Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Pleiku gió núi mưa rừng

Collapse
X

Pleiku gió núi mưa rừng

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Pleiku gió núi mưa rừng

    Pleiku gió núi mưa rừng
    Nguyễn Hữu Thiện

    (nguyên Sĩ Quan Báo Chí CCKQ Pleiku)



    Trước khi cuốn bút ký chiến trường “Trên Vòm Trời Lửa Đạn” của Vĩnh Hiếu được ấn hành, đã có hai vị cầm bút tên tuổi viết lời giới thiệu: Đặng Chí Bình và Phạm Tín An Ninh. Tới khi chuẩn bị chính thức ra mắt độc giả, cựu Trung-tá Không Quân Võ Ý, một đàn anh dày dạn kinh nghiệm cả nghề tay mặt (bay bổng) lẫn nghề tay trái (viết lách), đã có bài “Vài ghi nhận về Bút ký Chiến trường ‘Trên Vòm Trời Lửa Đạn” của Vĩnh Hiếu”.

    Riêng tôi ngày ấy chỉ là Sĩ quan Báo chí ở Căn Cứ Không Quân Pleiku, ngồi ở “văn phòng” (và lang thang ngoài phố) nhiều hơn là ra tuyến đầu, lại không quen biết tác giả, thiết nghĩ không đủ khả năng phê bình mà cũng chẳng có tư cách giới thiệu!…

    Nhưng vì yêu Pleiku và luôn luôn hãnh diện mình là “dân Không Quân Pleiku”, mỗi khi có người viết về Pleiku, hoặc chỉ cần nhắc tới Pleiku, tôi lại dựa dẫm “ăn theo”. Cách đây hơn 10 năm, khi đàn anh Võ Ý, cựu Phi đoàn trưởng Phi Đoàn 118 “Bắc Đẩu” ở Pleiku ngày nào, gom lại một tập những bài thơ anh đã làm ở Pleiku, tôi đã “chạnh lòng” đi ngay bài “Một góc trời Pleiku trong thơ Võ Ý”. Nay đọc “Trên Vòm Trời Lửa Đạn” của Vĩnh Hiếu, mặc dù Pleiku chỉ là một trong nhiều địa danh anh nhắc tới, đặt chân tới, tôi cũng cảm thấy bồi hồi, bởi ở nơi chốn ấy, cách đây hơn 40 năm, “Biệt Đội Pleiku” của Phi Đoàn trực thăng 215 “Thần Tượng” – phi đoàn của Vĩnh Hiếu – chính là đơn vị phi hành đầu tiên trong quân chủng mà tôi có dịp tìm hiểu và kết thân.

    Hơn thế nữa, cuốn bút ký chiến trường “Trên Vòm Trời Lửa Đạn” của Vĩnh Hiếu tuy chỉ là lời kể của một người về hoạt động của một đơn vị, nhưng thực ra “một người” ấy cũng chính là hình ảnh của bao chàng phi công trực thăng khác, và “một đơn vị” ấy cũng là biểu tượng cho 20 phi đoàn trực thăng trong Không Lực VNCH. Đặc biệt hai Phi Đoàn “tân lập” 229, 235 ở Pleiku, đã cùng với Phi Đoàn 215 chịu trách nhiệm lãnh thổ Vùng 2 Chiến Thuật trong giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc chiến, với những địa danh sẽ mãi ghi trong chiến sử, với bao cánh chim đã vĩnh viễn lìa đàn, hay xếp cánh trong tủi hờn trọn kiếp.

    “Em Pleiku má đỏ môi hồng…”

    Năm 1969, khi tôi tình nguyện ra phục vụ tại căn cứ không quân Pleiku thì nơi đây còn có danh xưng “Căn Cứ Không Quân 92”, đơn vị biệt lập bé nhỏ nhất của Không Quân VNCH, với quân số lèo tèo hơn 200 chàng “trấn thủ lưu đồn”; đây cũng là đơn vị Không Quân duy nhất mà các quân nhân chỉ cần phục vụ 2 năm là được quyền xin thuyên chuyển (ngày ấy KQVN chưa tiếp nhận Căn Cứ Phù Cát của người Mỹ).

    Thực ra về mặt chiến thuật, vị trí của căn cứ không quân Pleiku rất quan trọng; ngay từ thời chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, Không Quân Pháp đã có những biệt đội khu trục, oanh tạc, và quan sát đồn trú tại phi trường Cù Hanh để yểm trợ cho chiến trường Tây Nguyên.

    Tới đầu thập niên 1960, trong gian đoạn phát triển của Không Quân VNCH, Không Đoàn 62 Chiến Thuật – biệt danh “Không Đoàn Biên Trấn” – được thành lập tại tại Pleiku, vị Tư lệnh tiên khởi là Trung-tá Trần Văn Minh (tức Trung-tướng Trần Văn Minh, vị Tư lệnh cuối cùng của Không Quân Việt Nam).

