Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Nhạc Cổ Điển Phương Tây Và Niềm Vui Của Người Nghe

Collapse
X

Nhạc Cổ Điển Phương Tây Và Niềm Vui Của Người Nghe

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Nhạc Cổ Điển Phương Tây Và Niềm Vui Của Người Nghe

    Nhạc cổ điển Phương Tây và niềm vui của người nghe
    ~~~






    Nơi chữ nghĩa dừng chân, âm nhạc bắt đầu.
    (Goethe)



    Chúng ta đang sống trong một thời mà chưa bao giờ thính giác con người có thể dễ dàng tiếp xúc với nhiều thể loại âm nhạc khác nhau và ở nhiều nơi trên thế giới như ở thời này. Riêng về nhạc cổ điển Phương Tây, bất cứ người nghe nào, khi đã thâm nhập vào được thế giới của nó, đều nói đến một thứ niềm vui, có khi là một chứng nghiệm kỳ thú dị thường.


    Nhạc Phương Tây và thuật ngữ 'cổ điển'

    Nhạc cổ điển Phương Tây là một thể loại âm nhạc cực kỳ phong phú, được sáng tạo, thử nghiệm và chọn lọc qua thời gian suốt hơn một thiên niên kỷ, song song với sự hình thành của nền văn hoá Phương Tây hiện đại. Nền âm nhạc này như một vườn hoa đẹp huyền ảo, vô tư phô bày tất cả những gì tinh tế nhất của tâm hồn và trí tuệ phương Tây. Cho đến hôm nay, nhạc cổ điển Phương Tây (và Phương Ðông) đã có một gia tài đồ sộ hàng vạn tác phẩm. Sức hấp dẫn của nó đã thuyết phục được một giới người nghe trên khắp thế giới. Hằng ngày nó đang được miệt mài học hỏi, trau dồi, sáng tạo, trình tấu, thi đua cũng như thưởng thức trong các môi trường khác nhau từ các đại học, các nhạc viện, các truờng trung học, cho đến các nhà hát, các câu lạc bộ, ở nhà riêng..v..v.. Gia tài âm nhạc này đã trở nên tài sản chung của nhân loại. Các tên tuổi thiên tài như Bach, Mozart, Beethoven hầu như được mọi người trên thế giới cảm thấy thân quen, thán phục và quý trọng một cách tự nhiên, như thể họ đại diện cho những tính cách cổ mẫu tinh tế nhất trong tâm thức phổ biến, cũng như tính sáng tạo cao nhất của con người.

    Thật ra, đối với lịch sử âm nhạc Phương Tây, thuật ngữ 'cổ điển' là để chỉ mốc thời gian xấp xỉ từ nửa sau thế kỷ 18, sau khi Bach mất (1750) cho đến khoảng hai thập niên đầu của thế kỷ 19, trước lúc Beethoven mất (1827). Tuy nhiên, theo cách dùng thông thường, thuật ngữ 'nhạc cổ điển' thường được xử dụng để phân biệt với các thể loại âm nhạc khác như Folk, Rock, Pop, Jazz, Rap..v.v... Ðôi khi nó được thay thế bằng những thuật ngữ khác chẳng hạn như: 'nhạc bác học' (cultured music), 'nhạc nghiêm túc' (serious music), 'nhạc cao cấp' (high music), 'nhạc nghệ thuật' (art music), hoặc là 'nhạc thuần túy' (pure music), 'nhạc tuyệt đối' (absolute music) ..v.v. để diễn tả phần nào nội dung ý nghĩa của khái niệm. Mặt khác, thuật ngữ 'cổ điển' còn được hiểu như những gì thuộc về tài sản văn hóa đã được thử thách và kết tinh qua lịch sử để thành những mẫu mực thẩm mỹ. Nhà soạn nhạc Mỹ kiêm điều khiển dàn nhạc Leonard Berstein còn gợi ra một ý khác giúp chúng ta hiểu rõ hơn khái niệm của thuật ngữ này. Ông đề nghị tại sao ta không dùng thuật ngữ 'nhạc chính xác' (exact music), bởi vì theo ông, thể loại âm nhạc này là thể loại duy nhất có một nhạc bản rõ ràng, chính xác và không thể thay đổi cả về trình tấu lẫn lưu trữ. Mỗi tác phẩm được tác giả ghi ra từng nốt nhạc, chỉ định cho bè nào, giọng nào, dành cho nhạc cụ nào, theo một nhịp độ và tiết tấu nào, thậm chí có tác gỉa còn ghi rõ nhịp độ và tiết tấu tính theo thời gian cơ học (đơn vị giây đồng hồ) và cường độ mạnh yếu chi li lúc diễn tấu..v..v.. Tác phẩm trở thành bất di bất dịch trước thời gian, khác với các thể loại nhạc khác, nói chung đều có thể biên soạn, cải biên, hoặc phối khí lại..v..v.. để diễn tấu. Một điểm nữa: khác với nhạc cổ điển, các loại nhạc khác khi phổ biến hầu như chỉ chú trọng đến người hoặc nhóm nguời diễn tấu chứ không đến tác giả của nó.


