Thông báo

Collapse
No announcement yet.

BẠN ÐỒNG MÔN KHÓA 2 CSQG - Nguyễn Thừa Bình

Collapse
X

BẠN ÐỒNG MÔN KHÓA 2 CSQG - Nguyễn Thừa Bình

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • BẠN ÐỒNG MÔN KHÓA 2 CSQG - Nguyễn Thừa Bình

    BẠN ÐỒNG MÔN KHÓA 2 CSQG


    Tòa Hành Chánh Tỉnh Quảng Ðức

    Trời vào Ðông cuối tháng 12 năm 1971, tôi được Trung tá Nguyễn Văn Long, Phụ Tá Ðặc Biệt Bộ Chỉ Huy CSQG Khu 2 cử lên làm Phụ Tá Ðặc Biệt Bộ Chỉ Huy CSQG Tỉnh Quảng Ðức. Một mình trên chiếc Cessna từ Nha Trang lên, tôi đến phi trường Gia Nghĩa vào một xế chiều gió rừng Tây Nguyên lồng lộng. Chiếc Jeep xanh trắng Cảnh Sát phủ dầy lớp đất bazan màu nâu đậm đậu hắt hiu bên 3 anh lính bụi bặm tay cầm súng M.16, mặc field jacket Cảnh Sát Dã Chiến phong trần “đón chờ Ðại Úy Trưởng F”. Núi đồi chập chùng sương khói cô liêu, tức cảnh sinh tình, tôi thầm trong lòng “Người xót xa buồn lắm không? Không sao bỏ phố lên rừng. Ði làm mây cao trên đồi vắng. Trời vào Ðông có lạnh lùng!?”.


    Vào trình diện và nhận chỉ thị của Trung Tá Cao Khánh Sang đương là Chỉ Huy Trưởng CSQG Tỉnh Quảng Ðức. Trung Tá dắt tôi xuống văn phòng F. Ðặc Biệt cùng trong khuôn viên Bộ Chỉ Huy để giới thiệu nhân viên và cơ sở. Trời cao nguyên chiều xuống rất mau. Anh em lao xao, người ra về, người vào canh gác đêm. Anh Lê Văn Thuận đứng gần tôi và nói: “xin mời Ðại Úy về nhà tôi dùng cơm”. Vậy là, bữa cơm nhà anh chị Lê Văn Thuận là bữa cơm đầu tiên trên vùng đất gió bụi mưa lầy nầy. Tôi không quên, chị Thuận đã làm một bữa cơm hết sức thịnh soạn, có rượu mạnh, có những món ăn ngon, có chuyện trò vui vẻ…. Có điều, tôi nhớ nhất không quên vẫn là mấy món thịt nai rừng, heo rừng là thứ mà dân thị thành vùng sông biển như tôi rất thích. Một bữa ăn hết sức ngon miệng và đậm tình anh em nơi đất cao, trời rộng xa lạ “chim kêu cũng sợ, cá vùng cũng lo”. Cũng lạ, nơi “buồn muôn thuở” khỉ ho cò gáy nầy, không ngờ lại gặp ông Ðại Úy Ðặng Thanh Toàn, bạn Khóa 2 Học Viện CSQG của ta làm Phó cho Trung Tá Cao Khánh Sang. Trung Tá Cao Khánh Sang gốc Công Binh, người Chợ Lớn, lùn, tính tình thuộc cấp không ai ưa. Những anh em lính tráng tới sĩ quan nơi đầu non hóc núi nầy đều cho mình như bị đi đày nên có ít nhiều không kỷ luật lắm. Họ làm việc thì làm cho có và chơi thì chơi thiệt tình. Chơi thiệt tình là khoái “trốn” về Saigon mấy ngày; thích lêu bêu ăn nhậu say sưa; mê đánh phé, đánh xập xám, mạc chược, domino… ngày đêm từ thầy chí trò quên cả việc quan. Anh Lê Văn Thuận ghiền đánh phé như ghiền thuốc lào “đã chôn điếu xuống lại đào điều lên”. Nhưng chắc chắn anh Thuận khác người ta, anh không quên chút nào công vụ nơi F. Ðặc Biệt, làm chúng tôi luôn luôn vừa lòng với nhau. Tôi luôn nhớ dáng dấp anh ta sau cơn đỏ đen dài ngày dài đêm bước vào văn phòng làm việc như thể hồn ma bóng quế chếnh choáng men rượu say. Những lúc đó nhìn anh, tôi có thể đoán ra được anh ăn bài hay thua bài. Nghe nói, anh Thuận ăn nhiều hơn thua. Cũng may cho anh, không thì “cờ bạc là bác thằng bần, cửa nhà bán hết ra thân ăn mày” thì chỉ có từ chết tới bị thương mà thôi phải không chị Thuận? Anh Lê Văn Thuận, tính tình hiền hòa, xuề xòa dĩ hòa vi quý, chưa từng lớn tiếng với ai ngay cả thuộc cấp. Có như vậy, chúng tôi làm việc với nhau hơn 2 năm trời mới được như tình thủ túc. Rồi năm 1974, anh xin đổi về Sài Gòn, tôi mất đi một cộng sự viên đắc lực đã đành, mà tôi mất luôn một người bạn tâm đắc, tâm đồng nơi đèo heo hút gió vùng cao nguyên lạnh lùng.



