Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Về Một Chuyến Đi...

Collapse
X

Về Một Chuyến Đi...

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Về Một Chuyến Đi...

    (thân hữu Hoàng Huy, viết cho hội ngộ LK/SVSQ-KQ kỳ 5)




    Đầu hè 2014, Sang Trương (73A) ngỏ lời mời vợ chồng chúng tôi tham dự cuộc Hội ngộ lần 5 của SVSQ/KQ liên khóa 72-73 tổ chức vào những ngày cuối tháng 8/2014 tại thành phố San Jose, California, với tư cách thân hữu. Mới về hưu, ngày dài tháng rộng, nên chúng tôi đã vui vẻ nhận lời. Nói “thân hữu” vì bà xã tôi và bà xã của Sang Trương vốn là chị em đôi con dì. Thêm vào đó, T., em rể bà xã tôi, và Đ., bạn cùng khóa 72F với T., từ Việt Nam kỳ này cũng xin được visa du lịch sang Mỹ dự họp mặt, sẽ bay đến Dallas nhập bọn.

    Gần đến ngày lên đường dự hội, thay vì đi máy bay chỉ mất khoảng 3 tiếng rưỡi là tới San Jose, chúng tôi chọn cách dùng xe van làm một tour sang đó để mấy anh em đến từ Việt Nam có cơ hội ngắm cảnh nước Mỹ. Khởi hành sáng ngày 27/8 từ Dallas-Texas, chạy sang tiểu bang New Mexico, rồi Arizona (ghé thăm Grand Canyon), đến Nevada (ghé thăm Hoover Dam), dừng chân ở Las Vegas một đêm. Sau đó vòng qua Thung lũng hoa vàng San Jose, California, dừng xe trước Hội quán Mây Bốn Phương đúng 3 giờ chiều ngày 29/8. Nhiều anh em, trong đó có SVSQ trực Lê Văn Hải, đón đợi sẵn. Đồ ăn thức uống khá dồi dào. Bạn bè các khóa nhận ra, tay bắt mặt mừng, ôm nhau thắm thiết. Lâu ngày gặp lại, có biết bao điều đang nói, nhất là những người ở ngoài này được gặp lại bạn cũ từ trong nước mới sang. Hàn huyên tâm sự tưởng như không có hồi chấm dứt.

    Hôm sau 30/8, buổi sáng, một số người tham dự Napa Tour bằng xe bus. Rất tiếc là trước đó vài ngày, Napa valley, xứ sở của rượu vang California, bị trận động đất 6 độ Ritchter gây ra một số thiệt hại nên đoàn khách phải chuyển sang tham quan một địa điểm trồng nho và chế biến rượu vang khác ở gần đó.

    Buổi chiều cùng ngày, tại Câu lạc bộ Mây Bốn Phương có văn nghệ “Tiếng Chim Gọi Đàn”, một chương trình được chuẩn bị khá công phu do hàng chục nghệ sĩ thân hữu KQ ở bắc Cali thực hiện.

    Tối 30/8, từ 7 giờ đến 11 giờ là “Đêm Tiền Phi Liên Khóa” tại Phoenix Art Center. Chương trình gồm có trình diễn văn nghệ, ăn uống và khiêu vũ rất bay bướm, sôi nổi.

    Chủ nhật 31/8/2014, ngày chính thức của Đại hội. Buổi sáng, lúc 10 giờ, lễ thượng kỳ và đặt vòng hoa tưởng niệm các đồng đội KQ liên khóa 72-73 đã hy sinh trong cuộc chiến trước Bia Đá Đen tưởng niệm Quân-Cán-Chính tại Việt Museum (Viện Bảo tàng Thuyền nhân).

