Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Điện Ảnh SàiGòn một thuở

Collapse
X

Điện Ảnh SàiGòn một thuở

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Điện Ảnh SàiGòn một thuở

    Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
    Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
    Vứt cả xe hơi vào sọt rác
    Sài Gòn “có tất cả 21 hãng phim”, trong đó 7 hãng liên kết và hợp nhất thành hãng phim lớn lấy tên Liên Ảnh Công ty thực hiện tác phẩm điện ảnh đầu tiên của hãng: Chân trời tím, với kịch bản dựa vào tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Văn Quang. Một trong 7 “cột trụ” của Liên Ảnh Công ty là ông Lưu Trạch Hưng - nguyên Giám đốc Hãng phim Mỹ Vân - người mà đạo diễn Lê Hoàng Hoa không bao giờ quên “câu nói vô cùng dễ thương” của ông ấy: “Nhớ nghe Hoa, mỗi thước phim là một miếng bít tết đó!”.


    Lê Hoàng Hoa (thứ hai từ phải qua) trên trường quay phim Vết thù trên lưng ngựa hoang - Ảnh: đạo diễn cung cấp

    Nói thế vì có nhiều thước phim đã quay nhưng không đúng ý đạo diễn, hoặc bị hỏng kỹ thuật phải bỏ đi làm lại, lắm lúc bỏ cả chục lần tốn kém lắm, tiếc lắm, vì như ông Mỹ Vân ví von mỗi thước phim (trắng) nhập khẩu ngang ngửa với giá của một đĩa thịt bò bít tết ở nhà hàng Caravelle. Mà “vô số” miếng bít tết như vậy đã bị vứt vào sọt rác! Song, muốn có những thước phim hay cũng đành chịu đánh đổi. Như cảnh Kim Vui đóng vai Liên hát playback đã “phải quay đi quay lại đến take thứ 4 tôi mới vừa ý”. Hoặc khi quay phân đoạn “tiền đồn” nằm trên ngọn đồi nhỏ cách Nha Trang 17 km về phía bắc, Lê Hoàng Hoa nhìn vào cái viewer nhỏ và “thấy như ở dưới (đồi) có một cái gì vương vướng”, hỏi ra biết là nhà để xe, liền nói với ông Mỹ Vân “cần phải phá bỏ nhà để xe ấy vì nó lọt vào khung hình chính của phân đoạn”. Ông Mỹ Vân đi tiếp xúc ban chỉ huy khu vực, 15 phút sau trở về lắc đầu bảo nếu phá bỏ nhà để xe kia hãng phim phải bồi thường 300.000 đồng. Số tiền ấy “đủ để mua một chiếc xe hơi” nên ông Mỹ Vân muốn đạo diễn đặt máy chỗ khác. Lê Hoàng Hoa không chịu, lẳng lặng bỏ về. Ra khỏi cổng một đoạn ngắn, ông Mỹ Vân bảo phụ tá đạo diễn là Bùi Nhật Quang rượt theo nói: “Đang phá nhà để xe”. Nghĩa là hãng phim đồng ý chi phí theo yêu cầu đạo diễn và lần đó không phải “những miếng bít tết bị vứt vào sọt rác” mà là cả một chiếc xe hơi.

    Vào giai đoạn thu hình cuối cùng có mặt Hùng Cường (vai Phi), Bảo n, Hà Huyền Chi, Hoàng Cầm, tất cả phải làm việc “dưới cái nắng gay gắt không một bóng cây (...) có những cảnh phải quay đi quay lại cả chục lần vẫn chưa được”. Riêng một cảnh “quay từ 8 giờ tối đến 4 giờ sáng mới lấy được một “good take” - đó là cảnh Phi ngồi sau hàng rào bao cát. Tiền cảnh (foreground) là Phi, hậu cảnh (background) là vùng trời trước mặt Phi với rặng núi xa xa. Hiệu quả mà tôi muốn là một trái hỏa châu từ máy bay thả xuống rơi lơ lửng, tỏa ánh sáng lung linh trước mặt Phi”. Phải nhờ đến 3 máy bay cất cánh từ sân bay Biên Hòa ra Nha Trang thả hỏa châu lúc trời tối đến 10 giờ đêm nhưng vẫn không có trái nào “rơi đúng trước mặt Phi” như đã viết trong bản phân cảnh kỹ thuật, nên cần chờ đợt bay thứ hai thực hiện lại lần nữa lúc 1 giờ sáng. Thế là đoàn làm phim phải đợi ngoài trời suốt 3 tiếng đồng hồ dưới sương đêm và giữa hai cây spotlights 2.000 watts bật lên quét những luồng sáng trắng vào khung hình đã định sẵn trên một ngọn đồi khuya khoắt gần Nha Trang...
    Hình bóng Diệu Linh: “mỏng như một làn mây”
    Trên chuyến bay từ Nha Trang về Sài Gòn “xen kẽ những ý nghĩ đan vào nhau trong đầu tôi (Lê Hoàng Hoa) là hình ảnh của Diệu Linh - hình ảnh nhẹ nhàng và mỏng như một làn mây. Không biết tôi bắt đầu thấy nhớ Linh từ lúc nào. Có lẽ từ hôm ăn sáng ở quán Tre trong passage Eden”. Ấy là buổi sáng sau đêm bấm máy phim Chân trời tím ở Continental, ông đã chở Diệu Linh đến quán Tre nói trên. Họ gọi hai phần ăn sáng với món nem chiên hột gà nổi danh ở quán đó, một tách cà phê đen cho ông và một ly cam vắt cho cô bé. Song, cái ngon ngọt của lần gặp ấy có sức sống vượt hẳn các món ăn trước mặt chính là những “câu hỏi không lời đáp” của họ:
    - Em gọi ông là anh Hoa có được không?
    - Tôi nhớ hình như cô nói cô 17 tuổi, vậy là tôi lớn hơn cô 19 tuổi, cô không thấy ngại khi gọi tôi bằng anh sao?
    - Đây không phải là lần đầu một cô gái 17 tuổi (như em) gọi ông bằng anh phải không?
    Phải. Có Hồng Hạnh 16 tuổi - một trong nhóm 7 nữ sinh học giỏi nhất trường Trưng Vương yêu ông, đã gọi ông bằng “anh” trước đó rồi.
    Lần thứ nhất ngồi với nhau, ông chở Diệu Linh về nhà của cô, tại một biệt thự xinh xắn của dì ruột cô bé trên đường Công Lý (nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa). Lần thứ hai, họ gặp ở nhà hàng Thiên Nam đầu đường Lê Công Kiều, nơi có bán 6 món pizza rất ngon, cơm Rissotto, mì ống Alla Amatriciana, Aiglio Olio, với bánh tráng miệng tuyệt vời “Torta con frutti di bosco” - xong họ đến vũ trường Văn Cảnh cách đó không xa để lần đầu dìu nhau qua tiếng hát Lệ Thu. Và lần thứ ba này, khi chiếc DC6 chạm đất chầm chậm chạy trên đường băng Tân Sơn Nhất “tim tôi nhảy loạn lên không phải vì máy bay sốc mạnh mà vì tôi đang hồi hộp đợi chờ”:

    Lê Hoàng Hoa là đạo diễn thực hiện 3 phim trên màn ảnh rộng đầu tiên ở Việt Nam, trong đó có Chân trời tím với chi phí cao nhất, mang lại doanh thu lớn nhất tại Sài Gòn đầu thập niên 1970.

    Lê Hoàng Hoa và cô bạn Anita thời du học ở Mỹ - Ảnh: Tư
    liệu của tạp chí kịch ảnh xuất bản ở Mỹ năm 2002


    Sau 6 năm du học ở Mỹ về điện ảnh tại thành phố Clarkesville bang Georgia (1952 - 1958), Lê Hoàng Hoa về nước năm 25 tuổi. Lúc đầu ông làm việc theo hợp đồng đã ký với chương trình International Cooperation Administration đảm trách đạo diễn phim thời sự tài liệu ngoài Trung. Hai năm sau hết hợp đồng (1960), ông rời Huế vào Sài Gòn cộng tác với Trung tâm điện ảnh lúc bấy giờ vừa thành lập xong. Sau phim tài liệu đầu tiên thực hiện trên màn ảnh rộng (còn gọi: màn ảnh đại vĩ tuyến): Cảnh đẹp miền Nam, dài 32 phút với Lệ Thu, Minh Hiếu, Kiều Oanh, tên tuổi ông ngày càng được biết đến nhiều hơn. Tiếp đó ông hoàn thành phim 11 giờ 30 cũng ở dạng màn ảnh rộng với các diễn viên Lê Quỳnh, Mộng Tuyền, Đoàn Châu Mậu, Trần Đỗ Cung, Minh Đăng Khánh. Đến Chân trời tím thì danh tiếng và tài năng của ông vượt lên hàng đầu trong giới các đạo diễn trẻ đương thời. Ông thực hiện thêm một loạt phim khác như Điệu ru nước mắt, Gác chuông nhà thờ, Con ma nhà họ Hứa, Vết thù trên lưng ngựa hoang, Bẫy ngầm, Năm hiệp sĩ bất đắc dĩ, Triệu phú bất đắc dĩ, Người chồng bất đắc dĩ... tất cả đều ra mắt trước năm 1975. Sau 1975, một lần nữa, thành công lại đến qua bộ phim Ván bài lật ngửa do ông đạo diễn được công chúng cũng như giới báo chí đón nhận nồng nhiệt. Hiện ông sống tại Ba Lan và vào giữa năm nay đã về thăm Việt Nam, ngụ tại “mái nhà xưa” của mình trong hẻm 351 Lê Văn Sỹ, Q.3, TP.HCM.
    Chúng tôi đến thăm, được ông đưa mượn cuốn bút ký Những tháng ngày làm phim do ông viết chưa xuất bản, chỉ mới đăng một phần trên tạp chí Kịch Ảnh ấn hành bên Mỹ. Dựa vào nội dung bút ký trên, cũng như một số hồi ức do ông trực tiếp kể lại, chúng tôi trích lược dưới đây những nội dung liên quan đến hoạt động của điện ảnh Sài Gòn năm xưa. Mà trước nhất là chuyện làm phim Chân trời tím - bộ phim điển hình đánh dấu đỉnh cao trong hoạt động nghệ thuật của ông thời trước, cũng là bộ phim để lại kỷ niệm đậm đà về một cuộc tình bất ngờ đã đến với ông ngoài đời đúng vào ngày bấm máy...

    Nhạc sĩ Phạm Đình Chương vào phim với Nửa hồn thương đau
    Đó là ngày 11.12.1969 - ngày thu hình phân đoạn (sequence) đầu tiên của phim Chân trời tím tại khách sạn Continental với cảnh nhân vật chính là ca sĩ Liên (Kim Vui đóng) đang buồn thương rã rời khi biết tin người yêu mình bị đẩy ra tiền đồn xa xôi, khó mong ngày gặp lại nên đưa nỗi niềm vào tiếng hát. Để tìm bài hát thích hợp với tâm thái của Liên trong phân đoạn ấy, Lê Hoàng Hoa và Tổng giám đốc Liên Ảnh Công ty (đơn vị đầu tư sản xuất phim) là ông Quốc Phong (chủ nhiệm tạp chí Kịch Ảnh) cùng “đến phòng trà Đêm Màu Hồng gặp nhạc sĩ Phạm Đình Chương tức ca sĩ Hoài Bắc để nhờ sáng tác một bản nhạc riêng cho phim Chân trời tím. Đó là nhạc phẩm Nửa hồn thương đau” (Bút ký Những tháng ngày làm phim của Lê Hoàng Hoa). Như vậy, nhạc phẩm nổi tiếng ấy được Phạm Đình Chương viết cho phim Chân trời tím năm 40 tuổi (sau thời phải xót xa chia tay với vợ là ca sĩ Khánh Ngọc) và được phổ biến qua tiếng hát của em gái ruột Phạm Đình Chương là ca sĩ Thái Thanh (Phạm Thị Băng Thanh). Nơi quay phân đoạn trên là phòng ăn của khách sạn Continental do nhân viên phụ trách dàn dựng của đoàn phim khéo sửa thành một “phòng trà ca nhạc” để nhân vật Liên sẽ lên hát. Theo ý đạo diễn, để gây ấn tượng mạnh về nỗi cô đơn của Liên, không nên có mặt toàn ban nhạc đệm ở phía sau Liên mà chỉ có “một nhạc sĩ kéo violon đứng cạnh ca sĩ và thật dễ thương khi nhạc sĩ Phạm Đình Chương đồng ý với tôi là anh sẽ đảm nhận vai người kéo violon đó”. Ấn định sẽ bấm máy lúc 7 giờ tối hôm ấy.
    “Tà áo tím” trên phim trường

