Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Phạm Xuân Đài - Ở giữa đường đời

Collapse
X

Phạm Xuân Đài - Ở giữa đường đời

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Phạm Xuân Đài - Ở giữa đường đời

    Phạm Xuân Đài - Ở giữa đường đời




    Người già thường có nhiều định kiến. Khi đã sống một thời gian tạm đủ gọi là dài, đến một lúc cảm thấy thân thể mình đang bắt đầu một quá trình suy tàn, thì lạ thay, cũng lúc ấy thấy trong tâm mình một loại thành quách đã được xây dựng nên không biết tự lúc nào, ngày càng vững chắc, cái gì đã có thì kiên cố, đã đóng vôi và có khuynh hướng không tiếp nhận thêm cái mới nữa. Ở trong cái thành muốn đóng cửa ấy, những bản nhạc mình nghe thời còn trẻ mới là hay, các vần thơ mình say mê thời còn lãng mạn mới là tuyệt, thời đại lúc mình còn thanh niên mới là nhiều màu sắc, nhiều ý nghĩa đáng sống... Còn "tụi trẻ" bây giờ, ôi thôi, hiểu không nổi! Đại khái là thế. Và từ đó mấy ông bạn già mới có khuynh hướng tìm lại với nhau để thuần nhắc lại chuyện xưa. Và cái hố ngăn cách giữa các thế hệ hay hiện ra, là vì vậy.

    Khi cô Trang Đài đưa cho tôi tập Thơ Bốn Mươi của cô cho tôi đọc để nhờ viết lời giới thiệu thì tôi thật sự thấy ngại ngùng, chỉ vì cô thuộc về "tụi trẻ". Thì ra trong tâm trí tôi từ bao giờ đã xây xong thành quách của định kiến về thơ, tôi chỉ biết thơ lớp trên của tôi Vũ Hoàng Chương, Xuân Diệu, Huy Cận... mà tôi tiếp thu thời đi học, hay là lớp cùng thời hoặc gần như cùng thời với tôi Tô Thùy Yên, Bùi Giáng, Tạ Ký, Nguyên Sa, Thanh Tâm Tuyền, Trần Mộng Tú... Còn Trang Đài? Năm cô ấy sinh ra cũng là năm tôi khăn gói vào "trại cải tạo", chấm dứt quãng đời hoạt động mà tôi luôn luôn cho rằng ý nghĩa nhất đời tôi, còn những năm sau khi ra tù trở đi thì giống như Lê Đình Điểu bạn tôi đã nói, chỉ là bonus, được thêm ngày nào là mừng ngày đó. Nghĩa là những thành quách đã xây dựng xong, chỉ còn việc đóng cửa thành vun bồi cho nó thêm vững chắc thôi.

    Nhưng hình như tôi đã lầm. Càng đọc thơ Trang Đài tôi càng thấy các định kiến trong tôi rơi lả tả, và chợt ngộ ra rằng định kiến là một thứ tồi tệ nhất trên đời. Định là đứng yên, trong khi mọi chuyện trên đời vẫn tiếp tục trôi chảy chẳng bao giờ yên cả, ngay trong tuổi già, ngay trong cái chết. Thế hệ trước mình làm thơ, thế hệ của mình làm thơ, thì thế hệ sau mình cũng vẫn làm thơ, tại sao mình không thưởng thức, tại sao mình quay mặt đi để chỉ biết cái vốn xưa cũ hoặc đồng thời của mình?

    *

    Năm 1975 đối với nhiều người, trong một số nghĩa nào đó, là một chấm dứt, thì với Trang Đài mọi chuyện mới bắt đầu.
    tôi mới ít tháng tuổi
    đang bơi trong nước ối
    vô can với động tĩnh bên ngoài
    trái tim mẹ cứ liên tục đập mạnh
    cả người mẹ hết tê rồi lại nhũn
    lồng ngực mẹ co thắt khi nước mắt ì ạch xối
    mẹ che chắn bom đạn cho tôi
    mà không chắn nổi
    những kinh trời động đất
    đang xuyên qua mẹ để vào tôi
    để tôi vẫn có một 30 tháng Tư đầu tiên
    bất thành văn
    (30-4 đầu tiên)

