Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Hồi ký TÔI TÌM TỰ DO - Nguyễn Hữu Chí ( Hữu Nguyên )

Collapse
X

Hồi ký TÔI TÌM TỰ DO - Nguyễn Hữu Chí ( Hữu Nguyên )

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • #16
    TÔI ĐI TÌM TỰ DO (Nguyễn Hữu Chí)

    Hữu Nguyên


    KỲ 15

    Hôm nay, khi viết những dòng chữ này gửi tới các bạn, tôi đã bước vào tuổi 55. Và kể từ khi đứng ở bờ sông Châu của buổi tối hôm đó, muốn cất tiếng gọi hai tiếng “Mẹ ơi!” mà không dám gọi, cho đến nay đã 45 năm trôi qua. Trong suốt 45 năm đó, càng ngày tôi càng nhận thấy rõ ràng một điều, chính cuộc đời đau khổ đầy oan trái của Mẹ, và hoàn cảnh éo le của tôi, đã khiến tấm lòng của tôi luôn luôn nhạy cảm, dễ dàng rung động, xót xa, đau đớn với nỗi đau, nỗi thiếu thốn của tất cả những người chung quanh, cho dù họ là những người dưng nước lã. Tôi thương xót một người đàn bà ở làng tôi, vì chửa hoang nên bị cả làng hắt hủi; tôi khóc thương cho một người mẹ già, lưng còng, bán có mấy cây mía ở chợ, cũng bị cán bộ thuế nông nghiệp tịch thu; tôi nghẹn ngào không nuốt nổi miếng cơm, khi nhìn thấy những trẻ em đói khát đứng chầu trực cơm thừa canh cặn, dọc theo đường tôi hành quân vô Nam… Đất nước tôi tươi đẹp, nhưng sao tôi thấy dân tộc tôi khốn khổ, thiếu thốn trăm vạn điều…

    Tối hôm đó, trở về nhà, trong đầu óc tôi đầy ắp hình ảnh Mẹ. Tôi không tâm sự được với ai, nhưng lòng tôi thổn thức vô cùng. Tôi muốn hỏi Thày tôi thật nhiều nhưng không dám. Trong những năm tháng của tuổi ấu thơ, tôi không thể ngờ được, Mẹ của tôi vẫn âm thầm, để ý theo dõi cuộc sống của tôi. Mẹ của tôi hiểu rằng, rồi sẽ đến một ngày, tôi sẽ đủ khôn lớn để hiểu được tình yêu thiêng liêng của Mẹ dành cho tôi lớn lao đến mức nào. Mẹ của tôi biết rằng, với thời gian và sự khôn lớn, tôi sẽ hiểu được những éo le, khổ đau mà mẹ tôi phải gánh chịu. Tôi sẽ yêu thương, tìm đến với Mẹ trong tấm lòng đau đớn của một người con…

    Quả nhiên, bảy năm sau, khi tôi đi học trọ cách nhà tôi gần chục cây số, Mẹ đã tìm đến tận nơi tôi học, và hai mẹ con chúng tôi đã đoàn tụ. Ngay sau đó, tôi đã theo Mẹ tôi đi Đọi, Đệp là quê của Mẹ, rồi tôi theo Mẹ tôi lên Hà Nội, nơi Mẹ tôi đang ở, để Mẹ tôi dẫn đi nhận họ hàng bên nội, bên ngoại.

    Những năm đó, Miền Bắc đang sống trong cảnh thiếu thốn cùng cực, vì tất cả lương thực, thực phẩm đều bị nhà nước thu mua, để đánh đổi vũ khí, đưa vô Miền Nam. Chế độ cộng sản đã rất xảo quyệt, ngụy tạo “hình ảnh người bộ đội hy sinh xương máu chống Mỹ cứu nước” ở Miền Nam, để bắt người dân ở Miền Bắc phải đổ mồ hôi, nước mắt, phải “thắt lưng buộc bụng” để dành lương thực, thực phẩm cho “Miền Nam thắng Mỹ”. Tất cả những cảnh bom đạn của máy bay Mỹ thả xuống các làng mạc, thành phố, đều được nhà nước chụp hình, thổi phồng và tuyên truyền, nhằm khích động lòng căm thù của mọi tầng lớp trong xã hội Miền Bắc.

    Nhớ lại những ngày tháng thiếu thốn, đói khát ấy, tôi thấy thật rùng mình kinh hoàng, vì đói khát triền miên cùng với không biết bao nhiêu bi kịch hiện ra ở khắp mọi làng quê, thôn xóm, thành phố, thị trấn của Miền Bắc. Đảng và nhà nước kiểm soát tất cả sự sống của người dân, qua chế độ tem phiếu. Mỗi tháng, mỗi người lớn, được 13 kí lô lương thực, trẻ em được 7, 8 kí. Dù người lớn hay trẻ em, trong tiêu chuẩn lương thực luôn luôn phải có phần ăn độn chiếm tới một nửa là khoai, sắn, hoặc bột mì. Đó là trên lý thuyết. Trên thực tế, tuỳ theo tình hình của cửa hàng lương thực, tỷ lệ độn khoai, sắn, hoặc bột mì sẽ tăng lên. Dù là gạo, khoai, sắn, hay bột mì, tất cả đều chung một điểm là chất lượng rất tồi tệ. Mối mọt, sâu bọ, sỏi đá, hoặc độ ẩm, được trộn lẫn để tăng trọng lượng. Vì vậy, tiêu chuẩn là 13 kí lô một tháng, nhưng thực tế, người dân nhận được ít ỏi hơn thế rất nhiều. Vì có quá nhiều mối mọt, sâu bọ, nên mỗi khi đi mua lương thực về là phải đem phơi nắng, để mối mọt, sâu bọ bò đi. Đó là với những con mối mọt, sâu bọ còn sống. Với những con đã chết, thì khi vo gạo, rửa khoai, rửa sắn, mới có thể vớt chúng ra được. Còn bột mì thì thật khủng khiếp vì quá nhiều sâu bọ. Đem bột mì trộn với nước lạnh, rồi nắm lại thành từng cục, bỏ vào nước đun sôi. Vớt ra từng cục vừa hôi khủng khiếp lại vừa cứng như đá. Vậy mà vẫn phải ăn, phải nuốt. Chính vì phải ăn những miếng bột mì luộc như vậy trong suốt những năm tháng dài, nên sau này, mỗi khi nghĩ tới bột mì là tôi thấy ghê. Sau này, vô đến Miền Nam, và ngay cả khi sang đến Úc, tôi vẫn sợ không dám ăn bánh bao, vì chỉ nghĩ đến nó là thứ bánh làm bằng bột mì là tôi đủ sợ, cho dù đó là thứ bột mì hảo hạng, có bột chua làm cho nó thật xốp, thật mềm và bên trong lại có nhân trứng, thịt, mộc nhĩ, thật ngon lành.

    Để có được 13 kí lô lương thực đó trong nhà cũng không phải là chuyện dễ dàng. Tôi nhớ, trong những năm tháng khốn khổ thời đó, mỗi tháng 2 lần, tôi phải dậy từ tinh mơ mờ đất, mang một cái thúng, hay một cái bao bằng vải, đi bộ từ 5 đến 10 cây số để đến cửa hàng lương thực của huyện nhà, hay huyện bên, xếp hàng, chờ mua. Cho đến bây giờ, đã 40 năm có lẻ trôi qua, nhưng tôi vẫn nhớ như in hình ảnh cái sân gồ ghề ở cửa hàng lương thực huyện. Ở đó, vào những buổi sáng sớm, trời còn mờ sương, không khí lạnh buốt, hàng trăm con người xếp hàng rồng rắn, ngủ vạ ngủ vật, chờ đến giờ mở cửa. Hầu hết những người đến đó đều thuộc loại đói kinh niên, và luôn phong phanh trong những manh quần áo vá chằng và đụp. Mua được mấy chục kí lô lương thực bao giờ cũng hết một ngày trời, vừa đi vừa về, vừa chờ đợi. Khốn khổ như vậy, nhưng nếu mua được, dù cho có độn 70%, 80% với khoai lang, khoai mì, hay bột mì, thì vẫn còn là may mắn. Vì nhiều khi, xếp hàng gần đến lượt mình, thì cửa hàng tuyên bố hết lương thực. Khi đó, đành phải tiu nghỉu ôm thúng không, túi không, cùng chiếc bụng lép kẹp, đi bộ về nhà, để rồi một hai ngày sau, bi kịch xếp hàng mua lương thực đó lại tiếp diễn.

    Nhưng nếu đó là bi kịch đối với tôi trong những ngày tháng đó, thì tôi cũng mong các bạn hãy hiểu rằng, ở Miền Bắc thời đó, bi kịch ấy vẫn là điều vô cùng may mắn mà hàng triệu thanh thiếu niên Miền Bắc khác mơ ước mà không được. Tôi biết rất rõ, nhiều bạn bè của tôi lúc đó, chỉ biết ăn rau, ăn khoai, trong suốt nhiều tháng, thậm chí cả năm, chỉ trông thấy hạt cơm có một, hai lần, trong dịp tết nhất hay ngày giỗ. Tôi nói là được trông thấy hạt cơm, mà không nói là được ăn cơm, vì quả thực có những người tuy trông thấy hạt cơm, nhưng chẳng bao giờ được ăn cơm.

    Sống trong cuộc sống khốn khổ và thiếu thốn, thường những người làm cha, làm mẹ, làm anh, làm chị, bao giờ cũng là những người phải chịu đựng thiếu thốn, đói khát nhiều hơn cả. Và cũng trong cuộc sống thiếu thốn, tình nghĩa yêu thương giữa những người ruột thịt được dịp chứng minh, khiến mọi người biết nhường cơm, xẻ áo cho nhau. Nhưng cũng chính trong hoàn cảnh thiếu thốn đó, chế độ cộng sản đã cố tình nhào nặn một cách tinh vi, khiến bản năng sinh tồn thú vật trong con người bị đánh thức, được dịp tung hoành, nên con người với con người trở nên tàn nhẫn, độc ác, sẵn sàng tranh giành từng miếng cơm, manh áo, rồi lòng ghen ghét, sự đố kỵ, được dịp bùng cháy, thiêu đốt lương tâm con người cả ban ngày lẫn ban đêm.

    Trong thời gian hành quân vô Miền Nam, các đơn vị bộ đội đều được cấp phát đầy đủ gạo, đồ hộp của Tàu, của Nga. Tuy không dư giả, nhưng sung túc gấp trăm lần so với đời sống của dân chúng vào lúc đó. Nhất là tại những vùng thôn quê từ Ninh Bình, Thanh Hóa, trở vô đến Quảng Bình, là những nơi thiếu thốn cùng cực, khổ sở gấp bội so với những thiếu thốn cùng cực ở Miền Bắc quê tôi. Tại những tỉnh ở miền Trung Việt Nam, bất cứ nơi đâu, khi dừng quân, nấu nướng, dùng bữa, chúng tôi đều chứng kiến cảnh hàng trăm trẻ em, hầu hết đều trần truồng, đứng chầu trực để xin các đồ ăn thừa của bộ đội. Tôi không biết các đơn vị bộ đội khác đối xử với những trẻ em xin ăn đó như thế nào, nhưng đơn vị của tôi thời đó đã có nghiêm lệnh, đồ ăn thừa phải đem chôn, tuyệt nhiên không được cho bất cứ ai. Trước mệnh lệnh dã man đó, hầu hết chúng tôi đều không tuân hành. Chúng tôi tìm đủ mọi cách, bí mật chia xẻ những đồ ăn chúng tôi có cho cha mẹ của các em.

    Cả Miền Bắc lúc đó sống trong đói khát, thiếu thốn. Qua đường lối tuyên truyền đầy thâm độc của chế độ cộng sản, tất cả mọi người đều đinh ninh nguyên nhân của mọi sự thiếu thốn là do “Mỹ Nguỵ” ở Miền Nam gây nên. Tất cả những thanh thiếu niên sinh ra và lớn lên ở Miền Bắc, đều có ảo tưởng, tin một cách thật thà, Mỹ đã xâm lăng Miền Nam, nhân dân Miền Nam đang sống đọa đầy dưới gót sắt của Mỹ, nên đau khổ, thiếu thốn gấp trăm ngàn lần nhân dân Miền Bắc.

    Thêm vào đó, những bài thơ của Tố Hữu, Chế Lan viên, Huy Cận, Tế Hanh, Anh Xuân; những truyện ngắn, tiểu thuyết của Anh Đức, Nguyễn Văn Bổng, Nguyễn Quang Sáng; rồi phim ảnh tuyên truyền của cộng sản Việt Nam, cộng sản Nga, cộng sản Tàu… đã nhịp nhàng có trước có sau, theo thời gian đầu độc mọi người dân Miền Bắc, khiến cho tầng lớp thanh niên khi lên đường xâm lăng Miền Nam đều tin tưởng, họ đang thực hiện một lý tưởng, theo đuổi một hoài bão, “giải phóng Miền Nam khỏi sự xâm lăng của đế quốc Mỹ”…

    May mắn cho tôi, nhờ được gia đình giáo dục, nhờ những món quà được các anh chị ở Miền Nam gửi cho, qua ngả Pháp, và những tấm ảnh chụp cảnh gia đình từ thời Pháp thuộc, đã giúp tôi sớm hiểu được cái chế độ tôi đang sống ở Miền Bắc là chế độ độc tài; và Miền Nam, nơi tôi đang được lệnh xâm lăng, chính là vùng đất của tự do, vùng đất có thân nhân ruột thịt của tôi đang sống hạnh phúc, trong đó có anh Quảng, một thần tượng của tôi khi còn bé, và là một trong những người đầu tiên vượt tuyến vô Nam…

    còn tiếp

    Comment


    • #17

      TÔI ĐI TÌM TỰ DO (Nguyễn Hữu Chí)

      Hữu Nguyên


      KỲ 16


      Kể từ khi viết hồi ký, tôi có được cái may mắn, nhận được những cú điện thoại, những email khuyến khích của quý độc giả. Trong số đó, có những vị trước kia ở cùng một tổng, một làng với tôi ở ngoài Bắc. Có vị cùng tắm chung trên dòng sông Châu, và cũng có vị từng đặt chân lên núi Đọi, núi Đệp quê hương của Mẹ tôi… Rồi Chủ nhật vừa qua, có một vị gọi điện thoại hỏi tôi về những kỷ niệm của tuổi học trò ở Miền Bắc dưới chế độ cộng sản. Trước đây hai tháng, cũng có một vị thân hữu trong cộng đồng, hỏi tôi câu hỏi tương tự. Vì vậy, hôm nay, tôi xin kể lại những kỷ niệm tuổi học trò của tôi.

      Tôi là một người rất hiếu học, nhưng vì hoàn cảnh gia đình, nên chỉ được học hết lớp 8 thì tôi phải nghỉ học để kiếm sống. Nhưng trong thời gian 8 năm trên ghế nhà trường, tôi cũng có nhiều kỷ niệm vui buồn, đến bây giờ vẫn còn nhớ như in trong óc.

      Trong những năm tiểu học, tôi là một đứa trẻ rất tinh nghịch, nên tôi bị thầy giáo đánh đòn như cơm bữa. Lớp tôi học nằm cạnh một vườn khoai mì, mà ngoài Bắc gọi là cây sắn. Dùng cây sắn làm roi thì hay bị gẫy, nên mỗi khi tôi nghịch ngợm, đáng bị đánh đòn, là thầy giáo sai học trò ra vườn sắn bẻ cả chục cây đem vào lớp. Như đã kể trong những số báo trước, tôi là người đa cảm, rất dễ xúc động, nhưng lại rất lì đòn, vì tôi mê được làm anh hùng ngay từ khi còn bé. Mà muốn làm anh hùng, thì điều đầu tiên phải biết gồng mình chịu đòn. Vì tâm tâm niệm niệm như thế, nên mỗi lần bị thầy giáo đánh đòn, tôi đều nghiến răng chịu đau, nhất định không kêu la xin xỏ.

      Ngồi học trong lớp, tôi ít khi để ý đến lời thầy giảng, mà chỉ hay coi trộm truyện. Vì hay đọc truyện, nên tôi đọc bài rất lưu loát. Mỗi khi có phái đoàn giáo viên của huyện, của tỉnh về thăm trường (hay còn gọi là thăm quan), là cô giáo, thầy giáo lôi tôi lên đọc bài trước lớp. Tôi coi đó là một vinh dự và thích thú lắm.

      Khi tôi bắt đầu lên học cấp 2, tức là từ lớp 5 đến lớp 7, thì máy bay Mỹ bắt đầu oanh tạc Miền Bắc. Đó là thời gian vất vả nhất của tuổi học trò. Vì trường cấp 2 ở ngay phố huyện, nên lệnh của trên phòng giáo dục huyện bắt trường tôi phải đi “sơ tán” (giống như di tản), nghĩa là chúng tôi phải bỏ trường lớp, đi xuống vùng thôn quê cách đó khoảng 4, 5 cây số, dựng lên trường lớp bằng mái tranh, vách đất. Cực khổ nhất là phải đào giao thông hào chi chít từ trong lớp học ra đến bên ngoài.

      Có thể nói cả Miền Bắc từ năm 1965 trở đi, đâu đâu cũng thấy giao thông hào và hầm hố tránh bom. Giao thông hào đào từ trong mỗi lớp học, tỏa mạng ra các hầm trú ẩn. Chung quanh lớp cũng phải đắp các ụ đất cao một thước tám, ngang khoảng thước hai. Những ụ đất này chạy quanh lớp học, chỉ chừa có vài lối ra vô là cửa ngõ của các giao thông hào. Giao thông hào thì sâu khoảng thước rưỡi, ngang khoảng thước hai. Ngoài ra mỗi lớp học phải làm 5 hầm tránh bom, mỗi hầm chứa khoảng 10 đến 12 học sinh. Để làm những hầm tránh bom, phụ huynh và học sinh phải làm chung, vì rất tốn kém và vất vả. Đầu tiên là đào một hố sâu khoảng một thước, chiều ngang 3 thước, chiều dài 5 thước. Sau đó đóng cọc tre hai bên san sát dính liền, mỗi cọc cao khoảng 2 thước rưỡi, một đầu vót nhọn cắm sâu vào đất khoảng nửa thước, đầu kia có ngàm, để hai chân cọc đóng xoãi hai bên, còn hai đầu cọc thì khớp lại với nhau giống như mái nhà. Tiếp theo là buộc lạt tre, đặt phên tre, rồi đổ đất bùn trộn với rơm, dầy từ một thước đến thước rưỡi. Cuối cùng là phủ những lớp cỏ ngụy trang lên trên.

      Dọc theo các con đường làng, các đường mòn tới lớp học, rồi chung quanh lớp, đều có các hố cá nhân. Những hố này đều sâu từ thước rưỡi đến hai thước, đường kính thước rưỡi. Ở thành phố, thị xã, thủ đô Hà Nội, mỗi hố cá nhân thường được đổ bằng xin măng, có nắp đậy. Còn ở thôn quê thì hố thường bằng đất, không có nắp.

      Ngoài hệ thống hầm hố ra, mỗi học sinh thời đó đều phải có mũ rộng vành bện bằng rơm. Những cọng rơm được ngâm nước cho mềm, rồi kết lại với nhau giống như kết tóc đuôi sam. Sau đó, từng chuỗi rơm to bằng ngón tay cái được quấn và khâu thành hình chiếc mũ. Các thày cô giáo vẫn thường dậy chúng tôi, đội mũ rơm thì giúp cho đầu của mình khỏi bị bom bi, hay miểng bom. Như vậy mũ rơm để bảo vệ đầu. Còn bảo vệ thân thể thì có một chiếc khiên bằng rơm (lâu ngày, tôi quên mất tên gọi của nó nên tạm gọi là khiên rơm). Chiếc khiên này cũng được bện bằng rơm, nhưng thay vì khổ nhỏ như ngón tay cái, thì rơm bện cho chiếc khiên phải to và tròn cỡ cổ chân. Sau khi bện xong, thì quấn từng vòng thật chặt thành một chiếc khiên rơm hình bầu dục, rồi thêm hai chiếc dây, hay hai quai bằg rơm ở hai bên để đeo lên vai. Khi đeo xong, chúng tôi sẽ có được một chiếc khiên che kín phía lưng. Nhìn chung, vào thời đó, những chiếc mũ rơm, khiên rơm là như vậy, nhưng mỗi địa phương, hình dáng, cách thức của mũ rơm, khiên rơm có khác. Thậm chí có nơi, không có rơm, thì người dân dùng bẹ ngô, hay cây cỏ…

      Học sinh chúng tôi thời đó cũng được dậy rằng, nếu nghe tiếng kẻng hay còi báo động, kịp nhảy xuống hố cá nhân tránh bom, thì nhớ đậy nắp hầm bằng chiếc khiên rơm. Như vậy, chỉ trừ khi trái bom rơi trúng miệng hầm, còn không thì mạng sống của chúng sẽ rất an toàn. (!!!) Tôi còn nhớ ngày đó, có mấy ông cán bộ huyện đội hay xuống trường học của chúng tôi, bắt cả trường phải thực tập màn báo động máy bay Mỹ oanh tạc. Có hôm mùa đông lạnh lẽo, trời mưa tầm tã cả tuần lễ, giao thông hào, hầm hố đều ngập nước, nhưng cán bộ huyện đội tới ra lệnh báo động, chúng tôi vẫn phải chạy nháo nhào dưới mưa để chui vào những hầm hố đầy nước… khiến đứa nào cũng run cầm cập, quần áo ướt như chuột. Ngoài chuyện nước, bùn, đôi khi còn có cả chuột, cóc nhái, rắn rết,… sống cũng có mà chết cũng có, trong các hầm hố, giao thông hào. Những thứ này quả là cả một ác mộng đối với học trò, nhất là với nữ sinh.

      Về công dụng của chiếc mũ rơm, khiên rơm, tôi nhớ có lần, cán bộ huyện đội lên lớp giải thích, mỗi miểng bom hay viên bom bi bắn ra trong không khí, chúng sẽ xoay tít theo chiều kim đồng hồ. Một khi gặp rơm, chúng sẽ cuốn sợi rơm theo chiều quay, nên mỗi sợi rơm sẽ có công dụng như chiếc phanh (thắng), làm giảm tốc độ và rồi chặn đứng viên bom bi hay miểng bom lại. Nhờ vậy, chúng tôi sẽ thoát chết. (!!!)

