Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Chuyến Convoy đến Nam Vang

Collapse
X

Chuyến Convoy đến Nam Vang

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Chuyến Convoy đến Nam Vang

    Chuyến Convoy đến Nam Vang

    Hoàng Quốc Việt
    (OCS)


    Tôi về tới nhà giữa những tiếng súng vang rền trời đất, nhà nhà đều đóng cửa, nghe tiếng tôi gọi, Ba tôi vội ra mở cửa cho tôi vào, nhìn tôi sững sờ nói:

    - Con về đó à, má tưởng con đi luôn rồi!

    - Thôi con nó về cũng được. Má tôi tiếp lời.

    Tôi nghe như có gì không ổn trong câu nói đó của hai người, chắc ba má tôi sợ tái diễn lại cảnh đau thương một lần ra đi là một lần vĩnh biệt của chính cuộc đời mình 30 năm về trước cho đứa con thương yêu của mình. Lúc đó cũng chỉ vào khoảng lứa tuổi tôi hoặc nhỏ hơn, hai người phải lìa bỏ làng quê nơi chôn rau cắt rún, tha hương cầu thực vì nạn đói 1945. Chỉ cách nhau một con sông mà từ lúc ra đi đến khi cả cha lẫn mẹ mình khuất núi cũng chẳng gặp lại lần nào, chỉ canh cánh bên lòng nỗi nhớ tiếc khôn nguôi. Giờ đây, nếu tôi ra đi thì với một đại dương bao la ngăn cách biết đến bao giờ mới gặp lại, đi thì chết trong nhau mà ở lại chỉ nhìn nhau đau khổ, tâm trạng nửa mừng, nửa lo, không muốn mất con và cũng không muốn nhìn con khổ của hai người là thế, chỉ có niềm an ủi duy nhất là con mình vẫn toàn vẹn thân xác sau cuộc chiến khốc liệt dai dẳng mà thôi. Đến lúc mở cửa tủ cất đồ, thấy cái samonite tôi mua từ lúc ở Mỹ về nằm sẵn trong đó được sắp soạn chu đáo chờ tôi về để đem trả lại... Mỹ! lúc đó tôi mới biết ba má tôi đều mong nuốn tôi đừng trở lại, tôi mới biết... tôi đã lầm lẫn khi trở về đây!!

    Lỡ dại tìm đường gai gốc mà đi, bụng làm dạ chịu, giờ đây chỉ còn ngậm đắng nuốt cay mở to đôi mắt nhìn... cộng sản làm!

    Trở lại chuyện dưới mái trường xưa, qua cổng chánh là một sân rộng dẫn đến bậc tam cấp, bước lên là vào hành lang dài rộng chạy bọc theo một sân chơi vuông vức phía sau. Việc đầu tiên là 'ghi danh nhập khóa' nơi những bàn học kê dọc theo dẫy hành lang nằm song song với đường Cộng Hòa trước cửa trường để biết tổ đội, rồi qua đến dẫy bàn kế bên để đóng tiền ăn, giá biểu 500 đồng, nhìn kỹ lại mới nhận ra xen lẫn với những dẫy bàn dài học trò, vừa bàn vừa ghế đóng dính liền với nhau, còn có những dẫy bàn tròn, có bàn bầy sẵn chén đữa, khăn bàn trắng trông khá lịch sự, liếc ra sân phía trước tôi thấy xe chở hàng nhỏ còn mới mầu trắng sơn chữ NHÀ HÀNG TÂN TÂN. Làm vậy coi cũng được, chắc đi học thiệt tình rồi, ăn còn giao cho nhà hàng nổi tiếng nấu ăn cho ngon miệng thì còn lo sợ nghi ngờ viễn vông làm gì cho mệt óc, phong lưu hơn cơm lính rồi còn muốn gì nữa! Tôi nhủ thầm trong bụng; biết vậy mình đừng đem mấy khúc bánh mì chả này theo làm gì cho nặng gánh, không biết chừng nào mới gặm cho hết vì má tôi làm nguyên ổ bánh mì dài. Người ta sao mình vậy, dù đem theo thức ăn tôi vẫn đóng tiền cơm cho đúng thủ tục như những người khác. Sau đó là... giờ chơi! hoàn toàn được tự do đi lại trong sân trường... nhà! ngoại vẫn nhập, nhưng nội bất xuất.

    Chuyện đương nhiên phải làm lúc này là tìm bạn bè cho đỡ buồn. Chuyện ba thằng chờ đầu quân năm tới đã xưa như trái đất, đâu còn vinh dự để làm chuyện đó nữa! chỉ còn chuyện nhìn cho rõ bạn bè xem mất còn những ai. Chuyện bạn hữu có người về đất buông xuôi thì đương nhiên là có rồi, không thể tránh được.

    Nhớ lại những năm học dưới mái trường thân yêu từ đệ thất đến đệ nhất, mỗi ngày khi thầy cô vừa bước vào cửa là trưởng lớp hô to nghiêm, tất cả đứng nghiêm chào, đến khi thầy cô cho phép mới được ngồi xuống, kể đến trưởng lớp điểm danh, đọc tên từng người,đén tên ai thì người đó hô có. Ròng rã bẩy năm trời, ngày nào cũng thế nên tên những người đầu sổ đến giờ tôi vẫn nhớ.

    Ngày nào cũng;
    - Nguyễn Văn Bá.....có,
    - Đặng Phước Bảo....có,
    - Trần Văn Chín....có,

    Những người giữa tôi không tài nào nhớ được, nhưng những người gần cuối sổ tôi cũng không thể nào quên được vì tên tôi lúc nào cũng ôm cuối sổ,

    - Nguyễn Xuân Vân....có,
    - Quách Vĩnh Viễn ....có, là đến phiên tôi
    - Hoàng Quốc Việt....có,

    Rời trường vào hè 68, chia tay nhau chưa đầy một năm thì được tin trên báo Nguyễn Văn Bá đã hy sinh đền nợ nước, tính lại vừa đúng hai mươi tuổi đời.

    Bạn học cùng lớp, người đứng đầu sổ điểm danh là thế, còn bạn lính cùng khóa, người đứng đầu Tiểu Đoàn Trần Hưng Đạo thủ khoa khóa 1 OCS thì sao? Trong TĐ/THĐ, nhất là liên đội A, ai mà không biết Lê Thành Ngọc, tướng tá cao ráo sạch sẽ lanh lẹ tháo vát, nên ở đâu cũng được làm chức sắc, Bạch Đằng 2, Quang Trung, APL đều được chọn làm Tiểu Đoàn Trưởng khóa sinh, qua OCS thì nắm Fifth Battallion Commander. Mỗi sáng chào cờ, trong không khí trang nghiêm hùng tráng, xen lẫn tiếng kèn trống dồn dập điệu quân hành hòa cùng tiếng sóng nhạc biển khơi đang vỗ về reo vang trong nắng sớm là tiếng báo cáo quân số của các Battalion Commander oang oang trong gió, vang động sân cờ, Lê Thành Ngọc nhà mình oai vệ chững chạc đứng trước hàng quân, dõng dạc gân cổ gào "Fifth battalion all present report Sir!"

