Thông báo

Collapse
No announcement yet.

Tản mạn xứ người

Collapse
X

Tản mạn xứ người

Collapse
 
  • Filter
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Tản mạn xứ người

    TẢN MẠN XỨ NGƯỜI

    AN NGUYEN
    ---oo0oo---

    Những ngày đầu tháng 7, miền Trung tây Hoa Kỳ Chicago năm nay, vẫn còn bị ảnh hưởng cái nóng khắc nghiệt hơn mọi năm. Nhất là ngồi lái xe để vượt một chặng đường dài, thì thật chẳng dễ chịu chút nào, dù máy lạnh trong xe đã được mở ở mức gấn tối đa. Cuối tuần rảnh rỗi, tôi đi thăm Chị bạn, trước đây chị là Hội trưởng trong nhóm Đồng hương Quảng Trị của chúng tôi khi còn ở quê nhà. Nhà chị ở trong Thành phố Chicago, cách nơi tôi ở, cũng gần hai giờ lái xe.

    Quanh quẩn một hồi theo hướng dẫn của máy chỉ đường, tôi tìm thấy nhà Chị đang khuất mình sau những hàng cây có bóng mát, lượng xe cộ lưu thông qua lại trước căn nhà chị, cũng trong nhịp độ bình thường, không gây nên cảnh ồn ào, náo nhiệt, và nhất là có chỗ để dễ dàng đậu xe ở phía trước, đây cũng là vấn đề nan giải cho những người ở thành phố khác đến Chicago.


    Chị cũng vừa sang định cư ở Hoa Kỳ, đoàn tụ với cô con gái, chồng chị nghe đâu trở ngại giấy tờ nên chưa qua cùng chị. Con cái Chị vừa mua nhà, và đã dọn vào nhà mới hơn hai tháng trước đây. Ngôi nhà gạch bên ngoài trông xinh xắn, phía trước lối vào có trồng những luống hoa, một thảm cỏ xanh chạy dọc theo lối đi. Bên trong, có những căn phòng gọn gàng, chứng tỏ chủ nhân và những người đang sinh hoạt trong căn nhà biết cách sắp đặt, và nhất là chăm chút sạch sẽ.

    Chị thật vui khi dẫn tôi đi tham quan một vòng trong ngôi nhà, ánh mắt và nụ cười cũng nói lên được hạnh phúc của một người Mẹ, nhìn con cái trưởng thành và thành đạt nơi xứ người xa xôi. Tôi chia với Chị niềm vui đó, và thầm khen những căn phòng vừa mới được sửa sang thật đẹp, nghe đâu do một tay nghề sáng giá trong ngành xây dựng, phải mời đến từ Tiểu bang California xa xôi, anh chàng Bạch lãng tử nầy là người Mỹ, gốc Cù Bị, Việt Nam.

    Chị qua đây, thời gian đầu chỉ biết ở nhà trông coi cháu ngoại nay đã lên 9 tuổi, cháu thật ngoan và hết sức lể phép theo truyền thống Việt Nam, cháu biết khoanh tay chào, không như những trẻ em bản xứ, chỉ biết đưa mắt nhìn khi có người lạ đến nhà chơi. Và thời gian đầu khi đến Mỹ, cũng là tháng ngày khó khăn dành cho Chị, khi phải thay đổi môi trường sống, giờ giấc sinh hoạt hằng ngày, nhất là nỗi nhớ gia đình chồng con, một nửa còn lại bên tê, phải đặt lên vai người chồng ở lại, anh chị mỗi người chấp nhận vác một nửa Hy Sinh. Chị tâm sự, nhiều đêm thao thức, Chị muốn quay về vì nhớ chồng, nhớ con, dù nay chúng đã lớn, nhưng con gái Chị ở đây, đang thật sự cần có Mẹ, cháu ngoại chị đang cần có Bà.

    Hằng ngày sau khi con cái ra khỏi nhà theo công việc, đến giờ Chị đưa cháu ngoại đến Trường, dù trường cách nhà không xa lắm, chỉ một đoạn ngắn, nhưng đây là thời gian Chị thật sự bước ra hoà nhập với xã hội bên ngoài, một chút thời gian buổi sáng đưa, và một chút buổi chiều đón. Nhìn đường sá rộng rãi, xe cộ lưu thông có trật tự, chị ngạc nhiên vì ít khi nghe được tiếng còi xe trên đường phố, âm thầm nhưng vội vã, không như âm thanh còi xe vang lên inh ỏi, quen thuộc ở quê nhà, mỗi khi chị bước ra phố chợ Bà Chiểu, nơi gia đình chị ở.