    Tờ giấy khai sinh của tác giả đã được viết ra như thế. Sau khi ra đời, cô bé ấy được xếp vào một lớp người đặc biệt
    thế giới gọi chúng tôi là
    "thế hệ hòa bình"
    những con người được sinh ra sau mười lăm thế kỷ binh đao của một Việt Nam tan tác
    sau tháng Tư 1975
    một kết thúc
    của nhiều bắt đầu
    vô định
    (Thế hệ hòa bình)

    Với một khai sinh và một căn cước như thế, Trang Đài sẽ tiếp tục cuộc hành trình vào đời, mà chúng ta có thể theo dõi từng bước chân của cô qua những gì cô viết để thành tập thơ này, mang tên Thơ Bốn Mươi, có thể coi tập thơ của chặng nửa trước của đời cô. Cô may mắn được là thành viên của "thế hệ hòa bình" trên đất nước Việt Nam sau hàng thế kỷ chìm trong khói lửa chiến tranh. Cô lớn lên trong 19 năm giữa thế hệ đó, và chứng kiến bao nỗi cơ cực, nghèo đói, cuộc sống bị o ép đủ mặt nơi một vùng quê thuộc đồng bằng sông Cửu Long vốn từ bao đời vẫn được coi là nơi no đủ và thoáng đãng nhất của nước Việt Nam. Trong bài thơ có tên Thế hệ hòa bình, tác giả đã lặp lại ba lần liên tiếp câu hỏi
    ai bảo chúng tôi có hòa bình?
    và ba lần khác cho một khẳng định
    "không công lý, sao có hòa bình!"

    Thế hệ hòa bình đã lớn lên trong một môi trường như thế. Từ vật chất đến tinh thần đều rất thô lậu: nghèo, cực, không có công lý. Nhưng đến năm 19 tuổi thì Trang Đài theo gia đình đi Hoa Kỳ, và tuổi trưởng thành của cô bừng nở với sự học vấn đạt nhiều thành quả nhanh chóng, tốt đẹp. Từ tuổi hai mươi đến tuổi bốn mươi, Trang Đài đã đặt xong các nền móng vững chắc cho đời mình: học hành thành đạt, lập gia đình, sinh con cái, mở rộng các hoạt động theo sở thích, và sáng tác. Dĩ nhiên cô mới đi có nửa đoạn đường đời, nhiều thứ còn đang ở phía trước, nhưng không ít thứ đã ở phía sau, trong đó một nửa là kinh nghiệm tuổi thơ ấu và thiếu niên tại Việt Nam, nửa sau là những gì gặt hái được từ nền giáo dục và cuộc sống phương Tây, từ đó mở ra cho cô những chân trời bao la bát ngát. Tất cả kinh nghiệm đông tây đó đều là lợi thế của cô, tạo cho cô một sự quân bình (nhưng cũng rất có thể là mất quân bình, tùy) trong tâm thức, đồng thời cũng làm phong phú vô cùng cho những cách nhìn và diễn tả cuộc sống, mà chúng ta sắp nói tới với tập thơ 40 của cô.

    Tuy là một cô gái thuộc thế hệ hòa bình của Việt Nam sau năm 1975, nhưng Trang Đài đã không tìm thấy một chút hòa bình nào trong cuộc sống đó, cho đến khi cô rời nước. Ký ức của một người con gái ra đi giữa tuổi hoa mộng lại không mấy hoa mộng
    ký ức lảng vảng
    xua giấc ngủ về miền nửa-thức
    gió chưa về, lâm râm những giọt mơ,
    chực thổi đi vầng bán nguyệt tuổi dại khờ
    quá khứ là nửa mộng
    chỉ sụt nổi ở một nơi mù xa không biên giới

    Nếu chú ý, chúng ta nhận ra tâm hồn người con gái mới lớn này không có được sự vô tư của tuổi mình với lời giải thích như sau
    ký ức tôi
    chịu một cơn động đất
    quá tải
    những mảnh vụn bắn tung tóe vào vũ trụ
    làm đảo lộn ngân hà
    mảnh rơi xuống Thái Bình Dương
    tự đào mộ
    giữa xác thuyền nhân khắc khoải tìm bờ
    mảnh lọt giữa khe đá
    mài cánh chèo buông mái mạch thời gian

