Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Một Người Bạn – Một Người Thầy - Lê Chu

Collapse
X

Một Người Bạn – Một Người Thầy - Lê Chu

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Một Người Bạn – Một Người Thầy - Lê Chu

    Một Người Bạn – Một Người Thầy

    Lê Chu



    Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam

    Năm 1964, sau khi thụ huấn khóa Sĩ Quan Truyền Tin Cao Cấp tại Hoa Kỳ, tôi đảm nhận chức vụ Tiểu Đoàn Trưởng Truyền Tin tại Quân Đoàn IV và hai năm sau, về Sư Đoàn 7 Bộ Binh với chức vụ Trưởng Phòng Truyền Tin. Vị Tư Lệnh Sư Đoàn 7 lúc bấy giờ là Chuẩn Tướng Nguyễn Viết Thanh. Cuối năm 1968, Tướng Nguyễn Viết Thanh đi nhận nhiệm vụ mới làm Tư Lệnh Quân Đoàn IV.

    Sư Đoàn 7 Bộ Binh bắt đầu gặp một số khó khăn, không hẳn do áp lực địch mà do lề lối điều hành, không khí chia rẽ địa phương, nghi kỵ, bàng bạc trong nội bộ. Một vài sĩ quan thiển cận, thiếu tài kém đức gây nên nhiều điều đáng tiếc. Ví dụ như hành quân thiếu thành phần trừ bị. Một tiểu đoàn Việt Cộng bị quân ta bao vây, địch án binh bất động, chờ trời tối, mở đường máu tràn qua vị trí của ta. Thiếu thành phần trừ bị nên ta không phản ứng kịp, đang thắng hóa ra thua. Tổng Tham Mưu phải xuống điều tra. Một dịp khác, khi một đơn vị thuộc Trung Đoàn 11 được lệnh vượt sông vào Mật Khu 20/7 của địch ở Định Tường. Khi đơn vị đang vượt sông thì chạm địch. Bị tấn công bất ngờ, địa thế lại hiểm trở, quân ta đang ở trong tình trạng nguy khốn. Trung Đoàn 11 xin Sư Đoàn giải cứu. Nhằm ngày cuối tuần, các giới chức thẩm quyền không có mặt để giải quyết. Một đại úy, trưởng toán trực Trung Tâm Hành Quân Sư Đoàn không biết nên xoay xở như thế nào, đành bó tay. Kết quả là một tiểu đoàn của ta bị thiệt hại khá nặng. Tiểu đoàn trưởng và cố vấn Mỹ đều bị tử thương. Tổng Tham Mưu lại xuống điều tra.

    Nhưng Sư Đoàn lại bị thêm một “tai nạn” khác, khá trầm trọng. Trong cuộc chiến, Hoa kỳ gởi quân tham chiến đến Việt Nam. Tại đồng bằng sông Cửu Long, họ thiết lập một căn cứ - Căn Cứ Đồng Tâm - nằm trên bờ sông Mỹ Tho và kinh xáng Long Định, cách thành phố Mỹ Tho 9 cây số. Đây là nơi Sư Đoàn 9 Bộ Binh Hoa Kỳ đóng bản doanh. Khi Tổng Thống Nixon chủ trương Việt Nam Hóa Chiến Tranh, Sư Đoàn 9 Bộ Binh Hoa Kỳ là đơn vị đầu tiên rút khỏi Việt Nam. Cả hai chính phủ Hoa Kỳ và Việt Nam muốn các cuộc chuyển giao có kế hoạch và tất nhiên, cần những màn có tính cách trình diễn nhằm phục vụ cho mục tiêu chính trị. Việc tiếp thu căn cứ Đồng Tâm chỉ được giao cho một vài sĩ quan. Các đơn vị thuộc Sư Đoàn 7 Bộ Binh không được phép liên lạc với các đơn vị Hoa Kỳ ở Đồng Tâm. Hai tuần sau khi người Mỹ rời căn cứ, căn cứ Đồng Tâm được chiếu cố quá tận tình. Người Mỹ bất bình, đem tất cả các chứng tích mà họ chụp ảnh và quay phim về Sài Gòn báo cáo. Sư Đoàn lại bị điều tra thêm một lần nữa.

