Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Nha Trang ngày tháng cũ

Collapse
X

Nha Trang ngày tháng cũ

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Nha Trang ngày tháng cũ

    Nha Trang ngày tháng cũ



    “Hỏi tên: rằng biển xanh dâu
    Hỏi quê: rằng mộng ban đầu đã xa”
    (Bùi Giáng)




    Đã lâu lắm không về thăm lại Nha Trang nhưng cái thành phố quê hương trong trí nhớ ấy lúc nào cũng hiện rõ mồn một trong tâm tưởng tôi. Càng thêm tuổi, càng hay nghĩ về quá khứ. Quá khứ tôi chất chồng bao thăng trầm dâu bể, riêng những năm tháng Nha Trang đã để lại nhiều dấu ấn khó phai mờ.

    Theo một số nhà nghiên cứu, tên Nha Trang được hình thành do cách đọc của người Việt phỏng theo âm một địa danh Chiêm Thành vốn có từ trước là Ea-Tran hoặc Yja-Trang (tên người Chiêm Thành gọi con sông Cái chảy qua Nha Trang ngày nay). Từ tên sông, sau chỉ rộng ra vùng đất thuộc chủ quyền của mình từ năm 1653.

    Bạn biết đấy, Nha Trang là thủ phủ của tỉnh Khánh Hòa, thuộc miền duyên hải nam Trung bộ, cách Sài Gòn khoảng 450 km về phía bắc. Thành phố hiền hòa ấy nằm bên bờ vịnh Nha Trang, thường được mệnh danh là miền thùy dương cát trắng. Nơi đây khí hậu ôn hòa, quanh năm ngập tràn nắng ấm. Cảnh quan thiên nhiên hội đủ các yếu tố núi, sông, biển, đảo… rất hữu tình. Bờ biển Nha Trang với bãi cát trắng chạy dài hình vòng cung ôm lấy biển xanh. Dọc theo bờ biển là con đường Duy Tân (nay nghe nói đã đổi tên) dài chừng 7 km, rộng và đẹp như một parkway ở Mỹ. Mặt trong của đại lộ này có nhiều khách sạn du lịch và những biệt thự nghỉ dưỡng. Phía bên ngoài là bãi cát chạy dài với những rặng dừa và phi lao suốt ngày rì rào trong gió. Núp bóng các tàng cây là những ki-ốt bán đồ ăn, thức uống và cho thuê dù, ghế nằm ngồi phơi nắng trên bãi biển. Vịnh Nha Trang có nhiều đảo lớn nhỏ che chắn bên ngoài nên quanh năm sóng êm, nước lặng, là bãi tắm lý tưởng đối với khách thập phương…

    Có một điều khiến tôi đặc biệt chú ý là Nha Trang nằm ven biển nhưng đó đây trong thành phố lại mọc lên những ngọn đồi hay núi nhỏ. Tiêu biểu như tại ngã sáu thành phố có nhà thờ Chánh tòa Nha Trang hay còn gọi là nhà thờ núi vì được xây trên một núi nhỏ (cao hơn 10 mét) từ năm 1928 thế kỷ trước theo kiến trúc Gothic đẹp lộng lẫy nhất là phần bên trong. Ở phía tây thành phố có tượng Kim thân Phật tổ (còn gọi là tượng Phật trắng) đang ngồi thuyết pháp cao 24 mét kể cả đài sen chân đế, xây dựng từ năm 1963, sừng sững trên đỉnh một ngọn núi cao hơn 30 mét, được coi là tượng Phật cao nhất Việt Nam. Đứng ở chân tượng, du khách có thể phóng tầm nhìn bao quát khắp thành phố và vươn ra tới biển đảo xa, thấy tàu thuyền qua lại trên biển giống như những chiếc lá tre. Dưới chân núi này có hai ngôi chùa nổi tiếng: chùa Hải Đức ở phía tây và chùa Long Sơn ở phía đông đều có lịch sử trên trăm năm. Ca dao địa phương có câu: “Ai về ngắm cảnh Khánh Hòa/ Long Sơn nên ghé – tháp Bà đừng quên/ Kim thân Phật tổ nhớ lên/ Nhìn ông Phật trắng ngồi trên lưng trời”.

