Thông báo

Collapse
No announcement yet.

235 SƠN DƯƠNG - Phi Đoàn "Dê Cụ"

Collapse
X

235 SƠN DƯƠNG - Phi Đoàn "Dê Cụ"

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • 235 SƠN DƯƠNG - Phi Đoàn "Dê Cụ"

    Tiếu lâm năm MÙI

    235 Sơn Dương – Phi Đoàn “Dê Cụ”

    Thiên Lôi Miệt Dưới


    TIỀN PHI:

    Từ ngày đặc san Lý Tưởng – Úc Châu ra mắt độc giả cách đây 26 năm (1989), theo đúng truyền thống của làng báo Việt ngữ, cứ mỗi lần thực hiện Giai phẩm Xuân, ông chủ báo lại ra chỉ thị phải có một bài tiếu lâm với chủ đề Thập Nhị Địa Chi, nói nôm na là năm con gì thì viết chuyện bù khú về con ấy. Tuy nhiên, theo trí nhớ của người viết, trong hơn một phần tư thế kỷ qua, bên cạnh những bài viết “lành mạnh” của KQ Jo Vĩnh (Hội KQ Nam Úc), mình cũng chỉ có được vài ba bài tiếu lâm đạt đúng yêu cầu của ông chủ báo, đó là bài “Ngọc Dương” (viết về một niên trưởng trong Hội Không Quân Victoria hiếm muộn, nhờ xơi cặp “trái dứng” dê mà sanh quý tử); bài “Cọp Vồ” (viết về một anh chàng pilot của Phi Đoàn 516 Phi Hổ, tuổi Hợi mà bị sa vào lưới tình của một người đẹp tuổi Dần – Dần Thân Tỵ Hợi tứ hành xung – nên bị nàng “vồ” quanh năm); bài “Dán bùa l... mèo” (bàn loạn về cái thú nói tục của các bậc tiền nhân); bài “Nhà tôi tuổi Tỵ” (ca tụng “ba đảm đang” của các nàng dâu Không Quân tuổi Tỵ)...

    Nay lại tới năm con dê, đang bí đề tài thì ông chủ báo “meo” cho cái phù hiệu của Phi Đoàn trực thăng 235 “Sơn Dương” và ra lệnh viết một bài về “dê núi”. Nếu lỡ có điều chi thất thố, cũng xin hai đàn anh Vĩnh Quốc và Huỳnh Hải Hổ - hai đời phi đoàn trưởng “Sơn Dương” – và các đấng “dê núi” xá tội cho.


    Pleiku đi dễ khó dzìa...

    Sau đợt bành trướng cuối cùng của Không Lực Việt Nam Cộng Hòa (1970-1972), với các Sư Đoàn Không Quân được thành lập, thì phù hiệu các đơn vị KQ, từ cấp cao nhất là Sư Đoàn xuống cấp thấp nhất là Phi Đội, đã được thống nhất, nghĩa là giống hệt nhau, chỉ khác con số, hoặc mẫu tự viết tắt (trường hợp các Không Đoàn Yểm Cứ).


    Người viết không được biết đây là lệnh lạc của Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH hay quyết định của Bộ Tư Lệnh Không Quân, chỉ biết một điều là không có đấng KQ nào “happy” trước sự đồng nhất này cả. Nguyên nhân rất đơn giản: từ nay, sẽ không còn những biểu tượng độc đáo trên phù hiệu từng đơn vị, chẳng hạn cấp “Không Đoàn” thì Không Đoàn 74 Chiến Thuật không còn là “song mã đồng phi”, Không Đoàn Kỹ Thuật & Tiếp Vận không còn là “một nấm mồ hoang ba nén hương tàn”, và mất đi hàng chữ viết tắt “KĐKTTV”, đọc xuôi thành “khổ đau khi tình tan vỡ”, còn đọc ngược thì “viết thư tình không đoạn kết”!


