Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Đàng Sau Cuộc Chiến

Collapse
X

Đàng Sau Cuộc Chiến

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Đàng Sau Cuộc Chiến

    Đàng Sau Cuộc Chiến
    Kiều Mỹ Duyên

    Gio Linh là một thị trấn nhỏ nằm ở tuyến đầu của miền Nam, sát với dòng sông Bến Hải. Từ thời tiền chiến, Gio Linh đã thành một địa danh nổi tiếng qua bản nhạc "Bà Mẹ Gio Linh" của nhạc sĩ Phạm Duy. Gio Linh là một thị trấn trên cát, cát trắng chạy dài. Những mái nhà tranh trên những cồn cát do gió đùn lên, nhấp nhô trong ánh nắng hoàng hôn, khiến cho nơi đây còn giữ được chút sinh khí chứ không hoang vu tĩnh mịch như miền đại mạc.

    Những căn nhà, gọi là nhà nghe thật tội nghiệp, vì nó chẳng có hình dáng của một căn nhà bình thường, được dựng lên trên cát bằng tất cả những vật liệu gì kiếm được. Trên một vùng toàn cát trắng, sự trồng trọt là điều không thể thực hiện được. Ngay cả con người, sống ở miền gió cát, con người cũng cằn khô.Trên miền đất này, quanh năm chỉ có thiên tai, bom đạn và sự đói khổ. Những đứa trẻ bảy, tám tuổi, chưa biết đọc, nhưng nghe tiếng đạn nổ là biết loại súng gì rồi.

    Hôm nay là ngày 7 tháng 2 năm 1972, tôi ra thăm thị trấn Gio Linh và ghé đến giáo xứ của Linh Mục Trương Công Giáo vào lúc xế trưa. Cha đã lớn tuổi nhưng vẫn còn rắn rỏi khỏe mạnh. Trên khuôn mặt của cha, cũng như những người dân đã sinh trưởng và lớn lên ở đây, nét mặt đều khắc khổ và có vẻ chịu đựng vì quen sống với một cuộc sống quá nhiều bất trắc.
    Tôi mở lời hỏi thăm cha Giáo:
    - Thưa cha, giáo dân của cha ở đây có chừng bao nhiêu người? Họ từ đâu đến đây? Hiện tại họ làm gì để sinh sống?
    - Chúng tôi có 1,600 giáo dân. Họ đến từ Bát phường (Nam Đông, Nam Tây, Cồn Tiên...) . Tại đây không trồng trọt được, nên đa số sống với nghề làm củi. Họ bán mạng sống mà đi lên núi lấy củi, hái măng, vì lên núi, thường bị pháo kích, đạp mìn hoặc đạn M79 thì tan xác.
    - Thưa cha, Việt Cộng có về đây quấy phá không?
    - Việt Cộng vẫn về. Cách đây hai tuần, có trận đánh ở đây. Việt Cộng chết 20 người, bên mình chết 2, 3 người. Có lần Việt Cộng vào tận giáo xứ đặt chất nổ làm sập phòng khách mà chúng ta đang ngồi đây. Khi rút đi, lấy hết quần áo, một cái radio và 17 ngàn tiền quỹ của giáo xứ.
    Trong khi chúng tôi ngồi nói chuyện, thì ngoài sân đã vang rộn tiếng la hét, cười nói của học trò vì đã đến giờ ra chơi. Tôi nhìn các em đang nô đùa ngoài sân, em nào nước da cũng đen vì nắng cháy và có vẻ già hơn trước tuổi. Tuổi trẻ trong chiến tranh là thế đấy!
    - Thưa cha, cha có bao nhiêu học trò và chính quyền ở đây có giúp đỡ gì cho giáo xứ của cha không?
    - Tôi có tất cả chừng 600 học trò. Đa số là con em của giáo xứ. Còn một số là từ các gia đình ở ngoài vào học. Phần chính quyền thì cũng chẳng giúp đỡ gì. Vừa rồi quận có cho hai xách áo quần cũ, nhưng hôi hám quá. Cho như vậy thật làm mất phẩm cách của con người, thà đừng cho còn hơn!
    - Thưa cha, còn vấn đề di dân?
    - Có mấy ngàn gia đình vào Phước Tuy rồi cũng không có việc làm, họ lâm vào tình trạng khốn khổ. Những gia đình khác muốn đi cũng hoang mang.