    Nhưng tới năm 1964, có lẽ vì vị trí hiểm trở, chật hẹp của phi trường Cù Hanh, và thời tiết khắc nghiệt của xứ “đất trời giao nhau”, Không Đoàn 62 Chiến Thuật di chuyển về Căn Cứ 12 ở Nha Trang, nơi có Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân. Pleiku thu mình thành “Căn Cứ Không Quân 92” bé nhỏ, với nhiệm vụ đón tiếp, yểm trợ các biệt đội trực thăng, quan sát, khu trục từ các nơi biệt phái tới. (Xem chú thích)

    Những năm cuối thập niên 1960, khi quân đội Hoa Kỳ tràn ngập vùng tây nguyên thì phi trường Cù Hanh cũng trở thành gần như một căn cứ không quân của người Mỹ, với các phi cơ tuần thám võ trang OV-10 “Bronco”, phi cơ thám thính O-2 “Skymaster”, và các loại phi cơ vận tải, liên lạc, cùng với các đơn vị yểm trợ hành quân tác chiến.

    Về phần KQVN, nếu không kể Đài Kiểm Báo 921 “Peacock” ở trên đồi, chỉ còn “làm chủ” một phần đất gần cổng ra vào căn cứ – cái cổng có một cái tên quá sức thơ mộng, không thích hợp một chút nào với cảnh vật buồn chán và những con người tiều tụy ở đây: cổng Phi Vân!

    Cái phần đất bé nhỏ ấy là nơi làm việc của Trung-tá Đỗ Trang Phúc (Chỉ huy trưởng), Trung-tá Trung “FM Đầu Bạc” (Trưởng Phòng Hành Quân), Thiếu-tá Quách Thu Vinh (Trưởng Phòng Không Cụ), Đại-úy Phạm Bá Mạo (Trưởng Đoàn Phòng Thủ, sau này là Trung-tá KĐT Không Đoàn Yểm Cứ Pleiku, bị Việt Cộng bắt tại Phan Rang một lượt với Chuẩn-tướng Phạm Ngọc Sang, Sư đoàn trưởng SĐ6KQ).

    Và lẽ dĩ nhiên, không thể không nhắc tới Thiếu-tá “phi công khu trục kiêm nhà văn Không Quân” Lê Bá Định, vị Trưởng Phòng Chiến Tranh Chính Trị của tôi, một con người rất tài hoa (và hơi lập dị), một nhân vật đầy huyền thoại của đất Pleiku.

    Trung-tá Đỗ Trang Phúc (sau này lên Đại-tá, làm Chỉ huy trưởng CCKQ Phan Rang) là một cấp chỉ huy liêm chính, tốt bụng, nhưng ăn nói thẳng thừng và réc-lô số một. Ông không phủ nhận điều đó, và thường nói nửa đùa nửa thật:

    “Pleiku toàn là quan bất mãn hoặc bị đì, lính toàn là lính ba gai, không réc-lô làm sao trị các cậu được!”

    o O o

    Cùng với cơ sở nghèo nàn của căn cứ, “lực lượng tác chiến” của KQVN ở Pleiku (vào thời điểm năm 1969) cũng khá khiêm nhượng với ba biệt đội – một khu trục, một trực thăng, một quan sát – và thỉnh thoảng mới có thêm mấy chiếc “King Bee”, tức trực thăng H-34 của Phi Đoàn 219 chuyên nghề đổ biệt kích và “rescue”, từ Đà Nẵng bay vào.

    Biệt đội khu trục là của Phi Đoàn 514 (và 518?) từ Biên Hòa (Không Đoàn 23 Chiến thuật), biệt đội quan sát của Phi Đoàn 114 và biệt đội trực thăng của Phi Đoàn 215 đều từ Nha Trang (Không Đoàn 62 Chiến thuật).

    Trong số ba biệt đội này, tôi gần gũi nhất với Biệt Đội 215, vì thứ nhất tôi là… bạn nhậu của Trung-úy Phương (tôi quên mất họ của đương sự), Trưởng toán Phi đạo 215 ở Pleiku; thứ hai, tôi là nguyên là dân sưu tầm mẫu phi cơ (models), mà vào thời gian này, Phi Đoàn 215 mới được trang bị trực thăng phản lực UH-1, không chỉ tối tân nhất của Hoa Kỳ mà còn tối tân nhất của cả “Thế giới Tự do”, cho nên tôi không bỏ lỡ một cơ hội nào để tới gần chiêm ngưỡng, hoặc chụp hình, nhất là mấy chiếc “gunship” trang bị tận răng; thứ ba, một phi hành đoàn của trực thăng đông hơn một phi hành đoàn của quan sát hoặc khu trục, lại có cả sĩ quan lẫn hạ sĩ quan, binh sĩ (xạ thủ, cơ phi) cho nên quân số của Biệt Đội 215 cũng đông hơn, và… dễ thân hơn.

    Đó là trong nội bộ không quân với nhau, còn ra phố Pleiku, các chàng trai của Biệt Đội 215 cũng là những hình ảnh “hào hoa phong nhã” thường thấy nhất, đại diện cho cả quân chủng Không Quân.

    Ngày ấy, bài thơ “Còn một chút gì để nhớ” của Vũ Hữu Định chưa được Phạm Duy phổ nhạc. Nhưng cho dù đã được phổ và được hát khắp hang cùng ngõ hẻm, nó cũng chẳng khiến Pleiku thơ mộng thêm chút nào trước mắt các chàng không quân.

    Tôi yêu Pleiku, tới giờ này vẫn yêu vẫn nhớ. Nhưng (xin lỗi các đồng hương Pleiku nhé) tôi hoàn toàn không đồng ý với những người ví Pleiku với Đà Lạt. Bởi núi Hàm Rồng ở Pleiku (mà dân phi hành gọi là núi “Lờ-i-lin-huyền-l…”) không hùng vĩ như đỉnh Lâm Viên ở Đà Lạt, Biển Hồ Pleiku không hữu tình bằng hồ Than Thở của thành phố sương mù; Pleiku cũng có rừng thông nhưng xơ xác; cũng có những con dốc nhưng không phải dốc đá thơ mộng mà là dốc đất trơn trượt, bùn lầy; cũng có em gái má đỏ môi hồng nhưng chẳng được bao “em”!