    Tháp Bà Nha Trang hay còn gọi là tháp Ponagar ở bên kia cầu Xóm Bóng, cách trung tâm thành phố 2 km về phía bắc. Tháp này cao 23 mét, uy nghiêm đứng trên một ngọn đồi nhỏ. Đây là một ngôi đền do người Chiêm Thành xây vào khoảng thế kỷ thứ 10 hay 11 để thờ Thiên Y Thánh Mẫu Ana (Bà mẹ xứ sở) của họ. Ngày nay người Việt kết hợp với phong tục thờ cúng Mẫu của mình, hàng năm cùng người Chiêm Thành tổ chức lễ hội vào ngày 20 tháng 3 âm lịch theo nghi thức đọc văn tế, dâng rượu, dâng trà, các thức ăn, múa bóng, múa quạt, múa hoa quả… ca ngợi công đức và bày tỏ lòng biết ơn đối với “Bà mẹ xứ sở”.

    Nói về những điểm đến khi du lịch Nha Trang thì còn nhiều lắm: Dinh Bảo Đại, Hải học viện ở cầu Đá, các đảo nằm trong và ngoài vịnh Nha Trang như hòn Chồng, hòn Tre, hòn Mun, hòn Tằm, bãi Sỏi, đảo Trí Nguyên v.v. mỗi nơi có một vẻ đẹp riêng cùng nhiều thú vui chơi giải trí giữa cảnh trời nước mênh mang.

    Về ẩm thực ở Nha Trang, ngoài hải sản phong phú, các bạn đừng quên thưởng thức món nem nướng Ninh Hòa nổi tiếng, cam đoan ăn một lần sẽ nhớ đời. Đó là một món nướng thơm ngon kết hợp với rau ăn kèm phong phú và thứ nước chấm đặc biệt tạo nên hương vị rất riêng không đâu có. Nhà hàng Pháp nổi tiếng có La Frégate gần Bưu điện thành phố, nhà hàng Tàu có Dân Thiên trên đường Độc Lập, phở Hợp Lợi đường Trần Quý Cáp, bánh mì thịt nguội Đông Thành trước chợ Đầm v.v. Lại có một tiệm nhỏ lâu ngày quên tên ở ngay ngã ba đường Công Quán và Độc Lập chuyên bán Pâté chaud, sữa đậu nành nóng, lạnh và món bánh Flan ngon tuyệt. Pâté chaud ở đây lúc nào cũng nóng hổi, nhân rất thơm ngon. Sau này vào Sài Gòn sống nhiều năm tôi vẫn không tìm đâu ra thứ bánh như vậy. Givral có nhưng đó là “gu” Pháp.

    Chiếu phim ở thành phố này có các rạp Tân Tân, Tân Tiến, Tân Quang và Minh Châu. Tân Tân và Minh Châu thường chiếu phim Pháp, Mỹ, Ý còn Tân Tiến chuyên về phim Ấn Độ. Riêng Tân Quang thì tạp pí lù, đôi lúc còn có cả hát cải lương.

    Với những ai kén chọn bãi tắm, xin mời đến biển Đại Lãnh. Kẻ nào từng đến Nha Trang mà chưa biết đến biển Đại Lãnh có thể nói là chưa biết hết về Nha Trang. Đại Lãnh thuộc huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, nằm gần đèo Cả (ranh giới giữa hai tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên), cách Nha Trang khoảng 80 km về phía bắc. Biển Đại Lãnh có thể xếp vào một trong những bãi tắm tuyệt vời trên thế giới bởi cảnh quan sơn thủy hữu tình, bãi cát trắng mịn màng, độ lài thoai thoải, có thể lội xa bờ với làn nước trong xanh nhìn rõ tận đáy. Từ phía trong bờ có một dòng suối nước ngọt quanh năm chảy ra hòa mình vào lòng biển cả. Phong cảnh biển Đại Lãnh từ xưa đã được liệt vào hàng những danh thắng của nước Việt. Năm 1836 vua Minh Mạng đã cho chạm khắc phong cảnh biển Đại Lãnh vào 1 trong 9 chiếc đỉnh đồng (cửu đỉnh) trang trí trước sân Thế Miếu trong đại nội – Huế. Không rõ do cơ duyên nào, hồi đệ nhất Cộng hòa, ông Ngô Đình Nhu đã về ứng cử dân biểu quốc hội tại đơn vị huyện Vạn Ninh – Khánh Hòa và đắc cử hai nhiệm kỳ. Vợ chồng ông cũng đã từng đến tắm ở biển Đại Lãnh.

