Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Cộng Đồng Mạng Suy nghĩ về bài viết “Bốn mươi (40) năm sau còn cãi nhau về một cái tê

Collapse
X

Cộng Đồng Mạng Suy nghĩ về bài viết “Bốn mươi (40) năm sau còn cãi nhau về một cái tê

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Cộng Đồng Mạng Suy nghĩ về bài viết “Bốn mươi (40) năm sau còn cãi nhau về một cái tê

    Cộng Đồng Mạng Suy nghĩ về bài viết “Bốn mươi (40) năm sau còn cãi nhau về một cái tên” của Mặc Giao


    Hữu Nguyên


    BBT : Con người thưởng bị giới hạn bởi thời gian và không gian cho nên suy nghĩ cũng rập khuôn theo với những khuôn khổ đó. Nếu vài thế kỷ sau người ta nhìn lại những đả kích hay đấm đá giữa những người thuộc thế hệ bây giờ thì người ta sẽ có cái nhìn khách quan và tâm tư của một người sử gia, và họ sẽ xem nhẹ mọi khuôn khổ do thời cuộc xa xưa đã áp đặt lên con người của thời đại đó. Tuy nhiên trong thời hiện đại, cũng có người có tầm nhìn giống như sử gia vậy, họ không thả neo vào một thời điểm nhất định để đánh giá, vì thế họ chẳng quan tâm đến những thiển kiến ngắn hạn của một số người chỉ bám vào hiện thực để suy tư và hành động.


    Cộng Đồng Mạng


    Suy nghĩ về bài viết “Bốn mươi (40) năm sau còn cãi nhau về một cái tên” của Mặc Giao


    Chủ Nhật 22.3.2015, trên diễn đàn mạng xuất hiện bài viết “Bốn mươi (40) năm sau còn cãi nhau về một cái tên” của tác giả Mặc Giao, “nguyên là dân biểu Quốc Hội, Tổng Thư Ký Hạ Nghị Viện, Sứ thần ngoại giao của Việt Nam Cộng Hòa tại Paris (Pháp) trước 1975” (như phần cuối bài ghi). Bài viết của ông có nhiều nhận định đáng cho người đọc suy nghĩ, nhưng cũng có vài điểm muốn trao đổi, nên chúng tôi viết bài này.

    Mở đầu, ông Mặc Giao viết: “Miền Nam Việt Nam mất vào tay cộng sản cách đây 40 năm. Phe thắng cuộc gọi ngày 30 tháng Tư là ngày chiến thắng, ngày giải phóng miền Nam. Phe thua cuộc gọi đó là ngày quốc hận, ngày mất nước, tháng Tư đen… Ai muốn gọi là gì thì gọi, muốn kỷ niệm kiểu gì tùy ý và tùy theo lập trường của mình. Chẳng ai áp đặt được ai”.

    Chúng tôi nghĩ: Nhận xét đơn giản trên đây đáng lẽ chỉ có đối với người ngoại quốc không am tường cuộc chiến tranh VN. Với ông MG, một người “nguyên là dân biểu Quốc Hội, Tổng Thư Ký Hạ Nghị Viện, Sứ thần ngoại giao của Việt Nam Cộng Hòa tại Paris (Pháp) trước 1975”, đáng lẽ, ông phải thấy 30.4 là ngày Quốc Hận chung của cả nước. Nếu ngày 30.4.75, Dương Thu Hương, nữ đảng viên thanh niên xung phong mới ở tuổi 28, đã có thể thức tỉnh rồi khóc trong uất hận khi CS chiếm được Miền Nam, thì tại sao cho đến nay, một người hiểu biết lại ở trong cường vị lãnh đạo quốc gia như ông MG, vẫn khăng khăng cho rằng, chỉ có phe thua cuộc gọi 30.4 là Ngày Quốc Hận?VC phi nghĩa nhưng đủ thủ đoạn và mưu mô để gọi 30.4 là “ngày chiến thắng của cả dân tộc VN”, thì tại sao, những người Việt yêu nước và có chính nghĩa như ông MG lại không đủ sáng suốt để thấy rõ 30.4 là Ngày Quốc Hận chung của cả nước? Thực tế, trong suốt 40 năm qua, trước không biết bao nhiêu thảm kịch đầy máu và nước mắt, do VC gây ra, trên khắp mọi miền đất nước Việt Nam, cùng với tội VC phản bội tổi quốc, bán đất bán biển cho Tàu cộng, ngay cả những người VC với nửa thế kỷ tuổi đảng, cũng đau đớn bừng tỉnh nhận ra, 30.4.75 là ngày cả dân tộc VN cùng bị VC đẩy “xuống hầm tai vạ”. Vậy mà ông MG, được lớn lên và được đào tạo trong xã hội tự do dân chủ của Miền Nam suốt mấy chục năm, đã từng là “dân biểu Quốc Hội, Tổng Thư Ký Hạ Nghị Viện, Sứ thần ngoại giao của Việt Nam Cộng Hòa tại Paris (Pháp) trước 1975”, lại được sống suốt mấy chục năm ở một quốc gia tự do và văn minh bậc nhất thế giới, ông vẫn khư khư ôm ấp một định kiến đầy phiến diện và sai lầm:30.4 là Ngày Quốc Hận của phe thua cuộc! Đã vậy, ông MG còn viết: “Ai muốn gọi là gì thì gọi, muốn kỷ niệm kiểu gì tùy ý và tùy theo lập trường của mình. Chẳng ai áp đặt được ai.”

