Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Về Miền Tây, vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Collapse
X

Về Miền Tây, vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Về Miền Tây, vùng đồng bằng sông Cửu Long.

    PHẦN KẾT:VỀ MIỀN TÂY, VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG.
    Tác giả:Nguyễn Văn Dưỡng



    Trại Lê Lợi, Cần Thơ- Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn IV- Quân Khu 4

    Tháng 8 hay 9, năm 1974, tôi không nhớ rõ, Đại Tá Lê Nguyên Vỹ được bổ nhậm vào chức vụ Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh thay thế Chuẩn Tướng Trần Quốc Lịch thuyên chuyển về làm Chánh Thanh Tra Quân Đoàn IV và Vùng 4 Chiến Thuật. Đại Tá Lê Nguyên Vỹ có cơ hội này là vì Trung Tướng Phạm Quốc Thuần đã thay thế Trung Tướng Nguyễn Văn Minh ở chức vụ Tư Lệnh Quân Đoàn III và Vùng 3 Chiến Thuật. Tướng Phạm Quốc Thuần trước là Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh, khi đó ông Lê Nguyên Vỹ là Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 8. Tôi biết đã đến lúc nên xin trở lại Phòng 2 Bộ Tổng Tham Mưu, vì từ đó tôi thuyển chuyển ra Sư Đoàn 22 Bộ Binh đầu năm 1969, rồi về Phòng 2 Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn III và Vùng 3 Chiến Thuật và Sư Đoàn 5 Bộ Binh. Đã hơn 5 năm rồi. Gian truân cũng lắm, hứng đạn pháo cũng nhiều. Tôi xin trở về Phòng 2 Bộ Tổng Tham Mưu và được chấp thuận.

    Đến cuối năm 1974, Phòng 2 Bộ Tổng Tham Mưu nhận thấy tình hình bất ổn càng ngày càng trầm trọng từ sau ngày ‘’Hiệp ước Đình Chiến Paris tháng Giêng 1973’’, được thi hành mà hầu hết các điều khoản đều cho thấy rõ rệt thực chất của một bản hiệp…đầu hàng này của Nixon và Kissinger trước cộng sản Bắc Việt mà hầu hết các nhà chính trị hiểu biết thế giới đều gọi như vậy…nên Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã đánh giặc một mình theo lối nhà nghèo như Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu nói. Tình trạng càng ngày càng nguy cấp thêm và người chiến sĩ miền Nam đã xả thân đánh giặc với vũ khí, chiến cụ, trang bị cũ kỹ và số đạn dược quá ít oi còn lại…ở tất cả các Binh Chủng Hải, Lục, Không Quân trong các Vùng Chiến Thuật. Đại lược, với hiệp ước đầu hàng này, Hoa Kỳ không phải ‘’rút ra khỏi Nam Việt Nam trong danh dự’’ mà mà ngược lại vì…khi ký hiệp ước trên Kissinger biết mình đã chịu thua Lê đức Thọ của Bắc Việt rồi. Theo đó thì Hoa Kỳ phải rút toàn bộ quân tác chiến ra khỏi Nam Việt Nam trong những ngày giờ ấn định, kể cả toàn bộ cố vấn trong mọi cơ quan và đơn vị của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, chỉ để lại một số chuyên viên kỹ thuật và nhân viên Tòa Đại Sứ và các Lãnh Sự Quán. Bộ Tư Lệnh Viên Trợ MACV to lớn giải thể, gom lại thành một tổ chức nhỏ gọi là D.A.O., hay DAO (Defense Attaché Office hay là Phòng Tùy Biên Quốc Phòng, do một Tướng hai sao Hoa Kỳ chỉ huy phụ trách liên lạc và yểm trợ Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa).

