Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Lại thêm một “ông” Quảng Trị

Collapse
X

Lại thêm một “ông” Quảng Trị

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Lại thêm một “ông” Quảng Trị

    Lại thêm một “ông” Quảng Trị
    hoànglonghải



    Trong cuốn bút ký chiến tranh “Mùa Hè Đỏ Lửa”, phần “Dựng lại ngọn cờ”, nhà văn Phan Nhật Nam cho biết có mấy “ông” Quảng Trị đã chỉ huy binh sĩ của họ theo ba hướng tiến về thành cổ để giải phóng quê hương của chính họ.

    “Ông” Lô, tiểu đoàn 7, tấn công từ hướng Nam, qua An Thái là làng của ông. “Hùng móm” từ hướng Tây, – hướng nhà thờ La-Vang đánh xuống, và một “ông” nữa từ hướng Đông, hướng bến đò Ba Bến, tiến về phía Tây.

    Mới đây, qua việc tham dự các buổi họp mặt đồng hương Quảng Trị, tôi tìm ra “ông” thứ ba nầy.

    Đời người, có những “tình cờ” khá lạ kỳ và đôi khi rất thích thú, cả ba “ông” nói trên là có “bà con thân thuộc” với tôi.

    “Hùng móm”, như một số thân hữu Quảng Trị biết, là em út của tôi. Mẹ tôi sinh bốn người con trai. Ông anh cả, Hoàng Thế Thạnh, tức Hồng Quang, làm chủ nhiệm + chủ bút báo “Ý Dân” ở Huế, năm 1950, lúc ấy mới 21 tuổi. Đó là tờ báo có khuynh hướng ủng hộ kháng chiến, chống Pháp xâm lăng Việt Nam. Ông bị Tây bắt và thủ tiêu. Anh kế tôi là một công chức bình thường ở tòa Hành Chánh. Hùng là út. Bài viết về “Hùng móm” tôi đã in trong tập “Quê Ngoại”.

    “Ông” Lô là bạn học một lớp với em gái kế tôi ở trường Nguyễn Hoàng. Mẹ kế của ông, gọi mẹ tôi bằng cô, tiếng địa phương là “o”, không phải “o ruột”. Tôi gọi mẹ kế “ông” Lô bằng chị. Vậy thì ông Lô phải gọi “Hùng móm” bằng cậu. Tuy nhiên, sau Tết Mậu Thân, tôi đã nhập ngũ, một lần tôi và Hùng gặp ông Lô ở quán bún bò Quốc Việt, trên đường Lê Văn Duyệt Saigon, Hùng gọi Lô bằng anh, bởi vì Lô là bạn học với chị của Hùng.

    Người thứ ba, “ông” Lữ, như tôi kể sau đây, dĩ nhiên cũng là dân Quảng Trị. Thân phụ ông Lữ gọi mẹ tôi bằng dì, thành ra, “ông” Lữ cũng phải gọi tôi bằng chú.

    Sự tình cờ nầy làm tôi rất thích thú. Trong chiến công “Dựng lại ngọn cờ trên cổ thành Quảng Trị” có chiến công của ba người, đều là bà con của tôi. Đó không phải là điều vinh dự cho tôi hay sao?!

    Trong ý nghĩa đó, độc giả hãy đọc những gì tôi viết về “ông” thứ ba. Chiến công của ông là trên con đường từ phía Đông, làng Trí Bưu, tiến vào cổ thành ở góc Đông Nam, và tham gia buổi lễ dựng cờ…

    Nhân dịp, tôi có vài lời cám ơn Thu Ba

    Nhờ Thu Ba, anh Hải đã liên lạc được với Lữ.

    Hôm Thu Ba cùng Thảo lên Philadelphia, anh Hải xuống đón hai vợ chồng lên Mass chơi, nhưng gấp quá, không ghé Lữ được. Mấy bữa sau, họp mặt đồng hương Quảng Trị cũng ở Phila, ai ai cũng bận rộn tối mặt tối mũi, anh Hải cũng không nói chi được với Lữ, cũng như hai ông anh của lữ là Dục và Dưỡng. Dục là bạn học cũ của anh Hải đấy.

    Gặp Lữ rồi, anh Hải mới rõ thêm “mấy đứa nầy quậy dễ sợ”. Tụi nó là bạn học cũ với nhau hồi ở trường Tiểu Học Quảng Trị đấy: Lữ thì Sói Biển TQLC, Hùng móm thì Tiểu Đoàn Dù “Song Kiếm Trấn Ải”, Lê Văn Chính, tức Lê Mai Lĩnh, khách thường trực của “cát xô” tù Cải Tạo. Cẩm, bạn anh Hải là dân “Nha Kỹ Thuật” ngủ rừng Trường Sơn nhiều như ngủ nhà.

    Nay thì anh Hải tìm được “đủ bộ sậu” tụi nó, biết nó đánh nhau với Việt Cộng như thế nào!

    Có một điều may nữa. Hôm đọc “Tàn Cơn Binh Lửa” của cựu Đại úy Biệt Cách Dù Lê Đắc Lực, mới biết té ra khi Đại Đội của Lực và Tiểu Đoàn 5 Dù của Thiếu tá Bùi Quyền rút khỏi Góc Bầu – phía Đông Nam Cổ Thành Quảng Trị, – đơn vị của Lữ tiến lên “trám” vào chỗ ấy. Vậy mà phải cả tháng sau, đơn vị của Lữ mới chiếm được cái góc thành đổ nát ấy, góp sức với Tiểu Đoàn 6 TQLC dựng ngọn cờ vàng trên cổ thành Quảng Trị, kết thúc một trận đánh quá nhiều gian khổ và xương máu, đem lại Vinh Quang cho Quân Đội VNCH.

