Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Những Mảnh Đờì

Collapse
X

Những Mảnh Đờì

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Những Mảnh Đờì



    Trong cuộc sống chúng ta có nhiều nỗi niềm cần chia sẻ buồn vui! Từng mẩu hồi ức, kể lể và đồng cảm với một áng văn, một đoạn tạp văn kể lại chuyện một quãng đời: Trong đó bao gồm cả một mảng đời, và biết bao những mảnh tình đan kết... Như những trang nhật ký - như một cuốn phim từng ngày qua của trần gian muôn màu sắc - dù rất lung linh và chóng qua mau như vụt biến của một giấc mơ- hư ảo .....
    *** Mời bạn bước vào " Những Mảnh Đời"- cùng với tôi.***



    HỒI TƯỞNG
    CUỘC TÌNH CỦA MẢNG ĐỜI
    Phạm Lan Chi (Khoá 5 / 71)

    Đoạn cuối của con đường tỉnh lỵ, sau một khúc quanh là rừng Chà Là ngút ngàn. Đúng, đó là nơi mà những kỷ niệm êm đềm của một thời ngày xưa mang đậm dấu ấn trong tôi.
    Vâng, ngày xưa ấy khi tôi còn là một người lính chọn vùng núi rừng đó là nhà và gia đình là đơn vị. Giã từ tuổi học trò còn vương đậm nét thơ ngây, bước vào đời với mớ kiến thức của những ngày tháng rong chơi làm hành trang. Vùng chiến tranh khốc liệt luôn rình rập lúc nào cũng muốn chộp cướp đi những gì tồn tại. Hàng ngày, hàng đêm đối diện với cuộc chiến tương tàn và sự âm u lạnh lẽo của núi rừng. Tôi đã trải qua giai đoạn đầu đời trong bối cảnh như thế. Nhưng tất cả không điều gì làm tôi e ngại bởi lẽ sự ngang tàng và nhiệt huyết của tuổi trẻ đã giúp tôi dễ dàng chấp nhận.
    Năm tháng qua đi, những vùng đất tôi đã đặt chân qua không một ngày nào bình yên. Ngoài cái vị trí chiến lược đơn độc như bị cô lập, vùng đất này sự sống và cái chết gần nhau trong gang tấc, còn được sống để trở về là điều thật mong manh. Cuộc sống cứ lầm lũi như đi tìm một cái gì đó thật mờ mịt.
    Cho đến một ngày. Một ngày mà tôi nhận được lệnh đến Chà Là giữ chức vụ Đại đội trưởng của một đại đội đang đồn trú tại đó. Vùng rừng núi hoang vu ấy - Vùng địa danh Chà Là lạ lẫm ấy là "Bộ Chỉ Huy nhẹ" của Tiểu khu mà đơn vị tôi có nhiệm vụ bảo vệ.
    Trong khung cảnh của một vị trí gần cuối bản đồ Tỉnh, với vùng trời mà ánh bình minh không bao giờ ló dạng, buổi chiều không gian gần như bóng đêm và có những chốt tiền tiêu mà mọi sự ăn uống, di chuyển đều bằng những con đường hầm ngoằn ngoèo sâu ngút đầu người. Thật ngỡ ngàng khi tôi được gặp em ở vùng đất núi rừng này. Tại sao lại có thể có người con gái gan dạ như thế, dám hiện diện ở vùng đất khô cằn sỏi đá, dám chấp nhận mọi hiểm nguy và đang thường xảy ra những cuộc chiến khốc liệt này? Người dân ở nơi đây chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Vì em là con gái của vị Chỉ Huy trưởng.
    Những ngày tháng đầu tiếp xúc với em chẳng qua là những cái gật đầu và nụ cười xã giao thông thường, em mang dáng vẻ của một cô bé còn ở tuổi học trò, tóc chấm ngang vai ôm khuôn mặt thanh tú với một vẻ gì đó u buồn. Cảm nhận về em trong tôi là tất cả những dịu dàng , e ấp, thánh thiện và dường như có một chút gì đó xao xuyến của mỗi lần gặp gỡ.
    Bố của em, một vị chỉ huy cương nghị, lịch lãm, bản lĩnh, nghiêm khắc nhưng lại rất chân tình với thuộc cấp. Tôi là một trong những thuộc cấp được ông thương mến như một người em út. Ông thường cho gọi tôi đến để cùng thưởng thức những ấm trà đặc biệt mà ông mua từ Saigon trong những lần đi phép, dường như để cùng chia xẻ với tôi những gian nan của những lần hành quân vất vả, những đêm trực chiến căng thẳng. Và những lần như thế , tôi chỉ thấp thoáng thấy được em.
