thùy Dung lại cúi đầu ăn không nói năng gì hết. Nàng ăn thật chậm. Thỉnh thoảng lại ngưng đũa nhìn ra bờ sông.

      – Cháu Thùy Trâm chừng nào mới xuống thăm bà?

      – Tôi không biết…

      Khôi cười vì câu trả lời nhát gừng của Thùy Dung.

      – Tôi có hứa với cháu là khi nào gặp lại tôi sẽ cho cháu một món quà…

      Thùy Dung ngước lên nhìn Khôi với ánh mắt nửa dò xét nửa nghi ngờ.

      – Ông nói thật hay là ông phịa ra để cho tôi hết giận?

      Bị Thùy Dung gặn hỏi Khôi đành phải thú thật:

      – Vì lỡ thất hứa với cháu do đó tôi tính chuộc lỗi bằng cách mua cho cháu một món quà…

      – Ông tính mua kẹo cho nó hả… Ông đừng đem kẹo dụ con nít để khai thác nó…

      Thùy Dung muốn cười nhưng cố gắng mím môi lại để không cho tiếng cười phát ra đồng thời nghiêm nét mặt để cho Khôi tưởng nàng vẫn còn giận. Bỗng dưng nàng muốn hành ông lính hải quân đang ngồi trước mặt mình cho bỏ ghét. Dù quen biết không lâu nàng nhận thấy Khôi có một nhiều điểm khác hẵn Đạt. Người chồng của nàng hiền lành quá do đó lắm khi trở thành nhu nhược. Khôi không dữ mà cũng không hiền. Khôi cứng đầu và cương quyết. nhiều khi quá cương quyết. Khôi có cái tự tính. kiêu hãnh ngầm. và có chiều sâu. Là người có tự tín và kiêu hãnh cho nên từ khi gặp Khôi nàng cảm thấy tự tín và kiêu hãnh của mình bị va chạm. tổn thương. Nàng phục nhưng có lúc lại thấy ghét Khôi.

      – Bà nghĩ về tôi phải không?

      Quái. Bộ ông này có thuật đọc được ý nghĩ của người khác sao mà ổng biết mình nghĩ về ổng. Từ ý nghĩ đó Thùy Dung buộc lòng phải chối.

      – Ông là gì mà tôi phải nghĩ về ông?

      Đưa ly nước lên uống một ngụm Khôi cười.

      – Bà muốn nghe những nhận xét của tôi về bà không?

      Thùy Dung ngước lên nhìn người đối thoại. Trong óc nàng hiện lên một ý nghĩ là ông này muốn cái gì đây mà dám phê bình người khác…

      Giọng nói của Khôi vang lên chậm và đều đặn.

      – Đây là những ý nghĩ thẳng thắn và thành thật của tôi cho nên nếu có va chạm tới tự ái của bà tôi xin bà đừng phiền giận… Sau nhiều lần gặp gỡ và chuyện trò tôi biết bà là một người đàn bà đặc biệt. Bà tự tín. cương quyết. kiêu hãnh…

      Thùy Dung cười nói thầm trong trí não. Ông có thua gì tôi đâu. Sợ ông còn hơn tôi nữa kìa…

      – Ba điều đó có thể do trời sinh hay do hoàn cảnh hoặc do cả hai. Nhiều khi tôi tự hỏi có cái gì khiến cho một người đàn bà đẹp. thông minh. khôn ngoan lại chịu giam mình ở chốn đèo heo hút gió này. Phải có cái gì đặc biệt lắm mới khiến cho bà ta bỏ phí thời xuân sắc của mình…

      Ông ta bắt đầu nịnh mình. đưa mình lên mây xanh rồi chút nữa sẽ buông cho mình rớt xuống bùn. Thùy Dung cười thầm.

      – Ý nghĩ đó ở mãi trong đầu khiến cho tôi phải điều tra về bà. Xuyên qua những điều dò hỏi và suy nghĩ riêng tư tôi tạm thời có một kết luận…

      Dừng lại ở đó như chờ nghe câu nói của người đối thoại nhưng thấy Thùy Dung vẫn im lặng Khôi tiếp tục.

      – Chồng bà được tiểu khu Cà Mau ủy nhiệm về đây thiết lập căn cứ Bảy Hạp, một vị trí quan trọng vì có thể dò xét mọi hoạt động của địch trong hai quận Cái Nước và Năm Căn. Cũng vì tính chất quan trọng này mà địch đã mấy lần định triệt hạ căn cứ song không thành công. Mặc dù không thành công nhưng chúng đã giết chết chồng bà. Hành động này va chạm mạnh mẻ tới tự ái. niềm kiêu hãnh của cô gái Sài gòn. Thù chồng lại thêm tự ái bị va chạm. niềm kiêu hãnh thúc đẩy bà đứng lên thay thế chồng để giữ vững căn cứ này. Bà muốn làm làm một Trưng Vương của thời xa xưa hay gần đây hơn là Bùi Thị Xuân. Bà muốn chứng tỏ cho kẻ địch biết rằng chúng có thể giết chết chồng bà nhưng không thể hủy diệt được ý chí của ông ta… Bà họ Bùi và sâu xa hơn họ Bùi còn là họ của nữ danh tướng Bùi Thị Xuân bởi vậy bà mới tự gọi mình là Bà Bùi…

      Khôi dứt lời. Không khí im lặng trừ tiếng thở dài thầm lặng của Thùy Dung.

      – Giỏi lắm… Ông còn giỏi hơn Tống Văn Bình nữa…

      – Tôi không biết bằng cách nào mà bà được chi khu Cái Nước hoặc tiểu khu Cà Mau cho phép thay thế chồng làm chỉ huy trưởng căn cứ Bảy Hạp…

      Thùy Dung ngắt lời Khôi.

      – Đó là một bí mật của tôi…

      Thùy Dung cười nhìn Khôi như muốn nói ông có tài thời ông hãy khám phá ra bí mật đó đi.

      – Tôi biết… Tôi hy vọng và chờ đợi dịp may để tìm ra bí mật của bà…

      – Tôi nóng lòng chờ nghe ông tiết lộ về bí mật này…

      Thùy Dung uống cạn ly nước.

      – Bà hết giận chưa?

      – Tuy chưa hết giận nhưng đủ để cho tôi có thể ngồi nói chuyện với ông. Lần sau ông đừng chọc giận tôi nữa nghe…

      Khôi le lưỡi.

      – Dạ thưa Bà Bùi em xin chừa…

      Thùy Dung cười nhỏ vì câu nói đùa của người bạn trai. Trả tiền xong hai người trở lại tàu. Dừng nơi cổng vào đồn Thùy Dung hỏi:

      – Ngày mai ông có lên đồn dạy cho lính tôi tháo ráp súng không?

      Khôi cười lắc đầu.

      – Tôi có việc cần làm nên tôi nhờ một nhân viên dưới tàu lên chỉ cho họ. Anh ta tên Thành, là một chuyên viên về vũ khí nên tháo ráp còn giỏi hơn tôi nhiều…

      – Cám ơn ông… Mai mốt mình sẽ gặp nhau…

      – Chào bà… Tôi xin bà hết giận tôi…

      Hơi mỉm cười Thùy Dung cúi đầu bước vào cổng. Khôi không thấy được nụ cười tinh nghịch nở trên môi của người chỉ huy căn cứ Bảy Hạp.

      Bước vào cổng đồn Thành gặp thượng sĩ Bang đang đứng đợi ở cổng. Đi xuyên qua mấy hầm núp và giao thông hào ông ta đưa người lính hải quân tới một cái sân nhỏ có mấy người mặc bà ba đen đang đứng trong số đó có một người đàn bà.

      – Em là Thành phải không?

      – Dạ… Anh Khôi gởi tôi lên đây…

      – Tôi là Bà Bùi…

      Thành cười nói.

      – Anh Khôi có nói về…

      – Em cứ gọi tôi bằng chị đi cho thân mật… Mời em trổ tài…

      Thành đúng là một chuyên viên về vũ khí. Không những tháo ráp nhanh nhẹn Thành còn giảng giải rành mạch về cách thức cũng như các tiểu xảo hoặc mánh khóe nhỏ nhặt để làm cho việc tháo ráp được nhanh chóng.

      – Khí giới của Mỹ tối tân thật nhưng cũng có trở ngại nhất là đối với thời tiết của xứ mình. Nòng súng bị sét hay các cơ phận khác bị dơ cũng gây ra trở ngại nhất là vùng này gần biển lại ẩm thấp nên trong không khí vừa có nước và muối. Nó làm cho súng mau dơ hơn. Bởi vậy súng của tàu tụi em phải lau chùi hoài…

      Thành nói với Thùy Dung trong lúc hai người đứng xem lính tháo ráp và lau chùi vũ khí. Buổi học kéo dài tới trưa mới tạm ngưng cho lính về ăn trưa.

      – Chị mời em về nhà chị ăn cơm trưa…

      – Dạ cám ơn chị em có đem theo đồ hộp…

      Thùy Dung cười.

      – Ăn canh chua cá kho không ngon hơn đồ hộp sao. Ông Khôi có nói với chị là em ngán đồ hộp tới cổ…

      Thấy Thùy Dung đưa tay lên ngang càm làm dấu Thành bật cười một cách vui vẻ.

      – Đi… Hai chị em mình về nhà ăn cơm rồi lát sau trở ra…

      Thành không thể nào từ chối lời mời của một người đàn bà trẻ đẹp, duyên dáng và bặt thiệp như Thùy Dung. Về tới nhà Thùy Dung dọn cơm ra. Nàng ăn ít mà mời khách ăn nhiều hơn. Trong lúc ăn nàng gợi chuyện.

      – Em đi lính lâu chưa?

      – Dạ bốn năm rồi chị…

      – Quê em ở đâu vậy?

      – Dạ em ở Vĩnh Long?

      Bới cơm vào chén cho Thành Thùy Dung cười hỏi tiếp.

      – Chắc em ở chung tàu với ông Khôi lâu lắm hả?

      – Dạ cũng hơn một năm. Khi đi thực tập để lãnh tàu của Mỹ anh Khôi xuống trước nhất…

      – Chị nghe nói ông Khôi ở binh chủng nào đó trước khi về hải quân…

      – Dạ đúng thưa chị. Ảnh là trung sĩ nhất biệt động quân. Nhờ có bằng tú tài 1 và được tiểu đoàn trưởng thương nên ảnh được đi học khóa sĩ quan đặc biệt. Ra trường anh được đưa về toán biệt hải chuyên đổ bộ ra bắc. Khi biệt hải bị giải tán người ta giữ ảnh ở lại hải quân mà không trả ảnh về đơn vị gốc là biệt động quân. Điều này khiến cho ảnh sùng và bất mãn lắm. Trong thời gian tạm trú ở bộ tư lệnh hải quân anh có xích mích và gây gổ với một ông trung úy hải quân. Nổi máu anh hùng của biệt động quân ảnh dọng sặc máu ông trung úy này…

      Thùy Dung bật cười vì câu nói của Thành.

      – Chắc ông Khôi du côn lắm hả Thành?

      Thành lắc đầu binh liền:

      – Không có đâu chị. Anh hiền và ít nói lắm. Sau vụ đánh nhau đó ảnh bị đưa ra hội đồng kỹ luật, bị giáng cấp xuống còn trung sĩ và bị đề nghị trả về biệt động quân. Nhưng không biết vì lý do gì mà cuối cùng họ giữ ảnh lại. Chắc họ muốn giữ ảnh lại để đì cho bỏ ghét. Ảnh bị đưa đi lãnh tàu rồi làm thuyền trưởng của một chiến đỉnh. Nếu không có vụ dọng vô mặt ông trung úy đó chắc giờ này ảnh cũng là trung úy rồi… Tội nghiệp ảnh… Ảnh nói với em là ảnh xin đi học khóa người nhái mà đơn xin bị bác vì lý do vô kỹ luật… Ảnh là một người tốt. Ảnh hiền và thương lính vậy mà không hiểu sao mấy ông sĩ quan ở giang đoàn lại không ưa ảnh. Chỉ có ông chỉ huy trưởng là còn có chút cảm tình và bênh vực ảnh. Như chuyện biệt phái cho cái đồn của chị là họ muốn tống ảnh đi xa cho khuất mắt… Chị biết không ảnh giỏi lắm đó chị. Ảnh đàn một cây mà hát cũng không thua gì ca sĩ. Chị mà nghe ảnh đàn hát là chị mê liền…

      Thùy Dung vừa vui vừa buồn khi nghe Thành nói về Khôi. Nàng cố giấu tiếng thở dài. Trong đời sống này những kẻ hiền lành như Đạt và có máu anh hùng như Khôi là những kẻ bị thiệt thòi nhiều nhất. Hiền lành như chồng nàng. không biết chạy chọt. nâng bi xếp nên mới bị đày ra đây rồi nhận lãnh cái chết. Có máu anh hùng cộng thêm những ẩn ức nên Khôi mới phát tiết bằng hành động du côn để rồi không bao giờ ngóc đầu lên trong quân đội.

      Thành ngừng nói rồi buông đũa.

      – Cám ơn chị… Chị đẹp mà nấu ăn ngon bởi vậy anh Khôi ảnh khen chị hoài…

      Thùy Dung hỏi dồn.

      – Ảnh khen ra sao Thành nói cho chị nghe đi…

      – Ảnh khen chị đẹp mà lại giỏi vì chỉ huy cả đại đội…

      – Cám ơn em…

      – Thôi mình đi ra. Anh Khôi dặn là em phải chỉ cho lính của chị biết hết để rủi tụi này có rút đi thời họ nhớ mà làm…

      Câu nói sau cùng của Thành làm cho Thùy Dung cảm thấy buồn. Như muốn che giấu nỗi buồn của mình nàng bước nhanh ra cửa. Vào lúc xế chiều Thành đã chỉ dạy tỉ mỉ chuyện bảo trì cho các khẩu súng. Dường như có cảm tình với Thùy Dung hay có thâm ý nào khác anh hứa sẽ đem sách vở cũng như một vài dụng cụ bảo trì lên cho mấy người lính. Thân đưa Thành ra tận cổng Thùy Dung còn dặn dò.

      – Khi nào nhàn rỗi Thành lên đây chơi…

      Đứng nhìn theo bóng người lính hải quân Thùy Dung mỉm cười cảm thấy vui vui trong lòng. Nàng vừa biết thêm được bí mật của ông lính biệt động-hải quân.

