Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Vượt biên

Collapse
X

Vượt biên

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Vượt biên

    VƯỢT BIÊN
    (Crossing the Rubicon)
    Tiểu Đĩnh

    Người xưa tóm gọn đạo làm người trong sáu chữ: "Có trời mà cũng có ta."
    T.Đ

    Đầu năm 1993, tôi đang ngụ tại Thành phố Carson, Nam California thì một hôm anh Trịnh hòa H., cựu CHT/ Liên Đoàn Người Nhái của Hải Quân/VNCH đến thăm, dẫn theo một người Việt Nam. Tôi nhận ra đó là anh Nguyễn D, nhờ nhìn thấy bàn tay trái của anh ta chỉ còn có một ngón cái do thương tích của thời anh phục vụ Lực Lượng Hải Tuần HQVN/CH năm 1964. Gặp anh lần đó mới hay anh bị kẹt lại Đà Nẵng từ tháng 3 năm 1975, đi tù cải tạo, rồi vượt biên sang Hong Kong, ba ngày sau thì được đưa sang Mỹ.

    Tôi biết anh D. từ tháng 5 năm 1961 tại BCH/Duyên Khu Đà Nẵng khi anh xin gia nhập Binh chủng Hải Thuyền thuộc Hải Quân VNCH. Không giấy khai sinh, anh chỉ cho biết nơi sinh trưởng là một làng duyên hải thuộc Cầu Hai, Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên. Quê anh cơ cực đến nỗi đa số tên họ của người dân bản địa chỉ có hai chữ; còn anh thì từ 7, 8 tuổi, phải theo người lớn ra khơi đánh cá tuần lễ bảy ngày. Nói về chữ nghĩa thì thấy anh ký tên chữ Thập. Về nghề nghiệp, nếu ai muốn biết gì về biển miền Trung từ Cửa Việt, Quảng Trị đến Sa Huỳnh Quảng Ngãi, thì nên hỏi anh.

    Nhìn mặt biển, anh biết bên dưới có tôm cá loại gì, làm cách nào để bắt. Nhìn mây trời thì biết sấp có hay không có bão tố, nếu có thì lành dữ ra sao. Xuống nước, anh có thể bơi nhiều giờ, lăn sâu đến 20 thước, dùng chĩa đâm được cá và cả tôm hùm dưới biển. Về sau tôi biết thêm hai việc. Một là anh còn cái khả năng ngộ nghĩnh là đứng trên thuyền bước xuống nước, dùng hai chân bơi thẳng người sang chiếc thuyền gần đó, đầu và hai tay không bị ướt. Hai là bắt tôm hùm dưới nước, không khéo sẽ bị đuôi nó búng làm đứt thịt ở bàn tay. Môi sinh của anh là biển cả.

    Tháng 6 năm 1961, BCH/Duyên Khu Đà Nẵng nhận lệnh huấn luyện hai khóa Biệt Hải. Khóa I kéo dài 10 tháng, gồm 150 tuần viên Hải Thuyền; các huấn luyện viên là lính SEAL[1] người Mỹ đến từ Hoa Kỳ. Chương trình huấn luyện gồm nhiều môn nguy hiểm đến độ tỉ lệ thương vong trong khi huấn luyện cao đến 5%, hay là tám thương vong cho cả khóa. Anh D. tình nguyện theo học. Người thâm niên quân vụ nhất trong khóa I Biệt Hải này là Hải Quân Trung úy Trịnh hòa H., khóa 7 Hải Quân Nha Trang Do thế mà hai anh biết nhau, rồi thành bạn thân từ đó.

    Nhìn bề ngoài khó biết hết khả năng quân sự của anh D.sau khi anh tốt nghiệp khóa huấn luyện đầy gian khổ nói trên. Ngày thi mãn khóa, anh và các học viên từ trực thăng ở độ cao 30 thước nhảy xuống biển, bơi 5 hải lý, lên bộ tiếp chạy đường trường 10 ngàn thước, đến điểm hành quân, tấn công bằng súng tiểu liên và lựu đạn, đánh xáp lá cà, bơi ra biển để được kinh tốc đĩnh vớt đưa về hậu cứ... Riêng môn này đã làm thiệt mất hai học viên khi nhảy trực thăng, và loại bỏ 60 học viên khác vì thiếu điểm chuyên môn. Khi thi môn tác xạ chính xác, anh dùng súng lục, vừa bắn vào một lon bia nằm trên mặt đất cách anh 10 thước, vừa đẩy nó ra xa bằng nhiều đạn từ nòng súng của anh bay ra. Một chai bia Larue ném lên cao, anh cầm súng lục, hươi ngược nòng từ dưới lên, bấm cò là chai bia nổ tan tành. Chai không nổ tan, không tính điểm.