    Thế rồi đến một ngày ông được bổ nhiệm làm Tham Mưu trưởng Tiểu khu. Tưởng rằng sẽ không còn được nhìn trộm em hoặc sẽ không còn được đón nhận ở em những nụ cười thân quen. Ngày ông lên đường nhận nhiệm vụ mới, ông đã chân tình gửi gấm em lại cho tôi. Trong bối cảnh ấy , niềm hân hoan xen lẫn bùi ngùi quyến luyến của lúc chia tay, tôi ngập tràn vui sướng. Em vẫn ở đây, vẫn hiện diện nơi đây và … bên tôi.
    Và cũng rồi từ đó, em và tôi gần gũi nhau hơn. Rừng Chà Là bỗng dưng như khởi sắc, em cũng vui và tôi cũng vui. Những tháng ngày mưa gió, tất cả như ngập chìm trong khung cảnh âm u, tịch mịch, mang lại những nỗi buồn da diết. Tôi và em thường ngồi bên nhau , bên tách café ấm, kể cho nhau nghe về những êm đềm của ngày xưa còn bé, thuở còn đi học và cả những buồn vui của ngày mới lớn. Tôi với em tâm sự, trao đổi với nhau bằng tất cả tình cảm chân thành như tình chú cháu, tình anh em, … tình bạn lẫn lộn.
    Vào một ngày, tôi được lệnh tiếp ứng cho một đơn vị bạn đang bị bao vây. Suốt một ngày trời tham dự cuộc chiến đấu một mất một còn trong cơn mưa tầm tã mịt mù thuốc súng, mãi đến 2 giờ sáng tôi mới trở về trong sự rét buốt cộng với sự mệt mỏi cả thể xác lẫn tinh thần. Em vẫn chờ tôi với ly café nóng vừa pha và đón tôi bằng ánh mắt mừng rỡ pha lẫn lo âu thương cảm. Một cảm giác thật ấm áp, thật hạnh phúc ùa ngập trong tôi. Em đã thổ lộ tình em như thế đấy.
    Cảm xúc của tình yêu lớn dần trong tôi và trong em. Tình yêu của chúng tôi thật êm đềm và ngập tràn hạnh phúc. Tuy nhiên hai đứa chưa dám bày tỏ điều này với bố mẹ. Với bố em, ngoài việc gọi ông theo cấp bậc quân đội, tôi vẫn thường gọi ông bằng "Anh Tư" thân mật và dĩ nhiên ông luôn xem tôi là thằng em út mà ông thương yêu nhất.
    Rừng Chà Là với những hàng cây cao vút, vào những ngày cuối thu hoa Chà Là nở rộ vàng rực, gió đông về nhè nhẹ khiến mùi hương toả lan thơm ngát cả khu rừng của chúng tôi. Những buổi chiều bình yên trong khung cảnh huyền diệu ấy, tôi với em thường thả bộ hoặc ngồi dưới những tán cây đầy hoa. Ngắm nhìn em trong tà áo Xanh dịu dàng với những cánh hoa rơi loà xoà trên tóc trong ánh hoàng hôn dần tắt, tôi cảm nhận một điều em là tất cả của tôi.
    Thế rồi, nguyên tắc chiến lược của quân đội, đến một ngày đơn vị tôi được lệnh di chuyển đi nơi khác, thay thế vào đó một đơn vị khác. Đêm cuối cùng ngày mai chuyển quân, tôi và em đã ngồi bên nhau suốt đêm, mặc cho sự giá buốt của tiết cuối thu, để mặc cho nỗi phiền muộn gặm nhấm tâm hồn. Em đã bật khóc trong vòng tay yêu thương của tôi, những giọt nước mắt chia xa. Còn đâu những lúc tay trong tay lang thang trên đường rừng ngập tràn xác lá, còn đâu những giây phút cùng nhau uống chung ly café thơm ngát đậm đà mà em pha và còn đâu những đêm rền ầm tiếng súng em chạy vội sang hầm của tôi như để tìm một sự che chở hay để cùng chia xẻ với tôi những căng thẳng âu lo. Tôi chẳng biết nói gì ngoài những vỗ về an ủi. Tôi phải ra đi vì đó là quân lệnh.