    Chị đã gặp những người bản xứ có công việc đưa rước cháu con đi học như chị, lần hồi trở thành quen mặt nhau, nhưng Chị sợ nhất là khi họ hỏi han đi xa hơn những câu chào hỏi mà con Chị đã chỉ, thật tình sao tiếng người khó quá, nói trước, quên sau, hơn nữa tính Chị hay tự ái, dù với con cái mình, Chị không muốn làm phiền khi hỏi lại nhiều lần, riết rồi Chị chỉ biết gật đầu lí nhí hai chữ “hello“ là dễ dàng nhất khi gặp người quen, và thầm cầu mong họ không hỏi thêm điều gì nữa với chị. Đôi khi họ có hỏi chị, âm thanh nghe thoáng qua như tiếng nói quê mình: “Hi! Heo ai rứa du?“ chị nghĩ vui trong đầu: Heo của ai răng hỏi tui?

    Nếu như Chị hiểu rằng ngôn ngữ quê người thật khó khăn không phải chỉ dành riêng cho Chị thời gian đầu, mà cho hầu hết với những người mới đến định cư ở xứ người trước đây.


    Ơ nhà chị chỉ biết làm bạn với TV to tướng nơi phòng khách, hình ảnh rõ ràng sắc nét, dù không hiểu gì, nhưng dù sao cũng có tiếng ồn ào, tiếng nói cười trên TV làm nỗi cô đơn một mình trong nhà của Chị được an ủi. Đồ dùng trong nhà chị thật hiện đại, đầy đủ tiện nghi với đời sống, nào là tủ lạnh chứa đầy trái cây, thức ăn, có khi cho một tuần. Nào là máy giặt, máy sấy, máy rửa chén bát, bếp lò nấu ăn, máy sưởi ấm mùa Đông, hay máy lạnh mùa Hè và còn bao nhiêu máy móc khác, chị phải học cách xử dụng một thời gian dài, lúc nhớ lúc quên. Tuy Hiện đại, nhưng chúng Hại điện không ít, cứ nhìn vào hoá đơn tính tiền mỗi tháng của con cái chị, riêng phần tiền điện, chị nhẫm tính, cũng đủ cho Gia đình chị sinh hoạt trong một tháng ở bên nhà.

    Tính Chị đảm đang, lui tới dọn dẹp, hết cái nầy, đến cái khác, những công việc không tên, không bắt buộc phải làm, nhưng thương con cháu, chị làm trong tinh thần tự nguyện, nhiều khi con cái biết, đề nghị chị nghỉ ngơi, nhưng chị nghĩ ngồi không lại buồn hơn, vì đảm đang lại là bản chất của chị có từ thuở thiếu thời, học được từ Mẹ, trong một gia đình đông chị em nơi Xóm Chuối, Quảng Trị ngày xưa.

    Xóm giềng xung quanh nơi chị ở, cũng để lại trong chị những thắc mắc buổi ban đầu đến Mỹ. Răng nhà nào, nhà nấy ngày ngày cửa đóng im lìm, không chạy qua, chạy lại với nhau như ở quê nhà. Cái câu “Bà con xa không bằng láng giềng gần“ chắc không có cơ hội thể hiện ở đây. Thỉnh thoảng lắm, chị mới thấy ông bà Mỹ hàng xóm, chiều chiều ngồi hóng gió sau vườn, con cái họ chẳng thấy đâu, như con rể chị giải thích ‘‘Mạ ơi! con cái bên ni, lên 18 tuổi là chúng đã tự lập rồi, cha mẹ không còn phải lo nữa“. Như rứa là khác bên quê mình, chị tự nghĩ, con cái già rồi mà cha mẹ vẫn lo và lo cho đến khi về với ông bà thì mớ dứt bổn phận làm cha mẹ. Chị nghĩ đến đứa cháu ngoại trong nhà, sinh ra và lớn lên ở xứ người, không biết rồi mai đây sẽ ra răng?

    Niềm vui hiếm hoi của chị là khi nhận những điện thoại của người thân ở những tiểu bang khác gọi đến thăm hỏi, của người em dâu dễ thương của chị ở California gọi qua hỏi thăm, những đức cháu luôn ngỏ lời mời cô có dịp sang chơi, hay của con gái chị và hai đứa em đang định cư ở Đức. Đây cũng là dịp để Chị trút những buồn vui góp nhặt nơi xứ người, những trăn trở của người mới qua, những thắc mắc trong cuộc sống hiện tại, chị thèm những giây phút sẻ chia nầy… Nhưng Chị lại rất sợ và vội vàng cúp máy điện thoại khi đầu giây bên kia, một tiếng nói lạ lẫm của người bản xứ, bị lộn số hay những quảng cáo rao vặt gọi đến mà chị không hiểu họ nói gì.

