Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Ông Đại Tá Say

Collapse
X

Ông Đại Tá Say

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Ông Đại Tá Say

    ÔNG ĐẠI TÁ SAY
    Cách đây vài tuần tôi đọc được một bài thơ khá chân tình của Phan Huy, một thi nhân miền Bắc. Qua bài thơ này làm tôi chợt nhớ tới chuyện ông Đại Tá say. Tôi xin tạm trích lại vài đoạn của bải thơ đó (nguyên bản trên Internet ). http://www.vietthuc.org/cam-ta-mien-nam/

    Cảm Tạ Miền Nam
    Đã từ lâu, tôi có điều muốn nói
    Với Miền Nam, miền đất mới thân quen
    . . .
    Tôi đã ngạc nhiên với lòng thán phục
    Mở mắt to nhìn nửa nước anh em
    Mà đảng bảo là bị lũ nguỵ quyền
    Áp bức, đoạ đày, đói ăn, khát uống.
    Trước mắt tôi, một Miền Nam sinh động
    Đất nước con người dân chủ tự do
    Tôi đã khóc ròng đứng giữa thủ đô
    Giận đảng giận đoàn bao năm phỉnh gạt.
    . . .
    Hai mươi mốt năm trên đường cách mạng
    Xã hội thụt lùi người kéo thay trâu
    Cuộc sống xuống thang tính bằng tem phiếu
    Nhân phẩm con người chẳng khác bèo dâu.


    * * *
    Trước khi vào chuyện, chúng ta đã thấy CSVN cưỡng chiếm miền Nam bằng bao nhiêu thủ đoan đê hèn và bần tiện. Trên lĩnh vực Quốc Tế thì bọn côn đồ hung ác này đã xé bỏ hợp ước Paris, và đã ký giấy bán lãnh thổ VN, và sẽ bán tài nguyên cho Nga và Tàu Cộng để đổi lấy vũ khí, tiếp vận và quản trị. Trong lãnh vực Quốc Nội thì bọn họ giựt dây nhóm MTGPMN ngây thơ, lừa bịp người dân trong Nam và họ dối gạt ngay cả hàng triệu cán bộ CS của họ. Không một chính sách đê hèn nào mà họ bỏ qua trong chiến trường Việt Nam. Bộ mặt ác quỷ của họ đã lộ ra sau tháng tư đen.

    * * *


    Ba tôi một mình vào trong Nam làm việc từ trước năm 1954. Cả dòng họ bà con, đại tộc bên nội lúc ấy đều sống ở miền Bắc. Đến 1954, khi hiệp định Genève ký chia đôi đất nước, ba tôi mua vé tàu tất tả chạy ngược ra Bắc để níu kéo gia đình nhưng không kịp nữa vì dòng họ ba của tôi ở Cao Bằng, quá xa Hà Nội, không có đủ phương tiện để đi và về kịp... Ba đành phải lên tàu quay về lại SG. Thế là bắt đầu từ đấy, ba tôi quay quắc nhớ cha mẹ, nhớ đàn em 8 đứa hãy còn nheo nhóc, nhớ núi, đồi, nhớ quê hương miền Bắc…

    Khi vào Nam làm việc cho Pháp, cũng có vài bác cùng quê ở Cao Bằng, cùng học và ra trường chung khoá 1 Quốc Gia Hành Chánh, và cũng vào Nam làm việc như ba tôi. Các bác chơi rất thân thiết với nhau. Khi gặp nhau, ba và các bác phì phèo điếu xì gà, nói chuyện với nhau bằng tiếng Tày, là tiếng của sắc dân Tày ở Cao Bằng. Khi ấy, tôi loáng thoáng, mơ hồ đoán ba tôi có những nổi niềm mà chỉ có các bác mới chia sẽ được với ba. Khi tháng Tư đen 1975 ập đến, gia đình tôi đang sống ở Biên Hoà. Tháng 6/75, như bao công chức khác, ba tôi được lệnh phải đi học tập MỘT tháng để biết "đường lối của nhà nước mới". Chúng tôi, cũng như tất cả người miền Nam lúc ấy, đã ngây thơ soạn cho ba chỉ vỏn vẹn một ba lô gồm ít quần áo, vật dụng cá nhân, một cái chiếu với cái gối bằng gỗ bọc da màu đỏ đã đi theo ba tôi cả cuộc đời của ông.

    Trước ngày đi học tập một ngày, trưa ấy chỉ có tôi và má tôi ở nhà để lo đồ ăn cho ba ngày mai sáng lên đường. Bỗng có tiếng chuông ai bấm bên ngoài. Tôi nhìn ra cỗng, thấy anh bạn học cùng khoá với chị Cả của tôi, đi với một người cán bộ Việt Cộng, kẹp nách sổ sách giấy tờ. Tôi và má tôi đoán là họ muốn bổ túc giấy tờ trước khi ba đi học tập, nên tôi đã ra mở cổng. Nhưng, không phải như chúng tôi đoán, cái người bạn học của chị tôi là... điềm chỉ viên cho tên cán bộ, đến nhà chúng tôi để kiểm kê và tịch biên nhà!!! Họ ghi tất cả những gì đang có trong nhà của chúng tôi từ chiếc ghế đẩu, con dao, đến cái chuồng gà, và ngay cả ngọn đèn trên tường! Cuối cùng, trước khi đi về, họ đã bắt má tôi ký vào. Trong tờ kiểm kê này, họ bảo rằng vì ba má của tôi đã có... nợ với nhân dân; vì chị Cả của tôi làm việc cho C.I.A ( trong khi chị đang du học về Tài Chánh và Kế Toán tại Nhật!); vì các cậu vàcác dì làm việc cho Ngụy (tất cả các cậu đều là sĩ quan không quân, và các dì đều là giáo chức); và vì đặc biệt là ông anh rễ của má tôi là thành phần.. bất hảo (một cánh tay của guồng máyTổng Thống Thiệu đến ngày 29/04/1975) nên phải trả nợ lại cho nhân dân! Nhưng, cái câu quan trọng và khủng khiếp nhất trong văn bản này là chúng tôi phải ra khỏi nhà trong vòng một tháng mà không được đem theo những thứ đã liệt kê -có nghĩa là ra đi với hai bàn tay trắng.