    Viết như thế chỉ với mục đích so sánh chứ không phải để chê, bởi Pleiku có những quyến rũ, đáng yêu riêng của nó mà người ta, nhất là những chàng lính xa nhà, không thể tìm thấy ở một nơi chốn nào khác, kể cả hai thành phố Ban-mê-thuột và Kontum, cũng ở vùng cao nguyên.

    Phố Pleiku chỉ có 5, 7 con đường ngắn, cho nên, như Vũ Hữu Định đã viết, “đi dăm phút đã về chốn cũ”. Từ cà-phê Hoàng Lan, cà-phê Dinh Điền, tới quán cơm Ngọc Hương, hội quán Phượng Hoàng, từ các nightclubs Mimosa, Hoàng Liên, bún bò “Nhà Xác” (Dân y viện), xuống thịt cầy Kim Phượng…, chỉ cần đi bộ, đi tới đâu cũng gặp nhau cho nên người ta dễ quen nhau, thân nhau. Cũng vì thế, chỉ cần các chàng trong Biệt đội 215 thay phiên nhau “đi lên đi xuống” con đường Hoàng Diệu cũng đủ để nói lên sự hiện diện của Không Quân ở “phố núi cao”.

    Chưa hết, cùng với các chàng phi công, cơ phi, xạ thủ phong sương áo bay bám đầy bụi đỏ (có chàng còn lủng lẳng con dao găm Thượng bên hông), cái phù hiệu “Thần Tượng” – con voi làm xiệc, đầu đội mũ, đuôi thắt nơ, đứng trên trái banh – của 215 cũng phải được xem là độc đáo, lạ thường.

    Thú thật, cho tới giờ này tôi vẫn không thể hiểu tại sao ngày ấy (năm 1964) Đại-úy Trần Minh Thiện, vị chỉ huy tiên khởi của Phi Đoàn 215 (hay một vị “cao nhân” nào khác) lại chọn cái phù hiệu hơi “tếu” này cho phi đoàn tân lập của mình – cái phù hiệu mà một số người gọi lén là “con voi… ị”!

    Vì thế khi bị bạn bè thuộc các quân binh chủng khác hay các “em gái Pleiku” thắc mắc, tôi đành phải cương:

    “Phi cơ trực thăng đã không có cánh lại có khả năng lên xuống thẳng đứng, lơ lửng tại chỗ, de tới de lui, cho nên người phi công cần phải có một sự khéo léo, chính xác cao độ; lái trực thăng cũng khó như con voi làm xiệc đứng trên trái banh vậy!”

    “Pleiku đi dễ khó về…”

    Với người lính tiền đồn biên giới trong thơ Vũ Hữu Định thì thành phố Pleiku là một “hậu phương an lành ”, nơi có những mái tóc mềm, những má đỏ, những môi hồng, nhưng với giới quân nhân tác chiến nói chung thì Pleiku là đường cùng :

    Pleiku gió núi mưa rừng,
    Mây Trường Sơn phủ mù vương cuộc đời

    (Trần Ngọc Nguyên Vũ).

    Hoặc “tàn nhẫn” hơn:

    Pleiku đi dễ khó về,
    Trai đi bỏ mạng gái về nát thây

    (ca dao Phố Núi).

    Vế thứ hai (gái về nát thây) tôi không có cơ hội kiểm chứng, nhưng vế thứ nhất (trai đi bỏ mạng) thì quả thật đúng nhiều hơn sai.

    Vì thế, có lần tôi đã viết một cách khá bi lụy: Căn Cứ Không Quân Pleiku là nơi dừng chân của những toán quân đi, và nơi nhận xác người về trong quan tài bọc kẽm…

    Hình ảnh “người về trong quan tài bọc kẽm” ấy đã khiến anh Võ Ý, khi cùng ông Lê Bá Định và các sĩ thuộc bộ chỉ huy Liên Đoàn 72 Tác Chiến, sáng sớm xuống Trạm Hàng Hóa (cargo terminal) đôn đốc lo liệu phi vụ đưa xác các tử sĩ về quê nhà an nghỉ, phải xúc động, đưa tay lên chào, và biến thành lời thơ:

    CHÀO SÁNG

    Chào anh buổi sáng Tây Nguyên,
    Tay ngang tầm mắt đầu nghiêng cúi chào
    Quốc kỳ phủ xuống công lao
    Có bi-đông nước dựa vào xác thân
    Nghĩ anh đi cũng an phần
    Xum xuê có trẻ bâng khuâng đứng ngồi
    Chị thì rũ tóc máy môi
    Chào anh buổi sáng mắt tôi nhạt nhòa

    (Võ Ý – Pleiku, 1972)

    o O o

    Đó Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, tôi sẽ viết trong một phần sau, còn bây giờ trở lại với năm 1970, thời căn cứ không quân Pleiku bắt đầu chuyển mình trở thành một đại đơn vị để đối phó với tình hình chiến sự ngày càng sôi động tại vùng Tây Nguyên, và từng bước thay thế các đơn vị của Không Lực Hoa Kỳ trong chương trình Việt Nam hóa chiến tranh.

