Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Đại Đội 1 Tiểu Đoàn 9/TQLC

Collapse
X

Đại Đội 1 Tiểu Đoàn 9/TQLC

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Đại Đội 1 Tiểu Đoàn 9/TQLC

    Đại Đội 1 Tiểu Đoàn 9/TQLC

    Kiều Công Cự & Lê Văn Canh



    Vào Ngày Quân Lực 19/6/1972, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã đoan quyết là tập thể quân đội sẽ tái chiếm những vùng đất đã mất. Dĩ nhiên Ông có những dữ kiện để xác nhận những lời nói của mình, mà căn bản nhất là ông nhận được sự yểm trợ tích cực từ Tổng thống Hoa kỳ Richard Nixon, mặc dầu cái đám phản chiến ở Mỹ vẫn còn ồn ào và tiếp tục mở những cuộc xuống đường không công cho cái đám CS quốc tế mà CSVN là những người được hưởng lợi nhất.

    Cuộc hòa đàm tại Paris chẳng có một bước tiến nào quan trọng, mặc dầu Henry Kissinger tìm mọi cách đi đêm, ngã giá với Lê đức Thọ. Để vận động, TT Nixon sang thăm Trung cộng, mở ra vòng đối thoại sau 20 năm gián đoạn, rồi ký kết Thông Cáo chung Thượng hải, rồi hứa hẹn giao lại cái ghế trong Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, đang ở trong tay của Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan), rồi lại bay sang Moscow, thỏa thuận nhiều điểm quan trọng với Tổng Bí Thư Liên Sô Leonid Brenev. Người Mỹ rất nóng lòng kết thúc cuộc chiến tranh ở VN, nhưng những toan tính và cam kết của Mỹ đã vấp phải những bản chất cố hửu của CS là lật lọng và ngoan cố.

    Qua kinh nghiệm lịch sử, người Mỹ thấy CS luôn luôn tìm kiếm những chiến thắng về quân sự để hỗ trợ cho những đàm phán về chính trị. Trận Mậu thân, trận tổng tấn công mùa hè đỏ lửa năm 1972 được mở ra cũng nhằm trong mục đích đó. Do đó, người Mỹ thay đổi chiến thuật của mình. Đích thân TT Nixon đã ra lịnh cho Hạm đội Mỹ tại Thái bình dương và Cơ quan MACV tại Sài Gòn yểm trợ tích cực về hỏa lực và phương tiện cho QLVNCH.

    Chúng ta cũng chỉ muốn thế nên đã mở ra cùng một lúc 3 mặt trận phản công ở Bình Long, Kontum, và Quảng Trị, mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

    Trung tướng Ngô Quang Trưởng nhận trách nhiệm Tư Lịnh QĐI/ QKI đã đề ra hai mục tiêu thật rõ ràng:

    - Phòng thủ thị xã Huế.
    - Tái chiếm Quảng Trị.

    Mục tiêu số 1 đã được nhanh chóng kết thúc và Quân đoàn I đang tiến vào mục tiêu số 2. Tướng Trưởng đã chỉ định Đại Tá Lê Văn Thân, một SQ pháo binh giỏi và đi cùng ông từ Quân Đoàn IV ra, làm trưởng ban thiết lập kế hoạch tái chiếm Quảng Trị với các vị sĩ quan tham mưu xuất sắc như;

    - Đ/Tá Phạm Văn Nghìn (trưởng phòng 3 QĐI).
    - Đ/Tá Phạm Văn Phô (trưởng phòng 2 QĐI).
    - Sư đoàn Dù: Đ/ Tá Lê Văn Ngọc và Đ/Tá Lê Văn Phát.
    - Sư đoàn TQLC: Đ/Tá Phạm Văn Chung (Tham mưu trưởng hành quân SĐ) và Tr/Tá Đỗ Kỳ (Trưởng Phòng 3 SĐ/TQLC).

    Riêng SĐ/TQLC, sau những trận đánh thăm dò vào tháng 5/72, Tướng Lân đã cho khai diễn cuộc Hành quân Sóng Thần 8/72 với 4 TĐ/TQLC đồng loạt vượt tuyến phòng thủ Mỹ Chánh tiến về phía Bắc, dưới sự yểm trợ về hỏa lực hùng hậu của không quân và pháo binh. TĐ7/TQLC tiến dọc theo bờ biển Hải Khê, Hải An gặp sự kháng cự không đáng kể. TĐ6/TQLC tiến song song với TĐ7 theo hương lộ 555 qua các khu làng mạc cũ như Xán Viên, Diên Khánh, Đơn Quế đã gặp sức kháng cự mạnh mẽ của bộ binh và chiến xa địch. TĐ5/TQLC và TĐ3/TQLC tiến bên trái của QL1 theo con sông Ô Giang chạy theo hướng Nam Bắc, nhắm mục tiêu là quận Hải Lăng. Các cánh quân của ta không thể tiến nhanh vì địa thế trống trải và sự chống trả mãnh liệt của địch. Cho nên các đơn vị Công Binh chiến đấu cũng được lịnh thiết lập hai cây cầu dã chiến trên sông Mỹ Chánh thay thế cho hai cây cầu đã bị giật sập từ cuối tháng 4/72.

    Đại đội 1/Tiểu Đoàn 9 được lịnh sang sông để giữ an ninh cho đơn vị Công Binh thi hành công tác ưu tiên này. Vì các cánh quân bạn đang tiến về phía Bắc nên chỉ có mặt Tây và Tây Bắc vẫn còn trống trải. Cộng quân hiện đang có mặt tại căn cứ Nancy nằm cách cầu khoảng hơn 2 km về phía Tây Bắc. Trung Đội 3 của T/U Nguyễn Anh Tuấn kiểm soát dọc bờ Bắc của sông Mỹ Chánh, nằm trong xóm nhà cũ của thôn Lương Điền. Trung đội 1 của T/U Lê Văn Thanh nằm trong xóm nhà dọc đường rầy xe lửa trong thôn Hải Sơn.

    Trung đội 2 của T/U Lý Oanh và Trung Đội 4 của Trung Sĩ Lê Văn Danh nằm chung với Đại Đội trong thôn Hà Lộc. Cộng quân đã nhiều lần pháo kích vào ba vị trí kể trên và mở những cuộc tấn công vào hai trung đội của Tuấn và Thanh nhưng không có kết quả. Dầu sao con số thương vong cũng không nhỏ và ĐĐ1 được lịnh về phòng thủ bảo vệ BCH/ TĐ trên một ngọn đồi ở phía Tây Nam của sông Mỹ Chánh. Đại đội 4 của Đ/U Nguyễn Minh Trí lên thay thế.

    Hai cây cầu dã chiến được hoàn tất rất nhanh chóng từ việc tập trung vật liệu đến việc thực hiện, kịp thời cho kế hoạch hành quân.

    Ngày 28/6/1972, Quân đoàn I phát động một cuộc hành quân lấy tên Lam Sơn 72 với các lực lượng điều động gồm có: SĐ Dù + SĐ/TQLC + Liên đoàn 1 BĐQ+ Lữ đoàn 1 Kỵ binh+ Pháo binh và các lực lượng cơ hữu. Cuộc hành quân lấy Quốc Lộ 1 làm trục tiến quân và phân chia trách nhiệm. SĐ Dù và các lực lượng tăng phái tiến chiếm các mục tiêu phía Tây và mục tiêu sau cùng là thị xã Quảng Trị và cổ thành Đinh Công Tráng (Thật ra hai mục tiêu sau cùng này nằm về phía đông QL1 thuộc SĐ/TQLC nhưng tướng Trưởng xuất thân từ Dù và ông muốn dành vinh dự này cho SĐ/ Dù.) SĐ/TQLC và các đơn vị tăng phái chịu trách nhiệm những mục tiêu phía đông QL1 ra tới bờ biển.