    Chúng tôi đồng ý, trên phương diện pháp lý, cộng đồng người Việt hải ngoại 4 triệu người, không có chính phủ, không có luật pháp, thì chẳng ai có thể áp đặt được ai. Nhưng trên phương diện lương tâm, tuỳ theo hoàn cảnh, tuổi tác, sự hiểu biết... mỗi người Việt tỵ nạn CS đều thấy mình ít nhiều có trách nhiệm khi mất nước và trước những đau thương của quê hương. Khi ra hải ngoại, dù không ai áp đặt ai, mỗi người Việt tỵ nạn CS đều thấy mình có bổn phận bảo vệ quốc kỳ quốc ca VNCH, cùng những ngày truyền thống của dân tộc, trong đó có Ngày Quốc Hận 30.4.

    Hơn nữa, dù không có khả năng áp đặt và chế tài, nhưng thực tế, trách nhiệm lương tâm là luật bất thành văn, có sức mạnh gấp bội so với luật pháp quốc gia, đúng như bác học Albert Einstein đã nói:“Never do anything against conscience, even if the state demands it”. Chính nhờ có trách nhiệm lương tâm đó, nên suốt 40 năm qua, người Việt yêu nước hải ngoại đã TỰ NGUYỆN làm không biết bao nhiêu việc, trong đó có biểu tình chống VC, bảo vệ và vinh danh quốc kỳ VNCH, tưởng niệm Quốc Hận 30.4, tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương, Lễ Kỷ Niệm Hai Bà Trưng, Kỷ Niệm Ngày QLVNCH 19.6,... cũng như gửi hàng trăm tỷ đô la về giúp thân nhân tại quê nhà.

    Trong cảnh nước mất nhà tan, phải lưu lạc xứ người, người Việt hải ngoại chỉ còn biết trông mong vào tiếng gọi lương tâm và tinh thần trách nhiệm, TỰ NGUYỆN của những người hiểu biết, nhất là những người từng giữ những chức vụ quan trọng trong chính phủ, quân lực VNCH. Rất tiếc, khi viết, “Ai muốn gọi là gì thì gọi, muốn kỷ niệm kiểu gì tùy ý và tùy theo lập trường của mình. Chẳng ai áp đặt được ai”, ông MG, “dân biểu Quốc Hội, Tổng Thư Ký Hạ Nghị Viện, Sứ thần ngoại giao của Việt Nam Cộng Hòa tại Paris (Pháp) trước 1975”, đã không xứng đáng với sự kỳ vọng này.

    Ông MG viết: “Riêng tôi, tôi không bênh cũng không chống dự luật này. Tôi không ba phải đâu, nhưng thấy dự luật này nếu có thành luật Canada cũng chẳng cứu được Việt Nam khỏi tay cộng sản. Mặt khác, nó cũng chẳng làm hại gì công cuộc chống cộng hay làm mất chính nghiã của chúng ta khi không gọi ngày 30/4 là ngày quốc hận hoặc tháng Tư đen.”

    Chúng tôi nghĩ: Đánh giá một dự luật trên căn bản, dự luật đó có “cứu VN khỏi tay cộng sản” hay không, quả là không hợp tình hợp lý. Đánh giá như vậy, sẽ làm nản lòng tất cả mọi nỗ lực đấu tranh giành tự do dân chủ cho quê hương VN của người Việt cũng như người bản xứ. Chắc chắn ông MG cũng đồng ý, “a journey of a thousand miles begins with a single step”. Đồng ý như vậy, ông phải thừa nhận, mỗi việc chúng ta làm với tinh thần của một người Việt yêu nước, dù là nhỏ nhặt và tầm thường đến đâu, cũng đều góp phần nhỏ bé vào việc sói mòn và lật đổ chế độ CS.

    Trong niềm tin đó, chúng tôi không đồng ý khi ông MG viết: [không gọi ngày 30/4 là ngày quốc hận hoặc tháng Tư đen] “cũng chẳng làm hại gì công cuộc chống cộng hay làm mất chính nghiã của chúng ta”. Nếu điều ông MG viết là đúng, tại sao ông Ngô Thanh Hải phải thừa nhận, “thủ tướng và chính phủ [Canada] cho rằng dùng chữ “black” nó hơi nhạy cảm”? Và tại sao VC lại điên cuồng chống đối Dự Luật S-219? Trong khi VC điên cuồng chống đối Dự Luật, chính giới Canada phải nhân nhượng chấp nhận bỏ chữ “black” trong Dự Luật vì “nó hơi nhạy cảm”, thì ông MG lại ung dung tự hào chọn thái độ “không bênh cũng không chống” Dự Luật. Ông cho thái độ đó “không ba phải”. Tôi đồng ý với ông, nhưng chúng tôi tin rằng thái độ đó còn nguy hại hơn cả“ba phải”.

    Ông MG viết: “ông Hải và cả chính phủ lẫn quốc hội Canada đâu có quyền bắt người Việt tỵ nạn phải từ bỏ những tên Ngày Quốc Hận, Tháng Tư Đen và thay thế bằng tên Ngày Hành Trình Đến Tự Do. Ngược lại, chúng ta cũng không thể bắt Quốc Hội Canada, và qua đó bắt toàn dân Canada, phải nhìn nhận ngày 30/4 là Ngày Quốc Hận hay Tháng Tư Đen theo ý chúng ta”.