      Vào lúc đó, chúng tôi chẳng biết, những chiếc nón rơm, khiên rơm đó có hữu hiệu trong việc tránh bom bi hay miểng bom như lời cán bộ huyện đội nói không, nhưng chúng tôi ai ai đi học cũng không thể nào quên được hai thứ “bùa hộ mạng” cồng kềnh và nặng nề đó.

      Để minh họa phần nào hình ảnh người học sinh Miền Bắc trong những chiếc khiên rơm, mũ rơm, tôi xin gửi tới các bạn tấm hình dưới đây. Tôi cũng xin thưa, khi cho bà xã coi tấm hình này, tôi đã giải thích đứt lưỡi, bằng tất cả ngôn ngữ tôi có, cộng với sự thật thà đến ngây ngô, ngờ nghệch của tôi, nhưng vợ tôi vẫn nhất định không tin, những học sinh trong hình mặc những tấm khiên rơm đó là để chống bom bi. Vợ tôi bảo, các em học sinh đeo chiếc khiên rơm đó là để cho khỏi lạnh, chứ không phải để chống bom bi. Vì vậy, nếu quý độc giả nhìn hình, mà không tin những gì tôi viết trong bài này, điều đó không làm tôi ngạc nhiên. Chỉ mong, nếu quý vị có cơ hội, xin hãy hỏi chuyện những người Việt từng sống ở Miền Bắc trong giai đoạn 1964-1972, thì có thể phần nào tin những điều tôi đã viết… Như vậy, quý vị sẽ thấy thương xót cho tuổi trẻ Việt Nam ở Miền Bắc trong những năm tháng cách đây ngót 40 năm. Và cũng xin quý vị hãy hiểu rằng, tất cả những khổ ải đó chỉ bằng phần ngàn, phần vạn, so với những khổ ải không có trong hình, do cộng sản gây ra cho quê hương, dân tộc VN, trong suốt 60 năm qua…

      còn tiếp

      Comment


      • #18
        TÔI ĐI TÌM TỰ DO (Nguyễn Hữu Chí)

        Hữu Nguyên


        KỲ 17


        Tuần qua, có một số vị độc giả cho biết, rất thích thú và ngạc nhiên khi thấy tấm hình những học sinh Việt Nam đeo khiên rơm, đội mũ rơm trên đường đến trường. Với đông đảo người dân Miền Nam, đó là hình ảnh lạ lùng, hiếm thấy, và cũng không có mấy người tưởng tượng ra nổi. Sự thực, trong những năm tháng đó, ở khắp các trường học trên lãnh thổ Miền Bắc, đâu đâu cũng thấy cảnh “muôn người như một” đội mũ rơm, đeo khiên rơm khi đi học. Tất cả học sinh Miền Bắc thời đó đều nghèo khổ, túng thiếu, quần áo vá chằng vá đụp, cùng những gương mặt xanh xao đói khát kinh niên, cộng với guồng máy tuyên truyền được chế độ cộng sản tận dụng tối đa để nhào nặn con người, đã làm tê liệt hết mọi đường nét ngây thơ, hồn nhiên của tuổi trẻ.

        Dưới “mái trường xã hội chủ nghĩa” thời đó (cũng như từ xưa tới nay), ngoài những bài học thường xuyên thuần túy về đường lối chính sách của đảng, tất cả các môn học khác đều được chính trị hóa tối đa, kể cả những môn thuần túy khoa học tự nhiên như toán, lý, hóa. Trong văn chương cận và hiện đại, học sinh chúng tôi chỉ học văn thơ của những nhà văn, nhà thơ cách mạng, trong đó văn thơ của Hồ Chí Minh, Tố Hữu, Chế Lan Viên luôn luôn chiếm hàng đầu. Chương trình học, từ cấp 1, cấp 2, cấp 3 đến đại học, đều ở dạng “chính trị đồng tâm”, có nghĩa, từ khi còn nhỏ cho đến khi lớn lên, chúng tôi cùng học văn thơ cách mạng, nhưng nhỏ ở lớp dưới thì học ít, lớn ở lớp trên thì học nhiều. Học sinh cấp 1 học một vài bài thơ, bài văn trích của các lãnh tụ cộng sản. Lên cấp 2 học lại, nhưng sâu hơn, rộng hơn. Lên cấp 3 lại tiếp tục học. Đối với các nhà văn nhà thơ thuộc các trào lưu tư tưởng khác thì cộng sản không cho học, hoặc nếu có học cũng nặng về phê phán, chỉ trích những tư tưởng mà cộng sản coi là lệch lạc, sai trái. Thậm chí, đối với ngay cả những nhà văn nhà thơ cổ điển, hay những nhân vật lịch sử sống cả ngàn năm trước, cũng đều bị cộng sản nhào nặn để đánh giá, phê phán, dưới lăng kính chủ nghĩa cộng sản. Xin đơn cử một thí dụ, khi phân tích về Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du, những người trí thức cộng sản đã tìm đủ mọi cách để gán ghép cho Nguyễn Du những đặc điểm có tính giai cấp của một người cộng sản. Đối với thơ văn thời Pháp, cộng sản chỉ khai thác những tác phẩm được cộng sản coi là có “giá trị hiện thực phê phán”, nghĩa là mô tả những tội ác, những xấu xa, hủ bại của chế độ “phong kiến thực dân”; hoặc kể lại những cảnh khốn khổ, những bi kịch của người dân nghèo. Với các môn khoa học tự nhiên, cộng sản cũng có chính sách nhằm tuyên truyền và đầu độc tuổi trẻ Việt Nam. Tất cả các nhà khoa học có công đối với nhân loại, đều được đánh giá dưới lăng kính giai cấp, chủng tộc và đảng tính. Nghĩa là ưu tiên vinh danh những khoa học gia nào là đảng viên cộng sản, hoặc là người Nga, Ba Lan, Hung Gia Lợi… là những nước cộng sản; hoặc xuất thân từ thành phần lao động, giai cấp công nhân nghèo khổ.

        Bên cạnh nội dung giáo dục thuần túy tuyên truyền, cộng sản còn có cả một mạng lưới đoàn thể ngoại vi dầy đặc nhằm kiểm soát và hướng dẫn tư tưởng thế hệ trẻ, là tổ chức thiếu nhi và đoàn thanh niên. Cả hai tổ chức này đều đặt nền tảng tư tưởng cho giới trẻ, khiến cho một học sinh, ngay từ khi mới cắp sách đến trường, đã lọt vô cạm bẫy của cộng sản. Và trên con đường phát triển trí tuệ, tài năng và tay nghề, bất cứ học sinh nào, nếu đã không được kết nạp vào thiếu nhi, thì sẽ không bao giờ được kết nạp vào đoàn thanh niên. Và nếu đã không được kết vào đoàn thanh niên, thì người học sinh đó có học giỏi, có chịu khó, có tinh thần tiến thủ đến đâu đi nữa, người đó cũng khó có thể tiến thân. Sống trong xã hội cộng sản, hai chữ “đạo đức” phải được hiểu là “đạo đức cách mạng”. “Tài và đức” là thước đo giá trị của mỗi người đã trở thành “hồng và chuyên” trong chế độ cộng sản. Và khái niệm “hồng”, tức là “đạo đức cách mạng”, hoàn toàn xa cách, thậm chí trái ngược, với khái niệm “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín” của truyền thống dân tộc Việt Nam.

        Một người học sinh dưới “mái trường xã hội chủ nghĩa” được dậy rằng, muốn có “đạo đức cách mạng”, họ phải sẵn sàng vì quyền lợi của đảng, chấp nhận “phi nhân, bất nghĩa, vô lễ, bất trí, bất tín”. Chế độ cộng sản luôn luôn dậy người học sinh, “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín” chỉ là những sản phẩm xa xỉ của chế độ phong kiến và tư bản.

        Song song với trường học và các đoàn thể ngoại vi, cộng sản còn có cả một mạng lưới kìm kẹp và nhuộm hồng trí tuệ của tuổi trẻ qua hàng trăm hội đoàn, đoàn thể khác. Thậm chí, ngay cả gia đình, nền tảng đáng tin cậy cuối cùng của tuổi trẻ trên căn bản cùng huyết thúc, cũng bị cộng sản phá vỡ. Kết quả, ngay cả những câu hỏi ngây thơ, những thắc mắc chân tình của tuổi trẻ đối với cha mẹ hay anh chị trong nhà, cũng rất ít khi có được câu trả lời đúng đắn, nếu không nói là cha mẹ, anh chỉ đã chủ động trả lời gian dối, chủ động tuyên truyền lừa bịp. Bằng sự kìm kẹp tư tưởng, bằng chế độ tem phiếu, bằng mạng lưới công an chìm nổi và các hội đoàn, đoàn thể, cộng sản VN đã thực sự gieo rắc sự sợ hãi, gian dối, bao che tội lỗi, và đồng lõa với tội ác trên khắp quê hương Miền Bắc. Vì vậy, nếu ở Miền Nam, có ai than thở băn khoăn cho thế hệ trẻ khi viết “bò non gặm cỏ cháy”, thì ở Miền Bắc, tôi phải nói, “bò non gặm cỏ độc”.

        Một ai đó đã nói, con người là sản phẩm của tuyên truyền. Câu này rất đúng vì có thể nói hầu hết mọi người sinh ra và lớn lên trong xã hội cộng sản, họ đều dễ dàng trở thành những cán bộ tuyên truyền cộng sản. Điều này khiến họ vừa là nạn nhân của chế độ cộng sản, lại vừa là thủ phạm gây ra những nạn nhân khác sống chung quanh họ. Vì bản chất của chế độ cộng sản là phi nhân, gian trá và lừa lọc, nên không sớm thì muộn, đến một lúc nào đó, hầu hết những nạn nhân của chế độ cộng sản đều tỉnh ngộ, thức tỉnh. Nhưng ngay cả khi họ thức tỉnh, sự tê liệt về ý chí, cùng những tội lỗi mà họ đã phạm, và nỗi xấu hổ trước sự nông cạn về trí tuệ khiến họ mắc lừa cộng sản, đã khiến họ tiếp tục sa lầy trong vũng bùn cộng sản…

        Một trong những kỷ niệm ám ảnh mãnh liệt nhất và có sức tàn phá khủng khiếp nhất đối với thế hệ trẻ Miền Bắc chúng tôi là cái chết của Hồ Chí Minh. Để có thể hiểu được mức độ tàn phá của cái gọi là “thần tượng” Hồ Chí Minh đối với thế hệ trẻ Miền Bắc như thế nào, xin các bạn hãy nhìn vào thực tế, tại hải ngoại hiện nay, trong cộng đồng của chúng ta, vẫn có những người Việt khoa bảng lớn tuổi, điên cuồng bênh vực Hồ Chí Minh là người Việt yêu nước. Họ vẫn nằng nặc không tin Hồ Chí Minh đã có nhiều vợ và có con; HCM là chánh phạm tạo nên những thảm kịch thời cải cách ruộng đất; HCM đã tạo ra những cuộc thủ tiêu rùng rợn các đảng phái quốc gia thời 9 năm kháng chiến. Có thấy được sự cuồng tín bênh Hồ Chí Minh bằng mọi giá của tầng lớp khoa bảng thân cộng sản tại hải ngoại, qúy vị mới thông cảm cho những học sinh nghèo khổ, lớn lên sau rặng tre làng, bị nhào nặn dưới “mái trường xã hội chủ nghĩa” đã ngây thơ tin tưởng vào “thần tượng” Hồ Chí Minh như thế nào…

        Tôi còn nhớ ngày Hồ Chí Minh chết là ngày 3 tháng 9 năm 1969. Trong suốt những ngày, những tuần lễ sau đó, đi đến đâu, tôi cũng thấy những lễ truy điệu, những buổi đọc “di chúc” của Hồ Chí Minh. Rồi những bài hát, những bài thơ, những bài văn “thương tiếc Hồ Chí Minh” xuất hiện nhan nhản ở khắp mọi nơi, qua mọi hình thức. Tại các nhà thờ, chùa chiền, hãng xưởng nhà máy, các hợp tác xã, các trường học, đều thấy những gương mặt u ám, buồn bã, và cả những “giọt nước mắt thương tiếc”. Trong số đó, tôi biết hầu hết những người lớn tuổi biết rõ cộng sản là gì, thì đều phải đóng kịch để sống còn với chế độ. Sau này tôi được nghe kể, lúc đó, nhiều cô, nhiều bà có kinh nghiệm muốn “khóc thương Bác” thật mùi mẫn, thì chỉ cần nghĩ đến những người thân thương khi qua đời, là khóc ngon lành.

        Nhưng đó là đối với người lớn. Với tuổi trẻ Việt Nam, ngây thơ lớn lên giữa cả rừng cạm bẫy và gian dối, lại bị guồng máy tuyên truyền của cộng sản nhào nặn, nên ngày đó, nhiều học sinh nhất là nữ sinh đã khóc “thương Bác” rất mùi mẫn. Thêm vào đó, nước mắt bao giờ cũng hay lây, nên cảnh các nữ sinh sụt sịt khóc trong những buổi truy điệu Hồ Chí Minh là cảnh tôi thường thấy.

        Và một người khi còn trẻ, đã tin, đã yêu thương, tôn thờ một thần tượng, để rồi một ngày kia, nhận ra mình bị lừa, nhận ra thần tượng đó là thủ phạm của không biết bao nhiêu tội ác, thì khi đó, chính mình vừa thất vọng, vừa căm hận, vừa xấu hổ. Đời người chỉ sống có một lần, và chỉ một lần có tuổi thanh xuân. Vĩnh viễn không bao giờ mình được đi lại những năm tháng tuyệt vời đó. Vậy mà chính những năm tháng tuyệt vời đó, mình lại ấp ủ tôn thờ một tên đồ tể, thử hỏi còn nỗi đau đớn nào lớn hơn, quằn quại thê thảm hơn?… Nhất là khi nhiều người khi nhận biết được điều đau đớn đó là lúc tuổi của họ đã xế chiều, tội lỗi của họ đã ngập đầu, và hai tay của họ đã chót nhúng chàm độc….

        còn tiếp

        Comment


        • #19
          TÔI ĐI TÌM TỰ DO (Nguyễn Hữu Chí)

          Hữu Nguyên


          KỲ 18


          Một trong những nghệ thuật tuyên truyền quỷ mỵ và thâm hiểm nhất của chế độ cộng sản, là thêu dệt, nguỵ tạo những bằng chứng, để tạo ra ảo tưởng một tầng lớp một giai cấp hy sinh cho tầng lớp giai cấp khác trong xã hội. Kết quả, qua đường lối tuyên truyền này, những người cộng sản đã tạo nên một mối quan hệ thi đua hy sinh để sống xứng đáng với sự hy sinh của người khác dành cho mình.

          Bằng cớ cụ thể nhất, để cho bộ đội khi ra trận, chiến đấu thật điên cuồng, cộng sản đã nhồi nhét vào đầu họ những truyện, ở hậu phương Miền Bắc có những cô gái, quyết hy sinh mạng sống, dưới mưa bom bão đạn của máy bay Mỹ, để bảo đảm cho lương thực, vũ khí được chở ra tiền tuyến. Ngược lại, đối với những người dân, những đơn vị thanh niên xung phong ở Miền Bắc, cộng sản sẽ đầu độc họ bằng sự hy sinh vô bờ bến của người bộ đội tại Miền Nam. Những lời trăn trối, những lá thư tuyệt mệnh của bộ đội, được các văn nô, thi nô, thêu dệt theo đơn đặt hàng của cộng sản cũng có, mà sự thực của những bộ đội có bộ óc cuồng tín cũng có, đã là những liều “mật độc” thấm vào lục phủ ngũ tạng của thế hệ trẻ Miền Bắc, khiến họ dễ dàng trở thành những con thiêu thân, lao vào “hào quang” do CS nặn lên. Trong mối hy sinh hỗ tương giữa tiền tuyến với hậu phương, giữa công nhân với nông dân, giữa nữ giới với nam giới, giữa người già với người trẻ, giữa huyện A với huyện B, giữa tỉnh C với tỉnh D, vân vân và vân vân… CS đã quỷ quyệt vắt kiệt tất cả của cải, công sức, mồ hôi, nước mắt và cả máu của dân Miền Bắc.

          Một trong những “thần tượng” được cộng sản thêu dệt để bòn rút mồ hôi, trí tuệ của người dân, nhất là của thế hệ trẻ một cách hiệu quả nhất, là “thần tượng Hồ Chí Minh”. Để tạo cho mọi người dân hết lòng tin tưởng và thương yêu Hồ Chí Minh, chế độ cộng sản đã thêu dệt những câu chuyện đại loại như Hồ Chí Minh nhịn uống sữa mỗi buổi sáng để lấy sữa tặng cho trẻ thơ; nhịn mặc để lấy vải tặng các bà cụ già; thức đêm canh gác để cho bộ đội ngủ ngon… Sau này, chính Tố Hữu trong một bài thơ (tôi không nhớ tên) đã có câu, “sữa để em thơ, lụa tặng già” chính là để ca ngợi Hồ Chí Minh.

          Vì sống trong một xã hội, “muôn người như một”, cả nước chỉ nghe một chương trình phát thanh, đọc một tờ báo, hát chung một bài hát tuyên truyền, mặc cùng một loại vải, ăn cùng một loại cơm độn; và nếu còn ở tuổi đi học, khi tới trường, tất cả các trường học trên lãnh thổ Miền Bắc cùng một ngày, một giờ đều cùng giảng một bài luận văn, đọc cùng một bài thơ, với nội dung luận điệu y hệt như tờ báo, như đài phát thanh,… nên tuổi trẻ VN ở Miền Bắc dễ dàng chìm đắm trong tình cảm “kính yêu” Hồ Chí Minh, mà không hề biết chân tướng đầy qủy mỵ cùng những thủ đoạn tàn độc của ông ta.

          Truyện xưa, Tăng Sâm một người nổi tiếng là hiền hậu, sống với mẹ từ bé đến lớn, vậy mà chỉ 3 lần nghe 3 người khác nhau nói “Tăng Sâm giết người”, khiến người mẹ phải hoảng hốt bỏ trốn, thì đủ hiểu, sức mạnh của tuyên truyền ghê gớm đến thế nào. Người cộng sản VN hiểu rõ được sức mạnh đó, nên chúng đã dùng tuyên truyền để nhào nặn con người. Hậu quả, tôi có thể nói, sống trong xã hội cộng sản thời đó, dân chúng cả Miền Bắc sống trong dối trá. Trẻ ngây thơ thì sống trong ảo tưởng, lớn lên có chút hiểu biết, thì băn khoăn thắc mắc, nhưng không biết hỏi ai; và có hỏi cũng không bao giờ nghe được câu trả lời chân thành. Thậm chí có người, chỉ vì thật lòng hỏi, mà rồi mang họa, phải chịu tù tội suốt cả cuộc đời. Lịch sử tù tội trong xã hội CS, có không thiếu gì người, chỉ vì một câu nói đùa trong lớp học, chỗ chợ búa, hay ở nơi hàng quán, mà ôm hận vài năm đến vài chục năm tù.

          Bên cạnh lớp người ảo tưởng cuồng tín, ở Miền Bắc dưới chế độ cộng sản, còn có một lớp người khác “mũ ni che tai”. Lớp người này hiểu biết, biết rõ về cộng sản, nhưng vì hoàn cảnh gia đình, công ăn việc làm, nên họ chấp nhận “nín thở vĩnh viễn”. Vì sống trong một xã hội, hầu hết những người chung quanh đều “nín thở vĩnh viễn” giống nhau, nên họ đánh mất luôn cả nhân tính, cùng những cảm xúc bình thường con người phải có, như ăn năn, xấu hổ, tự ái, sĩ diện, tư cách, lòng tự hào… Chính guồng máy tuyên truyền của chế độ cộng sản đã tạo nên những người cộng sản máy như vậy nên trải qua cuộc chiến tranh Việt Nam với không biết bao nhiêu thảm kịch kinh hoàng, trong đó không biết bao nhiêu người cộng sản đã chủ động và trực tiếp nhúng tay vào máu của những người dân vô tội, trong đó có trẻ em, phụ nữ, ông bà già,… nhưng tuyệt nhiên, cho đến nay, 30 năm sau khi cuộc chiến kết thúc, chúng ta không hề thấy bất cứ người cộng sản nào tỏ ra ăn năn, hối hận, hay bị khủng hoảng tâm thần. Và đây chính là điều đau xót thê lương và tàn nhẫn nhất đối với người dân Miền Bắc. Guồng mấy tuyên truyền của chế độ cộng sản trong suốt 20 năm chiến tranh, đã tạo cho những con người Việt Nam ở Miền Bắc trở thành người vô tôn giáo, vô gia đình, vô tổ quốc. Hầu hết, họ chỉ biết có “đảng và bác”. Vì không có tôn giáo, lại được CS trao cho ảo tưởng “chống Mỹ giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước”, nên người lính Miền Bắc dễ dàng trở nên cuồng tín, không có những giây phút do dự khi bóp cò súng bắn giết những người dân vô tội. Vì vô tôn giáo, nên người lính cộng sản không hề tin vào vào thế giới tâm linh, vào thuyết nhân quả, vào đời sống kiếp sau, vào sự thưởng phạt ở bên kia thế giới. Hậu quả, người lính cộng sản sẽ thảnh thơi bước vào cuộc chém giết như bước vào cuộc chơi, với niềm tin “nòng súng, mũi chông là điều nhân đạo nhất” mà Chế Lan Viên đã nhồi nhét cho họ. Như vậy, thử hỏi làm sao người lính CS có thể ăn năn, hay bị khủng hoảng tinh thần cho được?

          Trong khi ở những quốc gia tự do, dân chủ tây phương, trong đó Hoa Kỳ, có những người lính ăn năn, hối hận với những tội ác mà họ đã gây ra; có những người lính khi chứng kiến đồng đội bắn giết thường dân, đã dũng cảm dùng thân xác của mình ngăn chặn, sẵn sàng chấp nhận hy sinh; thì trái lại trong guồng máy chiến tranh của cộng sản, tuyệt nhiên không bao giờ tìm thấy sự ăn năn trong tâm hồn người lính cộng sản. Bản chất của chế độ cộng sản, với cả một guồng máy độc tài chuyên chế, sẵn sàng nghiền nát mọi tình cảm thiêng liêng của con người, đã khiến cho bất cứ ai trong chế độ CS, còn chút nhân tính, cũng không có cơ hội ngóc đầu sống thực với chút nhân tính của mình.