    Trời ngả về chiều rất nhanh. Gió và khí lạnh bắt đầu kéo đến. Gió thổi giật từng cơn rất mạnh. Tôi vừa du học ở Úc về, sống quen trong một vùng tuyết phủ suốt mùa đông, mà cũng không chịu được cái lạnh ở đây. Cái lạnh của rừng núi, mặc bao nhiêu áo vẫn thấy lạnh, lạnh từ trong xương lạnh ra. Trời mưa đỡ lạnh hơn, nhưng trời đã mưa thì mưa như trút nước, mưa mở mắt không ra. Như tháng mười hai vừa qua, cha Giáo kể, mưa suốt cả tháng trời, chỉ tạnh đúng vào hai ngày lễ Noel. Mùa hè, gió Hạ Lào thổi lửa qua rặng Trường Sơn, nóng nứt đất, nóng nẻ đầu! Nhưng mà đó là nơi chôn nhau cắt rốn. Tình quê hương vô hình nhưng buộc chặt.
    Tôi theo chân cha Giáo lên sân thượng của trường học để xem những dấu vết tàn phá của trận bão lụt vừa qua, nhưng vẫn chưa tu sửa được vì không có tiền. Từ trên sân thượng, dõi mắt nhìn ra một vùng rộng lớn, trời đã sắp hoàng hôn, những tia nắng quái còn tô màu trên những cồn cát. Quang cảnh của Gio Linh trong lúc này nhuốm một vẻ hoang sơ và tiêu điều trước cái nhìn của người từ xa đến. Những ngôi nhà xiêu vẹo dựng trên cát trắng. Nói là nhà, thật ra chẳng phải là nhà. Tôi không biết dùng danh từ gì để diễn tả những căn nhà của người dân ở vùng giới tuyến này. Như những căn lều, vừa thấp vừa hẹp, lại vừa xiêu vẹo. Mái nhà nào lợp bằng rơm thì đã bay theo trận bão lụt vừa rồi. Cả chục người sống trong một căn nhà chiều ngang chừng hơn 1 mét, chiều dài hơn 2 mét. Có muốn xây rộng hơn cũng không có vật liệu. Miếng ăn là điều quan trọng hàng đầu, sau đó mới là chỗ ở. Cứ thử nghĩ, một người, một ngày lên núi kiếm củi về bán được bao nhiêu tiền? Những đứa bé ở nhà cũng biết rằng cha mẹ mình ngày ngày lên núi bán mạng sống để kiếm tiền độ nhật cho cả gia đình, nên buổi chiều khi trông thấy cha mẹ trở về, chúng mới yên chí là mình chưa mồ côi.

