Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Toán Delta Lực lượng Đặc Biệt QL.VNCH xâm nhập.....

Collapse
X

Toán Delta Lực lượng Đặc Biệt QL.VNCH xâm nhập.....

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Toán Delta Lực lượng Đặc Biệt QL.VNCH xâm nhập.....

    Toán Delta Lực lượng Đặc Biệt QL.VNCH xâm nhập vào các mật khu của Cộng quân
    Tác giả bài viết: Vương Hồng Anh




    Trong bài viết giới thiệu đơn vị đặc nhiệm Nghiên cứu và Quan Sát (Studies and Observations Group, gọi tắt là SOG), tòa soạn đã lược trình một số hoạt động của các toán Biệt kích trong nhiệm vụ xâm nhập và tấn công một số vị trí của Cộng sản Bắc Việt (CSBV) tại miền Bắc, tại Lào và Căm Bốt trong năm 1964. Cũng vào năm này, song song với các hoạt động của các toán thuộc SOG do các sĩ quan Hoa Kỳ điều hợp và chỉ huy, Bộ Tư lệnh Lực lượng Đặc biệt QL.VNCH đã phối hợp với phái bộ Lực lượng Đặc biệt Hoa Kỳ tại VN tổ chức các toán xâm nhập vào các khu vực hậu cứ của CQ từ phía Nam vĩ tuyến 17 đến miền Tây Nam phần và khu vực dọc biên giới, để thu thập tin tức tình báo, tìm các đơn vị và đường tiếp vận của địch quân. Thực hiện kế hoạch thử nghiệm này, ngày 15 tháng 4/1964, một toán biệt kích VN và Dân sự Chiến đấu (Civil Irregular Defense Group, gọi tắt là CIDG) do Lực lượng Đặc biệt chỉ huy bắt đầu thực hiện các chuyến công tác thám sát dưới ám danh mang mã số Leaping Lena.

    Hoạt động của toán nói trên đã làm nền tảng cho kế hoạch thành lập một đơn vị tình báo Việt-Mỹ hỗn hợp có đủ khả năng thực hiện các công tác nguy hiểm nhưng góp phần vào quyết định thế trận trên chiến trường theo nhu cầu của Bộ Tổng Tham mưu QL.VNCH và bộ chỉ huy Yểm trợ Quân sự Hoa Kỳ tại VN (MACV). Sau một thời gian ngắn chuẩn bị, vào tháng 10/1964, Kế hoạch Delta được chính thức khởi động, và đến tháng 6/1965, Lực lượng Đặc biệt Hoa Kỳ cho thành lập một đơn vị lấy tên là toán Biệt phái B-52 để phối hợp với Lực lượng Đặc biệt (LLĐB) VNCH điều hành bộ chỉ huy kế hoạch. Tiến trình hoạt động của Kế hoạch Delta và vai trò của toán B-52 được ghi nhận như sau:

    Tháng 9/1965, toán B-52 bắt đầu một chương trình huấn luyện cho quân nhân bổ sung cho toán về kỹ thuật thám báo. Một năm sau, toán B-52 thành lập trường huấn luyện mang tên là MACV Recondo dựa trên chương trình nói trên, kế hoạch thành lập trường này được thực hiện sau khi Tướng Westmoreland ra lệnh cho Liên đoàn 5 LLĐB Hoa Kỳ huấn luyện chiến binh thám kích cho các đơn vị thám báo Lục quân. Trường Recondo còn huấn luyện cho các quân nhân lực lượng Đồng minh suốt cuộc chiến ở VN.

    Trở lại với kế hoạch Delta, từ khi hình thành cho đến năm 1965, lực lượng để thực hiện kế hoạch này gồm 6 toán tình báo đặc nhiệm, mỗi toán gồm 8 chiến binh LLĐB Việt Nam và 2 LLĐB Mỹ. Sáu toán này được Tiểu đoàn 91 Biệt Cách Nhảy Dù yểm trợ (sau 1968, cải danh thành Tiểu đoàn 81 Biệt cách Nhảy Dù, đến giữa năm 1970, tiểu đoàn này sát nhập với Trung tâm Huấn luyện Hành quân Delta để trở thành Liên đoàn 81 BCND).

    * Tiến trình hoạt động của các toán Delta vào lòng địch:

    Trong giai đoạn đầu, kế hoạch Delta cũng được hình thành như một trại hỏa lực theo mẫu của trại Pleime của Thiếu tá Beckwith, sau này được giao cho Biệt kích quân tiếp ứng (Mike Forces). Trong hai năm kế tiếp, hoạt động của Kế hoạch Delta được mở rộng với nhiều nhiệm vụ đặc biệt, trong đó có nhiệm vụ thu thập tình báo. Các nguồn tin tình báo của kế hoạch Delta được thu thập bởi các toán tình báo, những cảm tử quân đơn thân độc mã của kế hoạch Delta được tổ chức thành 2 biệt đội khác nhau: biệt đội đột kích Recondo với 16 toán, mỗi toán sáu quân nhân, gồm 3 chiến binh LLĐB Việt Nam và 3 LLĐB Mỹ. Các toán tình báo này xâm nhập vào các căn cứ CSBV, thu thập tin tức, bắt tù binh, hướng dẫn Pháo binh và Không quân oanh tạc hoặc hướng dẫn các đại đội Biệt kích quân tiếp ứng vào các mục tiêu khi cần thiết. Các chuyến công tác tình báo của các toán này thường kéo dài 5 ngày, sau đó toán rút ra điểm chọn trước để được bốc về và tin tức được báo lên bộ chỉ huy.

