Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Điện Biên Phủ, Tướng và quân

Collapse
X

Điện Biên Phủ, Tướng và quân

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Điện Biên Phủ, Tướng và quân

    Điện Biên Phủ, Tướng và quân
    Đinh Từ Thức



    Ngày 7 tháng 5, 2014, kỷ niệm 60 năm kết thức trận Điện Biên Phủ, một trận đánh nổi tiếng thế giới. Xưa nay, mỗi trận đánh lớn đều gắn liền với tên tuổi một danh tướng, dĩ nhiên là người chỉ huy bên thắng trận. Trong trận Điện Biên Phủ, đó là Tướng Võ Nguyên Giáp. Nhưng nói tới Điện Biên Phủ, không thể bỏ qua người đã để cho Tướng Giáp thành công, là Tướng Dwight David Eisenhower. Một bên quyết thành công bằng cách hy sinh mạng sống binh sĩ, không nương tay. Một bên chủ trương bảo vệ mạng sống quân sĩ tới mức tối đa. “Mỗi hai phút có ba trăm ngàn người chết trên hành tinh này. Bốn mươi lăm ngàn cho một trận đánh, có xá gì? Trong chiến tranh, chết không đáng kể.” (Võ Nguyên Giáp)

    Người xưa từng nói, danh tướng như người đẹp, ít khi sống tới tuổi bạc đầu. Nhưng Tướng Giáp sống trên trăm tuổi, ông mới từ trần vào tháng 10, 2013, ở tuổi 102. Chỉ riêng điều này, Tướng Giáp đã là một tướng lãnh khác thường. Theo nữ ký giả người Ý Oriana Fallaci, nhờ lên tiếng công kích Mỹ từ Sai Gòn và tỏ ra có cảm tình với cộng sản, cô được phép tới thăm Bắc Việt cùng với một phái đoàn phụ nữ cộng sản Ý, và có cơ hội hiếm hoi phỏng vấn Tướng Giáp tại Hà Nội vào đầu năm 1969. Theo cô, “ông ấy ít giống những người Mac-xít khắc khổ của Hà Nội. Ông ấy luôn mặc nhung phục mới và ủi thẳng nếp; ông ấy sống trong một biệt thự thuộc địa đẹp do người Pháp xây cất với những đồ đạc thẩm mỹ của Pháp; ông sở hữu một chiếc xe hòm kính (limousine) có màn che, và tái hôn với một cô gái trẻ hơn ông nhiều tuổi. Tóm lại, ông đã có một cuộc sống chắc chắn không giống với đời sống của một nhà tu, hay của Hồ Chí Minh” (1). Tuy vậy, “đa thọ đa nhục”, vẫn theo kinh nghiệm của người xưa, sống lâu nhục nhiều, vào mấy thập niên cuối đời, tuy được coi là danh tướng anh hùng dân tộc, ông vẫn không thoát được nhiều nỗi nhục nhằn.

    Người xưa cũng nói: “Nhất tướng công thành vạn cốt khô”, một ông tướng thành công có hàng vạn người chết. Trận Điện Biên Phủ có bao nhiêu người chết để Tướng Giáp thành công? Vẫn theo Oriana Fallaci “Nếu Điện Biên Phủ khiến người Pháp mất mười hai ngàn nhân mạng thì cái giá của Tướng Giáp lên tới bốn mươi lăm ngàn. Và hiển nhiên ông đã đề cập tới chuyện này với vẻ thờ ơ, lạnh lùng”. Ông nói: “Mỗi hai phút có ba trăm ngàn người chết trên hành tinh này. Bốn mươi lăm ngàn cho một trận đánh, có xá gì? Trong chiến tranh, chết không đáng kể”.

    Theo ông Lê Phú Khải, tác giả cuốn Tại sao Điện Biên Phủ xuất bản lần đầu năm 2004, tái bản năm 2014, trích đăng lại trên Blog boxitvn ngày 4 tháng 5, 2014, khi tới viếng nghiã trang liệt sĩ ĐBP vào dịp kỷ niệm 50 năm trận đánh này, ông thấy nghĩa trang “chỉ có 4 liệt sĩ có tên: Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn, Trần Can, Tô Vĩnh Diện, còn tất cả là vô danh…” Vẫn theo ông, chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói rằng: “Có những đơn vị phải ráp ngay lại trong một trận đánh, chưa kịp biết tên đồng đội thì đồng đội đã hy sinh…”

    Trận ĐBP kéo dài 56 ngày, tính trung bình, mỗi ngày chết trên 800 bộ đội Việt Minh, cộng với hơn 200 quân Pháp. Tổng cộng quân nhân cả hai bên bị giết mỗi ngày trên một ngàn. Nói khác đi, tổng số quân nhân cả hai phía thiệt mạng tại Điện Biên Phủ trong gần hai tháng, tương đương số quân Mỹ thiệt mạng tại Việt Nam trong mười năm.