          Chế độ cộng sản là cả một đại thảm họa cho nhân loại. Cộng sản Việt Nam, với bản chất tàn nhẫn của cộng sản quốc tế, cộng với sự ngu dốt, đã đẩy dân tộc Việt Nam vào vực thẳm của sự nghèo đói và băng hoại về nhân phẩm, văn hóa. Trong khi sự nghèo đói của một xã hội có thể giải quyết nhanh chóng trong thời gian vài chục năm, thì trái lại, một dân tộc bị băng hoại về nhân phẩm, về văn hóa, về tôn giáo, về lương tâm… dân tộc đó chỉ hồi sinh, phát triển sau thời gian cả trăm năm. Và đó là bi kịch thê thảm nhất, cay đắng nhất, dân tộc Việt Nam hiện đang đối diện.

          còn tiếp

          Comment


          • #20
            Last edited by nguyenphuong; 03-29-2015, 02:24 AM.

            Comment


            • #21
              TÔI ĐI TÌM TỰ DO (Nguyễn Hữu Chí)

              Hữu Nguyên


              KỲ 19

              Là một thanh niên Việt Nam sinh ra và lớn lên trong xã hội Miền Bắc, tôi thấy rất rõ, số phận của mình cũng như tất cả mọi người, luôn luôn bị nhào nặn trong guồng máy tuyên truyền của đảng cộng sản và nhà nước. Thậm chí ngay cả những nhà văn, nhà thơ, nổi tiếng một thời trước 1945, được coi là thần tượng như Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Bính, Hoàng Cầm… cũng đều trở thành những cán bộ văn hóa, dùng khả năng văn thơ của mình để tuyên truyền đầu độc lòng căm thù giai cấp cho thế hệ trẻ. Lấy thí dụ như thi sĩ Nguyễn Bính, một nhà thơ đã có hàng chục ngàn câu thơ tiền chiến ngọt ngào như nước giếng khơi, mượt mà như nhung lụa thời tiền chiến, vậy mà ngay sau khi hai miền đất nước bị chia cắt, ông cũng đã làm những vần thơ gieo rắc sự thù hận cho thế hệ trẻ Miền Bắc, qua những bài thơ, kể lể những “tội ác của VNCH”.

              Tôi còn nhớ vào khoảng giữa thập niên 1960, ở ngoài Miền Bắc chúng tôi được nghe câu chuyện, một nhà điêu khác nổi tiếng ở Miền Nam là Diệp Minh Châu, vì quá “yêu thương và ngưỡng mộ” Hồ Chí Minh, nên đã lấy máu của ông vẽ nên bức tranh Hồ Chí Minh với 3 em thiếu nhi Bắc, Trung, Nam, để thể hiện lòng yêu qúy của ông dành cho Hồ Chí Minh. Nhờ việc làm đó, Diệp Minh Châu được đưa ra Miền Bắc sống. Rồi đến ngày 3 tháng 9 năm 1969, khi nghe tin Hồ Chí Minh chết, Minh Châu đã vừa khóc, vừa thức trắng mấy đêm liền để tạc tượng Hồ Chí Minh, đến nỗi ông chảy cả máu mắt…

              Tôi không biết câu chuyện trên hư thực đến mức độ nào, nhưng những bức hình Diệp Minh Châu đầu hói, đang tạc bức tượng Hồ Chí Minh có cái đầu lớn gấp chục lần cái đầu của ông, đã in sâu vào trong tâm trí của thế hệ trẻ chúng tôi. Và ngay cả hiện nay, theo tôi biết, những câu chuyện tuyên truyền Diệp Minh Châu lấy máu của mình để vẽ Hồ Chí Minh vẫn được người cộng sản thêu dệt và tuyên truyền tại Việt Nam. Hiện nay, Đài Truyền Hình của CSVN, các trung tâm đố vui để học ở các trường học tại VN vẫn có câu hỏi đại loại như, bức tranh vẽ “Bác Hồ và 3 cháu thiếu nhi” được vẽ bằng máu của họa sĩ nào. Câu trả lời là Diệp Minh Châu. Tuổi trẻ VN phải gặm cỏ độc như vậy, thử hỏi làm sao không cuồng tín, bênh vực Hồ Chí Minh bằng mọi giá?

              Đầu thập niên 1960, Bộ Chính Trị của CS Miền Bắc bắt đầu thông qua quyết định mở cuộc chiến tranh xâm lăng Miền Nam. Chỉ trong thời gian ngắn không đầy mấy năm trời, hình ảnh những đoàn bộ đội lên đường đi B, những câu chuyện thương phế binh từ chiến trường B trở về, đã trở thành những ám ảnh, những câu chuyện quen thuộc trong đời sống của người dân Miền Bắc. Để có thể huy động tận cùng nguồn nhân lực, vật lực, tài lực cho cuộc chiến tranh xâm lăng Miền Nam, chế độ cộng sản Miền Bắc đã dùng guồng máy tuyên truyền, ngụy tạo và dựng nên hào quang người bộ đội với sứ mạng “xẻ dọc Trường Sơn đi chống Mỹ cứu nước”, “giải phóng Miền Nam”, “thống nhất đất nước”…. Toàn bộ mạng lưới phim ảnh, báo chí, truyền thanh, thơ văn, âm nhạc, sân khấu…. được lệnh cộng sản, tìm cảm hứng, tạo cảm hứng chung quanh hình ảnh người bộ đội xâm lăng Miền Nam. Kết quả, người thanh niên Miền Bắc bị thiên la địa võng bủa vây, và con đường “thi hành nghĩa vụ quân sự”, “tình nguyện nhập ngũ” là con đường duy nhất để một người có thể tồn tại, để gia đình khỏi bị phỉ nhổ, người thân khỏi xa lánh, dè bỉu.

              Dưới chế độ cộng sản, mối quan hệ xã hội giữa con người với con người, trở thành những sợi dây ràng buộc chặt chẽ, buộc mọi người phải đi theo con đường duy nhất: Cống hiến tài năng, trí tuệ và cả thân xác cho đảng và nhà nước. Câu khẩu hiệu, “trung với đảng, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng” luôn luôn như lưỡi hái tử thần lửng lơ trên đầu tất cả mọi người dân Miền Bắc, bắt họ phải cống hiến thật nhiều, và chấp nhận mọi thiệt thòi, thiếu thốn. Một người thanh niên Miền Bắc, khi bị gọi đi bộ đội, thường không có sự chọn lựa nào ngoài việc ngoan ngoãn thi hành. Nếu không, người thanh niên đó phải đối diện với hàng loạt khó khăn sinh tử. Trước nhất là bị cắt hộ tịch, cắt mọi thứ tem phiếu, trong đó có lương thực. Công ăn việc làm của người thanh niên đó cũng bị đình chỉ. Nghĩa là ngay sau khi không chịu thi hành cái gọi là “nghĩa vụ quân sự”, anh trở thành một kẻ ăn bám 100% theo đúng nghĩa đen của từ này. Không một ai, không một nhà máy, hãng xưởng nào dám thuê mướn một người trốn “nghĩa vụ quân sự”.

              Khó khăn thứ hai, cho dù có chấp nhận cuộc sống ăn bám, anh cũng khó kiếm được thứ mà ăn. Lý do là ngay trong gia đình của anh, ngay cả những người thân của anh, cũng không chấp nhận việc anh trốn “nghĩa vụ quân sự”. Vì ngoài việc phải chia xẻ khẩu phần ăn ít ỏi cho anh, họ còn gặp không biết cơ man nào là khó khăn trong đời sống riêng tư, trong công ăn việc làm, trong cơ hội thăng tiến nghề nghiệp, tiến thân trong nấc thang chính trị, chuyên môn. Tất cả chỉ vì trong nhà có một người thân “trốn nghĩa vụ quân sự”.

              Xã hội Miền Bắc dưới sự tuyên truyền của cộng sản trong suốt thời gian hàng chục năm đã tạo nên những “giá trị tinh thần” vô cùng độc hại và nguy hiểm để buộc mọi người phải tuân phục theo lệnh của đảng và nhà nước. Bất cứ gia đình nào trên lãnh thổ Miền Bắc cũng đều chung một hình thức trang trí “muôn nhà như một”, chính giữa nhà ở vị trí trang trọng nhất, thường là ngay trên bàn thờ, là hình Hồ Chí Minh, và hình những lãnh tụ cộng sản khác, như Lê Nin, Mao Trạch Đông, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp…. Ngoài ra, hai miếng giấy được lồng kiếng, có giá trị tuyệt đối là “Gia Đình Vẻ Vang” dành cho gia đình nào có người đi bộ đội; và “Tổ Quốc Ghi Công” dành cho gia đình nào có người đi bộ đội đã chết khi làm nhiệm vụ.

              Chính hai miếng giấy này hiện diện trong các gia đình đã tạo nên những niềm “tự hào đầy ảo tưởng”, hoặc ghen tức vô cùng nguy hiểm trong mối quan hệ xã hội ở làng xóm, thôn quê lẫn cả thị thành trên đất Bắc. Gia đình ông A, bà B cũng có con trai, đến tuổi đi lính, mà chưa có được mảnh giấy “Gia Đình Vẻ Vang”, là cảm thấy thua thiệt đủ điều, và bị nhiều người chê trách. Từ việc chia nắm thóc, nắm gạo, miếng thịt, lít nước mắm trong ngày tết, đến chuyện bình bầu để mua cái phích nước (bình thuỷ), cái chậu men Trung Quốc, hay cái lốp xe đạp…. tất cả đều tuỳ thuộc vào gia đình có mảnh giấy Gia Đình Vẻ Vang, hoặc Tổ Quốc Ghi Công hay không.

              Bên cạnh những người bị CS tuyên truyền, nhồi sọ, coi những mảnh giấy đó có một giá trị tinh thần tuyệt đối, cũng có những gia đình đủ khôn ngoan, coi những mảnh giấy đó là cạm bẫy. Tuy nhiên, trong xã hội cộng sản, khi những nhu cầu căn bản nhất của con người phải tuỳ thuộc vào tem phiếu, và những mảnh giấy do cộng sản cung cấp, lập tức bản năng thấp kém của con người bị đánh thức, và sự ghen tỵ nảy sinh. Khi đó, con người dễ dàng đối xử với nhau cạn tàu ráo máng. Nhất là bên cạnh đó, người cộng sản cùng chủ nghĩa duy vật biện chứng, sẽ được tận dụng để xúc xiểm, gây phân hóa, mâu thuẫn giữa hai bên. Và trong mối quan hệ hỗ tương, “miếng bấc ném đi, miếng chì trả lại”, “con ông trốn nghĩa vũ quân sự, trong khi con tôi hy sinh xương máu, giải phóng Miền Nam”, sẽ là những liều thuốc kích thích, khiến cho con người dễ dàng rơi vào những cơn ác mộng, buông tuồng cho cái ác, cái xấu tung hoành.

              Bên cạnh áp lực của gia đình, người thanh niên Miền Bắc còn phải đối diện với áp lực của bạn hữu, kể cả người yêu, nếu có. Ở tuổi trên dưới 20 tuổi, thanh nam lẫn thanh nữ Miền Bắc đều ngây thơ tin tưởng vào đảng và nhà nước. Vì vậy, hầu hết đều tin tưởng vào sự nghiệp “chống Mỹ cứu nước”, “giải phóng Miền Nam”. Từ những trang thư, bài thơ gửi cho nhau, đến những kỷ vật nho nhỏ như chiếc khăn tay, một cuốn sách, chiếc gương, chiếc lược,…. đều không ít thì nhiều gói ghém niềm tin vào đảng và nhà nước. Tuổi trẻ luôn luôn hướng thượng, thích được cống hiến, được hy sinh, thích sống cuộc đời có ý nghĩa. Vì vậy, những cô gái Miền Bắc khi có người yêu, họ không thể nào chấp nhận được người yêu của họ là một gã “trốn nghĩa vụ quân sự”. Năm chữ “trốn nghĩa vụ quân sự” là cả một đại ác mộng, đầy xấu hổ, vì nó đồng nghĩa với hèn nhát, ích kỷ, sợ chết, phản bội tổ quốc….

              Bằng áp lực xã hội, áp lực gia đình, áp lực bằng hữu, cộng sản Việt Nam đã thành công trong việc đẩy hàng triệu thanh niên Miền Bắc vào con đường xâm lăng Miền Nam. Trong khi đó, thế hệ cha anh của họ, các thày cô giáo của họ, các nhà văn, nhà thơ ở Miền Bắc, cùng hàng triệu người Việt Nam khác, hiểu biết rõ ràng bản chất của chế độ cộng sản,… nhưng tất cả đều thản nhiên tránh né, ngoảnh mặt quay lưng, thậm chí đồng loã, tiếp tay với chế độ cộng sản, thực hiện một canh bạc bịp khổng lồ nhất lịch sử VN, mà hậu quả là máu xương của tuổi trẻ Miền Bắc lẫn cả máu xương của hàng triệu người vô tội ở Miền Nam bị phung phí trong suốt mấy chục năm trời. Trong khi các quốc gia khác, cũng sống trong hoàn cảnh bị chia cắt và sống dưới chế độ cộng sản như Đông Đức, Trung Cộng, Bắc Hàn, nhưng đủ khôn ngoan để không theo đuổi cuộc chiến xâm lăng Tây Đức, Đài Loan, Nam Hàn, nên không phí phạm mấy triệu sinh linh, để rồi đất nước của họ có được cơ hội hồi sinh, thăng hoa, gấp vạn lần so với Việt Nam. Đó là bài học đắt giá, dân tộc VN phải gánh chịu trong quá khứ, hiện tại và cả tương lai….

              còn tiếp

              Comment


              • #22
                TÔI ĐI TÌM TỰ DO (Nguyễn Hữu Chí)

                Hữu Nguyên


                KỲ 20

                Sống trong chế độ cộng sản, người dân luôn luôn bị cộng sản cho ăn bánh vẽ, bị cộng sản nhồi nhét những ảo tưởng, do guồng máy tuyên truyền của đảng và nhà nước thêu dệt. Những chiếc bánh vẽ và những ảo tưởng đó đến từ mọi phía, mọi nơi, mọi lúc. Người lớn dù biết là bánh vẽ, nhưng vẫn phải tươi tỉnh ăn, và khen ngon. Vì nhất cử, nhất động của mỗi người, luôn luôn có người khác theo dõi, và sẵn sàng báo cáo mọi biểu hiện mà họ cho là lệch hướng, mất lập trường, mất quan điểm. Từ những chuyện thật bình thường, như bạn tỏ ý chê một món hàng do các nước “cộng hòa xã hội chủ nghĩa anh em” [các nước cộng sản] sản xuất, hay bạn khen một sản phẩm của thế giới tư bản, hoặc tỏ ra thích một món đồ cũ của Pháp, hay của thời phong kiến ngày xưa, vân vân, bạn đều có thể dễ dàng bị ghép vào tội phản động, và bị tống vô trại cải tạo mà không hề biết án tù bao nhiêu năm.

                Thông thường, những người sống trong chế độ cộng sản, lương tâm đạo đức đều bị thui chột. Thêm vào đó, sự đói khổ, thiếu thốn khiến con người thấy mình gần với bản năng của con vật, nên chính trong thâm tâm, mỗi người đều cảm thấy mình không còn có lòng tự trọng, không còn có nhân phẩm để mà tự hào. Làm sao con người có thể có lòng tự trọng, khi lúc nào họ cũng phải nghĩ đến những biện pháp mờ ám, ăn cắp, ăn trộm, lừa gạt lẫn nhau, kèn cựa lẫn nhau, đạp lên nhau để “tiến bộ thăng quan tiến chức”, mà rốt cuộc chỉ để nhằm thỏa mãn những nhu cầu tầm thường của bản năng con người? Hậu quả, con người sống trong chế độ cộng sản luôn luôn cảm thấy run sợ trước cường quyền, nhút nhát trước bạo lực. Ra đường nghe một hồi còi là giật mình, đêm ngủ nghe tiếng gõ cửa là hoảng hốt. Bản thân tôi, bị nỗi sợ hãi khủng khiếp đó ám ảnh trong suốt nhiều năm, nhất là những năm vượt ngục, vượt biên sau 1975, nên khi mới tới Úc, nhiều khi đi đường, bỗng tôi giật bắn mình chỉ vì nghe hồi còi của trẻ bán báo. Trong những ngày tháng mới đặt chân lên thị trấn Đông Hưng, Trung Cộng, phía bên kia Móng Cái, tối nào ngủ, tôi cũng mê sảng thấy tôi bị cộng sản đuổi bắt, bị súng cộng sản bắn trúng, đạn xuyên qua cổ họng, máu chảy tung tóe, trong khi tôi vừa chạy, vừa la, vừa nghe thấy gió thổi vô những lỗ đạn ở cổ kêu hu… hu….

                Bên cạnh việc đầy đọa con người đến gần với bản năng thú vật, cộng sản còn khôn ngoan và thủ đoạn cấy vào đầu óc những người ngây thơ, nhẹ dạ, cả tin những ảo tưởng, để biến họ thành những “anh hùng vì dân vì nước”, thành “những chiến sĩ đấu tranh cho tự do dân chủ”, mà thực chất chỉ là tay sai cho chế độ cộng sản. Những ai đã bị tiêm nhiễm chủ nghĩa cộng sản, dần dần người đó sẽ bị chủ nghĩa duy vật, và duy vật biển chứng pháp của cộng sản bủa vây, khiến họ mê muội, chìm đắm chạy theo ảo tưởng, mà không nhìn thấy những sai lầm, những tội ác của cộng sản. Họ sẽ trở thành những người điên cuồng chạy tội cho cộng sản một cách vô cùng tinh vi. Bất cứ lúc nào, chứng kiến những tội lỗi của cán bộ cộng sản, lập tức trong tâm trí họ, tiếng nói duy vật biện chứng sẽ cất lên, nhắc nhở họ, “thấy vết mây đen, chớ quên mặt trời hồng; thấy rác ven đường, chớ quên nước biếc dòng sông; thấy cây mục, đừng quên cả rừng xanh tốt”. Với duy vật biện chứng, những người bị cộng sản tiêm nhiễm lúc nào cũng tự hào, họ là những người sáng suốt, biết nhìn rõ bản chất qua hiện tượng, thấy cả triệu đảng viên cộng sản sai đi nữa, nhưng họ vẫn khăng khăng tin tưởng đảng cộng sản không bao giờ sai, đảng cộng sản là bách chiến bách thắng, là vô địch…

                Bằng lối lý luận “cứu cánh biện minh cho phương tiện”, cộng sản đã đào tạo cả một đội ngũ cán bộ cuồng tín, sẵn sàng tuân theo mệnh lệnh của đảng, làm bất cứ chuyện gì, mà không cần suy nghĩ, cân nhắc chuyện đúng sai. Tôi nhớ, thời gian trước khi đi B (vô Miền Nam), trong một buổi học tập chính trị, viên chính uỷ tiểu đoàn, hay trung đoàn (tôi không nhớ tên), có hỏi chúng tôi một câu: “Nếu các đồng chí đứng trước một giả thuyết, giết một đứa bé để cứu cả thế giới khỏi hiểm họa chiến tranh, thì các đồng chí có đủ can đảm dám vì hòa bình của toàn nhân loại, chấp nhận giết đứa bé đó không?” Sau khi nghe chúng tôi, người trả lời “có”, kẻ trả lời “không”, viên chính uỷ hỏi lại: “Để cứu cả thế giới, các đồng chí có đủ can đảm hy sinh danh dự và tình cảm tiểu tư sản của mình để giết đứa bé đó hay không?” Lần này, số người trả lời “có” đông hơn. Cuối cùng, viên chính ủy lại hỏi tiếp: “Nếu phải giết một đứa bé để cứu đảng, cứu Bác Hồ, các đồng chí có đủ can đảm làm chuyện đó hay không?” Lần này, không một ai dám trả lời “không”.

                Kể lại câu chuyện này, tôi chỉ muốn thưa với các bạn, chủ nghĩa cộng sản nguy hiểm không phải chỉ ở chỗ mang đến cho gia đình, dân tộc, đất nước,… sự nghèo đói và lạc hậu; mà nguy hiểm hơn, thê thảm hơn, chủ nghĩa cộng sản còn mang đến cho mọi người sự băng hoại lương tâm, tư cách, nhân phẩm, huỷ diệt đến tận cùng cái “nhân chi sơ tính bổn thiện” của con người, đồng thời phá vỡ tất cả mọi ràng buộc về nhân nghĩa lễ trí tín, tình cảm gia đình, niềm tin tôn giáo… của con người.

                Viết đến đây, tôi lại nhớ tới vụ thảm sát Mỹ Lai. Điều tôi nhớ tới không phải là tội ác do trung uý Mỹ William Calley gây ra, mà là nhớ tới hành động dũng cảm của người phi công trực thăng Mỹ tên là Hugh Thompson, tuổi chỉ mới 24, cấp bậc chỉ hạ sĩ hay trung sĩ, những đã dám liều mạng ngăn chặn không cho trung uý Mỹ William Calley tiếp tục cuộc thảm sát. Tôi cũng còn nhớ tới ký giả Seymour Hersh, nhiếp ảnh gia Ron Haeberle, tạp chí Life, Time, Newsweek, và nhiều báo chí khác ở Mỹ, ở Pháp đã có công trong việc đưa vụ thảm sát Mỹ Lai ra ánh sáng. Tôi nhớ đến cả những phiên tòa xét xử William Calley; và những người lính Mỹ ăn năn, trở lại Mỹ Lai trong những năm gần đây để xây trường học, hàn gắn những bị kịch mà họ đã gây ra cách đây hơn 30 năm. Có nhớ lại tất cả những điều đó, tôi mới thấy được, con người có được sinh ra và lớn lên ở những quốc gia tự do, họ mới có được cái cơ hội làm theo tiếng gọi của lương tri. Chiến tranh bao giờ cũng là điều tàn nhẫn. Và con người, một khi phải lao vào một cuộc chiến, luôn luôn có cả ngàn yếu tố xô đẩy họ rơi xuống vực thẳm của tội ác trở thành tội phạm chiến tranh. Khi đó, tiếng nói của lương tri sẽ là chiếc thắng luân lý ngăn chặn họ khỏi rớt xuống vực thẳm của tội ác. Và ngay cả khi tội ác có diễn ra, tiếng nói lương tri của những người lính khác như Hugh Thompson, sẽ giúp họ ngăn chặn, giảm thiểu mức độ khốc liệt của tội ác; đồng thời mang đến sự trừng phạt cần thiết của công lý; đánh thức sự ăn năn hối hận trong tâm hồn của những người đã lỡ gây tội ác.