    Góp tiếng với các Battalion Commander bạn nghe cũng hùng dũng chẳng kém gì. Phe ta hàng ngũ chỉnh tề nhịp nhàng nghỉ nghiêm, nện gót giầy răm rắp theo tiếng 'Attent...ion' của Ngọc. Sau này tôi gặp lại ở Năm Căn, đời lính nay đây mai đó, bốn phương tám hướng là nhà, hết biển thì vào sông, bốn mùa lênh đênh, phiêu bạt giang hồ, bạn lính thì như bèo mây họp mặt, nay hợp mai tan, nay cùng đơn vị mai thuyên chuyển chia tay mỗi người mỗi nơi, có khi một lần chia tay lại là một lần vĩnh biệt. Tôi và Ngọc rơi vào tình cảnh chia tay vĩnh biệt đó khi rời Hải Đội 5 Duyên Phòng. Chuyện chiến trường phó mặc cho số phần, trời gọi ai nấy dạ, đạn tránh người chứ người không tránh được đạn. Chia tay từ dạo đó thì được tin Lê Thành Ngọc vị quốc vong thân. Bạn bè mất dần thưa dần, hết anh dũng đền nợ nước thì lại đến tổ quốc ghi ơn, tuổi thanh xuân lìa đời như lá xanh lìa cành, lúc còn tràn đầy sức sống, nhựa sống,

    Bạn hữu mất dần theo cuộc chiến
    Đứa đền nợ nước, đứa... nước ghi ơn!


    Dĩ nhiên còn nhiều Nguyễn Văn Bá và còn nhiều Lê Thành Ngọc nữa, nhưng dầu sao cũng là những cái chết... hùng, liệt oanh, chiến trường da ngựa bọc thây, trên lưng ngựa, may mắn hơn những người ngã ngựa, chết tức tưởi, oằn oại, đớn đau nơi chốn lao tù.

    Đó là chuyện người trở về hòm gỗ cài hoa, quốc kỳ phủ kín, còn chuyện người trở về trên đôi nạng gỗ, bại tướng cụt chân nữa!

    Ra trường chọn Hải Đội 5 Duyên Phòng, hậu cứ ở Mỹ Tho, nhưng vùng hoạt động hành quân mãi tận Tân Châu, Năm Căn. Cũng nhờ vậy mà tôi có cơ hội biết các tỉnh miền Tây, lê bước giang hồ đến Mỹ Tho, Cần Thơ, Long Xuyên, Châu Đốc, Tân Châu, Hồng Ngự, Nam Vang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Rạch Giá, Hà Tiên, Phú Quốc. Xuôi ngược giòng Cửu Long đủ cả hai nhánh Tiền Giang và Hậu Giang. Ngày ra đơn vị, xuống bến xe đò Châu Đốc, đang ngơ ngác tìm bên xe Tân Châu lại thấy chiếc PCF sơn rằn ri hoa rừng, hoa biển như mầu áo Thủy Quân Lục Chiến thật phong trần nằm nơi bến sông. Mừng rỡ, thở phào nhẹ nhõm, vừa thăm hỏi vừa trình diện luôn tại chỗ. Mấy ngày đầu nhập cuộc, tôi tưởng như Lưu Nguyễn lạc Thiên Thai trên dòng An Giang sông sâu nước biếc. Tầu không dám chạy nhanh sợ gây "sóng gió" cho những ghe bầu, ghe chài chở khẳm cây trái lúa gạo, ghe đuôi tôm, tắc ráng đầy khách chạy ngang dọc trên sông. Nhất là vào những đêm trăng thanh gió mát, cảnh vật như tranh, đôi bờ hàng dừa ngã bóng ven sông, giữa dòng trăng sáng lung linh đáy nước, trăng nước hữu tình, kho trời vô tận một mình riêng, tôi ngỡ mình đang trên du thuyền ngoạn cảnh, hóng gió ngắm trăng! Đi chiến chinh mà vẫn được phong lưu thế này thì... 'kiểng' thật, cứ sống mãi trong cảnh thanh bình hiền hòa thơ mộng này thì đến bao giờ mới hết 'sữa' được!

    Cầu nào cao bằng cầu Ông Lãnh,
    Lính nào bảnh bằng lính Hải Quân.


    Thấy vậy nhưng không phải vậy, đi một chuyến Convoi từ Tân Châu lên Nam Vang mới biết mình tham dự một cuộc hành quân có tầm vóc lớn. Tham dự hành quân có đủ cả Hải Lục Không Quân, hỗn hợp Việt Mỹ Miên. Ngoài các lực lượng sông biển của hải Quân từ PBR (Patrol Boat River), Alpha, Tango của các Giang Đoàn Tuần Thám, Ngăn Chặn, Thủy Bộ, PCF (Patrol Craft Fast) của Hải Đôi 5 Duyên Phòng, đến Giang Pháo Hạm, Dương Vận Hạm của Hạm Đội, còn có TQLC, Bộ Binh Miên, trực thăng võ trang Việt Mỹ. Tất cả phối hợp với nhau để hộ tống đoàn tầu buôn tiếp tế Nam Vang. Lệnh ’Zulu' ra quân thường vào nửa đêm, nhưng tầu phải rời bến trước đó cả tiếng để đến điểm hẹn vào đội hình cho đúng giờ, từ đầu đến đuôi dài trên mấy cây số. Đoàn convoy âm thầm di chuyển trong đêm, đèn tắt tối om không một tia sáng nào lọt ra khỏi tầu đừng nói gì bật đèn hải hành. Các PCF khi thì theo sau tầu buôn, khi thì chở TQLC đổ bộ, nhẩy điểm. Vừa qua biên giới thì lù lù, sừng sửng như một bóng ma, dáng một thương thuyền khổng lồ bị nghiêng hẳn sang một bên, nằm neo lẻ loi trên một khúc sông vắng. Chứng tích chiến tranh, một cảm giác rờn rợn chạy khắp châu thân, tôi vội lấy nón sắt đội lên cho 'ấm đầu'. Vừa vượt qua con tầu hoang thì những lằn lửa đỏ từ bờ bắn ra liên tục tạo thành một cổng lửa đạn giăng ngang chặn đường trước mặt, có viên chạm mặt nước rồi bay ngược lên không. Các PCF được lệnh rời đội hình hướng về mục tiêu lửa đạn để ‘đỡ đạn’ cho các cá mập đang là cái bia cho các tay súng đêm. Thế là các khẩu đại liên 50, M79, M60 thi nhau khạc đạn, lửa đạn ào ạt bay vào bờ liên tục uy hiếp tinh thần đôi phương. Các thương thuyền lợi dụng tình thế tăng tốc độ, địch cũng chẳng vừa gì, đạn đại liên từ bờ bắn ra vừa ngưng tưởng chúng hụp đầu xuống hầm né đạn nào ngờ những cụm lửa to bằng nắm tay lại bay ra vùn vụt, có cái trúng thành tầu nổ, lửa văng tung tóe, có cái hụt rớt giữa sông nổ lóe sáng.

    - B 40! coi chừng! xạ thủ pháo tháp hét to.

    Hú vía, tuy không trúng đạn nhưng chứng kiến B 40 rít trong gió, xé màn đêm bay ngang đầu một lúc mấy trái rồi nổ tung tóe lửa, cũng cảm thấy ‘lạnh giò'. Bên ngoài đạn nổ đinh tai nhức óc, bên trong phòng lái các máy truyền tin PRC 25, VRC 46 ồn ào lệnh lạc, báo cáo đụng độ, tổn thất không lúc nào ngơi. Chiến trận sôi động giữa đêm đen, trên trời lửa đạn từ trực thăng rót xuống, dưới nước lửa đạn từ các PCF, PBR, Alpha, Tango, Giang Pháo Hạm bắn vào, buộc các tay săn đêm phải cúi đầu sát đất cho đoàn tầu đi. Khi tiếng súng vừa im trả lại sự yên tĩnh cho màn đêm, tôi vội vàng lấy đường nhắm.... mắt, dưỡng quân tại chỗ, mong địch trong bờ 'ngủ quên' hay 'hết đạn' đừng bắn phá đám kẻo làm phiền 'trời đất' đang cần sự yên lặng để nghỉ ngơi. Vừa dựa lưng ngồi xuống chưa kịp nhắm mắt thì còi nhiệm sở tác chiến lại ré lên. Rồi cổng lửa chắn ngang trước mặt, rồi lại đại liên gầm thét bên tai, thế là một đêm không ngủ dù chỉ một thoáng... 'ngủ gật' mà thôi, hai tai ù vang, lùng bùng như tai đêm giao thừa nghe toàn pháo... đại nổ!