    Kiều Chinh, Kim Chi và Lê Hoàng Hoa trong phim Cảnh đẹp miền Nam
    - Ảnh: tư liệu

    Khoảng 4 giờ chiều, số đèn spot và flood light chuyển từ Trung tâm điện ảnh và các hãng phim Mỹ Vân, Alpha đến khách sạn Continental đã xong. Phải hai người mới vác nổi một cây đèn khổng lồ 10.000 watt với “mỗi bóng đèn to bằng cái đầu người”. Những sợi dây cáp to bằng cổ tay giăng và “những ống tròn bằng nhôm được ráp lại thành một dàn đèn trên bục hát, một đường ray dùng để làm dolly chạy dài từ bục hát đến cuối phòng” (Bút ký). Ngoài diễn viên chính Kim Vui, tham gia trong “phân đoạn phòng trà” còn có Ngọc Đức (vai Paul), Ngọc Phu (đại úy Minh) và Phạm Đình Chương (nhạc sĩ kéo violon). Đến 5 giờ, Lê Hoàng Hoa đang dò lại lần nữa bản phân cảnh bỗng nghe cô thư ký phim trường (script girl) báo cho biết có một cô bé tên Linh muốn gặp ông gấp. Ông chưa hiểu chuyện gì, một cô bé xinh đẹp với “mái tóc dài óng ả trong chiếc áo dài màu tím than làm nổi bật làn da trắng mịn” đã bước vào trước mặt, nói một cách tự nhiên: “Em tên là Diệu Linh, 17 tuổi học sinh trường Trưng Vương muốn gặp đạo diễn không phải để xin đóng phim”. Ông mỉm cười. Cô bé lại nói mình muốn vào coi quay phim như thế nào thôi. Ông đáp quá dễ, chỉ cần đóng vai khán thính giả (vai quần chúng) của bộ phim ở khoảng cách xa xa các nhân vật chính một chút sẽ tha hồ coi. Cô bé nói lại:
    - Nhưng em không thích đóng phim, em nói thật đó.
    - Vậy thì chỉ còn cách là cô đóng vai người yêu của đạo diễn mới vào trong sàn quay được.
    Nghe thế, cô bé đỏ bừng mặt đứng im. Đó là “hình ảnh một buổi chiều” khó quên trong chuyện tình sẽ kể của ông...
    Để bạn đọc biết thêm về giai đoạn cuối nhằm hoàn tất một cuốn phim trong những điều kiện kỹ thuật ở gần nửa thế kỷ trước tại Sài Gòn, chúng tôi trích giới thiệu dưới đây những mô tả thực tế mà đạo diễn Lê Hoàng Hoa đã trải nghiệm…
    Một lần nữa chúng ta hãy trở về với phim Chân trời tím sau ngày toàn bộ hình ảnh của cuốn phim in rửa ở Far East Laboratory bên Nhật Bản gửi về. Công đoạn tiếp theo gồm ráp nối, chuyển âm và hòa âm sẽ đem đến thực hiện tại Trung tâm Điện ảnh - nơi “đầy đủ dụng cụ máy móc đúng tiêu chuẩn kỹ thuật” để hoàn chỉnh âm thanh với một dàn gồm “7 chiếc máy chạy phim từ tính (magnetic film) 16 ly và 3 máy khác 35 ly to như những dàn tủ đứng”. Cả hai loại máy trên được vận hành đồng bộ (interlock) trong lúc hòa âm và đều được đặt ở phòng thứ nhất. Phòng thứ hai của trung tâm cách phòng trên hai bậc thềm với cửa cách âm (soundproof) để sẵn 45 ghế nệm bọc simili màu đỏ thắm trước một màn ảnh rộng. Bước vào đó khá sớm là hai chuyên viên chính phụ trách âm thanh là Hạ và Kính cùng các chuyên viên cộng sự tăng cường cho giai đoạn hòa âm gồm Ẩn, Nghĩa, Dũng và hai cô chuyên viên “xinh như mộng”: Lệ Trinh và Mỹ Trang. Hai ông Quốc Phong và Mỹ Vân đến sau với nét mặt rạng rỡ, vì hôm nay là ngày đầu của giai đoạn cuối cùng trong việc thực hiện một cuốn phim: giai đoạn hòa âm (mix)

    Ảnh mới nhất của đạo diễn Lê Hoàng Hoa ở nhà riêng tháng 6.2012 - Ảnh: Giao Hưởng