    Ba tôi đi học tập ngày hôm sau với một cỏi lòng tan nát. Không biết được rồi gia đình sẽ dọn đi đâu? Không biết rồi vợ con mình sẽ làm sao sống? Còn tôi, nhìn ba tôi rưng rưng lệ, bước chân thiểu não mà tôi thật đau lòng. Phải chi họ đến kiểm kê trể hơn chỉ một ngày, thì có lẽ ba tôi đi học mà không đau khổ và lo lắng như vậy. Các cậu, các dì, các anh em của má tôi cũng đi “học” khắp các trại cải tạo, đều bị kiểm kê, đều bị lấy nhà, khổ không thua gì chúng tôi. Gia đình 5 người của chị Hai Nguyệt (con của dì Ba tôi) vì lên tàu ra sông SG ngày 29/4/75, đã bị đạn của Việt Cộng bắn theo. Con tàu đã nổ và cháy tan tành, chìm đắm như những tương lai và tuổi trẻ bị nhấn sâu xuống dòng nước oan thiêng. Các cháu của tôi, từ 2 đến 8 tuổi, chưa kịp lớn để hiểu chiến tranh là gì, miệng hãy còn ngậm nắm vú, tay hãy còn ôm con búp bê. Có đau không khi mảnh đạn xé nát thân thể của các cháu tôi? Con sông SG đã tanh tưởi mùi máu của gia đình anh chị Hai Nguyệt. Đã đau đớn như thế, mà họ còn đến nhà chị Hai tịch thu nhà. Tiệm bán đồ dùng điện tử của chị cũng được họ chiếu cố tận tình. Một tên cán bộ VC có cái gò má hóp nhô cao, mắt thâm quầng như bị ai đấm vào, nước da vàng như nghệ... đã cầm cái máy cạo râu lên, lật tới lật lui ngắm nghía, áp vào tai của hắn, rồi hỏi tôi “Có phải đây là cái... đài không?”. Bỗng dưng tôi thấy vừa khinh khi họ, lại vừa tội nghiệp cho cái dốt nát quê mùa của họ quá. Chúng tôi chỉ xin nhặt lại những quyển album hình gia đình chị Hai N mà thôi. Đứng lật và nhìn lại hình ảnh của thằng bé Lân như võ sĩ tí hon (vì Lân được học võ Thái Cực Đạo, suốt ngày mặc bộ đồ võ thuật màu trắng), con bé Loan đẹp như thiên thần, bé Linh mủm mĩm, nụ cười ngây thơ, đôi mắt chúng tròn xoe trong ảnh như đang hỏi tôi.. tại sao? tại sao đã để cho chúng cháu đau đớn đến thế? Chúng tôi khóc oà lên, khóc nức nở, tức tưởi, khóc.. đưa tang các cháu và anh chị Hai mà không có kèn trống, không có quan tài, và không có người đưa tiễn.

    Sáng hôm sau, tôi chở ba tôi đi xuống một trường trung học công lập để tập trung và điểm danh. Tôi nhớ đông người lắm. Tôi cố gắng tìm xem các bạn làm việc trong Toà Hành Chánh tỉnh với ba má tôi ai còn ai mất. Tôi nhỏ giọng nói cho ba biết là tôi không thấy ông Quận Trưởng K. cũng không thấy chú Trưởng Ty Công Chánh, thiếu bóng một số anh Đốc Sự vừa mới tốt nghiệp Quốc Gia Hành Chánh vài tháng, hay đi đánh tennis với ba tôi. Tôi mừng thầm cho sự vắng mặt của các người ấy. Họ thật là may mắn hơn chúng tôi. Những người còn lại, mặt mày ai cũng mang đầy lo âu, buồn bã, ũ dột… Sau vài giờ chờ đợi và điểm danh, họ chất mọi người lên xe cam nhông, chở các quân nhân, công chức đi mà không cho biết là đi đâu cả. Thật sự trong lòng tôi lúc ấy, chỉ muốn chạy chiếc xe Honda theo đoàn xe cam nhông kia, xem họ sẽ đem ba tôi đi đến đâu?