    Mở đuợc cổng lửa đạn thứ nhì thì hết đêm, tuy mệt mỏi nhưng hoàn toàn tỉnh ngủ, dầu gì thì cũng đang xuất ngọai... đánh giặc bằng tầu thủy! Đoàn tầu đã vào sâu nội địa Miên nhưng suốt đêm chỉ toàn thấy một mầu đen và những tia lửa đỏ giăng ngang, khó mà hình dung nổi bãi chiến trường đêm qua ra sao? Giờ vẫn hàng cây xanh tươi soi bong bên bờ, có lúc chỉ trời nước mênh mong tưởng lạc ra biển không thấy bờ bến đâu cả. Cảnh vật cũng có phần khác lạ, cứ nhìn ra ngoài thấy sông rộng, nhà sàn, quần sà rông là biết đang ở Cambốt. Sông Cửu Long bên đất Miên cũng vẫn hiền hòa thơ mộng, dân tình có vẻ nhàn rỗi tụ tập ven sông ngắm tầu bè qua. Có đoạn thêm màn ven bờ lồ lộ những tòa thiên nhiên của người đẹp Miên bên sông thoát sà rông tắm gội, phe ta không vì ham 'nhiệm vụ' mà quên 'vui' cũng chuyền nhau ống dòm... rửa mắt cho tỉnh ngủ. Nhưng địch không để yên cho ta ngắm thiên nhiên một cách thoải mái như vậy. Qua Neak Luông không xa, tới đoạn sông uốn khúc địch lại lên tiếng bằng B40, ban ngày địch có cơ hội chọn lựa mục tiêu, các chiến hạm chiến đỉnh xen kẽ giữa các thương thuyền cũng như đoàn cá mập với cá voi, tay săn nào cũng lựa cá voi to bắn cho dễ trúng. Đoạn đầu bị chặn đánh dữ dội, chiếc bị bắn trúng phòng lái, đại liên bay ào ào ngang đầu, hoa tiêu, thuyền trưởng rét quá buông lái bò càng tránh đạn, tầu hướng mũi vào bờ may nhờ Sĩ Quan liên lạc bình tĩnh gan dạ ra tay lèo lái đưa tầu thoát đoạn hiểm nguy. Không để địch lộng hành như thế được, đoạn sau phải ngưng lại thành phần phản công. Trận đánh sôi động như trên màn bạc, trực thăng thả khói mầu chỉ điểm, PCF giữa sông cho cối 81 ly trực xạ vào, kế đến PBR, Alpha, Tango xả hết tốc độ chạy sát bờ nả đại liên, M79 rồi vòng lại bắn tiếp, kế đến Giang Pháo hạm đì đùng đại pháo rung rinh cây cỏ, sau cùng là LST gầm gừ bô pho theo điệu slow rock. Trên bờ, mặt đất nổi cơn gió bụi, bom đạn cầy sới phá tung từng mô đất, làm bật gốc những bụi tre, lùm cây, cát bụi mịt mờ, khói lửa ngút trời. Dưới sông mặt nước dậy sóng ba đào, đoàn tầu chạy nép sang một bên, xịt khói đen đầy trời, chân vịt quạt mạnh bọt nước trắng xóa, để lại sau lái những lượn sóng ngầm, sóng nổi nối tiếp nhau. Đến lúc đó tiếng súng mới ngừng, nhường lại tiếng xào xạt của những con 'sóng thần' đang cuồn cuộn tiến nhanh tiến vững chắc lên... hầm hố địch, đánh tan sức chống phá của địch. Nhưng không phải đánh nhau như thế là đủ, hết Việt Cộng rồi đến Miên Cộng thay phiên nhau bắn phá đến khi tới Nam Vang mới thôi. Có chuyến đoàn tầu bị cắt làm mấy đoạn, đoạn đầu đã tới nơi nghỉ ngơi, trong khi đoạn sau... mấy ngày sau mới tới. Lực lượng hùng hậu như thế nhưng đôi khi không bảo vệ nổi mục tiêu quan trọng có tính cách chiến lược. Có lần hộ tống sau một tầu dòng kéo mấy sà lan phía sau, chúng tôi chẳng thèm để ý xem những xà lan này đang chở gì trên đó, thấy nó được bao bọc kỹ càng, ngụy trang khéo léo như loại 'hàng dễ vỡ xin nhẹ tay' chỉ bực mình vì tốc độ rùa bò của nó. Nhưng có điều lạ là mỗi lần đụng độ chỉ nghe tầu dòng báo cáo bị bắn trong khi những thương thuyền khổng lồ dễ bắn trúng lại không nghe báo cáo gì. Đến lúc xà lan trúng đạn bốc cháy các thủy thủ đoàn trên tầu dòng chẳng màng chữa lửa mà lại vội vàng lấy búa phòng tai chặt dây rồi chạy nhanh cố tránh ra xa. Những tiếng nổ bắt đầu, Tư Lệnh Hành Quân, HQ Trung Tá Phạm Gia Luật (Cao Bồi Luật) không hiểu đang trên trực thăng hay trên một đài chỉ huy cao ráo nào đó khoan thai ra lệnh: “Tất cả các cá lớn, cá bé chú ý nghe lệnh tôi, phải tránh thật xa mấy xà lan đạn, nó sẽ nổ như một quả bom... nguyên tử!” Thì ra địch đánh hơi được ‘mùi đạn' nên bám theo như đỉa đói bắn cho bằng được mới thôi. Những tiếng nổ vang rền nối tiêp nhau làm rung rinh cả 'đất nước', rồi một tiếng nổ sấm sét kinh hồn như tiếng pháo đại nổ kết thúc một tràng pháo dài đốt trong đêm giao thừa trước khi im bặt, theo sau là một cột nước khổng lồ từ lòng sông bắn tung tóe lên cao rồi rớt xuống thành một trận mưa... rào, cách xa hàng mấy trăm thước cũng được tắm mưa. Sau cơn 'sấm chớp ...đạn, mưa nguồn...sông', từ dưới phun lên thỉ trời lại sáng, những tiếng nổ cũng theo xà lan xuống đáy sông trả lại sư yên lặng cho dòng sông. Không một ai bị gì nhưng họ hàng nhà cá thì gặp đại nạn, những chú cá chép vàng óng ả, cá bông lao bụng trắng nõn nà cỡ bắp vế cùng biết bao cá cỡ lớn nhỏ khác trôi đầy sông, phe ta không bỏ lỡ cơ hội 'mưu sinh thoát hiểm' kiếm chút cá tươi bồi dưỡng, giữa dòng dùng vợt tuyển chọn những em nào cỡ bắp chuối trở lên dành cho bụng người, còn những con thiếu thước tấc để mặc trôi sông dành cho bụng cá. Chiến trường thường xẩy ra những chuyện bất ngờ như thế, vừa bị ăn đạn xong là được ăn cá tươi, kể lại thì như nghe chuyện tiếu lâm.