    Chúng tôi nghĩ: Tất cả những người ĐỨNG ĐẮN tranh luận về Dự Luật S-219, không một ai có ý nghĩ: “bắt Quốc Hội Canada, và qua đó bắt toàn dân Canada, phải nhìn nhận ngày 30/4 là Ngày Quốc Hận hay Tháng Tư Đen”. Và cũng không một người đứng đắn nào cáo buộc: “cả chính phủ lẫn quốc hội Canada [đâu có quyền] bắt người Việt tỵ nạn phải từ bỏ những tên Ngày Quốc Hận, Tháng Tư Đen và thay thế bằng tên Ngày Hành Trình Đến Tự Do”. Đồng ý, trong cuộc tranh luận, có một vài cá nhân, vì lý do hoặc lý do khác, đã dùng những ngôn từ thiếu đứng đắn hoặc có những luận điệu xuyên tạc sự thật như ông MG viện dẫn. Nhưng trong một cuộc tranh luận đứng đắn, một người hiểu biết và đáng kính như ông MG, không nên dùng những luận điệu xuyên tạc sự thật, để hậu thuẫn cho quan điểm sai lệch của ông.

    Ông MG viết: “Những người chống dự luật S – 219 đầu tiên là cộng sản”. “Một lá thư có 22 chữ ký của một số người Việt sống ở Canada được gửi đến Hạ Viện để yêu cầu viện này bác bỏ dự luật được Thượng Viện chuyển đến. Trong số những người ký, một phần ba là những cựu sinh viên được chính phủ Việt Nam Cộng Hòa cho đi du học trước 1975 nhưng đã tham gia hội sinh viên, Việt kiều yêu nước chống chính thể VNCH, ủng hộ Việt Cộng”. “Oái oăm thay, trong khi cộng sản sợ dự luật thì lại có một số người Việt chống cộng ở hải ngoại tẩy chay dự luật và mạt sát người khởi xướng dự luật là ông Ngô Thanh Hải một cách rất thậm tệ”.

    Chúng tôi nghĩ: Chỉ căn cứ vào việc VC chống đối Dự Luật, rồi quay ra hậu thuẫn Dự Luật, thì quả là vội vã. Trong chính trị cũng như ngoại giao, nhiều khi thấy vậy mà không phải vậy. Hơn nữa, VC có những nhu cầu riêng để chống đối Dự Luật. Người Việt yêu nước cũng có những nhu cầu riêng để hậu thuẫn Dự Luật nếu Dự Luật không chọn ngày Quốc Hận 30.4 làm ngày vui mừng “Hành Trình Tìm Tự Do”.

    Ông MG phải thừa nhận có mấy sự thật quan trọng sau.

    Sự thực thứ nhất, tất cả những người Việt yêu tự do dù ở Canada hay bất cứ nơi đâu trên thế giới, đều hậu thuẫn Dự Luật Ngày Hành Trình Tìm Tự Do.
    Sự thực thứ hai, mọi người đều đồng ý, Ngày Hành Trình Tìm Tự Do phải là ngày vui mừng của mọi người Việt tại Canada.
    Sự thực thứ ba, mọi người Việt yêu nước (bao gồm cả ông Ngô Thanh Hải) đều đồng ý, Ngày Quốc Hận 30.4 là ngày ĐẠI TANG của cả dân tộc VN. Và đó chính là lý do,[B]trong Dự Luật S-219, khởi thuỷ ông NTH đã chọn 30.4 là Ngày Tháng Tư Đen.
    Sự thực thứ tư, mọi người Việt yêu nước hoan nghênh Dự Luật Ngày Hành Trình Tìm Tự Do với ĐIỀU KIỆN TIÊN QUYẾT VÀ DUY NHẤT: KHÔNG LẤY NGÀY ĐẠI TANG QUỐC HẬN 30.4 LÀM NGÀY VUI MỪNG HÀNH TRÌNH TÌM TỰ DO.

    Toàn bộ bốn sự thật trên đây rất rõ ràng và dễ hiểu. Vậy mà không hiểu sao, ông MG, ông NTH và một số người khác, cứ nhất định cho rằng, người Việt chống Dự Luật Ngày Hành Trình Tìm Tự Do??? Phải chăng đây là sự nhầm lẫn ngây thơ, hay bất lương trí thức hay thủ đoạn né tránh chính trị? Sự nhầm lẫn ngây thơ và vô lý của quý vị, cũng giống như cô con gái, xin làm đám cưới đúng vào ngày Đại Tang của gia đình. Cha mẹ không đồng ý, bảo con gái chọn một ngày khác. Cô con gái một mực không chịu chọn ngày khác, rồi khăng khăng bảo cha mẹ độc ác, không cho con gái làm đám cưới!

    Ông MG và ông NTH phải đồng ý, trong suốt 40 năm qua, trong sinh hoạt cộng đồng, mỗi khi tổ chức tiệc tùng gây quỹ, ăn mừng, ca hát, dạ vũ, dạ tiệc,.... người Việt hải ngoại đều tránh không trùng vào ngày Quốc Hận 30.4, thậm chí còn tránh cả tháng 4. Những người Việt bình thường còn biết hành xử xứng đáng với lương tâm của người Việt yêu nước như vậy, tại sao TNS Ngô Thanh Hải lại chọn ngày Đại Tang của cả dân tộc 80 triệu người, làm ngày ăn mừng “Hành Trình Tìm Tự Do” của vài trăm ngàn người? Tại sao ông MG, “nguyên là dân biểu Quốc Hội, Tổng Thư Ký Hạ Nghị Viện, Sứ thần ngoại giao của Việt Nam Cộng Hòa tại Paris (Pháp) trước 1975”, lại có thể viết: “Phe thua cuộc gọi đó là ngày quốc hận, ngày mất nước, tháng Tư đen… Ai muốn gọi là gì thì gọi, muốn kỷ niệm kiểu gì tùy ý và tùy theo lập trường của mình. Chẳng ai áp đặt được ai”.