    Lúc 12 giờ đêm, TĐ7 Dù bắt đầu sang sông. Đ/U Đoàn Văn Tịnh là người hướng dẫn từ bên này sông Mỹ Chánh cho Đ/U Trương Văn Tang và Đ/U Nguyễn Minh Trí từ bên kia cầu Mỹ Chánh để những cánh quân Dù bắt đầu tiến về phía bắc. (Trí, Tịnh và Tang là những người bạn cùng Khóa 22A Đà Lạt với tác giả.)

    Nhiệm vụ nặng nề của ĐĐ1 đã qua, bây giờ tôi có nhiều thì giờ để theo dõi cuộc tiến quân của hai lực lượng tổng trừ bị ưu tú, qua tiếng nói của phóng viên chiến trường Hoàng Qui được Đài phát thanh Huế trực tiếp phát đi vào những buổi tiếp sóng của Đài phát thanh Quân đội.

    Hằng ngày ngồi nhìn những đoàn chiến xa di chuyển về phía Bắc, nhìn những khẩu pháo 105, 155 ly đặt ngay trên QL1 yểm trợ quân bạn, nhìn những đoàn trực thăng CH53 và CH46 đổ những chàng Cọp Biển vào mục tiêu mà lòng cảm thấy háo hức và nôn nao lắm.

    Đoạn đường từ Mỹ Chánh lên đến thị xã Quảng Trị chỉ chừng 15 cây số nhưng là những đoạn đường phải trả bằng máu. Những chốt kiềng, trận địa pháo của địch thật là nguy hiểm. SĐ Dù phải chiến đấu liên tục và quyết liệt để tiến vào quận Mai Lĩnh, cửa ngõ dẫn vào thị xã Quảng Trị.

    Là những SQ rất giỏi về tham mưu, Tướng Lân, Đại Tá Chung và ban tham mưu đã thiết lập một kế hoạch tiến quân rất chi tiết, nhiều khi táo bạo và chấp nhận rủi ro:

    - Ngày 11/7, từng đoàn CH53, CH47 đổ TĐ1 của Th/Tá Nguyễn Đăng Hòa vào vùng Chợ Sãi Triệu Phong, Quảng Trị chừng hai cây số nhằm cắt đứt con đường tiếp vận chính của cộng quân vào thị xã Quảng Trị là Hương Lộ 560 từ cảng Cửa Việt đến phía Bắc của cổ thành Đinh Công Tráng. Những anh chàng Quái Điểu bám chặt ở đây, chấp nhận những quả pháo và dứt khoát không cho địch sử dụng con đường tiếp tế này.

    - Ngày 24/7, TĐ5 của Th/Tá Hồ Quang Lịch đổ xuống 10 cây số Đông Bắc Quảng Trị. Những anh chàng Hắc Long quậy phá, gây hoang mang trong hậu phương của địch, bắt buộc địch phải co lại phòng thủ, không thể chủ động tăng cường cho tuyến trên. Đây cũng là cuộc yểm trợ trực thăng lần cuối cùng của TQLC Mỹ tại VN.

    SĐ Dù tiến song song với TQLC từ đầu tháng 7/72. Nhiều đơn vị Dù trước đây đã tham chiến tại Bình Long, Kontum nên khi tiến vào Quảng Trị thì quân số của họ không kịp bổ sung. Hơn nữa thị xã Quảng Trị bị pháo đài bay B52 cày nát nhiều lần trước đây cùng với những đợt không kích, hải pháo và pháo binh hằng ngày. Vì thế chẳng còn một căn nhà nào nguyên vẹn, cây cối cũng đổ nát, địa thế hoàn toàn trống trải, trơ trọi. Những toán bắn sẻ của VC gây rất nhiều thiệt hại và kinh hoàng cho ta.

    Tiền sát viên pháo binh của địch nằm ngay trên cổ thành Quảng Trị điều chỉnh 130 ly từ phía Tây rất chính xác, chận đứng nhiều đợt tiến quân của ta. Giữa những bức tường đổ nát, những miếng tôn nằm rải rác đó đây là những chốt của địch được ngụy trang rất khéo. Cho nên khi tiến vào thị xã đổ nát Quảng Trị thì lực lượng Dù bị khựng lại. SĐ Dù đã sử dụng 4 tiểu đoàn thiện chiến nhất, trong đó có một tiểu đoàn nổi danh đã tạo được 6 vị tướng cho QLVNCH, để dứt điểm mục tiêu, nhưng không thành công, kể cả việc gởi một toán cảm tử đến chân Cổ Thành như là một cố gắng cuối cùng. Nhưng những người này đều bị hy sinh.

    Trước tình thế này tướng Trưởng đã có một thay đổi quan trọng. Ông đã quyết định sử dụng toàn bộ lực lượng hùng hậu của SĐ/TQLC, thay thế SĐ Dù, trong việc tái chiếm thị xã Quảng Trị và Cổ Thành Đinh Công Tráng.

    - Ngày 27/7/1972, lúc 9 giờ sáng các TĐ thuộc LĐ258/TQLC của Đ/Tá Ngô Văn Định bắt đầu thay thế những đơn vị của Lữ Đoàn 2 Dù của Đ/Tá Lê Quang Lưỡng.

    TĐ9/TQLC được lịnh thay thế cho TĐ6 Dù. BCH/TĐ đóng trên đồi dương, gần ngã ba Long Hưng, đối diện với căn cứ Lê Huấn còn đang ở trong tay giặc.

    Đại đội 1/ TĐ9 MÃNH HỔ của Đ/U Kiều Công Cự chỉ huy đổ quân tại ngã ba Long Hưng, tiến theo QL1, rồi rẽ phải theo đường Hồ Đắc Khanh. Tôi đi theo với trung đội 3 của Tr/U Tuấn đi đầu để liên lạc với đơn vị Dù. Anh bạn Tr/U đại đội trưởng còn trẻ măng, chỉ cho tôi từng vị trí và yêu cầu thay thế cho trung đội xa nhất cách đây 50m và đang giao tranh. Tôi bảo Tuấn cho để ba lô và những gì nặng nề lại rồi điều động vừa lên tiếp ứng, vừa thay quân luôn. Tuấn rất nhanh nhẹn và khôn ngoan nên tôi rất tin cậy. Trung đội của Thanh vừa trám tuyến vừa bung ra phía trước để bảo đảm an ninh.

    Vì quân số của Dù ít hơn so với TQLC nên vị trí này cũng chỉ đủ cho một trung đội của Thanh mà thôi. Thanh cho con cái mon men về phía trước và có tiếng nổ cách đây không xa. Khói đen bốc lên. Thanh cho biết không phải pháo kích mà lựu đạn gài của Dù còn sót lại. Cũng may có hai người bị xây sát nhẹ. Tôi yêu cầu họ chỉ cho chúng tôi những vùng có lựu đạn và mìn bẫy.