    Vài hôm sau, em cũng về Tiểu khu với bố mẹ, có lẽ vì không thể gửi gấm em cho ai đáng tin cậy như tôi. Những ngày tháng sau đó tôi chỉ được gặp em ở những lần đi họp ở Tiểu khu hoặc thỉnh thoảng dăm bữa nửa tháng tài xế của bố em chở em vào đơn vị thăm tôi, lần thì lấy cớ mang cho tôi những món ăn đặc sản hoặc thu tiền "Câu lạc bộ" của lính ở đơn vị tôi. Tuy ít được gặp nhau và chỉ gặp nhau trong những khoảng khắc ngắn ngủi, nhưng tình yêu của trong tôi và trong em vẫn đậm đà thắm thiết.
    Bước ngoặc lịch sử trong tình yêu của chúng tôi khởi đầu bằng cơn rốt rét rừng quái ác của tôi. Lần ấy, sau những ngày chống chọi với những cơn nóng tột cùng rồi đột ngột buốt lạnh thấu xương, tôi ngã quỵ trên con suối gần nơi đóng quân. Tỉnh dậy trong bệnh viện dã chiến của Tiểu khu, người ta đã chuyển tôi đến đây không biết từ lúc nào, Trong chao đảo quay cuồng lờ mờ hình bóng của em. Phải, em đã đến bên tôi suốt 2 ngày đêm. Rồi tiếp những ngày sau đó, không ngày nào em không đến với tôi như để truyền thêm cho tôi sức sống kháng cự với cơn bệnh. Sức khoẻ của tôi dần hồi phục cũng là lúc bỗng nhiên em không đến, tôi vô cùng hụt hẫng và hoang mang. Nhưng một lẽ thật đơn giản bố mẹ em cũng vừa trở lại sau chuyến nghỉ phép dài ngày. Và cũng ngay hôm ấy Bố em đã vội vã đến thăm tôi, ông rất vui mừng khi thấy tôi đã khoẻ đồng thời cũng ân hận trong những ngày thập tử nhất sinh của tôi không có bên tôi để chăm sóc. Điều này làm tôi không thể nào ngăn được xúc động.
    Thế rồi, trong buổi tiệc của những thằng bạn tôi chiêu đãi ông, chuyện tình của tôi và em đã bị tiết lộ. Những thằng bạn quái ác đã không ngần ngại kể rõ tất cả mọi tình tiết mà em đã dành cho tôi trong những ngày bạo bệnh ấy. Và ngay cả ông Thế (Tiểu khu phó) cũng vun đắp cho chuyện tình của tôi. Với ông thật bất ngờ, tôi thật ngượng ngùng khi thấy sự lúng túng của ông khi ông chống chế với bọn họ rằng đó là bổn phận của con gái ông phải thay ông trong khi ông vắng mặt. Tôi thương ông nhiều quá và một điều làm tôi vô cùng hãnh diện khi ông tuyên bố : có được một rể như tôi thì ông vô cùng hạnh phúc và vinh dự. Lời nói thật rõ ràng, chân tình và đầy bản lãnh.
    Cũng từ đó tôi đã gọi ông bằng Thầy với tất cả lòng kính trọng mà lẽ ra tôi đã phải gọi ông như thế từ lâu rồi. Kể từ đấy mặc nhiên vị trí của tôi trong gia đình em khác trước, sau những lần họp xong ghé về nhà em, tôi không cần dè dặt kiếm cớ và bố mẹ em đã bảo em thăm tôi thường xuyên hơn. Về phần tôi cũng đã thưa bày với bố mẹ chuyện của chúng tôi. Hai gia đình đã gặp gỡ để đầu xuân năm sau sẽ tổ chức tác hợp cho chúng tôi.
    Thế nhưng,
    Định mệnh an bài và đấng tối cao vô hình đã đặt để cho mỗi một con người một số phận. Tôi và em đã không thể cùng nhau đi nốt những đoạn đường cần có, đã không thể cùng nhau đi suốt đoạn đường đời mặc dù chúng tôi rất mực thương yêu nhau. Trong một chuyến thị sát mặt trận, ông ghé thăm đơn vị tôi mà không gặp được, bởi lẽ tôi đi phép chưa trở lại, Thầy tôi, người Thầy khả kính , người cha mẫu mực của em mà tôi hết sức thương yêu đã mất tích sau một cuộc tấn công bất ngờ. Sau những tháng ngày ngóng trông, không một dấu hiệu nào về Thầy. Tôi vẫn tiếp tục dấn thân trên bước đường sương gió. Còn em, trong khắc khoải đớn đau tột cùng cũng trở nên trầm cảm, em đã ít nói lại càng ít nói hơn và rồi có lẽ trong một cơn hoảng loạn nào đó em đã ra đi.
    Tôi thật sự mất em mãi mãi.
    Trời xanh sao khắc nghiệt.