    Đó là loại sự việc mà chính tác giả trong suốt thời thơ ấu của mình đã từng nghe từng biết, vì đang lớn lên giữa thời đại của vượt biên, của thuyền nhân. Nhưng tác giả không ngừng truy tìm ký ức ở giai đoạn ấy, tâm thức cô lặn lội về những vùng xa hơn khi cô chưa có mặt trên đời, về cái thời "mảnh khăn sô cho Huế", thời "Quần Đảo Ngục Tù", "len lỏi về viếng đền đài", vào cả thời bình minh của giòng giống "kiếp hạc múa Trống Đồng", vào cả dân ca để "tìm ra cha mẹ tìm ra cội nguồn"... Tác giả đã dần dần vượt xa vùng ký ức cá nhân để vào ký ức tập thể, với một tâm thức không yên ổn, luôn luôn thao thức, tìm kiếm, vừa trí tuệ vừa tâm linh...

    Nhưng có một mảng ký ức tác giả hay nhắc lại một cách đằm thắm giữ nguyên tình cảm riêng tư, đó là bà ngoại. Bà ngoại hầu như đồng nghĩa với quê hương, với thổ ngữ, địa danh một thuở nào
    ao ký ức lóng phèn
    tuổi thơ chờ sao rụng
    sông Cái bưng nước lớn
    con trâu già tạt rơm

    ruộng quá khứ trổ đòng
    nếp quên mùi bánh tét
    nỗi nhớ xay lơ lửng
    gieo bực thềm tương lai

    thăm ngày xưa, thăm Ngoại
    mộ chưa viếng, đã quen
    xa quê, yêu đất khách
    gần xuân, xót quê nhà

    Khi ra đi bà còn, bây giờ bà đã mất, chưa về thăm nhưng "mộ chưa viếng đã quen" thì biết rằng khi xa quê, cô bé này nhớ bà thương bà đến mức nào. Vì thế mới có một ký ức khác về bà ngoại, bắt nguồn rất tài tình từ một nỗi nhớ, xem ra thì rất độc đáo, rất riêng tư, nhưng tôi tin rằng đó cũng là nỗi nhớ chung của tất cả những đứa bé nay đã lớn, thậm chí đã già: đó là cái túi áo của bà. Xin quý độc giả nhớ lại xem mình có một ký ức tương tự như thế không:
    con nhớ thời thơ dại
    túi Ngoại là cái kho
    con gửi những thơm tho
    và những gì quý nhất
    Nào hãy xem tác giả đã gửi những gì trong túi áo của bà:
    trong túi áo của Ngoại
    có bạc cắc của con
    có mấy cục bồ hòn
    có mấy hòn đá cuội

    Rồi dần dần cũng trong túi áo của Ngoại xuất hiện những thứ phi vật thể, hoặc cũng là vật thể đấy nhưng đã hóa thân thành những ý niệm trừu tượng:
    có tình thương trăm tuổi
    có ruộng lúa trổ đòng
    có dòng sữa cộng thông
    có cua đồng rang muối
    có đòn bánh tét chuối
    có kỷ niệm tuổi thơ
    có cuộc đời đang chờ
    có kiếp sau, kiếp trước
    ...
    trong túi áo của Ngoại
    có chịu đựng, đắng cay
    có lam lũ từng ngày
    có thênh thang mạch sống...

    Thật là một tuyệt tác. Một bài thơ có thể gom hết vào trong lòng nó thời thơ ấu của tất cả những đứa trẻ Việt Nam, hoặc nếu tôi không lầm, của tất cả những đứa trẻ của thế giới nữa. Mênh mông, chan chứa. Một con người mà có một cái túi áo bà ngoại như thế khi nó còn thơ ấu, thì nó chắc chắn sẽ thành người. Vì trong đó có quá khứ, có tương lai, và có tình thương vô hạn để nối kết quá khứ và tương lai.