    Thành phố Nha Trang được thành lập năm 1924 dưới thời thuộc Pháp. Trường Pháp Collège Francais de Nha Trang được mở ra đầu tiên. Sau đó là các trường Việt từ tiểu học đến trung học mà Trung học Võ Tánh và Nữ Trung học Nha Trang là hai trường trung học công lập lớn nhất. Trường Đại học Cộng đồng Duyên hải Nha Trang được thành lập năm 1972. Ngoài ra, Nha Trang còn có những quân trường nổi tiếng như: Trung tâm huấn luyện Không quân, Trung tâm huấn luyện Hải quân, Trường Hạ sĩ quan Đồng Đế, Trung tâm huấn luyện Biệt động quân Dục Mỹ (cách Nha Trang vài chục km về phía bắc). Còn nhớ như in những chiều cuối tuần, các chàng sinh viên sĩ quan Không quân, Hải quân trong quân phục chỉnh tề đi dạo phố cùng các em gái Nha Trang trên những đường phố chính như Độc Lập, Phan Bội Châu… Ôi, những cuộc tình vội vã thời chinh chiến.

    Từ buổi ban đầu, thành phố Nha Trang chưa rộng và đông dân lắm. Sau cuộc qua phân 1954, người Bắc di cư vào sinh sống ở Nha Trang khá nhiều. Một nửa khác của thành phố mọc lên. Đó là khu Xóm Mới - ở Sài Gòn cũng có khu Xóm Mới Gò Vấp của người Bắc di cư – từ phía bên kia đường Lê Thánh Tôn trải rộng đến gần phi trường. Chỉ một thời gian ngắn sau chợ búa, trường học, bến xe mọc ra, cảnh sinh hoạt, buôn bán trở nên tấp nập. Dân số thành phố lúc sau này ước khoảng 400 ngàn người.

    Vì đất Nha Trang lành như thế nên nhiều cánh chim quý từ muôn phương đã chọn nơi đây làm bến đậu.

