Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Đọc Lại Remarque Nghĩ Về Một Thời Chinh Chiến

Collapse
X

Đọc Lại Remarque Nghĩ Về Một Thời Chinh Chiến

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Đọc Lại Remarque Nghĩ Về Một Thời Chinh Chiến

    Đọc lại Remarque
    nghĩ về một thời chinh chiến


    tác giả: Song Vũ

    (Song Vũ là bút hiệu của một Cựu SVSQ Khóa 17 Trường VBQGVN. Trước 1975 là một sĩ quan liên tục giữ nhiều chức vụ chỉ huy tác chiến, từ cấp trung đội đến trung đoàn. Chức vụ cuối cùng là Trung Tá Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 44/SĐ 23 Bộ Binh, đơn vị đã tạo chiến thắng lẫy lừng tại măt trận Kontum trong Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 )

    * * *

    "This book is to be neither an accusation nor a confession, and at least of all an adventure, for death is not an adventure to those who stand face to face with it. It will try simply to tell of a generation of men who, even though they may have escaped (its) shells, were destroyed by the war."
    Erich Maria Remarque
    (ALL QUIET ON THE WESTERN FRONT)*

    Một

    "We are at rest five miles behind the front. Yesterday we were relieved, and now our bellies are full of beef and haricot beans. We are satisfied and at peace."

    Chúng tôi đang nghỉ dưỡng quân sau tuyến đầu 5 dặm. Ngày hôm qua chúng tôi đã được thay quân để rút về phía sau. Giờ đây chúng tôi đang no cành hông với món thịt bò bít tết và đậu hầm. Chúng tôi thật thoải mái và bình yên.
    Remarque đã mở đầu cuốn chuyện với những dòng như vậy. Hiện tôi đang cầm cuốn sách trong tay cùng với một tâm trạng gần như thế. Chỉ có điều khác biệt, tôi đã ra hẳn cuộc chiến tranh tàn hại nhất trong lịch sử dân tộc tôi tính đến nay đã 38 năm. Nơi tôi ở không phải là 5 dặm phía sau tiền tuyến mà hàng cả chục ngàn dặm bên kia Thái Bình Dương quê hương tôi. Tôi cũng là một người lính chiến giống như nhân vật trong truyện đang thuật lại là Paul Bäumer. Tôi cũng có những bạn cùng lớp như Paul, nhưng thay vì Paul là người cuối cùng ra đi trong số 7 người bạn cùng lớp thì chúng tôi gồm 189 người cùng lớp, tính cho đến ngày 30 tháng tư năm 1975, đã mất đi vừa tròn 80, sau 12 năm lăn lộn trên khắp chiến trường của 4 vùng chiến thuật kể từ ngày tốt nghiệp Võ Bị.

    Cuộc chiến ấy đã thật sự lấy đi của thế hệ chúng tôi ở cả hai phía chiến tuyến biết bao nhiêu tinh hoa, làm cạn kiệt không biết bao nhiêu tài nguyên thiên nhiên, và đau thương hơn tất cả đó là những người còn lại sau cuộc chiến này đều bị hủy hoại hoặc toàn bộ, hoặc hơn một nửa phẩm chất của một con người bình thường. Đúng như câu viết đầu tiên của cuốn sách.

    Người ta thường nói đến hệ quả chiến tranh Việt Nam trong lòng dân tộc Hoa Kỳ mà người ta đã cố tình bỏ quên đi hệ quả chiến tranh Việt Nam ngay chính trong lòng dân tộc Việt.

    Tôi đã từng đọc cuốn truyện này trong tựa đề "Mặt trận miền tây vẫn yên tĩnh" qua một bản Việt dịch mà tôi đã thực sự quên hết cả câu chuyện lẫn tên dịch giả. Tôi chỉ còn nhớ rất mù mờ về thời gian hình như những năm thuộc cuối thập niên 60, một số tác phẩm của Remarque được dịch qua tiếng Việt chẳng hạn như các cuốn "Mặt trận miền tây vẫn yên tĩnh", "Một thời để yêu một thời để chết", "Chiến hữu"...Đó là những năm tháng tôi theo chân đơn vị hành quân miệt mài. Những cuốn sách tôi mang theo trong balô đã mang đến những ưu tư không hằn thành nét, mung lung trong tôi.

    Bốn người bạn cùng lớp gồm: Albert Kropp, Müller, Leer, và người kể chuyện Paul Bäumer, kế đến là các bạn kết thân sau này khi đến đơn vị: Tjaden, Haie Westhus, Detering và Katczingsky.

    "No one had the vaguest idea what we were in for. The wisest was just the poor and simple people. They knew the war to be a misfortune, whereas those who were better off, and should have been able to see more clearly what the consequences would be, were beside themselves with joy." (p.11)
    Chẳng ai có một ý tưởng rõ nét nào về việc đi lính của chúng tôi. Những người thông thái nhất cũng giống như một người bình thường nghèo khổ, chẳng ai có một ý tưởng nào rõ ràng vế việc lính tráng của chúng tôi. Họ chỉ biết chiến tranh là bất hạnh, trong khi những tay giầu có và có thể thấy được hậu quả của chiến tranh thì lại vui sướng ra mặt.

    "The idea of authority, which they represented, was associated in our minds with a greater insight and a more humane wisdom. But the first death we saw shattered this belief. We had to recognize that our generation was more to be trusted than theirs. They surpassed us only in phrases and in cleverness. The first bombardment showed us our mistakes, and under it the world as they had taught it to us broke in pieces." (p.11)

    "While they continued to write and talk, we saw the wounded and dying. While they taught that the duty to one's country is the greatest thing, we already knew that death-throes are stronger." (p..13)

    Họ đại diện cho một ý tưởng quyền lực được gắn liền với ý nghiã cho rằng họ sáng suốt hơn và khôn ngoan hơn. Nhưng khi chúng tôi nhìn thấy cái chết đầu tiên xẩy đến thì niềm tin tưởng này tan vỡ. Chúng tôi nhận ra ngay rằng thế hệ chúng tôi đáng tin hơn thế hệ của họ. Họ chỉ hơn chúng tôi trong những câu nói và trong khôn khéo đối nhân xử thế. Cuộc oanh tạc đầu tiên chỉ cho chúng tôi những sai lầm của mình, và cái thế giới mà họ đã nói cho chúng tôi biết vỡ tan từng mảnh.

    Trong khi họ vẫn tiếp tục viết và nói, chúng tôi cũng tiếp tục nhìn thấy những người bị thương và bị chết. Trong khi họ dậy chúng tôi rằng bổn phận đối với tổ quốc là điều cao cả thì chúng tôi lại thấy rằng nỗi đau buồn chết chóc lại to lớn hơn.