    Anh chị Lê Văn Thuận

    Rồi 30 tháng 4 năm 1975, “tang điền biến vi thương hải” Việt Nam Cộng Hòa chúng ta mất nước, anh Thuận và tôi cũng như ai phải chun đầu vào cái gọi là học tập cải tạo của bọn Việt Cộng mà bị lưu đầy biệt xứ nhiều năm. Ở tù Việt Cộng ra, tôi ở Chung Cư Ngô Gia Tự tức Chung Cư Minh Mạng cũ thường tới thăm hỏi và chuyện trò với anh chị Thuận ở Chung Cư Ấn Quang gần đó. Nhìn anh chị già thì có già đôi chút, nhưng tính tình thì như trẻ ngày xưa trên xứ lạnh tình nồng Quảng Ðức năm nào. Chị vẫn mau miệng, vồn vã mà anh vẫn cứ hề hề nụ cười dễ dãi, chậm rãi và hiếu khách. Năm 1985, tôi về quê Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận đổi là Thuận Hải; anh Thuận qua Bình Triệu rồi xuống Hương Lộ 14 Quận Tân Bình, Thủ Ðô Sài Gòn đổi là Thành Phố Hồ Chí Minh. Ở đâu, mỗi khi vào Sài Gòn tôi cũng cùng với anh Nguyễn Văn Sơn, nguyên là tài xế cho Trưởng F tôi ngày xưa chở tới thăm. Tới thăm, anh em thường ngồi lại với nhau vừa ăn cơm uống bia, vừa tâm sự chuyện đời xưa nay mà vui buồn thế sự. Và tới thăm anh cũng để thấy ý nghĩa câu nói “sông có khúc, người có lúc” của ông bà ta để lại sao ứng đúng vào ông bạn của ta quá sức. Thấy anh chị Thuận lam lũ một cách cực nhọc, nặng nề ngày đêm với mấy đứa con mới lớn lên mà đã biết đồng cam cộng khổ với cha mẹ lúc bất phùng thời, mới khâm phục tài xoay sở của anh, đâu phải người ham chơi bài bạc. Cuối năm 1992 qua Mỹ, tôi không còn liên lạc và biết anh chị Lê Văn Thuận ở đâu nữa.