    Đầu tiên phải kể đến nhân vật nổi tiếng Alexandre Yersin (1863 - 1943): Tiến sĩ y khoa, nhà vi khuẩn học, nhà thám hiểm người Pháp (gốc Thụy Sĩ). Với mảnh bằng bác sĩ trong tay, Yersin có thể ung dung sống ở kinh thành ánh sáng Paris nhưng ông đã buông bỏ tất cả, tình nguyện sang Đông Dương làm việc. Năm 1891, khi đặt chân đến Nha Trang, Yersin thấy yêu mến vùng đất này và quyết định lưu trú tại đây. Suốt một đời cống hiến, Yersin đã để lại cho nhân loại và Việt Nam chúng ta nhiều thành tích to lớn, xin tóm tắt như sau: Khám phá ra cao nguyên Lâm Viên hùng vĩ và vùng đất thơ mộng sau được người Pháp thành lập nên thành phố nghỉ mát Đà Lạt nổi tiếng. Nghiên cứu tìm ra vi khuẩn gây bệnh dịch hạch và cùng các đồng nghiệp chế ra huyết thanh chống bệnh dịch hạch đầu tiên. Hoạt động tích cực để thành lập École de Médecine de L’Indochine (tức trường Đại học Y khoa Hà Nội sau này) và là vị Hiệu trưởng đầu tiên của trường. Đứng ra thành lập Viện Pasteur Nha Trang, viện Pasteur đầu tiên trong nước (ba viện khác lập sau ở Hà Nội, Sài Gòn và Đà Lạt). Yersin cũng là người đi đầu trong việc nhập cây cao su từ Brazil về trồng ở Việt Nam và chính ông đã thành lập một đồn điền nhỏ ở Suối Dầu – Nha Trang để trồng thử nghiệm. Ông cũng nhập cây canh-ki-na từ nam Mỹ về trồng để sản xuất thuốc kí-ninh chống bệnh sốt rét. Yersin qua đời ngày 01/3/1943 tại Nha Trang, thọ 80 tuổi. Ông để lại di chúc: “Tôi muốn được chôn ở Suối Dầu”. Địa điểm này thuộc huyện Diên Khánh – Khánh Hòa, cách Nha Trang 20 km về phía nam. Hiện nay ở khu Xóm Cồn – Nha Trang, gần tòa Tỉnh trưởng cũ, còn lại ngôi nhà cổ ba tầng mà sinh thời Yersin đã từng cư ngụ (đây nguyên là một đồn lính biên phòng bỏ không). Người dân gọi đó là Lầu Ông Năm, vì theo ngạch nhà binh, Yersin là y sĩ đại tá. Ông Năm suốt đời sống độc thân, luôn gần gũi, thân thiện với người dân trong xóm, nhất là với trẻ em, nên được mọi người thương mến, quý trọng. Sau “giải phóng”, Lầu Ông Năm bị bên Công an lấy làm nhà nghỉ dưỡng cho cán bộ của họ. Lẽ ra, chính quyền tỉnh Khánh Hòa nên lấy đó làm nhà lưu niệm Yersin nhưng họ đã không làm! Tại Nha Trang từ trước 1975 có con đường mang tên Yersin chạy suốt từ tây sang đông thành phố, hai bên trồng những cây muồng trổ hoa vàng…

    Thi sĩ Quách Tấn (1910 - 1992), quê gốc Bình định, sau về Nha Trang làm việc, chức vụ cuối cùng của ông là Phó Tỉnh trưởng Khánh Hòa, về hưu năm 1965 và sống ở đó cho đến cuối đời.

    Nhà văn Võ Hồng (1921 - 2013), tên thật cũng là bút danh. Ông gốc người Phú Yên, sau về sống hẳn tại Nha Trang, dạy ở trường Trung học Bồ Đề. Cuộc đời ông có thể tóm gọn bằng hai tiếng: nhà giáo và nhà văn. Sự nghiệp sáng tác của Võ Hồng khá đồ sộ, trong đó có nhiều truyện dài, truyện ngắn cùng những bút ký, truyện viết cho thiếu nhi. Văn chương ông đề cao tình yêu quê hương thôn dã, tình cảm gia đình, tình thầy trò, bằng hữu. Tác phẩm của Võ Hồng nói chung khắc họa cảnh sinh hoạt nông thôn và đô thị miền Nam trong giai đoạn từ thập niên 1940, đậm nhất là các thập niên 50, 60, 70 của thế kỷ trước. Một con người rất lành và văn chương cũng rất lành.

    Nhà văn Cung Giũ Nguyên (1909 - 2008) gốc Huế, cha Hoa, mẹ Việt (dòng dõi hoàng tộc). Học xong Quốc học Huế, ông vào Nha Trang dạy học, viết báo, viết văn. Đặc biệt, ông là nhà văn mà hầu hết tác phẩm đều viết bằng tiếng Pháp. Vì tác phẩm của ông được viết bằng Pháp văn và xuất bản bên Pháp nên trong nước ít người biết đến. Cuốn “Le fils de la baleine” của ông đã được dịch sang tiếng Đức từ hơn 50 năm trước. Cuốn “Le boujoum” gần đây cũng đã được dịch sang tiếng Anh. Từ năm 1955 đến 1975 ông làm Hiệu trưởng trường Trung học bán công đệ nhị cấp Lê Quý Đôn – Nha Trang. Ông cũng là một huynh trưởng nổi bật thuộc thế hệ sáng lập phong trào Hướng đạo Việt nam. Đây là một con người tài hoa, có phong cách sống rất nghệ sĩ. Nhà villa kín cổng cao tường, sách vở như núi, chơi piano, đánh tennis, tắm biển đều đặn, hàng ngày chạy Citroen đen bóng đi dạy học. Ông dạy Việt văn, Pháp văn, Triết học v.v.

