Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Có nên có súng trong nhà người Việt ở Mỹ…

Collapse
X

Có nên có súng trong nhà người Việt ở Mỹ…

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Có nên có súng trong nhà người Việt ở Mỹ…

    Có nên có súng trong nhà người Việt ở Mỹ…
    Phan




    Lễ Thắp nến tưởng niệm David Q Phan ở Taylorsville, Utah

    Nửa đêm mò dậy đọc lại bản tin mà tối qua mẹ xấp nhỏ đã đưa cho tôi xem, sự xót xa của người phụ nữ sau khi đọc tin một người phụ nữ đồng hương vừa bị mất con, cứ như thấm vào tôi, rồi không chịu tan những lời nao lòng, “Trời ơi trời! Nhà người Việt thì có súng làm chi?”; “Trời ơi!… Trời ơi trời!” Những tiếng thở dài não nuột, sự xót xa cô lại thành lời chia sẻ giữa lòng người làm mẹ với người mẹ vừa mất con, “Anh coi! Hình thằng bé thật bảnh trai, sáng sủa, mà hiền lành… Trời ơi!Mẹ của nó điên mất…”

    Giọt nước mắt đàn bà chực rơi. Làm tôi tắt “bụp” cái laptop trên đùi mẹ xấp nhỏ, tắt đèn ngủ, ráng tìm chuyện khác để nói, để vơi đi xúc động cho mẹ xấp nhỏ. Nhưng tôi cũng không biết nói gì vì chính mình cũng xúc động với tin không may, làm mất khả năng trò chuyện.

    Khi mẹ xấp nhỏ đã ngủ thì tôi nghĩ tới mẹ của cháu David Q. Phan – cũng là một người đồng hương Việt nam với chúng ta trên nước Mỹ, nơi thiên đàng và địa ngục dường như chỉ cách nhau một sợi khói, người mẹ ấy giờ này chắc đang đau khổ tới cứng mắt mà nhắm lại không được vì hình ảnh con trai của chị cứ căng mắt chị ra để nhìn vào những bức tường câm, với câu hỏi: Vì sao? Tôi nghĩ tiếp tới cha của cháu David, anh đang ôm lòng hối hận về việc sở hữu súng trong nhà tới anh muốn chọn cái chết để giải thoát. Nhưng anh chỉ đau khổ hơn khi nghĩ tới vợ mình vừa mất con, không lẽ còn bắt cô ấy mất thêm chồng…

    Tôi đọc đi đọc lại bản tin cũng vẫn đau lòng như mới đọc…,

    Một nam sinh gốc Việt tự sát vì bị bắt nạt trong nhiều năm liền

    Theo trang tin Fox13, nạn nhân là David Q. Phan 14 tuổi, một học sinh trường trung học Bennion Junior High School thuộc thành phố Taylorville. Cậu bé đã tự bắn vào đầu trước sự kinh ngạc và hãi hùng của các học sinh khác trên một đoạn đường skywalk dẫn đến trường học. Vụ việc xảy ra khoảng 3giờ chiều ngày thứ Năm.

    Khi xe cấp cứu đến hiện trường, cậu bé vẫn còn sống, nhưng đã tử vong trên đường đến bệnh viện. Theo lời kể của một người bạn học chung lớp của nạn nhân, Maheta Wily cho hay Phan là nạn nhân của những vụ bắt nạt trong suốt nhiều năm: “Tôi có cảm giác sẽ có gì đó xảy ra, nhưng không ngờ mọi chuyện lại trở nên khủng khiếp đến vậy. Những kẻ bắt nạt cậu ấy thường đặt cho cậu ấy những biệt danh, trêu đùa cậu ấy, thậm chí họ còn lấy mất quần áo của Phan ở lớp PE.”

    Một học sinh khác nói về Phan: “Cậu ấy rất tốt bụng, ngay cả khi người khác không đối tốt với cậu ấy.”

    Makayla Schimidt, một học sinh của trường chia sẻ: “Dường như mọi người không nhận ra rằng lời nói của họ cũng có thể làm tổn thương người khác.”

    Theo cảnh sát, khẩu súng mà Phan dùng để tự sát thuộc quyền sở hữu của gia đình nạn nhân. Phan đã lấy nó khỏi tủ khoá an toàn tại nhà mình.

    Linh Lan (Theo Morallowground)

    Tôi nghĩ về việc có nên sở hữu một cây súng trong nhà của người Việt tỵ nạn? Tôi nhớ lại mình khi mới sang Mỹ, một buổi chiều, có mấy người đàn ông da đen, họ say xỉn, gõ cửa căn phòng apartment mà gia đình tôi vừa dọn vô. Họ hỏi xin thuốc lá.

    Đêm đó tôi nghĩ, họ thăm dò mình – là người châu Á mới tới định cư. Tôi nghĩ đến việc nửa đêm, họ đạp cửa xông vào nhà thì mình làm gì với mấy người to lớn, đen nhẻm như cột đình cháy này? Tôi nghĩ đến cây súng là người bạn không hứa mà giữ lời, không hẹn mà có mặt kịp thời để giúp mình bảo vệ vợ con. Rồi tới đâu thì tới! Chứ anh em hứa, bạn bè hẹn, đều là những người đến muộn!

    Nhưng may mắn cho tôi là đem chuyện ấy đi hỏi ý anh T là người làm chung với tôi trong xưởng. Anh nghe tôi trình bày xong, anh nói: “Không nên. Tôi lấy chuyện của chính tôi để nói với anh vì sao không nên! Tôi sang đây từ 1975. Tôi có hoàn cảnh, và suy nghĩ y như anh bây giờ. Tôi đi học bắn súng và mua súng để ở nhà với suy nghĩ rất giống anh hiện tại. Nhưng cây súng chỉ sử dụng một lần là tôi chỉa vào đầu vợ tôi, ‘… Em im ngay. Không thì đừng trách anh!’

    Đó là chuyện tôi hối hận suốt đời. Dù sóng gió vợ chồng rồi cũng qua đi theo thời gian. Nhưng tôi biết vợ tôi thật sự không tha thứ cho tôi. Chúng tôi còn ở chung mái nhà chỉ vì bà ấy vì mấy đứa con. Tình nghĩa khó thấy khi hai vợ chồng còn sống đủ, nhưng tình cảm hao thoát thì thấy rõ. Có lẽ điều việc ấy còn ray rứt tôi tới hết đời.

