Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Đứa Con Trong Nhà Tù Cộng Sản

Collapse
X

Đứa Con Trong Nhà Tù Cộng Sản

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Đứa Con Trong Nhà Tù Cộng Sản

    Đứa Con Trong Nhà Tù Cộng Sản
    Kim Chi
    Kỷ niệm 40 năm sau ngày tháng Tư đen

    Vào năm 1980, những chuyến tàu chở những người dân miền Nam đi bán chính thức bị ngưng hẳn hoạt động vì các trại tỵ nạn tràn ngập, ứ đọng thuyền nhân sau đợt 1979. Và cũng một phần vì bị thế giới lên án. Các tàu này đã ồ ạt đổ người xuống các quốc gia lân cận Việt Nam. Các trại tỵ nạn, các baracks mọc lên nhanh hơn cả lúa mạ. Các thuyền nhân cũng gia tăng như thuỷ triều dâng vùn vụt... Song song đó, không biết bao nhiêu là tang tóc, đau thương đã phủ lên đầu những người dân Việt Nam đau khổ. Những con tàu bé nhỏ chìm sâu dưới biển đen. Những mảnh tình tan nát... Những mất mát, những chia lìa, những khốn nạn của những cuộc vượt biên bằng tàu hay đường bộ, vẫn không ngăn nổi làn sóng người miền Nam Việt Nam bỏ quê hương, đất nước, cội nguồn để đi tìm tự do.

    Tôi là một trong số những người Việt Nam... rời bỏ quê hương này... Khi ấy tôi là một thiếu nữ 22 tuổi, cái tuổi ôm ấp rất nhiều mộng mơ. Với một cái lý lịch tồi tệ, tôi không thể đi học hay đi làm ở đâu được cả. Dù có một vài người ngấp nghé xin cưới hỏi, và dù có vài cuộc tình nhỏ, nhưng không đủ để kềm giữ tôi ở lại đất nước dưới sự cai trị độc tài lúc ấy... Tôi bắt đầu tìm đường ra đi để làm một người... vong quốc! Sau những lần vượt biên bị gạt tiền, bị lộ và chạy thoát. Tôi đã có ít nhiều kinh nghiệm. Tôi đã tìm được một người chủ tàu thật sự với một chiếc tàu tốt, có đầy đủ lương thực và nước uống cho khoảng 100 người có thể sống trên biển độ một tháng.

    Gần đến ngày đi, mẹ của Khang (một người bạn thân), đã khẩn cầu tôi một chuyện: Bà nhờ tôi dẫn theo và chăm sóc đứa cháu nội đích tôn của bà! Thằng bé lúc ấy đã lên 9 tuổi. Tên cháu là Chương. Da cháu rất trắng, mà là một màu trắng xanh xao. Cháu hơi nhỏ con hơn những trẻ em trạc tuổi của cháu. Cặp mắt một mí như những trẻ em Nhật Bản lúc nào cũng dán nhìn vào tôi, chờ đợi tôi nhìn trở lại cháu. Và những lúc tôi nhìn lại cháu, cháu nở ngay một nụ cười rạng rỡ... Lần đầu tiên khi tôi gặp cháu, tôi không bao giờ quên được. Chương thật sự đã làm tôi xúc động khi tôi gặp cháu ở nhà bà nội của cháu. Bà nội Chương bảo cháu vào trong mang trà ra mời tôi! Tôi đã có hơi ngạc nhiên rồi vì cháu là con trai, lại ốm yếu nhỏ bé, sao cháu biết pha trà và bưng trà nóng cho khách được?! Độ chừng 5 phút thôi, cháu bưng ra một mâm. Trên mâm đựng hai tách, hai dĩa. Cháu vừa đặt mâm tách đĩa xuống, tôi chợt nhìn thấy một vết thương trên cánh tay cháu. Vết thương không băng bó, để lộ thịt hay... mở... trắng hếu, lẫn máu đỏ đóng khô chung quanh...

    Tuy tôi đã 22 tuổi, nhưng má tôi không cho các chị em chúng tôi vào bếp núc nấu ăn vì sợ chúng tôi bị phỏng như em trai út của tôi. (Trọng, em trai của tôi bị phỏng rất nặng, nằm bệnh viện cả 3 tháng trời, đã là một ám ảnh khủng khiếp của ba má tôi). Cho nên, chị em tôi rất dở nấu ăn lúc ấy. Ba má tôi là công chức ở Biên Hoà, phải làm việc từ 8 giờ sáng đến 6 giờ chiều. Nhưng má tôi vẫn săn sóc nhà cửa và cơm nước cho cả nhà chu đáo. Mỗi buổi trưa là ba má chở nhau về nhà ăn. Má tôi tự nấu ăn trên bếp gas, thức ăn thì đã chuẩn bị sẵn từ chiều hôm trước, và để trong tủ lạnh. Tôi chỉ có bổn phận nấu vỏn vẹn... cơm trắng, và nấu bằng... nồi cơm điện National mà bà chị Cả mua từ bên Nhật đem về khi chị đang du học ở đấy.

    Sau 1975, gia đình tôi không còn nấu ăn bằng bếp gas nữa. Má tôi lại lôi... bếp điện ra nấu. Giống nhiều gia đình khác, má tôi cũng bày ra sân bên hông nhà một bếp than, một bếp củi, và một bếp dầu hôi. Lúc ấy, Biên Hoà cũng như bao nơi khác, cúp điện, cúp nước liên miên. Chúng tôi bắt đầu nấu bằng dầu hôi thường xuyên hơn bếp điện. Còn than hay củi thì sau khi má tôi nhóm lửa lên, tôi chỉ có bổn phận giữ lửa bằng cách bỏ củi hay than vào thêm thôi. Chứ tôi không biết nhóm lửa..!!.. Mà má tôi cũng không muốn tôi làm việc này!..

    Trở lại chuyện của bé Chương. Khi thấy vết thương của cháu, tôi thảng thốt kêu lên, và gọi cháu lại hỏi. Cháu bảo tôi vì cháu bị phỏng ở nhà bố và dì ghẻ của cháu. Vết phỏng rất sâu và to. Tôi không dám hỏi thêm trước mặt bà nội của cháu, khi thấy bà có nét mặt không vui. Sau đó cháu lại bưng ra một mâm khác, trên có đặt cái ấm trà rất nóng. Tôi đã liên tưởng ngay tức khắc, chắc vì cháu nấu nước trà như hôm nay, chắc cháu phải nhóm lửa, chắc cháu đã lỡ đổ nước sôi lên cánh tay nên bị phỏng đến thế...