    Tiếp theo là thầy H. của anh bước ra, súng lục cầm tay. Tiếng súng colt-12 nổ vang, lon bia chạy trên đất nghe lon con, lon con. Hai chai bia tung lên cao, sau vài giây là bị trúng đạn từ nòng súng của xạ thủ, bể nát trên không gần như cùng một lúc. Tôi thấy hai anh. bắn hay và thật hơn Robert Taylor trong phim High Noon, hơn Allen Ladd trong Shane, hơn cả Clintwood trong The Good, the Bad and the Villain. Khi bắn để đóng phim, ba ông tài tử gạo cội này được đạo diễn dàn ra như thế, chưa chắc họ bắn đạn thật. Còn anh D.và anh H. và các học viên Biệt Hải khác thì tác xạ đạn thật, không dàn cảnh. Thời đó, học viên được ba xạ thủ người Mỹ từng nhận huy chương thi bắn của Thế Vận hội Opympic, huấn luyện rất kỹ về môn bắn súng theo linh tính.

    Kế đó các học viên xạ thủ bước ra lần lượt biểu diễn. Kết quả chỉ có 32 trên 80 học viên học tác xạ theo linh tính qua được điểm loại. Để huấn luyện hai khóa Biệt Hải này, nói thật là đơn vị tôi phải nhờ sự yểm trợ tinh thần của BTL/QĐ I và vật chất của BTL/SĐ2BB của Đại tá LVP và ông Thị trưởng Đà Nẵng, ông HTL. Cụ thể là Tòa Thị chính mỗi ngày cấp cho mỗi học viên Biệt Hải một hộp sữa đặt có đường, thanh toán những hóa đơn đơn vị tôi ra phố mua gạo nuôi các học viên. Sư Đoàn 2 thì mỗi tuần cấp cho hai bò tơ mổ thịt. Học viên thức dậy mỗi ngày từ 4 giờ sáng, uống sữa, ăn sáng, chạy bộ ra thao trường, bao giờ đói bụng thì HLV dẫn về cho ăn, ăn xong thì tiếp tục huấn luyện nhiều khi cho đến giờ muộn trong đêm. Bếp của học viên phải sẵn cơm sẵn thức ăn 24/ 24, ngày này qua ngày nọ cho đến khi mãn khóa.

    Sau khóa huấn luyện, các chiến sĩ Biệt Hải có quân phục và huy hiệu riêng[2], thành chiến sĩ “không chân dung[3], “ tham dự các cuộc hành quân bí mật, lùng sục tảo thanh các mật khu, tạo nhiều thành tích cho quân chủng. Người Nhái Hải Quân gài mìn hay phá mìn do tự mình hay người khác đặt. Chiến sĩ Biệt Hải ngoài việc đặt mìn, gỡ mìn còn chuyên rình bắt hay giết những ai đặt mìn mà không có phép. Năm 1964, hai anh và nhiều Biệt Hải khác gia nhập Lực lượng Hải tuần hành quân ngoài hải phận. Khi chấm dứt cuộc chơi, anh D. về làng cũ rồi định phận khiến anh phải vào vòng cải tạo.

    Theo lời anh kể, khi vào trại tập trung thì anh giấu nhẹm việc anh từng là lính Biệt Hải. Sống đời tù, anh không hối tiếc những vụ bắn mổ thời anh phục vụ binh chủng của mình, cũng không thắc mắc về những gì anh phải gánh chịu khi phải bị giam, mà trái lại, anh cho tất cả là do lẽ công chính đầy tình thương của trời đất. Anh tin những ai ra đi trước hay sau ngày 30 tháng 4, hay những ai còn kẹt lại đều được bề trên xét duyên nghiệp của từng người mà ban cho từng bài học khác nhau về ý nghĩa của đau khổ cũng như về tai ương trên cuộc đời này. Những trại viên hay cai tù chỉ là diễn viên trong một thời, đến vai thì lên sân khấu, hết thì xuống, không lực nào cản nổi. Cái cần là cá nhân ai cũng phải diễn cho hay, nghĩa là diễn với một lương tâm bình thản, không hoảng sợ. Và anh sống với niềm tin đó cho đến khi kịch tính đầu tiên xảy ra.

