Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Tiểu Đoàn 8 TQLC – Trận Cam-Bốt

Collapse
X

Tiểu Đoàn 8 TQLC – Trận Cam-Bốt

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Tiểu Đoàn 8 TQLC – Trận Cam-Bốt

    Tiểu Đoàn 8 TQLC – Trận Cam-Bốt
    MX Phạm Văn Chun
    g




    Lần đầu tiên ba thầy trò chúng tôi được chuyên chở bằng loại máy bay dân sự nhỏ Cessna 2 chỗ ngồi: Tôi, Thượng sĩ Tchen A Sieu, Trung sĩ Nguyễn Văn Thanh, cộng thêm vũ khí cá nhân, ít quân trang dụng nên quá chật chội. Hơn một tiếng đồng hồ ngồi trong thế khổ sở gần như ôm cổ lẫn nhau từ phi trường dân sự Tân Sơn Nhứt đến Pochengton, Nam Vang bên Cam Bốt, máy bay nhẹ khi lên cao độ đủ bay rồi, cảm tưởng như mình chẳng ngồi vào cái gì cả, bồng bềnh nhẹ trôi theo mây.

    Trong đời binh nghiệp, mỗi lần chúng tôi được không vận thì thường nhét vào sàn trực thăng hoặc những vận tải cơ C47, C123, C130, tiếng động cơ ồn ào tại các phi trường quân sự vốn sẵn đã đầy âm thanh hỗn độn: Tiếng trực thăng, tiếng ầm ầm của phản lực cơ, lính tráng ồn ào lên xuống, thấp thoáng một vài cáng thương binh, tử sĩ, tiếng pháo binh ầm ì vọng về đâu đó, không gian sặc sụa mùi chiến tranh. Thật vậy, chúng tôi là Lực lượng Tổng Trừ Bị của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa cho nên được chở đến đâu thì nơi đó đang khói lửa mịt mù.

    Lần này được chỉ định trách nhiệm Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 369 Thủy Quân Lục Chiến thay thế Trung tá Ngô Văn Ðịnh về tham dự lớp Chỉ Huy Tham Mưu Cao Cấp.

    Tôi nhớ vào những ngày cuối mùa mưa tháng 12/1970, phi trường Pochengton chắc vừa qua trận mưa, nhiều vũng nước còn loang loáng khắp phi đạo, quang cảnh nghèo nàn ít náo nhiệt hơn Tân Sơn Nhứt; chưa bao giờ tôi đặt chân đến đây, những hàng rào kẽm gai, bao cát, ụ đất, đây đó lính tráng qua lại tấp nập, v.v…

    Khung cảnh đó bỗng nhiên tôi cảm thấy buồn, những đất nước nhỏ bé xinh đẹp, hiền hòa, đất đai mầu mỡ, cây cối xanh ngát thế kia cũng như đất nước thân yêu của tôi mà sao cứ phải chịu cảnh chiến tranh tàn phá hoài như vậy.
    Chiếc Cessna chưa đáp hẳn thì đã thấy chiếc trực thăng quân sự rà rà bay đến đậu gần đó, vừa xuống đất, 3 chúng tôi đều phải đứng vươn vai cho đỡ mỏi sau hơn 1 tiếng bó tròn trong lòng chiếc máy bay quá nhỏ kia. Ðại úy Ðoàn Trung Ương, Trưởng ban 3 Lữ đoàn đến chào nói: Trung tá Ðịnh gửi trực thăng đón Trung tá về Neak Luong, lâu ngày chúng tôi mới gặp lại nhau, tay bắt mặt mừng rồi không chậm trễ, nhét nhau lên sàn chiếc trực thăng bay về Bộ chỉ huy Lữ đoàn cách đó khoảng 45 cây số phía Ðông Nam.

    Ðến nơi, gặp Trung tá Ðịnh, tôi cứ đinh ninh rằng: chúng tôi thế nào cũng còn ở với nhau 1 hoặc 2 ngày chuyện trò tâm sự, Ðịnh và tôi cùng xuất thân Khóa 4 phụ Sĩ Quan Trừ Bị tại Dalat năm 1954, vốn sẵn tinh thần đó chúng tôi lại cùng phục vụ trong Binh chủng Thủy Quân Lục Chiến nên càng gần gũi nhau hơn, tôi nhiều hơn Ðịnh 2, 3 tuổi gì đó nên Ðịnh có thói quen gọi tôi bằng anh.

