Thông báo

Collapse
No announcement yet.

NHà Thơ Ngô Tịnh Yên

Collapse
X

NHà Thơ Ngô Tịnh Yên

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • NHà Thơ Ngô Tịnh Yên

    Nhà thơ Ngô Tịnh Yên
    Mặc Lâm


    Ngô Tịnh Yên tên thật là Ngô Thị Tuyết Trinh nguyên quán Gia Định Sài Gòn,. hiện đang định cư tại California. Ngô Tịnh Yên làm thơ khá sớm và đã có nhiều tác phẩm ra đời trong thập niên 90.


    Đồng hương tham dự buổi ra mắt sách " Chiều Nếu Có Yêu Tôi" do nhà thơ Ngô Tịnh Yên tổ chức.


    Tác phẩm đầu tiên được xuất bản năm 1989 mang tên Ngũ Long Công Chúa, viết về lứa tuổi học trò. Ba tác phẩm thơ liên tiếp xuất bản sau đó là “Ở nơi nào cũng có, năm 1993. Lãng mạn năm 2000, 1996 và Lục bát khỏa thân, xuất bản năm 2001. Tác phẩm sẽ ra mắt trong hai tháng tới mang tên Ký sự Cam Bốt: Thiên thần trong địa ngục, viết về những mảnh đời trôi dạt của các bé gái người Việt tại Cambodia bằng đôi mắt thật của mình.

    Bolsa và người Việt tỵ nạn

    Ngô Tịnh Yên cộng tác với rất nhiều nhật báo và tạp chí tại Little Saigon, miền nam California.



    Bolsa mưa ít, nắng nhiều

    Buổi sáng tổ quốc, buổi chiều quê hương

    Bolsa cũng rán tròn vuông

    Vương thì tội mà đi thương thế nào



    Những người làm thơ đều biết, nhiều khi đang ngủ giật mình thức dậy chạy ra đi kiếm cho được cây viết để viết xuống bài thơ vừa nghĩ ra…nhưng cũng có khi cả năm không làm được bài thơ nào!

    Nhà thơ Ngô Tịnh Yên

    Ngô Tịnh Yên vừa cho chúng ta biết địa chỉ hiện tại của người thơ nương náu. Nơi cách xa địa chỉ thật của nhà thơ một bờ đại dương, một nơi mà hai chữ Bolsa hình như chỉ viết riêng cho người Việt và sau hơn ba mươi năm, Bolsa đã trở nghiễm nhiên trở thành Việt ngữ.

    Tại sao lại “buổi sáng tổ quốc mà lại buổi chiều quê hương”?

    Chỉ một câu ngắn, Ngô Tịnh Yên kể lại cho chúng ta nghe cả một chuyện dài về người tỵ nạn. Câu chuyện bắt đầu từ khi những nhóm người Việt đầu tiên từ nhiều tiểu bang tụ về trên con đường Bolsa, lúc ấy còn heo hút giữa cộng đồng nhỏ bé của người Mỹ gốc Mễ Tây Cơ. Những người Việt đầu tiên ấy đến đây tụ tập lại trong cùng một hoàn cảnh duy nhất lúc bấy giờ. Trong những buổi sáng nhớ mong về Việt Nam ấy, lá cờ tổ quốc bay phất phới trong trí nhớ đã gom họ ngồi lại nhắc nhớ lại những ký ức của một đất nước nay đã trở thành lịch sử. Và buổi chiều, sau khi tứ tán kiếm ăn, những cánh chim mệt mỏi trở về nhà quây quần bên mâm cơm Việt. Những món ăn quê hương không thể thiếu trên bàn ăn của họ, trong đó chai nước mắm là bạn đồng hành thủy chung không hề vắng mặt. Buổi sáng cờ bay hướng về tổ quốc và buổi chiều hương vị quê nhà đã làm người xa xứ gần gũi với quê hương hơn. Câu thơ ngắn, vẽ lại một thời khó khăn đầy nước mắt của người Việt nơi đất khách quê người.



    Bolsa túi đựng vàng thau

    Trắng đen lẫn lộn nói đâu thành lời

    Bolsa bùng nổ một thời

    Giọng ca Tuấn Vũ, tuyệt vời Linda



    Những tranh cãi chính trị không làm mờ đi hiện tượng tranh sống của người dân Bolsa. Trắng đen thời nào mà lại chẳng lẫn lộn, nhưng Bolsa có một thứ không hề trùng lắp với bất cứ thành phố nào có người Việt định cư trên khắp thế giới: đó là giọng ca Tuấn Vũ và nét thanh tú tuyệt vời của Linda Trang Đài. Tuấn Vũ là hiện tượng của người xa xứ từ những bài hát trước và sau 30 tháng 4 và nhân vật này trở thành huyền thoại. Giọng hát buồn bã, nghẹn ứ và đặc sệt tố chất địa phương của anh đã đi vào trái tim hàng triệu người. Bên cạnh những tác phẩm Bolero mang theo từ trong nước, nhiều bài hát mới diễn tả tâm trạng của những đêm chôn dầu vượt biển hay những bồi hồi tự hỏi biết bao giờ trở lại Việt Nam do anh thể hiện đã làm nét đặc sắc Bolsa trở nên dấu ấn.

