Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Cuộc đời và sự nghiệp tay súng bắn tỉa lừng danh mỹ

Collapse
X

Cuộc đời và sự nghiệp tay súng bắn tỉa lừng danh mỹ

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Cuộc đời và sự nghiệp tay súng bắn tỉa lừng danh mỹ

    Chris Kyle
    CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP TAY SÚNG BẮN TỈA LỪNG DANH MỸ

    Chris Kyle là tay bắn tỉa nguy hiểm nhất trong lịch sử quân đội Mỹ, ông từng hạ được 255 mục tiêu trước khi qua đời vì chính những viên đạn của nước Mỹ năm 2013.
    Những con đường trong làng Nasiriya, Iraq gần như bỏ hoang, ngoại trừ một phụ nữ cùng một đứa trẻ. Đó là những gì về sự sống mà tay bắn tỉa có thể nhìn thấy qua kính ngắm của mình.
    Khung cảnh đó xảy ra vào tháng 3/2003, vài phút trước khi một đơn vị tqlc Mỹ tiến vào làng. Nhiệm vụ của tay bắn tỉa là bảo vệ các đồng đội của mình không bị rơi vào ổ phục kích. Tay súng đó là một trong các thành viên của lực lượng biệt kích SEAL ưu tú, Hải quân Mỹ.

    Đó chính là Chris Kyle, người đang quan sát tỉ mỉ mọi động tĩnh từ một căn nhà cũ nằm ở rìa ngôi làng. Bên cạnh Kyle là trung đội trưởng, người đồng đội đang quan sát bằng ống nhòm.

    Đơn vị tqlc 10 người bắt đầu lái xe vào làng, họ bố trí đội hình và rời phương tiện di chuyển. Lúc này, người phụ nữ trong tầm ngắm của Kyle đột nhiên kéo một thứ gì đó từ dưới áo ra ngoài.

    'Cô ta mang lựu đạn', chỉ huy lên tiếng.

    Kyle vẫn nằm im. 'Bắn đi', trung đội trưởng ra lệnh.

    Kyle vẫn nằm im. Anh ta chưa bao giờ bắn hạ một phụ nữ. 'Bắn', vị chỉ huy hét lên.

    Tay bắn tỉa siết cò súng, người phụ nữ gục xuống. Thêm một viên đạn nữa phóng đi, quả lựu đạn nổ tung mà không gây thiệt hại nào.


    Sau này, khi nói về nhiệm vụ đó, Kyle chia sẻ: "Nhiệm vụ của tôi là bắn và tôi không hối tiếc. Phát súng của tôi đã cứu nhiều người Mỹ, những người mà cuộc sống rõ ràng có giá trị hơn so với linh hồn của người phụ nữ kia".

    Đó cũng chính là mục tiêu đầu tiên bị tay súng bắn tỉa này hạ bằng một khẩu súng trường tầm xa. Sau 6 năm làm nhiệm vụ bắn tỉa, Kyle được cho là đã hạ 255 mục tiêu, trong đó có hơn 160 mục tiêu đã được Lầu Năm Góc xác nhận.

    Người đàn ông với một hình xăm chữ thập đỏ trên bắp tay này từng nói điều hối tiếc lớn nhất trong cuộc đời là không thể hạ được nhiều mục tiêu hơn nữa.

    Chris Kyle ngoài đời

    Cuộc đời của Kyle đã trở thành nguồn cảm hứng cho bộ phim American Sniper -Tay bắn tỉa Mỹ mới được công chiếu tuần qua.

    Đó là một câu chuyện dài từ khi ông trở thành tay súng thiện xạ cho đến lúc bị tổn thương sau khi rời chiến trường Iraq rồi qua đời ở tuổi 38 vào năm 2013 do chính viên đạn của mình, được bắn bởi một người bạn.