    Chúng ta thấy càng lúc càng rõ, là tác giả có khuynh hướng trừu tượng hóa, tổng quát hóa các đề tài của mình. Từ một sự việc nhỏ nhoi, riêng tư rất dễ dàng tiến tới một tầm mức bao quát, trong đó chứa đựng có thể là một ý niệm triết học, hoặc một cái gì chung cho mọi người. Đó là con đường từ cảm xúc thơ ca dần đi đến vùng lý trí, nặng chất trí tuệ. Và đó cũng là đặc tính dẫn tác giả đến những vấn đề lớn trong thời đại của mình mà chính mình đã gặp, đã sống, đã chứng kiến, và đã đau khổ bất an.

    Sinh ra đúng vào thời điểm khởi sự của một thế hệ gọi là hòa bình, nhưng lớn lên trong một không khí không hòa bình. Một xã hội đầy những cảnh lạ lùng, người nông dân đang thênh thang với cánh đồng của mình bỗng phải nộp máy cày nộp đất ruộng để vô "hợp tác"; người buôn bán, người tiêu dùng bỗng thấy mình bị ngăn sông cấm chợ; con cái gia đình này được đi học, gia đình kia bị cấm; rồi khắp nơi râm rang không ngớt chuyện vượt biên với những tin tức vui buồn đi tới nơi, đi không tới, hoặc bị công an biên phòng xả súng bắn chìm... tất cả những chuyện như vậy tự nó chứa đầy tính chất bạo động trong tâm trí một cô bé thuộc thế hệ hòa bình. Mười chín năm. Ra nước ngoài cô bé không thể rời cái quá khứ đầy ám ảnh ấy nữa, và càng có học vấn, cô càng thấy rõ nhiều vấn đề hơn để tiếp tục thao thức, phẫn nộ, đau đớn tạo thành một tâm trạng không thể bình an, và từ đó, những vần thơ đầy khắc khoải.

    "Văn tế thập loại thuyền nhân" là một sáng tạo đặc biệt của Trang Đài. Sáng tạo trước hết ở chỗ nhại chữ của Nguyễn Du, từ bài Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh của cụ, từ đó gây một liên tưởng mạnh.
    ba thập niên trôi qua
    đời rẽ sang thế kỷ
    tưởng niệm thuyền nhân xưa
    cùng xếp thuyền tâm ý

    thuyền này gửi em bé
    không thân nhân mẹ cha
    thuyền này gửi bạn bè
    tình nguyện giúp trại xa

    thuyền này gửi đại dương
    ôm xác thân đồng loại
    thuyền này gửi tang thương
    bão lòng giăng trăm mối

    thuyền nối tình phu phụ
    quê mẹ với ngàn khơi
    thuyền chắp tình huynh đệ
    gặp nhau giữa biển trời
    ...
    Bài văn tế khởi đi như thế. Với dòng thơ như là một ngợi ca chứ không phải văn tế, nhất là viết cho mười loại chúng sinh khổ đau nhất của Nguyễn Du. Với họng súng của công an biên phòng, với bão tố trên biển, với hải tặc gây bao tội ác... nửa triệu người Việt Nam đã vùi thây trong lòng biển, đó mới là loại chúng sinh chịu khổ nạn lớn lao nhất trong 25 năm chót của thế kỷ 20. Tác giả Trang Đài viết văn tế cho cả một chương sử bi tráng có tên là "vượt biên", nhưng không với kể lể các chi tiết thảm thương trong vô vàn thảm cảnh của vượt biên (như cụ Nguyễn Du đã làm đối với các loại chúng sinh khốn khổ của thời cụ), mà như cố gắng tìm cho ra ý nghĩa lớn lao của hành động vượt thoát cảnh tù ngục. Trang Đài nói lên cái khía cạnh tích cực của sự lựa chọn tìm tự do hơn là than vãn cho những rủi ro, dù chính những cảnh không may đầy thương cảm đã tô đậm, rất đậm, cho ý chí khao khát tự do này.
    thuyền đong niềm hy vọng
    mẹ già ngóng tin con
    thuyền chứa chan ý chí
    chung vai dù sống, còn

    thuyền ra khơi trong đêm
    đón đưa bình minh lại
    đêm - chôn dầu vượt biển
    ngày - đào được thới lai

    thuyền thiết tha nhân bản
    quyết liệt tìm tự do
    hành trình trăm nguy khổ
    sống chết nào đắn đo
    ...
    thuyền cho tình nhân loại
    thuyền cho nỗi đắng cay
    thuyền cho mùa hy vọng
    thuyền cho một ngày mai

    thuyền cho cha cho mẹ
    dù đã đến, hay đi
    thuyền cho anh cho chị
    dù sinh ký, tử quy