    Hữu Nguyên
    huunguyen@saigontimes.org



    Ý kiến độc giả :

    Lại có thêm một người thiếu suy nghĩ xem “Ngày Hành Trình Tìm Tự Do” là một ngày vui mừng. Muốn biết vui mùng hay là đau thương thì phải xem Ngày hành Trình đó là ngày nào. Nếu Ngày đó rơi vào ngày tang thương 30 tháng 4 thì Ngày Hành Trình Tìm Tự Do chính là ngày tưởng niệm tang thương và nhắc lại tội ác của bọn VC cướp nước, sao lại gọi là vui mừng ??. Chỉ có thằng NGU và thằng ĐIÊN hay thằng cố tình xuyên tạc mới gọi ngày giổ CHA MẸ hắn là ngày vui thôi. Tác giả đã bị ai đó bịt mắt bịt tai cho nên mò mẩm bắt chước bọn NGU gọi ngày “Hành Trình Tìm Tự Do” của 30 tháng 4 là ngày ĂN MỪNG mà thôi. Thiết nghĩ tác giả nên thoát khỏi vòng kiềm chế của họ để tự mình tìm hiểu sự việc. Bao giờ “Ngày Hành Trình Tìm Tự Do” rơi vào ngày 21 tháng 10 thì đó là ngày ăn mừng của Điếu Cày, nếu nó rơi vào ngày 27 tháng 7 (do dân biểu Elizabeth May đề nghị) thì đó là ngày ăn mừng “Hành Trình Tìm Tự Do” của người Việt Tỵ Nạn tới Canada. Gia đình tác giả có ai được đi bằng máy bay qua Mỹ hay Canada trong hành trình tìm tự do của họ không ? (theo diện HO hay đoàn tụ) ? Chắc là có rồi, vì thế tác giả bị nhập tâm về việc ăn mừng hội ngộ của họ trên quê hương mới trong Ngày Hành Trình Tìm Tự Do của họ cho nên cứ tưởng “Ngày Hành Trình Tìm Tự Do” của Dự Luật S-219 là ngày ăn mừng ! Tội nghiệp quá !!.

    Kim Hoa Bà Bà

  • #2
    Bốn mươi (40) năm sau còn cãi nhau về một cái tên (Mặc Giao)


    ".....việc đầu tiên khối người Việt chúng ta phải làm là đừng tấn công nhau nặng hơn đánh cộng sản, đừng rút dây chặt cầu với nhau để khi cần nhau còn có thể nhìn mặt nhau không ngượng. Bốn mươi (40) năm rồi, chúng ta không học được bài học nào sao?…”


    Miền Nam Việt Nam mất vào tay cộng sản cách đây 40 năm. Phe thắng cuộc gọi ngày 30 tháng Tư là ngày chiến thắng, ngày giải phóng miền Nam. Phe thua cuộc gọi đó là ngày quốc hận, ngày mất nước, tháng Tư đen… Ai muốn gọi là gì thì gọi, muốn kỷ niệm kiểu gì tùy ý và tùy theo lập trường của mình. Chẳng ai áp đặt được ai. Bốn mươi năm qua vẫn vậy. Năm nay, chuyện tranh cãi tên gọi ngày 30/4 trở nên sôi nổi. Lý do phát xuất từ Canada do việc ông Nghị sĩ gốc Việt Ngô Thanh Hải đệ nạp dự luật Bill S-219 Hành trình đến Tự Do (Journey to Freedom) tại Thượng Nghị Viện Canada với nội dung ghi nhớ ngày mất Sài Gòn, mở đầu cho phong trào bỏ nước đi tìm tự do của hàng triệu người Việt Nam, trong đó có khoảng 300,000 hiện sinh sống ở Canada. Dự luật đã được Thượng Nghị Viện Canada chấp thuận ngày 8/12/2014 và chuyển sang Hạ Nghị Viện ngày 10/12/2014. Hạ Viện đã mở phiên họp thảo luận đầu tiên. Ông Hải hy vọng dự luật sẽ được Hạ Viện thông qua và Toàn Quyền Canada đại điện Nữ Hoàng Elisabeth II sẽ ban hành quanh thời điểm 30/4/2015. Ngay khi dự luật được phổ biến, nhiều cuộc tranh cài đã xảy ra xoay quanh cái tên của dự luật và tác giả của nó. Phe chống ồn ào hơn phe bênh, nhưng vẫn chưa phân thắng bại.

    Riêng tôi, tôi không bênh cũng không chống dự luật này. Tôi không ba phải đâu, nhưng thấy dự luật này nếu có thành luật Canada cũng chẳng cứu được Việt Nam khỏi tay cộng sản. Mặt khác, nó cũng chẳng làm hại gì công cuộc chống cộng hay làm mất chính nghiã của chúng ta khi không gọi ngày 30/4 là ngày quốc hận hoặc tháng Tư đen. Tôi chẳng thấy có âm mưu phò cộng nào trong việc hình thành dự luật này. Dĩ nhiên ông Hải và đảng Bảo Thủ Canada có lý do riêng.

    Ông Ngô Thanh Hải được Thủ Tướng Stephen Harper chì định làm nghị sĩ Thượng Nghị Viện cách đây 2 năm. Theo Hiến Pháp Canada, chỉ có dân biểu được dân bầu trực tiếp vào Hạ Nghị Viện, nên viện này được gọi là Viện Thứ Dân (House of Commons) như bên Anh. Các nghị sĩ trước đây được vua hay nữ hoàng Anh chỉ định vào Viện Quý Tộc, người Anh gọi là House of Lords, viện của những bậc vương giả đại diện vua. Ngày nay, theo tinh thần dân chủ, các nghị sĩ tại Anh và Canada được thủ tướng chỉ định. Vì vậy Thượng Viện không có nhiều quyền bằng Hạ Viện. Việc chính của Thượng Viện là làm “second reading”, tức đọc lại những dự luật do Hạ Viện biểu quyết và nếu cần thì đề nghị tu chính. Thượng Viện cũng có quyền đề nghị dự luật và biểu quyết trước. Nhưng trong mọi trường hợp, Hạ Viện sẽ có tiếng nói cuối cùng, kể cà bác bỏ dự luật đã được Thượng Viện thông qua, hoặc chấp thuận hay bác bỏ những đề nghị tu chính của Thương Viện. Thượng Viện Hoa Kỳ có nhiều quyền hành hơn vì các nghị sĩ Mỹ được dân bầu trực tiếp.