                Trái lại, đối với những người lính cộng sản, hầu hết đều được cộng sản đào tạo theo chiều hướng huỷ diệt lương tri, tàn phá nhân phẩm, nên tiếng gọi lương tâm đối với họ luôn luôn là điều hiếm hoi. Tôi lấy thí dụ vụ thảm sát Tết Mậu Thân tại Huế do người cộng sản Việt Nam gây ra. Nếu so sánh nguyên nhân dẫn đến cuộc thảm sát, mức độ của cuộc thảm sát, ai cũng phải đồng ý, vụ thảm sát tại Huế gớm ghiếc, tàn nhẫn và ghê rợn gấp cả ngàn lần so với vụ thảm sát Mỹ Lai. Vậy mà tuyệt nhiên, trong những vụ thảm sát giết 5, 7 ngàn người tại Huế, chúng ta không tìm thấy bất cứ người bộ đội nào có hành động ngăn cản tội ác như Hugh Thompson; không có bất cứ nhà văn hay nhiếp ảnh gia cộng sản nào trung thành với công lý, như Seymour Hersh, Ron Haeberle; và cũng tuyệt nhiên không có một tờ báo, tạp chí cộng sản nào đóng vai trò phanh phui tội ác, kêu gọi sự trừng phạt nghiêm minh của công lý như tạp chí Life, Time, Newsweek… Và cho đến bây giờ, ngót 40 năm đã trôi qua sau vụ thảm sát Huế Mậu Thân, chúng ta cũng tuyệt nhiên không hề nghe thấy bất cứ người bộ đội nào, nhà văn, nhà báo cộng sản nào, mở miệng nói những lời ăn năn, hối hận đối với tội mà họ đã gây ra.

                Những vụ thảm sát tại Huế trong dịp Tết Mậu Thân là một thực tế không ai chối cãi. Mức độ rùng rợn của vụ thảm sát cho chúng ta thấy, ít nhất phải vài ngàn bộ đội cộng sản đã nhúng tay vào máu của những người dân Huế vô tội. Trong số đó, còn sống cho đến hôm nay cũng phải trên dưới cả ngàn người. Vậy mà họ vẫn sống thản nhiên với tội ác họ đã gây ra, ở một nơi nào đó, ngay trên quê hương Việt Nam, thậm chí có khi những bộ đội thủ phạm tội ác đó vẫn đang đi trên những đường phố Huế, nơi họ đã gây tội ác. Lương tâm của ở đâu? Tại sao họ có thể lạnh tanh máu cá, chấp nhận sống im lặng với tội ác mà chính họ là thủ phạm? Và có hỏi như vậy, tôi mới thấy tất cả sự bi thảm, đau đớn và bất hạnh của dân tộc Việt Nam khi bị cộng sản nhuộm đỏ.

                Trong cuộc chiến tranh Việt Nam, ai cũng biết, cộng sản Việt Nam chẳng phải chỉ gây ra vụ thảm sát Huế hồi Tết Mậu Thân, mà chúng còn gây ra hàng chục ngàn vụ thảm sát rùng rợn khác trên khắp quê hương Việt Nam. Hàng chục ngàn cộng sản thủ phạm nhúng tay vào máu những người dân vô tội, hiện vẫn đang sống thanh thản ung dung trên quê hương VN. Nhiều tên trong số đó hiện đang nắm giữ những chức vụ quan trọng trong guồng máy chính phủ từ trung ương đến địa phương. Nhưng tuyệt nhiên, không một ai lên tiếng thú nhận tội ác chúng đã làm; cũng không một ai lên tiếng tố cáo những tội ác mà đồng đội đã làm; và cũng không có một cơ quan hữu trách nào có ý định phanh phui ra ánh sáng những tội ác người cộng sản đã phạm.

                Hiển nhiên, nếu ai đã hiểu rõ người cộng sản, thì không bao giờ kỳ vọng vào lòng ăn năn, sự xám hối của người cộng sản. Trong thời cải cách ruộng đất, người cộng sản đã giết cả mấy trăm ngàn người vô tội, vậy mà khi tuyên bố sai lầm, Hồ Chí Minh chỉ nói ngắn gọn có hai chữ “xin lỗi”, vậy là xong.

                Tôi sinh ra và lớn lên ở Miền Bắc, bị cộng sản nhồi nhét tuyên truyền, nhưng may mắn, nhờ có thân phụ dậy bảo, nên tôi đã sớm thoát khỏi những bờ mê, bến lú, của chủ nghĩa cộng sản. Tôi căm giận chủ nghĩa cộng sản vì nó đã tàn phá quê hương, đất nước tôi, làm băng hoại dân tộc Việt Nam tôi trong suốt 60 năm qua. Vì vậy, khi nào chủ nghĩa cộng sản còn hiện diện trên quê hương Việt Nam, tôi sẽ còn tiếp tục đi theo con đường chống lại chủ nghĩa cộng sản. Tôi biết, với cuộc đời ngắn ngủi còn lại của tôi, chưa chắc gì tôi đã đi hết con đường chánh đạo để nhìn thấy chủ nghĩa cộng sản sụp đổ trên quê hương của tôi. Nhưng tôi biết chắc một điều, ngày nào tôi còn đi trên con đường chống chủ nghĩa cộng sản, ngày đó tôi còn thấy hạnh phúc và tự hào, đã đi đúng con đường chánh đạo; vì cùng đồng hành với tôi hôm qua, hôm nay và trong mai hậu, có tất cả những người Việt yêu nước trên thế giới, có cả vong linh của tất cả những người Việt yêu nước đã nằm xuống, trong đó có vong linh của cả thân phụ của tôi…

                còn tiếp

                Comment


                • #23
                  TÔI ĐI TÌM TỰ DO (Nguyễn Hữu Chí)

                  Hữu Nguyên


                  KỲ 21

                  Trong số những vũ khí tuyên truyền được cộng sản Hà Nội sử dụng để đầu độc người dân Miền Bắc, có một vũ khí vô cùng quan trọng và hiệu quả là tên tuổi của những nhân vật nổi tiếng ở Miền Nam cũng như thế giới, đi theo cộng sản hoặc có những tuyên bố hậu thuẫn cộng sản. Bên cạnh đó, những cuộc biểu tình, đình công, tại các quốc gia tây phương, thay vì chứng tỏ quyền tự do, dân chủ của người dân được bảo đảm, dưới sự nhào nặn tuyên truyền của chế độ cộng sản, đã trở thành những hình ảnh, tin tức quảng bá cho quan điểm, “xã hội tư bản là thối nát, bóc lột tàn nhẫn; còn xã hội cộng sản là lý tưởng, là con đường tất yếu của nhân loại”.

                  Khi cái gọi là “Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam Việt Nam” được cộng sản Hà Nội dựng lên, với những nhà trí thức tên tuổi nhưng đầy ảo tưởng về chủ nghĩa cộng sản như Trịnh Đình Thảo, Phạm Ngọc Thu, Dương Quỳnh Hoa, Nguyễn Hữu Thọ… trong thời gian đầu, người dân Miền Bắc, nhất là thế hệ trẻ, đều tưởng rằng người dân ở Miền Nam đã bị đàn áp dã man, nên họ phải đứng lên thành lập MTGP. Chỉ trong thời gian ngắn, guồng máy tuyên truyền của Hà Nội đã thành công trong việc tung hứng, vẽ lên một bức tranh: Những người trí thức, khoa bảng Miền Nam đã dám vứt bỏ hạnh phúc gia đình, bổng lộc, tiền tài, danh vọng cá nhân, để đi theo con đường đấu tranh giải phóng dân tộc. Dĩ nhiên, khi guồng máy tuyên truyền của cộng sản Hà Nội đã vẽ lên hình ảnh người dân Miền Nam đã biết “hy sinh” như vậy, thì guồng máy chiến tranh của cộng sản Hà Nội cũng đã khôn ngoan đẩy người dân Miền Bắc vào những “hy sinh” tương tự cho cuộc chiến tranh “giải phóng Miền Nam”. Nếu những nhà trí thức khoa bảng, lớn lên ở Miền Nam tự do, chỉ vì những mâu thuẫn riêng tư, những hoạt động bè phái nhất thời, hay những bất mãn trước sự tự do dân chủ nhưng chưa hoàn hảo của chế độ VNCH, để rồi chấp nhận làm công cụ cho cộng sản, thì thử hỏi làm sao người dân Miền Bắc, lớn lên sau luỹ tre làng, bị cộng sản kìm kẹp, cả đời chỉ nghe một đài phát thanh, đọc một tờ báo,… có thể thoát khỏi sự tuyên truyền đầu độc của cộng sản?

                  Sau này, tôi được biết, khi nhận rõ bộ mặt thật của cộng sản, nhiều nhà trí thức khoa bảng đã bỏ cộng sản, người thì trốn ra ngoại quốc, người thì sống ẩn dật. Đặc biệt, bà Dương Quỳnh Hoa đã có thái độ can đảm rút tên ra khỏi đảng cộng sản. Cộng sản đồng ý cho bà rút tên, nhưng với điều kiện, bà chỉ được công khai chuyện rút tên của mình 10 năm sau đó. Với uy tín tại VN cũng như ngoại quốc, việc làm của bà Dương Quỳnh Hoa đã khiến cộng sản rất mất mặt. Tiếc là bà chấp nhận điều kiện “10 năm sau mới công khai chuyện rút tên khỏi cộng sản”, bằng không, việc rút tên khỏi đảng cộng sản của bà còn có ý nghĩa to lớn hơn, và giúp cho nhiều người Việt hơn sớm tỉnh mộng, thoát khỏi ảo tưởng về cộng sản.

                  Chính vì cộng sản Việt Nam đã biết dùng những cái ảo tưởng nhất thời của những nhà trí thức khoa bảng Miền Nam, dựng nên hào quang “chính nghĩa” cho cuộc chiến tranh xâm lăng Miền Nam, cộng với hàng loạt thủ đoạn tuyên truyền, bưng bít, đàn áp, kìm kẹp “dạ dầy”, “nhỏ giọt” hạnh phúc,… cộng sản Hà Nội đã vắt kiệt xương máu người dân Miền Bắc để dựng nên bi kịch lớn nhất của dân tộc Việt Nam: Hy sinh xương máu của người Việt cho tham vọng bành trướng chủ nghĩa cộng sản.

                  Qua guồng máy tuyên truyền của cộng sản, người dân Miền Bắc, nhất là thế hệ trẻ, đã ngây thơ tin tưởng vào hào quang trí thức khoa bảng của những luật sư, bác sĩ, dược sĩ Miền Nam, khi những người này đi theo cộng sản. Thêm vào đó, những thành phần trí thức khoa bảng của Miền Bắc, trong đó có các nhà văn, nhà thơ, nhà báo… cũng đều đồng lõa với cộng sản trong việc lừa bịp người dân, đầu độc thế hệ trẻ qua những câu thơ: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai”; “Anh đi xuôi ngược tung hoành. Bước dài như gió lay thành chuyển non. Mái chèo, một chiếc thuyền con. Mà sông nước dậy, sóng cồn đại dương”… Sống trong một xã hội bưng bít, tư tưởng của con người chỉ thuần túy được nhào nặng bằng những bài thơ, bài hát, bài báo hay những tác phẩm do chế độ cộng sản xuất bản như Ruồi Trâu, Thép Đã Tôi Thế Đấy, Hòn Đất… nên thế hệ trẻ Miền Bắc đã sống trong sự mông muội và cuồng tín. Và chính sự mông muội và cuồng tín của giới trẻ đã tạo nên những “thần tượng anh hùng”, những vần thơ “dũng sĩ diệt Mỹ”, để rồi những “thần tượng” những vần thơ “dũng sĩ” đó lại tiếp tục đầu độc những thanh thiếu niên khác. Vì thế, tôi có thể nói, con người sinh ra và lớn lên trong chế độ cộng sản, bao giờ cũng trải qua hai giai đoạn, một giai đoạn sống bằng ảo tưởng, và một giai đoạn sống trong sự ân hận và xấu hổ.

                  Cộng sản luôn luôn hiểu, thế hệ trẻ bao giờ cũng khao khát đi tìm những thần tượng anh hùng. Nặn lên những thần tượng anh hùng để đầu độc thế hệ trẻ, trong một xã hội độc tài chuyên chế là điều không có gì khó. Nhưng quan trọng hơn, dễ thuyết phục hơn, vẫn là tạo nên những hành động, con người “anh hùng thật” bằng xương bằng thịt, để đầu độc thế hệ trẻ. Vì vậy, nếu khi bắt đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, cộng sản đã ngụy tạo nên thần tượng “cậu bé Lê Văn Tám” trên dưới 10 tuổi dám tẩm xăng vào người, rồi chạy vào kho vũ khí của Pháp, làm cho nó nổ tung, thì trong cuộc chiến tranh xâm lăng Miền Nam, cộng sản đã có sẵn những hình ảnh “anh hùng bằng xương bằng thịt” để tuyên truyền, trong đó có Nguyễn Văn Trỗi.

                  Tôi còn nhớ vào khoảng cuối năm 1964, lúc đó tôi đang học lớp 6 hay lớp 7, thì nghe tin Nguyễn Văn Trỗi bị xử bắn về tội đặt bom toan ám sát tổng trưởng quốc phòng Robert McNamara tại chân cầu Công Lý. Ngay trong những ngày tháng đó, và trong suốt thời gian nhiều năm về sau, guồng máy tuyên truyền của cộng sản đã hoạt động tối đa, để dùng cái chết của Nguyễn Văn Trỗi, khuấy động lòng căm thù và cuồng tín trong lòng người dân Miền Bắc. Những bài thơ, bài báo, những tác phẩm, ca ngợi Nguyễn Văn Trỗi xuất hiện ồ ạt trên đất nước Miền Bắc; những buổi truy điệu Nguyễn Văn Trỗi được tổ chức nhan nhản ở khắp các trường học, nông trường, hãng xưởng, hợp tác xã…; những cuộc thi bình giảng, viết luận văn, ca ngợi và học tập tinh thần Nguyễn Văn Trỗi lan tràn khắp các trường tiểu, trung và đại học ở Miền Bắc. Cả Miền Bắc trong những năm 1965, 1966… đi đến đâu cũng thấy những hình ảnh, thơ văn, sách báo,… nhắc đến Nguyễn Văn Trỗi. Rồi phim ảnh, ca kịch, tuồng, chèo… với nội dung ca ngợi Nguyễn Văn Trỗi cũng đua nhau xuất hiện. Những con đường Nguyễn Văn Trỗi, hợp tác xã Nguyễn Văn Trỗi, nhà máy Nguyễn Văn Trỗi, cánh đồng 5 tấn, 10 tấn Nguyễn Văn Trỗi cũng nhan nhản khắp mọi nơi. Ngay cả bưu điện Miền Bắc cũng bị CS buộc phải cho phát hành con tem có hình Nguyễn Văn Trỗi.

                  Thông thường tâm lý của con người đứng trước một hành động được gọi là “anh hùng”, người ta thường xúc động, khâm phục, ca ngợi và muốn noi theo hành động “anh hùng” đó, mà ít khi nghĩ đến hành động “anh hùng” đó đã diễn ra như thế nào, đã bắt nguồn từ đâu. Thực tế cho thấy, một hành động “anh hùng” có thể diễn ra một cách vô cùng tàn nhẫn, vô nhân; và có thể xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân tầm thường nếu không nói là bá đạo, như lòng căm giận, hận thù cá nhân, ảo tưởng yêu nước, ảo tưởng giải phóng, hay lòng cuồng tín về một thứ chủ nghĩa vô thần. Một hành động ngang ngược của một người lính Mỹ trên đường phố Sàigòn, một cái chết oan uổng của một người phụ nữ trong cảnh bom rơi đạn lạc, hay cái chết của một hài nhi giữa thành phố Hà Nội, khi bị máy bay Mỹ oanh tạc,… đều có thể là nguyên nhân, tạo nên những hành động, những con người “anh hùng” chạy theo ảo tưởng “chống Mỹ cứu nước” dưới bóng cờ cộng sản, mà quên mất, chính cộng sản mới là kẻ thù lớn nhất của dân tộc Việt. Tôi được biết, ở Miền Nam, có những người chạy vô bưng đi theo cộng sản, chỉ vì những lý do rất “Chí phèo”, như bị một hai vị trong hội đồng hương xã o ép; hay người yêu bỏ mình chạy theo một người có tiền tài địa vị trong chính phủ VNCH. Ở ngoài Miền Bắc cũng có những thanh nam, thanh nữ, ký tên tình nguyện đi bộ đội, đi thanh niên xung phong, chỉ vì xem một bộ phim tuyên truyền của cộng sản, hay chứng kiến một cuộc oanh tạc của máy bay Mỹ trên đường phố.

                  Khoảng năm 1966, tôi có tham dự một kỳ thi tại trường cấp 2 Bắc Lý. Trường này được mệnh danh là “lá cờ đầu giáo dục” tại Miền Bắc. Nghe đâu trường Bắc Lý có kết nghĩa với một trường học nào đó tại Cuba, nên tại đây có nuôi những con ếch Cuba, và đôi khi có phái đoàn chuyên gia Cuba viếng thăm. Tại văn phòng nhà trường có treo một tấm hình rất lớn của Che Guevara. Lúc đó, còn bé, nên chúng tôi không biết Che Guevara là ai, chỉ biết chung chung, ông ta là một “anh hùng” của cộng sản Cuba. Nhưng dưới bức hình của Che Guevara có một dòng chữ bỏ trong ngoặc kép, đại ý: “Che Guevara là con người hoàn thiện nhất trong thời đại chúng ta”. Bên cạnh câu nói đó có ghi tên người nói là Giăng Pôn Sạc (Jean Paul Sartre). Lâu ngày, tôi không còn nhớ chính xác, nhưng đại khái là như vậy. Thời đó, chúng tôi cũng không biết “Giăng Pôn Sạc” là ai, chỉ biết hiệu trưởng của trường Bắc Lý giới thiệu ông “là người từng được trao giải thưởng nobel văn chương vào năm 1964 với số tiền thưởng cả triệu Mỹ kim nhưng ông từ chối lãnh nhận tiền của tư bản”. Giai đoạn đó, tổng sản lượng kinh tế của cả Miền Bắc, chỉ có khoảng 2 tỷ Mỹ kim, nên tin một nhà văn “từ chối cả triệu Mỹ kim tiền thưởng của tư bản”, hẳn nhà văn đó phải rất đặc biệt. Vậy mà người đặc biệt đó lại ca ngợi “anh hùng cộng sản” Che Guevara là “Con người hoàn thiện nhất trong thời đại chúng ta”, thì rõ ràng, câu nói đó có một giá trị tuyên truyền, đầu độc thanh niên Miền Bắc rất ghê gớm.

                  Trước đó, một triết gia nổi tiếng thế giới, cũng từng đoạt giải Nobel văn chương năm 1950, là Bertrand Russell. Ông cũng đã công khai lên tiếng phản đối Mỹ, và ủng hộ cộng sản trong cuộc chiến tranh cộng sản xâm lăng Miền Nam, nên cộng sản Việt Nam đã tận dụng tối đa tiếng nói và uy tín của Bertrand Russell trong việc xây dựng hào quang chính nghĩa cho cuộc chiến tranh “xâm lăng Miền Nam”.

                  Đặc biệt, chuyến viếng thăm Hà Nội của nữ tài tử phản chiến Jane Fonda đã được guồng máy tuyên truyền của cộng sản Việt Nam tận dụng, nguỵ tạo Jane Fonda trở thành “tiếng nói của lương tâm thế giới” đối với cuộc chiến tranh Việt Nam. Hình ảnh Jane Fonda đội nón cối, đi dép râu, mặc áo bà ba, xuất hiện tại những ụ pháo phòng không ở Miền Bắc, được cộng sản Hà Nội phổ biến rùm beng, đã có một tác động tâm lý rất mạnh vào giới trẻ, và là nguyên nhân, tạo nên nhiều bi kịch cho cuộc chiến tranh xâm lăng Miền Nam của cộng sản Hà Nội.

                  Vì vậy, có thể nói, trong suốt thời gian xâm lăng Miền Nam, tất cả những ai, vì bất cứ lý do gì, có những lời tuyên bố, hành động, hay thái độ, bất lợi cho Mỹ, bất lợi cho VNCH, đều được cộng sản Việt Nam tận dụng, thao túng, đánh bóng cho hào quang “giải phóng Miền Nam”, ngỏ hầu tạo ảnh hưởng đối với thế giới, đồng thời bòn rút mồ hôi, xương máu của người dân Miền Bắc. Đó là thảm kịch đau đớn nhất, bi phẫn nhất cho dân tộc Việt Nam, mà cộng sản Việt Nam là chánh phạm, cùng với rất nhiều đồng phạm, vì lý do này hay lý do khác, đã tiếp tay cho cộng sản.

                  còn tiếp

                  Comment


                  • #24
                    TÔI ĐI TÌM TỰ DO (Nguyễn Hữu Chí)

                    Hữu Nguyên


                    KỲ 22

                    Trước khi được đặt chân lên những đường phố của Miền Nam Tự Do, tôi đã được thầy tôi và ông Tổng Tu (thông gia với thầy tôi) nói về cuộc sống tự do, sung túc của Miền Nam. Qua những tấm ảnh trên bưu thiếp, những tranh ảnh cũ từ thời Pháp thuộc, nhất là những tấm hình lưu giữ trong tiệm hình của ông anh tôi, tôi ít nhiều hiểu được cái thế giới Miền Nam, nơi các chị tôi đang sống, hạnh phúc gấp bội so với cuộc sống của người dân Miền Bắc. Tuy biết trên lý thuyết là như vậy, nhưng phải đợi đến khi được thực sự sống ở Miền Nam, tôi mới hiểu được cuộc sống tự do, hạnh phúc của người dân Miền Nam. Và khi hiểu được như vậy, tôi mới thấy nỗi đau đớn của những người dân Miền Bắc, sống trong tăm tối, ảo tưởng và lừa bịp của chế độ cộng sản, thê thảm như thế nào. Ngay trong những ngày tháng còn sống trong trung tâm chiêu hồi Thị Nghè, anh em hồi chánh chúng tôi vẫn nói với nhau, nếu người dân Miền Bắc ai cũng được vô thăm quan Sàigòn một vài ngày rồi về, thì chắc chắn, cuộc chiến xâm lăng Miền Nam của CS Hà Nội sẽ phải bị huỷ bỏ, vì chẳng còn ai tin vào đường lối tuyên truyền lừa bịp của chúng. Cũng vì đã trải qua tâm trạng đó, nên sau này, tôi đã tìm thấy sự đồng cảm sâu xa ở nhà văn Dương Thu Hương khi nghe bà nói, sau 1975, vô Sàigòn, nhìn thấy những đường phố, những tòa nhà và cuộc sống của người dân Miền Nam, bà đã khóc và đau xót nhận ra, trong cuộc chiến tranh Việt Nam, kẻ chiến thắng là những kẻ mọi rợ.