    Trong một chuyến hành quân khác, PCF chia thành toán hai chiếc có nhiệm vụ nhẩy điểm, nghĩa là chạy trước đoàn một đoạn thăm dò rồi ủi bãi án ngữ chờ đoàn tầu tới rồi nhẩy tiếp. Hôm đó vào giữa trưa, các chiến đỉnh của Giang Đoàn Ngăn Chặn đang chạy thật chậm gần bờ, toán PCF tính vào nhập đoàn cho an toàn đồng thời nếu gặp bãi nào lý tưởng thì ủi bãi ăn trưa nghỉ ngơi chờ đoàn tầu đến. Nhắm lái chiếc cuối cùng tà tà tiến vào nối đuôi, đó là một Alpha, vào gần đến nơi thì phát hiện sau lái một người đang ngồi 'thả mồi nuôi cá', quay mặt vào bờ, dưới sông đàn lòng tong đang tranh nhau 'phẩm vật', mặt nước lăn tăn, nhìn kỹ lại thì lại là CHT Giang Đoàn Ngăn Chặn, thấy vậy cũng phải biết điều tìm cách rút lui có trật tự, không dám phá đám 'thẩm quyền' đang cần sự yên lặng để tận hưởng... đệ tứ khoái giữa thanh thiên bạch nhật này. Bỗng nhiên thẩm quyền đứng bật dậy, khôngthèm làm những chuyện tối cần thiết, sau đó quăng luôn tấm giấy vo tròn to cỡ trái banh tennis xuống sông chạy vội vào trong, hai tiếng nổ chát chúa trên mặt sông bên hông tầu. Mãi loay hoay xoay trở con tầu tránh cái phao 'câu' trước mặt đến nỗi B40 nổ rền vang mới hay là bị phục kích. Sau khi ủi bãi lục soát không thấy gì ngoài những vỏ đạn. Bên hầm hố, địa đạo dưới bóng mát tàn cây, phe ta bắt đầu ôn lại chuyện vui chiến trường:

    - Hên thiệt, nếu ăn trái B40 đó chắc bỏ ăn luôn!
    - Chắc tại nước ròng bờ cao nên khó bắn!
    - Chắc nhờ gặp Miên Cộng chết nhát vừa bắn vừa run tính đường chạy trốn nên mới hụt!
    - Chắc nhờ mấy chiếc PCF nối đuôi phía sau chớ không mình lãnh đủ rồi!

    Nhân viên Giang Đoàn Ngăn Chặn mỗi người một ý phân tách tại sao tầu chạy thật chậm gần bờ mà địch lại bắn không trúng! Một thuyền trưởng PCF góp chuyện nhìn CHT nói khéo:

    - Nhờ Commandant ngồi 'ôm lái' mà tụi mình thoát chết! Đám PCF ôm bụng cười, rồi vị đó tiếu lâm tiếp:

    - Tụi bay thử nghĩ coi có đúng không nó vừa nín thở lại vừa nín cười nhắm bắn thì làm sao mà bắn trúng được.!

    CHT hai má đỏ bừng, sau giây phút lạng quạng đó cũng lấy lại” thăng bằng “ gỡ gạc:

    - Chớ sao mầy, chính tao là người đầu tiên phát hiện ra tụi nó, thấy tụi nó nhổm dậy nhắm bắn tao cũng phải nhổm dậy... 'la làng' cho tụi nó mất tinh thần.

    Chúng tôi lại ôm bụng cười ngả nghiêng quên cả chuyện vừa thoát chết trong đường tơ kẽ tóc.

    Cũng trong giai đoạn này tôi lại đươc dịp 'gần gũi' với 'Tông Tông' Thiệu. Hôm ấy vào những ngày cuối năm, PCF 3913 của tôi trước đó vài ngày được lệnh lên Neak Luong ứng trực, không hiểu để làm gì. Tết nhất mà kẹt ở đây sang mùng một mở mắt ra thấy mấy căn nhà sàn ọp ẹp, gặp mấy em Cambuchia quấn sa rông tắm sông kỳ cọ thì suôt năm đó không đen tối thì cũng chỉ sáng ngâm ngâm cỡ nước da bánh mật của người đẹp chùa Tháp mà thôi, không hơn gì ở sóc Thượng ăn Tết với đồng bào thiểu số. Đang mong mỏi mãn công tác để 'về quê' ăn Tết cho đỡ buồn thì thuyền trưởng đi họp về ra lịnh chuẩn bị tầu bè để chở... Tổng Thống dự phiên họp tối cao với phái bộ quân sự Miên trên HQ 800 đang neo giữa sông. Thế là thủy thủ đoàn nai lưng ra dọn dẹp tầu bè cho sạch sẽ, ngăn nắp, trước là để chở vị Tổng Tư Lệnh tối cao của mình, sau là dể mừng Xuân ăn Tết. Vận chuyển, Cơ Khí, Trọng Pháo làm việc hết mình, nhất là trọng pháo, những khẩu đại liên được lau chùi vô mỡ không một chút rỉ sét, ngay cả đạn cũng được thay dây đạn mới sang loáng, lại còn bầy thêm khẩu M60 bên hông trình diễn biểu dương lực lượng để làm mát Tổng Thống. Xong phần tầu bè đến phần lễ nghi quân cách, quân phục chỉnh tề, nón kết bi, polo đàng hoàng, dẹp mấy bộ đồ trận, đồ bông bụi đời sang một bên, dợt nghỉ nghiêm vào hàng phắc cho nhuần nhuyễn. Đoàn chim sắt vần vũ trên không làm náo động một vùng trời, khói bụi mịt mù sau rặng tre xanh, toán tháp tùng mũ nón toàn 'rong rêu hoa lá cành' xuất hiện trên con đường mòn, cận vệ trong bộ đồng phục bốn túi láng cón mầu vàng thật đẹp nổi bật hẳn lên giữa đám lau sậy cỏ cây bên đường, ngực lòng thòng khẩu M18 đen ngòm ngắn nòng chạy lăng xăng tới lui hùng hổ. Chúng tôi bình thản ngửng mặt nhìn trời chờ đợi chẳng muốn nhìn thẳng sợ hoa mắt chóng mặt bởi những 'vì sao' trên....đất, chợt trong đám 'rong rêu', một giọng quát to:

    - Tầu chở Tổng Thống mà súng đạn bầy đầy ra để làm gì vậy?

    Hai nhân viên trọng pháo rời hàng tiến tới mấy khẩu súng tính lấy bao súng lại.

    Một giọng khác hốt hoảng thét to:

    - Tổng Thống sắp đến mà còn tới mấy ổ súng để mà làm gì? Bộ tính ám sát Tổng Thống hả?

    Nghe xoáy, châm và phê hơn tiếng B40 nổ, chân tay rụng rời, ai nấy đứng chết lặng như trời trồng, đám cận vệ nhanh nhẹn điền vào vị trí vừa nói, dàn chào kể như tan hàng. Tông Tông lên tầu lúc nào cũng chẳng hay, chẳng nghe 'vào hàng phắc' gì cả. Đến lúc tiếng máy rú lên, chân vịt quạt mạnh nước văng tung tóe kéo con tầu đầy quan khách rời bãi, bềnh bồng mặt nước mới biết 'mặt trời' đã lên.... tầu. Gần nhau trong gang tấc nhưng cũng không có cơ hội nhìn kỹ 'long nhan' Tông Tông uy dũng như thế nào mà chỉ bốn năm sau phong cách lại giống vua... Lê Chiêu Thống quá! Thủy thủ đoàn 'khép nép rụt rè' như đang trên tầu lạ, ráng nín thở đưa Tổng Thống sang sông, hạn chế cử động đến mức tối đa ngay cả việc thọc tay vào túi quần lấy Zippo mồi thuốc hút cho bớt căng thẳng tinh thần.

    Đưa Tổng Thống chớ phải đâu...
    Đưa em sang sông
    Sao ta cũng đứng lặng như trời trồng!

    Chiến trường là những vùng đất phì nhiêu trù phú, chớ không phải đồng không mong quạnh hay ruộng hoang cỏ cháy. Những lần ủi bãi đổ quân, nếu không gặp ruộng lúa nương dâu, vườn cây ăn trái, liếp rau luống cải, bãi khoai bãi sắn thì cũng đụng bãi... cần sa thuốc phiện. Vào mùa nước đổ, nước sông đỏ ngầu, chảy xiết một chiều từ biển Hồ ra biển Đông, mang phù sa, tôm cá bồi đắp cho đất Việt thêm mầu mỡ tốt tươi. Nông dân Miên dọc bờ sông sáng ra thức dậy thấy mình 'mất đất', ruộng vườn cứ nhỏ hẹp dần, gốc soài, gốc mít không cánh mà bay. Có lần ủi bãi tính cột tầu vào thân cây to ven sông để giữ cho tầu khỏi trôi. Chưa kịp làm gì thì nguyên thân cây còn đủ cành lá rễ tự nhiên ngã nhào xuống sông trôi theo dòng nước lũ vì... đất lở.