    Ông Ngô Thanh Hải có giao tiếp và liên hệ với giới chính trị tại thủ đô Ottawa từ nhiều năm, khởi đầu bằng làm phụ tá tại văn phòng một dân biểu. Thời gian sau, ông được chọn làm thẩm phán Tòa Án Quốc Tịch (Citizenship judge) vùng Ottawa. Chức vụ này lo công việc cứu xét hồ sơ xin vào quốc tịch và chủ tọa các buổi lễ tuyên thệ nhập tịch.

    Năm 2013, Thượng Viện trống ba ghế nghị sĩ, Thủ Tướng Stephen Harper, lãnh tụ Đảng Bảo Thủ (Conservative Party) đương quyền, đã cử ông Ngô Thanh Hải cùng với hai người khác cũng thuộc các sắc dân thiểu số vào các ghế này. Đây là một tính toán tranh cử của ông Harper và Đảng Bảo Thủ. Dù sao cũng phải công nhận ông Ngô Thanh Hải là người có tài giao tế và vận động. Nhờ thế ông đã được “vua biết mặt, chúa biết tên” để đưa ông vào những chức vụ ngon lành, không cần phải vất vả tranh cử. Do đó, ông phài chứng tỏ cho những người cử nhiệm ông thấy ông là thủ lãnh đương nhiên của cộng đồng người Việt tại Canada. Ông nghĩ với dự luật này, cộng đồng người Việt sẽ đứng sau lưng ông, sẽ đồng loạt gởi thư ủng hộ ông đến Hạ Viện. Ông đã đạt một phần mơ ước nhưng còn gặp nhiều chống đối, từ phiá cộng sản cho tới những cộng đồng tỵ nạn, trong đó có những người quá khích, những người ganh ghét, nhưng cũng có những người ôn hòa không thích ai tự coi mình là thủ lãnh đương nhiên. Họ coi trọng thể thức dân chủ.

    Về phiá đàng Bảo Thủ đang cầm quyền, họ có chính sách vận động lấy phiếu của những cộng đồng di dân thiều số. Chính sách này đã giúp họ thành công trong cuộc bầu cử năm 2011. Họ muốn đẩy mạnh chính sách này mạnh hơn trong cuộc bầu cử sắp tới vào tháng 10 năm nay, 2015. Canada theo chế độ đại nghị (parliamentary). Đảng nào có đa số ghế tại Hạ Viện sẽ cầm quyền và đảng trưởng sẽ trở thành thủ tướng. Canada không bầu người lãnh đạo quốc gia cấp toàn quốc như tại các nước theo tổng thống chế. Cử tri chỉ bầu các dân biểu theo từng đơn vị nhỏ. Ở những đơn vị này, số phiếu chỉ cần chênh lệch vài chục, thậm chí vài phiếu đã có thể phân thắng bại. Những cử tri thuộc gốc di dân không có đa số áp đảo, nhưng có thiểu số có thể làm thay đổi kết quả tại nhiều địa phương. Điều này quá rõ ràng. Tại những cuộc bầu cử ở Orange County, California, Hoa Kỳ mới đây, một cựu nghị sĩ tiểu bang da trắng đã thua một ứng cử viên gốc Việt vài chục phiếu khi tranh chức giám sát, một ứng cử viên gốc Việt đã hơn đối thủ chỉ có 7 hay 8 phiếu để đoạt chức thị trưởng Garden Grove. Canada cũng từng xảy ra những trường hợp tương tự trong các cuộc bầu dân biểu. Vì vậy, ngoài việc thu phục đa số cử tri bản địa, các đảng còn phái nỗ lực ve vãn cử tri thuộc các cộng đồng di dân. Đảng đang cầm quyền có nhiều lợi thế nhất trong việc ve vãn, vì có nhiều quyền lợi để phân phát, nhiều chức tước để cài đặt, kể cả đưa ra những dự luật vô thưởng vô phạt cho Canada nhưng có thể tạo sự ủng hộ của một sắc dân nào đó. Người ta không lấy làm lạ khi thấy Thủ Tướng Harper đã bổ khuyết 3 ghế nghị sĩ bằng những người thuộc các cộng đồng Phi Luật Tân, Ý và Việt Nam.