    Cuối năm 1969, chúng tôi nghe phong phanh rằng Sư Đoàn sắp có một vị Tư Lệnh mới. Sau đó, một vị trưởng phòng ở Quân Đoàn IV điện thoại cho tôi biết tân Tư Lệnh là người cùng khóa với tôi, ông không nói tên nhưng tôi đoán là Đại Tá Nguyễn Khoa Nam. Lúc đó, các sĩ quan tham mưu chúng tôi, khá nhiều người thuộc Khóa 3 Thủ Đức bắt đầu làm việc dưới quyền chỉ huy của một người bạn đồng khóa mà chúng tôi nghe danh từ bên binh chủng Dù.

    Trong khi làm việc dưới quyền Tướng Nguyễn Khoa Nam, tôi nhận thấy ông có những cá tính đặc biệt. Ông rất tự chủ, điềm tĩnh, ít khi tỏ ra bối rối. Ông rất khiêm tốn, không thiên vị, giàu tình thương nhưng không để tình cảm chi phối. Trong một cuộc hành quân do Sư Đoàn tổ chức tại Mộc Hóa, Chiến Đoàn 10 được tăng phái một thiết đoàn M-113, có nhiệm vụ tái chiếm mục tiêu bị Việt Cộng xâm nhập. Trên đường tiến quân, địch chống trả mãnh liệt. Bên ta, có vài thiết vận xa M-113 bị trúng đạn bốc cháy. Đà tiến quân bổng khựng lại. Chiến đoàn trưởng ra lệnh cho đoàn quân nhị thức, bộ binh cùng với thiết xa tiến vào mục tiêu, nhưng thiết xa vẫn bất động nên ảnh hưởng đến bộ binh. Biết ngay sự việc, ông ra lệnh thay ngay thiết đoàn trưởng tại mặt trận, mặc dù ông rất thương người này nhưng ông đặt công vụ lên trên tình cảm cá nhân.

    Ông lúc nào cũng bình tĩnh, không bao giờ chúng tôi thấy ở ông sự xao xuyến, băn khoăn để lộ ra ngoài. Một hôm, bản doanh hành quân của Sư Đoàn bị pháo kích vào nửa đêm, đạn pháo rơi trúng bộ chỉ huy, mọi người nhảy vào hầm trú ẩn. Tôi bị kẹt ở ngoài nên lao xuống đất. Ông cũng nằm xuống tiếp tục nghe báo cáo. Đại Tá Phạm Đình Chi (Khóa 3 Thủ Đức), Tham Mưu Trưởng Sư Đoàn từ trong hầm trú ẩn tung về phía ông chiếc áo giáp, ông không có thì giờ mặc vào, tiếp tục ra lệnh phản pháo, dập tắt trận địa pháo địch. Trong thời gian này, Việt Cộng đã bắt đầu sử dụng hỏa tiễn tầm nhiệt SA-7. Xạ thủ và chúng tôi ngồi hai bên trực thăng, người nào cũng trang bị một số trái sáng, khi thấy vệt sáng từ dưới đất, chúng tôi rút chốt trái sáng vứt ra ngoài. SA-7 theo trái sáng đang cháy chui vào mục tiêu gần nổ tung thay vì ống khói trực thăng ở xa hơn. Những lần gặp “tai nạn” như vậy, chúng tôi cảm thấy kinh hoàng, xem như “bắn chậm thì chết”, thế mà nhìn ông, ông vẫn tỉnh táo, coi như không có việc gì xẩy ra.