    Buổi tối tôi trở về Đông Hà và tạm trú qua đêm trong một cô nhi viện do các nữ tu trông coi. Cô nhi viện này có 130 em, đa số là mồ côi cha mẹ, số còn lại thì cha mẹ không đủ khả năng nuôi con nên đành gửi vào đây. Thị trấn Đông Hà trước năm 1972 là một trong những căn cứ quân sự lớn của Mỹ, nên đa số dân ở đây làm việc trong các cơ sở của Mỹ. Sau khi Mỹ rút về, họ lâm vào tình trạng thất nghiệp, cuộc sống thật bấp bênh.
    Tình trạng bi thảm nhất là cô nhi viện của cha Hoan. Cô nhi viện ngày càng đông, mà một mình cha Hoan không thể xoay xở cho đầy đủ được. Tình hình an ninh ngày càng căng thẳng. Trường Đắc Lộ của cha Hoan đã bị pháo kích vào 4 lần trong tháng vừa qua. Một lần vào buổi sáng Chủ Nhật, dân đang dự lễ trong nhà thờ thì Việt Cộng pháo vào 60, 70 trái hỏa tiễn, làm 25 người vừa chết vừa bị thương.
    Cha Hoan chỉ cho tôi ba nấm mộ trước sân nhà thờ, một mộ lớn ở giữa và hai mộ nhỏ hai bên. Cha nói:
    - Đó là mộ của một cha người Pháp qua giúp giáo dân Việt Nam. Cha lo về vấn đề xã hội. Cha nói tiếng Việt rất hay. Còn hai mộ nhỏ là của hai em học sinh. Một hôm cha cùng hai em học sinh vào làng để săn sóc cho các bịnh nhân nghèo, trên đường đi vào ấp thì bị Việt Cộng bắn chết. Để nhớ ơn cha, tôi chôn cất cha ở sân nhà thờ, dưới những hàng cây dương liễu.
    Niềm lo âu lớn nhất của cha Hoan là làm sao có tiền để nuôi các em cô nhi và duy trì trường Đắc Lộ cho các em có nơi để học hành. Cha có dự án tự túc kinh tế là làm dầu tràm để tạo công ăn việc làm cho nhiều người, nhưng không thành công.
    Tôi được Thiếu Tá Diệu, Trưởng Khối Chiến Tranh Chính Trị của Tiểu Khu Quảng Ngãi hướng dẫn đi thăm các làng mới bị Việt Cộng tàn phá. Đầu tiên chúng tôi đến thăm quận Sơn Tịnh. Những làng bị Việt Cộng đốt cháy tan hoang như Phú Hoà, Vạn Lộc và Sơn Kim. Thiếu Tá Diệu chỉ cho tôi xem một Niệm Phật Đường nay chỉ còn là một đống tro tàn, ông nói:
    - Cô xem, Việt Cộng đâu có chừa chùa hay nhà thờ. Lát nữa chúng ta đến thăm một làng Phật Giáo và một làng Công Giáo.
    Chúng tôi đến thăm làng Phú Hoà. Cả làng chỉ còn trơ lại những nền nhà cháy đen với tro than mà thôi. Một ông cụ ngồi cưa cây. Bà cụ già lưng đã còng đang quét dọn. Tôi hỏi ông cụ:
    - Việt Cộng về hai cụ có chạy không?
    Ông cụ vừa cưa vừa đáp:
    - Ai cũng phải chạy chứ. Đàn ông, đàn bà, trẻ em chạy trước, không chạy thì chúng bắt vào trong khu. Già quá như tôi thì liều mà ở lại để năn nỉ chúng đừng đốt nhà. Nhưng cô thấy đó, chúng đốt hết. Có được mấy thùng lúa để dành ăn cũng bị đốt cháy. Vậy là năm nay phải ăn khoai, ăn sắn rồi cô ơi.
    Tôi hỏi bà cụ:
    - Cụ có gặp Việt Cộng không?
    - Có chứ. Tụi nó nhỏ nhỏ chừng 17, 18 tuổi thôi. Mấy đứa con gái cũng mang súng.