    Đây không phải là văn tế kể khổ, mà là văn tế vinh danh, đi tìm những ý nghĩa cao xa nhất, ở một tầm cỡ nhân loại nhất cho trang sử thuyền nhân Việt Nam. Có những vần thơ như thế này, thì sá chi những hành động hèn kém của nhà cầm quyền cộng sản Hà Nội đi vận động các nước Đông Nam Á đập các bia tưởng niệm những thuyền nhân đã chết tại Nam Dương, tại Mã Lai? Tầm nhìn của họ chỉ với tới những tấm bia bằng gạch và xi măng, làm sao họ đập được những tấm bia miệng đầy hào khí tự do như bài Văn Tế Thập Loại Thuyền Nhân này? Dù có tên là văn tế, thực chất nó là một bản hùng ca, ngợi ca tinh thần yêu chuộng tự do của con người.

    Năm 2005, nhạc sĩ Lê Văn Khoa đã hoàn tất việc thu âm và phát hành bản Giao Hưởng 1975 (1975 Symphony) của ông, trong đó cũng có một đoạn mô tả sự kiện vượt biển đi tìm tự do của người Việt Nam sau 1975. Người viết bài này đã được nghe đĩa nhạc ấy vào thời điểm phát hành và đã ghi lại một số cảm nhận của mình, nay xin trình bày lại dưới đây như một đồng thanh tương ứng với bài thơ cùng chủ đề của Trang Đài:
    "Họ đi đâu? Phần lớn họ đi ra biển, tìm đường đến với thế giới bên ngoài. Và hàng triệu người đã ra đi, nhắm mắt gởi thân phận mình cho đại dương có thể rất hiền từ mà cũng có thể rất hung tợn. Cả một lớp người ra đi này đã tạo nên một khúc bi tráng ca độc nhất vô nhị trong lịch sử Việt Nam, nói cho loài người từ thiên cổ cho đến ngàn sau rằng con người chỉ có thể sống đầy đủ với tư cách một con người nếu họ được tự do. Trong cuộc đi tìm tự do vĩ đại này, dân tộc chúng ta đã trả một cái giá không phải là nhỏ: khoảng nửa triệu người đã chìm sâu dưới lòng đại dương trước khi họ thấy bến bờ tự do. Phải nghe hành âm số 6 “Trên Biển Cả” để sống với tất cả nỗi khủng khiếp này, để thấy thân phận nhỏ nhoi của con người trước sự gào thét của sóng gió biển khơi, nhưng đồng thời Lê Văn Khoa cũng cho chúng ta một cảm giác rất lạ lùng trong hành âm này, đó là sự vươn lên của ý chí, càng bị vùi dập thì con người càng mạnh mẽ, chúng ta sẽ rõ ràng nghe được sự hùng tráng vẫn tiềm ẩn trong tự thâm tâm chúng ta, và nó đã được khơi dậy, khiến chúng ta hào hứng, chúng ta đầy niềm tin vào mình, vào đồng bào của mình và vào nhân loại, và chúng ta sẽ chảy nước mắt trong nỗi hân hoan bí ẩn ấy, nó bỗng dưng xuất hiện giữa cảnh những chiếc thuyền bé nhỏ đang nghiêng ngả giữa sóng gió vô tình của biển cả. Lê Văn Khoa với dòng nhạc của ông trong hành âm 6 đã gợi được sự tự hào ấy nơi con người, con người đầy sức mạnh có thể làm chủ lấy mình giữa thiên nhiên và giữa xã hội, dù phải trải qua nghịch cảnh cho tới đâu."