    Từ 1giờ 30 đến 4 giờ cùng ngày, tại Coffee Lovers, một quán cà phê thuộc loại tình tứ, lãng mạn nhất San Jose, đã diễn ra “Chiều Văn Nghệ Mây Trời Phiêu Lãng” và ra mắt tác phẩm Trung úy Sinh viên sĩ quan (Những cuộc chiến chưa được kể) của tác giả SVSQ/KQ Nguyễn Văn Phương, do NXB Thằng Mõ xuất bản năm 2014. Đây là câu chuyện ly kỳ, bi tráng, đầy đau thương của một SVSQ/KQ liên khóa 72-73 sau ngày mất nước. Với khí chất kiên cường, uy vũ bất năng khuất của một sĩ quan KQ khi nước nhà đã mất thì gian nan là… nợ! Cuốn hồi ký tuy mỏng (140 trang) nhưng mỗi dòng chữ trong đó đã trả giá bằng máu với quyết tâm chiến đấu đến sức tàn lực kiệt, nhất định không chịu khuất phục trước quân thù.

    Tối chủ nhật 31/8/2014, từ 7 giờ đến 12 giờ, cao điểm của cuộc Hội ngộ SVSQ/KQ liên khóa 72-73. Theo dự kiến ban đầu của Ban Tổ chức, sẽ có khoảng 700 người tham dự, nhưng vào phút chót, SVSQ trực Lê Văn Hải cho biết thực tế đêm “Tinh Cầu Hội Ngộ” này đã có gần 1,000 người hiện diện kể cả khách mời, ngồi kín hội trường rộng lớn Unify Event Center. Tất cả đều đẹp. Các SVSQ/KQ mặc đồ bay hoặc lễ phục sinh viên sĩ quan trang trọng. Quý phu nhân diện áo dài truyền thống hoặc những bộ đầm dạ hội lộng lẫy. Các thân hữu đến dự cũng complet, cravate rất lịch sự. Theo công bố của Ban Tổ chức, trong cuộc Hội ngộ lần 5 này có đến 40 SVSQ/KQ các khóa 72-73 từ Việt Nam sang họp mặt. Đó là một điều rất đáng vui mừng vì những lần trước, số người từ trong nước sang dự chỉ vài ba thôi. Bầu không khí trong đêm Hội ngộ chan hòa niềm vui, tình thương quý đối với bạn bè, đồng đội, những kẻ một thời chung lời thề vượt trên lưng gió quyết chiến thắng, đi không lo gì xác rơi. Các vị phu nhân cũng thân mật sẻ chia những tình cảm thân thương đối với nhau như chị em một nhà.

    Sau phút chào cờ và mặc niệm, một số SVSQ/KQ từ trong nước sang dự họp mặt kỳ này như T., Đ. (72F) và nhiều người khác nữa đã tâm sự với người viết:
    -Tụi này đứa nào cũng nước mắt lưng tròng vì quá xúc động, anh ạ. Sau 39 năm kể từ 1975, nay mới có dịp đứng nghiêm chào quốc, quân kỳ theo đúng lễ nghi quân cách, điều tưởng như không bao giờ còn xảy ra trong đời.

    Những giây phút thiêng liêng ấy làm mình cảm thấy quá hạnh phúc, không phải chỉ ứa nước mắt thôi, mà thực tế là cứ để mặc cho những dòng lệ lăn dài trên má. Vâng, khóc là đúng thôi. Có những khi sung sướng, mừng vui quá người ta phải bật khóc mới giải tỏa được hết tâm trạng của mình trong lúc đó. Bấy lâu nay tụi này có khác gì những con hổ “gặm một khối căm hờn trong cũi sắt” như nhà thơ Thế Lữ đã viết trong “Nhớ rừng” năm xưa.

    Điều đáng nói là do gần đây quan hệ Việt-Mỹ có nhiều chuyển biến tích cực hơn trước nên SVSQ/KQ nào ở trong nước nhận được thư mời của Ban Tổ chức, xuất trình bằng tốt nghiệp hoặc các giấy chứng nhận, đều được Lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Sài Gòn chấp thuận cấp visa du lịch 6 tháng, không từ chối một ai. Nhờ vậy mà lần này có đến 40 anh em từ Việt Nam sang dự và đó cũng chính là nhân tố làm cho cuộc gặp mặt kỳ 5 này trở thành một cuộc hội ngộ đặc biệt đông vui, cảm động và mang ý nghĩa “hội ngộ” đầy đủ nhất từ trước đến nay.