    “Các chuyên viên lắp hai cuốn phim từ tính 35 ly cho nhạc A và B, một cuốn phim từ tính 35 ly cho đối thoại, 2 cuốn phim từ 16 ly cho tiếng động chuyển âm, và 4 cuốn phim từ 16 ly cho tiếng động hiệu quả (effect)”. Tôi đưa mắt cho Hạ: “Chạy thử đi”. Hạ gật đầu bấm nút talk-phone liên lạc với các phòng: “Phòng chiếu xong chưa?”, “Phòng chiếu xong” tiếng của kỹ sư Trần Minh Lực vang lên: “Ampex xong chưa?” “Ampex xong”. Tiếp đó:
    - Tiếng động A xong.
    - Tiếng động B xong.
    - Effect 1, 2, 3, 4 xong.
    Tôi ngồi xuống sau chiếc bàn dài đầy máy móc, cạnh tôi là Hạ, Kính và người đẹp Lệ Trinh: “Phòng chiếu cho than củi đi” (anh em phòng âm thanh vẫn gọi đùa mỗi khi ra hiệu cho phòng chiếu bật đèn than của máy chiếu phim). Một luồng sáng trắng từ ống kính máy chiếu trên lầu rọi thẳng tràn đầy màn ảnh cinemascope. Kính bật một cái nút nhỏ, dưới màn hình scope hộp đèn của đồng hồ đo độ dài phim (footage counter) bật sáng lên, những con số chạy nhanh rồi trở về số không. Hạ bật nút interlock, tất cả các máy được cài lại với nhau để chạy cùng một lúc. Hạ ấn nút cuối cùng. Tất cả các máy, kể cả máy chiếu phim trên lầu bắt đầu chạy cùng lúc và cùng một tốc độ là 24 hình trong 1 giây. Trên màn ảnh xuất hiện chữ start mark, rồi các con số 9-8-7… đến số 3 một tiếng “bíp” vang lên, rồi lại một tiếng “bíp” khác nhỏ hơn. Hạ vội vàng tắt máy. Màn hình vụt tối đen, đèn trong thính đường A sáng lên”.
    Lúc ấy ông Quốc Phong sốt ruột quay lại hỏi Lê Hoàng Hoa: “Sao vậy Hoa, chuyện gì vậy?”. Ông trả lời: “Có một máy chạy lệch, không sao cả”. Thỉnh thoảng máy chạy lệch như thế là thường nên các chuyên viên và cộng sự của họ trong phòng âm thanh và phòng chiếu đều rất bình tĩnh. Họ gỡ tất cả 9 cuốn phim từ tính và cuốn phim hình ảnh ra lắp lại đúng start mark (dấu khởi đầu). Giọng Hạ lại vang lên: “Phòng chiếu xong chưa, xong rồi thì cho than củi nhé”. Một lần nữa màn ảnh rộng được chiếu sáng bằng đèn than của máy chiếu, đèn trong phòng mờ dần rồi tắt hẳn. Chữ start mark và những con số lại hiện ra, tiếng “bíp” vang lên ngay con số 3 rồi im lặng: “Trên màn hình là vùng đồi núi chập chùng với những đám khói màu tím xám bay qua…” mãi đến hình ảnh cuối cùng của cuốn phim và đèn bật sáng. Ông Quốc Phong cười hỏi: “Xong rồi hả Hoa?”. Lê Hoàng Hoa lắc đầu: “Đâu có dễ như vậy, vừa rồi chỉ là chạy thử, còn phải chạy như vậy vài lần nữa cho nhuyễn rồi mới mix thật được”. Kế đó, tiếp tục chạy thử thêm 3 lần nữa và một lần rưỡi mix thật, thì “roll 1 của Chân trời tím mới hoàn thành lúc 12 giờ 10 hôm ấy” và khi đèn bật sáng, mọi người mới biết ông Quốc Phong đã ra về từ lúc nào. Lê Hoàng Hoa tính nhẩm: “Hôm nay là thứ ba, đã hòa âm được 2 cuốn, nếu máy móc không trục trặc thì đến trưa thứ bảy là hòa âm xong cả 9 cuốn và chủ nhật tôi có thể bay lên Đà Lạt tìm gặp Diệu Linh. Hy vọng là như vậy và nếu không tôi cũng cứ đi. Thật may, không có một trục trặc nào xảy ra trong những ngày kế tiếp, 9 cuốn phim Chân trời tím đã được hòa âm xong vào trưa thứ bảy và tối thứ bảy, một tối mà tất cả những người bắt tay vào làm phim mong đợi từ lâu nay đã đến: xem toàn bộ phim Chân trời tím với đầy đủ âm thanh, đối thoại, nhạc và tiếng động”.
    Phim được người xem đón nhận vượt dự kiến, Lê Hoàng Hoa được nhiều hãng phim khác mời làm đạo diễn. Song lúc ấy ông vẫn còn phải tiếp tục thực hiện thêm một phim nữa (Điệu ru nước mắt) cho Liên Ảnh Công ty. Tuy vậy, “một cameraman thuộc loại cừ khôi của Trung tâm Điện ảnh” bấy giờ đang là đạo diễn của Đài truyền hình THVN9 và là bạn học với ông từ hồi hai người còn học tiểu học ở Trường Saint Pierre là Nguyễn Văn Để (Diên An) đến tìm ông, nói: “Túy Hồng muốn mời toa làm đạo diễn cho Sống Film”. Con đường nghệ thuật của ông tiếp tục thuận lợi nhiều hơn sau buổi tiếp tân của Sống Film mở tại khách sạn Caravelle để chính thức giới thiệu Lê Hoàng Hoa là đạo diễn phim Gác chuông nhà thờ sắp quay của họ…
    Biết phim Điệu ru nước mắt sắp bấm máy, đàn em của Đại ca Thay (Đại Cathay) - nhân vật cốt tủy trong tiểu thuyết cùng tên của Duyên Anh cũng là tay anh chị có thật trong giới giang hồ Sài Gòn - đã tìm đến gặp đạo diễn Lê Hoàng Hoa.