    Một hôm, trưởng trại cải tạo cho tập hợp tù nhân hỏi ai biết bắt tôm. Nghe hai tiếng “bắt tôm,” anh liền nhớ lại nghề cũ của anh, rồi đưa tay. Có tiếng xầm xì giữa các bạn tù, chê việc anh tình nguyện phục vụ cho địch. Nghe rõ thế nhưng anh ẩn nhẫn làm thinh, trong khi anh nghĩ đang cảnh cá chậu chim lồng, anh phải tạm thời thỏa mãn nó cho nó bớt làm khổ anh em. Trại chuẩn bị đầy đủ dụng cụ câu kéo cho anh rồi hôm sau, hai cán bộ võ trang vào trại, dẫn anh đến bến sông, cùng nhau lên thuyền máy chạy ra biển.

    Đó là lần đầu anh được trở về môi trường quen thuộc của anh sau nhiều năm bị giam cầm. Tại vùng biển này, anh thấy có một rạng san hô rộng chừng vài mẫu Tây. Anh cho thuyền đến gần đó thả dây câu được 14 con tôm cỡ trung thì đã xế bóng. Anh đề nghị mỗi cán bộ nhận giùm 2 con, còn 10 thì mang về cho trại trưởng. Cán bộ nhìn đồng hồ tay rồi hối anh thu đồ nghề, chạy thuyền về bến. Từ đó trại trưởng mỗi tuần vài ba lần kêu anh ra biển câu tôm. Tiêu chuẩn 10 tôm mỗi chuyến.

    Gần bốn năm sau, khi tổng kết anh đã bắt hơn sáu ngàn tôm nộp cho trưởng trại, anh được tạm tha cho về nhà, tiếp tục bị quản chế. Lúc đầu anh theo thuyền đánh cá làm thuê cho người khác. Nhờ biết chỗ có động tôm ngầm dưới nước, anh cho thuyền đến đó là câu bắt dễ dàng. Ngoài ra, nơi nào có ổ tôm là ở đó có cua và bạch tuộc. Cua đến rình bắt tôm con mà ăn. Bạch tuộc đến rình bắt cua để bắt hút thịt. Nhờ thế anh lặn bắt thêm hai loại này mang về cho nhà chủ bán tăng thu nhập trông thấy. Góp công làm của, anh gom vốn mua lại một thuyền đánh cá có máy và cả buồm rồi xin ra nghề. Công an địa phương thuận cấp phép nhưng mỗi khi làm nghề, anh phải nhận một lính công an mang súng AK với một gấp đạn theo thuyền anh ra biển.

    Từ đó anh thường ra chợ gần nhà để bán hải sản anh bắt được. Nhờ thế mà anh quen nhiều khách hàng. Anh đối xử rộng tay với họ khiến lâu ngày thành chỗ thân tình. Trong số những bạn mới này, có nhiều người là thân nhân của một số lớn anh em còn bị giam trong trại. Nhớ đến các bạn còn bị giam, anh để dành thịt, cá, mực, phơi khô rồi nhờ những người đi thăm nuôi mang vào cho anh em anh quen trước. Anh coi việc anh làm chỉ như hột muối bỏ biển, nhưng anh đã để vào đó tất cả tinh thần đảm nhiệm của mình. Rồi những ai trước kia từng chửi xiên chửi xéo anh, nay được anh tiếp cho một ít thực phẩm, liền quay sang nghĩ tốt về anh. Có thực mới vực được đạo là thế. Còn anh từ khi được bồi dưỡng đầy đủ, anh lần hồi cảm thấy sức khỏe trở lại, tưởng như tay không đánh chết hổ dữ [4].

    Khi nghe tin có người vượt thoát Việt Nam bằng đường biển đi Phi Luật Tân và Hong Kong, anh âm thầm sửa lại cột và cánh buồm, mua thêm nhiên liệu, trữ nước ngọt cùng lương thực, mỗi ngày anh mang xuống thuyền một ít cho đến khi đủ số. Chiếc thuyền cũng được sấp xếp thành có nơi kín đáo giấu vợ con. Với kinh nghiệm Hải Tuần năm xưa, anh tìm mua một la bàn, một cái đồng hồ, gần hai chục trái sáng, hai súng lục, hai súng cat-bin cũ cùng đạn của quân đội miền Nam bỏ lại mà lính Bắc Việt không dùng. Anh nói anh mua những thứ “quốc cấm” tại mấy chợ chồm hổm ở nhà quê theo kiểu có tiền thì mua chi cũng có. Ý của anh là vượt biên với chiến lợi phẩm để... làm quà cho chính quyền Hong Kong.

    Đến một buổi sáng, anh và anh công an ra khơi hành nghề. Thấy biển có thể êm được ít nhất là bốn đến một tuần, anh D. quyết định vượt biên. Anh kín đáo đổ bớt dầu chạy máy xuống lường thuyền rồi nói với viên công an rằng anh kiểm tra thấy thùng nhiên liệu bị nứt, nhiên liệu chảy gần hết, phải quay về nhà đổi thùng còn tốt, đầy nhiên liệu. Anh lính công an không biết sao hơn là nói thuận.

