Thông báo

Collapse
No announcement yet.

“Trong kiêu dũng mày cho gửi chút hồn ta!”*

Collapse
X

“Trong kiêu dũng mày cho gửi chút hồn ta!”*

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • “Trong kiêu dũng mày cho gửi chút hồn ta!”*

    “Trong kiêu dũng mày cho gửi chút hồn ta!” *
    Tác giả : Đoàn Xuân Thu


    Ngày 31 Tháng 3 năm 1968, Mỹ ngưng ném bom miền Bắc. Bốn bên: Mỹ, Việt Nam Cộng Hòa một bên; Bắc Việt và Việt Cộng một bên, lục tục đến Thủ đô Paris của Pháp hòa đàm… tìm cách giải quyết chiến tranh. Nhưng chỉ cãi nhau toàn những chuyện vớ vẩn về cái bàn ngồi họp. Hình tròn, hình vuông, kiểu nầy kiểu kia. Cứ đánh đánh đàm đàm. Bàn Hội nghị cứ cãi và chiến trường thì cứ đánh! Xương máu của người lính ở chiến trường được đem ra trên bàn Hội nghị ở Thủ đô hoa lệ Paris mà cò kè bớt một thêm hai?!

    Sau những trò cam kết rồi lật lọng của Bắc Việt, với chánh sách cây gậy và củ cà rốt của Mỹ, ngày 18 Tháng 12 năm 1972, Mỹ cho máy bay B–52 ném bom rải thảm Hà Nội, Hải Phòng… Đợt ném diễn ra trong 12 ngày (18 tháng 12 đến 30 tháng 12), đó là Chiến dịch Linebacker II. (Bom nổ ở Hà Nội! Sài Gòn cửa kính có rung rinh?) Bắc Việt mới chịu trở lại bàn Hội nghị và ký tắt Hiệp định ngày 23 Tháng 1 năm 1973 tại Paris và bắt đầu có hiệu lực vào Thứ Bảy 27 Tháng Giêng 1973.

    “Quân đội Mỹ và các đồng minh nước ngoài phải rút khỏi Việt Nam. Bắc Việt được ở lại miền Nam Việt Nam. Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu được quyền tồn tại trong một giải pháp hoà bình. Trao trả tù binh không điều kiện trong vòng 60 ngày.”

    Cả tiểu đoàn 2 sinh viên sĩ quan trường bộ binh Thủ Đức khóa 4/72 đang thụ huấn, chiều 6 giờ, nghe tin trên Đài phát thanh Sài Gòn… ‘hurrah’ mừng rỡ?!

    Ngày Thứ Sáu, 26 Tháng Giêng năm 1973, các tiểu đoàn sinh viên sĩ quan Thủ Đức lên đường đi chiến dịch Hiệp định Paris. Mỗi sinh viên sĩ quan được cấp số đạn đầy đủ và hai trái lựu đạn M 67. Đại đội 4 Tiểu đoàn 2 được đưa về Tiểu Khu Kiến Hòa. Trung đội 242 được xe nhà binh GMC 10 bánh từ Tiểu Khu chở ngược ra Tân Thạch, cầu bắc Rạch Miễu để 4 giờ chiều xuống mấy Tiểu đỉnh của Giang Đoàn xuôi dòng sông Mỹ Tho ra biển, về Bình Đại.

    Đêm tối dần trên mặt sông. Hồn tử sĩ gió ù ù thổi. Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi. Tiếng máy tàu chạy rầm rì giữa dòng sông lặng, để tránh đạn B 40.