    Ba tôi đi rồi, má tôi chạy đôn chạy đáo lên xuống SG, Cai Lậy, Biên Hoà để năn nỉ bà con xa gần cho ở nhờ. (Cho đến hôm ấy, vẫn chưa biết chúng tôi sẽ dọn đi đâu ở). Và má tôi cũng phải chạy đôn chạy đáo để bán nử trang mà má tôi nhanh tay dấu kịp. Thời ấy, vàng vòng bán không ai muốn mua cả. Nếu mua thì họ mua với giá rẽ mạt. Hôm ấy, sau khi ba tôi đã đi ”học“ độ hơn 2 tuần lể, tôi và má tôi đang ở nhà tém dẹp đồ đạc. Ngoài cỗng có tiếng chuông! Từ trong cửa sổ nhà nhìn ra, tôi thấy có một chiếc xe jeep đậu ngay trước cỗng. Có hai người bộ đội đang đứng chờ mở cửa. Một người trẻ. Một người trung niên, dáng dấp to lớn. Trên cổ áo của cả hai người lấp lánh sao vàng, chứng tỏ có chức tước. Tôi nấp vào trong nhà, người tôi run lên. Tôi khe khẻ bảo má tôi trốn vào trong đi. Tôi đoán họ đến lấy nhà sớm hơn ngày ghi trên giấy tờ. Mặc cho họ bấm chuông liên tục, tôi và má tôi cuống quít trong nhà, chạy vội lên lầu, rồi lại quýnh quáng chạy xuống lầu. Má rưng rức khóc, không biết phải dấu thêm cái gì vào người, phải làm sao với hai ông tướng bộ đội ngoài kia. Còn tôi thì sững sờ và chết điếng cả người khi nghỉ rằng phải giao nhà cho họ ngay bây giờ. Phản xạ, tôi vơ vội một bộ đồ và mặc chồng vào, để nếu ra khỏi nhà thì tôi cũng có thêm một bộ quần áo.

    Có lẽ vì thấy thấp thoáng bóng chúng tôi ở trong nhà, người bộ đội dáng dấp to lớn mới nói thật to vọng vào trong nhà bằng giọng Bắc Cao Bằng như của ba tôi:

    -- Chị ơi! Đừng sợ! Em là em họ của anh Chương đây! Em ở Cao Bằng vào Nam tìm anh đây. Chị ơi, em là người nhà ngoài Bắc vào đây, chị mở cửa đi nào, đừng sợ.

    Tôi và má tôi nhìn nhau. Nghe thật là lạ lùng quá, lạ tai quá. Chúng tôi chưa bao giờ biết lấy một người thân nào ở bên nội. Chưa nghe, chưa thấy, chưa biết bao giờ! Ôi! Ngạc nhiên quá, lạ quá…Tôi đi từ từ lại cửa sổ để nhìn kỹ họ lần nữa. Họ đeo đầy huy chương, trên cổ áo thì có rất nhiều sao vàng. Cả hai lại còn dắt súng bên hông nữa. Nhưng mặt mày họ có vẻ thân thiện. Má tôi hỏi từ trong nhà ra vài câu rồi mới bảo tôi mở cửa cổng.

    Người trẻ tuổi tên Thụy, có chức vụ quân đội là trung uý (hai sao). Còn người to lớn, đấy là em rễ họ của ba tôi. Chú tên là Phan Ninh. Chú PN phải cao trên 1 mét 75. Chú cao lớn, da dẻ trắng và hồng hào như người Dalat. Trên ngực áo của chú đeo dày đặc huân chương. Cổ áo của chú gắn hai gạch với 3 ngôi sao. Lần đầu tiên sau ngày 30 tháng tư, tôi được thấy một người bộ đội đeo nhiều sao như thế. Và cũng là lần đầu tiên, tôi được thấy một người bộ đội cao lớn, trắng trẻo, đẹp trai, phương phi, dáng dấp như Tây Phương chứ không... quê mùa, đen đủi, răng hô... như những bộ đội mang dép râu lúc ấy.

    Thật là vô cùng thú vị khi nghe câu chuyện của chú kể nhờ đâu mà chú tìm được chúng tôi. Chú là trung tá pháo binh. Chú rời Cao Bằng cả hơn 6 tháng nay để vào giải phóng miền Nam. Khi rời CB, cả dòng họ đại tộc, đã đặt hết tất cả hy vọng vào chú.Bằng đủ mọi cách, chú phải tìm cho ra người cháu, người anh Cả, người bácđã mất tông tích mấy chục năm qua. Chú kể, chú nằm ngay trong tỉnh Biên Hoà đã 3 tháng trời trước ngày 30/4. Chú chính là người đã ra lệnh pháo kích vào khu vực gia đình chúng tôi ở vì nhà tôi gần ty Cảnh Sát. Rất may nhà tôi không bị trúng đạn của chú. Sau 30/4/1975, chú được lên chức Đại tá. Nhưng vì chưa tìm được tông tích của ba tôi nên chú không thể về CB. Mà làm cách nào để tìm ba tôi đây? Biết mặt mũi ba tôi thế nào? Biết ba tôi ở đâu mà tìm? Biết bắt đầu tìm từ đâu?

    Chú cùng Thuỵ, người cận vệ của chú, hay đi ăn phở Pasteur ở Saigon. Một hôm, trong quán phở đông đúc, đa số là dân SG, nên chú và Thuỵ dè dặt khi nói chuyện, vì sợ dân xung quanh vẫn còn có kẻ phản động. Muốn thế, chú cùng Thuỵ nói chuyện với nhau bằng tiếng Tày, là ngôn ngữ dân tộc thiểu số Tày ở Cao Bằng.Chú băn khuăn nói với Thuỵ:

    -- Công tác GPMN đã xong rồi. Nhưng còn công tác tìm anh Chương thì chưa xong. Nên ta không thể về quê bây giờ được. Cả cái miền Nam rộng lớn thế này, biết đi đâu mà tìm anh Chương bây giờ?! Ngay cả nếu anh Chương ở SG này, cũng không biết làm cách nào mà tìm anh đây?! Chưa thể về Bắc được, khi chưa tìm được anh Chương.