    Khi về lại bến, buộc thuyền, bước lên bờ, anh D. đưa cho anh lính công an tí tiền đi uống rượu tại cái quán khuất sau mấy lùm cây, trong khi anh về nhà kêu vợ và con phụ mang mấy thùng nhiên liệu xuống thuyền, rồi trừ anh ra, mọi người chui nằm trốn nơi anh dọn sẵn từ trước. Kiểm tra đâu đó an toàn, anh đi bộ ra quán gọi anh công an xuống thuyền để tiếp tục... đánh cá kẻo muộn giờ. Anh nói:” Lúc bấy giờ chỉ có một ý chí là khi thuyền em ra cửa biển mà lỡ bị phát hiện thì bắt buộc em phải khống chế anh công an, kể cả thanh toán nếu cần.”

    Thường khi ra biển thì anh công an ngồi trước mũi thuyền, súng AK để bên cạnh, không lên đạn. Khi cần ăn thì anh ta tự động chọn trong số tôm cá anh D.bắt được, con nào anh ta ưng ý thì lấy nướng mà ăn với muối, ăn mệt thì nghỉ. Nhưng hôm đó, số anh ta được ăn uống ngon lành như thế thình lình chấm dứt. Lý do là lúc thuyền ra xa, không còn thấy bờ, anh D. tắt máy, đứng lên, tay cầm khúc cây có cạnh, nói với anh công an: ” Hôm nay tôi vượt biên. Anh đưa súng cho tôi.”

    Anh công an tỏ vẻ giận dữ, chụp súng. Nhưng khi đảo mắt nhìn quanh thấy biển mênh mông và anh D. to con, đứng gần bên với khúc cây trong tay, hắn ta biết khôn nhất là nên nghe lời. Lúc đó thì vợ anh D. đẩy sạp, cùng con lục tục bò lên. Anh công an cảm thấy mình bất lực, đành ngồi yên tại chỗ, mặt từ đỏ chuyển sang trắng bệt.

    Anh D. tịch thu khẩu AK và gấp đạn, mang về phía lái thuyền, cho vào khoang thuyền rồi đậy nắp lại; thêm một chiến lợi phẩm. Anh cho máy nổ, tiếp tục đi, anh công an ngồi đàng mũi thuyền, không trói, để nếu thuyền bị chìm thì còn tay để bơi. Đến quá ngọ, vợ anh lấy cơm nắm và thức ăn cùng nước uống ra phía mũi cho anh công an, nhưng anh ta không đụng đến. Chiều tối anh ta cũng nhịn đói nhịn khát, mặt buồn hiu. Anh D. lái thuyền theo hướng la bàn chỉ số 040, hi vọng đến hải đạo quốc tế sẽ gặp thương thuyền ngoại quốc, trong khi vợ anh tay thủ khúc cây, thức canh mọi động tĩnh. Các con anh thì chui xuống khoang dưới, nằm im. Chung quanh chỉ còn nghe tiếng gió đuổi sóng vỗ vào mạn thuyền

    Sau đó thì nghịch cảnh trên biển xảy đến, anh nói anh như trải qua mấy tầng địa ngục khi sóng gió nổi lên, mưa mù mịt, máy chết, phải dùng buồm, rồi cột buồm bị gãy, thuyền tròng trành chực đắm, anh bắn nhiều trái sáng thì may gặp một thương thuyền đến tiếp cho thức ăn, nước ngọt, sửa máy cho chạy lại, tặng anh thêm vài can dầu cặn rồi....bỏ đi sau khi ra dấu cho anh biết anh còn cách Hong Kong khoảng 100 hải lý.

    Anh cố gắng lái thuyền đi tiếp hải trình khi đó đã kéo dài gần bảy ngày. Hai hôm sau thì đến Hong Kong. Ca nô chở Cảnh sát địa phương ra chận thuyền anh lại kiểm tra sơ khởi rồi kéo về giao cho trại tị nạn Landau. Giới chức trên trại khám kỹ thuyền anh, thấy có lựu đạn và súng với cả trái sáng, bèn trói anh và anh công an, lôi xệch lên bến, đẩy cả hai vào xe bít bùng, chạy về bót Cảnh sát. Anh bị ghép tội định mang vũ khí tấn công trại, trong khi vợ con anh không biết ra sao!