    Năm 1970, cùng với Không Đoàn Yểm Cứ Pleiku, Không Đoàn 72 Chiến Thuật được thành lập (còn được gọi là “Không Đoàn Biên Trấn”, biệt danh của Không Đoàn 62 trước kia).

    Trung-tá Nguyễn Văn Bá làm Không đoàn trưởng, Trung-tá Nguyễn Văn Trang làm Liên đoàn trưởng 72 Tác Chiến, Liên đoàn phó là Thiếu-tá Lưu Đức Thanh (hỗn danh “Thanh mắt trừu” – với ý nghĩa “lành mạnh”: ông lai Tây, mắt đẹp như… “mắt trừu”).

    Lực lượng của Liên Đoàn 72 Tác Chiến gồm phi đoàn khu trục 530 “Thái Dương” (Jupiter) của Thiếu-tá Lê Bá Định (nguyên Trưởng Phòng Chiến Tranh Chính Trị Pleiku, sếp cũ của tôi), phi đoàn quan sát 118 “BlackCat” (Huyền Miêu, sau này đổi danh hiệu là Bắc Đẩu) của Thiếu-tá Võ Công Minh, ít lâu sau bàn giao cho Thiếu-tá Võ Ý, phi đoàn trực thăng 229 “Pelican” (danh xưng tiếng Việt là “Lạc Long”) của Thiếu-tá Lê Văn Bút, và về sau thêm phi đoàn trực thăng 235 “Sơn Dương” của Thiếu-tá Vĩnh Quốc.

    Tuy mang tiếng là thành lập năm 1970 nhưng trên thực tế, chỉ có phi đoàn 530 khu trục và phi đoàn 118 quan sát là có khả năng hoạt động ngay (dù chỉ giới hạn), bởi việc thành lập khá đơn giản: với thành phần nhân sự đã có sẵn, Bộ Tư Lệnh Không Quân chỉ cần “tịch thu tại chỗ” phi cơ của biệt đội khu trục và biệt đội quan sát (đang biệt phái cho Pleiku) trao cho hai phi đoàn tân lập là có ngay “lực lượng cơ hữu”, trong khi phi đoàn 229 thì nhân sự đa số là các “em mới”, sau khi tốt nghiệp bay căn bản ở Mỹ về phải tới Tiểu Đoàn 52 Không Kỵ của Lục Quân Hoa Kỳ ở căn cứ trực thăng Holloway (gần phi trường Cù Hanh) để huấn luyện hành quân, sau đó mới nhận các trực thăng UH-1 của họ đem về cho phi đoàn mình.

    Vì thế, nếu không kể Biệt Đội 219 “King Bee” từ Đà Nẵng vào để đảm trách việc đổ, bốc biệt kích cho B-14, B-15 ở Kontum, thì sau khi Không Đoàn 72 Chiến Thuật đã được thành lập, lực lượng trực thăng của Phi Đoàn 215 Thần Tượng (của Không Đoàn 62 Chiến Thuật ở Nha Trang) vẫn tiếp tục là lực lượng duy nhất bao vùng cho tới đầu năm 1971.

    “Vùng” nói tới ở đây là “Vùng 2 Chiến Thuật”, thu hẹp là “vùng Tây Nguyên”.

    Tây Nguyên không chỉ là nơi diễn ra nhiều trận đánh ác liệt nhất trong chiến tranh Việt Nam, mà còn là “tử địa” của Không Quân. Núi rừng Trường Sơn trùng điệp, thời tiết xấu quanh năm, trần mây ở xứ “đất trời giao nhau” thấp thật là thấp, hỏa lực phòng không địch thì đủ loại đủ cỡ, bay cao 9.000 bộ vẫn bị như thường. Có lẽ trong suốt cuộc chiến, chỉ có thời gian tham gia cuộc giải tỏa An Lộc ở Vùng 3 Chiến Thuật trong Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, các phi cơ của Không Lực VNCH mới phải đối đầu với một hỏa lực phòng không dữ dội, khủng khiếp hơn vùng Tây Nguyên.

    Nhưng trận An Lộc chỉ diễn ra trong một hai tháng, còn ở Tây Nguyên thì khốc liệt từ đầu mùa tới cuối mùa. Và trong hoàn cảnh cực kỳ nguy hiểm ấy, các trực thăng – vừa bay chậm, vừa bay thấp (đổ quân, tiếp tế, yểm trợ bộ binh…) – đã trở thành những mục tiêu “ngon lành” nhất; trong số đó, trực thăng võ trang được địch “ưu ái” cách riêng!

    o O o

    Mùa xuân năm 1970, chiến trường Tây Nguyên bắt đầu sôi động với cuộc tấn công quy mô của quân cộng sản vào trại Lực Lượng Đặc Biệt Dak Seang ở Kontum. Phi trường Cù Hanh (Pleiku), nơi xuất phát của biệt đội quan sát (của Phi đoàn 114) và biệt đội trực thăng (của Phi đoàn 215), trở nên “nhộn nhịp” hơn bao giờ hết.

    Và cũng từ khoảng thời gian này, qua những lần nghe ông Lê Bá Định kể về việc cánh chim này vừa lìa đàn, đại bàng kia vừa gẫy cánh, tôi mới thực sự cảm nhận được tính cách bi hùng trong lời hát của bản Không Quân Việt Nam Hành Khúc: …Đi không ai tìm xác rơi!