    Tài năng thiên phú

    Sinh ra và lớn lên ở Texas, Kyle từng là cao bồi trước khi trở thành một biệt kích SEAL tinh nhuệ.Anh đã từng bị từ chối tham gia lực lượng này vì một tai nạn trong cuộc thi cưỡi ngựa làm Kyle gãy tay,phải đóng đinh vào xương.

    Tuy nhiên, cuối thập niên 90 , SEAL bắt đầu nới lỏng quy chế tuyển mộ và Kyle đã vượt qua được những cuộc huấn luyện gian khổ của lực lượng này. 2003, ông được đưa đến Iraq, nơi thực hiện những vụ bắn tỉa đầu tiên - trong đó có người phụ nữ mang lựu đạn - mặc dù không được đào tạo làm lính bắn tỉa.

    Với tài năng thiên bẩm, Kyle được gửi đến trường đạo tạo bắn tỉa của SEAL sau đó, nơi anh được huấn luyện nghệ thuật đen tối của công việc cô đơn và gây tranh cãi nhất của chiến tranh.

    Ở đó, Kyle được học cách sử dụng máy tính để giải các phép toán phức tạp liên quan đến khoảng cách, tốc độ gió và các yếu tố khác để đưa ra đường bắn chính xác.

    Đây là nơi anh nhận ra rằng, bóp cò chỉ là một phần rất nhỏ của bắn tỉa. Những tay súng phải biết cách quan sát, cách chờ đợi và cách bám theo mục tiêu. Mặc dù bản chất thiếu kiên nhẫn nhưng Kyle buộc phải tự thay đổi để thích hợp với nhiệm vụ của mình.

    Tuy nhiên, trong cuộc khảo sát sau khóa học, Kyle đã khiến giảng viên ngạc nhiên về kết quả tồi tệ của mình. Sau đó, vấn đề được giải quyết với một giải pháp rất đơn giản là nhai thuốc lá. Kyle cho biết, việc vừa nhai thuốc lá vừa ngắm bắn khiến anh bình tĩnh và chính xác hơn rất nhiều.

    2004, anh được đưa đến Fallujah, khu vực hoạt động chính của lực lượng nổi dậy tại Iraq thời điểm đó. Đây cũng chính là nơi Kyle để lại thành tích của mình, trong một buổi chiều, bằng việc quan sát từ nóc một tòa nhà anh hạ được 3 phiến quân trong khi đồng đội đi kèm hạ được 2.

    Cú xuyên táo của 'Quỷ'
    Tay súng cho rằng, việc lựa chọn các mục tiêu phải được thực hiện với sự lạnh lùng nhất . Mặc dù công việc bắn tỉa được cho là nhàm chán và nguy hiểm (dễ bỏ mạng nếu bị phát giác) nhưng với Kyle, anh cho rằng sau khi đã hạ được mục tiêu đầu tiên, các nhiệm vụ tiếp theo khá dễ dàng.

    Trong một vụ khác, 16 phiến quân chia đều trên 4 chiếc phao bơi qua sông. Thay vì bắn vào các phiến quân, Kyle lần lượt bắn nổ từng chiếc phao, một số chết đuối, một số đánh nhau để giành phao và bị hạ bởi một nhóm tqlc gần đó.

    Sau Fallujah, Kyle được chuyển đến Baghdad với hàng loạt cú bắn quan trọng khác. Anh đã nhanh chóng hạ gục kẻ bắt cóc con tin chỉ bằng một viên đạn và giải thoát cho cậu bé chỉ vài giây trước đó còn bị khống chế.


    Tuy nhiên, địa điểm tạo nên danh tiếng của Kyle chính là Ramadi, miền Trung Iraq, nơi anh được điều động đến năm 2006. Ở đây, anh được các đồng đội trong biệt kích SEAL gọi là 'Huyền thoại' trong khi phiến quân Iraq đặt cho anh cái tên 'Con quỷ của Ramadi'.
    Một ngày nọ, khi đang quan sát đường phố từ mái nhà, Kyle phát giác 2 người đàn ông chở nhau trên chiếc xe gắn máy có dấu hiệu khả nghi. Khi băng qua một ổ gà, một trong số họ nhanh chóng thả thiết bị nổ tự chế trong ba lô xuống đó.