    Tuấn báo đã đến vùng thay thế, trong khi lính Dù nhanh chóng rút về sau. Tôi bảo Tuấn hãy cho con cái tìm chỗ ẩn nấp, nằm yên, quan sát và chỉ tác xạ khi cần thiết, phải nắm thật vững địa thế rồi hãy tính. Tôi cũng yêu cầu Dù rút đi thật nhanh vì tôi còn hai trung đội đang ém quân phía sau, nếu dồn lên đây đông quá sẽ ăn pháo ngay. Thanh cũng báo đã phát giác một chốt địch ở cách 30m. Tôi bảo dồn hết M72 và M79 vào đó rồi cho một tổ lên tiêu diệt. Về hướng tây bắc, trong khu nhà đổ nát, có những tên VC đang thấp thoáng, Tr/U Phạm Phù Tang, đề lô của ĐĐ, bảo,

    - “Để đó cho tui.”

    ĐĐ Dù vừa kéo ra thì đã có tiếng depart của cối 82 từ Cổ Thành bắn theo. Chắc chắn bọn chúng cũng biết được ý định của ta. Quả đầu tiên bắn chận từ phía xa. Các lính Dù phóng nhanh qua khoảng trống. Trung đội của Oanh nằm ở phía sau cũng có một bị thương vì mảnh pháo. Thật lãng nhách. Tôi bảo cho người đưa về ban quân y TĐ và gởi luôn súng đạn ra Hậu Trạm.

    Đến 7 giờ thì Thanh báo đã dẹp xong cái chốt, bắn chết trọn ổ 3 tên, tịch thu 3 súng trong đó có một thượng liên và một B40. Thanh cũng báo có lấy được một thùng lương khô Trung quốc và đang chia cho trung đội ăn tối. Lương khô TQ là những thỏi bột rang nén lại như những phong bánh in, mằn mặn, béo béo. Ăn vào uống nước là xong, chứ không phải rườm rà như ration C của Mỹ. Trung đội của Thanh cũng đã bắt tay được với Tuấn bung rộng về phía trước và kiểm soát được một phần bờ ao rau muống. Tôi gọi ban Chỉ Huy ĐĐ và trung đội súng nặng lên và sau cùng là Trung Đội 2 của Oanh.

    Vị trí phóng thủ không phải là hình quả trám mà là hình chữ T. Việc quan trọng phải làm bây giờ là phải bung các toán tiền đồn ra phía trước không cho địch bám sát và đào hệ thống phòng thủ ngay trong đêm. Lợi dụng những hầm hố cũ nhất là những hầm chữ A, chữ T của địch. Ngụy trang tối đa vị trí nếu không muốn toán bắn sẻ của địch chú ý. Xạ thủ CS thường dùng súng trường CKC có máy nhắm rất chính xác đã gây nhiều nổi kinh hoàng cho người lính.

    Lịnh dứt khoát là không được nổi lửa và gây tiếng động. Bửa ăn tối của tôi đêm đó là hộp thịt ba lát và bao gạo sấy nhỏ đổ nước lạnh. Hai ngày sau tôi được gọi về BCH/TĐ và nhận lịnh: Tiến chiếm Trường trung học tư thục Bồ Đề trên đường Trần Hưng Đạo.

    Từ vị trí đóng quân băng qua ao rau muống đến mục tiêu có khoảng cách chừng 200m, nhưng địa thế hoàn toàn trống trải, nhất là những tay bắn sẽ đang gườm sẵn. Tôi đề nghị Tr/Tá Đễ cho ĐĐ tôi được đột kích đêm. Đà Lạt đồng ý và cho tôi hai ngày.

    Tôi cho mời các SQ trong ĐĐ về họp bàn trong đó có Tr/U Ngộ vừa mới trình diện ĐĐ. Ngộ khóa, 19 Thủ đức, ra trường về TĐ2/TQLC bị thương tại Kampuchia được đưa về Trung tâm Huấn Luyện/TQLC ở Rừng Cấm. Bây giờ anh tái xuất giang hồ nên Đà Lạt định đưa về làm ĐĐ phó cho tôi. Tạm thời tôi đề nghị Ngộ kiêm luôn trung đội súng nặng. Thanh đã có một toán tiền đồn nằm sát ao rau muống. Tuấn có thể quan sát bên kia không khó khăn, nhưng chưa biết tình hình bên trong ao rau muống như thế nào. Ao rau muống có bề ngang khoảng 40 m, có bờ cao hơn 1m, nếu bám được bờ thì sẽ chuyển quân đến tuyến xuất phát cách đó 50m. Tất cả đồng ý ngay đêm sẽ gởi hai toán thám sát qua trước. Tr/U Tuấn định qua theo. Tôi không đồng ý nhưng cho chuẩn bị một toán tiếp ứng sẵn sàng. Tuấn và tôi sẽ theo dõi hai toán đó từ bên này ao rau muống. Đêm đó Trung sĩ Kỳ và Hạ sĩ Quí đã thám sát và cho biết tình hình bên kia làm chúng tôi rất yên lòng.

    TĐ đã cho Không Quân oanh tạc và pháo binh bắn suốt ngày vào mục tiêu. Phạm Phù Tang cũng gọi pháo binh bắn lai rai đến nửa đêm. Ba giờ sáng các trung đội đã sẵn sàng. Tất cả chỉ mang theo đạn dược, một ngày ăn, một poncho, một xẻng cá nhân. Tôi cho để lại môt số người giữ đồ đạc. Trung đội 3 của Tuấn qua trước rồi Trung đội 1 của Thanh tiến song song bên cánh trái. Những miếng tôn rơi vãi khắp nơi gây khá nhiều tiếng động. Trời sáng mờ mờ, những đóm hỏa châu thắp sáng ở xa xa. Những bóng người di chuyển lom khom thận trọng. Sử dụng ám hiệu truyền tin được qui định đơn giản trên máy. Hai trung đội đầu đã đến tuyến xuất phát. Không còn gì để chờ đợi nữa và tôi ra lịnh xung phong.

    Tiếng hô trong đêm vắng nghe lồng lộng. Những loạt đạn M16 nổ vang dội. Tôi ra lịnh cho Trung đội 2 của Oanh sang tiếp và dừng lại lục soát tại tuyến xuất phát như đã ấn định. Những chàng Mãnh Hổ đã băng qua đường Trần Hưng Đạo. Từ bên trong trường học Cộng quân cũng nổ súng đáp lễ. Đã có mấy người bị thương nhưng tất cả vẫn tràn qua mục tiêu. Có một số VC tung hầm bỏ chạy nhưng tất cả đều bị bắn hạ. Đạn chiếu sáng cũng được bắn lên ngay trên đỉnh đầu. Cả 3 trung đội đều dừng tại chỗ lục soát, thanh toán từng ổ kháng cự một.

    Trung đội của Thanh bung rộng về phía Nam, vì gặp sự kháng cự của địch từ bịnh viện Dân Quân Y Quảng Trị, phải lui về phòng thủ. Trung đội của Tuấn về phía Bắc bị địch từ Ty Cảnh Sát và Tòa Thị Chánh bắn xuống dữ dội. ĐĐ của tôi đã lọt vào giữa hai lằn đạn. Nếu có một ĐĐ nào chia bớt áp lực địch từ phía Bắc hay phía Nam thì hay quá. Trung đội của Oanh còn đang thanh toán những hầm của địch phía sau. Tuy nhiên Oanh vẫn để hai toán giữ ở hai bên bờ ao rau muống để giữ con đường tiếp tế và tải thương.