      – Biết mà… Mặt coi hiền chứ cộc lắm… Dám dọng sặc máu mũi người khác… Mai mốt gặp mình sẽ chọc quê ổng chơi…

      Thùy Dung cười khẽ khi nghĩ ra cách chọc quê Khôi. Nhìn về nơi mui tàu cao nàng thấy bóng một người đang lui cui làm việc.



      Còn tiếp.......

      Source: "https://baovecovang2012.wordpress.com"

      Comment


      • #4
        Mắt Kẽm Gai

        Chu Sa Lan


        (Chương 4)


        Khôi gật đầu tỏ vẻ hài lòng sau khi điều chỉnh khẩu M79 tự động đúng theo phương hướng và giác độ mà mình muốn. Phải mất hơn hai tiếng đồng hồ anh mới điều chỉnh được cũng như nối các dây đạn M79 lại với nhau rồi xếp gọn ghẽ vào cái thùng đạn lớn. Đậy súng lại cẩn thận anh leo xuống hầm tàu. Lục lọi giây lát anh lấy ra một vật gì được gói bằng giấy dầu không thấm nước. Cầm lấy vật đó anh lên đồn kiếm Thùy Dung. Vừa thấy mặt nàng vui vẻ hỏi:

        – Ông bận lắm hả…

        – Chỉ bận chút chút… Bà có việc gì nhờ tôi làm…

        – Không tôi chỉ hỏi thăm vậy thôi…

        Thấy Khôi cầm cái gói giấy dầu trong tay Thùy Dung hỏi.

        – Ông đem cho tôi hả…

        – Tôi có vật này muốn cho bà và anh em trong đồn xem thử… Xin bà kêu anh em tới để xem cho biết…

        Thùy Dung bảo lính đi kiếm thượng sĩ Bang và ba trung đội trưởng cùng mấy tiểu đội trưởng tới xem Khôi thử súng mới. Khi mọi người có mặt đông đủ Khôi tháo bao giấy lấy ra một vật gì hình cong cong, ngang khoảng gần gang tay, dài độ gang tay rưởi, một bề có hai cọc nhọn dùng để cắm xuống đất, bề lõm vào có chỗ cắm dây điện.

        – Đây là loại mìn mới nhất của lính Mỹ có tên là Claymore. Bên trong trái mìn có chứa hàng ngàn viên bi nhỏ. Nó được dùng để chống lại chiến thuật biển người của Việt Cộng. Khi phát nổ những viên đạn sẽ bay ra theo một hướng đã được định sẵn cho nên còn gọi là mìn định hướng…

        Khôi mời mọi người ra một chỗ trống trải hướng ra ngoài bìa rừng. Khôi nói với thượng sĩ Bang cho lính ghép hai ba tấm ván lớn lại với nhau rồi dựng trên đất. Cắm hai cọc của trái mìn xuống đất, gắn một đầu của dây điện vào trái mìn còn đầu kia vào một cần bấm Khôi lùi lại cho tới lúc hết dây điện. Ra dấu cho mọi người tìm chỗ núp xong Khôi bấm nút. Một tiếng nổ thật lớn cùng với âm thanh nghe bụp bụp vang lên. Mọi người đều lắc đầu le lưỡi khi thấy miếng ván có hàng trăm lỗ nhỏ.

        – Nếu tụi nó lọt vào đúng hướng là mười người sẽ chết mười người, một trăm người sẽ chết một trăm người. Có hai điều mà quý vị phải cẩn thận khi gài loại mìn định hướng này. Thứ nhất là là đặt đúng cách. Bề cong ra ngoài và bề lỏm vào trong. Đặt lộn là khi bấm cò quý vị sẽ lãnh đủ. Điều thứ hai là phải đề phòng đặc công của tụi nó bò vào xoay mặt của trái mìn mà mình không biết thời lúc bấm nút mình sẽ lãnh đạn…

        Quay sang Thùy Dung Khôi cười cười.

        – Mai bà cho lính xuống tàu để lãnh mìn về phòng thủ căn cứ… Tôi có ba thùng. Tôi cho bà hết. Tôi chỉ giữ lại hai trái mìn để làm kiểng…

        Đợi cho mọi người tản mác đi hết chỉ còn trơ lại hai người Thùy Dung nở nụ cười ý nhị.

        – Thành dễ thương và được việc lắm…

        – Bà hỏi nó nhiều điều về tôi lắm hả…?

        – Chút chút thôi…

        Khôi cười.

        – Thằng đó mà bị một người đẹp như bà thẩm vấn thời cái gì mà nó không phun ra… Nó khai cái gì về tôi?

        Thùy Dung cười khẽ khi nghe Khôi hỏi.

        – Thành chỉ khuyên tôi là đừng có chọc ông giận. Ông mà cộc lên là ông dọng sặc máu mũi…

        Thùy Dung rũ ra cười sặc sụa khi thấy Khôi mắc cỡ tới độ mặt đỏ lên.

        – Đó là một lỗi lầm khiến cho tôi vẫn còn áy náy tới bây giờ…

        – Từ nay tôi không dám chọc giận ông nữa. Rủi ông dọng vô mặt tôi thời làm sao…

        – Tôi xin hứa là không làm chuyện đó đối với bà. Nếu có giận tôi cũng chỉ làm…

        Khôi ngừng lại. Thùy Dung hỏi liền.

        – Nếu giận tôi ông sẽ làm gì?

        – Bà đừng giận thời tôi mới dám nói…

        – Tôi hứa là không giận ông…

        – Nếu có giận tôi sẽ không dọng vô mặt mà chỉ hôn vô mặt bà cho hết giận…

        Khôi nói bằng giọng nghiêm nghị và nhìn thẳng vào mắt Thùy Dung như để lường xem phản ứng của nàng. Anh thấy nàng chớp mắt mấy cái và làn da mặt hơi rám nắng chợt hồng lên như thẹn thùng lẫn sung sướng.

        – Ông dám làm không?

        Khôi kề môi sát vào khiến cho Thùy Dung phải né tránh bằng cách làm bộ cúi xuống cột lại dây giày. Khôi nói trong tiếng cười.

        – Tôi tưởng bà chì tới độ dám để cho tôi hôn giữa ban ngày ngay trước mặt mọi người…

        – Ông lì lợm quá tôi chịu thua ông… Cho tôi súng đạn nhiều quá ông coi chừng bị rắc rối. Nhất là người ta lại không ưa ông…

        Khôi nhún vai.

        – Những gì tôi đưa cho bà không có trong danh sách của tàu vả lại việc này chỉ có tôi với bà biết mà thôi. Ngoài ra tôi còn có một lý do quan trọng hơn. Tôi muốn đơn vị của bà đủ sức chống lại sự tấn công của địch. Tôi lo cho tính mạng của bà. Căn cứ của bà sẽ không được pháo binh hay phi cơ yểm trợ khi bị đánh. Còn bộ binh thời quá chậm hoặc sẽ bị phục kích khi tiếp viện. Công đồn đả viện là chiến thuật cũ rích nhưng hữu hiệu mà Việt Cộng thường hay áp dụng…

        Trong lúc Khôi say sưa nói Thùy Dung len lén nhìn. Khuôn mặt xương xương. Làn da xạm nắng. Ánh mắt tinh anh nhưng buồn u ẩn. Tự dưng nàng thấy tội nghiệp người đàn ông đang đứng bên cạnh mình. Cái vỏ tự tín. cương quyết. kiêu hãnh chỉ để bao che cho sự cô đơn. nỗi buồn rầu. cái yếu đuối bên trong. Nàng hiểu được điều đó bởi vì nàng cũng ở trong hoàn cảnh tương tự. Nhiều khi nàng buồn muốn khóc. Nhiều khi nàng cần có một người để trò chuyện. tâm sự. Lắm khi nàng cần có một người đàn ông ở bên cạnh. để được làm nũng. để được cưng chiều. giận dỗi. Chung quanh đây cũng có người nhưng không phải là người đồng cảnh ngộ. chung tâm tình với nàng. Họ không có những suy tư. những ước mơ như nàng. Khôi như là vùng trời đã bị lãng quên. như quá khứ êm đềm của tuổi học trò. Khôi ngạo nghễ. kiêu hãnh nhưng cũng hiền hòa. rộng lượng. bởi vậy Khôi mới lo lắng cho nàng.

        – Thùy Dung…

        Tiếng thì thầm của Khôi khiến cho nàng ra khỏi suy tưởng.

        – Thùy Dung có làm gì không?

        – Không…

        – Tôi mời Thùy Dung đi uống cà phê…

        – Tôi nhận lời nhưng ông hãy để cho tôi trả tiền…

        Khôi cười đùa.

        – Bởi vậy Khôi mới rủ Thùy Dung…

        Hai người vừa đi vừa nói chuyện. Thùy Dung giơ tay vẩy khi thấy Thành đang đứng trên mui tàu.

        – Nó nói với bà nhiều chuyện lắm phải không?

        – Nhiều chuyện lắm… Chuyện ông ra trước hội đồng kỹ luật, bị giáng cấp còn trung sĩ, chuyện ông xin đi học người nhái mà đơn xin bị bác… Thành có nói nếu ông không nổi máu anh hùng dọng vô mặt thằng cha trung úy nào đó thời giờ này ông đã đeo lon trung hay đại úy rồi…

        – Bà chưa cho ăn kẹo mà nó đã khai hết trơn…

        Thùy Dung bật cười vui vẻ.

        – Thành còn khai với tôi nhiều điều hay ho lắm nhưng tôi không nói ra bây giờ đâu. Tôi để cho ông hồi hộp chơi…

        Hai người đi vào xóm chợ có hai tiệm cà phê, một ở đầu xóm và một ở cuối xóm. Họ thích quán cà phê cuối xóm hơn vì nó vắng khách và chỗ ngồi nhìn ra sông Bảy Hạp. Lý do quan trọng khiến cho họ chọn quán này vì nó nằm gần đồn và bãi đậu của tàu. Có chuyện gì xảy ra họ sẽ trở về không đầy năm phút.

        Quán vắng người vào buổi xế chiều. Thùy Dung chọn một bàn cạnh cửa sổ nhìn ra bờ sông. Khôi gọi một ly cà phê sữa đá cho mình, ly đá chanh cho Thùy Dung và một cái bánh bao để họ ăn chung với nhau.

        – Ông làm gì mà ngó tôi dữ vậy?

        Mặc dù đang nhìn ra khu rừng cây bên kia dòng sông Bảy Hạp Thùy Dung cũng biết Khôi đang ngó mình đăm đăm.

        – Tôi thấy bà khác hơn ngày hôm qua…

        – Ông thấy tôi khác cái gì?

        – Bà diện đẹp hơn…

        Thùy Dung cười im lặng. Chỉ có Khôi mới nhận ra điều này. Sáng hôm nay lúc thức dậy ngồi trước gương nàng nảy ra ý nghĩ là mình nên trang điểm một chút. Nàng kín đáo đánh phấn, kẻ mắt và thoa dầu thơm. Từ ngày Đạt chết nàng thôi trang điểm vì diện đẹp để làm gì? Cho ai nhìn? Tuy nhiên hôm nay nàng tìm ra lý do dù nhỏ nhoi để diện cho đẹp vì biết có người sẽ thưởng thức nhan sắc của mình.

        – Tôi ước gì tôi gặp bà ở Sài Gòn lúc mình còn trẻ…

        Thùy Dung mỉm cười khi nghe lời nói bóng gió xa xôi của Khôi.

        – Ông có bồ lúc bao nhiêu tuổi?

        – Mười chín…

        – Trễ vậy… Ba ông anh của tôi có bồ sớm lắm. Mấy ảnh gặp cô nào cũng tả oán là chưa có bồ vì còn đang học, vì cô đơn…

        – Gọi là bồ cũng không đúng vì tôi mê cô ta trái lại cô ta chỉ xem tôi như bạn. Hai đứa là hàng xóm với nhau. Sau này cô ta đi lấy chồng… Đó là mối tình đơn phương…

        – Ông còn yêu cô ta không?

        – Tôi không biết… Lần sau cùng tôi gặp cô ta lúc cô ta đang mang thai đứa con đầu lòng. Cô ta trông già và xấu đi. Từ đó tôi tránh gặp cô ta… Tôi muốn giữ mãi hình ảnh đẹp của cô ta trong tâm tưởng. Bà biết mấy câu thơ này không… Hồng hồng tuyết tuyết… Mới ngày nào chẳng biết cái chi chi…

        Thùy Dung gật đầu cười ngâm khe khẽ.

        – Mười lăm năm thắm thoát có ra gì

        Ngoảnh mặt lại đã đến kỳ tơ liễu

        Gặp em tay tế tay bồng

        Tay cặp ông chồng tay dắt đứa con…

        Khôi nhìn Thùy Dung với vẻ ngạc nhiên.

        – Bà thích nhạc không?

        – Thích lắm. Khi theo chồng về đây tôi có một cái cassette để nghe nhạc nhưng thời gian sau nó hư. Vả lại cũng không có pin để hát. Nhiều khi cũng nhớ…

        – Tôi sẽ cho bà cái máy cassette của tôi…

        – Rồi ông lấy đâu mà nghe nhạc…

        – Tôi nghe hoài riết đâm ra nhàm…

        Thùy Dung cười đùa.

        – Sao cái gì ông cũng cho tôi hết vậy… Bộ kiếp trước ông mắc nợ tôi chắc…

        Khôi cười.

        – Tôi muốn cho hết chỉ sợ bà không nhận thôi…

        Thùy Dung làm bộ ngó ra sông. Biết câu nói bóng gió của Khôi ám chỉ điều gì nàng nghĩ thầm.

        – Ông cứ cho đi rồi ngày nào đó tôi sẽ nhận…

        Nói xong câu nói dò ý tứ của Thùy Dung nhưng thấy nàng im lặng ngó mong ra ngoài bờ sông Khôi có vẻ buồn tủi. Vì cúi đầu nhìn xuống bàn anh không thấy được nụ cười hóm hỉnh của người bạn gái.

        – Tôi nghe nói ông đàn hát hay lắm…

        Khôi ngước lên cười. Thùy Dung cảm thấy lòng mình chùng xuống vì nụ cười ngác ngơ buồn rầu của người ngồi bàn bên kia.