    Tôi nhớ hôm trước có dịp đi thăm một số tù binh. Có mấy cô cũng khoảng 17, 18 tuổi ở quận Mộ Đức, Đức Phổ và Nghĩa Thành. Khi tôi gợi chuyện hỏi thăm, các cô nói với tôi họ là y tá, chị nuôi, tức là chuyên nấu ăn cho bộ đội. Các cô bảo bị dụ mãi thì đi theo lên núi. Đến khi đụng trận, bị thương, bị bắt và được đưa về bệnh viện điều trị mới thấy làm tù binh bên này được nằm giường nệm, ăn ngày ba bữa, còn sướng hơn mấy lâu nay đói khổ, ngày đêm gì cũng ở dưới hầm, lúc nào cũng lo sợ.
    Một anh cán bộ áo đen hướng dẫn chúng tôi đi thăm từng xóm, anh nói:
    - Chúng tôi muốn giúp dân nhưng đâu có gì để cho dân. Dân ở đây nghèo lắm, không có công ăn việc làm. Tôi hỏi anh cán bộ:
    - Chính quyền không trợ cấp vật liệu gì cho dân dựng lại nhà sao?
    - Một phần nào thôi. Việt Cộng đốt nhà hoài. Một năm đốt 3, 4 lần thì lấy vật liệu đâu mà phát cho đủ.
    Biết vậy mới thông cảm cho nỗi khó khăn của chính quyền. Tôi đã nhiều lần đến thăm những thôn xóm xa xôi hẻo lánh, ngồi nghe mấy ông bà già tâm sự:
    - Nhà bị đốt rồi thì gắng cất lại. Mồ mả của ông bà còn đó, chúng tôi không muốn bỏ làng, bỏ xóm mà đi. Nếu có đi, cũng chẳng biết làm gì để sinh sống.
    Như quận Ba Tơ, trước đây gồm có 24 xã, nhưng sau bị Việt Cộng về đốt phá hoài, dân chúng gom về những xã tương đối an ninh hơn, nên bây giờ còn có 7 xã.
    Người cán bộ áo đen chỉ một căn nhà đã cháy còn trơ lại cái nền, anh nói:
    - Căn nhà này là của dì tôi. Dì đã ở trong căn nhà đó gần cả một đời rồi, bây giờ bị đốt, dì khóc đến phát bệnh.
    Tôi thấy hàng tre xanh chung quanh lá cũng bị cháy sém vì lửa từ căn nhà hắt ra. Tôi hỏi:
    - Còn những căn nhà có người đi theo Việt Cộng thì sao, có bị đốt không?
    - Việt Cộng đi đốt từng nhà. Nhà có người đi theo chúng cũng bị đốt luôn. Chúng thù nhất là những nhà có người làm cán bộ Xây Dựng Nông Thôn. Hôm vừa rồi, có hai Nghĩa Quân bị thương rồi bị bắt, chúng trói lại ném vào lửa. Vợ của một anh Xây Dựng Nông Thôn có thai 8 tháng, bị chúng bắt được, trói lại và xô vào căn nhà lửa đang cháy bừng bừng.
    Khi đã yên, dân làng trở về, nhìn thấy những đống tro tàn và xác người đàn bà sắp sanh bị cháy cong queo, họ thật thấm thía với những lời tuyên truyền của những người vẫn thường về đây xưng là chiến sĩ giải phóng.
    Thành phố Quảng Ngãi về đêm có vẻ yên tĩnh và tình hình an ninh tương đối khả quan so với các thành phố lớn khác như Đà Nẵng. Buổi sáng đi theo Trung Tướng Thi và Đại Tá Lợi đến thăm Chi Khu Ba Tơ sau một trận đánh khốc liệt kéo dài 4 ngày đêm. Khung cảnh của bãi chiến trường và sự hy sinh của người lính chiến cùng cuộc sống điêu linh của người dân vùng quê còn ám ảnh trong tâm trí. Tôi thả bộ một mình dọc theo phố chính của Quảng Ngãi. Đây là xứ của núi …n, sông Trà, của những ruộng mía mênh mông. Ban