Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Tôi Chẳng Là Ai Cả

Collapse
X

Tôi Chẳng Là Ai Cả

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Tôi Chẳng Là Ai Cả

    Tôi Chẳng Là Ai Cả
    ~~~





    Ở đời nếu chúng ta nổi tiếng thì kể ra cũng khoái thật. Nổi tiếng theo nghĩa thông thường cơ, chứ không phải nổi tiếng vì trúng số hay nổi tiếng vì làm một chuyện khùng nào đó đâu. Mua vé vào xem một trận đấu thể thao rồi tuột hết quần áo tồng ngồng chạy ù ra giữa sân cho hàng ngàn khán giả cười chơi thì đó là nổi tiếng khùng. Xông vào một ngôi nhà đang cháy để cứu một đứa trẻ thì đó là nổi tiếng chính đáng. Nổi tiếng vì tài giỏi trong lãnh vực nào đó như khoa học, nghệ thuật, chính trị, xã hội, giáo dục, kinh doanh, thể thao, v.v. Riêng phái nữ còn thêm nổi tiếng về sắc đẹp, chẳng hạn như người đẹp Marilyn Monroe, Elizabeth Taylor, Thẩm Thúy Hằng... Người nổi tiếng nhận được sự chú ý, hâm mộ và say mê của đám đông quần chúng, khoái lắm chứ.

    Vậy mà có nhiều người nhát gan sợ “bị” nổi tiếng. Họ cảm thấy không được thoải mái khi bị người khác dòm ngó, soi mói đời tư. Họ lo sợ và bị căng thẳng chịu không nổi. Dù họ có tài, họ cũng sợ tài của họ bị khám phá nên ít chịu thi thố khoa trương. Họ từ chối cơ may đến với họ. Họ chỉ muốn an phận làm một kẻ đứng ngoài. Đứng ngoài tức là không nhập cuộc, không làm kẻ thi đấu mà chỉ làm khán giả. Đứng ngoài võ đài, ngoài sân khấu, ngoài phòng họp, ngoài vùng ánh sáng của đèn chiếu và tầm nhìn của quần chúng. Họ hài lòng với số phận nhỏ nhoi của một phó thường dân, một người vô danh tiểu tốt.

    Một trong những người rất sợ nổi tiếng và chỉ muốn làm một người vô danh nhưng lại trở nên rất nổi tiếng trong văn học Hoa Kỳ là nữ thi sĩ Emily Dickinson (1830-1886) trong thế kỷ 19. Một bài thơ "I'm nobody! Who are you?" (Tôi là một người vô danh tiểu tốt. Còn bạn là ai?) là một trong số khoảng 2000 bài thơ của Emily Dickinson. Bài thơ như sau:

    I'm nobody! Who are you?
    Are you nobody, too?
    Then there's a pair of us — don't tell!
    They'd banish us, you know.
    How dreary to be somebody!
    How public, like a frog
    To tell your name the livelong day
    To an admiring bog!


    Bài thơ ngắn và giản dị quá bạn há, gồm toàn những chữ dễ hiểu không hà. Chính vì vậy nên tôi mới cố gắng hết ga dịch như sau:

    Tôi chẳng là ai cả
    Tôi là người vô danh tiểu tốt bạn ơi,
    Còn bạn là ông/bà gì hở bạn?
    Bạn cũng như tôi nốt hay sao?
    Thế chúng ta thành đôi như nhau
    Đừng cho ai biết chuyện này bạn nhé
    Họ sẽ lưu đày chúng ta đấy thôi.
    Tôi sợ nổi tiếng lắm đây này
    Cứ như ếch giữa đám đông ấy
    Phải xưng tên suốt ngày chán ngấy
    Với đám người ngưỡng mộ hăng say!

    (Phan Hạnh)

    Bạn thừa tài dịch hay hơn bản dịch trên đây của tôi, một người muốn nổi danh mà không được. Nào, xin mời bạn. Hay là bạn cũng chỉ muốn làm một “nobody” mà thôi để được yên thân. Thế thì là bạn giống tôi đó. Vậy chúng ta thành đôi và đừng cho ai biết nhé. Họ biết là họ sẽ đọa đày vùi dập chúng ta đấy.