    KĐ74CT: “song mã đồng phi”


    KĐKT&TV: “Ba chiếc quan tài , một bánh xe tang. Đốt nén hương tàn , tiễn ba linh hồn siêu thoát”

    Riêng về phù hiệu cấp phi đoàn, người viết tiếc nhất là phù hiệu của hai phi đoàn trực thăng 215 “Thần Tượng” (KĐ62CT) ở Nha Trang và 235 “Sơn Dương” (KĐ72CT) ở Pleiku.

    Phù hiệu Phi Đoàn 215 “Thần Tượng” được xem là phù hiệu vui mắt và độc đáo nhất của KQVN: một con voi trắng đang làm xiệc, đầu đội mũ, đuôi thắt nơ, biểu diễn đứng bằng hai chân sau trên trái banh, bên cạnh là con số “215”. Một số người có óc khôi hài đã gọi lén phù hiệu này là “con voi ị”, trong khi một vị niên trưởng lại giải thích một cách rất trân trọng như sau: voi trắng (bạch tượng) là loài thú hiếm quý (và linh thiêng?) của vùng Tây Nguyên, địa bàn hoạt động của Phi Đoàn 215 (ngày ấy ở Vùng 2 Chiến Thuật chưa có các Phi Đoàn 229, 235), cho nên phù hiệu “Thần Tượng” mang ý nghĩa rất cao quý.


    Nếu phù hiệu của Phi Đoàn 215 “Thần Tượng” được xem là “vui mắt” nhất, thì phù hiệu của Phi Đoàn 235 “Sơn Dương” lại bị nhiều người khó tính cho là “chướng mắt” nhất.

    Thực ra, với những người không phải dân Pleiku hoặc không biết nhiều về Pleiku, cái phù hiệu của Phi Đoàn 235 “Sơn Dương” cũng chẳng có gì đáng gọi là “chướng mắt”: một cái đầu con dê, một ngọn núi, một cái nhà sàn tượng trưng cho xứ Thượng, phải được xem là rất ý nghĩa, rất lành mạnh.

    Nhưng với dân Pleiku, hoặc không phải dân Pleiku nhưng biết rõ những giai thoại, huyền thoại về Phố Núi, thì cái phù hiệu của Phi Đoàn “Dê Núi” ấy không lành mạnh một chút nào cả.

    Xin được dài dòng giải thích như sau.

    Ở phố núi Pleiku có câu ca dao thời đại:

    Pleiku đi dễ khó dzìa
    Trai đi bỏ mạng gái dzìa nát thây.


    Ý nói người lính nào mà bị đưa ra Pleiku thì chết dễ như chơi, còn cô gái nào mà tới sống ở Pleiku thì “nhà lành” cũng thành “nhà rách”.

    Người viết, với tư cách là một chàng Không Quân “trấn thủ lưu đồn” suốt hơn 3 năm, trong khi nhìn nhận “trai đi bỏ mạng” là đúng, thì lại cực lực phản đối “gái dzìa nát thây”, bởi viết như thế là vơ đũa cả nắm, là xúc phạm tới những “em Pleiku má đỏ môi hồng” mà nhà thơ Vũ Hữu Định đã nhắc tới trong bài “Còn chút gì để nhớ” đã được Phạm Duy phổ nhạc.

    Nhưng dù câu “trai đi bỏ mạng” có đúng chăng nữa, Pleiku vẫn có một sức thu hút kỳ lạ - mà một đàn anh KQ, nhà văn Võ Ý gọi là “ma lực của Pleiku” – đã khiến những chàng trai thời chiến nói chung, những đấng Không Quân đi mây về gió nói riêng, nếu không bị bệnh “lạnh cẳng”, một khi đã tới sống ở Pleiku sẽ không muốn rời xa.

    Bởi Pleiku có “ma lực”. Theo tin tưởng của dân chúng địa phương, nhất là người Thượng, “ma lực” ấy chính là khí thiêng của Biển Hồ Pleiku.