    Cũng có nhờ ơn của Thu Ba anh Hải mới nói chuyện với Lữ được đấy.

    Xin cám ơn

    hoànglonghải




    Tuyến xuất phát Tiểu Đoàn 3 Sói Biển của Lữ là sông Ô Lâu. Đơn vị tiến ra hướng Bắc với nhiệm vụ tái chiếm Cổ Thành Quảng Trị. Quảng Trị đã mất vào tay giặc ngày 1 tháng 5 năm 1972. Từ đây, cho đến ngày dựng lá cờ Quốc Gia trên thành cổ là những ngày gian khổ cùng cực, hiểm nguy cùng cực mà Lữ cùng cấp chỉ huy, binh sĩ của Lữ chưa bao giờ trải qua, chưa bao giờ tưởng tượng ra được.

    Mất Đông Hà, sau khi cầu Đông Hà đã sập, tiếp theo, thành phố Quảng Trị cũng mất nốt, các đơn vị Quân đội Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), rút về phía Nam, đến Mỹ Chánh, thị trấn nằm ngay ngã ba sông Mỹ Chánh và sông Ô Lâu thì được lệnh dừng lại, lập tuyến phòng thủ ở đó, “không được để mất thêm một tấc đất nào vào tay địch”. Đó là lệnh của tổng thống. Các đơn vị quân đội dừng lại ở đó. Tiểu đoàn của Lữ đóng tại làng Vân Trình, phòng thủ, chờ lệnh.

    Vết thương ở ngực của Lữ chưa lành hẵn. Miểng đạn còn nằm ở đó, bác sĩ không dám giải phẫu lấy ra. Cho đến bây giờ, sau khi định cư ở Mỹ mấy chục năm, “nó còn ở với tao”, như lời Lữ nói đùa, mỗi khi có bạn bè hỏi thăm Lữ vết thương cũ ấy.

    Một miểng đạn thật nhỏ, “bàng cái móng tay út” nằm ở đó, phía trong cái màng bao lá phổi, nhưng chưa đụng sâu vào phổi. Cái khó khăn của bác sĩ giải phẫu là muốn lấy cái miểng ra thì phải rạch một đường nhỏ cái màng phổi. Miểng đạn lấy ra rồi, cái màng phổi không kín được, không bảo vệ được cho lá phổi. Đó là cái lo của họ. Thà để vậy mà lá phổi còn được che chở, còn hơn không!!! “Cho nó ở lại với anh để có một kỷ niệm chiến trường…” Hai ông bác sĩ giải phẫu ở bệnh viện Phan Thanh Giản Cần Thơ nói đùa với Lữ như thế, khi Lữ bị thương ở Cà Mâu, được trực thăng Mỹ cấp cứu đưa về đấy.

    Lâu lâu, Lữ lại thấy đau nhói một chút ở chỗ ấy, nhưng Lữ nghĩ có lẽ không can gì đâu, nó sẽ qua đi mà! Mọi sự rồi cũng qua, Lữ nghĩ như vậy. Lữ còn trẻ, tương lai còn dài.

    Bấy giờ là lúc Lữ cần phải xông pha, như hầu hết các bạn của Lữ, những đứa bạn từ thời thơ ấu, đứa Nhảy Dù, đứa Biệt Động Quân, Lữ thì Thủy Quân Lục Chiến, không có đứa nào chịu ngồi yên sau cái bàn “buy-rô”, đứa nào cũng xông pha trận mạc, nên Lữ chưa muốn dùng cái miểng đạn để tìm kiếm một sự an nhàn. “Còn những kẻ du dú như gián ngày, làm việc gì cũng chờ thời đợi số, chỉ mong cho được một đời an nhàn vô sự, sống lâu giàu bền, còn việc nước việc đời thì không can hệ gì tới mình cả, như thế gọi là sống thừa…” Lữ không muốn sống thừa. Lời ông thầy dạy Việt Văn của Lữ hồi học lớp đệ lục như vẫn còn đâu đó, lâu lâu lại gióng lên trong tâm tư Lữ.

    Và Lữ lại đi, như các bạn của Lữ, hết trận địa nầy, qua chiến trường kia, những nơi cũng là đất nước của Lữ nhưng hoàn toàn xa lạ. Lữ vẫn muốn đi. Đi cho biết quê hương mình. Ruộng đồng xanh tươi cũng nhiều, mà bom đạn xác xơ lại càng nhiều hơn.

    Đơn vị Lữ vượt sông Ô Lâu nhưng không đi theo “Con Đường Buồn Thiu” (The Street without joy) của Bernard Fall (1), là “con đường cái quan”, con đường của vua quan di chuyển ngày xưa. Con đường cái quan, nếu kể từ làng Vân Trình, nơi xuất phát của đơn vị Lữ ra hướng Bắc sẽ đi qua các làng Trùng Đơn, Đơn Quế, chỗ có cái “trạm ngựa”, rồi qua ngã Diên Trường(2), Diên Sanh.