    Tại bót Cảnh Sát có người nói tiếng Việt Nam lấy khẩu cung. Anh thành thật khai anh là tù cải tạo, vượt biên, anh công an là người được lệnh quản lý anh về mặt an ninh, bị ép phải theo anh; còn số vũ khí anh mang theo là để làm quà cho trại, và dùng đánh bọn cướp biển nếu có, vì anh từng là chiến sĩ Biệt Hải Cộng Hòa miền Nam, do người Mỹ huấn luyện tại Đà Nẵng năm 1961. Người lấy khẩu cung nghe hai tiếng Biệt Hải liền ngước mắt nhìn anh như đánh giá hư thực của lời anh vừa nói, rồi kêu anh cho biết tên bất cứ một người Mỹ nào từng là huấn luyện viên của anh. Anh chau mày động não rồi phun ra hai tiếng: “Phít Shơ.” Cuộc khẩu cung tạm ngưng, chờ kiểm tra lời khai. Anh với tên lính công an được đưa về lại phòng giam.

    Hai hôm sau, vào lúc 9 giờ sáng, bốn cảnh sát viên Hong Kong với hai người dáng Tây phương vào phòng giam gọi anh theo họ lên xe đi gặp vợ con để được đưa sang Hoa Kỳ. Anh công an cũng được theo anh vì có công bảo vệ một “lính Biệt Hải VNCH do người Mỹ huấn luyện” suốt chuyến vượt biên. Anh công an nghe nói mình phải sang Mỹ, bèn khóc lớn, xin được trả về Việt Nam. Anh ta nói:” Người Mỹ xâm lăng Việt Nam. Bắt tù binh lính bộ mang về nuôi tốt. Bắt lính công an thì mang về mổ thịt!” Khuyên cách gì cũng không nghe, đành để anh ở lại.

    Khi đến Hoa Kỳ, anh D. và vợ con được hướng dẫn thi hành thủ tục nhập nước Mỹ. Sau đó, anh xin định cư tại San Diego, không xa biển, cho anh có dịp đi... bắt cá bắt tôm. Nơi đây có vợ chồng một cựu quân nhân người Mỹ nhận bảo trợ gia đình anh.

    Khi được tin anh đang ở San Diego, ông thầy Trịnh hòa H. của anh, từ Los Angeles lái xe xuống thăm, giúp dàn xếp cho các con anh đến trường, riêng anh thì học nghề cắt cỏ để kiếm sống. Ngày rảnh anh đi câu. Cá tôm bắt được mỗi lần vài chục cân. Anh mang về, giữ một phần cho gia đình, phần còn lại anh mang tặng người bảo trợ và những chủ nhà thuê anh làm vườn. Anh gây được cảm tình với họ nhờ những quà tặng này và sự cần mẫn trong việc anh được thuê làm. Số người nhờ anh chăm sóc sân vườn ngày càng đông; anh phải thuê người phụ giúp. Các con anh ngày nghỉ học, thay vì đi chơi thì làm vườn với anh, được chia tiền công. Sau hơn 10 năm sống ở Mỹ, anh về Việt Nam thăm làng xưa, tìm lại những bạn tù cũ, giúp mỗi người một ít vốn làm ăn.

    Sau khi kể lại chuyện này, anh D. nói. ” Em học được ở thầy H. của em trong đời em phải biết có Trời, giữ đại hiếu với cha mẹ ông bà, công bình với đất và biển, chí tình trọn đạo với gia đình, ân nghĩa với anh em, trung thành với mảnh đất miền Nam tự do đã nuôi dưỡng em. Em theo đó mà phục vụ đất nước theo khả năng thấp kém của em, đã đổ máu vì quê hương, và ở lại chịu cảnh tù đày khi đất nước bị bại vong. Nặng tình với đất nước, cực khổ cách chi em cũng chịu được. Nhưng em phải phải liều chết mang vợ con đi vì em không chịu được lối sống em cho là trái đạo làm người. Đời em được như ngày nay trước là nhờ Trời thương em, kế là ông Hồ tấn Quyền, cựu Tư lệnh Hải Quân, người đã lập ra binh chủng Hải Thuyền và lực lượng Biệt Hải để cho em có dịp gia nhập. Và ông cũng trung thành với cụ Ngô đình Diệm cho đến chết.”

    Tôi tin người ta đã giết nhầm ông cố Tư lệnh Hồ tấn Quyền về tiếng ông trung thành với nhà Ngô. Nhầm là vì Hải Quân là quân chủng mang tính bảo thủ, không chấp nhận những xáo trộn, kỵ nhất là binh biến [5] ; chỉ có Hải Quân và Quân Đội các nước thật là chậm tiến mới tham gia vào những thay đổi chính quyền. Nói khác, trong những ngày động binh tháng 11 năm 1963, cho dù người đứng đầu miền Nam là ai chăng nữa, thì Hải Quân cũng cương quyết bảo vệ chính quyền hợp pháp. Ngoài ra tự cổ kim, bề tôi trung luôn được lịch sử đánh giá về mặt đạo đức, cao hơn bọn phản thần và tạo loạn. Tôi muốn góp ý với anh D. điều này, nhưng anh tiếp: “Sau cùng là ông thầy H., người đã kết em làm nghĩa đệ. Và cũng chính hai tiếng Biệt Hải và Phít Shơ em tuyên xưng tại trại giam Hong Kong đã đưa em một bước từ trại tị nạn ở đó, bay vù sang Mỹ. Nếu không, em sẽ bị trả về Việt Nam, lại vào tù rồi sẽ không bao giờ có ngày ra, vợ con sống cũng như chết.”