    Sau đó là một hôm, tôi thấy tủ để súng của tôi có dấu cạy tủ, tôi đi xem xét thì nhà không có dấu vết cạy cửa của kẻ trộm. Tôi sang phòng thằng con trai lớn, đã 15 tuổi. Nó còn ngủ nên tôi không đánh thức. Đó cũng là dư hậu của chuyện tôi với bà xã, tôi đã biết dằn cơn giận xuống với người thân. Chứ xưa kia thì tôi đã dựng thằng con dậy và cho ăn bộp tai…

    Tôi không cần suy nghĩ gì thêm nữa, đem cây súng ra Sở cảnh sát, trình bày với họ lý do tôi mua và lý do tôi không muốn sở hữu súng nữa. Tôi giao cho cảnh sát với giấy chứng nhận để tôi không chịu trách nhiệm từ đó về cây súng ấy nữa.”

    Anh T nói tiếp,

    “Thật ra, hồi mới tới Mỹ thì mình mang tâm lý sợ sệt vì cái gì cũng xa lạ, ngôn ngữ bất đồng là trở ngại lớn nhất… Nhưng ở một thời gian thì mọi chuyện bình thường; nhất là khi anh có thể giao tiếp được với hàng xóm, thì cây súng không còn cần thiết như anh nghĩ mà chỉ là vật nguy hiểm trong nhà với tính khí nóng nảy của đàn ông, và sự tò mò, táy máy của trẻ con…”

    “…”

    Tôi ở apartment được vài tháng thì thấy những điều anh T nói với tôi rất đúng, khi tôi đã biết chào hỏi hàng xóm, khi tôi đã biết những người hàng xóm cũng là những người đi làm như mình. Cuối tuần uống bia, nướng thịt ngoài trời. Họ không nguy hiểm như tôi nghĩ. Và sự an ninh nơi tôi ở không cần thiết sở hữu súng. Mấy anh hàng xóm bậm trợn vì râu tóc và màu da, mới nhìn hơi ngán nhưng nhìn riết quen mắt.

    Nghĩ lại, tôi có cuộc sống đáng nhớ ở Mỹ là mấy năm ở Apartment, uống bia, nướng thịt với Mỹ đen, thế mà vui; không buồn hiu như bây giờ tự bỏ tù mình trong vòng rào của căn nhà yên tĩnh, trong khu nhà yên tĩnh.

    Tôi không cần sở hữu súng nhưng vẫn thích súng đạn như hồi còn nhỏ ở quê nhà. Súng có ma lực với đàn ông, con trai. Nói chuyện với bạn bè người Việt ở Dallas, tôi thống kê ra khoảng 50% đàn ông Việt nam có sở hữu ít nhất một cây súng ở nhà. Nhưng hầu như ai cũng chỉ kể chuyện đem súng đi dọa người này, nhát người kia… chưa có người đàn ông Việt nam nào ở Dallas đã dùng cây súng cá nhân của mình để khống chế (ít nhất một tên cướp) trước khi cảnh sát tới. Còn lại là những người gặp rắc rối với cảnh sát về cây súng cá nhân của mình thì nhiều.

    Chuyện súng đạn trong tay người Việt tiếp theo từ khi tôi đến Mỹ là chuyện người bạn ở Fort Worth. Anh ta thuộc loại mê súng nên súng đạn đầy trên trần nhà. Anh cũng chẳng bắn ai, chỉ chỉa vào đầu vợ vì tức giận vợ không nghe lời. Anh nói là trong đám bạn trẻ làm chung với cô ta, thích tới chơi nhà anh chị vì có giàn karaoke tuyệt vời. Anh bạn tôi đã nhận diện được một tên trong nhóm nhập nha người Việt ở Fort Worth. Nhưng vợ anh có tính ham vui, cả nể… dẫn tới hậu quả là giàn karaoke bộn bạc của anh không cánh mà bay khi hai vợ chồng không có nhà.

    Anh bạn tôi gặp rắc rối lớn vì vợ gọi cảnh sát. Chỉ 24 giờ sau là số xã hội của anh đã bị xoá trên system của Sở Xã hội. Anh thì nằm tù tuốt bên Mễ vì chưa có quốc tịch Mỹ – do khinh xuất , qua Mỹ từ 1975 nhưng không thèm vô quốc tịch.

    Một người sang Mỹ từ nhỏ, ăn học ở Mỹ,làm sao ngờ được cái ngày tên họ mình có trong danh sách trả về Việt nam, chỉ vì cái tội chỉa súng vào đầu vợ, và trong số súng cảnh sát thu giữ ở nhà anh ta, quả có những cây không giấy tờ. Cảnh sát không thể nào tin những cây súng ấy do người khác cầm cố cho anh để lấy tiền bài bạc hay làm gì đó…

    May mắn là gia đình anh có tiền, tốn cả trăm ngàn đô la mới đưa được anh từ nhà tù của Mỹ nhưng nằm bên đất Mễ về nhà tù Dallas. Vì về nội địa Mỹ thì mới phục hồi lại được số xã hội, để ra toà án Mỹ… gia đình anh tiếp tục hao tốn tiền luật sư, lệ phí toà án…

    Điều quan trọng hơn tiền bạc là tình cảm vợ chồng anh bạn muôn đời không còn như xưa.

    Tin súng đạn của người Việt ở Dallas toàn tin xấu. Tới tin kinh hoàng cả cộng đồng là anh Đỗ Tân, 35 tuổi, đã nổ súng tàn sát gia đình bên vợ, gây ra vụ án mạng tới 6 mạng người mà tôi đã viết bài “Thảm kịch Grand Prairie”. Nay search lại, đọc lại, chính tôi còn bàng hoàng…

    Chính vì search lại “Thảm kịch Grand Prairie” nên lại lòi ra tin nóng hổi về cây súng trong tay người Việt ở Mỹ,

    “Tommy Trương 33 tuổi, sống tại Altamonte Springs, đã bị cảnh sát bắt giữ hôm thứ Hai 29/09/2014, và bị cáo buộc tội danh tấn công người khác mức độ nặng, bắn súng vào một chiếc xe trên đường phố và mang theo súng mà không có giấy phép. Hiện người đàn ông này đã được bảo lãnh tại ngoại. Các nhà điều tra cho biết Trương bóp cò bắn sáu viên đạn khi nhìn thấy một người đàn ông và một người phụ nữ ngồi trong một chiếc xe tải nhỏ vào khoảng 3:15 chiều ngày thứ Hai, đoạn gần giao lộ của 1st Avenue và Bunnell Road, thành phố Altamonte Springs.

    Trương thừa nhận với các nhà điều tra rằng đã sử dụng một khẩu súng lục 9mm và bắn chỉ thiên vào không khí vì nghĩ rằng vợ cũ của anh ta đang ở cùng với bạn trai trong chiếc xe tải màu hạt dẻ.”