    Khóa chúng tôi ra trường ngày 30 tháng 3 năm 1963. Mười một thiếu úy hiện dịch được phân bổ về trình diện Sư Đoàn 7 BB có bản doanh đóng tại tỉnh Mỹ Tho lúc ấy. Cả 11 đứa được chia đều cho 3 trung đoàn tác chiến. Tôi cùng 3 bạn cùng lớp được bổ sung quân số cho Trung đoàn 11. Nghê Hữu Cung và Trần Thừa Tự về Tiểu đoàn 1. Tôi và Nguyễn Tiến Mão về Tiểu đoàn 3. Trung đoàn 11 gồm 3 tiểu đoàn 1, 2, 3. Tiểu đoàn 3 lúc đó là tiểu đoàn hành quân lưu động. Lãnh thổ hành quân bao gồm các tỉnh Hậu Nghĩa, Long An, Định Tường, Kiến Tường, Gò Công, Kiến Phong, Vĩnh Long, Phong Dinh, Vĩnh Bình! Với vùng hành quân rộng như vậy, cho nên đôi khi trong cùng một ngày, chúng tôi có thể có mặt trên lãnh thổ của 2, hoặc 3 tỉnh. Sáng ở Mỹ Tho chiểu lang thang Long An, tối trở về Hậu Nghiã.


    Khi chúng tôi đáo nhậm đơn vị, dư âm của trận Ấp Bắc còn âm vang đó đây. Đó là trận đánh quy mô đầu tiên trên khu chiến Tiền Giang này. Phía quân đội cộng sản đang tập trung thành lập đơn vị cấp tiểu đoàn và trung đoàn để đối phó lại với nguy cơ bị tiêu diệt bằng các cuộc hành quân tìm diệt nếu họ còn phân tán thành các đơn vị cấp đại đội cơ động. Đơn vị chủ lực cơ động tỉnh của họ lúc đó là Tiểu đoàn 514 do một cán bộ có bí danh Thanh Hải chỉ huy. Và trận đụng độ đầu tiên của chúng tôi với đơn vị này là trận Hàm Long thuộc tỉnh Long An vào khoảng tháng 5/1963. Trận đụng độ kéo dài một ngày đêm và sau đó 514 rút chạy. Đó cũng là lần đầu tiên tôi nhận ra bộ mặt thực của chiến tranh là gì. Cái không khí chết chóc, chém giết, người chết và bị thương, ta và địch được cụ thể hóa thay vì chỉ là những từ ngữ trên giấy tờ, báo chí. Những giây phút sợ hãi lúc đầu tiên nghe tiếng đạn bay vù vù trên đầu, nhưng tiếng la hét hãi hùng của những binh sĩ bị thương, tiếng lệnh ban ra phải xung phong vào mục tiêu, tiếng chửi thề, tiếng réo gọi... tất cả hòa trộn vào nhau, hỗn độn và bi tráng. Cái run sợ phút đầu tan loãng đi rất nhanh trong bước chân chạy thẳng vào mục tiêu giữa những tiếng đạn nổ tứ phía. Lúc ấy tôi không còn là tôi. Tôi là một người nào đó rất khác. Cả đại đội men theo những hàng cây so đũa, theo những mô đất, bờ mương lao vào. Ai trúng đạn nằm lại, ai còn sức lao tới. Mục tiêu lở lói vì những vết đạn pháo binh cầy nát, những trái bom do Không Quân thả xuống trước hỗ trợ cho cuộc xung phong. Một phần mục tiêu do đơn vị chúng tôi chiếm được. Từ đó, đại đội trừ bị từ phía sau tiếp tục vượt qua để khai thác chiến quả.

    Trời tối rất nhanh, địch quân thu nhỏ lại phía bờ sông Vàm Cỏ cố thủ chống trả mãnh liệt. Chúng tôi được lệnh kiểm lại quân số và tổ chức phòng thủ phòng ngừa địch phản công. Những người chết được dồn trở lại một nơi. Những người bị thương một chỗ khác chờ tản thương. Tôi tìm một vị trí nằm ngả lưng bên cạnh những đồng đội còn lại. Trung đội tôi gồm 19 người kể cả tôi là trung đội trưởng, bây giờ còn lại lành lặn 15. Đây là trận đụng độ có quy mô tương đối lớn đối với tôi từ khi tôi đến đơn vị cách nay 2 tháng. Những cuộc hành quân trước đó cũng đã có những cuộc chạm súng lẻ tẻ cấp tiểu đội trở xuống và thương vong thường không đáng kể vì vũ khí của địch còn thô sơ lắm, họ được trang bị súng trường bá đỏ hoặc du kích thậm chí chỉ có súng ngựa trời và lựu đạn nội hóa, nhưng lần này thì khác, họ có đủ loại từ trung liên, cho tới AK và phóng lựu.

    Những suy nghĩ miên man dẫn tôi tới sự so sánh để tìm ra một sự khác biệt thật kỳ quặc giữa lý thuyết chúng tôi được học trong trường quân sự và thực tế. Nó khác xa nhau nhiều quá. Nhìn những binh sĩ dưới quyền, những thanh niên tình nguyện cũng có, quân dịch cũng có đồng cam cộng khổ với mình chia sẻ buồn vui, sống chết với mình tôi bỗng thấy thương họ hơn bất cứ lúc nào. Duy có một điều rất lạ, khi nhìn thấy xác chết của các người cầm súng phía bên kia, tại sao tôi lại không tìm thấy sự căm thù nào! Kể cả hai người bị thương chúng tôi bắt được, các binh sĩ của tôi vẫn băng bó, cho họ ăn uống và chăm sóc họ như cho chính đồng đội của mình!

    Tôi bước vào quân đội trong ước ao muốn làm tròn bổn phận một công dân. Những điều tôi được học trong trường quân sự là cung cách phải đối xử với thương binh và hàng binh của địch theo những tiêu chuẩn như thế nào cho phù hợp với các quy định nhân đạo quốc tế. Chúng tôi không được dạy lòng căm thù ăn gan uống máu quân thù! Và lạ hơn cả là chúng tôi cũng chẳng được học tập về bộ mặt thực của giáo lý Cộng sản là gì. Những điều chúng tôi biết về Cộng sản quá hời hợt ngoài một vài câu chuyện đấu tố trong cải cách ruộng đất ở miền Bắc. Nói tóm lại chúng tôi không thực sự nhìn ra bộ mặt thực độc ác và bất nhân của chủ nghĩa Cộng sản.

    Tháng 6 năm ấy, tiểu đoàn chúng tôi được lệnh di chuyển đi Kiến Phong để bảo vệ việc khai thông con kinh Đồng Tiến trên vùng Đồng Tháp Mười. Tiểu đoàn di chuyển bộ băng đồng từ Kiến Phong đến vùng kinh đào. Chiếc xáng hút bùn đất phun ra hai bên bờ kinh, đoạn kinh đào xong chứa nước trong vắt. BCH tiểu đoàn đóng bên bờ kinh gần nơi chiếc xáng, còn các đại đội được phân bổ ra thành một vòng tròn lớn lấy chiếc xáng làm trung tâm. Từng tiểu đội được phát một chiếc xuồng sắt M2 kéo theo trên đồng nước. Vị trí đóng quân từng ngày thay đổi theo tiến độ của con kinh. Tết năm ấy, tôi đón xuân trên Đồng Tháp Mười. Cái tết xa nhà thứ 4 kể từ ngày tôi bước chân vào quân đội. Suốt ngày mặc quần xà lỏn đeo cây súng carbin báng xếp trên vai tôi cùng vài ba chú lính trong ban chỉ huy đại đội đi lang thang trên cánh đồng...