    Tác động của âm nhạc

    Mỗi người trong chúng ta đều có một cách nghe nhạc, hiện tượng này vô cùng phức tạp. Nhằm có vài tiêu chuẩn giản dị để chúng ta ý thức về cách nghe nhạc của chính mình, có thể kể ra đây những ý kiến của nhà soạn nhạc Mĩ Aron Copland. Theo ông, người ta có thể phân biệt sự tác động của âm nhạc trên ba bình diện: giác quan (sensory), cảm xúc (emotional), và trí tuệ (intellectual). Có thể diễn giải một cách tóm lược như sau:

    Trên bình diện giác quan, người nghe để âm thanh trực tiếp tác động lên mình, sự thích thú không cần đến việc suy nghĩ hoặc liên tưởng đến điều gì khác. Có một sự tác động hầu như thuần vật lý, người nghe trực tiếp nhận những làn sóng âm thanh vào hệ thần kinh rồi tác động trực tiếp vào các cơ bắp. Họ có thể có những nhún nhảy hoặc những động tác đánh nhịp theo điệu nhạc.

    Trên bình diện cảm xúc, bản nhạc gợi ra trong người nghe những tình cảm vui, buồn, nhung nhớ..v..v.. Thùy não trái nơi cư ngụ của đam mê và trí tưởng tượng làm việc nhiều. Tuy nhiên những cảm xúc này khó mà diễn tả bằng lời.

    Trên bình diện trí tuệ, người nghe chú trọng vào chính chất liệu âm thanh. Các yếu tố âm nhạc như giai điệu, tiết tấu, hòa âm, âm sắc, cấu trúc cũng như sự chọn lựa và tổ chức chúng ra sao.. v..v.. được người nghe tập trung nhận diện và phân tích. Thùy não phải làm việc nhiều với khả năng tư duy phân tích của nó.

    Dĩ nhiên, sự phân chia nói trên chỉ có tính cách lý thuyết và giản luợc để người nghe dễ hình dung và ý thức được sự tác động của âm nhạc. Trên thực tế, âm nhạc tác động đồng thời trên cả ba bình diện và cực kỳ phức tạp. Mỗi người có thể có khuynh hướng nhạy ở bình diện này hơn là ở bình diện kia, tùy thuộc vào nhiều yếu tố như: cấu tạo sinh học bẩm sinh của bộ não, quán tính văn hóa, sự hiểu biết về ngôn ngữ âm nhạc..v..v.. đó là chưa kể đến những chiều kích khác có thể sản sinh từ sự cộng hưởng giữa tâm thức con người và âm thanh.


    Phản ứng người nghe

    Nói đến phản ứng của người nghe cũng có nghĩa là nói về một vấn đề trung tâm của mỹ học âm nhạc hiện đại. Vấn đề ấy xoay quanh một câu hỏi cơ bản là: liệu âm nhạc có chứa đựng 'nội dung' hoặc 'ý nghiã' gì ngoài hệ thống âm phạm kết thành nó không? Một cách giản dị, từ những cuộc tranh luận để trả lời câu hỏi này hình thành ra hai cách nhìn đối lập nhau: một bên cho rằng âm nhạc có mang những thông điệp ngoại vi và bên kia cho rằng âm nhạc chỉ là sự tổ chức âm thanh cấu thành chính nó, ngoài ra không là gì cả. Trong cách nhìn thứ nhất (âm nhạc có mang nội dung) người ta có thể nhận ra hai khuynh hướng: khuynh hướng tham chiếu (referentialism) và khuynh hướng biểu cảm (expressionism). Còn cách nhìn thứ hai (âm nhạc chỉ là chính nó) được mọi người gọi là khuynh hướng cấu thể (formalism). Các khuynh hướng này đại để có thể hiểu như sau:

    Khuynh hướng tham chiếu: âm nhạc chứa những giá trị tham chiếu ngoại vi về ý tưởng, dữ kiện, hình ảnh, đối tượng khách quan... được liên tưởng bởi nhà soạn nhạc hoặc bởi người nghe.