    Chiến tranh là tàn ác dã man,là bắn giết nhau không chút nương tay, sự sống của bên này là sự chết của bên kia, ngoài chiến trận đôi bên phải chấp nhận luật vô nhân ấy để tồn tại sống còn. Chuyện đó không có gì đáng nói, điều đau lòng là vị trí đặt súng bắn tầu có khi lại ngay đầu thôn nên đã biến xóm làng thành những bãi chiến trường đẫm máu. Làm sao tránh được chuyện hòn đất quăng đi hòn chì ném lại, B40 thổi ra thì đại bác 81 ly rót vào chẳn ai nhịn ai. Trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết, dân ở giữa hứng chịu hết. Đoàn tầu qua, xóm làng tan hoang, dân chỉ thấy súng đạn tầu bắn vào chớ không thấy dã tâm của kẻ đã chọn xóm thôn làm bãi chiến trường. Cái bẩn thỉu của chiến tranh... ”nhân dân“ là thế!

    Một chuyến hành quân bốc quân Miên tại Neak Luong đến vùng thường xẩy ra những vụ bắn phá tầu, đến nơi thấy bãi chiến trước mặt là những mái nhà tranh chung quanh dàn mướp, dàn bầu, dậu mùng tơi vẫn còn xanh tươi, um tùm, lòng dạ chùng lại, nhưng tôi nghĩ đây là chuyện dân Miên đã có lính Miên lo, không thể làm được gì khác hơn ngoài việc cho đại liên nhắm vào các bụi chuối lùm cây... để dọn bãi đổ bộ. Tầu ủi bãi, quân Miên xung phong, toán trước nhanh nhẹn khuất dạng sau những lùm cây, toán sau tìm vị trí đặt súng cối bắn yểm trợ cho toán trước, một lát sau khiêng ra vài mạng bị thương, một lát sau nữa một toán người bồng bế dìu dắt nhau chạy nhanh đến tầu than khóc:

    - Các anh Hải Quân ơi! cứu chúng tôi với, tụi lính Miên ”cáp duồn” sát hại đồng bào mình kìa! Tụi nó ác lắm đang cướp bóc của cải, phá hoại mùa màng dân mình đó!

    Người nào người nấy nước mắt nước mũi lòng ròng trông thật thương hại, đã vậy họ còn nói tiếng Việt rất sành sõi. Giờ đổi ngược lại thành chuyện dân Việt lính Việt phải lo. Sĩ quan trưởng toán, một HQ Đại Úy có mặt tại chỗ nghe thấy mọi sự báo cáo lên trên đồng thời yêu cầu Sĩ Quan Miên trong Bộ chỉ huy hỗn hợp giải quyết. Sau đó lại biết những người bị thương là do súng đạn cối của toán sau bắn yểm trợ, thật là một cuộc hành quân vô tích sự. Lệnh rút quân ban hành, các lính Miên trở lại lê thê lết thết với những chiến lợi phẩm từ bầu bí rau cải đến gà vịt heo. Chúng tôi lắc đầu ngao ngán, vị Đại Úy bất mãn ra mặt, ra lệnh cho mỗi tầu chỉ chở người mà thôi, chúng tôi thi hành lệnh nghiêm chỉnh, ai có gà vịt heo thì không cho lên tầu, để trả đũa khi thả lính Miên về chỗ cũ. Trở về nhập đoàn convoy, đến tối tầu neo giữa sông, ngồi trước mũi nhìn cảnh mênh mông trời nước mãi cũng chán, tính lấy cái Radio nghe Da Lan thỏ thẻ đổi không khí, tìm mãi không thấy, sực nhớ lại trưa nay chở người lạ mới hay đã bị quân... bạn mình cầm nhầm.

    Dòng sông như mở rộng ra, không còn bờ cao hay những hàng dừa nước cản tầm mắt,tầu vào vùng đồng bằng, những cánh đồng bao la bát ngát trải dài trông thật mát mắt,xanh đậm của cỏ lúa,xanh nhạt của mạ non, và vàng tươi của lúa chin thoai thoải nối tiếp nhau đến tận chân trời. Xa tít chân mây, sừng sững chơ vơ một ngôi chùa với những tháp cong nhọn, sơn son thiếp vang lấp lánh phản chiếu dưới ánh nắng chiều. Rồi những ngôi nhà gạch mái đỏ với lối kiến trúc quen mắt của thời Pháp thuộc bắt đầu xuất hiện, Nam Vang đó, thủ đô của xứ Chùa Tháp Đế Thiên Đế Thích mà đoàn "hành hương" phải âm thầm ra đi trong đêm, vượt qua biết bao cổng lửa đạn để mang "hoa quả" đến cúng dường tiếp tế đang trong tầm mắt. Từ đây về sau mỗi lần thấy dáng ngôi chùa mọc lên giữa vùng trời nước mênh mong là biết thân xác sắp được nhẹ nhõm vì... được cởi bỏ áo giáp nón sắt, yên chí dẹp súng đạn vào bao, thấy được hai chữ bình an, như thầy trò Tam Tạng thỉnh kinh tới được Tây Trúc không còn yêu ma quỉ quái quấy nhiễu, cũng thế trên đường về thấy bóng dáng chiếc tầu bỏ hoang nằm nghiêng một bên trên đoạn sông buồn vắng là dấu hiệu... về đến quê nhà. Tầu cặp vào pontoon hay cột sau lái Giang Pháo Hạm neo giữa sông. Sông thật rộng, dòng nước lững lờ, xanh biếc loang loáng sắc tím hồng của ánh chiều tà, mượt mà óng ả như suối tóc một nàng tiên kiều diễm buông lơi chẩy dài trên đôi vai trần, không cưỡng lại sự quyến rủ mời mọc cám dỗ hấp đẫn ấy, tôi nhào “nguyên con“ ôm chầm lấy “tiên”, nhởn nhơ ngụp lặn trong lòng “tiên” trong mát, bơi lội giữa dòng mà ngỡ như đang trong hồ vậy! Xa xa trong bờ các thương thuyền đang nằm nghỉ, ống khói chân vịt không còn tống ra những làn khói đen ngòm, bọt sóng trắng xóa. Giữa trời nước mênh mông, mây như ngừng trôi, nước như lắng đọng, cảnh vật im vắng lạ thường, tâm cảnh hài hòa, thanh tịnh len lén tâm tư, hồn như chìm đắm vào cõi hư vô, quên hết chuyện chiến chinh, lại còn nghe trong gió hiu hiu... thoang thoảng đâu đây mùi... Biển Hồ!!

    Sạo "đánh bóng" đời hải hồ chút chơi cho đời lên hương... thiền!

    - Đường nào dài bằng đường Trần Hưng Đạo,
    - Lính nào sạo bằng lính Hải Quân!

    Sau màn tắm mát rủ bụi... chiến tranh đến màn rủ nhau đi bờ đặt bước chân giang hồ đầu tiên nơi xứ lạ quê người. Tầu cặp bến tôi chưa vội dạo phố ngay mà tò mò đọc những dòng sơn ghi tên tầu cùng ngày tháng năm trên bờ đá, vách đá hay những chỗ nào dễ thấy của những thương thuyền đủ mọi quốc tịch. Góp mặt bia đá đề tên ghi lại dấu vết giang hồ một lần ghé bến Nam Vang với thiên hạ bằng chữ Anh chữ Pháp và những chữ lạ khác, là những chữ Việt bỏ dấu rõ ràng của các Giang Pháo Hạm, Hải Vận hạm, Dương Vận Hạm trong những chuyến công tác chở Việt Kiều hồi hương tránh nạn “cáp duồn” của Miên vào những năm trước đó, những dòng chữ sau: LƯU NIỆM 12/1970. HQ 504.v..v..