                    Điều phi lý của cuộc chiến tranh Việt Nam là, trong khi Miền Bắc xâm lăng Miền Nam, theo đuổi một cuộc chiến phi nghĩa đầy bẩn thỉu, thì người dân Miền Bắc lại sống trong hào quang giả tạo, xuất phát từ ảo tưởng “chống Mỹ cứu nước, giải phóng Miền Nam”. Trái lại, trong khi Miền Nam phải chiến đấu trong cuộc chiến tranh chống cộng sản xâm lăng, có đầy đủ hào quang chính nghĩa và lý tưởng cao quý, thì có nhiều người sinh ra và lớn lên ở Miền Nam, lại không nhận ra được điều cao đẹp đó, tìm đường vô bưng, đi theo cộng sản. Đó là do lỗi của ai? Lỗi của gia đình, nhà trường, chính phủ, hay do hoàn cảnh ân oán, phe nhóm của mỗi cá nhân? Nhưng dù cho đó có là lỗi của ai, bây giờ nhìn lại, đều thấy chua xót, vì trong cuộc chiến, Miền Nam đã có chính nghĩa nhưng đã không làm sáng tỏ chính nghĩa đó, hoặc có làm, nhưng chưa đến nơi đến chốn.

                    Bây giờ, nhìn trở lại cuộc chiến tranh Việt Nam, nhiều khi tôi vẫn nghĩ, nếu ở Miền Nam có những văn nghệ sĩ phản chiến, ít nhiều có tội, làm thiệt hại đến cuộc chiến tranh chống cộng sản xâm lăng; thì ở Miền Bắc, những người có tội lỗi nhất đối với dân tộc, đất nước, chính là những văn sĩ, nhạc sĩ, thi sĩ, nhà báo, nhà giáo… đã đóng vai trò của những văn nô, ký nô cho chế độ. Một người cộng sản, dù có xảo quyệt đến đâu, khi phun nọc độc tuyên truyền, người nghe bao giờ cũng cảnh giác, thận trọng. Nhưng một người trí thức, một thi sĩ, văn sĩ, nghệ sĩ,… khi dùng cái tài năng thiên phú của họ, phụng sự cho qủy, thì sự khốc hại bao giờ cũng thê thảm hơn rất nhiều. Trong suốt 20 năm sống ở Miền Bắc, và sau này suốt mấy chục năm, theo dõi thơ văn của Việt Nam dưới chế độ cộng sản, tôi phải đau xót thú nhận, hầu hết những người cầm viết được coi là “thần tượng” của người Việt trên đất Bắc, đều là những người đã tôn thờ qủy, phục vụ cho qủy, để đánh đổi ơn mưa móc của chế độ cộng sản, mà nhiều khi ơn mưa móc đó chỉ là vài lạng thịt, ít cần đường phèn, hay một chiếc vỏ xe đẹp…. Và khi một nhà văn, nhà thơ đã được coi là “thần tượng” mà lại đi tôn thờ qủy, đánh đổi những vật chất tầm thường, thì sự tai hại thiệt là vô cùng cho chính họ, cũng như cho những ai tôn thờ họ.

                    Tôi xin đơn cử một thí dụ, nhà thơ Chế Lan Viên. Tài thơ văn của nhà thơ Chế Lan Viên có thể nói tuyệt vời. Tập thơ Điêu Tàn làm lúc ông mới mười mấy tuổi đã cho thấy tài năng thiên phú của ông. Đáng tiếc và đáng giận, khi ông dùng tài năng của ông viết những vần thơ ca ngợi chế độ cộng sản, khiến không biết nhiêu thanh thiếu niên, lao đầu vào chỗ chết, hiến thân xác cho đảng cộng sản, chỉ vì đọc những vần thơ của ông.

                    Để ca ngợi cuộc chiến tranh xâm lăng Miền Nam của cộng sản Hà Nội, Chế Lan Viên viết những câu thơ xao xuyến lòng người:

                    Hỡi sông Hồng tiếng hát bốn nghìn năm!
                    Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?
                    – Chưa đâu! Và cả trong những ngày đẹp nhất
                    Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc,
                    Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hóa thành văn,
                    Khi Nguyễn Huệ cưỡi voi vào cửa Bắc,
                    Hưng Đạo diệt quân Nguyên trên sóng Bạch Đằng…

                    Hay khi kêu gọi tinh thần hy sinh, sẵn sàng dâng hiến tất cả cho “lý tưởng giải phóng Miền Nam” của đảng cộng sản, Chế Lan Viên đã viết những vần thơ có giá trị liên tưởng, đầy khích lệ:

                    Không ai có thể ngủ yên trong đời chật
                    Buổi thủy triều vẫy gọi những vầng trăng,
                    Mỗi gié lúa đều muốn thêm nhiều hạt,
                    Gỗ trăm cây đều muốn hóa nên trầm,
                    Mỗi chú bé đều nằm mơ ngựa sắt,
                    Mỗi con sông đều muốn hóa Bạch Đằng…

                    Đọc những câu thơ trên, quý vị sẽ thấy, thi sĩ Chế Lan Viên đã đội vương miện, tắm hào quang cho cuộc chiến tranh xâm lăng Miền Nam của cộng sản. Dĩ nhiên, khi viết những câu thơ đó, Chế Lan Viên đã biết rõ sự thực của cuộc chiến tranh VN. Sau này, khi bước vào lúc tuổi xế chiều, Chế Lan Viên đã tỏ ra ân hận rất nhiều, khi ông thú nhận trong bài thơ “Ai? Tôi!”, trong đó có những câu:

                    Mậu Thân 2,000 người xuống đồng bằng
                    Chỉ một đêm, còn sống có 30
                    Ai chịu trách nhiệm về cái chết 2,000 người đó? Tôi!
                    Tôi – người viết những câu thơ cổ võ
                    Ca tụng người không tiếc mạng mình
                    trong mọi cuộc xung phong.
                    Một trong ba mươi người kia ở mặt trận về sau mười năm
                    Ngồi bán quán bên đường nuôi đàn con nhỏ.
                    Rất tiếc sự ân hận của ông cũng chỉ có thế.

                    Bên cạnh những thi nô như Chế Lan Viên, Tố Hữu, Huy Cận, Thế Lữ, Phạm Tiến Duật… ở Miền Bắc còn có những cuốn truyện đầu độc người đọc. Trong số những tác phẩm văn chương ảnh hưởng độc hại đến trí tuệ, lửa nhiệt tình và quan niệm sống của thanh thiếu niên Miền Bắc, có 2 tác phẩm quan trọng hơn cả là cuốn Ruồi Trâu và cuốn Thép Đã Tôi Thế Đấy.

                    o O o

                    Trở lại chuyện tôi ở phủ đặc ủy tình báo trung ương một thời gian rồi được chuyển về Trung tâm chiêu hồi Thị Nghè học tập đường lối, chính sách của chính phủ VNCH. Thời đó, chính sách của VNCH coi tất cả hồi chánh viên cũng bình đẳng như tất cả những công dân khác của VNCH. Nghĩa là một người khi đã về hồi chánh, người đó sẽ được hưởng tất cả mọi quyền lợi, cũng như bổn phận như công dân VNCH, trong đó có bổn phận đi lính, cầm súng bảo vệ tổ quốc trước làn sóng xâm lăng của cộng sản Bắc Việt.

                    Trong thời gian ở tại Trung Tâm Chiêu Hồi Thị Nghè, tôi có quen với một anh bạn cũng là hồi chánh viên, trước quê ở Hải Phòng, tên là Tuấn. Tuấn hơn tôi 2 tuổi, nhưng vì to con, râu quai nón rậm rạp, nên trông bề ngoài, anh già hơn tôi cả chục tuổi. Vì giường của tôi và giường của anh ở cạnh nhau, nên chúng tôi thường tâm sự về đủ thứ chuyện trên đời. Qua chuyện trò tôi được biết bố mẹ của Tuấn đều mất trong thời cải cách ruộng đất. Vì vậy, Tuấn rất căm thù cộng sản. Cũng giống như tôi, ngay khi đặt chân lên mảnh đất Miền Nam, Tuấn đã ra chiêu hồi ngay. Tuấn lại có công giúp quân đội VNCH tìm được mấy hầm vũ khí của VC, nên anh được thưởng một số tiền khá lớn đến mấy trăm ngàn tiền VNCH lúc đó.

                    Với người khác, khi có được số tiền nhiều như vậy thì lo ăn chơi, mua sắm. Nhưng Tuấn thì không. Anh ta nhờ ông Tài, nhân viên làm việc tại Trung Tâm Chiêu Hồi Thị Nghè, gửi hết số tiền thưởng vô ngân hàng, rồi anh tình nguyện đi lính đánh cộng sản. Sau này, tôi được biết, anh bị thương, trở về làm cho tổ chức thiện nguyện là hội Hoàn Cầu Khải Tượng (World Vision), ở ngay Sàigòn. Vào những ngày cuối tháng 4 năm 1975, anh có điều kiện di tản dễ dàng cùng với các trẻ em mồ côi, nên anh đã tha thiết rủ tôi đi cùng với anh. Tôi từ chối, vì lúc đó, tôi đinh ninh ba tôi còn sống, nên tôi nhất định phải ở lại, trở ra Miền Bắc, ghé thăm ba tôi lần cuối, trước khi vượt biên ra ngoại quốc. Cũng vì tấm lòng tha thiết muốn gặp lại người cha già, nên ngay ngày 3/5/1975, sau khi cộng sản vừa mới chiếm đóng Sàigòn, tôi đã dùng giấy tờ giả, trở lại Miền Bắc. Đến khi tới Hà Nội, hay tin cha tôi đã mất năm 1974, tôi chỉ biết âm thầm ghé thăm một cha, rồi vội vàng trở vô Miền Nam. Việc tôi ra Bắc, vô Nam trong thời gian cộng sản mới chiếm Miền Nam đã khiến chính chị ruột của tôi tại Võ Di Nguy Phú Nhuận, cũng nghi ngờ, cho tôi là một tên hồi chánh giả, làm cho tôi dở khóc, dở cười… Nhưng đó là chuyện rất dài, tôi sẽ kể hầu qúy vị khi có dịp….

                    còn tiếp

                    Comment


                    • #25
                      TÔI ĐI TÌM TỰ DO (Nguyễn Hữu Chí)

                      Hữu Nguyên


                      KỲ 23

                      Được chuyển về Trung tâm chiêu hồi Thị Nghè, tôi thấy có rất nhiều chuyện vui mừng, hạnh phúc và nhiều điều lạ lùng. Giống như một anh Mán từ núi xuống đồng bằng, một thằng ngố từ rừng vô thành phố, tôi ngỡ ngàng trước cả một thế giới đầy mới lạ, một cuộc sống náo nức, nhộn nhịp vô cùng. Điều tôi thấy lạ lùng nhất là sự canh phòng hết sức chểnh mảng đối với tất cả mọi hồi chánh viên. Tôi không biết, trong số những hồi chánh viên tìm tự do (bộ đội Miền Bắc), cũng như những hồi chánh viên trở lại với chánh nghĩa quốc gia (bộ đội, du kích Miền Nam), có ai là hồi chánh giả khiến chính phủ VNCH phải đề phòng hay không, nhưng tôi thấy, ít nhất là bề ngoài, quân cán chính của chính phủ VNCH làm việc tại Trung tâm, không hề có bất cứ sự nghi ngờ gì đối với bất cứ hồi chánh viên nào.

                      Tại Trung Tâm thời đó cũng có hàng rào bao bọ chung quanh. Cổng ra vô luôn luôn có lính gác. Cả Trung Tâm có một trung đội lính thay phiên nhau bảo vệ an ninh, nhưng tất cả mọi hồi chánh viên đều được ra vô tự do, ai muốn đi đâu thì đi, và đi bao lâu rồi về cũng được. Thậm chí, có nhiều người vào dịp cuối tuần đi luôn mấy đêm rồi về cũng không thấy ai trong ban Giám Đốc Trung tâm chất vấn, hỏi han, hay thắc mắc gì. Đối với anh em hồi chánh viên Miền Nam, thường họ có thân nhân họ hàng tại Sàigòn, hay tỉnh lẻ, nên họ hay đi ra ngoài. Riêng chúng tôi, những hồi chánh viên Miền Bắc, thì lại rất ngại đi ra ngoài. Phần không biết đường xá, lại không quen phong tục, tập quán của Miền Nam, phần sợ cộng sản trả thù, nên chúng tôi chỉ tụ tập chơi bài, đọc sách hoặc xem TV trong một quán ăn nhỏ nằm cạnh thư viện của Trung tâm.

                      Trung tâm chiêu hồi Thị Nghè nằm ngay cạnh sông Sàigòn. Bên kia sông là sở thú, nên ngày ngày, trông sang sở thú, chúng tôi thấy không biết bao nhiêu trai thanh gái lịch đi lại tha thướt. Cuộc sống thật vô cùng êm đềm và hạnh phúc. Thấy như vậy, chúng tôi lại càng thương xót cho những người dân khốn khổ ở Miền Bắc, đã sống vật lộn từng ngày từng giờ, lại đói khát, thiếu thốn trăm bề, hạnh phúc gia đình chẳng có, lại phải luôn luôn giả dối đối từ người ngoài, đến người trong nhà, thậm chí giả dối với ngay cả bản thân.

                      Một trong những hình ảnh tạo cho chúng tôi nhiều xao xuyến, thao thức nhất khi mới đặt chân lên mảnh đất Miền Nam là hình ảnh tà áo dài trắng của nữ sinh Miền Nam. Sinh ra và lớn lên ở Miền Bắc, chúng tôi chỉ nghe, chỉ đọc và chỉ thấy những tà áo dài trong sách vở, tranh ảnh, thì làm sao hiểu được “tà áo dài đẹp nhờ nó có gió”. Còn ở ngoài đời thì cả năm, may mắn trong ngày tết, ngày lễ, chúng tôi mới có dịp trông thấy tà áo dài…. loại áo tứ thân của mấy bà già, cùng với chiếc ruột tượng quấn ngang thắt lưng. Những chiếc áo dài đó, không nói quý vị cũng đủ hiểu, là những chiếc áo vá chằng và đụp, đủ màu sắc khác nhau. Ngay cả cả những chiếc áo dài lành lặn, thì màu sắc héo úa, cùng tà áo nhăn nhúm, không một lần được giặt ủi, dù có “quấn quít” theo bước chân của những bà già, thì làm sao có thể tạo cho chúng tôi được những rung động chân thành, những thao thức trăn trở như những tà áo dài trắng….

                      Tôi không biết có lẩn thẩn hay đần độn gì không, nhưng kể từ khi đặt chân vô Miền Nam, nhìn thấy tà áo dài trắng của nữ sinh Miền Nam, tôi dám chắc một điều, suốt 20 năm ở Miền Bắc, tôi chưa bao giờ được nhìn thấy tà áo dài trắng.

                      Ngay bên hông Trung tâm chiêu hồi Thị Nghè lúc đó có một dẫy phố nho nhỏ. Cứ mỗi buổi sáng, chúng tôi đứng trong sân, chiêm ngưỡng những cô nữ sinh Miền Nam e thẹn trong tà áo dài trắng, cắp cặp đi học, người đi bộ, người đi xe đạp, có người đi Honda… là chúng tôi đủ thấy hạnh phúc tuyệt vời. Ngày đó, tôi nhớ mình đã ngoài 20 tuổi, đã hết ngây thơ, hết hồn nhiên của tuổi mộng mơ, vậy mà khi nhìn những cô nữ sinh mặc áo dài trắng đi học, tôi cứ ngây ngây ngô ngô nghĩ những cô nữ sinh đó không thể nào là “người trần gian”.

                      Tôi còn nhớ một kỷ niệm tuyệt vời về một tà áo dài trắng, trong những ngày tháng khi mới đặt chân lên vùng đất tự do. Khi tôi còn ở trong Phủ Đặc Ủy Tình Báo Trung Ương, có một cô làm việc trong đó vốn là người Hà Nam, Phủ Lý, nên cô quen biết với gia đình bà chị của tôi. Nhờ cô giúp đỡ, nên tôi đã nhanh chóng tìm gặp được tất cả 4 bà chị ở Miền Nam, trong đó có một bà ở Võ Di Nguy, Phú Nhuận, hai bà ở Vũng Tàu, một bà ở Biên Hòa. Mỗi tuần, vào chiều thứ sáu, hoặc chiều thứ bảy, tôi lại đi xe lam từ Thị Nghè về Võ Di Nguy qua ngả Bà Chiểu để thăm bà chị. Trong một chuyến xe lam về Võ Di Nguy thăm chị vào một buổi chiều thứ bảy, tôi được cái may mắn ngồi đối diện một cô nữ sinh mặc áo dài trắng… trên suốt chặng đường từ Thị Nghè đến Lăng Ông, Bà Chiểu. Trong chiếc xe lam chật chội, tối tăm vào buổi chiều hôm đó, nhờ tà áo dài trắng nên tôi thấy trong xe sáng hẳn lên. Tuy kỷ niệm chỉ đơn sơ và vỏn vẹn có bấy nhiêu thôi, nhưng chẳng hiểu sao suốt bao nhiêu năm trôi qua, trải qua bao nhiêu sóng gió, hiểm nguy sinh tử của một đời người, cho đến nay tôi vẫn nhớ đến hình ảnh tà áo dài trắng vào buổi chiều hôm đó trong những rung động thanh cao, tinh khiết…

                      Thế mới biết, trong cuộc sống thường nhật của mỗi chúng ta, nhiều khi chỉ một nụ cười, một ánh mắt, một tà áo dài, một mái tóc, một bờ vai gầy hay có khi chỉ là một nhân dáng khi đứng, khi đi, khi ngồi,… cũng để lại cho lòng mình một niềm hạnh phúc mãi mãi ngân nga, để rồi kỷ niệm đó mãi mãi tươi trẻ xuyên suốt cùng năm tháng, bất kể thời gian, bất chấp không gian và sự chìm nổi, sướng khổ của mỗi đời người…

                      Nhưng kỷ niệm về tà áo trắng trên mảnh đất Miền Nam đối với tôi chẳng phải chỉ có bấy nhiêu. Sau này, được đọc những vần thơ trong bài thơ Áo Lụa Hà Đông của Nguyên Sa; Ngày Xưa Hoàng Thị của Phạm Thiên Thư; rồi được nghe những bài hát của Trịnh Công Sơn, của Phạm Duy,… tôi mới thấy chính cuộc sống tự do, giầu tình cảm, đậm đà văn hiến của người dân Miền Nam đã giúp cho ngôn ngữ Việt Nam, giá trị thẩm Mỹ của người Việt Nam, cùng tâm hồn của người Việt Nam vươn tới những chân trời mới, khiến cuộc sống của mỗi người trở nên hạnh phúc hơn, thi vị hơn, đáng sống hơn.

                      Tiếc rằng, nếu cái tâm hồn đậm đà thi vị, bát ngát tình người của người Hà Nội cách đây nửa thế kỷ đã bị mai một cùng với bước chân “tiếp quản thủ đô” của người bộ đội vào năm 1954, thì từ năm 1975 cho đến nay, tại Miền Nam, cái đằm thắm tình người ấy, cái đậm đà văn hiến ấy của người dân Miền Nam cũng đã bị tàn phá cùng với xích sắt xe tăng của người bộ đội Miền Bắc khi CS chiếm được Miền Nam.

                      Cũng giống như không biết bao nhiêu thi sĩ tài hoa trên đất Bắc, sau khi cộng sản cưỡng chiếm được một nửa nước vào năm 1954, bỗng một sớm một chiều thấy cạn dòng cảm hứng, thấy mình hết thành tiên, thành thánh; sau 1975, không biết bao nhiêu thi sĩ, văn nhân tài hoa của Miền Nam, cũng dần dần chìm sâu vào cuộc sống tem phiếu, vật chất, bon chen, kèn cựa lừa lọc giữa dòng đời, để rồi một ngày nào đó, bỗng nhiên nhận ra, những vần thơ, bản nhạc tuyệt vời do mình sáng tác ngày nào, bây giờ chỉ còn là những phút giây xuất thần mãi mãi chìm trong quá khứ. Sự thực, cùng với sự chiếm đóng của cộng sản, rất ít những bài thơ hay, những bản nhạc hay được sáng tác tại Miền Bắc sau năm 1954, cũng như tại miền Nam sau 1975. Đó là sự thực đau lòng cho dân tộc Việt Nam…

                      Vào một buổi chiều, đang thơ thản chơi ở sân Trung tâm Chiêu hồi Thị Nghè, thì anh Lộc, một người gốc Hà Nội, đã về chiêu hồi trước tôi mấy năm, đang làm thuyết trình viên cho Bộ Chiêu Hồi, ghé chơi và giới thiệu tôi với ông Đại uý Hiệu, người phụ trách một số chương trình phát thanh tình báo, địch vận của VNCH trong đó có đài Gươm Thiêng ở bên Cư Xá Thành Tín, ngay góc đường Hồng Thập Tự và Nguyễn Bỉnh Khiêm thì phải. Vì đã lâu, nên tôi không còn nhớ chính xác. Nếu có sai sót, mong quý vị bỏ qua.

                      Trong dịp trò chuyện với Đại uý Hiệu, ông yêu cầu tôi viết bài rồi chính tôi đọc bài mình viết trên đài phát thanh. Tôi vui vẻ nhận lời, vì trong thâm tâm, tôi muốn nói cho tất cả bạn bè, thân nhân của tôi ở Miền Bắc biết về bộ mặt thật của cộng sản, biết về sự thật đời sống sung túc, tự do hạnh phúc của người dân Miền Nam, biết họ đã bị cộng sản lừa bịp một cách trắng trợn. Thấy tôi vui vẻ nhận lời, ông Hiệu rất mừng. Ông cũng cho tôi biết, tốt nhất, khi viết bài, tôi nên dùng tên thật. Ông hỏi tôi có ngại ngùng gì khi dùng tên thật của mình lúc viết bài, cũng như khi đọc bài trên đài phát thanh hay không. Tôi trả lời, tôi sẵn lòng dùng tên thật, Nguyễn Hữu Chí, có vậy, bạn bè, thân nhân mới biết tôi là ai và như vậy, họ mới tin vào những điều tôi nói….

                      còn tiếp

                      Comment


                      • #26
                        TÔI ĐI TÌM TỰ DO (Nguyễn Hữu Chí)

                        Hữu Nguyên


                        KỲ 24

                        Sau khi nhận lời Đại uý Hiệu, suốt thời gian kế tiếp nhiều năm trời, tôi đã liên tục viết bài và trực tiếp đọc những bài viết đó trong những chương trình phát thanh hướng về Miền Bắc. Tôi nói rõ họ và tên thật của tôi, quê quán của tôi, những kỷ niệm kinh hoàng tôi đã trải qua trên đường xâm lăng Miền Nam, những sự thực tôi đã chứng kiến, những luận điệu tuyên truyền của cộng sản đã bịp bợm như thế nào. Tôi cũng mô tả tất cả những niềm xúc động của tôi khi được chứng kiến cuộc sống tự do, sung túc của người dân Miền Nam….