    Ở các Vùng Chiến Thuật các tổ chức viện trợ và yểm trợ quân sự lớn trong hệ thống của MACV như FRAC, SRAC, TRAC và DRAC (First Regional Assistance Commmand, Second Regional Assistance Command, Third Regional Assistance Command & Delta Regional Assistance Command, Hoa Kỳ gọi Vùng 4 Chiến Thuật là Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long) cũng giải thể. Mọi hoạt động yểm trợ cũng gom về Tòa Lãnh Sự ở thủ phủ của các Vùng Chiến Thuật.
    Toàn thể đạo quân rất lớn của cộng sản Bắc Việt từ trước đánh phá trong lãnh thổ miền Nam vẫn được Nixon-Kissinger chịu để cho trú đóng các vùng chúng chiếm được ở miền Nam, dĩ nhiên kể cả lãnh thổ Lào và Kampuchia…Chính thức, Hoa Kỳ ước tính cố ý hạn chế đến mức thấp vừa phải để ép buộc Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu của Nam Việt Nam chấp nhận ký hiệp ước là chừng 150.000 quân tác chiến cộng sản Bắc Việt ở lại miền Nam. Nhưng trên thực tế phải trên 250.000 người vì những đơn vị tác chiến, hậu cần và công binh ở Lào, Miên đang hoạt động ráo riết trên đường mòn Hồ chí Minh, lúc đó đã trở thành Đại Lộ Sullivan (xin xem ‘’The Tragedy of the Vietnam War’’ để biết rõ chi tiết về các việc đề cập trên và chi tiết về Chiến Tranh Việt Nam trên các mặt chính trị, quân sự, kinh tế và xã hội trước, trong và sau khi chiến tranh kết thúc). Với hiệp ước đó, Không Lực Hoa Kỳ đã chấm dứt mọi hoạt động trên hệ thống tiếp vận khổng lồ này, kể cả không thám, không kích bằng các loại bom CBU hay B-52. Do đó, chẳng những cộng sản Bắc Việt tu bổ rộng lớn Đường Trường Sơn Tây bên kia dãy Trường Sơn trong lãnh thổ Lào và Miên, mà chúng còn mở thêm con đường mới bằng cách mở rộng Quốc Lộ 14 từ phía Tây Cam Lộ, Quảng Trị vào tận Đôn Luân, Tỉnh Phước Long…sau khi chúng đã đánh chiếm xong tỉnh này trong tháng 1.1974. Chúng gọi con đường mới kiến thiết này là Đường Trường Sơn Đông. Trong khi chúng sử dụng hàng nghìn chuyến xe Molotova đêm ngày vận chuyển tự do trên Đường Trường Sơn Tây đưa hàng nghìn tấn vũ khí, quân dụng và đạn dược vào miền Nam để chuẩn bị một chiến dịch lớn nhất ‘’giải phóng’’ toàn bộ miền Nam thì Đường Trường Sơn Đông sau này dẫn đến trận chiến Ban Mê Thuột, từ đó…Tổng Thống Thiệu quyết định bỏ Cao Nguyên miền Trung mà gây thảm họa cho miền Nam sớm hơn là bộ chính trị đảng cộng sản Việt Nam dự phóng. Nhưng thảm họa sẽ không thể có nếu Hoa Kỳ không thực sự muốn bỏ rơi Nam Việt Nam mà với các điều khoản khác trong Hiệp Ước Paris tháng Giêng, 1973 cũng nói rõ ràng. Đó là các điều khoản Hoa Kỳ phải thu vét lại hệ thống mìn phong tỏa Cảng Hải Phòng mà Hải Quân Hoa Kỳ đã thiết lập phong tỏa Cảng này trong cuối năm 1972, theo lệnh Tổng Thống Nixon…cùng một lúc với lệnh không tập dữ dội…Bắc Việt, bất kể Hà Nội, Hải Phòng và các tuyến đường xe lửa vận chuyển vũ khí, thiết bị chiến tranh nặng, của Trung Cộng tiếp tế cho quân cộng sản Bắc Việt từ biên giới Trung Quốc vào Yên Bái và Việt Trì…để trả đũa chiến dịch mùa Hè năm 1972 của cộng sản Bắc Việt tấn công miền Nam.