        – Bà biết quá nhiều về tôi trong khi tôi lại mù tịt về bà…

        – Ông có chịu đàn hát cho tôi nghe không hay là đợi tôi phải năn nỉ ông…

        – Lúc nào bà muốn nghe tôi sẵn sàng…

        – Uống cà phê xong ông về tàu lấy đàn trong lúc tôi về đồn lo nấu cơm chiều. Ăn cơm xong là bắt đầu giờ văn nghệ…

        Khôi cười trước lệnh của người bạn gái. Thùy Dung trả tiền. Hai người rảo bước về hướng mấy chiếc tàu đang ủi bãi trước cửa đồn.

        – Ông lẹ lên nghe. Tôi chờ ông ăn cơm…

        Khôi gật đầu cười. Xuống chỗ nằm của mình lấy cái máy cassette và mấy cuộn băng bỏ vào cái túi xách nhỏ, tay cầm cây đàn anh nói với Tuyên, người thuyền phó.

        – Anh đi ăn cơm tối với Bà Bùi. Thuyên coi chừng tàu dùm anh…

        Tuyên cười lớn.

        – Anh cứ đi chơi cho đỡ buồn… Có gì tôi lo cho…

        – Cám ơn Tuyên… Anh sẽ không ở lâu đâu… Anh sẽ về trước khi trời tối…

        Bước vào nhà đặt cây đàn và cái máy cassette lên bàn Khôi nhẹ bước ra sau bếp. Anh im lặng nhìn Thùy Dung đang đứng nấu cơm. Dù biết Khôi đang nhìn mình song nàng làm bộ như không biết và thản nhiên vừa chiên cá vừa hát nho nhỏ.

        – Bà hát còn hay hơn tôi mà lại yêu cầu tôi hát cho bà nghe…

        – Thành nói tôi mà nghe ông đàn hát là tôi sẽ mê ông liền. Bởi vậy tôi muốn thử…

        Nói xong câu nói Thùy Dung quay nhìn Khôi.

        – Ông chịu đàn không… Chậm là tôi đổi ý liền…

        – Chịu… Tôi đứng đây rồi bà có đổi ý cũng không được…

        Hai người ăn nhanh bữa cơm chiều. Thùy Dung lo dọn dẹp trong lúc Khôi chỉnh giây. Nhìn người đang ngồi đối diện mình qua chiếc bàn bằng cây Khôi hỏi.

        – Bà muốn nghe loại nhạc nào? Bà thích nhạc sĩ nào?

        – Tùy ông…

        Mặc dù trời còn sáng nhưng Thùy Dung có cảm tưởng như căn phòng hơi tối lại khi tiếng nhạc nổi lên.

        – Tôi như người ru mộng

        sống cuộc đời bềnh bồng

        ngó quanh đời quạnh hiu

        Buồn rơi theo năm tháng

        chết trên lưng tháng ngày

        Tôi như loài cỏ dại

        tôi như loài cỏ dại

        suốt một đời chênh vênh

        suốt một đời buồn tênh…

        Thùy Dung nghe hồn mình chìm lắng trong nỗi buồn thật mơ hồ. thật dịu nhẹ. Giọng hát của Khôi trầm ấm. hơi khàn có lẽ vì hút nhiều thuốc lá. nhưng quyến rủ ở chỗ phô bày tâm tình của mình cho người khác thấy.

        – Em có thương thì xin chút hiền ngoan thật lòng

        vì cõi đời này là những đam mê.

        là những chia ly

        là những đớn đau lẻ loi

        Nên vẫn hoài còng đi se cát

        Biển nhớ mênh mông

        tình vẫn hư không… đời đời…

        Thùy Dung nhìn Khôi khi nghe câu ” Em có thương thì xin chút hiền ngoan thật lòng “. Tuy nhiên nàng thấy Khôi đang cúi đầu xuống. Mái tóc đen dài vì lâu ngày chưa được cắt tỉa. Hàng ria mép lún phún đen. Khung mặt gầy. Đôi mắt lá răm khép lại. Bờ mi cong. Khôi quên mất mình đang ở đâu. Quên cả người đang ngồi nghe mình hát.

        – Tôi như giòng sông cạn

        cuốn quanh đời mệt nhoài

        cuốn theo giòng nghiệt ngã

        Buồn rơi theo năm tháng

        úa trên lưng tháng ngày

        Tôi mang hồn cỏ dại

        ngu ngơ tự hỏi lòng

        bỗng một ngày thiên thu

        bỗng một đời phù du…

        Khôi ngước lên với nụ cười ngây ngô như vừa tỉnh mộng. Thùy Dung cười nhẹ.

        – Ông mà hát thời có khối người mê…

        – Tôi không thích…

        – Tại sao?

        – Tôi ích kỷ… Chỉ hát cho riêng mình hay người nào mình muốn nghe như bà chẳng hạn…

        – Cám ơn ông… Tôi có một đề nghị là ông gọi tên của tôi…

        – Nếu Thùy Dung không gọi ông Khôi…

        Thùy Dung chống tay lên càm.

        – Dung muốn có một kỷ niệm đẹp để lỡ khi nào Khôi đi xa…

        – Khôi cũng vậy… Bản nhạc mà Khôi sắp hát cho Thùy Dung nghe là của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng…

        Khôi cúi đầu xuống cây đàn. Âm thanh chùng xuống nghe não lòng.

        – Mai mốt em về, em về đâu?

        Con sông nước chảy trắng chân cầu

        Tiếng hát già nua – người bạn cũ,

        Đêm dài muôn thuở buộc lòng nhau

        Ngoài kia buồn không?

        Buồn không em?

        Xa hỡi ngàn xa, bóng nhạn chìm!

        Thương ai, ái ngại tìm đôi mắt

        Chưa biết đêm nào thức trắng đêm

        Mái tóc vì em bồng bềnh bể khơi

        Áo mỏng vì em nằm đây nhớ đời

        Chiêm bao nửa giấc

        Trời mưa bụi

        Thấp thoáng em về như lá rơi…

        Thùy Dung nhìn vào đôi mắt đẹp. buồn của Khôi. Đàn ông mà có đôi mắt đẹp hơn mắt con gái. đẹp như mắt Thùy Trâm. con của mình. Chắc phải có nhiều người mê lắm. Nhiều người mê đôi mắt. chết vì tiếng hát này. Nó là những lời tỏ tình hay nhất. đẹp nhất. Nhìn Khôi Thùy Dung nhớ tới Khiêm. anh của nàng. Khiêm cũng đi lính biệt động quân. cũng đàn hát. cũng có nhiều bồ…

        – Ơn em thơ dại từ trời

        Theo ta xuống biển vớt đời ta trôi

        Ơn em dáng mỏng mưa vời

        Theo ta lên núi về đồi yêu thương.

        Tạ ơn em

        Tạ ơn em.

        Khôi ngước lên nhìn Thùy Dung khi bắt đầu hát đoạn nhạc đầu tiên trong ca khúc Ơn Em của nhạc sĩ Từ Công Phụng. Thùy Dung cảm thấy mình như bị hút vào đôi mắt long lanh buồn u ẩn của Khôi.

        – Ơn em ngực ngải môi trầm

        Cho ta cỏ mặn trăm lần lá ngoan.

        Ơn em hơi thoảng chỗ nằm

        Dấu quanh dấu quẩn nỗi buồn một nơi

        Tạ ơn em

        Tạ ơn em.

        Ơn em tình những mù lòa

        Như con sâu nhỏ bò qua giấc vùi

        Ơn em hồn sớm ngậm ngùi

        Kiếp sau xin giữ lại đời cho nhau

        Tạ ơn em

        Tạ ơn em

        Thùy Dung hơi đỏ mặt khi thấy Khôi mỉm cười hát câu ” Ơn em ngực ngải môi trầm. Cho ta cỏ mặn trăm lần lá ngoan “.

        Khôi ngừng đàn uống một ngụm nước lạnh. Nhìn Thùy Dung anh cười hỏi.

        – Dung biết bản này không…

        Hãy nói về cuộc đời

        Khi tôi không còn nữa

        Sẽ lấy được những gì

        Về bên kia thế giới

        Ngoài trống vắng mà thôi

        Thùy Dung ơi, tình ơi…

        Thùy Dung cười thành tiếng:

        – Khôi sửa lời của người ta bộ Dung không biết sao. Anh Khiêm của Dung hát bản Khúc Thụy Du của Anh Bằng hoài…

        Như loài chim bói cá

        Trên cọc nhọn trăm năm

        Tôi tìm đời đánh mất

        Trong vũng nước cuộc đời

        Dung ơi và tình ơi !

        Đừng bao giờ em hỏi

        Vì sao ta yêu nhau…

        Chống tay lên càm nhìn ra ngoài trời nhưng Thùy Dung cảm thấy Khôi nhìn mình bằng ánh mắt nồng nàn. say đắm và tắm đẵm đam mê trong lúc hát hai câu ” Đừng bao giờ em hỏi. Vì sao ta yêu nhau “…

        Vì sao môi anh nóng

        Vì sao tay anh lạnh

        Vì sao thân anh rung

        Vì sao chân không vững

        Vì sao và vì sao !

        Hãy nói về cuộc đời

        Tình yêu như lưỡi dao

        Tình yêu như mũi nhọn

        Êm ái và ngọt ngào

        Cắt đứt cuộc tình đầu

        Dung bây giờ về đâu ?

        Tiếng hát nhỏ dần. Âm thanh tắt lịm.

        – Thùy Dung có thể ngồi nghe Khôi hát suốt ngày… Dung mê nghe Khôi hát… Không có mê người đâu mà ham…

        Dựng cây đàn vào góc nhà Khôi cười.

        – Không có người làm sao có tiếng hát… Mấy giờ rồi Thùy Dung?

        – Năm giờ…

        – Khôi phải về tàu… Khôi đã thay pin mới cho máy cassette. Tối nay Dung tha hồ nghe nhạc. Ngày mai Khôi sẽ đem cho Dung một bình điện lớn có thể dùng cả tuần lễ. Khi nào hết điện Khôi sẽ đổi cho Dung cái khác…

        – Cám ơn Khôi…

        Ngừng lại giây lát Thùy Dung cười nói.

        – Khôi nhắm mắt lại đi…

        – Chi vậy?

        – Người ta biểu nhắm mắt thời cứ nhắm mắt đi… Ai có ăn thịt đâu mà sợ…

        Không nói lời nào Khôi nắm mắt lại và cảm thấy chút giao động trong lòng khi làn môi mềm ấm của Thùy Dung chạm lên má của mình.

        – Thùy Dung đền ơn Khôi ngồi hát…

        Khôi cười nhẹ bước nhanh ra cổng. Anh không nhớ mình để lại cây đàn còn dựng trong góc nhà. Thùy Dung thấy nhưng cũng không nhắc. Dường như nàng muốn Khôi quên để có lý do trở lại.



        Còn tiếp.......

        Source: "https://baovecovang2012.wordpress.com"

        Comment


        • #5
          Mắt Kẽm Gai

          Chu Sa Lan


          (Chương 5)


          Mười hai giờ đêm. Trời thật tối. Sao vời vợi. Dòng sông Bảy Hạp sáng mờ mờ. Khu rừng cây đen thẳm. Tay mang khẩu M16 Thành đi đi lại lại sau lái tàu. Đêm nay anh gác ca thứ nhì từ 11 giờ đêm tới 2 giờ sáng. Khôi vẫn còn thức dù đã quá nửa đêm. Không hiểu tại sao anh không buồn ngủ. Dường như có điều gì khiến cho anh lo lắng.

          – Anh uống cà phê không tôi pha cho anh một ly?

          Thành hỏi và Khôi trả lời nhanh.

          – Uống… Cà phê đen với đường cũng được…

          Lát sau Thành mang lên mui tàu hai ly cà phê nóng và thơm. Hớp ngụm nhỏ Khôi tặc lưỡi.

          – Ngon… Giải ngủ mày mở quán cà phê chắc đắc lắm…

          Thành cười lớn.

          – Anh quên là ba má tôi có quán cà phê tại chợ Biên Hòa à…

          – Mày nói hoài mà tao quên mất…

          Thành cười nhìn Khôi.

          – Chắc Ba Bùi hớp hồn anh rồi phải không?

          – Sao mày biết tao mê bả?

          – Chị ấy đẹp, dễ thương và hiền lành. Người như vậy anh mê cũng phải. Chỉ hỏi huyên thiên về anh…

          – Rồi mày phun ra hết phải không?

          Thành nhăn răng cười.

          – Thì tôi cũng nói sơ sơ… Chỉ hỏi hoài nên tôi phải nói… Chỉ có thích anh chỉ mới hỏi dò chớ bộ…

          Khôi cười vui vẻ.

          – Thì tao có nói gì đâu. Có điều mày kể chuyện tao dọng sặc máu mũi thằng cha trung úy làm cho bả chọc quê tao…

          Thành cười hăng hắc. Khôi đứng lên nhìn qua bên kia bờ sông trong lúc đưa ly cà phê lên định uống. Đột nhiên anh thấy ánh sáng loé lên trong đêm tối thâm u liền theo hai tiếng bum bum.

          – Pháo kích… Thành… Pháo…

          Như một phản ứng Khôi nhảy tới chỗ khẩu M79 tự động. Bụp… Bụp… Bụp… Khôi miết cò… Ầm… Ầm… Hai tiếng nổ làm lùng bùng lỗ tai. Nước văng tung tóe cùng với đất cát bay rào rào. Tiếng nổ của đạn M79 rền vang trong đêm vắng. Bụp… Thành bắn liền hai trái sáng về hướng bên kia sông. Tiếng máy tàu nổ. Ba giang đỉnh lùi ra giữa sông.

          – 11 đây Đan Khôi… 11 đây Đan Khôi…

          – 11 nghe Đan Khôi…

          – Anh có bị gì không?… Nghe rõ trả lời…

          – Đan Khôi đây 11… Tụi này bình an…

          – Tango 12 đây Đan Khôi…

          – Tango 12 nghe Đan Khôi… Nó chơi cách tôi chừng chục thước… Tụi tôi vô sự chỉ có thằng Tây chảy máu mũi một chút thôi…

          Khôi yên tâm khi nghe hai chiếc tàu kia báo cáo không có nhân viên nào bị thương. Lần thứ nhất địch pháo hơi xa nhưng lần thứ nhì lại gần hơn chứng tỏ địch đã điều chỉnh mục tiêu. Lần thứ ba pháo sẽ rơi trúng mục tiêu là ba chiếc tàu đậu cạnh nhau ngay trước cửa đồn.

