Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Tiểu đoàn 37 Biệt Động Quân Khe Sanh – Tết 1968

Collapse
X

Tiểu đoàn 37 Biệt Động Quân Khe Sanh – Tết 1968

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Tiểu đoàn 37 Biệt Động Quân Khe Sanh – Tết 1968

    TIỂU ĐOÀN 37 BIỆT ĐỘNG QUÂN KHE SANH – TẾT 1968
    Willard J. Langdon




    Tôi được lệnh đến làm việc trong toán cố vấn cho tiểu đoàn 37 Biệt Động Quân, hậu cứ đóng ở ngoại ô thành phố Đà Nẵng vào tháng Mười năm 1967. Tôi được chỉ định đến tiểu đoàn này để thay thế Trung Sĩ Brock, tử trận vài tuần trước. Đến tháng Giêng, 1968, đại úy Walter Gunn cũng được đưa đến tiểu đoàn để làm cố vấn trưởng. Nhìn ông ta, tôi có thể nói ngay, ông ta sẽ là một cấp chỉ huy tài giỏi (Đại Úy Walter Gunn rất cao lớn). Những cố vấn khác trong toán đi với tiểu đoàn 37 BĐQ gồm có: Trung úy Stan Brodka, và hiệu thính viên (truyền tin) Burlson, một người vui tính, thích âm nhạc, đến từ Chicago.


    Vào khoảng cuối tháng Giêng, 1968, có tin đồn, giới thẩm quyền cao cấp muốn có lá quốc kỳ Việt Nam bay trên căn cứ Khe Sanh. Đó là một khu vực quan trọng cho các đơn vị chính quy Bắc Việt di chuyển băng qua vùng phi quân sự (DMZ) và từ bên Lào xuống phiá nam. Chúng tôi cũng được cho biết, Tướng Giáp có hai sư đoàn (khoảng 20 ngàn quân) đang khép chặt vòng vây căn cứ Khe Sanh, và đơn vị trú phòng cần được tăng cường. Do đó, tiểu đoàn 37 BĐQ được chọn để gửi ra Khe Sanh trong vòng một thời gian ngắn. Chúng tôi đến Khe Sanh ngày 27 tháng Giêng năm 1968, trước khi trận Mậu Thân khởi sự ngày 31 tháng Giêng.

    Căn cứ hành quân Khe Sanh nằm về hướng tây tỉnh Quảng Trị (Quân Đoàn I). Hướng tây của căn cứ là nước Lào, hướng bắc là vùng phi quân sự. Khu vực Khe Sanh nằm trên đường xâm nhập của quân đội Bắc Việt vào miền nam. Xung quanh căn cứ có nhiều đồi núi, cây cối rậm rạp, nhiều bụi tre gai và cỏ “voi” (elephant grass). Giòng sông Rao Quan và một phần đường số 9 (không đi xe được) nằm về phiá đông, đông nam căn cứ. Phi đạo ngắn trong căn cứ dài khoảng 3500 bộ (ft), trải những tấm “ri, PSP”. Lực Lượng Đặc Biệt có một toán “A” nằm nơi trại biên phòng Lang Vei, cách Khe Sanh vài dặm về hướng tây nam. Trại biên phòng này tuyển mộ sắc dân người Bru sinh sống rải rác trong những ngôi làng lân cận. Tình hình trại biên phòng này như đang nằm trên “lò lửa”.