    Phải chăng con tạo trớ trêu, tạo ra những nghịch cảnh mà con người trần tục dù muốn hay không cũng không thể nào cải được định số.

    Dang dở (Tà Áo Xanh)
    Đoàn Chuẩn - Từ Linh
    Tiếng hát Xuân Thanh



    Last edited by chimtroi; 05-21-2021, 05:46 PM.

  • #2
    Cảm hứng ... qua câu chuyện buồn của Phạm Lan Chi, xin mời các bạn thưởng thức nhạc phẩm 'Nỗi Lòng', qua sự diển tả tuyệt vời của tiếng hát Xuân Thanh.
    Last edited by Trần Hòa; 10-13-2014, 04:50 PM.

    Comment


    • #3
      Những Mảnh Đờì



      Last edited by chimtroi; 05-25-2021, 03:25 PM.

      Comment


      • #4
        Bài viết này là sự thật 100% của một cựu Sĩ Quan xuất thân tư trường Bô Binh Thủ Đức, anh là Đại Đội Trưởng một đại đội Biệt Lập thuộc Tiểu Khu Bình Long.
        Những ngày đầu tháng Tư sau khi Bình Long di tản, đơn vị Địa Phương Quân của anh được tăng phái cho Tiểu Khu Long Khánh và những trận đánh sau cùng của đơn vị anh diễn ra tại Long Thành.
        Gần 40 năm qua tâm tư của anh vẫn còn ray rứt; Anh viết bài này như một nén nhang lòng với lời tạ lỗi muộn màng đến Anh Linh những người lính đã hy sinh và dặc biệt để tưởng nhớ đến những người vợ lính đã nằm xuống trong cuộc chiến, họ luôn là những người anh hùng trong trái tim anh.



        Viết để tưởng nhớ đến những người vợ lính đã nằm xuống trong cuộc chiến, họ luôn là những người anh hùng trong trái tim tôi. Anh Dân