    Không ngần ngại, Kyle nhanh chóng nổ súng và viên đạn của anh bay từ khoảng cách 140m, xuyên qua 2 phiến quân. Đây là cú bắn khiến phiến quân trong vùng gọi anh là quỷ và thậm chí còn làm poster truy nã tay bắn tỉa này.

    Kỷ lục về khoảng cách

    Sau những ngày làm nhiệm vụ ở Ramadi, Kyle được điều động về Sadr, nơi anh tạo ra một kỷ lục trong sự nghiệp quân ngũ của mình.

    Sau khi nhận một căn nhà như địa điểm quan sát, Kyle bắt đầu phóng tầm mắt ra xung quanh qua ống nhòm của súng. Anh dừng lại ở một nóc nhà cách mình khoảng 2.100m mặc dù chưa thể xác nhận đó có phải là mối đe dọa hay không.

    Tuy nhiên, khi một đoàn xe Mỹ bắt đầu di chuyển gần ngôi nhà đó, một phiến quân Iraq bắt đầu đứng dậy với giàn phóng rocket trên tay. Không thể báo động cho đoàn xe, Kyle lựa chọn phương án nổ súng và điều kỳ diệu đã xảy ra khi mục tiêu cách anh hơn 2km ngã xuống.

    Quãng đời quân ngũ của Kyle dừng lại năm 2009, sau khi nhận được 3 huân chương Sao bạc cho lòng dũng cảm vì những gì đã cống hiến cho quân đội Mỹ.

    Cái chết của vị anh hùng
    Ngày 2/2/2013, Kyle qua đời theo đúng cách mà anh đã lấy mạng của 255 mục tiêu trước đó của mình. Ngày hôm đó, tại trường bắn ở Texas, cựu tqlc Eddie Ray Routh đã bắn chết 2 người đồng đội là Kyle Chad Littlefield.



    Nguyên nhân vụ nổ súng vẫn chưa được làm rõ nhưng nhiều người cho Routh nổ súng vì stress sau khi bị thương. Thực tế, Kyle và Littlefield đã đưa đồng đội đến trường bắn như một giải pháp điều trị căng thẳng và đưa cho anh ta súng của họ.

    Sau này, Routh có nói với chị gái của mình rằng anh ta nhằm vào Kyle và nổ súng vì muốn chiếc xe tải của tay súng bắn tỉa này.

    Áp lực lớn nhất đối với một tay súng bắn tỉa chính là nhìn mục tiêu bị hạ gục bởi viên đạn từ nòng súng của mình. Họ thường phải nghĩ tới số người được cứu hơn những người bị hạ.

    Trước mỗi lần xiết cò, lính bắn tỉa thường phải xem xét nhiều thứ, bao gồm vận tốc gió, khoảng cách tới mục tiêu hay vị trí ẩn nấp. Vì vậy, họ thường làm nhiệm vụ theo cặp, bao gồm xạ thủ và hoa tiêu. Cả đội phải bí mật tiến tới vị trí thuận lợi để hạ mục tiêu. Họ cũng phải ngụy trang để hòa mình vào môi trường, ngăn kẻ địch phát hiện.

    Thông thường, mục tiêu của lính bắn tỉa Mỹ là sĩ quan, chuyên viên hoặc những nhân vật có ảnh hưởng của đối phương. Ngoài ra, họ cũng đảm trách nhiệm vụ phá hủy cơ sở vật chất của kẻ địch như radar, máy phát điện, máy nước hoặc phá hủy các loại khí tài quân sự như xe cộ, máy bay. Tuy nhiên, lính bắn tỉa có thể phải nằm bất động nhiều giờ, thậm chí nhiều ngày để có cơ hội thực hiện cú bắn hoàn hảo.