    Tôi cũng báo tin vui về cho TĐ:

    - Báo cáo Đại bàng, tôi đã “ôm được cô giáo rồi”.

    Tôi nghe bên kia tiếng của Đ/U Phạm Cang, chứ không phải là Đà Lạt.

    - Cô giáo nào?

    Rõ lẩn thẩn, cô giáo nào đây. Tôi chỉ có một cô giáo hiện đang dạy học tại Sài Gòn chứ đâu phải như Cam Ranh... Tôi định chọc phá anh Cang vài câu nữa nhưng những đợt pháo kích ồ ạt trút xuống làm tôi tịt ngòi luôn. Những khẩu pháo 130 ly từ Đông Hà bắn xuống và những súng cối 82 ly từ Cổ Thành bắn ra khá chính xác. Báo cáo sơ khởi có một số thương vong. Cũng may cái tầng dưới của Trường học còn dùng cho thương binh ẩn nấp được. Sau đợt pháo kích, Thanh cho biết địch từ bịnh viện và từ bờ sông Thạch Hãn đang men theo những đống gạch vụn tiến vào. Tuấn cũng cho biết, địch từ phía Bắc, từ chiếc cầu đúc men theo đường Trần Hưng Đạo, tiến xuống. Súng bắt đầu nổ dữ dội. Những đợt pháo binh của Tang rất có hiệu quả nhưng chưa kéo lại gần được. Đợt tấn công đầu tiên của địch bị đẩy lui.

    Vấn đề cấp thiết là đạn dược. Tôi yêu cầu Tiểu đoàn chuyển một số đạn dược lên vị trí đóng quân cũ của Đại đội và Trung sĩ Danh sẽ dẫn người về lấy.

    Vì là đơn vị đầu tiên vào Quảng trị nên gần như tôi bị trống trải cả 3 mặt. ĐĐ2 của Đ/U Lê Thắng cũng đã sẳn sàng nhưng giờ này thật khó mà vượt qua ao rau muống được. Tiền sát viên Phạm Phù Tang vẫn bắn liên tục, càng lúc càng kéo lại gần. Nhiều khi bị tản nên đạn vào ngay trong tuyến khiến gạch đá bay rào rào trên đầu.

    Thời tiết hôm nay khá tốt. Lịnh của TĐ yêu cầu “cease fire để air” vào vùng. Tôi chạy vội lên lầu băng qua cái cầu thang trống trải. HS Lê Ngọc Triệu, người mang máy chạy theo tôi bị bắn sẻ vào vai phải. May quá anh không bị gãy xương nhưng máu nhuộm đỏ vạt áo phía trước. HS Mai Quang Rĩ, người mang máy tiểu đoàn không dám phiêu lưu qua khoảng trống, nên hắn dùng hai cái dây của Poncho nối lại để tôi kéo máy lên lầu. Tôi bảo Nguyễn Văn Đây, người nấu cơm cho tôi, thế Triệu mang máy. Tại Quảng Trị sau nhiều trận đánh, 1972

    Tôi vặn qua tần số không lục và bắt đầu điều chỉnh những phi tuần A37 của KQVN. Họ đánh dọc từ Đông sang Tây, chứ ngại từ Nam lên Bắc vì hệ thống phòng không của Cộng quân bên bờ Bắc sông Thạch Hãn rất hùng hậu. Tôi muốn chọn những mục tiêu tại Bịnh viện Quảng Trị và Ty Cảnh Sát, để giải tỏa áp lực của địch. Nhưng tôi không dám vì sợ những trái bom lạc vào tuyến sẽ làm cho binh sĩ mất tinh thần.

    Máy bay rời vùng thì VC mở đợt tấn công thứ hai. Lần này những B40, B41 và những hỏa tiễn có đạn đạo thẳng gây thương vong không ít cho ta, nhưng những quả M72 và súng phóng lựu M79 cũng chặn được sức tấn công của địch. Ở trên cao quan sát tốt nhưng khó xoay xở, nếu VC phát giác được thì một quả B40 là tôi tiêu tùng ngay, nên tôi phải xuống thôi. Kể ra những bài học hồi ở quân trường BĐQ/ Dục Mỹ cũng rất thực tế khi đem ra áp dụng.

    Có khoảng 4 người chết được gói vào poncho + 6 người bị thương nặng phải nằm cáng và nhiều người bị thương nhẹ có thể di chuyển được. Không có tiếng rên rỉ, nhưng nhìn vào những ánh mắt của anh em tôi thấy lòng mình xót xa. Tr/U Ngộ cũng bị mảnh pháo binh vào cánh tay phải. Lịnh của TĐ cho chuyển thương binh về bên này sẽ có Thiết vận xa M113 của Tr/U Ngọc chuyển đi.

    Thời gian qua rất nhanh và trời cũng đã về chiều. Cộng quân cũng ngưng những đợt tấn công. Chắc bọn chúng cũng đang chờ thay quân. Phải giải quyết vấn đề thương binh nên tôi bảo Tang cho pháo binh bắn tối đa về phía Bắc và Oanh sẽ điều chỉnh dọc ao rau muống rồi cho từng đợt thương binh chạy về bên kia. Tr/U Ngộ hướng dẫn đợt đầu và anh cũng giã từ vũ khí sau đó. TS Danh trở lại coi Trung Đội 4 và mang máy chạy theo. Thượng Sỹ Thông, thường vụ ĐĐ, cũng theo về để tìm thêm những chiếc băng ca và những cái đòn để khiêng tử thi. Nhìn những anh em thương binh dắt díu nhau mà lòng tôi xúc động vô cùng. Một vài người tôi không nhớ tên vì họ mới về trình diên vài ngày trước đó. Cũng may họ đã về bên kia vô sự.

    Trời càng về chiều, mức độ pháo kích càng dữ dộ. Vì thế, số thương vong cũng tăng lên. Đợt tấn công lần thứ ba của địch cũng bị bẻ gãy. Mối quan tâm của tôi chính là những thương binh. TĐ cũng gởi một toán tiếp nhận thương binh từ bên kia. Trời bắt đầu tối dần. Chuyến kế tiếp gồm những người nằm băng ca và những thương binh nhẹ. Sau cùng là những tử thi. Những xác chết bao giờ cũng nặng hơn. Những người bị thương nhẹ cũng ghé vai vào phụ. Tuy khó khăn nhưng tất cả cuối cùng cũng về hết bên kia. Và tôi cũng nhận được lịnh của Đà Lạt:

    - Đồ Sơn (Đ/Tá Định) cho phép Cô Tô đem con cái về lại nhà cũ.

    - Tôi có thể chịu nổi qua đêm nay, Đại bàng. Bỏ đi uổng quá.

    - Không uổng tí nào cả. Tiền thưởng 15.000$ vẫn dành cho cậu.

    Đó là món tiền thưởng dành cho đơn vị đầu tiên đặt chân vào thị xã Quảng Trị. Món tiền thưởng không có gì quan trọng hết, nhưng những người anh em đã nằm xuống và những người thương binh có thể trở thành những người tàn phế. ĐĐ tôi đã trả một cái giá khá đắt mà bây giờ lại bỏ đi.