          Cảnh vật trở lại yên lặng. Mọi người đều ngủ yên trừ Khôi vẫn đứng im trên mui tàu nhìn về hướng rừng thưa. Anh giống như một pho tượng cô đơn và buồn rầu.

          Vừa mặc quần áo xong Khôi thấy Thùy Dung đang bước xuống tàu. Đi trước nàng là Tuyên và Thành.

          – Ảnh mới vừa thức dậy… Đêm qua ảnh thức suốt đêm…

          Thấy Khôi tươm tất trong bộ quân phục mới Thùy Dung cười hỏi.

          – Ông đi đâu mà diện vậy?

          – Có đi đâu… Hết quần áo mà làm biếng giặt nên tôi phải lôi mấy bộ quần áo mới ra mặc… Đêm qua bà có bị gì không?

          Thùy Dung lắc lắc mái tóc xỏa ngang vai.

          – Chỉ rớt có hai trái thôi. Cũng may lọt vào chỗ trống… Tôi nghe tàu bắn dữ quá…

          Khôi cười nhẹ.

          – Tụi này bắn dọa chứ có thấy ai đâu. Tôi mời bà đi uống cà phê..

          Quay sang Thành và Tuyên Khôi tiếp:

          – Hai đứa đi luôn cho vui…

          – Tụi này ăn uống rồi… Vừa về tới tàu thời gặp chị…

          Tuyên ngập ngừng. Hiểu ý Thùy Dung cười.

          – Em cứ gọi chị Bùi…

          Tuyên cười nói với Khôi.

          – Anh đi với chị Bùi còn hai đứa tôi phải lo chùi súng. Tôi sợ tụi nó sẽ pháo mình dài dài…

          – Ừ… Anh nghĩ thế… Nhớ gắn thêm đạn cho khẩu M79 tự động…

          Khôi và Thùy Dung bước lên bờ.

          – Tôi mời ông lên nhà uống cà phê…

          – Thùy Dung muốn tôi đàn hát nữa phải không?

          – Không… Đêm qua tôi thức tới hơn mười giờ nghe hết một cuộn băng nhạc của ông cho mượn. Tôi muốn bàn với ông một chuyện quan trọng hơn…

          Vào tới trong đồn Khôi để ý thấy lính tráng lo đắp lại công sự phòng thủ, chùi các ổ súng đại liên cũng như kiểm soát lại các bãi mìn. Dường như họ chuẩn bị vì sợ bị địch tấn công.

          Thấy Thùy Dung mang ra hai cái phin cà phê Khôi cười cười.

          – Lâu lắm rồi tôi mới được hương vị của Sài Gòn…

          Thùy Dung nói trong lúc chế nước sôi vào phin cà phê.

          – Tôi nhờ một ông trung đội trưởng mua dùm khi ổng đi phép ở Cà Mau. Cà phê chắc không ngon bằng Sài Gòn…

          Khôi im lìm nhìn những giọt cà phê đen nhánh rơi chầm chậm xuống cái ly thủy tinh. Thùy Dung kéo ghế ngồi đối diện với Khôi.

          – Có chuyện gì mà tôi thấy Thùy Dung lo âu vậy?

          – Chi khu gọi báo cho tôi biết là tình báo của tiểu khu khám phá ra sự chuyển quân của địch về vùng Cái Đôi… Đơn vị mới này là đại đội 321 chủ lực miền…

          Thùy Dung trải lên bàn tấm bản đồ rồi đưa ngón tay trỏ chỉ vào vị trí in hai chữ Cái Đôi xong tiếp nhanh.

          – Từ Cái Đôi về căn cứ này chừng mười mấy cây số. Như vậy chắc chúng đã có mặt ở đây rồi…

          Khôi gật gù:

          – Đêm qua chúng pháo kích là để dò xét xem tình hình cũng như phản ứng của ta. Không chừng đêm nay chúng sẽ tiền pháo hậu xung…

          – Khôi tính thế nào?

          Thùy Dung hỏi bằng giọng không được bình thường. lo âu cũng có mà nũng nịu cũng có. Khôi không trả lời vì đang chăm chú nhìn vào bản đồ. Lát sau anh mới ngước lên cười nói với Thùy Dung.

          – Biết địch sẽ tập trung quân để đánh mà mình không cản được, đó là cái bất lợi của mình. Tuy nhiên mình cũng có được lợi điểm là căn cứ nằm lọt giữa vùng sông rạch chằng chịt. Mặt đông là sông Bảy Hạp thời mình không lo vì đã có tàu bảo vệ. Mặt bắc có con rạch nhỏ này…

          Khôi chỉ tay vào con rạch nhỏ xong nói tiếp.

          – Nếu tập trung quân ở vùng Cái Đôi địch phải vượt qua con rạch Bà Quan rồi chia ra làm hai cánh tấn công vào hai hướng tây và nam của căn cứ. Theo tôi ước lượng thời mặt tây mới là hướng tấn công chính của chúng…

          Thùy Dung nhìn Khôi như chờ nghe giải thích thêm.

          – Tuy có nhiều rừng thưa và mô đất lớn tiện cho việc ẩn nấp nhưng mặt nam lại nằm cạnh bờ sông do đó tôi nghĩ địch sẽ không tập trung nhiều quân để tấn công vì sợ hỏa lực của tàu. Phần mặt tây địa thế tuy trống trải nhưng sẽ không được bao che bởi hỏa lực của tàu cho nên địch sẽ tập trung quân đánh vào vì chúng nghĩ sẽ đè bẹp được hỏa lực yếu kém của căn cứ…

          – Thùy Dung có bao nhiêu máy truyền tin?

          – Mỗi trung đội được trang bị một máy 25. Riêng ông thượng sĩ và Dung mỗi người có riêng một máy để liên lạc với nhau…

          Khôi cười. Thùy Dung thấy nụ cười của người bạn trai tươi tắn và vui vẻ như tìm ra cái gì mới lạ.

          – Khôi nghĩ hai đứa mình nên có một tần số riêng để liên lạc hoặc cần bàn chuyện gì Khôi không phải lội bộ lên đây hoặc Thùy Dung phải đi xuống tàu…

          Nheo mắt nhìn Khôi Thùy Dung nói đùa:

          – Chứ không phải có tần số riêng để cho Khôi tha hồ tán…

          – Thùy Dung nên đem hai trung đội với ba khẩu đại liên M60 bố trí cho mặt tây, chừng một tiểu đội canh mặt bắc còn bao nhiêu phòng thủ mặt nam. Đặt một số mìn định hướng ở mặt tây để chống lại chiến thuật biển người và phòng khi địch tràn ngập vào căn cứ…

          Thùy Dung đứng lên trong lúc nói.

          – Mình đi một vòng căn cứ quan sát và Khôi chỉ cho Thùy Dung các địa điểm để bố trí các khẩu đại liên…

          – Chuyện này ông thượng sĩ Bang có thể làm được…

          Tuy nói như vậy nhưng Khôi cũng đi với Thùy Dung ra ngoài gặp thượng sĩ Bang.

          – Tôi định gặp bà để bàn chuyện bố trí các trung đội. Tôi đoán tụi nó sẽ đánh mặt tây vì đây là hướng mà tàu của ông Khôi không can thiệp được…

          Khôi cười nhìn Thùy Dung.

          – Bà thấy chưa… Ổng cũng nhìn ra điều đó…

          Thùy Dung cười gật đầu nói với người đại đội phó của mình.

          – Tôi và ông Khôi cũng đoán như ông vậy. Tôi để cho ông toàn quyền bố trí các khẩu đại liên. Tuy nhiên ta cũng nên để một ít lính phòng bị hai mặt kia…

          Khôi thêm vào.

          – Tụi nó sẽ pháo trước khi tấn công… Mọi người ráng tìm chỗ nấp để khỏi bị thương…

          Đi một vòng quan sát xong Khôi nói với Thùy Dung.

          – Khôi phải về tàu chuẩn bị. Có chuyện gì cần bàn Khôi sẽ gọi máy…

          Thùy Dung đứng im nhìn Khôi chậm bước trên con đường đất dẫn ra cổng. Hai tay thọc vào túi quần, đầu cúi xuống, Khôi đi thật chậm như vừa đi vừa suy nghĩ chuyện gì. Từ khi quen nhau nàng để ý tới dáng đi của Khôi. Anh không bao giờ bước nhanh hoặc hấp tấp như mọi người. Đi với Khôi như là một cách để suy tư và an dưỡng. Một hôm ngồi trong quán cà phê nàng mỉm cười lắc đầu khi nhìn thấy Khôi vẫn cúi đầu chậm bước trong cơn mưa lất phất. Một lần nàng hỏi: ” Tôi không bao giờ thấy ông vội vàng, hấp tấp như bao nhiêu người khác? ” Khôi cười trả lời: ” Thời gian có chờ có đợi mình đâu mà mình phải vội vàng…”

          Chiều từ từ xuống. Thùy Dung đứng nơi lô cốt nhìn ra khung cảnh bên ngoài. Nàng nhìn chăm chú vào một bóng người. Khôi. Hai tay thọc vào túi quần. đầu hơi cúi xuống. Khôi bước chậm trên con đường đất dọc theo bờ sông đi về hướng biển. Thỉnh thoảng nàng thấy Khôi dừng lại quay đầu nhìn vào khu rừng thưa rồi tiếp tục bước. Khi hoàng hôn xuống và trước khi bước vào hầm chỉ huy Thùy Dung còn thấy bóng Khôi đứng im như pho tượng cô đơn và buồn bã.

          Trái với sự ưóc đoán. mong đợi và hồi hộp của mọi người địch không có hành động nào kể cả việc pháo kích. Dường như chúng chờ cho mọi người mỏi mệt mới tấn công. Khôi cũng không lên căn cứ gặp Thùy Dung. Anh thức suốt đêm cho nên phải ngủ ngày. Để tránh pháo kích đoàn tàu phải thay đổi vị trí hai hoặc ba lần trong một đêm. Việc này khiến cho thủy thủ đoàn mỏi mệt rồi phàn nàn nhưng họ kiên nhẫn làm theo lệnh.

          Nước lớn lên thật cao. Nắng xế chiều không gay gắt lắm nhờ có gió. Nằm trên chiếc võng treo sau lái tàu Khôi lơ đểnh nhìn. Dãy nhà lá xám mốc. Lá cờ vàng ba sọc đỏ bay phất phơ trên đỉnh cột cờ bằng cây cao của chiếc đồn địa phương quân. Vọng gác buồn hiu. Con đường dọc theo bờ sông không người đi lại. Đang nằm suy nghĩ vẩn vơ Khôi chợt chú ý tới một người lính. Từ trong đồn đi ra anh ta đứng nơi bờ sông chăm chú ngó ba chiếc tàu thật lâu rồi rút túi lấy ra cuốn sổ tay ghi ghi chép chép cái gì xong bỏ vào túi trở lại. Cử chỉ của anh ta khiến cho Khôi thắc mắc nhưng anh cứ giả vờ như đang ngủ không biết gì về hành động khác thường của người lính địa phương quân. Đứng nhìn thật lâu anh ta đi về hướng xóm nhà lá. Vì khoảng cách khá xa nên Khôi không thể nhận diện người lính. Anh chỉ thấy là anh ta mặc quần kaki xanh và mang sợi dây nịch màu vàng.

          Tiếng nói từ máy 25 vang lên:

          – Đan Khôi đây Thùy Dung… nghe rõ trả lời…

          Khôi chậm chạp nhấc ống liên hợp của chiếc máy 25.

          – Đan Khôi nghe Thùy Dung…

          Giọng nói ấm êm của Thùy Dung vang vang.

          – Khôi khoẻ không?

          – Mệt chút chút… Thức ban đêm và ngủ ban ngày thành ra hơi lừ đừ…

          – Mình đi ăn hủ tiếu. Khôi chịu không?

          – Chịu… Thùy Dung trả tiền nghe vì Khôi không còn đồng nào dính túi. Tàu phát lương tới trễ thành ra…

          Tiếng cười của Thùy Dung vang lên vui vẻ.

          – Mai mốt lãnh lương Khôi đưa Thùy Dung giữ dùm cho… nghe rõ trả lời…

          Khôi cười lớn.

          – Đưa cho Thùy Dung rồi đòi lại khó lắm. Phải năn nỉ gãy lưỡi may ra…

          – Thì Khôi năn nỉ một chút có sao… Biết đâu nhờ năn nỉ. ỉ ôi mà Khôi còn được thêm nhiều thứ khác… Hẹn gặp ở quán…

          Thùy Dung cúp máy. Khôi chậm rãi mặc quần áo. Cầm lấy khẩu colt 45 nhét vào lưng quần nhưng nghĩ sao anh lấy ra bỏ trên giường. Bước vào quán Thùy Dung thấy Khôi đang nhâm nhi ly cà phê. Nàng vừa ngồi xuống người chủ quán đặt trước mặt tách trà nóng. Thấy Khôi đưa tay che miệng ngáp nàng cười hỏi.

          – Khôi buồn ngủ hả?

          – Buồn ngủ cũng có mà ghiền thuốc lá cũng có. Thùy Dung mua cho Khôi gói thuốc lá nha…

          – Không… Khôi muốn ăn muốn uống gì cũng được nhưng thuốc lá thời đừng có năn nỉ gì hết…

          Thùy Dung nói với giọng nghiêm nghị. Tuy nhiên thấy Khôi mặt mày ủ dột và ngáp vắn ngáp dài nàng không đành lòng nên mua một gói bastos xanh.

          – Thôi nghe… Lần đầu tiên cũng là lần cuối cùng…

          Tuy nói vậy nhưng nàng biết sẽ không có lần cuối cùng. Một lần sẽ thành hai lần. lần đầu tiên sẽ thành lần thứ nhì. thứ ba và cứ như thế mà tiếp tục.

          – Cám ơn Thùy Dung…

          Khôi cười nói trong lúc tháo bao thuốc. xé lớp giấy bạc. lấy ra điếu thuốc. dọng dọng một đầu vào chiếc zippo. Thùy Dung mỉm cười khi thấy mọi cử chỉ đều được Khôi làm một cách chậm rãi và ung dung. Bật lửa đốt thuốc Khôi hít hơi thật dài. Biết Thùy Dung không thích ngửi mùi thuốc lá nên anh phải quay mặt mới nhả khói ra ngoài cửa sổ.