    Tôi lượm được một bản dịch khác của bài thơ trên Mạng Lưới như sau nè bạn:

    Tôi là kẻ vô danh tiểu tốt! Bạn là ai?
    Tôi là kẻ vô danh tiểu tốt!
    Bạn là ai?
    Cũng là kẻ vô danh tiểu tốt?
    Ồ, ta sẽ thành đôi bạn tri âm
    nhưng nhớ đừng cho ai biết
    vì người ta sẽ trục xuất chúng mình!
    Chán biết bao
    phải là ông nọ bà kia
    được mọi người biết tiếng
    Như con ễnh ương
    suốt ngày
    phải nói tên mình
    cho một bãi lầy ái mộ.

    (Đỗ Tư Nghĩa)

    Thơ của Emily Dickinson tuy bình dị vậy chớ được độc giả trong thế giới của những người dùng Anh ngữ thích lắm vì ý nghĩa của nó thắm thía đấy chứ. Thực ra thì tất cả những bài thơ của Dickinson đều là tác phẩm văn học được giảng dạy ở học đường tại các quốc gia dùng Anh ngữ.

    Chúng ta thường nghe nhắc đến từ ngữ “người đứng ngoài” được dùng để chỉ người không muốn nhập cuộc, không muốn bị hay được chú ý. Thường thì ai cũng muốn là người đứng trong cả. Nhưng nghĩ kỹ lại, người đứng ngoài tự do hơn, khỏi bị khen chê hay ganh tị vì nổi tiếng hơn thiên hạ. Người đứng ngoài không cần phải xét nét mọi thứ từ vóc dáng ăn mặc cho tới cách đối xử. Người đứng ngoài chẳng cần phải cố gắng hành xử trái với sở thích và ý muốn tự nhiên của mình cho đúng theo sự mong đợi và kỳ vọng của đám người hâm mộ. Người đứng ngoài có thể sống thực với chính con người mình một cách thoải mái. Thích thú hơn nữa là người đứng ngoài không cô đơn. Khán giả bao giờ cũng đông hơn diễn viên.


    Bình giảng bài thơ

    Trong đời thế nào cũng có lúc chúng ta xuống tinh thần và cảm thấy mình không là gì cả, không bằng ai cả: một người vô danh tiểu tốt. Như trong tiểu đoạn 4 câu đầu của bài thơ trên, tác giả tự nghĩ mình là “nobody”. Đến khi gặp một người bạn cũng tự nhận là một “nobody” nữa. Thế là hai người cảm thấy vui vì có bạn cùng chia xẻ tính chất vô danh. Đã thành đôi rồi, họ thật sự không còn vô danh nữa. Họ trở thành một liên minh nương tựa lẫn nhau để thấy vững tin hơn và bớt mặc cảm vô danh. Bởi thế họ bảo nhau “Đừng cho ai biết nhé. Họ sẽ đày chúng ta đấy thôi.” Điều đó có nghĩa là tác giả đã có được một cảm giác an toàn thoải mái trước sự hiện hữu của một liên minh của những người vô danh.

    Âm điệu trong nửa sau của bài thơ đã thay đổi. Tác nhân giờ đây đã trở nên tự tin hơn vì nhận thấy có người vô danh khác giống như mình. Tác nhân nghĩ lại là làm người nổi danh (somebody) chưa chắc đã là điều tốt. Điều quan trọng hơn và đáng trân quý hơn là có người bạn hiểu mình và chấp nhận con người thật “vô danh” của mình, thay vì được làm người đứng bên trong có nhiều kẻ ngưỡng mộ.

    Tác giả có ý nghĩ khá ngộ nghĩnh khi ví người nổi danh cũng giống như con ếch. Đặc tính của ếch là cứ kêu oang oang om sòm trong môi trường sống tức giang sơn của nó, và mạnh con nào nấy kêu; kêu chỉ để mà kêu chứ không phải kêu cho bạn đồng điệu nghe. Hình ảnh một con ếch đang ngoác họng kêu gợi sự liên tưởng đến một người nổi danh hảo tự thổi phồng tên tuổi. Tác giả dùng hình ảnh con ếch để ví với người nổi danh với ngụ ý rằng mối liên hệ giữa người nổi danh và khách ngưỡng mộ nếu có thì cũng chỉ là một thứ liên hệ thiếu sự thành thật thuần chất và thân mật riêng tư. Người nổi danh được hâm mộ thật đấy nhưng đó không giống như tình bạn bền vững.

    Tóm lại, độc giả thuộc lớp trẻ còn đi học hoặc người lớn, nếu có cảm thấy lẻ loi thì khi đọc bài thơ này may ra sẽ nghĩ rằng vô danh cũng không đến nỗi là một điều tồi tệ. Tôi cũng nghĩ vậy.


