Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu

Collapse
X

Bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu

    Bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu
    ~~~




    Em đừng hỏi giờ này tôi đang làm gì và đang ở đâu. Lúc này đây, khi viết những giòng chữ này cho em, tôi đang ngồi trong tòa soạn của một tạp chí nằm trên con đường Phạm Ngũ Lão. Con đường ấy, khá nhiều nhà in, nhà báo, nhà phát hành, chắc em đã biết, là một con đường nhỏ, đầy bụi và nhiều xe. Trên bàn làm việc của tôi hiện có một lá thư của “nhà-làm-kịch-không-bao-giờ-dựng-kịch” gửi cho tôi, nhưng tôi không hiểu gì cả. Có lẽ ông ta lầm tôi với một người nào khác có một cái tên tương tự. Những cái tên tương tự! Có bao nhiêu cái tên tương tự như tên của tôi, và tên của em trong cõi đời này. Và em, Vy của tôi, tên em phải viết i ngắn hay y dài? Và tại sao phải là y dài mà không là i ngắn?

    Lúc viết những giòng này cho em, những người thợ sắp chữ vừa vỗ bản in truyện ngắn của tác giả Rừng Mắm đặt trên bàn tôi, cây quạt trần đang xoay theo một tốc độ chậm nhất, và mưa rơi ngoài kia. Mưa ào ạt như tiếng kêu thất thanh của một người bị săn đuổi, chờ chết.Tại sao lúc nào tôi cũng thích nhìn những trận mưa thúi trời thúi đất. Mưa điên cuồng, man dại; mưa ập xuống như cái thúng chụp không thương tiếc ngậm ngùi…

    Thế còn em, nơi em ở hiện giờ trời đang có mưa không? Những trận mưa đầu mùa nắng là những dòng nước được đợi chờ. Mưa luôn luôn làm tôi nhớ em. Nhớ những hôm nào em ngồi sau chiếc xe lambretta màu bạc của tôi. Hơi thở tình yêu của em đã thổi ấm xuyên suốt lưng tôi, hâm nóng một trái tim tưởng chừng đã nguội lạnh, thổi bay đi những đám mây buồn bã từ bấy lâu nay vẫn ám mãi xuống đời tôi. Ôi những trận mưa hân hoan tầm tã; mưa biển mưa rừng, mưa cao nguyên, mưa đồng bằng. Mưa chảy trong tôi tình yêu muộn màng, mưa xối trong em tình yêu vừa mới lớn. Những giọt nước mưa hy vọng đang ướt sũng cuộc đời chúng ta.

    Bữa qua có tin từ mặt trận về cho hay chiến trường miền Trung đang hồi ác liệt, một bạn tôi vừa mất xác. Sáng nay trên cao nguyên báo xuống, một người bạn khác nữa của tôi mới vừa tử trận. Những tin tức ấy đã làm tôi chảy nước mắt. Bao nhiêu người ở tuổi tôi đang đối mặt với cái chết, tại sao tôi vẫn ngồi đây yên ổn. Và tại sao tình yêu của chúng ta? Có phải tôi là một người may mắn bất hạnh. May mắn mà sống sót, nhưng bất hạnh thay chưa sống đủ kiếp người.

    Có phải là một điều nhảm nhí không khi ta nói đến tình yêu trong một thời đại mà người ta chỉ đề cập đến sự chết. Tôi vẫn nghĩ rằng con người càng đến gần với tình yêu chính là tiến gần đến cái chết. Yêu là chết. Và trước cái chết, người ta bao giờ cũng ham muốn sự sống. Và sự sống là gì nếu không là tình yêu? Ngụy biện quá, phải không?

    Vy yêu, cho đến bây giờ tôi vẫn không thể nào mường tượng ra nổi nơi ăn chốn ở của em. Thành phố trên cao ấy đã một thời nhìn thấy tôi lớn lên, đã nghe tôi thở, đã thấy tôi yêu, đã chứng kiến những trận đòn thù trên Đồi Cù, đã dí tôi trong quán cà phê Huyền nửa đêm về sáng. Và giờ đây những dấu chân em in trên con đường đất đỏ dưới những cơn mưa tầm tã đang làm tôi thương nhớ em. Cánh cửa sổ từ căn phòng em ở mỗi sáng mở ra có thể nhìn thấy chăng đỉnh núi Langbiang? Quyển sách nào em đang đọc? Và tờ thư nào em đang viết dở cho tôỉ… Tôi đang nghĩ đến em, đến hơi thở em, khuôn mặt thần thánh em… Sẽ buồn biết bao nếu trí tưởng tôi không còn cái khả năng tưởng tượng ấy nữa, cái khả năng khiến cho đời sống tình cảm chúng ta giàu có hơn, màu sắc hơn…

    Em có còn nhớ những quán nước quán ăn mà chúng ta đã đến: một chỗ sang trọng, một nơi tồi tàn; những cuốn phim ta đã cùng xem: đam mê, hung bạo, hay dịu dàng và thơ mộng; những khúc nhạc mà chúng ta đã từng nghe chung với nhau trong một tối nào: quyến rủ và lôi cuốn. Và hơi thở em tràn ngập trong lồng ngực tôi. Thân thể em trong vòng tay cuồng dại tôi.