          Đưa tay phủi phủi mấy lượt Thùy Dung phàn nàn.

          – Hút thuốc có ích lợi gì đâu mà ông lính nào cũng hút thuốc. Miệng hôi rình ai thèm hôn…

          Khôi cười cười.

          – Vậy mà hôn một lần rồi ai đó ghiền luôn…

          – Còn lâu…

          Thùy Dung gọi hai tô hủ tiếu.

          – Họ không đánh làm mình mệt hơn. Hai đêm rồi Thùy Dung phải ngủ ở hầm chỉ huy… Nằm giường cây đau lưng muốn chết…

          – Thùy Dung cần người đấm lưng không?

          – Thôi cám ơn… Khôi đấm lưng hay dọng vô mặt người ta…

          Thùy Dung cười sặc sụa khi nhìn nét mặt ngượng ngùng và buồn rầu của Khôi.

          – Thùy Dung xin lỗi Khôi. Thùy Dung hứa sẽ không nhắc tới chuyện đó nữa…

          Khôi cười gượng lảng sang chuyện khác.

          – Ủa bộ Thùy Dung không có nệm à?

          – Không… Ở nhà có mà hầm chỉ huy không…

          Uống hớp cà phê Khôi cười.

          – Để Khôi cho Thùy Dung tấm nệm của Khôi…

          – Rồi Khôi lấy gì mà ngủ…

          – Tàu có hai ba tấm nệm cũ bỏ lăn lóc không ai nằm…

          – Khôi lấy nệm đổi thuốc lá hả…

          Thùy Dung đùa. Khôi cũng đùa lại.

          – Khôi sợ Thùy Dung đau lưng…

          – Khi nào đau lưng Thùy Dung sẽ gọi máy báo cho Khôi biết…

          Thùy Dung cười nhìn Khôi với cái nhìn là lạ. Tình cảm của hai người dần dần trở thành thân mật tới mức độ họ có thể nói những lời tình tứ bóng gió và xa xôi dù chuyện yêu thương chưa xảy ra. Ngầm hiểu chuyện đó sẽ xảy ra nhưng họ đồng ý để cho nó xảy ra một cách tự nhiên.

          – Khôi bỏ quên cây đàn ở nhà…

          Khôi cười nhẹ.

          – Khôi biết… Khôi cố tình bỏ quên cây đàn để có lý do trở lại…

          – Khôi muốn trở lại lúc nào cũng được… Thùy Dung lúc nào cũng mở rộng cửa đón Khôi mà…

          – Cửa gì?

          – Cả hai thứ cửa…

          Thùy Dung cười thành tiếng tươi vui khi nói một câu có nhiều ẩn ý. Ăn xong Thùy Dung trả tiền.

          – Thôi mình về cho Khôi ngủ…

          Vừa nhỏm người Khôi lại ngồi xuống. Anh thấy người lính mặc chiếc quần kaki xanh và mang dây nịt màu vàng đang đi tới gần chỗ mình ngồi.

          – Khôi chưa muốn về à?

          Thùy Dung hỏi và Khôi gật đầu:

          – Mình ngồi chơi chút nữa…

          Đưa tay chỉ người lính đang đi tới Khôi hỏi Thùy Dung:

          – Anh đó là lính trong đồn phải không?

          Nhìn người lính mà Khôi chỉ Thùy Dung cười nói:

          – Anh ta tên Bản, tiểu đội trưởng tiểu đội 1 thuộc trung đội 3 của ông Hợi. Khôi muốn biết để làm gì?

          Khôi cười cười:

          – Thấy anh ta quen quá mà không biết tên. Để hôm nào Khôi mời anh ta xị đế…

          – Thôi đi… Khôi đừng có rủ rê lính của Thùy Dung nhậu hoài…

          Khôi cười giả lả.

          – Thì Khôi cần phải quen với họ. Nếu mình không làm cho họ thương thời cũng không nên để cho họ ghét mình… Thôi đi về…

          Thùy Dung bảo con gái chú Hòng tính tiền. Hai người đi dài trên con đường đất. Dừng lại trước cửa đồn Khôi nói.

          – Khuya nay Khôi sẽ gọi… Nhớ để máy…

          – Dạ… Khôi ngủ ngon…

          Khôi về tàu ngủ một giấc tới bảy giờ tối mới thức dậy. Ăn nhanh tô mì gói anh ra lịnh cho bốn chiếc tàu di chuyển khỏi căn cứ chừng ba bốn chục thước rồi canh gác như thường lệ. Đoán thế nào địch cũng sẽ tấn công nên anh bảo Thành pha một bình cà phê đầy để uống và thức suốt đêm. Nhờ đó mà mỗi ca gác có tới hai người. Một nhân viên canh gác và Khôi ngồi trên mui dùng starlight scope quan sát động tịnh.

          Mười hai giờ đêm. Cảnh vật thật yên tịnh nhưng khó thở. Khôi vẫn đứng trên mui tàu quan sát. Đột nhiên anh thấy ánh sáng loé lên từng loạt rồi sau đó là những tiếng bum bum ở hai hướng đông và nam.

          – Pháo kích…

          Tiếng hú của đạn 82 ly nghe lồng lộng. Khôi chụp lấy ống liên hợp của máy 25.

          – Thùy Dung… Thùy Dung đây Đan Khôi… nghe rõ trả lời…

          – Thùy Dung nghe Đan Khôi…

          – Pháo… Địch pháo vào chỗ Thùy Dung nằm nghe rõ trả lời…

          – Thùy Dung nghe Đan Khôi…

          Xuyên qua ống liên hợp Khôi nghe tiếng nổ ầm ầm liên tục và đều đặn. Pháo địch rơi khắp nơi nhất là trước cửa đồn ngay chỗ bốn chiếc tàu thường hay ủi bãi. Mặc vội cái áo giáp và đội nón sắt Tuyên nói với Khôi.

          – Nếu không dời tàu thời mình lãnh đủ rồi anh…

          Khôi cười nói với Tuyên.

          – Em vào tần số của mình bảo hai chiếc 11, 12 rút ra giữa sông. Mình di chuyển thời địch khó điều chỉnh mục tiêu hơn. Sau đợt pháo đầu tiên địch sẽ pháo và đánh cùng một lượt…

          Ba chiếc tàu trôi lềnh bềnh trên sông. Vì nước lớn nên đứng trên mui tàu Khôi có thể thấy ánh lửa lóe lên từng chập về hướng đông của mình. Chụp lấy ống liên hợp Khôi gọi:

          – Tango 12 đây Đan Khôi… nghe rõ trả lời…

          – 12 tôi nghe Đan Khôi…

          – Anh cho mấy thằng em của anh quay hết súng về hướng đông bắn vào chỗ có ánh sáng loé lên…

          – 12 tôi nghe 5/5…

          Sáu khẩu 12 ly 17, một khẩu đại bác 20 ly, hai khẩu M79 tự động và hàng chục khẩu đại liên M60 nhắm vào mục tiêu ở hướng đông. Đạn réo lên như sấm. Đạn lửa kéo thành một đường dài đỏ rực trong không khí. Bị hỏa lực dữ dội của tango 12 các ổ 82 ly của địch phải tạm thời ngưng hoạt động. Địch chỉ còn các ổ pháo từ hướng tây và nam mà thôi.

          Tiếng súng nơi căn cứ của địa phương quân chợt nổ dồn dập cùng với tiếng mọt chê 82 ly hú thành âm thanh kinh dị. Đứng cạnh phòng lái Khôi dùng ống dòm quan sát nơi hướng tây của anh tức là hướng nam của đồn. Trong ánh sáng vàng vọt của hỏa châu anh thấy bóng người chạy lúp xúp trên khoảng đất trống có nhiều mô đất và gốc cây khô.

          – Alpha 11 đây Đan Khôi…

          – 11 nghe Đan Khôi…

          – Anh cho súng trên tàu quay về hướng tây. Khi nào có lệnh của tôi mới được bắn…

          – 11 nghe 5/5…

          – Tango 12 đây Đan Khôi…

          – 12 nghe…

          – Hướng tác xạ của mình là hướng tây… Khi nào có lệnh mới bắn…

          – 12 tôi nghe 5/5…

          Khôi nhấc lấy ống liên hợp của máy 25.

          – Thùy Dung đây Đan Khôi… nghe rõ trả lời…

          – Thùy Dung nghe Đan Khôi… Địch bắt đầu tấn công… Đan Khôi nghe rõ trả lời…

          Khôi hơi cau mày khi nghe giọng nói run run của Thùy Dung.

          – Thùy Dung bình tỉnh… Tôi sẽ bắn che mặt nam cho Thùy Dung… nghe rõ trả lời…

          Giọng nói của Thùy Dung hầu như chìm trong tiếng đại liên gầm thét. tiếng mọt chê ì ầm…

          – Thùy Dung nghe Đan Khôi… Địch đông lắm…

          Khôi vất ống liên hợp của máy 25 xong chụp lấy ống liên hợp của tàu.

          – 11, 12 bắn…

          Ba chiến đỉnh cùng lượt nổ súng. Ba khẩu đại bác 20 ly, mười hai khẩu 12 ly 7, ba khẩu M79 tự động và hàng chục khẩu M60 đồng loạt tác xạ. Âm thanh réo lên khủng khiếp làm điếc tai người nghe. Đạn lửa kéo thành dây dài lê thê trong đêm tối. Tiếng M79 nổ rền khắp nơi át luôn tiếng súng của địch và tiếng súng của bạn. Tất cả đều chìm mất trong âm thanh cuồng nộ và hung hãn của hỏa lực của ba giang đỉnh.

          Khôi hét vào ống liên hợp.

          – Thùy Dung đây Đan Khôi… nghe rõ trả lời…

          – Thùy Dung nghe Đan Khôi… Địch tạm ngưng rồi… Đan Khôi nghe rõ trả lời…

          – Đan Khôi nghe Thùy Dung… Cứ nằm tại chỗ… Địch sẽ tấn công trở lại… Nghe rõ trả lời…

          – Thùy Dung nghe Đan Khôi… M79 của Khôi bắn đẹp lắm…

          Khôi nghe tiếng Thùy Dung cười vang trong ống liên hợp. Ra lệnh cho tàu ngưng bắn để nối dây đạn Khôi dùng ống dòm quan sát. Cảnh vật im lìm trừ tiếng lửa nổ lách tách. Địch tạm thời rút lui để chỉnh đốn hàng ngủ cho đợt tấn công thứ nhì. Trong lúc đó thủy thủ đoàn cũng vội vàng khuân vác đạn lên các ụ súng. Khôi ra lệnh cho ba giang đỉnh xếp hàng dọc trên sông mà mũi hướng ra biển. Khôi dặn Tuyên.

          – Tụi nó sẽ quấy phá để mình không bắn yểm trợ cho đồn được. Em để ý hướng pháo của địch rồi dùng M79 làm câm họng mấy khẩu 82…

          Bum… Bum… Bum… Âm thanh báo hiệu cuộc tấn công bắt đầu. Đạn 82 ly rơi khắp nơi. Nước bắn tung tóe trên sông. Bóng người chạy lúp xúp trên quãng đồng trống có nhiều mô đất và thân cây chết. Trăm thước… bảy mươi lăm thước. Năm mươi thước. Khôi thấy bóng người hiện rõ trong ống dòm. Ba mươi thước…

          – Bắn…

          Từng thân người bị hất tung lên cao. Từng thân người ngã vật ra. Tiếng hét đớn đau. Tiếng la của người trước khi chết chìm mất trong tiếng nổ của đại bác, đại liên và M79. Dù có mình đồng da sắt lính của mặt trận cũng phải chùn bước. Dù có được nhồi sọ cách mấy người lính cộng sản cũng phải vỡ vụn dưới lửa đạn. Ngay cả bác và đảng cũng phải co giò chạy dưới lằn tên lửa của 12 ly 7 và đại bác 20 ly. Mười lăm phút. Không khí như cháy lên. Cảnh vật bị đun nóng bởi ngàn ngàn viên đạn của bốn chiếc tàu.

          – Đan Khôi… Đan Khôi đây Thùy Dung nghe rõ trả lời…

          – Đan Khôi nghe Thùy Dung 5/5…

          – Đan Khôi bắn đẹp lắm… Địch chém vè rồi… Sáng mai Thùy Dung pha cà phê chờ Đan Khôi… Đừng có ngủ quên nha… Đan Khôi mà ngủ quên là Thùy Dung nghỉ chơi luôn…

          – Đan Khôi nghe Thùy Dung 5/5…

          Khôi ra lệnh cho tàu ủi bãi. Ba thuyền trưởng báo cáo chỉ có một nhân viên bị thương nhẹ vì đạn mọt chê nổ gần. Thủy thủ đoàn không có người nào đi ngủ dù lúc đó mới có bồn giờ sáng. Người nấu mì gói, người pha cà phê hay trà bày lên mui chiếc tango ngồi tán dóc trong lúc Khôi gọi máy báo cáo về đơn vị.

          Trời sáng rõ. Thùy Dung cho lính ra ngoài lục soát. Kết quả vượt khỏi dự tính và mong ước của mọi người. Địch rút lui không kịp mang theo xác đồng đội bị tử thương. Lính đếm được ba mươi xác. tịch thu một khẩu 82 ly. 9 súng trường bá đỏ và năm AK… Điểm đặc biệt nhất là trong số xác để lại lính thấy có một người mang cấp bậc trung úy.

          Buổi trưa Thùy Dung và Khôi đang ngồi uống cà phê ở quán thời lính chạy ra báo tin có phái đoàn ở chi khu tới thăm khiến cho hai người hộc tốc trở về đồn. Tháp tùng với vị đại tá tiểu khu trưởng của tiểu khu Cà Mau còn có vị trung tá của quân lực Mỹ ở căn cứ Năm Căn, vị đại úy chỉ huy trưởng của Khôi và vị thiếu tá chi khu trưởng chi khu Cái Nước. Không biết Thùy Dung đã báo cáo như thế nào mà mọi người đều bắt tay Khôi và thăm hỏi vui vẻ. Riêng chỉ huy trưởng của Khôi rất hài lòng khi đọc báo cáo của Khôi cũng như từ chi khu Cái Nước.