    Đời tư của tác giả qua bài thơ

    Emily Dickinson viết lên bài thơ này dường như là bà đã bộc lộ chính cảm nghĩ tự đáy lòng. Trong đó, người ta đã tìm thấy các đặc tính của cuộc đời bà. Bà là một trong các khuôn mặt ẩn dật nhất trong văn học Mỹ. Hầu như bà sống suốt cuộc đời 56 năm của bà nơi quê nhà Amherst, Massachusetts, trừ một lần đi Philadelphia, một lần đi Washington D.C., và vài lần đi Boston, gần hơn nhiều. Đến khi 40 tuổi, bà không bao giờ ra khỏi khu đất sở hữu của gia đình bà nữa, có khi ở miết trong phòng trên lầu, cho đến khi qua đời. Chính vì cuộc sống khép kín hơi khác thường này khiến cho bà cảm nhận đặc biệt về sự gắn bó thiết thân với nhau giữa những người tự cho mình là đứng ngoài lề. Bà cũng xem đó là điều quan trọng. Nếu bảo bà là một nữ sĩ ẩn dật không bạn bè sẽ không đúng hẳn. Thật ra bà có bạn; số bạn tuy ít nhưng thiết thân và lâu bền. Và qua bài thơ “I’m Nobody”, Dickinson muốn nói rằng tình bạn keo sơn đó là liều thuốc trị lành cảm giác bị gạt bỏ ra ngoài và nỗi cô đơn.


    (Tranh vẽ 3anh em nhà Dickinson từ trái sang phải gồm Emily,
    Austin (anh trai) và Lavinia (em gái) năm 1840 lúc Emily 10 tuổi)

    Emily Dickinson còn được người đời xem là một ẩn sĩ huyền thoại vì bà tự cô lập và giấu kín bí mật cá nhân trong nửa sau của cuộc đời. Trong hơn hai ngàn bài thơ bà sáng tác, chỉ có 12 bài đăng trên báo mà lại còn không đề tên nữa chứ. Bà sáng tác cả đống thơ xong cất kỹ không cho ai đọc hết; mãi sau khi bà mất rồi, em gái bà lục đồ đạc riêng tư của bà mới thấy. Còn nữa, tình bạn mà bà vui hưởng trong nửa cuộc đời sau phần lớn chỉ qua liên lạc thư từ chứ không gặp mặt. Điều này cũng giống như trường hợp của chúng ta ngày nay - trong đó có tôi - quen nhau qua internet cứ như là thân lắm, chuyện gì cũng có thể tâm sự được, vậy mà đã gặp nhau bao giờ đâu, chỉ thấy hình thôi, có khi còn chưa nghe giọng nói. Thực tế rõ ràng tôi là một người ẩn dật ít khi ra ngoài. Tôi chỉ ngồi trước bàn phím gõ chữ viết điện thư. Tôi càng lẻ loi trong không gian yên tĩnh bao nhiêu thì tôi càng siêng gõ điện thư cho bạn phương xa chưa hề gặp bấy nhiêu.

    Do đó, tôi tin rằng hứng khởi mạnh nhất cho nguồn thơ dồi dào của Dickinson đến từ sự lẻ loi thiếu bạn. Trong bối cảnh đó bà đã viết lên bài thơ "I'm Nobody! Who are you?" Không những bà chọn làm người vô danh mà bà còn ưa thích được như vậy nữa.

    Bà cảm thấy thoải mái nhất khi vui hưởng những giây phút sống một mình, khi thì chăm sóc vườn tược quanh nhà, khi thì đọc sách và làm thơ. Quyết định không cho biết tên khi đăng thơ trên báo là phản ảnh trực tiếp của sự chọn lựa muốn làm một người không tên tuổi.


    Suy diễn và giả thuyết

    Tình bạn mà Dickinson trân quý là một thứ tình bạn kín đáo riêng tư, trong đó dường như mang hơi hướm hoặc chứa đựng cả tình yêu. “Tôi vô danh. Bạn cũng vô danh ư?” “Vậy thì chúng ta là một đôi nhé!” Tuy là bạn đấy, nhưng không phải là bạn chung với nhiều người mà là một thứ bạn bà chỉ muốn giữ làm của riêng chớ không muốn chia sớt với ai.