    Điều khoản giải tỏa Vịnh Bắc Việt và Cảng Hải Phòng có nghĩa là chấp thuận để cho cộng sản Bắc Việt tái tiếp nhận hàng trăm tấn trang thiết bị chiến tranh…tank, đại bác, các loại vũ khí tối tân nhất và đạn dược Liên Xô, do hai hạm đội gồm 150 chiếc tàu vận tải loại lớn từ hai Quân Cảng Odessy và Vladivostok thay phiên nhau cập bến cảng Hải Phòng hàng ngày…cũng như điều khoản ‘’không được tái tấn công quân sự vào Bắc Việt, Lào và Kampuchia bằng bộ binh, không quân hay hải quân’’…nên hai tuyến xe lửa từ Trung Quốc sang Hà Nội càng hoạt động liên tục hơn, không còn hạn chế tiếp vận thiết bị chiến tranh của cộng sản Trung Quốc cho Bắc Việt. cộng sản Bắc Việt tái tiếp nhận hàng trăm tấn vũ khí đạn dược tiếp viện từ kẻ thù phương Bắc. Cùng với việc tổng động viên thanh niên từ 16 tuổi trở lên và với khối thiết bị chiến tranh khổng lồ nhận được liên tục, quân đội nhân dân cộng sản Bắc Việt trở thành một quân đội mạnh vào hàng thứ tư thế giới, chỉ sau hai nước cộng sản quan-thầy nói trên và Hoa Kỳ. Trong khi đó thì Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa chỉ…được một điều khoản khác của Hiệp Ước đó cho phép thay thế ‘’một đổi một’’, nghĩa là Hoa Kỳ sẽ thay thế một một chiến xa, một khẩu đại bác hay các loại súng khác hư không xài được…bằng một chiếc hay một khẩu khác. Cho nên tại chiến trường chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã chịu đựng trăm bề…bất lợi, thua thiệt. Đạn đại bác lúc trước bắn không hạn chế, sau Hiệp Ước Paris-1973, một khẩu đại bác 155 ly hay 105 ly chỉ được phép bắn 3 quả đạn mỗi ngày và sau cùng chỉ 1 quả mỗi ngày…Còn quân cộng sản Bắc Việt thì sao ? Chúng xài thả ga…vì các quan thầy của chúng cho phép mà. Thêm nữa, và quan trọng hơn là Viện Trợ Quân Sự cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã bị Hoa Kỳ cắt giảm quá mức so với các năm trước. Chiến tranh sau hiệp ước đầu hàng của Hoa Kỳ này càng gia tăng dữ dội hơn ở Nam Việt Nam. Chúng sử dụng vũ khí tối tân hơn, đại dược nhiều hơn và chiến sĩ của chúng ta đã hy sinh nhiều hơn…nhất là ở vùng hỏa tuyến và dọc theo biên giới Việt Nam với Lào, Miên.

    Trước hoàn cành đó, nhất là sau khi quân cộng sản Bắc Việt chiếm được Tỉnh Phước Long trong tháng 1.1.1974, vi phạm trầm trọng Hiệp Ước Paris-1.1973 và Hoa Kỳ làm ngơ, mặc dù chính phủ Ford đề nghị Quốc Hội Hoa Kỳ cấp cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa ngân khoản viện trợ đặc biệt 300 triệu Mỹ Kim cũng bị…từ chối sau cả năm bàn cãi. Các tháng cuối của năm 1974 cộng sản Bắc Việt định cắt đôi Nam Việt Nam ở phía Nam Đà Nẵng với việc đánh chiếm các Quận Nông Sơn, Đức Dục và Thường Đức, Tỉnh Quảng Nam, và định tiến ra đánh chiếm Hội An thì bị chận đứng ở phía Tây Quận Đại Lộc. Sư Đoàn Nhẩy Dù của Tướng Lê Quang Lưỡng được Tướng Ngô Quang Trưởng Tư Lệnh Quân Đoàn I và Vùng 1 Chiến Thuật rút từ Quảng Trị vào đã đánh nhau dữ dội với các sư đoàn 304 và 308 cộng sản Bắc Việt ở vùng núi phía Bắc Thường Đức, nhất là ở vùng đồi 1062, từ tháng 8 đến tháng 12, năm 1974, mà Washington tiếp tục làm ngơ. Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và chính phủ của ông biết rõ hơn Hoa Kỳ đã bỏ rơi miền Nam. Phòng 2 Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa cũng đã nhiều lần báo cáo những âm mưu chiến lược của cộng sản Bắc Việt là sẽ có trận Tổng Công Kích của quân cộng sản Việt Nam trong mùa Xuân năm 1975…Hai sĩ quan cấp bậc Đại Tá được Đại Tá Hoàng Ngọc Lung, Trưởng Phòng 2 Bộ Tổng Tham Mưu đưa đến Quân Đoàn I và Vùng 1 Chiến Thuật và Quân Đoàn II và Vùng 2 Chiến Thuật đặt cạnh Phòng 2 Bộ Tư Lệnh của các vùng chiến thuật này, để làm sĩ quan liên lạc. Riêng tôi, lúc ấy đang biệt phái cho một đoàn tình báo thuộc Đơn Vị 101, được đưa làm sĩ quan liên lạc của Phòng 2 Bộ Tổng Tham Mưu cạnh Phòng 2 Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn IV và Vùng 4 Chiến Thuật. Nhiệm vụ của các sĩ quan liên lạc Phòng 2 Bộ Tổng Tham Mưu là giúp theo dõi và chuyển tin tức chiến sự, địch tình, từ vùng này sang vùng khác, từ địa phương về trung ương và ngược lại.