    Chẳng hạn: Hai nhà soạn nhạc Vivaldi và Beethoven trong Concerto The Four Seasons và Symphony số 6 (Pastoral) cuả mình, đã tìm cách dùng âm nhạc để hoạ lên bốn muà và khung cảnh đồng quê. Trong văn thơ Việt Nam có thể lấy các câu thơ sau đây cuả Nguyễn Du, khi cụ tả tiếng đàn cuả nàng Kiều, như một thể hiện cuả cách nghe nhạc tham chiếu cực kỳ tinh tế:

    Trong như tiếng hạc bay qua,
    Ðục như nước suối mới sa nửa vời.
    Tiếng khoan như gió thoảng ngoài,
    Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa.


    Khuynh hướng biểu cảm: âm nhạc biểu lộ những trạng thái cảm xúc muôn màu muôn vẻ của đời sống nội tâm.

    Chẳng hạn: Khi nghe các tác phẩm cuả các nhạc sĩ như Schubert, Schumann, Chopin, Schoenberg... bạn có thể cảm thấy trong tâm trạng mình xuất hiện một cảm xúc đặc thù nào đó trong một bảng gam màu cảm xúc nội tâm vô cùng phong phú mà các tác phẩm cuả các nhà nhạc sĩ này có thể khơi gợi.

    Khuynh hướng cấu thể: âm nhạc là ngôn ngữ có giá trị tự tại của chính nó mà không cần phải dựa vào những giá trị bên ngoài.

    Chẳng hạn: Art of The Fugue của J. S. Bach. Trong tác phẩm này, một chủ đề âm nhạc được xử lý 18 lần, mỗi lần lại phức tạp hơn và chi tiết hơn lần trước, song mỗi lần ấy đều dựa trên cùng một cấu trúc nghiêm ngặt. Có thể nói Bach đã tư duy thuần tuý bằng âm thanh để khai triển và tổng kết một số quy tắc âm pháp và tư tưởng âm nhạc cho đến thời ấy.

    Cách nhìn âm nhạc có chuyên chở nội dung là cách nhìn truyền thống kéo dài mãi đến khoảng nửa sau thế kỷ 19, khi chủ nghĩa lãng mạn đến thời kỳ cực thịnh của nó và tạo tiền đề cho chủ nghĩa cấu thể (formalism) trong mỹ học âm nhạc ra đời.


    Các phạm trù trừu tượng

    Khi bàn về âm nhạc có ý kiến cho rằng nếu căng những hoạt động trí óc của con người ra làm hai cực thì một cực là toán học, còn cực kia là âm nhạc, còn ở giữa là tất cả những hoạt động khác. Nói lên điều này thật ra là để nhấn mạnh đến chiều kích trừu tượng của âm nhạc. Thật vậy, người ta có thể thấy những phạm trù trừu tượng thường được các nhà soạn nhạc áp dụng vào tác phẩm của mình như: thống nhất / đa dạng, tăng / giảm, đơn vị / toàn thể, đối chiếu, nghịch đảo, đồng nhất, tương tự..v..v.. Hoặc nếu nói theo một số nhà nghiên cứu cho rằng tư duy con người có một nhu cầu, hay có thể gọi là một thuộc tính cơ bản: tư duy bằng những mô thức (pattern), và qua những mô thức ấy con người tạo nên những hệ thống có trật tự, ổn định từ những trạng thái hỗn mang. Âm nhạc, dưới nhãn quan như thế, là một ngôn ngữ tinh ròng để biểu hiện những cách kiến trúc, những cấu trúc tư duy làm yên lòng lý trí con người. Các khái niệm khác như thời gian tuyến tính, thời gian chu kỳ, hoặc thời gian xoắn ốc cũng đều được âm nhạc ứng dụng.

    Xenakis khi đối chiếu lịch sử toán học và lịch sử âm nhạc đã có những quan sát lý thú. Chẳng hạn như hệ thống ký âm bằng khung nhạc (nghiã là có tính toạ độ) được Guido d'Arezzo nghĩ ra trước trục tọa độ của Descarte, hay là trong những khúc nhạc Fugue (nhạc đuổi) của Bach người ta đã có thể bắt gặp khái niệm tự động hóa trước tư tưởng khoa học cả hai thế kỷ. Thật vậy, từ một chủ đề chính, Bach dựa trên một phương pháp định trước, một dạng tư duy trừu tượng gần với toán học như đối xứng, đảo nghịch, tăng giảm trường độ..v..v.. khiến bè chính tự động tự sinh và phát triển thành nhiều bè nhạc khác săn đuổi và đối điểm với nhau.