        Mấy mươi năm rồi, những kỷ niệm buồn vui trong đời người lính đã lắng đọng ở một góc của tâm hồn, thỉnh thoảng gợn lên như những áng mây êm đềm đang trôi lững lờ trên nền trời bỗng chốc chao đảo cuồng nộ vần vũ. Sau khi đọc xong bài "Người lính không số quân" hình như của nhà văn Nguyễn Mạnh An Dân do một cô em họ sưu tầm được gửi cho thì hồi ức của một trận chiến ngày xưa bỗng chợt hiện về thật rõ nét như mới diễn ra ngày hôm qua.
        Những ngày đầu tháng 4 năm 1975, đơn vị tôi đóng quân ở Long Khánh, tình hình chiến sự lúc bấy giờ rất gay go và ác liệt, hai bên gầm gừ nhau như ác thú, bên tiến công, bên phòng thủ bằng tất cả khả năng và sinh lực, sẵn sàng tiêu diệt nhau không khoan nhượng. Bên trong nội ô Long Khánh chỉ còn những ngôi nhà vắng chủ và hoàn toàn là những đống đổ nát điêu tàn vì bom đạn của cả hai bên. Những ngày đóng quân ở đây tuy luôn đối diện với cái sống và cái chết nhưng quả là những ngày mà binh lính của đơn vị tôi được sống trong cảnh thiên đường, sáng nào lính của đơn vị tôi cũng có càfé , bơ sữa với bánh Tây (bánh champagne, biscuit … chính gốc của Pháp) thuốc lá thì hút toàn Pallmal, Winston, Philip Moris … , những loại Casptan, Ruby …của Việt Nam không thèm hút, những bữa cơm thì ăn toàn thịt heo, gà hoặc những loại đồ hộp cao cấp và dĩ nhiên không thèm đoái hoài tới lương khô hành quân ăn đã phát ngấy là gạo sấy và đồ hộp. Những thứ ấy có được là vì lấy được từ những cửa hàng trong thành phố mà chủ đã bỏ chạy vì sợ chiến tranh. Tôi rất ghét cái cảnh khoác trên người bộ quân phục mà đi lấy bất cứ thứ gì của dân nhưng cũng phải làm ngơ để cho binh sĩ của mình tự nhiên lấy và sử dụng vì nếu mình không lấy thì rồi phe địch cũng lấy. Lúc bấy giờ chúng tôi cố trụ lại để giữ cái tỉnh của vùng 2 chiến thuật giáp ranh Vùng 3 Sàigòn, tuy nhiên với tình hình lực lượng cũng không cho phép chúng tôi thực hiện được quyết tâm chiến thuật ấy.
        Đêm 18 tháng 4, chúng tôi lặng lẽ rời khỏi Long Khánh bỏ đứt hẳn vị trí được xem là tiền phương của Sàigon ở thời điểm ấy. Theo chân Lữ đoàn Nhẩy dù toàn bộ chuyển về hướng Phước Tuy, dọc theo Quốc lộ, băng ngang Thung lũng Hồng (ranh giới của Long Khánh và Phước Tuy). Đến khu vực thung lũng Hồng, Tiểu đoàn chúng tôi rẽ nhánh đi xuyên rừng, chấp nhận đến Phước Tuy bằng con đường dài hơn vì theo Tiểu đoàn trưởng không phải ngại giao chiến nhưng đi như thế tuy gian khổ hơn, đường xa hơn, thời gian dài hơn nhưng sẽ tránh được đụng độ để bảo toàn lực lượng đến vị trí mới. Và vì theo dự đoán của ông địch không còn ở trong rừng mà đã bám theo Quốc lộ để chặn đánh chúng tôi. Sau 3 ngày đêm băng rừng , vượt qua đồi con rắn, xuyên qua "mật khu Cù Bị" của địch, có những lúc phải uống cả nước ở vũng trâu nằm, cuối cùng chúng tôi ra đến Phước Tuy. Tiểu đoàn tôi được lệnh về Long Thành để án ngữ mặt phía Tây Biên Hoà.
        Về đến Long Thành, Đại đội tôi lại cũng được "sủng ái" nhất trong Tiểu đoàn nên được giao nhiệm vụ trấn giữ vùng đất chót cùng của Chi khu. Đến vị trí mới được 2 ngày không hiểu tin tức, thông tin được lan truyền bằng đường nào mà một số những người vợ lính của đơn vị tôi tìm đến được, có lẽ là họ đã hàng ngày luôn dõi theo chúng tôi bằng thông tin từ hậu cứ đặt tại Long Bình. Không xúc động nào bằng cảnh họ ôm nhau mừng mừng, tủi tủi, những vòng tay ghì chặt lấy nhau như không thể rời xa, trên những khuôn mặt nhoè