đêm tiếng súng vọng về nghe rất gần, những người lính chiến giờ này còn lặn lội hành quân trong rừng sâu núi thẳm. Và ở ngay thành phố, những quán nhạc đèn màu vẫn rực rỡ, tiếng nhạc vẫn mời gọi và người dân thành phố vẫn đến đây như đang sống trong một cuộc sống thật thanh bình. Mimosa, Diễm Xưa, Anh Đào... với những chàng trai cô đơn ngồi trầm ngâm bên tách cà phê, với những đôi nhân tình đang vui vẻ, hạnh phúc bên nhau.
    Tôi ghé vào quán Mimosa uống cà phê. Một em bé chống nạng đứng thập thò ngoài cửa, đầu cúi thấp. Bàn tay em gầy gò run run vì vui mừng mỗi khi có người khách ném vào chiếc nón rách vành vài đồng bạc.
    Một chân của em bị cưa lên khỏi đầu gối, khúc chân còn lại ốm tong teo và đen đúa. Em bé đứng đó thật kiên nhẫn, chiếc nón rách vẫn chìa ra phía trước. Đa số khách thản nhiên đi qua như không nhìn thấy. Tôi bước ra dẫn em vào ngồi cùng bàn và hỏi:
    - Em muốn uống gì, ăn kem không?
    Tôi gọi cho em bé một ly kem. Em ngồi một cách rụt rè, đầu vẫn cúi thấp xuống. Tôi gợi chuyện, hỏi em:
    - Em tên gì, bao nhiêu tuổi?
    - Dạ, em tên Cương, 15 tuổi.
    Tôi không nghĩ em đã 15 tuổi, vì người em nhỏ bé, trông như mới 7, 8 tuổi. Em đen gầy, chỉ có da bọc xương, khuôn mặt nhỏ, ánh mắt buồn và ẩn nhẫn.
    - Em có bao nhiêu anh chị em, cha mẹ em ở đâu, chân em sao bị như vậy?
    - Em có 3 đứa em, cha mẹ chết hết rồi, chết vì bị pháo kích. Chân em bị cưa cũng vì đạn pháo kích ở Bình Đức, quận Bình Sơn. Em được đưa vào nhà thương Mỹ, bác sĩ Mỹ cưa chân em.
    Em cúi đầu xuống thấp, nước mắt trào ra, tôi không dám hỏi nữa. Tôi đẩy ly kem trước mặt em, lúc em đưa tay ra đón ly kem, tôi mới thấy bàn tay em bị cong quặt lại, chỉ còn bốn ngón.
    - Các em của em bây giờ ở đâu?
    - Dạ ở với bà bác em. Em đi xin mỗi ngày đem tiền về cho bà bác nuôi chúng nó. Mùa đông vừa rồi, em đi xin dành dụm cả tháng mới đủ tiền mua cho tụi nó một cái mền cũ.
    Trời Quảng Ngãi buổi tối mùa hè mà vẫn thấy lạnh. Chiếc áo của em mặc quá mỏng manh nhưng có lẽ em đã quen như vậy rồi. Sự chịu đựng cũng như miếng ăn đều cần để mà sống.
    - Bà bác em nghèo lắm cô ơi. Mỗi ngày bà lên núi kiếm củi về chợ bán đâu được bao nhiêu tiền.
    - Ban ngày em đi xin như vậy, buổi tối em ở đâu?
    - Tụi em ngủ ở các sạp ngoài chợ, có một chú nữa, thương phế binh mù mắt, ban ngày cũng đi xin như tụi em, tối về chợ ngủ. Nhiều buổi sáng ngủ quên, bị mấy bà chủ sạp dựng đầu dậy chửi cho một trận.
    Tôi nhìn ra cửa, ba bốn em khác cũng vừa kéo đến đứng thập thò nhìn vào có vẻ ngạc nhiên khi thấy một "đồng nghiệp" của mình đang chễm chệ ngồi trong tiệm ăn kem. Mimosa là quán cà phê có cà phê ngon và nhạc hay nhất ở đây, nên cuối tuần thường là nơi họp mặt của những người tai mắt trong thành phố này.