    Lữ, đại đội phó đại đội 4, theo chiến thuật, sẽ chỉ huy hai trung đội đi tiên phong. Phần đại đội còn lại, cùng đại đội trưởng Dưỡng, anh con ông cậu của Lữ, đi phía sau. Toàn bộ tiểu đoàn của Lữ, đi ở phía phải, tức phía Đông của con đường cái quan nầy. Đây là vùng đầm lầy, rất khó di chuyển, nhưng lại an toàn. Di chuyển ngay trên con đường cái quan, dễ bị địch phục kích, bị gài lựu đạn, mìn, hầm chông…

    Vùng nầy là nơi, khi Lữ còn nhỏ, nhiều đơn vị của Tây đã bị Việt Minh đánh cho đại bại. Có một trận đánh đã diễn ra ở đây, thời kỳ đó, người dân Quảng Trị gọi là “trận Thanh Lương”, nay nhắc lại, có lẽ người dân ở quê hương Lữ, nhiều người còn nhớ.

    Vậy mà bây giờ, đơn vị của Lữ di chuyển thật bình yên. Chẳng có đơn vị Cộng quân nào “đón chào” anh em binh sĩ của Lữ. Có vài tên du kích nào đó, bắn lẻ tẻ vài phát nào đó, “đạn gởi về làng” (3) rồi chém vè hay chui xuống hầm bí mật. Đơn vị Lữ đang di chuyển, mà di chuyển gấp cho kịp đến mục tiêu, như lệnh hành quân, nên chẳng cần truy kích hay lùng sục tìm cho ra hầm bí mật.

    Binh sĩ của Lữ cứ lặng lẽ di chuyển…

    Lữ biết hai bên phải, trái là các đơn vị cùng binh chủng với Lữ. Theo trách nhiệm, kể theo tuyến đường từ Mỹ Chánh ra Quảng Trị, bên phải Quốc Lộ 1 là vùng trách nhiệm của Thủy Quân Lục Chiến; bên trái Quốc lộ, thuộc binh chủng Dù.

    Sau ngày 19 tháng 6, theo lệnh tổng thống, hạn kỳ 3 tháng phải chiếm lại thành phố Quảng Trị, thì quân Dù được điều lên truớc, với nhiệm vụ đánh vào cổ thành. Đó là một ưu tiên, một vinh dự cho Dù. Tướng Trưởng, vốn gốc là sĩ quan Dù, nay đang làm tư lệnh chiến trường, muốn lính Dù được nắm cái vinh dự ấy.

    Tuy nhiên, vào cuối tháng 7, các chiến hữu binh chủng của Lữ được lệnh tiến gấp lên, trám vào những nơi quân Dù đang rút lui.

    Sau gần hai tháng chiến đấu, có lẽ sự thiệt hại của những người bạn của Lữ cũng khá cao. Đánh đấm súng đạn như thế nầy làm cho Lữ hiểu được những thiệt hại, thương vong ấy. Mấy hôm trước, Lữ nghe tin “Hùng giữ gôn”, cũng là “Hùng móm” đã tử trận ở “Cầu lòn”, (4). Tin ấy không làm Lữ ngạc nhiên, nhưng thương “móm” vô hạn, thương một người bạn học cũ, từ thời thơ ấu, học lớp Ba, lớp Nhì bậc tiểu học… Đã bao lần, nghĩ tới cái tin dữ đó, Lữ muốn nói với Hùng, thầm trong trí rằng “Cổ lai chinh chiến địa…”, câu thơ Tầu Lữ đọc trong “Chinh Phụ Ngâm”, khi học lớp đệ ngũ.

    Nó đem quân trở về cố hương, và hy sinh trên con đường cửa ngõ vào thành phố. Cái ý tưởng ấy làm cho Lữ nửa vui, nửa buồn. Vui cho cái vinh dự của bạn, buồn vì cái chết của bạn.

    Cũng như Hùng, Lữ đã hành quân nhiều nơi, từ Cà Mâu, chỗ có mũi ông Trang cực nam của Nam bộ, lên tới Làng Vei, trên biên giới Lào-Việt, quá phía trên Khe Sanh. Có lẽ không nơi nào khi hành quân làm cho Lữ nhớ quê hương bằng khi chỉ huy binh lính về tái chiếm Quảng Trị, quê hương thơ ấu, quê hương chôn nhau cắt rún của Lữ.

    Khi qua sông Diên Trường (2), phía Tây là “Cầu Dài”, nơi báo chí vừa mới gọi là “Đại lộ Kinh hoàng”, Lữ ngồi lại bên nầy bờ sông, chờ toán tiền thám vừa lội xuống nước, qua bên kia bờ để “đặt đầu cầu” cho toàn đại đội qua sông, Lữ bất thần nhìn lên trời. Trời tháng Bảy xanh ngắt, trong vắt và có những đám mây trắng như bông gòn từ phía biển đuổi nhau chạy về phía dãy Trường Sơn. Những đám mây trôi bồng bềnh qua khung trời xanh làm cho Lữ nhớ đến thời niên thiếu, khi đất nước còn thanh bình, có những chiều Lữ ra ngồi chơi bên bờ sông Thạch Hãn. Cũng những đám mây ấy, sáng trôi ra biển, chiều lại đổi hướng quay về núi, như một “điệp khúc” triền miên suốt những tháng hè. Cùng với những đám mây trôi về phía Trường Sơn khi chiều tới là những cánh “chim bay về núi túi (tối) rồi…” (5) là câu hò, có lẽ Lữ đã nghe từ khi còn nằm nôi.