    Ông thích hội họa và âm nhạc. Những lúc rỗi, ông ngồi trong phòng chăm chú nghiên cứu, nhìn bản đồ, rồi ông lấy bút vẽ trên trang giấy những bức tranh, vẻ theo ký ức, nét vẽ rất có hồn. Ông chỉ thích nhạc nhẹ – cổ điển và bán cổ điển. Ông thích những bản nhạc Pháp trước năm 1945 do Tino Rossi hát. Tôi nhờ một tiệm bán dĩa hát ở đường Tự Do, Sài Gòn, sang vào băng nhựa những bài hát mà ông thích như Sénérata, Marinella, J'ai deux Amours v.v.. Sau buổi thuyết trình tham mưu buổi chiều, ông đi bách bộ xung quanh văn phòng và trung tâm hành quân. Gặp tôi, ông bảo lái xe đưa ông một vòng trong căn cứ. Ông thường ghé vào các đơn vị, thăm một cách bất ngờ, ông đi vào phòng ngủ, phòng ăn của binh sĩ, gặp những bức tranh phong cảnh hay nghệ thuật, ông trầm ngâm đứng nhìn. Ông thích sống gần thiên nhiên, hoa cỏ, chim thú. Căn Cứ Đồng Tâm, sau một thời gian đã có bóng cây xanh, có hoa là do sự khuyến khích của ông, màu xanh gắn liền với sự sống, ông bảo thế. Sau năm 1975, Việt Cộng đã tung ra rất nhiều sách bôi bác các tướng lãnh VNCH, đời công cũng như đời tư. Các tác giả Cộng Sản kịch liệt lên án ông là “cực kỳ phản động, chống phá cách mạng đến cùng”. Cộng Sản căm thù vì bị Sư Đoàn 7 Bộ Binh giáng cho nhiều đòn đau. Chúng ta không lạ điều đó nhưng bới móc đời tư của ông thì không. Trong cuốn sách nhan đề “Đàng Sau Dinh Độc Lập”, tác giả tên Phạm Văn Xỉ hay Xảo gì đó, đã phóng lên nhiều chuyện vừa hư vừa thực, mục đích bôi lọ tướng lãnh ta. Khi đề cập đến Tướng Nguyễn Khoa Nam, người viết đã hạ những dòng nhu sau: “Tướng Ngụy này thực kỳ lạ, không giống như những Tướng khác ... chỉ thích hoa cảnh ...” Tôi không nhớ nguyên văn nhưng ý chính là như vậy.

    Giữa năm 1972, Bộ Chỉ Huy Tiền Phương của Sư Đoàn 7 đóng tại Mộc Hóa, đang hành quân tại vùng biên giới Việt-Miên thì có tin đồn Tướng Nguyễn Khoa Nam sẽ rời Sư Đoàn 7 Bộ Binh. Có ba vị Đại Tá Tỉnh Trưởng đang vận động để thay thế ông. Chính ông cũng nghe tin ấy nhưng ông vẫn bình thản, vẫn tiếp tục hành quân. Một buổi chiều, tôi đến nơi làm việc của ông tại Bộ Chỉ Huy dã chiến thì thấy ông và Đại Tá Lê Khánh, Tỉnh Trưởng Kiến Tường đang bàn bạc công việc. Thấy tôi vào, Đại Tá Khánh vui mừng vì có người thay ông ta để tiếp chuyện với Tư Lệnh. Sau khi nghe tôi trình bày công việc, bỗng nhiên ông đề cập đến chuyện của ông, ông bảo ý nguyện của ông là sau khi rời Sư Đoàn 7 Bộ Binh, ông mong được về làm tại quân trường Thủ Đức. Đành rằng ở cương vị nào cũng là phục vụ cho Quân Đội nhưng khi nghe vị Tư Lệnh tâm sự vài lời như vậy, tôi thực sự xúc động. Có lẽ ông nghĩ rằng tin đồn sắp thành sự thật. Tôi bèn thưa với ông: “Sao Chuẩn Tướng không xin về Sư Đoàn 1 Bộ Binh?” Ông vội đáp ngay: “Sư Đoàn 1 Bộ Binh đã có Đại Tá Điềm rồi.” Chúng tôi im lặng, trầm ngâm trong chốc lát rồi chuyển sang chuyện khác. Tôi biết ông buồn và tôi cũng buồn. Tôi chợt nghĩ đến một câu trong bài Tống Biệt Hành của Thâm Tâm:

    Ta biết người buồn chiều hôm trước.