    Ngay trên cùng một mảnh đất, cùng trong một giây phút, có những người đang chờ đợi, người thanh niên ngồi chờ những giọt cà phê nhỏ xuống đầy tách cho hết những giờ rảnh rỗi, người lính chiến đang ghìm mũi súng chờ dấu quân thù trong đêm đi kích, người đàn bà vừa thành góa phụ đang chờ ngày mai đi nhận xác chồng và đứa bé đang chờ một vài đồng bạc ném vào chiếc nón rách...

    Kiều Mỹ Duyên

  • #2
    Xin mời đọc thêm:

    Vẻ vang người Việt ; Người đến từ đất Gio Linh khô cằn sỏi đá.
    Sưu Tầm

    Cựu Trung Úy Lê Văn Thiệu, tốt nghiệp khóa 1 Ðại Học Chiến Tranh Chính Trị Ðà Lạt bị tập trung trong các trại tù cộng sản 7 năm.
    Sau khi đi tù về, ông làm nghề thợ mộc nuôi con, cho mãi đến năm 1995, gia đình mới sang Mỹ theo một chương trình H.O. khá muộn màng: H.31. Sau 5 năm định cư tại Hoa Kỳ, năm 2000 con đầu là Lê Thành học xong bằng Master về ngành điện tử tại đại học UTA (University of Texas at Arlington).
    Năm 2004 con trai thứ ba, Lê Ðức Hiếu tốt nghiệp Master Computer science.
    Năm 2005, Lê Huy, con trai thứ nhì lấy bằng tiến sĩ cũng ngành điện tử.
    Năm 2010 con trai út Lê Ðức Hiển, ra đời năm 1982 sau khi ông Thiệu từ trại tù trở về, cũng đã tốt nghiệp y khoa.
    Vào năm 2005, nhân ngày lễ kỷ niệm 15 năm ngày thành lập hội H.O. Dallas-Fort Worth, gia đình ông Lê Văn Thiệu đã được vinh danh là một gia đình đến Mỹ muộn màng nhưng đã sớm thành công trên đất người.
    Năm 2006, ba anh em nhà họ Lê thành lập công ty “Luraco technologies, Inc.” sử dụng kỹ thuật cao (high-tech) chuyên về nghiên cứu và chế tạo sản phẩm cho quốc phòng Mỹ.
    Ba năm trước công ty được cấp kinh phí từ US Army để nghiên cứu và chế tạo ra một bộ cảm ứng thông minh (Intelligent Multi-Sensor) cho hai động cơ trực thăng chiến đấu hàng đầu của Mỹ là Blackhawk và Apache.
    Ðể làm được điều này, nghiên cứu (research proposal) của công ty Luraco phải xuất sắc và vượt trội hơn nhiều công ty danh tiếng khác. Phát minh bộ cảm ứng thông minh này của công ty Luraco sẽ tiết kiệm hàng tỷ Mỹ kim mỗi năm cho Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ về vấn đề bảo trì và an toàn cho hai loại máy bay trên. Hãng WPI tại Fort Worth, Texas đã mời Tiến Sĩ Lê Huy làm việc với chức vụ là khoa học gia (scientist) để đảm trách việc nghiên cứu về Flexible Active Circuits và Optical Sensors dùng trong hỏa tiễn và phi thuyền không gian. Hai năm qua công ty Luraco cũng thắng được hai hợp đồng với US Air Force và được cấp kinh phí để chế tạo hệ thống kết nối những sensors FADEC (Full Authority Digital Electronic Control) trong động cơ phản lực F.35 của Không Quân Hoa Kỳ. FADEC là project lớn dưới sự giám sát của cơ quan NASA Hoa Kỳ.
    Ngoài NASA, công ty Luraco vinh dự được làm việc chung với Boeing và GE là hai công ty chế tạo động cơ phản lực (jet engine) cho phản lực cơ Hoa Kỳ. Ðây là công ty duy nhất của người Việt Nam nhận được kinh phí trực tiếp từ Bộ Quốc Phòng Mỹ để nghiên cứu và chế tạo những sản phẩm kỹ thuật cao cho quân đội. Người Mỹ khó tin được là các em trong công ty mới mẻ này là con một gia đình tỵ nạn cộng sản chỉ mới đặt chân đến Hoa Kỳ từ năm 1995. Thực dụng trong ngành thẩm mỹ ở Mỹ, Luraco là công ty đầu tiên sáng chế ra ghế Mini Pedicure Spa cho trẻ em, Jet nam châm (Magna-Jet) cho bồn Spa, máy khử mùi hóa chất (ChemStop) và máy hút bụi nail (Partigon) cũng như ghế Massage iRobotics.