    Họp Mặt Khóa 2 ngày 27/5/2012 tại nhà anh chị Nguyễn văn Lợi.
    Anh chị Lê Văn Thuận đầu bên trái

    Nhân tham dự Kỷ Niệm Lần Thứ 40 Ngày CSQG của Tổng Hội Cảnh Sát Quốc Gia tổ chức ngày 26 tháng 5 năm 2012 tại Nhà Hàng Seafood Kingdom Restaurant ở Anaheim, Nam Cali vợ chồng tôi mới gặp lại một số bạn bè Khóa 2 đã gần nửa thế kỷ xa cách. Tại đây, anh em đồng ý với nhau là ngày hôm sau tổ chức Ngày Họp Mặt Khóa 2 tại nhà ông bà Nguyễn Văn Lợi. May quá, tôi lại gặp ông bạn Lê Văn Thuận của tôi đã mất hút 20 năm qua muốn tìm cũng không mò ra. Vui biết chừng nào! Có điều, ảnh bây giờ trông có vẻ bệnh hoạn và già yếu nhiều lắm, nhưng vẫn cái tính hiếu khách và hểu hảo xưa. Anh chị mời tôi “về nhà cháu tôi dùng bữa cơm hội ngộ”. Tại đây, có anh Nguyễn Chí Viễn nói chuyện về Thanh Niên Quốc Gia Ðoàn, tôi mới vỡ lẽ ra, anh Thuận cũng cùng Khóa 2 Học Viện CSQG. Thế mà hơn 40 năm trời làm việc chung với nhau, giao du với nhau, cha nội im ru bà rù! Rồi vợ chồng anh về lại Houstron, Texas. Vợ chồng tôi về lại Kansas City, Missouri. Sau nầy nói chuyện qua lại, tôi mới biết ảnh đã 2 lần mổ tim vào những năm 2001 và 2007. Năm 2003, anh Thuận bị ngất xỉu dưới Tượng Ðài Chiến Sĩ Việt-Mỹ ( Vietnam War Memorial ) ở Westminster, California mới vừa khánh thành, phải vào bệnh viện cấp cứu. Hoảng hồn, chị phải tức tốc bay từ Texas qua chăm sóc cho và đưa về nhà. Và từ đó về sau, “ổng đi đâu xa phải có tôi theo, không thì ổng có thể bất đắc kỳ tử” như chị nói.


    Tại Quê Hương Restaurant.
    Anh Lê Văn Thuận mặc áo trắng quây lưng lại
    sau anh Trà Văn Tứ áo đỏ đang nói điện thoại.

    Ngày 26 và 27 tháng 10 năm 2013, rất đông anh em Khóa 2 Học Viện CSQG khắp nơi về Nam Cali dự Kỷ Niệm 46 Năm Hội Ngộ 1967-2013. Vợ chồng tôi đến sớm mấy ngày. Dưới Texas, anh bạn Lê Văn Thuận đã nói nhất định đi, lại phải vác cái thân già sáng nắng chiều mưa yếu đuối, bệnh hoạn vào bệnh viện. Qua ngày 1 tháng 11 năm 2013, vợ chồng tôi xuống Texas dự thôi nôi cháu nội của đứa cháu hàng xóm ngày xưa bên Việt Nam. Phối hợp một cách khéo léo, anh chị Thuận đã tập họp được đông đảo anh em Khóa 2 Học Viện CSQG cùng một số thân hữu ở Houston tiếp đón vợ chồng tôi rất ân cần, niềm nở tại Quê Hương Restaurant trên đường Bellaire. Anh Thuận, tôi thấy vui niềm vui “thiên nhai lưu lạc nhân” cố tri tương ngộ. Dù sức lực trai trẻ của anh nó đã rong chơi nơi xứ lạ đâu đâu làm anh không còn nhiều hơi sức, nhưng tôi cảm nhân được cái tâm huyết thủy chung trong lòng anh làm anh hết mình với người bạn thâm giao quen nhau đã gần nửa thế kỷ. Tình bạn quý hóa thay. Nhân đây cũng không quên cảm ơn tấm thạnh tình của các anh chị Trà Văn Tứ, Phùng Quang Triệu, Trần Văn Thái, Phan Trợ, Võ Thế Long, Trần Văn Thức, Nguyễn Văn Ban, Phạm Văn Chôm, Nguyễn Văn Tăng, Lê Thành, Lương Văn Tụng, Ðoàn Cữu Thành và một số anh chị em nữa không nhớ tên…Ðặc biệt không quên anh chị Phạm Văn Nhân, Hội Trưởng Hội CSQG Houston sốt sắng đến trước nhất; cũng như cháu Giang Tỷ, con anh bạn tù thân thiết Võ Văn Sơn của tôi trong những trại tù Việt Cộng ở Yên Bái, Lào Cai, Văn Bàn, Vĩnh Phú đã cùng với mẹ, cũng đến rất sớm để sắp xếp với nhà hàng lo liệu bữa cơm thân mật. Cháu Giang Tỷ, chị Võ Văn Sơn đúng là một đứa con, một người vợ của một người tù bất khuất Võ Văn Sơn của tôi, của chúng ta. Trong dịp về Houston lần nầy, một kỷ niệm hết sức dễ ghét đáng nhớ với anh chị Lê Văn Thuận không bao giờ quên. Hôm đó trên chiếc xe đưa về nhà ở tận Tomball, tôi thình lình bị “Tào Tháo rượt” chạy chết cha, làm anh chị Thuận quýnh quáng và tôi thì như ngồi trên ngọn lửa hỏa hoạn. Bí quá! May liều mà được. Tôi đường đột xin “trespassing” vào một tiệm beauty salon, chỉ tay vào phía bên trong và miệng chỉ kịp nói ngắn, gọn “restroom”. Mấy cô gái Mỹ trắng đang lúc ế khách ngồi tán gẫu, gật đầu một cách phản xạ kèm theo những nụ cười thông cảm kẻ sa cơ thất thế. Ôi thiên đường là đây. Hú hồn!