    Đạo diễn Lê Hoàng Hoa (thứ 2 từ trái qua) và nhạc sĩ Phạm Duy
    (đeo kính) trên trường quay Ảnh: Tư liệu

    Lúc đó, ông đang trải qua những ngày không vui vì Diệu Linh bị gia đình buộc phải rời Sài Gòn về ở luôn trên Đà Lạt, “hơn một tháng đã trôi qua trong yên lặng hoàn toàn, không một tin tức gì về Linh dù là rất nhỏ... tôi tự nhủ hãy quên đi”. Để quên “giấc mơ hoa” ấy, ông dồn tâm sức viết bản phân cảnh kỹ thuật phim Điệu ru nước mắt và định quay cảnh đầu tiên vào sáng hôm sau, thì buổi trưa hôm đó một thanh niên khoảng 27 - 28 tuổi không hẹn bước vào, tự giới thiệu: “Em là Hùng đầu bò!”.
    Bất ngờ trước giờ bấm máy
    Nghe xưng danh, ông không ngạc nhiên lắm vì đã thuộc làu những cái tên như Đại ca Thay, Hùng đầu bò, Bốn lơ xe, Năm Hòa Hưng, Bốn bù loong, chỉ băn khoăn không hiểu Hùng đầu bò đến gặp có việc gì, thì anh ta đã nói ra: “Tụi em muốn mời anh đi ăn cơm để cho anh biết một vài điều về “đại ca” (Đại Cathay) để anh làm phim cho đúng”. Dứt lời, Hùng nhìn ra cửa và lập tức từ bên ngoài ập vào “sáu tên mặt mày dữ tợn dàn hàng ngang sau lưng gã”. Ông nghĩ thầm “chết rồi, chắc là băng du đãng muốn kiếm chuyện gì đây”. Cô thư ký của ông mặt tái xanh định điện thoại kêu cảnh sát, nhưng ông ngăn lại, bình tĩnh bảo Hùng là mình phải đi họp ở hãng phim gấp bây giờ.
    “Tụi em sẽ đi theo anh, khi nào anh họp xong mình đi ăn” - Hùng đầu bò nói như vậy, rồi lên chiếc mô tô cùng 6 đàn em (chở nhau trên 3 chiếc Vespa) bám theo Lê Hoàng Hoa đến Liên Ảnh Công ty ở đường Ngô Thời Nhiệm. Ông vào bàn việc với ông Mỹ Vân xong, quay ra lấy xe chạy thẳng đến nhà hàng Thanh Thế. Vừa ngồi xuống đã thấy Hùng đầu bò tiến thẳng đến chỗ ông, sáu tay du đãng đàn em ngồi ở một góc khác. Hùng cho biết gia đình mình sinh sống ở Đà Nẵng, cha làm nha sĩ, mẹ dược sĩ, nhưng Hùng chán đời bỏ đi bụi, một lần bị cảnh sát bắt đánh gãy hai răng cửa Hùng để vậy luôn làm kỷ niệm, không muốn trồng răng giả vào. Suốt bữa ăn, Hùng kể về Trần Đại (tức Đại ca Thay) với “những chi tiết mà trong tiểu thuyết của Duyên Anh không có”...
    Giải cứu đạo diễn
    Sáng hôm sau, Lê Hoàng Hoa đến Liên Ảnh Công ty thấy các ê kíp quay phim, ánh sáng, hóa trang cùng các diễn viên Trần Quang, Hùng Cường, Thiên Trang, Tâm Phan, Cẩm Hồng, Ngọc Phu, Trần Hoàng Ngữ, Minh Long và cố vấn võ thuật là võ sư Quỳnh Kỳ đã có mặt. Ông Mỹ Vân đứng khấn vái trước cái bàn tròn có đặt sẵn “con heo quay và đủ các thứ đồ ăn bánh trái”, đốt 3 cây hương bảo: “Đạo diễn cúng đi, anh em cúng hết rồi”. Ông nhìn qua bên kia đường Ngô Thời Nhiệm, thấy Hùng với đám đàn em ngồi ở quán cà phê đối diện nhìn sang. Đoàn phim đến địa điểm chọn sẵn ở một rừng sồi trên xa lộ Biên Hòa để quay cảnh thanh toán nhau giữa Đại ca Thay và Bốn lơ xe vốn là “trận then chốt của Điệu ru nước mắt, phải cắt plan thật nhiều và phải dùng kỹ xảo khi thu hình”. Đóng hai vai đó là Hùng Cường và Ngọc Phu đã “quần nhau” theo những thế võ được Quỳnh Kỳ chỉ dẫn tỉ mỉ giúp ông “ghi nhớ trong đầu những đoạn cần phải lấy cận ảnh (CU: close up)”. Trong đám đông dân chúng kéo lại xem, ông thấy Hùng đầu bò với đàn em cũng có mặt ngay từ lúc “ê kíp ánh sáng của Trương Sĩ Liên vừa đặt các tấm phản quang (reflector) lên chân và ê kíp quay phim của Châu Tùng ráp các đường ray thành vòng cung theo ý đồ đạo diễn”..

    Khi đạo diễn phải đợi !
    1. Đợi chờ là việc rất thường xảy ra với các đoàn làm phim, đợi mưa, đợi nắng, đợi mây mù, đợi chiều tà, đợi mặt trời mọc, đợi hiệu quả đặc biệt (special effect), đợi diễn viên, đợi đủ thứ trên đời...
    2. Đợi phương tiện: Tôi đi thẳng vào phòng làm việc của ông Mỹ Vân và ông cho tôi xem một ống kính Scope Zoom 180 mới toanh còn trong bao giấy dầu. Tôi vui không thể tưởng được vì suốt cả thời gian 46 ngày quay phim Chân trời tím chúng tôi chỉ có một ống kính Ultrascope 50 dùng cho tất cả các cảnh. Ông Mỹ Vân đã qua Hồng Kông mua ống kính này và tôi là người đầu tiên sử dụng nó cho phim Điệu ru nước mắt.
    3. Đợi người yêu: Không chịu nổi sự cô đơn đợi chờ, tôi mượn Paulette cái cassette nhỏ. Không biết bao nhiêu cuộn cassette, không biết bao nhiêu bản nhạc đã đi qua trong cái không gian tĩnh mịch cô đơn đó. Tôi lịm người trên chiếc ghế dựa cho đến khi có tiếng gõ nhẹ bên ngoài. Linh đã đến...
    Lê Hoàng Hoa