    Rời cầu tầu bước vài bước là vào trung tâm thành phố như rời đò Thủ Thiêm lên bến Bàch Đằng vậy. Nam Vang hao hao giống Saigòn mà thiếu... Chợ Lớn và Gia Định, thành phố có vẻ hiền hòa im vắng, không ồn ào náo nhiệt như Saigòn. Cũng những dinh thự kiến trúc quy mô từ thời Pháp để lại trên con đường cây cao bóng mát làm tăng thêm uy quyền của chủ nhân nó. Lang thang nơi xứ người mà chỉ biết hai chữ duy nhất là cáp duồn, cáp là giết, duồn là Việt nghĩa là “giết người Việt”, thật là độc địa không biết để làm gì? Chỉ làm hạn chế bước chân giang hồ, quanh quẩn trên những đường phố đông người, không dám đi xa viếng thăm danh lam thắng cảnh Đế Thiên Đế Thích, nghe động tịnh mùi ‘cáp duồn’ thì lo “chẩu “ về ... 'tầu'. Đón xe lôi hay lam dạo một vòng quanh phố rồi ghé vào khu thương mại mua sắm mới biết Nam Vang quá gần gũi với mình, đỡ hơn lính Mẽo lê chân trên Sài gòn, tài xế xe lôi xe lam đều nói được tiếng Việt, nhất là phố thương mại nói toàn tiếng Việt, có chỗ xài luôn tiền Việt không cần đổi qua đồng Riel cho tốn công. Phố thương mại hàng hóa dồi dào, giá rẻ, nhất là hàng vải, soie Pháp, người Việt chiếm đa số những cửa hiệu nơi đây không khác gì người Hoa ở Chợ Lớn. Phe ta cũng toàn họ hàng của Rockerffeller nên mua sắm thỏa thích, có vị thuyền trưởng PCF sắm nguyên chiếc HonDa 125 cc rồi chạy ra bến tầu theo đường... thủy “ lạng lách” về Tân Châu. Sau màn mua sắm không quên ghé vào tiệm ăn thưởng thức một tô hủ tiếu Nam Vang chính hiệu con nai vàng xem thế nào, cái khác biệt duy nhất là có thêm một miếng huyết heo có vẻ... vô duyên trong đám tôm thịt trên mặt tô mà sau khi ăn xong đa số phe ta đều để lại. Những lần đi bờ kế tiếp con ong đã tỏ đường đi lối về, nên cũng bạo dạn xăm xăm đè lối “Miên kiều” lần sang. Mải mê lên non tìm động hoa vàng ngủ quên... giờ giới nghiêm, rời Hotel thì phố đã lên đèn nhưng không còn một chiếc xe lôi hay Honda ôm trước khách sạn. Ngủ lại qua đêm sợ quên luôn đường về đành đánh liều dấn thân vào phố vắng nhắm hướng bờ sông mà đi. Trên đường về bắt thêm được vài “bò lạc” ngơ ngác tìm đàn, những bước chân... hoang gặp nhau, không ai rủ ai tự động âm thầm nhập bọn đi chung với nhau cho đỡ run. Đến được bờ sông thì con đường dẫn vào bến tầu lại bị một hàng concertina chắn ngang, đành phải đánh liều thêm một lần nữa tiến đến vạch kẽm gai lách qua. Một toán lính Miên khoảng năm sáu người binh phục đủ loại lăm le cò súng. Nhìn lại mình trong bộ thường phục yếu xìu chẳng khác gì cọp đội lớp dê chó cũng muốn xé thịt, tôi bèn xuống giọng con cá sống vì nước:

    - Chúng tôi là Hải Quân Việt Nam vì không biết có giới nghiêm nên về trễ, các anh thông cảm cho chúng tôi qua. Tầu chúng tôi trong đó.

    Nói cũng bằng thừa, chúng ngơ ngác lắc đầu tỏ vẻ không hiểu gì, rồi lớn tiêng với nhau bằng tiếng Miên có vẻ tức tối. Ngoài phố thì không trở ngại gì về ngôn ngữ giờ đến lúc tối cần thì ú ớ như người câm. Một người hướng dẫn ra bờ sông rồi chỉ chiếc Giang Pháo hạm ngụ ý muốn ra đó. Hắn vẫn làm ngơ chẳng cần biết nhưng vẫn mở một đường cho chúng tôi vào, sau đó ra hiệu đi theo chúng, hai tên dẫn đầu, bốn tên phía sau, chúng tôi ở giữa.

    - Làm như tụi nó áp tải mình đi đâu đó ông! Một nhân viên nói với tôi.

    - Kệ, cứ đi theo nó chừng nào ngang qua gần tầu rồi tính sau. Tôi tiếp lời.

    Đến ngã tư thì hai tên đầu rẽ vào đường nhỏ không đèn tối tăm đi xa bờ sông. Đọc báo biết chuyện cáp duồn chặt đầu thả trôi sông cho tiện, với một lần hành quân chung thấy chúng bắt một nông dân không hiểu có thật là Miên Cộng hay không nhưng khi áp tải người nông dân đó trên bờ đất cao một tên thình lình bổ nguyên báng súng vào màng tang làm người nông dân lưng còn đeo bình xit sâu rầy lăn xuống vực nằm sóng sược bất động không biết sống chết thế nào. Lính Miên đen đúa trong bộ quân phục đủ loại trông “ngầu” chỉ làm tăng vẻ hung dữ tàn ác dã man hơn là thiện chiến. Sợ chết xuống âm phủ làm ma không đầu, hai chân tôi tự nhiên khựng lại chẳng muốn lê gót giang hồ xuống... địa ngục, những người khác cũng thế. Lúc ở khách sạn thấy một toán lính Miên mặc đồ rằn ri ngang nhiên ra vào, cố tình khoe khẩu súng ngắn lận lưng nửa trong nửa ngoài thật chướng mắt. Quản lý khép nép rụt rè đứng nói chuyện với chúng, tôi nghe loáng thoáng được mấy chữ Marine Duôn, mấy tên đồ bông liếc xéo về hướng chúng tôi một hồi rồi bỏ đi. Mấy ông kẹ cũng kỵ... marine duon. Đợi mấy tên đi sau tới gần, tôi lớn tiếng “cương” một câu thật ngắn gọn:

    - Marine Duon, Captain PCF. Rồi chỉ về hướng mấy cây antene thấp thoáng nơi cầu tầu.

    Một tên hỏi ngược lại:

    - Captain PCF !

    Một nhân viên giang đoàn phụ họa :

    - Captain PBR!

    Nghe toàn Captain không làm mấy tên lính Miên bối rối, một tên vội vàng chạy lên bàn chuyện với tên chỉ huy phía trước, một lúc sau tên lính ấy tiến lại ra dấu cho chúng tôi đi. Tôi chưa vội đi ngay, miệng Merci beaucoup, tay rút thuốc rồi mới chịu aurevoir cho ra vẻ Captain PCF. Đợi toán lính đi xa cho chắc ăn phe ta bắt đầu mở máy đấu láo:

    - Coi vậy captain PCF cũng có hạng chứ ông thầy, chỉ chiếc Giang Pháo Hạm bự chần dần đó nó coi không ra gì mà mới “nhá” Captain PCF bé như ghe bầu lại có ép phê! Hứng chí thừa thắng xông lên tôi cao giọng:

    - Đúng rồi chứ sao nữa “các bà các cô” đều nói “thà làm lớn ông bé còn hơn làm bé ông lớn mà”!