    Về mặt khoa học địa chất, Biển Hồ Pleiku, người Thượng gọi là hồ Tơ Nưng (T’ Nưng), là một miệng núi lửa đã ngưng hoạt động từ hàng triệu năm trước. Nhưng người Thượng (Bahnar, Jrai) thì tin rằng xuất xứ của hồ là huyền thoại sau đây:

    Ngày xửa ngày xưa, đây là một mặt núi bằng phẳng, trù phú, nơi sinh sống của một bộ tộc lớn. Nhưng không hiểu vì thất kính với “Giàng” (Trời) sao đó, mà chỉ nội trong một đêm, toàn bộ mặt phẳng rộng hơn hai trăm héc-ta này bị sụp xuống lòng đất, chôn vùi tất cả mọi sinh linh, còn lại chỉ là một hồ nước xanh biếc. Vì thế, mặc dù cảnh sắc tuyệt đẹp và tài nguyên phong phú (thủy sản) sau này đã không có người Thượng nào dám sinh sống bên bờ hồ mà họ cho là linh thiêng ấy. Và dĩ nhiên, cũng chẳng có “Phà Ca sơn nữ” nào dám tắm chăm phần chăm ở hồ Tơ Nưng, sợ bị “Giàng” bắt!

    Nhưng không chỉ có các “Phà Ca sơn nữ” mà người Kinh nào tin vào sự linh thiêng, kỳ bí của Biển Hồ Pleiku cũng không dám tắm dưới hồ. Khi người viết đổi ra Pleiku vào cuối năm 1969, đã được nghe giai thoại kể về một người tắm ở Biển Hồ bị chết đuối mất xác. Ba ngày sau, xác nổi lên ở biển... Quy Nhơn, vì theo sự tin tưởng của nhiều người, Biển Hồ Pleiku không có đáy, mà ăn thông với biển Quy Nhơn!

    Sau này, khoa học tiến bộ, người ta sử dụng máy hồi âm định vị để đo độ sâu của Biển Hồ Pleiku thì được biết độ sâu của đáy hồ chỉ từ 12 tới 16 mét, tuy nhiên vẫn không bác bỏ được sự tin tưởng cho rằng có những hố sâu trên 60 mét.


    Còn nhớ vào khoảng cuối năm 1971 đầu 1972, một hoa tiêu khu trục của Phi Đoàn 530 “Thái Dương”, hình như là Phúc "Râu" (tức Phúc "Gandhi"), bay test một chiếc A-1 Skyraider vừa được kiểm kỳ, mới vừa cất cánh xong thì động cơ bị... tịt, phi công phải nhảy dù còn phi cơ thì đâm xuống Biển Hồ Pleiku. Sau đó người Mỹ đưa trực thăng rescue từ Camp Holloway tới thả dây xuống để dò tìm, nghe nói thả hết một cuộn dây dài 60 mét mà vẫn không thấy tông tích chiếc A-1!

    Trở lại với huyền hoại những người tắm ở Biển Hồ Pleiku bị “Giàng” bắt, chẳng biết căn cứ vào đâu, người ta đồn rằng mỗi năm “Giàng” chỉ bắt một người; năm nào không bắt được ai (vì không có người xuống tắm) thì năm sau, hoặc năm sau nữa, bắt... bù, chứ nhất định không chịu xí xóa.

    Gần đây, năm 2008, bài “Bí ẩn Biển Hồ” đăng trên báo Sức Khỏe & Đời Sống ở trong nước kể lại rằng sau 5 năm không có ai bị “Giàng” bắt, một toán học sinh 15 em đi nghỉ mát, dong thuyền trên hồ. Thế rồi mặt hồ đang phẳng lặng bỗng nổi sóng lớn, trước khi thuyền bị lật chìm, tất cả 15 em đều ôm được phao cấp cứu, nhưng vẫn có 6 em bị nhận nhìm xuống đáy hồ chết đuối: 1 em cho năm 2008 và 5 em ráp-ben cho 5 năm trước!