    Lúc đó, Tướng Lê Văn Hưng đã được Tướng Nguyễn Khoa Nam đưa về làm Tư Lệnh Phó Quân Đoàn IV và Vùng 4 Chiến Thuật. Trước đó, Tướng Hưng khi đang làm Phụ Tá Hành Quân cho Tướng Nguyễn Văn Minh ở Quân Đoàn III và Vùng 3 Chiến Thuật khoảng tháng 7 hay 8.1972, Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi được bổ nhậm làm Tư Lệnh Quân Đoàn IV và Vùng 4 Chiến Thuật (thay thế Trung Tướng Ngô Quang Trưởng ra Đà Nẵng nắm quyền Tư Lệnh Quân Đoàn I và Vùng 1 Chiến Thuật thế Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm để mở cuộc phản công tái chiếm Quảng Trị sau trận Mùa Hè năm đó) đã đề nghị đưa ông về làm Tư Lệnh Sư Đoàn 21 Bộ Binh. Khi Tướng Nguyễn Khoa Nam về thế Tướng Nghi, đưa Tướng Hưng lên Cần Thơ làm Tư Lệnh Phó, trở thành nhân vật quân sự thứ nhì ở miền Tây, tức là cả vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Trong âm thầm tôi biết rằng Tướng Hưng được hai Tướng Nghi và Nam hiểu tài, quý trọng, nhưng chiến dịch bôi biếm ông ta trước đó, đã được đưa trình đến những cấp lãnh đạo cao hơn cấp tư lệnh quân đoàn và vùng chiến thuật từ lâu rồi….