    Tiểu đoàn 37 BĐQ, cùng với đầy đủ súng ống, đạn dược, quân trang quân dụng, được phi cơ C-130 Hoa Kỳ trong phi trường Đà Nẵng đưa đến căn cứ Khe Sanh. Lo sợ hỏa lực phòng không của địch từ trên những rặng núi bao quanh, các phi công C-130 Hoa Kỳ không từ từ giảm cao độ, mà hạ thấp thật nhanh rồi đáp xuống phi đạo. Phi cơ mở cửa sau và chúng tôi chạy thật nhanh ra ngoài, trong khi đó các phi công cho phi cơ vòng lại nơi cuối phi đạo rồi cất cánh ngay tức khắc. Các biệt động quân khi vừa ra khỏi phi cơ, được địch quân chào đón bằng đợt pháo kích bằng hỏa tiễn 122 ly, nên phải lập tức tìm chỗ trú ẩn. Nhờ sự đổ quân nhanh nhẹn, các phi cơ C-130 bay về Đà Nẵng an toàn. Sau đó tiểu đoàn 37 BĐQ di chuyển về cuối phi đạo. Tiểu đoàn BĐQ tăng cường cho căn cứ Khe Sanh được giao cho trách nhiệm đóng quân bên ngoài tuyến phòng thủ phiá đông của căn cứ. Vị trí phòng thủ của tiểu đoàn 37 Biệt Động Quân nguy hiểm nhất vì nằm bên ngoài tuyến phòng thủ chính của căn cứ Khe Sanh.

    Trong khi các binh sĩ biệt động quân bận rộn tổ chức tuyến phòng thủ, tôi đảo mắt quan sát xung quanh. Những gì trông thấy là tôi sững sờ, kinh ngạc! Căn cứ Khe Sanh trông giống như bị đốn chặt bằng chiếc rìu hai lưỡi, hay là vừa mới trải qua một cơn giông bão. Khu chứa đạn phế thải bị trúng đạn pháo binh của địch, những vỏ đạn đại bác, mảnh thùng đạn gỗ, đất cát văng vương vãi khắp nơi trong căn cứ. Dọc theo phi đạo, đồ quân nhu, quân cụ, cơ phận máy bay, cánh quạt, v.v... nằm rải rác. Nhiều pháo đài trúng đạn, có cái bị san bằng với mặt đất. Tôi nhận thức rằng... tất cả đều là sự thực. Điều rõ ràng là quân đội Bắc Việt không muốn chúng tôi “sống” ở đây và ngược lại, phe ta cũng không muốn sự có mặt của họ!

    Khi đơn vị Biệt Động Quân Việt Nam vào đến vị trí thay thế cho một đơn vị Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ. Đơn vị này được lệnh lui vào sâu bên trong, làm thành tuyến phòng thủ thứ hai, đằng sau phòng tuyến BĐQ để bảo vệ căn cứ. Khi mới đến, các binh sĩ TQLC Hoa Kỳ vẫn nghi ngờ tinh thần chiến đấu của BĐQ và của QL/VNCH nói chung. Họ tìm đến các cố vấn Hoa Kỳ hỏi “Có thể tin tưởng BĐQ/VN không?” và tôi đã trấn an họ “BĐQ/VN dư sức hoàn thành nhiệm vụ trao phó cho họ. Phòng tuyến này... bảo đảm”

    Ngày 7 tháng Hai, khoảng nửa đêm, trại LLĐB Lang Vei bị quân đội Bắc Việt tràn ngập. Địch quân xử dụng chiến xa hạng nhẹ, lội nước PT-76, súng phun lửa tấn công. Đến sáng hôm sau, tình hình tuyệt vọng, những quân nhân LLĐB sống sót được di tản về Khe Sanh và sau đó đưa đi nơi khác. Họ là những anh hùng thực sự.

    Đến lúc này, trên bản đồ trận liệt, trước mặt và xung quanh chúng tôi là quân thù. Về phiá tây là quân đội Bắc Việt trên phần đất Lào, phiá bắc là vùng phi quân sự. Dường như, trận tấn công lớn đầu tiên của địch nhắm vào tiểu đoàn 37 BĐQ khi đơn vị này vừa mới chân ướt, chân ráo đến Khe Sanh. Đó là cơ hội tốt nhất để chào đón Biệt Động Quân với ý định “đá đít” họ ra khỏi căn cứ. Tuy nhiên, đối với quân đội Bắc Việt, chuyện đó xẩy ra không được êm đẹp như dự tính. Biệt động quân đập tan trận tấn công của địch, khả năng tác chiến của họ “đẹp” như tôi chưa từng được chứng được kiến bao giờ. Ngày hôm sau, những TQLC Hoa Kỳ nói với tôi... họ rất tin tưởng vào BĐQ/VN và họ cảm thấy rất... an tâm.