    Người viết còn nhớ ngày ấy, thập niên 1960-1970, không biết có phải vì sợ lây nỗi sợ của người Thượng hay không, mà người Kinh khi tới tham quan Biển Hồ Pleiku, cứ tới khoảng 5, 6 giờ chiều, là rút lui có trật tự. Riêng đám KQ đưa đào ra biển hồ để “hủ hóa”, người viết cho rằng họ về sớm không phải vì sợ “Giàng” mà sợ... vi-xi (Thượng Cộng)!

    “Núi Lin huyền”

    Nói tới Biển Hồ Pleiku mà không nhắc tới núi Hàm Rồng Pleiku là một thiếu sót không thể chấp nhận, bởi có “thủy” thì phải “sơn” mới hữu tình. Riêng với Không Quân Pleiku, Biển Hồ đáng sợ bao nhiêu thì núi Hàm Rồng lại đáng yêu bấy nhiêu.

    Trước năm 1975, ở Việt Nam, có ba địa danh địa vật nổi tiếng mang tên “Hàm Rồng”. Trước hết là cầu Hàm Rồng bắc ngang sông Mã ở Thanh Hóa, do người Pháp xây vào đầu thế kỷ 20. Từ giữa thập niên 1960, sau khi Hoa Kỳ mở rộng cuộc chiến Việt Nam ra miền Bắc, phi cơ của Hải Quân, Không Quân Hoa Kỳ đã ra sức đánh sập cây cầu chiến lược này nhưng không thành công, phần vì địa thế núi non hiểm trở, phần vì phòng không dày đặc. Phải đợi tới năm 1972, sau khi bom hướng dẫn bằng tia laser (người Việt gọi là “bom tinh khôn”) được sáng chế, Hoa Kỳ mới đánh sập được cầu Hàm Rồng.





    Thứ đến là núi Hàm Rồng ở gần thị trấn Sapa, tỉnh Lào Cai, Bắc Việt. Núi này nằm trong dãy Hoàng Liên Sơn, có hai đỉnh, đỉnh phía nam cao 1.450 mét, đỉnh phía bắc cao 1.850 mét. Đỉnh phía nam có một mỏm đá khổng lồ nhô cao giống hệt cái đầu rồng đang há miệng, cho nên núi được đặt tên là núi Hàm Rồng.


    Sau cùng là núi Hàm Rồng ở Pleiku. Khác với núi Hàm Rồng ở Sapa được đặt tên theo hình dạng của núi, tên núi Hàm Rồng ở Pleiku chỉ là cách người Kinh phiên âm từ chữ “Hơdrông” (Hd’rong) của người Thượng; mà hỏi người Thượng “Hơdrông” nghĩa là gì thì họ trả lời “nô ai-đia”!

    Núi Hàm Rồng, nằm ở phía nam đông nam Pleiku, gần quốc lộ 14, cách thành phố 11 km. Núi có hình nón cụt, cao 1.082 mét (hơn 3.000 bộ). Vì núi nằm riêng rẽ một mình chứ không dính dáng gì tới dãy Trường Sơn cho nên nổi bật trên nền trời, lại là ngọn núi gần phi trường Cù Hanh nhất, cho nên ngay từ thời người Pháp còn ở Đông Dương, núi Hàm Rồng đã trở thành điểm chuẩn cho phi cơ, từ xa xa thấy núi Hàm Rồng là biết sắp đáp Pleiku. Núi lại nằm trên trục đáp đông nam – tây bắc (hướng 11 giờ) của phi trường Cù Hanh, cho nên đã trở thành hình ảnh rất quen thuộc đối với dân phi hành.