    Lữ lẫn lộn giữa vui và buồn khi Lữ hành quân trở lại giành lấy cố hương từ tay giặc. Vui vì chính Lữ đang đánh giặc cho quê hương Lữ, buồn vì chiến tranh đã tàn phá quê hương thơ ấu của Lữ.

    Thật ra, trong lòng Lữ, đánh giặc ở đâu cũng vậy, cũng đất nước Việt Nam, cùng đồng bào Việt Nam, dù ở miền Tây Nam bộ hay núi cao sông thẳm trên biên giới Lào-Việt. Tuy nhiên, cái thành phố nhỏ ấy, con sông nhỏ ấy, những con đường phố nhỏ ấy, những ngôi trường nhỏ ấy… cái gì cũng nhỏ mà nó chiếm những chỗ rất lớn trong tâm hồn Lữ.

    Và còn bao nhiêu người nữa chứ. Những đứa bạn hầu hết đã ra đi, vào quân đội, có đứa tay súng tay đàn, lãng mạn như Phạm Thái với Trương Quỳnh Như, như Quang Ngọc với Nhị Nương trong “Tiêu Sơn Tráng sĩ”. Những “tráng sĩ thời đại” của Lữ, nay ai còn ai mất?

    Và cả những “cô nường Quảng Trị tui”, như câu đùa của Lữ và bạn bè, biết “chọc gái một cách ba trợn” hơn là biết yêu, thường bị “mấy cô nường” nguýt háy mỗi khi bị bọn chàng chọc ghẹo. Những cái nguýt háy ấy nay đã trôi giạt về đâu trong cuộc chiến tranh tàn khốc nầy, không có “tiền tuyến”, không còn “hậu phương”. Đất nước thì bao la mà nơi nào cũng bom đạn, không chỉ ở núi cao rừng sâu mà ngay cả ở thành phố nhỏ bé quê hương thơ ấu của Lữ. Lữ ra đi là để bảo vệ quê hương, và ngay chính quê hương của Lữ cũng không thoát ra khỏi sự tàn phá của cuộc chiến nầy. Tình cảm lớn lao với quê hương đã choán chật tâm hồn Lữ, trên con đường chinh chiến, khi Lữ trở về giải phóng quê hương mình.

    Qua khỏi sông Diên Trường, hướng tiến quân của Lữ không phải là Diên Sanh, một quận lỵ trên Quốc lộ 1 cũ, cách thị xã Quảng Trị 9km. Vậy là về gần tới “nhà” mình rồi. Nghĩ tới đó, Lữ mừng thầm. Nhưng Lữ phải chuyển hướng hành quân về Cu Hoan, một làng quê, giữa Diên Sanh và bãi biển Mỹ Thủy, rồi tiến dọc theo sông Vĩnh Định, qua làng Ngô Xá. Tới đó, binh sĩ Lữ không vào làng Thâm Triều, kế bến đò Ba Bến, trên sông Vĩnh Định đi về chợ Sãi, mà lại tiến chếch về phía Tây một chút. Mục tiêu là làng Trí Bưu, phía Đông ngôi nhà thờ của làng.

    Làng Trí Bưu ở ngay phía Đông Nam thành cổ Quảng Trị. Muốn bảo vệ cổ thành, Cộng quân sẽ đóng giữ ở đây, làm tiền đồn. Đại đội trưởng đã họp và tiên đoán như vậy. Theo nhận định đó, Lữ chiếm phía phải, tức phía Đông nhà thờ, nơi đó lực lượng địch mỏng hơn, dễ dàng cho hoạt động của Lữ, thay vì chiếm phía Tây nhà thờ, gần cổ thành hơn, hàng rào phòng thủ địch sẽ dày hơn, khó khăn nhiều hơn.

    Từ phía Đông làng Trí Bưu, tiến quân về phía Tây của làng, tức là tiến về hướng thành cổ, binh lính của Lữ sẽ gặp địch, nhất là tại nhà thờ. Tháp cao nhà thờ là nơi địch sẽ đặt quân quan sát, có cả ống nhòm là chắc, và có cả đại liên, phòng không để quẹt sạch những toán binh sĩ nào của Lữ, muốn chiếm nhà thờ hay vượt qua những con đường khá lớn, xe hơi di chuyển được, phía trước hoặc phía sau nhà thờ.

    Việc tiến quân từ phía Đông làng đến nhà thờ làng Trí Bưu không khó. Binh sĩ thiện chiến của Lữ diệt gọn mấy cái chốt trên đường đi khá dễ dàng. Nhưng tới gần nhà thờ, binh sĩ của Lữ khựng lại. Lữ thấy rõ “mấy thằng cùi” (6) lấp ló ở cửa sổ gác chuông. Chúng cũng đã cho đại liên bắn xối xả vào những nơi chúng nghi ngờ ở phía Lữ. Rõ ràng chúng đoán biết Lữ và đồng đội đang từ hướng Đông tiến tới.