    Tháng 8 rút quân khỏi kinh Đồng Tiến, đơn vị tôi di chuyển đi Vĩnh Bình tham dự một số cuộc hành quân bình định tại Sóc Ruộng, rồi Cầu Ngang, Cầu Kè, Ô Lắc... Trong một trận đụng độ tại Sóc Ruộng với đơn vị 307 của địch, Chuẩn úy Mậu tử trận. Mậu là trung đội trưởng Trung đội 1 của Đại đội 2. Đây là sĩ quan đầu tiên tử trận kể từ khi tôi về đơn vị này.


    Tháng 9 di chuyển về Vĩnh Long đặt thuộc quyền điều động của Tiểu khu, chúng tôi hành quân vào Vũng Liêm để tái chiếm lại một số ấp chiến lược bị địch quân đánh chiếm. Tiểu đoàn tiến quân từ phía ngoài đồng ruộng vào làng. Vòng rào kẽm gai của ấp chiến lược cùng con đê bằng đất bao chung quanh ấp trở thành chướng ngại cho chúng tôi. Đơn vị du kích trong ấp núp theo bờ đất bắn tỉa vào toán quân trinh sát đi đầu. Trầy trật đến nửa ngày chúng tôi mới thật sự chiếm được mục tiêu. Cũng may đây chỉ là một toán du kích địa phương chiếm giữ, còn nếu ở trong là một đơn vị chủ lực của địch thì không biết hậu quả sẽ ra sao!

    Trong ấp, giờ phút chúng tôi tiến được vào bên trong, dân chúng chẳng còn bao nhiêu. Đa phần đã chạy đi nơi khác tị nạn ngay từ sau lúc bị các lực lượng du kích địa phương chiếm giữ. Ông trưởng ấp từ quận đi theo đơn vị hành quân nét mặt đau khổ nhận xét: "Mai đây khi các ông rút đi, đám du kích này sẽ lại trở lại thôi!" Nghe lời than thở ấy, tôi thấy nản. Rõ ràng đây là một nan đề cho cuộc chiến tranh này. Làm sao chúng ta có đủ lực lượng để bảo vệ những ấp chiến lược mà chính chúng ta đã xây dựng lên như thế này? Những người dân lành chân chất kia trở thành một thứ con tin cho bất cứ ai khi chiếm được ấp. Buổi tối dừng quân trong một căn chòi nhỏ bên bờ rạch tôi miên man nghĩ về cuộc chiến này. Những gì tôi học được từ sách vở nhà trường đem so ra với thực tế khác xa nhiều quá. Nếu nói rằng chẳng có gì là giống nhau thì cũng hẳn là một nhận xét sai lệch quá đáng.

    Cuộc chiến này, rõ ràng chúng tôi đã không được học tới. Trong suốt thời gian thụ huấn, chúng tôi được học các binh thư sách lược của một cuộc chiến tranh quy ước, trong đó binh sĩ hai bên đối địch nhau từ trong hai phòng tuyến khác nhau. Từ đó, chúng tôi sẽ sử dụng những chiến thuật thích nghi để tiến đánh hay phòng thủ. Nhưng giờ đây, điều ấy không xẩy ra, tôi và kẻ thù của tôi đôi khi cùng sống chung trong một khu đông cư dân, thậm chí có thể chạm mặt nhau hàng ngày! (khi họ cất vũ khí của họ). Kẻ thù của tôi cũng là một giống người với tôi, máu đỏ da vàng. Cái khác duy nhất là chủ nghĩa họ theo đuổi và cái ý thức ấy nó nằm sâu trong đầu óc họ. Tôi không thể phát hiện ra được trừ phi họ cầm vũ khí để sát hại tôi. Nằm suy nghĩ vẩn vơ, hồi tưởng lại thời gian kể từ khi ra trường đến nay, mang tiếng là hành quân khá nhiều nơi, chạm địch vài ba lần, số thương vong hai bên chứng kiến tận mắt thực ra cũng chưa nhiều, nhưng tôi vẫn cứ thấy điều gì đó lấn cấn, một ý nghĩ mơ hồ, hoài nghi về một ngày kết thúc chiến thắng. Tôi không lý giải được tại sao nhưng rõ ràng cảm nhận được điều ấy.

    Thường thì chừng nửa tháng hay một tháng, lại có chuyến tiếp tế, hoặc liên lạc với hậu cứ, theo chuyến xe là thư từ liên lạc tin tức của gia đình. Tôi nhận được thư của mẹ tôi viết từ Sài Gòn. Những lá thư ngắn ngủi nhưng luôn cho tôi tình cảm nồng ấm. Mẹ tôi bảo "Em Sơn học rất khá, nó được học bổng của trường mỗi tháng hai trăm, cu cậu lần nào cũng lãnh về đưa đủ cho mẹ. Tiền của con gởi về hàng tháng cũng tạm đủ cho mẹ lo cho cả nhà. Sức khỏe của mẹ thì cũng vẫn cứ vậy, không có thuốc bệnh và thuốc bổ là y như trở nặng. Nhưng con đừng lo nhiều. Mẹ chỉ mong sớm có thằng cháu để mẹ hú hí tuổi già..." Lần nào cũng thế, mẹ hay nhắc khéo chuyện vợ con của tôi. Năm nay tôi đã 23, cái tuổi còn nuôi bao nhiêu là mơ ước và hoài bão. Nhớ hôm còn nghỉ phép sau ngày ra trường, mẹ có nhắc khéo chuyện vợ con, tôi đã nói với mẹ "thân con giờ này còn chưa lo xong, đời lính chiến rày đây mai đó làm sao mà cưới vợ!" Mẹ tôi cười buồn bảo sức khỏe và căn bệnh lao phổi của mẹ chẳng biết sẽ ra đi khi nào, mẹ chỉ có ước mong là trước khi nhắm mắt, mẹ làm được một điều giống như những bà mẹ Việt Nam bình thường khác, đó là có một thằng cu tí nối dõi tông đường.

    Tháng 10, tiểu đoàn rời khu vực hành quân trở về lại Mỹ Tho. Chúng tôi trú quân trong khuôn viên chùa Vĩnh Tràng. Lính tráng giăng võng chung quanh chùa hoặc dựng lều poncho. Tôi căng võng nằm dưới một cây dừa và bên kia võng là chiếc cọc sắt chiến lược. Tôi rủ Mão, Cường ba đứa kéo ra bờ sông Mỹ ngồi uống nước. Những quán bán giải khát san sát dọc theo sông đông đảo thực khách đa phần là trung niên đang ngồi nhâm nhi uống bia. Vài ba cô gái chủ quán ăn mặc diêm dúa ngồi làm cảnh bên quầy thức uống để chiêu khách. Thỉnh thoảng khi có các đơn vị hành quân trở về nghỉ dưỡng quân thì màu áo lính lại phủ đầy các quán.