    Tôi ngồi uống ly trà mà quặn thắt cả lòng, xót xa cho cháu. Cháu mới 9 tuổi đầu mà đã giỏi hơn tôi, một thiếu nữ đã 22 tuổi rồi!... Sau hôm ấy, tôi có gặng hỏi Khang, chú của Chương, về chuyện gia đình và chuyện tại sao cháu bị phỏng đến như thế. Chương là con của anh Luyến, người anh cả trong nhà. Anh Luyến học rất giỏi, đậu Tú Tài với hạng tối ưu, được học bổng nhiều nước, mà gia đình quá thương con nên không cho đi du học, sợ không ai lo lắng bên ngoại quốc! Anh Luyến chẳng những học giỏi, mà anh còn đẹp trai, lại con nhà giàu. Anh đi học đại học bằng xe hơi, đi dạy kèm piano cũng bằng xe hơi, rất hào hoa phong nhã. Nhưng trớ trêu, anh không thương yêu các cô bạn học xinh đẹp trong đại học đang vây quanh anh. Mà anh cũng không để ý chi đến các cô học trò piano nhỏ bé, đẹp và sang trọng mà anh gặp hằng tuần. Anh lại đi yêu một người... bạn... của mẹ anh! Tức là... bạn của... bà nội của Chương! Bà Sang lúc ấy đã gần 40. Bà đẹp như tài tử điện ảnh! Bà có chồng người Pháp, chủ của một con tàu lớn, chuyên chở hàng hoá từ Việt Nam qua Pháp và ngược lại. Tuy bà rất đẹp, rất giàu có, nhưng cả nhà không thể nào chấp nhận mối tình này. Thế là anh và bà Sang phải lén lút gặp nhau. Ông Tây kia thường phải theo tàu về Pháp. Mỗi chuyến đi của ông ta kéo dài hai ba tháng. Những lúc ông Tây về Pháp, anh Luyến hầu như không về nhà, anh đi thâu đêm, suốt sáng, mặc gia đình cản ngăn, khuyên lơn, la rầy, mắng nhiếc... Anh đến ở với bà Sang chớ không đâu xa lạ.

    Gia đình của Khang bèn nghĩ ra cách để anh Luyến phải xa bà Sang này: Cưới vợ cho anh! Mẹ của Khang bèn nhờ một bà mai (chuyên nghiệp!) tìm giùm một cô gái nào mà phải có đủ bốn cái nết Công, Dung, Ngôn, Hạnh... để giới thiệu cho anh Luyến. Hay thật! Tôi cũng phục các bà mai. Bà đã hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc. Bà mai tìm được một cô gái trẻ đẹp, con nhà gia giáo, làm bánh trái, bếp núc, may vá thêu thùa rất khéo. Gương mặt lại rất xinh. Chị Vân đẹp như những cô gái Nhật trên lịch hồi đó. Mắt một mí, cằm nhọn, mũi cao thanh gọn, trông chị Vân rất có duyên. Cả nhà thật vui và yêu quý chị ngay tức khắc. Anh Luyến cũng chẳng thấy chống đối gì cho lắm, nên cả nhà càng mừng hơn, hy vọng anh Luyến sẽ rời bỏ bà Sang.

    Thế là mẹ của cháu Chương được gia đình trầu cau rước về. Anh Luyến chỉ phản đối lấy lệ, và gia đình rất ngạc nhiên. Đâu biết anh chỉ làm cho ba mẹ anh vui lúc đó thôi. Anh không muốn cải nhau với cả gia đình. Anh... bận rộn lắm, mà anh cũng đâu đoái hoài gì đến người vợ xấu số này. Vậy chống lại gia đình làm gì?... Ở trong nhà chỉ một thời gian ngắn thôi, chị Vân đã lấy lòng hết tất cả mọi người trong nhà. Chị dậy từ sáng rất sớm để pha trà cho cha mẹ chồng. Xong chị giặt đồ cho cả nhà, rồi phơi phóng. Chị lại đi mua đồ ăn sáng cho tất cả mọi người trong nhà. Nhà đông người, mà chị lo cho tất cả mọi người trước khi đi học, đi làm, ăn uống đàng hoàng no nê, mỗi người một món khác nhau, rồi mới đi chợ. Những món ăn chị nấu, chị đã học rất bài bản, rất công phu và ngon miệng. Chị đầu tắt mặt tối. Đến khuya, chị lại ngồi may, vá, mạng quần áo cho cả nhà!. Anh Luyến đi chơi chưa về, chị ngồi chờ để mở cửa cho anh. Có khi chị đã ngủ gục trên cái ghế sofa gần cửa cho đến sáng... Không thể tìm ra một người dâu nào hơn chị được.

    Đâu có ai biết, sau ngày cưới chị, anh Luyến không hề gần chị... Anh vẫn đi ra ngoài với bà Sang, mà còn đi luôn đến hai, ba ngày là chuyện thường. Chỉ khi nào ông chồng Tây của bà Sang theo tàu trở về lại Sài Gòn thì anh Luyến mới ít vắng nhà hơn. Khi nào anh ở nhà, anh Luyến thường la lối, đánh chửi chị Vân thậm tệ mà chị chỉ biết ôm mặt khóc thôi! Dù cả nhà cản ngăn, khuyên lơn anh Luyến, anh vẫn không thay đổi! Gần hai năm sau, chị Vân có thai, chị càng tội nghiệp hơn. Chị bị anh Luyến đánh đập tàn nhẫn. Anh đã thường xuyên nắm tóc chị ghịt ngược ra sau, bóp miệng chị lại, bắt chị uống thuốc Bắc để phá cái thai. Anh cũng bắt chị uống... nước mắm sống để cái thai... chết hay... sút ra! Cái thai vẫn... lì lợm, càng ngày càng lớn hơn như nước mắt của chị Vân càng ngày càng đổ nhiều hơn. Anh Luyến lại càng giận dữ. Có lần, anh bỗng dưng đạp chị Vân té lăn lông lốc xuống thang lầu khi thai đã 6, 7 tháng. Vậy mà cháu Chương mạng lớn, cháu không hề bị gì cả.

    Những lúc ông Tây về lại Sài Gòn, là những lúc chị Vân bị đòn nhiều nhất. Anh Luyến đem những tức bực vì không gặp được bà Sang, anh đổ hết lên đầu chị Vân. Gia đình càng can, chị Vân càng bị anh ghét và đánh đập. Chị hốc hác, xanh xao mà anh Luyến thì càng ngày càng phong độ, đẹp trai, lịch lãm... Lúc ấy anh đã lấy bằng Kỹ Sư Cơ Khí. Nhưng anh không đi làm đâu cả, chỉ đi dạy piano chơi chơi thôi. Anh đâu cần làm việc, vì bà Sang cho anh rất nhiều tiền!.. Bà còn cho bà nội của Chương một tiệm phở đang phát đạt, chỉ... lượm tiền thôi! Cho luôn hai gian hàng bán đồ Mỹ chiếm một góc nhỏ chợ Bến Thành. Dịp Tết hay lễ lộc, bà Sang còn mua tặng cho từng người trong nhà những nhẫn hột xoàn, lớn nhỏ đủ kiểu... nên không ai dám nói nặng gì bà..!!..

    Cái thai trong bụng chị Vân cũng lớn dần theo những nỗi uất hận, tủi nhục, đớn đau của chị. Và các món quà của bà Sang cũng càng ngày... càng nhiều hơn, to hơn... như tranh đua với cái bào thai. Chị sanh cháu trong nhà thương một mình. Tự chị thui thủi đi xích lô vào nhà thương, tự chị bế cháu về nhà lầm lũi. Mẹ ruột của chị Vân có đến thăm con và cháu ngoại! Bà nhìn đứa con gái xinh đẹp, ngoan hiền của mình ngày nào, giờ đây xanh xao, vàng vọt, ốm yếu, bà đau khổ vô cùng.