    Khi đến Cần Thơ sau khi gặp Trưởng Phòng 2 Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn IV và Vùng 4 Chiến Thuật tôi đến Văn Phòng Tư Lệnh Phó, trình diện Tướng Hưng. Ông bắt tay mừng rỡ và hỏi tôi xuống Cần Thơ làm gì…Tôi nói nhiệm vụ mới của tôi. Ông hỏi tôi…ở đâu ? Tôi trả lời: ‘’Xin nhờ anh lo cho…’’ Ông nói: ‘’Đến ở nhà tôi.’’ Tôi chỉ có cái rương sắt màu xanh từ thuở học trò, đựng mấy bộ quân phục, thường phục và mấy quyển sách, thêm một cặp vợt tennis. Từ cuối năm 1974, tôi ở trong tư dinh của Tướng Hưng, Chị Hoàng phu nhân của Hưng lại…đãi cơm cho tôi hằng ngày. Trên bàn cơm chỉ có hai vợ chồng ông và tôi. Việc làm không có gì, sáng chiều vào Phòng 2 gọi hotline về Phòng 2 Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa hỏi tin tức quan trọng ở các vùng chiến thuật khác trình Tướng Hưng. Chiến sự có gia tăng ở khắp nơi, nhưng nhiệm vụ của tôi chỉ có vậy. Khi nào cần thiết lắm và nếu Tướng Hưng muốn biết những tin tức quan trọng ban đêm, tôi dùng hotline trong phòng hành quân ở tư dinh Tướng Hưng hỏi Sài Gòn. Miền Tây tình hình yên ả hơn, nên tôi vẫn có thì giờ đánh tennis đôi ba buổi chiều trong tuần. Ngày Chúa Nhật thường xoa mạt chược ở nhà ông Chánh Án Đỗ Nam Kỳ, mà tôi quen biết được ở sân Tennis Ngọc Lợi. Ông Chánh Án Cần Thơ người Bắc nhưng tên…Nam. Những ngày như vậy, không ăn cơm, thì nhờ Trung Úy Tùng hoặc Trung Úy Anh, các Sĩ Quan Tùy Viên của Tướng Hưng, thưa lại với chị Hoàng. Ông bà Hưng có hai con, một trai chừng 6 tuổi và một gái 2 tuổi, bà ngoại các bé lo chăm sóc, phụ với Chị Hoàng.
    Ông Hưng để tôi hoàn toàn tự do. Ăn, ở, hay đi chơi đâu đó mặc ý, không bao giờ hỏi. Khi nào buổi chiều ăn cơm ở…nhà, trời sập tối sau khi cơm nước xong, ông và tôi thường ra trước nhà, ngồi nhìn qua bên kia đường là một công viên trống trơn hình tam giác khá dài, mũi nhọn hướng về ‘’bến bắc’’ Cần Thơ. Những buổi đó thường nói chuyện chiến sự…lẫn tình người. Những câu hỏi và câu trả lời đều ngắn gọn như lối đối thoại giữa ông và tôi. Nhưng mỗi câu đều có ý nghĩa nào đó, mang nhiều suy tư vì thường không có những giải đáp rõ ràng. Thí dụ như, hỏi: ‘’Sao tụi nó đánh Thường Đức, Đại Lộc ? Định cắt đôi miền Nam, cô lập Đà Nẵng hả ?’’ Trả lời: ‘’Không! Không hẳn! Nếu nó chiếm Hội An, mình sẽ mất Đà Nẵng, Huế, Quảng Trị. Nếu Mỹ nín…tụi nó đánh bứt luôn Quốc Lộ 19.’’ Hỏi: ‘’Rồi sao ?..’’ Trả lời: ‘’Đánh hết phía Bắc Nha Trang, đưa chính phủ lâm thời miền Nam Việt Nam vào lãnh thổ chiếm được, lập…nước…trái độn trung lập.’’ Tiếp: ‘’Nhưng Tướng Lưỡng đánh tụi nó lui rồi…’’ Trả lời: ‘’Thì thôi. Mai mốt đánh nữa! Nhưng không có ông Trưởng, ông Lưỡng đánh giỏi, mình mất miền Trung thì…đỡ cho miền Nam hơn!’’ Câu hỏi cuối: ‘’Sao vậy ?…Không có câu trả lời…Than: ‘’Mình không thiếu người tài, anh hùng!’’
    Tướng Hưng nói câu này tất nhiên là ông thừa nhận tài dùng binh của Tướng Ngô Quang Trưởng, Tư Lệnh Quân Đoàn I và Vùng 1 Chiến Thuật và Tướng Lê Quang Lưỡng, Tư Lệnh Sư Đoàn Nhẩy Dù, đã cứu nguy cho ông và giúp ông giữ An Lộc. Nhưng ông có biết ông cũng là một trong những người tài, anh hùng đó không ?
    Cũng tại Tư Dinh Tướng Hưng, một buổi tối tôi gặp lại Đại Tá Mạch văn Trường. Tướng Hưng mời ông Mạch Văn Trường ăn cơm tối, mừng ông này vừa được bổ nhậm chức vụ Tư Lệnh Sư Đoàn 21 Bộ Binh. Từ khi xuống Cần Thơ, tôi được biết nhiều hơn về ông này vì…‘’tiếng tốt đồn xa…tiếng xấu…đồn xa.’’ Người ta nói rằng Đại Tá Mạch Văn Trường, khi làm Tỉnh Trưởng Long Khánh, bị Giám Sát Viện điều tra về tội tham nhũng và hối mại quyền thế, với đề nghị ngưng chức, phạt trọng cấm, cấm chỉ huy trong 5 năm và giáng cấp. Trong khi chờ đợi ra Tòa Án Quân Sự ông thuyên chuyển về làm Trưởng Phòng Thanh Tra Sư Đoàn 21 Bộ Binh. Bỗng nhiên, cả Tướng Tá vùng Đồng bằng Sông Cửu Long kinh ngạc vì…lệnh từ Sài Gòn xuống phong cho ông Mạch Văn Trường làm Tư Lệnh Sư Đoàn 21 Bộ Binh, qua mặt hàng chục Đại Tá kỳ cựu, kể cả Đại Tá Nguyễn Văn Kiểm đang là quyền Tư Lệnh Sư Đoàn này và Đại Tá Lâm Chánh Ngôn, Tham Mưu Trưởng, từng là cấp chỉ huy trực tiếp của Mạch Văn Trường. Người ta cũng nói là ông Mạch Văn Trường đã có…vấn đề với quan thầy cũ, Tướng Nguyễn Văn Minh, lúc đó đã về làm Tư Lệnh Quân Khu Thủ Đô thế cho Phó Đô Đốc Chung Tấn Cang trở lại làm Tư Lệnh Hải Quân. Ông Mạch Văn Trường đang có các quan thầy mới nắm quyền hạn và vận mệnh quốc gia và quân đội…nên đề nghị của Giám Sát Viện đã bị vất vào sọt rác.