    Từ bờ sông ngồi nhìn dòng nước chẩy bên dưới khi nước triều đổ về, mỗi đứa theo đuổi những ý nghĩ riêng tư của mình. Cường bảo "Tình hình Sài Gòn bây giờ căng thẳng lắm, thư từ ông già cho hay không khí Sài Gòn lúc nào cũng như âm ỉ một chuyện gì đó bất tường." Còn Mão có ông anh cả là một ký giả thì viết cho em báo động là giữ gìn cẩn thận khi ra trận, đừng để bị lôi kéo vào những mưu đồ chính trị của người khác!" Tôi mỉm cười, lũ thiếu úy tép ranh bọn mình mà "chính chị chính em" cái gì, ông anh mày chỉ lo hão. Mão bảo "Không phải ông ấy lo hão đâu, mày còn nhớ vụ 11 tháng 11 năm 60 không? Vụ mấy ông Nhẩy dù làm đảo chánh đó!" "Ừ thì có vụ đó thực, nhưng mà tụi mình bây giờ đây này, làm được cái gì? Bộ khi thượng cấp ban lệnh hành quân mình có khả năng từ chối thi hành không?" Mão bảo "Đó là chính cái khốn nạn của đời lính chúng mình, nguyên tắc là thi hành trước, khiếu nại sau! Thi hành xong rồi còn khiếu nại cái gì nữa phải không?" Cường là khóa đàn anh ra trường trước chúng tôi ba tháng bàn thêm "Nếu không có quy định ấy thì cứ mỗi lần ra lệnh, thuộc cấp lại khiếu nại, thì có mà tan hàng à?" Tôi nghĩ thầm thi hành rồi nếu may mắn còn tồn tại để mà khiếu nại thì cũng còn có phước, chứ ngỏm rồi thì còn ai đâu mà nói! Nhưng xét cho cùng, khi đã chấp nhận luật chơi của tổ chức mà mình ghi danh vào rồi thi phải tôn trọng luật chơi thôi. Cuộc sống quân ngũ vốn dĩ đã là một nghịch lý. Trong đó thứ tự bậc trật chủ yếu dựa vào lòng tuân phục tuyệt đối của thuộc cấp và thời gian thâm niên trong quân ngũ. Tôi có thể chê cấp chỉ huy của tôi là dốt, là nhát, nhưng tôi không thể nói điều ấy ra công khai trước mặt mọi người. Sự phân chia công việc, ấn định nhiệm vụ thi hành từ một lệnh hành quân của cấp trên giao cho ông ta xuống đến tôi là một đòi hỏi không thể bất tuân. Thực tế cũng không hẳn là cứng ngắc như thế, bởi vì vẫn có những tay ba búa bất tuân thuợng lệnh đã xẩy ra. Mà chính tôi cũng đã từng làm trò dại dột đó một lần sau này.

    Cuối tháng mười, tiểu đoàn trở về hành quân vùng Long Định Bà Bèo. Tiểu đoàn chia làm hai cánh, đại đội tôi đi theo bờ kinh hướng nam, tiểu đoàn trừ bờ bắc. Mục tiêu trong lệnh hành quân tìm tiêu diệt các đơn vị cơ động của tỉnh Định Tường hiện đang có tin về tổ chức huấn luyện và bổ sung quân số tại khu vực chùa Phật Đá, cách quận Long Định chừng hơn chục cây số về hướng đông. Xuất phát lúc 7 giờ sáng, đến trưa chúng tôi còn cách mục tiêu chùng 2 cây số thì có lệnh dừng quân. Cuộc hành quân dự trù ba ngày, giờ được hủy bỏ và đơn vị rút trở lại Long Định chờ lệnh mới.

    Ngày hôm sau chúng tôi di chuyển về Long An đặt thuộc quyền điều động của tiểu khu này. Nghỉ được một ngày, đơn vị di chuyển đi Cần Giuộc nghỉ đêm tại khu nhà gần quận đường. Sáng hôm sau hành quân vào khu Rừng Lá Tối Trời. Đúng như tên gọi, băng qua tỉnh lộ, lội thêm chừng hai cây số là vào khu vực hành quân, theo tin tình báo, nơi đây là căn cứ địa của đơn vị du kích họat động thường xuyên quấy rối. Tiến vào khu Rừng Lá, cảm tưởng đầu tiên của tôi là tôi đang bước vào một căn phòng đóng kín không đèn. Trời như được che lại bởi một tầng mây đen kịt. Những tầu lá đan chen nhau kín như một chiếc nón. Lâu lâu mới có những vệt nắng chen qua một khu có lá thưa đủ để cho một thứ ánh sáng mờ. Đoàn quân di chuyển trong im lặng và thận trọng. Đặc điểm nổi bật chính là mức độ dính như keo dán của lớp bùn đen trong khu vực này. Mọi người mệt nhoài vì lội một loại bùn dính như keo ấy, cho nên tốc độ di chuyển thật chậm và mệt. Cho đến gần chiều tối đơn vị mới mò ra lại được tỉnh lộ nối giữa Cần Đước đi Gò Đen. Ai cũng mệt đừ. Không một bóng người, chẳng một dấu vết có người sinh họat trong Rừng Lá. Tại sao lại có được những tin tức tình báo kỳ lạ như thế? Chắc hẳn là từ suy diễn mà ra thôi. Chúng tôi ngủ qua đêm tại một xóm ven đường, hôm sau đơn vị di chuyển về Thủ Thừa.