    Ngồi ở cái bàn sát bên chú Linh là bác Cược. Bác Cược là bạn thân nhất của ba tôi cũng là người CB. Cùng học chương trình Pháp với ba tôi. Cùng học QGHC, cùng rời CB và cùng vào Nam chung tàu với ba tôi. Nhưng bác lại làm cho hãng tư nhân nên bác không bị đi học tập.Tất cả bạn của ba đều cùng số phận như ba tôi, ngoại trừ có một mình bác Cược. Bác lắng nghe hai người bộ đội bàn kế bên nói chuyện với nhau bằng tiếng Tày. Và bác quyết định bắt chuyện với hai người bộ đội cũng bằng tiếng Tày:

    -- Hai anh có phải đi tìm anh Ch. người quê Hà Quãng, CB đấy không? Nhà anh ấy ở huyện..., xã... Anh ấy có 8 người em tất cả, có bố mẹ tên là...có cậu em Út tên là ...

    Chú Ninh cùng Thuỵ reo lên vô cùng mừng rở. Thế là nhờ vào cái tiệm phở, nhờ vào câu chuyện bằng tiếng Tày, nhờ bác Cược không đi học tập, và nhất định là phải có bàn tay của trời đất ơn trên sắp xếp cho gia đình tôi gặp được một đại ân nhân vì chú đã cứu và cưu mang chúng tôi rất nhiều. Sau khi kể sơ chuyện gia đình ngoài Bắc, và hỏi thăm tình hình gia đình chúng tôi trong Nam. Chú Phan Ninh nôn nóng muốn đi tìm thăm ba tôi ngay tức khắc để xem có giúp được gì chăng? Chú đã chở má tôi cùng Trọng (em trai Út của tôi) đi tìm ba tôi ngay trưa hôm đó. Chú đi hỏi hết cơ quan này đến cơ quan khác để biết ba đang ở trại học tập nào. Họ đã chuyển ba tôi nhiều lần sau khi phân loại lý lịch. Ba tôi đang ở trại Long Khánh. Vì quá bất ngờ, nên má tôi chỉ kịp ngừng xe dọc đường rmua cho ba it chôm chôm và hộp sửa Ông Thọ mà thôi. Khi chú và má tôi đến trại Long Khánh, chú PN đã oai nghi vào tận văn phòng của thủ trưởng trại cải tạo, không biết chú đã nói gì với họ, mà họ đã gọi loa phong thanh tên của ba tôi. Họ gọi ba tôi ra và bảo có người muốn gặp. Tất cả các trại cải tạo thời điểm ấy, chưa có ai được gặp người nhà bên ngoài, mà thân nhân bên ngoài cũng chưa có ai được vào thăm nuôi người nhà đang học tập cả. Cho nên, khi ba tôi được tên cán bộ dẫn ra, ba khựng lại, gần như xĩu khi thấy má tôi và Trọng bị hai tên tướng tá bộ đội kè sát. Ba tôi lúc ấy nghỉ rằng bọn họ đã bắt luôn cả má và em trai Út tôi vào học tập chung. Từ xa, ba tôi nhấc chân đi không nỗi, bước thật nặng nhọc đến gần má tôi như lê như lết. Chỉ mới có mười mấy ngày trong tù thôi mà ba tôi nhìn tiều tụy thấy rõ. Đôi mắt trũng sâu, đôi lông mày đen thật rậm ngày xưa của ba đổi thành màu trắng, quần áo mặc rộng thùng thình như mặc đồ khính vì ba sút cân quá nhanh. Chú PN hiểu rõ nỗi lo sợ của ba tôi. Chú dùng tiếng Tày nói trấn an ba tôi ngay:

    -- Em là em họ của anh đây. Em từ CB vào tìm anh đây. Anh yên tâm, chị và gia đình không sao cả. Anh đừng sợ. Có em vào Nam lo cho anh và các cháu đây.

    Họ cho thăm ba tôi độ nữa tiếng. Chú Ninh cố gắng xen vào ít câu tiếng Tày để dạy ba cách khai lý lịch như thế nào, nên khai cái gì và không nên khai cái gì. Ba tôi cũng dùng tiếng Tày nói cho chú Ninh biết là ba phải khai lý lịch hầu như mỗi ngày! Nếu viết sơ xuất một chút gì, họ khai triển ra, và bắt ba tôi lên tra khảo ngọn ngành.Thế là chú báo tin ngay cho ngoài Bắc biết đã tìm được ba tôi rồi. Cả họ hàng ngoài Bắc vô cùng mừng rở. Các chú, các cô, các cháu của ba tôi đã oà khóc lên vì vui mừng, và chuyền tai nhau tin vui lớn hơn cả ngày Tết này. Bây giờ việc cần kíp phải làm là làm sao giử lại được căn nhà đang gần ngày phải dọn ra. Chú rất thông minh và hung dử. Chú nói má tôi viết một tờ giấy bán nhà cho... chú! Cái ngày má tôi "bán" cái nhà là cái ngày trước cái ngày của hai tên cán bộ đến kiểm kê vài tuần. Sau đó, chú đeo tất cả huân chương vào đầy tràn ngực áo, chú đeo súng vào, dĩ nhiên đeo luôn lon đại tá vào. Cả Thuỵ, tên cận vệ của chú, cũng đeo lon Đại uý vào. Chú cầm tờ giấy "mua bán nhà " đi thẳng lên Uỷ ban nhân dân tỉnh BH, chú để tờ giấy trên bàn của tên cán bộ và quát tháo ầm ĩ cả lên. Chú bảo:

    -- Đây là nhà của tôi. Tôi đã mua trước rồi. Ai muốn lấy nhà này cứ đến tìm tôi mà nói chuyện. Có ai thắc mắc gì không?