    Tới thời Không Quân Việt Nam Cộng Hòa, núi Hàm Rồng đã được các chàng trai chuyên đi mây về gió đặt cho một cái tên khác, rất tượng hình, hơi khó nghe nhưng dễ nhớ, và... cực kỳ đáng yêu: “Núi Lờ-i-lin-huyền-l...”, mà từ đoạn này trở đi, người viết xin được gọi tắt là “núi Lin huyền”.



    “Núi Lin huyền” (Pussy Mountain) và bản doanh SĐ4BB Hoa Kỳ

    Nói là “rất tượng hình” bởi vì ở trên cao nhìn xuống, nó giống hệt “chỗ đó” của đàn bà con gái trong tư thế rất ư là cởi mở; mà một nhà văn KQ đã mô tả một cách văn huê là “trông như thung lũng tình yêu của ai đó đang tênh hênh mời gọi”!

    Không hiểu do nét quyến rũ của “thung lũng tình yêu” hay sức hút (từ trường) của “núi Lin huyền” mà nghe kể lại vào đầu thập niên 1960, một chiếc C-47 Dakota của KQVN (có tài liệu nói là của USAF) đã rớt ngay giữa cái “khe” của “núi Lin huyền”, toàn bộ phi hành đoàn tử nạn, mà có người gọi là “âm táng”!

    Từ đó về sau, các phi cơ, nhất là trực thăng, không dám bay sát xuống cái “khe” ấy nữa, sợ bị sức hút (?)

    Trở lại với cái tên gọi “núi Lin huyền”, nếu có vị độc giả nào có ý chê Không Quân VNCH thích nói tục, người viết xin thưa: ngôn ngữ của người Việt chúng ta đáng yêu và độc đáo, một phần chính là ở chỗ nhiều khi sử dụng những từ rất tục một cách tỉnh bơ, chẳng hạn “dái tai”, “dái mít”, “cà dái dê”, “con l... tiên”, “cây c... bần”, hoặc thành ngữ “dán bùa l...mèo” mà có lần người viết đã đề cập tới.

    [Nói có sách mách có chứng, Việt Nam Tự Điển của Lê Văn Đức (Khai Trí, Sài Gòn, 1970) viết: “L... mèo là chỗ đầu hồi nhà hình tam giác giáp hai mái nhà, thợ mộc khi cất nhà xong thường dán vào đó một lá bùa”]

    Có thể viết, trừ trong lúc trò truyện với người ngoài quân chủng, phải sử dụng tên gọi “núi Hàm Rồng” cho thanh tao và dễ hiểu, khi nói chuyện với nhau, dân không quân Mít đều gọi là “núi Lin huyền”. Về phía các người bạn đồng minh Hoa Kỳ cũng thế. Từ khi Sư Đoàn 4 Bộ Binh của họ tới đặt bản doanh (Camp Enari) dưới chân núi Hàm Rồng, họ đã gọi núi này là “Dragon Jaw Mountain”, hoặc ngắn gọn hơn, là “Dragon Mountain”. Nhưng riêng các nhân viên phi hành Mỹ thì đều “nhất trí” với KQVN để gọi là “Pussy Mountain”.

    Hiện nay, trên trang mạng VNAF PHOTOS section - vnafmamn.com, vẫn còn một đoạn viết về “Pussy Mountain” như sau:

    ...Some nautical miles southeast of Pleiku, there is an unofficial famous landmark called "Pussy Mountain". Most US Caribou Pilots are familiar with this mountain, because it is located right on their flight path each time they ferry supplies to Pleiku. The VNAF airmen might have a different name for this special landmark, but any gentlemen who see the mountain would totally agree with the descriptive name. Thanks all US Caribou airmen for the "sensational" photos.

    Có điều lý thú là hiện nay, trên các website quảng cáo (của Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam) cho Khu du lịch Gia Rai, trong đó có Biển Hồ và núi Hàm Rồng, cơ quan du lịch sở tại trong khi không hề nhắc tới biệt danh “núi Lin huyền” trong nội dung tiếng Việt, thì lại tận dụng hỗn danh “Pussy Mountain” trong quảng cáo bằng tiếng Anh để dụ những du khách ngoại quốc có óc tò mò, hoặc thích... cảm giác mạnh!