    Còn vài ngày nữa là Tết Ất Mùi năm 2015, nghe tin anh Nguyễn Thái Bình ở College Station, Texas đi đứng té lên té xuống, anh chị Lê Văn Thuận cùng với các anh Trà Văn Tứ, Trần Văn Thái, Lê Thành, Phạm Văn Chôm đã vượt đường trường 124 cây số dài và 1 giờ 30 phút lái xe từ Houston, Texas lên thăm. Với mấy ông già trên 70 tuổi và tháng ngày kế cận Tết nhứt mà đến với nhau tình bằng hữa cố tri, rõ ràng không gì bằng. Anh Bình đã bị Parkinson nhiều năm trước; nay lại mang thêm một chứng bệnh ngặt nghèo, mà tỷ lệ người mắc bênh là 1 phần triệu. Hai chân anh yếu xìu và không đi được theo sự điều khiển thần kinh não bộ. Ôi, tuổi già sao trời bắt tội đến thế!


    Tại bệnh viện Medical Center Arlington.
    Hàng 3 người: anh Thuận bên trái. Hàng 6 người: chị Thuận, chị Ðịch,… bên phải

    Rồi ngày 1tháng 3 năm 2015 được tin anh Mai Việt Ðịch bị té nặng phải đi cấp cứu tại bệnh viện Medical Center Arlington ở Arlington, thì đúng 7 ngày sau, anh chị Lê Văn Thuận đã bắt thằng con chở vài anh em đến thăm người bạn cùng mình ngày xưa Thanh Niên Quốc Gia Ðoàn, Khóa 2 Học Viện CSQG. Từ Houston đến Dallas-Fortworth mấy ngày đó mưa Ðông tối trời và lạnh Ðông buốt rét, nhưng đã vì tình mà đi thì cứ đi ngay cả mới hừng sáng mù mờ con đường thiên lý dài trên 400 cây số và cả 4 giờ rưởi thằng con lái xe thật chiếng. Anh chị Lê Văn Thuận với các anh Trà Văn Tứ, Nguyễn Hồng Son, Lương Văn Tụng còn ghé thăm hai ông bạn già, một ông Nguyễn Văn Thơ bị Stroke nhiều năm và một ông Phạm Viết Từ già yếu, may mắn sống sót nhờ đã được thay thận của ai.