    Dù sao tới nay tôi vẫn nghĩ không cần thiết có súng trong một gia đình người Việt. Vì an ninh trên nước Mỹ nói chung, ở Dallas nói riêng đủ sức bảo vệ người dân. Cây súng không còn là vật cần thiết mà trái lại là vật nguy hiểm với đàn ông Việt nam đã chảy trong người dòng máu gia trưởng từ ngàn đời thì nay không thay đổi tư duy kịp để phù hợp với xã hội nam nữ bình đẳng ở Mỹ.

    Chuyện súng đạn trong tay người Việt ở Mỹ tiếp diễn. Hôm tôi sang Pennsylvania chơi. Anh bạn tôi có đến cả chục cây gậy lửa, hầu như cửa ra vào, cửa sổ nào trong nhà anh cũng gác sẵn một cây, làm tôi hơi sợ nhỡ đụng phải…

    Cho đến lúc ngồi nghe chị vợ anh bạn kể chuyện súng đạn, thì tôi sợ thật chứ không phải hơi sợ như trước đó!

    “… một đêm bão tuyết, tuyết ngập tới thềm cửa sổ phòng ngủ. Gặp tuần anh phải đi làm ca đêm, hai đứa con đều đã đi đại học. Chỉ mình chị nằm trong phòng ngủ với sợ hãi nên ngủ không được. Đã thế, ngoài cửa sổ phòng ngủ của chị cứ có một bóng đen to lớn. Thời đó lại chưa có điện thoại cầm tay, nên chị gọi điện thoại nhà cho anh thì bão tuyết làm không liên lạc được. Chị định gọi cảnh sát, nhưng còn lưỡng lự vì không biết gọi 911 thì điện thoại có liên lạc được không nữa!

    Bỗng bóng đen to lớn ngoài cửa sổ không còn chịu đứng im mà bắt đầu húc vào cửa sổ phòng ngủ. Cửa sổ không chống nổi sức húc ngày càng hung hãn của bóng đen. Chị hoảng sợ tới cùng cực, chộp cây súng săn dựa ở thành cửa sổ, và nổ súng ra ngoài. Bóng đen to lớn ngã gục xuống. Tiếng súng nổ và kính vỡ làm chị ngất đi vì sợ hãi.”

    May sao anh bạn trong xưởng, khi điện thoại liên lạc lại được thì gọi về nhà để trấn an vợ ở nhà một mình với cơn bão tuyết. Anh gọi nhiều cú điện thoại, nhưng không có trả lời. Anh quyết định bỏ làm, về nhà ngay vì sợ vợ có chuyện gì rồi mới không bắt điện thoại. Anh bỏ mặc can ngăn của ông xếp, của bạn bè làm chung… anh đi vào nguy hiểm là lái xe trong bão tuyết để về nhà.

    May mắn là anh về kịp để quấn mền cho chị, gọi cảnh sát, xe cứu thương, đưa chị đi bệnh viện vì chị sắp đông đá nhưng còn thở.

    Anh giải thích với tôi, cái bóng đen to lớn ngoài cửa sổ là con nai quá lớn. Nó thấy sáng đèn thì tìm vô trú lạnh. Kính cửa sổ cản trở nó thì nó húc thôi! Vợ anh cứ tưởng kẻ cướp hung hãn trong tình trạng thời tiết tồi tệ nên đâu nhìn rõ được gì…

    Nhưng tôi lại nghĩ đến một người lỡ đường trong cơn bão tuyết, thấy căn nhà còn sáng đèn thì tìm sự giúp đỡ. Cũng may là con nai nên chị không bị ám ảnh suốt đời về việc đã từng giết người oan uổng. Vì trường hợp đó là tên cướp thật, thì chắc chắn kẻ cướp không tấn công nạn nhân kiểu đó vì bên Pennsylvania thì nhà ai không nhiều súng đạn. Chị nhà hoảng sợ nên thiếu suy xét thôi!

    Nhưng chuyện súng đạn và người Việt trên mảnh đất dung chứa những người tỵ nạn này trở thành vấn đề tôi thường suy nghĩ đến. Đặc biệt là chuyện súng đạn với trẻ em, thỉnh thoảng lại gặp trên báo một vụ chết người vì súng đạn trong tay trẻ em. Những thanh thiếu niên đem súng vô trường học gây án mạng thường là súng do gia đình các em sở hữu. Việc cất giữ súng tại nhà với cái tủ có khoá, dù cẩn thận, cũng đâu làm khó được sự thông minh của lớp trẻ bây giờ. Nhiều khi tôi tự hỏi, sao phụ nữ đem hột xoàn đi bỏ vô safe box ngoài nhà băng, ngày mai đi tiệc thì chiều nay đi làm về, ghé ngang nhà băng lấy ra. Khả năng mất trộm tại nhà hoàn toàn không có. Vậy sao đàn ông không gởi súng ở safe box nào đó, ngày mai đi săn thì chiều nay đi làm về, ghé ngang lấy về nhà. Khả năng bị trẻ con táy máy sẽ không đáng kể nữa… Có lẽ người phụ nữ hình dung được viên kim cương do mình sở hữu, không cần thấy hay sờ mó thì mới để yên trong safe box ngoài nhà băng được; còn đàn ông mê súng thì cây súng như người tình, phải thấy, phải sờ mó mới thoả mãn…

    Có lẽ vậy nên một chuyện ghê gớm về trẻ em và súng đạn đã ám ảnh tôi từ lâu. Chuyện thằng bé 10 tuổi ở Pittsburgh. Nó tinh ranh đến mức gọi người làm chìa khóa “để hỏi cho mẹ nó” phải hết bao nhiêu tiền thì người ta mới đến nhà để làm cho mẹ nó cái chìa khoá tủ đã bị thất lạc. Sau đó, nó nhịn đói, để dành tiền ăn trưa trong trường, do cha mẹ cho, tới đủ tiền thì gọi thợ tới làm chìa cho mẹ nó. Nó để sẵn tiền trên bàn bếp, và nói là mẹ nó để số tiền đã hỏi trước đó cho ông thợ làm chìa.

    Cha mẹ thằng bé tinh quái và cả ông thợ làm chìa khoá đều không biết và không ngờ thằng bé tinh ranh hơn người lớn; thằng bé có số giết người – đã mở được tủ súng của cha.

    Lần đầu nó gác cây súng săn đắt tiền lên thềm cửa sổ trên lầu nhà nó, thì dưới đường, một cô bé chín tuổi đã vĩnh viễn xa nhà.