    Đêm đó, ở Tư Dinh Tướng Hưng, sau buổi cơm ông Hưng đi nghỉ, ông Mạch Văn Trường ở lại cùng tôi chuyện trò ở cái băng ngồi trước dinh ngó ra công viên mũi tàu, tôi chưa hỏi thì ông Mạch Văn Trường đã nói: ‘’Tôi biết khi ở trường học anh là học trò giỏi nhưng vào quân đội anh trung thực quá nên không tiến xa được. Phải có ông thầy, bà cô.’’ Và ông tự động nói vì sao ông…chinh phục được Tướng Minh lúc trước và các ông…tướng cầm quyền lúc đó. Ông nói trong tử vi, thân và mệnh của ông ‘’không có sao chính, nhưng ba vì sao mang chữ ‘’không’’ đều đắc địa, sách nói là ‘’thân mệnh đồng cung vô chính diện’’ nhưng được cách ‘’đắc tam không’’ và vì vậy nên ông sẽ lên Tướng không bao lâu nữa. Quả thực chỉ mấy tuần sau ông được phong Tướng. Tôi khen ngợi ông là người có chí lớn và thực hiện được mộng làm Tướng mà lúc trước, khi còn ở Sư Đoàn 5 Bộ Binh, lúc nào ông cũng cầm quyển sách ‘’Học Làm Tướng’’ (không rõ tác giả) trong tay mỗi khi tôi gặp ông. Tôi tin tưởng rằng nếu chế độ Cộng Hòa miền Nam còn tồn tại, chỉ vài năm sau ông Mạch Văn Trường sẽ thăng đến cấp Tướng hai ba sao hay giữ chức vụ cao trong chính phủ và quân đội, tổng trưởng hay tư lệnh quân đoàn, vùng chiến thuật. Còn Tướng Hưng và cả Tướng Lưỡng đã bị các sao lớn Tử Vi, Tham Lang và Phá Quân án mất bóng rồi. Các ông đã bị ‘’triệt’’ rồi… Tướng Hưng không biết có biết hay không…nhưng Tướng Lưỡng đã biết. Sau này định cư ở Hoa Kỳ, khi ông còn sinh tiền, tôi hân hạnh được điện đàm nhiều lần với ông, một lần ông nói rõ vì sao lúc đó ông bị bạc đãi và nghi ngờ…tuy vẫn được sử dụng vì chưa…có người thay thế. Các Tướng trẻ lúc đó đang được tín cẩn là các ông Lân, Đảo, Nhựt, Vỹ và Trường.

    Thời điểm đó là sau khi quân cộng sản Bắc Việt vừa đánh chiếm Ban Mê Thuột, Tướng Hưng và tôi mấy đêm liền bàn về việc tại sao chúng tấn công Ban Mê Thuột và nghĩ rằng cộng sản Bắc Việt thực hiện chủ trương mà tôi đã trình bày cùng ông lần trước là chúng tấn công suốt dọc Quốc Lộ 19 từ Ban Mê Thuột xuống tận Ninh Hòa ra bờ duyên hải và lập chính phủ lâm thời miền Nam Việt Nam thành một quốc gia trái độn từ phía Bắc Nha Trang trở ra đến Bến Hải. Nhưng…không phải. Có thể là chúng làm chưa xong con đường Trường Sơn Đông vì bị nghẽn ở Quận Đức Lập, Tỉnh Quảng Đức, làm trở ngại cho việc việc chuyển quân từ Khe Sanh vào Phước Long và Lộc Ninh là vùng tập trung gần nhất để đánh thẳng vào Sài Gòn…vì vậy chúng tấn công Ban Mê Thuột, chiếm Tỉnh Quảng Đức như đã chiếm Tỉnh Phước Long đầu năm 1974 theo như ước tính của Đại Tá Trịnh Tiếu, Trưởng Phòng 2 Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II và Vùng 2 Chiến Thuật. Tình hình tiến triển quá nhanh làm cho tất cả mọi người ngạc nhiên và bỡ ngỡ, vì những quyết định của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, kể cả cộng sản Bắc Việt…vì chúng dự trù sẽ giải phóng…được miền Nam ít nhất là đến năm 1977, kể cả Hoa Kỳ…vì hình như chưa đủ thời điểm…Kissinger dự trù mất miền Nam mà Hoa Kỳ không mang tiếng phản bội bỏ rơi miền Nam mà sau này một sĩ quan CIA từng làm việc ở Sài Gòn, Frank Snepp, gọi là ‘’decent interval’’, khoảng cách thích nghi. Gom lại là chuyện Tổng Thống Thiệu ra lệnh bỏ Vùng 2 Chiến Thuật và Vùng 1 Chiến Thuật. Thôi thì về các quyết định này và hậu quả ra sao ai cũng biết rồi, tưởng không nên nhắc lại ở đây.