    Thấy chúng trên gác chuông nhà thờ, Lữ bỗng nhớ tới một bài hát quen thuộc, “Từ lúc giặc ruồng vô xóm đạo, Anh làm chiến sĩ giữ quê hương.” Và đúng như bài hát là “Giặc chiếm lầu chuông xây ổ súng.” (7).

    Con đường đi từ phía Đông tới phía Tây làng Trí Bưu dài chưa tới hai, ba cây số mà ngày trước, cùng bạn bè đi chơi, theo con đường phía ngoài, về làng Quy Thiện hay con đường phía trong, về Ba Bến, bọn Lữ đạp xe đạp chạy chưa tới 10 phút đã hết thì nay Lữ phải di chuyển trong… hai tháng dài, chỉ bằng địa đạo do chính Lữ cùng binh lính tự đào lấy.

    Ngày thì nghỉ, không thể ló đầu lên khỏi địa đạo. Vô ý ngẩng cao lên một chút là sẽ có ngay viên đạn CKC gõ rất mạnh vào cái nón sắt, cũng có khi mạnh đến nỗi làm cho binh lính Lữ “xửng vửng”. Chúng nấp ở một cao điểm nào đó, với súng CKC có gắn ống nhòm, bắn sẻ rất chính xác.

    -“Rớt một cái bịch, như mít rụng!”

    Nghe tiếng hạ sĩ Cần, mới bò lên chỗ Lữ, vừa nói vừa cười, Lữ hỏi: “Cái chi?”

    Hạ sĩ Cần giải thích:

    “Hai ngày ni, em canh nó. Em biết nó núp trên cây mít, phía sau “rôồn” (lũy, hàng) tre. Nó núp kín lắm, kiên nhẫn lắm. Em nghĩ trong bụng: “Thằng mô chì, thằng nớ ăn. Tau chơi cho mi một trận”. Em cũng núp sau cái bia, sát hàng rào chè tàu rậm. Chờ nó.”

    -“Bắn rụng nó?” Lữ hỏi.

    -“Chớ răng? Chì hơn nó là ăn! Mình mệt với cái thằng chó ni mấy bữa ni!”

    - “Giỏi! Giỏi đó!” Lữ khen, cười thầm vì cái tên anh hạ sĩ cùng với việc vừa làm của anh ta: Cần.

    – “Đại bàng biết không? Canh riết, em thấy nó nhúc nhích trên ngọn cây. Ngụy trang kỹ lắm, nó giắt lá cây trên mũ, quanh người. Nhắm chắc rồi, em “dứt điểm một phát” là xong. Chạy đằng trời.”

    Nói xong, hạ sĩ Cần cười sung sướng, cầm ly cà phê do Lữ đưa cho hớp một ngụm.

    Vậy là Lữ cùng binh sĩ, đêm thì đào, di chuyển tới, ngày thì núp trong địa đạo. Cũng có lần đào ngang một ngôi mộ cổ, xưa người ta chôn ngay trong vườn. Địa đạo trúng một cái đầu lâu, chỗ ấy lại nơi rất an toàn. Một ông đại úy tiểu đoàn trưởng đơn vị trước đây “sống” trong chỗ ẩn núp ấy với cái đầu lâu hơn một tháng trời. Khi đại đội trưởng Dưỡng tới, cái đầu lâu ấy mới được đem đi.

    Dân làng, lại là dân một làng đạo, sống thế nào được với Cộng Sản, đã “bỏ phiếu bằng chân” đâu hết cả rồi. Toàn làng chẳng còn một ai, dù ông già bà lão, trẻ con, người bệnh. Chưa bao giờ Lữ thấy cái hoang vắng của một làng quê ghê rợn đến như vậy. Huống chi làng Trí Bưu, quá quen thuộc với bọn học sinh như bọn chàng. Có khi chủ nhựt, từ thị xã về đến làng nhằm lúc lễ tan, dân làng đi nhà thờ túa ra đông đảo, vui nhộn, lại còn có cả “mấy con nhỏ” học trò trường nữ, trường Nguyễn Hoàng nữa chứ. Cũng may hồi ấy, chỉ là vui chơi với bạn bè, Lữ chưa từng… “Anh theo Ngọ về, gót nhỏ đường quê…”

    Cuộc chiến đấu thật cam go, đúng là chiếm từng tất đất, không nói ngoa. Địch “chịu không nỗi” cuộc tiến quân của Lữ, nhưng đơn vị Lữ cũng không phải là không… “mệt” với chúng. Trong quá trình tiến quân đó, vì sự hao hụt quân số và mệt mỏi, đơn vị Lữ đã được “thay quân” một lần. Một đơn vị trừ bị lên trám chỗ, Lữ lui quân nghỉ ngơi được mấy hôm. Trong những hôm nghỉ quân đó, được ăn cơm nóng nấu chín, có thịt cá, có rau, không cơm gạo sấy thịt hộp như khi ở tuyến đầu.

    Nghỉ ngơi xong, đem đơn vị trở lại trận địa cũ, Lữ được lệnh phải “chiếm cho được Ngã Ba Góc Bầu”, với bất cứ giá nào.