    Chúng tôi đòng cười vang, lấy lại phong độ cũ khi thấy bóng dáng bé bé xinh xinh thấp thoáng dưới cầu tầu của mấy nàng... PCF.

    Chuyến trở về cũng là một cuộc hành quân hộ tống cho nhưng thương thuyền đã bốc dỡ hàng xong. Xuất quân công khai vào ban ngày không âm thầm lén lút như chuyến đi, có chiếc còn hụ những hồi còi từ giã. Nằm bến xổ bầu tâm sự cả tuần, chiếc nào cũng nhẹ nhàng vận chuyển nhanh nhẹn. Gần như thuận buồm xuôi gió, ít đụng độ, tầu nổi cao dễ bắn trúng nhưng địch chẳng thèm bắn làm gì cho phí đạn, chẳng ăn giải gì, ngược hẳn với chuyến đi có tính cách chiến lược về quân sự và kinh tế ảnh hưởng đến đời sống quân dân lẫn sinh hoạt nhà cầm quyền Campuchia. Tuy vậy cũng đề cao cảnh giác lúc nào cũng áo giáp nón sắt bên mình. Chiến tranh đến đâu là đổ nát hoang tàn đến đấy, nhà tan cửa nát, mạng người như lá rụng, hận thù chất chồng. Tham chiến chẳng bao lâu, áo trận chưa bạc mầu mà tâm hồn đã đổi thay như đôi bờ dòng sông so với ngày đầu nhập cuộc. Làng mạc ven sông, nhà ngói cây mít xen lẫn với những mái tranh vách đất trang điểm cho bộ mặt dòng sông nét sinh động hầu như bị hủy diệt bởi khói lửa bom đạn chiến tranh, trở thành vườn hoang nhà trống, hay chỉ còn trơ lại bức tường loang lổ vết đạn, kèo cột nám đen xiêu vẹo ngả nghiêng bên đống tro than gạch vụn. Đi bắn giết nhau mà lại không có trái tim 'gỗ đá' nên con tim cứ 'rung động' theo tiếng bom rơi, 'rung rẩy' theo dòng máu đổ.

    Trong một chuyến về, đã vượt qua xác tầu hoang về đến đất nhà, ngồi trước mũi tầu nhớ nhà châm điếu thuốc, ngắm hoàng hôn trên sông, thả hồn theo gió thoảng, mây bay, lục bình trôi, nước chẩy. Miệng nghêu ngao hết chiều tím nhớ thương ai..., sang chiều về trên cánh đồng xanh..., qua chiều mưa biên giới anh đi về đâu..., xong đến chiều ơi lúc chiều về là lúc yên vui...., rồi trở về....chiều nay gởi tới quê xưa biết bao là thương nhớ cho vừa...v..v...gom hết trong tâm tư những chiều trong thi nhạc để đối chiếu lại với chiều... trong mắt tôi. Chiều trên sông vắng thật buồn nhưng thật đẹp, thật thơ, thật nhiều chất... quê hương. Xa xa trong bờ thấp thoáng dáng mục đồng nhởn nhơ lưng trâu trên đồng cỏ xanh, con đường đê nhỏ quanh co dẫn vào thôn xóm, hàng dừa vươn cao khỏi rặng cây xanh in hình trên nền trời lam, vài cánh diều tung bay trong gió, chim đàn khoan thai vỗ cánh bay về phiá xa xôi cuối trời. Thiếu tiếng sáo diều nhưng đã có tiếng hát... thầm trong lòng tôi cùng nhạc đệm rì rào róc rách sóng vỗ mạn thuyền. Khói lam chiều của bếp lửa hồng nhà ai như tơ trời đang nhẹ nhàng lan tỏa vương vấn trên lũy tre xanh như quyến luyến như níu kéo lại ánh chiều tà. 'Tình cảnh' chỉ đơn sơ mộc mạc bấy nhiêu thôi nhưng các văn nghệ sĩ viết hoài vẽ mãi cũng không cạn đề tài, không tả hết được vẻ đẹp quê hương! Lòng bỗng dưng ray rứt yêu... 'quê' lạ lùng!, mong mỏi những tàn phá hãy dừng lại bên kia biên giới, khói lam chiều bền vững trước... khói lửa chiến tranh. Ước mơ quê hương dân tộc sớm thoát cơn binh lửa điêu linh, huynh đệ tương tàn, nồi da xáo thịt.

    Bỗng nhiên tầu quay ngược lại hướng về biên giới, hai máy tiến full, khói lam chiều còn đó nhưng ước mơ lại tan biến ngay khi vừa mới... mơ ước! Trở về với thực tại vào phòng lái, thuyền trưởng cho biết chuẩn bị đi tản thương, lại áo giáp nón sắt xông pha lửa đạn, tầu lướt như bay trên mặt nước hướng về chấm đen đang nhả những cụm khói đen lên không trước mặt. Đến nơi hai bên giảm tốc độ cặp vào nhau, tôi nhanh nhẹn nhẩy qua đi về phía cửa sau lái. Ngay ngoài cửa một bàn ăn nhỏ bừa bộn chén đũa, tô dĩa bể nứt lăn lóc ngổn ngang, thức ăn đổ tháo vung vãi mặt bàn sàn tầu, có chén cơm vơi một nửa chứng tỏ đang ăn dở dang chưa xong, nhìn kỹ lại trong những món mặn, canh, xào có lẫn cả thịt xương... tươi, vài giọt máu đỏ trong nồi cơm trắng. Bước vào trong một người đàn ông khoảng ngoài bốn mươi mặc sà lỏn áo thung mình mẩy bê bết máu đang ngồi ôm chân rên khóc than trời trách đất:

    - Trời ơi chân cẳng tôi thế này thì làm sao đi đứng làm ăn nuôi vợ nuôi con nè trời?

    Chưa hả giận ông gào thét:

    - Trời có mắt hãy nhìn xuống.... chân tôi mà coi nè trời, người ta đang ăn mà cũng bắn làm gì, trời đánh còn tránh bữa ăn nữa mà sao trời lại nỡ cho bắn trúng nè trời!

    “Người ta” đang ăn Tết chúng còn bắn gieo tang tóc thê lương cho cả nước nói gì đến”người ta” đang ăn... chiều!
    Việt Cộng bắn B40 ông què một chân ông không đem VC ra nguyền rủa mà cứ lôi trời ra oán trách liên hồi không chịu ngừng để người chung quanh bình tâm băng bó. Không hiểu lúc tôi chưa tới ông rên la than khóc những gì, nhưng nãy giờ nghe ông kể lể cũng biết được những gì đã xẩy ra. Thấy vậy, nghe vậy quá đủ rồi, tôi nói với nhân viên tầu buôn chuyển ông xuống tầu nhỏ tản thương cho nhanh, không có băng ca vài người xúm lại khiêng ông lên, ông la lớn:

    - Coi chừng rớt!

    Tưởng ông sợ người ta làm rớt ông xuông sông nên tôi cũng “vịn” một tay vào cho ông yên lòng, nhưng khi tới sát thành tầu sắp chuyển xuống PCF ông lại hét to hơn:

    - Coi chưng rớt! Coi chừng rớt!

    Nhìn kỹ lại thì khi nhấc bổng ông lên nguyên một bàn chân lòng thòng phía dưới, không còn giữ được vị trí đối xứng với bàn chân kia, bàn chân này chỉ thiên còn bàn chân ka chỉ địa. Xương gẫy lìa ra, chỉ còn dính lại bởi một miếng da mỏng, cứ rách dần, gần như không chịu nổi sức nặng bàn chân.Thà nó lìa hẳn ra trông còn đỡ ghê bằng thấy nó xám ngoắt đong đưa qua lại, quay tòn ten trong gió như chỉ mành treo chuông. Ai cũng vờ như không nghe, vì biết đụng vào là phải... nắm luôn! Biết dùng lời sẽ không giữ được bàn chân... rớt xuống sông, ông đành vói tay nắm chặt lấy nó cho chắc ăn. Tưởng xong việc sẽ trở về, một Trung Sĩ HQ nói với tôi:

    - Còn một người nữa nặng hơn.