    Trước 1975, nhà văn Không quân Đào Vũ Anh Hùng, trong một truyện ngắn đặc sắc của mình, đã viết một câu mà từ đó trở đi đã thành châm ngôn hành động của toàn binh chủng: KHÔNG BỎ ANH EM, KHÔNG BỎ BẠN BÈ.
    Phải. Không quân, trong bất cứ hoàn cảnh, tình huống nào, cũng luôn nghĩ đến tình đồng đội thắm thiết, nhất quyết không bỏ anh em, không bỏ bạn bè của mình.

    Trong tinh thần ấy, sau khi tàn cuộc binh đao từ 1975 đến nay, những người có may mắn ra được hải ngoại luôn tích cực đóng góp để giúp đỡ anh em đồng đội còn kẹt lại ở quê nhà đang gặp nhiều khó khăn.

    Cũng trong tinh thần đó mà khi điều kiện cho phép, Ban Tổ chức cuộc Hội ngộ đã cố gắng gửi thư mời càng nhiều càng tốt để anh em bè bạn ở Việt Nam có cơ hội sang San Jose dự họp mặt kỳ 5 để thắt chặt tình đoàn kết giữa những người cùng chung màu cờ sắc áo, cùng mang trên vai phù hiệu có 4 chữ Tổ Quốc – Không Gian.

    Chương trình đêm Tinh Cầu Hội Ngộ – cao điểm của đại hội – bắt đầu từ 7 giờ chiều 31/8. Sau phần lễ nghi chính thức là dạ tiệc ăn uống, trình diễn văn nghệ và khiêu vũ cho đến tận 12 giờ khuya.

    Nhìn những chàng SVSQ/KQ liên khóa 72-73 mặc đồ bay, đội ca-lô di chuyển tới lui, tôi bùi ngùi nhớ tới người em trai của mình (Đoàn Thế Hảo) trước kia cũng là một phi công trong Không lực Việt Nam Cộng Hòa. Em tôi gia nhập KQ khóa 1968, học lái C47 ở Mỹ, tốt ngiệp về nước giữa năm 1970. Thời gian đầu đóng ở Tân Sơn Nhất, sau chuyển ra Phù Cát (Bình Định). Khoảng cuối 1972, lúc này đã là trung úy, được gọi đi Mỹ học khóa tu nghiệp lái Caribou. Về nước đầu năm 1973, phục vụ trong một phi đoàn vận tải ở Tân Sơn Nhất. Giữa năm 1973 tử nạn ở Phú Quốc do gặp trục trặc máy móc: Tắt một động cơ khi máy bay vừa bốc lên khỏi phi đạo dã chiến, con tàu bị mất sức nâng, rơi xuống biển, gãy làm mấy khúc. Bộ Tư lệnh KQ xin đất chôn ở nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, Sài Gòn. Năm 1983, nhà cầm quyền cộng sản thành phố ra lệnh giải tỏa nghĩa trang này để làm công viên. Gia đình phải cho bốc mộ, đưa hài cốt đi hỏa thiêu rồi gửi bình tro tại chùa Vĩnh Nghiêm, Sài Gòn. Đành rằng người đời ai cũng phải chết, nhưng em tôi ra đi lúc tuổi vừa 26, chưa vợ con, chưa tròn nợ nước và chắc cũng chưa phỉ chí tang bồng.