    Ngã Ba Góc Bầu là tiếng dân địa phương nói tới cái địa điểm ấy. Lữ cũng gọi là “Ngã Ba Góc Bầu” cho dễ hiểu vì đó là cái Ngã Ba, có mấy cái lò rèn ở đó. Ngã ba có một đường đi về phía Tây, là đường lên trường Nguyễn Hoàng. Con đường nầy đi ngang cổng Tả thành cổ, thường được gọi là “Đường Cửa Tả”. Một đường hơi chếch một chút là đường về Ba Bến trên sông Vĩnh Định. Qua sông là đường về làng Thâm Triều, Tân Trụ và Đạo Đầu, quê của nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba. Một con đường nữa, đi ra hướng Bắc, ngang qua Cửa Hậu của thành cổ, nên có tên là “Đường Cửa Hậu”. Đường nầy thẳng tới sông Thạch Hãn. Cuối đường, gần bờ sông là nhà “Hùng móm”.

    Phía bên kia Ngã Ba Góc Bầu, là góc Đông-Nam của thành cổ, cách bằng một cái hào sâu gấp hai đầu người, rộng hơn ba chục mét Tây. Nhiệm vụ của Lữ là tiến vào trong nội thành qua cái góc thành ấy. Đây là cuộc tiến quân gay go nhất trong đời binh lính của Lữ, Lữ tiên đoán như vậy.

    Đại đội trưởng Đại Đội 4 Nguyễn Văn Dưỡng di chuyển lên phía trước, bàn kế hoạch cùng Đại Đội Phó Lữ.

    Đại đội trưởng Dưỡng nói:

    – “Em phải tiến qua cái hào nầy và chiếm cho được góc thành Đông Nam nầy.”

    Lữ thấy rõ sự xúc động trong giọng nói của Dưỡng. Tình anh em bà con máu mũ đây, Lữ nghĩ thầm trong trí. Anh em là trong gia đình. Ở đơn vị, chưa bao giờ Dưỡng gọi Lữ bằng em như hôm nay. Có lẽ sự kinh hoàng của chiến tranh, cuộc chiến đấu cam go hơn hai tháng nay, và bây giờ là mục tiêu trước mặt, đối diện với cái chết 99 phần mà cái sống chỉ có 1, nên ông anh thấy ngại khi ra lệnh cho ông em. Nhưng đây là quân đội, là chiến đấu, là chí công vô tư, với cả chục cái lý do khiến ông anh không thể làm gì khác ngoài việc ra lệnh cho ông em chiếm một mục tiêu đầy nguy hiểm ở tuyến đầu. Hình như có cái gì đó đo đỏ nơi mắt anh ấy, điều ấy làm cho Lữ thấy phải can đảm hơn, và cũng là điều để an ủi và cũng để đáp lại cái tình máu mũ ruột thịt của hai người, Lữ nói một cách mạnh dạn: “Tuân lệnh, tôi sẽ hoàn thành nhiệm vụ nầy!”

    Hôm đó là ngày 14 tháng 9 năm 1972, trời tối đen như mực. Lệnh cấm bắn trái sáng để địch không quan sát được. Súng đại bác vẫn nổ để gây tiếng động không cho địch nghe tiếng quân ta di chuyển, Lữ cho đơn vị vượt qua cái hào ngoài góc thành.

    Con đường cửa Tả cũng như đường cửa Hậu chạy theo bờ thành, phía trong là hào, bên kia hào là thành gạch nay đã đổ nát hoàn toàn. Từ con đường nhựa bước xuống là bờ hào thứ nhứt, chỗ đó đất còn rộng, dân chúng làm nhà ở, mái lá ngang với mặt đường. Nhà cửa đã hư hại hay cháy hết vì bom đạn. Xuống một bậc nữa là lòng hào, trước kia nước còn sâu, nay đã cạn. Hai hôm trước toán tiền tiêu của Lữ đã xuống tới chỗ nước ở lòng hào nầy. Địch không thấy, chỉ nghe tiếng lội nước lỏm bỏm, chúng đã bắn xối xả, vu vơ. Binh sĩ của Lữ chẳng ai hè hấn gì, rút lui êm thắm. Rút kinh nghiệm, đêm nay, binh lính của Lữ vượt qua lòng hào khi đại bác đang nổ ầm ì, liên tu bất tận. Đại bác nổ như thế, có nghĩa là địch chui vào hầm ẩn núp.

    Trung sĩ Niên, dẫn một trung đội vượt qua bên kia bờ hào, bám lấy đám gạch đổ nát của thành cổ. Lữ dẫn số binh sĩ còn lại bám sát theo đám binh lính của Niên.

    Khi biết Lữ đã qua được rồi, Niên cho binh lính tiến lên nữa, hễ thấy hầm của địch là quăng lựu đạn xuống, không cần quan sát địch sống chết như thế nào, rồi cứ thế mà bò lên nữa, qua đống gạch vụn ở phía ngoài và đám đất tung tóe phía trong. Cùng với tiếng đại bác, tiếng lựu đạn binh sĩ của Lữ cũng nổ ầm ì. Với số lựu đạn mang sẵn hơn chục quả trên mình mỗi người, họ đã phá hết tất cả các chốt của địch trên đường vượt qua thành cổ với rất ít thương vong.

    Tới sáng, Lữ báo cáo với đại đội trưởng rằng Lữ và binh sĩ của anh đã làm chủ được góc thành Đông Nam. Không còn sự kháng cự của địch.

    Đại đội phó Lữ cùng binh sĩ di chuyển về hướng cửa Hậu, sau khi anh để lại chỗ góc thành vừa chiếm được ba binh sĩ giữ an ninh cho toàn đại đội tiến lên.