    Nhà thơ Nguyên Sa có lẽ là người yêu Tuấn Vũ nhất. Ông có những kỷ niệm ngọt ngào đối Tuấn Vũ và không ngại ngần gì khi viết những câu khen tặng hết lời chàng trai này. Ngô Tịnh Yên cũng có duyên với nhà thơ Nguyên Sa khi những ngày đầu tiếp xúc với ông. Lục bát của Ngô Tịnh Yên đã làm Nguyên Sa chú ý và từ đó cô trở thành thân thiết với nhà thơ hơn:

    “Nguyên Sa cũng là tình cờ hạnh ngộ của Ngô Tịnh Yên. Không phải là giúp nhưng ông khuyến khích rất nhiều. Không hiểu sao ông đồng cảm với lục bát của Ngô Tịnh Yên như vậy. Thơ lục bát của ông rất là í,t ông chuyên về tự do. Ông không thể giải thích tại sao ông nhìn được dòng thơ lục bát của Ngô Tịnh Yên mà ông đồng cảm. Những câu thơ nào dở ông thẳng tay bảo bỏ đi chứ không bao dung chút xíu nào hết. Ngô Tịnh Yên rất may mắn, tập thơ Lãng mạn năm 2000 của mình được ông khuyến khích, xem và viết lời tựa. Đó là lời tựa cuối cùng trước khi ông qua đời.”



    Gió đem sợi tóc chẻ hai

    Mưa chẻ những giọt ngắn dài vấn vương

    Tình yêu chẻ những vết thương

    Biệt ly chẻ những con đường lá bay

    Hoa hồng chẻ mấy nhánh gai

    Đường ngôi chẻ một, bàn tay chẻ mười

    Con sông chẻ sóng bồi hồi

    Nỗi buồn chẻ nhỏ, nỗi vui chẻ ngàn

    Củi ngo còn dóm bếp than

    Lòng tôi ai chẻ những tàn tro bay?



    Có lẽ Nguyên Sa thích thú lục bát Ngô Tịnh Yên qua bài thơ “Lòng tôi ai chẻ những tàn tro bay” này chăng? Quả thật, không thể không ngạc nhiên khi Ngô Tịnh Yên sử dụng chỉ một từ “chẻ” bình thường trở thành tiếng xé lụa trong thi ca. Tịnh Yên chẻ những thứ không thể chẻ trong đời sống nhưng có thể chẻ vụn tâm hồn con người. Nỗi buồn chẻ nhỏ thì càng buồn thêm và cõi lòng nếu chẻ ra được thì ai cấm tàn tro không trở thành ám ảnh?

    Nét ca dao trong thơ lục bát

    Nhưng không phải thơ Ngô Tịnh Yên lúc nào cũng đằng đẵng như thế. Dòng lục bát của chị đôi khi trở thành ca dao, một thứ ca dao của người thành phố biết làm thơ và biết nghĩ ngợi về nó. Nét ca dao trong thơ Ngô Tịnh Yên tuy không thoát hẳn ra để đứng riêng như những nhà thơ lớn, nhưng thành thật mà nói, khi đọc lục bát Ngô Tịnh Yên, người nghe không cảm thấy bị xúc phạm vì thần tượng Nguyễn Du của mình bị người khác lem luốc.



    Tôi buồn, buồn sững - buồn câm

    Trăng không đốt nến sao trầm hương bay?

    Tôi buồn, buồn đắng - buồn cay

    Đường không ngăn ngõ nhưng dài lối đi

    Tôi buồn, buồn lạ - buồn kỳ

    Không ai trăn trối sao đi chẳng đành?

    Tôi buồn, buồn quẩn - buồn quanh

    Buồn da buồn diết buồn thanh thoát đời

    Tôi buồn, buồn đất - buồn trời

    Mành se chẳng đặng tiếc thời chiêm bao.



    Buồn đến như thế thì chỉ có ca dao mới diễn tả nổi. Thì ra, nhà thơ của chúng ta rất tinh tế khi mượn ca dao để làm tình làm tội nỗi buồn của mình. Chưa hết, trong một bài thơ khác, Ngô Tịnh Yên đã rất cứng tay không ngần ngại dùng hồn vía ca dao để dẫn người đọc về một vùng quê nào đó nơi đồng bằng sông Cửu để hò hát cùng nhà thơ trong những mùa gặt đầy trăng.



    Cho tôi mượn đỡ cái vai

    Mốt mai xin trả lại ngày bình yên

    Cho tôi mượn đỡ trái tim

    Mai mốt thề trả lại đêm ngọt ngào

    Cho tôi mượn đỡ tình đầu

    Rồi đây trả lại tình sau gấp mười

    Cho tôi mượn đỡ nụ cười

    Biết đâu hạnh phúc trả - lời gấp đôi

    Bằng không cho mượn thì thôi!

    Đừng nên điều tiếng mà tôi đau lòng



    Những người làm thơ đều biết, nhiều khi đang ngủ giật mình thức dậy chạy ra đi kiếm cho được cây viết để viết xuống bài thơ vừa nghĩ ra…nhưng cũng có khi cả năm không làm được bài thơ nào!