    Ừ, nhiều khi tôi ước phải chi chúng ta là cỏ cây hay loài vật, chúng ta sẽ yêu nhau như loài thú hoang giữa đất trời mà không sợ bóng dáng của Thần Tuyệt Vọng. Như loài thú, chúng ta rong chơi trong rừng, nằm dưới bóng mát của những tàn cây và ngủ an nhiên trên xác lá khô. Như cỏ cây ta không thèm mọc vội vàng. Ta lớn theo gió, và nắng và mưa sẽ làm ta rắn chắc hơn. Cái vòng tròn vàng óng buổi sáng sẽ đánh thức ta dậy, mặt trời đỏ hực buổi chiều sẽ gọi ta về, và trăng sao trên cao sẽ soi thấu tình yêu của chúng ta.

    Vy yêu, bây giờ là mười giờ. Buổi sáng trong một tòa soạn báo. Tiếng máy chạy ì ầm. Những bản vỗ ướt mực và ướt nước. Cơn mưa đã dứt. Trời trong suốt và nắng đang thổi luồn những hơi thở nóng hổi trên thành phố tôi đang ở. Có lẽ những con đường rợp bóng cây mà chúng ta đã đi sau trận mưa lớn đã ngập nước, vòm cong của những tàn me cụm đầu dài đến cổng trường Saint-Paul còn óng ánh chút nước mưa đã rơi trên đầu chúng ta theo từng cơn gió nhẹ. Giờ đây, tôi không biết mình đang đốt đến điếu thuốc thứ mấy trong ngày nhưng tôi biết là tôi đang nghĩ đến em.

    Vy yêu, em có còn nhớ cái lối quảng cáo của người Nhật về những sản phẩm đặc chế của họ. Bất Cứ Lúc Nào, Bất Cứ Ở Đâu Cũng Chỉ Có Hai Ta. Ừ, cũng chỉ có hai ta.

    Ngày mai, tôi sẽ phải vào bệnh viện trở lại. Những dấu hiệu tái phát của căn bệnh cũ đang bắt đầu lộ diện và đang hành hạ tôi. Bạn tôi bảo: “Mày chưa chết đâu. Đừng sợ... Sống thì khó chứ chết thì ai mà chẳng có phần”.

    Buổi sáng hôm nay, sau cơn mưa mặt đường trước tòa soạn sạch trơn. Nhưng sao mà lòng tôi vẫn còn đầy chật hình bóng em. Nhớ em, nhớ những sợi tóc dài buộc chết đời tôi, nhớ hai con mắt màu nâu thầm lặng, nhớ cái mũi hếch kiêu căng, nhớ giọng nói sao mà ngọt ngào kỳ lạ. Nhớ nụ cười em tràn ngập cơn mê tôi, nhớ đôi chân dài quấn quýt, nhớ bờ ngực nặng, nhớ hơi thở nóng, nhớ hai bàn tay hốt hoảng của em… Nhưng sao tôi vẫn có cảm tưởng như rồi ra chẳng bao giờ chúng ta còn có cơ hội gặp lại nhau nữa. Bởi vì, giữa tôi và em, chúng ta có bao nhiêu là sông núi, bao nhiêu là hố thẳm, bao nhiêu thung lũng, bao nhiêu biển trời. Có cả sương mù và sấm sét. Có đêm và ngày. Có cả “Khổng tử” và gia phong. Và…

    Thư từ làm cái gì, chữ nghĩa cũng sẽ chỉ là điều vô ích, một khi người ta không còn muốn đọc nhau nữa.

    Phải không?

    Nguyễn Xuân Hoàng
    Tháng Chín 1968

    (nguồn: sangtao. org)



    Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng sinh ngày 7 Tháng Bảy, 1940 tại Nha Trang. Ông từng theo học các trường Võ Tánh (Nha Trang), Petrus Ký (Sài Gòn).
    Ông theo học và tốt nghiệp Ðại Học Sư Phạm, Ban Triết, tại Ðại Học Sư Phạm Ðà Lạt, năm 1961. Sau đó ông giảng dạy bộ môn này tại các trung học Ngô Quyền (Biên Hòa) và Petrus Ký (Sài Gòn).
    Trong thời gian 2 năm, từ 1972 đến 1974, ông đảm nhiệm vị trí Thư Ký Tòa Soạn tạp chí Văn tại Sài Gòn.
    Ông sang Hoa Kỳ định cư từ năm 1985.
    Năm 1986, ông làm Tổng Thư Ký nhật báo Người Việt tại Quận Cam, California và đảm nhiệm vị trí này trong hơn 10 năm.
    Từ năm 1998 đến 2005, ông chuyển về định cư tại San José và đảm nhiệm vai trò Tổng Thư Ký cho ấn bản Việt Mercury, thuộc San Jose Mercury News.