    Những người chống dự luật S – 219 đầu tiên là cộng sản. Có tin TT Nguyễn Tấn Dũng đã gửi thư cho TT Harper yêu cầu hủy bỏ dự luật này để tránh gây hại cho bang giao Việt Nam – Canada. Đại sứ Việt Nam tại Ottawa đòi được điều trần tại Thượng Viện nhưng không được đáp ứng. Ông gửi bản điều trần viết bằng tiếng …Việt đến Thượng Viện. Ủy ban cứu xét coi bản điều trần như không có với lý do không kịp dịch sang tiếng Anh và tiếng Pháp, hai ngôn ngữ chính thức của Canada. Một lá thư có 22 chữ ký của một số người Việt sống ở Canada được gửi đến Hạ Viện để yêu cầu viện này bác bỏ dự luật được Thượng Viện chuyển đến. Trong số những người ký, một phần ba là những cựu sinh viên được chính phủ Việt Nam Cộng Hòa cho đi du học trước 1975 nhưng đã tham gia hội sinh viên, Việt kiều yêu nước chống chính thể VNCH, ủng hộ Việt Cộng, đặc biệt có 3 người thuộc hội đồng quản trị Hội Doanh Nghiệp Việt Nam-Canada (Vietnam-Canada Chamber of Commerce), đứng đầu là bà Nguyễn Đài Trang, trụ sở đặt tại 1351 Dufferin Street, Toronto. Hội Việt kiều cộng sản (Vietnam-Canada Association) cũng dùng nơi này làm trụ sở. Thư của 22 người cũng lấy địa chỉ liên lạc ở đây. Như vậy chỗ này là đầu cầu, là trung tâm giao liên của cộng sản Việt Nam tại Canada. Cộng sản rất đau nếu dự luật được Hạ Viện biểu quyết thành luật, đánh dấu ngày miền Nam Việt Nam bị cộng sản cưỡng chiếm, và dân miền Nam phải chạy cộng sản bán sống bán chết.

    Oái oăm thay, trong khi cộng sản sợ dự luật thì lại có một số người Việt chống cộng ở hải ngoại tẩy chay dự luật và mạt sát người khởi xướng dự luật là ông Ngô Thanh Hải một cách rất thậm tệ. Dù khác lập trường và quan điểm với nhau cũng không nên đối xử với nhau một cách thiếu tương kính như vậy, nhất là không nên kết tội người khác một cách vô bằng chứng hay với những bằng chứng còn nhiều nghi vấn. Dĩ nhiên ông Ngô Thanh Hải có hậu ý khi đề xướng và vận động dự luật này. Ông Hải làm chính trị mà. Nhưng ông Hải và cả chính phủ lẫn quốc hội Canada đâu có quyền bắt người Việt tỵ nạn phải từ bỏ những tên Ngày Quốc Hận, Tháng Tư Đen và thay thế bằng tên Ngày Hành Trình Đến Tự Do. Ngược lại, chúng ta cũng không thể bắt Quốc Hội Canada, và qua đó bắt toàn dân Canada, phải nhìn nhận ngày 30/4 là Ngày Quốc Hận hay Tháng Tư Đen theo ý chúng ta. Dự luật này nếu được ban hành sẽ là luật của Canada, không phải luật của người tỵ nạn Việt Nam. Theo nội dung dự luật, ngày 30/4 sẽ không phải là ngày quốc lễ, chỉ là Ngày Tưởng Nhớ (Commemoration Day) sự kiện miền Nam Việt Nam bị cộng sản chiếm và mở đầu việc hàng trăm ngàn người Việt Nam đến Canada tỵ nạn, tìm tự do, rồi trở thành những công dân Canada và đóng góp vào sự cường thịnh của quốc gia này. Dự luật có nói đến nỗi khổ mất nước và mất tự do của người tỵ nạn, đồng thời cũng gián tiếp ca ngợi Canada đã mở rộng vòng tay đón nhận họ. Như vậy đã đủ để cộng sản nhột. Chính phủ Canada cũng phải tìm lợi cho họ trong việc này. Vừa khéo léo kể công, vừa lấy cảm tình của hàng trăm ngàn cử tri gốc Việt. Không có lợi ai làm, dù tử tế đến đâu?

    Có lẽ ông Ngô Thanh Hải bị tấn công nặng như vậy một phần cũng vì ông hiện giữ chức Chủ Tịch Ban Chấp Hành Trung Ương của tổ chức Liên Minh dân Chủ. Tổ chức này được cố Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy thành lập. Sau khi Giáo Sư Huy qua đời, tổ chức coi các đàn anh lão thành Phạm Thái, Nguyễn Văn Huy (xin đừng lộn với GS Nguyễn Ngọc Huy) như chỗ dựa tinh thần. Hai ông này đều ở Việt Nam và đều bị cộng sản bỏ tù. Trong tù, ông Nguyễn Văn Huy đã thuyết phục cựu Dân Biểu Phạm Duy Tuệ sắp được ra tù và sẽ được đi ngoại quốc đại diện ông đi “thuyết khách” ở hải ngoại về giải pháp cộng tác với cộng sản để biến cộng sản từ đỏ sang hồng rồi từ hồng sang trắng. Trong một bữa ăn tại tư gia chúng tôi ở Calgary, ông Tuệ đã nói với tôi đại ý là cộng sản hiện như một chai rượu Johnny Walker chỉ còn cái nhãn ông già chống gậy, nước bên trong đã hết chất rượu rồi. Vì vậy chúng ta phải tìm cách pha chất quốc gia của chúng ta vào. Ông Tuệ hỏi tôi có phải anh hai Mỹ đã đồng ý giải pháp này không. Tôi trả lời không biết, nhưng theo tôi nghĩ Mỹ chưa ủng hộ một giải pháp nào hay một tổ chức nào và việc bắt tay với cộng sản lúc này chỉ là một ảo tưởng. Ông Tuệ đập tay vào đùi than: “Chết mẹ rồi!”. Chắc ông Tuệ mới từ trong nước ra, chưa nắm vững tình hình, đã được rỉ tai là mọi sự đã được sắp xếp đâu vào đó cả rồi, kể cả Mỹ đã bật đèn xanh. Nên khi thấy tôi nói điều ngược lại, ông ngạc nhiên và hoảng hốt. Cuộc nói chuyện của ông Phạm Duy Tuệ ngày hôm sau tại Calgary do phân bộ Nam Alberta Liên Minh Dân Chủ tổ chức không đạt kết quả như ý muốn. Tôi cũng đi dự vì tình bạn bè cựu đồng viện nhưng “tịnh khẩu như bình”. Thời gian đó cách đây cũng gần hai chục năm. Sau khi Tổng Thống Bill Clinton lập bang giao với Hà Nội, chắc nhiều cấp lãnh đạo của Liên Minh Dân Chủ nghĩ rằng thời cơ đã tới nên phải đi bước trước để trở thành lực lượng đối thoại với cộng sản. Họ đã đưa người về Sài Gòn sửa soạn một cuộc hội thảo lớn tại khách sạn Métropole trên đường Trần Hưng Đạo. Nhiều thành phần cộng sản và quốc gia được gửi thiệp mời tham dự, trong đó có cả kẻ viết bài này. Lúc đầu nhà cầm quyền cộng sản để yên cho làm. Nhưng trước ngày khai mạc mấy bữa, họ ra lệnh cấm và tìm bắt những người tổ chức từ Mỹ về. Một số anh em chạy thoát. Hai người không chạy kịp bị bắt giam mấy năm trước khi được thả về Mỹ. Ông Stephan Young, bạn của GS Nguyễn Ngọc Huy, cho rằng cộng sản VN nhận được lệnh của Trung Cộng phải phá vỡ ngay cuộc hội thảo này.