    “Phít Shơ” là gì vậy?

    Năm 1961 và 1962, Trung úy George M. Holt dẫn một toán 12 lính Seal Hoa Kỳ sang Đà Nẵng giúp huấn luyện Khóa I và khóa II Biệt Hải cho Hải Quân Việt Nam. Thượng sĩ Allen K. Fisher là một huấn luyện viên trong nhóm. Tôi nhớ tên ông này do thời gian huấn luyện khóa I Biệt Hải, một hôm Trung úy trưởng toán đến xin tôi giúp ông bốn Quân Cảnh. Lý do là ông vừa nhận công điện từ Mỹ báo tin con gái 6 tuổi của Thượng sĩ Fisher bị chết chìm tại hồ bơi công cộng. Đề phòng tin con bị tử nạn khiến Fisher “Tarzan nổi giận” rồi đánh người hay rút súng bắn lung tung, Trung úy trưởng toán cần có Quân Cảnh để kìm hãm đương sự nếu cần phải làm thế. Học viên trưởng khóa I Biệt Hải là Hải Quân Trung úy Trịnh hòa H... cũng có mặt, nói:” Tôi có anh tuần viên D. và bốn Vọi [6] khác, khi có lệnh là một trong anh em nhảy ra, điểm trúng tử huyệt Bách hội và Nhĩ môn của Fisher là xong, nhưng chúng tôi cần có Quân Cảnh để viết biên bản, trường hợp phải dùng vũ lực.”

    Đúng vậy, lần đó Fisher khi nghe báo hung tin gia đình thì liền phát khùng, hai mắt đỏ ngầu, cung tay định quậy. Khi nhìn chung quanh thấy có Quân Cảnh và mấy Vọi người Việt, mặt lạnh như tiền, Fisher ngại ăn đòn, bèn đứng yên, ngoan ngoãn nhận lệnh chuẩn bị hành trang cá nhân, đi phi trường Đà Nẵng, chờ máy bay về Mỹ và không trở lại Việt Nam nữa. Trung úy trưởng toán thở dài như vừa trút được một gánh nặng.

    Chỉ trước đó khoảng ba tuần, một hôm vào buổi trưa nắng nỏ, ông Đại úy Đặng văn H. chánh văn phòng Tướng TL/QĐ1, gọi điện chuyển lời ông tướng nhờ tôi giải quyết tin có “Lính Mỹ nghi là cố vấn Hải Quân đang ngồi chò hõ bán cá tại chợ. “Phòng liên lạc Hải Quân bên phố Đà Nẵng lập tức cho người đến xem, rồi báo cáo có một nhóm bốn lính Seal Mỹ, đầu đội mũ đi rừng, da màu đồng đỏ, mỗi ông trên người chỉ độc một quần xì líp, đang ngồi cạnh một đống cá, miệng rao: “ Buy fish! Buy fish!” Đứng đầu và rao to tiếng nhất là Thượng sĩ Fisher. Trung úy Holt trưởng toán Seal đang ở nhà, được báo tin bèn đến kiểm tra, rồi lịch sự mời bốn ông thuộc quyền, chịu khó mang cá về vì... chợ chiều đã tan.

    Tên Fisher trong tiếng Mỹ là ngư ông. Ngư ông đi bán cá là đúng chỉ số. Nhưng cá từ đâu mà có? Thì ra hừng sáng hôm đó, mấy thầy dẫn các học viên Biệt Hải xuống xuồng cao su chạy ra vùng biển quanh cù lao Chàm thực tập môn nổ mìn từ đáy nước. Số cá chết do sức nổ được mang về bếp của Biệt Hải, nấu làm thức ăn bồi dưỡng cho anh em học viên. Huấn luyện viên cũng được chia cá mang về câu lạc bộ của họ bên phố Đà Nẵng làm thức ăn tươi, số ăn không hết thì... mang đi bán.