    Mấy con tép bạc xin của dân đóng đáy, luộc lên màu đỏ ối, chấm nước mắm y. Một nồi cơm nguội. Nhắm chút rượu trong cái chén mẻ miệng, khè một tiếng, cho ấm bụng! Rượu trong veo như nước mắt quê hương, rót ra từ một can 4 lít, mua ở bến phà Rạch Miễu…

    o O o

    Tám giờ đêm tàu ủi bãi. Đạn lên nòng súng cầm tay, ta về quê em: Bình Đại. Bình Đại buồn, thu nhỏ lại trong đêm. Ánh đèn vàng hiu hắt, ly cà phê chát ngắt, cho ta trắng đêm nay, cho em hầm trú ẩn. Tiếng đạn giặc bay bay, em nghe riết quen rồi! Em thức giấc sáng mai, hỏi ai còn, ai mất? Ai còn, rũ khăn sô, ai mất, vùi dưới mộ! Đêm qua rồi đêm nay, ngàn đêm như thế đó! Bình Đại buồn, thu nhỏ lại trong đêm!

    Ta yêu vô cùng Bình Đại chân quê! Xin quán em mở khuya thêm chút nữa. Hãy khêu lên bếp lửa, đến đối ẩm cùng ta. Zhivago, Lara trong cách mạng mười Nga điên loạn!

    Ta, đời lính, cạn ngàn ly rượu đắng! Hiệp định Paris; ngày mai ngừng bắn? Chiến tranh? Hòa bình? Chết? Sống? Hư không! Buồn chi em! Vạn thọ đã vàng bông! Trời cuối năm, giáp Tết. Sống sót đã là may! Ly rượu này, cạn hết! Cùng ta say đêm nay!

    Chiều đầu tiên nằm trên nắp hầm truyền tin trong đồn nghĩa quân Tân Phú Trung kề con hương lộ buồn thiu như dế kêu. Nhìn phía xa, phía quê nhà ráng chiều đỏ rực cháy chân mây! Sao nhớ má, nhớ em biết bao nhiêu!

    Về Bình Đại, về Tân Phú Trung, về một vùng quê không yên tĩnh… lần đầu giáp mặt gần hơn với cuộc chiến tranh kinh khiếp nầy. Đời lính, thực tế chiến trường khắc nghiệt làm sao để sống còn… để trở về với má, với em… Chàng tuổi trẻ từ trường đại học, bạch diện thư sinh, dù muốn dù không cũng bờm xờm râu tóc, đã nhuốm phong trần trong lửa đạn.

    Niềm ước vọng về Hiệp định Paris sẽ có ngưng bắn, sẽ có hòa bình da beo, ai ở đâu ở đó… không kéo dài được bao lâu đã lụi dần rồi vỡ tan do các cuộc xâm phạm, giành dân lấn đất của Bắc quân… Dù trên Đài phát thanh Quốc gia vẫn còn:

    “Rồi có một ngày. Sẽ một ngày chinh chiến tàn. Anh chẳng còn chi, chẳng còn chi. Ngoài con tim héo em ơi. Xin trả lại đây, bỏ lại đây. Thép gai giăng với lũy hào sâu. Lỗ châu mai với những địa lôi. Đã bao phen máu anh tuôn. Cho còn lại đến mãi bây giờ.

    Trả súng đạn này. Khi sạch nợ sông núi rồi. Anh trở về quê, trở về quê. Tìm tuổi thơ mất năm nao.Vui cùng ruộng nương, cùng đàn trâu. Với cây đa khóm trúc hàng cau. Với con đê có chiếc cầu tre. Ðã bao năm vắng chân anh. Nên trở thành hoang phế rong rêu.

    Rồi anh sẽ dựng căn nhà xưa. Rồi anh sẽ đón cha mẹ về. Rồi anh sẽ sang thăm nhà em. Với miếng cau, với miếng trầu. Ta làm lại từ đầu.

    Rồi anh sẽ dìu em tìm thăm. Mộ bia kín trong nghĩa địa buồn. Bạn anh đó đang say ngủ yên. Xin cám ơn! xin cám ơn! người nằm xuống.