    Cảnh sát không tìm ra hung thủ, cả đầu đạn cũng thuộc loại đặc biệt, nên còn trong vòng điều tra. Nhưng một tháng sau, một bà cụ đi bộ thể dục lần cuối trong đời cũng với đầu đạn đặc biệt như cô bé đã chết vào tháng trước.

    Cảnh sát tìm tới những nhà bán súng trong vùng, tìm ra người đã mua cây súng thuộc loại “new design” nên mới có đầu đạn đặc biệt mà cảnh sát mới gặp lần thứ nhì.

    Cảnh sát tìm tới cha của đứa bé oan nghiệt. Ông này còn tự hào khoe với cảnh sát về cây súng săn mới nhất, ông vừa mua mấy tháng trước, nhưng còn chưa bắn thử vì chưa tới mùa săn. Chỉ có điều là hộp đạn ông mua bị thiếu hai viên! Ông không giải thích được.

    Thằng bé oan nghiệt phải ngồi tù (được dạy học trong tù). Ông toà xét là chờ nó tới 18 tuổi mới xử.

    Tôi cứ bị ám ảnh với câu chuyện đó. Vì khi 18 tuổi thì thằng bé đã đủ tuổi để chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi giết người của mình. Nhưng nó lại phạm trọng tội khi còn thiếu niên, thậm chí là thiếu nhi (mới 10 tuổi), thì luật pháp xử sao đây? Chắc ông toà sẽ thay bản án tử hình (là đúng với người trưởng thành) bằng bản án chung thân (cho trường hợp phạm trọng tội khi còn con nít).

    Nhưng trên hết vẫn là nỗi đau tới hết nhựa sống của cha mẹ, gia đình cô bé oan mạng; niềm đau không bờ bến của con cháu bà cụ xấu số. Và bản thân hung thủ, cuộc đời còn lại chỉ mong được chết hơn sống với ăn năn, hối hận khi đã đủ trí khôn, biết suy nghĩ… Cha mẹ cháu trai này không còn ngày nào hạnh phúc trong đời vì làm sao quên được đứa con còn sống nhưng khổ hơn nó được chết quách cho xong với ray rứt lương tâm trong tù; làm sao quên hay bỏ mặc được đứa con ở tù từ năm 10 tuổi tới hết đời nó…

    Vấn đề còn mãi trong tôi là có nên có súng trong nhà người Việt lưu vong, nhất là nhà có trẻ em? Vụ việc của cháu David Q. Phan lại khơi lên những nhức nhối trong lòng. Chuyện trẻ em Việt nam trên quê hương chiến tranh thì tôi còn nhớ nhiều bạn bè đã chết, hay thương tật cả đời vì đạn bom thời chiến tranh. Nhưng phần lớn do chúng tôi thuộc đám trẻ tò mò, hiếu động ngày xưa. Nhưng bây giờ cũng vẫn là trẻ em Việt nam, chỉ khác là trên nước Mỹ không có chiến tranh nhưng súng đạn vẫn ê hề…

    Chúng ta đến tỵ nạn ở xứ sở may mắn và cơ hội luôn chờ đón mọi người, nhưng ở mặt nào đó thì hiểm hoạ cũng luôn rình rập mọi người. Thì những đứa trẻ ham mê tiếng thép ròng và lò xo va chạm từ khi còn tuổi nhỏ là chúng tôi, nhưng nay đã thành những người cha trong gia đình. Chúng ta (những người bạn trang lứa với tôi) có nên suy xét lại việc có nên có súng đạn trong nhà? Cây súng trong nhà một người đàn ông Việt nam ở Mỹ ở độ tuổi 50 là độ tuồi không tham chiến trong cuộc chiến Việt nam. Nhưng mê súng đạn vì hồi nhỏ đâu có gì chơi nên cạy đạn lấy thuốc súng đốt chơi… Súng đạn là bạn của tuổi thơ trên quê hương chiến tranh, là sự làm quen, bước chuẩn bị tinh thần để tham chiến khi đủ tuổi đi lính.

    Nhưng quá khứ ấy, sự ham thích (bất đắc dĩ) ấy, cần tìm cách quên đi để đừng vì sự ham thích của ký ức (trong điều kiện có tiền rồi) thì mua một vài cây súng về nhà-chơi. Sự thoả mãn cho mình, nhưng có khả năng gây hại tới người khác là vấn đề những chú bé trong chiến tranh cần suy nghĩ khi đã không còn trẻ dại và chiến tranh đã đẩy chúng ta tới biệt xứ, chưa đủ đau nhức tâm can sao còn tìm lại qua tiếng thép lạnh của súng ống làm gì!

    Tôi đặt ra giả sử, nếu nhà cháu David Q. Phan không có sẵn súng trong nhà thì cháu đi đến cùng của suy nghĩ tiêu cực bằng lọ thuốc nào đó có sẵn trong nhà. Mẹ cháu đi làm về có sau cháu từ một tới hai tiếng đồng hồ. Thì khả năng cứu sống cháu sau hành động dại dột của tuổi nhỏ cũng vẫn cao hơn là cháu dễ dàng có cây súng trong tay. Trong khi sự sống chết của mạng người trên nóng súng chỉ trong tích tắc…

    Biết rằng sự việc lớn nhỏ đến đâu trong đời sống cũng qua đi theo thời gian, nỗi buồn nào cũng nguôi ngoai theo ngày tháng. Nhưng người mẹ của cháu David Q. Phan thì hết đời không quên được đứa con trai bảnh bao, dễ thương của mình. Cha cháu mãi ăn năn về sở thích hơn sự cần thiết. Người Việt vẫn nói, “trong cái rủi có cái may”. Như giả sử cháu chết vì tai nạn giao thông, cha mẹ cháu cũng đau khổ mất con. Nhưng cái may từ sự rủi là hai người thấu hiểu nhau hơn, chia chung cay đắng để có ngọt bùi theo thời gian phôi phai của niềm đau. Đằng này, tình cảm vợ chồng không có cơ hội thăng hoa mà chỉ lụi tàn vì đến 90% việc có súng trong nhà không do sở thích của đàn bà Việt nam.

    Chúng ta mong nước Mỹ thôi bán súng tự do là điều không thể vì chúng ta là khách, không có quyền và cũng chẳng có hành để buộc người chủ nhà dung chứa mình phải dẹp bỏ những cây gậy lửa đã làm nên xứ ở này. Nhưng tự thân chúng ta thì có quyền tham gia trò chơi chết người hay không? Sự quyết định sẽ sáng suốt hơn khi nghĩ tới những hệ lụy sau từng viên đạn thoát khỏi nòng súng. Một chút đam mê tiếng thép ròng lạch cạch, những viên đạn dễ thương như viên thuốc độc bọc đường – có đáng để ân hận tới chết, một khi…

    Phan
    ©T.Vấn 2014



    Nhà quàn Moore Funeral Home,tại thành phố Arlington TX 76012
    ***
    23-7-2011
    Cả thành phố Dallas xôn xao với tin một người Việt nổ súng giết chết 6 mạng người và 4 người bị thương. Chưa bao giờ tờ báo Mỹ lớn nhất ở địa phương là Dallas Morning News (DMN) đi tin trang nhất về một cộng đồng thiểu số “trang trọng” như thế và DMN đã đi liên tục nhiều bài viết tiếp theo về vụ việc.