    Khi Chương được gần hai tháng tuổi, bà ngoại của Chương cho người sang bên nội nhắn và xin rước chị Vân về nhà làm giỗ lớn. Không quên dặn chị Vân để cháu lại cho bà nội trông giùm một hai ngày thôi. Chị Vân gửi cháu Chương lại cho bà nội để về nhà mình phụ giúp việc giỗ quảy. Chị xin phép được đi hai ngày. Không có ai ngờ, mẹ của chị Vân sau khi thăm con mình về, nhìn con gái mình đau khổ và xanh xao, bà đã lên một kế hoạch rất lớn. Chị Vân vừa về tới nhà, bà dẫn chị vào một phòng ngủ có nhà tắm và cầu tiêu. Rồi, bà... khoá trái cửa lại. Nhốt chị Vân trong ấy như nhốt tù, mỗi ngày cơm nước, không cho chị ra ngoài.

    Bà nội Chương chờ hoài không thấy chị Vân về, bèn sang hỏi thăm để rước chị. Bà đã năn nỉ hết sức mà mẹ ruột của chị Vân vẫn lạnh như tiền, vẫn nhất quyết muốn giữ lại chị Vân ở nhà mà không cần luôn cả đứa cháu trai. Bà không muốn có một sự liên hệ nào nữa hết với bên nhà nội. Bà cũng yêu cầu từ nay về sau không ai được đến nhà bà nữa cả. Ngay cả Chương, thằng cháu ngoại máu mủ ruột thịt của bà. Bà nói bà xem như anh Luyến đã... đạp chết nó lâu rồi..!!..

    Chị Vân hận chồng chỉ một. Mẹ của chị Vân hận anh Luyến và bên sui gia đến mười. Sau khi bị nhốt trong căn phòng, chị Vân khóc lóc thảm thiết xin được ra vì nhớ con. Chị đòi tự tử nên mẹ của chị phải trói tay chị lại. Rồi bà cũng doạ bà sẽ tự tử chết theo nếu chị có việc gì. Nhưng trước khi bà chết, bà sẽ cho người sang bên sui gia... phóng hoả cả nhà!.. Nên chị lại thôi! Vì chị biết mẹ của chị là người dám nói dám làm. Nhốt chị khoảng một tháng, mẹ chị Vân mua vé máy bay cho chị sang Canada ở với một người dì. Sau đó nữa thì không ai có thêm tin tức vì hai bên gia đình không ai liên lạc ai cả... Thế là Chương lớn lên không có mẹ, cũng không có họ ngoại. Cháu sống với bố, mà bố cũng không thương yêu cháu. Anh hay chửi rủa cháu, mắng cháu thường xuyên, xem cháu như một cái gai.

    Đến tháng 10/ 1975, bà Sang cùng ông chồng Tây và mấy đứa con phải rời Việt Nam vĩnh viễn. Anh Luyến càng nổi điên với Chương vô cớ. Lúc ấy Chương mới 4 tuổi! Sau khi bà Sang về Pháp vài năm, anh Luyến nguôi ngoại, rồi cũng cưới vợ khác. Anh dọn về Thủ Đức ở. Và Chương lại có thêm hai em cùng cha khác mẹ, một trai, một gái. Chương giỏi việc nhà từ đó. Chương đã biết ẵm em, cho em bú, tắm em từ lúc 6, 7 tuổi. Và sau đó, Chương cũng biết nhóm củi nấu cơm, nấu nước, lau dọn nhà cửa rất thành thạo để giúp mẹ kế.

    Sau khi nghe Khang kể chuyện của gia đình, tôi bàng hoàng cả người. Tôi thật sự thương thằng bé mắt một mí kia. Những lúc cháu được bà nội đón về nhà chơi, tôi xin đến nhà thăm nó. Nó ngoan lắm, gọi tôi là cô. Tay chân của nó lúc nào cũng đầy vết trầy, phỏng, xước sẹo. Mỗi lần gặp nó là thêm một cái thẹo phỏng mới, hay tay chân bị chảy máu, trầy, xước, đứt... Tôi thường rửa vết thương cho nó, rồi băng lại cho sạch sẽ. Nó là người chỉ cho tôi cách nhóm lửa bằng những... lá cây! Nó chẻ củi thành thạo, bé xíu thế kia mà múc nước từ trong hồ nước ra bằng cái thùng nhựa 10 lít, rồi ngồi vò, gục quần áo nhanh nhẹn. Nhìn nó thoăn thoắt lượm lá khô, củi khô, rồi phùng mang phùng má thổi cho có lửa lên; nhìn nó nấu một nồi cơm cho cả chục miệng ăn bằng củi, tay chân mặt mày nó dính lọ nghẹ đen thui; rồi nhìn nó khệ nệ nhắc nồi cơm xuống bếp, lăng xăng xới cơm cho từng người ăn; tôi rớt nước mắt...

    Gần đến ngày vượt biên, bà nội Chương mời tôi ăn cơm, và cầu xin tôi dẫn cháu đi theo. Bà xin tôi sẽ nuôi cháu như một đứa con, săn sóc nó, thương yêu nó. Tôi không suy nghĩ nhiều. Tôi chấp nhận lời bà ngay tức khắc. Tôi chỉ có hơi ngần ngại hỏi về mẹ của cháu, về ý kiến của bố cháu. Bà nội Chương nói bố cháu, anh Luyến, sẽ rất vui nếu cháu được đi ngoại quốc, và được sự đùm bọc của tôi. Còn Chương, xem như chưa biết mẹ ruột mình là ai!. Anh Luyến đưa cháu đến ở với tôi trước ngày đi xuống Cần Thơ! Anh cám ơn tôi rối rít, rồi cũng có dặn dò cháu phải nghe lời tôi sau này, rồi cũng rơm rớm nước mắt ra về.

    Chương rất vui, nói chuyện huyên thuyên, lăng xăng giúp tôi rất nhiều trên đường xuống Cần Thơ. Đến nhà người quen của chủ tàu chỉ định, tôi bắt nó ăn cơm thật no. Xong, mặc chồng 2 bộ đồ vào nhau, rồi đi ngủ sớm vì ghe nhỏ sẽ đón chúng tôi lúc 3 giờ sáng. Nó ngoan quá sức ngoan, không hề làm một việc gì trái ý tôi cả. Tôi không ngủ được suốt đêm vì nhà lạ, vì lo lắng. Tôi mặc 2 bộ đồ chồng lên nhau như Chương. Kinh nghiệm cho tôi thấy, càng không vướng bận tay càng dễ... chạy! Bộ đồ tôi mặc bên trong là bộ đồ bộ bằng tê-tơ-rông. Tôi may cả những túi nhỏ đựng giấy tờ học tập của ba tôi, thuốc say sóng. Vàng thì dấu bên trong cùng. Loại vải này mát, bền chắc và mau khô. Còn bộ bên ngoài là bằng vải tám thô, đã bạc màu, chỉ là để trá hình thôi! Tuy nhiên, tôi may nhiều lằn may nên rất chắc. Tay tôi xách một giỏ đệm bằng lát, đựng thêm ít quần áo và vật dụng cá nhân cho tôi với Chương. Thuốc men tôi đem theo hơi nhiều. Thuốc trụ sinh, thuốc giảm đau, cả thuốc bổ... Trên chiếc ghe nhỏ ngoài tôi và Chương, còn có chị của Khang, chị Hoa. Chị bế đứa con 3 tháng tuổi. Có một chị bạn của chị Hoa, chị Tánh, cũng dẫn theo thằng con trai 6 tuổi. Ngoài ra còn có vài người đàn ông, con trai nhìn là biết dân Sài Gòn. Ai ai cũng lo lắng, sợ sệt, không ai nói với nhau một câu. Chương cũng thế. Nó ngồi chỉ im lặng nhìn mọi người. Nó biết rõ là đi vượt biên. Tôi không dấu nó.