    Tân Ước Cộng giáo ghi Chúa Jesus thời bắt đầu đi giảng đạo có gọi 12 vị Tông đồ theo Ngài rao Tin Mừng. Đa số các vị này vốn là ngư ông trên biển hồ Tiberias [7], xứ Do Thái ngày nay. Thế thì việc tên Fisher -người đánh cá- của ông lính Seal mang tiếng hung hăng, giữa trưa mặc xì líp ngồi giữa chợ rao bán cá kia, được bề trên dùng để cứu toàn thể gia đình của anh D. như trên thì gọi là gì? Một vài ông bạn tin theo phái vô thần và phi thần, người đầy trí lự và dũng cảm, cho đó là sự ngẫu nhiên của định luật vật lý mà ra, không phải do ý trời.

    Tôi thấy lý lẽ họ đưa ra để phủ nhận Thượng đế là không vững, vì người xưa có câu “Nhất ẩm nhất trác giai do tiền định,” nghĩa là mọi thứ phải theo luật nhân quả. Lại nữa, tôi không thể trả lời cho câu hỏi “Ai là người đặt ra luật nhân quả và luật vật lý nói trên?” Làm sao có phương trình Tương Đối nếu không có Albert Einstein? [8] Nói hùa theo họ mà nhỡ Thượng Đế có thật thì biết nói năng ra sao! Ngoài ra, những ông vô thần và phi thần thứ thiệt, không tính thứ dỏm, thứ “nói theo cho oai,” đếm khấp thế giới chỉ trên dưới 10 đầu ngón tay. Trong số này, từ Friedrick Nietzsche trở đi, nay khám phá ra thì ông nào cũng không vướng khuyết tật bẩm sinh thì cũng mang bệnh mà thời quí ông đó còn sinh tiền, y khoa chưa có thuốc trụ sinh để chữa. Do đó mà các ông đã giận trời giận đất rồi phủ nhận Thượng đế hay đặt Thượng đế ra ngoài cuộc sống con người chăng?

    Hòa thượng Lỗ trí Thâm trong Thủy Hử, một truyện nổi tiếng trong lục tài tử của Trung hoa thời cổ, là một thầy tăng ăn thịt chó, uống rượu hơn cả như hũ chìm, từng đánh người vong mạng, nhưng ông là một bồ tát trừ gian diệt bạo, chưa từng bị phụ nữ mê hoặc. Ai bị người ức hiếp chỉ kêu ông một tiếng là ông ra tay giải cứu ngay. Ông hung hăng nhưng thẳng tính, lại thuộc kinh điển Phật giáo Bắc tông, nên biết rằng trong cõi An lạc, nơi Tịnh độ xứ phía trời Tây, có Phật A Di Đà và Phật Quán Thế Âm luôn lắng nghe ai gọi tên hai Ngài để các Ngài ra tay cứu độ. Nếu không thì Phật Di Lặc ở cõi trời Đâu Xuất cũng nghe thấy, dù cho chỉ là một tiếng kêu thương tuyệt vọng.

    Khác với Lỗ trí Thâm, Allen K. Fisher không cạo đầu, không mặc áo nhà tu, mà còn mang tính hung bạo, bất cần đời. Nhưng khi trong cơn tuyệt vọng, anh D. chỉ nhắc đến tên ông thì liền được ơn trên giải cứu. Anh D. sao quên được điều này. Rồi tuy có cuộc sống tương đối an nhàn tại một đất nước do anh lựa chọn làm nơi sinh sống nuôi vợ dạy con, hẳn anh đôi lần cũng cảm nỗi đau khổ khi nhớ lại cảnh năm 1961, khi anh chờ lệnh của thầy H. để nhảy vào điểm tử huyệt của Thượng sĩ Fisher. Nếu anh lỡ quá tay, đòn độc của anh có thể khiến ông Fisher nhẹ thì bại liệt, nặng thì tử vong.

    Tôi biết được nỗi thống khổ này của anh D. khi vài năm sau, nhân dịp đi thăm người bạn ở đường Eagle Rock, quân hạt San Diego, Nam California, tôi báo anh D. trước hai ngày rằng tôi xin được ghé thăm anh tại nhà cũng gần khu đó. Đến nơi thấy trên bàn thờ, ngoài di ảnh của vợ anh, còn có tấm bảng gỗ khắc tên Allen K. Fisher. Thấy tôi nhìn tấm bảng, anh nói:” Khi sang Mỹ, ổn định xong xuôi thì em nhờ thầy H. của em tìm ông Fisher để báo ông biết tên ông đã cứu toàn bộ gia đình em như thế nào. Nhưng lúc đó thì ông đã mất. Tin tức gia đình của ông cũng không luôn. Em thuê thợ khắc tên ông trên bảng để thờ. Ngày nào đến giờ cơm, em cũng mời vợ em và ông Fisher và một người khác về dùng bữa với em. Ông thầy H. của em nay cũng đã ra đi [9]. Em đang tìm xin thỉnh di ảnh của ông thầy em về đây luôn. Nếu ông có, ông cho em xin. Mâm cơm hàng ngày của em nay thêm một bát thứ tư dành cho người vừa quá cố. Con cái em nay có cuộc sống riêng của chúng. Em nghĩ nghiệp của em quá nặng, nên ai người em thương cũng đều bỏ em mà đi.. Em phải biết sám hối thêm nữa mới mong được bình an.”