    Trở lại với Không Quân Pleiku cuối thập niên 1960 đầu thập niên 1970, “núi Lin huyền” không chỉ là điểm chuẩn phi hành mà còn là một hình ảnh “ấm lòng” cho các chàng phi công thời chiến mạng sống như chỉ mành treo chuông. Bay xong một phi vụ sinh tử, quay về thấy “núi Lin huyền” là biết mình còn được Thượng đế cho sống thêm một ngày, hay chính xác hơn, một đêm hạnh phúc với cô vợ xuân tình, hoặc bên người yêu bốc lửa!

    Tới đây, sau khi đã tràng giang đại hải vòng vo tam quốc, xin được bàn về cái phù hiệu của Phi Đoàn 235 “Sơn Dương”.

    Trước hết nói về ý nghĩa, Sơn Dương là “dê núi”. Tại sao lại chọn danh hiệu “dê núi”? Theo suy nghĩ của người viết, thứ nhất, vì phong thổ Pleiku rất thích hợp với dê, buôn Thượng nào cũng có bầy dê cả trăm con, nên dê là hình ảnh rất phổ biến, và tiết canh dê, tái dê, cà-ri dê, lẩu dê, dê xào lăn... đều là những món nhậu quen thuộc, ngoài Phố Núi cũng như trong khu gia binh phi trường.

    Thứ hai, quan trọng hơn, loài dê có khả năng leo trèo cao tới mức phải nhìn thấy tận mắt mới tin được.


    Sau này người viết thuyên chuyển về phi trường Biên Hòa, thỉnh thoảng rảnh rỗi cũng lên vãn cảnh chùa trên núi Bửu Long, có lần chứng kiến cảnh một con dê leo lên tận ngọn cây bông sứ cùi (người Bắc gọi là “hoa đại”) cổ thụ, cao 4, 5 mét trước sân chùa. Con dê đực này lại thuộc hàng “đại sư phụ”, chỉ cần nhìn hạ bộ của nó, các ni cô đã phải đỏ mặt nói chi tới lại gần để đuổi; cũng may lúc đó có nhiều khách thập phương đang viếng chùa và họ ra tay tống khứ dùm lão “dê cụ” thất kính.

    Dê đồng bằng mà đã leo trèo giỏi như thế, nói gì tới dê núi! Cho nên hình ảnh con dê trong phù hiệu của Phi Đoàn 235 “Sơn Dương” phải được hiểu là: bất cứ nơi nào, dù khó khăn hiểm trở tới đâu, trực thăng của phi đoàn cũng tới được.

    Thực tế sau này đã chứng minh một cách hùng hồn: trong những năm cuối cùng của cuộc chiến, khi Không Đoàn 72 Chiến Thuật đã lãnh trọn trách nhiệm ở vùng Tây Nguyên, Phi Đoàn 235 “Sơn Dương” trở nên nổi tiếng với các phi vụ đổ và bốc các toán Biệt Kích của B-14, B-15, cũng như “rescue” các phi công, các phi hành đoàn lâm nạn, “nghề” không thua gì Phi Đoàn 219 “Long Mã” (King Bee) đầy huyền thoại của thập niên 1960.

    Nhưng nếu trong phù hiệu chỉ có hình con dê mà thôi, thì làm sao mọi người biết được đây là “dê núi” (sơn dương), cho nên phải có hình một ngọn núi; và ở Pleiku thì còn ngọn núi nào nổi tiếng cho bằng “núi Lin huyền”?!

    Như đã viết ở một đoạn đầu, với những người không phải dân Pleiku hoặc không biết nhiều về Pleiku, thì cái đầu con dê và ngọn núi trong phù hiệu của Phi Đoàn 235 “Sơn Dương” hoàn toàn mang ý nghĩa lành mạnh.