    Không ai "thắc mắc" gì cả. Và chúng tôi ở yên ổn trong căn nhà luôn bao nhiêu năm trời. Chưa hết, chú chở các dì của tôi đi các trại học tập để thăm nuôi chồng. Người thì bị học tập ở miền Trung, người thì miền Tây... Phải đi ghe, băng rừng, phải ngủ tạm trên xe hơi, trên ghe thuyền ban đêm, chờ con nước lên mới đến được những nơi khỉ ho gà gáy ấy. Nếu không có chú xông xáo vào từng ty Công An để hỏi cho ra tông tích của các dượng, các cậu, thì có lẽ các cậu các dượng có thể đã bỏ xác trong trại rồi. Họ không cần đánh đập gì cả! Họ chỉ bỏ đói thôi. Đói lắm, không có gì để ăn cả mà còn phải cày cuốc, rồi kiểm điểm suốt ngày đêm. Lại thêm rừng thiêng nước độc, rất nhiều người bị bệnh và chết vùi xác trong rừng mà người nhà ở bên ngoài không hề hay biết.

    Thời ấy, tranh tối tranh sáng, bọn chăn trâu đều lên làm xã trưởng, ấp trưởng. Đúng là ”Cái thời sâu bọ lên làm người “ (Nếu tôi nhớ không lầm thì đây là câu nói của nhà văn Chu Tử). Chú dắt chúng tôi đi “chơi" khắp mọi nơi. Chú dẫn tôi đến ngay tên X, một tên cán bộ xã có răng vẩu, mồm hô như cái bàn nạo dừa. Khi ba tôi vừa mới đi vào trại học tập, tên cán bộ này “mời” riêng tôi lên văn phòng xã, và bắt tôi phải làm một tờ giấy Tự Kiểm Điểm vì lý do tôi mặc một cái quần... Tây. Quần Tây thời ấy là quần ống xì gà, được cắt may thanh lịch, thong thả chứ không bó sát như jean bây giờ. Vậy mà tôi đã bị tội danh là mặc quần áo ”Đồi Trụy của Mỹ Nguỵ”. Từ đấy về sau, tôi cất hết các quần Tây vào xó dù chú PN đã dằn mặt tên cán bộ xã rồi. Tôi không muốn phiền chú những chuyên nhỏ nhặt này. Mà tôi cũng không chịu được cái nhục khi họ sỉ vã tôi chỉ vì một cáiquần. Mỗi lần từ SG lên thăm chúng tôi, chú cứ đi rễu-rễu ngoài đường, gặp ai chú cũng "vui vẻ" bắt chuyện không sót một người. Chú không quên tự giới thiệu là chú RUỘT của chúng tôi! Thế là họ không còn hiếp đáp gia đình tôi nữa.Tôi nhớ, gia đình tôi có một miếng đất ở gần Thủ Đức. Chúng tôi phải xuống đó trồng khoai lang và đậu phộng cho giống nông dân. Trồng ban ngày, chiều tối thì chúng tôi phải về nhà. Cái tên chăn trâu ở cạnh đấy biết gia đình tôi là Nguỵ quyền, nên mỗi ngày sau khi chúng tôi về, nó nhổ ăn cắp từ từ những cái cọc hàng rào bằng sắt để bán lấy tiền. Hắn nhổ hầu như công khai mà má tôi chẳng biết kêu gào với ai đây? Chẳng những thế, rào kẻm cũng mất từ-từ. Chú PN đến nói chuyện bâng quơ với nó:

    -- Này! Anh để ý hộ cháu và chị tôi nhá. Thấy đứa nào nhổ cọc với ăn trộm hàng rào thì báo cho tôi biết, tôi bắn bỏ mẹ cả nhà nó nát óc, chết tươi ngay.

    Và từ đấy, tuyệt nhiên không bị mất cọc với hàng rào nữa.

    Chú PN chẳng những là chổ dựa tinh thần của chúng tôi thời ấy, mà chú còn vạch rõ đường đi cho chúng tôi. Chú chở tôi đi xin học, lăn xã đi tìm việc làm.Tôi nhớ, khi hay tin công ty Shell cần nhân viên, chú đã chạy về BH đón tôi đi xin việc ngay. Hởi ôi... Mật ít mà ruồi quá nhiều.Tôi không thể nào chen lấn nổi vì lúc ấy người tôi thật mảnh mai, yếu đuối. Chú PN đã nhấc bỗng tôi lên, dùng thân người của chú đẩy mọi người vẹt ra hai bên để đặt tôi vào tận sát cái bàn nhận đơn, rồi chúng tôi đứng ngay đấy chờ họ duyệt.Chú đã dùng hai tay cung ra làm rào cản cho tôi, vì người ta quá sức là đông. Công dã tràng, họ đã trả đơn lại vì cái lý lịch tồi tệ của tôi. Chú chửi um sùm lên:

    --“Bác” đã bảo chúng ta có một đường lối và chánh sách khoan hồng cơ mà?..Ai làm thì người ấy chịu... Bố của nó đang học tập tốt rồi. Nó chỉ là đứa học trò thôi. Nó nào có tội lổi gì mà các anh gạt tên nó ra? Các anh học lại đường lối lãnh đạo của Đảng đi, các anh sai...bét nhè rồi..

