Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Ma quê nội

Collapse
X

Ma quê nội

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Ma quê nội

    MA QUÊ NỘI
    Tác Giả: Quân Mạc Vấn
    ***
    Cô vọng ngôn chi vọng thính chi
    Đậu bằng xa giá vũ như ti
    Liêu ưng yếm tác nhân gian ngữ
    Ái thính mộ trung quỉ xướng thi.
    Vương ngư Dương ( đề tựa cho tập Liêu Trai)

    Nói láo mà chơi, nghe láo chơi
    Giàn hoa lấm tấm hạt mưa rơi
    Sự đời đã chán không buồn nhắc
    Thơ thẩn nghe ma nói mấy lời
    Tản Đà (dịch)



    Tôi lớn lên nơi một vùng quê thuộc tỉnh Bình định, miền trung nước Việt. Ở đó có đồng ruộng, ao hồ và những gò đống, lùm bụi hoang vu. Đường xe lửa và quốc lộ số 1 đi ngang quê tôi, và mỗi lần nhìn đoàn tàu lướt qua, lòng tôi vẫn luôn dậy lên một niềm nôn nao khó tả. Những năm 1958-1960 làng quê còn tương đối yên bình và bà con còn kể nhau nghe những chuyện ma kinh dị. Giờ nhắc lại như những kỷ niệm ngọt ngào ngày cũ.

    Ba tôi vốn theo Tây học. Ông tốt nghiệp “ Diplome” ở Collège de Quinhon . Vì có chút ít “chữ nghĩa” nên bà con trong xã và cả các xã lân cận thường nhờ ông giúp đỡ trong việc giấy tờ. Nhiều khi còn được mời ăn giỗ, nên ông đi nhiều, mà thường là đi bộ, thỉnh thoảng mới đi xe đạp.
    Ba tôi có tiếng trong vùng là người “ không sợ ma”. Quê có nhiều ao, hồ, gò, truông, miếu mạo, bãi tha ma hoang vu v.v..Nhiều nơi bà con không dám đi ngang qua sau khi trời tối vì tiếng đồn ở đó nhiều ma. Nếu có việc cần phải đi, họ thường phải rủ năm, ba người cùng đi, đốt đèn đuốc cho bớt sợ. Nhưng ba tôi thì không. Ông ta vẫn thường một mình đi ngang những nơi ấy, bất cứ giờ giấc nào mà không chút sợ hãi. Do đó ông thường gặp ma và kể cho tôi nghe, đến bây giờ tôi vẫn còn in sâu trong ký ức.

    • Ma đụn.
    Gọi tên như vậy vì loại ma nầy tạo nên một đụn cát, đất to lớn chặn hết lối đi. Vào một đêm tháng Mười tối như mực, ánh sáng chỉ là từ đom đóm và sao trời, ba tôi đi ăn giỗ trở về. Đường về nhà phải qua một bãi tha ma có tên là “ Gò Đồng” có tiếng nhiều ma, cực kỳ kinh hãi.
    Ba tôi kể rằng khi ngang qua nơi đó ông mơ hồ nghe nhiều tiếng nỉ non ở những ngôi mộ mới đắp. Nhưng ông vẫn đều bước cho đến khi qua khỏi “ Gò Đồng” chừng một trăm thước. Khoảng đó là đường bờ ruộng quanh co, một bên là hàng cây dứa dại rất nhiều gai, một bên là ruộng nước, thì ông gặp “ Ma đụn”.
    Nó là một đống gì đó đen thui, to lớn, cao hơn đầu người, chắn ngay trước mặt không cho bước qua. Lại nghe nhiều tiếng rên rỉ than khóc vô cùng ai oán kinh sợ. Sau một phút suy nghĩ, ba tôi bước qua trái, xuống ruộng, tìm cách tránh con ma. Nhưng con ma cũng nhích theo, chắn ngay trước mặt. Ba tôi lên bờ, con ma lên bờ, ba tôi xuống ruộng, nó cũng xuống ruộng để chận.
    Không chút sợ hãi, ba tôi nói với con ma:
    “ Tao không làm điều gì quấy ( sai trái), tao không hại tụi bay, hãy để tao về đem bánh cho con tao”.
    Bỗng nghe ào một tiếng, con ma ( đống đất đen) biến mất, và đường đi lại thông thoáng như cũ.