    Năm 1957 có một thiếu nữ vừa bước vào tuổi 18 từ Huế theo gia đình vào Nha Trang, học lớp 12 ở trường Trung học Võ Tánh (thời điểm này trường Nữ Trung học Nha Trang chưa thành lập). Cô từng làm một bài luận văn dài 20 trang giấy lớn được thầy Thạch Trung Giả tâm đắc cho điểm 10/10 và đem đọc cho học sinh các lớp khác nghe. Cũng trong thời gian học ở trường Trung học Võ Tánh, cô vướng vào một scandal tình ái vô cùng trái ngang với một vị giáo sư lớn hơn cô 30 tuổi làm xôn xao cả thành phố biển. Cha cô lúc ấy, giám đốc Sở giáo dục tỉnh, lập tức đưa vụ này ra tòa. Bị can, người làm cho con gái ông mang bầu, chính là… ông Cung Giũ Nguyên, giáo sư thỉnh giảng môn Pháp văn của trường Võ Tánh, cũng là một nhà văn, nhà báo có uy tín, đồng thời còn là Hiệu trưởng đương nhiệm của một trường Trung học đệ nhị cấp lớn nữa. Thế nhưng khi ra trước tòa, theo như nhiều người tham dự thuật lại, cô gái can đảm thú nhận rằng:“Ông Cung Giũ Nguyên không có lỗi trong vụ này. Lỗi là do tôi dụ dỗ ông ta khi theo học thêm lớp Pháp văn tại nhà vì tôi muốn có một đứa con thông minh xuất chúng như ông ấy”. Trước lời khai như thế của người trong cuộc, tòa tha bổng cho bị can. Theo nhà văn trong nước Nguyễn Ngọc Chính, tác giả “Hồi ức một đời người” thì: Đứa con gái sinh ra được đặt tên là Cung Giũ Nguyên Hoàng (tên ghép), được bà vợ chính thức của ông Nguyên nuôi dưỡng vì bà này không thể có con. Trong ngày tang lễ của ông Cung Giũ Nguyên (tháng 11/2008) người ta thấy Cung Giũ Nguyên Hoàng phục tang cha, ôm bát hương đi trước linh vị.

    Sau khi đậu tú tài II, cô gái kia vào Sài Gòn ghi tên học Văn khoa và Luật khoa. Nửa chừng bỏ dở, lên Đà Lạt dạy ở trường Trung học Trần Hưng Đạo. Sống tại xứ sương mù, năm 1964 cô bắt đầu viết truyện dài “Vòng tay học trò” ký tên Hoàng Đông Phương đăng từng kỳ trên tạp chí Bách Khoa ở Sài Gòn rồi sau xuất bản thành sách. Đây là cuốn tiểu thuyết hiện sinh mô tả tình yêu giữa một cô giáo trẻ dạy cấp ba với người… học trò lớp 12 của mình. Nội dung ấy chạm đến những điều “cấm kỵ” thời bấy giờ khiến nhiều người nhăn mặt. Nhưng, nhờ đó mà tác phẩm cũng như tác giả của nó bỗng chốc nổi đình đám. Sách đã được tái bản nhiều lần. Tiếp theo là hàng loạt tác phẩm ăn khách khác nối đuôi nhau ra đời. Tác giả đó chính là nhà văn Nguyễn Thị Hoàng (1939 - ) còn kẹt lại trong nước sau 1975.