    “Mỗi khẩu súng được chế tạo, mỗi chiến hạm được hạ thuỷ, mỗi hoả tiễn được phóng đi, có ý nghĩa cuối cùng là một sự ăn cướp từ những người đói không được ăn, những người lạnh thiếu quần áo. Thế giới võ trang này không chỉ tiêu tiền một mình. Đó là chi tiêu mồ hôi của lao động, thiên tài của các nhà khoa học, và hy vọng của trẻ em.” (Dwight D. Eisenhower).

    Nhưng không phải danh tướng nào cũng coi mạng người không đáng kể như Tướng Giáp. Có một tướng khác, tuy có thể làm thay đổi cục diện, nhưng vì coi trọng mạng người, đã để cho trận Điện Biên Phủ diễn ra như nó đã diễn ra. Nếu không, thiệt hại về nhân mạng của trận này còn có thể khủng khiếp hơn nhiều, và chưa chắc phần thắng đã về phía Tướng Giáp. Đó là Tướng Eisenhower, Tổng Thống Hoa Kỳ, cựu Tư lệnh Tối cao Đồng minh tại Châu Âu. Ông là người đã nhất quyết từ chối không cứu Pháp tại Điện Biên Phủ, vì theo ông, “Thanh niên của chúng ta giá trị nhất, đắt giá nhất. Hãy đừng sử dụng họ, trừ khi buộc lòng phải làm như vậy”.

    Khi Tướng Eisenhower vận động tranh cử tổng thống năm 1952, Hoa Kỳ đang phải đối phó với Chiến tranh Cao Ly. Ông hứa nếu đắc cử, sẽ đích thân sang Cao Ly quan sát tại chỗ, và tìm cách chấm dứt cuộc chiến. Tổng Thống Truman cho rằng tuyên bố này chỉ cốt mị dân. Sau khi Tướng Eisenhower đắc cử, Tổng Thống Truman gửi lời chúc mừng, và mỉa mai: “nếu ông vẫn còn giữ ý định đi Cao Ly, xin cứ dùng chuyên cơ tổng thống của tôi”. Tướng Eisenhower trả lời ông vẫn đi, và phi cơ nào cũng được.

    Cuối tháng 11, 1952, Eisenhower bí mật lên đường đi thị sát mặt trận. Tại Cao Ly, ông chỉ gặp Tống Thống Lý Thừa Vãn (Syngman Rhee) hai lần ngắn ngủi, từ chối mọi nghi lễ chính thức, như duyệt binh danh dự hay đọc diễn văn trước Quốc Hội, và không để mắt tới dự thảo kế hoạch tái tấn công Bắc Triều Tiên do tướng Mỹ Mark Clark, Tư lệnh quân Liên Hiệp Quốc tại Cao Ly soạn thảo. Thay vào đó, đối phó với khí hậu cực lạnh tại Cao Ly vào mùa Đông, ông đi gặp quân sĩ tại mặt trận, thăm hỏi, ăn uống cùng với họ, và đi tới kết luận là mọi người đang chiến đấu trong điều kiện không thể chấp nhận được (intolerable). Ông gạt bỏ mọi chủ trương thống nhất Triều Tiên bằng võ lực, và định tâm chiến tranh phải kết thúc.

    Mới lên làm tổng thống, vừa giải quyết xong Chiến tranh Cao Ly, Eisenhower đã phải đối phó với Điện Biên Phủ. Cứu hay không cứu Pháp đang sa lầy ở đó? Eisenhower đứng trước tình trạng khó xử:

    - Pháp đã quá mệt mỏi vì chiến tranh, đã đến lúc không chịu đựng được nữa. Tuy Mỹ gúp khoảng 75% chi phí cuộc chiến, nhưng nếu tình trạng kiệt quệ kéo dài, Pháp sẽ cạn kiệt, không còn đủ năng lực chu toàn nhiệm vụ đối với NATO. Ngoài ra, Pháp còn đe dọa, nếu Mỹ không giúp thêm, Pháp sẽ không phê chuẩn EDC, hiệp ước Phòng thủ Cộng đồng Âu châu (Eropean Defense Community) do Mỹ đề xướng và muốn được sớm thông qua.