    Ghe chèo một đoạn lâu rồi ra sông lớn mới chạy bằng máy. Tiếng xình xịch trong đêm khuya sao mà lớn quá. Tôi ngồi mà nóng như hơ, linh tính tôi cho thấy có chuyện không lành sắp xảy ra. Trời gần sáng. Tôi đoán lúc ấy gần 5 giờ. Con sông mở rộng ra hơn nhiều. Người chủ ghe nói rằng sắp tới tàu lớn rồi. Tôi cố mở to mắt ra quan sát hai bên bờ sông và nghe ngóng. Tim tôi càng lúc càng đập nhanh hơn. Bỗng dưng, tôi nghe nhiều tiếng súng nổ sát bên tai tôi rất lớn. Rồi tiếng công an la hét um sùm bắt chúng tôi cặp thuyền vô bờ.

    Lòng tôi tan nát, tim tôi nhói đau thật là đau... Phản xạ đầu tiên, tôi nhìn quanh xem tôi có thể nào nhảy... xuống sông không!. Tôi biết bơi sải sơ sơ, biết thả ngửa, biết lặn. Tôi đang ở một cua quẹo của con sông lớn. Tôi nghĩ tôi có thể nhẹ nhàng leo ra khỏi ghe, bám và nấp theo mạn chiếc ghe cho đến khi gần đến bờ thì tôi sẽ lặn sâu xuống và trốn trong các bụi cây xung quanh, trước cái cua quẹo đấy. Nhưng, nhìn lại Chương, đang mở to đôi mắt vì sợ hãi, buồn bã nhìn chị Hoa và chị Tánh đang luống cuống vất thuốc men xuống sông, rồi nhìn tôi chờ đợi xem tôi làm gì. Tôi đâu thể bỏ Chương lại. Tôi đã hứa với bà nội của Khang rồi. Ngay cả không vì lời hứa ấy, tôi cũng đâu thể bỏ một thằng bé quá dễ thương và tội nghiệp này lại cho đám hùm dữ kia được. Nó đã quá khổ rồi. Thà chúng tôi ở tù chung với nhau. Tôi chợt nghĩ ra ngay một chuyện. Tôi phải khai thế nào với CA đây! Muốn Chương cùng chung trại tù với tôi thì nó phải ghép vào chung một hồ sơ. Tôi nhìn thẳng vào mắt Chương, và bảo cháu:
    - Bắt đầu từ giờ phút này con không được kêu cô là cô nữa nghe chưa. Mà con sẽ gọi cô là mẹ. Mẹ con tên... Diệu. Bố con tên... Hai, Trần thị Diệu và Nguyễn văn Hai. Con nhớ chưa?

    - Dạ...mẹ..e.. Dạ con nhớ.!..Mẹ.ẹ..! Mẹ tên là Diệu, bố tên Hai... ạ!..

    Tôi không ngờ nó nhanh và ngoan như vậy. Tôi dạy tiếp:

    - Con... 7 tuổi, chứ không phải 9 tuổi nhá. Tên con vẫn là Chương, Nguyễn văn Chương nghe chưa. Con học lớp hai trường tiểu học... Châu Thành nghe chưa... (Trường Châu Thành ở Biên Hoà. Tôi học ở đây hồi nhỏ. Trong lúc quýnh quáng, tôi không kịp suy nghĩ nên phản xạ đã dạy nó như thế!)

    - Ba con đánh mẹ đau quá, mẹ buồn, mẹ biểu con đi chơi theo mẹ.. Nghe chưa!

    - Dạ! Con nghe, Me..ẹ ẹ...! Con 7 tuổi thôi, Mẹ...ẹ...!

    - Nhà con ở Thủ Đức, mẹ bán .. chè, bố là thợ sửa xe gắn máy nghe chưa!

    - Dạ! Con nghe, Me..ẹ...! Mẹ bán chè, còn bố là thợ sửa xe... Dạ! Mẹ..ẹ..

    - Nếu cán bộ còn hỏi gì nữa thì nói "dạ con không biết" . Nghe chưa?


    - Dạ con nghe, Mẹ..ẹ...!

    Vừa dạy đến đó là ghe cũng vừa tấp vào bờ sông. Mấy tên công an cầm súng đứng vòng quanh những người bị bắt đang ngồi chồm hổm ở giữa. Họ đi trên những chiếc ghe nhỏ khác (mà thời ấy người ta gọi là "taxi"). Tất cả đàn ông, đàn bà và con nít độ năm, sáu chục người - người nào cũng có một "hoá trang" giống nhau: quần áo cũ kỹ, nón lá rách nát, nhưng nhìn mặt mày thật là... trắng trẻo, sáng sủa, và trí thức. Ai ai cũng có chung một nét mặt lo âu, sợ hãi, tuyệt vọng... Chúng tôi hỏi nhỏ nhau xem có ai biết chuyện gì đã xảy ra không? Tôi có thấy ông chủ tàu cũng bị bắt ngồi cách tôi khoảng hai chục người. Tôi không được phép di chuyển. Nên tôi đành lắng nghe những người ngồi gần nói chuyện nho nhỏ, bàn tán với nhau. Chúng tôi bị bắt vì chính cháu của ông chủ tàu tố cáo ông tổ chức. Người cháu ác nhân này thù ông đã không cho anh ta đi nên mới tố cáo. Tôi bâng quơ vừa... thực tập cho Chương, vừa dạy Chương...

    - Chương, con có mệt không? Con có nhớ bố... Hai không? Bố giờ này chắc chuẩn bị sửa xe cho người ta rồi. Các ông cán bộ đây không thích nói tầm bậy đâu nha con. Cái gì mẹ dạy biết thì nói. Cái gì không biết con nói "Dạ con không biết" là cán bộ... thương nghe chưa con?! Giỏi nhé con...