    • Ma Lạc
    Đó là thứ ma làm cho người ta lạc lối, đi đến một thôn xóm khác, không biết đường về, vào bụi rậm mà ngồi, bốc đất cát, phân trâu bò mà ăn.
    Tôi có một người cô họ tên G. Cô là em chú bác với ba tôi. Nhà cô chỉ cách nhà tôi hai thửa vườn. Vào những năm 1959-1960 cô còn trẻ lắm, chỉ khoảng 40 tuổi. Cô trồng bầu bí, nuôi con gà, con vịt. Thỉnh thoảng đem xuống chợ bán vài chục trứng, một hai con gả để mua những thứ khác mà cô cần. Cô đi chợ thường xuyên và thường về nhà khi trời vừa tối vì chợ P.M lúc bấy giờ chưa có điện.
    Tôi nhớ vào năm đó, tôi từ Bồng sơn về nhà nghỉ hè. Vừa về đến buổi trưa thì tối hôm đó, ba mẹ tôi và vài người hàng xóm nhốn nháo lên : Cô G. tôi đi chợ từ trưa, bây giờ đã hơn 10 giờ tối mà chưa thấy về.
    Thế là mọi người đốt đuốc di tìm. Lúc đầu thì đi theo con đường từ nhà đến chợ mà cô tôi thường đi. Không tìm được, mọi người lần lên xóm khác. Đến một khúc truông xóm trên, thấy một đôi quang gánh để giữa đường và có tiêng kêu ú ớ gần đó. Mọi người chạy lại thì thấy cô tôi đang ngồi giữa bụi tre gai. Đem dao, rựa chặt tre, dẫn cô tôi ra thì cô như người mất hồn, miệng ngậm đầy phân bò. Đưa cô về nhà, hỏi thì cô nói là không biết tại sao cô lại như vậy.
    Có một điều lạ không ai giải thích được : là ở một bụi tre gai dày đặt như vậy, một người bình thường không thể nào vào được, tại sao cô tôi lại có thể vào trong đó. Ai cũng nói cô tôi bị ma Lạc bắt.

    • Ma Hời- Vàng Hời
    Hời- còn gọi là Chàm, hay Chiêm thành ( Champa) là một dân tộc đã từng làm chủ vùng đất miền Trung nước ta xưa kia với những vị vua một thời oanh liệt như Chế Bồng Nga. Ngày nay vùng Đập Đá, Bình Định vẫn còn nhiều tháp Chàm đứng chơ vơ, thi gan cùng mưa gió trên những đỉnh đồi vắng lặng.
    Sau nhà tôi, có một khoảnh rừng nhỏ. Nói là “ rừng”, thưc ra chỉ là một cái gò hoang, không trồng trọt gì được, chiều dài khoảng ba trăm và chiều ngang khoảng hai trăm mét. Trên khoảng gò hoang này mọc nhiều cây cổ thụ to lớn: Cây thị trái chín vàng, thơm, ăn ngọt; cây bún trái nhỏ tròn; cây gạo trái lớn bằng nắm tay trẻ em, khi chín vỏ mở ra, bên trong vỏ màu đỏ; cây đùng đình lá xòe, to bản. Dưới đất thì bụi gai, giây leo chằng chịt, muốn vào “ rừng” phải tìm những khoảng trống an toàn mà đi.
    Mẹ tôi nói trong “ rừng” này có nhiều ma Hời. Mẹ kể rằng ngày ấy ba mẹ còn rất trẻ, mới lấy nhau, mới có đứa con đầu lòng là chị Hai tôi. Trong xóm, một nhà có hai anh em Năm N. và Sáu A. Cả hai đang độ tuổi thanh niên, làm ăn chăm chỉ, ai cũng thương. Một buổi trưa hè, hai anh em ra “rừng” hái thị. Năm N. đứng dưới đất, còn Sáu A. thì leo lên cây. Vừa với tay chạm vào quả thị, Sáu A. bỗng thấy một người hình dáng kỳ dị, mặt to bằng cái mâm, ngồi ở chạc ba trên cao nói rằng : “Sao mày hái thị của tao”. Thế là Sáu A. hãi kinh, té xuống đất. Năm N. cõng em về nhà, chữa thuốc ba tháng mới khỏi.
    Khoảng mấy năm sau đó, ông Bảy V. một người nông dân trong xóm , đi săn chồn. Sau một lúc rượt đuổi, con chổn chạy vào khoảng rừng nói trên rồi chui tọt xuống hang. Bảy V. về nhà lấy cuốc ra đào cái hang. Xuống sâu khoảng nửa thước, không thấy con chồn đâu, mà ông V. lại bắt được một buồng cau bốn trái bằng vàng. Ông mừng hớn hở, đem mấy quả cau vàng về nhà cất kỹ, nghĩ mình từ nay sẽ khấm khá. Nhưng ngay buổi trưa hôm sau, lúc đang nằm ngủ lơ mơ trên chiếc võng, thì ông cảm thấy mơ hồ có một ngừơi nắm đầu võng lắc lư và nói rằng : “ Trả vàng cho tao, trả vàng cho tao”. Ông hoảng kinh, tỉnh dậy và cố quên đi, nghĩ rằng mình bị ám ảnh mà thôi. Nhưng đến tối, ông ngủ trên giường, người đó lại đến đứng ở đầu giường, đòi ông trả vàng lại. Ông tiếc mấy quả cau vàng quá chừng. Nhưng con ma làm dữ quá, mấy ngày ông không ăn ngủ được, mặt mũi hốc hác, bơ phờ, mệt mỏi tưởng chết tới nơi, đành phải đem vàng trả lại nơi cũ.
    Mẹ tôi và cả mọi người trong xã đều nói rằng: Vàng Hời là một thứ vàng ròng được tạo hình, có dạng là những vật dụng trong nhà, như buồng cau, quả chuối, ly nhỏ uống rượu v.v.. kích thước như thật. Ai lượm được, ma Hời sẽ đến đòi. Không trả, chúng sẽ làm cho chết.