nhoẹt nước mắt là những nụ cười rạng rỡ của người vợ lính tôi cảm nhận được ở họ một tình yêu thật tuyệt vời thay lời nói "Anh vẫn còn đây". Và rồi một số trong bọn họ đã bất chấp những điều ngăn cấm quyết ở lại với chồng, chấp nhận sống chết có nhau trong cái bối cảnh chiến trường đầy máu lửa , không sợ nguy hiểm của pháo đạn kẻ thù, miễn là được ở bên cạnh người mình thương yêu nhất. Còn tôi, mặc dù biết rằng đó là những điều tối kỵ và nghiêm cấm, nhưng tôi đã không đủ cứng rắn để chia lìa họ, đành phải nhắm mắt làm ngơ.
        Thế rồi cũng thật bất ngờ, anh Cúc người đệ tử của Thiếu tá Trinh (Tham Mưu trưởng Tiểu khu - Bố vợ tương lai của tôi) cũng đã tìm đến nơi tôi đóng quân.
        Tôi hỏi :
        - Làm sao anh biết mà đến đây?
        Cậu ta nói:
        - Bà và cô Tuyết bảo em phải đi tìm cho bằng được.
        Một thoáng lặng đi vì xúc động, tôi bảo :
        - Vài hôm nữa tạm yên rồi tôi sẽ về thăm nhà thôi mà.
        Anh Cúc nhe răng cười hóm hỉnh rồi nói :
        - Cô Tuyết nói, nếu em tìm được thì ngày mai cô Tuyết sẽ lên thăm.
        Tôi vội bảo :
        - Không được, anh về nói lại tôi vẫn bình yên, vài hôm nữa sẽ về. Không được lên, dứt khoát không được lên, tình hình bây giờ rất nguy hiểm.
        Tôi cũng định bụng vài ngày sau, khi ổn định thì cũng sẽ kiên quyết bắt những người vợ lính kia phải trở về. Thế nhưng, chiều ngày 26 tháng 4, địch tấn công mãnh liệt quyết tiêu diệt, chiếm cho bằng được Long Thành và đơn vị tôi bị tấn công đầu tiên. Trong làn khói đạn mịt mù tôi vẫn thấy được thấp thoáng bóng dáng của những " bóng hồng không vũ khí " ấy ôm từng ụ đất đắp thêm cho tuyến phòng thủ, lặng lẽ nhặt từng gắp đạn nạp tiếp cho chồng , chạy lăng xăng giúp băng bó vết thương cho những người bị thương… Họ cũng chiến đấu như những người lính thực thụ, nhưng đó là những người lính không mang vũ khí, vũ khí của họ là sự lo lắng và tình yêu thương và có lẽ là trong ý nghĩ của họ bằng tất cả những gì có thể để giúp chồng và cho đồng đội của chồng chống trả lại kẻ địch.
        Cuộc chạm súng kéo dài đến 8 giờ tối, địch tấn công quá mạnh với công sự phòng thủ sơ sài, tôi e rằng gây tổn thất và thương vong và nhất là thương vong cho "những người lính không có súng" kia , tôi quyết định rút vào Ấp Thái Lạc vì trong ấy có dân chúng và có cả những công sự phòng thủ vững chắc. Vào đến trong Ấp tôi gọi Thượng sĩ Thường vụ đại đội đến bảo :
        - Thượng sĩ gom tất cả những người vợ lính đưa vào nhà dân, còn tất cả anh em bố trí theo toàn bộ giao thông hào và cửa Ấp.
        Tuy nhiên, vào cố thủ trong Ấp lại là một sai lầm lớn của tôi. Chỉ vì bảo toàn lực lượng và nghĩ đến sự nguy hiểm cho những người vợ lính tôi đã vô tình đưa đại đội vào trong rọ. Bởi vì, vào trong Ấp với hàng rào thép gai chằng chịt chung quanh chỉ có độc lối ra vào là cổng Ấp và tất nhiên là bị vây kín như cá nằm trong rọ.
        Đêm hôm ấy, toàn Ấp đã bị pháo kích suốt đêm, họ đã bắn pháo vào Ấp không chút thương tiếc, dân chúng hỗn loạn , tiếng rên la, kêu khóc của dân chúng bị thương vì đạn pháo khiến tôi không thể không tìm cách để thoát ra và tôi đã quyết định cho mở đường máu tấn công để thoát ra bằng đường cổng Ấp. Thế nhưng, những đợt xung phong ra cửa đều vô hiệu vì tất cả lực lượng địch đều dồn vào nơi mà chúng tôi có thể thoát ra được, bọn họ quyết tiêu diệt và bắt chúng tôi cho bằng được, chiến xa của địch đã án ngữ ngay giữa cổng Ấp. Trong tình hình này, chỉ còn cách làm thế nào để thoát được thì mới bảo toàn đại đội và chúng tôi có thoát được thì có lẽ họ mới thôi bắn pháo vào những người dân vô tội???