    Nhà anh Từ. Anh Lê Văn Thuận bên trái đứng nói chuyện
    với anh Phạm Viết Từ. Anh Nguyễn Văn Thơ ngồi ở giữa


    Buồn thay tuổi già chúng ta, các chứng bệnh trên cứ lẽo đẽo theo. Chứng bệnh mà mấy cụ ông cụ bà mình ngày xưa thường gọi là “trúng gió” và sau nầy gọi là “đột quỵ”. Nhiều quá mấy ông bạn của tôi bị “stroke” như Nguyễn Văn Thơ, người mặc áo nâu ngồi giữa tấm hình mấy năm rồi có đi được đâu! Ông Cao Quý ở Oregon nằm liệt giường nửa tỉnh nửa mơ! May quá hai ông Quách Thành Triệu ở Worcester, Massachusetts và Nguyễn Ngọc Tích ở San Diego, California vẫn còn lành lặn. Khoảng chừng 15 năm trước đây, tôi có nói chuyện và biết anh bạn già Phạm Viết Từ đang bị “kidney failure”, mình gọi là thận suy đang chờ và chờ nhiều năm rồi để làm “kidney transplant”, tức thay thận. Thận chưa có, chưa thay, ảnh một tuần lễ phải 3 lần và mỗi lần mất cả 3, 4 tiếng đồng hồ lọc máu tức là đưa máu xấu ra, cho máu tốt vào, tiếng Mỹ gọi là “hemodialysis”. May lắm, ảnh đã nhờ thận của ai đó mà sống hạnh phúc đến nay tuổi già sức yếu bên vợ con. Tương tự, hiện ở thành phố Revere, Massachusetts, anh bạn Nguyễn Võ của tôi ngày đêm cũng đang chờ, chờ cặp thận của ai đó cho mình sự sống bình yên…! Ðường xa trăm dặm anh chị Lê Văn Thuận có tài xế là thằng con áp út lái xe thiệt ngon với vài người bạn tốt bụng tốt dạ đồng hành đến thăm 2 người bạn bệnh hoạn Nguyễn Văn Thơ và Phạm Viết Từ của mình thì tấm lòng rõ ràng đáng ngợi khen biết chừng nào.


    Trái qua : Vợ tôi, chị Thuận Ngày Họp Mặt Năm 2012
    tại nhà anh chị Nguyễn Văn Lợi

    Bạn bè, mấy ông tài hay, bày đặt tách bạch chữ bạn ra riêng với chữ bè ra riêng mà giải lý chi li hơn cái cân tiểu ly cân vàng chữ nghĩa thì tôi chịu. Bạn bè một cách đơn giản, tôi đã thấy cái tình, cái nghĩa, cái lòng của anh Lê Văn Thuận, cả chị Lê Văn Thuận và tôi đã sống với nhau chí tình đã gần nửa đời người 50 năm quý trọng nhau, thân thiết nhau không suy suyễn. Từ mấy năm ban sơ trên xứ Dak Nong lâm sơn chướng khí quanh năm mù sương gió núi, mưa rừng mới gặp nhau đã là anh em một lòng làm việc với nhau. Dẫu cho “thế gian biến cải vũng nên đồi”, anh Lê Văn Thuận vẫn lúc nào như lúc nào thủy chung trước sau như một, không “còn bạc còn tiền còn đệ tử. Hết cơm hết gạo hết ông tôi” theo như hàng phàm phu tục tử sau khi Việt Nam Cộng Hòa bị Mỹ bán đứng cho Tàu để Việt Cộng chiếm Miền Nam Việt Nam. Rồi những năm về chiều mệt mỏi tuổi “thất thập cổ lai hy” sức tàn lực kiệt nơi xứ lạ quê người đời vong quốc, anh Lê Văn Thuận vẫn tìm đến anh em chỉ vì một tấm lòng, tấm lòng của người đồng môn, đồng khóa, chiến hữu, bạn tù,… đã là “tứ hải giai huynh đệ” với nhau trên đời. Thật hiếm hoi thay một người bạn. Thật quý hóa thay tình anh em có bạn có bè đâu là bạn riêng bè riêng./.


    NGUYỄN THỪA BÌNH
    Kansas City 15/3/2015


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X