                        Tôi không biết những bài viết của tôi kết quả như thế nào, nhưng tôi biết chắc một điều, những chương trình phát thanh đó đã đến tai nhiều người trên đất Bắc. Có hai bằng chứng rõ ràng để tôi nói như vậy. Bằng chứng thứ nhất là vào tháng 5 năm 1975, khi trở lại Miền Bắc, tôi đã nghe bạn bè kể về những chương trình phát thanh có bài viết của tôi. Bằng chứng thứ hai, sau 30-4-1975, trong một lớp học “cải tạo” tại Vũng Tàu, chính cán bộ cộng sản đã đích danh mang tên của tôi, Nguyễn Hữu Chí, cùng quê quán của tôi, ra nguyền rủa. Trong số những người phải ngồi học tập “cải tạo” hôm đó, có người cháu ruột gọi tôi bằng cậu, trước ở Vũng Tàu, và hiện đang sống ở Úc. Lúc đó, tôi đã bị cộng sản bắt vô tù, đến khi tôi vượt ngục được thì cả gia đình người chị cùng với người cháu đã vượt biên thành công và định cư ở Úc. Câu chuyện này mãi đến khi tôi vượt biên sang Úc, gặp lại người cháu, mới được nghe kể.

                        Trong những ngày tháng ở Trung Tâm Chiêu Hồi Thị Nghè, qua một số người bạn, tôi được biết, bên Bộ Chiêu Hồi cần tuyển dụng những người về chiêu hồi làm thuyết trình viên. Mục đích là để chính những người chiêu hồi từng là bộ đội Miền Bắc, hoặc là những người vô bưng theo “Mặt Trận Giải Phóng”, kể lại những sự thực mắt thấy tai nghe bên phía cộng sản. Qua đó, quân dân cán chính của Miền Nam hiểu rõ kẻ thù cộng sản như thế nào, và biết rõ cuộc chiến đấu của người dân Miền Nam nhằm chống cộng sản xâm lăng, có hào quang chính nghĩa ra sao.

                        Biết được tin này, lập tức tôi nộp đơn xin làm thuyết trình viên. Vì ông anh rể tôi lúc đó làm cảnh sát, phòng căn cước, từng thường xuyên ra vô Trung Tâm Chiêu Hồi chở tôi về nhà ở Võ Di Nguy Phú Nhuận, nên ông thường khuyên tôi cố gắng thi vô thuyết trình viên. Theo yêu cầu của ban tuyển dụng thuyết trình viên lúc bấy giờ, mỗi ứng viên phải thuyết trình một đề tài, trước một ban giám khảo. Tôi nhớ ngày ấy tôi chọn đề tài “Nhân Văn Giai Phẩm trên đất Bắc”. Trong số những vị giám khảo ngồi nghe tôi thuyết trình hôm đó có ông Võ Đại Tôn, một người đàn ông tôi thấy có phong độ hào hoa như một tài tử xi nê. Thời điểm đó, tôi không ngờ, trong cuộc đời trôi dạt của tôi suốt mấy chục năm về sau, lại có nhiều duyên hạnh ngộ với ông Võ Đại Tôn. Và tôi có thể nói, kể từ khi đặt chân lên Miền Nam tự do, trong số những người để lại trong tôi nhiều kỷ niệm, nhiều ảnh hưởng, trên nhiều phương diện, ông Võ Đại Tôn là người đầu tiên tôi được tiếp xúc, được học hỏi, và cho đến nay, ông vẫn có những ảnh hưởng to lớn và âm thầm đối với đời sống tinh thần và lý tưởng của tôi.

                        Hôm đó, tôi nhớ là tôi trình bầy trong khoảng nửa tiếng đồng hồ, và sau đó, tôi được chấm đậu. Tôi đinh ninh với nghề thuyết trình viên, tôi sẽ được đi đây đó trên 4 vùng chiến thuật. Nhưng không ngờ, trong buổi lễ mãn khóa chiêu hồi, tôi được yêu cầu đọc một bài cảm tưởng trước mặt quan khách, trong đó có ông Trần Trường Khanh, Trưởng phòng Thông tin Quốc nội thuộc Nha Công Tác. Khi nghe tôi đọc, thấy tôi có giọng Bắc đặc, nên ông Trần Trường Khanh xin cho tôi chuyển sang Phòng Thông Tin Quốc Nội để làm xướng ngôn viên.

                        Tuy thích làm nghề thuyết trình, những phần tôi rất kính trọng ông Trần Trường Khanh, phần thấy điều kiện làm xướng ngôn viên quá thoải mái, nên tôi ưng thuận. Ông Khanh cho tôi biết, mỗi tuần tôi chỉ cần đến Đài Phát Thanh Sàigòn 2 lần và Đài Quân Đội 2 lần để thu âm, một lần 4 chương trình và một lần 3 chương trình. Mỗi chương trình khoảng 1 tiếng, nhưng phần việc của xướng ngôn viên chỉ khoảng 10 đến 15 phút. Còn lại là ca nhạc, kịch, truyện truyền thanh… Ngoài ra, tôi cũng phải đến Đài Truyền Hình VN một, hay hai lần (tôi không nhớ rõ) để thu chương trình cho Bộ Chiêu Hồi. Sau này, Nha Công Tác chuyển về 172 Hiền Vương, mỗi tháng, vào Thứ Hai đầu tháng, tôi phải ghé lại để chào cờ.

                        Thời gian đó, tôi còn quá trẻ nên sống rất ngây ngô, không có một định hướng gì rõ ràng cho cuộc đời. Mặc dù giờ làm việc có không đầy 10 tiếng đồng hồ trong suốt một tuần lễ, nhưng phần lớn thời gian còn lại của tôi đều dành để “ngốn” sách. Hầu hết tại các thư viện của Bộ Thông Tin ở đường Phan Đình Phùng, Thư viện của các đài phát thanh, Thư viện Quốc gia, rồi nhà sách Khai Trí, các tiệm sách cho thuê… tôi đều tìm cách làm quen để được mượn sách hay coi cọp.

                        Cũng vì sống ngây ngô và đam mê đọc sách như vậy, rồi một phần cũng do làm xướng ngôn viên quá thoải mái, không có đòi hỏi gì nhiều, lại không có điều kiện tiếp xúc, gặp gỡ với nhân viên của Bộ, nên tuy làm việc ở Bộ Chiêu Hồi, tôi hiểu biết rất ít về cơ cấu tổ chức và các hoạt động của Bộ. Vì vậy, khi viết đến Bộ Chiêu Hồi, nơi tôi làm việc gần 3 năm trời tính đến ngày 30-4-1975, tôi đã email cho ông Võ Đại Tôn, để nhờ ông giúp đỡ. Sau đây là những ý kiến đóng góp quý báu của ông Võ Đại Tôn, tôi xin được đăng nguyên văn để quý độc giả thấy rõ sự sáng suốt và lòng nhân đạo của chính phủ VNCH, cùng sự thành công đặc biệt của Bộ Chiêu Hồi, trong cuộc chiến tranh Việt Nam.

                        Tổng Thống Ngô Đình Diệm ban hành quyết định thành lập Chương Trình Chiêu Hồi vào ngày 17 tháng 4 năm 1963, theo đề nghị của Cơ Quan Nghiên Cứu Việt Mỹ và Viện Trợ Mỹ (USOM). Ý kiến tiên khởi do Sir Robert Thompson, chuyên viên Tâm Lý Chiến của cơ quan Anh quốc viện trợ cho VNCH đề xướng. Chương trình được phát triển mạnh, đạt kết quả tốt, và được nâng cấp thành một Bộ trong chính phủ Việt Nam Cộng Hòa từ năm 1968. Ngân sách dùng cho Bộ Chiêu Hồi do ngân sách Viện Trợ Mỹ đài thọ.

                        - Bộ Chiêu Hồi phối hợp hoạt động với Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH, Bộ Quốc Phòng, các Quân Binh Chủng, Bộ Thông Tin, Cơ Quan Thông Tin Mỹ (JUSPAO), Cơ Quan Viện Trợ Mỹ (USOM), Cố Vấn Mỹ, Tổng Cục Chíến Tranh Chính Trị QLVNCH, Cục Trung Ương Tình Báo, Cục An Ninh Quân Đội, Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia, Sở Công Tác thuộc Nha Kỹ Thuật Bộ Tổng Tham Mưu, Chiến Dịch Phượng Hoàng, các Đài Phát Thanh/Truyền Hình Quân Đội và Quốc Gia, Đài Gươm Thiêng Ái Quốc, Đài Mẹ Việt Nam, Báo Chí……

                        - Bản nhạc “Tung Cánh Chim Tìm Về Tổ Ấm…” được dùng làm nhạc hiệu cho các Chương Trình Chiêu Hồi.

                        - Nhiều loại Truyền Đơn đã được thực hiện để rải xuống các vùng VC, kể luôn cả loại Giấy Thông Hành, có in quốc kỳ VNCH và quốc kỳ Đồng Minh. Có cả loại Truyền Đơn kêu gọi giao nạp vũ khí có thưởng tiền mặt khi cán binh VC ra hồi chánh, mang theo vũ khí. Ngay cả quân đội Úc Đại Lợi tham chiến tại VN cũng có một mẫu truyền đơn riêng dùng trong các chiến dịch Tâm Lý Chiến để kêu gọi Hồi Chánh trong các cuộc hành quân (Xuân Đoàn Tụ)…

                        - Tính theo Tổng Chi Phí Chiến Tranh VN, thì tổng chi phí để kêu gọi một cán binh VC ra hồi chánh là: 14 Mỹ kim vào năm 1963, 250 Mỹ kim năm 1967, 350 Mỹ kim năm 1969 và 500 Mỹ kim năm 1970. Tính trung bình là chi phí 125 Mỹ kim cho chương trình kêu gọi một cán binh VC ra hồi chánh trong chiến tranh VN, so với hàng trăm ngàn Mỹ kim để tiêu diệt một cán binh VC trong các cuộc hành quân.

                        - Tính cho đến tháng Tư năm 1975, đã có gần 200,000 cán binh VC (kể cả Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam và quân chính quy Bắc Việt) ra hồi chánh, trong số này có 15,000 là bộ đội miền Bắc. Tổng Nha Bưu Điện, phối hợp với Bộ Chiêu Hồi phát hành tem thư kỷ niệm 200,000 hồi chánh viên quay về với phía Quốc Gia, vào năm 1974.

                        - Trong tổng số hồi chánh viên này, đã có một số đông tham dự vào các cuộc hành quân với quân đội Đồng Minh và QLVNCH, có hơn 700 hồi chánh viên được tuyển mộ đặc biệt để thành lập những trung đội tác chiên phối hợp với quân đội Đồng Minh, gọi là các Toán Vũ Trang Tiền Đạo “Kit Carson”, chuyên về Tình Báo, chỉ điểm mục tiêu quân sự, đặc biệt là các mục tiêu tại miền Bắc và đường mòn Hồ Chí Minh, kết quả rất cao về mặt quân sự, tình báo.

                        - Ngoài Trung Tâm Chiêu Hồi Trung Ương tại Thị Nghè, Gia Định, còn có tổng côïng 47 trung tâm tỉnh. Bên cạnh các trung tâm Chiêu Hồi lớn như tại Đà Nẵng, Pleiku, Biên Hòa, Cần Thơ…. còn có các Làng Hồi Chánh tại các tỉnh lớn miền Nam và miền Trung.

                        BỘ CHIÊU HỒI: Bộ Chiêu Hồi đặt tại đường Lê Thánh Tôn, Saigon, trước mặt Bộ Tư Lệnh Thủy Quân Lục Chiến QLVNCH. Nha Công Tác, Bộ Chiêu Hồi, có cơ sở riêng đặt bên cạnh Bộ Chiêu Hồi. Bộ Chiêu Hồi gồm có: 1) – Nha Quản Trị (hành chánh và ngân sách). 2) – Nha An Ninh Tình Báo. 3) – Nha Công Tác. 4) Các Trung Tâm Hồi Chánh Trung Ương và Tỉnh.

                        NHA CÔNG TÁC BỘ CHIÊU HỒI: Nha Công Tác, Bộ Chiêu Hồi, có thể coi là Nha lớn nhất thuộc Bộ Chiêu Hồi, gồm có các Sở- Phòng: – Sở Huấn Chính – Sở Tuyên Vận – Sở Huấn Nghệ – Các Biệt Đoàn Vũ Trang Tuyên Truyền – Các Đoàn Chuyên Viên Huấn Chính (Thuyết Trình Viên) – Các Chương Trình Phát Thanh và Truyền Hình Chiêu Hồi – Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương Chiêu Hồi – Quản Trị mọi công tác Chiêu Hồi trong các Ty và Chi Chiêu Hồi toàn quốc – Các Làng Hồi Chánh – Phối Hợp Tình Báo – Quân Sự – Huấn Luyện Vũ Trang / Hành Quân – với các Bộ/Cục QLVNCH và Đồng Minh, Cơ Quan Quân Sự Hoa Kỳ, Viện Trợ Mỹ và Phòng Thông Tin Hoa Kỳ (JUSPAO).

                        Các vị Giám Đốc Nha Công Tác Bộ Chiêu Hồi đều được biệt phái từ Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH qua đảm nhiệm chức vụ, đa số đều là Sĩ Quan Cấp Tá, thuộc ngành Tình Báo, Quân Báo. Vì lẽ, ngoài các công tác chuyên môn về mặt Tuyên Vận công khai (ấn loát các loại truyền đơn, báo chí như nguyệt san QUÊ MẸ), các chiến dịch tuyên vận, các chương trình văn nghệ, truyền hình, phát thanh (hàng tuần trên Đài Truyền Hình Quốc Gia và trên Đài Phát Thanh Saigon), các chương trình hội nhập Đời Sống Mới, tuyển dụng nghề nghiệp…, còn có các công tác Mật về quân sự và Tình Báo, xâm nhập các vùng mật khu Việt Cộng, phối hợp hành quân, địch vận.

                        Vào năm 1972, Trung Tá Võ Đại Tôn biệt phái từ Quân Đội sang Bộ Chiêu Hồi và được cử đảm nhiệm Giám Đốc Nha Công Tác, thay thế Đại Tá Phạm Đăng Tấn (Đại Tá Phạm Đăng Tấn hiện nay ở Virginia, đang bệnh nặng). Cuối năm 1972, Trung Tá Võ Đại Tôn, Giám Đốc Nha Công Tác, hướng dẫn phái đoàn Hồi Chánh Viên (10 người) sang công du Thái Lan trong 2 tuần lễ để thuyết trình về Thành Quả Chương Trình Chiêu Hồi do Chính Phủ Thái Lan mời.

                        Trong Nha Công Tác, Bộ Chiêu Hồi, một số đông các Hồi Chánh Viên cao cấp đã được tuyển dụng giữ những chực vụ quan trọng, trong đó có cựu Trung Tá Bộ Đội Bắc Việt là Lê Xuân Chuyên (bị CS tử hình vào ngàyu 30.4.1975), nhà văn Xuân Vũ (tác giả hồi ký Đường Đi Không Đến – Vượt Trường Sơn – đã qua đời tại Texas năm 2002), các ca sĩ Đoàn Chính, Bùi Thiện, và Bùi Công Tương làm Chánh Sở Tuyên Vận.




                        Tôi và đứa con trai đầu lòng sanh năm 1974 tại Sàigòn
                        Last edited by BaNai; 03-30-2015, 01:47 AM.

                        Comment


                        • #27
                          TÔI ĐI TÌM TỰ DO (Nguyễn Hữu Chí)

                          Hữu Nguyên


                          KỲ 26

                          Trước khi viết tiếp câu chuyện kỳ trước, tôi xin chân thành kính mong quý độc giả tha lỗi cho tôi vì trong hai tuần qua tôi đã không thể viết tiếp được phần hồi ký dang dở. Biết như vậy là điều không nên không phải với bạn đọc, nên từ nay, tôi sẽ cố gắng thu xếp thời gian hợp lý hơn, để khỏi phụ lòng tri kỷ của quý vị.

                          Trở lại câu chuyện, trên chặng đường trở lại Miền Bắc trong những ngày đầu tiên sau 30 tháng 4, 1975, qua gặp gỡ đồng bào suốt dọc đường đi, tôi đau xót cảm nhận được những suy tư thật trái ngược của dân chúng hai miền. Tại Miền Nam, có những người không hiểu rõ cộng sản, nên họ dễ dàng có thái độ vui mừng đón chào người lính “giải phóng”. Có những người vì trước đây sống dưới chế độ VNCH, có những va chạm, hoặc có những mâu thuẫn, xung đột với chính quyền, hoặc do không hiểu rõ bản chất của cuộc chiến tranh Việt Nam, nên ít nhiều cảm thấy gai mắt khi chứng kiến cảnh người lính Mỹ trên đường phố của quê hương,… họ dễ dàng coi sự chiếm đóng của người lính cộng sản là cơ hội để họ đổi đời, để họ tìm thấy “thiên đường xã hội chủ nghĩa”. Ngoài ra, cũng có những người đã từng có kinh nghiệm về tội ác cộng sản, nhưng đinh ninh từ nay trở đi, với sự chiến thắng của người cộng sản, đất nước sẽ hết chiến tranh, chồng con sẽ không còn phải đi lính, thôi thì đói khổ thế nào đi nữa, mà gia đình được đoàn tụ thì cũng là điều hạnh phúc. Chính những ước mơ mong manh, những hạnh phúc trước mắt như vậy đã khiến nhiều người không nhận ra thảm họa mà người cộng sản sẽ gieo rắc trên quê hương Việt Nam trong những năm tháng tới.

                          Dĩ nhiên, bên cạnh đó, cũng có những người thực sự hiểu rõ về người cộng sản, thì âm thầm tìm mọi cách để ra đi. Đối với họ, những thảm kịch cải cách ruộng đất thời 1952, 1953, những cuộc thảm sát dành cho những người “dinh T” là những người từ vùng Việt Minh trốn về thành phố trong giai đoạn 9 năm kháng chiến, cùng những vụ Việt Minh thanh toán các đảng phái trong quá khứ, chắc chắn không sớm thì muộn sẽ tái diễn trên lãnh thổ Miền Nam. Với những người này, trong thời gian chờ đợi cơ hội trốn thoát cộng sản, họ chỉ biết sống gượng, vui giả cho qua ngày.

                          Trái lại, ở Miền Bắc, bên cạnh những người say men “chiến thắng” cũng có không thiếu những người hiểu biết, coi “chiến thắng” của cộng sản là nhát búa cuối cùng trên nóc quan tài, khâm liệm tất cả những hy vọng mà họ đã ấp ủ suốt mấy chục năm. Tôi có thể nói, ở Miền Bắc, trong suốt những năm dài kể từ 1954, hầu hết những người theo đạo Công giáo, Phật giáo, những thành phần trí thức, tư sản, buôn bán làm ăn, và tất cả những ai đã từng hít thở bầu không khí “thuộc địa thời Pháp”, đều ao ước thiết tha, sẽ có một ngày Miền Nam giải phóng Miền Bắc.

                          Như tôi đã có lần kể cho quý vị nghe về hình ảnh thầy tôi và ông thông gia, cả hai người đều dí tai vào chiếc radio để theo dõi tin tức từ Miền Nam với niềm hy vọng lực lượng của Cụ Diệm ở Miền Nam sẽ có ngày “Bắc Tiến”. Tôi nhớ những ngày tháng đó là năm 1957, 1958… Thời đó, người Miền Bắc còn thỉnh thoảng nhận được những tấm bưu thiếp của thân nhân di cư vô Nam. Gia đình của ông thông gia với thày tôi ở Hà Nội có ba người con trai, thì hai người đều vô Nam. Người con cả lấy chị thứ hai của tôi, cả gia đình di cư sống ở Võ Di Nguy, Phú Nhuận, là nơi sau này tôi về sống chung cho đến ngày cộng sản chiếm Sàigòn. Người con trai thứ hai của ông thông gia đang học y khoa ở Hà Nội vào năm 1954, cũng lên đường vượt tuyến vô Nam vào năm 1957. Anh này sau được trao quyền đại đội trưởng hay trung đội trưởng, chỉ huy lực lượng an ninh bảo vệ Trung Tâm Chiêu Hồi Thị Nghè.

                          Hồi đó, tôi tuy còn bé, chỉ mới 8, 9 tuổi là cùng, nhưng hình ảnh ông thông gia, và thầy tôi ngồi bên cạnh chiếc radio với vẻ mặt gay cấn, ánh mắt lấm lét nhìn về phía cầu thang, như đang làm điều gì vụng trộm, cùng những tiếng thì thầm của hai ông, đã khắc sâu vào trí óc của tôi. Chắc quý vị đã biết trong những số báo trước, tôi đã kể về thầy tôi là một người cha rất nghiêm khắc. Thầy tôi thương yêu tôi lắm, vì ngoài tình cảm của một người cha dành cho con trong cảnh gá trống nuôi con, thầy tôi còn thương tôi hơn, vì tôi chào đời trong cảnh loạn lạc, lớn lên trong sự túng thiếu, cơm không có ăn, áo không có mặc, của cải gia đình đều mất hết trong thời cải cách. Thương yêu tôi như vậy, nhưng thầy tôi dậy dỗ tôi như dậy một người lính, quyết uốn nắn tôi trở thành một cây trúc theo tinh thần “trúc dẫu cháy, đốt ngay vẫn thẳng”. Chính nhờ sự dậy dỗ của thầy tôi, mà tôi đã trải qua không biết bao nhiêu nguy hiểm, để sống sót đến hôm nay. Nhưng cũng vì sự dậy dỗ đó, tôi lớn lên không có được sự khôn ngoan biết cân nhắc thiệt hơn của người cầu lợi, biết mềm mỏng thỏa hiệp với đời, nên cuộc đời tôi gặp không biết bao nhiêu khốn khó. Bất cứ khi nào, bất cứ ở đâu, dù là trên ghế nhà trường, hay sau này đi bộ đội, tôi luôn luôn là cái gai trong con mắt của thầy cô giáo và của “thủ trưởng”, nên thường xuyên bị trù dập, bị đì, bị nhiều thiệt thòi, oan ức, đau khổ. Vậy mà tôi vẫn tự hào với những đau khổ, thiệt thòi đó… thế mới “ngu dại”!