    Tôi nhớ hồi cuối năm 1967 tôi về trình diện TĐ2 Trâu Điên. Đại Bàng Đồ Sơn, lúc đó là tiểu đoàn trưởng, đã đề nghị thăng cấp tại mặt trận cho tôi sau những trận đánh Mậu Thân 1968. Tôi thầm cảm ơn ông vì Đà Lạt đã có phần nào lo lắng cho tôi.

    Quân số ĐĐ hao hụt hơn 1/3. Hôm sau ĐĐ4 của Đ/U Nguyễn Minh Trí lên thế và ĐĐ1 về đồi Dương nghỉ và bổ sung.

    Cũng xin được nói qua đôi điều về Cổ Thành Đinh công Tráng, mục tiêu quan trọng mà mọi nổ lực của SĐ/TQLC được dồn vào. Đó là một thành cổ vuông cạnh 500m, được xây bằng những lớp gạch nung cứng bọc những lớp đất dày có chiều ngang 5m và chiều cao cũng 5m. Toàn bộ bốn mặt thành được bao quanh bởi những hào sâu rộng 10m. Nhìn từ không ảnh ta thấy phía bắc là đường Lê Văn Duyệt chạy dài theo Hương Lộ 555, phía nam là đường Quang Trung, phía đông là đường là đường Duy Tân, phía tây là đường Phan Đình Phùng. Con đường chính dẫn vào Tiểu khu Quảng Trị trước đây nằm ở phía Tây băng qua đường Trần Hưng Đạo.

    Cuối tháng 3 khi từ căn cứ Ái Tử rút về đây, tướng Giai đã cho xây dựng một trung tâm hành quân (TTHQ) kiên cố với 15 lần bao cát và nhiều công sự phòng thủ ngay trên 4 mặt thành. Những công trình này đã vô tình giúp cho Trung đoàn 48 thuộc SĐ325 CSBV phòng thủ vững vàng và làm chậm sức tiến quân của ta rất nhiều.

    B52 đã cày nhiều lần nhưng vẫn không hủy diệt hết. Những phi cơ ném bom phải bay thật thấp mới hy vọng đánh trúng mục tiêu. Pháo binh bắn cả ngày lẩn đêm cũng không phá sập hệ thống phòng thủ, những hầm chử A, chử T của địch đào chằng chịt trên mặt thành.

    TĐ1/TQLC sau khi nhảy xuống Triệu Phong đã bám chặt tại chỗ, chấp nhận “ăn” pháo để cắt đứt con đường tiếp tế vào Cổ Thành là Hương Lộ 560. Đây là một đòn lợi hại của ta làm cho Cộng quân tức giận vô cùng. Chúng bắt buộc sử dụng con đường tiếp tế khác băng qua sông Thạch Hãn vào ban đêm. Nhắm vào yếu điểm này, LĐ 258/TQLC quyết định phải ngăn chặn cho kỳ được bờ sông Thạch Hãn. Từ ngã ba Long Hưng theo QL1 ra tới bờ sông khoảng 400m, gần hơn là từ vị trí hiện tại của ĐĐ1 ra đến bờ sông hơn 200m. Trước mắt là phải chiếm cho được 3 mục tiêu chính là bịnh viện Dân Quân Y Quảng Trị và trường trung học tư thục Bồ Đề và Ty CSQG Quảng Trị.

    Theo kế hoạch của Đà Lạt sẽ cho ĐĐ3 chiếm bịnh viện, ĐĐ4 chiếm trường Bồ Đề và ĐĐ2 chiếm ty Cảnh Sát. Pháo binh và “air” được sử dụng tối đa trong hai ngày trước và các ĐĐ sẽ tấn công trực diện vào ban ngày. Trước giờ xuất phát thì các ĐĐ bị pháo kích tơi bời. Đã có một số thương vong đáng kể nhưng kế hoạch tấn công không thay đổi. ĐĐ 3 vừa ra khỏi vị trí đã bị lựu đạn và mìn bẫy cũ của đơn vị bạn để lại. ĐĐ2 khi chuẩn bị băng qua ao rau muống thì Ban Chỉ Huy ĐĐ và toán tiền sát Pháo Binh bị súng cối và hỏa tiễn từ Cổ Thành bắn xuống khiến cho nhiều người chết và bị thương, trong đó có Đ/U Lê Thắng, ĐĐT/ĐĐ2. Anh Thắng cũng rời TĐ9 sau đó để về Phòng I bộ TTM. Trung úy Lưu Văn Phán, có biệt danh Phán mập, lên thay.

    Một ngày không may mắn và cuộc hành quân tạm hoãn lại. Các ĐĐ được lịnh về lại tuyến cũ. Nhưng thời gian thì không thể trì hoãn được nữa. Đà Lạt đã bàn với Cam Ranh và thay đổi kế hoạch. Đ/U Nguyễn Minh Trí được gọi về họp và kế hoạch mới được ấn định như sau:

    - ĐĐ4 chiếm Trường trung học Bồ Đề.

    - ĐĐ1 chiếm bịnh viện Dân Quân Y Quảng Trị.

    Kế hoạch sẽ được bắt đầu vào 8 giờ sáng ngày mai. Nhưng trước hết là phải thay quân đã. Tôi cho từng trung đội thay đổi vị trí của ĐĐ3 với sự sắp xếp thích hợp cho đội hình tấn công vào ngày mai.

    Buổi thay quân hoàn tất lúc trưa và không có trở ngại gì nhiều. Buổi chiều tôi mời các trung đội trưởng họp thông báo lịnh hành quân. Đặc biệt lần này ĐĐ được tăng phái 3 chiếc M48 của Thiết Đoàn 20 do T/U Phương Quang chỉ huy, và 4 chiếc M113 do T/U Minh Ngọc điều động. Trung đội 3 của Tuấn sẽ tùng thiết với M48 và Trung đội 2 của Oanh sẽ băng qua ao rau muống dưới hỏa lực của M113. Trung đội 1 của Thanh sẽ xung phong vào chính diện, băng qua đường Trần Hưng Đạo và vào thẳng mục tiêu.

    “Air” được gọi đánh nhiều lần từ bờ sông Thạch Hãn đến các mục tiêu cho ngày mai. Pháo binh cũng bắn phá liên tục.

    Bảy giờ sáng hôm sau, Trung đội của Tuấn di chuyển về ngã ba Long Hưng để tùng thiết với 3 chiếc M48, đồng thời mở đường cho 4 chiếc M113 của Ngọc theo đường Hồ Đắc Khanh lên tăng cường cho Oanh. Hai chiếc M113 đi đầu, trong đó có một chiếc của Ngọc, vừa quẹo qua đường Hồ Đắc Khanh thì bị súng cối từ Cổ Thành bắn ra làm hai chiếc sau phải lui lại. Tôi đề nghị với Ngọc cho hai chiếc này tiến xen kẽ với M48 và chở thêm quân tùng thiết của Tuấn. Hỏa lực trên xe M113 rất mạnh, nhất là những khẩu đại liên 30 đặt hai bên hông ngăn cản căn cứ Sharon ở trên ngọn đồi phía Nam Quốc lộ I.