    Phải là dân Không Quân Pleiku, phải từng bay qua “núi Lin huyền”, rồi nhìn hình đầu con dê, phối hợp với con số “băm lăm” trong phiên hiệu (235) của phi đoàn, người ta mới thấy hết tính cách tiếu lâm trong phù hiệu này và bái phục đầu óc cũng như tay nghề của nhà họa sĩ. Nhất là cái đầu con dê, cặp sừng dài và cong vào tới tận hai mang tai khẳng định đây là một “dê cụ” (tương tự dân bay mang “cánh có râu”), nó vừa đặt hàm râu dê lên cái “thung lũng tình yêu” vừa cười thật... đểu!


    Độc giả nào cho rằng người viết cường điệu xin hãy nhìn thật kỹ cái miệng cười của con dê. Nếu xưa nay người đời thường ca tụng nụ cười của nàng Mona Lisa trong tác phẩm để đời của danh họa Leonardo da Vinci, nụ cười trong tranh mà sống động như của người thật, thì chúng ta cũng phải nghiêng mình trước nét vẽ của nhà họa sĩ qua cái cười của con dê cụ trong phù hiệu 235 “Sơn Dương”, như thể con dê đã được nhân cách hóa, biết cười... đểu như con người!

    Tới đây, một câu hỏi được đặt ra: ai là tác giả của phù hiệu “235 Sơn Dương”?

    Theo sự hiểu biết của người viết, sau khi tất cả mọi phù hiệu các đơn vị KQ được thống nhất (năm 1970), công việc vẽ phù hiệu đơn vị các cấp được trao cho họa sĩ Thái Văn Bá (hỗn danh “Bá Láp”) còn trước đó, khi mỗi không đoàn, phi đoàn đều có phù hiệu riêng biệt, thì phù hiệu đơn vị nào thường do người của đơn vị đó đì-dai.

    Suy ra, người đầu tiên được (bị) nghi ngờ là tác giả của phù hiệu “235 Sơn Dương” phải là Thiếu tá (sau lên Trung tá) Vĩnh Quốc, vị phi đoàn trưởng tiên khởi của phi đoàn.

    Tuy nhiên, theo suy nghĩ và nhận xét của người viết, giả thuyết này không đứng vững, bởi Thiếu tá Vĩnh Quốc là một con người rất “nghiêm túc” (serious), thời gian này lại đang bù đầu với trăm công nghìn việc của một vị phi đoàn trưởng tân lập, có lẽ chẳng còn thì giờ, tâm trí để sáng tạo cái phù hiệu “dê núi” ấy.

    Nhắc tới đàn anh Vĩnh Quốc, để tránh mang tiếng không quân “ca” không quân, người viết xin phép mượn đỡ một đoạn trong bài viết “Những hồi ức từ buổi họp mặt của Khóa 16 Võ Bị lừng danh” của nhà văn quân đội Phạm Tín An ninh:

    “Trong các cuộc hành quân trực thăng vận vào các khu vực Đèo Măng Yang và các mật khu nằm phía bắc An Túc, tôi có vài dịp cùng bay trên C&C đổ quân với Trung tá Vĩnh Quốc, Phi đoàn trưởng Phi Đoàn 235 Sơn Dương (Pleiku). Ông xuất thân Khóa 16 Võ Bị. Trung tá Vĩnh Quốc là vị phi đoàn trưởng rất cẩn trọng, bình tĩnh, trong tình huống nào cũng quan tâm đến sinh mạng, không những của phi hành đoàn, mà còn cả các binh sĩ bộ binh. Ông điều động các gunship dọn bãi đáp và cover thật kỹ, trước khi cho các trực thăng (slicks) đáp xuống đổ quân. Vài trường hợp bộ binh vừa xuống đất thì chạm địch, ông luôn túc trực trên trời để hỗ trợ...”