    Ðể có một ngày. Có một ngày cho chúng mình. Ta lại gặp ta, còn vòng tay. Mở rộng thương mến bao la. Chuông chùa làng xa, chiều lại vang. Bếp ai lên khói ấm tình thương. Bát cơm rau thắm mối tình quê. Có con trâu, có nương dâu. Thiên đường này mơ ước bao lâu”(Nhạc Trịnh Lâm Ngân)***


    Sau 4 tháng đi chiến dịch, Tháng 6 năm 1973, trở về, ra trường, tứ tán người đi mỗi ngả. Binh lính chết ở chiến trường! Tướng công chết ở trên giường thê nhi!

    Ra mặt trận chẳng bao lâu là thằng Khôn ngã xuống ở Cái Côn, thằng Tuấn chết trận ở Thuận Nhơn, Phong Dinh và nhiều nhiều nữa trong cuộc lui binh bất ngờ hai năm sau đó.

    Tháng Giêng năm 75 mất Phước Long, tháng 3 mất Ban Mê Thuột dẫn tới cuộc triệt thoái kinh hoàng của Quân đoàn 2 trên liên tỉnh lộ 7B được xem là một cuộc lui binh bi thảm nhất trong suốt chiều dài cuộc chiến. Liên tỉnh lộ 7 B là hành lang máu, con đường đầy nước mắt, xương máu trong 9 ngày đêm của thường dân và binh lính miền Nam.
    23-3-1975 phần đuôi đoàn xe di tản bị mắc kẹt trên Tỉnh Lộ 7 gần quận Phú Túc, cách TP Tuy Hòa khoảng 40 km về phía tây, vì pháo VC bắn vào đoàn xe ở phía trước

    ‘Đánh Nguyệt Chi theo quân năm trước / Toàn đạo binh bị diệt trên thành / Hán, Phiên vắng bặt tin anh /Cho dù sống chết cũng đành xa nhau / Màn trướng nát không ai thu lượm / Ngựa trở về cờ phướn rách tan / Cúng anh, nghi vẫn sống còn /Chân trời xa tắp, khóc trông quê nhà! / Thổ Phồn chiếm cứ Tây Châu / Ngoại vi mất hết còn đâu lũy thành /…Kỵ binh giặc tới bất kỳ / Dân tình hết vía chuyển di luôn ngày /…Vùng ven chém giết bão giông / Chiến binh giáp trận chết không vẹn hình*

    Quân cứ triệt thoái hoài, đoạn chiến mà không hiểu vì sao?! Người lính luôn cô đơn, chỉ biết tuân lịnh, xưa giờ cũng vậy:

    Ngựa qua uống nước sông thu!
    Nước sông lạnh, gió vù vù cắt da.**

    Rồi cùng nhau ngã xuống cho một thiên đường mơ ước bao lâu?!

    Cổ kim cát bụi chôn vùi!
    Chỉ còn xương trắng ngậm ngùi cỏ lau.**


    Tháng Tư lại về trên quê người viễn xứ, đốt lò hương cũ, đọc thơ xưa, nhớ một thời giầy sô áo trận, dù ngắn ngủi, nhưng dễ gì quên!

    Anh nhớ tình năm cũ, nước mắt và Tháng Tư, già rồi… anh hay khóc, khóc tình cũ, em xưa! Anh rót đầy ly rượu, cạn hết nỗi đắng cay, của một người mất nước. Mất hết… còn cơn say…

    Đêm nay, gần 40 năm, sau ngày thất trận đó… ly hương và tha phương… lại nhớ về bè bạn cũ mà tuổi xanh của chúng ta vốn đẹp biết bao đã cháy rụi… tàn trong cơn binh lửa.

    ‘Thở thật dài vào thinh không bát ngát
    Theo gió về động lá cánh rừng xa
    Này thằng lì còn chơi miền gió cát
    Trong kiêu dũng mày cho gửi chút hồn ta!’***


    Đoàn Xuân Thu
    melbourne


    *thơ Trương Tịch.
    ** thơ Vương Xương Linh
    ***thơ Cao Tần


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X