    Biệt đội thứ hai gồm có 8 toán, mỗi toán có 4 người thuộc các sắc tộc Thượng, Nùng, hoặc người Miên ở các tỉnh Nam phần, phương thức hoạt động khác với các toán tình báo nói trên. Các toán này len lỏi hoạt động trong lòng địch, ăn mặc, trang bị và mang theo giấy tờ trong người y như quân CSBV hiện diện trong vùng. Các toán viên phải học thuộc tin tức và các câu chuyện của địch để không bị địch phát hiện khi chạm mặt. Do họ hoạt động công khai nên họ được gọi là "Chó chạy đường mòn" (road runner). Trong thời gian các toán này hoạt động, máy truyền tin được mở 24/24 giữ liên lạc với các toán viên trên cùng tần số kêu phi cơ khi cần yểm trợ.

    Các toán tình báo và các toán len lỏi được các đơn vị hỏa lực và phản công của kế hoạch Delta yểm trợ tối đa, các toán ứng chiến của đơn vị phản công luôn luôn sẵn sàng để được bốc đi tiêu diệt các mục tiêu do các toán tình báo và len lỏi tìm ra, giải cứu trong trường hợp khẩn cấp.

    Một nguồn yểm trợ khác được giao cho trung đội súng cối CIDG người Nùng và trung đội Bom Phá Hoại (BDA). Hai trung độ này được tăng cường gấp đôi để trở thành phản ứng cấp thời cho kế hoạch Delta. Kế hoạch Delta có một bộ chỉ huy thường trực ở Nha Trang và các bộ chỉ huy tiền phương ở các chiến trường. Do tầm hoạt động rộng lớn, nên toán B-52 (bộ phận điều hành kế hoạch Delta) có một nguồn nhân lực yểm trợ lớn gồm 200 nhân viên dân sự, từ thợ điện, thợ mộc cho tới nữ thư ký, nữ y tá xinh đẹp.

    * Đội hình đổ bộ của các toán xâm nhập:

    Về điều kiện hoạt động, các toán tình báo và len lỏi của Kế hoạch Delta được các trực thăng chở đi lúc trời chạng vạng để nhảy vào vùng địch, thường có hai trực thăng võ trang hộ tống. Trên đường bay đến vùng xâm nhập, trực thăng chỉ huy (CNC) dẫn đầu đội hình, tiếp theo là 1 trực thăng thả quân, hai trực thăng thu hồi và sau cùng là hai trực thăng võ trang xung kích. Trong khi hai trực thăng võ trang bay vòng vị trí xâm nhập, trực thăng điều động hai trực thăng thu hồi bay ở cao độ cao hơn. Phi công trực thăng chỉ huy điều động trực thăng thả quân đến ngay địa điểm sau khi sĩ quan chỉ huy trên CNC xác định tọa độ. Trong rừng rậm, các toán dùng thang giây để lên xuống trực thăng. Hai trực thăng phụ trách thu hồi chuẩn bị bốc quân và phi hành đoàn trong trường hợp trực thăng thả toán xâm nhập bị rớt hoặc gặp hỏa lực địch. Trong khi đó, một phi cơ thám thính bay trên vùng không phận khu vực để gọi phi cơ oanh kích khi cần. Toàn bộ đội hình nói trên được áp dụng trong các cuộc đổ bộ ngụy trang trước hoặc sau khi xâm nhập.

    Mọi biện pháp cứu nguy cũng quan trọng như xâm nhập tùy theo thời tiết và tình hình tác chiến. Đầu tiên phi cơ thám thính bay đến khu vực để xác định địa bàn đổ quân, tiếp đó là phi cơ chỉ huy xác định điểm đổ quân rồi ra lệnh cho trực thăng xâm nhập đổ quân.

    * Trung tâm Huấn luyện & Hành quân Delta:

    Đầu năm 1966, bộ Tư lệnh Lực lượng Đặc biệt VNCH phối trí lại Kế hoạch Delta, cải danh bộ phận này thành Trung tâm Huấn luyện Hành quân Detla với sự yểm trợ trực tiếp của Toán B-52 LLĐB Hoa Kỳ về quân trang, quân dụng, vũ khí cũng như các phương tiện nhu cầu cho chương trình huấn luyện thám sát và hành quân Delta. Đơn vị đặc nhiệm này có 12 toán Thám sát Delta được đánh số từ 1 đến số 12 và 12 toán thám kích tiền phong, mỗi toán gồm 6 người. Toán Delta gồm những chiến binh của QL.VNCH, toán trưởng là 1 sĩ quan cấp bậc ấn định theo bảng cấp số là trung úy, toán phó là hạ sĩ quan và bốn toán viên thuộc hàng binh sĩ. 12 toán Thám kích Tiền phong mà LLĐB Hoa Kỳ tại VN gọi là toán "Chó Chạy Đường Mòn" như đã trình bày ở phần trên, do chính LLĐB Hoa Kỳ tuyển mộ, huấn luyện và trả lương trực tiếp. Từ năm 1965 đến 1969, mỗi lần các toán Delta thi hành nhiệm vụ xâm nhập thì vẫn có 2 cố vấn LLĐB Hoa Kỳ nhảy theo toán để giúp về liên lạc không trợ. Riêng trong các toán Thám kích Tiền phong cũng có 2 quân nhân LLĐB Hoa Kỳ lãnh nhiệm vụ chỉ huy thay vì cố vấn như ở toán Delta.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X