    Hai năm liền 2010 và 2011 công ty Luraco được vinh dự đón nhận bằng khen là một trong 50 công ty Châu Á phát triển nhanh nhất trên toàn quốc Hoa Kỳ. Năm 2010 công ty Luraco được xếp hạng thứ 69 trong 100 công ty phát triển nhanh vùng Dallas Fort Worth do Khoa Thương Mại trường Ðại Học SMU bình chọn. Trong bốn anh em nhà họ Lê, Tiến Sĩ Kevin Huy Lê là một thành viên trong Hội Quang Học Quốc Tế (The International Society for Optical Engineering) và là người giám định (Peer Reviewer) cho nhiều công bố về khoa học kỹ thuật cũng như tác giả của hơn 20 “technical publications in journals and conference proceedings.”
    Những ngày ở Gio Linh Nhớ lại những ngày xa xưa, Lê Thành, giám đốc công ty Luraco, ngày nay cũng là một MC và “Mạnh Thường Quân” của cộng đồng tị nạn tại Dallas, Ft. Worth đã nói rằng anh không bao giờ quên những ngày khốn khổ ở vùng quê Gio Linh, một vùng bị chiến tranh tàn phá rất nặng nề, ngổn ngang những đống gạch vụn và những hố bom. Sau tháng 4, 1975, khi thân phụ phải vào trại tù tập trung, mẹ anh phải đưa các con về nương tựa bên ngoại. Khi mẹ anh kiếm được một chân y tá tại trạm y tế Gio Linh, Thành mới lên 5 tuổi, cùng với đứa em kế theo mẹ về trạm xá, còn hai em nhỏ trong đó có một đứa mới sinh phải “rứt ruột” gởi cho ông bà ngoại nuôi. Ba mẹ con ở trong một căn phòng lợp tranh, vách đất, không có điện bên cạnh trạm xá. Sau những giờ đi học, Thành phải đi mót củi, nấu cháo hay khoai và trông chơi với em.
    Thành rất thương mẹ, nhớ đến những lúc mẹ khóc, nước mắt ướt cả mặt anh, vì cuộc sống quá cơ cực, cô đơn, mà chồng không biết lưu lạc ở trại tù nào. Con đến trường thì bị gọi là “con ngụy,” mẹ nơi chỗ làm thì được xem là “chồng có nợ máu!”
    Sau 7 năm, khi cha của ông đi tù về mở một tiệm mộc, mẹ ông bỏ việc trở về sum họp với gia đình tại thôn Gio Mai. Thành lên trung học rồi thi đỗ vào Ðại Học Sư Phạm Huế, những năm cuối cùng trước khi lên đường đi Mỹ, Thành dạy tại trường Cao Ðẳng Sư Phạm Quảng Trị. Nhờ những tín chỉ của ÐH Sư Phạm, chỉ 5 năm sau khi đến định cư tại Dallas- Ft Worth, Lê Thành đã lấy xong Master ngành điện tử, cùng với các em Lê Hiếu, bốn năm sau lấy bằng tiến sĩ cùng ngành để xây dựng lên một công ty có đủ khả năng cạnh tranh với các công ty lớn của Mỹ.
    So với những gia đình cựu tù nhân khác, gia đình ông Lê Thiệu đến Mỹ tương đối muộn, vì lúc ra tù, ông tìm về quê cũ, một vùng đất xa xôi, nghèo khổ, xa ánh sáng đô thị, thiếu hẳn tin tức và bạn bè. Nhất là sau khi Thừa Thiên, Quảng Trị sát nhập với Quảng Bình của miền Bắc để thành Bình Trị Thiên, tỉnh này thuộc cơ chế hành chánh của miền Bắc, khắt khe và đầy sự kỳ thị.

    Mãi đến đầu năm 1990, khi thấy thấy rõ, chắc chắn bạn bè lên đường đi định cư ở Mỹ, ông Lê Thiệu mới dám nộp đơn cho công an địa phương. Nhờ tinh thần hiếu học và sự cố gắng vươn lên trong hoàn cảnh khắc nghiệt của tuổi ấu thơ, đến Mỹ, anh em nhà họ Lê như giống tốt gặp môi trường đất đai, khí hậu, phân bón tốt đã đâm chồi, nẩy lộc, cho trái tốt. Tuy vậy “nhớ công ơn cha mẹ đã trải qua những nỗi nhọc nhằn, tạ ơn nước Mỹ, đất của cơ hội đã cưu mang cho chúng con một đời sống mới, và cộng đồng người Việt tị nạn luôn luôn gần gũi, thương yêu gia đình chúng con,” đó là những lời giãi bày của những đứa trẻ từ mảnh đất Gio Linh nghèo khó, hôm nay đã thành công trên đất nước Hoa Kỳ.

    Comment



    Hội Quán Phi Dũng ©
    Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




    website hit counter

    Working...
    X