    Ra đi bao giờ cũng buồn, chẳng thế mà một nhà văn Pháp đã viết: “Sự ra đi – cho dù là mong ước – bao giờ cũng để lại nhiều luyến tiếc.” Ông không hề hỏi tôi có biết vị nào sẽ thay thế ông nhưng cứ tin tôi được biết, ba vị đại tá đang “dự tuyển” đều là những chiến binh lâu đời, có mặt trong quân ngũ trước khi Quân Đội Quốc Gia hình thành và ba vị cũng đều có nhiều kinh nghiệm đời lính vì tất cả đều trải qua từ cấp thấp nhất đến cấp đại tá trong quân đội.

    Sau đó vài tháng, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đến thăm viếng Bộ Tư Lệnh Hành Quân của Sư Đoàn. Khi Tổng Thống ra về, tại bãi đáp trực thăng Thạnh Trị (Mộc Hóa), Tổng Thống đã bắt tay từ biệt Chuẩn Tướng Nguyễn Khoa Nam. Chúng tôi đứng xa nên không nghe rõ những gì Tổng Thống nói với Chuẩn Tướng. Sau đó, tôi nghe một trung đoàn trưởng kể lại vì ông này đứng gần Tổng Thống và Tư Lệnh. Tổng Thống bảo Chuẩn Tướng Nam: “Anh an tâm làm việc, tôi vẫn tín nhiệm anh.” Tuần sau, Chuẩn Tướng Nam bảo Đại Tá Nguyễn Khắc Thiệu (Khóa 3 Thủ Đức), Chỉ Huy Trưởng Pháo Binh Sư Đoàn và tôi sáng mai, đúng 6 giờ rưởi ra sân bay Mộc Hóa cùng đi với ông. Buổi chiều, tôi gặp ông tại phòng ngủ của ông, một phòng nhỏ cạnh văn phòng Tư Lệnh. Khi tôi vào trình diện, ông đang dùng lưỡi dao lam tự tháo những đường chỉ đen thêu ngôi sao, cấp bậc Chuẩn Tướng trên áo. Sáng hôm sau, gặp chúng tôi, ông bắt tay mỉm cười vui vẻ. Trực thăng đáp xuống Cái Bè, ông bảo chúng tôi lấy trực thăng đó xuống Cao Lãnh giải quyết vài công việc với Trung Đoàn 12. Độ mười phút sau, một trực thăng khác từ hướng Vĩnh Long đáp xuống. Tôi gặp Đại Tá Huỳnh Văn Lạc, cùng khóa 3 Thủ Đức, trong các năm từ 66 đến 68 là Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 12 Bộ Binh. Đại Tá Lạc cho biết ông sắp đáp trực thăng về Sài Gòn cùng với Chuẩn Tướng Nam và vài vị Đại Tá khác bên Hải Quân. Các đại tá được thăng cấp chuẩn tướng mà bên Hải Quân gọi là phó đề đốc, tôi nhớ là có Đại Tá Hùng. Chuẩn Tướng Nam được thăng Thiếu Tướng, thế mà ông giữ kín, không cho chúng tôi biết tin mừng. Tôi mới sực nhớ, thảo nào hôm qua, chính ông tự tháo mấy đường thêu cấp bậc trên cổ áo, gắn vào đó ngôi sao bằng kim khí, để ngày hôm sau, Tổng Thống tháo cấp bậc củ, gắn cấp bậc mới hai sao cho ông.


    Ông nguyên là Trung Tá Trưởng Phòng Truyền Tin
    Sư Đoàn 7 Bộ Binh trong khoảng thời gian từ 1966-1973.

  • #2
    Goi ong Le Chu,
    Phi co cho tuong Nam bay cao , cac cua dong kin, thi lam sao ong va co phi , xa thu thay SA-7 ban len ma tha flare ? Co lan vao youtube, thay co mot vi da noi tuong Nam la hoa tieu truc thang, ong bay vao vung trong luc anh hoa tieu so "lanh cang" khong dam vao vung . Toi o vung IV co biet va kinh trong tuong Nam, nhung chua duoc biet ong la "hoa tieu truc thang" .
    Pilot mien tay

    Comment



    Hội Quán Phi Dũng ©
    Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




    website hit counter

    Working...
    X