    Một chiều kích siêu cảm, tâm linh của âm nhạc

    Huyền thoại Hy Lạp nhắc nhiều đến sức mạnh siêu nhiên của âm nhạc. Trong huyền thoại Orfeo, tiếng đàn hát của Orfeo làm rung động cả đến sỏi đá, cây cối, muông thú khiến chúng phải theo bước chân chàng đi tìm Eurycide và thuyết phục được thần Harde (trị vì âm phủ) trả lại tạm thời người vợ yêu quý của chàng. Trong những hình thái nghi lễ tôn giáo, sùng kính thần linh, nguyện cầu, niệm bái, lễ hội..v..v.. âm nhạc đều có một vai trò thiết yếu. Cho nên, ở một chiều kích trực cảm thâm sâu, âm nhạc cũng được nhắc đến như một chất xúc tác huyền diệu có thể đưa người nghe vào những trạng thái siêu cảm ngoại hạng của một sự chứng nghiệm cá nhân được diễn tả như những trạng thái siêu nghiệm (transcendente), sau vật lý (metaphysic) hoặc có thể đồng hóa với trạng thái xuất thần huyền học (mystic) và tôn giáo. Và có lẽ, nói cho cùng, chính ở điểm này mà âm nhạc có một sức hấp dẫn tột cùng lên nhiều người.

    Hãy thử điểm qua một số ý kiến phản ánh. Nhà văn Lỗ Ma Ni E. M. Cioran nói về kinh nghiệm nghe nhạc của ông: 'Về đêm, âm nhạc mang một chiều kích lạ thường. Sự xuất thần âm nhạc (musical ecstasy) bắt gặp sự xuất thần huyền học (mystical ecstasy). Lúc ấy, người ta chứng nghiệm là đã chạm đến những tối cực, là không thể đi xa hơn nữa. Không còn gì khác là đáng kể nữa và cũng chẳng còn gì cần tồn tại nữa. Người ta được đắm chìm trong một vũ trụ tinh khiết đến mức ngất ngây cuồng diệu'. Nhà thơ Rabindranath Tagore cho rằng: 'Âm nhạc đưa người nghe sang bên kia bờ giới hạn của lẽ sướng khổ đời thường, nó mang chúng ta đến một miền đất đơn cô của sự buông xả nơi cội nguồn vũ trụ đơm rễ'. Nhà soạn nhạc hiện đại Iannis Xenakis phát biểu: 'Mục đích của âm nhạc là để đạt đến một sự phấn chấn vẹn toàn trong đó một cá nhân riêng lẻ ẩn vào, để tan biến tâm thức mình vào một chân lý trực quán.' Triết gia Schopenhauer đồng hóa âm nhạc với Ý-Chí, một khái niệm chủ yếu trong triết học của ông, được xem như một năng lượng ngọn nguồn và tối thượng của tất cả mọi sự tồn tại, Schopenhauer cho rằng: 'Trong khi những nghệ thuật khác chỉ mang danh nghĩa là bản sao của Ý-Niệm (khái niệm triết học của Plato: thế giới chỉ là cái bóng của Ý-Niệm) thì âm nhạc, về mọi mặt không giống như thế, mà lại là Ý-Chí tự sao chính nó, là khách thể nhằm đạt tới của Ý-Niệm. Chính vì vậy, tác động của âm nhạc mạnh mẽ và thẩm thấu hơn rất nhiều so với tác động của những nghệ thuật khác, bởi lẽ các nghệ thuật khác chỉ nói đến cái bóng trong khi âm nhạc nói về thực thể'. Và đây mới chỉ là điểm sơ qua một vài ý kiến...

    Tóm lại, Nhạc cổ điển, một biểu hiện cao quý và chắc chắn nhất cuả giá trị văn hoá Phương Tây (và hôm nay, cuả cả Phương Ðông), nên đuợc mọi cơ chế có thẩm quyền (giáo dục, thông tin đại chúng, thầy cô, cha mẹ...) hết sức quan tâm mà tìm cách phổ biến cho người trẻ.

    Vũ Ngọc Thăng

    (http://www.talawas.org)


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X