    Bây giờ là cuối tháng mười. Trời sập tối rất nhanh. Tôi rủ Vinh, đại đội phó của tôi ra một quán nhỏ bên đường ngồi uống rượu. Mua một xị đế, kêu thêm một dĩa đậu phọng rang, cả hai ngồi thả suy nghĩ về Sài Gòn. Vinh tốt nghiệp khóa 12 Thủ Đức, gia đình đang sinh sống tại đường Lê văn Duyệt Sài Gòn. Ông già và bà già của Vinh đều là nhà giáo đang dậy tại trường cùng tên với con đường. Vinh có ba cô em gái và một cậu em trai út. Chị hai của Vinh cũng là một nhà giáo, tốt nghiệp đại học sư phạm, có chồng là một sĩ quan Không quân. Cô em thứ hai đang học dược. Vinh bảo tôi, khi nào có dịp về Sài Gòn sẽ giới thiệu cho tôi làm quen cô em này. Tôi cười, cả hai đứa đều chung cùng đại đội, làm sao đi phép cùng một lần?! Tính hắn vui vẻ, trẻ trung yêu đời nên được nhiều người ưa thích, đặc biệt là mấy cô gái hắn gặp trong các khu vực trú quân. Có lần tôi hỏi Vinh làm sao hắn lại đâm đầu vào lính trong khi cả nhà làm nghề sư phạm? Vinh bảo thì cũng do ham vui vậy thôi. Học xong tú tài một, vào Petrus Ký, thi rớt tú tài 2, ông già chửi cho một trận vì cái thói trăng hoa, học thì ít mà đi cua gái thì nhiều, buồn quá, theo hai đứa bạn cùng lớp đầu quân đi Thủ Đức. Vì vụ này mà ông già giận muốn từ luôn không thèm nhìn mặt. Trong suốt thời gian theo học tại quân trường rồi khi tốt nghiệp ra đơn vị, chỉ có bà già là còn chăm chút hỏi thăm lo lắng thôi! Vinh cười buồn, bây giờ ngồi nghĩ lại, cũng thấy mình có lỗi với gia đình. Cuộc sống lang thang đây đó có vẻ như một cái gì đó lỗi nhịp, trật chìa trong khuôn khổ của nền nếp truyền thống gia đình. Tôi bảo Vinh, thực ra chúng ta không có nhiều chọn lựa, những điều mới nhìn, cứ tưởng rằng mình có tự do sắp xếp, thu vén, hoạch định cho chính tương lai của mình. Nhưng suy cho cùng, chúng ta vẫn bị một cái lực hút nào đấy kéo mình chạy theo một hướng nào đấy, thậm chí ngược hẳn với ý đồ ban đầu.

    Xị rượu cạn mà lòng mỗi đứa còn ngổn ngang bao nhiêu suy tư. Vinh bảo kỳ này nghĩ phép cố gắng làm lành với ông cụ, hắn còn có ý nghĩ, sau hết bốn năm phục vụ trong quân ngũ, sẽ xin giải ngũ về đi học lại. Tôi cười bảo hắn, học hành gì toa, khi con gái cứ bám sát sau lưng, chữ nghĩa chưa kịp vào đầu đã tìm đường ra. Tôi nhớ tới lời giáo sư Lập dậy Triết chúng tôi khi còn trong quân trường, khi ông giảng về Phân tâm học, ông thường dùng một hình tuợng, trí não con người và lòng ham muốn (Libido) là hai bóng điện. Năng lượng con người chỉ đủ cung cấp cho một. Bóng trên sáng thì bóng dưới tối mờ và ngược lại. Vinh mỉm cười, bảo có lẽ thế thật. Năm học lớp đệ nhị, chưa biết yêu là gì, học đâu nhớ đó, đến năm đệ nhất, chạm vào mối tình đầu cùng cô gái trong xóm là bắt đầu lãng! Học không vào, suốt ngày chỉ tính chuyện sao cho được gặp mặt nhau, đến khi hẹn hò cùng đi ciné, thì kể như xong chuyện! Trong bóng tối của rạp hát, cái hôn trao vội lần đầu rồi những phiêu lưu sau đó khiến cho hắn mê muội không còn biết đường ra! Từ đó hắn bắt đầu sợ học, thích... làm thơ! Cho dù đang học ban B nhưng hồn thơ lai láng tràn ra giấy. Cũng may là thơ của hắn chỉ viết cho có một người đọc là cô hàng xóm, nếu không thì không biết tình hình văn chương của đất nước sẽ đi về đâu

    Đầu tháng 11, tiểu đoàn có lệnh ứng chiến, sẵn sàng di chuyển trong vòng nửa tiếng. Các đại đội trưởng trở vể Bộ chỉ huy tiểu đoàn nhận lệnh. Từ vị trí đóng quân, tôi đón xe lam ra gần ngã ba quốc lộ 4 nơi BCH đóng quân nhận lệnh chi tiết. Đại úy Chính tiểu đoàn trưởng trở về Mỹ Tho họp hành quân, Đại úy Sanh tiểu đoàn phó căn dặn các đại đội chuẩn bị ba ngày lương khô, súng ống đạn dược sẵn sàng, khi có lệnh là lên xe di chuyển ngay. Khu vực hành quân có thể là vùng Tân Bửu hoặc Gò Đen thuộc Tiểu khu Long An. Chi tiết cụ thể sẽ được thông báo sau khi Đại úy Chính trở về. Lúc đó là buổi trưa ngày mồng 1. chiều tối vẫn không có lệnh gì. Tôi cho đơn vị trở về vị trí phòng thủ, sinh hoạt bình thường.

    Rồi cuộc đảo chính Tổng thống Diệm xẩy ra. Cho mãi tới ngày 2 tháng 11 tiểu đoàn chúng tôi mới được lệnh di chuyển về Sài Gòn. Đại đội tôi được phân công đóng tại trường Petrus Ký chờ lệnh còn các đại đội khác và bộ chỉ huy tiểu đoàn được phối trí chốt chặn tại các địa điểm hiểm yếu khác trong thành phố. Có vẻ đơn vị chúng tôi chỉ là một biểu tượng của sự có mặt hơn là một đơn vị trực tiếp tham gia trong đảo chánh. Một hình thức thị uy cuối cùng cảnh báo cho những đơn vị còn mang hy vọng lật ngược thế cờ vì sự có mặt của một trung đoàn thuộc Sư Đoàn 7 đã hiện diện tại đây.
    Cuộc đảo chánh kết thúc, ngày 7 tháng 11 chúng tôi được lệnh lên xe trở lại Mỹ Tho chuẩn bị cho một cuộc hành quân mới, giải tỏa áp lực địch đang hiện diện tại Dưỡng Điềm cách thị xã Mỹ Tho hơn 10 cây số đường chim bay! Thì ra lợi dụng tình hình lộn xộn tại thủ đô, cộng quân đã áp sát các tỉnh lỵ để hy vọng chiếm lĩnh khi thuận lợi. Cuộc tiến quân bắt đầu ngay sau khi tiểu đoàn chúng tôi được vận chuyển bằng xe đổ xuống bên vệ đường ngay ngã ba Dưỡng Điềm. Mười một giờ trưa Đại đội tôi và Đại đội 2, hai đại đội đi đầu dọc theo hai bên rạch đều chạm súng. Những tràng đại liên súng cối nổ mù trời đất chỉ dấu đơn vị địch chúng tôi gặp là một đơn vị chủ lực.

    Đại úy Huỳnh Văn Chính tiểu đoàn trưởng bị thương nặng, sĩ quan quân báo tiểu đoàn Thiếu úy Thuận cũng bị thương. Đại đội tôi có Chuẩn úy Vinh tử trận. Đại úy Cao vừa giữ chức tiểu đoàn phó (thay Đại úy Sanh thuyên chuyển), từ cánh quân đi đầu được lệnh trở về bộ chỉ huy tiều đoàn làm tiểu đoàn trưởng thay cho Đại úy Chính.
    Trận đánh kéo dài cho đến tối, những phi vụ yểm trợ của Không quân được gọi tới hỗ trợ cho chiến trường. Pháo binh từ nhiều vị trí bố trí chung quanh khu vực hành quân thay phiên nhau nhả đạn. Tiếng đạn bom, khói thuốc súng mù mịt, địch quân hai ba lần xung phong muốn nuốt chửng đơn vị chúng tôi lần lượt bị chúng tôi đẩy lui.