    - Nặng hơn nữa à! tôi hỏi ngược lại.

    - Dạ nặng hơn, ổng là Sĩ Quan liên lạc tầu buôn, tôi phụ tá. Rồi anh ta tiếp:

    - Cũng may tôi vừa vào trong lấy PRC 25 để vừa ăn vừa trực máy thì B40 thổi ngay bàn ăn nếu không chắc cũng tàn đời rồi. Ổng đang nằm phía trong. Nói rồi anh ta đi vào. Tôi lặng lẽ theo sau. Vào đến nơi ngược hẳn lại cảnh tượng bên ngoài, không một tiếng rên, không một tiếng khóc, im lặng bao trùm. Một sĩ quan thật trẻ trạc tuổi tôi đang nằm trên chiếc băng ca, mền nhà binh phủ đôi chân, gallon (cấp bực) một thỏi vàng còn mới tinh “chư cắt chỉ”. Nhìn tổng quát không thấy gì là ghê cả, có điều qua đôi kính cận trắng gương mặt có phần xanh xao nhợt nhạt khác với vẻ bạch diện thư sinh của SQ trẻ mới ra trường. Thấy chúng tôi vào anh vẫn thản nhiên nằm khoanh tay không nói không rằng mắt đăm đăm nhìn thẳng lên trần. Tôi hỏi người trung sĩ phụ tá:

    - Anh nói nặng hơn sao tôi không thấy gì vậy? Anh ta trả lời tôi bằng cách lấy tay kéo mền xuống rồi nói:

    - Đây nè Thiếu Úy.

    Lớp mền vừa kéo xuống, tôi choáng váng xây xẩm mặt mày, chẳng thấy đôi chân đâu, chỉ thấy đống xương thịt vụn bầy nhầy trong vũng máu... Không đủ can đảm nhìn lâu hơn, tôi vội kéo mền che phủ lại, tim như ngưng đập, nghẹn ngào, lòng xót thương, tay xoa xoa lớp mền dầy như muốn chia xẻ, xoa dịu niềm đau cùng người nằm đấy. Hai hình ảnh xẩy ra trong ngoài hoàn toàn trí ngược nhau. Một người ngoài bốn mươi, toàn thân rám nắng đen đúa, dầy dạn phong trần, gẫy một chân lại rên la than khóc như một em bé. Cũng nhờ vậy người chứng kiến đỡ bị xoáy tim óc, niềm suy tư chạy theo lời than khóc kể lể của ông. Còn một người tuổi vừa đôi mươi, bạch diện thư sinh, trói gà không chặt, mất cả đôi chân lại im lìm không nói không rằng, không rên không la, người chứng kiến phải động não, niềm suy tư quanh quẩn lung bùng trong đầu không lối thoát, không biết làm gì để phá tan bầu không khí ngột ngạt này.

    - Anh có thuốc không cho tôi một điếu.

    Bây giờ người thư sinh mới chịu lên tiếng.

    - Anh bị thương mà còn hút thuốc làm gì có hại, tôi ái ngại trả lời.

    - Tôi hỏi xin anh thuốc, có thì anh cho, không thì thôi, im di, đừng nhiều lời!

    Chẳng chút tự ái, tôi lắp bắp:

    - Dạ, dạ tôi có thuốc đây, anh đừng nóng giận, miệng nói tay mở túi lấy gói PallMall rút ra một điếu mồi cháy đàng hoàng rồi mới trao tận tay. Vẫn im lặng anh kéo những hơi dài, mắt đăm đăm nhìn khói thuốc bay vào khoảng không trước mặt. Qua những lời hằn học gay gắt vừa dành cho tôi, tôi biết hồn anh tràn ngập những khổ đau.
    Hoàn hồn lại mới bắt đầu quan sát kỹ người vùa “xài xể”. Nơi túi áo một bảng tên rộng bảng, lại thêm một mỏ neo nhỏ kế bên, y chang những gì tôi đang đeo, hai thứ đó chỉ có ở OCS mà thôi. Ở quân trường đeo mỏ neo nhỏ nơi cổ là dấu hiệu của anchormen phân biệt với barmen là những gì nữa. Tìm hiểu đến đây quá đủ, quên luôn đọc tên người bạn cùng lò... chưa quen, tôi vội vả trở về nhiệm vụ đôn đốc những người chung quanh tản thương rồi chạy nhanh ra thành tầu nói với xuống;

    - Còn một Chuẩn Úy nữa bị thương rất nặng, B40 thổi bay đôi chân!

    Khi vừa xuống PCF là chuyển anh qua PBR ngay, trước khi từ giã tôi lấy gói Pallmall tự nhiên như người bạn thân không nói không rằng mở túi áo anh ra bỏ gói thuốc vào rồi cẩn thận gài nút lại, lúc đó mới đọc bảng tên và biết anh tên DI. Đến giờ thì chỉ nhớ tên quên họ. PBR lướt như bay vào bờ về hướng những cột anten nơi lá cờ vàng ba sọc đỏ đang ngạo nghễ tung bay trong gió, dấu hiệu một tiền đồn biên giới. Trực thăng vần vũ trên không sau cùng cũng bay về hướng... cờ vàng. Chỉ một lát sau là DI được... trở về bằng chiếc băng ca trên trực thăng vang rền... sông vắng! Đó là lần đầu tiên cũng là lần cuối cùng tôi gặp DI. Sau đó tôi biết DI khóa 5 OCS, về HĐ5 DP đi chuyến công tác đầu tiên cũng là chuyến cuối cùng của đời hải hồ. Và đây cũng là lần đầu tiên trong cuộc đời lính nhưng không phải là lần cuối cùng tôi thấy tận mắt cảnh máu đổ thịt rơi. Tôi cũng có lần được biệt phái làm Sĩ Quan Liên Lạc tầu buôn, nhiệm vụ là nhận lệnh lạc hành quân rồi nói lại với Hoa Tiêu hoặc Thuyền trưởng. Nhưng thủy thủ đoàn toàn là người ngoại quốc nên không có chuyện thân thiện cởi mở ăn uống ngoài trời, chắc có chuyện thì cũng không được nghe than khóc bằng tiếng...Việt.

    Liên khúc chọn lọc chủ đề chiều tôi định tiếp nối bằng Nắng Chiều để kết thúc một chiều hành quân bình an vô sự trên sông. Chưa kịp nghêu ngao... dịu dàng nhìn anh em nói yêu anh....để ngất ngây... nhớ em dịu hiền nắng chiều ngừng... trôi.... thì... B40 làm Nắng Chiều của tôi... trôi nhanh! Hình ảnh âm vang vừa xẩy ra cứ lờn vờn tâm trí.

    Anh trở về bằng chiếc băng ca trên trực thăng vang trời thanh vắng... anh trở về hàng cây nghiêng ngả, anh trở về bại tướng cụt chân...

    Hoạt cảnh Kỷ Vật Cho Em vừa diễn ra một cách sống động với máu xương của đôi chân... thật... đã thay thế Nắng Chiều kết thúc liên khúc Chiều... trên quê hương tôi!

    Nghiệm lại thì cũng có Chiều trong ấy, anh trở về chiều hoang trốn nắng, poncho từng phủ kín đời anh.... nhưng lại là chiều tang tóc thê lương u buồn ảm đạm.

    Chiều trên quê hương mến yêu của tôi là thế đấy!


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X