    Nguyễn Xuân Hoàng là nhà văn nổi tiếng từ rất sớm và có sức viết mạnh.
    Ông vừa qua đời tại San José, California, USA vào lúc 10:50 phút sáng Thứ Bảy, 13 Tháng Chín, 2014.
    (http://www.nguoi-viet.com)





    Những truyện đã đăng trong HQPD:

    . Ai cũng cần phải có một bà mẹ!
    . Huế Mà Ta Sẽ Trở Lại
    . Tự truyện một người vô tích sự



  • #2
    Khi một cây bút ra đi
    ~~~




    Một người quen mất: Buồn. Khi người quen ấy lại là một nhà văn/nhà thơ, hơn nữa, một nhà văn/nhà thơ mình yêu thích: càng buồn hơn nữa. Cũng là người quen cả, nhưng với nhà văn/nhà thơ, qua tác phẩm của họ, bao giờ chúng ta cũng cảm thấy gần gũi hơn, thân mật hơn, do đó, việc ra đi của họ, dù muốn hay không, cũng làm chúng ta buồn rầu nhiều hơn.

    Không những buồn rầu, tin tức về cái chết của một nhà văn/nhà thơ bao giờ cũng có vẻ gì như bất ngờ. Ngay cả khi chúng ta biết họ đã lớn tuổi hoặc bệnh hoạn lâu ngày, chúng ta vẫn cứ sửng sốt như thường. Lý do chính là vì một người cầm bút dường như không có tuổi. Đọc các tác phẩm của họ, dù chúng được viết lúc họ đã cao niên, chúng ta cũng thường có cảm giác như tâm hồn họ vẫn còn rất trẻ thơ. Để có thể chìm đắm miên man trong thế giới tưởng tượng. Để có thể rung lên những xúc động khẽ khàng và tinh tế trước một cái đẹp có khi rất nhẹ nhàng, thoáng qua trong cuộc sống.

    Tác phẩm của họ, ở khía cạnh này, cũng chính là con người của họ. Tôi tiếp xúc khá nhiều với giới cầm bút. Nhiều người lớn tuổi hơn tôi, già giặn và uyên bác hơn hẳn tôi, vậy mà, nhiều lúc, tôi có cảm tưởng như họ là em tôi. Ở họ thỉnh thoảng có cái gì như hồn nhiên, như ngơ ngác, như yếu đuối. Trước, lúc tôi còn sống ở Paris, hầu như năm nào, vào đầu mùa thu, nhà văn Mai Thảo cũng tìm cách bay sang Paris, để, theo lời ông, ngắm lá vàng trên các đường phố. Những lúc ấy, tôi và ông hay đi loanh quanh cà phê cà pháo. Mỗi lần chia tay, thường ở một ga xe điện ngầm nào đó, bao giờ tôi cũng dặn dò ông hết chuyện này sang chuyện khác. Tôi biết ông rất giỏi tiếng Pháp. Tôi biết ông rất rành rẽ Paris. Thế nhưng, nhìn gương mặt ông, ánh mắt ông và dáng đi lênh khênh của ông, tôi lại sợ vu vơ là ông sẽ lạc. Nghĩ lại, tôi thấy cái sợ ấy thật buồn cười. Nhưng lần gặp lại sau, tôi lại có cảm giác y như vậy. Dưới mắt tôi, ông như một đứa em còn rất khờ khạo.

    Với Nguyễn Xuân Hoàng, nhiều khi tôi cũng có cảm giác ấy. Anh lớn hơn tôi gần 20 tuổi. Lúc tôi còn là một đứa học trò trung học ngơ ngác và ngơ ngáo ở Đà Nẵng, anh đã là một thầy giáo và một nhà văn nổi tiếng ở Sài Gòn. Nhưng những lần gặp anh, ngồi lê la cà phê và chuyện trò với anh, tôi vẫn thấy ở anh có nét gì mơ mộng và hồn nhiên như một đứa trẻ.