    Tinh mơ sáng hôm sau chúng tôi được lệnh lục soát toàn bộ khu mục tiêu. Nhìn những xác địch nằm chết cong queo rải rác trên suốt chặng đường đi làm tôi càng thấy sự điên rồ của đám người bị tẩy não này. Suy cho cùng họ cũng chỉ là những nạn nhân đáng thương của một thứ chủ nghĩa bạo tàn coi con người là phương tiện để mong đạt tới một thiên đường không thể có được trong cái thế giới ta bà ít người nhiều ma này.

    Sáng ngày 8/11 thêm một chiến đoàn TQLC được tăng cường truy kích địch. Khi lục soát chúng tôi phát hiện ra dấu vết trung đoàn Đồng Tháp, đơn vị cộng quân giao chiến với chúng tôi đã lợi dụng đêm tối rút lui về hướng bắc vào vùng Đồng Tháp bao la. Cuộc rượt đuổi tìm kiếm lại bắt đầu như vẫn thường xảy ra trước đây...

    Hai


    Năm 1965 tôi được gọi về trình diện BCH/trung đoàn nhận sự vụ lệnh về trường Thủ Đức học lớp đại đội trưởng cấp tốc trong thời gian 2 tháng. Sau khóa học đó tôi trở về nhận bàn giao Đại đội Trinh Sát 11 thay cho Trung úy Trương Văn Ba bị tử trận trong trận đánh tại Cái Nứa một tuần trước đó. Cuộc sống mới trong đơn vị trinh sát làm cho tôi thích thú hơn. Ít ra sau khi hành quân xong, đơn vị được trở về doanh trại để chỉnh trang nghỉ ngơi sẵn sàng cho một cuộc hành quân mới; chẳng như trước đây hành quân chấm dứt lại đi tìm một xóm làng ven lộ nào đó tá túc qua đêm.

    Năm 1966 Tiểu đoàn 7 Trinh sát gồm 4 đơn vị; Đại đội 7 do Đại úy Lê Hữu Cừ khóa 16 Võ Bị niên trưởng của tôi đảm trách, Đại đội 10 TS của Trung úy Phan Thái Gia, 11 TS do tôi chỉ huy và 12 TS của Trung úy Lã Văn Tiêu. Vì là một đơn vị được tổ chức ngoài bảng cấp số do sáng kiến của Thiếu tướng Nguyễn Bảo Trị nên mỗi khi hành quân chúng tôi lại có một sĩ quan thuộc Phòng 2 Sư Đoàn chỉ huy. Thời gian đó là Đại úy Hoàng Trọng Hiền. Phải nói rằng với địa thế trống trải như vùng Đồng Tháp, cộng quân luôn lợi dụng các kinh rạch để vận chuyển hàng hóa và thời gian là từ chập tối tới gần sáng hôm sau; ban ngày chúng trú ẩn ngụy trang trong các địa điểm rậm rạp nên việc tìm diệt địch lúc ban ngày rất khó. Nhờ tin tức tình báo chính xác và sự linh hoạt trong điều động, chiến thuật "Đom Đóm Diều Hâu" ra đời. Với chiến thuật mới này, Tướng Nguyễn Viết Thanh là vị tướng lãnh đã tạo nên bước ngoặt lớn trong các chiến thắng của sư đoàn. Chỉ cần 4 đại đội trinh sát rất gọn nhẹ trong tổ chức và tính di động khá cao, Tiểu đoàn 7 TS đã tạo nên bao chiến công trong suốt khoảng thời gian 66 và 67 trên chiến trường Đồng Tháp. Chiến thắng Sông Trăng giáp ranh giữa Cao Miên với Long An và Hậu Nghĩa, chiến thắng Hốt Hỏa thuộc quận Thạnh Phú Kiến Hòa là những điển hình.

    Trong cuộc đời binh nghiệp của tôi, tôi đã trải qua dưới quyền chỉ huy của khá nhiều tướng lãnh, nhưng với tôi Tướng Nguyễn Viết Thanh là một trong những tướng lãnh tôi kính trọng và khâm phục nhất. Ngoài tài chỉ huy, tính liêm khiết ông còn có phong thái của một người bình dị đức độ hiếm có. Sau mỗi cuộc hành quân quan trọng, ông luôn tổ chức các cuộc họp tổng kết để rút ưu khuyết điểm và nhận xét phê phán từng đơn vị trong việc thi hành lệnh như thế nào. Lời nói của ông luôn như một nhắc nhở và tuyệt nhiên không bao giờ là một chỉ trích. Trong buổi liên hoan mừng chiến thắng ông hòa chung trong niềm vui cùng đơn vị. Ông hỏi han đến từng binh sĩ và luôn quan tâm đến đời sống của họ.

    Tôi không bao giờ quên được hình ảnh của ông trong buổi liên hoan với đại đội TS chúng tôi. Sau chiến thắng Hốt Hỏa ông thưởng cho đơn vị chúng tôi 50 ngàn để tổ chức tiệc. Căn trại của chúng tôi mang tiếng là doanh trại thực chất chỉ là ba căn nhà gỗ mỗi căn dài 15 thước dùng làm nơi trú ngụ cho hơn một trăm con người vừa quan vừa lính, cộng thêm kho quân trang quân dụng và phòng làm việc. Trong ngày vui ấy, ông đã cùng Trung tá Lê Nguyên Bình, Trưởng Phòng 2 xuống tham dự. Ông uống bia quân tiếp vụ được chứa trong nón sắt chuyền tay nhau uống cho cả đại đội! Tửu lượng của ông rất kém nên chỉ vừa hai lần chuyền tay, khuôn mặt ông đỏ ửng và chúng tôi không dám chuyền cho ông uống tiếp! Cho đến giờ đây tôi vẫn tin là hình ảnh của tướng Thanh vẫn luôn là một hình ảnh rất đẹp trong ký ức của nhiều người trong đó có tôi. Đất nước ta, quân đội chúng ta có biết bao nhiêu tướng tài nhưng hoặc hy sinh trong chiến trận hoặc không được sử dụng đúng vị trí nên kết quả bi thương năm 1975 là một điều có thể hiểu được.