                          Một trong những kỷ niệm vừa hãi hùng vừa tự hào, đến giờ tôi còn nhớ, đó là chuyện thầy tôi dậy tôi tập bơi. Người khác học bơi thì học có bài bản, được ôm cây chuối hay phao bơi đàng hoàng. Còn tôi học bơi rất đơn giản. Một buổi chiều mùa hè, tôi lúc đó mới 5, 6 tuổi. Thầy tôi mang theo một cuộn dây thừng rồi dắt tôi ra bờ sông Châu. Đến bờ sông, thầy tôi lấy dây thừng quấn giẻ trước khi quấn hai vòng vào thắt lưng của tôi rồi thắt nút lại. Tôi chưa kịp hiểu thầy tôi làm vậy để làm gì, thì thầy tôi đã nhấc bổng tôi trên tay, rồi ném thẳng tôi xuống sông. Kinh hoàng quá, tôi vừa khóc vừa la hét, vừa uống nước sặc sụa, chân tay thì đập loạn xạ. Được một chút, thầy tôi kéo dây thừng, lôi tôi lên khỏi mặt nước cho tôi thở một hồi, rồi lại vứt tôi xuống nước tiếp, mặc cho tôi khóc lóc, lậy van, vang cả một góc sông. Cứ như vậy, chỉ trong có một buổi chiều hôm đó, tôi đã biết bơi, và sau này tôi bơi rất giỏi, vừa nhanh lại vừa dai sức. Nhưng vì ngay thuở ban đầu không được học bơi đàng hoàng, nên tôi chỉ biết bơi kiểu “bơi chó”. Sau này lớn lên, đi học, thấy tôi bơi nhanh, lại bơi xa cả vài cây số, nên nhà trường chọn tôi vào đội bơi và huấn luyện thật kỹ càng. Nhưng vì đã quen “bơi chó” ngay từ đầu, và “bơi chó” trong lúc tâm thần hoảng hốt, nên dù học thế nào thì học, tôi vẫn không tài nào bơi sải đúng kiểu. Cặp giò của tôi không tài nào đập theo chiều thẳng đứng lên xuống theo kiểu bơi sải, mà chỉ co vào duỗi ra giống hệt chân chó. Kết quả, tôi chỉ có thể học được kiểu bơi ếch, và bơi rất nhanh, nên thời đó, sau cuộc thi bơi của tỉnh, tôi đã được bạn bè tặng cho cái biệt hiệu là “con ếch vàng”.

                          Tôi hơi dài dòng kể lại kỷ niệm trên đây để quý vị thấy, thầy tôi là một người cha nghiêm khắc, dậy dỗ con để đối phó với sóng gió đường đời. Quả nhiên, sau này, trên đường đi chiêu hồi, hay khi vượt ngục, vượt biên, tôi lúc nào cũng tự tin vào khả năng của mình, gặp tường cao thì trèo, gặp sông biển thì lội, lúc thì nhảy tàu, nhảy xe; khi nào bị dồn vào đường cùng, thập phần nguy hiểm, thì tôi quyết lào vào chỗ chết để tìm ra cái sống. Trải qua không biết bao nhiêu khó khăn, lúc nào tôi cũng thấy có sự hiện diện vô hình của thầy tôi ở trên cao. Và tôi nghiệm ra một chân lý, khó khăn dù có lớn lao đến đâu, nếu quyết chí và can đảm lao về phía trước, tôi cũng sẽ vượt qua.

                          Trong suốt những năm dài, sống bên cạnh người cha nghiêm khắc, bỗng dưng một ngày nọ, tại nhà ông thông gia ở Hà Nội, từ dưới cầu thang chạy lên lầu, tôi giật mình trông thấy thầy tôi và ông thông gia đang lén lút nghe radio. Chuyện lén lút không làm tôi để ý, nhưng vì khi thấy tôi đột ngột xuất hiện, cả thầy tôi lẫn ông thông gia đều hoảng hốt. Lần đầu tiên, tôi thấy sự sợ hãi của thầy tôi. Lúc đó, làm sao tôi hiểu được lý do khiến thầy tôi sợ hãi. Mãi sau này, tôi mới hiểu, thì ra thầy tôi và ông thông gia đang nghe lén radio trong niềm kỳ vọng, “lính của Cụ Diệm sẽ Bắc tiến”…

                          Từ ngày đó cho đến mấy chục năm sau này, cái hình ảnh thầy tôi và ông thông gia lén lút nghe radio cứ ăn sâu vào trong tâm trí của tôi, khiến tôi bứt rứt không yên. Tại sao những người tôi kính trọng, và có thể nói lúc nào tôi cũng sợ hãi, lại có những lúc làm những việc lén lút, để rồi sợ hãi một đứa con nít khi bị phát hiện? Và tôi nghiệm ra một điều rất đơn giản, một người khi đã lén lút làm một chuyện gì, thì người đó rất dễ trở nên mong manh, yếu đuối.

                          Khi đi quá giang xe trên chặng đường ra Hà Nội, chúng tôi không ngờ bị chính người tài xế gốc thiểu số bán đứng cho một đơn vị tuần tiễu tại thị xã Đồng Hới. Lúc đoàn xe dừng lại tại trạm kiểm soát, mọi người được lệnh mang tất cả hành lý ra khỏi xe để lực lượng vệ binh lên xe kiểm soát. Vào thời điểm đó, lực lượng công an của cộng sản chưa được điều động vô các tuyến đường ở Miền Trung và Miền Nam. Vì vậy, mọi kiểm soát giao thông, quan thuế, dân sự cũng như quân sự tại các tỉnh từ Bố Trạch, Đồng Hới, Quảng Trị, vô đến Miền Nam đều thuộc quyền hạn của các đơn vị vệ binh, trực thuộc ban quân pháp của bộ quốc phòng Hà Nội.

                          Vừa xuống xe, chúng tôi còn đang xếp hàng, thì một tay vệ binh đeo súng ngắn cùng một tên khác đeo khẩu AK-47 ngang ngực, tiến về phía chúng tôi. Nhìn cách thức tên vệ binh đeo khẩu AK, tôi có linh cảm điềm không lành. Quả nhiên, tên vệ binh đeo súng ngắn, nói giọng trọ trẻ Quảng Bình:

                          - Ba đồng chí này mang ba lô theo tôi.

                          Nói xong, tên vệ binh quay lưng đi về phía trạm kiểm soát thứ hai ở bên kia đường, cách nơi xe đậu khoảng 200 thước. Tên vệ binh đeo khẩu AK đứng đó, lạnh lùng nhìn chúng tôi, không nói một tiếng. Ba đứa chúng tôi chẳng nói chẳng rằng, thở dài, khoác ba lô, rồi lần lượt đi theo tên vệ binh. Tuy không quay đầu lại, chúng tôi biết, tên vệ binh AK cũng đi theo, khoảng cách vừa đủ xa. Trông kiểu cách đề phòng chúng tôi một cách lộ liễu của hai tên vệ binh, tôi lo ngại nghĩ, chẳng lẽ tụi này đã phăng ra tung tích của chúng tôi rồi hay sao?

                          còn tiếp

                          Comment


                          • #28
                            TÔI ĐI TÌM TỰ DO (Nguyễn Hữu Chí)

                            Hữu Nguyên

                            KỲ 27

                            Bên kia đường là một dẫy nhà cất vội, vừa dùng làm chỗ ăn ở tạm bợ cho vệ binh, vừa làm văn phòng, nhà kho, trạm kiểm soát… Tất cả có khoảng hơn chục căn, siêu vẹo dựa vào nhau. Trời nóng hừng hực như đổ lửa, nhưng trước cửa dẫy nhà vẫn có hơn chục đứa con nít, đen cháy, tồng ngồng đuổi nhau trong cát bụi và nắng gió. Mái nhà khá thấp, khiến cả ba đứa chúng tôi phải cúi đầu chui vô. Từ ngoài trời nắng chói chang, đột nhiên bước vào trong nhà kín như bưng, chúng tôi gần như không thấy gì. Khoảng gần một phút sau, tôi mới thấy rõ dần người, vật trong căn phòng. Trước mặt tôi là một chiếc bàn làm bằng cây, bề dài khoảng hai sải tay. Chung quanh là những chiếc ghế băng dài, cũng bằng cây, sần sùi nhưng chắc chắn. Tất cả chân bàn, chân ghế đều cắm sâu xuống đất. Trên bàn, một chiếc đèn bão, ánh sáng đủ tỏa một khoảng hẹp cho tôi thấy một người bộ đội đang cặm cụi viết gì đó trên một cuốn vở học trò, có kẻ nhiều đường dọc ngang. Cả hai tên vệ binh cùng theo vô, nhưng đều đứng im lìm bất động ở góc nhà.

                            Tên bộ đội ngồi ở bàn lặng lẽ làm việc coi như không biết đến sự hiện diện của chúng tôi. Ba đứa chúng tôi cũng đứng im, với ba lô trên vai. Khoảng mấy phút sau, tên bộ đội ngồi bàn ngưng viết, ngẩng mặt nhìn chúng tôi một thoáng rồi lạnh lùng:

                            - Xuất trình giấy tờ công tác.

                            Chúng tôi lần lượt lấy giấy tờ để trên bàn. Tên bộ đội cầm xấp giấy tờ, không thèm coi một chữ, thản nhiên bỏ tất cả vô trong ngăn kéo. Sau đó, y lôi ngăn kéo bên trái, lấy ra một xấp giấy trắng đưa cho chúng tôi, nói trỏng:

                            - Cấm mấy tờ giấy này sang bàn bên kia, lôi hết đồ đạc trong ba lô ra, rồi kê khai từng món vô tờ giấy này. Món nào có giấy phép cho mang thì đánh dấu vô, rồi để sang bên phải. Món nào không có giấy phép thì để sang bên trái. Mỗi người mỗi bàn, làm mau lên cho kịp xe, không là phải chờ đến mai, mất thêm mấy đồng tiền nhà trọ.

                            Quay sang hai tên vệ binh, y tiếp:

                            - Đồng chí Huy (lâu ngày tôi không nhớ rõ, nên tạm gọi như vậy) ra gọi thêm một người nữa vô đây giúp ba đồng chí này kiểm tra hành lý, hàng hóa.

                            Nghe tên bộ đội hết nói đến “kiểm tra hành lý”, lại nói tới “giấy phép” cho từng món đồ, tôi biết ngay, tất cả những món hàng chúng tôi có trong ba lô sẽ bị tụi bộ đội này trấn lột một cách hợp pháp. Cả ba đứa chúng tôi đều dùng giấy tờ giả, thì làm sao có được giấy phép mang hàng từ Miền Nam ra Miền Bắc. Biết vậy, nên tôi bực bội vứt chiếc ba lô lên bàn, rồi ngồi phịch xuống chiếc ghế băng bằng tre ở góc nhà.

                            Thấy tôi như vậy, tên bộ đội nhìn tôi trừng trừng một hồi rồi hất cằm:

                            - Bộ bất mãn, muốn chống đối hả?

                            Tôi trả lời:

                            - Tất cả mọi thứ trong ba lô của tôi đều không có giấy phép, thì lôi ra đặt bên trái, bên phải làm gì cho mất công.

                            Tên bộ đội nói chậm rãi, giọng gằn từng tiếng:

                            - Tất cả không có giấy tờ cũng phải khai để lập biên bản cho rõ ràng minh bạch, chí công vô tư.

                            Nghe mấy chữ “rõ ràng, minh bạch, chí công vô tư” tôi muốn phì cười. Sống với chế độ cộng sản 20 năm, tôi đã hiểu rõ tất cả những mánh khóe bịp bợm của người cộng sản từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài. Biết vậy, nhưng lúc đó trong thân phận cá chậu chim lồng, giấy tờ tùy thân cũng toàn là giấy giả, nên trong một thoáng, tôi chọn ngay thái độ hợp tác, ngoan ngoãn chấp hành mệnh lệnh của y, chấp nhận mất tất cả, để được tự do trở lại quê nhà, gặp gỡ thầy mẹ và những người thân…

                            Trong ba chiếc ba lô, ba lô của tôi là nhẹ nhất, ít thứ đồ quý giá nhất. Ngoài mấy kí bột ngọt, mấy chục thước vải mua cho mẹ, chiếc radio mua cho anh trai, mấy quyển sách quý cho tôi, và một bộ tẩu (pipe collection) tôi mua cho thầy tôi, còn lại trong ba lô của tôi không có một thứ gì đáng giá. Tôi mua chiếc radio vì trong suốt những năm tháng xa quê hương, mỗi khi nhớ đến người anh cùng cha khác mẹ là tôi lại nhớ đến cảnh anh tối ngày loay hoay bên cạnh chiếc radio tự chế bằng gỗ, dùng dây thép chăng ngang sân nhà làm ăng ten. Tôi mua bộ tẩu Dunhill cho thầy tôi vì trong tất cả những đồ đạc mà thầy tôi có thuở xưa, đều mất hết sau cải cách ruộng đất, chỉ còn lại có tấm hoành phi “Thừa Thiên Ưu” sau phải chẻ ra để làm củi; và chiếc tẩu hút thuốc. Thầy tôi có thói quen mỗi khi hút thuốc, thường cọ cọ chiếc tẩu lên mũi, nên nó bóng lưỡng và đẹp lạ lùng. Thầy tôi vẫn bảo, bộ tẩu có tất cả 3 chiếc, bỏ gọn trong một chiếc hộp rất đẹp xuất xứ từ bên Anh. Sau này loạn ly, hoạn nạn suốt hơn chục năm, thầy tôi chỉ còn giữ được có một chiếc, nên ông cụ quý nó vô cùng, đi đâu cũng mang nó kè kè bên mình. Vì dùng nó cả mấy chục năm trời, nhựa thuốc đã đóng keo hết lớp này đến lớp khác, nên dù không có thuốc, thầy tôi vẫn mang tẩu ra hút “không người lái” (hút tẩu không) để thấy phảng phất hương vị của thuốc cho đỡ thèm, cùng những kỷ niệm của một thuở vàng son trong quá khứ hiện về…

                            Khi tôi tình cờ qua một người bạn, mua được bộ tẩu Apples & Dublins cũng của Dunhill nhưng có tới 5 chiếc (nghe đâu nguyên bộ này có tới hơn một chục chiếc lận), tôi biết chắc thầy tôi sẽ thích lắm. Vậy mà bây giờ, trong cái đồn kiểm soát này, tôi đành phải chấp nhận, chịu mất bộ tẩu quý giá đó hay sao? Lòng thương yêu người cha già, khiến tôi mềm lòng, chấp nhận nhũn như con chi chi…

                            Sau khi lấy hết mấy món đồ lặt vặt, kê khai đầy đủ trên giấy, tôi quay sang tên bộ đội năn nỉ:

                            - Thưa đồng chí, tất cả những gì tôi có tôi đã kê khai đầy đủ trên giấy này để nhờ đồng chí giữ hộ. Riêng cái hộp tẩu này là kỷ vật của một người bạn già của thân phụ tôi ngày xưa. Ông cụ gửi tặng cái hộp tẩu này cho thầy tôi, nên tôi mong đồng chí thông cảm, cho phép tôi không khai báo hộp tẩu này…

                            Tên bộ đội lắc đầu phán những câu rất đúng đường lối chủ trương của cách mạng:

                            - Đồng chí này hay nhỉ? Tại sao đồng chí phải bận tâm xin xỏ như thế nhỉ? Đồng chí phải biết, tất cả những gì đồng chí khai báo trên giấy tờ này là của ai? Đâu có phải của tôi đâu mà đồng chí phải xin. Tất cả là của đồng chí, có đúng không nào? Có thể đồng chí đã bỏ tiền túi ra mua, có thể có người tặng đồng chí, hay tặng bố đồng chí như đồng chí vừa nói. Nhưng dù đồng chí mua hay đồng chí được tặng, hay đồng chí xin xỏ ai đi nữa, thì tất cả cũng là của đồng chí. Chỉ có điều là hiện giờ đồng chí không xin giấy phép của đơn vị khi mang những thứ đó ra Miền Bắc, thì tạm thời chúng tôi phải có bổn phận giữ hộ cho đồng chí. Giữ hộ cho đến khi nào đồng chí trở về đơn vị, xin được giấy phép ra đây thì chúng tôi sẽ gửi lại, nguyên vẹn, không một chút hư hao, sứt mẻ.

                            Nghe hắn nói tràng giang đại hải, miệng thuộc làu làu như cháo chảy, tôi ngán quá. Tôi biết, những câu đó, hắn đã nói cả ngàn lần với cả ngàn người, nên con người của hắn đã trở thành một cỗ máy, đâu còn chỗ để cho tiếng nói của con tim, của lý trí ngự trị.

                            Sau khi làm biên bản ký giấy xác nhận các loại giấy tờ xong, chúng tôi được tự do muốn đi đâu thì đi. Tên bộ đội còn ân cần dặn dò, chúng tôi phải giữ gìn giấy tờ cẩn thận, để khi có giấy phép thì nhớ trở lại lấy hàng hoá.

                            Lúc đầu, tôi tính ở lại thị xã Đồng Hới đêm đó, để tìm cách chui vô nhà kho lấy lại hộp tẩu cho bằng được. Chỉ nghĩ đến gương mặt hạnh phúc của thầy tôi khi cầm chiếc hộp tẩu trên tay, là tôi thấy tôi phải lấy lại hộp tẩu bằng mọi giá. Nhưng nghĩ kỹ lại, tôi thấy tôi không thể nào phiêu lưu mạng sống, sự tự do của tôi để ở lại Đồng Hới lấy hộp tẩu. Tôi hiểu toàn bộ những trạm kiểm soát từ đây ra Bắc là những nút chặn do cộng sản nặn lên với sứ mạng ăn chặn, ăn hớt, tất cả những của cải mà bộ đội đã mua, đã xin, đã chiếm đoạt được ở Miền Nam.

                            Để mạng lưới kiểm soát, ăn chặn, ăn hớt làm việc hiệu quả, ngoài những trạm kiểm soát nổi chạy dọc theo quốc lộ 1, cộng sản còn thiết lập nhiều trạm kiểm soát chìm, và cả một mạng lưới chỉ điểm rộng khắp, bao gồm các chủ quán, những người bán hàng rong, các bác xích lô đạp, các tài xế xe đò, và ngay cả hàng ngũ con nít. Tất cả những người này một khi thấy bộ đội từ Miền Nam ra, lập tức tìm cách làm quen, thăm hỏi, rồi gạ mua bột ngọt, mua đài, mua đồng hồ, vải vóc…. Người bộ đội nào không có thì cho qua, còn người nào có, lập tức họ sẽ mật báo cho các trạm kiểm soát an ninh. Sau đó không đầy 24 tiếng đồng hồ, người bộ đội đó sẽ được mời vô đồn, và bị trấn lột một cách hợp pháp, tất cả đồ đạc sẽ phải gửi lại, để nhận một tờ biên nhận, bảo đảm sẽ hoàn lại khi người bộ đội mang đầy đủ giấy phép tới lấy.

                            Trong những ngày tháng đầu tiên của buổi giao thời đó, hàng trăm ngàn bộ đội từ Miền Nam “đội đồ” ra Miền Bắc, đâu có ai xin giấy phép của đơn vị, và dù có xin, làm sao xin được hay xin đủ cho không biết bao nhiêu những món đồ lỉnh kỉnh mà họ đã thủ đắc bằng mưu mô, bằng cướp đoạt, trộm cắp, lừa gạt, cưỡng bức….

                            Chiều hôm đó, sau khi bàn bạc với hai người bạn, tất cả chúng tôi đều đồng ý, thôi thì hãy quên hết tất cả những gì đã mất mát, để lên đường trở lại Miền Bắc, nơi đang có những người thân yêu nhất của mình đang chờ đợi. Riêng hai người bạn của tôi thì trong đầu đang nghĩ đến những tảng thuốc phiện to như hòn gạch đang chờ họ ở Điện biên Lai Châu…

                            còn tiếp

                            Comment


                            • #29
                              TÔI ĐI TÌM TỰ DO (Nguyễn Hữu Chí)

                              Hữu Nguyên


                              KỲ 28

                              Hai ngày sau khi rời thị xã Đồng Hới, chúng tôi đặt chân đến thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Đây là thành phố nổi tiếng trong thời máy bay Mỹ oanh tạc với cầu Hàm Rồng đã đi vào những “huyền thoại” do guồng máy tuyên truyền của nhà nước Hà Nội thêu dệt. Thành phố Vinh cũng còn là nơi thầy tôi làm việc tại sở lục lộ thời Pháp, nên tôi đã được nghe thầy tôi kể những câu chuyện về sông Lam và rừng núi Vạn Tượng ở bên Lào, vì từ Vinh có thể qua Lào tới mấy cửa khẩu. Vinh cách Hà Nội không đầy 300 cây số. So với Hà Nội, Huế chỉ xa Vinh hơn khoảng 50 cây, nên có thể nói, thành phố Vinh là trung tâm giữa hai thành phố Huế và Hà Nội. Trong những câu chuyện về thành phố Vinh, Nghệ An, tôi nghe thầy tôi kể đi rồi kể lại với những người bạn khi ghé chơi, có câu chuyện thầy tôi suýt bị rắn cắn tại cảng Bến Thuỷ; rồi chuyện vong linh của một người cô hiện hồn về báo trước nạn lũ cuốn ở đường rừng vùng Rú Rum. Nhờ hồn người cô hiện về báo tin, nên thầy tôi đã thoát chết trong trận lũ năm đó, mà bây giờ tôi không nhớ rõ là năm nào. Đó là những câu chuyện nghe như cổ tích hồi tôi còn nhỏ, nên đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ như in trong óc, cùng với tất cả những rung động của tuổi thơ ấu.