    Không có được sự yểm trợ tiếp vận, phương tiện như quân đội Hoa Kỳ, đánh giặc theo kiểu “con nhà nghèo”, BĐQ/VN phải tự đào hầm hố, lập công sự phòng thủ lấy bằng... sức người. Tôi cũng vui vẻ và cũng là lần đầu tiên... đào hầm bằng tay. Căn hầm làm BCH, cũng là “nhà” của tôi trong thời gian “thăm viếng” căn cứ Khe sanh. Chúng tôi được tiếp nhận hai TQLC, một thiếu úy và một binh sĩ. Họ đến làm việc với chúng tôi như toán “tiền sát viên, DLO” cho pháo đội 105 ly trong căn cứ. Mấy khẩu 105 ly tác xạ ngày đêm bên ngoài tuyến phòng thủ BĐQ. Phòng tuyến này có hai hoặc ba lớp hàng rào kẽm gai concertina, được gắn hỏa pháo soi sáng, mìn và mìn định hướng claymore. Ngoài ra còn được treo lủng lẳng, lon đồ hộp, lon coca để gây tiếng báo động cho binh sĩ phòng thủ, đề phòng đặc công bò vào. Tuyến phòng thủ của BĐQ nằm chắn mũi tấn công chính của quân đội Bắc Việt vào căn cứ. Lúc nào cũng nghe tiếng súng.

    Đại úy Gunn làm việc trực tiếp với tiểu đoàn trưởng, tiểu đoàn 37/BĐQ, đại úy Hoàng Phổ, còn tôi làm việc với một hạ sĩ quan biệt động quân, anh ta rất nhanh nhẹn. Chúng tôi xin tiếp tế cho họ những gì cần thiết (thực phẩm, nước uống, thuốc men, đồ cứu thương), đạn dược và không trợ, cũng như pháo binh yểm trợ. Các binh sĩ BĐQ chia xẻ với tôi những điều khó khăn, lo lắng trong vấn đề nhận tiền lương (phải xin phương tiện, đưa sĩ qua phát lương vào Khe Sanh và đưa tiền về cho gia đình, vợ con) và tin tức về trận tổng tấn công Tết Mậu Thân đã lan tràn khắp miền nam Việt Nam. Chúng tôi rất cần lẫn nhau và BĐQ/VN được cảm tình, sự yểm trợ của TQLC Hoa Kỳ rất nồng hậu.

    Trong suốt tháng Hai, thời tiết trở nên xấu, vừa lạnh vừa có nhiều sương mù bao phủ. Những chuyến tiếp tế cho căn cứ đều phải dùng phương tiện thả dù, và số kiện hàng thâu hồi được rất ít, đa số rơi vào tay địch quân. Đặc biệt nhu cầu nước uống rất hạn chế vì khó thả dù tiếp tế. Không biết binh sĩ BĐQ có biết được tình trạng này không? Thực ra, họ ít nhu cầu vệ sinh hơn người Hoa Kỳ, khả năng mưu sinh, sống còn của họ rất cao. (lính Mỹ ngày nào cũng cần tối thiểu một nón sắt nước để rửa mặt, đánh răng, lau người... Thiếu thuốc bôi nách Right Guard, chắc mùi của họ lên tới trời xanh... địch quân đánh hơi được).