    • Ma vãi cát.
    Quê tôi, trẻ con người lớn ai cũng biết câu:
    “ Nhứt, chạng vạng. Nhì, rạng đông. Thứ ba, tròn bóng”.
    Đó là ba thời điểm trong ngày mà ma thường hay xuất hiện. Mỗi kỳ nghỉ hè từ Bồng sơn về nhà, tôi thường đi lang thang chơi với lũ bạn cùng tuổi trong làng. Mẹ tôi luôn căn dặn “ Con về sớm, đừng đi quá trưa, coi chừng ma vãi cát.”
    Trong những buổi trưa hè nóng nực, không một cơn gió thoảng, đi ngang qua những đường luồng hay bãi tha ma vắng lặng, thỉnh thoảng gặp ma vãi cát: Đang đi, bỗng nhiên nghe nhiều tiếng la hú, đồng thời cát vãi ra ào ào từ những bụi rậm hai bên đường. Người yếu bóng vía thì kinh hoàng bỏ chạy. Nhưng mẹ tôi kể rằng ba tôi rất là dạn : Có lần ông đã dùng vạt áo hứng được một mớ cát do ma vãi ra, đem về nhà. Bỏ cát ấy vào chảo mà rang thì nghe nhiều tiếng than khóc : “ Nóng quá, trơi ơi thả tôi ra, thả tôi ra..” Nhưng dù ta có rang bao lâu đi chăng nữa thì con ma cũng không im, mà cái điệp khúc ấy cứ cất lên hoài, nên rốt cuộc thì cũng phải đổ cát ấy đi.

    • Ma Da
    Từ đầu đến giờ, tôi kể cho quí vị nghe toàn ma trên cạn. Để chấm dứt bài này, tôi xin nói đến một loại ma dưới nước, đó là ma Da, có thể “ kéo cẳng” làm người ta chết đuối, ngay cả ở những vũng nước cạn.
    Đường xe lửa xuyên Việt chạy qua tỉnh Bình Định theo hướng Bắc-Nam. Khi đi ngang những cánh đồng lúa, đường thường được làm cao hơn mặt ruộng rất nhiều. Ở những nơi không có sông suối, người ta làm những cầu, cống nhỏ xuyên qua “ ta-luy “ ( tiếng Pháp talue) để vào mùa lũ nước nguồn có lối thoát ra biển Đông. Mùa khô, những cầu cống ấy chỉ còn lại là những vũng nước tuy không lớn lắm, nhưng cũng khá sâu. Quê tôi, có một cái cầu như vậy, gọi tên cầu Bà Điền, nổi tiếng có ma Da. Bà con kể rằng trước đây có một người đàn bà tên Điền đã chết đuối ở đó. Chết oan, thành ma Da ở vũng nước này, cho đến khi nào có một người khác chết “ thế thân” thì oan hồn mơi siêu thoát được. Do lâu quá không có ai “ thế thân” nên nhiều người nói là có những buổi trưa đứng bóng, người ta nhìn thấy mơ hồ hình bóng một người đàn bà ngồi khóc trên cầu: “ Trời ơi, tôi lạnh quá, lạnh quá.” Đến gần thì biến mất. Người ta còn cho biết, đôi khi ma Da biến thành những vật dụng như chiếc nón lá mới tinh, cái áo bà ba tuyệt đẹp nổi lềnh bềnh trên mặt nước gần bờ, cốt dụ dỗ người khác bước xuống mà vớt. Thế nhưng khi đặt chân xuống nước thì vật ấy từ từ trôi ra xa. Bước theo thì bất ngờ trượt chân vào chỗ nước sâu mà chết. Vì vậy, thủa ấy, mỗi khi sai bảo tôi việc gì phải đi ngang qua cầu Bà Điền, mẹ tôi luôn dặn rằng nếu thấy vật gì nổi trôi trên mặt nước thì chớ bày mà bước xuống, coi chừng ma Da kéo cẳng.

    Giờ đây, vào những chiều thu gió lộng, ngồi nhìn mây trắng bay, nhìn lá đổ sau vườn mà nhớ dư âm ngày cũ, bây giờ mãi còn là những kỷ niệm khó phai.

    Quân Mạc Vấn


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X