    Trời đã sáng rõ.

    Theo sự lưu ý của đại đội trưởng, Lữ thấy phía Cửa Tiền thấp thoáng bóng quân ta. Cũng đêm qua, họ đã vượt qua thành cổ, vào phía trong. Nhìn chung quanh, Lữ không phân biệt được cái gì với cái gì cả. Tất cả đều là đổ nát giống như nhau: Gạch, đá, xi-măng đúc, đất, cỏ, cây cành và xác địch bị đạn cày lên tung tóe rồi trộn lẫn vào nhau.

    Lữ không nghĩ rằng bom B-52 được xử dụng ở đây. Từng có kinh nghiệm chiến trường, và mới mấy tháng trước đây, khi tiến quân qua làng Ngô Xá, Lữ đã thấy những cái “hố bom B-52”. Cái miệng hố lớn gấp ba bốn những cái miệng giếng thông thường, khoảng cách đều đặn. Ở đây, không có những cái hố lớn như thế, chỉ là đổ nát, do đạn đại bác, do hải pháo. Sự tàn phá của hải pháo không thua gì các thứ bom hoặc hỏa tiễn.

    Lữ tìm một chỗ cao để đứng lên, cho tầm nhìn rộng hơn, và có thể nhìn ra phía ngoài thành. Trung sĩ Niên nhắc chừng Lữ: “Trung úy coi chừng, lỡ còn thằng nào chưa chết, bắn sẻ…” Lữ vội bước xuống, nhưng cái nhìn nhanh lúc nãy cũng cho Lữ thấy được một cách tổng quát trong và ngoài thành. Xóm nhà phía ngoài cửa Hậu hoàn toàn bị tàn phá, xóm nhà có “Võ Hoa hát hay”, của Võ Tư Bé… Chàng có thể nhìn thấy suốt cánh đồng phía sau cái xóm ấy, chỗ có con “đường ngự” và nhìn thấy tuốt đến thôn Hạnh Hoa ở cuối cánh đồng, trên bờ sông Vĩnh Định.

    Cái tên thôn Hạnh Hoa đẹp thế mà cũng mấy lần đi vào lịch sử chiến tranh Quảng Trị. Mới đây, tết Mậu Thân, tiểu đoàn 7 Dù đã đánh một trận thật “đẹp” ở đấy, chận con đường tiến vào thành phố của Việt Cộng, chứ không thì dân Quảng Trị cũng đã gặp cảnh tàn sát như dân Huế trong trận Mậu Thân.

    Chiếm được phía Đông cổ thành rồi, Lữ chẳng treo cờ gì hết. Lữ không nhận được lệnh phải treo cờ ở thành cổ nên Lữ không chuẩn bị cờ xí gì. Tuy nhiên, ở góc thành Tây Nam đã có ngọn cờ vàng tung bay ở đó. Đến trưa, sau khi được lệnh củng cố an ninh ở khu vực của Lữ, một ngọn cờ khác được treo cao, gần trung tâm thành cổ. Có lẽ đơn vị bạn bên ấy, đơn vị được lệnh treo cờ đã kiếm được một cán cờ cao hơn. Hôm ấy là ngày 16 tháng 9, quân ta đã thực hiện được lời hứa với tổng thống, phải chiếm lại Quảng Trị trong vòng ba tháng, kể từ ngày Quân Lực 19 tháng 6.

    Ngày hôm sau, Lữ được lệnh tiến quân đi tiếp. Ra tới bờ sông Thạch Hãn, Lữ thấy ngẩn ngơ: Đâu rồi, con đường bờ sông? Đâu rồi, con đường học trò? Dù đã quen sự tàn phá của súng đạn, Lữ không thể tưởng tượng cảnh hiện ra trước mắt mình.

    Không còn đường sá, không còn bờ sông, bến nước gì hết. Cũng chẳng còn những hàng dương liễu, cũng không còn những bãi cỏ xanh. Bờ sông? Nó trần trụi. Nó lở lói. Nó tan vỡ. Nó rách nát đến cùng cực. Có thể nào còn một kỷ niệm với con đường nầy, một chút vui tươi khi “ai hẹn hò ai”, hay một chút lưu luyến khi “ai chia tay ai” trên bờ sông nầy? Có thể đêm nay trăng sẽ lên, vằng vặc ở bên kia sông như Lữ đã từng thấy khi Lữ còn niên thiếu. Nhưng bây giờ trăng sẽ chiếu rọi cái gì đây? Những bóng người thon thả, dung dẻ “đi giữa đường trăng” hay chỉ là đất đá tung tóe vương vãi, bừa bãi cùng với những cay cối gục ngã. Có thể còn tiếng côn trùng rền rỉ đâu đó dưới những đống gạch đá lồi lõm cao thấp, và tiếng giun dế ấy có gọi hồn ma quái đâu đây, những linh hồn uổng tử của những người lính “sinh Bắc tử Nam”, của những xác người chìm sâu ở đáy sông, hay linh hồn của người dân quê mùa nghèo khó của quê hương Lữ.

    Dù là ngày, dù đêm… thì con đường học trò ngày nay không còn nữa. Lữ bỗng nhớ tới bạn bè ngày cũ, những đứa cùng lớp, cùng trường, cùng vui chơi với nhau ngày xưa trên con đường nầy, hiện chúng đang hành quân hay đang lưu lạc ở một phương nào đó, và nói với họ bằng một giọng tiếc thương ai oán rằng “Các bạn ơi! “Con Đường Học Trò” của chúng ta nay không còn gì nữa!!!