    Chú vừa đi ra cửa, vừa chửi thề toáng cả lên:

    --Mẹ kiếp chúng nó, cái bọn ..tập kết... dốt nát..

    Tôi còn nhớ chú cũng đã mắng xối xã vào tên ấp trưởng của gia đình tôi khi họ bắt má tôi phải đi học tập, rồi họp ngày, họp đêm mãi. Chú bảo họ:

    -- Gia đình chị của tôi đã có anh tôi đi học tập rồi, chị và các cháu cũng đã học tập tốt rồi. Cả nhà 7, 8 miệng ăn mà cứ suốt ngày bảo người ta hội với họp, học với tập. Bộ nói họp là xách cái quần đi họp được ngay à? Thế các anh nuôi các cháu tôi đi nhé để chị tôi mới rảnh rỗi mà đi họp.

    Chú cũng dạy cho chúng tôi biết thế nào là chế độCộng Sản. Tôi nhớ mãi câu nói để đời của chú:

    --Cộng Sản là cái chế độ giống cái mặt bàn này đây. Ở trên đánh vẹc-ni bóng loáng, nhưng ở dưới nhám xịt, sờ vào xước da đau đấy cháu ạ

    Chú cũng kể cho chúng tôi nghe, trước khi vào Nam để thực hiện công tác "giải phóng miền Nam" chú đã bị gạt rằng trong miền Nam rất đói khổ, bọn Mỹ Nguỵ hành hạ và ức hiếp dân đen thật ghê gớm nên chú càng hăm hở làm nhiệm vụ GPMN với tất cả nhiệt huyết con tim. Đến khi chú vào tới miền Nam rồi, ngày thì chú trốn dưới hầm, đêm chú trốn ra, đi chơi bên ngoài lẫn lộn với dân chúng. Chú đã choáng váng, ngở ngàng khi biết chú và tất cả dân miền Bắc bị gạt. Chú đã thấy ngay chủ nghĩa CS là một trò lừa bịp,nhưng chú không còn đường thối lui nữa. Chú cay đắng nói với chúng tôi là chú đã để dành khá nhiều tiền để vào Nam cho ba tôi (!) vì họ bảo dân miền Nam làm việc nhiều mà lương rất ít, không mua sắm được gì cả...

    Anh Phát của tôi lúc ấy vừa học Luật, vừa học Đại học Khoa Học để lấy chứng chỉ SPCN. Chú PN đã đến la cà với ban lảnh đạo trường. Cuối cùng, chú đã khuyên anh Phát rằng:

    --Cháu không vào được các ngành ấy đâu. Ngay cả cháu có học giỏi cách mấy cũng vậy. Họ sẽ đánh rớt cháu đấy... Cháu chỉ nên học về...Nông Nghiệp thì họa may họ còn cho cháu đậu! Cả dòng họ mình ngoài Bắc chỉ vì có một mình ba cháu vào Nam, mà các chú, thím, các em đều có lý lịch xấu ba đời không được học hành hay có chức tước gì cả đấy cháu ạ! Mà cháu phải thi ngay, phải đậu ngay năm nay. Chứ để trể thêm một, hai năm nữa, họ sẽ đánh rớt cháu đấy... Họ chỉ nới tay lúc mới vào chiếm miền Nam thôi...

    Anh Phát thật buồn, mộng làm BS bay theo mây khói! Nhưng cũng nhờ chú hướng dẫn, nên anh đã đăng ký thi và đậu môn mục súc trong ĐH Nông Nghiệp ở Thủ Đức để tốt nghiệp làm BS Thú Y. Anh đã học ngày học đêm vì chú PN đã răn, đe doạ, kềm sát anh không cho anh đi chơi bạn bè gì cả.

    Sau khi ba tôi dời về học tập ở Bình Phước, ba tôi "được" phân công gánh phân..xanh tưới rau! Ba tôi bảo ngay với bọn cai quản trại học tập rằng:

    -- Sao ...bâ..ẩn thê..ế..!! Tôi không làm chuyện ấy được.

    Thế là ba tôi bị làm kiểm điểm, bị phạt và chưi bới dử lắm! Mà ba tôi vẫn nhất quyết không chịu đi lấy...phân! Chú PN lại phải vào trại dàn xếp cho ba tôi. Cuối cùng ba tôi được làm anh nuôi (có nghĩa là người nấu ăn)! Từ bé, tôi chưa bao giờ thấy ba tôi vào bếp cả. Tôi nghe kể lại sau này, ai nấu cơm chung tổ với ba tôi đều rất sợ vì củi ba tôi tìm đem về đều còn tươi rói!

    Kế sát nhà tôi là nhà ông bà Trưởng Ty Điền Địa. Ông bà lúc ấy phải gần 70 tuổi rồi. Bỗng dưng nhà ông bà để đèn suốt ngày đêm cả tuần lễ, rồi sau đó Hội Phụ Nữ đến đóng đô! Lúc ấy chúng tôi mới biết ông bà đã... đi vượt biên! Chú PN lại trầm tư suy nghĩ, đi dò la tin tức rồi bảo chúng tôi:

    --Hai ông bà hàng xóm già thế kia mà còn đi vượt biên được. Có khi các cháu phải đi vượt biên thôi chị ạ. Các cháu không chịu nỗi chế độ Cộng Sản đâu... Chị cố gắng gói ghém lại và tìm cách cho các cháu đi càng sớm càng tốt chị ạ. Nếu em còn trẻ, nếu em không vướng bận gia đình, chắc chắn em cũng đi vượt biên thôi, chị ạ. Hay! Thật hay!