    Từ ngày 20 tháng 4.1975, Tướng Hưng muốn cho tôi về Sài Gòn tìm hiểu thực rõ ràng tình hình chính trị và quân sự sau khi Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi Tư Lệnh Bộ Tư Lệnh Hành Quân Quân Đoàn III và Vùng 3 Chiến Thuật và Tướng Phạm Ngọc Sang, Tư Lệnh Sư Đoàn 6 Không Quân Việt Nam bị… mất tích ở Sân Bay Ninh Thuận và Tướng Lê Minh Đảo đang đánh nhau dữ dội và chận đứng quân cộng sản Bắc Việt ở Long Khánh. Nhưng đường bộ bị cả mấy sư đoàn của cộng sản Bắc Việt thuộc cánh quân 232 của Lê đức Anh mới thành lập cắt đứt ở vùng Tân Trụ, Tỉnh Long An, từ mấy tuần trước, nên không về được. Sư Đoàn 7 Bộ Binh không thể giải tỏa được. Chờ cả tuần liền. Cuối cùng, đêm 27.4.1975, sau buổi cơm tối, Tướng Hưng cùng tôi ngồi trước nhà nói chuyện…Sài Gòn đã thay chủ, từ tay Tổng Thống Thiệu sang Phó Tổng Thống Trần Văn Hương và nghe đâu sẽ chuyển sang tay Đại Tướng Dương Văn Minh…Ông nói ngày hôm sau, sau khi đi thăm mấy đơn vị trở về, ông sẽ cho trực thăng chỉ huy của ông đưa tôi về Sài Gòn. Ngay lúc đó ông chỉ thị Trung Úy Tùng, Sĩ Quan Tùy Viên, mang ra hai khẩu tiểu liên Tiệp Khắc do một đơn vị trưởng biếu ông ở chiến trường An Lộc. Loại súng này khi xếp lại nhỏ như khẩu súng lục, băng đạn 79 viên, bắn từng loạt hay từng phát cũng được. Ông chỉ vào một trong hai cây tiểu liên đó và nói: ‘’Tặng Dưỡng một cây, nếu tụi việt cộng hôm nào xuất hiện ở công viên trước nhà, tràn vào, nhớ bắn cho đến viên đạn cuối cùng. Còn tôi, tôi sẽ chừa lại…bốn viên…’’ Tôi hiểu ngay và cướp lời ông: ‘’Không! Anh chỉ…có quyền chừa lại…một viên thôi…’’ Im lặng. Không biết ông Trung Úy Tùng có nghe hay không…

    Hôm sau, 28.4.1975 trực thăng của ông chở tôi về Sài Gòn, đáp xuống sân cờ Bộ Tổng Tham Mưu. Khi đó hình như Đại Tướng Dương Văn Minh đang được bàn giao vai trò lãnh đạo…lịch sử về sự sụp đổ miền Nam.
    Chỉ mấy ngày sau ngày 30.4.1975, tôi nghe tin Tướng Lê Văn Hưng đã tuẫn tiết. Hình như không phải bằng cây tiểu liên Tiệp Khắc…
    Nhưng bằng súng gì hay bằng cách nào thì cũng đã thành Thần.

    VĂN NGUYÊN DƯỠNG .
    Hạ Uy Di, ngày 20.4.2012


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X