    Từ góc độ thuần tuý văn học, cuộc đời Nguyễn Xuân Hoàng có thể được xem là thành đạt: ở miền Nam, trước năm 1975, mới ngoài 30 tuổi, anh đã là tổng thư ký của Văn, tờ tạp chí văn học xuất sắc nhất hồi ấy; ra hải ngoại, anh lại tiếp tục làm chủ bút những tờ báo, từ thời sự đến văn học, nổi tiếng nhất của cộng đồng. Các cuốn sách của anh cũng được nhiều người khen ngợi. Nhưng anh lại rất khiêm tốn. Trong những lần trò chuyện, tôi chưa bao giờ bắt gặp ở anh một nét tự mãn nào cả. Lúc nào anh cũng than thở là chưa viết được như anh mong muốn. Có lần, sau khi khen Hoàng Ngọc-Tuấn và tôi, anh hạ giọng; “Nhìn bọn em, anh mới thấy thế hệ của bọn anh cái gì cũng lớt phớt, sách tiếng Pháp đọc được một chút, sách tiếng Anh đọc được một chút, chẳng có cái gì biết thật sâu cả.” Tôi không ngạc nhiên về lời khen của anh. Nhưng tôi ngạc nhiên về cách khen. Anh không nhất thiết phải tự hạ mình và thế hệ của mình xuống đến như vậy. Nhưng càng nói chuyện với Nguyễn Xuân Hoàng nhiều, tôi càng nhận ra đó là tính cách của anh. Anh không gồng mình. Thậm chí, nhiều lúc anh tự bêu xấu chính mình. Bởi vậy, bạn bè anh hay đùa là anh có tật hay than thở.

    Bây giờ, Nguyễn Xuân Hoàng đã theo gót Nguyễn Mộng Giác, Thanh Tâm Tuyền và Mai Thảo đi vào cõi khác, nhiều người gọi là cõi vĩnh hằng. Cũng như với mấy người kia, nghe tin anh mất, tôi sửng sốt và buồn nhưng tôi lại không thấy hụt hẫng chút nào cả. Nhiều người hay nói đến những khoảng trống mênh mông để lại sau cái chết của những nhà văn hay nhà thơ lớn. Tôi không nghĩ vậy. Với tôi, cái chết của những cây bút lớn, ngay cả những người tôi ít nhiều quen biết, vẫn không gây nên một sự hụt hẫng nào cả. Lý do là, dù họ mất đi, tác phẩm của họ vẫn còn lại, hơn nữa, còn gần gũi hơn vì chúng không bị ngăn cách bởi tác giả nữa. Trước, đọc sách, có khi chúng ta nghĩ đến con người đã sáng tạo nên những cuốn sách ấy. Sau, chúng ta chỉ thấy sách, chỉ thì thầm tâm sự với sách. Chúng ta được giải phóng khỏi tác giả để được tự do thong dong với chữ nghĩa.

    Chính vì vậy, nghe tin Nguyễn Xuân Hoàng mất, tôi với tay lên kệ, lấy tập truyện ngắn Căn nhà ngói đỏ của anh để đọc lại. Đó là cuốn sách tôi thích nhất của anh. Trong đó có nhiều truyện ngắn thật hay. Tôi tin truyện “Tự truyện một người vô tích sự” của anh là một trong những truyện ngắn hay nhất trong nền văn học Việt Nam ở hải ngoại từ sau năm 1975. Hay ở kỹ thuật. Hay ở văn phong. Truyện đầy ắp chi tiết, như một cuốn tiểu thuyết được nén lại.

    Với những truyện như thế, tôi nghĩ anh không mất. Tôi tin là chỉ có trong lãnh vực văn học nghệ thuật mới có những người mang kích thước bao trùm cả ba chiều thời gian: quá khứ, hiện tại và tương lai. Với quá khứ, họ tạo ra được cả một thời đại để chúng ta có thể nhận diện được “những người muôn năm cũ”. Với hiện tại, họ là cả một thế giới mênh mông để chúng ta tha hồ ngao du. Và với tương lai, họ là một tinh tú lúc nào cũng bí ẩn và đầy thách đố để chúng ta phải không ngừng thám hiểm. Hiện diện trong ba chiều như vậy, các nhà văn và nhà thơ lớn vừa ở sau để làm di sản cho chúng ta, vừa là bạn đồng hành của chúng ta đồng thời cũng là những kẻ đứng trước, đâu đó, chờ đợi chúng ta: chúng ta gặp họ trong từng bước chân. Đến lúc chúng ta biến mất, họ vẫn còn.

    Tôi không muốn gọi Nguyễn Xuân Hoàng là nhà văn lớn. Nhưng tôi tin một số truyện của anh, đặc biệt là truyện ngắn, sẽ còn được đọc và đọc lại. Lâu dài.

    Nguyễn Hưng Quốc

    Comment



    Hội Quán Phi Dũng ©
    Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




    website hit counter

    Working...
    X