Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Thanksgiving – qua góc nhìn một di dân

Collapse
X

Thanksgiving – qua góc nhìn một di dân

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Thanksgiving – qua góc nhìn một di dân

    Thanksgiving – qua góc nhìn một di dân
    ~~~





    Từ thuở sơ khai, con người vốn có hai đặc điểm là lòng kiêu ngạo và có tật hay quên. Kiêu ngạo càng cao khi thấy mọi vật mình có đều do công sức mình làm ra, mọi vật làm ra thì ta phải hưởng, chẳng cần biết trên đầu có ai, dù việc ngày mai chẳng ai biết chắc, để rồi tự mình quên đi Đấng làm ra mọi sự, cầm chắc mọi sự, kể cả sự sống của từng người.

    Cho nên tôn giáo nào cũng vậy, luôn dạy dỗ tín đồ khá cẩn thận, e quên Đấng Tạo Hóa là Cha chung của chúng sinh, đặc biệt khi đã no đủ, làm ăn hanh thông, của cải tài sản dư dật, lòng người dễ sanh thái độ tự cao, và nảy mầm thói vô ơn.

    Nhận biết được điều này, không ai thấm thía bằng những người di dân đầu tiên đặt chân lên xứ Mỹ, sau khi bôn ba trải qua phong ba sóng dữ, đi bảy còn ba, đến được đất liền lại phải đương đầu với cảnh đói khát, dịch bệnh, khí hậu, thổ nhưỡng, thổ dân, ác thú, thiên tai… cuối cùng họ đã sống sót và có mùa gặt hái thu hoạch sản vật đầu tiên trên vùng đất mới.

    Biết tạ ơn trời đất, họ lập ra lệ Tạ ơn hàng năm vừa là dịp bày tỏ không quên Ơn phước Thượng Đế ban cho, cũng là để nhắc nhở những người đến sau theo dấu chân họ luôn hiểu rằng mùa Thanksgiving, đồng nghĩa với mùa biết ơn, mùa tạ ơn, chẳng phải trên xứ Mỹ này mà ý nghĩa của nó đã lan tỏa càng ngày càng phổ cập trên phạm vi toàn cầu (riêng Canada cũng là một xứ Bắc Mỹ đã tổ chức Thanksgiving sớm hơn một tháng).

    Nhắc đến Thanksgiving người ta hay nói theo ‘mùa’ do xuất phát từ truyền thống của nó, nhưng thái độ biết ơn và hành động tạ ơn từ thuở khai thiên lập địa lại là những việc con người vốn hành xử thường xuyên.

    Nhớ lại chuyện xưa, người lãnh đạo dân Do Thái đã dặn dò dân sự của ông vừa thoát vòng nô lệ hơn 400 năm trên đất Ai-cập một khi vào được đất hứa khá biết ơn Đức Chúa Trời, và ăn ở trung tín cùng Ngài trong nơi đất mới, ta thấy có nhóm từ, ‘Vậy ngươi sẽ được ăn no nê…’

    Nên chi ngày nay qua lễ Tạ ơn, theo tập tục xứ Mỹ, họ tổ chức một bữa ăn gia đình, xum họp con cháu bạn bè vào đúng giấc xế trưa ngày Thứ năm của tuần lễ cuối tháng 11 mỗi năm, một bữa ăn thật no nê đúng nghĩa, kiểu như bữa chiều 30 Tết của người Việt quê mình cũng không ngoài ý nghĩa tạ ơn Trời đất tổ tiên qua một năm làm ăn sinh sống theo chu kỳ vận hành của trời đất.

    Cũng trong ngày này, không phải chỉ no nê cho chính mình, mà còn phải nghĩ đến những người chung quanh, những khách kiều ngụ, các người góa bụa, các kẻ mồ côi ở trong thành cùng đến ăn uống no nê cho vui.

    Một thông lệ đã thành thói quen hàng năm, cứ gần đến Lễ Tạ Ơn, chỗ tôi ở lại nhận được một phiếu kêu gọi ủng hộ tùy tâm 5 đô/phần, để họ tổ chức hàng chục ngàn khẩu phần ăn Thanksgiving cho cả chục ngàn người vô gia cư quanh vùng L.A. và phụ cận.