    Chúng tôi đã nhận ra những lời chú nói đều đúng như thế. Trọng, em trai tôi cũng mơ học làm bác sỹ. Em học giỏi nhất nhà. Mỗi cuối năm, em đều đem về nhiều loại phần thưởng khác nhau. Nhưng em đã nghe lời chú thi vào ĐH Nông Nghiệp. Em làm bài thi rất trôi chảy. Nhưng lại không có tên trên danh sách thí sinh đậu được dán ở Ty Giáo Dục BH. Đi hỏi các thầy chấm bài, thì các thầy đều nói bài của em phải đậu thứ hạng cao. Chắc có sự nhầm lẫn?! Má tôi đạp xe lên ty Giáo dục tỉnh để hỏi. Khi về má tôi khóc nức nở... Họ đã mắng như tát nước vào mặt của má tôi rằng:

    --Bà đi về đi! Các con của bà đến 3 đời cũng không học đại học được đâu. Bà đừng mơ tưởng....

    Họ đã thẳng tay gạch tên Trọng ra khỏi danh sách học sinh trúng tuyển vào Đại học Nông Ngiệp Thủ Đức. Anh Phát của tôi hên vì năm ấy còn quá mới (1975) và họ còn say men chiến thắng nên đã để cho anh Phát ...lọt vào đại học Nông Nghiệp. Tội nghiệp em tôi, rưng rưng nước mắt, xách cây vợt bóng bàn đi tới khuya mới về. Lần đầu tiên trong đời, đứa em ngoan của tôi đã đi chơi từ sáng đến tối mịt mới về. Chú PN giận dữ, đùng đùng lái xe jeep đi đến Ty Giáo Dục tỉnh, chú đứng chống nạnh và xỉ mặt từng người chửi họ không ngớt miệng:

    --Các anh làm công tác giáo dục mà các anh chị ngu như ...con lợn! Sao có thể nào các anh chị lại ăn nói thua cả thằng chăn trâu chăn bò thế kia?! Các anh các chị dốt nát nên sợ người khác khôn hơn mình à?! Nên đánh gạt hết những người tài giỏi, chỉ để lại toàn một lũ ...dzòi bám đít các anh chị, thối tha, ngu xuẩn... Rồi tương lai nước ta sẽ có những lãnh đạo... thối...địt! Mẹ kiếp! Con "người ta " chỉ muốn học có cày cấy thôi mà cũng gạt bỏ, không cho vào đại học. Chả trách có những thằng bác sỹ không biết ...định bệnh, thằng kỷ sư thì không biết làm toán... chia! Và các anh chị làm giáo dục mà chẳng biết trọng nhân tài. Hãy dẹp ...mẹ cái biển ty Giáo Dục xuống đi...

    Chú ở lại trong Nam cho đến khi cả họ ngoại tôi đi thăm nuôi thân nhân đều đặn. Chú giúp các dì lấy lại tài sản đã bị mất. Chú đi săn tin từ trong ty công an ra, và biết ba tôi hay các cậu sắp bị chuyển trại tù mới là chú về báo cho chúng tôi hay để chúng tôi lo liệu. Rồi chú chở từng cái mùng mền lính Mỹ, từng thùng xăng, từng bao gạo sấy mà trại lính Mỹ đã bỏ lại, để chúng tôi bán lấy tiền thăm nuôi ba tôi và sinh sống. Chú trở về CB, và lại trở vào Nam thêm lần nữa để dẫn các cô, các chú, các em, các cháu tôi vào Nam thăm ba tôi trong trại học tập. Ngày chú phải trở về Bắc luôn, tôi rất buồn vì mất đi một người chú xốc vác, nương tựa. Chú dặn chúng tôi không được nói cho ai biết là chú về Bắc luôn vì sợ họ sẽ ăn hiếp gia đình chúng tôi nữa. Và chú nhắc nhở chúng tôi phải tìm đủ mọi cách để đi ...vượt biên cho sớm. Quà mang về Bắc, chú chỉ xin chiếc máy ảnh cũ nhưng rất tốt của ba tôi để kỷ niệm và cũng để về quê chụp hình kiếm thêm tiền những ngày về hưu.

    Chúng tôi đã nghe lời chú, và người đầu tiên trong nhà tôi được ưu tiên để đi vượt biên là Trọng. Nhưng đây là một sai lầm lớn của chúng tôi, đã không xem xét kỷ chiếc tàu và thời tiết ngày ấy. Chiếc tàu mang em tôi ra đi vĩnh viễn không tin tức... Chúng tôi càng hận CS hơn. Khi ba tôi còn trong tù, tôi đã bắt đầu đi vượt biên. Tôi đã bị gạt tiền vài lần. Đi vượt biên ở Cần Thơ, chưa tới nơi, tôi đã bị một thầng bé bán mía ghim dọc đường la toáng lên. Tôi đành phải quay về SG. không dám đi tiếp. Có chuyến bị bể, Công An lùng tôi, tôi phải chạy trốn trong bãi mía cả ngày. Lá mía đã cào nát tay và mặt của tôi. Tôi đi tận Phan Thiết để vượt biên, lại bị bắt. Nhưng ở đấy trại tù đã ...chật. Họ trấn lột vàng của tôi rồi thả tôi về ngay. Tôi đói bụng quá, tay chân tôi bủn rủn cả. Gần 2 ngày trời tôi chưa ăn gì. Tôi ngượng ngùng ngồi xuống một sạp cơm bình dân ở trạm xe lửa về SG, xin người ta cho tôi... ăn ít cơm! Tôi cho họ biết là CA đã tịch thu tiền của tôi cả rồi, và không còn lấy 1 đồng trong người. Họ nhìn tôi thương cảm, lấy cơm, cả nước trà mời tôi. Tôi cũng biết thế nào là gông cùm. Tôi đã bị tù cùm chân ở trại tù Châu Đốc vì vượt biên ... Nhưng cuối cùng, tôi may mắn đến được xứ sở tự do. Nơi ấy, tôi đã sống và làm bất cứ những gì tôi muốn mà không hề bị duyệt xét lý lịch của dòng họ ba đời. Ôi thương thay những người VN còn kẹt lại trong bàn tay độc tài của đám cộng sản độc ác.