    Những loạt đạn ria rất thấp của 2 chiếc M113 của Ngọc bao phủ cả một chiều ngang phía trước làm cho đám CS không ngóc đầu lên được. Trung đội 2 của Oanh đã tràn qua ao rau muống và đã bám được bờ đối diện. Trung đội 1 của Thanh cũng rời khỏi tuyến xuất phát. Cánh trái cũng đã tràn lên phía trước nhưng Cộng quân, ở những hầm hố đối diện, cũng phản ứng mãnh liệt. Thanh vẫn phất tay hô xung phong, nhưng đó là cái phất tay cuối cùng. Viên đạn đầu tiên bắn xoay nón sắt và viên thứ hai bắn vào tim khiến Thanh đã vĩnh viễn nằm xuống. Người mang máy trung đội là Binh I Nguyễn Quang Tân đã báo tin buồn đó cho tôi, với giọng gần như muốn khóc.

    - Bảo Trung sĩ Tám vào máy. Tất cả nằm im tại chỗ, nghe chưa. Tôi bảo.

    - Em không rời được chỗ này. Tụi nó bắn dữ quá.

    Lúc đó, đoàn chiến xa của Tuấn tràn lên với một tốc độ rất cao. Những khẩu đại liên 30 từ hai chiếc M113 bắn dữ dội, trong khi những quả đạn 90 ly từ M48 bắn thẳng vào khu bịnh viện. Thay vì chạy thẳng ra bờ sông Thạch Hãn thì Phương Quang cho chiếc đầu quẹo phải chạy vào đường Trần Hưng Đạo nhắm thẳng vào bịnh viện. Ngọc cũng cho hỏa lực của mình ngưng lại. Trung đội 3 từ trên 5 chiếc thiết giáp nhảy xuống. Trung đội 2 và trung đội 1 cũng tràn ngập muc tiêu. Chưa bao giờ ta lấy thịt đè người như bây giờ. Cuộc tấn công xảy ra quá nhanh. Cả đại đội tràn ngập mục tiêu như nước vỡ bờ và đang thanh toán những ổ kháng cự. Tôi yêu cầu hỏa lực của M48 và M113 bắn thẳng vào những mục tiêu ở bờ sông Thạch Hãn và căn cứ Lê Huấn, gồm những lô cốt (blockhouse) từ thời Pháp xây bằng bê tông cốt sắt.

    Hai người máy cũng chạy theo tôi băng qua Trung Đội 1. Tôi muốn nhìn người trung đội trưởng thân yêu, dũng cảm vừa nằm xuống. Viên đạn vào ngay tim của anh, và vạt áo phía trước đẩm máu. Mắt Thanh nhắm lại như ngủ. Thôi vĩnh biệt nghe Thanh. Tuấn, Thanh và Công là những người bạn cùng khóa Thủ Đức và là những SQ xuất sắc của TĐ9 Mãnh Hổ.

    ĐĐ1 đã chiếm được mục tiêu và tôi nghe trong máy ĐĐ4 của Trí cũng đã chiếm được trường trung học Bồ Đề.

    Những hầm hố của địch được thanh toán bằng lựu đạn và mìn claymore. Một vài tù binh bị bắt trong đó có một cô gái. Tôi ra lịnh cho các trung đội bung ra phòng thủ. Thế nào pháo của địch cũng sẽ viếng thăm trong thời gian gần nhất.

    Những ngày sau đó Cộng quân mở những đợt phản công điên cuồng vào vị trí phòng thủ của ĐĐ1 và ĐĐ4 /TĐ9 TQLC bất kể ngày đêm, nhưng đâu có dễ gì. Tr/U Nguyễn Anh Tuấn đã bị thương và đại đội có thêm ba SQ khóa 4/71 Thủ Đức mới về đại đội là Chuẩn úy Lê Văn Canh, Trần Văn Ngân, và Bùi Quang Thịnh.

    Chúng ta hãy nghe kể lại sau đây những cảm giác ngày nào vẫn còn y nguyên của một SQ vừa mới ra trường. Người trung đội trưởng Trung Đội 1 đó có tên Chuẩn úy LÊ VĂN CANH.

    Một.

    Tuyến xuất phát là giao thông hào của mình. Địch được nghi ngờ là ở ngay phía bên kia con đường trước mặt. TS Kỳ, cánh phải 6 người chia làm hai tổ. Hạ sĩ nhất Biếu cánh trái cùng 6 người chia làm hai tổ. Tôi đi giữa cùng tổ đại liên của HS Quí. Trung đội 3, bên phảib chỉ yểm trợ khi cần mà không tấn công. Tất cả gọn nhẹ nên lựu đạn mang theo tối đa.

    - Bây giờ là 5 giờ 24 phút, chúng ta có 6 phút để chuẩn bị và 10 phút để di chuyển từ đây đến bờ đường phía bên này được ước lượng khoãng 40 m. Các anh nghe rõ chưa?

    - Dạ rõ, ông thầy.

    Lịnh hành quân ban xong, hắn báo cáo về Đại Đội:

    - Chương Dương đây Cao Tần.

    - Cao Tần- Chương Dương.

    - D1*( con cái sẳn sàng), sẽ B7* (bắt đầu di chuyển) trong vòng 5 phút.

    - 30*( nhận rõ), ông thấy sao? - Sao là sao? - Sợ, hồi hộp, lo lắng... Cảm giác của ông? - Sợ thì không, nhưng cảm thấy nao nao trong bụng, lần đầu tiên mà 70*( số hiệu của ĐĐT/ ĐĐ1).

    - 30*. Chúc may mắn.

    - 30*.

    Còn 4 phút nữa là đến giờ xuất phát. Thời gian có vẻ như ngừng lại, lắng đọng như sương mù còn đè nặng ngoài kia. Hắn đốt điếu thuốc thứ ba trong ngày và nhìn về phía trước nhưng hắn không nhìn thấy con đường nằm ngang trước mặt mà hắn đã nhìn không biết bao nhiêu lần, từ chiều hôm qua, khi vừa về tới đơn vị mới. Đơn vị của hắn là Đại Đội 1 Tiểu Đoàn 9 TQLC, vừa chiếm xong bịnh viện Dân Quân Y Quảng Trị hai ngày trước khi hắn đáo nhậm. Quân số hiện tại là 98 kể cả vị ĐĐT, theo lời của Tr/U Phan Minh Sơn, Trưởng ban 3/ TĐ, có biệt danh là Sơn-Cò-Mồi, trước khi lên M113 về ĐĐ.

    Hai.

    11 chuẩn úy mới ra trường đang sắp hàng ngang trình diện tiểu đoàn trưởng. Tr/Tá Nguyễn kim Đễ, mới nhìn giống như những tay anh chị, quát lớn:

    - Các ông không chạy còn chờ đến bao giờ.

    Tất cả cùng ngơ ngác trong một tích tắc rồi vỡ ra mà tìm chỗ nấp. Liền tức thì khoảng 70 quả súng cối nổ chụp lên vị trí. Vài phút sau tiếng nổ dứt, trong khói bụi hãy còn mịt mùng thì tiếng của vị tiểu đoàn trưởng lại vang lên:

    - Các ông chuẩn úy đâu hết rồi?

    Bọn hắn lại tập họp và đếm số 1, 2, 3... 9, 10. Ủa sao lại thiếu một người?

    - Đếm sô... ố đếm. SQ trưởng toán ra lịnh.

    - Một, hai, ba, chín, mười, hết.

    - Như vậy thiếu một người.