                              Thành phố Vinh cũng còn được người cộng sản mệnh danh là thành phố Đỏ, vì nơi đây có phong trào cộng sản khởi nghĩa đầu tiên được mệnh danh là Xô Viết Nghệ Tĩnh. Cũng vì đây là thành phố Đỏ, nên khi chúng tôi đặt chân tới Vinh, thành phố này đúng là đang lên cơn sốt “đại thắng giải phóng Miền Nam”. Đường phố đầy khẩu hiệu, cờ đỏ, cùng những đoàn người đi lại rầm rập, với những tiếng hò hét, ca hát triền miên những bài hát của cộng sản. Nhưng bên cạnh “niềm vui say sưa trong men chiến thắng” của mọi người, chúng tôi rất ngạc nhiên khi chứng kiến một gia đình thản nhiên quay lưng với “chiến thắng giải phóng Miền Nam” của người cộng sản.

                              Chúng tôi đi xe hơi đến Vinh vào lúc chiều tối. Bụng đói cồn cào, nên chúng tôi ghé vô một cửa hàng ăn uống, xếp hàng mua mấy tô phở “không người lái” (phở không có thịt) lót bụng. Giống như hầu hết tất cả các tiệm ăn trên đất Bắc của những năm trong thập niên 1960, 1970, tiệm ăn ở thành phố Vinh lúc đó vẫn chật chội, bẩn thỉu, đồ ăn vẫn khan hiếm, và thái độ của người bán hàng vẫn khinh khỉnh coi thường khách. Vậy mà tiệm vẫn chật cứng những người là người. Không đông sao được khi cả thành phố Vinh chỉ có vài tiệm ăn có tên “cửa hàng mậu dịch ăn uống”. Tại những tiệm ăn này, đồ ăn thức uống tuy dở, nhưng bán rẻ hơn giá thị trường. Người vô ăn thường phải có tem phiếu. Còn đi ăn ở những tiệm bên ngoài, vừa hiếm hoi, lại vừa đắt.

                              Trong tiệm có ba dẫy bàn ăn, mỗi dẫy khoảng 6 bàn. Bàn nào cũng bẩn, đồ ăn thức uống, chén đũa vứt đầy, nhưng vẫn đông thực khách. Khách hàng tự đi mua đồ ăn, rồi bưng đến bàn ngồi ăn. Nhiều người không kiếm nổi chỗ ngồi thì tự động kéo ra ngoài hiên, kẻ đứng người ngồi, ăn uống xì xụp một cách thản nhiên, trong khi bụi bặm từ ngoài đường, từ trên nóc quán, từ trong tiệm ăn, thi nhau đổ xuống cùng với những cơn gió lộng.

                              Sau khi mua xong đồ ăn, chúng tôi vẫn không tài nào kiếm nổi chỗ ngồi, nên cả ba đều kéo ra ngoài hiên vừa ăn, vừa ngó những đoàn thanh thiếu niên, vác đuốc, vác cờ quạt, khẩu hiệu, đi qua, miệng hò hét những câu khẩu hiệu, hoặc hát những bài hát “cách mạng”, trong đó có bài “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” là được hát nhiều nhất.

                              Nhìn cảnh mọi người nô nức “mừng chiến thắng”, chúng tôi vừa thấy xót xa cho chính đất nước, dân tộc mình, vừa thấy thương hại cho người dân Miền Bắc, những người được mệnh danh là “phe chiến thắng”. Giữa lúc đang vừa ăn vừa trợn mắt thao láo ngó thiên hạ, bỗng dưng tôi thấy có một người tướng mạo cao lớn đứng cách tôi khoảng mấy bước, cứ nhìn chúng tôi chằm chặp.

                              Người đàn ông đó chạc 50 ngoài, có gương mặt khắc khổ, lông mày rậm, tóc bù xù. Tuy chiếc áo người đàn ông mặc là áo bộ đội, thêm chiếc nón cối đội trên đầu, nhưng màu áo đã bạc phếch, cộng với chiếc quần màu chàm, sắn kiểu móng lợn, nên chúng tôi biết ngay, người đàn ông đó là dân thường. Vì sài giấy tờ giả, lúc nào cũng nơm nớp sợ bị phát hiện, nên khi bị người đàn ông lạ “chiếu tướng”, tôi ngại ngùng, tìm cách chuồn càng sớm càng tốt. Để người đàn ông không chú ý, tôi giả vờ vừa húp nước phở trong tô, mắt chúi vào tô phở, nhưng miệng nói nhỏ cho Bình biết:

                              - Bình, ăn lẹ lên rồi chẩu.

                              Bình hơi ngạc nhiên, quay sang tôi định hỏi. Nhưng thấy tôi vẫn giả bộ húp phở, Bình tinh ý hiểu ngay ý của tôi. Không đầy mấy phút sau, cả ba chúng tôi nhanh chóng bước ra khỏi cửa tiệm ăn, đi thẳng về phía nhà ga Vinh. Đi được khoảng 100 thước, ngoái nhìn phía sau không thấy bóng dáng một ai, tôi thở phào nhẹ nhõm. Còn Bình lúc đó có vẻ bực dọc với tôi:

                              - Mày làm gì mà thỏ đế thế? Sợ cả thằng dân quèn!

                              Tôi cố vớt vát: “Thì có phòng có hơn. Bộ dân quèn là coi thường sao? Mày cũng biết, xã hội này mỗi người dân là một người công an”…

                              Tôi vừa nói đến đó thì thấy ngay, phía trước mặt, dưới ngọn đèn đường, một người đàn ông đang đứng, nhìn về phía chúng tôi trong vẻ chờ đợi. Khoảng cách giữa ông với chúng tôi quá gần, nên tôi nhận ra ngay, ông ta chính là người đàn ông chúng tôi đã phải né tránh ở trong quán ăn. Sự xuất hiện đột ngột của ông ta, trong khi khoảng cách lại quá gần, nên chúng tôi thấy không còn cách nào khác, ngoài cách phải thản nhiên đối diện với ông, rồi đến đâu tính đến đó.

                              Khi đến gần, tôi thấy ông rõ hơn. Tay ông cầm một chiếc điều cầy ngoại cỡ, to hơn bắp vế chân. Thông thường, điều cầy làm bằng ống nứa, nhỏ thì bằng cổ tay, to thì bằng cổ chân. To quá, mình làm sao có đủ hơi mà rít, mà kéo. Vậy mà chiếc điếu cầy của người đàn ông chắc phải làm bằng loại lồ ô, to bằng hai, bằng ba loại điều cầy thường. Đã vậy, chiếc điều cầy này lại dài gấp hai loại thường. Trong thời gian chúng tôi xuyên rừng Trường Sơn vô Nam, tại những buôn, bản của người thiểu số, tôi đã từng thấy có những chiếc điếu cầy to ngoại cỡ, nhưng chưa có chiếc điếu cầy nào to như chiếc điếu cầy người đàn ông đang cầm. Nhìn chiếc điếu cầy, tôi nghĩ ngay, người đàn ông phải rất khoẻ, và chắc chắn ông phải là người thiểu số thì mới có loại điếu cầy to quá cỡ như vậy.

                              Khoảng cách hai bên rút ngắn lại trong khoảnh khắc. Ngay khi đó, người đàn ông cất tiếng, giọng trọ trẹ Nghệ Tĩnh:

                              - Các ông anh cho xin tí lửa hút thuốc!

                              Tôi lúc đó không hút thuốc. Chỉ có Bình và Dưỡng. Bình thủ thế với người đàn ông nên y lắc đầu, không nói. Chỉ còn Dưỡng. Sau một giây ngần ngừ, Dưỡng rút hộp quẹt, trao cho người đàn ông. Người đàn ông dơ tay phải cầm hộp quẹt, mở nắp, bật lửa, điệu bộ rất thành thạo, khiến chúng tôi vô cùng ngạc nhiên. Chiếc quẹt của Dưỡng là loại quẹt Zippo, một bên có hình mấy con chó, còn bên kia có mấy chữ viết tắt lâu ngày tôi không nhớ. Từ trong tay trái của người đàn ông bỗng xuất hiện một nắm bùi nhùi, không biết ông ta lấy từ đâu. Còn chiếc điếu cầy dài thoòng thì lúc này lủng lẳng dưới cổ của ông bằng một sợi dây dù màu trắng.

                              Sau khi chiếc bùi nhùi bừng sáng, người đàn ông vẫn không chịu trả lại chiếc hộp quẹt cho Dưỡng. Ông đưa chiếc điếu cầy lên miệng hít nhẹ vài cái. Lập tức chiếc điếu cầy kêu lên những tiếng ròn tan lanh lảnh. Dưới ánh đèn điện vàng vọt, tôi nhìn thấy rõ ở đầu của nõ điếu to hơn ngón chân cái, một bi thuốc lào to như quả quất nằm gọn thon lọn. Chờ cho chiếc điếu trả lời bằng những hồi ròn tan, nghe thiệt đã tai, người đàn ông mới đưa miệng điếu cầy về một bên mép, tay dí chiếc bùi nhùi vào nõ điếu, rồi hít nhịp nhịp vài hơi cho bi thuốc lào bén lửa… Khi bi thuốc bén lửa vừa đủ, người đàn ông bắt đầu rít một hơi thật dài, làm chiếc điếu kêu lên một hồi thiệt rõ to và ròn tan, nghe váng cả tai….

                              Nghe chiếc điếu cầy kêu một hồi dài không dứt, nhìn người đàn ông ém khói một cách ngon lành trong chiếc lồng ngực khổng lồ rộng như cánh phản, rồi thấy khói thuốc cuồn cuộn bay ra từ miệng, từ hai lỗ mũi bao trùm cả một vùng dưới cột đèn, chúng tôi biết rằng, người đàn ông trước mặt có hai lá phổi khổng lồ và một sức mạnh kinh khủng. Tự dưng, lúc đó trong vùng khói thuốc mù mịt, không ai bảo ai, cả ba đứa chúng tôi đứng đó, ngước mắt nhìn người đàn ông lạ mặt, và tất cả đều thấy mình trở nên nhỏ bé lạ lùng…

                              còn tiếp

                              Comment


                              • #30
                                TÔI ĐI TÌM TỰ DO (Nguyễn Hữu Chí)

                                Hữu Nguyên


                                KỲ 29

                                Buổi chiều hôm đó, trong ánh sáng chập choạng của hoàng hôn, đứng trong khói thuốc, hít mùi thuốc lào đậm đặc trong không khí, tôi bỗng nhớ thầy tôi vô cùng….

                                Hình ảnh của hững năm tháng xa xưa, những lúc mùa đông gió rét, lạnh lẽo căm căm, tôi được ngồi hóng chuyện bên cạnh chiếc điếu ống, có chiếc cần cong vút lại hiện về. Chiếc điếu ông ngày đó là dấu ấn cuối cùng đánh thức một thuở vàng son quá khứ để những người như thầy tôi tưởng nhớ, hoài niệm. Trong những ngày tháng đó, mỗi khi có khách, anh của tôi vẫn không chịu cho thầy tôi mang chiếc điếu ống ra ngoài nhà hút, vì sợ khách biết đến những “dấu vết phong kiến” còn tồn đọng trong nhà, ảnh hưởng đến việc “phấn đấu” của ảnh. Nhưng đối với những vị khách của thầy tôi như ông đồ Tường, ông lang An, thì chiếc điếu ống luôn luôn là một kỷ vật gợi nhớ rất nhiều kỷ niệm cho cả chủ lẫn khách. Những ngày tháng đó, mỗi khi thấy thầy tôi hút thuốc lào, là tôi vội chạy lại hít khói thuốc, mặc cho ông cụ rầy la. Cuộc sống ở Miền Bắc thời ấy, thiếu thốn trăm bề, ngay cả thuốc lào cũng không có đủ cho thầy tôi hút. Tôi nhớ có nhiều ngày, không có thuốc, thầy tôi chỉ ngậm chiếc tẩu không, như thói quen của một người nghiền, cho đỡ nhớ, đỡ thèm. Sau này, đọc hồi ký Bạn Tù Sơn La của nhà văn Phan Lạc Phúc, đến đoạn ông mô tả cảnh thèm thuốc lào, điếu thuốc lào là một cái đích để người tù vươn tới, rồi có những người tù chế “thuốc lào ngải cứu” hút đến chảy máu mũi ròng ròng…. tôi rất xúc động, rưng rưng nước mắt. Nhưng người tù trong hồi ký của nhà văn Phan Lạc Phúc dù nghiện thuốc lào, thèm thuốc, không có thuốc, vẫn còn được tự do tìm đủ mọi cách xoay xở để giải quyết cơn nghiện của riêng mình. Còn thầy tôi trong những ngày tháng thiếu thốn đó, phải một mình cáng đáng mẹ già trên 90 tuổi, con thơ mới 5, 7 tuổi, trong hoàn cảnh của một người bị quy tội “địa chủ”, không những hàng xóm láng giềng xa lánh, mà ngay cả người thân cũng lánh xa, thì nếu thầy tôi có đi chợ bán thuốc, kiếm được một vài hào bạc, thầy tôi cũng chỉ nghĩ đến chuyện mua khoai, mua gạo, nấu cho mẹ, cho con ăn cho đỡ đói, chứ đâu có thể “xa xỉ” mà nghĩ đến chuyện mua thuốc lào thỏa mãn cơn nghiện…

                                Người đàn ông ngước mặt lên trời nhả khói một cách say sưa, như quên hẳn ba đứa chúng tôi. Thấy người đàn ông say sưa, lại có bộ điệu ngang tàng, lạ lùng, nên dù người đàn ông chưa chịu trả hộp quẹt Zippo, Dưỡng cũng không tiện hỏi và chúng tôi cũng không ai dục. Bỗng nhiên người đàn ông hỏi trống, mặt vẫn ngửa lên trời:

                                - Trong Nam ra phải không?

                                Chúng tôi giật mình, ngạc nhiên nhìn nhau, nhưng không ai trả lời. Sau một thoáng im lặng, người đàn ông tiếp:

                                - Tàu suốt từ Vinh ra Hà Nội phải đến trưa mai mới có. Chờ tàu ở ga buồn thấy mẹ. Nếu rảnh thì kéo về nhà tớ chơi.

                                Tôi đưa mắt nhìn Bình và Dưỡng. Trong một thoáng trao đổi, tôi biết Bình và Dưỡng có vẻ ngại ngùng. Riêng tôi, không hiểu sao, chỉ ngửi mùi thuốc lào, và nhìn phong dáng của người đàn ông, tôi thấy thân thiết và tin tưởng ông nhiều lắm, nên tôi nhìn Bình và Dưỡng gật đầu, tỏ dấu đồng ý. Người đàn ông giáng thêm một câu khiến Bình và Dưỡng thuận theo ý của tôi:

                                - Ngủ ngoài ga công an thành phố hay hỏi giấy tờ phiền phức lôi thôi lắm…

                                Nói đến đó, người đàn ông ném chiếc quẹt cho Dưỡng, rồi xoay lưng bước đi, sau khi nói ba chữ gọn lọn:

                                - Tớ tên Quy…

                                Tôi quay sang Bình và Dưỡng hỏi:

                                - Sao, đi theo lão hay ra ga?

                                Bình, Dưỡng ngần ngừ một chút, rồi Bình gật đầu:

                                - Theo thì theo, sợ quái thằng nào.

                                Cả ba chúng tôi rảo cẳng đi kịp ông Quy. So về tuổi tác, lúc đó cả ba chúng tôi chỉ đáng tuổi con ông ta. Nhưng thấy vóc dáng lè phè, ăn mặc lôi thôi, và lối xử thế lạ lùng, vừa ngang tàng bất cần đời, lại vừa có vẻ thân mật kiểu “mày tao”, nên chúng tôi không biết gọi ông như thế nào. Hình như ông Quy cũng đoán biết được điều đó, nên nói ngay, và vẫn nói trống:

                                - Cứ gọi tớ là Quy. Lính cả mà.

                                Khác hẳn lúc trước ít nói, suốt đoạn đường từ đó về gần đến nhà, ông Quy nói chuyện huyên thuyên đủ thứ. Thì ra, đúng như tôi đoán, ông là người thiểu số, nhưng lâu ngày tôi không nhớ ông là người Thượng hay người Nùng. Gia đình ông trước sống ở Lào rất giầu có, có buôn rẫy nhà rông rất to. Ông sinh ra và lớn lên ở đó, nhưng vẫn thường xuyên qua đèo Lao Bảo sang Việt Nam buôn bán. Sau này, bố mẹ ông ngây thơ nghe mấy người Thái cộng sản ở vùng bắc Thái Lan dụ dỗ về Việt Nam “xây dựng đất nước”, nên bán tất cả của cải rồi hồi hương. Chỉ mấy tháng sau đó, gia đình ông tỉnh ngộ thì đã muộn màng. Trong những năm máy bay Mỹ ném bom Miền Bắc, bố mẹ ông bị trúng bom chết trong khi tải đạn cho một đơn vị phòng không ở chân cầu Hàm Rồng. Ông có hai người anh, một “hy sinh” tại chiến trường Lào, một mất tích ở chiến trường Miền Nam đã 5, 6 năm, vẫn không nhận được tin tức gì. Ông còn có một người em gái, mới 16 tuổi đã “tình nguyện” đi “thanh niên xung phong”, vì ở nhà “nó nhớ bố mẹ quá chịu không nổi, rồi nó cũng…” Nói đến đó, giọng ông xúc động, đẫm nước mắt… Ông nói cố thêm mấy tiếng, tôi nghe không rõ, chỉ nghe được có hai chữ “hy sinh”… Từ đó cho đến khi về đến nhà, ông im lặng không nói. Chúng tôi cũng không ai hỏi. Đi đằng sau ông, tôi thấy ông cúi đầu, hai vai run run. Thỉnh thoảng, ông lại hỉ mũi… Chắc ông xúc động lắm, đau lòng lắm,… tôi nghĩ.

                                Sau “vài tầm dao”, nguyên văn tiếng gọi của ông, chúng tôi tới nhà ông. Ông giải thích, mỗi “tầm dao” là một đoạn đường tay cầm dao thấy mỏi, chuyển sang tay kia. Tôi ước lượng từ ga đến nhà ông đi mất hơn một tiếng, dài khoảng 5 cây số. Tối đó, trăng sáng như ban ngày, nên vạn vật tôi nhìn thấy rất rõ. Nói là nhà, thực ra đó là một túp lều, lợp bằng tranh, làm bằng tre, nứa gỗ lấy từ rừng, chung quanh có đắp những tảng đá. Ngay cạnh nhà là một chiếc hầm trú ẩn hình chữ A, vài hố trú ẩn cá nhân, một đoạn giao thông hào chạy ngoằn nghèo hướng về phía ngọn đồi xa xa. Phía bên trái căn nhà có năm nấm mồ tuy sơ sài cùng cây cỏ, nhưng chắc chắn vì nấm mồ nào cũng được đắp kín bằng những tấm đá đẽo vuông vắn.

                                Chỉ mấy nấm mộ, ông Quy nói:

                                - Đó, mộ bố mẹ tôi, hai ông anh và con em gái tôi đó. Mất tích mà đến giờ này không được tin tức gì thì cũng phải có ngôi mộ để vong linh đỡ tủi…

                                Cạnh mấy nấm mộ là những bụi chuối xúm xuê. Riêng nấm mộ cuối cùng được bao bọc kín bằng hoa mười giờ. Tôi đoán, đó là mộ em gái ông. Đang tính hỏi, thì ông nói ngay:

                                - Em tôi nó thích hoa mười giờ. Đi đâu cũng phải có một bông cài lên tóc. Sau nó chết đúng 10 giờ sáng. Nói không ai tin, nhưng hàng xóm láng giềng ở đây ai cũng biết. Mà nó linh lắm, nó vẫn hiện về gặp tôi hoài đó, mấy anh tin không?

                                Chỉ về phía ngọn đồi ở xa xa, nơi giao thông hào hướng tới, ông Quy nói:

                                - Ngọn đồi đó trước là của một đơn vị bộ đội tên lửa phòng không. Chung quanh là những ụ cao xạ. Chỉ có ụ tên lửa là có bộ đội thôi. Còn mấy ụ cao xạ là toàn người trong làng. Phụ nữ, bô lão, thanh niên nam nữ, rồi cả thiếu nhi nữa, tất cả đều phải chạy ra đó “chống Mỹ” mỗi khi có kẻng báo động. Cho có tinh thần vậy mà. Chết một đống còn hơn sống một mống…

                                Trong nhà không có bàn ghế gì. Chỉ có một chiếc chõng tre nằm gọn một góc. Chung quanh nhà được ghép bằng những tấm gồ xù sì, được xẻ từ cây rừng, không bào gọt, đục đẽo. Cửa chính là một tấm phên nứa. được chống lên bằng một khúc tre. Trên tường gỗ có dán một tấm giấy to bằng tờ báo Nhân Dân. Tấm giấy đã ố vàng, nhưng tôi vẫn còn đọc thấy rõ hàng chữ in lớn trên đầu tờ giấy “Một số hiểu biết thông thường về phòng không nhân dân”. Phía dưới dòng chữ là những hình ảnh hai chiều đơn giản hai loại máy bay Mỹ, một số loại bom thông thường, và những chỉ dẫn cách thức dùng súng các loại, bắn máy bay Mỹ vào những điểm yếu… Bên cạnh bức tranh, trên những tấm gỗ là những bức vẽ bằng phấn hình hai chiếc máy bay đang bay, và đường đạn bắn từ dưới lên, trúng ngay bụng một chiếc phi cơ, làm cho nó bốc cháy. Ở góc nhà, có một chiếc kệ bằng tre, trên đặt một chiếc máy bay Mig bằng nhôm nhỏ, dài hơn một gang tay.

                                Sau này, Quy kể cho chúng tôi biết, đó là vật kỷ niệm cuối cùng của người em gái Quy. Chiếc máy bay đó là của một người bộ đội ở đơn vị tên lửa trên đồi tặng cho em gái Quy trước khi anh ta chết. Mai (tên em gái Quy) khi lên đường đi thanh niên xung phong đã gửi chiếc máy bay đó lại cho Quy. Tuy có rất muốn mang kỷ vật của người bộ đội theo bên mình, nhưng vì sợ mất, nên cô đã gửi lại cho người anh với lời dặn dò, nếu cô còn sống trở về thì thôi, còn nếu cô chết thì phải chôn chiếc máy bay đó cùng với thân xác của cô…

                                Kể đến đó, ông Quy run run nói:

                                - Biết là nó đã chết, nhưng tôi không có xác nó mà chôn cùng, nên đành phải để chiếc máy bay đó mà chờ… Chờ đã hơn 7 năm rồi…

                                còn tiếp
                                Last edited by BaNai; 04-01-2015, 01:35 AM.

                                Comment



                                Hội Quán Phi Dũng ©
                                Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




                                website hit counter

                                Working...
                                X