    Gọi là bàn giao Lữ đoàn nhưng chẳng bàn giao gì cả, vừa gặp nhau thì Ðịnh nói liền: Thiếu tá Ðoàn Thức, Tham mưu trưởng sẽ trình bày cho anh rõ tình hình, thầy trò tôi phải đi ngay trực thăng đang chờ để kịp giờ cho chiếc Cessna chở tôi sang và bốc Ðịnh về lại Sàigòn ngay. Thế là Ðịnh xòe bắt tay tôi: Ông anh ở lại, chúc may mắn.
    Lữ đoàn 369 hành quân vượt biên sang Cam Bốt trước đó ít tháng, giờ được đặt dưới sự chỉ huy của Quân Ðoàn 4, Vùng 4 Chiến Thuật do Trung tướng Ngô Quang Trưởng làm Tư lệnh. Hiện vùng trách nhiệm của Lữ đoàn tương đối yên ổn, Bộ chỉ huy Lữ đoàn và Tiểu đoàn Pháo binh do Thiếu tá Ðoàn Trọng Cảo làm Tiểu đoàn trưởng tại Neak Lương, 3 Tiểu đoàn tác chiến trú quân cách nhau khoảng 5, 6 cây số trong khu hoạt động của họ gồm:

    - Tiểu đoàn 5 do Thiếu tá Võ Trí Huệ làm Tiểu đoàn trưởng.
    - Tiểu đoàn 8 do Thiếu tá Nguyễn Văn Phán làm Tiểu đoàn trưởng.
    - Tiểu đoàn 9 do Thiếu tá Nguyễn Kim Ðể làm Tiểu đoàn trưởng.

    Nhiệm vụ Lữ đoàn hành quân lục soát tiêu diệt địch trong vùng chỉ định, an ninh bảo vệ thủy lộ (sông Mekong) cho đoàn tàu dân sự quốc tế tiếp tế mọi nhu yếu phẩm cho dân chúng Nam Vang, vì cảng chính của Cam Bốt phía Tây Nam bị áp lực địch không xử dụng được. Lữ đoàn phải làm sao để địch không thể thả mìn, phục kích, pháo kích đoàn tàu cứ khoảng 20 hoặc 30 ngày một chuyến tiếp tế như vậy.

    Vào một, hai ngày trước khi đoàn tàu tiếp tế đi qua khu vực của Lữ đoàn, các Tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến phải hành quân lục soát gần bờ sông khoảng 3 cây số, trải quân chiếm giữ các điểm chiến thuật then chốt chế ngự sông Mekong từ cách Châu Ðốc, Việt Nam khoảng 25 cây số qua Neak Lương về đến khoảng 10 cây số cách Nam Vang, còn đoạn gần Nam Vang tương đối an ninh do Quân Lực Cộng Hòa Cam Bốt chịu trách nhiệm.

    Riêng đúng ngày đoàn tàu tiếp tế di chuyển qua, Lữ đoàn phải rút một Tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến khỏi vùng hành quân về túc trực cùng một Phi đoàn trực thăng gửi từ Cần Thơ (Việt Nam) qua tại sân bay nhỏ Neak Luong để sẵn sàng can thiệp.

    Vào khoảng 10 giờ 45 sáng, một ngày cuối tháng 1/1971 đoàn tàu tiếp tế bị phục kích tại ranh giới giữa Lữ đoàn 369 Thủy Quân Lục Chiến và Lữ đoàn 2 Quân Lực Cộng Hòa Cam Bốt trách nhiệm. Ngay khi được Toán truyền tin Lữ đoàn gửi xuống đi theo vị Thuyền trưởng, Trưởng đoàn tàu báo bị phục kích, Lữ đoàn trưởng, Ðại úy Ðoàn Trung Ương Trưởng ban 3 Lữ đoàn, một Hạ sĩ truyền tin cùng lên trực thăng chỉ huy do Ðại úy Không quân, Phi đoàn trưởng lái cất cánh ngay, đồng thời lệnh Tiểu đoàn 8 lên trực thăng đợt đầu.