    Tính chất thân mật trong tình bạn của Dickinson khiến cho người ta đặt giả thuyết và nghi vấn về phái tính và chiều hướng tình dục của bà qua những bức thư bà trao đổi với bạn bè và người ngoài, nam cũng như nữ. Đời sống độc thân khép kín của bà càng làm cho người ta tò mò thắc mắc. Một giả thuyết được cho là đáng tin nhất là Dickinson đã dành cảm tình đặc biệt cho Samuel Bowles, một chủ bút có lòng tốt nâng đỡ và khuyến khích mà bà coi như người thầy đỡ đầu và đã viết cho ông những bức thư nồng nàn. Sau đó bà trao đổi thư từ thân thiết với Charles Wadsworth, một nhà thuyết giáo nổi tiếng về nghệ thuật diễn thuyết mà bà được gặp vài lần. Một người đàn ông nữa có ảnh hưởng đến Dickinson là Thomas Wentworth Higginson, một mục sư thuộc dòng dõi giàu sang và địa vị trong xã hội.

    Thật khó chứng minh hoặc phủ định nổi căn nguyên quan hệ giữa bà với họ. Tuy nhiên, có bằng chứng rõ hơn về mối liên hệ tình cảm sâu đậm giữa Dickinson và Susan Gilbert, một người bạn thân và về sau trở thành chị dâu của bà. Lúc còn là bạn, Gilbert nhận được những bức thư diễm tình từ Dickinson. Đến khi Gilbert đã trở thành chị dâu của mình, Dickinson có vẻ giận dỗi hờn ghen, phải mất mấy năm mới nguôi ngoai và làm thân trở lại. Gilbert chính là người ảnh hưởng nhiều nhất đến cuộc đời và tác phẩm của Dickinson. Số lượng thư Dickinson viết cho Gilbert lên tới hàng trăm, nhiều hơn hết so với số thư viết cho những người khác.

    Tôi nghĩ bà chọn lựa sống cô lập kiếp ốc mượn hồn để bảo vệ thế giới riêng của bà. Bà chỉ muốn có một con ốc mượn hồn khác, một người không tên tuổi đồng điệu để làm bạn tri âm tri kỷ và để chia xẻ tâm tình và thì giờ đó thôi. Hai người vô danh nối kết với nhau sẽ không còn vô danh nữa vì đã nhận được sự chú ý hay sự trân quý tương ứng. Nhưng không vì thế mà trở thành hữu danh, điều mà Dickinson không bao giờ muốn. Tôi thấy nhiều khi tôi cũng thích lối sống đó.

    “Đừng nói cho ai biết nhé! Họ sẽ vùi dập đọa đày chúng ta đấy, bạn biết không!” ("Don't tell! They'd banish us -- you know!") Riêng câu thơ này, giới khảo cứu văn học cho rằng đó là lời nhắn nhủ thầm mà Dickinson muốn gởi gắm với Susan Gilbert. Tại sao bà nói “Nếu họ biết, họ sẽ đày đọa chúng ta”? Người ta tự hỏi có phải chăng bà xem Gilbert như là một người tình do chiều hướng tình dục lệch lạc đáng ngờ vực của bà. Bà sợ bị người ta tò mò khám phá ra điều bí mật trong tâm khảm bà chăng?

    Nổi danh để bị công chúng soi mói đời tư là điều bà rất sợ. Trong đời thật, bà đã từng bị hạch hỏi khi bà từ chối ký vào tờ tuyên thệ thú nhận niềm tin Thiên Chúa. Một lần khác, Dickinson bị chủ bút của tờ nguyệt san Atlantic hạch hỏi khi bà gởi thơ cho họ đăng. Ông chủ bút yêu cầu bà phải sửa đổi bài thơ đó cho thích hợp với các quy luật căn bản về văn phạm. Dickinson rất canh tân bộc phá bằng phong cách mới lạ khác hẳn với lề lối thơ Anh cũ.

    Dickinson muốn làm người vô danh để khỏi phải bị người khác khám phá bí mật đời tư và để bảo vệ lý tưởng, quyết định và tác phẩm của bà. Không bị ai dòm ngó phê phán thì đỡ mệt cái thân bà, một phần cũng vì bà đã thấy tấm gương của cha bà nguyên là một luật sư, dân biểu tiểu bang rồi dân biểu liên bang quốc hội Hoa Kỳ, dĩ nhiên là một người nổi danh. Bà nhìn một người nổi danh qua hình ảnh của người cha dân biểu phải lên tiếng tranh luận suốt ngày trong quốc hội cũng giống như con ếch kêu oang oang, người nghe hoặc người hoan hô thì nhiều nhưng bạn chí thân thì rất hiếm. Sự thân thiện trong môi trường chính trị nếu có cũng đặt trên căn bản quyền lợi mà thôi. Tình bạn của người nổi tiếng mà lại là chính khách nữa nếu có cũng không bằng tình bạn của hai kẻ phó thường dân chẳng có gì.