    Đầu tháng 4 năm 1971, diễn ra cuộc “giải tỏa” Căn Cứ Hỏa Lực số 6 (còn gọi là Đồi 1001) gần Tân Cảnh, Kontum. Có thể viết đây là chiến công oai hùng nhất, và gian khổ nhất của Sư đoàn Nhảy Dù và Không Quân VNCH tại Tây Nguyên trong suốt chiều dài cuộc chiến.

    Lực lượng địch, dưới sự chỉ huy của tướng Hoàng Minh Thảo, gồm: 3 trung đoàn bộ binh (1 trung đoàn “công đồn”, 2 trung đoàn chờ “đả viện”), 1 tiểu đoàn pháo nặng, 1 tiểu đoàn đặc công, và 1 tiểu đoàn phòng không với 20 đơn vị cao xạ.

    Lực lượng bạn là Lữ Đoàn 2 Nhảy Dù của Đại-tá Trần Quốc Lịch, gồm các Tiểu Đoàn 1, 5, 6, Tiểu Đoàn 2 Pháo Binh Dù, và Đại Đội 2 Trinh Sát Dù, với sự yểm trợ của pháo binh Sư Đoàn 22 BB. Về phía không quân, có 45 trực thăng đổ quân Việt – Mỹ và 2 phi đội trực thăng võ trang AH-1 Cobra của Mỹ từ Căn cứ Holloway.

    Tôi xin phép hơi chi tiết về trận thư hùng tại Căn Cứ Hỏa Lực số 6 để độc giả thấy được tại sao ngày ấy, bên cạnh phóng sự của các phóng viên chiến trường nổi tiếng của Việt Nam như Nguyễn Đạt Thịnh, Phan Nhật Nam, Kiều Mỹ Duyên…, còn có các bài tường thuật, ca tụng của phóng viên các tờ báo Mỹ uy tín, xem đây là thành công điển hình của chương trình Việt Nam hóa chiến tranh, đặc biệt là khả năng của Không Quân VNCH – mà trong trận này, “đại diện” là Không Đoàn “tân lập” 72 Chiến Thuật – trong việc thay thế các đơn vị phi hành của Hoa Kỳ.

    Căn Cứ Hỏa Lực (CCHL) số 6, tức Đồi 1001, là cao điểm án ngữ các cuộc tấn công của địch vào Tân Cảnh, nơi đặt Bộ tư lệnh hành quân của Sư Đoàn 22 Bộ Binh. Căn cứ do một lực lượng bộ binh và pháo binh của Sư Đoàn 22 BB, quân số tổng cộng chưa tới một tiểu đoàn, trấn giữ.

    Cuối tháng 3, 1971, địch cho 3 tiểu đoàn công hãm Đồi 1001 (Căn Cứ 6) đồng thời cho 10 khẩu đội phòng không án ngữ trên Đồi 1250, là điểm cao nhất, sẵn sàng “chào đón” các phi cơ. Để giải tỏa áp lực địch, Quân Đoàn 2 đã xin Bộ Tổng Tham Mưu tăng viện lực lượng tổng trừ bị, và Lữ Đoàn 2 Nhảy Dù được điều động tới.

    Ngày 5/4/1971, trong khi Tiểu Đoàn 1 Nhảy Dù được đưa bằng đường bộ tới phía Bắc căn cứ, các khu trục A-1 của Phi Đoàn 530 “Thái Dương” và lực lượng pháo binh của quân bạn dồn toàn nỗ lực để “dọn bãi đáp”.

    Sáng ngày 6/4/1971, dưới sự yểm trợ hỏa lực của trực thăng võ trang AH-1 Cobra của Hoa Kỳ, hai Tiểu Đoàn 6 và 5 Nhảy Dù được trực thăng Việt – Mỹ lần lượt đổ xuống; Tiểu Đoàn 6 ở phía Tây với nhiệm vụ ưu tiên thanh toán các khẩu đội phòng không địch, Tiểu Đoàn 5 ở phía Đông với nhiệm vụ đánh thọc vào sườn địch để bắt tay với lực lượng bạn đang cố thủ trên Đồi 1001. Tiếp theo, Tiểu Đoàn 6 sau khi thanh toán được phân nửa lực lượng phòng không địch, đã tiến đánh lực lượng định ở sườn phía Tây căn cứ.

    Địch quân bị rối loạn hàng ngũ, rút về hướng Bắc thì bị Tiểu Đoàn 1 Dù chặn đánh. Kết quả, phân nửa quân số của Trung Đoàn làm nhiệm vụ công đồn đã bỏ xác tại trận.

    o O o

    Viết ra thì ngắn gọn, nhưng thực sự trận chiến giải tỏa CCHL số 6 kéo dài 13 ngày đêm ấy gay go và đẫm máu chưa từng thấy ở đất Tây Nguyên. Một chi tiết vô cùng quan trọng mà nhiều tác giả khi viết về trận đánh CCHL số 6 đã không nhắc tới là việc phía Không Lực Hoa Kỳ đã “nhường” hết cho Không Lực Việt Nam.

    Nói cho ngay thì lực lượng trực thăng của họ (slicks và guns) đã góp công lớn trong cuộc đổ quân Dù xuống căn cứ. Nhưng sau đó thì “bái-bai”! Trên bầu trời dầy đặc mây xám đan lưới phòng không địch, chỉ còn thấy bóng những chiếc khu trục A-1 của Phi Đoàn 530, quan sát L-19 của Phi Đoàn 118, trực thăng UH-1 của hai Phi Đoàn 215 và 229.