    Để qua những thời gian rảnh rỗi ban đầu, Chị đem sở học làm bánh của những ngày còn ở quê nhà ra để giết thời gian, khi con cái Chị đi làm, thằng cháu Ngoại đến Trường. Chị biết làm những thứ bánh như Bánh bột lọc trần hay gói lá, bánh đúc hay bánh bèo. Bánh chị làm ăn rất ngon, nhìn Chị sắp xếp những bánh bèo trong dĩa, khéo tay, gọn gàng chưa ăn đã thấy thèm. Nhờ vậy một số bạn bè con cái Chị cuối tuần đến nhà chơi, được Chị mời, họ ăn và đã giới thiệu cho người thân quen. Họ muốn đặt Chị làm bánh trong những ngày cuối tuần có tiệc nhỏ của gia đình, có lẽ nhiều người trong họ muốn tìm lại ở xứ người những món ăn dân dã ngày xưa ở quê nhà, thay vào những thịt cá đầy ắp trong tủ lạnh.


    Ở bên nầy thì tha hồ bày ra những lễ lược, như là một cơ hội để mời nhau, hôm nay tôi, mai anh, mốt người khác. Nào là Lễ Cha, Lễ Mẹ, Lễ Tình nhân, nào là Birthday của Ông Bà, Cha Mẹ, con cái, tất cả phát xuất từ những thủ tục ăn theo nơi xứ người. Nhưng trong sâu lắng, cùng cảnh ngộ xa quê, họ muốn có dịp xích lại gần nhau, thể hiện tình cảm đồng hương, đồng khói, có dịp chia sẽ với nhau công việc nơi tiệm, sở làm, nhất là các Bà có dịp ngồi lại bên nhau chuyện trò việc mua sắm, rồi giả bộ rụt rè chìa bàn tay ra như vô tình “khoe“ hột nhỏ, hột to.

    Thế là từ đó Chị có thêm một Nghề mới, dù bất đắc dĩ không tính trước, công việc làm bánh không thường mà chỉ thỉnh thoảng lúc nắng, lúc mưa, nhưng cũng lai rai, có tiền bỏ túi cho những lần con cái chở đi shopping, có tiền trang trải cho sở thích của mình, chị luôn tâm niệm “liệu cơm gắp mắm“, nhất là chị không muốn con cái phải gánh thêm phần nào khó khăn khi đã bảo lãnh chị sang đây.

    Shopping! Lúc đầu nghe lạ lắm, nhưng nay với chị lại thân quen, và chị đâu biết từ Shopping nầy đã làm cho các Bà, các cô ở Mỹ mê hoặc, có một số Bà bị nghiện “Shopping“ như nghiện “Heroin“, không Bác sĩ nào chữa được, đến nỗi họ cứ việc mua sắm áo quần, giày dép, về treo đầy trong tủ áo, mua trước, trả sau, lo gì tiền, đã có thẻ Credit Card lo, chỉ cần kéo rẹt một cái là xách về nhà mỏi tay, dù họ không có dịp mặc hết, cứ thế chồng chất ngày qua ngày, tháng qua tháng. Rồi cũng đến lúc trên thị trường xuất hiện những mẫu mã mới lôi cuốn, hấp dẫn , hàng cũ hết Model, họ lại bày ra bán Garage Sale, mua mười, bán một, thậm chí nhiều cái còn nguyên bảng giá vì “áo em chưa mặc một lần“, hay có dịp về thăm quê hương, tiếc của, họ đóng thùng mang theo về phân phát cho bà con. Cái quan niệm bất thành văn từ người nầy, truyền sang người khác, không biết bắt đầu từ đâu: “Không nợ, không ở Mỹ“ đã làm cho họ lợi dụng, vững tiến đi lên, để tiếp tục mua sắm, rồi đi “cày“ trả nợ, những ông chồng trong hoàn cảnh nầy chỉ còn việc, ôm bụng, ngữa mặt lên kêu: Trời ơi!

    Với chị, khi cuối tuần nghe con gái nói: “Me chuẩn bị con chở đi shopping“. Bao buồn phiền, cô độc trong tuần tự nhiên đội nón đi mất. Có lẽ đây là dịp vui cho chị được đến chợ người trong vùng có tên Woodfield Mall rộng lớn, nghe con chị nói, đi cả ngày cũng chưa hết cái Mall nầy. Chị được hòa nhập với những người dập dìu mua sắm. Hàng hóa, áo quần giày dép trong những gian hàng thật bắt mắt, con gái chị rất rành rẽ trong việc mua sắm, biết cách ăn diện, nghe đâu cháu cũng sắp sửa lấy bằng Đại Học Mua sắm ở quê người.