    Ngay lúc đó có một binh sĩ báo cáo có một ông chuẩn úy vừa mới chết. Kiểm điểm lại là thằng Bảo, Nguyễn Mạnh Bảo. Trung tá Để ra lịnh:

    - Các ông chia làm ba nhóm: Đại Đội 1 bốn người, Đại Đội 2 hai người, Đại Đội 4 bốn người. Thi hành.

    4 người gồm Tuấn, Ngân, Thịnh và Canh cùng với 4 hạ sĩ quan và 21 binh sĩ được bổ sung về đại đội 1. Tất cả đều mới ra lò. Thằng Tuấn, Phạm Gia Tuấn, liền sau đó được giữ lại tiểu đoàn tại đồi Dương gần ngã ba Long Hưng. Ba thằng còn lại ra xe, vẻ đăm chiêu ra phết. Xe chạy thật chậm mà dằn xóc kinh khủng vì cứ phải leo lên những đống gạch vụn và những nền nhà đổ nát. Thị xã Quảng Trị, nói cho oai chứ nó chẳng còn gì ngoài mớ hổ lốn xà bần, sau bao nhiêu lần bom đạn trút xuống. Xa xa về phía trước, nơi bọn hắn sẽ đến, VC vẫn còn đang pháo kích. Những cụm khói đen chụm lại như những cái nấm to tướng trông cũng ngồ ngộ.

    Uc, ục, ục... mà mấy ngày sau mà bọn hắn mới biết đó là tiếng depart của súng cối. Rồi tiếng hú và cuối cùng là tiếng nổ... Mẹ nó. Chào đón lính mới kiểu này thì chẳng lấy gì làm vui cả.

    Hắn lại nhớ tới thằng Bảo. Hai đứa rất thân vì thằng giường trên, đứa giường dưới ở trường Bộ binh. Mới hôm qua nó còn khoe ầm lên từ phi trường Tân Sơn Nhất tới Phú Bài là nó đã móc sĩ đỏ của em mấy lần trước khi chia tay ra đơn vị. Bây giờ nó đã được gói lại rồi, nằm im với tấm thẻ bài được cột ngoài poncho. Tội nghiệp cho T.T, cô bạn gái của nó chắc chưa biết gì đâu. Thôi thì sự ra đi vội vàng của nó như thế vậy mà hay, không đớn đau hoặc tận cùng đau đớn. Và-có-lẽ đây là bài học đầu tiên mà chiến tranh muốn dạy cho tụi tao sự tàn nhẫn phủ phàng của nó. Cũng như tao, mày chưa tròn 20 tuổi. Vĩnh biệt mầy.

    Ba.

    Trong cái bóng tối dờ dờ, mọi thứ bỗng trở nên huyễn hoặc. Hắn nhớ lại chỉ mới ngày hôm qua đây thôi, 12/8/1972, chưa tròn 24 giờ đồng hồ mà cảm thấy xa xôi chi lạ. Thằng Bảo, Chuẩn Úy Nguyễn Mạnh Bảo, trình diện tiểu đoàn trưởng chưa xong mà đã trở thành cố thiếu úy. Mội trái đạn súng cối cà chớn nào đó đã nhè ngay cái đầu nó mà rớt xuống thì còn gì. Mười thằng còn lại với hai chục con mắt nhìn vào xác nó như bị thôi miên. Hai tay nó vòng lên phía đầu và hai chân nó dạng ra giật giật lên từng hồi. Bộ đồ bệt thì bê bết máu và cát. Hắn nghĩ ngay đến những con ếch bị chặt đầu lột da mà mẹ hắn vẫn thường làm cho hắn ăn. Nghĩ thấy mà ớn. Thằng Hiệp cầm ca cà phê và nói:

    - Làm miếng cà phê cho ấm bụng đi T/U.

    - Mày lại thăng cấp tao nữa rồi.

    - Thì C/U hay T/U cũng vậy thôi. Nó cười đáp lại. Hắn đón ca cà phê và làm một hớp thiệt bự. Sau khi nuốt đánh ực một cái, hắn nói:

    - Cũng ngon chứ mậy.

    - T/U xong xuôi... thằng Kỳ zulu rồi. TSI Rạng, trung đội phó, báo cáo lại hắn sau khi đi một vòng kiểm soát.

    - Tới phiên mình, chúng ta đi. Hắn nói.

    Thằng Hiệp bỏ lại ca cà phê cùng hắn bước ra khỏi giao thông hào. Đúng 5 giờ 30 sáng ngày 13/8/1972.

    Bốn.

    Dù trời hãy còn tối, bọn hắn cũng phải bò chậm, thật chậm, vì nếu đi dù là lom khom thì VC cũng sẽ nhận ra một cách dễ dàng nếu bọn chúng nằm sát đất mà quan sát. Dù không thấy được rõ, nhưng chúng sẽ nhận được những bóng người nhấp nhô trên nền trời đang chuyển sang màu đỏ ửng. Và nếu như vậy thì yếu tố bí mật sẽ không còn nữa và...

    Phía bên phải, hơi xa và cao hơn về hướng địch một chút, toán của TS Kỳ âm thầm vượt lên phía trước. Khoảng 15m nữa là tụi nó có thể bám được bờ đường bên này của Quốc Lộ I, hắn đoán thế. Bên trái, cũng hơi xa và tụt về phía sau một chút, toán của HS Biếu cũng đang mò mẫm bò dần lên. Trời hãy còn mờ tối và sương mù như một giải lụa mờ đục, đang treo hờ hững trên đầu.

    Cái lạnh như cắt da thịt, trời Quảng Trị mà, nhưng bọn hắn cũng ướt đẩm mồ hôi. Không còn ai trong đầu. Những cha mẹ, những bạn bè, những bồ bịch, những yêu thương đà mất hút. Quá khứ cũng không còn. Ký ức đã tuôn dần ra theo những giọt mồ hôi. Hiện tại là một khoãng không gian bó buộc, khó thở và tương lai là con đường nằm ngang trước mặt cùng với sinh mạng của 18 con người kể cả hắn. Phải bằng mọi cách vượt qua cho được. Xin bỏ lại tất cả và xin trả lại tất cả những gì mà hắn có được; chỉ xin giữ lại đây phần máu thịt của mười tám con người bỗng dưng yêu thương nhau như chưa từng biết yêu thương, dù chỉ mới quen biết nhau chưa trọn một ngày.

    Khi người lính cuối cùng của HS Biếu bám được bờ đường thì bọn hắn đã nằm dọc theo QL1, bên này con đường, một khoảng dài độ 50m. Trễ 5 phút so với dự trù nhưng thời gian vẫn còn tốt chán cho khởi đầu của một cuộc chơi. Hắn ra hiệu cho tất cả anh em, lựu đạn cầm tay, mở chốt rồi 1, 2, 3, cùng ném về phía bên kia con đường. Oành, oành, oành... 18 tiếng nổ gần như cùng một lúc phá tan sự im lặng ngột ngạt của chiến trường và báo hiệu cho một ngày đầy cam go và thử thách.

    Lạy Chúa tôi!! Nếu hắn đếm không lầm thì có khoảng 20 trái lựu đạn Trung quốc từ bên kia đường ném về phía bên này. Trời đang rạng sáng...

    - Cao Tần đây Chương Dương.

    - Chương Dương- Cao Tần. 30*

    - Vậy là ông xài Polaroid, hình chụp lấy liền. Tốt lắm. 55* (tiếp tục).

    - 30* Chương Dương.