    Về nguyên nhân của cái chết bi thương này, mãi đến tận bây giờ, chúng tôi cũng chỉ được biết một cách rất lờ mờ. Hồi ấy dư luận từ trong phi đoàn rò rỉ ra rằng buổi sáng ngày hôm đó em tôi đã hoàn thành phi vụ theo lịch phân công rồi. Buổi chiều bỗng nhận được chỉ thị thực hiện một phi vụ khác (ngoài schedule) thay cho một phi công xin nghỉ vì có lý do riêng. Hành trình khá trễ, 5 giờ chiều mới bay ra Phú quốc để đón… một bà lớn nào đó cùng đoàn tùy tùng về Sài Gòn sau chuyến đi chơi ngoài đảo ấy của họ. Caribou là loại máy bay do Úc sản xuất. Khi Mỹ rút quân theo Hiệp định Paris (ký kết vào tháng 1-1973), riêng về máy bay Caribou, họ để lại cho ta toàn thứ già nua cũ kỹ cho nên điều gì xảy ra tất phải xảy ra. Trong tai nạn do lỗi kỹ thuật ấy, anh thiếu úy co-pilot sống sót. Không biết giờ này anh đang ở đâu? Có thể kể lại đầu đuôi câu chuyện cho chúng tôi nghe chăng?

    Vì có người thân trong gia đình là pilot nên dĩ nhiên tôi rất có thiện cảm với anh em không quân. Và thật sự mà nói, những anh em trong binh chủng này cũng có niềm tự hào của riêng họ. Đa số được đào tạo ở nước ngoài. Chỉ với bộ áo bay trên người và chiếc nón đội đầu thôi cũng đủ tạo nên sự khác biệt. Nghề nghiệp tung mây lướt gió hàng ngày của họ toát lên nét gì đó rất hào hùng.

    Có hôm tôi nói với Sang Trương:
    -Giả sử không xảy ra biến cố 30/4/75, trong số các cậu bây giờ có người lên tướng đấy.
    Sang gật gù:
    -Đúng. Nếu thọ, nhất định có kẻ lên tướng. Kể ra đã 39-40 năm rồi còn gì.

    Liên khóa 72-73 có chỗ đặc biệt là: Có một số anh em học các khóa bay ở trong nước (như L19, Observer, Trực thăng…) tốt nghiệp ra đơn vị sớm, do đó sau 1975 gặp nhiều chuyện buồn phiền. Còn những anh em đi Mỹ, do phải học thêm tiếng Anh trước khi học T37, mất thời gian hơn nên đa số đều tốt nghiệp cận ngày 30/4/75, chưa kịp về nước, hoặc nếu đã về nước trước thì bận học quân sự giai đoạn 2 (Điều chỉnh sĩ quan) nên chưa đi nhận nhiệm vụ ở bất cứ đơn vị KQ nào. Nói cách khác, họ chưa thực sự dấn thân vào cuộc chiến. Chính vì vậy mà trong lòng họ từ ấy đến nay vẫn vương mang nhiều nuối tiếc không có cơ hội phục vụ quê hương, phục vụ đất nước.

    Giờ thì đoàn người ấy có muốn vượt qua biên giới quyết chiến đấu, chiếm chiến công ngang trời cũng không được nữa vì mọi chuyện nay đã khác rồi và nhìn lại mái đầu, tóc ai cũng đã điểm sương.

    Giờ thì tất cả đã xa, chỉ còn đọng lại những kỷ niệm của một thời chung trường lớp tại các AFB này nọ trên nước Mỹ. Cứ mỗi hai năm tổ chức họp mặt một lần là để bạn bè cũ có dịp gặp nhau, ôn lại những câu chuyện nhớ suốt một đời, những dấu ấn khó phai của một thời trai trẻ đầy ắp mộng tung hoành vượt trên mây xanh.

    Sau khi Đại hội thành công tốt đẹp và bế mạc, đoàn chúng tôi xuôi về quận Cam, nam Cali. Chuyến này có thêm người thứ bảy là Th, SVSQ/KQ khóa 72F “quá giang” về Dallas để sau đó đi thăm bạn bè ở Houston - Texas và New Orleans - Louisiana. [Th sang Mỹ sau T. và Đ. vài ngày, bay chung với một nhóm khác tới Los Angeles – California, rồi đi xe đò Hoàng lên San Jose tham dự Hội ngộ].