    Tôi được thăng cấp Đại úy đặc cách tại mặt trận sau chiến thắng Hốt Hỏa vào giữa năm 1966. Cuối năm 1967 tôi bàn giao Đại đội 11 TS lại cho một bạn đồng khóa, Đại úy Nghê Hữu Cung để về Tiểu đoàn 2/11 làm tiểu đoàn phó cho Đại úy Nguyễn Văn Tạo, đàn anh trước tôi một khóa. Tết Mậu Thân, sau trận đánh giải tỏa bến xe Mỹ Tho trong cuộc công kích ấy, tháng 5 tôi được gởi đi học khóa tham mưu trung cấp tại trường Chỉ Huy Tham Mưu Đà Lạt. Cuối tháng 8 trong ngày chuẩn bị làm lễ mãn khóa tôi được hung tin Thiếu tá Tạo, tiểu đoàn trưởng tử trận trong một cuộc tấn công nội tuyến do một đám tân binh mới được bổ sung đến cho tiểu đoàn trong buổi sáng cùng ngày từ trung tâm huấn luyện tân binh của sư đoàn ở Bình Đức.

    Mọi cái chết đều mang đến cho đồng đội những bùi ngùi thương tiếc và tin tử trận của niên trưởng Tạo còn mang đến cho tôi một cảm xúc bàng hoàng khác. Anh và tôi làm việc chung với nhau chưa đầy nửa năm nhưng tình cảm huynh đệ lại thân thiết hơn bất cứ một người nào tôi đã từng quen biết. Tôi đã có thời gian ở chung đơn vị với các niên trưởng 16 như Ngô Gia Tiến, Hoàng Lê Cường... và chúng tôi cũng có biết bao điều chia sẻ chuyện trò nhưng khác hẳn sự chân tình thân thiết giữa tôi với Tạo. Anh thực sự coi tôi như một người thân ngoài tình đồng đội. Ngày tôi lên đường nhập học khóa tham mưu, anh bịn rịn không muồn rời. Anh nhắc nhở tới hai ba lần "Học xong nhớ ráng trở về với tớ nghe!" Lời hứa với anh tôi sẽ về lại đơn vị là lý do khiến tôi từ chối việc thuyên chuyển ra Sư đoàn 23 theo lệnh của TTM. Phòng 1 bộ TTM đã chấp thuận theo yêu cầu của Sư đoàn 23 bằng cách điều động 4 sĩ quan từ nguồn tài nguyên mới tốt nghiệp khóa trung cấp này để thay thế số tiểu đoàn trưởng của tướng Trương Quang Ân tư lệnh sư đoàn mong muốn. Nhưng rồi cuối cùng tôi cũng không hoàn thành nguyện ước của mình cho dù tôi đã rất cố gắng. Tôi đã đi Mỹ Tho và nhờ Đại tá Ngô Lê Tuệ vị trung đoàn trưởng trước đây của tôi tại Trung đoàn 11 hiện giờ là tham mưu trưởng sư đoàn. Đại tá Tuệ tiếp tôi trong căn phòng làm việc của ông sau khi nghe lời trình bày nguyện vọng của tôi, ông lắc đầu: "Chắc tôi cũng chẳng giúp ích gì cho bồ được, vì vị tư lệnh mới là tướng Hoàng thì mới về nhận nhiệm vụ, còn tướng Thanh đã về Quân đoàn 4 làm tư lệnh hơn một tháng rồi! Nếu có tướng Thanh ở đây, chắc việc giữ cậu ở lại đơn vị cũ không khó khăn gì, bây giờ thì chịu."

    Tôi trở về Sài Gòn lòng buồn vời vợi. Tôi có rất nhiều lý do muốn trở về đơn vị cũ. Chiến trường cao nguyên xa lạ quá tôi không biết những kinh nghiệm lăn lộn với chiến trường đồng bằng có còn giúp ích gì cho tôi không. Chần chừ gần nửa tháng tôi mới có tin về chuyến bay đi Ban Mê Thuột vào ngày sắp tới. Mẹ tôi thấy tôi không vui kêu tôi tới gần ngồi kề bên khi bà đang nằm đu đưa trên chiếc võng nhà binh. Bà bảo "Mẹ nghĩ đời nhà binh đi đâu củng thế, giả dụ con làm việc văn phòng thì mới phải đắn đo còn con đang ở đơn vị chiến đấu, thì có gì mà lo với nghĩ." Tôi im lặng không nói. Bà nói tiếp "Mỗi con người có cái số của nó, biết đâu việc con chuyển đi nơi khác lại là một cơ hội mới đem đến cho con nhiều thuận lợi hơn thì sao?" Chính câu nói này của bà khiến cho tôi yên lòng không còn băn khoăn gì nữa. Từ đó cuộc đời binh nghiệp của tôi bước vào một giai đoạn mới khác hẳn những gì tôi từng quen thuộc trước đây, khi còn hành quân trong vùng Đồng Tháp mênh mông ngập nước.

    Tháng 9 năm 1973, sau khi nghỉ dưỡng thương một tháng, tôi trở lại làm việc với chức vụ trưởng phòng hành quân sư đoàn thay thế Trung tá Điều Ngọc Chánh thuyên chuyển về BTL Cảnh Sát Quốc Gia tại Sài Gòn. Cũng chính trong khoảng thời gian này hội nghị Paris đang bước vào những biến chuyển mới. Tin đồn đãi về một một nền hòa bình đang hình thành để chấm dứt cuộc chiến đã lan rộng trên cả nước. Tình hình chính trị tại thủ đô Sài Gòn cũng ngày càng sôi động không kém. Các cuộc biểu tình xuống đường thường trực lan rộng trên các đường phố. Lính tráng trên tuyến đầu phần bị những tin tức hạn chế tiếp liệu của Hoa Kỳ, phần râm ran tin đồn về một hiệp ước hòa bình sắp đạt được đã khiến cho các cuộc hành quân không còn mở rộng được vào các vùng căn cứ địa của địch được nữa. Báo cáo hàng ngày của các phi cơ quan sát theo dõi địch dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh đều xác nhận những cuộc chuyển quân khổng lồ trên các đoàn convoy dài thậm thượt không cần che dấu hay ngụy trang ngày mỗi nhiều. Chúng tôi đang thực sự bị khóa tay để cho địch thủ của mình giáng những đòn chí tử. Hòa bình rồi sẽ đến bằng một cách nào đó nhưng chắc chắn không phải là thứ hòa bình dân tộc tôi đang cần và những người lính chiến như chúng tôi mong muốn.

    "...The months pass by. The summer of 1918 is the bloody and the most terrible..." Ngày tháng trôi qua. Mùa hè 1918 là mùa hè đẫm máu và kinh hoàng nhất. Thời gian giống như những thiên thần đang bay lượn trên vùng hủy diệt một cách không thể hiểu nổi. Ai cũng biết rằng chúng tôi sẽ thua trong cuộc chiến này. Nhưng rất ít ai nói tới điều ấy, chúng tôi đang bị đẩy lui. Chúng tôi không còn khả năng để phản kích nữa sau cuộc tổng công kích này. Chúng tôi không còn đủ quân số, không đủ đạn dược. Duy chỉ có các chiến dịch hành quân là còn đang tiếp diễn - và những cái chết vẫn tiếp tục...