        Sau khi hội ý với các sĩ quan trong ĐĐ , 4 giờ sáng tôi cho dồn tất cả mọi hoả lực vào cổng Ấp tấn công thật dữ dội để đánh lừa địch , 1 tiểu đội có nhiệm vụ cắt hàng rào phía hông phải của Ấp . Thế là chúng tôi đã thoát ra khỏi Ấp bằng cách đó. ĐĐ di chuyển xé hướng để bắt tay với Chi khu Nhơn Trạch vì lúc bấy giờ Chi khu Long Thành đã bị địch tràn ngập và dĩ nhiên những người vợ lính cũng lại một lần nữa tiếp tục theo chồng hành quân.
        Địa bàn Long Thành hoàn toàn mới và xa lạ , tôi chỉ nhận diện được qua bản đồ và ước đoán tình hình chiến sự qua sự nhạy cảm. Tôi cho ĐĐ tiến theo hướng về Nhơn Trạch, sau khi vượt qua 1 con rạch , chúng tôi đến một ngã ba, theo nhận định của tôi dựa theo bản đồ thì ngả bên trái là hướng về Nhơn Trạch , còn hướng bên phải là về Chi khu Long Thành . Tôi chọn đi về hướng bên trái, vì theo liên lạc vô tuyến tôi biết Chi Khu Long Thành đã bị mất trong đêm rồi, tuy nhiên cần xác định chắc chắn, tôi đã hỏi một nhóm khoảng 3 - 4 người dân còn ở lại nơi này và họ cũng khuyên chúng tôi nên đi về Nhơn Trạch. Tuy nhiên, một điều không thể lường trước, ĐĐ tôi di chuyển mới được khoảng 100 mét thì lọt vào ổ phục kích, hoá ra 3 - 4 người dân kia đều là địch giả dạng đưa chúng tôi vào tròng. Trong những cơn mưa đạn thì sống sót là điều may mắn không tưởng, tôi đã đưa ĐĐ thoát khỏi nơi ấy và không biết bao nhiêu binh lính của tôi đã vĩnh viễn nằm xuống nơi này trong đó có cả những người vợ lính, những người lính không mang vũ khí. Một cảnh tượng mà mãi mãi tôi không thể nào quên hình ảnh một người lính của tôi bị đạn phá nát hết một bên người nằm vắt vẻo trên hàng rào, dưới chân là người vợ bị đạn phá toang lồng ngực đã chết với đôi mắt mở trừng trừng.
        - Thẩm quyền ơi ! cứu em
        Tôi bế vội người lính ấy khỏi đống hàng rào đổ nát ấy đặt nằm bên cạnh người vợ và rồi người lính ấy nẩy người lên lần cuối cùng xuôi tay nhắm mắt. Tôi chỉ còn kịp nhẹ vuốt mắt người đàn bà rồi vội vã quay đi.
        Có phải là do sai lầm và thiếu cương nghị của tôi đã tạo cảnh nghiệt ngã đau thương này? Giá mà tôi cứng rắn đuổi họ về từ ngày hôm trước thì có lẽ là không có cảnh đau lòng như thế này? Tại sao tôi lại cứng rắn với chính mình khi bảo với anh Cúc kiên quyết không cho Tuyết lên thăm tôi mà lại không thể cứng rắn với người khác?
        Hình ảnh của người lính không mang vũ khí vĩnh viễn ra đi với đôi mắt mở to không oán hận, không hận thù mà chỉ đượm mang vẻ kinh ngạc không biết vì sao mình chết. Có phải đó là do mỗi một con người có một định mệnh và một số phận? Chiến tranh là thương đau, là nghiệt ngã .Tôi chỉ biết tự xoa dịu lỗi lầm của mình như thế mà thôi.

        Trong Mùa Thu đang đến…xin mời tất cả thưởng thức tuyệt tác phẩm của Văn Cao ‘Buồn Tàn Thu’ , diển tả sự cô đơn của người thiếu phụ thật da diết khi xa chồng trong mùa chinh chiến.., và Nỗi cô đơn đó có thể đổi một gia rất đắt như định mệnh đã xãy đến cho đời họ…


        Last edited by chimtroi; 05-21-2021, 05:47 PM.

        Comment



        Hội Quán Phi Dũng ©
        Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




        website hit counter

        Working...
        X