    Cứ thế Hùng đi theo đoàn phim mãi, hết nơi này đến nơi khác, nhưng bao giờ cũng giữ một khoảng cách, không lộ liễu. Một hôm, đoàn phim ăn trưa ở quán Con Nai Vàng, Thủ Đức, nửa bữa một người đàn ông lạ mặt bỗng cầm ly bia 33 bước đến trước mặt Trần Quang và Hùng Cường mời, cả hai anh vui vẻ uống cạn. Người ấy lại tiến về phía Lê Hoàng Hoa mời trăm phần trăm, ông nói thật là mình không biết uống bia rượu, song gã kia vẫn lớn tiếng: “Không biết cũng phải uống”. Cả đoàn ái ngại im lặng, chợt một thanh niên lực lưỡng ở đâu bước tới với bộ dạng dữ tợn “kẹp cổ và bẻ quặt cánh tay đang cầm ly bia của gã kia ra đằng sau” rồi hét vào tai gã: “Ông đạo diễn nói không uống là không uống. Có biết tiếng Việt không?”, gã lắp bắp: “Dạ biết, dạ biết”. “Còn một lần hỗn láo với ông đạo diễn là tao cắt tai mày đó” và một cái đạp khiến gã chúi nhũi, chạy khỏi quán. Ông biết đàn em Hùng đầu bò đã ra tay nhưng Hùng vẫn ngồi yên như không can dự gì. Sau việc ấy, ông tự nhủ “nổi tiếng không phải lúc nào cũng đem lại hạnh phúc và vui vẻ... mà thường đi đôi với ganh tỵ, còn sự ái mộ của quần chúng có lúc mang lại vui sướng nhưng cũng lắm lúc đem đến phiền muộn mà chỉ những người trong cuộc mới cảm nhận được”...
    Hoàn tất phần hình ảnh của phim Chân trời tím, tất cả phải gửi sang Nhật để in rửa ở Far East Laboratory (trước khi ráp nối, chuyển âm và hòa âm tại Sài Gòn) nên Lê Hoàng Hoa được rảnh ít nhất cũng nửa tháng, đủ thời gian để gõ cửa “một tình yêu”...

    Cánh cửa hé mở cùng “điệu ru nước mắt”
    Diệu Linh đã ra đón Lê Hoàng Hoa ở sân bay Tân Sơn Nhất với mái tóc dài óng ả dưới nắng: “Tôi yêu những mái tóc dài ấy, có lẽ vì tôi lớn lên ở thành phố Huế, quen nhìn và in sâu vào nỗi nhớ những mái tóc thề” (Bút ký). Lê Hoàng Hoa sinh tại Nha Trang và sống với người cậu ruột ở đó cho đến 8 tuổi rồi ra Huế ở với bà ngoại, vào học Trường Khải Định.
    Là học sinh xuất sắc của trường, ông đã đậu kỳ thi tuyển sinh viên du học do Phái bộ Mỹ tổ chức tại Việt Nam năm 1952 (lúc ông 19 tuổi). Cùng đậu kỳ thi đó, có hai người nữa: Nguyễn Thức ở Sài Gòn và Hà Học Lập ở Hà Nội. Cả ba người lên đường sang Mỹ cùng một ngày và ông thổ lộ Huế vẫn luôn có một vị trí đặc biệt trong trái tim mình từ đó.
    Giờ đây, ở phi trường Tân Sơn Nhất, trước mắt ông là mái tóc dài “rất Huế” của Diệu Linh với “khuôn mặt trái xoan, đôi mắt to, sóng mũi dọc dừa, đầu mũi hơi vớt lên một tí, đôi môi thì không biết phải tả như thế nào đây... phải công nhận là cô bé đẹp, rất đẹp”. Giữa cô gái 17 tuổi này và ông vẫn chưa nói rõ “một lời gì” thắm thiết, tuy vậy việc Linh ra đón ở sân bay chứng tỏ cô đã có cảm tình với ông “ít nhất cũng hơn sự quen biết bình thường” như ông viết. Linh mặc quần jeans nhung màu tím với áo sơ mi trắng bỏ lửng bên ngoài, đang đứng cạnh một cô gái khác khoảng 27, 28 tuổi “cũng đẹp không kém, mặc bộ đầm màu mỡ gà”.
    Linh giới thiệu: “Đây là dì em, Colette Ái Trinh”. Ông gật đầu chào, dì của Linh nói: “Cứ gọi em là Colette”. Rất nhanh, ông thầm nghĩ: “Cả hai dì cháu đều xưng em với mình thì làm sao mà gọi cô ta (Colette) bằng dì được đây”. Đang nghĩ thế, Colette đã bước về phía chiếc Dauphine màu trắng mở cửa xe ngồi sau tay lái, đưa ông về nhà riêng ở đường Trương Minh Giảng cũ (nay là đường Lê Văn Sỹ), hẹn: “Chiều nay em mời anh Hoa đi ăn với tụi này nhé”.