    Mùa hè 1918 - chưa bao giờ cuộc sống ngắn ngủi lại khiến cho chúng tôi thèm khát đến thế trong lúc này - Những bông hoa anh túc nở đỏ trên cánh đồng cỏ mượt xung quanh những ngôi nhà trú quân của chúng tôi, những con bọ cánh cứng bóng mượt đang đeo bám trên những lá cỏ, buổi chiều ấm áp trong những căn phòng mát mẻ mờ tối, những bóng cây màu đen kỳ bí của buổi chạng vạng, những ngôi sao và những dòng nước chẩy, những cơn mộng mị và những giấc ngủ vùi---Ôi đời sống, đời sống, đời sống!

    Mùa hè 1918 - chưa bao giờ có quá nhiều nỗi đớn đau thầm lặng như trong khoảnh khắc chúng tôi một lần nữa cất bước ra tiền tuyến. Những đồn đãi hoang dại khốn khổ về một cuộc đình chiến và một nền hòa bình đang phát tán khắp nơi. Những tin tức này lay động tâm can chúng tôi và làm cho cuộc trở ra mặt trận càng nặng nề hơn bao giờ.
    Mùa hè 1918 - chưa bao giờ cuộc sống tại tiền tuyến lại cay đắng và tràn đầy những khủng khiếp hơn thế khi có những cuộc oanh tạc, pháo kích, những khuôn mặt trắng nhợt và những bàn tay như đang nắm chặt lấy ý tưởng: Không! Không! Không phải lúc này! Không phải ở thời điểm cuối cùng này!

    Mùa hè 1918 - hơi thở của hy vọng đang thổi trên những cánh đồng xơ xác cháy, cơn cuồng nộ của sự bồn chồn, sự thất vọng, của sự hấp hối chết chóc, của những câu hỏi lạnh lùng: tại sao? Tại sao lại chấm dứt? Tại sao những tin tức đồn đãi lại nhiều như lúc này? (p.284-286).

    Buông cuốn sách xuống, tôi thầm nghĩ, chỉ cần thay đổi thời gian thay vì 1918 là 1973 sẽ là thời điểm của chúng tôi trong trĩu nặng những tâm tư y hệt tại chiến trường cao nguyên năm ấy. Một nền hòa bình được áp đặt của kẻ địch vừa thiếu thiện ý nhưng lại thừa thủ đoạn của Cộng sản Việt Nam khiến cho cuộc hòa bình này trở thành một thảm họa cho chúng tôi những người lính đang cầm súng chiến đấu.

    Là một người lính, không cần phải nói ra, ai cũng biết chúng tôi tha thiết với một nền hòa bình hơn hẳn bất cứ ai. Chỉ có bọn con buôn chính trị và đám lãnh tụ không còn lương tri mới mong muốn chiến tranh. Bởi vì chiến tranh mang đến cho chúng mọi thứ lợi lộc mà chúng không phải trả giá. Còn chúng tôi thì không. Chiến tranh cướp đi mọi ước mơ bình thường, và mạng sống của chúng tôi. Nhưng phải nói rõ một lần, chúng tôi chiến đấu vì muốn bảo vệ quê hương và đồng bào ruột thịt của mình đang bị bọn Cộng sản tàn ác cướp đoạt đi. Vì thế hòa bình theo cung cách này trở thành một thứ trói tay chúng tôi cho kẻ địch tự do ra đòn, và một tương lai mịt mù đang hiển hiện ra trong tương lai rất gần thôi...

    "... And men will not understand us - for the generation that grew up before us, thought it has passed these years with us already, had a home and a calling..."

    "...Và mọi người sẽ không hiểu được chúng tôi - vì những thế hệ đi trước, cho dù họ cùng chúng tôi đã trải qua những năm tháng này, nhưng họ đã có một gia đình, và một công việc: giờ đây họ trở lại với nghề nghiệp của họ và rồi họ sẽ lãng quên đi cuộc chiến này - và những thế hệ tiếp nối sẽ cảm thấy xa lạ với thế hệ chúng tôi và bỏ qua chúng tôi sang một bên. Chúng tôi sẽ trở thành một thứ thừa thãi ngay cả đối với chính mình, chúng tôi sẽ ngày càng già đi, một số có thể sẽ hội nhập được với cuộc sống mới, một số khác sẽ nhịn nhục mà sống, và hầu hết là sống trong nỗi bàng hoàng - Ngày tháng sẽ trôi đi và cuối cùng chúng tôi sẽ sẽ rơi vào tàn lụi." ( p294)

    Và còn khốn nạn hơn gấp nhiều lần thế hệ của Remarque, những người lính VNCH sau khi bị áp đặt một nền hòa bình trá hình đã trở thành nạn nhân của Cộng sản VN trong suốt khoảng thời gian đằng đẵng sau tháng 4, 1975! Những người lính năm xưa bước ra khỏi cuộc chiến trong nỗi đau ê chề vì bị phản bội và lọc lừa của đồng minh và những lãnh tụ non kém của mình; giờ đây họ lại tiếp tục bị hành hạ trong một cuộc đầy ải mới trong các trại cải tạo dầy đặc từ Nam ra Bắc. Những cái chết tức tưởi thay hình đổi dạng từ đạn bom giờ đây là bệnh tật và đói khát, về sự hành xử bất nhân tàn bạo của các cai ngục đỏ. Cuộc sống khốn nạn không chỉ dành riêng cho bản thân người lính mà mở rộng ra cho cả gia đình dòng họ của họ... và mở rộng ra hơn nữa cho toàn bộ cuộc sống của nhân dân VN trên cả hai miền!

    Gấp cuốn sách lại. Tôi thả hồn mình trôi lăn theo những suy tưởng hồi ức về cuộc chiến của mình và đồng đội đã kinh qua. Cuốn truyện của Remarque mang đến cho tôi bao ngậm ngùi cho thế hệ của mình. So ra, thế hệ của Remarque có vẻ còn khá hơn chúng tôi nhiều lần. Ít ra, sau cuộc chiến mà ông đã tham dự, cái kết vẫn còn có hậu hơn nhiều. Dân tộc của ông có cuộc sống tốt đẹp hơn và hạnh phúc hơn sau chiến tranh. Còn đất nước chúng tôi thì không.

    Remarque có một nhận xét - theo tôi nghĩ - khá tinh tế về thế hệ của ông và nếu đem suy nghĩ ấy cho chính chúng tôi, nhận xét ấy vẫn còn nguyên giá trị: "Cuốn sách này không phải là sự buộc tội, cũng không phải là sự thú tội, lại càng không phải là một cuộc phiêu lưu; bởi vì những ai đã từng đối mặt với cái chết thì chẳng ai phiêu lưu đi tìm nó cả. Cuốn sách chỉ đơn giản là nói về một thế hệ những con người, cho dù đã thoát ra khỏi lằn tên mũi đạn, cũng đã bị hủy diệt mất rồi."/.

    Campbell 11/12/2013
    Song Vũ


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X