    Từ những tiệm giá rẻ cho người thu nhập thấp như: Wal - Mart, JC Penny đến những gian hàng sang hơn Macy‘s, hay Bergner‘s, và tùy theo túi tiền, tùy theo thẻ Credit Card sẵn có, tha hồ mua sắm. Từ những đồ thường dùng ít tên tuổi, đến những áo quần đồ hiệu nổi tiếng trên thị trường mua sắm như: True Religion, Banana Republic, Bebe, rồi đồng hồ đủ loại mẫu mã sang trọng Movado, túi xách Louis Vuitton, mỹ phẩm đủ loại, chị cũng choáng ngợp khi bước vào cửa hàng Victoria Secret dành riêng cho giới phụ nữ, bước vào nhìn ngắm những tiệm bán đồ trang sức, giây chuyền, bông tai, nhẫn và có những chiếc nhẫn hột xoàn giá trị cao lấp lánh, là cả một giấc mơ của nhiều người đi mua sắm. Đôi khi có những mặt hàng giảm giá đến mức không thể ngờ, ngay cả đồ trang sức cũng có khi giãm giá hơn 50%, rồi còn được “ khuyến mãi “ cho trả góp.


    Nhân viên bán hàng ở đây thật lịch sự qua nụ cười ánh mắt dành cho chị, mời chào: Hello! May I help you? Chị không hiểu và biết trả lời làm sao, thôi thì cứ cố nở ra một nụ cười với họ là xong, rồi cúi xuống trên những áo quần đầy hấp dẫn lôi cuốn. Nhiều khi ngồi mỏi lưng làm bánh một tuần, chỉ đủ trang trải cho chị một giờ Shopping cuối tuần với con gái. Nhưng chị nghĩ, cũng phải thôi, hạnh phúc nào mà không trả giá hy sinh.

    Có một điều vẫn mãi lấn cấn trong suy nghĩ, buôn bán bên ni ngộ lắm nghe, không như ở quê mình, con chị giải thích, nếu như chị đã mua món đồ nào đó mang về nhà một thời gian, ngoại trừ mua nhà, mua xe, thấy không còn thích hợp, thì cứ việc mang trả lại, thời gian được phép trả lại thường hơn một tuần, có khi cả tháng, tùy theo quy định mỗi tiệm, trả lại lấy đủ tiền không thiếu một xu. Không biết họ buôn bán kiểu nầy thì lời lỗ ra làm răng? Ra làm răng thì Chị không biết, nhưng con chị nói “đó là cách buôn bán ở Hoa kỳ “, vì khách hàng là Thượng đế. Nhu cầu ăn mặc, mua sắm xứ nầy thật rộng rãi, do đó kinh tế người ta, một ngày một đi lên.

    Hồi còn ở trong nước, Chị thường nghe người ta kháo nhau “xài sang như Mỹ “, qua đây chị đã hiểu ra phần nào câu nói đó. Ví như mua một áo đầm mới, mặc đi tham dự đám cưới hay tiệc tùng, hầu hết không ai dám mặc lại trước bạn bè lần thứ hai, ở một bưổi tiệc kế tiếp.

    Có những ngày người đặt làm bánh rất đông, Vợ chồng con gái chị đi làm về phải phụ với Mẹ, chị phải làm cho đến khuya để kịp giao bánh cho người ta ngày mai. Giao hàng đúng hẹn, cũng là cách thể hiện uy tín, để giữ mối cho lần sau. Bên nầy mọi người đều chạy theo giờ giấc, nên giờ giấc trở thành quan trọng, giờ nào việc nấy, không ai bảo ai, mổi người đều phải theo lịch làm việc riêng của mình.

    Tội nghiệp con rể của chị, nhiều khi Chị thực lòng tâm sự, đi làm về, thường gọi phone hỏi Chị có cần ghé tiệm mua thêm gì không? Và thường thì kiếm người mua bánh và gánh thêm nhiệm vụ đi giao bánh cho người đặt mua, những địa chỉ tuy cũng quanh quẩn trong thành phố, nhưng Thành phố Chicago là một trong ba thành phố xếp vào hạng rộng lớn của Hoa kỳ, nên cũng mất thời gian đi lại, mất thời gian cần nghĩ ngơi sau một ngày làm việc.

    Dù sao thì con rể Chị cũng là một người rất tốt, biết trách nhiệm gia đình, nhất là trong việc giáo dục con cái, biết thương yêu vợ con, nên cũng mong Chị được vui, mong chị có một chút thu nhập nho nhỏ, để rũng rẽng tối ngồi đếm những tờ Dollars xanh, đang thoảng thơm mùi sung sướng.

    Nhìn chị vui, vợ chồng con cháu chị cũng vui lây, với tháng ngày khởi đầu của chị nơi xứ người.


    Illinois Tháng 7 năm 2012

    AN NGUYEN
    Last edited by Phòng Trực; 10-18-2012, 09:46 AM.


Hội Quán Phi Dũng ©
Diễn Đàn Chiến Hữu & Thân Hữu Không Quân VNCH




website hit counter

Working...
X