    Nhạc sĩ Minh Kỳ (1930 - 1975) tên thật là Nguyễn Phúc Vĩnh Mỹ, cháu năm đời của vua Minh Mạng, gốc Huế nhưng sinh ra tại Nha Trang. Cả đời ông sáng tác gần trăm ca khúc, trong đó có đến 3 ca khúc viết về Nha Trang, đó là “Nha Trang”, “Nha Trang chiều mưa” và “Nhớ Nha Trang”. Trước đây, đài phát thanh Nha Trang đã chọn phần nhạc mở đầu của bài “Nha Trang” để làm nhạc hiệu cho đài trong gần 2 thập niên. Ngày nay, dù có lưu lạc bốn phương trời, khi nghe câu “Nha Trang là miền quê hương cát trắng…” bất cứ người Nha Trang cũ nào cũng thấy lòng mình nao nao. Sau 30/4/1975, Minh Kỳ với cấp bậc đại úy cảnh sát quốc gia, phải đi học tập cải tạo và chỉ không đầy 3 tháng sau, người nhạc sĩ giàu tài năng này của chúng ta bị chết tức tưởi trong một vụ nổ lựu đạn do bọn lính canh của Cộng sản tại trại giam Biên Hòa gây ra. Năm ấy ông chỉ vừa 45 tuổi…

    Thời gian qua có một số người quen ở đây về thăm Việt Nam. Khi trở qua, họ thường kể với chúng tôi rằng:

    - Nha Trang bây giờ thay da đổi thịt nhiều quá, bộ mặt thành phố khác hẳn, khó tìm lại những vết tích xưa. Từ Nha Trang lên ngã ba thành Diên Khánh 10 km, trước kia là ruộng đồng trống trải, bây giờ nhà cửa, tiệm buôn, quán xá mọc lên san sát. Ngay bên trong thành phố, nhiều chỗ xây cất mới hoàn toàn, nhìn không ra. Toàn là nhà hai ba tầng trở lên. Dọc đại lộ Duy Tân, khách sạn Pháp, Mỹ, Nhật, Hồng Kông… lố nhố cứ như Hawaii. Trên đảo Hòn Tre ở mặt trước vịnh, người ta xây Hotel & Resort 5 sao, khu vui chơi giải trí dưới nước, với cáp treo chở khách từ đất liền ra vào. Sân bay Nha Trang nay dời về phi trường Cam Ranh cũ của Mỹ, cách thành phố vài chục ki-lô-mét về phía nam…

    - Thế mấy trăm hec-ta đất ở sân bay Nha Trang cũ dùng để làm gì?

    - Thì để các quan chức thành phố chia nhau xây dinh cơ, biệt thự nguy nga, hoành tráng mà ở cho nó sướng cái cuộc đời của “đầy tớ dân”.

    - Vậy đấy.Tất cả vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm. Hiện nay, ở khắp mọi tỉnh thành lớn nhỏ, các quan chức đua nhau nghĩ ra những dự án này nọ với chi phí trăm tỉ, ngàn tỉ. Có làm mới có ăn, có xây mới có cất. Vốn đầu tư càng lớn thì miếng ngoạm càng to. Những miếng ngoạm càng to thì chất lượng các công trình càng tệ hại. Sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi.

    Cho nên tới đây, nếu xảy ra chuyện cần kíp phải về quê thì chắc rằng sau khi giải quyết xong công việc riêng, lúc đêm xuống, tôi sẽ ra ngồi ở bãi biển, trong tiếng sóng vỗ rì rào, nhìn ra khơi xa, khẽ hát bài “Nha Trang ngày về” của Phạm Duy:

    “Nha trang ngày về/ Mình tôi trên bãi khuya/ Tôi đi vào thương nhớ/ Tôi xây lại mộng mơ năm nào…

    Nha Trang biển đầy/ Tình yêu không có đây/ Tôi như là con ốc bơ vơ nằm trên cát/ Chui sâu vào thân xác lưu đày/ Dã tràng ơi sao lấp cho vơi sầu này?”

    Với tôi, Nha Trang như một người tình cũ. Đối với người tình, dĩ nhiên mình yêu từ mái tóc, đôi mắt, làn môi cho đến dáng đi, giọng nói, tiếng cười v.v. Người ta bảo “Tình cũ không rủ cũng đến”. Nhưng người cũ nay đã sửa mắt, sửa mũi, gọt cằm, nâng ngực, độn mông, ăn mặc diêm dúa, gặp nhau đã thấy dị ứng rồi, còn tình cảm nào dành cho nhau nữa? Còn chăng chỉ là những hoài niệm về một thời đã xa…

    Hoàng Huy


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X