    Tóm tắt vụ án nói trên là anh Đỗ Tân 35 tuổi, đã xả súng bắn chết vợ là chị Trini Đỗ 29 tuổi, 2 người em gái của chị Trini Đỗ là: Tynn Tạ 16 tuổi; Michelle Tạ 28 tuổi và người em trai của chị Trini Đỗ là Hiên Tạ 21 tuổi; người em dâu của chị Trini Đỗ là Nguyễn Thúy 25 tuổi, (mới từ Việt nam qua được hơn năm và đang có thai). Tính cả em bé trong bụng mẹ là 6 mạng người chết. Anh Đỗ Tân còn bắn bị thương cha mẹ vợ và thêm 2 người bị thương… trong bữa tiệc sinh nhật của con trai 11 tuổi của vợ chồng anh, được tổ chức tại Forum Roller World tại Grand Prairie, cách thành phố Dallas khoảng 20 dặm về phía tây. Cháu trai 11 tuổi và em gái 3 tuổi được bình an sau thảm kịch bạo lực gia đình.

    Riêng tôi là người địa phương ở Dallas nên dĩ nhiên là nghe tin sớm, và bàng hoàng khôn nguôi về một thảm kịch của cộng đồng người Việt tại Dallas. Công việc tiếp theo của người làm báo là theo dõi thông tin từ hai phía Việt-Mỹ để thấy được tầm mức của vụ việc: Phía người Mỹ nhìn vào sự việc xảy ra như thế nào? Phía người Việt phản ứng ra sao?… Tôi đi công việc xuống Houston với mấy nhà báo trong Hiệp Hội Truyền Thông Báo Chí Dallas, suốt 10 tiếng lái xe của chuyến đi và về đều nghe anh em đưa ra những quan điểm xung quanh chuyện này. Hôm sau, anh em báo chí trong Hiệp hội chúng tôi lại cùng nhau đi viếng đám tang tại nhà quàn Moore Funeral Home tọa lạc ở 1219 North Davis Drive, thành phố Arlington TX 76012.

    Sau khi tôi đậu xe vào parking, những suy tư của anh em báo chí trong mấy ngày qua đi chung xe, ngồi chung bàn đều vô nghĩa. Trước cái tang quá lớn của gia đình ông Tạ Hội, suy nghĩ đầu tiên của tôi là nếu ông không phải là một cựu quân nhân thuộc loại cứng cỏi (nhảy toán) trong quân đội VNCH thì chắc ông không còn đứng nổi khi 4 người con ruột, một con dâu, một con rể, một cháu nội chưa chào đời chết cùng một lúc. Bà Hội bị thương nặng – đang nằm trong bệnh viện. 2 đứa cháu ngoại bỗng phút giây đã mồ côi – ngay trong ngày sinh nhật thứ 11 của cháu trai.

    Theo ông cho chúng tôi biết, đã gần một tuần trôi qua, ông vẫn chưa ngủ được, không ăn, chỉ uống nước lạnh cầm hơi. Bắt tay ông mà nước mắt chúng tôi cứ muốn trào ra những thương cảm một đồng hương, người lính già của chúng ta làm sao sống nổi nữa đây! Nhỏ lệ khi nghe ông nhắc đến những lời trăn trối của con gái lớn của ông là chị Trini Đỗ trước khi trút hơi thở cuối cùng đã nhờ cha chăm sóc cho 2 con của chị.

    Và tôi hoàn toàn tê dại hết cảm xúc khi nhìn những bức chân dung của nạn nhân. Họ quá trẻ để đủ sức tiếp nhận những bi kịch xã hội, bạo lực gia đình… nhưng họ thật sự đã không còn cơ hội để hỏi cuộc đời, xã hội, mọi người… “tôi có lỗi gì?”

    Tôi cũng không biết nói gì khi một người con trai của ông Tạ Hội đã nói: Gia đình tôi có 8 anh chị em thì nay đã chết hết một nửa, chúng tôi quá đau khổ… Anh còn cho biết, mẹ anh không bao giờ đi đâu chơi hơn vài ngày vì bà luôn gần gũi với các con, đặc biệt là các con gái của bà. Nhưng hiện tại, sau khi ra viện, bà sẽ ra sao?…

    Chưa bao giờ trong ống kính tôi lại ghi hình 4 cỗ quan tài chung trong một nhà quàn, 4 người anh em ruột thịt với nhau đang dối diện với tương lai mở sau 17 năm hội nhập với xứ sở này. Tin từ gia đình nạn nhân, bạn bè thân với hung thủ và các nạn nhân cho chúng tôi biết đều là những tin tức mà giới truyền thông Mỹ-Việt săn tìm. Nhưng hầu hết anh em báo chí ở Dallas chúng tôi đã không làm công việc mà chúng tôi thường làm là ghi chép, chụp hình để đưa tin. Mỗi người rụng rời tay nghề trước sự việc quá lớn, quá đau lòng, như chuyện xảy ra trong nhà mình, gia đình mình; người thân của mình đang nằm đó như ngủ, trẻ trung, xinh đẹp, tương lai và ước mơ còn nguyên trên những nắp quan tài – ngày mai sẽ khép lại tất cả – một cách vô lý đến không chấp nhận được.

    Chúng tôi không thể ở lâu hơn trong nhà quàn, chả phải bận rộn công việc gì quan trọng. Chỉ là không chịu nổi đau lòng và những uất ức thay cho nạn nhân. Càng đau lòng nhưng thật thấy thương đồng hương và tin tưởng được một điều là tình người chưa hết – dẫu chuyện đau thương vẫn xảy ra hàng ngày trên đất nước này, trên khắp thế giới… thật nhiều người từ tóc bạc tới trẻ em đã hỏi thăm những người đúng ngoài nhà quàn-chúng tôi: “Có phải trong này là chỗ đang làm đám tang cho những người bị bắn…”; Thật nhiều người Mỹ từ già tới trẻ đã đến viếng tang lễ với lời xin lỗi mở đầu… “Tôi đọc được tin trên báo; tôi xem trên truyền hình… muốn đến viếng những nạn nhân.” Nghĩa là một đám tang có nhiều người không quen biết nhất ở Dallas từ trước tới nay.