    “Tội” nhất là các chàng trực thăng: quân Dù có nhiều thương binh cần giải phẫu, trực thăng chở toán quân y cố tìm “lỗ hổng” (trên mây) để đáp xuống trong tiếng đạn “chào mừng” ròn rã của quân địch và sự lo âu căng thẳng của quân bạn. Nhưng có những thương binh không thể giải phẫu “dã chiến”, trực thăng lại phải len lỏi đáp xuống “bốc” về Quân y viện Pleiku!

    Mà giữa hai Phi Đoàn 215 và 229, thì 229 “tội” hơn. Bởi như đã viết ở phần trên, nhân sự của Phi Đoàn 229 hầu hết là các “em mới”, tuy đã tốt nghiệp bay căn bản ở Mỹ và đã được huấn luyện hành quân ở căn cứ trực thăng Holloway, nhưng nay vẫn còn phải theo “thầy” thực tập “đánh giặc” một thời gian trước khi được “xác định hành quân”.

    Đa số các “em mới” này thuộc lớp tuổi của tác giả Vĩnh Hiếu, tức là gia nhập Không Quân trong khoảng thời gian từ sau Tết Mậu 1968 cho tới những tháng đầu năm 1969. Trong số này, “em” nào may mắn thì hoàn tất tiến trình huấn luyện một cách suông sẻ: tốt nghiệp sĩ quan – sang Mỹ học bay – về nước đánh giặc; “em” nào không may mắn thì tiến trình nói trên bị đảo ngược: sang Mỹ học bay – về nước đánh giặc – tốt nghiệp sĩ quan!

    Nguyên nhân đưa tới tiến trình huấn luyện “không giống ai” này là do nhu cầu bành trướng quá mau lẹ của Không Quân VNCH, hàng trăm sinh viên sĩ quan sau khi học căn bản quân sự (giai đoạn 1) ở TTHL Quang Trung, đã được học sinh ngữ rồi sang Mỹ học bay; tới khi tốt nghiệp hoa tiêu trở về nước vẫn mang “con cá” (alpha, lon sinh viên sĩ quan), vì chưa học “giai đoạn 2 quân sự”!

    Nói cách khác, cái bằng hoa tiêu của họ chưa được tính tương đương với bằng “Trung đội trưởng Bộ Binh”. Vì thế, dù không thể bắt các hoa tiêu này về lại TTHLKQ Nha Trang hoặc Trường Bộ Binh Thủ Đức để thụ huấn bổ túc, Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH cũng ra một cái lệnh cứng nhắc là các SVSQ này phải học “giai đoạn 2 quân sự” tại đơn vị, xong xuôi mới được mang lon. Chỉ riêng tại Pleiku thôi, đã có hơn 50 hoa tiêu, đa số là dân trực thăng, từ nay, sáng sáng theo thầy đi đánh giặc hoặc bay tập huấn, chiều chiều về học “bổ túc quân sự”, gồm các môn sinh hoạt lãnh đạo chỉ huy, chiến tranh chính trị, và bắn… súng Colt-45!

    Lúc đó Phòng Huấn Luyện Pleiku thiếu người, thấy tôi lang thang suốt ngày bèn “mượn” về phong cho chức Huấn luyện viên dạy hai môn Lãnh đạo Chỉ huy và CTCT.

    Cái khóa học “bổ túc quân sự” ấy không chỉ vô duyên, vô ích, mà càng ngày càng mang tích cách bi thảm: cứ lâu lâu lớp học lại vắng thêm một bóng người – một cánh chim vừa rơi rụng!

    Có lẽ chỉ riêng mình tôi là được “lợi”: nhờ làm HLV cho khóa học này, ngoài một vài người bạn quen biết từ trước, tôi đã có thêm những người bạn mới của các Phi Đoàn 530, 118, 235, và nhất là 229 – phi đoàn mà tôi ỷ vào cái chức “thầy”, thường xin “học trò” cho quá giang trong các phi vụ “liên lạc” về Sài Gòn.

    Viết những điều này ra, tôi cũng chẳng có ý chê trách các vị hữu trách ở Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH (bởi nguyên tắc thủ tục nó là như thế), mà chỉ muốn nhắc lại để mọi người biết rằng vào năm 1971, đã có những hoa tiêu non trẻ đền nợ nước khi trên người chỉ có đôi cánh bạc chứ chẳng có lon lá gì cả (trên giấy tờ, lon của họ lúc ấy còn là lon “alpha”!)

    Mùa hè đỏ lửa

    So với bề dày 420 trang của cuốn“Trên Vòm Trời Lửa Đạn” , 70 trang Vĩnh Hiếu viết về Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 được xem là hơi ít, trong khi Tây Nguyên là một trong ba mặt trận chính (hai mặt trận kia là An Lộc và Quảng Trị), mất Tây Nguyên, lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa sẽ bị cắt đôi, và khi ấy tình hình cũng sẽ bi thảm như những gì xảy ra sau đó 3 năm, khi Ban-mê-thuột bị mất và Quân Đoàn II phải “di tản chiến thuật”…

    Nhưng “ít” mà không “thiếu”. Bởi chỉ cần ba bài Phi vụ mở màn, Người ở lại Charlie, và Mặt Trận Kontum, cũng đủ để nói lên tính cách khốc liệt của mặt trận Tây Nguyên, tinh thần chiến đấu dũng cảm và hy sinh xương máu của QLVNCH, của Không Quân nói chung, ngành trực thăng nói riêng.