    Đêm đêm ghì lấy ngực mình

    Cho hồn vỡ nát những thành quách ma

    Đêm đêm u uẩn trăng tà

    Bóng rơi khỏi vách hình là đà bay

    Đêm đêm tôi thấy tôi gầy…



    Rất thật thà, Ngô Tịnh Yên hỏi lớn: Khi người yêu lấy vợ thì sao? Câu hỏi này cũng được chính người đặt ra là kẻ thất tình mang tên Ngô Tịnh Yên xéo xắt:



    Người yêu lấy vợ thì sao?

    Làm chim ô thước bắc cầu nhân duyên

    Hay thành một cánh rong mềm

    Nương con sóng hận đỡ thuyền anh xuôi

    Thôi tặng anh một nụ cười

    Cho anh tử tế với người mai sau

    Gởi anh đôi chiếu buồng cau,

    Đôi chăn anh đắp, đôi sầu em đeo

    Mùa thu một chiếc khăn thêu

    Hai con loan phượng sớm chiều có nhau

    Có thêm chùm bông giấy màu

    Rắc lên chú rể cô dâu chúc mừng

    Còn đây một phong pháo hồng

    Nổ tung nước mắt, nổ tung tim mình

    Dù tặng gì nữa hỡi anh!

    Cũng không dấu được tan tành lòng em.



    Thi sĩ có lẽ là thành phần thắc mắc với cái chết nhiều nhất. Cái chết là đề tài không thể không nói tới vì những kinh nghiệm của con người đối với nó là con số không. Cái chết luôn làm trí tò mò bừng tỉnh và từ đó thi sĩ nhìn cái chết như một gạch nối giữa thực và ảo, vận động và tĩnh lặng. Tĩnh lặng chiêm nghiệm là tĩnh lặng tuyệt đối. Ngô Tịnh Yên cũng nói về cái chết, nhưng chị lại muốn chết thử vài khoảnh khắc để nghe biến động trong giấc sống khác nhau với thiên thu như thế nào. Trong bài “Chiều Tang Nghi Quán”, Tịnh Yên thử nghiệm trò chơi giả chết một cách tỉnh táo. Giả chết để trầm tư cái sống.



    Tôi nằm chết thử nửa giờ

    Nghe ba mươi phút bỗng ngơ ngẩn dài

    Tôi nằm chết thử một giây

    Nghe sáu mươi khắc mà thay đổi lòng

    Tôi nằm chết thử một hôm

    Nghe hăm bốn tiếng không còn một ai

    Tôi nằm chết thử nào hay

    Chiều tang nghi quán lạnh dài khói hương

    Lặn lội tới tận Cambodia

    Ngô Tịnh Yên không những làm thơ nhiều nhưng chị còn có những hoạt động khác trong lĩnh vực báo chí. Tác phẩm sắp ra mắt của chị mang tên “Ký sự Cam Bốt: Thiên thần trong địa ngục” có thể làm nhiều người ngạc nhiên vì nó mang đậm tính nhân bản của người nghệ sĩ. Lặn lội tới tận Cambodia để viết những trang ký sự không phải là điều mà tác giả nào cũng làm được. Ngô Tịnh Yên làm được vì chị có sự chia sẻ sâu sắc với những bé gái cùng nói tiếng nói của chị, tiếng nói Việt Nam.

    Sau khi xem cuốn phim Holy của Holywood làm nói về một cô bé Việt Nam 12 tuổi bị bán qua một cái động mãi dâm ở Cambodia thì Ngô Tịnh Yên rất xúc động. Sau đó Ngô Tịnh Yên tự bỏ tiền túi ra để qua Cambodia để tìm hiểu cái thảm trạng của những bé gái Việt nam bị bán qua đó…

    Nhà thơ Ngô Tịnh Yên

    “Sau khi xem cuốn phim Holy của Holywood làm nói về một cô bé Việt Nam 12 tuổi bị bán qua một cái động mãi dâm ở Cambodia thì Ngô Tịnh Yên rất xúc động. Sau đó Ngô Tịnh Yên tự bỏ tiền túi ra để qua Cambodia để tìm hiểu cái thảm trạng của những bé gái Việt nam bị bán qua đó…”

    Chúng ta chờ đợi tác phẩm này như một bằng chứng về cuộc sống khi nhà thơ không thể dùng thơ của mình để nói lên hết những ngập ngụa trên thân thể trẻ thơ nay đang trở thành những thi thể biết đi. Ngô Tịnh Yên có lẽ sẽ vui hơn khi chị nhận ra ánh mắt còn chút tinh anh của những bé gái bất hạnh kia khi trực tiếp viết về nó.

    Chúng tôi cũng chờ đợi tác phẩm này nhanh chóng được in ra để giới thiệu cùng với quý vị như một chia sẻ nỗi đau của quê hương, nỗi đau khó thể lành lặn nếu thiếu những tột cùng bức bối như Ngô Tịnh Yên, một nhà thơ thực sự biết mình đang làm gì với ngòi bút của mình.

    Mặc Lâm RFA


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X