    Tôi nhặt lại được tình người từ những đổ nát đương đại. Đường về lại thành phố Garland, nơi chúng tôi ở, những anh em báo chí đã thôi mang nặng những suy tư đơn lẻ; những quan điểm của mình, của bạn… tiếng nói chung đã phát ra trong cái xe lăn đều trên đường về là: “Chúng ta phải làm một điều gì đó!”

    Buổi họp sơ khởi được mở ra khi chúng tôi về đến Garland, Hiệp Hội Truyền Thông Báo Chí Dallas sẽ đứng ra tổ chức cuộc quyên góp rộng lớn trong cộng đồng người Việt hải ngoại trên toàn thế giới. Mục tiêu quyên góp là tích cóp một trương mục ngân hàng cho hai cháu bé mồ côi kia có tiền ăn học tới trưởng thành. Vấn đề tiền bạc được đặt ra không nhằm mục đích giải quyết đời sống cho hai cháu bé vì các cháu vẫn còn ông bà nội, ông bà ngoại; các cậu, dì… có thể lo lắng cho hai cháu tới trưởng thành được chứ chả phải không. Nhưng việc làm (nhịp cầu) của chúng tôi – Hiệp Hội Truyền Thông Báo Chí Dallas chỉ muốn gởi đến hai cháu bé thông điệp: Tình yêu thương của đồng hương người Việt luôn đứng về phía hai cháu, ủng hộ hai cháu đến trưởng Vâng, thưa bạn. Một đứa bé 11 tuổi, mỗi năm đến ngày sinh nhật – cháu lớn hơn năm ngoái một tuổi đời nên thấm thía hơn về thảm kịch gia đình mình vì khi xảy ra thảm kịch này cháu đã 11 tuổi, trí nhớ sẽ không phai mờ như đứa em gái lên 3. Trong mất mát không gì bù đắp nổi; khổ đau tận cùng của một người vô tội, cháu còn được tình yêu thương, lòng chia sẻ và ủng hộ của đồng hương người Việt trên toàn cầu. Đó là hết những gì chúng ta có thể xoa dịu bớt nỗi đau cho hai cháu bé vô tội nhưng mang vết thương lòng đến hết đời hai cháu cũng không quên.

    Về việc phát động cuộc quyên góp (tiền bạc là phụ – chính yếu là tình yêu thương và lòng chia sẻ của mọi người dành cho hai cháu bé) do Hiệp Hội Truyền Thông Báo Chí Dallas sẽ được phổ biến rộng rãi trên tất cả những phương tiện truyền thông của người Việt hải ngoại cùng chung ý hướng và tiếp tay vào cuộc quyên góp này. Chúng tôi sẽ có phương cách cụ thể trong số báo tuần này, trên tất cả những tờ báo thuộc Hiệp Hội Truyền Thông Báo Chí Dallas. Mong quý độc giả, đồng hương theo dõi và ủng hộ.

    (Có tin cho biết, Cộng đồng Việt kiều Mỹ trong vùng đã thành lập một quỹ tín thác cho hai cháu nhỏ mồ côi cả cha lẫn mẹ. Địa chỉ nhận quyên góp là Hội Việt kiều Mỹ hạt Tarrant, hộp thư 183821, Arlington, Texas 76096. )

    *

    Tôi chẳng biết mình là ai trong lời kêu gọi viết ra từ con tim nặng nề suốt đêm qua, sáng nay ra quán ngồi nghe dư luận. Thảm kịch Grand Prairie không được bàn luận xôn xao, ồn ào với những lời lẽ vô tội; những cái bỉu môi sự đời… trên gương mặt mỗi người khi đưa ra ý kiến về thảm kịch trên đều đượm vẻ buồn sâu xa, nỗi cảm thông vô bờ với hoàn cảnh của hai cháu bé trong tương lai… những tiếng cười trào phúng; những câu ngổ ngáo với tin giật gân, xì-căn-đan trên báo chí đều nhường chỗ cho lời tự đáy lòng những người đồng hương nói ra suy tưởng. Nếu có thể tổng hợp lại những ý kiến từ một quán cà phê thì ta cũng phác hoạ được chân dung thời đại.

    Việc bạo lực gia đình không có gì mới lạ vì nó từng, (thường) xảy ra hàng ngày, trên khắp địa cầu chứ cũng không riêng gì nước Mỹ. Cụ thể một vụ bạo lực gia đình dẫn tới án mạng không quan trọng là xảy ra trong cộng đồng người gì, vì nó phổ biến (ngày càng tăng) trong xã hội. Nhưng nhìn về một góc hẹp là cộng đồng người Việt trong xã hội Hợp Chủng Quốc to lớn này, những vụ bạo lực gia đình của người Việt được nhắc lại sơ qua như ông người Việt ném mấy đứa con nhỏ xuống sông – bên Alabama; chồng giết vợ con bên California; ngay tại Dallas cũng có hồ sơ thần chết về vụ chồng đập búa đến chết vợ…

    Nghĩa là bạo lực trong một gia đình Việt nam sống trên nước Mỹ không phải không có. Những nguyên nhân tổng hợp được từ một quán cà phê không đại diện cho sự đúng đắn nào, nhưng nó lại là những suy nghĩ rất thực, rất đời thường khiến mỗi người đều suy nghĩ. Có người cho là sự hội nhập của người Việt vào xã hội Mỹ không trọn vẹn – cũng là một nguyên nhân dẫn tới bạo lực gia đình. Ý kiến được giải thích khá đơn giản nhưng không phải không có lý! Thí dụ, bậc cha mẹ chấp nhận việc hội nhập là cho con cái vị thành niên đi dự tiệc với bạn bè tới nửa đêm, quá nửa đêm mới về… cha mẹ cho đó là sự hội nhập; nhưng khi cháu gái chưa tới 18 tuổi nhưng có thai với bạn trai. Cha mẹ cô bé không chấp nhận nổi hậu quả của sự cho phép hội nhập của mình; cha mẹ cháu trai kia cũng không vui vẻ gì với cậu con trai của mình. Và người Việt đối phó với hậu quả không dứt khoát như Mỹ, ưa giữ sĩ diện cho cả hai gia đình bằng cách cho chúng làm lễ cưới. Nhưng sau hôn lễ bất đắc dĩ đó thì bên vợ chả coi anh chàng rể nhóc con kia ra gì; bên chồng cũng không coi trọng cô con dâu bất đắc dĩ của mình. Trong khi đôi bạn trẻ có con với nhau từ tình yêu thương, chấp nhận hy sinh tới cùng cho nhau. Nếu hai gia đình đừng can thiệp, để chính phủ lo. Chưa chắc đã thê thảm như khi sĩ diện của cả hai gia đình đã biến họ thành một cặp vợ chồng bất đắc dĩ. Tình yêu tuy bồng bột của họ nhưng tình yêu vẫn là tình yêu xuất phát từ hai trái tim của họ đã bị sĩ diện gia đình bóp chết, biến hoá và thui chột tình yêu ban đầu của họ. Gia đình mới mẻ của họ được tạo ra miễn cưỡng vì sĩ diện của hai gia đình; bơm thổi thiếu trách nhiệm từng ngày vào hai người còn trẻ dại là hôn nhân của họ chỉ là cuộc hôn nhân bất đắc dĩ, tình yêu của họ là vụng trộm… tự hai gia đình làm cho họ coi thường hạnh phúc của họ, dẫn tới coi thường người phối ngẫu… dẫn tới bạo lực gia đình.