    Sau năm 1975 tại hải ngoại, đã có không ít tác giả viết về ngành trực thăng của Không Lực VNCH, tuy nhiên ngoài một số bài viết về những phi vụ, những trận đánh đơn lẻ, hầu hết đã chú trọng tới tổ chức, lực lượng, trang bị, hoạt động chứ không trình bày chi tiết về sự chiến đấu gian khổ và những hiểm nguy rình rập của “ngành phi hành có nhiều người hy sinh nhất quân chủng”!

    Chỉ tính trong Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 tại hai mặt trận Kontum và An Lộc, lực lượng trực thăng VNCH tham chiến đã bị thiệt hại tới 70%, gồm 63 chiếc UH-1 bị rớt vì phòng không địch, và 391 chiếc khác trúng đạn hư hại nặng.

    Nhưng đó chỉ là những con số. Phải đọc “Trên Vòm Trời Lửa Đạn” của Vĩnh Hiếu mới biết các phi hành đoàn trực thăng – hoa tiêu, cơ phi, xạ thủ – đã chiến đấu, đã sống sót như thế nào, đã chết ra sao…

    Trong lịch sử thành lập, phát triển, chiến đấu trải dài hơn 20 năm của quân chủng Không Quân VNCH (từ khóa học đầu tiên vào năm 1951 cho tới năm 1975), Vĩnh Hiếu thuộc “lớp người” thứ ba.

    Lớp thứ nhất là các vị đại niên trưởng, những “khai quốc công thần” của quân chủng; lớp thứ hai là những đàn anh được đào tạo từ cuối thập niên 1950 tới giữa thập niên 1960, sau này trở thành những cấp chỉ huy nòng cốt (Không đoàn trưởng, Phi đoàn trưởng…); lớp thứ ba là những người gia nhập Không Quân khi cuộc chiến đã leo thang và trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết; lớp thứ tư là những đàn em nhập ngũ sau Mùa Hè Đỏ Lửa 1972.

    Tùy theo cương vị, không gian và thời gian phục vụ, cả bốn lớp người ấy đều đã góp phần mồ hôi, xương máu, tô điểm cho màu cờ sắc áo của một Không Lực nay đã không còn hiện hữu, nhưng nếu chỉ xét về “xương máu” mà thôi, phải nhìn nhận lớp người thứ ba, trong đó có tác giả Vĩnh Hiếu, là lớp hy sinh nhiều nhất.

    Trong cái số “nhiều nhất” ấy, ngành trực thăng chiếm tỷ lệ cao nhất. Bởi như Vĩnh Hiếu đã viết:

    “Tôi cảm thấy cuộc đời bay bổng của hoa tiêu trực thăng quá mong manh, mạng sống như chỉ mành treo chuông, (…) tương lai chỉ đếm từng ngày một.” (tr. 165)

    Và:

    “Có thể nói ngành trực thăng là một đơn vị tác chiến lưu động gần sát nhất với bộ binh hơn cả, có một cuộc sống phong trần gian khổ của một người lính đánh trận nhưng được hưởng tất cả ưu đãi tiện nghi của thành phố” (tr.115).

    Dòng chữ “…được hưởng tất cả ưu đãi tiện nghi của thành phố” đã nói lên cái may mắn của các thành phần Không Quân tác chiến. Nhưng đó cũng chính là những gì sẽ khiến cho một sự mất mát bất ngờ mang nặng tính cách bi thương, và tàn nhẫn!

    Chẳng hạn “Tuấn lùn” (Trung úy Nguyễn Văn Tuấn), một “gun” của 229 “Lạc Long” mà tôi quen biết, bị trúng cao xạ và nổ tung trên trời Diên Bình. Chỉ hơn một tiếng đồng hồ trước đó, Tuấn còn ngồi bên người yêu trong một góc quán quen thuộc!

    Hoặc Trung sĩ xạ thủ Linh của 215 mà Vĩnh Hiếu nhắc tới trong bài Mặt trận Kontum. Linh mới lấy vợ được một tuần lễ!

    Thành thử không một người nào có can đảm tình nguyện đưa xác anh về với gia đình, sau đó phải chỉ định!

    o O o

    Tôi rời Pleiku vào giữa năm 1972, vài tuần lễ trước khi Căn Cứ Không Quân 92 bé nhỏ ngày nào trở thành một đại đơn vị: Sư Đoàn 6 Không Quân.

    Từ đó, Pleiku chỉ còn trong trí tưởng. Sau khi ra hải ngoại, đôi khi tôi đã tìm lại được những hình ảnh thân thương ngày cũ ở “phố núi cao” qua thơ văn của Hoàng Khởi Phong, Trần Ngọc Nguyên Vũ, Võ Ý, Phạm Hữu Dương, và một số tác giả khác.

    Trong số “tác giả khác” ấy không có Vĩnh Hiếu, bởi anh là “dân Nha Trang” (Không Đoàn 62 Chiến Thuật). Nhưng hôm nay, tôi trân trọng nhắc tới Vĩnh Hiếu bởi anh đã làm được một việc mà chưa ai làm, hoặc đã làm nhưng chưa đủ: đó là viết về sự chiến đấu và hy sinh của ngành trực thăng trong cuộc chiến bảo vệ miền Nam.