    - Nếu thua trận ĐBP, Pháp sẽ thua ở Việt Nam, điều này tệ hại hơn là giữ được tình trạng cầm chừng. Theo Ngoại Trưởng Dulles, Việt Nam quan trọng hơn cả Cao Ly, vì nếu mất Cao Ly, chỉ mất có Cao Ly. Nhưng nếu mất Việt Nam, là mất Đông Dương, và mất cả Đông Nam Á. Trong cuộc tranh cử năm 1952, Đảng Cộng Hoà đã đưa ra chủ trương, không phải chỉ ngăn chặn sự lan rộng của Cộng Sản, mà phải giải thoát cho những người dân dưới sự đàn áp của Cộng Sản tại bất cứ đâu. Sau khi thắng cử, Đảng Cộng Hòa đã không giải thoát được người dân Bắc Triều Tiên, nếu mất Đông Dương, sẽ làm thế nào trả lời câu hỏi “Ai để mất Việt Nam?” như từ sau năm 1949, Cộng Hoà đã chất vấn Dân Chủ “Ai để mất Trung Hoa?”

    Vậy, Pháp thắng trận là cơ hội tốt nhất để thoát bế tắc. Nhưng làm thế nào để Pháp thắng, nếu Mỹ không giúp máy bay và quân sĩ? Đối với Eisenhower, gửi quân Mỹ trở lại Á châu chỉ dưới một năm sau khi đạt đình chiến ở Cao Ly, là điều không thể làm.

    Chỉ còn giải pháp duy nhất là, Mỹ giúp phương tiện cho, không phải một mình Pháp, mà một số quốc gia đồng minh, để tránh tiếng giúp Pháp tái chiếm thuộc địa, cùng chiến đấu ở Việt Nam. Eisenhower lập một uỷ ban, do Beetle Smith (Thứ Trưởng Ngoại Giao) đứng đầu, để nghiên cứu tìm giải pháp. Smith đề nghị gửi quân Trung Hoa của Tưởng Giới Thạch (đang ‘thất nghiệp’ ở Đài Loan) sang chiến đấu ở Việt Nam. Eisenhower gạt đi, cho rằng làm như vậy, chắc chắn Trung cộng sẽ can thiệp ào ạt, và bị dân Việt chống đối. Eisenhower muốn có sự hợp tác của đồng minh quan trọng nhất, là Anh quốc, nhưng Churchill cương quyết từ chối. Eisenhower giải thích: Churchill từ chối vì sợ nếu Anh tham chiến ở Việt Nam, Trung Cộng sẽ tràn qua chiếm lại Hồng Kông.

    Ngày 23 tháng 3, 1954, Tướng Paul Ely, Tham Mưu Trưởng quân đội Pháp tới Washington xin cứu viện. Cùng với áp lực trao trả hoàn toàn độc lập cho Việt Nam, Eisenhower chỉ đồng ý cho Pháp một số máy bay C-119 bỏ bom napalm.

    Không thuyết phục được Eisenhower, Paul Ely cầu cứu Đô Đốc Radford, Chủ Tịch Bộ Tham Mưu Liên Quân Mỹ. Cả hai đồng ý về một kế hoạch do Pháp thảo ra ở Sài Gòn, gọi là “Chiến dịch Kên Kên” (Operation Vulture), dùng không lực oanh tạc Việt Minh quanh ĐBP. Cả hai hy vọng là khi ĐBP đến tình trạng cực kỳ nguy khốn, Eisenhower sẽ không thể từ chối can thiệp. (Có nhiều phụ tá của Eisenhower còn cho rằng Pháp cố tình thua để Mỹ phải can thiệp).

    Ngày 5 tháng 4, 1954, Ngoại Trưởng Dulles báo cho Tổng Thống Eisenhower rằng Pháp nói với Dillon, Đại Sứ Mỹ tại Paris, là họ có cảm tưởng “Chiến dịch Kên Kên” đã được chấp thuận, và họ trông đợi hai hoặc ba trái bom nguyên tử sẽ được sử dụng chống lại Việt Minh. Eisenhower bảo Dulles báo cho Pháp, qua Dillon, rằng họ đã hiểu lầm Radford. Eisenhower nói rằng chuyện đó không thể có được, rằng nếu không được quốc hội hậu thuẫn thì một vụ oanh tạc như thế “hoàn toàn vi hiến và không thể bào chữa được” (2).

    Ngày 29 tháng 4, 1954, một tuần trước khi ĐBP thất thủ, Eisenhower họp bàn trong ba giờ về tình hình Việt Nam tại Hội Đồng An Ninh Quốc Gia. Hôm sau, Tướng Robert Cutler, Chủ Tịch ban Kế Hoạch của Hội Đồng, đệ trình bản dự thảo về việc khả dĩ sử dụng bom nguyên tử tại Việt Nam. Eisenhower nói với Cutler: “Tôi chắc chắn không nghĩ rằng Hoa Kỳ có thể đơn phương sử dụng bom nguyên tử. Chắc các anh điên cả rồi. Chúng ta không thể dùng cái thứ khủng khiếp đó chống lại người châu Á lần thứ nhì trong dưới mười năm. Chúa ơi!”