          – Em chỉ huy tàu yểm trợ giỏi lắm… Anh cám ơn em đã làm nở mặt nở mày đơn vị của mình…

          Vổ vai Khôi ông ta nói tiếp.

          – Em cần thêm súng đạn cứ lập danh sách xong báo về đơn vị nghe… Ngày mốt tàu sẽ đem lương và tiếp liệu tới…

          Khôi cười nói:

          – Xin chỉ huy trưởng gởi tiền lương sớm sớm. Tôi ghiền thuốc mà không có tiền mua. Phải năn nỉ gãy lưỡi Bà Bùi mới cho mượn tiền mà bả còn hăm he đủ thứ…

          Mọi người cười lớn vì câu nói của Khôi. Quan sát trận chiến chừng mười lăm phút phái đoàn lên trực thăng. Theo Thùy Dung vào nhà Khôi hơi ngạc nhiên khi thấy nàng sửa soạn quần áo bỏ vào vali.

          – Thùy Dung đi phép hả?

          – Ba của Thùy Dung bị bịnh nặng nằm ở nhà thương Nguyễn Văn Học. Thùy Dung phải về thăm ba… Khôi muốn mua gì không?

          – Thùy Dung đi phép bao lâu?

          – Ba tuần…

          Thấy Khôi có vẻ buồn Thùy Dung an ủi.

          – Đi lâu như vậy Khôi có nhớ không?

          Khôi gật đầu.

          – Nhớ chứ… Không có Thùy Dung nói chuyện buồn lắm…

          – Thôi ráng chịu đi… Mai mốt Thùy Dung về tha hồ mà nói…

          – Chừng nào Thùy Dung mới đi?

          – Sáng mai… Thùy Dung nhờ tàu của Khôi chở tới Đầm Cùn rồi đi ghe về Cà Mau sau đó đón xe đò về Sài Gòn…

          Nói thêm mấy câu Khôi bỏ về tàu. Nhìn theo bóng người bạn trai Thùy Dung thở dài rưng rưng nước mắt.

          Khôi ngồi đối diện với Hợi và Bản trong quán cà phê của chú Hòng. Trên mặt bàn bày một dĩa lòng heo, một con mực nướng và một xị đế với một cái chung nhỏ.

          – Uống đi Bản… Bà Bùi đi phép rồi cho nên mình tha hồ nhậu. Ông Bang thời dễ tính hơn. Ăn đi ông Hợi. Lòng heo để nguội mất ngon…

          Vừa giục hai người lính địa phương quân ăn nhậu Khôi vừa cười nói.

          – Hôm nào rảnh tôi lấy tàu mời ông Bang, ông Tình, Đáng, Hợi và mấy anh em tiểu đội trưởng ra Cà Mau phá phách một bữa…

          Uống cạn chung rượu đế Bản khà tiếng nhỏ xong đặt cái chung trước mặt Khôi:

          – Ông thầy nhậu chì quá… Làm ba xị rồi mà ông còn tỉnh bơ. Tui mà làm vài chung nữa là quắc liền…

          Tự tay rót rượu vào chung Khôi cười hà hà:

          – Đâu có được… Dân Cà Mau chịu chơi lắm… Ủa mà Bản ở quận nào vậy?

          – Tía tôi ở Thới Bình còn bà già tôi ở Cái Nước. Phần tôi sanh ra ở quận Sông Ông Đốc…

          Ực nghe cái trót cạn chung rượu đế Khôi rót đầy chung rượu đẩy qua cho Hợi rồi cười hà hà:

          – Vậy hả… Năm ngoái tôi có đi công tác ở sông Ông Đốc. Hình như ở vùng Rạch Ráng gì đó…

          – Ông thầy rành quá. Chắc ông thầy đi lính lâu lắm?

          – Cũng được bảy năm… Bản đi lính lâu chưa?

          – Dạ hơn hai năm… Trước tôi ở tiểu khu sau mới xin vào căn cứ Bảy Hạp…

          Ba người vừa uống rượu vừa trò chuyện tới xế chiều mới về đồn. Sáng hôm sau Khôi lên đồn gặp thượng sĩ Bang. Không biết anh nói gì mà ông ta đưa cho anh xấp lý lịch của tất cả binh sĩ thuộc tiểu đội 1 do Hợi làm trung đội trưởng.

          – Tôi mang về tàu đọc rồi mai tôi sẽ trả lại cho ông…

          Thủy thủ đoàn vui mừng khi chiếc tàu mang lương và tiếp tế tới. Khôi nhận được lệnh phải về trình diện chỉ huy trưởng. Xế chiều tàu về tới căn cứ Năm Căn. Khôi vào trình diện chỉ huy trưởng. Sau khi bắt tay Khôi ông ta vui vẻ nói.

          – Xuyên qua đề nghị của chi khu Cái Nước anh cho em bảy ngày phép đặc biệt cộng thêm bảy ngày phép thường niên. Mãn phép em về thẳng tàu luôn không cần phải ghé Năm Căn…

          Mừng rỡ Khôi chào vị chỉ huy trưởng tốt bụng của mình xong qua ban văn thư lấy giấy phép. Mới bảy giờ sáng anh đã có mặt ở bãi đáp chờ trực thăng về Sài Gòn. Điều khiến cho anh ân hận là không biết mình sẽ về Sài Gòn nên không hỏi nhà của Thùy Dung.

          – Phải chi có Thùy Dung thời vui biết mấy…

          Khôi nghĩ thầm khi chiếc trực thăng từ từ bốc lên cao. Căn cứ Năm Căn biến mất trong mây mù.



          Còn tiếp.......

          Source: "https://baovecovang2012.wordpress.com"

          Comment


          • #6
            Mắt Kẽm Gai

            Chu Sa Lan


            (Chương 6)


            Khôi lái xe chầm trên đường Hồng Thập Tự hướng về phía Thị Nghè. Hai ngày qua anh chạy vòng vòng khu Hàng Xanh và khu cư xá Thanh Đa với hy vọng tìm gặp Thùy Dung. Nhưng hy vọng càng ngày càng thêm mong manh. Thùy Dung không cho anh biết nhiều chi tiết để tìm ra nhà của nàng. Anh cũng đã vào nhà thương Nguyễn Văn Học với hy vọng mong manh gặp nàng đi thăm ba. Nhưng đi loanh quanh anh cũng không thấy. Hôm nay là ngày thứ ba. Tự nhủ nếu không gặp Thùy Dung anh sẽ trở về Cà Mau dù chỉ mới có ba ngày phép. Anh cảm thấy bơ vơ. lạc lõng và xa lạ với người và cảnh ở đây.

            Chiếc honda chạy qua cầu Thị Nghè. Trước mặt anh là dòng xe cộ đông đúc. Một cô gái mặc áo dài màu xanh lái xe honda đàn bà chạy trước mặt anh chừng năm bảy thước. Khôi thấy dáng của cô ta quen quen. Tự dưng anh hồi hộp. Có thể nào cô gái đó là Thùy Dung. người mà anh đã khổ công tìm kiếm hai ngày nay. Không tự chủ Khôi vọt xe chạy song song với cô gái rồi quay mặt nhìn. Bằng tất cả nỗi vui mừng Khôi la lớn.

            – Thùy Dung…

            Nghe có người gọi tên của mình Thùy Dung quay nhìn. Ánh mắt của nàng không dấu được ngạc nhiên lẫn mừng rỡ.

            – Khôi… Khôi đi đâu vậy?

            – Về Sài Gòn tìm Thùy Dung chứ đi đâu. Ba ngày nay Khôi lục hết khu Hàng Xanh và khu cư xá Thanh Đa mà cũng không tìm thấy Thùy Dung…

            Thùy Dung cười thành tiếng.

            – Tội nghiệp chưa… Làm sao Khôi về Sài Gòn được?

            – Đi phép… Thùy Dung về Sài Gòn hôm trước là ba hôm sau Khôi được lệnh về Năm Căn trình diện chỉ huy trưởng. Ổng cho Khôi bảy ngày phép đặc biệt thêm bảy ngày thường niên. Ổng dặn là phải tìm cho ra Thùy Dung để mời Thùy Dung đi ciné và ăn kem Ngọc Hương…

            – Xạo hoài… Bây giờ Khôi đi đâu?

            – Đi theo Thùy Dung về nhà chứ đi đâu. Gặp rồi là Khôi nhất định phải theo Thùy Dung về nhà…

            – Khôi không sợ ba Thùy Dung à…

            – Không… Ổng có hỏi thời Khôi nói là mê con gái ổng lắm rồi nên nhất định tới nhà cho biết…

            Thùy Dung cười thánh thót vì câu nói đùa của Khôi.

            – Khôi gan cùng mình hả… Vậy thì Khôi cứ chạy xe theo Thùy Dung…

            Qua khỏi ngã ba Hàng Xanh Thùy Dung chạy thẳng một đoạn đường xong quẹo vào đường hẻm bên trái rồi dừng xe trước một ngôi nhà ngói vách cũ kỹ có hàng rào bằng cây.

            – Khôi hết run chưa… Xin nói trước là ba của Thùy Dung nghiêm lắm…

            Khôi cười nói nhỏ.

            – Nếu Khôi xỉu là Thùy Dung đỡ nghe…

            – Không… Khôi mà xỉu là cho xỉu luôn. Lính gì mà nhát vậy…

            – Khôi là lính kiểng mà…

            Thùy Dung nạt yêu:

            – Xạo… Cái mặt du côn này mà sợ ai. Không dọng vô…

            Thùy Dung chợt ngưng bặt vì biết mình lỡ lời.

            – Thùy Dung xin lỗi Khôi… Khôi đừng giận nha…

            Khôi nghiêm mặt.

            – Khôi giận lắm… Thùy Dung phải nhận lời đi chơi với Khôi tối nay thời Khôi mới hết giận…

            – Đi đâu?

            – Đi bát phố Lê Lợi. Đi ăn khô bò. ăn kem… Đem Thùy Trâm theo để Khôi mua cho nó con búp bê…

            – Khôi không sợ nó theo phá đám à…

            – Mình có làm gì đâu mà sợ nó phá đám. Vả lại mình đi chơi mà bỏ con ở nhà tội nghiệp…

            Có tiếng con nít reo hò rồi một đứa con gái chạy ra.

            – Cháu Thùy Trâm phải không?

            Khôi cười hỏi. Thùy Trâm hơi khựng lại khi thấy ngưòi đàn ông lạ đi với má của mình.

            – Con nhớ bác này không. Bác cho con kẹo và lon trái cây…

            Thùy Trâm nheo mắt nhìn Khôi giây lát mới trả lời.

            – Con nhớ rồi… Bác này hỏi tên con và tên của má nữa. Bác nói tên con đẹp mà tên của má còn đẹp hơn nữa…

            – Con chào bác đi rồi phụ má xách giỏ vào nhà…

            Khôi hơi có chút bối rối khi thấy hai người mà anh đoán là ba má của Thùy Dung bước ra phòng khách.

            – Dạ chào hai bác…

            – Thưa ba má đây là anh Khôi. người mà con đã kể chuyện cho ba má nghe…

            – Cháu ngồi chơi… Té ra cháu là người đã giúp đỡ con Dung. Không có cháu thời nó phải vất vả nhiều lắm…

            Thùy Dung mang ra cho Khôi ly nước đá chanh. Ba má của Thùy Dung hỏi han về gia cảnh của Khôi. Ông bà hơi ái ngại khi biết anh không có ba má hay anh chị em ở Sài Gòn.

            – Thưa ba má anh Khôi mời con đi chơi…

            – Ừ… Hai đứa cực khổ nhiều rồi cũng nên đi chơi cho khuây khỏa. Để con Trâm ở nhà má giữ cho…

            – Anh Khôi muốn đem con Trâm theo để mua quà cho nó. Ảnh nói mình đi chơi mà bỏ con ở nhà tội nghiệp nó…

            Liếc thấy Khôi đang chơi với Thùy Trâm ngoài sân ba của Thùy Dung nói nhỏ.

            – Ba coi nó hiền và đàng hoàng. Con với nó có tính chuyện gì chưa?

            – Thưa ba tụi con mới quen nhau nên chưa tính gì hết. Con không muốn hấp tấp…

            – Ừ vậy cũng được… Con có người thương ba má thời cũng mừng. Vả lại con mãn tang chồng đã lâu rồi thời có bước thêm bước nữa cũng không trái đạo lý. Con còn trẻ mà…

            Đang chơi với Thùy Trâm ngoài sân Khôi lặng người khi thấy Thùy Dung bước ra. Nàng hoàn toàn khác. Quyến rủ. Khôi nhìn và chỉ nghĩ ra được có hai chữ thôi để nói về nhan sắc của cô bạn gái.

            – Mình đi chưa Khôi?

            Khôi cười ngây ngô như chưa tỉnh mộng. Thùy Dung cười thầm.

            – Mình đi ăn trước nghe Khôi. Từ sáng tới giờ Thùy Dung lo đi chợ cho má nên đói bụng…

            – Thùy Dung là xếp của Khôi mà…

            – Có chuyện gì mà Khôi nịnh đầm vậy…

            – Mấy ngày nay nhớ Thùy Dung muốn chết. Khôi nói với mình là nếu tìm gặp Thùy Dung thời Thùy Dung muốn gì Khôi cũng làm theo…

            – Cám ơn Khôi…

            Thùy Dung thực hành lời cám ơn của mình bằng cách vòng tay ôm ngang hông và tựa vào lưng của Khôi. Thùy Trâm vui vẻ cười nói líu lo khi được ngồi trong lòng của Khôi.

            – Bác mua cho con búp bê bự nghe bác để con cho nó mặc quần áo đẹp…

            – Ừ… Bác sẽ mua cho con búp bê đẹp. Con thấy má con đẹp không?

            – Đẹp… Má con đẹp lắm. Bác thích má con không?

            – Không…

            – Không thích sao mà bác cười hoài vậy. Con thấy bác cười với má con hoài… Má con cũng thích bác nữa. Hổm rày má con buồn không có nói chuyện mà cũng không có cười nhiều. Mà bây giờ có bác má con cười hoài…

            Khôi cười vì những lời nói ngây thơ của Thùy Trâm trong lúc Thùy Dung mắc cở đỏ mặt. May là nàng ngồi sau lưng nên Khôi không thấy được.

            – Con thương má không?