    Chiến đấu với biệt động quân Việt Nam, tôi phải... nghĩ lại. Sau cú hốt hoảng lúc ban đầu mới đến căn cứ, tôi quyết tâm chiến đấu theo kiểu “BĐQ”, không phải lúc nào cũng ngồi trong hầm... cầu nguyện. Các binh sĩ BĐQ họ vừa chiến đấu vừa ung dung rất tỉnh táo. Ở Khe Sanh không ai dám đứng thẳng người, bước đi từ từ vì nạn bắn sẻ, ai cũng phải khom lưng và chạy từ chỗ này sang chỗ khác. Có ngày, căn cứ Khe Sanh bị pháo kích khoảng 500, đến 1000 quả đạn đại bác, hỏa tiễn, có khi hơn nữa. Chúng tôi phải tự học hỏi, nhận diện các loại đạn pháo binh của họ củng như hỏa tiễn bắn vào căn cứ. Đạn pháo binh nổ lớn, đôi khi rất khó phân biệt, ngoài ra còn pháo binh 105 ly bắn trả đũa nữa. Tôi phải chứng kiến người bị thương, cảnh tản thương thường xuyên, cả TQLC và BĐQ, không ai được tha.

    Đúng giữa tháng Ba năm 1968, mức độ nước dự trữ đã xuống đến mức thấp nhất, chúng tôi phải để dành nước. Tuy nhiên, các phi công can đảm vẫn đem đến cho chúng tôi những gì cần thiết. Phải công nhận TQLC lo chuyện này rất đầy đủ với tất cả khả năng của họ.

    Chúng tôi nhận được “quà tặng” đủ loại bắn vào căn cứ hàng ngày gồm có: đại bác 130 ly, hỏa tiễn 122 ly, súng cối 61, 82 ly, đại bác không dật 75 ly, súng phóng hỏa tiễn B-40, B-41, đại liên và tiểu tiên AK-47 và súng CKC từ những xạ thủ bắn sẻ. Lính Bắc Việt chế ra những dụng cụ để phá lớp hàng rào phòng thủ. Họ nhồi thuốc nổ TNT vào những ống tre dài, rồi thọc vào dưới lớp hàng rào kẽm gai, nhưng bị binh sĩ BĐQ trông thấy bắn chết và tịch thu “đồ nghề”.

    Lợi dụng lớp sương mù che phủ, lính Bắc Việt đào hệ thống điạ đạo nhằm xâm nhập vào bên trong phòng tuyến BĐQ, nhưng cũng bị biệt động quân phát giác, tiêu diệt. Tất cả những kế hoạch nhằm tấn công vào phòng tuyến BĐQ đều bị thất bại.

    Một xạ thủ đại liên Bắc Việt được binh sĩ TQLC Hoa Kỳ biết đến và đặt tên là “Luke the Gook”. Anh ta bắn tất cả những máy bay trên bầu trời Khe Sanh, phản lực Phantom F-4, máy bay vận tải tiếp tế C-130, C-123, trực thăng v.v... tất cả những gì bay được. Vài hôm trước khi tiểu đoàn 37/BĐQ đến Khe Sanh, anh ta bắn rơi một phản lực Phantom mà chiếc này cũng định thanh toán anh ta. Viên phi công nhẩy dù ra và được cứu thoát. Từ tuyến phòng thủ của BĐQ nơi cuối phi đạo, binh sĩ BĐQ có thể nghe được tiếng súng đại liên phòng không của địch phát ra đằng sau những ngọn đồi. Tay xạ thủ Bắc Việt này (Luke) phải là một tay rất “cứng cựa” hay là quân đội Bắc Việt có nhiều Luke?

    Ngày 10 tháng Hai, bắn trúng một máy bay KC-130 chở nhiên liệu, làm chiếc máy bay bốc cháy trước khi xuống được phi đạo. Hai viên phi công chính và phụ, thoát được ra ngoài, nhưng những người còn lại kẹt trong phi cơ đều bị thiêu sống. Tôi chứng kiến cảnh chiếc máy bay bốc cháy chỉ cách hầm trú ẩn của tôi vài trăm thước. Đó là một cảnh tượng hãi hùng, tôi ngồi xuống cầu nguyện cho những người bị kẹt bên trong chiếc máy bay. Sau vụ này, phi cơ C-130 không còn đáp xuống được nữa vì phi đạo đã ngắn bớt, chỉ còn phi cơ vận tải loại nhỏ C-123 xuống được, đem theo đồ tiếp tế cho binh sĩ trú phòng.