    Thế kỷ 20 chấm dứt, cũng khép lại khổ nạn thuyền nhân. Nhưng đối với nhà thơ Trang Đài khổ nạn lại chuyển qua cho một "chúng sinh" khác. Đó là người phụ nữ. Không, phải nói phái nữ mới đúng, vì nạn nhân bao trùm phái này, từ nhỏ đến lớn. Nạn buôn người, với đủ loại hình thức, đủ thứ ngụy trang. Với rõ ràng có bảo kê của tập đoàn cai trị đất nước. Buôn là vì tiền, thế thôi, bất kể "tài nguyên" đem ra buôn bán là thứ gì, miễn là có tiền, tiền, tiền... Với sự phẫn nộ rất sâu xa, Trang Đài đã viết một bài thơ dữ dội, với một tựa đề huỵch toẹt, sỗ sàng: đô-hộ-âm-đạo.
    công nghệ mua dâm
    đã vạc hết nạc ở đông Âu, ở Thái, ở Phi,
    và ở tất tần tật những "đệ tam quốc gia"
    và đây, Việt Nam, miền đất mới
    độc lập, tự do, hạnh phúc!
    tự do khủng,
    rất hoàn cảnh,
    nên bạn có thể vô tư lấy trinh của một đứa bé lên ba
    (để mua vui hay xả xui như vị Đảng viên cấp cao kia)
    có thể cưới bốn (hoặc nhiều hơn) cô vợ còn trinh ở tuổi vị thành niên cùng một lúc
    và có thể thản nhiên hiếp dâm hàng loạt nữ sinh trung học
    mà vẫn nghênh nghênh giữ chức Hiệu Trưởng.
    từ trên đe dưới búa của phong kiến và đô hộ
    đến dưới búa trên đe của Đảng và áp lực hiện đại hóa
    đô hộ âm đạo
    đó là cách giết chết một dân tộc nhanh nhất
    một cách bỉ nhục nhất
    một cách rốt ráo nhất

    Không có tình thương, không thiết tha với dân tộc làm sao có những lời phẫn nộ như thế? Ở đâu cũng vậy, phụ nữ là người mẹ của dân tộc. Sao mà nỡ đem ra buôn bán như thế, dày xéo như thế, còn gì là phẩm giá, còn gì là tương lai của dân tộc nữa? Một lần nữa, trước một hiện tượng xã hội suy đồi, Trang Đài có cái nhìn vượt khỏi thảm cảnh trước mắt, để cố vươn tới những hậu quả lâu dài về sau. Đó là trí tuệ. Trí tuệ ẩn trong ngôn ngữ thơ biến thành những đường gươm vẫn diễm ảo nhưng đầy thần lực và sức công phá. Ít ra công phá sự thờ ơ của chúng ta, người Việt Nam, trước viễn cảnh suy đồi cho chính dân tộc mình. Trong cái thời đại mà nhà cầm quyền cộng sản suốt mấy thập niên kêu gào một thứ đạo đức, gọi là "đạo đức Hồ Chí Minh".

    Tác giả chỉ vào độ bốn mươi, mới ở giữa bước đường đời. Và trong nửa đó lại chia đôi ra, một nửa ở Việt Nam, một nửa ở Hoa Kỳ. Có phải nhờ thế mà sức nhận thức và phản kháng của cô mới mẻ và nhiều trí tuệ, mà tâm thức của cô còn đầy thao thức về những thực tế đau đớn của đất nước cô? Qua thi ca, chúng ta nhìn thấy nơi cô là một di dân với một tâm hồn không bình yên. Trong một số bài, cô đã đưa ra những chủ đề lớn. Nhưng sẽ không đầy đủ, nếu không nói về những bài thơ khác, "nhỏ" và gần gũi hơn. Tình yêu chẳng hạn
    cây trong vườn bú mớm tháng Giêng căng
    người nhả ý giấy mềm tung sóng nhạc
    em giương buồm giữa đại dương rạo rực