    Khi trực thăng chỉ huy bay đến vùng phục kích đoàn tàu, chúng tôi xà xuống thấp quan sát trận địa, thấy địch nằm trải theo bờ sông phía Ðông Nam (cùng phía Neak Luong) đang tác xạ mãnh liệt vào đoàn tàu. Từ trên cao quan sát thấy mặt nước sông tung tóe mỗi khi đạn nổ không trúng tàu: như súng liên thanh hạng nặng 12.7 ly, súng phóng lựu, súng cối 60, 82 ly, đặc biệt chúng tôi còn nhìn thấy cả đạn đạo của súng cà nông 57, 75 ly không giật bắn thẳng từ bờ sông ra đoàn tàu. Một chiếc tàu trúng đạn bốc khói nhưng vẫn tiếp tục cùng đoàn tàu di chuyển, may mắn không chiếc nào cán thủy lôi hoặc hư hại nặng làm tắc nghẽn dòng sông.

    Hai trực thăng Gunship bay theo chúng tôi từ Neak Luong được lệnh can thiệp nên nhào xuống xả súng liên thanh, hỏa tiễn vào bờ sông, súng phòng không địch từ dưới đất bắt đầu bắn lên trực thăng chúng tôi.

    Bay vòng ra phía sau lưng địch, chúng tôi thấy hai trảng trống, vừa ruộng lúa vừa bụi rậm thấp cách khoảng 300 thước ngay sau tuyến địch phục kích. Chúng tôi quyết định đổ quân vào các trảng trống này đồng thời liên lạc với Thiếu tá Phán Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 8 đang bay cùng Ðại đội trong đợt trực thăng đầu và lệnh cho 2 gunship tác xạ dọn bãi đáp. Thường thì dọn bãi đáp bằng nhiều loại hỏa lực khác nhau như Pháo binh, Không quân chiến thuật trước rồi trực thăng gunship tác xạ cuối cùng là đổ quân ngay. Nhưng ở đây thời gian không cho phép làm như vậy nữa. Chúng tôi muốn chụp ngay sau lưng địch không cho chạy thoát nên xử dụng 2 gunship tác xạ, phóng hỏa tiễn ít trái xuống bãi đáp là đổ ngay Tiểu đoàn 8 đợt đầu xuống.

    ***

    Tiểu đoàn 8 chia sẵn thành 2 cánh A và B: – Cánh A gồm 2 Ðại đội tác chiến, Ban chỉ huy Tiểu đoàn – Cánh B cũng 2 Ðại đội, Ban chỉ huy nhẹ do Thiếu tá Trần Ba, Tiểu đoàn phó chỉ huy.

    Ðợt đầu vừa xong, thì đợt trực thăng thứ hai (cánh B) xuất hiện trên vòm trời xa xa rồi cũng nhanh chóng đổ quân xuống trảng trống thứ hai lao lên hướng Bắc sau lưng địch; trong tiếng đồng hồ sau đó 2 Ðại đội còn lại của 2 cánh được thả xuống 2 bãi đáp xong xuôi.

    Tiểu đoàn K17 địch tăng cường nhiều súng cộng đồng hạng nặng nhằm đạt mục tiêu đánh đắm các tàu dân sự quốc tế để gây tiếng vang không ngờ bị Tiểu đoàn 8 Thủy Quân Lục Chiến làm triệt tiêu hy vọng đó.

    Diễn tiến như sau: Trong lúc còn bay trên trực thăng, chúng tôi cùng Thiếu tá Phán đã đồng ý với nhau phải tốc chiến càng nhanh càng tốt không để cho địch kịp trở tay hoặc tháo lui mất. Trên trực thăng chỉ huy chúng tôi ngưng ngay mọi liên lạc trực tiếp với Phán, chỉ monitor để nghe anh điều động các con cái của Tiểu đoàn anh.