    Tôi và Vĩnh Hiếu không hề quen nhau, cùng lắm cũng chỉ vô tình gặp nhau ở trong phi trường Cù Hanh hoặc ngoài phố Pleiku vào Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, thời gian phi đội trực thăng võ trang của anh được tăng phái yểm trợ mặt trận Tây Nguyên.

    Không “quen” nhưng “biết” – biết qua những bài viết của anh sau khi ra hải ngoại. Tài cầm bút của Vĩnh Hiếu, nhà văn Phạm Tín An Ninh đã nhận xét một cách khá tỉ mỉ, và dĩ nhiên là ca tụng. Tôi có viết thêm cũng bằng thừa, chưa kể có khi còn mang tiếng “ca” gà nhà!

    Thành thử chỉ xin trình bày đôi dòng cảm tưởng của cá nhân sau khi đọc cuốn sách của anh.

    Trước tiên là sự thích thú. Trong cương vị một Sĩ quan Báo chí Không Quân thường đi để viết, ngày ấy bạn bè bên trực thăng cũng khá nhiều – cả slicks lẫn guns – quanh năm được nghe họ kể chuyện đánh đấm, vào sinh ra tử, nhưng nay đọc “Trên Vòm Trời Lửa Đạn” vẫn cảm thấy thích thú. Hình như Vĩnh Hiếu có biệt tài kể chuyện.

    Cũng một câu chuyện ấy, nếu người kể biết cách sắp xếp bố cục, sử dụng lối hành văn thích hợp để diễn tả, sẽ có sức thu hút hơn rất nhiều.

    Thứ đến là sự khâm phục, trân quý. Vẫn biết “đi không ai tìm xác rơi”, nhưng bay vào “vòm trời lửa đạn” mà vẫn hiên ngang, vẫn bình tĩnh, không thở than cho thân phận, không oán trách cao xanh, thậm chí có khi còn vô tư khôi hài, có lúc lại tình tứ thơ mộng, như Vĩnh Hiếu, quả thật đáng phục, đáng quý, đáng yêu.

    Từ chỗ yêu quý, mến phục, tôi cảm thấy hãnh diện lây, đau thương lây. Bởi Vĩnh Hiếu chính là hình ảnh điển hình của bao chàng hoa tiêu trực thăng trong Không Lực VNCH, trong đó có những người bạn thân thương của tôi ở 215, 229 – những người đã góp phần máu xương ở đất Tây Nguyên thuở ấy, hay vẫn còn sống lây lất đâu đó bên này, bên kia bờ đại dương.

    Đường mây đã vĩnh viễn khép lại, nhưng những cánh chim ngày tháng cũ, còn hay mất, chúng ta sẽ không bao giờ quên.

    Xin cám ơn Vĩnh Hiếu đã góp phần nhắc nhớ.


    Nguyễn Hữu Thiện
    Melbourne, tháng 6/2012

    --------------------
    CHÚ THÍCH:

    Theo cuốn “Quân Sử Không Quân VNCH”, số hiệu của bốn căn cứ không quân đầu tiên chính là thứ tự bàn giao từ người Pháp, lần lượt là Căn Cứ Trợ Lực Không Quân số 1 (Nha Trang), số 2 (Biên Hòa), số 3 (Tân Sơn Nhất), và số 4 (Đà Nẵng).

    Tới khi tổ chức của QLVNCH được hoàn chỉnh, chia thành 4 Vùng Chiến Thuật, thì số hiệu của các căn cứ không quân cũng được hệ thống hóa, bằng cách thêm con số của Vùng Chiến Thuật vào phía sau, 1 thành 12 (Nha Trang), 2 thành 23 (Biên Hòa), 3 thành 33 (Tân Sơn Nhất), và 4 thành 41 (Đà Nẵng).

    Tuy nhiên đó chỉ là trên văn bản, còn ngoài thực tế, ngoại trừ Căn Cứ 12 ở Nha Trang được một số người gọi bằng danh xưng mới, các căn cứ còn lại vẫn thường được mọi người gọi bằng danh xưng cũ là Căn Cứ 2, Căn Cứ 3, Căn Cứ 4.

    Phải đợi đầu thập niên 1960, khi các phi đoàn riêng lẻ được tập hợp thành các Không Đoàn Chiến Thuật (không đoàn đặt bộ tư lệnh tại căn cứ nào, sẽ lấy số hiệu của căn cứ đó) thì các con số 23, 33, 41 mới trở nên phổ biến.

    Về việc không đoàn thứ tư được thành lập ở Pleiku, sở dĩ mang danh xưng Không Đoàn 62 Chiến Thuật, tức là nhảy thẳng từ số 4 lên số 6, là vì trước kia số 5 đã được dự trù dành cho phi trường Phú Bài (Huế).

    Sau khi Không Đoàn 62 Chiến Thuật di chuyển về Nha Trang, lãnh thổ của Căn Cứ 12 được chia làm hai: một bên là Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân Nha Trang, một bên Không Đoàn 62 Chiến Thuật, còn danh xưng “Căn Cứ 12” thì chìm vào quên lãng!

    Tương tự, sau đó căn cứ không quân Pleiku mang danh xưng “Căn Cứ 92” là vì số 7 đã được sử dụng cho Cần Thơ (Không Đoàn 74 Chiến Thuật) và số 8 đã được dự trù dành cho Sóc Trăng.


    Trích từ Vinh danh QLVNCH


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X