    Về tới quận Cam, Sang Trương, Đ., T. và Th. tách ra đi gặp mấy người bạn KQ ở quanh vùng; riêng vợ chồng tôi đến thăm gia đình ông anh ở Santa Ana, cả hai đều đã qua tuổi cổ lai hy khá lâu.

    Sáng hôm sau cả bọn lên xe về Texas. Điểm hẹn ở đàng sau thương xá Phước Lộc Thọ. Mấy người bạn lục tục lái xe đưa T, Đ và Th đến. Họ siết chặt tay, ôm nhau khá lâu và nước mắt đã rơi. Nam nhi mà như thế e quá yếu đuối chăng? Trong trường hợp này, tôi nghĩ là không. Bạn bè một thuở cùng chung chí hướng, do hoàn cảnh lịch sử phải xa cách nhau nửa vòng trái đất trong gần 40 năm trời mà thời gian gặp gỡ lại quá ngắn ngủi, chưa kịp nói hết những tâm tình, thì trong phút tiễn đưa nhau có rơi đôi ba giọt lệ cũng là điều tự nhiên, biểu hiện những tình cảm rất chân thực, làm ấm áp thêm cho tình bằng hữu vốn có giữa họ mà thôi.

    Khi ngồi viết những dòng này, tôi có mấy suy nghĩ:

    *Cuộc hội ngộ SVSQ/KQ liên khóa 72-73 lần 5 này sở dĩ thành công tốt đẹp do năm nay số người ở ngoài này tham dự khá đông, đặc biệt còn có tới 40 anh em từ Việt Nam sang. Đó là điều mà 4 lần họp mặt trước không có được.

    *Ban Tổ chức, mà đầu tàu là SVSQ/KQ Lê Văn Hải hết lòng vì bạn bè, cùng một vài cộng sự đắc lực và người nhà của anh, đã góp công lớn trong việc đưa đại hội đến thành công mỹ mãn. Lê Văn Hải vốn có biệt danh Hải Phè, nhưng phè ở đâu không biết, còn trong vai trò lo toan cho cuộc Hội ngộ 2014 thì anh không phè chút nào, mà là một người giàu nhiệt tình, có tài tổ chức và rất chu đáo. Từ đầu đến cuối, ở cả ba địa điểm hội họp, không thấy có điều gì đáng chê trách cả.

    Riêng đoàn mấy người chúng tôi làm một tour gần 4,500 miles qua các tiểu bang miền nam và tây nam nước Mỹ, các bạn từ Việt Nam sang có dịp ngắm cảnh dọc dường, tham quan Grand Canyon kỳ vĩ; Hoover Dam, công trình thủy điện nổi tiếng mang tên vị Tổng Thống thứ 31 của Hoa Kỳ; thăm kinh đô bài bạc Las Vegas; Thung lũng hoa vàng San Jose; Golden Gate Bridge ở San Francisco; thủ đô tị nạn chính trị Little Saigon ở nam Cali v.v…

    Sang Trương nêu nhận xét:
    - Có thể nói đây là chuyến đi “3 trong 1”.

    T. tiếp lời:
    -Hồi trước sang đây học bay chỉ ở trong căn cứ huấn luyện, lâu lâu mới ra ngoài một lần nên biết về nước Mỹ không nhiều. Giờ có dịp đi các nơi mới thấy Hoa Kỳ là một đất nước quá rộng lớn, quá văn minh, tiên tiến.
    -Vậy Hội ngộ 2016 tổ chức tại Porland (Oregon) các bạn có sang dự nữa không?

    Th. đáp:
    - Bây giờ nói trước thì hơi sớm nhưng đó là việc nên làm. Bởi vì quỹ thời gian còn lại của chúng ta không nhiều, cùng lắm gặp nhau đôi ba lần nữa là thằng nào thằng nấy get line chầu ông bà thôi.