    Vậy nếu Thiếu tá Vĩnh Quốc không phải là tác giả của phù hiệu “dê núi” thì ai là người trồng khoai đất này?!

    Câu hỏi đó, may ra thì cựu Trung tá Võ Ý, nguyên Phi đoàn trưởng Phi Đoàn Quan sát 118 Bắc Đẩu, người ở CCKQ Pleiku từ đầu mùa tới cuối mùa, mới có thể trả lời.

    Cuối cùng là một câu hỏi phụ: cái phù hiệu “dê núi” có ảnh hưởng gì tới đường tình ái của các đấng “Sơn Dương” hay không?

    Theo thiển ý, có là cái chắc! Dĩ nhiên là ảnh hưởng theo nghĩa “tích cực”.

    Cũng ông Võ Ý, trong bài “Chào mừng Hội Ái Hữu PĐ235 Sơn Dương” (tạp văn “Lý lịch dọc ngang của Thảo”, cơ sở thi văn Cội Nguồn xuất bản, 2003), đã kể lại một mối “hận” xưa giữa các đấng nam nhi của Bắc Đẩu và Sơn Dương, xin trích đăng nguyên văn đoạn chính:

    ...Bắc Đẩu mở Chiêu Anh Quán. Trong quán có người đẹp Xá Xị hoa đồng cỏ nội sôi nổi một thời. Vậy mà một sớm một chiều, Xá Xị âm thầm cuốn gói theo tiếng hú réo rắt của một Sơn Dương (lẽ ra ông Võ Ý phải viết “...theo tiếng be-he dâm dật...).


    (Ảnh minh họa)

    Bị tự ái đơn vị vặn nhéo cấu cào, tôi đã sửng cồ với mấy Bắc Đẩu Huệ Mắm, Bích Ròm, Thạch Nhí... như sau:

    Mấy vị là con gà chết! Làm ăn cái thống chế gì mà để cho Sơn Dương cuỗm mất người đẹp Xá Xị, như vậy thì làm sao mà ngẩng mặt nhìn đời?!


    Hơn 40 năm đã trôi qua, chàng Sơn Dương đa tình kia giờ này cũng đã trên dưới "bảy bó", người đẹp Xá Xị có lẽ nay đã cháu chắt đầy đàn, cái tên Chiêu Anh Quán đã chìm vào quên lãng, nhưng phù hiệu “dê núi Lin huyền” thì sống mãi trong lòng các “Sơn Dương 235”, và được các nhà sưu tập xem là một trong những phù hiệu độc đáo nhất của Không Quân Việt Nam Cộng Hòa.

    Chỉ có điều hơi đáng tiếc là không phải chàng "Vi-nép" (VNAF) nào cũng biết ngọn núi chẻ đôi trong phù hiệu “Sơn Dương 235” chính là “núi Lin huyền” ở Pleiku, và không phải nhà sưu tập quốc tế nào cũng biết đó là “Pussy Mountain” đầy huyền thoại.


    Thiên Lôi Miệt Dưới
    Melbourne

    Lý Tưởng Úc châu
    Xuân Ất Mùi 2015

  • #2
    Xin được post lại bài này thay lời chào mừng Đại Hội Trực Thăng Hải Ngoại Kỳ 3 sẽ được tổ chức vào cuối tháng 8 đầu tháng 9, 2019 tại Texas, đồng thời cũng thay lời chào kính các NT trực thăng ở Pleiku năm xưa, nay có tên trong Ban cố vấn tổ chức Đại Hội: LÊ VĂN BÚT, VĨNH QUỐC, ĐOÀN VĂN QUANG, HUỲNH HẢI HỔ, và HUỲNH VĂN BÔNG.

    Last edited by Nguyen Huu Thien; 06-29-2019, 06:17 AM.

    Comment



    Hội Quán Phi Dũng ©
    Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




    website hit counter

    Working...
    X