    Chúng tôi thường xuyên bị ăn đạn súng đại bác 57, 75 ly không dật. Biệt động quân đưa một trung đội ra ngoài lục xoát, đi tìm “thủ phạm”. Trung đội BĐQ chạm địch bị tổn thất nhưng vẫn thanh toán được toán xử dụng súng và tịch thâu khẩu súng đem về căn cứ. Ngày 25 tháng Hai, một toán tuần tiểu TQLC ra lục xoát bên ngoài, rơi vào ổ phục kích của địch. Đó cũng là toán TQLC duy nhất ra ngoài hoạt động theo như tôi còn nhớ. Bên ngoài lớp hàng rào phòng thủ là đất cấm (no man’s land) vùng tác xạ tự do cho phi cơ và pháo binh.

    Một đêm khuya, chúng tôi nghe mấy tiếng depart súng cối, nhưng không nghe tiếng nổ. Sáng hôm sau, ra quan sát mới biết, có mấy qủa đạn súng cối rơi vào phòng tuyến BĐQ nhưng họ quên lấy chốt an toàn ra trước khi bắn, nên qủa đạn không nổ.

    Một đêm khác, khi chúng tôi đang ở trong hầm, một tiếng nổ long trời làm xập một góc hầm, người bên trong ngã nhiêng ngửa. Chúng tôi phải bới đống gạch vụn chui ra. Bên ngoài hàng rào là một hố sâu khoảng 10, 15 bộ (feet) do một quả bom 2000 cân Anh nổ. Quả bom này có lẽ rơi lạc mục tiêu.

    Quân trú phòng được yểm trợ bằng tất cả sức mạnh của quân đội Hoa Kỳ. Những đợt pháo đài bay B-52 trải thảm như cơn điạ chấn, mặt đất rung lên từng cơn. Ngoài ra còn được, pháo binh chiến lược 175 ly từ rặng núi Rock Pile tác xạ vào những nơi tình nghi tập trung quân của quân đội Bắc Việt.

    Tôi được lệnh về Đà Nẵng để lấy đồ tiếp tế cho toán cố vấn và lấy thư. Trong chuyến bay ra khỏi căn cứ Khe Sanh, chúng tôi phải khiêng theo mấy túi đựng xác chết. Đến Đà Nẵng, đó là một thế giới khác, tôi được “tẩy uế” bụi trần, một lần “kỳ cọ” sướng nhất trong đời. Sau khi lấy đồ tiếp tế, thư từ, tôi đón một chiếc C-123 khác bay lên Khe Sanh.

    Tuần lễ đầu tiên trong tháng Tư năm 1968, thỉnh thoảng có mùi xác chết, hôi thối bay vào căn cứ, tùy theo hướng gió. Tiểu đoàn 37/BĐQ ra lệnh cho một trung đội ra ngoài lục soát. Kết qủa biệt động quân tìm thấy một hệ thống điạ đạo, hầm hố với vào khoảng 70 xác chết binh sĩ Bắc Việt.

    Đến ngày 6 tháng Tư, đại đội 84, tiểu đoàn 8 Nhẩy Dù Việt Nam được trực thăng, sư đoàn Không Vận số 1 (1st Air Cavalry) đưa vào căn cứ Khe Sanh, bắt tay với tiểu đoàn 37/BĐQ. Đến ngày 15 tháng Tư, toàn bộ tiểu đoàn 37 Biệt Động Quân Việt Nam được đưa về Đà Nẵng.

    Theo cuốn Patrolling, Winter 2009, pages: 71-74
    Dallas, Feb. 7, 2010
    Vũ Đình Hiếu


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X