    Trong thời gian ngồi chờ hỏi cung, chỉ cần nửa giờ thôi, tôi đã tập Chương thật nhuần nhuyễn. Tôi giả bộ là cán bộ công an, hỏi Chương nhiều câu ngoại lệ. Nó trả lời liền tức khắc: "Dạ thưa cán bộ con không biết." Sau vài giờ mỏi mệt ngồi ngoài nắng, hỏi lý lịch sơ sài, họ mới chở chúng tôi đến nơi giam cầm thật sự. Té ra tôi đã quá cẩn thận thôi! Tên cán bộ chỉ muốn lấy vàng, lấy tiền... nên sau khi lục soát giỏ lấy sạch tiền, chúng nó chỉ ghi tên tuổi, địa chỉ qua loa thôi. Tôi khai tôi... 26 tuổi. Chương 7 tuổi, tức là tôi sanh nó khi tôi 19 tuổi. Rất hợp lý! (Thật ra ... tôi 22 tuổi, và Chương 9 tuổi. Làm sao tôi sanh nó lúc tôi mới 13 tuổi?)

    Khi lên xe cam nhông, họ đã chia nam riêng, nữ riêng. Tôi nhìn thấy các cặp vợ chồng, hay cha con đi chung nhau, mắt đỏ hoe, vợ đang thút thít khóc... Khi phải tách riêng ra, họ cố gắng thầm thì, dặn dò những chuyện cần thiết. Có đứa trẻ phải đi theo mẹ, mà bố nó thì tách ra riêng, nó khóc thét lên giãy giụa đành đạch đòi theo bố nó. Tên cán bộ bước đến, không cần mất thì giờ.. hắn giơ tay tát thẳng vào mặt đứa nhỏ... Thật là... hiệu quả !.. Mọi người xanh mặt, im phăng phắc, và đứa nhỏ... nín khóc ngay tức khắc ! Xe đàn bà chúng tôi có hai chiếc cam nhông. Trên đường đi tôi im lặng quan sát, cố gắng nhớ chung quanh. Khi đến nơi, tôi cũng nhìn thật kỹ địa thế!. Ôi thôi! Thật buồn... Chung quanh nhà tù là những con kinh đào không sâu lắm, nhưng lại cắm toàn là chông gai, nhìn là rỡn cả óc! Chưa hết, chó rất nhiều, toàn là giống chó Đức. Chúng đón chào chúng tôi bằng một dàn hợp ca .. Ấu Ấu, Gâu Gâu thật là náo nhiệt. Chúng lăng xăng khịt khịt cái mũi, rồi gầm gừ nhe răng nhọn hoắt, trắng hếu. Cái lười thè lè nhiễu nhão nước miếng, chúng gầm gừ đi qua đi lại... cho tôi thấy đây là loại chó hung ác chứ không như con chó Nhật Mino dễ thương ở nhà của tôi. Xa xa là các hàng rào cao, với bao nhiêu là lớp kẽm gai vòng quanh nhà tù... Tôi nghĩ thôi rồi cuộc đời của tôi, chắc phải chôn đời ở đây cả năm...

    Chở chúng tôi vào tù, họ không quên chở cả các nồi cơm trắng thật to, các nồi thịt kho thơm ngon nâu vàng óng ánh mở trắng béo ngậy mà vợ của ông chủ tàu nấu suốt ngày đêm để chúng tôi ăn khi lên... tàu!. Mấy bao củ sắn, mấy bao cam, quýt.., mấy bao kẹo bánh đầy rẫy... Không ai có lòng dạ đâu mà ăn... Nhưng tôi lại khác. Tôi biết tôi cần có sức khoẻ để làm... việc! Tôi múc cho Chương và tôi ăn thật no. Tôi nghiêm mặt bảo Chương phải ăn... 3 tô cơm mới được ngưng. Nó ngoan ngoãn nghe lời, "dạ mẹ " luôn mồm!.. Tôi nắm cả vốc kẹo bánh nhét vào giỏ, vào túi áo của tôi, cả túi áo, túi quần của Chương. Ăn xong, lại lấy cung. Lần này mới thật sự là lấy cung. Họ hỏi rất kỹ. Tên cán bộ ngồi viết lời khai của tôi giỏi lắm chỉ học đến lớp... 3... Hắn nắn nót cả dấu... nặng một cách buồn cười... Tôi khai tôi tên Diệu, thì hắn viết "Dịu "... Ồ! Tên VC này cũng còn biết viết... hoa tên tôi...!!. Không đến nỗi tệ lắm! Hắn hỏi tôi làm nghề gì. Tôi trả lời như máy:

    - Thưa cán bộ, em bán chè ở Thủ Đức!

    Hắn nheo mắt lại nhìn tôi, lại hỏi tiếp:

    - Cô sanh năm nào?

    Tôi đã chuẩn bị chu đáo, nên tôi trả lời rất gọn gàng:

    - Dạ cán bộ em sanh 1952. Dạ em... 26 tuổi!

    Hắn nheo nheo mắt nhìn tôi, im một chút rồi nói:

    - Có thiệt không ...dzậy...?!...

    Chương ngồi bàn "phỏng vấn" cách tôi một bàn. Tôi vừa trả lời những câu hỏi bên này, vừa cố lắng nghe "vấn đáp" bên Chương!.. Khi hắn ta nói "Có thiệt không? " tôi giật bắn người. Tôi bắt đầu tập trung vào những câu hỏi của hắn ta. Hắn hỏi thêm có ai đi chung, đem bao nhiêu tiền, vàng. Đóng bao nhiêu tiền hay vàng rồi.... Đóng cho ai... Tôi không khai thật vì ông chủ tàu sẽ bị CA khảo của nếu ai cũng khai đã đóng cho ông 3 cây vàng. Cho nên tôi bịa là tôi chỉ có hứa khi qua đến nơi, tôi sẽ trả cho gia đình ông, vì quen biết với con ông!. Nói thật và nói láo không có gì khác cho tôi cả, mà chỉ tội vợ chồng ông thôi! Đây là chuyến tàu thứ nhì ông bà tổ chức. Chuyến trước, đi ra đến hải phận quốc tế rồi, máy tàu tự dưng hư! Mọi người đành ngồi trên tàu, ăn dần dần các thức ăn trên tàu, và gió thổi tàu từ từ, từ từ...về lại...Việt Nam! Ông chủ tàu bị tù 1 năm. Mới vừa ra! Chuyến này chắc ông sẽ bị... lâu hơn! Tôi không đành khai sự thật!

    Họ cũng hỏi Chương rất nhiều câu hỏi "ngoài đề " mà tôi chưa dạy nó. Nó thật thông minh, những câu hỏi hóc búa, nó đều trả lời "Dạ con không biết." như tôi đã bảo nó! Có một điều làm tôi bắt đầu lo lắng là... tôi mới 22 tuổi, mà tôi khai tôi... 26 ! Nhìn mặt tôi thật sự rất là... sữa! Tên cán bộ hình như đã thấy được điều đó!.. Nói tôi 26 tuổi, lại còn có con lớn như thế, thật khó tin!. Còn Chương, nó sụt đi 2 tuổi, trông nó có nhỏ con đó, nhưng cái nhanh nhẹn của nó không thể thấy được ở đứa trẻ 6, 7 tuổi. Thằng con của chị Tánh, ngồi đâu ngồi ệch đó, không biết gì cả!. Tôi thật lo lắng và hối hận đã không kịp suy nghĩ kỹ. Lại còn nói bán... chè nữa chứ.. Tôi ước gì tôi sửa lại lời khai, hay... sửa lại cái... tướng của tôi!..