            – Thương…

            – Con thương bác không?

            – Thương… Bác muốn làm ba của con không?

            Thùy Dung giật mình vì câu hỏi của con gái. Ai dạy nó câu đó. Không lẽ má của nàng dạy cho nó.

            – Muốn… Con hỏi xem má của con có chịu cho bác làm ba của con không…

            – Má… Má chịu cho bác Khôi làm ba của con nha má…

            Thùy Dung cười khẽ dùng ngón tay trỏ viết vào lưng Khôi chữ ” chịu “.

            – Má chịu nghe má… Bác Khôi dễ thương lắm má. Bác Khôi thương con nè. Bác Khôi thương má nè. Bác Khôi thương ông ngoại bà ngoại nè…

            Thùy Dung không nín được cười khi nghe con gái nói chuyện. Khôi ngừng nơi chỗ giữ xe. Không phải chiều cuối tuần nên thưa thớt người đi. Thùy Dung dẫn Khôi vào một cái hẻm nhỏ gần rạp chiếu bóng Casino Sài gòn ở đầu đường Pasteur.

            – Khôi có vào đây bao giờ chưa?

            – Có… Trong đây họ bán nhiều món ngon mà rẻ… Tuy nhiên…

            – Thùy Dung muốn ăn bún riêu… Thèm ăn nó lâu rồi mà chưa có dịp đi ra đây…

            Hai người và Thùy Trâm vào một quán cóc nhưng lại đông người.

            – Khôi thích ăn bún gì?

            – Bún ốc…

            Thùy Dung gọi một tô bún riêu và một tô bún ốc. Ăn xong một tô dường như chưa đã thèm nên Thùy Dung gọi thêm một tô nữa để đút cho con. Trái với ước đoán của Khôi con Thùy Trâm lại thích bún riêu. Một mình nó ăn gần hết tô bún. Mặc dù Thùy Dung năn nỉ nhưng Khôi giành trả tiền.

            – Mình đi ăn kem Thùy Trâm chịu không?

            – Chịu… Con ăn no đi không nổi… Ba Khôi cõng con đi…

            Thùy Dung cười thánh thót lắc đầu khi nghe con gái nhỏng nhẻo với ba Khôi của nó.

            – Ai biểu Khôi ham làm ba của nó… Thôi ráng cõng nó đi…

            Cười vui vẻ Khôi bế Thùy Trâm lên ngồi trên cổ của mình. Con bé thích thú cười nói huyên thiên. Băng qua phía bên kia đường tới tiệm kem Khôi gọi cho Thùy Dung ly kem chocolat còn Thùy Trâm một ly kem vani nhỏ và cho mình một ly kem sầu riêng. Ăn xong Thùy Dung dẫn Khôi vào chợ Bến Thành mua cho con gái một búp bê lớn và một ít quần áo. Thùy Trâm ngủ gà ngủ gật khiến cho Thùy Dung phải bế nó ngồi đàng sau.

            Chiều xuống từ từ. Khôi và Thùy Dung ngồi cạnh nhau trên cái ghế dài bằng cây nơi sân trước. Không khí mát và êm ả. Mây xanh ngắt một màu xanh.

            – Khôi muốn gì cứ nói đi…

            Thùy Dung lên tiếng khi thấy Khôi liếc mình nhiều lần.

            – Khôi định rủ Thùy Dung đi Nha Trang. Khôi muốn đi thăm chị Quỳnh của Khôi…

            Dù trong lòng ưng thuận nhưng Thùy Dung muốn hành Khôi một chút.

            – Khôi âm mưu gì đây mà rủ Thùy Dung đi Nha Trang…

            Khôi cười nhìn người bạn gái.

            – Đâu có gì đâu. Ở Sài Gòn cũng không biết làm gì. Mình ra biển đổi gió vậy mà…

            – Chứ không phải Khôi định trấn nước Thùy Dung à…

            – Khôi đâu nỡ làm vậy… Thương gần chết mà trấn nước sao được…

            Thùy Dung cười tựa vào vai Khôi.

            – Cho tới giờ này Thùy Dung cũng không hiểu tại sao mình lại quen nhau…

            – Nếu mình đã không hiểu thời suy nghĩ làm gì cho mệt. Thùy Dung cho phép Khôi hút thuốc được không?

            – Có cản Khôi cũng không được. Có bổ ích gì đâu mà hút hoài…

            Khôi cười cười.

            – Thùy Dung nói vậy rồi đàn bà con gái son phấn đó. Có bổ ích gì đâu mà trang điểm hoài…

            – Đàn bà trang điểm cho đẹp. cho mấy ông nhìn…

            – Hút thuốc cũng là cách trang điểm của đàn ông…

            Thùy Dung cười rũ rượi khi nghe Khôi nói hút thuốc là cách trang điểm của đàn ông.

            – Cách trang điểm của ông chắc không có cô nào mê đâu…

            Hít hơi thuốc rồi quay mặt chỗ khác để nhả khói Khôi buông gọn.

            – Có chứ…

            – Ai?

            – Thùy Dung…

            – Sức mấy…

            Dụi tắt điếu thuốc xong nhặt tàn thuốc ném vào gốc cây chùm ruột Khôi cười.

            – Từ lúc mình gặp nhau cho tới bây giờ Khôi vẫn hút thuốc…

            Thùy Dung làm thinh. Khôi hút thuốc mà nàng vẫn thương. vẫn nhớ.

            – Khôi không hút thuốc nữa thời Thùy Dung mới chịu đi chơi với Khôi…

            – Chịu liền… Không hút có sao đâu…

            Thùy Dung nhìn Khôi với nhiều ngờ vực khi nghe người bạn trai đáp ứng lời yêu cầu của mình một cách quá sốt sắng.

            – Ngày mai Khôi sẽ đi lấy vé máy bay… Mình đi chừng ba hay bốn ngày… Thùy Dung có ra Nha Trang lần nào chưa?

            – Chưa… Khôi đi rồi hả?

            – Ừ… Mấy lần… Hai năm trước khi đi học khóa chuyên nghiệp… Nha Trang có nhiều thắng cảnh như Tháp Chàm, Hòn Chồng, Hải Học Viện, Cầu Đá… Bãi biển Đại Lãnh nổi tiếng là đẹp, sạch và thơ mộng…

            – Chưa đi mà nghe Khôi tả Thùy Dung cũng mê rồi…

            – Khôi bao à nghe… Thùy Dung hết tiền rồi… Có bao nhiêu tiền cho ba má hết. Ba lãnh tiền hưu trí đâu có bao nhiêu…

            – Mình ở nhà chị hai thời đâu có tốn bao nhiêu… Chỉ có tốn tiền vé máy bay, ăn xài lặt vặt… Thôi Khôi về… Mai mua vé máy bay xong Khôi sẽ tới cho Thùy Dung biết để sửa soạn…

            Chiếc máy bay cũ kỹ của Air Việt Nam đảo một vòng tròn quanh phi trường Tân Sơn Nhất xong mới cất lên cao.

            – Sài Gòn đẹp hả Khôi… Mấy cô chiêu đãi viên hàng không đẹp và quyến rủ…

            Khôi cười nói nho nhỏ:

            – Đâu có đẹp bằng Thùy Dung…

            – Thôi đừng có nịnh… Đi một mình là thế nào Khôi cũng tán tỉnh người đẹp…

            Khôi cười im lặng vì biết không nên bàn luận vấn đề này với Thùy Dung. Lần đầu tiên đi máy bay cho nên cái gì cũng lạ đối với Thùy Dung. Nàng mải mê ngắm cảnh. Mây trắng bay lang thang. Những mái nhà xám mốc. Cây cỏ xanh như tấm thảm bị chia cắt thành nhiều mảnh nhỏ không bằng nhau. Giọng nói trầm và hơi khàn của Khôi vang bên tai nàng.

            – Là một thành phố lớn nhất của tỉnh Khánh Hòa Nha Trang còn là trung tâm du lịch nổi tiếng của miền trung. Nằm cách Sài Gòn độ bốn trăm cây số nên hàng năm có nhiều du khách ở thủ đô ra Nha Trang nghỉ mát. Khôi thích Nha Trang hơn Vũng Tàu…

            – Tại sao Khôi rủ Thùy Dung đi Nha Trang?

            – Thật ra đi thăm chị Quỳnh thời Khôi đi một mình cũng được nhưng Khôi muốn Thùy Dung đi cùng. Khôi muốn hai đứa mình có nhiều kỷ niệm với nhau. Kỷ niệm dù không đầm ấm vẫn là kỷ niệm đáng được nâng niu và gìn giữ…

            Nhìn ra ngoài trời qua khung cửa kính Khôi thở dài nhè nhẹ.

            – Mỗi người trong một đoạn đời nào đó đều có kỷ niệm buồn. thật buồn…

            Thùy Dung rưng rưng nước mắt. Dù quen nhau đã lâu. dù tình cảm càng ngày càng thêm sâu đậm nhưng nàng cảm thấy giữa mình với Khôi vẫn có chút gì xa lạ và cách ngăn. Nàng vẫn còn là kẻ đứng bên lề cuộc sống tình cảm của Khôi. thứ tình cảm được bao bọc bằng kỷ niệm xa xưa. nhạt mờ nhưng dai dẳng và bền bỉ. Nàng không trách móc gì hết. bởi vì chính nàng cũng có những kỷ niệm khó quên hay không thể quên.

            – Thùy Dung…

            Khôi gọi nhỏ. Thùy Dung ngước lên nhìn.

            – Khôi xin lỗi…

            Thùy Dung mỉm cười nắm lấy tay Khôi đoạn thì thầm những lời gì mà khi nghe xong Khôi lắc đầu cười.

            – Không…

            – Khôi chiều Thùy Dung chút đi…

            – Không…

            – Thùy Dung sẽ làm cho Khôi đổi ý…

            Thùy Dung quả quyết. Khôi cười.

            – Thùy Dung mà làm cho Khôi đổi ý thời Khôi sẽ cõng Thùy Dung đi một vòng căn cứ Bảy Hạp…

            Thùy Dung cười:

            – Khôi nói là phải giữ lời nghe…

            – Ừ… Lời nói của Khôi chắc như đinh đóng bột…

            Thùy Dung ré lên cười khiến cho mấy người ngồi gần đều quay đầu nhìn. Ba giờ chiều. Máy bay đáp xuống phi trường. Lấy hành lý xong hai đứa lên xe xích lô đi về nhà chị Quỳnh của Khôi. Con đường dọc theo bờ biển thật đẹp.

            – Mát quá…

            Thùy Dung hít hơi dài không khí có mùi mằn mặn của muối biển. Gió thổi tóc nàng bay bay vào mặt Khôi. Mùi nước hoa thoang thoảng. Chị Quỳnh trợn mắt khi mở cửa xong ôm chầm lấy đứa em trai độc nhất hơn một năm xa cách không có tin tức gì hết.

            – Đây là Thùy Dung, bạn của em. Đây là chị Quỳnh của Khôi…

            Quỳnh tươi cười nắm lấy tay Thùy Dung.

            – Em là bạn của Khôi thời cũng như em của chị… Em cứ tự nhiên… Khôi em đem hành lý của hai đứa em vào cái phòng có cửa sổ ngó ra bờ biển đó. Phòng đó là phòng của Thùy Dung còn Khôi ráng ngủ phòng khách đi…

            – Khỏi cần… Em nằm dưới gạch trong phòng của Thùy Dung cũng được…

            Quỳnh ngó Thùy Dung. Hơi đỏ mặt Thùy Dung cười nói với chị Quỳnh.

            – Khôi nói giỡn đó chị… Tụi em chưa có gì chính thức hết…

            – Vậy hả… Khôi mà mò vào giường em thời em đạp nó ra khỏi phòng dùm chị…

            Hai người đàn bà cười ròn tan khi nhìn khuôn mặt bí xị của Khôi.

            – Anh Hữu đi làm hả chị?

            Liếc đồng hồ treo trên tường chị Quỳnh nói.

            – Năm giờ mới tan sở… Nhưng thường thường ảnh về trễ… Hai đứa ở chơi lâu không?

            Thùy Dung liếc nhanh Khôi.

            – Dạ chắc chừng ba bốn ngày…

            Để Thùy Dung trò chuyện với chị Quỳnh Khôi mở cửa bước ra sân. Trước mặt là biển xanh mênh mông. Gió rì rào hàng cây dương. Bãi biển thưa người. Cát vàng mút mắt. Những cao ốc trắng. Nhà ngói mái đỏ ối. Nhà của chị Quỳnh khá đẹp và nằm trong một khu yên tịnh và khang trang dành cho các công chức cao cấp của chính phủ. Nếu cuộc đời có êm xuôi thời cuộc đời chị Quỳnh là những êm xuôi đó. Nếu cuộc đời là hạnh phúc thời cuộc đời của chị Quỳnh là hạnh phúc. Hai người quen nhau khi chị Quỳnh còn là sinh viên trường luật còn anh Hữu đang học cao học hành chánh. Hai người lấy nhau khi anh Hữu ra trường rồi được bổ nhiệm về Nha Trang. Chị Quỳnh sống đời êm đềm và hạnh phúc bên người chồng hiền lành và chung thủy. Chị chỉ có một điều không bằng lòng là chưa có con.

            Vẩn vơ suy nghĩ Khôi thả bộ trên bãi biển. Khói thuốc tan trong gió thật nhanh. Khôi nghe chừng trong gió có mùi rong rêu.

            – Khôi… Khôi…

            Nghe tiếng người gọi Khôi quay lại thấy Hữu đang ngồi trên chiếc xe jeep màu trắng giơ tay vẩy vẩy mình.

            – Em ra hồi nào vậy?

            – Dạ mới ra hồi chiều. Anh khỏe không?

            Hữu cười ha hả.

            – Có làm gì đâu mà không khỏe. Đi… Em lên xe mình ra chợ xách chai rượu về hai anh em mình lai rai tối nay…

            Khôi leo lên chiếc jeep.

            – Anh mua xe hồi nào vậy?

            – Tiền đâu mà mua… Cái này của sở cấp cho…

            Hữu phóng xe nhanh ra chợ mua chút đồ nhắm rồi ghé vào tiệm tạp hóa lấy chai Remi Martell xong hối hả trở về nhà.

            – Hai anh em đi đâu vậy?

            Đưa cao chai rượu lên Hữu cười nói với vợ.