    Đúng với nhan đề bài thơ, "Yêu và Thở", tình yêu hóa thân vào chính sự sống, và tôi không thể tìm câu nào hay hơn "em giương buồm giữa đại dương rạo rực" để diễn tả tâm trạng người con gái đang ngây ngất trong tình yêu. Tất cả sự thực đã nằm hết trong đại dương ấy rồi, khỏi phải tìm tới một vùng nào khác để giải thích, để triết lý... tất cả đều không cần thiết nữa. Vì:
    người chầm chậm lên núi đôi ngửng mặt
    thanh gươm ngà khua đập đất phù sa
    em kéo trục cho đất bằng đón giống
    để người gieo ruộng sấp nước trăng ngà

    Với tư cách người nữ, tác giả đã ý thức sâu xa ý nghĩa tột đỉnh trong tình yêu của mình, và đã đưa ra hình ảnh gieo trồng trên một mảnh ruộng để diễn đạt ái tình, hình tượng muôn đời của sự sinh sôi, nuôi nấng, phồn thực.

    Trong một bài khác tôi rất thích cái nhìn của tác giả về thành phố Nữu Ước vì rất gần gũi cảm giác của tôi về thành phố đó:
    Nữu Ước, Nữu Ước
    Ồn ào, mà khoan thai,
    Náo nhiệt, mà không hối hả.
    ...
    Xe phóng như tên
    Người đông như kiến

    Họ có khả năng tập trung cao độ
    Để giữa ồn ào vẫn có thể nói chuyện với nhau
    Vẫn đọc sách
    Vẫn nghe nhạc
    Vẫn học bài
    Vẫn đánh đàn
    Vẫn thản nhiên
    Vẫn hôn nhau
    Vẫn ân ái
    Vẫn làm mẹ, làm cha.

    Náo động. Khoảng riêng.
    Giữa phố. Một mình.
    Biển người. Thong dong.

    Quả thật, thoạt tiên đến với New York tôi thấy nó quá lớn đến nỗi tôi tưởng đó như là một cỗ máy khổng lồ, với một cách vận hành vô cảm. Nhưng khi đã ở với nó và hiểu nó thì lại khám phá ra đó là một nơi rất người, một cuộc sống lớn lao, đầy kích động, nhiều màu sắc, lại rất hòa hợp, thật là một nơi mà các đặc tính nhân văn cao ít nơi nào sánh bằng. Các vần thơ của Trang Đài về thành phố này tôi thấy ngầm một vẻ ngạc nhiên thán phục về từng cá nhân con người không những không bị nghiền nát trong cỗ máy vô hồn, trái lại họ hiện diện như từng cá thể rất riêng tư, và cùng nhau góp lại để làm thành cái vĩ đại này.

    *

    Theo lối nói của cộng đồng người Việt Nam di dân tại Mỹ thì tác giả Trang Đài thuộc thế hệ thứ hai. Thế hệ thứ nhất đang tàn lụi, thế hệ thứ hai đã trưởng thành và đang trong quá trình thay thế hệ thứ nhất. Người ta đang chờ đợi một cách hồi hộp để xem rồi ra bộ mặt của cộng đồng Việt Nam di dân sẽ ra sao, nghĩa là có giữ được bản sắc và những vấn đề quan tâm của thế hệ trước hay không.

    Nếu nhìn quan cảnh của Little Saigon ở Nam California hay những nơi tập trung đông đảo người Việt như San Jose, Houston, tại Pháp, tại Đức, tại Ba Lan hoặc Sydney, Melbourne... bên Úc thì thấy đời sống của người Việt hải ngoại ngày càng phồn thịnh, công cuộc làm ăn đã trở nên có nề nếp và vững chắc, các sinh hoạt văn hóa đang dần dần được khẳng định như một truyền thống mới nơi đất tị nạn. Sự hiện diện của thế hệ thứ nhất cộng thêm thế hệ một rưỡi vẫn còn mạnh mẽ, vì thế sắc thái của cộng đồng chưa có gì thay đổi sau bốn thập niên thành lập. Nhưng ai cũng nhận ra sự thay thế của thế hệ thứ hai đã bắt đầu. Thế hệ này hầu như hoàn toàn lớn lên và học hành tại các nước sở tại, trong một tương lai gần dù muốn dù không sự thay thế này cũng sẽ mang đến ít hoặc nhiều thay đổi, nếu không về cung cách làm ăn thì cũng về các tư tưởng chính trị, xã hội, tập quán, và nhất là ngôn ngữ.