    Tôi ước ao được một lần về thăm quê nội, thăm hết tất cả những người bà con của tôi vì có ba tôi vào Nam mà họ đã không ngóc đầu lên được cả mấy đời con cháu; Thăm đèo, núi, thác Bản Giốc nên thơ; và thăm ông chú rất... phản động của chúng tôi. Bây giờ tôi thật thấm câu chú PN đã nói với tôi khi tôi chưa tròn 18 tuổi:

    --Người dân ở miền Bắc tội nghiệp không thua gì dân miền Nam bây giờ. Họ cũng cùng số phận như người miền Nam, bị chế độ Cộng Sản cai trị... Chỉ khác có một điều là người miền Bắc đã bị bọn Cộng Sản cầm đầu, cai trị TRƯỚC người miền Nam, thế thôi!

    Và sau này tôi mới biết ra, người "chú" đã vào Nam để “giải phóng miền Nam”, đã cứu giúp gia đình tôi, bà con họ ngoại của tôi chỉ là một người... cùng làng xã, quen biết với dòng họ nội của tôi mà thôi! Chú Phan Ninh không thể khoanh tay làm ngơ khi nhìn thấy những áp bức, những mất mát quá lớn của gia đình tôi, bà con tôi, và cả bao nhiêu người dân miền Nam. Sau khi chú trở về Cao Bằng, chú đã bị gọi lên Trung Ương làm những tờ tường trình, kiểm điểm... Chú phải trình bày chú đã làm những gì khi ở trong Nam... Chú đã giúp gia đình chúng tôi những gì? Đã đi những đâu? Đã thấy được “gì” từ gia đình tôi. Họ bắt đầu xa lánh chú. Họ cũng cho chú về hưu non trong khi chú còn trẻ lúc 46 tuổi. Chanh đã vắt kiệt rồi, họ còn tiếc gì cái vỏ? Họ không muốn chú nằm trong guồng máy lãnh đạo lớp trẻ vì chú đã nhìn thấy quá rõ cái gọi là “Đảng Cộng Sản”. Chú PN càng buồn, càng hận hơn. Chú đã nhìn thấy đâu là sự thật và chính nghĩa. Chú hối hận vì đã quá nhiệt tình đi giải phóng miền Nam. Chú đau khổ khi thấy gia đình tôi thảm thương quá, và dân miền Nam oán than... Chú đã lặng ngắt, chết điếng người khi chúng tôi báo Trọng, em trai của tôi đã đi vượt biên bằng tàu không có tin tức gì cả. Chú dùng rượu để giải sầu. Chú say luý túy. Khi chú say, chú chửi Bác và Đảng um xùm làng xóm. Hàng xóm chú ở Cao Bằng rất thích những lúc chú say để họ được nghe chú chửi, nghe.. sướng cái màng nhỉ! Đâu ai dám chửi ngoài ông Đại Tá Say này? Bên cốc rượu, khi say, chú chửi tắt đèn... Nhưng khi chú tỉnh, chú ngồi trầm ngâm và lặng lẻ. Chú kể cho bạn bè ở Cao Bằng nghe, hình dung ra cảnh gia đình tôi, bà con tôi, người miền Nam đã sống trước và sau ngày 30/4/1975 như thế nào. Một số người Cao Bằng quá ngạc nhiên và nhờ đấy đã mở mắt, thức tỉnh. Cũng như chú, chú đã bừng tỉnh một giấc mộng dài. Chú tiếc là phải chi ngày xưa chú có dịp sát cánh với người Quốc Gia thật sự trong miền Nam để giải phóng miền Bắc... Từ đó chú đã sống trong sự nuối tiếc và uất hận.

    Cho đến một ngày, chú say mãi. Chú say ngũ một giấc ngũ triền miên. Chú không còn tỉnh lại được nữa. Tôi chưa kịp về thăm chú, chưa kịp đền ơn chú, chưa kịp kể cho chú nghe những chuyện "phản động" ở xứ người như thế nào. Chú ơi, hôm nay cháu nhỏ những giọt nước mắt trên cái bàn phím computer để kể chuyện chú cháu mình 40 năm trước như một nén hương tưởng nhớ đếnchú. Chú là một đại ân nhân của gia đình cháu. Cho dù người ta đã gọi chú là ”tên Trung Tá phản động” hay “Ông Đại Tá Say”, chú mãi mãi vẫn là một anh hùng rạng ngời của cháu, chú Phan Ninh kính yêu ơi …

    Kim Chi & Nguyễn Vô Danh


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X