    Có ý kiến cho là bạo lực gia đình xuất phát từ sự đối xử thiếu công bằng của hai gia đình nội-ngoại. Con rể bác sĩ được coi trọng hơn con rể thi sĩ; con dâu nha sĩ được coi trọng hơn con dâu làm nail… Cái lỗi nhìn gần thì thật có nhiều bậc cha mẹ đã đối xử như thế với dâu-rể thật, chứ không phải không có. Từ ấm ức nhỏ nhưng tích lũy trong quan hệ lâu dài của một gia đình sẽ thành hận thù và khi lòng hận thù đủ sức biến thành hành động thì kể gì tính người…

    Một ý kiến khá thiển cận nhưng nhìn với góc rộng hơn là do người Việt có thói quen quy về một mối. Con cái trưởng thành, đã lập gia đình nhưng cha mẹ vẫn thích họ về sống chung dưới một mái nhà để ông bà vui cháu. Trong đời sống Mỹ của một gia đình có những tự do không thể có cha mẹ già lom lom xoi mói vào đời tư người trẻ. Sự can thiệp quá sâu vào đời sống riêng tư của con cái đã trưởng thành là nguyên nhân dẫn tới bất mãn; theo thời gian thành hận thù; dẫn tới bạo lực, án mạng…

    Ý kiến bình dân nhưng rất thực này đi đến kết luận khá thú vị: “Vợ chồng chung lo cho con cái là chuyện nước chảy xuôi… nhưng khi chúng đã lập gia đình thì mình cho được gì cho; nói được lời nào vun xới cho con cái thì nói. Bằng không, có nhiêu, còn nhiêu… vợ chồng già liệu cơm gắp mắm mà sống, riêng một góc trời-hai trái tim khô. Sống ở Mỹ thì bắt chước Mỹ, chừng nào con cái, cháu chắt mời ông bà đến dự sinh nhật nó thì hãy đến, Đừng đứng ra tổ chức sinh nhật cho thằng cháu ngoại sinh ở Mỹ bằng nồi bún mắm. Nhìn lại bữa tiệc toàn bạn bè của ông bà xì xụp; mấy đứa bé kia tay bịt mũi tay ăn pizza… Biết đâu con dâu hay con rể để bụng không ưng, lâu ngày, nhiều chuyện… thành chuyện. Qua việc ở Grand Prairie tôi thấy, ở với con trai thì có ngày con dâu cho ăn canh vĩnh biệt; ở với con gái thì có ngày con rể cho ăn kẹo đồng… chỉ tin được bà vợ già là muốn giết mình thì bà ấy đã giết từ khi mình còn trẻ. Nhưng anh đừng nói ra ý nghĩ của tôi trên báo chí vì nhiều người bạn của tôi lại nói tôi xỏ họ…”

    Tôi cũng ghi nhận được ý kiến về bạo lực gia đình trong cộng đồng người Việt từ một người trẻ, theo anh ta: (Hay viết lại nguyên văn lời phát biểu để trung thực cái nhìn cho mọi người), “… đàn bà Việt nam qua Mỹ đòi bình đẳng nhưng họ đâu có bình đẳng gì đâu! Anh có thấy bà Việt nam nào đẩy máy cắt cỏ ngoài sân, rửa xe ngoài driveway; nhưng anh thấy… (chính anh không chừng), cũng là người đàn ông Việt nam đứng ở ở chỗ cái bồn rửa chén với một đống chén dĩa thấy ớn. Trong khi vợ chồng Mỹ thì khác, phụ nữ Mỹ làm công việc cắt cỏ, rửa xe… như đàn ông. Nên người chồng Mỹ không thấy ấm ức như người chồng Việt nam rửa xe, cắt cỏ xong thì vô rửa chén. Tinh ra, phụ nữ Việt nam hội nhập một nửa có lợi cho họ thôi; tên chồng thì nhịn tới lúc chịu hết nổi. Bùm.”

    Một nguyên nhân nữa dẫn đến bạo lực, có thể vô lý với người đã bớt, (hết) nhu cầu, nhưng cũng là vấn đề xã hội khi người vợ dùng chuyện sex như một món quà thưởng cho anh chồng, sau khi anh ta làm vui lòng người vợ về một chuyện chẳng ăn nhập gì đến chuyện phòng the của hai vợ chồng. Từ tâm lý bị ép dẫn tới coi thường vợ, ra ngoài giải quyết sinh lý đâu có bao nhiêu tiền, lại được xem trọng. Hậu quả thì không phân biệt ai lỗi ai phải khi đôi bên cùng không đúng. Hậu quả nhẹ là ly dị, nặng nề khó biết trước…

    Những vấn đề được thảo luận công khai, mang tính quần chúng ở quán cà phê; không đại diện cho sự đúng đắn nào nhưng đúng là những lời được nói ra từ quần chúng. Bạo lực gia đình trong cộng đồng người Việt cũng xuất phát từ một yếu tố khá phổ biến khác là người Việt được giáo dục đùm bọc anh chị em ruột theo tinh thần “anh em như thể tay chân” trong Gia Huấn Ca của cụ Nguyễn Trãi. Nhưng khác với người Mỹ là vợ ngồi xuống nói chuyện với chồng về việc giúp đỡ người em cô ta khởi nghiệp bằng tấm check bao nhiêu là bao nhiêu… một lần duy nhất hay có lần sau… quan trọng là vợ chồng cùng biết và đồng ý chung thì không bực bội. Khác với người Việt là anh chồng đi cày mờ mắt; những lúc hé mắt ra được chút thì thấy cậu em, cô em vợ phây phây ăn chơi với nguồn kinh phí được thấm thúi từ vợ mình. Những bực vọc nhỏ đó sẽ lớn dần và dẫn tới bi kịch…

    Dù sao ra quán để nghe dư luận về thảm kịch Grand Prairie, tôi không ghi lại nhiều những ý kiến không phải không đáng quan tâm; nhưng không đúng chủ đích bài viết này. Tôi chỉ ghi nhận những khái quát để có cái nhìn rộng hơn về hội nhập, cách giữ gìn phong tục tập quán cần cân nhắc hơn… Riêng vụ việc xảy ra ở Grand Prairie, hầu như ai cũng thuộc lòng câu van xin của cháu trai đã nói với cha là đừng bắn mẹ; câu nói cuối cùng mà người cha máu lạnh được nghe con gái bé bỏng của mình nói là: con thương cha, đừng bắn mẹ con.