    Tiếng Phán oang oang trong ống liên hợp, chửi thề, hò hét, dàn rộng ra, tiến nhanh lên, chạy thẳng ra bờ sông, còn mấy thằng chết hoặc bị thương cứ để đó, để ở bãi đáp tính sau. Ngồi trực thăng trên cao hình dung ra con Ó Biển đầu đàn Nguyễn Văn Phán đang hung hăng xông xáo lùa đàn Ó Biển phóng thẳng vào mũi súng địch, anh và Ban chỉ huy Tiểu đoàn cũng hàng ngang chạy vào như mọi người, không còn cách nào khác khi địch thấy đoàn trực thăng đổ quân sau lưng, đã nhả mồi (đoàn tàu) quay lại phía sau súng lớn nhỏ nổ vào đoàn Ó Biển của 2 cánh A và B như mưa.

    Chỉ có độc nhất một con đường sống là cứ nhắm địch mà phóng tới, ai rớt mặc ai, thầy trò anh cứ phóng tới, làm sao mà lớ quớ ở địa thế trống trải để địch tỉa lần được. Phải bay trên đầu anh, nghe tiếng anh hổn hển trong loa truyền tin mới thấy được cái dũng mãnh như con hổ đói mồi của Nguyễn Văn Phán lúc bấy giờ.

    Phán xuất thân khóa Sĩ quan Trừ bị Thủ Ðức, anh là rể của nhà triệu phú đã từng ra tranh cử đối chọi với Tổng thống Ngô Ðình Diệm ngày xưa. Ðánh giặc anh hung hãn như cọp nhưng về hậu cứ nghỉ ngơi, dưỡng quân anh lại vui nhộn, trẻ trung, ồn ào kết giao rộng rãi trong giới sành ăn chơi của Saigon một thời. Tính tình cởi mở nhưng liều mạng và bốc ẩu. Trời sanh tánh ai mà sửa được cho ai, cũng vì bản tính trời cho như vậy nên trong trận mạc anh đã gây cho địch nhiều cú táng bất ngờ thất kinh khiếp đảm. Con người như vậy không ai ngờ anh lại có giọng ca đục khàn còn liêu trai hơn cả nữ ca sĩ có tước hiệu tiếng hát liêu trai, nhưng với Phán muốn có giọng ca đó thì anh phải đi 2, 3 tuần cognac, nửa gói thuốc lá trước đã, thời gian phải vào khoảng sau nửa đêm, trong hội trường đèn mờ xuống, ngoài trời se lạnh, sương phủ lãng đãng đó đây, những lúc đó giọng ca của anh càng khàn càng đục ai oán không cùng. Anh là một Tiểu đoàn trưởng cự phách không thua gì các Tiểu đoàn trưởng: Phạm Nhã, Nguyễn Xuân Phúc tức Robert Lửa, Ðỗ Hữu Tùng, Lê Bá Bình, Phạm Cang, Nguyễn Ðằng Tống, Nguyễn Ðăng Hòa, Nguyễn Văn Cảnh, v.v…

    Về phía cánh B của Thiếu tá Trần Ba, Tiểu đoàn phó cũng không kém phần ác liệt, cũng địa thế trống trơn, địch cũng quay lại mà bắn bia vào đoàn O¨ Biển. Còn cách nào khác chỉ một con đường sống là nhắm ngay địch mà phóng tới, nhưng Trần Ba giọng Huế, chắc nịch, chậm rải cũng chửi thề, cũng hô hoán xung phong, nhào tới, chửi thề, nhào lên…

    Trần Ba gốc Thiếu Sinh Quân, xuất thân khóa Sĩ Quan đặc biệt, cao lớn, đẹp trai. Khi còn là Trung đội trưởng, Ðại đội trưởng chúng tôi đã nhìn thấy rõ nét, anh sẽ là những Tiểu đoàn trưởng cự phách tương lai của Thủy Quân Lục Chiến, nhưng rất tiếc anh bị tử trận khi là Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 5, ít lâu sau trong trận phòng thủ tuyến Mỹ Chánh mùa Hè Ðỏ Lửa 72 tại Quảng Trị (người viết đã có viết về Thiếu tá Trần Ba trong bài 369 bên giòng sông Mỹ Chánh).