    “Anh thắc mắc điều gì?” tôi hỏi.
    “Việc em đã ép tên công an năm xưa sang Hong Kong cho được việc mình mà thiệt cho anh ta.”
    “Lúc anh về Việt Nam, anh có hỏi tin về anh ta hay không?” tôi hỏi tiếp.
    Anh nói:
    “Có. Nhưng anh ta cũng không còn. Em không can đảm hỏi nguyên nhân của cái không còn đó. Một trong bốn chén trên mâm là dành cho anh ta. Người sống thì còn da vàng, da trắng, da đen, phe này phe nọ. Em nghĩ sau khi chết tất cả đều giống nhau. ”

    Nói được đến đó, anh cho tay trái vào túi quần, dùng ngón cái duy nhất còn lại, anh kẹp một góc chiếc khăn tay màu cháo lòng, đưa lên chậm mắt, trong khi cánh tay còn khỏe kia vịn vào chân chiếc bàn thờ, tưởng như để giúp anh khỏi bị quị xuống. Tuổi anh năm đó xấp xỉ 70.

    Tôi quay nhìn ra cửa sổ, bỗng thấy vòm trời xanh lơ như đang như bừng sáng rồi tư từ hạ xuống rất gần, tay tôi có thể vói sờ được [10].

    Tiểu Đĩnh


    [1] SEAL = Sea-Air-Land có nghĩa lính tác chiến trên biển, từ trên không và trên bộ.
    [2] Quân phục đi phố là quân phục làm việc màu xanh nước biển của Hải Quân, thắt lưng to bản, đèo dao găm có bao da, giày Nhảy Dù, mũ nối màu đen, có huy hiệu hình tròn màu đỏ, đường kính 5 phân, có rìa màu đen và một hình giống như ba ngón tay chỉa ngược lên trên, tượng trưng cho chiếc dù không có nóc.
    [3] Hành quân thường là ban đêm, dùng phấn đen hay nâu xậm bôi kím mặt.
    [4] Nhận xét này rất đúng. Dân Thát Đát ngày xưa cần can đảm, cần sức lực để đánh nhau, hàng ngày họ ăn thịt ngựa còn tươi là chính. Do đó, ăn trường chay có thể tốt cho sức khỏe, nhưng đó chỉ dành cho những ai xuất thế đi tu, những người lớn tuổi về hưu. Trường chay không tiện cho những thanh niên còn phải tranh đấu ngoài đời, những binh sĩ tòng quân giữ nước.
    [5] Mutiny.
    [6] "Vọi" là tên một anh dân chài, có thân hình lực sĩ trong Trống Mái của Khái Hưng (Tư Lực Văn Đoàn).
    [7] Hồ Tiberias còn có tên Biển Gallile dài 21 cây số rộng 11 phía Bắc Do Thái sát ranh Syria.
    [8] Thuyết Tương Đối của Albert Einstein được xem là chân lý cho đến đầu thế kỷ 21 thì những quan sát thiên văn từ bên ngoài vũ trụ cho thấy thuyết này chưa hẵn là chân lý tuyết đối. Cái tuyệt đối là trong vũ trụ đã có sẵn từ trường đã giúp tạo ra điện tử (electron). Không electron thì không có các thiên hà và ….sinh thực vật, trong đó có con người—In Search of the God Particle của Lisa Randall và Back to the Beginning của Martin Rees (Newsweek Dec. 26, 2011)
    [9] 14 tháng 2 năm 1999, ghi theo bản cáo phó muộn.
    [10] “Một giọt nước mắt ăn năn thống hối có thể làm chín tầng trời xúc động,” lời được ghi là của Thánh Alphonse de Ligori. Đức Phật Gotama dạy:” Các con đường sợ phạm tội. Chỉ sợ phạm tội mà không biết ăn năn xám hối.” Văn hào Victor Hugo trong truyện Những Kẻ Khốn Cùng, kể lại sự kiện Giám mục Bienvenu dùng ngón tay chấm vào những giọt nước mắt thống hối của Jean Valjean rồi đưa lên miệng mình.

    Nguồn:bienkhoi


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X