    Dường như đã ý thức phần nào trách nhiệm của lớp người thứ hai, Trang Đài đã viết "Tuyên ngôn tự bạch" về thế giới Việt hải ngoại. Một cách tự định nghĩa chính mình:
    chúng tôi là công nhân ngoại quốc
    cô dâu ngoại quốc
    vú em ngoại quốc
    sinh viên du học
    thường trú nhân ngoại quốc
    ngoại kiều
    những cơ thể ngoại quốc
    tại nhà
    trên những miền đất lạ chúng tôi gọi là nhà
    ...
    chúng tôi là người ngoại quốc
    ngay trong sân nhà mình
    cố tìm hiểu xem
    mình đã đến từ đâu
    và đang đi về đâu
    trong khi cả thế giới
    vẫn không ngừng xoay, dịch, trao đổi con người và kinh nghiệm
    chúng tôi là ngoại kiều
    ở bất cứ nơi nào

    Có lẽ đây là lần đầu tiên có một bài thơ "tuyên ngôn" cho tập thể người Việt Nam ra đi định cư trên thế giới, định nghĩa họ, mô tả họ. Có lẽ cách diễn đạt có hơi cay đắng, nhưng biết sao, nguyên cái việc phải đi ở nhờ khắp nơi tự nó đã là cay đắng rồi! Nhưng rồi mọi việc sẽ là bình thường với một nhận định rất là thông minh và trí tuệ:
    chúng tôi, giống như tất cả mọi người khác, là khách trên mặt đất và ở một nơi nhất định, người này đã làm khách lâu đời hơn người kia

    Thế thôi, có gì lạ, mặt đất này là của chung, từ nghìn xưa đã chứng kiến biết bao dời đổi của các sắc dân từ vùng này qua vùng khác, với muôn vàn lý do khác nhau. Nếu ngày nay người Việt Nam có qua sinh sống tại Mỹ thì chẳng qua chỉ sau những đợt người đến đầu tiên để thành lập nên quốc gia này độ vài ba trăm năm thôi!

    Trong cách nhìn đó thì tập Thơ Bốn Mươi của Trang Đài về lâu về dài sẽ là một bản lề giữa hai sắc thái cũ và mới của cộng đồng Việt tại hải ngoại. Thuộc thế hệ thứ hai nhưng Trang Đài do may mắn của hoàn cảnh và do nỗ lực không ngừng của bản thân, vẫn giữ vững tiếng Việt, nhất là có khả năng làm thơ bằng tiếng Việt. Đó là một trường hợp có lẽ hiếm hoi trong thế hệ thứ hai, phần lớn sinh tại nước ngoài hoặc đến nước ngoài khi còn rất nhỏ. Một số đáng kể trong lớp người này đã sáng tác bằng ngôn ngữ của nước mình đang sống, thường là tiếng Anh hoặc tiếng Pháp. Cảm xúc, cảm hứng, nhận thức v.v... của họ dù có khả năng viết bằng tiếng mẹ đẻ hay không, có thể không khác nhau nhiều, nhưng một tập thơ bằng tiếng Việt của một người thuộc lớp tuổi này vẫn là điều đặc biệt trong thế giới chữ nghĩa của cộng đồng chúng ta. Khả năng vận dụng ngôn ngữ trong thi ca của Trang Đài rất tinh tế, vốn liếng tình cảm đối với quê mẹ của cô còn tràn đầy, nhận thức các vấn nạn liên quan đến thời đại của cô lại rất sắc sảo, thông minh. Chúng ta đón nhận tập thơ này như một tác phẩm hiếm và quý thuộc thế hệ di dân thứ hai, nó rất xứng đáng để được coi là một tập thơ có tầm vóc, đóng vai trò như một biên bản của cuộc bàn giao không văn tự giữa thế hệ thứ nhất và thế hệ thứ hai trong cộng đồng di dân người Việt tại hải ngoại.



    Phạm Xuân Đài
    Nguồn : Diễn Đàn Thế Kỷ


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X