    Lê Hoàng Hoa trong phòng ráp nối phim - Ảnh: tư liệu

    Hai người đẹp - một Hoàng Hoa
    Vừa đến nhà, hai ông Quốc Phong và Mỹ Vân điện thoại nhắn Lê Hoàng Hoa đến gặp gấp tại biệt thự số 6 Ngô Thời Nhiệm. Biệt thự lớn 3 tầng, tầng dưới làm văn phòng Liên Ảnh Công ty, một phòng dành riêng Lê Hoàng Hoa, một phòng của ông Quốc Phong và phòng khác nữa của ông Mỹ Vân. Tầng 2 dùng làm phòng chuyển âm và tầng 3 dành cho gia đình ông Mỹ Vân. Vừa ngồi xuống đã nghe ông Quốc Phong nói ngay: “Chúng ta sẽ làm tiếp phim thứ hai”, và đưa Lê Hoàng Hoa xem cuốn Điệu ru nước mắt của Duyên Anh: “Trong thời gian đợi phim in rửa từ Nhật về, cậu viết phân cảnh kỹ thuật, việc chuyển âm và hòa âm tụi này sẽ chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng, để khi hoàn tất Chân trời tím là bắt tay vào việc thực hiện phim Điệu ru nước mắt ngay”.
    Rồi ông Mỹ Vân hỏi Lê Hoàng Hoa cần lên Đà Lạt để viết phân cảnh không. Ông muốn ở lại Sài Gòn vì có Diệu Linh, nên bảo: “À không, lần này tôi viết ở đây (Sài Gòn) cũng được”. “Mắt ông Mỹ Vân sáng lên” bởi hãng phim sẽ đỡ khoản chi tiền vé máy bay khứ hồi và ăn ở khách sạn Palace trong nửa tháng. Lại bàn sang chuyện chuyển âm và hòa âm cho Chân trời tím mãi đến 4 giờ 15 chiều chưa xong. Còn 15 phút nữa đến giờ Colette hẹn gặp. Ông xin lỗi rời chỗ họp, ra phòng ngoài nhấc điện thoại báo Colette và Diệu Linh biết không đi ăn ở quán Con Nai Vàng được. Colette có vẻ thất vọng, hỏi: “Họp lâu không anh?” - ông đáp chắc phải đến 8 giờ tối. Tiếng Colette hẹn lại: “Vậy mình đi nhảy đi, OK?”, ông đồng ý.
    Vào 8 giờ 30 tối, Colette và Diệu Linh đón ông đến vũ trường, ông và Diệu Linh lại trong vòng tay nhau qua tiếng hát Nhật Trường: “Anh về với em, như chim liền cánh, như cây liền cành… Như đò với sông, như nước xuôi dòng vào lòng biển xanh”. Đến đoạn cuối của ca khúc, mắt ông “chỉ còn nhìn thấy mỗi khuôn mặt dễ thương đầy quyến rũ của Linh dưới ánh đèn màu mờ nhạt, tôi đi những bước dài và cố tình di chuyển khỏi tầm nhìn của dì Colette đang ngồi một mình, rồi nhẹ nhàng kéo sát Linh vào người tôi và Linh đã để yên...”.
    Ông nói nhẹ như hơi thở - để chỉ “mình Linh nghe thôi” rằng, ông muốn “sẽ được ôm em suốt đêm”. Cô bé nhìn vào mắt ông: “Anh nói thật không?”. Ông đáp: “Thật đó”. Lúc ấy khúc vũ nhạc cũng vừa dứt điệu boléro, chuyển dần sang bài khác theo điệu chachacha, Linh dừng bảo: “Nhảy với dì Colette đi anh, dì nhảy chachacha đẹp lắm”. Vậy là đêm ấy ông đã “khiêu vũ với hai người đẹp bằng hai tâm trạng khác nhau và không bao giờ nghĩ rằng đó là mở đầu của một kết thúc thật buồn”...

    Lòng đam mê nghệ thuật thứ bảy và tình yêu phái đẹp của Lê Hoàng Hoa đã quyện vào nhau thành chân dung của một đạo diễn đào hoa.


    Eugénine Mộng Hảo với “người tình”
    Chính ông cũng nhắc khá nhiều tên người đẹp với các câu chuyện lãng mạn qua bút ký Những tháng ngày làm phim. Hãy điểm lại, bắt đầu bấm máy Chân trời tím có Diệu Linh đến. Ký hợp đồng Vết thù trên lưng ngựa hoang chưa ráo mực đã gặp ca sĩ Phương Hồng Loan (sau này là vợ ông).

    Đám cưới Lê Hoàng Hoa và Phương Hồng Loan
    - Ảnh tư liệu của Tạp chí Kịch Ảnh xuất bản tại Mỹ 2002

    Khoảng giữa của hai phim đó là Gác chuông nhà thờ có Eugénine Mộng Hảo đột ngột xuất hiện tại nhà hàng Caravelle trong buổi tiếp tân của hãng Sống Film, có mặt đầy đủ các diễn viên nổi danh như Năm Châu, Kiều Hạnh, Túy Hồng, Văn Dzai, Đoàn Châu Mậu, Huy Cường, La Thoại Tân, Bảo n, Tường Vi, Mai Lệ Huyền, Thanh Mai, với nhiều khách mời trang trọng như Thẩm Thúy Hằng, Kim Cương, Kim Vui, Ánh Nga, các ca sĩ Thanh Thúy và Lệ Thu, nghệ sĩ Thanh Hoài, cùng đông đảo quan chức ngành thông tin và báo giới đương thời.
    Mọi người vừa vào tiệc, “Eugénine Mộng Hảo đã mặc áo đầm dạ hội bằng nhung màu đen viền kim tuyến vàng nổi bật dưới ánh thủy tinh của những chùm đèn Swarowski treo trên trần” từ ngoài bước vào và đi nhanh về phía ông, nắm lấy tay ông xin lỗi đã đến trễ. Tất cả quay nhìn về phía ông, “thật ra là mọi cặp mắt đó đang nhìn cô gái đứng bên cạnh tôi thì đúng hơn” (Bút ký). Nhà báo Huy Vân cười hỏi: “Diễn viên mới của phim Gác chuông nhà thờ phải không? Toa cho anh em biết đi chứ, hay cũng muốn giữ bí mật như chuyện phim?”. Ông giới thiệu: “Đây là Eugénine Mộng Hảo, em gái tôi”. Huy Vân hỏi: “Toa có em gái từ hồi nào vậy?” - cả phòng tiệc cười ồ lên. Rồi cánh phóng viên đưa máy ảnh vây đến, ông phải năn nỉ hết lời họ mới tha không chụp cảnh ông và Eugénine đứng cạnh nhau.
    Thật ra ông quen hai anh em Eugénine hồi ở Mỹ mới về, lúc Eugénine mới 5 tuổi, nay cô đã 18 tuổi rồi. Anh của Eugénine là Nhiên vẫn thường đi chơi với ông luôn. Trước đó khoảng nửa tháng, ông đã nhờ Nhiên cho phép Eugénine đóng vai “người yêu” của mình trước mặt Colette Ái Trinh, dì của Linh, để Colette thấy mà “tránh xa” ông. Nhiên đồng ý và họ cùng đến vũ trường Tour d’Ivoir theo lời hẹn của Colette. Tới đó, Nhiên đón Colette vào trước. Ông và Eugénine vào sau, dìu nhau lên sàn nhảy “tôi ôm Eugénine thật chặt, má tôi và má Eugénine sát vào nhau” trong điệu slow, tiếp đó là rumba. Colette đứng dậy đi nhanh ra cửa, không nói một tiếng nào. Sau “màn kịch” đó, Eugénine đòi ông chở đến vũ trường Moulin Rouge. Một bữa khác lại đòi chở về nhà ông “căn phòng của tôi không lạ gì đối với Eugénine vì đã bao năm nay nàng vẫn đến phòng tôi chơi nghe nhạc như Nhiên anh của nàng nhưng lần này... có một cái gì đó làm tôi không yên tâm cho lắm”. Ông lấy cuốn băng ShotGun của Ngọc Chánh vừa gửi tặng bỏ vào dàn Akai M7, rồi bật máy nghe tiếng hát Phương Dung qua bản Sắc hoa màu nhớ: “Hoa phượng rơi đón mùa thu tới - Màu lưu luyến nhớ quá thu ơi - Ngàn phượng rơi bay vương tóc tôi - Xác tươi màu pháo vui, tiễn em chiều năm ấy...”. Lúc ông vào trong pha hai ly coca, Eugénine ở ngoài phòng lấy bộ pyjama của ông mặc vào trông “vừa buồn cười vừa thật dễ thương - Eugénine đỡ lấy hai ly coca tôi đang cầm để xuống chiếc bàn vuông nhỏ cạnh ghế sofa, rồi vòng hai tay lên cổ tôi, nói: Nhảy với em đi”. Đột nhiên có tiếng cửa mở, ông và Eugénine nhìn ra. “Đứng ở cửa là Diệu Linh!”. Diệu Linh đột ngột từ Đà Lạt xuống lúc nào không báo trước, trong cảnh đó ông không thể thanh minh được, Linh khóc rồi “ra đi - cũng như Eugénine - không một lời từ biệt”. Sau này, Eugénine qua Pháp du học, còn “Diệu Linh của thành phố đầy sương mù thì hoàn toàn biệt tăm không có tin tức gì...”.

