Thông báo

Collapse
No announcement yet.

30.4: Ngày Này Năm Xưa

Collapse
X

30.4: Ngày Này Năm Xưa

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • 30.4: Ngày Này Năm Xưa

    Trần Đức Thưởng


    Hôm nay 4/28/15 thành phố chìm trong biển nước, mưa từ sáng sớm cho tới 8:08 PM vẫn còn mưa, chiếc cầu bắc ngang sông Mississippi, với đoàn xe lửa bị gió thổi tạt ngang với tốc độ 70 miles rơi từ độ cao khoảng 100 tới150 feet xuống đất rất may không ai chết. Ngày xưa đi làm tôi phải lái qua cầu này lần đi cũng như lượt về, mấy năm trước cầu có hai lanes rất hẹp, những người lái xe không vững rất sợ, nhiều bà VN tôi biết, khi phải qua cầu, mấy bà đi chính giữa hai lanes cho chắc ăn, lái xe như thế gây bực bội cho những người lái phía sau, không đủ chỗ để qua mặt, ngày nay thành phố mờ rộng chiều ngang cầu vì thế người lái xe không còn căng thẳng như trước kia. Buổi sáng hôm nay đi khám bác sĩ vì mấy tuần nay bị sinus ,môt loại dị ứng vì phấn hoa, bác sĩ Phương tốt nghiệp tại Mỹ, ông là con một sĩ quan không quân phục vụ tại Cần Thơ. Hưởng trợ cấp y tế chính phủ mỗi lần khám chỉ trả 10 đô la cộng tiền thuốc mươi mười lăm đô la, trên đường đến văn phòng bác sĩ mưa rất lớn không nhìn thấy mặt đường trước mặt, tôi phải ngừng xe chờ mưa ngớt, gọi điện thoại tới văn phòng bác sĩ cho họ biết không thể đến đúng giờ.

    Tối hôm nay khi xem TV, những hình ảnh Sài Gòn, lòng buồn thấm thía nhớ Sài Gòn, nhớ những cơn mưa rào, nhớ những con đường mình một thời lê gót nhớ những buổi trốn học, học đã dốt mà còn lười, nhớ những lần rút Bất với Vũ Việt Dũng, Nguyễn Cầm Chiển, Nguyễn Thụy Hùng, nhợ́ những đêm 30 Tết lên Lăng Ông xem nam thanh nữ tú, nhìn người đẹp mà quên mất trên đường đi những nhang hương bên đường làm cháy gấu chiếc quần Dracron mượn tạm của anh tôi, về nhà tôi treo lại chỗ cũ, về sau chủ nhân cũng chẳng than phiền. Ngày xưa vài quần tây Dracron pha chất cao su, quần tây mặc đứng quần nhưng dễ cháy, ngày nay những loại vải này không được dùng vì dễ cháy, nhớ xem ci nê Casino Đa Kao, xem rạp Asam trên đường Đinh Tiên Hoàng hoặc Modern tại chợ Tân Định, nhớ những người em gái đã đi qua đời tôi mặc dầu hơn 40 năm, giờ đây chắc cũng bị tàn phá bởi thời gian cùng đắng cay của cuộc sống , nhớ bạn bè người nằm xuống trong trận chiến, nhớ những người bị thương bỏ lại sau chiến tranh mà một thời bên tôi vào sinh ra tử, nhớ ban bè còn sống bên này và bên kia biển Thái Bình. Tôi hay khóc những ngày 30/4 năm nào cũng thế, buồn khóc nhớ quê hương đất nước nhưng nhất quyết không về ngay cả xác thân phải gửi lại đây, tôi nhớ tôi thương những chiến sĩ ̣hy sinh trong trân chiến, nhớ thương những thương binh ,nhớ những chiến sĩ sau chiến tranh bị trả thù nghiệt ngả những quân nhân còn sống chính những người này khiến miền Nam còn tồn tại tới tháng tư 75 Xin tri ân các anh.


    Những ngày này 40 năm trước tôi nằm trong Căn cứ Không quân Bình Thủy, những tin bất lợi cho VNCH dồn dập làm hoang mang Quân cũng như Dân. Không đoàn 84 Chiến thuật có buổi họp, thông báo trên Bộ Tư Lệnh có kế hoạch bay sang Utapao Thái Lan, trên đường đi hoặc đổ xăng tại Phú Quốc hay trên Hạm đội Mỹ. Sau khi bàn thảo với Thiếu tá Đ. trong buổi họp tại phòng hành quân, tôi thuyết trình về kế hoạch ra đi, rút tỉa kinh nghiệm tại Đà Nẵng, nói rõ cho anh em trong đơn vị nếu anh em muốn ra đi như dự tính những người có gia đình nên sửa soạn, sự ở lại hay ra đi là tùy quyết định mỗi cá nhân. Mấy ngày sau, phi đoàn Khu trục Biên Hòa trên đường đi Utapao Thái Lan đổ xăng và ngủ đêm tại Bình Thủy, tối hôm ấy trong Câu lạc bộ Sĩ quan tôi gặp Vũ việt Dũng khóa 65A phi công khu trục từ Biên Hòa, đây là lần đầu tiên sau khi rời Nguyễn Trãi B-2, lần cuối cùng chúng tôi gặp nhau tại Camp Pendleton California, qua tin tức của người bạn, Vũ Việt Dũng ngày nay làm Kỹ sư đâu đó trên miền Bắc Mỹ. Tôi có thói quen của cha tôi, thích biết những tin tức của đất nước, của thế giới, cha tôi năm 1954 từ Bắc vô Nam ông mang theo cái Radio nổi tiếng thời bấy giờ, chiếc radio Phillip Hòa Lan, suốt mấy chục năm ở Sài Gòn cụ ngày nào cũng nghe phần tiếng Việt của BBC Luân Đôn do Đỗ Văn phụ trách, cụ buổi tối thích nghe chương trình Tao Đàn với giọng ngâm Hồ Điệp, Quách Đàm, Tô Kiều Ngân, Đinh Hùng, chiếc Radio này sau 75 cụ vẫn nghe cho tới khi cái vòng tròn đổi đài quay nhưng không còn làm việc. Một buổi tối vài ngày trước khi mất miền Nam trong Căn cứ Bình Thủy, đài BBC thuật lại lời Mao Trạch Đông, tôi vẫn nhớ rõ: "Sự sụp đổ của miền Nam để lại kho vũ khí với máy bay, tàu bè khổng lồ được xử dụng bởi một đoàn quân tinh nhuệ Bắc Việt, đây chính là trận động đất tại Đông Nam Á."