    Không sao ông thầy. Thứ này dễ né lắm. Thế rồi cứ mỗi lần na đi na về là bọn hắn chạy qua nhảy lại để né. Kể cũng vui. Nếu đánh giặc kiểu thế này thì cũng chẳng có gì phiền lắm. Thằng Hiệp đã hai lần lượm na và ném trả lại bọn nó. Thứ này chậm nổ hơn na của phe ta. Hắn tiếp tục như vậy đến lần thứ sáu thì hoàn toàn không còn quả na nào để ném trả phía bên kia. Đã đến lúc phải qua đường rồi đây. Hắn thầm nghĩ.

    Năm

    Có lẽ do ơn trên phù hộ nên hắn mới quyết định ném một loạt lựu đạn trước khi băng qua đường hay do hắn áp dụng đúng chiến thuật mà hắn đã học ở Quân trường mà có được một hành động rất ư đúng đắn. Chứ nếu không thì... hắn không dám nghĩ tiếp. Mặt lộ rộng khoảng 6m và phía bên kia đường địch đã ém quân chờ sẵn bên đó. Một đơn vị hình như là trung đoàn 48 thuộc SĐ320 CSBV. Mục đích của bọn chúng là cố đánh chiếm lại vị trí đã mất, bịnh viện Quảng Trị. Cho nên nếu không nhờ một loạt 18 quả lựu đạn đó thì 18 anh em hắn đã trở thành những bia thịt cho bọn chúng tập bắn rồi.

    Chiều hôm qua hắn có dịp quan sát địa thế rất kỹ. Bất lợi về phía bên hắn là vị thế đất thấp hơn so với bên kia của địch thoai thoải cao lên về phía đồi Lê Huấn. Nhưng biết làm sao hơn, chiếm lại được chừng này đã hao mất mấy chục nhân mạng rồi.

    Sáu

    Hắn nhìn về phía TS Kỳ và đưa 3 ngón tay chỉ về phía bên kia đường và gật đầu ra hiệu. TS Kỳ hiểu ý và cho một tổ 3 người chồm lên và chạy vọt qua đường trước. Kế tiếp, Kỳ và hai người nữa vừa phóng mình lên thì bị ngay một loạt đạn đốn ngã gục xuống mặt đường.

    - Cao Tần đây Phương Quang (Danh hiệu của chi đội M48).

    - Phương Quang, Cao Tần.

    - Bạn cho con cái D2* (ở yên tại chỗ) tôi N*9 (thấy rõ mục tiêu) và sẽ P3P7*(bắn ngay mà không chờ lịnh lạc gì cả).

    - 30* Phương Quang.

    Gần như liên tiếp 3 quả 90 ly không giật trên M48 thổi ngay vào địa điểm mà khẩu thượng liên của địch vừa lên tiếng. Từ phía sau lưng bạn bè đang theo dõi, nên yểm trợ vô cùng hiệu quả. Thằng Hiệp bò đến gần và nói:

    - Ông thầy chạy theo như vầy, vừa nói nó vừa đưa tay làm hiệu hình chữ CHI. Hắn gật đầu và nhìn sang Quí và Biếu ra dấu cùng băng qua đường. Hắn nghĩ thật nhanh trong đầu - 6m đường chạy chỉ một giây hay cả một đời???

    Trong nháy mắt bọn hắn đã ở ngay trên vị trí của địch. Có tất cả 21 hố cá nhân và 21 tên địch đều đã chết. Lưng dựa vào bờ đường hắn ra lịnh thật nhanh:

    - Tất cả tiến về phía trước lục soát thật kỹ trong vòng 20m. Xong bố trí tại chỗ chờ lịnh.

    Hơi xa bên phía trái, khẩu thượng liên đang chĩa nòng thẳng lên trời. Sau lưng hắn, trên mặt đường khoảng 3m về bên phải, TS Kỳ cùng hai người lính nằm bất động, trong khi máu và óc từ đầu tuôn ra hòa thành một màu quái đản. Họ nằm ngay giữa đường. Chỉ có 6m mà cả ba đã chạy một đời chưa đến.

    - Báo cáo T/U ba thằng ở khẩu thượng liên cũng đã chết. Tụi nó xiềng chân chung với nhau. HS Biếu nói thế.

    Kết.

    Những ngày khởi đầu trong đời lính của hắn không có gì là vui vẻ cả. Xin gởi đến vong linh các anh lòng ngưỡng mộ sâu xa từ sự hy sinh của những người đã khuất trong trận đánh này. Bởi vì nếu không các anh là chúng tôi. Bao giờ cũng vậy, kết thúc một trận đánh cũng có kẻ phải nằm xuống.

    Thành tâm chào vĩnh biệt Trung sĩ Thi Đắc Kỳ, Binh nhì Nguyễn Văn Thanh và Binh nhì Trần Văn Phú, những người đã nằm lại ngàn đời.

    Những ngày sau đó, những trận đánh vẫn còn tiếp tục. Có đêm bọn chúng đã tràn thẳng vào trong tuyến. Hai bên sử dụng mọi ngón đòn quyết liệt nhất để bảo vệ lấy mạng sống của mình. Báng súng, lưỡi lê, xẻng cá nhân. Đánh đá, vật lộn, la hét. Cả trên hầm và dưới hầm. Chưa bao giờ trong 10 năm chiến đấu tôi lại tham gia vào cuộc một cách hung bạo và hãi hùng như thế.

    Nhưng mục tiêu cuối cùng vẫn còn đó: Đầu cầu Thạch Hãn và con đường tiếp tế vào Cổ Thành.

    Cam Ranh được đưa lên cánh B để chỉ huy trực tiếp tại chỗ hai ĐĐ1 và ĐĐ4. Ba trung đội của ba ông Chuẩn úy mới ra lò là Bùi Quang Thịnh, Trần Văn Ngân và Lê Văn Canh được giao nhiệm vụ rất quan trọng, ba chiếc M48 và hai chiếc M113 cũng nhập cuộc, và ngay cả ông quan ba Đại Đội Trưởng Đại Đội 1 cũng phải cỡi cua sắt ra trận. Một trận đánh quyết liệt và quyết định.

    Cũng chẳng muốn làm phiền quí vị và xin được nói ngay là ĐĐ1/TĐ9 MÃNH HỔ đã tràn qua QL1 tiến thẳng ra đến đầu cầu Thạch Hãn, bất chấp mọi hỏa lực và pháo binh và súng cối của địch. Bờ sông Thạch Hãn đã bị chiếm bất chấp mọi loại hỏa lực từ Nhan Biều bắn sang. Theo truyền thống của binh chủng TQLC thì một khi họ đã chiếm rồi thì đừng hòng kéo được họ ra khỏi vị trí đó.

    TĐ9 MÃNH HỔ lần này không phải làm nhiệm vụ đoạn hậu trong cuộc lui binh khỏi Quảng Trị trong mùa hè đỏ lửa 72 mà là nhận nhiệm vụ tiên phong tiến vào một thế trận mà địch đã giàn dựng sẵn. Và TĐ9/TQLC dưới sự điều động tài tình và khôn ngoan hiếm thấy của Trung tá Nguyễn Kim Đễ và Thiếu tá Phạm Cang đã hoàn thành được nhiệm vụ mà SĐ/TQLC giao phó một cách xuất sắc ./.

    Kiều Công Cự & Lê Văn Canh


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X