    Nguyễn Lữ kể

    hoànglonghải ghi


    Ghi chú:

    (1)-“The street without joy”, tác phẩm của Bernard Fall. Bài cùng tên viết về trận đánh Camarge ở Thanh Lương. Quảng Trị, Tác giả dịch và in trong cuốn Viết Về Huế 1. Văn Mới xuất bản.

    (2)-Sông Diên trường nằm giữa Diên Sanh (phía bắc) và Mỹ Chánh (phía nam). Cầu xe lửa bắc qua sông nầy, gọi là cầu Trường Sanh. Bên cạnh cầu là “Ga Trường Sanh”. Cách chưa được nửa cây số về phía đông là cầu xe hơi, trên “Quốc Lộ 1 cũ”, có khi gọi là cầu Diên Trường, khi gọi là cầu Trường Sanh. Công binh Mỹ, từ Mỹ Chánh trở ra Bắc, xây một “Quốc Lộ mới”, (bỏ quốc lộ cũ). Cầu trên “Quốc Lộ mới” này, trên sông Diên Trường, gọi là “Cầu Dài”. “Đại Lộ Kinh Hoàng” là ở ngay phía Nam Cầu Dài. Gọi là Đại Lộ vì con đường mới do Công Binh Mỹ xây, theo kỹ thuật Mỹ, rộng và êm, không như Quốc Lộ cũ, xây từ thời Pháp thuộc, hẹp và gồ ghề.

    (3)-“Đạn gởi về làng”, có nghĩa là đạn không trúng vào bia. Câu nói đùa của “lính mới tò te” khi tập bắn.

    (4)-Con đường nối từ Quốc Lộ 1 lên nhà thờ La Vang, phải băng qua đường xe lửa. Khi ông Ngô Đình Thục về làm Tổng giám mục Địa phận Huế, đoạn băng qua đường xe lửa được xây cầu, dân chúng gọi là “Cầu Lòn” (đường xe lửa lòn dưới cầu xe hơi).

    (5)- “Chim bay về núi “túi” rồi

    Để cho em bậu rửa nồi nấu cơm

    Tôi viết là “túi” (tối), cho đúng với “thổ âm Trị Thiên”.

    (6)-“Cùi”: ám danh dùng trong điện đàm truyền tin quân đội, chỉ Việt Cộng.

    Hoa trắng thôi cài trên áo tím
    Thơ: Kiên Giang Hà Huy Hà
    Nhạc: Anh Bằng
    Ca Sĩ: Như Quỳnh

    Lâu quá không về thăm xóm đạo
    Từ ngày binh lửa cháy quê hương
    Khói bom che lấp chân trời cũ
    Che cả người thương nóc giáo đường

    Mười năm trước em còn đi học
    Áo tím điểm tô đời nữ sinh
    Hoa trắng cài duyên trên áo tím
    Em còn nguyên vẹn tuổi băng trinh

    Quen biết nhau qua tình lối xóm
    Cổng trường đối diện ngó lầu chuông
    Mỗi lần chúa nhật em xem lễ
    Anh học bài ôn trước cổng trường

    Thuở ấy anh hiền và nhát quá

    Nép mình bên gác thánh lầu chuông
    Để nghe khe khẽ lời em nguyện
    Thơ thẩn chờ em trước thánh đường

    Hai bóng cùng đi một lối về
    E lệ em cầu kinh nho nhỏ
    Thẹn thùng, anh đứng lại không đi.

    Sau mười năm lẽ anh thôi học
    Nức nở chuông trường buổi biệt ly
    Rộn rã từng hồi, chuông xóm đạo
    Khi nàng áo tím bước vu quy

    Anh nhìn áo cưới mà anh ngỡ
    Chiếc áo tang liệm kín khối sầu!
    Hoa trắng thôi cài trên áo tím
    Giữ làm chi kỹ vật ban đầu!

    Em lên xe cưới về quê chồng
    Dù cách đò ngang cách mấy sông
    Vẫn nhớ bóng vang thời áo tím
    Nên tình thơ ủ kín trong lòng

    Từ lúc giặc ruồng vô xóm đạo
    Anh làm chiến sĩ giữ quê hương
    Giữ màu áo tím, cành hoa trắng
    Giữ cả trường xưa, nóc giáo đường

    Giặc chiếm lầu chuông xây ổ súng
    Súng gầm rung đổ gạch nhà thờ
    Anh đem gạch nát, xây tường cũ
    Chiếm lại lầu chuông, giết kẻ thù

    Nhưng rồi người bạn đồng song ấy
    Đã chết hiên ngang dưới bóng cờ
    Chuông đổ ban chiều, hồi vĩnh biệt
    Tiễn anh ra khỏi cổng nhà thờ

    Hoa trắng thôi cài trên áo tím
    Mà cài trên nắp áo quan tài
    Điểm tô công trận bằng hoa trắng
    Hoa tuổi học trò, mãi thắm tươi

    Xe tang đã khuất nẽo đời
    Chuông nhà thờ khóc đưa người ngàn thu
    Từ đây tóc rũ khăn sô
    Em cài hoa trắng lên mồ người xưa.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X