    Vào tuần chót của trận ĐBP, hầu hết các cố vấn cao cấp của Eisenhower, như Phó Tổng Thống Nixon, Ban Kế Hoạch HĐANQG, Chủ Tịch Bộ Tam Mưu Liên Quân, kể cả Ngoại Trưởng Dulles, đều muốn ông ra lệnh oanh tạc Việt Minh bằng bom nguyên tử, hay bom thường. Nhưng ông nhất định từ chối.

    Trong đời, có những điều người ta không làm, đáng trân trọng hơn những gì đã làm được. Ông George Washington không ứng cử nhiệm kỳ ba, ông Nelson Mandela không tái ứng cử, là những thành tích sáng chói không dễ phai mờ. Thử tưởng tượng, nếu Eisenhower đã ra lệnh oanh tạc, thiệt hại nhân mạng trận ĐBP sẽ là bao nhiêu? Và liệu Tướng Giáp còn cơ hội sống đến bạc đầu, móm miệng?

    Sau này, dù Nixon ra lệnh mưa bom bằng B-52, Tướng Giáp vẫn thoát hiểm, và đạt thắng lợi cuối cùng. Ông nói: “Chúng tôi phải dùng nhỏ chống lớn; võ khí lạc hậu đánh bại võ khí tối tân. Cuối cùng, yếu tố con người đã quyết định thắng lợi”. Bản tin AP ngày 4 tháng 10, 2013, vào dịp Tướng Giáp qua đời, đã dùng chữ “human factor” (yếu tố con người), nhưng ở đây, có lẽ nên hiểu là “yếu tố nhân dân” đã định đoạt thắng lợi cuối cùng. Quân đội dưới quyền chỉ huy của Tướng Giáp mang tên “Quân đội Nhân dân”. Người dân đã phải hy sinh tới cùng để đạt thắng lợi. Cựu Đại Tá Quân đội Nhân dân Bùi Tín viết trên blog VOA ngày 1 tháng 5, 2014 rằng: “Chính tướng Đinh Đức Thiện, em ruột ông Sáu Búa Lê Đức Thọ gặp chúng tôi ở Câu lạc bộ quân nhân, nói bỗ bã rằng: ‘Hăng máu vịt, nhưng con cái các ông lớn có ai vào chiến truờng đâu. Sinh Bắc tử Nam toàn là con cháu nông dân thấp cổ bé họng’”. Trong khi ấy, con trai của Tướng Pháp Jean de Lattre de Tassigny tử trận tại Việt Nam, và con trai của Tướng Eisenhower chiến đấu tại Cao Ly. Con trai của Đô Đốc John McCain Jr., Tư lệnh Hải quân Mỹ tại Thái Bình Dương, là “giặc lái” bị bắn rơi ở Hà Nội và bị bắt làm tù bình trong chiến tranh Việt Nam.

    Cuộc chiến của Tướng Giáp đã gây thiệt hại cho mọi bên, vẫn theo AP, phía cộng sản thiệt mạng 3 triệu người, cả quân nhân và thường dân, phía VNCH ước tính 250 ngàn quân, và 58 ngàn về phía Mỹ. Tướng Giáp nói với AP vào năm 2005, nhân kỷ niệm 30 năm cuộc chiến kết thúc vào 30 tháng 4: “Không có cuộc chiến giải phóng quốc gia nào khác hăng say và gây nhiều thiệt hại bằng cuộc chiến này. Nhưng chúng tôi vẫn đánh, vì đối với Việt Nam, không gì quý bằng độc lập và tự do”. Ông nhắc lại câu danh ngôn của HCM.

    Tướng Giáp nói thêm: “Với chiến thắng 30 tháng 4, nô lệ thành người tự do. Một câu truyện không thể tin được! “It was an unbelievable story.”

    Đúng là câu truyện không thể tin được. Sau khi hy sinh nhiều triệu nhân mạng, sau khi đạt được chiến thắng, theo dân gian, nếu cái cột đèn có thể đi được nó cũng ra đi, và ngày nay, nền độc lập của quốc gia bị đe dọa hơn bao giờ, và người nô lệ đông hơn người tự do.

    Chiến thắng cũng như không!


    ———–

    1. Oriana Fallaci, Interview with History, Liveright Publishing Corporation (paper back edition): 1976, tr. 76.
    2. Stephen E. Ambrose, Eisenhower The President, Volume II, Simon & Schuster: 1984, tr. 179
    .


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X