    Họ cho chúng tôi ăn bên ngoài xong, mới bắt chúng tôi bước vào trong phòng giam. Vào trong, tôi mới biết còn có cả vài chục người đàn bà đã ở sẵn trong đó rồi! Họ bị tù nhiều tội danh, đi buôn lậu, đi trộm cướp, hay có thể... giết người, mà tôi không dám hỏi tới. Cả một cái phòng rộng bằng 2 cái lớp học, nhốt độ 50, 60 người đàn bà và vài con nít, mà chỉ có một cửa sổ hình chữ nhật 10 cm chiều đứng, ngang độ 50 cm ! Ở góc phòng là hai cái lu có nắp đậy. Nơi ấy bốc ra mùi hôi thối, tanh, khai nồng nặc. Tôi biết ngay đấy là .. nơi đi vệ sinh của chung. Cái dễ sợ nhất là cái... cùm. Lần đầu tiên trong đời tôi thấy. Và lần đầu tiên tôi biết thế nào là.. cùm chân. Mỗi người chúng tôi phải xỏ 1 chân vào một cái khoen có khoá. Rồi cái khoen ấy lại xỏ vào một cây cọc dài như ếch bị xỏ xâu. Chỉ bị xỏ có 1 chân thôi, khi nằm, nó cấn cổ chân đau lắm. Tôi bị cùm chân không bao lâu, thì đã có người cùng chung cái cọc dài này bảo chị ta cần đi tiểu. Thế là tất cả mọi người đứng lên, cà nhắc đi để chị ta đến được cái lu, và chị ta ngồi tiểu trước mặt mọi người một cách... tự nhiên... Xong rồi mọi người lại cà nhắc trở về chỗ cũ. Trong phòng giam có 4 cái "xâu" người như thế. Suốt đêm, hết người này tới người kia mắc tiểu, mọi người cứ đứng lên, nằm xuống, rồi đứng lên, nằm xuống.. Cổ chân của tôi bắt đầu đỏ lên vì cấn vào cọc cây và cọc sắt.

    Những người đàn bà bị bắt đi trong chuyến tàu của tôi đều xa lạ. Ngoại trừ chị Hoa và chị Tánh là biết lý lịch tôi quá rành. Hai chị cứ ngồi rấm rức khóc, không biết làm gì cả, chỉ khóc và lại... khóc! Người vui nhất trong phòng giam này là... Chương! Lần đầu tiên trong đời, nó được nhiều người lớn sai bảo và thương nó. Có người nhờ nó múc nước cho uống. Có người nhờ nó... bóp chân, hay gãi lưng... Có người cần xức thuốc, nhờ nó bôi thuốc. Riêng chị Hoa thì cháu phụ thay tả em bé, cháu cầm quạt mo mượn một người trong phòng đứng quạt mát cho em bé suốt. Ai nấy cũng thương Chương lắm. Cháu biết lấy cảm tình mọi người, đến hỏi từng người có bớt đau chân chưa? Có cần cháu bóp chân nữa không... có cần cháu rót nước thêm không? Tôi nhìn nó lăng xăng mà thương nó vô cùng.

    Đêm khuya, tôi bỗng dưng nghe tiếng khóc la văng vẳng, nghe tiếng gì như ai nện chày vào nền nhà, rồi tiếng đàn bà thét lên trong đêm khuya, có cả tiếng kêu "Má ơi cứu con" , tiếng rên hự-hự.... Tôi biết ngay là họ đang tra tấn người nào đó. Thế là tôi ngồi... bắt đầu khóc rưng rức. Tôi khóc vì tôi sợ họ sẽ nghi tôi nói láo, và tưởng tượng tôi sẽ bị ăn đòn như thế. Tôi cũng khóc vì đây là số vàng cuối cùng mà má tôi đã vét hết nhà cho tôi đi, cộng thêm chiếc xe Honda cuối cùng trong nhà đã bán mất rồi... Tôi cũng khóc vì tôi đã vỡ tan mộng ước. Tôi có thể sẽ... chết nơi đây vì lao động không chừng ... Chương mon men đến gần tôi, rồi ôm tôi, rồi cũng rưng rưng lệ theo tôi. Mấy người xung quanh tôi rất ái ngại cho "mẹ con" chúng tôi. Họ nói đã vào đây là khó ra lắm. Trại này nổi tiếng là hung dữ và độc ác.. Đêm nào cũng có người bị tra tấn như thế.. Suốt đêm đó, tôi không thể ngủ được. Chương hết xoa bóp chân cho tôi, lấy quần áo chêm vào cổ chân tôi cho đỡ đau, rồi lại đến xoa bóp chân tay các người khác, rồi lại cầm quạt mo quạt cho mọi người... mát, rồi lại bế con của chị Hoa dỗ nó ngũ... Cháu thật là xốc vác. Và cháu cũng không ngủ được bao nhiêu dẫu cháu không bị còng chân.

    Trời vừa sáng, cả hai cái lu lại được mọi người "thăm viếng" nhiều hơn. Tôi cứ phải cà thọt lên một chút, rồi cà thọt xịt xuống một chút để người cần đi được ngồi vào đúng.. vị trí! Chương cũng bận rộn vô cùng, cháu lấy nước cho mọi người uống, có người còn nhờ cháu... bắt... chí nữa!.. Cái gì cháu cũng làm, cái gì cháu cũng biết, không ngờ cháu giỏi hơn tuổi quá nhiều!. Tôi kêu Chương lại, bảo nó đi đánh răng, rồi lấy bánh trong túi áo ra ăn sáng, rồi phải uống nước. Tôi có thấy nó nhìn tôi rơm rớm nước mắt, nó nói thật nhỏ "Dạ, Mẹ..ẹ.." Nó chưa cải tôi một chuyện gì cả. Bỗng dưng, cửa phòng giam mở ra. Một tên cán bộ trẻ độ 30 tuổi, cầm một cây ba ton đứng ngay cái cửa quan sát chúng tôi một chút. Ánh nắng theo cái cửa mở toang đó đã tràn vào trong phòng, thêm chút gió, làm căn phòng đỡ hôi thối hơn một chút! Nhìn hắn cầm cây ba ton đứng ở cửa, trong phòng thì tối, cái cửa thì sáng chói cả mắt, tôi liên tưởng đến Tử Thần cầm... lưỡi liềm đến rước người nào đi... Tôi thấy tất cả mọi người lật đật trở về chỗ cũ, không có lấy một tiếng động. Tôi biết ngay đây là một tên cán bộ hóc búa đây. Họ chào tên cán bộ như trả bài thuộc lòng:
    - Dạ chào cán bộ.

    Tôi cũng lí nhí nói theo. Hắn đi qua, rồi đi lại, nhìn thật kỹ từng người như để tìm xem ai là dối trá, ai là phản động thật sự... Rồi bỗng dưng, hắn quay lại nhìn dáo dác. Hắn ngừng lại ở... Chương, và đưa cây ba-ton xỉ ngay trán của cháu, hỏi to:

    - Ê! Thằng nhỏ! Mày tên gì mậy?

    Chương lấm lét trả lời bằng chất giọng Bắc 54 của cháu:

    - Dạ thưa cán bộ, con tên Chương ạ!