    Vì toan tính thay đổi đường lối đấu tranh chính trị mà Liên Minh Dân Chủ bị vỡ làm đôi. Một số cán bộ thâm niên, chủ yếu ở châu Âu, tách ra thành Liên Minh Dân Chủ Kiên Định Lập Trường. Phần còn lại vẫn do ban chấp hành của ông Lê Phát Minh lãnh đạo, nhưng sau đó lại bể thành hai nữa. Thực tế, Liên Minh Dân Chủ đã bể thành ba. Phe của ông Minh và hiện thời do ông Ngô Thanh Hải đứng đầu là phe chính truyền. Vì thế ông Hải bị một số người kết án là thừa kế một tổ chức muốn bắt tay với cộng sản.

    Ông Ngô Thanh Hải còn bị nghi ngờ và mang tiếng thêm vì một vụ khác vào năm ngoái. Đó là việc ông tiếp Thứ Trưởng Ngoại Giao cộng sản Nguyễn Thanh Sơn một cách kín đáo. Mấy ngày sau cuộc gặp gỡ, Nguyễn Thanh Sơn tung ra một thông báo khoe khoang rằng Nghị Sĩ Ngô Thanh Hải đã đồng ý hết với những gì đương sự trình bầy liên quan tới Việt Nam. Ông Ngô Thanh Hải phải viết bài đính chính trối chết. Dĩ nhiên ông Hải với tư cách một nghị sĩ Canada có quyền tiếp bất cứ một chính khách ngoại quốc nào đến gặp ông. Không ai có thể kết án ông về việc này. Tuy nhiên ông phạm một lỗi chiến thuật, đó là không công khai hóa sớm và dành quyền lên tiếng trước. Ai cũng biết ông gốc Việt Nam, gặp một thứ trưởng ngoại giao Việt Nam không thể không nói chuyện về Việt Nam. Ông phải hiểu cộng sản luôn luôn lợi dụng cơ hội để tuyên truyền sai lạc. Nếu ông cho dư luận biết trước cuộc gặp gỡ và lên tiếng liền sau cuộc gặp gỡ là ông có thế thượng phong, không ai nghi ngờ được ông, và Nguyễn Thanh Sơn chưa chắc đã dám lên tiếng sau ông để xuyên tạc. Ông đã tạo cớ cho người khác nói xấu ông.

    Thêm một vụ nữa chứng tỏ ông Ngô Thanh Hải đã có một quyết định vội vàng, không suy nghĩ kỹ, gây hậu quả tiêu cực cho chính ông. Ông đã dẫn GS Nguyễn Ngọc Bích và LS Lâm Chấn Thọ vào Quốc Hội Canada trần tình một giải pháp cho Việt Nam bằng việc phục hoạt (reactivate) Hiệp định Paris 1973. Mấy ông này còn rêu rao đó cũng là giải pháp cho vấn đề Biển Đông. Ông có thấy tất cả các chính phủ ký hiệp định này đã xé bỏ hay muốn quên hẳn hiệp định họ đã ký, kể cả 12 nước và Liên Hiệp Quốc ký Định Ước bảo đảm việc thi hành hiệp định? Lúc này ai còn có thể triệu tập các quốc gia đã ký Định Ước họp lại để lấy quyết định buộc các phe liên hệ phải tái thi hành hiệp định Paris? Giả dụ quyết định này thành tựu, ai sẽ đại diện Mặt Trân Giải Phóng Miền Nam đã bị chính cộng sản Bắc Việt khai tử? Ai là thành phần thứ ba và ai sẽ đại diện thành phần này? Ai sẽ đại diện Việt Nam Cộng Hòa? Chẳng lẽ lại là GS Nguyễn Ngọc Bích, LS Lâm Chấn Thọ và ông Hồ Văn Sinh? Ai bầu các ông này? Hay các ông tự chỉ định với danh nghiã VNCH Foundation do các ông mới lập ra? Cũng đừng quên rằng theo Hiệp định Paris, Việt Nam vẫn chia hai, miền Bắc do cộng sản nắm chắc, mọi giải pháp chính trị, quan trọng nhất là cuộc bầu cử để thành lập chính quyền mới, chỉ được áp dụng tại miền Nam. Chính quyền nào sẽ được giao trách nhiệm tổ chức cuộc bầu cử? VNCH đâu còn quân lực và guồng máy chính quyền để bảo đảm một cuộc bầu cử trong sáng, công bằng. Mọi xáo trộn, mọi trò gian dối lại diễn ra. Chẳng bao lâu sau Bắc Việt sẽ lại nuốt chửng miền Nam. Tình trạng Biển Đông chắc chắn sẽ tệ hơn vì Trung Quốc lợi dụng tình trạng quân hồi vô phèng ở Việt Nam để thả cửa lấn chiếm.