    Nói tóm lại, Dickinson lựa chọn cách sống ẩn dật, tránh sự dòm ngó của công chúng ảnh hưởng đến thơ của bà. Bà làm thơ cốt để bày tỏ nội tâm chứ không nhằm đi tìm sự nổi danh. Do đó, đọc giả công chúng Mỹ chỉ biết đến khoảng hai ngàn bài thơ chưa hề công bố sau khi bà chết. Bà là người có tài nhưng lại không muốn nổi danh nên mới làm bài thơ “I’m Bobody”

    Tôi thì khác. Dù tôi có muốn nổi danh cũng không được cho nên đành chọn sống cuộc đời khép kín, ngày ngày chầm chậm xuống hang gõ chữ trao đổi điện thư với một vài linh hồn vô danh khác lấy đó làm vui. Tôi chẳng là ai cả.

    Nếu các bạn chưa mệt thì xin đọc tiếp bài Tôi Chẳng Có Gì Cả của một “nobody” khác sau đây:

    Tôi chẳng có gì cả, bởi vì tôi chẳng cố gắng để có được gì. Tôi thích cảm giác mình chẳng có gì, hơn là có mọi thứ, rồi phải vun đắp, giữ gìn, rồi nếu biết được những thứ tôi có sẽ tuột khỏi tay, lại phải cố gắng níu giữ. Mất quá nhiều thời gian và công sức. Cho nên tôi hạnh phúc vì tôi chẳng có gì.

    Tôi chẳng có gì, đúng hơn là tôi không có được những thứ mình muốn, vẫn có những thứ tôi cần. Và tôi vẫn gọi đó là việc chẳng có gì cả. Tôi không có được người tôi thích nhưng vẫn có khối người thích tôi. Và họ cũng chẳng có gì cả. Tôi cảm thấy cuộc sống như thế thật công bằng. Nên tôi hạnh phúc.

    Tôi chẳng có gì cả, việc đó thật là vui. Một số người sẽ nói rằng tôi có tất cả đấy chứ, có gia đình, bạn bè, thậm chí được sống trên đời đã được gọi là "có" rồi. Trong khi, tôi còn có cả một "bồ" yêu thương. Một số khác bảo rằng có thể chỉ trong chốc lát tôi cảm thấy mình như thế thôi, sau này sẽ khác. Việc mình chẳng có gì cả được đem ra bàn tán xôn xao và lao nhao. Điều này làm tôi cảm thấy vui, vui vì mình chẳng có gì cả nhưng... hình như mình có tất cả.

    Tôi chẳng có gì cả. Này nhé, tôi chẳng có xe hơi, nhà riêng, những chai rượu ngoại đắt tiền để mời bạn bè. Tôi cũng chẳng có sự vị tha, bàn tay tôi lúc nào cũng lạnh ngắt - nghĩa là tôi chẳng có hơi ấm để che chở cho người khác. Tôi chẳng có hoa tay - nghĩa là tôi chẳng thể tạo ra những kiệt tác cho cuộc sống. Tôi cũng chẳng có một đôi mắt đẹp hay một cái mũi bé xinh. Tôi thậm chí còn vụng về để đánh mất những thứ mà tôi có. Nhưng tôi lại thấy hạnh phúc vì mọi người sẽ đem lại cho tôi "một cái gì đó" khi họ thấy tôi chẳng có gì cả.

    Tôi chẳng có gì cả nhưng cuộc sống của tôi không vô vị. Khi tôi chẳng có gì cả, nghĩa là tôi vẫn không bị "âm" (-) và vui vẻ phát hiện ra rằng: mình đã có một cái gì đó. Tôi có một con số "O". Nó giống cái trứng, nghĩa là tôi có một ẩn số. Cái trứng nếu biết ấp đúng cách sẽ nở ra gà con, còn không thì sẽ ra món ốp la. Tệ hơn nếu tôi đánh rớt, tôi sẽ vẫn có món cám heo trộn trứng. Cuối cùng cái trứng cũng hữu ích. Cho nên tôi hạnh phúc vì việc chẳng có gì cả cũng là một việc tốt.

    Này cả thế giới, tôi chẳng có gì cả và tôi hạnh phúc.
    (ST)


    Bạn có đọc hết không và bạn có thấy rằng tác giả ký tên tắt “ST” viết hay hơn Phan Hạnh tôi không? Tôi đã bảo rồi mà, tôi không là ai cả, hihihi…

    Phan Hạnh

    http://thuduc-ontario.ca


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X