    Nhưng oan nghiệt đã lấy đi sinh mạng những người mẹ, dì, cậu, mợ từ bàn tay ân đoạn nghĩa tuyệt của người cha máu lạnh. Thảm kịch một gia đình để lại trên đời hai cháu bé không bao giờ còn nghe tiếng nói của mẹ yêu; để lại trong lòng mỗi người chúng ta những băn khoăn tự hỏi về việc mình có mặt trong xã hội này là may hay rủi; Những gì đã xảy ra trong gia đình mình; đang diễn ra trong gia đình mình… tương lai đi về đâu? Hãy nhìn lại để thay đổi khi chưa quá muộn, đừng để điều đáng tiếc xảy ra vì sự cố bất hạnh của một người Việt, một gia đình Việt đều đau lòng cả cộng đồng người Việt. Thật oan trái, thương tâm, tội nghiệp đến cứng họng, hết lời khi nhìn di ảnh của những người bạn trẻ Việt nam bỏ mạng vì những lý lẽ không chấp nhận được. Không có giải thích nào tương xứng hơn sự im lặng sẻ chia đau đớn chung này.

    Chỉ có sự thay đổi cách nhìn, cách sống của từng người Việt sao phù hợp để đừng xảy ra thảm cảnh tương tự nữa là chính xác một phần nào an ủi vong linh những đồng hương vô tội của chúng ta.

    Phan

    Thưa quí bạn,
    Tôi may mắn có thì giờ tìm đọc các bản tin do các báo Việt, Mỹ tường trình về vụ thảm sát này, đồng thời cũng thu lượm được những chi tiết khác của đại gia đình họ Tạ này do các người quen ở thành phố Grand Prairie cho tôi biết. Xin truyền đạt lại, gửi đến quí vị với hy vọng những tin tức đó sẽ giải đáp phần nào những thắc mắc của quí vị.
    Truớc 1975, Ông Hội Tạ tốt nghiệp trường Bộ Binh Thủ Đức, phục vụ trong 1 đơn vị tác chiến, 2 lần bị thương ngoài trận tuyến. Sau 30-4-75 ông bị VC bắt đi tù 6 năm. Gia đình ông được qua Hoa Kỳ theo chương trình H.O. và được người em gái ông đón qua định cư tại tiển bang Arkansas. Ông có 8 người con gồm 5 trai, 3 gái. Những người con lớn của ông lần lượt rời gia đình đi lập nghiệp tại vùng Grand Prairie, TX. Cho đến ngày tai nạn thảm sát xảy ra, vợ chờng ông và 2 người con (1 trai, 1 gái) vẫn còn cư ngụ tại Arkansas.
    Hai người con gái lớn tuổi nhất của ông là Trini (29t) và Michelle (28t) đề tốt nghiệp đại học, cả 2 có việc làm chính tại đại học UT at Arlington (Arlington là 1 thành phố giáp ranh với thành phố Grand Prairie) và 1 job phụ là địa ốc. Hai cô con gái này xấp xỉ tuổi nhau lại làm 2 nghề giống nhau nên rất thân thiết với nhau. Tất cả 8 người con của ông đều rất thương yêu cha mẹ nên những người con lớn của ông (đã về sống và làm ăn Texas) đều có ý định và quyết tâm đón cha mẹ và 2 người em út về sống đoàn tụ với họ tại Grand Prairie, TX. Michelle tình nguyện mua 1 ngôi nhà lớn (trên 4000 sq feet) để đón bố mẹ và các em về ở chung. Theo tin tức của 1 tờ báo Mỹ ở địa phương thì căn nhà đó cũng sẽ là nơi để Trini và 2 con tới trú ngụ nếu chồng của Trini còn hành hạ, hăm giết Trini.
    Tân Đỗ, chồng của Trini, có tính nóng nẩy bất thường không thể tự kiềm chế được(bad temper). Tân còn có tính hẹp hòi, ganh ghét, thấy vợ và anh chị em vợ quá thân thiết với nhau và vợ còn báo hiếu cha mẹ, giúp đỡ những đứa em ruột 1 cách hào phóng nên có ý định tàn sát nhà vợ. Nhân dịp ông bà Hội cùng 2 đứa con út xuống Grand Prairie thăm 1 người con trai bị thương nặng trong 1 tai nạn xe hơi, Tân Đỗ đã đứng ra tổ chức party sinh nhật cho đứa con trai 11 tuổi rơi vào 1 ngày trong thời gian cha mẹ vợ có mặt tại địa phương để có cơ hội tàn sát gia đình nhà vợ tụ họp tại buổi lễ sinh nhật đó. Tân đã “thành công” trong mưu đồ đó.
    Qua những dữ kiện trên, tôi nghĩ nguyên nhân đưa đến thảm kịch trên chỉ vì những người con của ông Hội, nhất là Trini và Michelle, đã quá yẻu thương cha mẹ, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau.
    Qua câu hỏi “Không có ‘lửa’ sao có ‘khói’ ?” của bạn Phở Quê Hương thì theo tôi “lửa” đây là lửa yêu thương thánh thiện của những người con ông Hội dành cho gia đình đã làm cho cơn giận dữ của Tân Đỗ bốc thành “khói” qua họng súng của hắn.
    Khói giờ đây đã tan loãng trong không gian vô định nhưng lửa thì theo tôi được biết vẫn còn cháy sáng. Tin mới nhất tôi biết qua báo chí thì hiện nay 1 trong những người con còn lại của ông Hội đang lập thủ tục mua lại căn nhà Michelle đã mua (nhưng chưa kịp dọn vào thì đả tử nạn) vì anh cho rằng 1 phần hồn của Michelle vẫn còn ở trong căn nhà đó, anh không thể để căn nhà đó bán cho 1 người khác ngoài gia đình anh em anh.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X