    Phương Hồng Loan với “vết thù...”
    Liên Ảnh Công ty mời ông thực hiện phim Vết thù trên lưng ngựa hoang và đồng ý để ông làm việc theo ê kíp của ông gồm: “giám đốc hình ảnh (director of photoragraphy) Nguyễn Văn Để, phụ tá đạo diễn (assistant director) Bùi Nhật Quang - vì tôi quan niệm làm phim phải là travail d’équipe (team work) mới được”. Ông đến Đài THVN tìm cameraman Nguyễn Văn Để báo tin đã ký hợp đồng phim ấy, bất ngờ gặp “một cô ca sĩ còn trẻ, rất trẻ, rất đẹp với đôi mắt thật to, suối tóc dài buông xõa qua bờ vai trong chiếc áo dài raclan hở cổ màu hoa cà đang hát trước chiếc camera to cồng kềnh mà cameraman Lê Thiện Minh đang dolly in chầm chậm...”. Ông bần thần bởi giọng ca ngọt ngào nhắc nhớ Đà Lạt với Linh: “Ai lên xứ hoa đào dừng chân bên hồ nghe chiều rơi - nghe hơi gió len vào hồn người chiều xuân mây êm trôi...” và bởi vẻ đẹp thùy mị ngây thơ của cô bé. Hỏi ra biết ca sĩ trẻ ấy là Phương Hồng Loan 17 tuổi - mà trước đó 4 năm là học trò của nhạc sĩ Nguyễn Đức đã được đưa đến gặp ông để đóng vai khán thính giả trong cảnh phòng trà ca nhạc của phim 11 giờ 30 do ông đạo diễn. Đợi Loan từ phòng thu hình bước ra, ông chở Loan về nhà cô ở đường Cao Thắng, xin phép mẹ Loan đưa cô đi ăn trưa ở tiệm Ngân Đình ngoài bờ sông Sài Gòn. Ngồi một lúc, Loan nhắc lại hôm mình đóng vai khán thính giả 13 tuổi trong phim 11 giờ 30 rằng: “Trước lúc quay, Jo Marcel hát bản Mộng dưới hoa, anh đã bế Loan lên, đặt ngồi trên cây đàn piano rồi xoa đầu Loan nói: Cháu xinh quá, lớn lên chú sẽ cưới cháu làm vợ”. Chẳng ngờ câu nói ấy thành sự thật, vì không lâu sau Lê Hoàng Hoa làm lễ cưới ca sĩ Phương Hồng Loan tại khách sạn Caravelle, vào đêm 10.11.1970. “Không khí của đêm đó thật là vui nhộn và thân mật. Một ca sĩ đã lên micro hát bản Năm anh hai mươi, em mới sinh ra đời của nhạc sĩ Y Vân để tặng cô dâu và chú rể, mà đúng như vậy, Phương Hồng Loan thua tôi đến hai mươi tuổi”...

    ĐẠO DIỄN LÊ HOÀNG HOA TỪ TRẦN
    Lê Hoàng Hoa đã từ trần, thọ 80 tuổi. Ngày 3.8.2012 là ngày hỏa táng đạo diễn Lê Hoàng Hoa sau 80 năm ông dừng chân trên “cõi tạm”...
    Kỷ niệm còn đây…
    “Gia đình đạo diễn Hoa theo đạo Phật, mà đối với nhà Phật chết không có nghĩa là hết, là chấm dứt tất cả, mà sẽ tiếp tục bước vào một hành trình mới xa hơn...” -, cốt tro của đạo diễn Lê Hoàng Hoa đã đem về ở Bình Hưng Hòa, cầu siêu và gửi thờ. đông đảo văn nghệ sĩ, bạn bè đồng nghiệp ngành điện ảnh và người ái mộ các thế hệ đã đến viếng linh cữu đạo diễn Lê Hoàng Hoa.


    Diễn viên Trần Quang (phải) và Lê Cung Bắc tại nhà tang lễ

    Sưu Tầm: Nguyễn H. Điền.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X