    - Ạ..ạ...à....! Mày... đi theo tao...


    Chương sợ đến nỗi không khóc được. Mặt cháu đã xanh, lại càng xanh hơn. Ngay cả quay lại nhìn tôi, nó cũng không dám. Nó nắm tay tên cán bộ đi một mạch ra ngoài như người máy... Cánh cửa khoá trái lại, rồi tôi oà lên khóc nức nở!. Cả nhà giam xôn xao, không biết tại sao tên cán bộ lại bắt em bé nhỏ này đi đâu. Chỉ có tôi biết thôi, dù chỉ đoán, nhưng tôi thấy tôi đã đoán đúng: Họ đã nghi tôi nói láo nên dẫn Chương đi tra khảo!

    Tôi năn nỉ mọi người đi cà thọt làm sao cho tôi đến được cái cửa sổ độc nhất trong phòng kia để nhìn xem tên cán bộ dẫn Chương đi đâu. Cái cửa sổ cao trên đầu của tôi. Có hai chị phụ nữ chịu khom lưng lại cho tôi leo lên mới nhìn thấy được bên ngoài. Cái cây cọc cũng được mọi người nâng lên cao, và mọi người phải giơ chân treo cao theo cây cọc ấy. Tôi nhìn ra, và thấy tên cán bộ này bắt ghế ngồi trong một cái chòi lá xa phòng giam của chúng tôi độ chừng trên dưới 100 mét. Chương đứng trước mặt tên cán bộ, đưa lưng quay về phía cửa sổ của tôi. Tôi thấy tên cán bộ hỏi em rất nhiều. Ở xa, tôi thấy hắn đốt thuốc lá hút, rồi hỏi, rồi phì hơi, rồi hỏi... Bỗng dưng, hắn đứng lên, đi lại chỗ để cây... súng trường. Hắn cầm cây súng lên trong tay. Hắn lại hỏi, lại hút thuốc. Hắn chợt bật cái đầu súng có lưỡi lê ra, dí lưỡi lê vào mặt, sát lỗ tai của thằng bé với một tư thế hung hãn.. Ở xa, tôi không nghe hắn hỏi gì, nhưng tôi thấy Chương cứ lấy tay quẹt nước mắt, quẹt qua, quẹt lại... càng lúc càng nhanh. Lấy cả vạt áo chùi nước mắt... Rồi hắn đứng lên, nắm tay Chương về lại phòng giam.

    Tôi lại oà khóc nức nở, tôi bảo các chị nhanh trở về lại vị trí cũ. Tôi cũng chuẩn bị tinh thần để ăn đòn của hắn ta vì tội dám... gạt cán bộ. Cửa phòng mở ra. Tên cán bộ vẫn còn nắm chặt tay Chương. Mặt của cháu vẫn còn ràn rụa nước mắt, xanh tái mét. Hắn hỏi Chương lớn tiếng:

    - Ai là mẹ của mày? Chỉ tao coi!

    Chương đến gần tôi, và chỉ vào tôi. Hắn lại quay qua hỏi tôi:

    - Mày là mẹ của nó thiệt hông?

    Người tôi run lên, và giọng lạc hẳn..

    - Dạ .. thưa .. cán bộ, .. là ...em... th... thi..iệt......

    Tên cán bộ quay qua, nạt Chương:

    -Phải mẹ mày thiệt hôn?

    Chương lại oà lên khóc, vừa cà hịch, cà hịch, vừa trả lời:

    - Dạ phải ..(hic..).. mà ..(hic.).. cán bộ...( hic hic..)

    Tên cán bộ gầm gừ nhìn tôi một chút, rồi bảo:

    - Lấy quần áo đi dìa đi.

    Tôi sững sờ một giây, rồi hiểu ngay ra tại sao... Tôi ôm lấy Chương vẫn còn đang cà-hộc, cà-hịch, mặt đầy nước mắt nước mũi. Tôi biết ngay Chương đã nhất định, cả quyết tôi là mẹ của cháu dẫu bị tên cán bộ đòi... bắn, đòi... đâm chết cháu bằng cái lưỡi lê kia. Hai "mẹ con" tôi ôm nhau khóc ròng. Tôi thật sự biết ơn cháu Chương còn nhỏ xíu thế kia mà đã dám cả gan che chở cho tôi. Tôi ngỡ đâu tôi là người sẽ lo lắng, bảo bọc cuộc sống của nó. Tôi chưa làm được điều gì cho đời của nó, vậy mà ngược lại, nó lại là người cứu tôi khỏi bị tù, khỏi bị đi lao động..., khỏi gông cùm... Tên cán bộ lúc ấy dùng cây ba ton đi đến chị Hoa đang bị cùm chân, bế con nhỏ, luôn cả chị Tánh, rồi bảo:

    - Bà này, "dới" bà kia cũng dìa luôn đi .

    Rồi hắn lấy chìa khoá mở cùm cho tôi và chị Hoa, chị Tánh... Tôi mừng quá, không ngờ sự việc lại như thế. Tôi không cần lấy gì về cả. Tôi đợi cởi cái cùm ra, tôi cởi luôn bộ đồ bên ngoài ra, tôi mò trong túi áo trong của tôi, lấy hết thuốc men để lại cho những người trong phòng giam. Dĩ nhiên kẹo bánh tôi lấy trước đó, tôi cũng để lại hết. Tôi vội vàng đi ngay vì sợ họ thay đổi ý!

    Chúng tôi 3 bà mẹ, 3 đứa con nít, không còn một đồng vì họ đã lục lấy sạch sẽ rồi. Chị Hoa lo lắng, không biết cách nào về lại Saigon. Tôi bàn với chị Hoa chị Tánh là cứ đi, cứ nói mình tù vượt biên ra, dân sẽ thương mình mà không lấy tiền xe đâu. Tôi đã... có lần như thế rồi. Khi tôi đi vượt biên lần trước đó, bị gạt hết vàng và tiền tận Phan Thiết, khi về Sài Gòn bằng xe lửa, tôi đã làm thế. Thậm chí, tôi đói bụng quá, tôi còn... xin ăn cơm tấm sườn ngay trạm xe lửa... free nữa!... Tôi còn bàn rằng sẽ đi bằng xe... lam nhỏ. Đi từng chặng ngắn để về Sài Gòn. Kinh nghiệm cộng với linh tính của tôi là tụi công an hay đổi ý, rồi ra bến xe đò để bắt người lại, nên đi xe lam là chắc ăn hơn. Chị Hoa ôm con nhỏ ngần ngừ. Nhưng chị Tánh nhất quyết không nghe tôi. Chị muốn về Sài Gòn càng sớm càng tốt. Chị Hoa ngần ngừ một chút rồi cũng chịu đi theo tôi. Vì chị cũng cần tôi và Chương giúp đỡ.