    Pháo binh đặt tại Neak Luong cách 10 cây số gần như mút tầm của đại bác 105 ly, nên chúng tôi lệnh cho Thiếu tá Ðoàn Trọng Cảo Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Pháo binh mang một Pháo đội dùng phà vượt sông Mekong sang bờ sông phía Tây, di chuyển lên ngang trận địa, nên pháo binh can thiệp rất hữu hiệu, mặc dù không còn quân tác chiến nào để bảo vệ, Pháo binh vừa tác xạ vừa tự giữ an ninh lấy qua đêm, liều lĩnh về phía chúng tôi nhưng bất ngờ cho địch nên địch càng hốt hoảng khiếp đảm.

    ***

    Ðịch bị khóa chặt một là bị giết, bắt sống hay chạy thẳng theo bờ sông lên hướng Bắc; sau 3 giờ giao tranh ác liệt, đẫm máu, tuyến địch bị bung, tháo chạy tứ phía, tha hồ làm mồi cho trực thăng Gunship cùng Pháo binh tác xạ truy kích. Sát bờ sông địch và ta trộn chấu, nhưng ta đang khí thế dũng mãnh nên địch hoặc bị giết hoặc bị bắt sống, thu rất nhiều vũ khí.

    - Cao Bằng, đây Ó Biển 1 gọi.
    - Cao Bằng tôi nghe anh năm trên năm.

    Tiếng Phán oang oang báo cáo, tôi mần tụi nó ráo trọi, thu rất nhiều súng cộng đồng, có 2, 3 khẩu 75 ly không giật đây; trình Ðại Bàng địch chạy tứ tán, một số khá đông chạy dọc theo bờ sông lên hướng Bắc, xin Ðại Bàng kêu tụi Lữ đoàn 2 Cam Bốt hốt đi, v.v…

    Tôi khích lệ Phán ít lời và làm theo Phán yêu cầu, liên lạc với Ðại tá Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 2 của Quân Lực Cộng Hòa Cam Bốt, báo cho rõ sự tình, vị Ðại tá này sau thăng cấp Thiếu tướng làm Tham Mưu Trưởng Quân Lực Công Hòa Cam Bốt dưới thời Tổng thống Lon Nol.

    Tổng kết trận đánh: Tiểu đoàn 8 Thủy Quân Lục Chiến vừa chết, bị thương dưới 30, địch khoảng hơn trăm xác rải rác tại trận địa, một số chết vì Gunship, Pháo binh tác xạ truy kích không thể đếm được, bắt sống khoảng 20, thu rất nhiều vũ khí cá nhân, cộng đồng như: AK47, B40, B41, cối Trung Cộng 82 ly, đặc biệt là 2 khẩu đại liên 12.7, 3 khẩu 57 ly và 2 khẩu 75 ly không giật bắn thẳng.

    Trung tướng Ngô Quang Trưởng, Tư lệnh Quân Ðoàn 4, Vùng 4 Chiến Thuật nghe tin chiến thắng bay từ Cần Thơ đến thăm Lữ đoàn ngày hôm sau.

    Ðây là lời Trung tướng Ngô Quang Trưởng: Tôi và Bộ Tham Mưu Quân Ðoàn, nhất là Ðại tá Trưởng phòng 3 Quân Ðoàn khen Lữ đoàn và Tiểu đoàn chuyển thế trận nhanh chóng, các anh thắng vì sự điều quân gan dạ và liều lĩnh gây hoàn toàn vô phản ứng về phía địch: – Thứ nhất là các anh di chuyển quá nhanh chóng, Pháo binh sát tới trận địa, địch không ngờ – Về phía đoàn tàu dân sự quốc tế chỉ một vài chiếc trúng đạn hư hại nhẹ, một thủy thủ chết vài ba bị thương nhẹ.

    ***

    Khoảng tháng sau đó Lữ đoàn 369 Thủy Quân Lục Chiến được lệnh di chuyển về Saigon gấp, bổ sung quân số, đạn dược, lương thực trong 2 ngày và được vận tải cơ C130 không vận thẳng đến phi trường quân sự Khe Sanh tham dự cuộc hành quân Lam Sơn 719 vượt biên sang Hạ Lào.

    MX Phạm Văn Chung


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X