            – Cưng làm vài món ngon để anh và Khôi nhậu đêm nay…

            Quỳnh trợn mắt nhìn chồng.

            – Thôi đi anh… Anh mà nhậu cái gì… Mới uống năm ba ly bia đã khò rồi…

            Tuy nói đùa nhưng Quỳnh cũng cười nói với Thùy Dung.

            – Hai chị em mình xuống bếp làm vài món cho hai ông tướng nhậu say rồi mình cười chơi…

            Mười lăm phút sau Quỳnh và Thùy Dung mang lên một dĩa gỏi tôm, bò lúc lắc và sườn ram mặn. Bốn người ngồi vào bàn. Hữu rót rượu cho Quỳnh còn Khôi cười hỏi Thùy Dung.

            – Thùy Dung uống rượu không?

            – Uống chứ… Gặp dịp vui mà…

            Khôi pha cho Thùy Dung một ly. Trong lúc ăn uống Hữu cười hỏi Thùy Dung.

            – Em với Khôi quen nhau lâu chưa?

            – Dạ cũng được ba tháng thưa anh…

            Thùy Dung từ từ kể cho Hữu và Quỳnh nghe chuyện mình và Khôi gặp nhau.

            – Em còn giỏi hơn anh và Khôi…

            Thùy Dung cười nhìn Khôi.

            – Anh nói vậy chứ em biết Khôi giỏi hơn em nhiều…

            – Nó mà giỏi cái gì… Làm biếng nhớt thây… Giỏi yêu thời may ra…

            Khôi cười ha hả.

            – Thùy Dung thấy chưa… Gì chứ yêu là Khôi giỏi không có ai bằng…

            – Cái đó còn phải xét lại…

            Thùy Dung đùa. Mặt nàng hồng lên vì thẹn và vì rượu. Ngã đầu vào vai chồng Quỳnh cười hỏi Thùy Dung.

            – Em có tính chuyện gì chưa. Chị khuyên em nên tính lẹ lẹ đi. Khôi là một con ngựa chứng. Em mà không còng đầu nó lại là nó chạy mất tiêu…

            Thùy Dung nhìn Khôi.

            – Kệ ảnh… Ảnh muốn bay nhảy em cũng không cản được. Mình giữ người muốn ở chứ đâu có giữ được người muốn đi…

            – Em bao nhiêu tuổi hả Dung?

            – Dạ hai mươi hai thưa chị…

            – Em còn trẻ mà lo gì… Nói vậy chứ Khôi nó không đến nỗi tệ lắm đâu…

            Khôi cười im lặng uống cạn ly rượu. Pha cho mình ly thứ nhì anh hỏi.

            – Thùy Dung uống nữa không?

            – Khôi tính phục rượu Thùy Dung hả?

            – Không dám… Thùy Dung uống một xị rượu đế vẫn tỉnh bơ thời ai mà phục rượu được…

            Hữu trợn mắt nhìn còn Quỳnh hỏi dồn.

            – Thật hả Dung… Em dám uống cả một xị rượu đế hả Dung…

            Thùy Dung cười nói với Quỳnh.

            – Em cũng không hiểu tại sao em uống cả xị rượu mà không say… Làm sao Khôi biết chuyện đó?

            Khôi trả lời trong lúc pha rượu.

            – Lính của Thùy Dung nói. Họ kể chuyện Tết năm rồi Thùy Dung ngồi uống rượu đế pha xá xị với lính trong đồn. Người nào người nấy say quắc cần câu trong khi Thùy Dung tỉnh bơ…

            Trao cho Thùy Dung ly rượu đầy Khôi cười đùa.

            – Khôi pha rượu cho Dung uống để Dung có đạp cũng đạp nhè nhẹ thôi nghe…

            Chị Quỳnh lên tiếng.

            – Thôi tha cho nó đi Dung. Em đừng đạp nó tội nghiệp. Dọng sặc máu mũi thôi…

            Thùy Dung ré lên cười. Quỳnh và Hữu cũng cười khiến cho Khôi mắc cỡ ngồi làm thinh.

            – Mình có gì ăn nữa không?

            Hữu hỏi vợ. Quỳnh bá vai chồng cười.

            – Hết rồi… Cưng rán nhịn đi. Chút nữa em nấu mì xá xíu cho cưng ăn…

            – Chỉ cưng anh dữ… Nấu mì cho anh ăn nữa…

            Khôi xen vào trong lúc hớp ngụm rượu. Hữu cười cười:

            – Cưng gì… Quỳnh cho anh ăn mì gói tối ngày… Sáng hỏi ăn gì thì mì gói… Trưa hỏi ăn gì thời được trả lời là gói mì, tối lại mì gói…

            – Tại anh chứ bộ… Anh có cho em vô bếp đâu…

            – Ảnh bắt chị làm gì mà không cho vô bếp…

            Thùy Dung hỏi. Quỳnh hôn vào má chồng.

            – Ảnh xà nẹo tối ngày thời làm bếp gì được…

            Thùy Dung đỏ mặt liếc nhanh Khôi đang lơ đểnh nhìn lên trần nhà.

            – Ai biểu em đẹp… em quyến rủ anh đi vào con đường tình ái…

            Quỳnh háy chồng.

            – Thôi đi đừng có nịnh… Em mà đẹp gì… Em già rồi…

            Hữu ôm vai vợ.

            – Người ta bảo trai ba mươi tuổi thời già. Gái ba mươi tuổi còn ngon thấy bà…

            Khôi cười ha hả trong lúc Thùy Dung cười tới độ chảy nước mắt.

            – Em mới có hai mươi bảy mà than già. Người ta bảo gừng càng già càng cay, gái càng già càng hay…

            Quỳnh nạt yêu chồng.

            – Thôi đi đừng có nói tầm bậy tầm bạ. Dung nó cười anh…

            – Không có đâu… Em cần phải nghe ảnh nói để sau này nếu em và Khôi có lấy nhau em biết cách đối phó với Khôi…

            Gắp miếng sườn ram mặn bỏ vào chén của mình Khôi cười nói đùa.

            – Khôi hiền như cục bột mà…

            Thùy Dung đưa ngón tay trỏ xỉa vào trán Khôi.

            – Cái mặt này mà hiền… Không biết làm sao Dung thương được…

            Quỳnh và Thùy Dung lo nấu mì. Hữu hỏi Khôi.

            – Em có tính đi đâu chưa?

            – Dạ chắc cũng đưa Thùy Dung đi loanh quanh vài chỗ cho biết…

            – Em lấy xe jeep của anh đưa Thùy Dung đi chơi đi…

            Quỳnh xen lời.

            – Thôi để nó đi xe honda của em. Mình dùng công xa người ta nói chết…

            Hữu nói với vợ.

            – Ăn nhằm gì… Lâu lâu hai đứa nó mới ra thăm mình một lần mà. Vả lại hai đứa nó đi lính cực khổ thời mình cũng nên để cho nó hưởng thụ chút chút. Cái này nằm trong chương trình hậu phương ủng hộ tiền tuyến của chính phủ mà em…

            Thùy Dung quay lại nói với Hữu.

            – Em lái xe jeep cho… Em thích lái xe…

            Hữu cười lớn nói với Dung.

            – Vậy hả… Em lái xe chở bồ đi mới hách… Anh mới đổ đầy bình xăng em tha hồ đi…

            Uống rượu đói bụng nên bốn anh chị em ăn mì gói ngon lành. Tiệc tan vì không ai muốn uống nữa. Quỳnh nhường cho Thùy Dung tắm rửa và thay quần áo trước. Trong lúc nàng vắng mặt Quỳnh hỏi Khôi.

            – Em có tính gì chưa?

            – Chưa… Tụi này mới quen nhau nên còn đang trong vòng tìm hiểu…

            – Dung dễ thương và hiền hậu…

            Hữu lên tiếng. Khôi cười nói.

            – Thùy Dung rất đảm đang và tháo vát…

            – Như vậy thời em nên tiến tới đi… Em cũng hai mươi lăm rồi… Theo chị đoán là Dung thương em nhưng không nói ra. Em biết đàn bà mà. Họ sẵn sàng nhưng chờ đàn ông nói trước…

            Thấy Dung bước ra Quỳnh cười nói:

            – Anh chị đi nghĩ. Hai đứa em ra biển chơi đi. Ban đêm đẹp lắm…

            Thấy Khôi cứ liếc mình hoài Thùy Dung hỏi nhỏ.

            – Bộ mặt Thùy Dung có dính lọ sau mà Khôi nhìn hoài vậy…

            – Không… Thùy Dung lạ… Đợi Khôi tắm xong rồi mình ra biển chơi…

            – Mặc quần áo ngủ này đi thiên hạ cười chết…

            – Không có sao đâu… Ban đêm đâu có ai để ý… Khôi lấy cho Thùy Dung cái áo ấm…

            Hai đứa đi bộ trên cát. Mặt biển mờ mờ. Thuyền đánh cá thắp đèn sáng trôi dật dờ. Một chiếc tàu buôn buông neo về phía trái thắp đèn sáng trưng. Tiếng sóng vổ ì ầm.

            – Thùy Dung thích nghe tiếng sóng vổ… buồn…

            Khôi vòng tay ôm cô bạn gái vào lòng. Thùy Dung ngã đầu vào ngực Khôi. Người con trai ngửi được mùi thơm thoang thoảng trên mái tóc vừa gội xong.

            – Thùy Dung…

            – Dạ…

            – Thùy Dung lạnh không?

            – Ấm… Thùy Dung thấy ấm trong vòng tay của anh…

            Lần thứ nhất Thùy Dung gọi Khôi bằng anh. Khôi cảm nhận điều đó như là một thân mật và gần gũi hơn. Xiết nhè nhẹ thân hình mềm ấm của Thùy Dung anh cảm thấy run rẩy. hồi hộp rồi sau đó là cảm giác kỳ lạ từ từ lan ra khiến cho tâm hồn bềnh bồng. tan loãng. Hơi thở gấp. Nhịp tim đập mạnh. Mùi hương trên tóc. mùi hương thân thể. mùi hương của gió biển hòa hợp thành thứ mùi hương diễm tuyệt quyện vào mũi làm ngây ngất. Khôi cúi xuống. Thùy Dung ngước lên. Hai khuôn mặt thật gần. để người này nghe được hơi thở của người kia. nghe được tiếng đập của con tim của người kia. Hai làn môi chạm nhau. Nụ hôn. Tiếng nói đầu tiên của tình yêu. nở ra trong tiếng sóng vổ buồn. trong tiếng gió réo hàng cây dương và tiếng thì thầm của cát ướt dưới chân. Nụ hôn bằn bặt thiếp mê. cháy đỏ khát khao. chín nhừ đợi chờ. Vòng tay của Thùy Dung quấn quanh cổ của người tình không rời. không buông. quên hết đất trời. quên cả mình.

            – Khôi ơi… Yêu anh…

            – Thùy Dung… Anh yêu em…

            Nụ cười hạnh phúc nở ra trong bóng tối. Thùy Dung ghì chặt lấy người yêu. Dù muộn màng rồi nàng cũng tìm được tình yêu. có được người yêu trong vòng tay của mình. Tiếng nói trầm ấm. thiết tha của Khôi thì thầm bên tai nàng.

            – Anh cám ơn Thùy Dung… Anh cám ơn em đã yêu anh…

            Thùy Dung âu yếm nhìn vào đôi mắt lá răm của người yêu.

            – Em cám ơn anh mới đúng. Anh cho em một tình yêu. một ý nghĩa để sống…

            Thùy Dung hôn vào đôi mắt long lanh ngời tình tự của Khôi.

            – Mỗi lần nhìn vào mắt anh em lại nhớ tới một điều kỳ cục…

            – Điều gì?

            – Em muốn xé anh ra để trộn với rau răm làm gỏi…

            Khôi cười ha hả vì ý nghĩ kỳ cục của người yêu.

            – Em dám xé thịt anh không?

            – Dám… Tối nay em sẽ xé anh ra cho mà coi…

            – Em không sợ chị Quỳnh biết à?

            – Không… Chỉ còn xúi em có bầu với anh nữa. Chỉ nói có con là em sẽ cột chân anh lại…

            – Em tính dụ anh hả…

            – Anh khôn dàn trời ai mà dụ anh được…

            – Thôi mình vào nhà…

            Vừa đi Khôi vừa thì thầm vào tai của Thùy Dung khiến cho nàng ré lên cười. Vào nhà hai đứa thấy chị Quỳnh đã bày sẵn mền gối cho Khôi nơi phòng khách.

            – Thôi anh chịu khó ngủ một mình đi…

            – Ừ… Thùy Dung ngủ đi… Một hồi nữa mình gặp nhau…

            – Không… Anh mà vô phòng là em đạp anh ra khỏi phòng…

            – Đố em…

            Bóng tối mờ mờ. Căn nhà thật yên tịnh tới độ Khôi nghe được tiếng sóng vổ buồn buồn. Nằm suy nghĩ giây lát Khôi đi vào phòng của Thùy Dung. Cửa khép hờ.

            – Thùy Dung…

            Không có tiếng trả lời. Khôi mỉm cười trong bóng tối mờ mờ. Thùy Dung trở mình. Khôi thấy đôi mắt của người yêu long lanh và nụ cười tình tứ pha chút tinh nghịch. Nàng chưa ngủ. Nàng đang đợi đang chờ vì biết Khôi sẽ vào phòng. Môi hôn vồ vập. Hơi thở rộn ràng. Thùy Dung run người lên khi làn môi nóng bỏng của người yêu chạm lên mắt môi. lên da thịt như muốn tan loãng của nàng. Cảm giác mê đắm mờ tri thức. Tình yêu của Khôi cuồng nhiệt quá. nóng hơn mặt trời. mãnh liệt hơn sóng đại dương. Nàng cảm thấy thân thể nhẹ như mây. trôi dật dờ vào vùng trời mù sương diễm ảo khiến cho nàng chỉ còn biết ghì chặt lấy Khôi như sợ người yêu sẽ tan biến đi. Không gian yên tịnh. Không có gì hết ngoài tiếng thở. tiếng thì thầm của hai kẻ yêu nhau đang lịm dần vào mê đắm tột cùng.



            Còn tiếp.......

            Source: "https://baovecovang2012.wordpress.com"

            Comment



            Hội Quán Phi Dũng ©
            Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




            website hit counter

            Working...
            X