    Đúng như tôi đoán. Khi hỏi đi xe nhờ, tôi cũng nói luôn chúng tôi không còn tiền về Sài Gòn vì mới ở trong tù ra về tội vượt biên.. Ai cũng hỏi thăm và ái ngại cho chúng tôi. Dĩ nhiên, chúng tôi được đi free!.. Tôi rời trại giam khoảng 9 giờ sáng. Đến tối mịt tôi mới về đến Sài Gòn. Hàng xóm không ai biết tôi vừa trải qua một ngày đêm khủng khiếp trong tù giam với cái cùm... Sau này tôi mới biết vì chị Tánh đi ra bến xe đò, nên chị bị Công An tỉnh bắt lại ngay tại bến xe. Khi tên công an trong trại cho phép chúng tôi về, hắn chỉ là công an quận. Nhưng sau đó chỉ độ 1 giờ đồng hồ thôi, công an tỉnh đến, ra lệnh bắt hết lại những người đàn bà có con nhỏ này. Con nhỏ thì gửi về nội ngoại, nhưng cha mẹ đi vượt biên thì phải ở lại tù để "học tập và lao động". Chị Tánh bị bắt trở lại trại giam, ở tù thêm 6 tháng. Đứa con được chở về nhà nội!... Họ cũng có cho xe đi tìm tôi và chị Hoa mà không thấy... Tôi tự khen tôi đã quyết định sáng suốt!!

    Chương trở về sống với người bố và dì ghẻ. Chương học rất giỏi, và giỏi cách cư xử ở đời vô cùng. Khi Chương học hết trung học, cháu hy sinh nghỉ học để đi làm, phụ nuôi 2 em và gia đình. Sau chuyến đi ấy, tôi lại tiếp tục đi... vượt biên nữa. Rồi 5 năm sau, tôi thoát được và định cư ở Canada. Trong lòng tôi cứ ray rức câu chuyện của chị Vân và cháu Chương. Năm 2000, khi tôi về thăm Việt Nam lần đầu tiên. Tôi đã đi xuống Thủ Đức để tìm thăm cháu và cũng để tìm thăm lại một căn nhà của một người quen đã cùng tôi nhóm lá lên nấu cơm ăn vào những tháng 7, tháng 8 của năm 1975. Lúc ấy, nhà đã đổi chủ rồi! Gia đình này đã đi định cư ở Mỹ rồi. Anh chị chủ nhà là kiến trúc sư, đã cất một căn nhà sàn rộng bằng gỗ tốt. Phía trên để ngủ, phía dưới là bếp và phòng ăn. Tôi đứng bên ngoài cổng, nhìn vào trong cái bếp khi xưa. Tôi nhớ lại hình ảnh tôi và chị Th., chị chủ nhà, đã cùng nhau đi lượm lá cây, củi xung quanh về thổi cơm. Lá không cháy, và củi cũng không cháy. Khói thì mù mịt trời... nước mắt tôi lăn trên má.. không phải vì khói. Và tôi cũng nhìn thấy chị Th. mắt đỏ hoe. Cả tôi và chị ấy đều không biết làm sao cho lá cây cháy. Chúng tôi chỉ biết nấu cơm bằng... nồi cơm điện... hay bếp gas ,bếp dầu hôi thôi... Sau đó, tôi đến thăm gia đình anh Luyến cũng ở gần đấy. Anh đổi tánh khác hẳn, ăn chay trường, và suốt ngày đi đánh... cờ tướng ngoài đường. Dì ghẻ của Chương cũng rất thương Chương (vì nó là nguồn... tài chính chánh trong nhà).

    Chương nuôi 2 em đi học đại học. Một đứa là giảng viên đại học, và được học bổng sang Mỹ tu nghiệp. Mỗi tháng Chương cho bố tiền để xài chơi, cho dì ghẻ tiền ăn quà, và tiền chợ... và còn gửi tiền ngược qua Mỹ cho em ăn học, để em mình chỉ lo học hành mà không cần phải đi làm thêm gì cả ở bên Mỹ!

    Cháu chở tôi đi chơi bằng chiếc Toyota, và cùng nhắc lại kỷ niệm trong tù ngày xưa. Có một điều tôi không hề nghĩ ra, Chương đã làm tôi bật khóc khi cháu nói:

    - Cô... Diệu ơi! Cô có biết, hạnh phúc nhất cuộc đời trẻ thơ của con là những ngày... ở tù với cô không! Con chưa được gọi... MẸ bao giờ!!.. Đó là lần đầu tiên con được gọi MẸ!. Con cũng chưa được ai ôm con vào lòng với những giọt nước mắt rơi trên mặt của con như cô đã ôm con khóc. Khi mình được thả về Sài Gòn, cô có biết con buồn lắm không?! Con chỉ muốn... được ở lại trong... tù với mọi người, với cô, để con được gọi cô là mẹ mãi mãi.. Lúc ấy, cô đẹp lắm, cô chắc chắn phải đẹp hơn cả mẹ ruột của con dù con nghe nhiều người nói mẹ con cũng đẹp lắm. Cô đẹp hơn vì cô dám chịu nhận nuôi dưỡng con mà mẹ của con thì không. Cô đẹp hơn cả bà tiên vì khi con bị phỏng, không ai cầm tay con lên xuýt xoa cả, không có bà tiên nào hiện về an ủi con cả! Mà chỉ có cô thôi. Cô ơi! Con sẽ không bao giờ quên được những kỷ niệm này...

    Khi ấy, Chương đã là một chàng trai 30 tuổi, đẹp trai, lịch lãm như bố nó ngày xưa, và rất thành công trên đường đời ... Khi tôi còn ở bên Canada, chính tôi đã liên lạc và tìm ra được chị Vân. Chị kể cho tôi nghe rất chi tiết chuyện của chị ngày xưa. Chị gọi điện thoại nói chuyện với tôi hàng ngày, bắt tôi kể tỉ mỉ tất cả những gì về Chương. Chị khóc ròng với tôi khi tôi thuật lại chuyện chúng tôi đi vượt biên. Và khi tôi về Việt Nam thăm Chương, Chương đã nói những câu nói cảm động gì... Chị đã bay về VN gặp Chương khi Chương 33 tuổi.

    Tôi từ Canada sang Úc định cư, thì hay tin Chương điền đơn đi định cư ở Canada. Cháu hiện giờ ở Canada với chị Vân. Trời Phật trên cao đã đền bù cho cháu một cuộc sống ở xứ thiên đường, ngập tràn hạnh phúc, bình an.

    Bây giờ, bên xứ tự do này bán đầy rẫy những viên mồi lửa, và chỉ cần thả vài viên thôi là nó cháy bùng bùng rồi, nhưng tôi vẫn thích tự mồi lửa bằng củi chẻ nhỏ. Và tôi làm rất thiện nghệ! Khi tôi nhóm lửa barbecue nướng thịt nướng hay fire place, dù than, củi rất khô, dù không còn khói... inh-ỏi như xưa nữa, nhưng bạn bè hay gia đình tôi đều ngạc nhiên không hiểu vì đâu mà mắt tôi... đỏ hoe... ướt sũng... Không ai biết là những lúc ấy tôi đang nghĩ hoặc sống lại những giây phút với đứa con trong tù.

    Kim Chi / Nothwest Vietnamese News

  • #2
    Bài đọc cảm động quá, tôi đã rơi nước mắt. NP

    Comment



    Hội Quán Phi Dũng ©
    Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




    website hit counter

    Working...
    X