    Những tính toán ra đi của BTL Không Quân không như ý muốn vì sự tuyên bố đầu hàng của tướng Dương Văn Minh.

    Sáng ngày 30/4/75 căn cứ Bình Thủy ra đi trong hỗn loạn sau khi lệnh đầu hàng của tướng Dương Văn MInh, hầu hết anh em trong đơn vị tôi ra đi ngừng lại Côn Sơn đổ xăng, từ đây tất cả đáp trên những chiến thuyền của Đệ Thất hạm đội.

    - Midway tower VNAF helicopter 073.

    -Midway tower VNAF helicopter 073.

    - This is Midway tower helicopter 073 go ahead.

    - VNAF helicopter 073 about 12 miles East South East request for landing on Midway.

    - VNAF helicopter 073 make holding right turn.

    - VNAF helicopter 073 wilco (will comply)

    Sau khi làm những thủ túc cần thiết, tôi đáp trên Midway hàng không mẫu hạm khoảng 10 giờ sáng, từ ̣đây bắt đầu cuộc sống lưu vong cho tới hôm nay đã 40 năm và không biết tới bao giờ.


    tdt.


  • #2
    Chia sẻ với anh em đoản khúc viết nguyên ngày 29/4/2015

    Giờ này năm xưa

    Giờ này 40 năm trước, chúng tôi đang lạc loài trên không phận Vũng Tàu vì chưa biết đi đâu, tới đâu! Ôi tuổi trẻ vô tư, làm sao biết được những toan tính của cấp trên, của cường quốc, của bạn, của thù. Buổi tối qua còn lâm trận. Ôi một trận đánh bất công. Trận đánh cuối đời binh nghiệp mà chỉ biết thủ thế, tránh đạn thù đến vã mồ hôi. Để rồi cuối cùng về không với ấm ức, với tức bực. Cũng may không bị bắn rơi oan uổng trong giờ thứ 25! Để rồi sáng hôm sau phải chạy đôn chạy đáo, đội mưa pháo tìm phương tiện ra đi bất đắc dĩ. Có lẽ số phận an bài nên tôi gặp may mắn ở phút chót. Anh Phan Vũ Điện và chiếc C130 không hoàn hảo cuối cùng đã là cứu tinh cho tôi và hai chú em học trò. Cũng lại may mắn, cũng do số trời... máy bay không rớt vì cất cánh không đủ tốc độ cần thiết vì chỉ có thể cất cánh nửa sân trong tình trạng giặc đuổi theo sau lưng.

    Những tưởng cất cánh bay ra Côn Sơn, Phú Quốc tạm lánh nạn chứ ai đâu ngờ đó là lần cầm tay lái cuối cùng của cuộc đời phi công. Trên tần số, mọi người đều khuyên phải bay qua Utapao mới là điểm an toàn. Và chúng tôi, hơn một trăm nhân mạng trên tàu, cũng nghĩ là mình chạy lánh nạn một thời gian chờ quật khởi! Ôi! Tuổi trẻ vô tư! Làm sao biết được ván cờ đã kết thúc từ lâu, quân hao, tướng bí!
    Vậy mà... đã 40 năm qua!!!

    Bây giờ là 10:30 tối ngày 29/4. Giờ này năm xưa, tôi nằm bẹp dí trong trại tạm cư không ăn không uống. Hai chú em học trò xếp hàng lãnh cơm buổi chiều nhưng nuốt không vô vì biết được con đường trước mặt chỉ có thể tiếp tục đi về phía mặt trời lặn... Bây giờ ngồi nghĩ lại... sao thấy mắt cay cay. Tối nay vẫn không thể nuốt nỗi cơm vợ nấu. Chưa ăn tối mà bụng đã no. Tôi đau quá, hận quá và chỉ biết thở dài!

    Vâng! Đúng 40 năm ngày bỏ nước ra đi!!!
    TPKW
    Mời bạn ghé thăm nhà:
    http://thovanyenson.com

    Comment



    Hội Quán Phi Dũng ©
    Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




    website hit counter

    Working...
    X