    Đ. vốn là người điềm đạm ít nói, bỗng cất giọng khề khà, ngâm:

    “Thế sự du du nại lão hà?
    Vô cùng thiên địa nhập hàm ca…”


    Đến đó hắn chợt ngưng lại, quay sang phía tôi, hỏi:

    -Anh còn nhớ mấy câu thơ trên không?
    -Đó là hai câu đầu trong bài “Thuật hoài” hay “Cảm hoài”, một tuyệt tác của Đặng Dung ở đời hậu Trần. Đại ý nói: Việc đời ngổn ngang trăm mối mà ta đã già, biết làm thế nào? Trời đất mênh mông, xin mượn cuộc rượu ca hát để làm vui…

    Chỉ một ngày sau khi bọn này về tới Dallas đã thấy trên mạng post lên một loạt ảnh đẹp của đêm dạ hội 31/8. Tác giả của những bức ảnh trên là Sang Vương (73A), một tay máy phải nói là rất professional. Xin có lời cảm ơn anh bạn hào hoa vui tính này.

    Hoàng Huy
    (Dallas, 9/10/2014)

    CHÚ THÍCH: Những câu trích từ “Không quân Việt Nam hành khúc” của nhạc sĩ Văn Cao dùng trong bài này lấy từ nguồn Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, đúng với bản gốc của tác giả hơn là những gì chúng ta thường nghe lâu nay.

  • #2
    Bài cậy đăng

    Thưa quý anh ở Hội Quán Phi Dũng,
    Tôi là Hoàng Huy, người viết bút ký "Về một chuyến đi" nói về cuộc Hội ngộ của SVSQ/KQ liên khóa 72-73 tại San Jose hồi cuối tháng 8/2014 vừa qua. Sau khi bài ấy lên mạng đã có nhiều ý kiến phản hồi, đặc biệt ý kiến phản hồi sau nhất của một vị đã cung cấp thêm cho gia đình chúng tôi những thông tin quý báu liên quan đến cái chết của em trai tôi - cố trung úy phi công Đoàn Thế Hảo - tại Phú quốc hồi giữa năm 1973. Cảm kích trước tấm thịnh tình ấy, chúng tôi muốn có "Đôi lời cảm tạ" đăng tiếp ngay sau Feedback nói trên, nhưng Trương Kim Sang (73A), bạn tôi, đã hết sức cố gắng mà không cách nào vào trang được để post nó lên. Vậy nay xin nhờ quý anh giúp đăng "Đôi lời cảm tạ" của gia đình chúng tôi lên đó kẻo để trễ quá thì không lịch sự chút nào. Thanks.

    ĐÔI LỜI CẢM TẠ

    Chúng tôi là Hoàng Huy [người viết bút ký “Về một chuyến đi”] thay mặt gia đình xin bày tỏ nơi đây lòng cảm kích và biết ơn đến tác giả Feedback trên đã cung cấp thêm những thông tin quý báu về em tôi – cố Trung úy Phi công C-7A Đoàn Thế Hảo – lúc sinh thời, cũng như kể rõ một số việc mà em tôi đã làm hết sức mình trước khi hy sinh.

    Thật vô cùng xúc động vì từ 1972-1973 đến nay đã hơn bốn thập niên, trải qua bao thăng trầm dâu bể, mà vị cựu Phi đoàn trưởng một phi đoàn C-7A ở Phù Cát vẫn còn nhớ nhiều kỷ niệm đẹp về em tôi và nhắc lại một số nét tính cách của người đệ tử năm xưa của mình với những lời ưu ái nhất. Quý hóa thay một tấm lòng!

    Đời người, nghĩ cho cùng, chỉ là phù du thôi. Khi còn sống với nhau trên cõi nhân gian này, một trong những điều trân quý nhất giữa chúng ta có lẽ không gì khác hơn hai chữ Ân Tình.

    Lần nữa, xin đa tạ.

    H.H.

    Comment



    Hội Quán Phi Dũng ©
    Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




    website hit counter

    Working...
    X