    Ký ức của mấy ông này quá ngắn. Họ không nhớ Giáo sư Vũ Quốc Thúc đã vận động phục hoạt Hiệp định Paris từ năm 1988 với sự ủng hộ của nhiều dân biểu và luật gia Pháp, Việt. Giáo sư Vũ Quốc Thúc đã thành công trong việc tổ chức một cuộc hội thảo lớn tại Paris trong đó có các dân biểu Pháp, đại diện các luật gia Việt Nam tại Mỹ, Pháp và Âu châu. Tôi đã mang đến cuộc hội thảo gần 100 chữ ký của các luật gia Việt Nam tại Canada ủng hộ và đóng góp ý kiến cho công việc này. Một đại diện của CIA cũng công khai tham dự và phát biểu. Các bài thuyết trình và các cuộc thảo luận rất xâu sắc và nặng tính chuyên môn, dự trù mọi khiá cạnh áp dụng. Một cuốn bạch thư được phát hành vào dịp này (xin đọc Hồi Ký của GS Vũ Quốc Thúc để biết thêm chi tiết). Việc vận động phục hoạt Hiệp định Paris được xúc tiến nghiêm chỉnh vì có tin cộng sản VN có thể chấp nhận quay lại Hiệp định Paris do nạn thiếu thực phẩm và khó khăn kinh tế họ đang gặp phải, nhất là thấy Liên Xô và các nước cộng sản Đông Âu đang có dấu hiệu tan rã. Đó là cơ hội rất tốt mà tình hình hiện nay không có. Nhưng cơ hội đó cũng qua đi khi cộng sản Việt Nam vẫn trụ được sau khi khối cộng sản Liên Xô và Đông Âu sụp đổ. Thời cơ như thế, vận động nghiêm chỉnh và quy mô như thế mà cũng không có kết quả. Mấy ông làm chính trị tài tử chỉ thích làm lãnh tụ có dám nghĩ mình thành công khi người khác đã làm hơn mình từ 27 năm trước và đã thất bại? Tôi không cổ võ tinh thần chủ bại, nhưng phải biết mình biết người, có danh chánh ngôn thuận, biết ứng phó với hoàn cảnh mới bằng những giải pháp mới thì mới mong đạt kết quả. Nghị sĩ Ngô Thanh Hải dẫn mấy ông này vào Quốc Hội Canada trình bày giải pháp cho Việt Nam và cho Biển Đông kiểu ấy không sợ các dân biểu nghị sĩ cười thầm trong bụng cho cả họ lẫn ông sao? Ông bị nạn lây vì rất nhiều người không chấp nhận mấy ông đại diện VNCH tự phong.

    Sự thật thường hay mất lòng. Tôi đã nói đúng những gì tôi biết và nói thẳng những gì tôi nghĩ. Tôi chắc bài viết ngắn này không làm hài hài lòng cả hai bên đang tranh cãi về cái tên của ngày 30/4. Tranh cãi kiểu đó có lợi gì cho đại cuộc? Có sớm giải phóng đất nước khỏi ách cộng sản không? Hay chỉ gây thêm chia rẽ và hận thù ngay trong hàng ngũ của chúng ta? Dự luật S-219 chẳng thâu ngắn hay kéo dài ngày về quê hương của chúng ta. Tôi nghĩ Nghị sĩ Ngô Thanh Hải không gặp may mắn với dự luật này. Ông có thiện chí và tưởng rằng dự luật sẽ củng cố hậu thuẫn cho ông, đồng thời đóng góp phần nào vào việc chống cộng, ít ra về phương diện tuyên truyền. Ông đã không ngờ gặp sự cay cú và phản ứng tàn tệ của một số người trong cộng đồng tỵ nạn. Chắc chắn có những phần tử cộng sản trà trộn núp danh quốc gia để đánh lén ông, không kể những tên cộng sản công khai đã ra mặt tấn công ông. Ông cũng phải chịu thêm đòn về việc đứng đầu sóng ngọn gió cho Liên Minh Dân Chủ, thêm một số quyết định và việc làm dễ tạo cớ cho một số người hiểu lầm và chỉ trích. Tôi chắc ông đã biết và chờ đợi những đòn này khi quyết định làm chính trị. Đời chẳng biết thế nào là khôn dại. Nhưng tôi nghĩ ông nên thận trọng và “nhẹ nhàng” hơn. Tôi cũng nghĩ việc đầu tiên khối người Việt chúng ta phải làm là đừng tấn công nhau nặng hơn đánh cộng sản, đừng rút dây chặt cầu với nhau để khi cần nhau còn có thể nhìn mặt nhau không ngượng. Bốn mươi (40) năm rồi, chúng ta không học được bài học nào sao?

    Mặc Giao


    * Ông Mặc Giao nguyên là dân biểu Quốc Hội, Tổng Thư Ký Hạ Nghị Viện, Sứ thần ngoại giao của Việt Nam Cộng Hòa tại Paris (Pháp) trước 1975.

    Đồng tác giả cuốn “30 năm Công Giáo Việt Nam dưới chế độ cộng sản”, và tác giả sách khảo luận “Một cái nhìn khác về văn hóa Việt Nam”. Ông là Chủ tịch Ủy Ban Canada Tự Do Tôn Giáo cho Việt Nam.


    (nguồn: http://ethongluan.org/)
    Last edited by BaNai; 03-30-2015, 03:57 AM.

    Comment



    Hội Quán Phi Dũng ©
    Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




    website hit counter

    Working...
    X