    Quân đội Mỹ khẳng định, lính bắn tỉa hoạt động theo cặp sẽ mang lại hiệu quả cao hơn so với một tay súng đơn độc. Hai người giúp phạm vi quan sát rộng hơn, ngụy trang tốt hơn và tạo ra cơ hội rút lui an toàn hơn. Khả năng tiêu diệt mục tiêu của họ cũng lớn hơn một tay súng đơn độc.

    Hoa tiêu cần nhìn thấu không trung để nhận thấy sự biến dạng của các dòng khí. Họ xác định vận tốc và hướng gió thổi nhằm hạn chế đến mức tối thiểu tác động của điều kiện tự nhiên tới viên đạn. Hoa tiêu cũng cần đảm bảo kẻ địch không nhìn thấy khói thoát ra từ nòng súng sau mỗi lần bắn. Trong trường hợp vị trí của đội bắn tỉa bị lộ, họ sẽ sử dụng súng trường tấn công mang theo bên mình như M16 hoặc M4 để đáp trả kẻ địch.

    Để đáp ứng yêu cầu hạ gục mục tiêu trong một phát đạn duy nhất, lính bắn tỉa phải chọn những khẩu súng uy lực, có tầm bắn xa. Những khẩu súng bắn tỉa được ưa thích thường phải lên đạn sau mỗi lần bắn. Ngoài ra, xạ thủ chỉ gắn bó với một hoặc một vài khẩu súng mà họ quen thuộc. Lính bắn tỉa cũng cần lựa chọn thiết bị ngắm phù hợp cho từng nhiệm vụ.

    Kính ngắm quang học có khả năng phóng đại mục tiêu lên khoảng 10 lần. Chúng được thiết kế để tùy chỉnh phạm vi và sức gió, giúp xạ thủ sử dụng hiệu quả nhất. Kính ngắm không phản chiếu ánh nắng mặt trời, giúp vị trí ẩn nấp của xạ thủ không bị lộ.

    Lính bắn tỉa có những bộ đồ ngụy trang riêng với từng môi trường chiến đấu. Tuy nhiên, họ vẫn phải hóa trang để nó giống với môi trường xung quanh. Họ cũng được học kỹ năng ngụy trang từ những vật liệu sẵn có trong tự nhiên nhằm hạn chế khả năng bị phát hiện.

    Để duy trì khả năng bách phát bách trúng, lính bắn tỉa phải rèn luyện thường xuyên ngoài xạ trường. Rèn luyện thể thao và kỹ năng chiến đấu để tự quyết định số phận của bản thân.

    Quân đội Mỹ có những trường đào tạo bắn tỉa quy mô để luyện những tay súng hàng đầu. Họ tiến hành chọn lọc các ứng viên qua từng giai đoạn huấn luyện nhằm chọn ra những người ưu tú nhất.

    Để rèn luyện kỹ năng trinh sát, lính bắn tỉa và hoa tiêu cần học cách mô tả đồ vật mà không được gọi tên. Mỗi người được nhìn thấy các đồ vật trong 1 phút vào buổi sáng. Sau một ngày huấn luyện, chỉ huy yêu cầu họ mô tả những gì nhìn thấy. Nếu nhìn thấy một chiếc kẹp giấy, ứng viên phải mô tả nó là “dây kim loại màu bạc, uốn cong hình bầu dục ở hai đầu”.

    Nhiều lính bắn tỉa Mỹ khẳng định, điều kiện tác chiến bên ngoài dễ hơn nhiều các bài tập trong trường đào tạo. Tuy nhiên, huấn luyện khắt khe giúp họ học được những kỹ năng tác chiến hoàn hảo, giúp tăng cơ hội hoàn thành nhiệm vụ và rút lui an toàn ngoài chiến địa.


    Nguồn: tka23 post/ Người chuyển: Nguyễn H Điền


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X