    Là những người di dân gốc Việt đã một lần bỏ nước ra đi vì những động cơ khác nhau, nay trên đất kiều ngụ chúng ta đã được no đủ, nhưng đất Mỹ chưa phải là thiên đàng, mà nhìn quanh vẫn còn những nan đề của cuộc sống xảy ra nhãn tiền trong mỗi gia đình, trong từng cộng đồng, trên toàn xứ Mỹ.

    Khó mà tưởng tượng một đất nước như Hoa Kỳ, dân số chỉ chiếm 5% tổng số cư dân trên trái đất, mà số những người đang thọ án trong các nhà tù (tất nhiên là hình sự, ở Mỹ không có tù chính trị vì họ chấp nhận đối kháng) dẫn đầu thế giới với 25% tổng số tù nhân của cả địa cầu. Theo tờ TIME ngân sách liên bang đã phải đài thọ chi phí 21,000 đô la/tù nhân mỗi năm (bằng tiền học phí cho một sinh viên ở đại học lớn).

    Ấy vậy mà trong một dịp đi thăm một trại tù vùng Orange County, vị tu sĩ tuyên úy khi thấy các tù nhân trẻ vẫn than phiền về điều kiện ăn ở, ông phải an ủi các em đang được sống trong một môi trường tuy mất tự do nhưng so với những người không mất tư do tại nhiều nơi trên thế giới thì các em cũng có những may mắn hơn.

    Cụ thể, chỗ ăn chỗ ngủ luôn có điện nước ánh sáng đầy đủ, máy lạnh mùa hè máy sưởi mùa đông, nệm ngủ được thay vải trải giường hàng tuần, các bữa ăn ngày ba bữa theo đúng tiêu chuẩn dinh dưỡng và vệ sinh của cơ quan kiểm thực nhà nước, nước uống được lọc tinh khiết, nước tắm nóng, lạnh quanh năm cùng các phương tiện truyền thông, giải trí, thể dục tối tân mà ở bên ngoài gia đình nhiều em không có. Chưa kể chánh phủ còn thuê các chuyên gia để phục vụ về mặt tâm linh, kiến thức, sức khỏe không thua gì xã hội bên ngoài. Tóm lại các em phải biết tạ ơn về điều này và biểu lộ thái độ thọ án cho tốt. (họ không khuyên học tập tốt lao động tốt như xứ ta, án phạt chỉ có giảm chứ không cao su như thế hệ H.O., nguyên nhân phạm tội không bàn ở đây chỉ biết di dân lậu chiếm tỷ lệ áp đảo).

    Thuật lại mấy chuyện này trong bối cảnh bàn về Thanksgiving trên đất Mỹ xem ra có vẻ dông dài, nhưng ý của người viết muốn chuyển tải ý nghĩa nặng phần tâm thức trong dịp Tạ ơn hàng năm mà những di dân của nhiều thế kỷ trước đã thiết lập và trở thành truyền thống của người Mỹ.

    Tất nhiên khi nói tạ ơn, đơn giản là một lời cám ơn, một cử chỉ biết ơn, cao hơn là hành động trả ơn, cũng có thể bày tỏ bằng thái độ cám ơn người, biết ơn đời, tạ ơn… em (như bài hát của một nhạc sĩ nào đó), nhưng nhiều khi đối tượng cao nhất để biết ơn, tạ ơn là Đấng Tạo Hóa thì nhiều người chúng ta hay lãng quên.

    Biết được điều này, để rồi cùng nhau – tùy theo thói quen tâm linh của mỗi người – dâng lời tạ ơn Thượng Đế và nài xin Thiên Chúa ban sự bình an, tình yêu thương, và sự no đủ cho mỗi cá nhân, cho từng gia đình trong Mùa Tạ Ơn năm nay.

    Happy Thanksgiving!


    Đỗ Xuân Tê
    Cali, Mùa Tạ ơn 2014

    (vietbao.com)


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X